ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
ẨM THỰC TỪ NGÔ CỦA NGƢỜI HMÔNG TRẮNG
(NGHIÊN CỨU TRƢỜNG HỢP XÃ LŨNG TÁO, HUYỆN
ĐỒNG VĂN, TỈNH HÀ GIANG)
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
Hà Nội – 2015
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
ẨM THỰC TỪ NGÔ CỦA NGƢỜI HMÔNG TRẮNG
(NGHIÊN CỨU TRƢỜNG HỢP XÃ LŨNG TÁO,
HUYỆN ĐỒNG VĂN, TỈNH HÀ GIANG)
Chuyên ngành: Dân tộc học
Mã số: 60 31 03 10
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Sỹ Giáo
Hà Nội - 2015
LỜI CẢM ƠN
Luận văn này được phát triển trên cơ sở Báo cáo khoa học sinh viên năm
2011 và sau đó là Khóa luận tốt nghiệp Đại học năm 2012. Mang trong mình
một nửa dòng máu là người Hmông Trắng, dự định ban đầu của tôi là muốn
tìm hiểu một vấn đề gì đó – dù là rất nhỏ thôi - về tộc người này để kỷ niệm
những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường Đại học. Kết thúc năm học thứ 2,
tôi đã chia sẻ với mẹ tôi – 1 người Hmông “xịn” – về dự định của mình. Mẹ
tôi đã rất ủng hộ tôi. Ngay lập tức, tôi tìm đến bộ môn Nhân học và được
PGS.TS Nguyễn Văn Sửu giới thiệu cho tôi người thầy mà sau này tôi đã
gắn bó trong suốt quá trình học tập của mình: PGS.TS Lê Sỹ Giáo.
Tôi muốn gửi lời tri ân tới thầy hướng dẫn của mình - PGS.TS Lê Sỹ
Giáo, người đã giúp tôi định hướng đề tài ngay từ những ngày đầu và luôn
theo sát tôi trong quá trình điền dã, viết bài.
Tôi xin cảm ơn lãnh đạo UBND huyện Đồng Văn, lãnh đạo UBND xã
Lũng Táo, gia đình tôi và cộng đồng người Hmông Trắng ở huyện Đồng Văn
đã tạo điều kiện giúp đỡ, chỉ bảo và cưu mang tôi trong những ngày học hỏi
đồng bào trên thực địa. Tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình ông Vừ
Chúng Dình đã tạo điều kiện cho tôi ăn, ở tại xóm Há Súng, xã Lũng Táo.
Những câu chuyện của ông bên chén rượu ngô, cạnh bếp lửa trong buổi đêm
tịch mịch đã giúp tôi hiểu hơn về tộc người mà tôi đang nghiên cứu.
Bên cạnh đó, tôi đã nhận được sự động viên của gia đình,các thầy cô
trong Bộ môn Nhân học, những người bạn của mình. Họ luôn bên cạnh tôi lúc
khó khăn nhất, tôi luôn biết ơn và trân trọng những tình cảm đó.
Hà Nội, tháng 10 năm 2014
Học viên
Nguyễn Thị Thu Huyền
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan công trình này do tôi thực hiện, những tư liệu
trong khóa luận được khai thác, thu thập từ thực địa và các tài liệu tham
khảo được trích dẫn nguồn đầy đủ. Nếu có gì sai phạm tôi xin hoàn toàn
chịu trách nhiệm.
Học viên
Nguyễn Thị Thu Huyền
1
MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN 3
LỜI CAM ĐOAN 4
MỞ ĐẦU 6
1. Lý do lựa chọn đề tài 6
2. Lý thuyết được vận dụng 7
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 10
4. Giả thiết nghiên cứu 14
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 15
6. Mục tiêu và phương pháp nghiên cứu 16
7. Kết cấu của luận văn 17
Chƣơng 1. KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN VÀ TỘC NGƢỜI NGHIÊN CỨU 18
1.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và dân cư 18
1.1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên và dân cư tỉnh Hà Giang 18
1.1.2. Điều kiện tự nhiên và dân cư xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn 21
1.1.3. Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến canh tác ngô 24
1.2. Khái quát về người Hmông ở Lũng Táo 29
1.2.1. Lịch sử tộc người 29
1.2.2. Tổ chức đời sống cộng đồng 32
Tiểu kết chương 1 40
Chƣơng 2. CÁC ĐỒ ĂN, THỨC UỐNG TỪ NGÔ 41
2.1. Món ăn ngày thường 41
2.1.1. Mèn mén
24
( Mỏ mông, Máo của) 41
2.1.2. Bánh sữa ngô (chúa xìa) 58
2.1.3. Canh ngô (Tha pua) 59
2.1.4. Bánh lử khoai (láo khoải – tiếng Hán) 60
2.1.5. Ngô luộc (cư hâu), ngô nướng (cư chi), ngô rang (cư ky) 61
2.1.6. Món ăn ngày của chợ phiên 61
2
2.2. Món ăn trong đời sống tâm linh 63
2.2.1. Món ăn khi làm ma chay 63
2.2.2. Món ăn ngày tết:Bánh trôi ngô(chúa đay, chúa chò) 65
2.3. Đồ uống 67
2.3.1. Rượu ngô (chơ cừ) 67
2.3.2. Nước ngô luộc (đề cừ hâu) 80
Tiểu kết chương 2 80
Chƣơng 3. CÁC DỤNG CỤ CHẾ BIẾN, PHỤC VỤ ĂN UỐNG VÀ CẤT
ĐỰNG ĐỒ ĂN, THỨC UỐNG 81
3.1. Các công cụ dùng để chế tác dụng cụ chế biến đồ ăn, thức uống và đồ
đựng 81
3.1.1. Bộ công cụ nghề mộc 81
3.1.2. Bộ công cụ chế tác đá 84
3.1.2. Dụng cụ phục vụ đan lát 84
3.2. Các dụng cụ chế biến đồ ăn, thức uống 84
