LỜI NÓI ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài.
Hương ước là một nét văn hoá, là một hiện tượng pháp luật phổ biến
trong xã hội phong kiến Việt Nam. Hương ước xuất hiện từ thế kỷ XV và tồn
tại dai dẳng trong suốt thời gian dài đến tháng 8/1945. Sau một thời gian gián
đoạn, năm 1989, hương ước lại xuất hiện. Sự xuất hiện lại của hương ước là
một vấn đề lý thú mà giới “Dân tộc học”, “pháp luật”... nghiên cứu.
Nghiên cứu hương ước có nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, nó giúp phần tìm hiểu làng xã người Việt ở Đồng bằng Trung
du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hầu hết các làng Việt ở đây, trước Cách mạng
tháng 8 đều có hương ước. Hương ước bao gồm các quy ước về nhiều mặt về
đời sống của làng xã. Nó phản ánh quá trình hình thành, phát triển của làng xã
người Việt. Trong các nguồn tài liệu thành văn về xã hội làng Việt cổ truyền,
hương ước là nguồn tài liệu quan trọng để tìm hiểu làng Việt xưa. Hương ước
thể hiện một cách chân phương bộ mặt xã hội cổ truyền của dân tộc; đồng
thời nó là tư liệu gốc để nhận biết bức tranh văn hoá tổng hợp của làng văn
hoá người Việt. Nhất là ngày nay, khi tầng lớp người hiểu biết về làng Việt
trước Cách mạng tháng 8 đang ngày một cạn dần, thì hương ước mãi là một
nguồn tư liệu quan trọng.
Thứ hai, nghiên cứu hương ước góp phần tìm hiểu văn hoá của tộc
người Việt. Như vậy, vô hình chung, hương ước phản ánh rõ nét văn hoá dân
tộc Việt. Để phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp
giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, để phục vụ cho việc phát triển đất
nước hiện nay thì việc nghiên cứu và xử lý văn hoá làng là rất quan trọng. Do
đó, hương ước có giá trị như một tư liệu gốc.
Thứ ba, nghiên cứu hương ước, góp phần tìm hiểu lịch sử phong kiến
Việt Nam qua các triều đại. Làng Việt là một đơn vị tụ cư, nó được hình
thành rất sớm. Sau này đến thế kỷ VII (năm 622) cấp xã được thành lập.
Trong chế độ lịch sử Phong kiến Việt Nam, làng xã luôn là nỗi trăn trở của
triều đại. Hầu như các bước phát triển thăng trầm của Nhà nước Phong kiến
đều được phản ánh rất nhiều trong hương ước. Mặt khác, hương ước ra đời do
nhu cầu phát triển nội tại của các cộng đồng cư dân. Lúc đầu, Nhà nước
Phong kiến nghi ngờ. Sau đó, Nhà nước Phong kiến lợi dụng hương ước bằng
cách lồng tư tưởng Nho giáo vào trong cộng đồng làng xã. Vì vậy nghiên cứu
hương ước giúp cho chúng ta hiểu được “nắm làng”, “quản lý làng xã” của
Nhà nước Phong kiến.
Thứ tư, nghiên cứu hương ước còn góp phần chỉ ra những mặt hợp lý,
tích cực của hương ước (đứng từ góc độ pháp luật) trong việc quản lý xã hội ở
nông thôn, đồng thời còn chỉ ra được những mặt hạn chế, tiêu cực của hương
ước trong việc quản lý xã hội ở nông thôn hiện nay, nhất là việc xây dựng ý
thức pháp luật cho người nông dân và đặc biệt là xem xét, kết hợp giữa “luật”
và “tục” trong xã hội nông thôn ngày nay.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.
Khi xem xét lịch sử nghiên cứu vấn đề, chúng ta cần phải đặt hương
ước trong mối quan hệ với tổ chức làng xã người Việt; hương ước trong mối
quan hệ với phong tục người Việt; hương ước trong quan hệ giữa Nhà nước
và pháp luật.
Ba vấn đề này, từ lâu đã được các nhà nghiên cứu khoa học trong và
ngoài nước quan tâm. Các tác giả người Pháp, có lẽ là những người nghiên
cứu về làng Việt tương đối nhiều. Nhưng khi nghiên cứu về làng Việt, họ chủ
yếu đề cập đến phong tục, lệ tục của làng Việt cổ đại.
Người đặt viên gạch đầu tiên là Phan Kế Bính, với tác phẩm: “Việt
Nam phong tục”. Trong tác phẩm này, Phan Kế Bính có dẫn một bản hương
ước của làng Đề Kiều, xã Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh về vấn đề “nghĩa thương”.
Tiếp đó, Ngô Tất Tố có hai thiên phóng sự: “Tập án cái đình” và “việc làng”.
Quảng Ninh và Vân Đình đã tố cáo chế độ cường hào, thực dân, qua các bản
hương ước trong tác phẩm vấn đề dân cày; Vũ Văn Khiếu với “Đất lề quê
thói”...
Sau Cách mạng tháng 8, Nguyễn Hồng Phong có viết: “Xã thôn Việt
Nam”. Đây là một tác phẩm đầu tiên, giới thiệu hoàn vị về làng xã người
Việt. Có thể nói người khám phá vai trò của hương ước một cách gợi mở nhất
là Từ Chi (Trần Từ) trong tác phẩm “cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc
Bộ”. Tinh thần chủ yếu của tác phẩm này là nhìn hương ước như một cương
lĩnh điều hoà các quan hệ xã hội trong làng Việt.
Sau đó hàng loạt những bài viết, những cuốn sách viết về hương ước
như: Bùi Xuân Bính và Vũ Duy Mền trong bài: “hương ước – khoán ước
trong làng xã người Việt” đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3/1982.
Năm 1984 Bùi Xuân Bính lại viết: “lệ làng phép nước”. Trong thời kỳ này có
lẽ đây là cuốn sách đầu tiên, bước đầu đã giới thiệu một cách tương đối có hệ
thống. Từ nguồn gốc, điều kiện xuất hiện hương ước, nội dung cơ bản của
hương ước, mối quan hệ giữa hương ước và pháp luật nhà nước phong kiến,
tác động tích cực, tiêu cực, đặt hương ước trong di sản của thời kỳ quá độ
tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Với Nghị quyết 10 của Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng khoá VI
năm 1986 (ban hành tháng 4/1988) về việc giao quyền sử dụng đất ổn định
lâu dài cho nhân dân, hộ gia đình, vị trí của làng xã đã được đề cao. Từ đó, nó
phát sinh ra nhu cầu lật lại hương ước. Ban đầu nhu cầu này trỗi dậy mạnh
mẽ ở tỉnh Hà Bắc.Cũng từ đó mà nó đẩy mạnh sự tìm tòi, nghiên cứu hương
ước. Hàng loạt các tác phẩm nghiên cứu hương ước cũ đề ra hướng đi cho
“hương ước mới” (ví dụ: xây dựng qui ước làng văn hoá mới ở Hà Bắc – do
Sở văn hoá, thông tin tỉnh Hà Bắc xuất bản năm 1993). Rồi hàng loạt những
bài trên tạp chí cùng với những cuốn sách, luận án về hương ước như: “hương
ước lệ làng” của Lê Đức Tiếp – NXB chính trị quốc gia 1998, luận án Phó
tiến sĩ khoa học lịch sử mã số 50310: Một số hương ước làng Việt ở đồng
bằng Bắc Bộ của Bùi Xuân Đính. Ở các tỉnh cũng “nở rộ” trong việc sưu tập
hương ước như: Hà Tây, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Hà Bắc,
Hải Dương... nhất là năm 1999, đã có cuộc hội thảo quốc tế về luật tụng và sự
phát triển của nó ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Tinh thần của hội thảo này
đã được phản ánh rất rõ trong cuốn: “Luật tục và sự phát triển của nó trong xã
hội nông thôn Việt Nam ngày nay” (NXB chính trị Quốc gia năm 2000).
