MỞ BÀI
Khi xây dựng một văn bản pháp luật, chúng ta thường nói đến tính
khả thi của văn bản và thường đặt ra câu hỏi liệu văn bản đó có tính khả
thi hay không? Vậy, khả thi là gì? Một văn bản pháp luật cần đáp ứng
những yêu cầu nào để có tính khả thi và phải làm như thế nào để xây
dựng được một văn bản pháp luật đảm bảo tính khả thi?
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Vì sao văn bản pháp luật cần có tính khả thi?
“ Khả thi” theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là khả năng thực hiện.
Như vậy, một văn bản pháp luật có tính khả thi là một văn bản pháp luật
có khả năng thực hiện trên thực tế hay nói một cách khác là những quy
định của văn bản pháp luật đó có khả năng đi vào cuộc sống mà không
chỉ dừng lại trên giấy. Việc đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật là
một yêu cầu rất quan trọng được đặt ra trong suốt quá trình xây dựng văn
bản.
Tại khoản 3, điều 36, Luật Ban hành văn bản pháp luật quy định:
“Tính khả thi của dự thảo văn bản, bao gồm sự phù hợp giữa quy định
của dự thảo văn bản với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và
điều kiện bảo đảm để thực hiện”. Quy định này là hợp lí và cần thiết để
những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Sẽ là vô nghĩa và gây ra
những tốn kém không cần thiết cả về thời gian và tiền bạc khi một văn
bản pháp luật được dự thảo, hội thảo, nghiên cứu, ban hành nhưng xa rời
thực tế hoặc tạo ra những tác động ngược và các đối tượng thực thi không
thể thi hành.
Nếu văn bản phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề đặt ra từ
thực tiễn, chứa đựng những nội dung phù hợp với các điều kiện phát triển
kinh tế- xã hội và yêu cầu quản lí nhà nước sẽ tạo ra những “ đòn bẩy”
tăng trưởng kinh tế - xã hội góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh tế
phát triển. Trường hợp văn bản pháp luật không phù hợp, không phản ánh
đúng và đầy đủ các hướng vận động của đời sống xã hội với những quy
định quá cao hoặc lỗi thời sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội, là
nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả của quản lí nhà nước. Với những
phân tích trên, ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của tính khả thi của văn
bản pháp luật. Rõ ràng, một văn bản pháp luật hoàn toàn đúng trên lí
thuyết, với nhiều những quy định đầy đủ, có tính thống nhất với nhau
cũng sẽ không có ý nghĩa gì nếu nó không mang tính khả thi. Tính khả thi
là yếu tố “ cần” của một văn bản pháp luật.
II. Một văn bản pháp luật phải đáp ứng những yêu cầu nào
để có thể có tính khả thi?
1. Nội dung của văn bản pháp luật phải phù hợp với các điều
kiện kinh tế - xã hội hiện tại.
Đây là điều kiện đầu tiên cần có của một văn bản pháp luật. Cụ thể,
văn bản luật đó phải phản ánh đúng hiện thực khách quan, không thấp
hơn và cũng không cao hơn trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng
thời kỳ. Sự phù hợp này phản ánh rất rõ mối tương quan giữa trình độ
pháp luật và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Luật phải điều chỉnh và
định hướng hành vi của con người phù hợp với quy luật của xã hội, phù
hợp với lòng dân, phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của
nhân dân thì mới được xã hội chấp nhận, được nhân dân đồng tình ủng hộ
và tự nguyện thực hiện. Văn bản pháp luật được tạo ra không phải với
mục đích là một văn bản mang tính chất lí thuyết, thể hiện tính học thuyết
cao mà điều quan trọng cũng như cơ sở để nó ra đời, tồn tại chính là hiệu
quả tốt trong quản lí xã hội, nâng cao lợi ích, đời sống của nhân dân.
Người làm luật cần phải có những định hướng đúng đắn và phù hợp trong
việc đưa ra những quy định để tạo sự hưởng ứng,tự nguyện, tích cực tham
gia của người dân, từ đó công tác quản lí của cơ quan nhà nước sẽ tự đi
theo chiều hướng tốt: hoạt động quản lí dễ dàng, hạn chế được cơ số
những vụ vi phạm pháp luật…Tính phù hợp của nội dung văn bản pháp
luật với điều kiện kinh tế - xã hội còn thể hiện ở việc biết nắm bắt những
đặc thù của tình hình kinh tế - xã hội đất nước để đưa ra những quy định
đúng đắn, có hiệu quả. Ví dụ: Theo qui định tại khoản 1 điều 9 Luật Hôn
nhân và gia đình Việt Nam, tuổi kết hôn của nam là từ hai mươi tuổi trở
lên, nữ từ đủ mưởi tám tuổi trở lên. Việc quy định độ tuổi kết hôn đúng
đắn, phù hợp như vậy là do người làm luật đã biết căn cứ vào sự phát
triển tâm sinh lí của con người, căn cứ vào các điều kiện kinh tế - xã hội
của nước ta.
2. Văn bản pháp luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính
đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Các quy định của văn bản
pháp luật phải minh bạch, cụ thể, rõ ràng, chi tiết, có khả năng thi hành
ngay mà không cần phải chờ quá nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành.