3.2.1. Dụng cụ xay nghiền 84
3.2.2. Các dụng cụ dùng trong nấu nướng, chưng cất 91
3.3. Các dụng cụ phục vụ ăn uống và cất đựng đồ ăn, thức uống 98
3.3.1. Rá (chông) 98
3.3.2. Thìa (đia) 99
3.3.3. Bát (tai) 101
3.3.4. Đũa (chử chơ) 101
3.3.5. Bàn ăn (tông no mỏ), ghế ngồi (thò dẩu) 102
Tiểu kết chương 3 102
Chƣơng 4. ỨNG XỬ TRONG ĂN UỐNGVÀ NHỮNG ĐỔI THAY 104
4.1. Những tập quán liên quan đến ngô 104
4.1.1. Tín ngưỡng cầu mùa 104
4.1.2. Các kiêng kỵ khác 109
3
4.2. Ứng xử trong ăn uống 110
4.3. Những thay đổi trong ăn uống hiện nay 115
4.3.1. Biểu hiện của sự thay đổi 115
4.3.2. Nguyên nhân của sự thay đổi 121
Tiểu kết chương 4 126
KẾT LUẬN 128
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 135
PHỤ LỤC 142
4
DANH MỤC BẢNG BIỂU
Bảng1: Kế hoạch sử dụng đất theo từng năm của xã Lũng Táo 33
Bảng 2 :Thành phần dòng họ thuộc các xóm ở xã Lũng Táo 38
Bảng 3: Thống kê số hộ nghèo của xã Lũng Táo 123
Bảng 4: Tình hình sản xuất lương thực của xã Lũng Táo 124
5
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
GS : Giáo sư
KT – XH : Kinh tế - xã hội
LATS : Luận án Tiến sĩ
NXB : Nhà xuất bản
PL : Phụ lục.
QPAN : Quốc phòng an ninh
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc
TS : Tiến sĩ
Tr : Trang
UBND : Ủy ban Nhân dân
UNESCO : United Nations Educational, Scientific and Cultural
Organization
6
MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Ẩm thực là một trong những bộ phận cấu thành của văn hóa vật chất.
Nói đến văn hóa ẩm thực là người ta đề cập đến các món ăn, uống, cách ứng
xử trong ăn uống của tộc người cùng ý nghĩa của nó. Dưới góc độ dân tộc học,
văn hóa ẩm thực còn thể hiện khá đậm nét những dấu ấn văn hóa tộc người,
nhờ đó ta có thể hiểu được phần nào đặc điểm tâm lý tộc người, mối quan hệ
giữa người với người, cách ứng xử của con người với môi trường xung quanh.
Do đó, văn hóa ẩm thực có phần khác nhau ở mỗi tộc người trong từng môi
trường khác nhau.
Con người được sinh ra từ tự nhiên, là sản phẩm của tự nhiên. Để sinh
tồn, từ lâu loài người đã luôn tìm cách thích nghi và ứng xử với tự nhiên sao
cho có lợi nhất. Theo Giáo sư Từ Chi: “Từng nền văn hóa, xét cho cùng, đều
là hậu quả của việc từng cộng đồng để tồn tại, phải thích ứng với thiên nhiên
bao quanh nó”
1
. Ăn uống là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong
văn hóa ứng xử của con người với môi trường tự nhiên. Cũng như nhiều dân
tộc ở các địa phương khác, để thích ứng với tự nhiên, trong quá trình tồn tại,
người Hmông Trắng cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện thuộc vùng cao
núi đá của tỉnh Hà Giang là Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh) đã tạo
nên các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng của cộng đồng mình.
“Hán chiếm đầu chợ, Tày chiếm đầu ruộng, Dao chiếm đầu nguồn nước,
người Hmông ta chiếm núi đá”. Câu tục ngữ này hiện vẫn được người Hmông
lưu truyền đã phản ánh phần nào về đặc điểm cư trú của họ. Xã Lũng Táo
thuộc huyện Đồng Văn là nơi sinh sống lâu đời của nhiều tộc người, trong đó
người Hmông Trắng chiếm số lượng đông nhất. Đây là nơi có địa hình tương
đối cao. Núi đá chiếm 3/4 diện tích
2
. Khí hậu khắc nghiệt. Người Hmông
Trắng trên địa bàn xã canh tác chủ yếu trên các nương thổ canh hốc đá và ngô
là cây trồng chính. Ngô là nguồn lương thực quan trọng, được đồng bào chế
7
biến thành nhiều đồ ăn, thức uống khác nhau sử dụng trong đời sống hàng
ngày, trong các bữa ăn cộng cảm và dâng lên tổ tiên, thần linh vào dịp lễ tết,
cưới hỏi, ma chay, mừng nhà mới, lễ gọi hồn cho trẻ… Như vậy, ngoài chức
năng cơ bản về mặt dinh dưỡng làm thỏa mãn cái đói, cái khát, đối với người
Hmông Trắng, những đồ ăn, thức uống này còn góp phần tạo dựng dấu ấn văn
hóa tộc người trên cao nguyên Đồng Văn.
Với những lý do đó, việc tìm hiểu ẩm thực từ ngô của người Hmông
Trắng ở xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang mang một ý nghĩa đặc
biệt, giúp chúng ta thấy được đặc trưng về đời sống vật chất và đời sống tinh
thần của tộc người này. Đây là lý do thúc đẩy tôi lựa chọn khảo sát vấn đề
“Ẩm thực từ ngô của người Hmông Trắng (nghiên cứu trường hợp xã Lũng
Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)” làm đề tài nghiên cứu của mình.
