Tải bản đầy đủ (.pdf) (114 trang)

Đặc điểm biệt danh của trẻ em ở Hà Nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.11 MB, 114 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN






PHẠM THU HUYỀN






ĐẶC ĐIỂM BIỆT DANH
CỦA TRẺ EM Ở HÀ NỘI






LUẬN VĂN THẠC SỸ NGÔN NGỮ HỌC








Hà Nội – 2015
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN





PHẠM THU HUYỀN




ĐẶC ĐIỂM BIỆT DANH
CỦA TRẺ EM Ở HÀ NỘI




Chuyên ngành: NGÔN NGỮ HỌC
Mã số: 60 22 02 44


LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC



Người hướng dẫn khoa học:
GS. T


S. NGUYỄN VĂN KHANG




Hà Nội – 2015
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu do chính tôi thực hiện. Các số
liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn này là trung thực và chưa được
công bố trong bất kì công trình nghiên cứu nào khác.

Tác giả luận văn


Phạm Thu Huyền









LỜI CẢM ƠN
Để có thể hoàn thành luận văn “Đặc điểm biệt danh của trẻ em ở Hà
Nội”, tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của rất nhiều cá nhân và tập
thể. Nếu không có họ giúp đỡ, tôi không thể hoàn thành được luận văn này.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới GS.TS Nguyễn Văn Khang, người
Thầy đã hướng dẫn và giúp đỡ tôi rất nhiều, đồng thời, Thầy cũng đưa rất

nhiều ý kiến chỉ dẫn quý báu trong quá trình thực hiện luận văn. Những ý kiến
và chỉ dẫn ấy đã giúp tôi tìm cách khắc phục và vượt qua khó khăn để đi được
đến điểm cuối cùng của luận văn.
Tôi xin gửi lời cảm ơn tới các thầy cô trong khoa Ngôn ngữ học, trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo điều
kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập cũng như thực hiện và hoàn
thiện luận văn.
Lời cảm ơn đặc biệt tôi muốn gửi tới gia đình tôi đã luôn bên cạnh và
ủng hộ và giúp đỡ về mặt tinh thần cho tôi rất nhiều. Tôi cảm ơn bạn bè và tập
thể lớp cao học K57 Ngôn ngữ học đã giúp đỡ và đồng hành cùng trong suốt
quá trình học tập và thực hiện luận văn.
Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2015
Tác giả

Phạm Thu Huyền

1

MỤC LỤC
MỤC LỤC 1
PHẦN MỞ ĐẦU 5
1. Lý do chọn đề tài 5
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn 5
3. Phương pháp nghiên cứu của luận văn 6
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn 6
5. Ý nghĩa của luận văn 6
6. Bố cục của luận văn 7
PHẦN NỘI DUNG 8
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA LUẬN VĂN 8
1.1. Danh học với việc nghiên cứu tên riêng 8

1.1.1. Danh học và một số vấn đề hữu quan 8
1.1.1.1. Lược sử danh học 8
1.1.1.2. Phạm vi nghiên cứu và phân loại danh học 10
1.1.2. Tên riêng và những vấn đề hữu quan 11
1.1.2.1. Khái niệm tên riêng 11
1.1.2.2. Ý nghĩa của tên riêng 13
1.2. Nhân danh học với việc nghiên cứu tên người 15
2

1.2.1. Nhân danh học và một số vấn đề hữu quan 16
1.2.1.1. Lược sử nghiên cứu nhân danh học trên thế giới 16
1.2.1.2. Lược sử nghiên cứu nhân danh học ở Việt Nam 17
1.2.2. Tên người và một số vấn đề hữu quan 20
1.2.2.1. Khái niệm tên người 20
1.2.2.2. Lược sử nghiên cứu tên người 21
1.2.2.3. Các loại tên riêng 22
1.3. Biệt danh và một số vấn đề hữu quan 27
1.3.1. Khái niệm “biệt danh” 27
1.3.2. Lược sử nghiên cứu biệt danh 29
1.3.3. Phân loại biệt danh 32
1.3.4. Phân biệt biệt danh với các loại tên riêng khác 35
Tiểu kết 36
CHƯƠNG 2: 37
ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO VÀ Ý NGHĨA BIỆT DANH CỦA TRẺ EM 37
2.1. Đặt vấn đề 37
2.1.1. Đặc điểm nguồn gốc ngôn ngữ biệt danh của trẻ em 37
2.1.1.1. Biệt danh là các từ thuần Việt (từ bản ngữ) 39
2.1.1.2. Biệt danh là các từ ngữ Hán Việt 39
3


2.1.1.3. Biệt danh là các từ ngữ gốc Ấn - Âu 40
2.1.2. Đặc điểm cấu tạo hình thức biệt danh của trẻ em 50
2.1.2.1. Biệt danh là các từ (từ đơn) 52
2.1.2.2. Biệt danh là các từ phức 55
2.2. Đặc điểm ý nghĩa biệt danh của trẻ em 55
2.2.1. Đặc điểm từ vựng – ngữ nghĩa 57
2.2.2. Đặc điểm từ vựng – ngữ pháp 67
Tiểu kết 68
CHƯƠNG 3: NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH BIỆT DANH 69
3.1. Đặt vấn đề 69
3.2. Nguồn gốc hình thành biệt danh 70
Tiểu kết 81
PHẦN KẾT LUẬN 82
TÀI LIỆU THAM KHẢO 85
PHỤ LỤC 1 91
PHỤ LỤC 2 106
4