Nếu cắt ngang những công trình đã được nghiên cứu về hương ước,
chúng ta có thể chia làm 4 nhóm như sau:
+ Nghiên cứu hương ước trong mối quan hệ với Phong tục và tổ chức
làng xã: Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố, Trần Từ, Vũ Văn Khiếu, Phan Đại
Doãn...
+ Các tác giả nghiên cứu hương ước làm đối tượng chính như Bùi Xuân
Đính, và người đi đầu là Vũ Duy Mền...
+ Các tác giả sưu tầm và giới thiệu hương ước các tỉnh: Như hương
ước tỉnh Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Bắc, Hải Dương...
+ Các tác giả nghiên cứu hương ước trong mối quan hệ với pháp luật:
Đào Trí Úc, Nguyễn Đăng Dung, Hoàng Kim Quế, Lê Hồng Sơn, Hoàng
Đình Thắng...
Như vậy, thành quả nghiên cứu về hương ước là rất lớn, nhất là từ thập
kỷ 90 trở lại đây. Tuy nhiên nó còn mang nặng tính phong trào và họ trú trọng
nhiều về phương diện “dân tộc học” nếu đứng từ góc độ pháp lý để nhìn nhận
thì các nhà khoa học pháp lý đã bàn đến hương ước nhưng phần lớn là so sánh
mối quan hệ giữa hương ước và pháp luật. Vấn đề “ảnh hưởng của hương
ước đối với pháp luật Phong kiến Việt Nam” còn tương đối mờ nhạt.
Do đó việc nghiên cứu sự ảnh hưởng của hương ước đối với pháp luật
Phong kiến Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang hoàn
thiện pháp luật, sự xuất hiện “tái lập hương ước” là vấn đề rất cần thiết. Vì
vậy, tôi chọn đề tài này làm luận văn tốt nghiệp Đại học Luật của mình.
3. Mục đích đối tượng phạm vi nghiên cứu đề tài.
3.1. Mục đích: Luận văn tập trung vào tìm hiểu sự ảnh hưởng của
hương ước đối với pháp luật Phong kiến Việt Nam; ảnh hưởng đến làng xã và
người nông dân Việt. Trên cơ sở đó luận văn đưa ra một số ý kiến về việc kế
thừa phát huy những mặt tích cực khắc phục những mặt hạn chế của hương
ước còn ảnh hưởng đến xã hội ta hiện nay. Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý xã
hội nông thôn, đồng thời nhằm tăng cường hiệu lực của pháp luật ở nông thôn
trong điều kiện hiện nay.
3.2. Đối tượng: Luận văn nghiên cứu những yếu tố được phản ánh
trong hương ước có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp với pháp luật.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Xét về bình diện không gian: Luận văn nghiên cứu hương ước ở làng
xã châu thổ Bắc Bộ. Đây là các vùng được hình thành lâu đời và nó còn lưu
giữ được nguồn tư liệu lớn hương ước.
Xét ở bình diện thời gian: Luận văn nghiên cứu hương ước trước Cách
mạng tháng 8 năm 1945 đồng thời cũng có xem xét ở chừng mực nhất định để
so sánh với thời điểm hiện nay.
4. Nguồn tư liệu
Luận văn chủ yếu sử dụng bản hương ước đã được công bố trên các
sách, tạp chí từ trước tới nay, đồng thời luận văn có sự kế thừa những thành
tựu nghiên cứu về hương ước của các tác giả đã đi trước.
5. Cơ sở lý luận và các phương pháp nghiên cứu.
Nghiên cứu đề tài này, luận văn đã vận dụng phương pháp duy vật biện
chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin, các văn kiện của Đảng
CSVN, các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước.
Luận văn cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể, chủ yếu là
để giải quyết những vấn đề đặt ra như phương pháp dân tộc học, phương pháp
lịch sử, phương pháp thống kê...
6. Đóng góp của luận văn.
Đây là công trình đã hệ thống hoá được cơ bản các nguồn tài liệu, các
quan điểm nghiên cứu có mối quan hệ đến giữa hương ước và pháp luật.
Bước đầu chỉ ra được những biểu hiện về ảnh hưởng của hương ước
đối với pháp luật Nhà nước phong kiến.
Đồng thời luận văn cũng đưa ra được một số những ý kiến đóng góp
trong quá trình xây dựng quy ước làng văn hoá hiện nay.
7. Bố cục của đề tài.
Phù hợp với mục đích nội dung và phạm vi nghiên cứu luận văn được
chia làm 3 chương, lời nói đầu và kết luận.
CHƯƠNG I
NGUỒN GỐC VÀ ĐIỀU KIỆN XUẤT HIỆN HƯƠNG ƯỚC.
1.1. Nguồn gốc của hương ước.
Trước khi nghiên cứu về nguồn gốc và điều kiện xuất hiện của hương
ước, chúng ta cần phải có quan niệm đúng đắn về thuật ngữ hương ước,
khoán ước.
Mỗi người Việt Nam từ trong tiềm thức có lẽ ai cũng hiểu câu thành
ngữ “phép vua thua lệ làng”. Lệ - là một từ Hán Việt; Làng là một từ Nôm
dùng để chỉ một đơn vị tụ cư nhỏ nhất nhưng nó chặt chẽ và hoàn chỉnh nhất
của người nông dân Việt. Trong các văn bản, để cho đơn giản, các nhà nghiên
cứu thay vào đó chữ hương ước, khoán ước(22).
Như vậy, hương ước, khoán ước hiểu một cách nôm na là lệ làng. Nó là
những quy ước liên quan đến mọi mặt đời sống của làng xã. Nó bao gồm cả
những điều lệ được ghi chép thành văn bản và những điều lệ không được ghi
chép thành văn bản mà được truyền khẩu trong dân gian.
Các làng Việt trong thời kỳ phong kiến gọi là lệ làng thành văn bằng
nhiều tên gọi khác nhau, do tục lệ ở mỗi nơi nên có thể gọi là: hương ước,
khoán lệ; khoán ước; hương lệ; cựu khoán... Nhưng do được gọi bằng tên gì
đi nữa thì trong mỗi bản đó đều bao gồm những quy ước liên quan đến đời
sống mọi mặt của từng làng mà từ trước đến nay, chúng ta vẫn hay gọi bằng
hai từ phổ biến hơn là:Hương ước và khoán ước.
Khoán ước lần đầu tiên được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư vào
cuối đời Trần, năm 1370.
Đến thế kỷ thứ XV, nhất là dưới thời vua Lê Thánh Tông, thuật ngữ
khoán ước – quy ước của dân làng trở nên tương đối phổ biến. Khoán ước là
một từ Hán gốc được du nhập vào Việt Nam và đã được Việt hoá. Khoán
(bằng cứ); ước (quy ước), từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, thuật ngữ này dần
được thu hẹp lại.