2. Lý thuyết đƣợc vận dụng
Thuyết sinh thái học văn hóa của Julian Haynes Stewart(1902 – 1972)
Julian Haynes Stewward, sinh ngày 31 tháng 01 năm 1902 tại
Washington, Mỹ, là nhà nghiên cứu văn hóa người Mỹ, nổi tiếng với thuyết
Tiến hóa đa hệ (Multilinear evolutionism) và là người đặt nền móng cho Sinh
thái học văn hóa (Cultural ecology) cũng như cho lý thuyết về sự biến đổi văn
hóa(culture change).
Công trình Các nhóm chính trị xã hội thổ dân vùng thung lũng-cao
nguyên (Basin-Plateau Aboriginal Sociopolitical Groups), xuất bản năm 1938,
thể hiện khá đầy đủ lý thuyết về sinh thái học văn hóa, đánh dấu bước chuyển
biến mới của nền nhân loại học Mỹ.
Khác với quan điểm thực chứng cá biệt, J. Steward quan tâm đến những
đặc tính chung của các nền văn hóa cách xa nhau về địa lý. Về tiến hóa luận,
ông phê phán thuyết tiến hóa đơn hệ của Morgan và thuyết tiến hóa chung của
L. White. Theo ông, mỗi nền văn hóa có cách tiến hóa khác nhau tùy thuộc
vào những điều kiện đặc thù của nền văn hóa đó. Để chứng minh điều này,
8
ông tiến hành nghiên cứu so sánh các cách tiến hóa của nhiều nền văn hóa qua
phân tích quá trình phát triển lịch sử của mỗi nền văn hóa. Ông đặc biệt nhấn
mạnh đến tầm quan trọng của môi trường trong sự biến đổi mang tính tiến hóa
của văn hóa. Ông gọi nghiên cứu của mình là sinh thái học văn hóa (cultural
ecology) và nghiên cứu văn hóa theo lập trường của tiến hóa đa hệ. Năm 1955,
J. Steward xuất bản công trình Lý thuyết về biến đổi văn hóa – Phương pháp
luận về tiến hóa đa hệ (Theory of Cuture Change – The Methodology of
Multilinear Evolution)
Phương pháp của sinh thái học văn hóa hướng đến việc làm rõ mối quan
hệ giữa văn hóa và môi trường từ quan điểm coi con người là thể tồn tại thích
ứng với môi trường thông qua văn hóa, đến lượt mình, văn hóa chịu ảnh tác
động lớn của các loại tài nguyên môi trường do con người sử dụng. Trong
công trình của mình, J. Steward nêu ra ba bước đối với nghiên cứu sinh thái
học văn hóa:
1. Chứng minh được các kỹ thuật và phương pháp được dùng để khai
thác môi trường và sống trong môi trường đó.
2. Xem xét những mô thức ứng xử văn hóa của con người liên quan đến
việc sử dụng môi trường.
3. Đánh giá sức tác động của những mô thức kể trên đối với các bình
diện khác của văn hóa.
J. Steward cũng quan tâm đến việc lý giải sự giống nhau giữa các nền
văn hóa trong những khu vực khác nhau. Theo ông, những khu vực khác nhau
nhưng có môi trường giống nhau và phương pháp khai thác môi trường giống
nhau dễ dẫn đến có những nền văn hóa giống nhau. Ông đặt tên cho lý thuyết
của mình là “Tiến hóa đa hệ” theo cơ sở của lập luận trên. J. Steward cũng
phân tích những đặc tính chung có tính quy luật về biến đổi văn hóa theo sự
chuyển đổi của thời đại từ “canh tác sơ kỳ” đến “thời đại hình thành” rồi “thời
đại khai hoa”…
9
Thuyết Tiến hóa đa hệ của J. Steward là sự bổ sung cần thiết cho quan
điểm tiến hóa văn hóa, trong đó những quan điểm và phương pháp nghiên cứu
về sinh thái văn hóa, về những đặc điểm có tính quy luật của biến đổi văn hóa
thực sự có đóng góp lớn cho ngành nhân loại học văn hóa
3
.
Những tộc người sinh sống lâu đời tại một môi trường sinh thái nàođó
nhất định như sinh thái biển đảo, sinh thái đồng bằng châu thổ, sinh thái thung
lũng, sinh thái cao nguyên… thì nhất định họ sẽ trải nghiệm, thích nghi, sáng
tạo, hình thành những kỹ năng sống và thể hiện sắc thái tâm lý cũng như
những dạng thức văn hóa phù hợp với môi trường sinh thái ấy, đó là sinh thái
văn hóa tộc người.
Vận dụng lý thuyết sinh thái học văn hóa trong nghiên cứu này, tôi
muốn lý giải rằng: ẩm thực của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền phản ánh đời
sống văn hóa vật chất – tinh thần của con người ở những vùng miền đó.
Thông qua hệ thống các nguồn lương thực – thực phẩm, các món ăn – đồ
uống, cách chế biến, dụng cụ chế biến đồ ăn – thức uống, ứng xử trong ăn
uống, tập quán ăn uống, ta có thể thấy được sự thích nghi của con người
với điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, nhờ đó hình thành nên những yếu tố
tín ngưỡng, tâm linh; những giá trị đạo đức, tập quán, lối sống, thuần
phong mỹ tục của dân tộc đó. Từ đó, hình thành mối quan hệ giữa môi
trường sinh thái – nguồn thức ăn - văn hóa tộc người. Ngô và các sản phẩm
chế biến từ ngô như mèn mén, các loại bánh ngô, rượu ngô… được nhiều
dân tộc trên thế giới và nhiều tộc người ở vùng núi cao phía Bắc Việt Nam
sử dụng làm lương thực. Tuy nhiên, đối với người Hmông nói chung và
đồng bào Hmông Trắng ở xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn nói riêng, cây
ngô có một vị trí đặc biệt. Để thích nghi với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng
cư trú, họ đã lựa chọn trồng ngô và dùng ngô là lương thực chính để chế
biến ra các đồ ăn, thức uống phục vụ nhu cầu cuộc sống.