Khi xem xét nội dung hợp pháp, tính hợp hiến của văn bản pháp luật
cần xét tới mối quan hệ giữa các văn bản trong hệ thống văn bản pháp
luật. Trong những phạm vi điều chỉnh nhất định, văn bản pháp luật
thường không tồn tại biệt lập mà luôn có mối quan hệ với nhau. Nội dung
của văn bản pháp luật đang soạn thảo cần được đánh giá sao cho phù hợp
và thống nhất với nội dung của những văn bản có liên quan. Những văn
bản chồng chéo, mâu thuẫn, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của
hệ thống pháp luật cũng gây ra rất nhiều vướng mắc trong thực tế cũng
rất khó đi vào cuộc sống.
Thực tế cho thấy có những văn bản quy định những nguyên tắc
mang tính chung chung, hoàn toàn phụ thuộc vào các văn bản quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành do đó chậm đi vào cuộc sống. Với thực tiễn
như vậy không thể tránh khỏi trường hợp trong quá trình văn bản quy
định chi tiết đang được soạn thảo thì vấn đề cần được giải quyết trước đó
đã đi theo chiều hướng khác, vì vậy, cần thiết phải có những quy định
khác thay thế để thực hiện có hiệu quả hơn; đồng nghĩa với việc văn bản
pháp luật ấy đã không còn có hiệu quả áp dụng trên thực tế. Rõ ràng, với
những trường hợp như vậy, không khó có thể lí giải vì sao nhiều văn bản
pháp luật được soạn thảo, ban hành chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ, chưa một
lần được áp dụng vào thực tế; nếu có áp dụng thì hiệu quả tác động cũng
giảm đi đáng kể. Tiếp đó, các quy định của luật phải có bộ máy thực hiện,
tổ chức thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý hành vi vi
phạm và có đủ ngân sách, kinh phí để thực hiện. Đồng thời, cũng cần có
những quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá
nhân hữu quan trong thực hiện các quy định của luật. Chính vì vậy, yêu
cầu cần đặt ra đối với văn bản pháp luật là các quy định của văn bản pháp
luật phải minh bạch, cụ thể, rõ ràng, chi tiết, có khả năng thi hành ngay
mà không cần phải chờ quá nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành. Như vậy sẽ dễ dàng triển khai trong thực tiễn, phù hợp với khả
năng của các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện văn bản
và phù hợp với nhận thức pháp luật của đối tượng có liên quan; đồng thời
tạo ra sự kịp thời, đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong
hoạt động ban hành văn bản và tổ chức thực hiện văn bản.
2. Yêu cầu về ngôn ngữ, kết cấu và bố cục của văn bản pháp
luật.
Ngôn ngữ, kết cấu và bố cục cũng là yếu tố quyết định tới tính khả
thi của văn bản pháp luật.
Ngôn ngữ văn bản pháp luật là phương tiện dùng để giao tiếp giữa
chủ thể quản lí và đối tượng quản lí. Chủ thể quản lí tác động tới đối
tượng quản lí thông qua việc ban hành các văn bản trong đó ngôn ngữ
đóng vai trò trung gian. Như vậy, hiệu quả quản lí cũng như tính khả thi
của văn bản phát huy tác dụng ở một mức độ nào đó phụ thuộc vào vai
trò của ngôn ngữ trong văn bản. Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng
hàng đầu để thể hiện ý chí của cấp có thẩm quyền. Thông qua ngôn ngữ,
chủ thể ban hành văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình và khi
đọc văn bản, người tiếp nhận hiểu được ý chí đó để tùy từng trường hợp
cụ thể thực hiện những hành vi cần thiết, phù hợp với văn bản đã được
nhận, đáp ứng yêu cầu của chủ thể ban hành. Kết cấu và bố cục của văn
bản pháp luật cũng phần nào có tác động tới việc văn bản đó có thể tìm
đến thực tế hay không? Xây dựng kết cấu văn bản, bố cục logic, chặt chẽ;
các thuật ngữ pháp lí được sử dụng chính xác, một nghĩa, cách diễn đạt
trình bày nội dung văn bản cô đọng, khoa học, dễ hiểu , phù hợp với nhận
thức của đông đảo nhân dân tạo sự thuận lợi trong việc thực hiện văn bản
pháp luật trên thực tế.
III. Tính khả thi của những văn bản pháp luật Việt Nam hiện
hành.
Nhìn nhận một cách khách quan, những văn bản pháp luật Việt Nam
đã có những đổi mới để ngày càng có tính khả thi hơn trong quá trình áp
dụng vào cuộc sống, Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không tồn tại
những văn bản pháp luật thiếu tính khả thi. Quy định của pháp luật và ý
nghĩa có việc bảo đảm tính khả thi của văn bản rất cụ thể, rõ ràng và về
mặt lý thuyết không có ai phản đối. Tiếc thay, hiện nay đã và đang xuất
hiện khá nhiều văn bản không có tính khả thi hoặc tính khả thi rất thấp.
Câu chuyện cần được quan tâm và nói đến ở đây đó chính là sự tồn tại
của những văn bản thiếu tính khả thi đó.
Trước hết phải kể đến một số Nghị định của Chính phủ bao gồm cả
những văn bản đã được ban hành và những văn bản đang là dự thảo.
Xuất hiện nhiều quy định xa rời thực tế hơn cả là Nghị định số
34/2010/NĐ- CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ “ Quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”. Trong Nghị định
này, ít nhất cũng có ba điều xa thực tế, đó là: quy định xử phạt những
người hành nghề xe ôm không đeo biển hiệu và không có trang phục do
cấp tỉnh quy định để phân biệt với những người tham gia giao thông
khác; quy định xử phạt với những lái xe vận chuyển container không có