CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ HỘ TỊCH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ,
THỊ TRẤN
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA UỶ BAN NHÂN
DÂN XÃ, THỊ TRẤN VÀ CÁN BỘ TƯ PHÁP - HỘ TỊCH TRONG QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC VỀ HỘ TỊCH
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hộ tịch, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn (sau đây
gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã) có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thực hiện đăng ký các việc hộ tịch thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp xã;
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật
về hộ tịch;
- Quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư
pháp;
- Lưu trữ sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch;
- Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch;
- Tổng hợp tình hình và số liệu thống kê hộ tịch báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) theo định
kỳ 6 tháng và hàng năm;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch theo thẩm quyền.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các
nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể theo quy định trên đây (trừ trường hợp giải quyết tố cáo).
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm về tình hình đăng ký và quản lý
hộ tịch của địa phương. Trong trường hợp do buông lỏng quản lý mà dẫn đến những sai
phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa
phương mình, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm.
2. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch là công chức cấp xã, giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực
hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong đăng ký và quản lý hộ tịch. Đối với những xã,
phường, thị trấn có đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều, thì phải có cán bộ
chuyên trách làm công tác hộ tịch, không kiêm nhiệm các công tác tư pháp khác.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phải có đủ các tiêu chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã
theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và phải có thêm các tiêu chuẩn sau đây:
- Có bằng tốt nghiệp trung cấp luật trở lên;
- Được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác hộ tịch;
- Chữ viết rõ ràng.
Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ Tư pháp -
Hộ tịch được thực hiện theo quy định chung của pháp luật đối với công chức cấp xã.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phải thực hiện những nghĩa vụ và được hưởng những
quyền lợi của cán bộ, công chức mà pháp luật quy định đối với công chức cấp xã.
2.1. Nhiệm vụ của cán bộ Tư pháp - Hộ tịch trong đăng ký và quản lý hộ tịch:
- Thụ lý hồ sơ, kiểm tra, xác minh và đề xuất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã
xem xét, quyết định việc đăng ký hộ tịch;
- Thường xuyên kiểm tra và vận động nhân dân đi đăng ký kịp thời các sự kiện hộ
tịch. Đối với những khu vực người dân còn bị chi phối bởi phong tục, tập quán hoặc điều
kiện đi lại khó khăn, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phải có lịch định kỳ đến tận nhà dân để
đăng ký những sự kiện hộ tịch đã phát sinh.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp xã về
những sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn xã, phường, thị trấn mà không được đăng ký;
- Sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp;
- Tổng hợp tình hình và thống kê chính xác số liệu hộ tịch để Uỷ ban nhân dân cấp
xã báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo định kỳ 6 tháng và hàng năm;
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật
về hộ tịch;
- Giữ gìn, bảo quản, lưu trữ sổ hộ tịch và giấy tờ hộ tịch; khi thôi giữ nhiệm vụ phải
bàn giao đầy đủ cho người kế nhiệm.
2.2. Những việc cán bộ Tư pháp - Hộ tịch không được làm
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch không được làm những việc sau đây:
- Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá
nhân khi đăng ký hộ tịch;
- Nhận hối lộ;
- Thu lệ phí hộ tịch cao hơn mức quy định hoặc tự ý đặt ra các khoản thu khi đăng
ký hộ tịch;
- Tự đặt ra những thủ tục, giấy tờ trái với quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-
CP khi đăng ký hộ tịch;
- Làm sai lệch các nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch;
- Cố ý cấp các giấy tờ hộ tịch có nội dung không chính xác.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HỘ TỊCH VÀ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH
1. Việc công khai hóa các thủ tục đăng ký hộ tịch
Cơ quan đăng ký hộ tịch phải niêm yết công khai, chính xác các quy định về giấy tờ
mà người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình hoặc nộp khi đăng ký hộ tịch, thời hạn
giải quyết và lệ phí đăng ký hộ tịch.
2. Về giá trị pháp lý của các giấy tờ hộ tịch
- Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân theo quy định
của pháp luật về hộ tịch là căn cứ pháp lý xác nhận sự kiện hộ tịch của cá nhân đó.
- Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá
nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc
tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo nơi cư trú
Thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo nơi cư trú được xác định như sau:
- Đối với công dân Việt Nam ở trong nước, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện
tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú; nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường
trú, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn
theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu;
- Đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thì việc đăng ký hộ tịch được thực
hiện tại nơi người đó đăng ký thường trú; nếu không có nơi đăng ký thường trú, thì việc
đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú.
4. Các giấy tờ cá nhân xuất trình khi đăng ký hộ tịch
Khi đăng ký hộ tịch, nếu cán bộ Tư pháp - Hộ tịch không biết rõ về nhân thân hoặc
nơi cư trú của đương sự, thì yêu cầu xuất trình các giấy tờ sau đây để kiểm tra:
- Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch để xác định
về cá nhân người đó;
- Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc Giấy đăng ký tạm trú có thời
hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước); Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú hoặc Chứng
nhận tạm trú (đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam) để làm căn cứ xác định thẩm
quyền đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
5. Việc uỷ quyền
Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký việc
nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các
giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể
uỷ quyền cho người khác làm thay. Việc uỷ quyền phải bằng văn bản và phải được công
chứng hoặc chứng thực hợp lệ.
Nếu người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của
người uỷ quyền, thì không cần phải có văn bản uỷ quyền.
6. Quy định về nhiệm vụ đăng ký và quản lý hộ tịch của Uỷ ban nhân dân
huyện đảo
Đối với các huyện đảo, không có đơn vị hành chính cấp xã, thì ngoài việc thực hiện
chức năng đăng ký và quản lý hộ tịch của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân
huyện đảo còn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký và quản lý hộ tịch của Uỷ
ban nhân dân cấp xã.
Phòng Tư pháp huyện đảo có trách nhiệm cử cán bộ chuyên trách thực hiện các
nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký và quản lý hộ tịch tại Uỷ ban nhân dân huyện đảo.
7. Giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch
- Đối với những việc đăng ký hộ tịch không giải quyết ngay trong ngày, thì cán bộ
tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ ngày gửi trả kết quả cho đương sự.
- Khi thụ lý hồ sơ đăng ký hộ tịch, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cần lưu ý:
+ Trường hợp không đúng thẩm quyền, thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn
đương sự liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết;
+ Trường hợp hồ sơ đăng ký hộ tịch còn thiếu hoặc không hợp lệ, thì cán bộ tiếp
nhận hồ sơ phải viết giấy hướng dẫn đương sự. Nội dung hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ
ràng từng loại giấy tờ cần bổ sung, cán bộ tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ tên và giao cho
đương sự. Thời hạn giải quyết được tính từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ.
- Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch, thì
cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký. Việc từ chối phải thông báo bằng văn bản cho
đương sự. Văn bản từ chối phải nêu rõ lý do từ chối, có chữ ký của người đứng đầu cơ
quan đăng ký hộ tịch và đóng dấu của cơ quan đăng ký hộ tịch.