10
Luận điểm của nhà dân tộc học Xô Viết S.A.Tôcarép về chức năng xã
hội của thức ăn
Trong nghiên cứu này, văn hóa ẩm thực của người Hmông Trắng còn
được tiếp cận trên cơ sở những luận điểm về chức năng xã hội của thức ăn
được nhà dân tộc học Xô Viết S.A.Tôcarép trình bày trong bài viết “Góp
phần nghiên cứu phương pháp khảo sát dân tộc học về văn hóa vật chất”,
được dịch và đăng trên Tạp chí Dân tộc học số 02/1976. Những luận điểm của
ông đã gợi mở ra một hướng nghiên cứu mới khi tiếp cận văn hóa ẩm thực của
các tộc người. Ở đây, Tôcarép cho rằng, đối với nhà dân tộc học, khi nghiên
cứu “thức ăn dân tộc”, “món ăn dân tộc” thì cái có ý nghĩa quan trọng nhất
không phải là cách chế biến một món ăn dân tộc nào đó, thành phần cấu thành
của nó mà chính là các hình thức tồn tại của món ăn đó, chức năng xã hội của
nó: khi nào người ta ngồi ăn, uống chung với nhau và khi nào người ta không
ăn với nhau, như thế, thức ăn là một hình thức môi giới cho các mối quan hệ
của con người
4
.
Đối với người Hmông Trắng ở xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, Hà
Giang, ngô là lương thực chính, đời sống văn hóa ẩm thực của họ không thể
tách rời ngô. Như vậy, các đồ ăn, thức uống chế biến từ ngô có thể được coi
như những món ăn đặc trưng cho tộc người này ở địa bàn nghiên cứu. Dựa
vào việc nghiên cứu, tìm hiểu cách chế biến thức ăn, cách ăn, các nghi thức và
kiêng kỵ gắn liền với thức ăn có thể biết được thái độ, tâm lý, tình cảm, mối
liên hệ của những con người đang sử dụng những đồ ăn, thức uống đó.
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Ở Việt Nam, ẩm thực là một lĩnh vực được tiếp cận từ nhiều góc độ:
- Tiếp cận ẩm thực từgóc độ văn chương với mục đích cảm thụ vềăn
uống. Ngay từ sớm đã có không ít nhà văn, nhà thơ nói vềăn uống theo hướng
cảm thụ này, như: Phạm Đình Hổ với Vũ trung tùy bút, muộn hơn thì có
Thạch Lam vớiHà Nội băm sáu phố phường,
Quà Ha
̀
Nô
̣
i - Tuyển tập Thạch
11
Lam(1988)
. Nhà văn Vũ Bằng với Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai,
Món lạ miền Nam; Băng Sơn với Thú ăn chơi người Hà Nội;
Nhất Thanh
(1992) - Bữa ăn Việt Nam trong Đất lề quê thói; Nguyê
̃
n Tuân với các tùy
bút:
Phở, Cốm, Giò lụa, Những chiếc ấm đất, Chén trà sương, Hương cuội
Các nhà văn đã bộc lộ cảm nhận của mình về cái hay, cái đẹp của các món ăn
một cách chân thật và sâu sắc.
- Tiếp cận ẩm thực theo hướng dinh dưỡng và dưỡng sinh trị bệnh
sớm nhất phải kể đến danh y Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV) và đặc biệt, đến thế kỷ
XVIII, danh y Hải Thượng Lãn Ông với Nữ công thắng lãm. Trong tác phẩm
này, ông đã phân tích trên 200 loại lương thực, thực phẩm thành các tính (hàn,
nhiệt, ôn, bình) và các vị (chua, ngọt, cay, đắng), từ đó mà tác động vào lục
phủ ngũ tạng của con người. Gần đây, Từ Giấy (1996) với Phong cách ăn
Việt nam, Từ Giấy, Hà Huy Khôi (2003) viết vềDinh dưỡng hợp lý và sức
khoẻ đã chỉ ra tác dụng của các loại thực phẩm và xem các món ăn như
những vị thuốc.
- Về kỹ thuật chế biến món ăn dưới dạng lý thuyết gần đây cũng được
nhiều người quan tâm. Ngày nay, đời sống người dân ngày được cải thiện.
Người ta không chỉ cần ăn no mà còn cần ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng và
thẩm mỹ, vì thế, các sách dạy nấu ăn được xuất bản khá nhiều nhằm trợ giúp
những người làm công việc nội trợ. Bên cạnh đó, để phục vụ ẩm thực trong
ngành du lịch, nhiều trường Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng đã tự soạn
những giáo trình riêng phục vụ giảng dạy cho học sinh, sinh viên nhằm đào
tạo ra các đầu bếp giỏi cho các ngành Du lịch, Khách sạn
- Ẩm thực nhìn từ góc độvăn hóa với đối tượng là các tộc người cụ thể,
sinh sống ở các vùng địa lý khác nhau cũng được các nhà Dân tộc học, Văn
hóa học đi sâu nghiên cứu.
Tuy nhiên, phần lớn các tác giả mới chỉ giới thiệu chung về đồ ăn, thức
uống, thức hút của các tộc người, trong đó người Việt được nhắc đến nhiều
12
nhất, như Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Lĩnh Nam chích quái (Vũ
Quỳnh) và địa chí của các tỉnh, các vùng miền. Sau này có nhiều bài báo, sách,
tạp chí đã đề cập đến tập quán ăn uống của các tộc người khác như người
Mường (Võ Thị Thường, 1986); Tày, Nùng (Lã Văn Lô, 1968; viện Dân tộc
học, 1992); người Thái (Đặng Nghiêm Vạn…, 1988); người Hmông (Vương
Xuân Tình, 1997, 1998; Hồ Ly Giang, 2000); người Dao (Vương Xuân Tình,
1998); người Phù Lá (Mai Thanh Sơn, 1998); người Ba Na (Trần Hồng Hạnh,
2000)…
Ngoài ra, các sách, bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí có khảo sát
chuyên sâu về văn hóa ẩm thực của các tộc người như:
● Nghiên cứu về lịch sử tộc người thông qua tập quán ăn uống của tác
giả Nguyễn Từ Chi. Trong bài viết “Món ăn Huế, món ăn Mường ”, tác giả
cho rằng món ăn Huế có mối liên hệ mật thiết với món ăn Mường qua tên gọi
và cách chế biến (Nguyễn Từ Chi, 1996).