DANH MỤC BẢNG BIỂU

Bảng 2.1: Biệt danh là các từ thuần Việt 39

Bảng 2.2: Biệt danh là từ thuần Việt phổ biến 39

Bảng 2.3: Biệt danh là từ Hán Việt 40

Bảng 2.4: Biệt danh là các từ ngữ gốc Ấn – Âu 41

Bảng 2.5: Biệt danh là từ tiếng Anh được sử dụng trong tiếng Việt 43


Bảng 2.6: Biệt danh là từ vay mượn nguyên dạng phổ biến 43

Bảng 2.7: Biệt danh là các từ vay mượn Anh/ Pháp 47

Bảng 2.8: Biệt danh là các từ vay mượn tiếng Anh/ Pháp phổ biến 48

Bảng 2.9: Biệt danh là từ đơn và từ phức 51

Bảng 2.10: Biệt danh là từ đơn phổ biến 54

Bảng 2.11: Biệt danh là từ phức phổ biến 55

Bảng 2.12: Thống kê biệt danh là tên các sự vật 60

Bảng 2.13: Thống kê biệt danh là các hiện tượng tự nhiên và xã hội 62

Bảng 2.14: Thống kê biệt danh về con người và sinh hoạt của con người 64

Bảng 2.15: Thống kê nhóm nghĩa đặc biệt 65

Bảng 2.16: Thống kê các nhóm biệt danh theo phân loại từ vựng - ngữ nghĩa 66

Bảng 2.17: Thống kê biệt danh theo từ vựng - ngữ pháp 67

Bảng 3.18: Thống kê lý do đặt biệt danh 81

5

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài

Danh xưng đối với người Việt nói riêng không chỉ để phân biệt với người này
với người kia, mà còn cung cấp thêm những thông tin cá nhân khác của người xưng
danh. Bởi danh xưng không đơn thuần chỉ là tên gọi. Danh xưng đồng thời phản ánh
những đặc trưng về văn hoá – xã hội của một cộng đồng người nhất định. Đối với
những cộng đồng người khác nhau, cách đặt tên được thể hiện khác nhau và phản
chiếu sự phát triển về kinh tế, văn hoá và xã hội của cộng đồng đó. Trong những giai
đoạn khác nhau, với những đặc điểm về kinh tế, những quan niệm và xu hướng khác
nhau, cái tên lại được đặt khác nhau và truyền đạt những tư tưởng và mong muốn
khác nhau. Tên riêng nói chung bao gồm nhiều loại tên khác nhau. Nhưng có thể nói
tên gọi thân thuộc nhất đối với mỗi người chính là biệt danh được đặt từ khi còn nhỏ.
Cho dù không được sử dụng trong những ngữ cảnh mang tính chất pháp lý và chính
thức, nhưng biệt danh có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến bản thân người
được đặt tên. Hiện nay, những nghiên cứu về biệt danh ở trên thế giới cũng đã được
thực hiện, tuy nhiên, những nghiên cứu đó mới chỉ phác hoạ bức tranh biệt danh và
còn cần thêm nhiều các nghiên cứu khác về biệt danh trên thế giới để hoàn thiện thêm
bức tranh đa màu sắc ấy. Ở Việt Nam, biệt danh cũng là một lĩnh vực mới mà ở đó
gần như chưa có các nghiên cứu chuyên sâu nào được thực hiện. Đó cũng là lý do
chúng tôi thực hiện đề tài “Đặc điểm biệt danh của trẻ em ở Hà Nội”. Thông qua đề
tài, chúng tôi mong muốn tìm hiểu đặc điểm cấu tạo cũng như làm rõ hơn biệt danh
được đặt cho trẻ em như thế nào, truyền tải những thông điệp gì, mang ý nghĩa gì
cũng như xu hướng phát triển của biệt danh.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
Mục đích nghiên cứu chính trong luận văn của chúng tôi là đưa ra một bức
tranh cụ thể về cách thức người Việt đặt biệt danh cho trẻ em trong những năm
gần đây ở Hà Nội. Từ đó, phác hoạ một phần bức tranh biệt danh của người Việt
và cũng phần nhỏ phác hoạ những biến đổi về văn hoá, xã hội được phản ánh qua
cách thức người Việt đặt biệt danh.
Để đạt được mục đích trên, luận văn cần phải:
- Hệ thống cơ sở lý thuyết liên quan đến đề tài.
6


- Miêu tả các đặc điểm cấu tạo cũng như ý nghĩa của biệt danh được người
Việt sử dụng để đặt tên cho con trong những năm gần đây.
- Chỉ ra những lý do cũng như cách sử dụng và những đặc điểm ngôn ngữ
xã hội của biệt danh của trẻ em, để qua đó, đưa ra những dự đoán mới về xu hướng
đặt tên của người Việt.
3. Phương pháp nghiên cứu của luận văn
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp thống kê – phân loại
- Điều tra bằng anket và phỏng vấn sâu
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
4.1. Luận văn hướng đến nghiên cứu các đặc điểm cấu tạo - ngữ nghĩa biệt
danh của trẻ em ở Hà Nội. Từ việc đầu tiên là chỉ ra cách thức sử dụng ngôn ngữ để
đặt biệt danh cho trẻ em ở Việt Nam, và sau đó đưa ra các lý do khác nhau để đặt
biệt danh.
4.2. Luận văn tập trung vào nghiên cứu biệt danh của trẻ em ở Hà Nội.
Đối tượng hướng đến ở đây là “biệt danh” của trẻ em ở “Hà Nội”.
Địa bàn nghiên cứu trong luận văn hướng đến là Hà Nội – trung tâm chính
trị, văn hoá, kinh tế của cả nước. Các mẫu được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên ở những
gia đình khác nhau thuộc những địa điểm khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể
như sau:
- Quận Thanh Xuân: 76 biệt danh
- Quận Ba Đình: 64 biệt danh
- Quận Long Biên: 76 biệt danh
- Quận Hoàng Mai: 75 biệt danh
- Quận Hai Bà Trưng: 68 biệt danh
- Quận Đống Đa: 63 biệt danh
- Quận Hoàn Kiếm: 69 biệt danh
- Quận Cầu Giấy: 67 biệt danh
Tổng số biệt danh chúng tôi thu được trong quá trình khảo sát là 558 biệt danh.

5. Ý nghĩa của luận văn
Luận văn hướng tới đóng góp vào những vấn đề lý luận và thực tiễn về
nghiên cứu nhân danh học nói riêng và danh học nói chung. Quan trọng hơn cả,
7

luận văn chỉ ra những đặc trưng về đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của biệt danh
dành cho trẻ em của người Việt. Thông qua đó, luận văn nêu lên những vấn đề xã
hội – văn hoá liên quan đến biệt danh.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn bao gồm ba
chương nằm trong phần nội dung như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận của luận văn
Chương 2: Đặc điểm cấu tạo và ý nghĩa của biệt danh trẻ em
Chương 3: Nguồn gốc hình thành biệt danh của trẻ em























8

PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA LUẬN VĂN
1.1. Danh học với việc nghiên cứu tên riêng
1.1.1. Danh học và một số vấn đề hữu quan
Thuật ngữ chuyên ngành sử dụng cho nghiên cứu tên nói chung là danh học
(onomastics), và những nhà khoa học nghiên cứu danh học được gọi là nhà danh
học (onomasts). Theo Mai Ngọc Chừ, “bộ môn danh học nghiên cứu các quy luật
đặt tên: tên người, tên sông, tên núi non, tên vùng đất.” [7; tr.133] Như vậy, danh
học là bộ môn nghiên cứu những quy luật cơ bản về nguồn gốc phát sinh, thành
phần cấu tạo, quá trình phát triển và sự hoạt động của tên riêng trong hệ thống ngôn
ngữ. Danh xưng nhìn chung, nghiên cứu về tất cả những danh từ thể hiện được bản
chất của sự vật, bao gồm cả tên chung và tên riêng (proper names). Cụ thể hơn,
danh học nghiên cứu nguồn gốc, đặc điểm cấu tạo, quá trình và xu hướng phát triển
của tất cả các loại tên: tên người như tên họ, tên đệm, tên chính, biệt danh, bút danh,
thụy hiệu, ; tên nơi chốn như quốc gia, phố phường, thị trấn, làng mạc, ; tên của
các danh lam thắng cảnh như sông núi, chùa chiền ; tên của các công trình xây
dựng như nhà cửa, đường phố, sân bay, khách sạn, ; tên của công trình giao thông
như đường phố, cầu cống, ; tên của các loài thực vật, động vật; tên của các phương
tiện giao thông như tàu, máy bay, ; tên của các sản phẩm thương mại như rượu,
thuốc, ; tên của các công trình sáng tạo nghệ thuật như sách vở, thơ ca, phim
truyện, tất cả những cái tên trong tưởng tượng cũng như trong thế giới thật. Danh
sách các loại tên sẽ còn mãi tiếp diễn. Như vậy, có thể nói rằng, danh học có một