8. Việc ghi tên địa danh hành chính trong các giấy tờ hộ tịch, sổ hộ tịch
Khi có sự thay đổi về địa danh hành chính, thì phần ghi về địa danh hành chính trong
các giấy tờ hộ tịch, sổ hộ tịch được thực hiện như sau:
- Khi đăng ký sự kiện hộ tịch (đăng ký đúng hạn, đăng ký quá hạn, đăng ký lại),
phần ghi về địa danh hành chính trong các giấy tờ hộ tịch và sổ hộ tịch được ghi theo địa
danh hành chính mới;
- Khi cấp lại bản chính Giấy khai sinh, phần ghi về địa danh hành chính trong nội
dung của Giấy khai sinh được ghi theo địa danh hành chính đã ghi trong Sổ đăng ký khai
sinh; phần ghi về địa danh hành chính tại góc trái, phía trên của Giấy khai sinh được ghi
theo địa danh hành chính mới;
- Khi cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch, phần ghi về địa danh hành chính
trong giấy tờ hộ tịch (kể cả góc trái, phía trên và nội dung của giấy tờ hộ tịch) phải được
ghi theo địa danh hành chính đã ghi trong sổ hộ tịch.
9. Thu hồi và hủy bỏ các giấy tờ hộ tịch
- Đối với những giấy tờ hộ tịch được cấp trước ngày 01 tháng 4 năm 2006 (ngày
Nghị định số 158/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), nay phát hiện trái với quy định của
pháp luật về hộ tịch tại thời điểm đăng ký, thì việc thu hồi và hủy bỏ cũng được thực hiện
theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP; trừ việc đăng ký kết hôn vi phạm điều
kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (việc hủy đăng ký kết hôn
trong trường hợp này thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân).
- Cơ quan ra quyết định thu hồi, hủy bỏ các giấy tờ hộ tịch có trách nhiệm thông báo
cho cơ quan đã đăng ký hộ tịch để ghi chú trong sổ hộ tịch, đồng thời thông báo cho
đương sự biết.
- Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định việc thu hồi, hủy bỏ những
giấy tờ hộ tịch do Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp trái với quy định tại Nghị định số
158/2005/NĐ-CP (trừ việc đăng ký kết hôn vi phạm về điều kiện kết hôn theo quy định
của pháp luật về hôn nhân và gia đình).
III. THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH
1. Đăng ký khai sinh
1.1. Quyền được khai sinh
- Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cá nhân khi sinh ra có quyền được khai
sinh.
- Khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định trẻ em có
quyền được khai sinh và có quốc tịch.
- Điều 7 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định: Trẻ em phải được
đăng ký ngay lập tức sau khi sinh ra và có quyền có họ tên, quyền có quốc tịch và trong
chừng mực có thể, quyền biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc sau khi ra đời.
1.2. Trách nhiệm của người đi khai sinh
Người đi đăng ký khai sinh có trách nhiệm phải khai báo chính xác các thông tin liên
quan đến khai sinh (như họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc
tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con).
1.3. Trách nhiệm của cán bộ Tư pháp - Hộ tịch
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với các quy định của
pháp luật hiện hành (như vấn đề xác định họ, dân tộc, quốc tịch ) để ghi vào Giấy khai
sinh và Sổ đăng ký khai sinh, tránh tình trạng đăng ký sai, sót hoặc không chính xác.
1.4. Thẩm quyền đăng ký khai sinh
- Việc đăng ký khai sinh được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của
người mẹ; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã,
nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
- Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì
Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang thực tế sinh sống trên thực tế thực hiện việc
đăng ký khai sinh.
- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân
cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức
đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em phải được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã,
nơi người mẹ đăng ký thường trú; trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú,
thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi
người mẹ đăng ký tạm trú.
Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm
việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký
tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em (Ví dụ: chị T
đăng ký thường trú tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhưng làm việc ổn
định và sinh con tại nơi đăng ký tạm trú là phường Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố
Hồ Chí Minh, thì Uỷ ban nhân dân phường Tân Tạo cũng có thẩm quyền thực hiện việc
đăng ký khai sinh cho con của chị T). Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi
đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ
đăng ký thường trú để biết. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký
khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ”.
- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là công dân
Việt Nam định cư ở nước ngoài, được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người
mẹ hoặc người cha cư trú trong thời gian ở Việt Nam.
- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công
dân Việt Nam cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước
ngoài, được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người là công dân Việt
Nam cư trú ở trong nước.
- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là người
nước ngoài hoặc người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam được thực
hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha. Thẩm quyền
đăng ký khai sinh theo nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha được xác định như đối với
việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là công dân Việt
Nam cư trú ở trong nước.
- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người
nước ngoài, người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam, còn người kia là
công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi
cư trú của người là công dân Việt Nam.
- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công
dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng
giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam, được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân
cấp xã, nơi cư trú của người là công dân Việt Nam.
- Xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha
hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân Việt Nam
định cư ở nước ngoài.
Đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc
mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân Việt Nam định
cư ở nước ngoài mà người đó đã có quốc tịch nước ngoài, thì căn cứ vào Hộ chiếu còn giá
trị sử dụng của người là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài để xác định thẩm
quyền đăng ký khai sinh. Trường hợp đương sự xuất trình Hộ chiếu Việt Nam, thì việc
đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định tại
điểm b khoản 1 Điều 96 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP; nếu xuất trình Hộ chiếu nước
ngoài, thì việc đăng ký khai sinh được thực hiện tại Sở Tư pháp tỉnh (thành phố) theo quy
định tại Điều 49 và Điều 50 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
Hướng dẫn này cũng được áp dụng đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em
sinh ra tại Việt Nam, có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha và mẹ là công dân Việt Nam mà
chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, sau đó về nước cư trú cũng được áp dụng quy
định tại Mục 1 Chương II của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Mục này
để đăng ký khai sinh. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Trẻ sinh ở nước
ngoài, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài”.
- Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, được mẹ là công dân Việt Nam đưa về
Việt Nam sinh sống, cũng được áp dụng quy định về đăng ký khai sinh cho con ngoài giá
thú theo quy định tại Mục 1 Chương II của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và hướng dẫn
tại Mục này để đăng ký khai sinh khi:
+ Trẻ em chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài;
+ Mẹ của trẻ em không đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp người mẹ khai về người cha, thì người cha phải làm thủ tục nhận
con theo quy định của pháp luật.
Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Trẻ sinh ở nước ngoài, chưa được
đăng ký khai sinh ở nước ngoài”.
- Xác định họ và quê quán
Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán
của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của
cha, mẹ.
Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định
công nhận việc nhận cha cho con, thì họ và quê quán của con được xác định theo họ và
quê quán của người mẹ.