● Nghiên cứu về tập quán ăn uống như những hành vi ứng xử với tự
nhiên và xã hội: Từ Giấy (1996) trong Phong cách ăn Việt Nam đã giới thiệu
phong tục, tập quán ăn uống, quan niệm, chuẩn mực và đạo đức trong ăn uống
của người Việt; Nghi thức ăn uống ở Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi, 1978);
Vương Xuân Tình (1992) trong Tập quán ăn kiêng của sản phụ và Cung cách
ứng xử của con người khi ăn uống (Vương Xuân Tình, 1996, 2000).
● Xem xét về đặc điểm văn hóa ăn uống của một số tộc người gắn với
tập quán ăn uống lâu đời họ và môi trường sinh thái của các vùng miền khác
nhau qua các công trình nghiên cứu: Luận án Tiến sĩ Tập quán ăn uống của
người Việt ở vùng Kinh Bắc xưa của Vương Xuân Tình (1999); Luận án Văn
hóa ẩm thực của người Tày ở Việt Nam của tác giả Ma Ngọc Dung (2007);
Văn hóa ẩm thực vùng núi cao phía Bắc của Nguyễn Thị Bảy (2010); Văn
hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc của nhóm tác giả Dương
Sách (chủ biên), Dương Thị Thào, Lã Vinh (2005); Văn hóa ẩm thực của
13
người Thái Đen ở Mường Lò của Hoàng Thị Hạnh (2005) Các tác giả đã
trình bày khá đầy đủ những món ăn mang đặc trưng tộc người của người Việt
ở đồng bằng và đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc như người
Tày, Nùng, Thái, Dao, Hmông, Sán Dìu,….từ nguồn lương thực đến cách chế
biến, cùng một số tập quán ăn uống của họ.
Vấn đề văn hóa ẩm thực của người Hmông vẫn còn rất ít những nghiên
cứu tỉ mỉ, chi tiết và có hệ thống. Cho đến nay, chỉ có một số phần viết ngắn
đăng trên các tập chuyên khảo về văn hóa của người Hmông và một số bài
viết trên các tạp chí đề cập đến vấn đề này một cách khái lược.
Vương Xuân Tình (2003) trong bài Hệ thống thức ăn của người Hmông
trong bối cảnh an toàn lương thực đăng trên tạp chí Dân tộc học đã Nghiên
cứu hệ thống thức ăn của người Hmông (tại hai bản người Hmông ở Lào Cai
và Hà Giang) được đặt trong bối cảnh an toàn lương thực, tức bối cảnh của
các hoạt động kiếm kế sinh nhai mà chủ yếu là việc tìm kiếm nguồn lương
thực (qua sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trao đổi) và tiêu thụ nguồn lương
thực đó. Hệ thống thức ăn này được xem xét ở cấp hộ gia đình, đồng thời,
được đặt trong mối quan hệ với xã hội, cộng đồng và thị trường khu vực ấy.
Trong Ghi chép về văn hóa dân gian Hmông, tác giả Mã A Lềnh (2009)
đã khảo ghi về những nét đặc sắc trong văn hóa vật chất – tinh thần truyền
thống của người Hmông ở một số vùng thuộc Lào Cai, Hà Giang như nhà ở,
tang ma, ngày lễ tết, lễ hội, cưới xin, nghệ thuật, trò chơi dân gian… Vấn đề
ẩm thực người Hmông cũng được nhắc đến nhưng còn sơ lược, với những
nguyên liệu và món ăn dân dã của đồng bào, cách chế biến, sử dụng như rau
cải, thảo quả, dưa nương, phở chua
Tác giả Hồ Ly Giang (2000) với bài nghiên cứu Tập quán ăn uống của
người Hmông ở hai xã Hang Kia và Pà Cò ở Mai Châu, Hòa Bình, trong
nghiên cứu này, tác giả đi vào nghiên cứu tập quán ăn uống dưới góc độ
14
văn hóa và giới thiệu các món ăn, nguồn lương thực – thực phẩm của đồng
bào Hmông.
Tác giả Vũ Đình Giáp (2005, 2006) với một số bài đăng trên tạp chí Dân
tộc và thời đại mang tính chất giới thiệu, khảo tả như “Bánh sữa ngô nếp
nướng”; “Cây cải mèo trên cao nguyên đá”; “Món “gạo trời” đặc sản”;
“Mèn mén vùng cao với thịt heo hun khói”.
Vai trò của cây ngô đối với đời sống của người Hmông ở cao nguyên đá
Đồng Văn được nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Ngọc (2000) đề cập đến một
cách khái lược trong bài viết “Cây ngô với đời sống người Hmông trên vùng
cao núi đá”. Tác giả khẳng định cây ngô giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong
đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội của người Hmông ở đây, trong đó nhấn
mạnh đến vai trò của ngô trong đời sống văn hóa ẩm thực của tộc người này.
Báo cáo khoa học của tác giả Luận văn này trong Hội nghị khoa học của
sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (năm 2011) và Khóa
luận tốt nghiệp Đại học với đề tài “Ẩm thực từ ngô của người Hmông Trắng ở
huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” (năm 2012), trong nghiên cứu này, tác giả
có kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đó.