Cũng như khoán ước, hương ước cũng là một từ nguyên Hán được du
nhập vào Việt Nam. Từ thế kỷ XV, hương ước bắt đầu xuất hiện trong làng xã
người Việt nhưng nó chỉ thấp thoáng, chưa phổ biến. Đến thế kỷ XVII, hương
ước ngày càng được phổ biến, và nhất là đến thế kỷ XX, hương ước trở thành
một thuật ngữ quen thuộc rộng rãi trong làng xã. Sự lên ngôi của hương ước
đã tự nó làm mờ nhạt đi khoán ước. Nhiều nơi không dùng thuật ngữ khoán
ước. Hương ước là sản phẩm của làng, nó là những quy ước, những quy định
được các thành viên trong làng xã cùng nhau tuân thủ, thực hiện. Hương ước
có nội dung phong phú, tuỳ vào phong tục của từng làng. Nó quy định hầu hết
các mặt hoạt động của làng xã người Việt như: Hội tư văn, tư võ, hội thiện,
phe giáp, ngõ xóm cho đến cách tổ chức hoạt động của các thiết chế làng xã...
Kể cả các hoạt động xã hội như hội hè, đình đám, lễ tế, khao vọng... và các
hoạt động kinh tế. Đó là những quy ước chung của hương ước. Hương ước
của từng làng xã của người Việt bên cạnh những quy ước chung lại có những
nét riêng phù hợp với phong tục tập quán của mỗi làng xã.
Như đã khẳng định: Hương ước là sản phẩm của làng xã. Vì vậy, muốn
hiểu được nguồn gốc và điều kiện xuất hiện hương ước nhất thiết phải nhận
biết tối thiểu về làng xã.
Khi tìm hiểu về nông thôn Việt Nam chúng ta bắt gặp từ “Làng – xã”
cùng với 2 từ này là “Thôn”. Tuy nhiên, khái niệm này cho đến nay vẫn chưa
thống nhất.
Làng – là một từ Nôm, là đơn vị tụ cư nhỏ nhất nhưng chặt chẽ và
hoàn chỉnh nhất, bởi nó có địa vực riêng, có cơ cấu tổ chức và tục lệ riêng,
hoàn chỉnh và ổn định qua quá trình phát triển của lịch sử. Xã là từ Hán dùng
để chỉ đơn vị hành chính cấp thấp nhất của nhà nước phong kiến ở các vùng
nông thôn Việt. Trên vùng đồng bằng và Trung du Bắc Bộ thường thì mỗi
làng là một xã “nhất xã, nhất thôn” (theo thống kê của các nhà dân tộc học
Bùi Xuân Đính thì 74.18%) hoặc cùng có vài ba làng một xã. Mỗi một “làng”
hợp thành xã gọi là “thôn”. Như vậy “thôn” thực chất là “làng. Một đơn vị tụ
cư nhỏ nhất. Nhưng trong giao tiếp người Việt chủ yếu dùng “làng”. Từ làng
làm cho người Việt cảm thấy gần gũi và cảm thông với nhau hơn. Còn thôn
-được sử dụng trong giấy tờ mang nặng tính hành chính.
Trong quá trình hình thành và phát triển, làng Việt được phân chia như
sau:
- Phân theo thời gian hình thành: Có các làng đầu công nguyên, các
làng thời Lý - Trần, làng thời Lê sơ, Lê - Trịnh - Nguyễn; làng thời Nguyễn
và cả những làng mới hình thành gần đây do những chính sách phát triển kinh
tế- văn hoá của Nhà nước ta.
- Phân theo vùng địa lý: có các loại làng miền Bắc; các làng miền
Trung; làng miền Nam; làng Trung du; làng đồng bằng; làng ven biển...
- Phân theo nghề nghiệp: có các làng thủ công; các loại làng nông
nghiệp; làng chài; làng muối.
- Phân loại theo phương thức thành lập: có các loại làng do nhóm cư
dân khai hoang tập thể hoặc nhà nước thực hiện chính sách khai hoang.
- Phân theo tôn giáo: ngoài các vùng làng Lương; chúng ta còn có làng
Công giáo; làng theo đạo Cao Đài, Hoà Hảo.
Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX các công xã nông thôn bị “phong kiến
hoá” rất sâu sắc. Nó đã biến làng Việt từ công xã nông thôn trở thành công xã
nông thôn phong kiến hoá.
Do yêu cầu khách quan của cuộc sống cộng đồng, cần phải qui định
mối quan hệ giữa các thành viên với nhau, và giữa các thành viên với các tổ
chức cộng đồng. Những quy định này ban đầu rất sơ lược, đơn giản và dần nó
phát triển thành tục lệ; tập quán truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Nguồn
gốc của hương ước vốn có từ tục lệ dân gian đó (lệ làng truyền khẩu).
Đi tìm cội nguồn của hương ước trước hết chúng ta phải dựa vào lời
giải thích thông thường của người nông dân. Như chúng ta đã biết, hương ước
được người nông dân gọi nôm na là lệ làng, mà lệ làng bao gồm cả những
điều lệ được ghi chép vào những điều lệ không được ghi chép từ “bất thành
văn” lên “thành văn”. Lần dở lại hương ước cổ, còn khá nhiều hương ước ghi
lại những tập tục thề, hội thề của người Việt xưa. Ban đầu hội thề là hình thức
sinh hoạt dân gian. Tục thề có từ thời xa xưa- công xã nguyên thuỷ.,
Tục thề vừa là hình thức vừa là biểu hiện sinh động của tục lệ dân gian.
Nó đã trải qua quá trình biến đổi trong lịch sử phát triển xã hội người Việt. Có
lẽ khi trình độ kinh tế, xã hội chưa phát triển nắm thì tục thề được duy trì chủ
yếu từ đời này sang đời khác. Đó cũng là một tục lệ của làng xã Việt Nam. Lễ
thề đầu tiên được ghi trong truyền thuyết giả sử là lễ thề truyền ngôi của vua
Hùng thứ 18 cho An Dương Vương. Lễ thề sư trước khi xuất quân đi đánh
giặc Đông Hán của Hai Bà Trưng. Vào đời Lý (1010 – 1225) và đời Trần
(1220 -1400) đều ghi lại lễ thề trong chính sử. Năm 1416, trước sự xâm lược
của quân Minh; Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín của mình làm lễ tuyên thệ,
nguyện một lòng sống chết đuổi giặc. Lễ tuyên thệ là cơ sở cho cuộc khởi
nghĩa Lam Sơn này. Sau chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang, Lê Lợi,
Nguyễn Trãi đã tổ chức hội thề Đông Quan, kết thúc chiến tranh, chấm dứt
ách đô hộ hai mươi năm của giặc Minh trên đất nước ta.
Việc hương ước của khá nhiều làng cách đây chưa lâu, vẫn còn quy
định nghi thức thề bồi.
Ví dụ:Tục uống khoán trong hương ước của làng Hạ Bằng (Thạch Thất
– Hà Tây) quy định: “Ngày mồng 2 tháng giêng hàng năm có lệ uống khoán,
uống máu ăn thề; thề không ăn gian nói dối không lấy cắp của nhau” (Hương
ước của làng Hạ Bằng Thạch Thất – tài liệu do Vũ Duy Mền sưu tầm).