- Ghi về nơi sinh
Trường hợp trẻ sinh tại cơ sở y tế, thì ghi tên của cơ sở y tế và địa danh hành chính
nơi trẻ sinh ra (Ví dụ: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hoặc Trạm y tế xã Đình Bảng, huyện Từ
Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Trường hợp trẻ sinh ngoài cơ sở y tế, thì ghi tên của địa danh hành chính
(xã/phường/thị trấn, huyện/quận/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố), nơi trẻ sinh ra (Ví
dụ: xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
1.5. Thời hạn đăng ký khai sinh
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh
cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích
khác đi khai sinh cho trẻ em.
Thời hạn đăng ký khai sinh nói trên được áp dụng chung đối với tất cả các vùng,
miền trong cả nước.
Nếu hết thời hạn đăng ký khai sinh đã nêu trên mới thực hiện việc đăng ký khai sinh
cho trẻ, thì phải đăng ký khai sinh theo thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn và tuỳ theo mức
độ vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (khoản 1
Điều 10 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp).
1.6. Thủ tục đăng ký khai sinh
Giấy tờ phải nộp:
Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh do cơ sở y tế (bệnh viện, trạm
y tế, nhà hộ sinh ), nơi trẻ em sinh ra cấp.
Nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng:
- Văn bản xác nhận của người làm chứng (người làm chứng phải có năng lực hành vi
dân sự đầy đủ và biết rõ sự việc làm chứng; người làm chứng phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật về tính xác thực của sự việc mà mình làm chứng).
- Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm Giấy
cam đoan về việc sinh là có thực.
Giấy tờ phải xuất trình:
Người đi đăng ký khai sinh phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ
em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Nếu cán bộ Tư pháp - Hộ tịch biết rõ về
quan hệ hôn nhân của cha, mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận
kết hôn.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp - Hộ tịch không biết rõ về nhân thân và nơi cư trú
của đương sự, thì người đi đăng ký khai sinh phải xuất trình thêm các giấy tờ sau đây:
- Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký khai sinh;
- Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc Giấy đăng ký tạm trú có thời
hạn để làm căn cứ xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh.
1.7. Trình tự đăng ký khai sinh
Bước 1: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
- Tiếp nhận, kiểm tra các giấy tờ mà người đi đăng ký khai sinh nộp và
xuất trình;
- Xem việc đăng ký khai sinh có đúng thẩm quyền không?
- Xác định việc đăng ký khai sinh được áp dụng theo thủ tục nào (đăng ký theo thủ
tục thông thường/đăng ký cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi/đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi
không phải là trẻ sơ sinh/đăng ký quá hạn?).
Sau khi kiểm tra, nếu các giấy tờ do người đi đăng ký khai sinh nộp và xuất trình
chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, thì hướng dẫn đương sự bổ sung; nếu thấy việc đăng ký
khai sinh không đúng thẩm quyền thì trả hồ sơ và hướng dẫn đương sự đến Uỷ ban nhân
dân cấp xã nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định của Nghị định số
158/2005/NĐ-CP.
Trong trường hợp các giấy tờ đã đầy đủ, hợp lệ và việc đăng ký khai sinh là đúng
thẩm quyền, thì tiến hành đăng ký khai sinh.
Bước 2: Xác định nội dung khai sinh
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch yêu cầu người đi đăng ký khai sinh khai báo về những nội
dung sẽ ghi trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh.
Sau khi người đi đăng ký khai sinh đã tự khai báo, công chức Tư pháp - Hộ tịch cần
đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đặt tên, xác định họ và
dân tộc của trẻ, đồng thời kết hợp với các giấy tờ do đương sự nộp và xuất trình để xác
định các thông tin còn lại. Việc xác định họ, dân tộc của trẻ được xác định theo nguyên
tắc sau:
Xác định họ: Họ của trẻ là họ của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ
có họ khác nhau, thì họ của người con được xác định là họ của cha đẻ, hoặc họ của mẹ đẻ
theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.
Xác định dân tộc: Việc xác định dân tộc của trẻ được thực hiện theo quy định tại
Điều 28 Bộ luật Dân sự: Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha
đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau, thì dân tộc của
người con được xác định là dân tộc của cha đẻ, hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán
hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.
Bước 3: Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký Giấy khai sinh (người đi đăng ký
khai sinh được cấp một bản chính Giấy khai sinh, số lượng bản sao Giấy khai sinh được
cấp theo yêu cầu của người đi đăng ký khai sinh).
Lưu ý:
- Để bảo đảm tính chính xác và thống nhất đối với các thông tin được ghi vào Sổ
đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh, thì cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phải tự mình ghi vào Sổ
đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh (cả bản chính và bản sao), tuyệt đối không đưa biểu
mẫu để đương sự tự ghi.
- Để tránh sai sót, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cần yêu cầu người đi đăng ký khai sinh
đọc và kiểm tra lại các thông tin đã được ghi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh
trước khi Giấy khai sinh được ký và đóng dấu.
Trong trường hợp người đi đăng ký khai sinh không tự đọc được, thì cán bộ Tư pháp
- Hộ tịch phải đọc rõ ràng các nội dung để người đi đăng ký khai sinh khẳng định tính
chính xác của các thông tin này.
Bước 4: Trả lại các giấy tờ mà đương sự đã xuất trình, lưu giữ Giấy chứng sinh hoặc
giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh mà đương sự đã nộp.
1.8. Đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú
Khi thực hiện đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cần
lưu ý:
- Không bắt buộc người mẹ phải khai về cha đứa trẻ (trong trường hợp người mẹ
khai về đứa trẻ, thì hướng dẫn người cha làm thủ tục nhận con);
- Họ và dân tộc của trẻ chỉ được xác định theo họ và dân tộc của người mẹ;
- Phần khai về người cha của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh phải
để trống, tuyệt đối không được gạch chéo;
- Chỉ ghi thông tin về người cha khi người cha đã có Quyết định công nhận việc cha
nhận con;
- Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú mà có người nhận là
cha của đứa trẻ, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký
khai sinh.
1.9. Đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi
Trẻ em bị bỏ rơi bao gồm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ
sơ sinh.
Bước 1: Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay
cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập
biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; giới tính; đặc
điểm nhận dạng; tài sản và các đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ tên, địa chỉ của người phát
hiện. Biên bản được lập thành 02 bản, lưu 01 bản tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi lập biên
bản và 01 bản giao cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.
Bước 2: Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên Đài
Phát thanh hoặc Đài Truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài Phát thanh
hoặc Đài Truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần trong 3 ngày liên tiếp các
thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm được cha, mẹ
đẻ của trẻ thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký
khai sinh cho trẻ.