Các công trình nghiên cứu kể trên đã ít nhiều đề cập đến văn hóa ẩm
thực của người Hmông ở những địa bàn và môi trường sinh thái khác nhau
với sự đa dạng trong việc lựa chọn nguồn lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên,
vẫn chưa làm rõ mối liên hệ giữa môi trường - nguồn thức ăn - văn hóa tộc
người. Bên cạnh đó, việc tiếp cận từ khía cạnh chức năng, vai trò của đồ ăn
thức uống (chế biến từ ngô) đối với mối quan hệ xã hội trong cộng đồng của
tộc người này lại ít được nghiên cứu, đây là lỗ hổng mà trong nghiên cứu này
tôi muốn chú trọng.
4. Giả thiết nghiên cứu
Qua việc khảo sát tình hình nghiên cứu và việc áp dụng những lý thuyết
phù hợp trong Nhân học văn hóa, tôi đưa ra các giả thiết nghiên cứu sau:
15
Thứ nhất, để thích nghi với điều kiện tự nhiên, ngô là lương thực được
người Hmông sử dụng lâu đời kể từ khi di cư đến sinh sống trên vùng cao
nguyên đá Đồng Văn, giúp người Hmông Trắng hình thành nên một bản sắc
văn hóa ẩm thực tộc người riêng, khác với các tộc người khác, đó là: Văn hóa
ăn ngô.
Thứ hai, các đồ ăn thức uống từ ngô đã thoát khỏi ý nghĩa về mặt vật chất
thông thường, mà nó giữ vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và đời
sống tinh thần, trở thành chất xúc tác cho sự cố kết cộng đồng của người
Hmông Trắng.
Thứ ba, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, sự giao lưu với các tộc
người khác đang diễn ra mạnh mẽ (đặc biệt là người Kinh), văn hóa ẩm thực
truyền thống của người Hmông Trắng đang có những thay đổi; tuy nhiên,
trong một thời gian dài nữa, cây ngô và các món ăn từ ngô vẫn giữ vai trò
không thể thiếu trong cơ cấu bữa ăn nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho họ.
5. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu là các đồ ăn thức uống từ ngô và cách con người
sử dụng chúng trong những hoàn cảnh cụ thể và ý nghĩa của nó đối với đời
sống vật chất và tinh thần của người Hmông Trắng ở xã Lũng Táo, huyện
Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
- Để thực hiện nghiên cứu này, tôi tiến hành khảo sát ở một số xóm trên
địa bàn xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là nơi người
Hmông định cư lâu đời và điển hình cho truyền thống ăn ngô của người
Hmông Trắng. Dẫu sao đó cũng chỉ là không gian xét về mặt hành chính nằm
trong không gian văn hóa tổng thể rộng hơn của người Hmông Trắng ở cao
nguyên đá Đồng Văn. Vì thế, trong Luận văn này, tác giả cũng có liên hệ với
những khu vực khác nằm ngoài giới hạn hành chính dự định nghiên cứu ban
đầu để có cái nhìn bao quát hơn về đối tượng nghiên cứu của mình.
16
6. Mục tiêu và phƣơng pháp nghiên cứu
- Mục tiêu:
1. Làm rõ vai trò của đồ ăn thức uống ngô trong đời sống của người
Hmông Trắng.
2. Tìm hiểu những nét đẹp về ứng xử trong ăn uống và sự thay đổi về cơ
cấu lương thực – thực phẩm của đồng bào.
3. Chỉ ra những thay đổi trong ăn uống và cảnh báo về những giá trị văn
hóa truyền thống của đồng bào đang có nguy cơ ngày càng mai một dần.
- Phương pháp nghiên cứu:
Khi thực hiện nghiên cứu này, tôi có một thuận lợi lớn, đó là được trở về
nghiên cứu tại chính quê hương của mẹ mình. Khi biết mẹ tôi là người
Hmông, các thông tín viên đều rất ngạc nhiên và vui vẻ chào đón tôi. Nghiên
cứu của tôi được tiến hành trong nhiều đợt, nhưng đợt lâu nhất diễn ra trong 1
tháng (tháng 12 năm 2013). Trong nghiên cứu này, tôi sử dụng phương pháp
quan sát tham gia là chủ yếu. Các phỏng vấn định tính nhằm thu thập thông
tin để lý giải cho vấn đề nghiên cứu của mình. Trong quá trình trên thực địa,
tôi có cơ hội được tham dự nhiều nghi lễ của người Hmông (đám cưới, đám
ma khô, ma tươi, mừng nhà mới, gọi hồn cho trẻ , giúp tôi nhận biết rõ hơn
về vai trò, giá trị của các đồ ăn thức uống từ ngô với đời sống của tộc người
này.
Trong khoảng thời gian ở thực địa, tôi đã tiến hành nhiều cuộc phỏng
vấn sâu từ 25 cá nhân. Đó là những người am hiểu về văn hóa và cách ứng xử
trong cuộc sống trong cộng đồng các thôn bản mà tôi nghiên cứu. Tuy nhiên,
có một khó khăn không nhỏ, đó là khả năng giao tiếp bằng tiếng Hmông của
tôi còn hạn chế khiến tôi khó tiếp cận các thông tín viên. Ban đầu, tôi chỉ có
thể tiếp cận được với những người biết tiếng Kinh. Sau đó, tôi có nhờ một
người họ hàng là anh Vừ Dủng Tú dẫn đường. Thật may mắn vì anh Tú là
công an viên ở xã, có phương tiện đi lại, quen biết rộng và là người sử dụng
17
thành thạo tiếng Kinh nên có thể phiên dịch và tìm kiếm thông tín viên giúp
tôi. Công việc của tôi trên thực địa thuận lợi hơn. Nhưng từ đó, tôi thấm thía
bài học từ các thầy cô của mình, đó là: Phải học ngôn ngữ bản địa, ngôn ngữ
tộc người đó nếu muốn nghiên cứu về họ.