phạm vi rất rộng và bao quát. Chính sự bao quát đó khiến danh học được rất nhiều
học giả quan tâm. Thật khó để tìm thấy một ngành khoa học xã hội và nghệ thuật
nào, dù ít hay nhiều, không liên quan đến cái tên.
1.1.1.1. Lược sử danh học
Nếu sự xuất hiện của một ngành khoa học mới được đánh dấu bằng khả năng
nhận diện chủ thể thì mầm mống của danh học có thể được tìm thấy ở Ai Cập cổ đại
cách đây 5.000 – 6.000 năm. Trên các bia đá thời kì này đã bước đầu phân biệt giữa
tên riêng và những danh từ chung thông qua khắc vẽ tên các vị thần hay tên vua
Pharaohs, và sau này được viết bằng sơn đỏ trên giấy papyrus. Cái tên trong thời kì
này, được bắt nguồn với ý nghĩa tôn trọng các vị vua chúa mà không nhằm mục
đích gọi tên, nhưng sự tri nhận về tên riêng cũng đã được biểu thị.
9

Có thể nói tên và những gì được gọi là mầm mống liên quan đến tên được
tìm thấy trong các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết của nguồn gốc dân tộc học
và trong các tác phẩm văn học cách đây hàng nghìn năm. Điều này được minh
chứng bởi những lời giải thích của từ nguyên học về tên. Các nhà văn hay sử học
cũng như từ nguyên học trong các tác phẩm của mình đề cập khá nhiều về tên riêng
cũng như tên địa danh về khía cạnh này hay khía cạnh khác, tuy nhiên, phải cho tới
thế kỉ XVI trở về sau, danh sách tên hay tên riêng, một loại từ điển đặc biệt bao
gồm những tài liệu phong phú cho tên riêng, mới hiện hành. Đến thế kỉ XVII, tên
riêng đã được thu thập và giải thích nhiều hơn.
Thế kỉ XIX xuất hiện các nhà ngữ pháp xuất sắc từ các nhiều quốc gia như
La-tinh, Đức, Séc, Hung-ga-ry, nhưng lý luận của các nhà ngữ pháp này là không
mở rộng ý niệm của danh từ riêng ra khỏi tên riêng và tên địa danh. Sự chuyển
hướng trong thế kỉ XIX – XX đã chỉ ra sự bùng phát chung trong việc nghiên cứu
tên trên toàn thế giới. Cho tới thời kì này, tên vẫn là đối tượng của những nghiên
cứu lịch sử; từ đầu thế kỉ XX tên trong lịch sử dân tộc nhận được nhiều chú ý hơn,
theo tài liệu thư mục học của Ekwall, có ít nhất một tá các nghiên cứu về tên địa
danh lịch sử được xuất bản ở Anh.

Từ nửa cuối thế kỉ XX, một hệ thống lý thuyết chung về danh học đã được
phát triển. Danh học trở thành một chuyên ngành độc lập của ngôn ngữ với sự kết
nối sâu rộng với các ngành khoa học xã hội và tự nhiên khác. Ý nghĩa xã hội của tên
trong giao tiếp và trong quản lý khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ các nghiên cứu
về danh học mà có thể khởi nguồn từ tài liệu tổng quát và từ sự sáng tỏ những vấn
đề hiện hành trong các ấn phẩm đặc biệt về danh học.
Ở Việt Nam, danh học là lĩnh vực dành được sự quan tâm của nhiều nhà
nghiên cứu từ sau những năm 1954 như Nguyễn Bạt Tuỵ với tác phẩm “Tên người
Việt Nam”, Hoàng Thị Châu công bố kết quả nghiên cứu về địa danh, chức danh và
thần danh Việt Nam vào những năm 1960. “Việt Nam danh nhân tự điển” của
Nguyễn Huyền Anh (1967) giới thiệu các vị tiền hiền với những đóng góp của họ
cho đất nước và “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Quang Thắng và
Nguyễn Bá Thế trình bày một cách chi tiết thân thế và sự nghiệp của hơn 1.500
nhân vật lịch sử Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho danh xưng học Việt Nam (1988).
Đến những cuối thế kỉ XX, danh học Việt Nam đã có nhiều bước chuyển biến mạnh
10

mẽ hơn với nhiều nghiên cứu lớn, có tính hệ thống và sâu sắc hơn. Các luận văn,
luận án thạc sĩ, phó tiến sĩ đã nghiên cứu sâu sắc hơn về chính danh cũng như địa
danh người Việt. Phạm Tất Thắng là người có rất nhiều đóng góp cho nhân danh
học Việt Nam nói riêng và danh học nói chung. Ông có nhiều tác phẩm xung quanh
các vấn đề này và vẫn tiếp tục là nhà nghiên cứu tích cực với những công trình lớn
trong lĩnh vực này. Các công trình của ông nghiên cứu một cách toàn diện về tên
riêng, chính danh, tên họ, tên đệm, tên làng, tên sông, tên thần linh, tên địa
danh, trong đó ông có nêu rõ về đặc điểm cấu tạo, ý nghĩa, cũng như mối quan hệ
của tên với ngôn ngữ học, xã hội học
1.1.1.2. Phạm vi nghiên cứu và phân loại danh học
Như vậy, danh học là một khoa học nhân văn, nghiên cứu tên nơi chốn, tên
người. Mảnh đất danh học này rất rộng lớn, bao gồm mọi khu vực địa lý, văn hóa,
ngôn ngữ, và mọi thời đại lịch sử. Dựa vào những tiêu chí khác nhau, danh học

được phân loại khác nhau.
1) Phân loại theo ngôn ngữ
Danh học trên thế giới được phân chia theo từng ngôn ngữ như sau:
- Danh học tiếng Anh
- Danh học tiếng Pháp
- Danh học tiếng Việt
2) Phân loại theo đối tượng nghiên cứu
Theo Lê Trung Hoa, danh học được chia thành hai nhóm: nhân danh học và
địa danh học. Mai Ngọc Chừ cũng có chung kết luận như vậy: “bộ môn danh học
( ) có hai phần: nhân danh học và địa danh học. Nhân danh học nghiên cứu các
quy luật đặt tên người, còn địa danh học nghiên cứu quy luật đặt tên núi non, sông
suối, biển, hồ ” [7; tr.133]
Một cách chung nhất, có thể phân chia danh học thành hai nhóm trên. Đây
cũng là cách phân loại ra đời đầu tiên ở châu Âu và châu Mỹ trong những năm cuối
thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần phân biệt rõ ràng và cụ thể
hơn nữa các nhóm của danh học.
Theo đó, danh học được chia thành các nhóm như sau:
11