Hay hương ước làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu - Nghệ Tĩnh) cũng quy
định: Mỗi năm vào ngày đầu xuân, cả làng tổ chức uống máu ăn thề “để tỏ cả
làng đều là một lòng cùng nhaua cho nghiêm phép làng” (Quỳnh Đôi sự tích
cổ kim hương biên, phòng tư liệu Viện sử học). Phép làng ở đây trước hết là
sự đoàn kết giữ an ninh chung cho nội bộ làng cùng việc trả thù bảo vệ danh
dự chung của cộng đồng. Điều này được thể hiện qua lời thề mà mỗi thành
viên phải đọc trước “thần linh” trong lễ ăn thề: “Tôi là Nguyễn Văn Mỗ,...
tuổi, ở làng Quỳnh Đôi; cùng với vợ con tôi trong làng, nếu có ăn trộm con gà
con lợn, lúa má,vải lụa và tôm cá trong đầm hoặc làm gì không thuận với
làng xóm thì đến khi chết xin không được đưa ma... tôi xin uống chén rượu
này để thần linh soi xét”.(Quỳnh Đôi sự tích cổ kim hương biên, phòng tư liệu
Viện sử học), hoặc: hàng năm, ngày tiệc của làng Dị Nậu (Tam Nông – Vĩnh
phú) vào tháng 2 âm lịch hàng năm, tổ chức cuộc săn bắn tập thể lấy thịt thú
về cúng Thành Hoàng. Làng lập ra “khoán ước văn báo”, quy định khi đuổi
bắt thú dữ nếu ai bị thương thì được làng chạy chữa hoàn toàn cho đến khi
lành lặn. Người nào chết, làng chịu ma chay chôn cất và con cháu người đó
được cấp một đơn gọi là “đơn mua ngôi” (mua vị thứ ở làng) mà không phải
trả tiền (36). Như vậy, hội thề là hình thức tục lệ cổ xưa từng đóng vai trò
quan trọng trong đời sống tinh thần, trong tín ngưỡng nhằm củng cố cộng
đồng làng xã người Việt. Hội thề là sản phẩm mang tính xã hội. Ở Việt Nam
cư dân đã biết đến nghi thức đó và duy trì tục thề đến mãi sau này.
Nhìn chung, tục thề phong phú đa dạng; nó có thể tiến hành ở khắp nơi;
với những hình thức từ “ấu trĩ” sơ khai nhất đến những nghi thức xa hoa tốn
kém và phát triển thành “hội thề”. Trong dịp đó những người có mặt phải
cùng nhau uống máu một con vật thường là (gà, ngựa, trâu) để làm vật hy
sinh, hoà với rượu, trước thần linh, đọc thề mà nội dung tuỳ theo mục đích,
tôn chỉ của tổ chức đó. Nhằm vào mục đích cố kết lòng người bảo vệ cộng
đồng làng nước, đảm bảo danh dự, lòng tự trọng, niềm tin của con người. Vì
lẽ đó ghi nhận sự cần thiết phải bảo lưu tục thề, lễ thề phải được tiến hành
một cách nghiêm túc, trật tự, chặt chẽ và nó phải được qui định một cách cụ
thể. Được coi như một tục lệ từ xa xưa truyền lại và được hội nhập cuộc sống
của cộng đồng làng xã.
Do yêu cầu củng cố cộng đồng, do sự phát triển tăng dần từng bước của
làng xã đòi hỏi tục thề cùng các hoạt động khác cần phải văn bản hoá. Tục thề
sau này được ghi trong hương – khoán ước. Như vậy, chuyển tục thề truyền
khẩu thành tục lệ tục thề được văn bản hoá là quá trình chuyển từ lệ làng chưa
thành văn sang lệ làng thành văn; đây chính là căn cứ để nói lên rằng hương
ước, khoán ước được bắt đầu từ tục thề dân gian (36).
Bên cạnh tục thề, hương ước còn bắt nguồn từ những tục lệ khác. Một
tục lệ rất gần gũi với người Việt xưa đó là tục lệ thờ cúng (lệ hậu). Chúng ta
biết tục lệ thờ cúng tổ tiên trong mọi gia đình, dòng họ cả nước đã có từ xưa
của người Việt. Trong cuốn “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính – 1917
đã nhận xét: “Tục phụng sự tổ tiên của ta là thành kính, ấy cũng là một lòng
bất vong bản, cũng là nghĩa cử của người”. Như thế thờ cúng tổ tiên là thực
hiện nếp sống đạo đức tâm linh. Một mặt nó biểu hiện quan niệm về tín
ngưỡng cổ xưa của người Việt về cõi sống và cõi chết. Mặt khác tục thờ cúng
của tổ tiên vừa tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, duy trì niềm tin thiêng liêng phù hộ cho
mình. Nếp sống văn hoá ấy không có một giáo lý, giáo đường, giáo chủ mà nó
chỉ đem lại niềm tự tin cho con người. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã từng
khẳng định: “Từ xưa xưa, dân tộc Việt Nam ta không có tôn giáo theo nghĩa
thông thường như nhiều nước khác. Còn tôn giáo là thờ cúng thì mọi gia đình
đều phải thờ cúng ông bà tổ tiên... đó là đặc trưng đáng trọng của người Việt
Nam” (17).
Tục thờ cúng tổ tiên được duy trì, sau đó mới phát triển dần dần và mở
rộng thành lệ “gửi hậu ở chùa”. Nhất là đến thời nhà Lý, phật giáo đã phát
triển trong tiềm thức của người Việt. Thời kỳ này nhà Lý đã bỏ tiền ra để tu
bổ, xây dựng nhiều chùa. Đến thời Trần thì phật giáo đã phát triển đến cực
thịnh, nhiều người đã cúng tiền, ruộng vào chùa để làm điều thiện cầu may.
Vì thế mà nhà chùa cũng có ruộng đất riêng gọi là “ruộng tự điền”.
Ngay từ ban đầu, tục gửi hậu là do tuỳ tâm và chứa đựng nhiều ý nghĩa
tốt đẹp. Nhưng từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII trở đi, khi chế độ phong kiến
bước vào giai đoạn khủng hoảng, bọn chức dịch trong làng xã đã lợi dụng tục
lễ hậu để phục vụ cho quyền lợi riêng của chúng. Đến thời Nguyễn, họ cũng
toan dùng phật giáo làm cơ sở cho mưu đồ của mình và liên tiếp phản công
vào phật giáo. Nhưng phật giáo đâu chỉ ở trong nội dung mà chủ yếu ở trong
nhân dân.
Như thế, tục gửi hậu xuất phát từ tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Sau đó tục gửi hậu được văn bản hoá. Cụ thể, là những gửi hậu vào chùa sẽ
được ghi lại vào bia hậu để duy trì đến đời sau, biết để đến thờ cúng. Bia hậu
cũng đánh dấu quá trình và hoàn thiện dần từng mặt của hương ước. Đây
cũng là chứng cứ xác đáng về nguồn gốc của hương ước.
Tóm lại: lễ thề, tục thề ghi trong hương ước, tục gửi hậu ghi trong bia
hậu ở làng xã là các chứng cứ nói lên nguồn gốc của hương ước. Đồng thời
nó còn khẳng định hương ước vốn bắt nguồn từ tục dân - lệ làng từ truyền
khẩu sang thành văn và hương ước ra đời.
1.2. Những điều kiện để xuất hiện hương ước.
Hương ước là sản phẩm của làng xã người Việt. Do sự hình thành và
phát triển của mỗi làng là không giống nhau; sự chi phối của các điều kiện
chủ quan, khách quan là không giống nhau vì thế mà hương ước ra đời cũng
không hoàn toàn giống nhau. Nhìn chung sự ra đời của hương ước do nhiều
nguyên nhân và điều kiện cụ thể chi phối.
1.2.1. Nhu cầu phát triển của làng xã.
1.2.1.1. Sự gia tăng dân số và mở rộng làng xã.
Làng xã Việt Nam đã có từ rất lâu. Sự xuất hiện tên gọi của làng xã nói
chung cũng như làng Việt cổ do những yêu cầu cấp thíêt đặt ra. Tên gọi là của
làng xã thể hiện sự giao tiếp ngay trong nội bộ dân cư làng xã. Khẳng định vi
phạm lãnh thổ và dân cư của làng mình; phân biệt làng này với làng khác.