Một hạn chế nữa trong nghiên cứu của tôi, đó là các thông tín viên chủ
yếu là nam giới. Phụ nữ Hmông ở đây rất ít người biết tiếng Kinh. Họ ít tiếp
xúc với người lạ, thường xấu hổ và không dễ dàng chia sẻ. Hơn nữa, những
vẫn đề tôi hỏi chủ yếu xoay quanh phong tục tập quán của người Hmông,
người phụ nữ thường ít để ý đến điều này. Nói như một người thông tín viên
của tôi “các chị em chỉ biết làm lụng công việc và đẻ, có để ý gì đến những
thứ khác đâu”. Tuy nhiên, tôi đã hỏi họ về cách chế biến các món ăn và thực
sự họ rất rành khoản này.Đó là một vài chia sẻ của tôi khi thực hiện đề tài
nghiên cứu này.
Bên cạnh nguồn thông tin từ các thông tín viên, tôi cũng có thu thập và
sử dụng các tài liệu thứ cấp như: Đồ án xây dựng nông thôn mới của xã Lũng
Táo, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội - An ninh Quốc
phòng trong nhiều năm của xã Lũng Táo, số liệu thống kê của Phòng Nông
nghiệp huyện Đồng Văn
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, luận văn gồm có 4 chương:
Chương 1: Khái quát về địa bàn và tộc người nghiên cứu.
Chương 2: Các đồ ăn, thức uống từ ngô.
Chương 3: Các dụng cụ chế biến, phục vụ ăn uống và cất đựng đồ ăn,
thức uống.
Chương 4: Ứng xử trong ăn uống và những đổi thay.
18
Chƣơng 1
KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN VÀ TỘC NGƢỜI NGHIÊN CỨU
1.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và dân cƣ
Người Hmông ở Việt Nam cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc:
Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc
Kạn…,trong đó, tỉnh Hà Giang có số lượng đông nhất (chiếm 24,2% so với 10
tỉnh có dân số Hmông từ 10 ngàn người trở lên)
5
.
1.1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên và dân cƣ tỉnh Hà Giang
Hà Giang là một tỉnh ở biên giới cực Bắc của nước ta, nằm ở toạ độ địa
lý 22
0
10’ đến 23
0
30’ vĩ độ Bắc, 104
0
20’ đến 105
0
34’ kinh độ Ðông, cách Thủ
đô Hà Nội 320km. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 7.884,37km
2
(chiếm 2,39%
diện tích tự nhiên cả nước). Phía tây bắc giáp Trung Quốc, phía đông bắc giáp
Trung Quốc và một phần tỉnh Cao Bằng, phía đông nam giáp Tuyên Quang và
Yên Bái, phía tây nam giáp Lào Cai. Đường ranh giới tỉnh dài khoảng 600km.
Tại điểm cực bắc của lãnh thổ cách Lũng Cú khoảng 3km về phía đông bắc có
vĩ độ 23
0
13’05”, điểm cực nam cách Vĩnh Tuy (Bắc Quang) khoảng 12,5km
về phía tây nam có vĩ độ 22
0
10’. Điểm cực tây cách Xín Mần khoảng 10km
về phía tây nam có kinh độ 104
0
24’ và điểm cực đông cách Mèo Vạc khoảng
16km về phía đông đông nam có kinh độ 105
0
30’
6
.
Theo số liệu thống kê 2009, tổng dân số toàn tỉnh là 724.353 người. Ở
Hà Giang có tất cả là 22 dân tộc thuộc 6 nhóm ngôn ngữ khác nhau, đông nhất
là người Hmông (chiếm trên 30 % dân số), sau đến người Nùng, Tày, Dao,
Kinh, Giáy, La Chí, Hoa, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo,
Mường, Thái, Sán Dìu….
7
Hà Giang có 10 huyện và 1 thành phố, đó là các
huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Hoàng
Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang.
- Địa hình:
19
Ðịa hình tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn,
chiếm 48,36% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hà Giang có độ cao trung bình 800
– 1200m so với mực nước biển, chỗ thấp nhất là thung lũng sông, cách mực
nước biển 80 – 100m. Nơi cao nhất là đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2419m. Diện tích
tự nhiên vào khoảng trung bình nhưng Hà Giang lại là tỉnh có mật độ tập trung
các ngọn núi cao khá dày đặc: 10 ngọn núi cao từ 500 – 1000m, 24 ngọn cao từ
1000 – 1500m, 10 ngọn cao từ 1500 – 2000m, và 5 ngọn cao từ 2000 – 2500m.
Điều này cho thấy Hà Giang là tỉnh có nhiều núi cao hùng vĩ và hiểm trở
8
.
- Khí hậu:
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, có một mùa đông lạnh, mùa hè nóng ẩm mưa
nhiều. Do ảnh hưởng của địa hình nên ở vùng núi cao mang đặc trưng của khí
hậu á nhiệt đới.
- Thổ nhưỡng và thực vật:
Các khu hệ thổ nhưỡng và thực vật Hà Giang phong phú, bước đầu có
thể nhận ra 4 khu hệ sau:
+ Khu vòm nâng sông Chảy, lớp thổ nhưỡng hình thành trên nền 2 nhóm
đá chính là macma axit và đá biến chất với thành phần chủ yếu là gnai,
amphibolit, phiến thạch anh và phiến mica. Sườn núi dốc trung bình 25
0
– 35
0
.
Những nơi đá phiến phát triển thì sườn ít dốc hơn. Có thể xếp địa hình nơi đây
vào kiểu núi khối tảng dạng vòm trên nền nguyên sinh phân cắt mạnh. Độ
phân cắt sâu: 300 – 450m, chia cắt ngang 0,3 – 0,4 km/km
2
. Lớp phủ thổ
nhưỡng khá phức tạp, chủ yếu là mùn vàng đỏ. Rừng thuộc kiểu á nhiệt đới,
lá rộng thường xanh. Trừ một vài loại cây lá kim còn chủ yếu là thuộc họ sồi
dẻ, cẳng lò, thích, lau xau, chè…
+ Khu Quản Bạ - Bắc Mê, lớp thổ nhưỡng hình thành trên nền 3 nhóm
đá chính là trầm tích đá hạt mịn bị biến chất đến tướng đá lục hoặc lục yếu, đá
vôi, sét vôi và đá lục nguyên hạt vừa và mịn. Sườn dốc trung bình 30
0
– 35
0
,
có nơi trên 35
0
. Ở nơi có đá lục nguyên hạt mịn thì độ dốc giảm đi 18
0
– 28
0
.