- Địa danh học (toponymy): một cách chung nhất, địa danh học là một môn
khoa học chuyên nghiên cứu ý nghĩa, nguồn gốc và những biến đổi của địa danh.
Địa danh nói chung là tên đất, gồm tên sông nước, núi non, thị trấn, làng mạc
- Nhân danh học (anthroponymy hay anthroponomastics): nhân danh học là
ngành ngôn ngữ học nghiên cứu tên riêng của người, động vật, sự vật. Đối tượng
nghiên cứu chủ yếu và quan trọng nhất của nhân danh học là tên người.
- Thần danh học có đối tượng nghiên cứu và những tên gọi thần linh của mỗi
dân tộc, mỗi tôn giáo
- Vũ trụ danh học có đối tượng nghiên cứu là tên gọi của các ngôi sao, các
hành tinh, thiên thể,
- Vật danh học nghiên cứu về tên gọi của các loại vật chất.

Trong sự phù hợp với đề tài của luận văn nghiên cứu về tên riêng của
người, chúng tôi sẽ đi sâu vào nhân danh học và những vấn đề liên quan đến
nhân danh học ở phần sau.
1.1.2. Tên riêng và những vấn đề hữu quan
Tên riêng trong tiếng Anh được dùng bởi thuật ngữ “proper names”. Tên
riêng tồn tại trong bất kì ngôn ngữ nào và cũng là lĩnh vực quan tâm của không chỉ
các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học; cả từ vựng học lẫn ngữ pháp học mà còn nhận
được sự quan tâm của các nhà sử học, dân tộc học, văn học, xã hội học, Vào những
năm 30 của thế kỉ XX, các công trình nghiên cứu về tên riêng đã bắt đầu xuất hiện
nhưng phát triển nhiều và sâu rộng hơn trong khoảng những năm 80 - 90 của thế kỉ
XX và đặc biệt là khoảng 20 năm trở lại đây.
1.1.2.1. Khái niệm tên riêng
Trong từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, có định nghĩa thuật ngữ “tên
riêng” như sau: “tên riêng” tên gọi của từng cá nhân, cá thể riêng rẽ, phân biệt với
những cá nhân, cá thể khác cùng loại. Ví dụ: viết hoa các tên riêng. [67; tr.1167]
Trong “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học”, do Nguyễn Như Ý chủ
biên, giải thích tên riêng như sau: “Từ, cụm từ hoặc câu dùng để tách biệt đối tượng
được gọi tên ra khỏi tập hợp các đối tượng khi cá thể hoá chúng. Đặc điểm của tên
riêng là dùng để gọi tên (kí hiệu) người hoặc sự vật riêng lẻ, không liên quan gì đến
đặc trưng của chúng, tức là không có sự tương ứng giữa tính chất của sự vật được
gọi tên (kí hiệu) và nghĩa của từ, cụm từ hoặc câu.” [68; tr.259]
12

Tên riêng được các nhà từ vựng học tiếng Việt gọi chung là từ, nhưng lại
không xếp chúng thuộc lớp từ nào cụ thể. Theo Nguyễn Thiện Giáp, “tên riêng nên
được coi là những từ, ngữ dùng để gọi tên những thực thể vật chất và tinh thần có
vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá – xã hội, tồn tại với tư cách là những cá
thể trong tư duy của từng dân tộc.” [75]
Trong khi đó, các nhà ngữ pháp học xếp tên riêng thuộc từ loại danh từ và
gọi là danh từ chung. Theo Mai Ngọc Chừ, “danh từ được phân chia bước đầu

thành 2 lớp nhỏ là danh từ riêng và danh từ chung. Danh từ riêng là tên gọi dùng
chỉ cá thể vật như tên người (Nguyễn Văn Việt), tên đất (Hà Nội, Đồng Nai, Buôn
Ma Thuột), tên núi sông (Trường Sơn, Mê Công) Danh từ chung là tên gọi của cả
một lớp vật đồng tính xét theo một tiêu chuẩn đã chọn.” [7; tr.269] Tuy nhiên,
những vấn đề về tên riêng không chỉ dừng lại ở đó. Bản chất của tên riêng vẫn còn
là một “ẩn số” (chữ dùng của Phạm Tất Thắng). “Các tên riêng không chỉ có cấu
trúc đặc biệt, mà trong các thành phần tạo nên chúng còn chứa đựng những thông
tin đủ loại mang tính lịch sử, truyền thống, văn hóa, xã hội đặc trưng cho mỗi cộng
đồng dân tộc nhất định [83]. Chính vì thế, tên riêng trở thành đối tượng quan tâm
nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội khác như: sử học, dân tộc học, tâm lí
học, xã hội học, văn học, ngôn ngữ học,
Đồng tình với quan điểm tên riêng thuộc lớp danh từ riêng, Nguyễn Tài Cẩn
cho rằng: “bất kì đó là nhân danh, địa danh, tên sách báo, hay tên gọi các tổ chức,
tên gọi thời đại, danh từ riêng cũng có đặc điểm là dùng để gọi tên của một sự vật
duy nhất cá biệt. Chính đặc điểm này là đặc điểm đã làm cho danh từ riêng khác hẳn
các danh từ còn lại, cả về mặt ý nghĩa, cả về mặt đặc trưng ngữ pháp.” [2; tr.80]
Phạm Tất Thắng phân biệt tên riêng và tên chung như sau: “Tên chung - đó là
những từ chung có ý nghĩa chỉ ra một lớp đối tượng cùng loại; còn tên riêng (proper
names) chỉ là những kí hiệu định danh cho một đối tượng cá biệt, đơn nhất và xác
định. Nói cách khác, tên chung có mối liên hệ với khái niệm, còn tên riêng thì không
có mối liên hệ với bất kì khái niệm nào cả ( ). Ở đâu mà sự vật riêng lẻ được con
người chú ý đến, thì ở đó có tên riêng. Tên riêng xác nhận sự tồn tại của sự vật ( ).
Tên riêng thì cá thể hoá ( ). Về nguyên tắc, mọi đối tượng đều có thể có cả tên chung
và tên riêng. Tuy nhiên, những đối tượng có tên riêng thường phải có mối liên hệ đặc
13

biệt đối với con người. Nói cách khác, các đối tượng có tên riêng bị quy định bởi các
giá trị xã hội của chúng đối với con người. [33; tr.11]
Là đối tượng nghiên cứu quan trọng của danh xưng học, tuy nhiên, để phù
hợp với mục đích và khối lượng nghiên cứu của luận văn, chúng tôi không đi sâu