Thứ hai tên làng là công cụ giao tiếp giữa các làng với nhau mà chủ yếu là
công cụ giao tiếp của những người đứng đầu làng với nhau và với cấp trên
của họ. Thứ ba khi Nhà nước ra đời làng xã trở thành tế bào cơ sở của tổ
chức hành chính thì buộc làng xã phải có tên gọi để chịu sự kiểm soát của cấp
trên. Như vậy, làng xã ra đời cũng là một nhu cầu xã hội (41).
Buổi ban đầu, làng là một điểm tụ cư của những người trồng trọt, có lẽ
trong làng chỉ có một vài họ, sau đó nó được tăng lên nhiều. Cùng với sự phát
triển của dân đinh, làng ngày càng được mở rộng. Làng đầu tiên trùng với xã,
có khi chỉ có 40 -60 hộ gọi là “đại xã” hoặc từ 10 đến 30 hộ gọi là “tiểu xã”...
Vào đầu Cong nguyên, dân số nước ta áng chừng hơn 1 triệu người.
Đến thời kỳ Bắc thuộc dân số của ta tăng xấp xỉ 2,5 triệu người (theo điều tra
hộ khầu nhà Hán). Đến thời Lý - Trần (1010 – 1400) lãnh thổ nước ta mở
rộng đến Quảng Bình và phía Bắc Tỉnh Quảng Trị...
Như vậy, tái sản xuất nhân khẩu của tiểu nông lúa nước có liên quan
đến làng xã; liên quan đến việc di dân và khẩn hoang. Nó gắn liền với di dân
khai hoang, tái lập làng xã. Sự tăng gia dân binh do tự nó dẫn tới sự phức tạp
giữa các quan hệ làng xã. Quan hệ giữa làng cũ, làng mới, làng to, làng nhỏ,
làng này, làng kia đang là vấn đề bức xúc. Chưa nói đến kết cấu kinh tế làng
Việt khá phức tạp. Nó có một làng đơn thuần là đơn nguyên nông nghiệp;
nhưng phổ biến là làng đa nguyên nông – công – thương nghiệp. Thêm vào
đó là mối quan hệ phức tạp nay lại càng phức tạp hơn. Nó làm cho quan hệ
làng xã vốn đã phức tạp nay lại càng phức tạp hơn. Trước tình hình đó, các
làng buộc phải có những qui ước riêng cho mình để điều chỉnh các quan hệ xã
hội, đặt chúng vào trật tự nhất định làm cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho
sự phát triển của làng xã. Từ những cơ sở kinh tế, xã hội đó hương ước ra đời.
1.2.1.2. Sự mở mang kinh tế.
Kinh tế làng Việt từ nhiều thế kỷ trước nói chung là nông nghiệp, quan
hệ kinh tế chủ yếu giữa tiểu tư hữu về ruộng đất, hoặc giữa nông dân với
nhau. Ngoài ra còn có những quan hệ kinh tế phong kiến khác: quan hệ giữa
địa vị, địa chủ với nông dân - những người nghèo khổ.
Kinh tế làng Việt phổ biến từ nhiều thế kỷ trước không phải duy nhất
là nông nghiệp; tất nhiên nông nghiệp là quan trọng nhất. Mọi giao dịch trao
đổi của cư dân thông qua chợ làng. Chợ làng là điểm kinh tế cơ bản để làng
tồn tại. Từ Bắc vào Nam, cứ vài ba làng lại có một chợ - kinh tế nông thôn.
Nhìn chung, kinh tế hàng hoá ở nông thôn ngày trước thường là qui mô
nhỏ, vốn liếng ít. Chợ làng bao gồm một số người buôn bán nhỏ, chuyên
nghiệp (hàng xén, hàng vải...) vài người thợ thủ công (thợ rèn, thợ cạo...) một
số người nông dân chạy chợ “đòn gánh đè vai”, “lấy công làm lãi” và những
người tiểu nông đem các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt để đi trao đổi. Chợ
làng, phường hội thủ công nghiệp là những thành tố có những tính chất thành
thị. Các phường hội tự nguyện: các phường của những người làm nghề thủ
công hoặc buôn bán; các phường hội vì mục đích góp vốn như phường hội
thóc, gạo hoặc tiền, các phường hội vì mục đích hiếu hỷ... chợ làng và
phường hội tồn tại phổ biến trong nông thôn khiến cho nông nghiệp và kinh tế
hàng hoá nhỏ, giản đơn hoà lẫn vào nhau thành một thể thống nhất thúc đẩy
việc đô thị hoá. Nhìn một cách tổng thể, quá trình đô thị hoá ở Việt Nam là
quá yếu ớt, tỷ trọng thấp kém. Ở đồng bằng Sông Hồng, vào thế kỷ XVII,
XVIII có những đô thị lớn như Thăng Long, Phố Hiến, nhưng vị trí kinh tế
của nó cũng không lớn lắm. Sang thế kỷ XIX, Thăng Long suy giảm, Phố
Hiến tiêu vong. Ở đàng trong, vào thế kỷ trên có Sài Gòn, Hội An, Mỹ Tho là
những đô thị lớn, có sức sống lâu dài, có tác dụng không nhỏ trong xã hội.
Chính sự mở mang kinh tế, đô thị hoá đã tác động trực tiếp vào quan hệ làng
xã: quan hệ kinh tế nông nghiệp; thủ công nghiệp; buôn bán đã đan xen vào
nhau, khiến cho chúng ta vốn phức tạp lại càng phức tạp hơn.
1.2.1.3. Sự nảy sinh của nhiều tổ chức xã hội.
Ban đầu làng xã Việt Nam tồn tại bộ máy hành chính rất gọn. Đứng
đầu bộ máy hành chính trong làng là lý trưởng, chịu trách nhiệm trước nhà
nước phong kiến về làng xã của mình. Đứng sau là lý trưởng còn các phó lý:
trương tuần có nhiệm vụ trông coi việc tuần phòng, bảo đảm an ninh làng xã
và các Thư lại đảm bảo các loại giấy tờ. Ngoài ra còn có các xóm trưởng; thủ
khoán giúp việc cho lý trưởng. Bên cạnh bộ máy hành chính là sự hiện diện
cả một cơ cấu tổ chức xã hội bao gồm nhiều loại cơ cấu tổ chức quần chúng
khác.
- Xóm ngõ: được tổ chức theo quan niệm hệ địa vực có sự kết hợp với
quan hệ huyết thống. Thông thường ở mỗi một làng đều có 4 đến 6 xóm. Các
xóm được xác định ranh giới bằng luỹ tre.
- Dòng họ của người Việt là một tổ chức một thể chế cộng đồng huyết
thống được hình thành trong một quá trình lịch sử vào thời kỳ “phụ hệ gia
trưởng” ở vị trí chủ yếu. Trong dòng họ thường có chi, có phái. Chẳng hạn họ
Nguyễn gồm có các chi: Nguyễn Đoàn, Nguyễn Quý, Nguyễn Doanh... số
lượng gia đình trong chi phái cũng không giống nhau. Có họ nhiều chi, phái,
nhiều gia đình. Nguyên tắc huyết thống là phân biệt trưởng thứ và thân phận
cũng được thừa kế theo thứ bậc này. Trong làng thường có chục họ phát
triển bao gồm các họ khai làng; hộ đông đinh. Họ ít đinh, họ khoa bảng.
Trong mỗi một họ lại có tôn chỉ mục đích riêng. Ví như họ phả, họ Nguyễn
(Hà Trung – Thanh Hoá) cũng đề ra hình thức khen thưởng, khuyến học,
khuyến yếu, khuýên tài... với nội dung các tộc qui, gia huấn có thể khái quát
như sau:
- Khuyến hiếu, đề cao hiếu, nghĩa trang họ hàng.
