Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Về mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận trong triết học Hêgen

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (51.01 KB, 5 trang )

Về mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận trong triết học Hêgen
Nguyễn Ngọc Khá
Vấn đề mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận đã được nhiều nhà triết học trước Mác
xem xét, đặc biệt nó được nghiên cứu khá chi tiết trong triết học Hêgen. Khi khái quát hoá
qui luật, Hêgen khẳng định: Qui luật là "mối quan hệ cơ bản", là "hiện tượng cơ bản". Từ đó
ông cho rằng, mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận là mối quan hệ cơ bản, là qui
luật.
Để thiết lập quan điểm biện chứng về mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận, Hêgen
đã phê phán nhưng hạn chế trong quan điểm siêu hình về vấn đề này. Ông chỉ ra rằng,
quan điểm siêu hình coi cái toàn thể và cái bộ phận chỉ là những mặt đối lập trực tiếp, "chết
cứng", giữa chúng không có sự ràng buộc, phụ thuộc, qui định lẫn nhau. Từ đó Hêgen đi đến
kết luận rằng, các bộ phận của cơ thể sống và xã hội là những bộ phận của một toàn thể,
chứ không phải là những bộ phận cơ giới, giản đơn, cô lập, tách biệt nhau. Sự phê phán ấy
của Hêgen đã được Ăngghen đánh giá rất cao. ông cho rằng:"Trong giới hữu cơ thì bộ phận
và toàn thể, chẳng hạn, là những phạm trù đã trở thành không đủ nữa. Sự nảy mầm của
hạt giống - cái bào thai và con vật một khi đã sinh ra không thể coi là "bộ phận" tách rời
khỏi "toàn thể": điều đó sẽ đem lại một sự giải thích sai lầm. Nhưng bộ phận chỉ có trong
xác chết mà thôi " (1).
Khi xem xét giới tự nhiên với tính cách là một nấc thang trong sự phát triển của ý niệm
tuyệt đối ở mức độ chỉnh thể của nó, Hêgen đã phân chia thành ba hình thức tồn tại của các
sự vật: hình thức cơ giới, hình thức hoá học và hình thức hữu cơ. Sự phân chia ấy được coi
là cơ sở để phân ngành khoa học trên lập trường của chủ nghĩa duy tâm ở thời đại lúc bấy
giờ.
Ở hình thức thứ nhất, Hêgen đã phân tích các sự vật trong quá trình tác động qua lại giữa
các bộ phận cấu thành. ông đặt ra vấn đề về sự chuyển hoá vô tận từ toàn thể đến bộ phận,
tử bộ phận đến toàn thể, bởi vì cái bộ phận mang tính độc lập tương đối trong mối quan hệ
với các bộ phận khác, cũng như với cái toàn thể. Hêgen cho rằng, trong việc nghiên cứu các
sự vật ở hình thức hoá học, thì sự tác động qua lại giữa các bộ phận bắt đầu có tính chất cơ
bản, và do vậy, các phạm trù cái toàn thể và cái bộ phận cần phải được áp dụng trong mối
quan hệ mật thiết của chúng.
Ở mức độ cao hơn, sự hiểu biết về mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận cần được


áp đụng chặt chẽ khi nghiên cứu giới hữu cơ, trong đó chứa đựng các thể loại cơ giới và hoá
học. Hêgen viết: "Sự sống, về cơ bản, là sự thâm nhập và chuyển hoá của tất cả các bộ
phận của nó đó chính là sự sống của các bộ phận - những cái luôn bị phân giải với tính
năng động nội tại của mình và chỉ diễn ra với tính cách là một toàn thể. Cái toàn thể là một
thực thể chung nhất, nó là cơ sở cũng như là tổng thể các kết quả Nó là sự liên kết thống
nhất các bộ phận trong sự tự do của chúng"(2).
Khi đề cập đến sự phân ngành khoa học của Hêgen, Ăngghen chỉ ra rằng, vào cuối thế kỷ
XVIII, khoa học tự nhiên ở trường phái Niutơn-Linnê đã xuất hiện nhu cấu khái quát hoá và
cùng với các nhà duy vật Pháp thì Hêgen cũng ý thức được điều đó.
Ăngghen nhận xét: "Sự phân chia (ban đầu) của Hêgen, thành cơ giới luận, hoá học luận,
hữu cơ luận là hoàn bị đối với thời kỳ của ông. Cơ giới luận tức là vận động của khối lượng;
hoá học luận là vận động của phân tử (vì vật lý học cũng nằm trong cả hai môn, vật lý học
và hoá học, đều thuộc cùng một loại) và vận động của nguyên tử;
hữu cơ luận là vận động của các vật thể không tách rời nhau. Bởi vì thế hữu cơ, đương
nhiên là một sự thống nhất cao, liên kết cơ học, vật lý học và hoá học thành một chỉnh thể,
trong đó cái tam vị nhất thể không thể bị tách rời ra được"(3).
Từ đó Ăngghen đi đến kết luận:"Ngược lại với quan niệm về tự nhiên thịnh hành ở người
Pháp thế kỷ XVIII cũng như ở Hêgen, coi tự nhiên như là một chỉnh thể không thay đổi, vận
động trong những vòng tuần hoàn chật hẹp, với những thiên thể vĩnh cửu như Niutơn đã
dạy, với những loài sinh vật hưu cơ không thay đổi như Linnê đã dạy, - ngược lại với quan
niệm về tự nhiên ấy, chủ nghĩa duy vật biện chứng hiện đại tổng hợp nhưng thành tựu mới
nhất của khoa học tự nhiên, mà theo đó thì giới tự nhiên cũng có lịch sử của bản thân nó
trong thời gian "(4)
Khi xem xét tính chỉnh thể của ý niệm trong sự tha hoá của nó vào giới tự nhiên, Hêgen
cũng quan tâm đến việc nghiên cứu con người, mà theo lôgíc của ông, đó là công cụ để
khám phá bản chất tinh thần của giới tự nhiên, và do đó, là nấc thang phát triển cao nhất
của ý niệm tuyệt đối.
Sự vận động tiếp theo của lịch sử toàn thế giới được Hêgen giải thích với tính cách là sự
phát triển của ý niệm thông qua sự đấu tranh với chính bản thân mình, khi mà lý tính lịch sử
buộc các cá nhân riêng lẻ phải thực hiện những mục đích cao nhất của cái chung. Ý niệm