vào cả ba bình diện chức năng, ngữ pháp và nghĩa của tên riêng. Theo đó, chúng tôi
đi sâu hơn vào tìm hiểu “Ý nghĩa của tên riêng”.
1.1.2.2. Ý nghĩa của tên riêng
Có hay không “ý nghĩa của tên riêng” là một “cuộc chinh chiến” lâu dài của
các học giả quan tâm đến “tên riêng”. Theo Nguyễn Việt Khoa, “tên riêng có nghĩa
hay không có nghĩa cũng chính là khẳng định sự tồn tại hay không tồn tại của kết
cấu vật chất bên trong của tên riêng.” [21; tr.11] Có hai trường phái quan điểm trái
ngược nhau về sự tồn tại hay không tồn tại của kết cấu vật chất bên trong của tên
riêng – nghĩa là quan điểm cho rằng tên riêng không có nghĩa và quan điểm cho
rằng tên riêng có nghĩa.
Những học giả trên thế giới cho rằng tên riêng không có nghĩa như Nina
Davidovna Arutjunova, John Stuart Mill, Saul Aaron Kriple, Watanabe Mitsou,…
J. St. Mill cho rằng: “Tên riêng cũng giống như vệt phấn đánh dấu ở một cái
nhà; nó không có nghĩa mà chỉ có mục đích là chỉ ra biểu vật Tên riêng thường
được quan niệm để gọi tên sự vật mà không gán cho sự vật bất kì một thuộc tính nào.
Đồng tình với quan điểm của J. St. Mill, Saul A. Kriple, một nhà triết học, logic học
người Mỹ cho rằng: “tên riêng chỉ gọi tên sự vật một cách cứng nhắc, tên riêng
không có nghĩa hàm chỉ”. Ông nói rõ hơn “nếu tên riêng có nghĩa thì dường như cái
biểu vật của tên riêng sẽ thay đổi trong các thế giới khác nhau.” [theo 31; tr.23]
Theo N.D.Arutjunova, tên riêng “trong suốt như thuỷ tinh, qua nó có thể
thấy rõ cái sở biểu. Nếu nó có nghĩa thì cũng giống như thuỷ tinh, các vết rạn nứt,
nó sẽ không được trong suốt, khiến ta không thấy được biểu vật.” [theo 31; tr.23]
Wanatabe Mitsuo, một giáo sư Nhật Bản chuyên ngành Giáo dục ngôn ngữ
Anh, cũng đưa quan điểm của mình về tên riêng: “Tôi hay bạn rất có thể bị ai đó
căm ghét mà chưa từng được gặp, vẻ mặt của tôi hoặc của bạn không gợi lên điều
gì trong đầu của họ ngoài cái tên riêng của tôi hoặc của bạn.” [theo 18; tr.13]
Trong khi đó, trường phái cho rằng tên riêng có nghĩa trên thế giới bao gồm
F. L. Gottlob Frege, A.A Ufimceva, E.S Aznaurova,
14


Gottlob Frege - người được coi là cha đẻ của triết học phân tích qua các bài
về toán học, triết học và ngôn ngữ - cho rằng: “nếu thay đổi nội dung của những tên
cùng tham chiếu thì sẽ thấy tên riêng có nghĩa.” Trong nhận thức của người Việt,
không ai nghi ngờ “sao Mai” là sao mọc buổi sáng và việc nói “sao Hôm” mọc vào
buổi sáng là trái với hiểu biết chung. Khó khăn mà những người theo trường phái
này gặp phải chính là vấn đề diễn đạt, bày tỏ ý nghĩa của tên tiêng.” [theo 21; tr.11]
A.A Ufimceva, nhà kí hiệu học người Nga cho rằng: “tên riêng khiếm khuyết
về phương diện ngữ nghĩa nên không có cấu trúc ngữ nghĩa như ở trên chung, kể cả
những trường hợp trùng với tên chung về mặt hình thức, nó cũng không có các mối
liên hệ có tính liên tưởng và tính cấu trúc. Trong điều kiện đó, hình thức âm thanh
của tên riêng có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tên chung.” [theo 18; tr.23]
Bức tranh ý nghĩa của tên riêng trên thế giới với hai thế đối lập cũng được
nhà Việt ngữ học quan tâm đến tên riêng phác hoạ như vậy. Các nhà ngôn ngữ học
chủ trương tên riêng không có nghĩa điển hình như Hoàng Phê. Đối lập với quan
điểm đó, nhiều nhà ngôn ngữ học lại cho rằng tên riêng có nghĩa như Đỗ Hữu
Châu, Phạm Tất Thắng, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Tuệ, Lê Trung Hoa,
Hoàng Phê cho rằng: “Tên riêng là những kí hiệu thuần tuý không có nghĩa.
Có những tên riêng vốn có nghĩa thì cái nghĩa đó thường không ai nghĩ đến, nó thực
sự trở thành “vô nghĩa”. [26; tr.75]
Phần lớn các nhà Việt ngữ học đều cho rằng tên riêng có nghĩa. Theo Hoàng
Tuệ: “Một tên riêng tạo nên trong trí óc ta sự liên hệ đến một thực thể trong tính
chất cá thể. ( ) Tên riêng không phải là một con số, một cái nhãn chỉ có tác dụng
đủ để phân biệt, mà là một biểu trưng.” [38; tr.230]
Tác giả Bình Long khẳng định: “Ngoài các mặt cấu tạo, chính tả, phát âm
và cách dùng khi xưng hô, tên riêng của các nước, các dân tộc còn đáng được
tìm hiểu về mặt nghĩa.” [24; tr.25]
Tác giả Phạm Tất Thắng trong bài: “Về ý nghĩa tên riêng và ngôn ngữ các
dân tộc thiểu số ở Việt Nam” đã khẳng định rất rõ tên riêng có nghĩa. “Nghĩa của
tên riêng (chỉ người) cũng chính là đối tượng với đầy đủ các đặc điểm từ ngoài hình
cho đến các đặc điểm về tâm sinh lý giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn

hoá, của người có tên.” Ông cũng cho rằng: “để hiểu tên riêng, người ta cần phải
có sự hình dung rõ ràng và cụ thể về đối tượng được gọi tên chứ không phải thông
15