- Hoà mục trong xóm làng: đề cao sự nhượng nhịn bao dung nhân hậu
theo các ứng xử với hàng xóm.
- Tôn ty trật tự trong họ hàng, hàng xóm: trẻ kính già, trò kính thầy,
dưới trọng trên...
Như vậy, chính dòng họ đã góp phần bảo lưu bản sắc văn hoá truyền
thống: gia đình hiếu lễ, học hành; xóm làng ổn định...
Các gia đình dòng họ tồn tại như một sức mạnh tâm lý nên trong nhiều
trường hợp, người trong dòng họ thường liên kết lại với nhau để nắm lấy chức
vụ trong bộ máy quản lý làng xã cũng như quyền hành việc làm.
- Giáp: là tập hợp của những người theo lớp tuổi với quan hệ huyết
thống của nam giới. Một giáp từ các đinh Nam từ khi lọt lòng đã làm lễ vọng
giáp đến cụ ông cao tuổi nhất của một dòng họ, xóm ngõ khác nhau được chia
làm nhiều mâm hay bàn. Thông thường, giáp là tổ chức giữ vai trò quan trọng
trong các công việc của làng. Trong các loại hình trên, sự hiện diện của các
quan hệ thân tộc, dòng họ khá nổi trội. Người Việt thường có câu “trong họ
ngoài làng”. Quan hệ họ hàng tồn tại khá vững vàng bằng các hoạt động thờ
cúng tổ tiên, lập gia phả, tu bổ nhà thờ. Kinh tế càng phát triển thì quan hệ
dòng họ lại càng củng cố hơn. Quan hệ dòng họ biện chứng vững chắc. Bởi
vì cái kết cấu “vừa làng - vừa họ” đã tồn tại khá lâu và đậm nét trong công xã
nông thôn Việt Nam. Bên cạnh đó là quan hệ kết hôn trai gái giữa các dòng
họ với nhau. Tất cả các mối liên hệ trên tạo ra mối liên kết họ hàng nhiều
chiều, đan chéo và phức tạp trong làng.
Như vậy, cùng trên một mảnh đất “làng” mà có nhiều họ sinh sống ắt
phải nảy sinh nhiều quan hệ phức tạp giữa họ này, họ kia, phái này, phái kia,
người trong họ với người ngoài làng. Họ hàng, làng xã với quan hệ phức tạp
đã lan toả ở mọi nơi, nó len lỏi vào các quan hệ xã hội khác. Vì vậy, trong cơ
chế hoạt động của làng xã, phải có “hương ước” để điều chỉnh các quan hệ
đó.
Bên cạnh bộ máy xã hội đương thời, sự gia tăng dân đính, mở mang
kinh tế cùng với sự nảy sinh thêm các loại hình tổ chức xã hội khiến cho
những tục lệ truyền khẩu không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, đòi hỏi
làng xã phải đưa ra những qui ước chặt chẽ hơn trên văn bản. Những qui tắc
trước kia phỉa sửa lại, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với việc văn bản hoá
những tập quán trước đây. Bộ “luật tụng” hay “tập quán khác” thành văn mà
ta quen gọi là hương ước ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của làng xã.
1.2.2. Sự can thiệp của nhà nước phong kiến đối với làng xã.
Ban đầu, nhà nước phong kiến chưa với tay sâu xuống làng xã của
người Việt. Sau đây, nhà nước phong kiến ngày càng can thiệp sâu hơn ở
nhiều phương diện.
Vào thời Hùng Vương, ở mỗi đơn vị tụ cư của người Việt cơ cấu tổ
chức đơn giản, quan hệ giữa làng với nhà nước trung ương còn khá lỏng lẻo.
Đến thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN – 905), tình hình làng xã so với thời Hùng
Vương không khác là bao, các quan hệ xã hội bên trong từng đơn vị tụ cư
chưa phức tạp lắm.
Từ thế kỷ X trở đi, nền độc lập dân tộc đã thúc đẩy sự phát triển mọi
mặt của làng xã. Với sự ra đời của nhà nước phong kiến trung ương tập
quyền, đời sống của làng xã bắt đầu bị can thiệp mà điểm khởi đầu là những
cải cách của Khúc Hạo. Năm 907, Khúc Hạo định lại các đơn vị hành chính,
đổi hương làm giáp và đặt chức quản giáp (giữ việc thu thuế và bắt lính). Ở
dưới giáp, đơn vị hành chính nhỏ nhất là xã do “chánh lệnh trưởng và tá lệnh
trưởng” cầm đầua. Như vậy, lần đầu tiên, bên cạnh các thiết chế tổ chức
truyền thống: xóm ngõ, dòng họ, bộ máy quản lý cũ (có thể là một hội đồng
gồm những cụ già giàu kinh nghiệm sản xuất và am hiểu luật tục), trong xã
hội người Việt đã xuất hiện một thiết chế mới, do nhà nước trung ương tập
quyền áp đặt nhằm hướng các đơn vị tụ cư đó vào quỹ đạo nhà nước để bảo
đảm các quyền thu về thuế, phu và lính. Từ đây, cuộc sống làng mạc trở nên
phong phú, phức tạp và quá trình lệ thuộc của nó vào nhà nước trung ương
cũng ngày càng rõ rệt...
Đến thời Trần, cũng trên cơ sở phân chia các đơn vị tụ cư của người
nông dân Việt Nam thành xã, nhà nước phong kiến trung ương phân bổ các
chức “đại tư xã” và “tiểu tư xã” nắm quyền ở các cấp nắm quyền ở các cấp
hành chính đó. “Đại tư xã” là quan ngũ phẩm trở nên, “tiểu tư xã” là quan ngũ
phẩm trở xuống chịu trách nhiệm quản lý hộ khẩu, thuế khoá. Những chính
sách đó đã tác động đến cơ cấu tổ chức, đời sống chính trị và các quan hệ xã
hội cũng như các phong tục tập quán làng xã.
Trật tự đẳng cấp theo khuôn mẫu phong kiến dần dần hình thành. Đồng
thời trong phạm vi từng luỹ tre xanh ấy, chế độ tư hữu ruộng đất bắt đầu phát
triển- dù ở mức độ thấp - tạo tiền đề để phân hoá giai cấp. Đời sống làng xã
ngày càng phức tạp cả về cơ cấu tổ chức và mối quan hệ xã hội. Sự phức tạp
của các mối quan hệ đó đòi hỏi phải có quy ước bằng văn bản để điều chỉnh.
Tuy nhiên, cũng lúc đó, cuộc xâm lược và đô hộ 20 năm của nhà Minh và
quá trình trên bị gián đoạn.
Sang thế kỷ thứ XV, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân
Minh, sự ra đời của triều Hậu Lê - một nhà nước phong kiến tập quyền cao độ
- đã thúc đẩy sự phát triển của các làng xã trên tất cả các mặt: cơ cấu tổ chức,
phân tầng giai cấp và đẳng cấp, cũng như sự lệ thuộc vào quỹ đạo của nhà
nước Trung ương và như vậy đời sống của từng khung tụ cư ấy ngày càng
phức tạp theo chiều hướng “phong kiến hoá”. Ba sự kiện đáng để chúng ta
chú ý đến đó là:
* Một là: với việc đổi lại chức “xã quan” thành “xã trưởng” đồng thời
định lại tiêu chuẩn của những viên chức trong bộ máy đó. Nhà nước phong
kiến đã tạo ra trong cư dân mỗi làng Việt một tầng lớp tập trung nhiều quyền
lực về chính trị, kinh tế, pháp luật.