thâm nhập vào con người và cùng với con người vận động theo các nấc thang để quay trở
về với chính mình - từ tính tất yếu bên ngoài của giới tự nhiên đến hoạt động tự do có mục
đích của con người - một hình thức nội tại trong sự tự biểu hiện của ý niệm tuyệt đối. Cái
cấu trúc tư biện trên đây của Hêgen, mặc dù vậy, cũng mang một nội dung xã hội sâu sắc,
đặc biệt trong vấn đề tự do tư sản. ông đã xem xét tự do với tính cách là khả năng của con
người khám phá những năng lực của mình trong việc nắm giữ những địa vị và chức vụ nhà
nước.
Hêgen cho rằng, nhà nước là một toàn thể hữu cơ, trong đó gia đình và xã hội đóng vai trò
là những nhân tố tinh thần. Phát triển tư tưởng về sự khác nhau giữa các bộ phận, về sự
thống nhất của cái toàn thể và cái bộ phận đã được nêu ra ngay từ thời cổ đại, trong quan
điểm về nhà nước, Hêgen khẳng định cái toàn thể đồng nhất với cái bộ phận chung nhất của
mình. ông viết: “Chính phủ là (tất cả) bộ phận chung của cơ cấu nhà nước, nghĩa là cái bộ
phận của cơ cấu nhà nước có mục đích được đặt lên cao hơn so với mục đích của gia đình và
xã hội công dân"(5)
Khi phê phán triết học pháp quyền của Hêgen, Mác chỉ ra rằng, việc đưa cái chung lên thành
mục đích được suy diễn từ ngay định nghĩa trừu tượng về nhà nước. Với cách tiếp cận như
vậy thì chính phủ được xem xét với tư cách một bộ phận thống trị của cơ quan chính thể là
nhà nước. Theo Mác, trong trường hợp này, Hêgen mới chỉ nhìn thấy một cách trực quan
trạng thái của tầng lớp công chức phù hợp với trật tự pháp quyền chính trị của chế độ quân
chủ. Các phạm trù cái toàn thể và cái bộ phận ở Hêgen còn được truyền bá sang lĩnh vực
nhận thức luận và được xem xét trong học thuyết về bản chất. Công lao của Hêgen là ở chỗ,
ông đã xem xét chân lý với tính cách là một cái toàn thể, một hệ thống phát triển mà các bộ
phận của nó nằm trong mối liên hệ phối hợp và phụ thuộc lẫn nhau. Hơn nữa, chân lý là
một quá trình và chỉ có thể tồn tại khi được biểu hiện ở hình thức khoa học. Ông viết: "Bất
kỳ sự nghiên cứu khoa học nào cũng đều mang tính hệ thống, bồi vi hình thức chân lý chỉ có
thể là hệ thống các chân lý khoa học"(6).
Lần đầu tiên trong lịch sử triết học, Hêgen đã tiến hành xác định vị trí của các phạm trù cái
toàn thể và cái bộ phận trong hệ thống các phạm trù lôgíc chung nhất. Ông xem xét cái
toàn thể và cái bộ phận trong tam đoạn thức: bản chất - hiện tượng hiện thực, trong đó cái
toàn thể và cái bộ phận cùng với các khái niệm lực và sự biểu hiện, cái bên trong và cái bên