qua các đặc điểm của nó. Một tên riêng bất kì (cụ thể là tên người) hoàn toàn xa lạ
với chúng ta sẽ không nói lên được điều gì ngoài thứ âm thanh trống rỗng nên
chúng ta không thể hiểu biết gì về đối tượng được gọi tên là nam hay nữ, già hay
trẻ, cao hay thấp, béo hay gầy.” Như vậy, nghĩa của tên riêng mang ý nghĩa hàm
chỉ. Bên cạnh đó, tên riêng cũng mang giá trị biểu trưng bởi “tên riêng phản ánh
những tư tưởng, tình cảm, hay nguyện vọng của con người đối với việc hiện thực
thông qua việc lựa chọn và sử dụng các hình thức ký hiệu tên gọi”. [32]
Có thể nói rằng, quan điểm tên riêng có nghĩa hay không có nghĩa vẫn là đề tài
tranh luận sôi nổi của các học giả trong và ngoài nước. Bởi mỗi quan điểm lại có
những điểm mạnh và cũng có những lý giải chưa thoả đáng. Các tác giả không cho
rằng tên riêng không có nghĩa lại chưa thể giải thích được nội dung có tính chất nhận
thức hiển nhiên của tên riêng. Xét ví dụ sau: “Nguyễn Tấn Dũng, sinh ngày 17 tháng
11 năm 1949 tại Cà Mau, là Thủ tướng đương nhiệm của nước CHXHCN Việt Nam.”
[70] Trong ví dụ trên, nếu cho rằng “Nguyễn Tấn Dũng” là một tên riêng vô nghĩa thì
thật chưa thoả đáng. Bản thân tên “Nguyễn Tấn Dũng” hàm chỉ tới một đối tượng xác
định, người là “Thủ tướng đương nhiệm của nước CHXHCN Việt Nam”. Đồng thời,
“Nguyễn Tấn Dũng” cũng gợi ra nhiều đặc điểm và liên tưởng khác ngoài phạm vi
ngôn ngữ thuần tuý. Ngược lại, đối với các tác giả cho rằng tên riêng có nghĩa, vậy
trong những trường hợp sau nghĩa được hiểu và bày tỏ như thế nào: “Những ai tên
Huyền tập trung lại đây”. Như vậy, cái tên “Huyền” không bao gồm bất kì một đặc
điểm hay ý nghĩa nào khác ngoài việc gọi tên đối tượng chưa xác định.
Quan điểm về nghĩa của tên riêng, trong luận văn này, chúng tôi đồng tình
với quan điểm của Phạm Tất Thắng và Lê Quang Thiêm. Theo đó, “tên riêng tự
thân khiếm nghĩa, chỉ khi tên riêng được gắn với nội dung biểu đạt được hình thành
trong xã hội thì nó mang nghĩa hàm chỉ và có giá trị biểu trưng”.
1.2. Nhân danh học với việc nghiên cứu tên người

Nhân danh học là một ngành khoa học có thể nói có lịch sử nghiên cứu lâu
đời, nhưng những nghiên cứu cho đến nay cũng chưa phản ánh được hết các giá trị
cũng như khai thác được các lĩnh vực của mảnh đất màu mỡ này. Càng đi sâu
nghiên cứu nhân danh học, chúng ta càng hiểu rõ thêm nguồn gốc, quá trình phát
triển và phương hướng phát triển, đặc điểm cấu tạo, chức năng xã hội cũng như
nghĩa của tên người.
16

1.2.1. Nhân danh học và một số vấn đề hữu quan
Là một nhánh thuộc danh học và được giảng dạy tại phân khoa của Ngôn
ngữ học, nhưng để có thể nghiên cứu danh học, cần có sự kết hợp giữa các khoa học
khác như lịch sử học, xã hội học, dân tộc học, văn học, nhân loại học Đến lượt
mình, các ngành khoa học đó cũng dựa trên những kết quả nghiên cứu của nhân
danh học để hoàn thiện các nghiên cứu.
Thông qua khảo sát, thống kê, phân tích các nghiên cứu về tên người nói
chung, nhân danh học chỉ ra những đặc điểm cấu tạo, ngữ nghĩa của tên người.
Đồng thời, nhân danh học làm rõ nguồn gốc, lịch sử hình thành, phát triển, hiện
trạng và xu hướng phát triển trong tương lai của tên người. Xu hướng đó có mối
liên hệ chặt chẽ đến sự phát triển của xã hội đó về nhiều mặt. Bởi nhân danh học
cũng đồng thời chỉ ra mối quan hệ giữa tên người với những đặc trưng xã hội như
giới, giai cấp, nghề nghiệp, văn hoá, tôn giáo,
Một đặc điểm có thể nói là quan trọng và thực tiễn nhất của nhân danh học là
từ đó, có thể đặt được những cái tên hay, phù hợp, mang lại những điều tốt lành cho
người sở hữu cái tên đó. Cái tên “Mạnh Dũng” được kết hợp từ hai yếu tố “mạnh”
(mạnh khoẻ) và “dũng” (dũng cảm) người đặt tên đã gửi gắm mong muốn người
được đặt tên sẽ lớn lên mạnh khoẻ và dũng cảm.
Chính vì những đặc điểm trên, nhân danh học vừa là một bộ môn khoa học
mang tính chất lý luận nhưng đồng thời mang tính ứng dụng, thực tiễn cao.
1.2.1.1. Lược sử nghiên cứu nhân danh học trên thế giới
Theo Nguyễn Vy Khanh, “nghiên cứu tất cả hệ thống tên họ các dân tộc trên

thế giới cho thấy người Việt có lẽ là dân tộc đầu tiên, cùng với người Trung Hoa và
Hàn Quốc, có một hệ thống tên họ đơn giản và hợp lý nhất” [80]. Đáng chú ý và có
lịch sử lâu đời nhất phải kể đến hệ thống của tên họ của người Trung Quốc. Có thể
nói cho tới nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có
những tác phẩm nói về tên họ. Manh nha nghiên cứu về tên người ở Trung Quốc đã
bắt đầu từ những năm 2852 trước Công Nguyên, khi vua Phục Hi ra lệnh bắt dân
chúng phải có một “gia tính” hay “tộc tính” để dễ phân biệt các hệ phái gia đình và
định phép tắc hôn nhân. Các nghiên cứu phát triển nhanh và nhiều hơn vào Ðời Tấn
(265 - 420). Cho tới tận trước thế kỉ XIX, ở Trung Quốc, nhân danh học mới chỉ
dừng lại ở việc khảo sát và tìm hiểu cội nguồn cũng như phân loại họ và tên. Tuy
17

nhiên, bước sang thế kỉ XX là sự phát triển mạnh mẽ của ngành nhân danh học ở
Trung Quốc. Với lịch sử lâu đời cũng như những nghiên cứu sâu rộng của mình,
Trung Quốc là một trong những quốc gia có thư mục về nhân danh học phong phú
nhất trên thế giới. Các nhiều tác giả đã công bố các tác phẩm của mình về nhân
danh học. Theo tác giả Sheau Yueh J. Chao, trong tác phẩm “In Search of Your
Asian Roots”, ở Trung Quốc có khoảng 210 tác phẩm nói về tên họ. Trong đó, có
những tác phẩm mang tính chất chuyên ngành và được đánh giá cao như “Trung
Quốc Tính Thị Đại Toàn” của Trần Minh Nguyên và Vương Tống Hổ; “Phân tích
thống kê cách dùng chữ trong họ tên” của NXB Ngữ Văn năm 1986; “Họ tên và
văn hoá trung hoa” của Hà Hiểu Minh năm 2001; “Bàn về văn hoá tên người trong
tiếng Hán” của Dương Dương năm 2004, [theo 22; tr.13]
Là châu lục có nhiều đặc điểm thú vị về cách đặt tên, châu Âu có nhiều công
trình về nhân danh học xuất hiện khá sớm. Những tác phẩm khởi đầu cho nhân danh
học tại châu Âu thường gắn với các tác phẩm kinh Thánh, bởi ở đó, đề cập tới tên
các vị thánh thần, tên con chiên,
Hiện nay, Mỹ là quốc gia có nhiều nhà nhân danh học gạo gội và sở hữu một
số lượng tài liệu nghiên cứu danh học phong phú nhất trên thế giới. Tập san
“Names” do Tổ chức American Name Society xuất bản từ năm 1951 đến nay đã