Bước 3: Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi
- Khi thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch
cần lưu ý:
+ Kiểm tra tính hợp thức của Biên bản xác nhận tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi;
+ Họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở
để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là
nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam;
+ Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai
sinh để trống (tuyệt đối không gạch chéo hoặc tự ý ghi tên của người tạm thời nuôi dưỡng
trẻ vào các phần khai này khi chưa có Quyết định công nhận nuôi con nuôi). Trong cột
ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “trẻ bị bỏ rơi”.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, đã được đăng ký khai sinh, sau đó được nhận
làm con nuôi, thì cán bộ Tư pháp - Hộ tịch (nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ) căn cứ vào
Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên của cha, mẹ nuôi vào phần ghi về
cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi (nếu cha mẹ nuôi có
yêu cầu). Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Cha, mẹ nuôi”; nội
dung ghi chú này liên quan đến bí mật đời tư của cá nhân phải được giữ bí mật, chỉ những
người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.
Khi cha, mẹ nuôi có yêu cầu thay đổi họ cho con nuôi theo họ của cha, mẹ nuôi, thì
phải làm thủ tục thay đổi họ theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh:
- Việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện như
đối với trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
- Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời
khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được, thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm
sinh, ngày sinh là ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của
người đi đăng ký khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung
không xác định được, thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ
“trẻ bị bỏ rơi”.
Lưu ý: Trong cả hai trường hợp (đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và đăng
ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, không phải là trẻ sơ sinh), nếu có căn cứ xác định về họ
tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh của trẻ, thì ghi theo họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi
sinh của trẻ theo những căn cứ đã được xác định.
- Trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, có giấy tờ kèm theo ghi về thông tin của cha, mẹ,
nhưng sau khi đã thực hiện việc thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định
số 158/2005/NĐ-CP mà không tìm được cha, mẹ đẻ, thì những thông tin này chỉ ghi chú
trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh; phần ghi về người mẹ và người cha trong Sổ
đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con được để trống.
1.10. Áp dụng đối với một số trường hợp đăng ký khai sinh khác
Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì các quy định
về đăng ký khai sinh đã hướng dẫn trong phần này cũng được áp dụng để giải quyết đối
với 5 trường hợp đăng ký khai sinh sau đây:
- Trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước
ngoài;
- Trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong
nước, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không
quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam;
- Trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là người nước ngoài hoặc người không
quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam, còn người kia là công dân Việt Nam cư trú
ở trong nước;
- Trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại
khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực
biên giới với Việt Nam.
1.11. Lệ phí đăng ký khai sinh: Đăng ký khai sinh được miễn lệ phí.
1.12. Xử phạt vi phạm hành chính trong đăng ký khai sinh
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009
của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp thì các hành
vi vi phạm trong đăng ký khai sinh sẽ bị xử phạt gồm:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người có
trách nhiệm phải đi đăng ký khai sinh cho trẻ em không thực hiện việc đăng ký trong thời
hạn do pháp luật quy định.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cố tình làm chứng sai sự thật trong đăng ký khai sinh; người đi khai sinh cam
đoan không đúng sự thật về việc sinh;
b) Tự ý sửa chữa, tẩy xoá hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm
thủ tục đăng ký khai sinh.
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký khai sinh;
b) Thực hiện hành vi gian dối khác để được đăng ký khai sinh nhằm mục đích trục
lợi;
c) Làm giả hoặc mượn giấy khai sinh của người khác để thực hiện hành vi vi phạm
pháp luật.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu giấy tờ đã bị sửa chữa, tẩy xoá, bị làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ giả
mạo đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Đề nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ Giấy khai sinh đã cấp và buộc đăng ký khai
sinh theo đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và
điểm a, b khoản 3 Điều này.
2. Đăng ký kết hôn
2.1. Điều kiện kết hôn
Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- Về độ tuổi: nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên;
- Về ý chí tự nguyện kết hôn: việc kết hôn do hai bên nam và nữ tự nguyện quyết
định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều
10 Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể là:
+ Cấm kết hôn với người đang có vợ hoặc đang có chồng;
+ Cấm kết hôn với người mất năng lực hành vi dân sự;
+ Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có
họ trong phạm vi ba đời;
+ Cấm kết hôn giữa những người có quan hệ cha, mẹ nuôi với con nuôi hoặc đã từng
có quan hệ giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố
dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
+ Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.
2.2. Đăng ký kết hôn theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP
a. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
- Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng
ký kết hôn. Cụ thể là:
+ Nếu cả hai bên kết hôn (bên nam và bên nữ) đều có nơi đăng ký hộ khẩu thường
trú thì họ có quyền lựa chọn nơi đăng ký kết hôn là Uỷ ban nhân dân xã nơi bên nam hoặc
bên nữ đăng ký hộ khẩu thường trú;
+ Nếu chỉ bên nam hoặc bên nữ có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, còn bên kia có
đăng ký tạm trú có thời hạn, thì việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân
cấp xã nơi bên nam hoặc bên nữ đăng ký hộ khẩu thường trú;
+ Nếu cả bên nam nữ đều không có hoặc chưa có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú,
nhưng có đăng ký tạm trú có thời hạn, thì việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại Uỷ ban
nhân dân cấp xã, nơi bên nam hoặc bên nữ đăng ký tạm trú có thời hạn;
- Trong trường hợp cả bên nam, nữ là công dân Việt Nam đang trong thời hạn công
tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, đã cắt hộ khẩu
thường trú ở trong nước, thì việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp
xã, nơi cư trú trước khi xuất cảnh của một trong hai bên nam, nữ.
b. Thủ tục đăng ký kết hôn
Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai đăng ký kết hôn của cả hai bên nam, nữ (theo mẫu quy định).
- Xác nhận về tình trạng hôn nhân: Việc xác nhận về tình trạng hôn nhân có thể thực
hiện theo 1 trong 2 cách: trực tiếp xác nhận vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc cấp riêng
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định từ Điều 65 đến Điều 67 Nghị định số
158/2005/NĐ-CP và có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.
Liên quan đến việc xác nhận về tình trạng hôn nhân của hai bên nam nữ khi đăng ký
kết hôn, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định như sau:
+ Nếu một trong hai bên nam nữ hoặc cả hai bên nam, nữ cùng cư trú tại một xã,
phường, thị trấn, nơi đăng ký kết hôn, thì không phải có xác nhận về tình trạng hôn nhân
trong hồ sơ đăng ký kết hôn (trong trường hợp này trước khi giải quyết việc đăng ký kết
hôn, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phải tự xác định về tình trạng hôn nhân của họ); trừ trường
hợp người có yêu cầu đăng ký kết hôn là cán bộ, chiến sỹ đang công tác trong lực lượng
vũ trang;
+ Trong trường hợp bên nam hoặc bên nữ cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng
đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân
cấp xã nơi người đó cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó;
+ Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, về
nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ở
nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó;
+ Đối với cán bộ, chiến sỹ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì phải có xác
nhận tình trạng hôn nhân của Thủ trưởng đơn vị.
Giấy tờ phải xuất trình:
Giấy Chứng minh nhân dân của hai bên nam, nữ.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp - Hộ tịch không biết rõ về nơi cư trú của hai bên
kết hôn, thì phải xuất trình thêm giấy tờ về hộ khẩu để làm căn cứ xác định thẩm quyền
đăng ký kết hôn.