ngoài đặc trưng cho các mức độ khác nhau của tồn tại. Theo Hêgen, mối quan hệ cơ bản là
sự thống nhất của hai nhân tố đối lập nhau: tính độc lập trực tiếp và gián tiếp của tồn tại ở
đây cái toàn thể biểu hiện tính độc lập gián tiếp, còn cái bộ phận biểu hiện tính độc lập trực
tiếp của tồn tại. Cái toàn thể và cái bộ phận đều đặc trưng cho quá trình biểu hiện bản chất.
Sự khác biệt và mâu thuẫn của chúng qui định tính bền vững và sự phát triển của bản chất
(7).
Điều đó cho ta thấy, trong học thuyết về bản chất, Hêgen đã xem xét tính quy định lẫn nhau
giữa cái toàn thể và cái bộ phận. Mối quan hệ giữa chúng gắn liền với các khái niệm lực và
sự biểu hiện của nó. Hêgen cho rằng: "Danh từ thế giới thường chỉ chỉnh thể vô định hình
của cái nhiều vẻ" và "quan hệ giữa toàn thể và bộ phận; quan hệ ấy chuyển thành quan hệ
sau đây quan hệ của lực đối với biểu hiện của lực; - quan hệ của bên trong và bên ngoài -
chuyển hoá sang thực chể, hiện thực Lực là sự thống nhất phủ định, trong đó mâu thuẫn
giữa toàn thể với các bộ phận được giải quyết, là chân lý của quan hệ đầu tiên ấy"(8). Khi
xem xét vấn đề này, Lênin đi đến kết luận: " tiêu chuẩn của phép biện chứng mà Hêgen
đã vô tình biểu hiện ra: "trong toàn bộ sự phát triển tự nhiên, khoa học và tinh thần": đó là
cái hạt chân lý sâu sắc trong cái bỏ thần bí của chủ nghĩa Hêgen"(9).
Ở Hêgen, cái toàn thể và cái bộ phận là những phạm trù có mối quan hệ tương hỗ. Cái toàn
thể bên ngoài các bộ phận không phải là cái toàn thể, còn các bộ phận thì bảo tồn cái toàn
thể với tính cách là các yếu tố của cái toàn thể. Chúng bao hàm lẫn nhau nhưng đồng thời
lại có tính độc lập tương đối của mình. Hêgen viết:" Mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ
phận bao chứa trong mình vừa với tính cách là các mặt độc lập tương đối, vừa với tính cách
nằm trong mối tương quan thống nhất với nhau một cách vô điều kiện"(10). Thực chất của
mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận, theo Hêgen, mang tính chất ý niệm. Nó
không phải là mối quan hệ của hiện thực khách quan, bởi vì "cái toàn thể" và '"cái bộ phận"
không phải là sự phản ánh biện chứng khách quan vào trong ý thức con người, không phải
là một trong những nấc thang của quá trình nhận thức, mà là một giai đoạn, một cấp độ
nhất định trong sự phát triển của ý niệm tuyệt đối. Khi vạch ra ý nghĩa phương pháp luận
của mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận, Hêgen cho rằng, việc làm sáng tỏ tính đa
dạng trong sự thống nhất và sự thống nhất trong tính đa dạng, đó là nhiệm vụ của phân
tích và tổng hợp. Để làm rõ được điều đó, trước hết cần phải tiến hành mô tả cái toàn thể

ban đầu, sau đó tiến hành phân tích nó thành các bộ phận và cuối cùng tổng hợp các bộ
phận ấy lại với nhau. Có thể nói, chính Hêgen là người đã đưa ra những tư tưởng sâu sắc về
mối quan hệ biện chứng của cái toàn thể và cái bộ phận, những biểu hiện của mối quan hệ
ấy trong các khách thể tự nhiên, xã hội cũng như tinh thần. Nếu gạt bỏ tính chất duy tâm
trong quan niệm của ông, thì chính những tư tưởng ấy đóng vai trò là cơ sở cho quan điểm
duy vật về mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận mà Mác và Ăngghen đã đưa ra.

(1) C.mác Ph.Ăngghen. Toàn tập, tr.20. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr697.
(2) G. V.F.Hêgen. Bách khoa toàn thư các khoa học triết học: t 2. Mátxcơva, 1975, tr.894
(tiếng Nga).
(3) C.Mác, Ph. Ăngghen. Sdd,. Tr. 475 – 476
(4) C.Mác, Ph. Ăngghen. Sdd,. Tr. 42
(5) G.V.F.Hegen. Bách khoa toàn thư các khoa học triết học t.3. Matxcơva, 1975, tr. 356
(tiếng Nga).
(6) G.V.F.Hêgen. Tác phẩm, t.4. Mátxcơva, I959, tr3 (tiếng Nga).
(7) Xem: G. V.F.Hêgen. Khoa học lôgíc, t.2. Mátxcơva, 1971, tr.153-154 (tiếng Nga).
(8) Trích theo. V.I.lênin. Toàn tập t.29 Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.163.
(9) V.I.Lênin. Sđd., tr.164.
(10) G. V.F.Hêgen. Tác phẩm, t.5. Mátxcơva, 1937, tr.616 (tiếng Nga).

×