* Hai là: ban hành chính sách “quân điều” nhằm quy chế hoá việc chia
lại ruộng đất trong làng xã theo hướng ưu tiên quan lại, những người có phẩm
hàm, chức tước, bằng cấp, đã huỷ dân quyền “tự trị” của mỗi làng đối với thứ
tài sản quan trọng nhất của cư dân nông nghiệp.
* Ba là: dùng Nho giáo thay cho Phật giáo làm hệ tư tưởng chính thống
của Nhà nước phong kiến tập quyền. Như vậy trong mỗi xã thân, một tầng lớp
nho sỹ (đỗ đạt cũng như không đỗ đạt) ngày một đông đảo sống theo khuôn
mẫu Nho giáo. Cùng với đó, là tầng lớp quan lại phong kiến trong làng được
ưu đãi về nhiều mặt: giảm sưu thuế, tạp dịch... Những chính sách ấy đã đem
đến một loạt hệ quả đối với các làng xã.
Như vậy có thể nói từ đời Lê Thánh Tông (1460 -1496) trở đi, diện
mạo làng Việt, về mặt thiết chế tổ chức đã tương đối hoàn chỉnh có: dòng họ,
xóm ngõ, phường hội, bộ máy quản lý xã thôn theo truyền thống, tổ chức đại
diện cho nhà nước phong kiến ở làng...
Dưới tác động của các chính sách của nhà nước phong kiến và sự phát
triển nội tại của làng xã, cùng với sự hoàn chỉnh về phương diện thiết chế tổ
chức sự phân tầng giai cấp và đẳng cấp trong từng đơn vị tụ cư của người
Việt cũng diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc. Nhìn chung từ thế kỷ XV, quan hệ
phong kiến ngày càng chi phối mạnh mẽ đời sống làng mạc, nhưng người dân
vẫn duy trì được phong cách sống của mình, với những truyền thống tốt đẹp,
với những phong tục tập quán cổ truyền có hiệu lực. Công xã tuy mất quyền
tự trị nhưng vẫn tồn tại phổ biến. Nhà nước phong kiến phải chấp nhận một số
tục lệ cổ truyền của công xã.
Trong tình hình đó, những quy ước truyền miệng không đáp ứng được
yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ nảy sinh giữa các thiết chế, các “đẳng
cấp” trong từng làng cũng như giữa các làng với nhà nước phong kiến, lệ làng
bức thiết phải được văn bản hoá. Hương ước ra đời.
1.2.3. Xuất hiện tầng lớp Nho sỹ.
Như chúng ta đã biết, Nho giáo vốn từ Trung Quốc du nhập vào Việt
Nam với tư cách là vũ khí tinh thần, tư tưởng để thiết lập một trật tự xã hội
phù hợp với lợi ích và chính sách bành trướng xâm lược và đồng hoá của bọn
phong kiến Hán tộc. Ngay từ khi “đặt chân”lên đất nước ta, Nho giáo vấp
phải sức đề kháng hết sức quyết liệt. Bởi vì những giáo lý của nó vốn rất xa lạ
với nếp sống và tập tục truyền thống của nhân dân ta. Do vậy, lúc đầu, Nho
giáo mới chỉ cầm được ở các đô thị hay trung tâm chính trị, còn ở nông thôn,
những phong tục tập quán và nếp sống cổ truyền vẫn đứng vững vì thế, chưa
thể xuất hiện trong từng luỹ tre xanh đó, tầng lớp nho sỹ.
Từ thế kỷ X với nền độc lập dân tộc, giai cấp phong kiến Việt Nam đã
trưởng thành qua 10 thế kỷ Bắc thuộc, thực sự nắm chính quyền. Yêu cầu xây
dựng một nhà nước trung ương tập quyền thống nhất để đáp ứng sự nghiệp
dựng nước và giữ nước làm cho nho giáo đã dần dần chiếm một vị trí ưu thế
trong kiến trúc thượng tầng, cũng như trong đời sống xã hội. Cuối thời Trần
(thế kỷ XIV) nho giáo phát triển mạnh mẽ và có hướng lấn át phật giáo (lịch
sử Việt Nam tập 1 trang 218). Sang thời Lê (thế kỷ XV) nho giáo giành được
vị trí thống trị và trở thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến
(lịch sử Việt Nam tập 1 trang 275). Do đó, tầng lớp nho sĩ đông đảo dần ngày
càng chiếm vị trí ưu thế. Không chỉ trong bộ máy nhà nước phong kiến, mà
còn cả trong sinh hoạt làng xã. Bằng mọi cách, triều đình phong kiến và cả
đội ngũ nho sĩ quan liêu bằng mọi cách làm cho nho giáo thâm nhập vào nhân
dân và do vậy nó ảnh hưởng tới sự tồn tại, phát triển của những nếp sống và
phong tục cổ truyền. Cùng với đó, những cơ sở “nội công” nảy sinh trong
làng xã cũng là miếng đất tốt tươi để tiếp nhận nho giáo.
+ Trước hết: nền nông nghiệp lúa nước với tổ chức lao động chính là
tiểu gia đình phụ quyền, đề cao vai trò của người gia trưởng và tôn ti trật tự
trong gia đình phù hợp với giáo lý của đạo nho.
+ Hai là:Sự phân tầng giai cấp và đẳng cấp nông thôn ngày càng sâu
sắc đã tạo nên trong cư dân mỗi cộng đồng thôn xã một hệ thống nhiều thang
bậc, phân biệt nhau bởi những quyền lợi và nghĩa vụ riêng biệt. Bậc thang
đẳng cấp của bộ máy quan liêu phong kiến đã thúc đẩy nho giáo phát triển. Đi
học thi đỗ để làm quan là động cơ chính của mọi người. Như vậy, nho giáo đã
cắm được trên miếng đất của làng xã với mốc từ thời Lê. Bên cạnh đội ngũ
nho sỹ quan lại đội ngũ nho sỹ bình dân, những nho sỹ không đỗ đạt sau bao
năm dùi mài kinh sử không thể vào “quan trường” cũng trở về thôn quê ngày
càng đông đảo hơn, chi phối làng xã. Từ những phân tích ở trên cho thấy, từ
cuối thời Trần trở đi, trong mỗi làng Việt đã có những điều kiện cần và đủ để
thảo ra những hương ước nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ngày càng
phức tạp đang nảy sinh trong từng tụ cư đó. Những điều kiện đó là:
- Cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, các phong tục tập quán các lệ làng ngày
một phức tạp.
- Nhà nước phong kiến ngày càng can thiệp sâu vào làng xã.
- Trong mỗi làng đã xuất hiện tầng lớp nho sỹ có thể đại diện cho làng
soạn thảo các sổ sách giấy tờ (hương ước).
Tóm lại: nhìn một cách tổng quát, quá trình ra đời và phát triển hương
ước.
1. Từ nửa cuối thời Trần trở về trước, làng xã hoàn chỉnh dần về cơ cấu
tổ chức và tục lệ, chuẩn bị điều kiện cho sự ra đời của hương ước.
2. Từ cuối thời Trần đến thời Lê sơ, làng xã ngày càng bị phong kiến
hoá, cơ cấu tổ chức tương đối hoàn chỉnh, đời sống xã hội ngày càng thêm
phong phú và phức tạp. Hương ước ra đời.
3. Từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, làng xã bị phong kiến hoá sâu
sắc, hương ước “nở rộ”.
4. Từ đầu thế kỷ XX đến tháng 8 năm 1945 thời kỳ cuối cùng của
hương ước, thời kỳ “cải lương hành chính” nhằm đến nắm các làng xã, với
chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.