Lưu ý: Với những trường hợp bên kết hôn là người đã có vợ, có chồng, nhưng đã ly
hôn hoặc người kia đã chết, thì họ chỉ phải xuất trình trích lục Bản án/Quyết định đã có
hiệu lực của Tòa án về việc ly hôn hoặc bản sao Giấy chứng tử của người vợ (hoặc người
chồng) đã chết khi có yêu cầu cấp xác nhận về tình trạng hôn nhân (kể cả trong trường
hợp cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân riêng hoặc xác nhận tình trạng hôn nhân trong
Tờ khai đăng ký kết hôn). Do đó, khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, họ không phải xuất
trình những loại giấy tờ này.
c. Trình tự và thời hạn giải quyết đăng ký kết hôn
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn, kiểm tra các giấy tờ do hai bên kết hôn
nộp và xuất trình; xem xét việc đăng ký kết hôn có đúng thẩm quyền không.
Sau khi kiểm tra hồ sơ, nếu các giấy tờ chưa hợp lệ thì hướng dẫn đương sự hoàn
thiện hồ sơ (trong trường hợp này coi như chưa thụ lý hồ sơ, và chưa tính thời hạn giải
quyết); nếu phát hiện việc đăng ký kết hôn không thuộc thẩm quyền thì trả hồ sơ và
hướng dẫn đương sự đến đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp xã theo đúng thẩm quyền.
Bước 2: Kiểm tra điều kiện kết hôn
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch
kiểm tra xem hai bên nam nữ có đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của
Luật Hôn nhân và gia đình hay không; nếu xét thấy hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết
hôn thì Uỷ ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam nữ.
Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 5
ngày.
Bước 3: Tổ chức đăng ký kết hôn
Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt. Đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã
yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán
bộ Tư pháp - Hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên
nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân xã ký và cấp cho mỗi bên vợ chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải
thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân
và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.
Lưu ý:
- Nếu Uỷ ban nhân dân xã đã thông báo về ngày đăng ký kết hôn, mà hai bên nam
nữ không đến đăng ký kết hôn, cũng không đề nghị cho hoãn thời hạn đăng ký kết hôn,
thì Uỷ ban nhân dân hủy việc đăng ký kết hôn và thông báo bằng văn bản việc huỷ đó với
cả hai bên nam, nữ.
- Trước thời điểm đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên nam, nữ cho biết
ý muốn tự nguyện kết hôn mà một trong hai bên hoặc cả hai bên nam, nữ thay đổi ý kiến,
chủ động rút lại hồ sơ đăng ký kết hôn, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã trả lại hồ sơ cho hai
bên nam, nữ.
- Khi đăng ký kết hôn, mỗi bên nam nữ phải khai vào một Tờ khai đăng ký kết hôn.
Trường hợp cả hai bên nam nữ cùng cư trú tại một xã, phường, thị trấn hoặc cùng công
tác tại một đơn vị trong lực lượng vũ trang nhân dân, thì hai bên kết hôn chỉ cần khai vào
một Tờ khai đăng ký kết hôn.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn và xác nhận tình
trạng hôn nhân trong Tờ khai đăng ký kết hôn đều có giá trị chứng minh về tình trạng hôn
nhân của bên kết hôn; khi đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ chỉ cần nộp một trong hai loại
giấy tờ trên.
- Nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân phải được ghi rõ: đương sự hiện tại chưa
đăng ký kết hôn với ai (Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A, hiện đang cư trú tại , hiện tại chưa
đăng ký kết hôn với ai); đối với người đã có vợ/chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã
chết thì cũng phải ghi rõ điều đó (Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A, hiện đang cư trú tại đã
đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo Bản án ly hôn số ngày tháng năm của
Tòa án nhân dân , hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai).
- Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở
nước ngoài), mà Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về
tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về
tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu
trách nhiệm về việc cam đoan.
- Khi xác nhận tình trạng hôn nhân trong Tờ khai đăng ký kết hôn, Uỷ ban nhân dân
cấp xã cũng phải ghi vào Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để quản lý. Số/quyển
số trong Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được ghi bổ sung sau phần ghi về thời
hạn có giá trị của việc xác nhận: Xác nhận này có giá trị trong thời hạn 6 tháng, kể từ
ngày cấp. (Số /quyển số ).
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình
trạng hôn nhân trong hồ sơ đăng ký kết hôn của hai bên nam nữ phải là bản chính. Không
sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã ghi mục đích sử dụng khác để làm thủ tục
đăng ký kết hôn và ngược lại, không sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã ghi
mục đích làm thủ tục đăng ký kết hôn để sử dụng vào mục đích khác.
- Khi đương sự yêu cầu xác nhận lại tình trạng hôn nhân trong Tờ khai đăng ký kết
hôn do xác nhận trước đó đã hết thời hạn sử dụng, thì phải nộp lại Tờ khai đăng ký kết
hôn cũ; trong trường hợp đương sự khai đã làm mất Tờ khai đăng ký kết hôn, thì phải có
cam kết về việc chưa đăng ký kết hôn; bản cam kết phải lưu trong hồ sơ cấp xác nhận tình
trạng hôn nhân. Việc xác nhận lại tình trạng hôn nhân cũng phải được ghi trong Sổ cấp
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trong cột Ghi chú của Sổ cấp Giấy xác nhận tình
trạng hôn nhân (kể cả xác nhận lần đầu và xác nhận lại) phải ghi rõ “Đã xác nhận lại tình
trạng hôn nhân ngày tháng năm , lý do xác nhận lại ”.
Hướng dẫn này cũng được áp dụng khi giải quyết yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình
trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn.
- Khi một bên hoặc cả hai bên nam, nữ đề nghị rút hồ sơ đăng ký kết hôn, thì Uỷ ban
nhân dân cấp xã trả lại hồ sơ, đồng thời hướng dẫn đương sự nộp lại Giấy xác nhận tình
trạng hôn nhân hoặc Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân cho Uỷ ban
nhân dân cấp xã, nơi đã cấp xác nhận tình trạng hôn nhân để ghi chú vào Sổ cấp Giấy xác
nhận tình trạng hôn nhân về việc chưa đăng ký kết hôn; đối với trường hợp người đăng ký
kết hôn là cán bộ, chiến sỹ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thông báo cho Thủ
trưởng đơn vị của người đó để biết.
d. Từ chối đăng ký kết hôn
Trong trường hợp một bên (bên nam/bên nữ) hoặc cả hai bên nam nữ không đủ điều
kiện kết hôn, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn
bản; nếu người bị từ chối không đồng ý, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp
luật.