phổ biến những tin tức, tài liệu liên quan đến danh học trên toàn thế giới. Một trong
những nhà nhân danh học có ảnh hướng lớn ở nước Mỹ là cố Giáo sư Elsdon C.
Smith. Ông sở hữu hơn 1.200 cuốn sách về danh học. Trong tác phẩm “Personal
Names – A Bibliography” (1952), ông đã liệt kê tổng 3.415 tài liệu về tính danh học
được xuất bản ở Mỹ và Anh. Đây là kho tài liệu dồi dào và phong phú cho bất kì
nhà nhân danh học nào khi nghiên cứu lĩnh vực này.
1.2.1.2. Lược sử nghiên cứu nhân danh học ở Việt Nam
Ngành nhân danh học ở Việt Nam thực sự được hình thành năm 1954 thông
qua tác phẩm “Tên người Việt Nam” của Nguyễn Bạt Tuỵ. Công trình được công
bố trong tập san của hội Khuyến học Nam Việt. Trong đó, Nguyễn Bạt Tuỵ liệt kê
308 họ người Việt và vấn đề tổng quát về chữ lót (tên đệm) và tên đẻ (tên chính).
Tuy nhiên, những tài liệu về nhân danh học ở Việt Nam nằm rải rác từ trước đó rất
lâu trong các bộ cổ sử như Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quốc Triều Hình Luật,
Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ, Ðại Nam Thực Lục v.v…Từ cuối thế kỷ
18

XVIII đã có các loại sách ghi tên những bề tôi nổi tiếng, gọi là “Danh thần lục”,
sách ghi những người đỗ tiến sĩ, gọi là “Đăng khoa lục”, trong đó tiêu biểu là các
cuốn “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” (1779) của Nguyễn Hoàn,” Quốc triều
đăng khoa lục” (1894) của Cao Xuân Dục.
Nhân danh học không chỉ nhận được sự quan tâm của các học giả Việt Nam
trong nước mà còn ở nước ngoài. Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như “Những
cuộc đổi họ lớn trong lịch sử" của Trần Gia Phụng (1988); “Người Việt tên Mỹ -
Vấn đề cần suy nghĩ “của Nguyễn Đức Mai (1999); Giáo sư Vũ Hiệp viết bài: “Tìm
hiểu nguồn gốc và sự phát triển của một số dòng họ tiêu biểu của người Việt Nam”
(2001); “Xưng hô trong gia đình Việt Nam” của Nguyễn Đăng Trúc (2002), “Cách
xưng hô trong xã hội Việt” của Hoàng Đức Phương (2002).
Các công trình nghiên cứu liên quan đến nhân danh học ở Việt Nam bao gồm
các cuốn sách, bài báo, công trình khoa học như luận văn, luận án từ sau 1954 đến
nay cũng rất đa dạng. Trong đó, đề cập nhiều nhất là các công trình về nhân danh,

tên riêng, tên người cũng như những vấn đề văn hoá – xã hội – ngôn ngữ liên quan.
Các công trình tiêu biểu như:
- Họ và tên người Việt Nam, tác giả Lê Trung Hoa năm 1992 của nhà xuất
bản Khoa học Xã hội. Cuốn sách này được hoàn thiện từ luận án cùng tên của tác giả.
Đây là một công trình có tính hệ thống và được đánh giá cao trong giới nhân danh học.
Trong tác phẩm này, tác giả đưa ra cái nhìn toàn diện về lịch sử, chức năng, nguyên tắc
đặt tên và cả quy tắc viết hoa tên người. Quan trọng hơn, tác giả đã đề cập được từng
yếu tố trong tên gọi người Việt như tên họ, tên đệm, tên chính và các nhóm danh hiệu;
- Đặc điểm của lớp tên riêng chỉ người (chính danh) trong tiếng Việt của tác
giả Phạm Tất Thắng. Một luận án Phó tiến sĩ tại Viện Ngôn ngữ học, Viện Khoa học
xã hội Việt Nam, năm 1996. Trong công trình này, tác giả đã nêu bật những khái
niệm cơ bản của danh học và vấn đề nghiên cứu nhân danh học ở Việt Nam. Tác giả
cũng đồng thời chỉ ra đặc điểm cấu tạo cũng như ý nghĩa tên riêng người Việt cũng
như cách thức sử dụng tên riêng trong giao tiếp. Đây được xem là công trình nghiên
cứu chuyên sâu và có hệ thống về tên người trên quan điểm ngôn ngữ học;
- Khảo sát đặc điểm cấu trúc- ngữ nghĩa của tên người Anh của tác giả
Nguyễn Việt Khoa là một luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ tại khoa Ngôn ngữ học,
19

Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, năm 2002 (đã được phát triển
thành luận án Tiến sĩ);
- Đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của tên (chính danh) người Nhật (có đối
chiếu với tên người Việt) của tác giả Vương Đình Hòa – luận văn Thạc sĩ bảo vệ tại
khoa Ngôn ngữ học, Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, năm 2005;
- Những đặc trưng xã hội - ngôn ngữ học của tên riêng chỉ người trong
tiếng Việt của tác giả Vũ Thị Kim Hoa, luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ tại khoa Ngôn
ngữ học, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, năm 2005. Luận văn
miêu tả cấu trúc của tên thật người Việt; khảo sát và miêu tả những đặc trưng về
mặt xã hội học của tên thật người Việt. Qua đó, luận văn góp phần làm rõ bản chất
xã hội của các tín hiệu ngôn ngữ và có ý nghĩa trong việc tìm hiểu những giá trị