20
Địa hình nơi này có thể xếp vào kiểu núi khối tảng trên nền nguyên sinh bị
phân cắt rất mạnh. Trên 75% diện tích là nhóm đất mùn màu đỏ và mùn xám
sẫm. Thảm thực vật phong phú, thuộc kiểu á nhiệt đới thường xanh.
+ Khu Đồng Văn – Mèo Vạc, lớp thổ nhưỡng hình thành trên nền đá vôi
bị phân hóa mạnh. Sườn dốc trung bình 25
0
– 35
0
, nhiều nơi dốc đứng. Địa
hình thuộc kiểu karst. Thảm thực vật chủ yếu là loại cây thấp, mật độ thưa,
75% là diện tích đất đỏ sẫm hoặc vàng sẫm. Rừng thuộc kiểu á nhiệt đới, cây
trên núi đá vôi, có mặt của trai, nghiến.
+ Khu tây bắc Vĩnh Tuy có khuynh hướng ôm lấy vòm nâng sông Chảy
ở phía tây nam và đông nam. Đặc trưng địa hình là đồi núi thấp, núi gò sót.
Sườn dốc ít, trung bình từ 12
0
– 25
0
. Lượng mưa rất lớn, do đó, nhiều loại cây
như tre, nứa, bương, vầu và các loại cây lá rộng phát triển mạnh. Lớp đất phủ
thổ nhưỡng chủ yếu là nhóm đất màu xám sẫm hơi đen, chiếm 65% diện tích.
Rừng đặc trưng cho kiểu á nhiệt đới, lá rộng thường xanh.
- Nước:
Hệ thống sông suối Hà Giang phân bố theo quy luật riêng. Những sông
lớn chảy qua Hà Giang như sông Chảy, sông Lô, sông Gâm, và sông Nho Quế
đều chảy theo hình chữ S ngược. Sông Chảy bắt nguồn từ sườn tây nam đỉnh
núi cao 2419m và sườn đông bắc đỉnh 2042m. Sông Lô là một sông lớn ở Hà
Giang, bắt nguồn từ Lưa Lung (Trung Quốc), qua biên giới Việt – Trung đoạn
Thanh Thủy. Sông chảy qua thành phố Hà Giang đến Làng Hung. Từ Làng
Hung đến Ngô Khê thì đổi hướng chảy theo hướng chảy theo đông bắc – tây
nam. Từ Bắc Quang đến Ngô Khê sông Lô uốn vòng kiểu chữ U. Sông Gâm
bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Bảo Lạc (Cao Bằng) đến Na Pông thì tụ
hội với sông Nho Quế rồi đổ vào Bắc Mê. Các sông lớn nhỏ cùng với hệ
thống khe, suối tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt
của cộng đồng các dân tộc anh em sống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở các
21
huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh do đặc điểm cấu tạo địa
hình, địa chất nên nguồn nước có nhiều hạn chế, nhất là vào mùa đông
9
.
1.1.2. Điều kiện tự nhiên và dân cƣ xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn
Lũng Táo là một xã biên giới cách trung tâm huyện Đồng Văn 20km.
Tổng diện tích đất tự nhiên là 2 119.74 ha, trong đó có 407,9 ha đất trồng
trọt, còn lại là núi đá trọc. Phía bắc và tây bắc giáp nước Cộng hòa nhân
dân Trung Hoa, phía đông bắc giáp xã Má Lé, phía đông nam giáp xã Thài
Phìn Tủng, phía nam và tây nam giáp xã Xà Phìn. Theo thống kê của
UBND xã Lũng Táo, năm 2013, toàn xã có 16 thôn bản với tổng số hộ là
688 hộ, trong đó có 670 hộ là người Hmông và 18 hộ là người Lô Lô (cư
trú tập trung ở thôn Tìa Súng và Má Là trên). Dân số toàn xã là 3.386
người, người Hmông Trắng là 3.304 người (chiếm 97,6%), còn lại là người
Lô Lô. Lũng Táo là xã nằm ở độ cao trung bình 1.500-1.700 m so với mặt
nước biển với đỉnh cao nhất là 1.911 m. Đây là xã có địa hình cao nhất so với
các địa phương khác trên toàn vùng cao nguyên đá Đồng Văn
10.
Lũng Táo tiếng Hmông là Lùng Tó. Người Hmông còn lưu truyền câu
chuyện về lịch sử hình thành vùng đất này như sau: Trước đây, có 2 con rồng
là vợ chồng sống trên đỉnh núi cao nhất của vùng này (tức ngọn núi cao
1911m – còn được người dân địa phương gọi là “đỉnh 911”). Ở khu vực này
nguồn nước khan hiếm, ông rồng bàn bạc với bà rồng nên mở dòng nước từ
Má Là xuống vùng Lũng Táo (gồm các xóm Lũng Táo, Pể Há, Mò Só Tủng,
Tua Ninh ngày nay) đến vùng Thành Tủng (gồm các xóm Lô Lô Chải, Má Sồ,
Tìa Súng ngày nay) để con người có nước sinh sống nhưng bà rồng không
đồng ý. Ông rồng tức giận lao đầu từ trên đỉnh núi cao - nơi họ ở - xuống và
lao qua vùng Lũng Táo đến Thành Tủng, khiến các ngọn núi tách sang hai
bên tạo thành thung lũng, do đó gọi là Lùng Tó (tức là rồng lao), tiếng Phổ
thông gọi là Lũng Táo. Theo tôi được biết, cho đến nay đây là cách giải thích
duy nhất về địa danh này.