2.3. Đăng ký kết hôn đối với các trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày
03 tháng 01 năm 1987, mà chưa đăng ký kết hôn (theo quy định tại Nghị định số
77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng
ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn
nhân và gia đình)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 77/2001/NĐ-CP, thì đối với những
trường hợp quan hệ vợ chồng xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, mà chưa đăng ký
kết hôn, thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận tiện cho đăng ký kết hôn
(bao gồm cả các trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng giữa một bên là công dân Việt
Nam và một bên là công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam
đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam; các trường hợp giữa một bên là công dân Việt
Nam và một bên là người không quốc tịch thường trú lâu đời tại Việt Nam hoặc cả hai
bên đều là người không quốc tịch thường trú lâu đời tại Việt Nam).
a. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của một trong hai bên, thực
hiện việc đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp cả hai bên không có hộ khẩu thường trú, nhưng có đăng ký tạm
trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu, thì Uỷ ban nhân dân cấp
xã, nơi một trong hai bên đăng ký tạm trú có thời hạn, thực hiện việc đăng ký kết hôn.
b. Thủ tục đăng ký kết hôn
Khi đăng ký kết hôn, các bên chỉ cần nộp Tờ khai đăng ký kết hôn và xuất trình Giấy
chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế.
Lập Tờ khai đăng ký kết hôn:
Khi đăng ký kết hôn, hai bên lập Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định, đồng
thời ghi bổ sung vào dòng cuối cùng mặt thứ nhất của Tờ khai đăng ký kết hôn nội dung
sau đây:
“Chúng tôi đã xác lập quan hệ vợ chồng từ ngày tháng năm đến nay”. Trong
trường hợp vợ chồng không cùng xác định được ngày, tháng xác lập quan hệ vợ chồng,
thì cách tính ngày, tháng như sau:
- Nếu xác định được tháng mà không xác định được ngày, thì lấy ngày 01 của tháng
tiếp theo;
- Nếu xác định được năm mà không xác định được ngày, tháng, thì lấy ngày 01
tháng 01 của năm tiếp theo.
c. Trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn
Trong trường hợp hai vợ chồng cùng thường trú hoặc tạm trú có thời hạn tại nơi
đăng ký kết hôn, thì Uỷ ban nhân dân thực hiện việc đăng ký kết hôn ngay sau khi nhận
Tờ khai đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp một trong hai bên không thường trú hoặc tạm trú có thời hạn tại
nơi đăng ký kết hôn, nhưng Uỷ ban nhân dân biết rõ về tình trạng hôn nhân của họ, thì
cũng giải quyết đăng ký kết hôn ngay. Khi có tình tiết chưa rõ các bên có vi phạm quan
hệ hôn nhân một vợ, một chồng hay không, thì Uỷ ban nhân dân yêu cầu họ làm giấy cam
đoan và có xác nhận của ít nhất hai người làm chứng về nội dung cam đoan đó. Người
làm chứng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của lời chứng.
Khi đăng ký kết hôn, Uỷ ban nhân dân cấp xã sử dụng mẫu Giấy chứng nhận kết hôn
và Sổ đăng ký kết hôn hiện hành, nhưng phải bổ sung vào dưới tiêu đề của Giấy chứng
nhận kết hôn và vào cột Ghi chú của Sổ đăng ký kết hôn dòng chữ:
Đăng ký theo Nghị định số 77/2001/NĐ-CP, hôn nhân có hiệu lực từ
ngày tháng năm và đóng dấu của Uỷ ban nhân dân vào chỗ ghi bổ sung này.
Lưu ý: Việc đăng ký kết hôn trong những trường hợp này giải quyết theo thủ tục đơn
giản hơn và có những ưu tiên sau đây:
- Quan hệ hôn nhân của họ được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ vợ
chồng;
- Việc đăng ký kết hôn có thể được thực hiện tại trụ sở Uỷ ban nhân dân hoặc tại
thôn, bản, tổ dân phố theo kế hoạch của Uỷ ban nhân dân cấp xã;
- Việc đăng ký kết hôn đối với các trường hợp quy định tại Nghị định này được miễn
lệ phí.
2.4. Đăng ký kết hôn đối với đồng bào dân tộc thiểu số (theo quy định tại Nghị
định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định việc áp
dụng Luât Hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số)
a. Điều kiện kết hôn
Việc kết hôn của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện
kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, Nghị định số
32/2002/NĐ-CP quy định thủ tục, trình tự đăng ký kết hôn đơn giản hơn nhằm tạo điều
kiện thuận lợi và phù hợp với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
b. Phạm vi áp dụng
Việc đăng ký kết hôn đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại Nghị định
số 32/2002/NĐ-CP chỉ được áp dụng giải quyết khi hai bên kết hôn có đủ 2 điều kiện về
dân tộc và về nơi cư trú như sau:
- Về dân tộc: Phải là công dân thuộc một trong các dân tộc thiểu số.
- Về nơi cư trú: Phải đang sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng xa vào thời điểm
đăng ký kết hôn.
Nếu một bên hoặc cả hai bên kết hôn chỉ thoả mãn một trong hai điều kiện này, thì
không được áp dụng thủ tục đăng ký kết hôn theo Nghị định số 32/2002/NĐ-CP. Ví dụ:
Việc kết hôn của người dân tộc thiểu số nhưng hiện đang sinh sống ở địa bàn không thuộc
diện vùng sâu, vùng xa không được áp dụng theo quy định này.
c. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn, thực hiện việc
đăng ký kết hôn.
d. Thủ tục đăng ký kết hôn
Khi đăng ký kết hôn, các bên nam, nữ làm Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy
định và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế.
đ. Trình tự đăng ký kết hôn
Sau khi nhận Tờ khai đăng ký kết hôn, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch kiểm tra, nếu các
bên đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật hay không. Nếu xét thấy hai
bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, đồng
thời đáp ứng các điều kiện để được áp dụng đăng ký kết hôn theo Nghị định số
32/2002/NĐ-CP thì Uỷ ban nhân dân xã tiến hành ngay việc đăng ký kết hôn.
Khi tiến hành đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn
và Sổ đăng ký kết hôn trước, sau đó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và trao cho hai
vợ chồng bản chính Giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc tại
nơi cư trú.
Lưu ý:
Để phù hợp với đặc thù của khu vực vùng sâu, vùng xa và phong tục, tập quán trong
đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, việc đăng ký kết hôn theo Nghị định số
32/2002/NĐ-CP được giải quyết theo thủ tục đơn giản và có những ưu tiên sau đây:
- Về thủ tục: Tờ khai đăng ký kết hôn không cần có xác nhận của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền về tình trạng hôn nhân của các bên kết hôn;
- Về trình tự giải quyết: Sau khi các bên nam nữ nộp đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân
dân cấp xã có trách nhiệm tiến hành ngay việc kiểm tra các điều kiện kết hôn, nếu xét
thấy các đương sự đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn thì Uỷ ban nhân dân tiến hành
ngay việc đăng ký kết hôn. Với quy trình đơn giản như trên, việc đăng ký kết hôn đối với
đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có thể hoàn tất ngay trong ngày;
- Về địa điểm đăng ký kết hôn: để phù hợp với tập quán sinh hoạt cộng đồng (ngày
kết hôn của đôi nam nữ thường là ngày hội của cả thôn, bản) và điều kiện đi lại ở vùng
sâu, vùng xa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đồng bào thực hiện việc
đăng ký kết hôn, chấm dứt tình trạng chung sống không đăng ký tồn tại rất phổ biến trước
đây nên Nghị định số 32/2002/NĐ-CP quy định địa điểm tiến hành đăng ký kết hôn có thể
tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc tại tổ dân phố, thôn, bản, phum, sóc nơi cư trú của
một trong hai bên nam, nữ.