truyền thống, văn hóa của người Việt thông qua cách đặt tên và gọi tên;
- Nghiên cứu tên người trên bình diện ngôn ngữ học – xã hội, in trong
“Những vấn đề ngôn ngữ học xã hội” là một đề tài cấp Viện do Nguyễn Văn Khang
chủ nhiệm năm 2006;
- Đặc điểm cấu tạo của tên gọi thần linh đất Việt của tác giả Nguyễn
Phượng Anh, luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ tại khoa Ngôn ngữ học tại trường Đại học
khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội năm 2007. Trong công trình này, tác giả khảo
sát, miêu tả, phân tích và làm sáng tỏ các đặc điểm cấu tạo hình thức và nội dung ý
nghĩa của tên thần linh đất Việt. Tác giả đồng thời đưa ra các nội dung của tên thần
vừa có ý nghĩa biểu chỉ vừa có ý nghĩa biểu tượng nhằm góp phần vào những kết quả
nghiên cứu đã có về văn hóa tín ngưỡng dân gian cũng như chuyên ngành danh học;
- Tìm hiểu về tên gọi sông hồ ở Hà Nội của tác giả Phạm Tất Thắng được
in trong “Những vấn đề ngôn ngữ học: Học tập ngôn ngữ Hồ Chí Minh - Tiếng Hà
Nội với ngôn ngữ văn hoá Việt Nam” năm 2007;
- Đặc điểm văn hóa - xã hội của tên riêng chỉ người trong tiếng Việt,
của tác giả Phạm Tất Thắng (Chủ nhiệm) là đề tài khoa học cấp cơ sở của Viện
Ngôn ngữ học, năm 2013;
Có thể nói các công trình nghiên cứu nhân danh học ở Việt Nam khá toàn
diện, sâu sắc và đem lại những đóng góp rất lớn cho lĩnh vực nghiên cứu nhân danh
học ở Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh nhân danh học sẽ hoàn thiện hơn nếu có
20

những mảnh ghép nghiên cứu chuyên sâu các loại tên người, mà cụ thể ở đây,
chúng tôi lựa chọn biệt danh để hoàn thiện hơn bức tranh đó.
1.2.2. Tên người và một số vấn đề hữu quan
1.2.2.1. Khái niệm tên người
Trong sự phân loại tên riêng của các học giả, có thể nói tên người chiếm một
vị trí quan trọng. Theo Hoàng Tuệ, tên riêng được chia thành 5 loại: tên người, tên
nơi chốn, tên thời kì, thời điểm, sự kiện lịch sử, tên tổ chức và tên công trình. [38;
tr.231] Một cách chi tiết hơn, Phạm Tất Thắng phân chia tên riêng thành:

- Tên người (nhân danh)
- Tên Thánh, Thần, tên Phật
- Tên văn vật
- Tên thời đại, thời kì, thời nhật
- Tên công trình kiến trúc, cơ quan xí nghiệp, tàu bè, vũ khí
- Tên sách báo, vở diễn, phim ảnh
- Tên sự kiện, phong trào xã hội, nhân vật, địa danh lịch sử, nhãn hiệu hàng hoá
- Tên đất (địa danh)
- Tên các vùng không gian vũ trụ, thiên hà, chòm sao
- Tên các thiên thể
- Tên các thiên tai
- Tên gia súc, gia cầm
- Tên cỏ cây hoa lá [31; tr.20]
Cho dù có phân loại thế nào, tên người cũng nằm trong danh sách ưu tiên
hàng đầu của nhân danh học nói riêng và danh học nói chung. Tên người hay còn
được dùng với thuật ngữ “nhân danh” dùng để chỉ tên của người nói chung. Theo
Phạm Tất Thắng, “có thể sử dụng thuật ngữ “Tổ hợp định danh” (THĐD) để chỉ
loại đơn vị định danh tên người. Theo đó, tên người là một THĐD gồm ba bộ
phận: tên họ, tên đệm và tên cá nhân. Như vậy, THĐD ở Việt Nam hay trên thế
giới nói chung được cấu tạo từ “Tên họ”, “Tên đệm” và “Tên cá nhân” tuỳ theo vị
trí quy định của từng vùng miền. Ngoài THĐD, người Việt còn nhiều loại tên khác
như: tên cúng cơm, tên hiệu, tên huý, tên thánh, tên thuỵ, tên tục, tên tự, biệt danh
(nickname), bút danh, nghệ danh mà có thể có hoặc không được cấu tạo theo cách
21

một THĐD cấu tạo. Trong sự phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của luận văn,
những cái tên này sẽ được làm rõ ở phần “Các loại tên người”.
1.2.2.2. Lược sử nghiên cứu tên người
Như đã từng đề cập ở phần lược sử nhân danh học, nhân danh học có một
lịch sử khá lâu đời, tuy nhiên, ngành khoa học nghiên cứu về tên người chính thức

ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XIX ở các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Thuỵ
Điển và các nước phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Sự ra đời của nhân
danh học với tư cách một môn khoa học chính thức nghiên cứu chuyên sâu về tên
người giúp cho nghiên cứu tên người được mở rộng và chuyên sâu hơn từ đặc điểm
cấu tạo đến ngữ nghĩa và những vấn đề ngôn ngữ - xã hội liên quan đến tên người.
Nghiên cứu tên người Anh cuối thế kỉ XIX tiêu biểu với các tác phẩm nghiên
cứu tên người trên phương diện sử học và ngôn ngữ học như “An index of Arthurian
Names in Middle English” (1867) của Robert W. Ackerman, “English surnames”
(1875) của M. A. Lower, “Homes of Family names in Great Britain” (1890), Chuyển
sang thế kỷ XX, tên người Anh đã được nghiên cứu một cách toàn diện hơn thông qua
các cuốn từ điển tiêu biểu như “A Dictionary of English and Welsh Surnames” (1901),
của Charles Wareing Bardsley”, “Penguine Dictionary of Surnames ” của Basil Cottle
(1967), “A Dictionary of First Names (1990)” của Flavia Hodges, “A Dictionary of
English Surnames” (1991) của P. H. Reaney và R. M. Wilson”,
Không chỉ vậy, các học giả nước ngoài có ảnh hưởng lớn đối với con đường
nghiên cứu tên người Trung Quốc. Tiêu biểu như L. H Lewis Henry Morgan (nhà dân
tộc học người Mỹ) và James George Frazer (nhà dân tộc học người Anh). Chính họ
đã mở rộng tầm nhìn cho việc nghiên cứu tên người ở Trung Quốc. Từ đó, nhiều
công trình về tên người ra đời như: Trung quốc gia phả lược sử (năm 1930); Trung
Quốc cổ đại Tính Thị chế độ Nghiên cứu; Tính và Thị (1950); Triệu Thụy Dân - tính
danh Trung Quốc Văn Hóa (1988); Trương Liên Phương - Trung Quốc nhân đích
tính danh (1992); Nạp Nhật Bích Lực Qua - Tính Danh Luận (1997); Dương Dương -
Hán ngữ nhân danh văn hóa phóng đàm (2013).
Những nghiên cứu về tên người ở Việt Nam được mở đầu bằng những quan
điểm xung quanh vấn đề thống nhất cách viết hoa tên riêng trong đó có tên người
Việt vào khoảng những năm 70 của thế kỉ trước. Thông qua đó, người Việt đã tìm
hiểu sâu hơn về đặc điểm cấu tạo, ngữ nghĩa cũng những khía cạnh ngôn ngữ và xã

×