CHƯƠNG II
SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA HƯƠNG ƯỚC ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT
PHONG KIẾN VIỆT NAM
2.1. Giá trị pháp lý của hương ước.
Như đã phân tích, hương ước trở thành phổ biến từ thế kỷ XV trở đi,
khi nhà nước Trung ương với tay sâu vào từng đơn vị tụ cư của người nông
dân Việt. Nội dung của hương ước khá phong phú. Nhìn chung nó quy định
các mặt: ranh giới lãnh thổ; sản xuất và bảo vệ môi trường; cơ cấu tổ chức và
quan hệ xã hội, tín ngưỡng; nghĩa vụ của làng xã đối với Nhà nước; các hành
vi vi phạm của những quy định của hương ước, hình thức khen thưởng và xử
phạt; soạn thảo sửa đổi bổ sung hương ước. Nhưng không phải bản hương
ước nào cũng đầy đủ những nội dung trên. Tùy điều kiện cụ thể mà hương
ước có nội dung dài ngắn và những điều khoản liên quan tới các mặt của đời
sống làng xã chiếm tỷ lệ về vị trí khác nhau. Hương ước là sản phẩm của làng,
nó gắn liền với sự hình thành và phát triển của đời sống làng xã Việt Nam. Vì
vậy hương ước không chỉ ảnh hưởng tới tâm tư tình cảm, phong tục tập quán
của người Việt mà còn ảnh hưởng tới pháp luật của phong kiến Việt Nam.
Nhiều công trình nghiên cứu từ trước đến nay đã chỉ rõ hương ước,
hương ước có vai trò quan trọng trong đời sống làng Việt cổ truyền. Tuy
nhiên các công trình đó ít lưu ý đến vai trò của hương ước với tư cách là một
công cụ quản lý. Trước khi bàn về vai trò của hương ước trong quản lý làng
xã xin đề cập đến khai niệm quản lý.
Quản lý, theo chúng tôi là sắp đặt chăm nom các hoạt động của một
cộng đồng. Nó có hàm ý vừa là tổ chức vừa là cai quản các hoạt động đó. Đối
tượng của quản lý khá rộng: Quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý văn
hoá... mỗi đối tượng có một thường thức và những công cụ quản lý khác
nhau: bằng pháp luật, bằng phong tục, bằng đạo đức, bằng tôn giáo tín
ngưỡng... mà các thành viên và cấc thiết chế tổ chức trong cộng đồng phải
tuân thủ.
Trong phạm vi đang bàn, quản lý xã hội là tổ chức và cai quản các đơn
vị dân cư có địa vị riêng, tương đối ổn định có cơ cấu tổ chức, lệ tục, tín
ngưỡng và sinh hoạt văn hoá cộng đồng riêng, dần dần được Nhà nước phong
kiến lắp ghép thành các đơn vị hành chính cáp cơ sở. Nội dung chủ yếu của
quản lý xã hội làng xã là điều chỉnh các mối quan hệ giữa các giai tầng xã hội,
cai quản các thíêt chế tổ chức trong làng, để làng được duy trì và phát triển
trong thế ổn định, để Nhà nước nắm được các yêu cầu về sưu thuế, binh dịch
từ các đơn vị tụ cư đó.
Với ý nghĩa trên, chúng tôi xét vai trò của hương ước trong quản lý xã
hội làng xã, cũng là tìm hiểu tính hai mặt của hương ước, được thể hiện dưới
góc độ sau đây:
2.1.1. Hương ước – công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong
cộng đồng làng, công cụ để quản lý làng xã.
Như đã trình bày, hầu hết các điều của hương ước quy định trách nhiệm
và chế độ thưởng phạt trước hết và chủ yếu đối với các cá nhân trong làng,
trong việc thực hienẹ các công việc của cộng đồng. Với các điều khoản này,
hương ước trực tiếp kiểm soát thái độ ứng xử của từng thành viên, không
phân biệt già trẻ, nam nữ thuộc bất kỳ hình thức tổ chức và giai tầng xã hội
nào có địa vị hoặc tài sản ra sao. Từ ăn mặc, đi lại, nói năng, thăm hỏi, họp
hành cho đến nghĩa vụ đối với gia đình họ mạc làng xóm trong các việc ma
chay cưới xin, khao vọng, việc biện lễ, tế lễ, việc canh tuần phòng... đều được
quy định chặt chẽ, tỉ mỉ trong hương ước, không ai được vi phạm. Như vậy
thông qua hương ước làng xã quy định nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá
nhân đối với cộng đồng; đồng thời giám sát việc tuân thủ lệ làng của mỗi cá
nhân đó. Hành động vi phạm lệ làng của người thường chỉ có liên quan tới
bản thân người đó. Tóm lại bằng cách trực tiếp tác động đến từng thành viên
của cộng đồng qua việc kiểm soát thái độ ứng xử hàng ngày của từng cá nhan,
hương ước đã tạo ra sự ràng buộc, sự áp đặt và cả sự cưỡng chế của cộng
đồng đối với mọi con người trong làng. Và nhờ đó, hương ước còn làm nhiệm
vụ quan trọng khác: là sợi dây nối liền các tổ chức xã hội trong làng xã.
Như đã trình bày trong mỗi làng Việt xưa kia người nông dân Việt hợp
lại với nhau trong nhiều hình thức tổ chức khác nhau, xóm ngõ, dòng họ, phe
giáp, phường hội và theo các thiết chế của bộ máy chính trị xã hội cấp xã.
Đây là thiết chế cộng đồng theo trục ngang. Mỗi tổ chức có tiêu chuẩn xét
nhận thành viên riêng, có chức năng và cơ cấu vận hành riêng trong tổng thể
làng xã. Theo nhà Dân tộc học Trần Từ, các hình thức tập hợp người như vậy,
có thể nói cơ cấu tổ chức làm việc rất đa dạng nhưng cũng rất rời rạc lẻ tẻ. Vì
thế thể chế đều có một cuộc sống riêng chẳng có liên hệ gì với nhau. Bởi vậy,
có thể coi chúng là những “ốc đảo” trong “đại dương” của làng mạc tiểu
nông. Tuy nhiên theo dòng thời gian, cuộc sống làng mạc vẫn tiếp diễn với tất
cả sự đa dạng của nó. Trong sự vận hành không ngừng theo nhịp điệu đó của
cuộc sống làng mạc, mỗi tổ chức trên đã góp phần riêng và có thể hiện vai trò
của mình –như đã trình bày ở phần nội dung của hương ước. Vậy giữa vô vàn
những “ốc đảo” đó, cái gì đã nối chúng lại với nhau, khiến cho làng Việt cổ
truyền, tưởng chừng như rời rạc, lẻ tẻ và phức tạp bởi các thíêt chế tổ chức đó
vẫn vận hành như một guồng máy thống nhất để cho làng xã vẫn tồn tại với
tính cách vừa là đơn vị tụ cư của người nông dân, vừa là cấp hành chính cuối
cùng của chế độ phong kiến? Ở đây, câu trả lời hữu lý trước hết là do bộ máy
quản lý làng xã đã điều hoà các thiết chế tổ chức lại với nhau, để cho các thiết
chế ấy vận hành theo một cơ chế thống nhất. Để làm được công việc quản lý,
bộ máy chính quyền nào cũng phải dùng tới những biện pháp hành chính với
tính chất áp đặt mà về thực chất, suy cho cùng đều là bạo lực. Tuy nhiên, bộ
máy quản lý làng xã ở đây cũng như những thiết chế tổ chức khác trong làng
vẫn chỉ là một “ốc đảo”, không được nối với các “ốc đảo”cần phải điều hoà
kia bằng sợi dây ràng buộc hữu cơ, do vậy mà không thể trực tiếp tác động tới
từng thiết chế hay từng “ốc đảo” một. Chính ở đây hương ước đã đóng vai trò