2.5. Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại khu vực các xã biên giới (theo quy
định tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân
và gia đình có yếu tố nước ngoài)
Là việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với
công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Đây là quan
hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài (một bên là công dân nước ngoài) nhưng thuộc thẩm
quyền đăng ký kết hôn của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
a. Phạm vi áp dụng
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn này chỉ được áp dụng trong trường
hợp phía công dân Việt Nam phải là người thường trú ở khu vực biên giới và phía công
dân nước ngoài là người cũng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Nếu một
trong hai bên không phải là người cùng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì
không được áp dụng thủ tục này để đăng ký kết hôn, vì đây là trường hợp “kết hôn có yếu
tố nước ngoài”, nếu không ứng điều kiện trên, thì phải thuộc thẩm quyền đăng ký của Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh.
(Danh sách các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam - xem danh mục kèm theo Thông tư số 179/2001/TT-BQP
ngày 22 tháng 01 năm 2001)
b. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam ở khu vực biên giới
thực hiện việc đăng ký việc kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên
giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
c. Thủ tục đăng ký kết hôn
Giấy tờ phải nộp:
- Công dân Việt Nam phải nộp Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu Tờ khai đăng ký
kết hôn dành cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước).
- Công dân của nước láng giềng phải nộp Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy
định, có xác nhận chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ của cơ quan có thẩm
quyền của nước láng giềng đó về việc hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không
có chồng. Giấy tờ trên của mỗi bên đương sự được lập thành 02 bộ hồ sơ như nhau.
Giấy tờ phải xuất trình:
- Công dân Việt Nam phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân biên giới; trong
trường hợp không có giấy chứng minh nhân dân biên giới thì phải xuất trình giấy tờ
chứng minh việc thường trú ở khu vực biên giới kèm theo giấy tờ tuỳ thân khác của
đương sự để kiểm tra.
- Công dân nước láng giềng phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân do cơ quan nhà nước có
thẩm quyền của nước láng giềng cấp cho công dân nước đó thường trú ở khu vực biên
giới với Việt Nam; trong trường hợp không có giấy tờ tuỳ thân này thì phải xuất trình
giấy tờ chứng minh việc thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam kèm theo giấy tờ
tuỳ thân khác của đương sự để kiểm tra.
- Đối với người trước đây đã có vợ hoặc chồng, nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc
người chồng đó đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết thì tuỳ trường hợp cụ thể, đương sự
còn phải xuất trình bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về việc cho ly hôn hoặc
giấy chứng tử của người vợ hoặc người chồng đó.
d. Thời hạn và trình tự giải quyết đăng ký kết hôn
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Uỷ ban nhân dân
cấp xã có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, kiểm tra các điều kiện kết hôn và tiến hành niêm yết
việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Uỷ ban nhân dân. Sau khi đã thẩm tra hồ sơ
và niêm yết việc kết hôn, Uỷ ban nhân dân cấp xã có công văn, kèm theo 01 bộ hồ sơ
đăng ký kết hôn gửi Sở Tư pháp để xin ý kiến.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được công văn xin ý kiến của Uỷ ban nhân
dân cấp xã, Sở Tư pháp xem xét hồ sơ đăng ký kết hôn và có ý kiến trả lời bằng văn bản
cho Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến của Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân
dân cấp xã quyết định việc đăng ký kết hôn và tổ chức việc đăng ký kết hôn như đối với
trường hợp đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam ở trong nước với nhau theo quy định
của pháp luật về đăng ký hộ tịch.
Lưu ý:
So với việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh thì việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam ở khu vực biên giới
với công dân của nước láng giềng ở khu vực biên giới với Việt Nam có những ưu tiên sau
đây:
- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức của nước láng giềng cấp hoặc công chứng, chứng thực
cho công dân của họ để sử dụng tại Việt Nam vào việc đăng ký kết hôn ở khu vực biên
giới với Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự;
- Các giấy tờ nói trên nếu lập bằng ngôn ngữ của nước láng giềng chỉ cần dịch ra
tiếng Việt và có cam kết của người dịch về việc dịch đúng nội dung, không cần công
chứng bản dịch.
đ. Lệ phí đăng ký kết hôn: Đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở
trong nước, kể cả đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam ở khu vực biên giới với công
dân của nước láng giềng ở khu vực biên giới với Việt Nam được miễn lệ phí.
e. Xử phạt trong đăng ký kết hôn
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009
của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp thì các hành
vi vi phạm trong đăng ký kết hôn sẽ bị xử phạt gồm:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, tẩy
xoá hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn;
b) Làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký kết hôn;
c) Các hành vi gian dối khác khi đăng ký kết hôn.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cam đoan không
đúng về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc để được cấp giấy xác
nhận tình trạng hôn nhân sử dụng vào mục đích khác.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi
sau:
a) Môi giới kết hôn bất hợp pháp;
b) Lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm tình dục, bóc
lột sức lao động.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu giấy tờ đã bị sửa chữa, tẩy xoá, bị làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ giả
mạo đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm b, c khoản 2 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận kết hôn đã cấp đối với hành vi quy định tại
khoản 1, 2, 3 Điều này;
b) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận kết hôn đã cấp
và hướng dẫn đương sự đăng ký lại việc kết hôn theo đúng quy định của pháp luật đối với
hành vi quy định tại khoản 1, 2 Điều này nhưng không thuộc trường hợp vi phạm các quy
định về điều kiện kết hôn.
- Ngoài ra, hiện nay còn có quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kết hôn tại Điều
6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cụ thể như sau:
Điều 6. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các
hành vi sau đây:
a) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc
dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó;
b) Tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn.
Điều 7. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các
hành vi sau đây:
a) Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh
thần hoặc bằng thủ đoạn khác;
b) Cản trở người khác kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành
hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.
Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ,
một chồng
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau
đây:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với
người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với
người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm
trọng;
c) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
d) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
đ) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu,
mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
e) Kết hôn giữa những người cùng giới tính.
2. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác:
Buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định
tại khoản 1 Điều này.
3. Đăng ký khai tử
3.1. Quyền được khai tử
Khi có người chết, thì người thân thích, chủ nhà hoặc cơ quan, tổ chức nơi có người
chết phải khai tử cho người đó. Trẻ sơ sinh, nếu chết sau khi sinh thì phải được khai sinh
và khai tử; nếu chết trước khi sinh hoặc sinh ra mà chết ngay thì không phải khai sinh và
khai tử (Điều 30 Bộ luật Dân sự).
3.2. Thẩm quyền đăng ký khai tử
- Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng
ký khai tử.
- Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, thì Uỷ
ban nhân dân cấp xã, nơi người đó chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
3.3. Thời hạn đăng ký khai tử và trách nhiệm đăng ký khai tử
Thời hạn đăng ký khai tử là 15 ngày, tính từ ngày chết (thời hạn này được áp dụng
chung cho tất cả các vùng, miền trong cả nước).
Thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử; nếu người chết không có thân
nhân, thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, nơi người đó
cư trú hoặc công tác trước khi chết đi khai tử.
Hết thời hạn nói trên mà thân nhân người chết hoặc người có trách nhiệm không
thực hiện việc đăng ký khai tử, thì phải thực hiện theo thủ tục đăng ký khai tử quá hạn và
tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000
đồng (khoản 1 Điều 13 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp).
3.4. Giấy báo tử và giấy tờ thay cho Giấy báo tử
a. Giấy báo tử và thẩm quyền cấp Giấy báo tử:
- Đối với người chết tại bệnh viện hoặc tại cơ sở y tế, thì Giám đốc bệnh viện, hoặc
người phụ trách cơ sở y tế đó cấp Giấy báo tử;
- Đối với người cư trú ở một nơi, nhưng chết ở một nơi khác, ngoài cơ sở y tế, thì Uỷ
ban nhân dân cấp xã, nơi người đó chết cấp Giấy báo tử;
- Đối với người chết là quân nhân tại ngũ, công chức quốc phòng, quân nhân dự bị
trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ
chiến đấu và những người được tập trung làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội
trực tiếp quản lý, thì thủ trưởng đơn vị đó cấp Giấy báo tử;
- Đối với người chết trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giam hoặc tại nơi tạm
giữ, thì Thủ trưởng cơ quan nơi giam, giữ người đó cấp Giấy báo tử;
- Đối với người chết tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục do ngành Công an quản
lý, thì Thủ trưởng các cơ quan đó cấp Giấy báo tử;
- Đối với người chết do thi hành án tử hình, thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử
hình cấp Giấy báo tử.
Nội dung Giấy báo tử phải ghi rõ họ, tên; địa chỉ của người chết; giờ, ngày, tháng,
năm chết; địa điểm chết và nguyên nhân chết (Giấy báo tử không cần phải theo mẫu như
trước đây).
b. Giấy tờ thay cho Giấy báo tử:
- Đối với người chết tại nhà ở nơi cư trú, thì văn bản xác nhận việc chết của người
làm chứng thay cho Giấy báo tử;
- Trường hợp một người bị Toà án tuyên bố là đã chết, thì Quyết định tuyên bố chết
đã có hiệu lực pháp luật của Toà án thay cho Gấy báo tử;
- Trường hợp chết có nghi vấn, thì văn bản xác định nguyên nhân chết của của cơ
quan Công an hoặc của cơ quan Y tế cấp huyện trở lên thay cho Gấy báo tử;
- Đối với người chết trên phương tiện giao thông (ô tô, máy bay, tàu thuỷ ), thì Biên
bản xác nhận việc chết do người chỉ huy hoặc người điều khiển phương tiện giao thông
lập, có chữ ký của ít nhất 2 người cùng đi trên phương tiện giao thông đó thay cho Gấy
báo tử;
Giấy báo tử hoặc Giấy tờ thay cho giấy báo tử được cấp cho thân nhân người chết để
đi khai tử. Trong trường hợp người chết không có thân nhân, thì phải gửi giấy tờ đó đến
Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai tử để Uỷ ban nhân dân cấp xã
chủ động thực hiện việc đăng ký khai tử.
3.5. Thủ tục đăng ký khai tử
Người đi đăng ký khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho giấy báo tử.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp - Hộ tịch không biết rõ về nơi cư trú của người
chết và không biết rõ về người đi đăng ký khai tử, thì yêu cầu người đi đăng ký khai tử
xuất trình giấy tờ về hộ khẩu có ghi tên người chết để xác định thẩm quyền đăng ký khai
tử và Giấy chứng minh nhân dân của người đi đăng ký khai tử để kiểm tra.
Lưu ý: Trong trường hợp đăng ký khai tử cho người chết tại nhà, ở nơi cư trú mà cán
bộ Tư pháp - Hộ tịch biết rõ về việc chết, thì không phải nộp văn bản xác nhận của người
làm chứng.
3.6. Trình tự đăng ký khai tử
Bước 1: Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch kiểm tra các giấy tờ do người đi đăng ký khai tử
nộp và xuất trình. Trách nhiệm của cán bộ Tư pháp - Hộ tịch là cần kiểm tra xem Giấy
báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử mà người đi đăng ký khai tử nộp có phù hợp với
sự kiện chết sẽ đăng ký hay không, kiểm tra xem việc đăng ký khai tử có đúng thẩm
quyền hay không, đồng thời xác định rõ những nội dung sẽ ghi trong Sổ đăng ký khai tử
và Giấy chứng tử.
Bước 2: Sau khi kiểm tra, nếu các giấy tờ đã đủ và hợp lệ, việc đăng ký khai tử là
đúng thẩm quyền, thì cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai tử và Giấy chứng
tử.
Bước 3: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký khai tử
một bản chính Giấy chứng tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi
đăng ký khai tử.
3.7. Đăng ký khai tử đối với một số trường hợp đặc biệt
a. Đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử cho trẻ chết sơ sinh
Trẻ sinh ra sống được 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng ký khai sinh và
đăng ký khai tử. Nếu cha, mẹ của trẻ không đi khai sinh và khai tử, thì cán bộ Tư pháp -
Hộ tịch cần chủ động nắm bắt thông tin để tự xác định nội dung ghi vào Sổ đăng ký khai
sinh và Sổ đăng ký khai tử. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký
khai tử phải ghi rõ “Trẻ chết sơ sinh”.
b. Đăng ký khai tử cho người bị Toà án tuyên bố là đã chết
Việc đăng ký khai tử cho người bị Toà án tuyên bố là đã chết được thực hiện khi có
quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, người yêu cầu Toà
án tuyên bố một người là đã chết có trách nhiệm phải thực hiện việc đăng ký khai tử.
Trong trường hợp một người bị Toà án tuyên bố là đã chết, đã đăng ký khai tử,
nhưng sau đó còn sống trở về, được Tòa án huỷ bỏ quyết định tuyên bố chết, thì Uỷ ban
nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai tử căn cứ vào quyết định đã có hiệu lực pháp luật
của Toà án về việc huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó đã chết, xóa tên người đó trong
Sổ đăng ký khai tử và thu hồi lại Giấy chứng tử đã cấp.
c. Tuyên bố một người là đã chết (Điều 81 Bộ luật Dân sự)
Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một
người là đã chết trong các trường hợp sau đây: