Tải bản đầy đủ (.pdf) (100 trang)

Quan niệm của J.J. Rousseau về quyền lực và sự phân chia quyền lực nhà nước trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (717.85 KB, 100 trang )




ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
***





PHẠM THỊ HUYÊN



QUAN NIỆM CỦA J.J.ROUSSEAU VỀ QUYỀN LỰC
VÀ SỰ PHÂN CHIA QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC
TRONG TÁC PHẨM BÀN VỀ KHẾ ƯỚC XÃ HỘI



LUẬN VĂN THẠC SĨ

Chuyên ngành: Triết học








Hà Nội, 2015



ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
***




PHẠM THỊ HUYÊN



QUAN NIỆM CỦA J.J.ROUSSEAU VỀ QUYỀN LỰC
VÀ SỰ PHÂN CHIA QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC
TRONG TÁC PHẨM BÀN VỀ KHẾ ƯỚC XÃ HỘI


Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60 22 80


Người hướng dẫn khoa học : PGS. TS Nguyễn Thuý Vân






Hà Nội - 2015


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng
dẫn của PGS.TS Nguyễn Thuý Vân

Học viên



Phạm Thị Huyên




LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, trước tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất
đến PGS. TS Nguyễn Thuý Vân, người đã hết lòng giúp đỡ tôi trong suốt quá
trình thực hiện luận văn thạc sỹ.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các quý thầy, cô trong và ngoài trường đã
tạo điều kiện, nhiệt tình giúp đỡ tôi. Đặc biệt,tôi xin cảm ơn các thầy cô trong
Khoa Triết học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã cung cấp cho
tôi nền tảng kiến thức quý báu và sự giúp đỡ tận tình để tôi có thể hoàn thành
luận văn của mình.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến gia đình và cơ quan đã luôn tạo
điều kiện tốt nhất cho tôi trong suốt quá trình học cũng như thực hiện luận văn.

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2015


Học viên

Phạm Thị Huyên


1
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 3
1.Tính cấp thiết của đề tài 3
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài 5
2.1. Những công trình nghiên cứu về triết học khai sáng Pháp nói chung và về
J.J.Rousseau nói riêng. 5
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn. 11
4. Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu của luận văn 12
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 12
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn. 12
7. Kết cấu của luận văn. 13
PHẦN NỘI DUNG 14
Chương 1. NHỮNG ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ CHO SỰ RA ĐỜI QUAN
NIỆM CỦA J.J.ROUSSEAU VỀ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC VÀ SỰ
PHÂN CHIA QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC TRONG TÁC PHẨM BÀN VỀ
KHẾ ƯỚC XÃ HỘI 14
1.1 Điều kiện kinh tế xã hội và những tiền đề lý luận cho sự ra đời quan
niệm của J.J.Rousseau về quyền lực nhà nước và sự phân chia quyền
lực nhà nước. 14
1.1.1 Điều kiện kinh tế - xã hội. 14
1.1.2 Tiền đề lý luận cho sự hình thành tư tưởng của J.J.Rousseau 24
1.2. Khái quát cuộc đời, sự nghiệp của J.J.Rousseau và tác phẩm Bàn
về khế ước xã hội 37

1.2.1. Giới thiệu chung về cuộc đời, sự nghiệp của J.J.Rousseau 37
1.2.2. Vài nét về tác phẩm Bàn về khế ước xã hội của J.J.Rousseau. 42
Kết luận chương 1. 48


2
Chương 2. QUAN NIỆM CỦA J.J.ROUSSEAU VỀ QUYỀN LỰC NHÀ
NƯỚC, SỰ PHÂN CHIA QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC TRONG TÁC
PHẨM BÀN VỀ KHẾ ƯỚC XÃ HỘI VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ TRONG
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở
VIỆT NAM HIỆN NAY 49
2.1. Quan niệm của J.J.Rousseau về quyền lực nhà nước 49
2.1.1. Sự hình thành quyền lực nhà nước 49
2.1.2. Đặc điểm của quyền lực nhà nước 54
2.2 Quan niệm về sự phân chia quyền lực nhà nước của J.J.Rousseau 60
2.2.1. Quan niệm của J.J.Rousseau về nguyên tắc của sự phân định chức
năng, nhiệm vụ các bộ phận quyền lực nhà nước 60
2.2.2. Quan niệm của J.J.Rousseau về chức năng cụ thể của các bộ phận
quyền lực nhà nước 67
2.3. Mấy nhận xét bước đầu về giá trị và hạn chế trong quan niệm của
J.Rousseau về quyền lực nhà nước và sự phân chia quyền lực nhà nước
trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội 77
2.3.1. Về giá trị 77
2.3.2. Về hạn chế 80
2.4. Ý nghĩa quan niệm của J.J.Rousseau về quyền lực nhà nước và sự
phân chia quyền lực nhà nước trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội
đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt
nam hiện nay 81
Kết luận chương 2 87
KÊT LUẬN 89

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 91


3
MỞ ĐẦU
1.Tính cấp thiết của đề tài
Ở nước ta, tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, nhà nước của dân, do dân và vì dân đã được hình thành từ những
năm 90 của thế kỉ XX và đang ngày càng hiện hình rõ nét trong đời sống xã
hội.Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta xác định: “Xây dựng cơ
chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên
tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực là thống nhất,
có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập
pháp, hành pháp và tư pháp” (14, tr.126). Chủ trương của Đảng là xây dựng
nhà nước được tổ chức và vận hành một cách khoa học theo nguyên tắc thống
nhất quyền lực, có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà
nước. Trong Cương lĩnh xây dựng Đảng năm 2011, Đảng ta tiếp tục khẳng
định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà
nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội
ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là
thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong
việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành
pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường
pháp chế xã hội chủ nghĩa” [62]. Để thực hiện đường lối đúng đắn của Đảng
Cộng sản Việt Nam về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân
và vì dân, theo chúng tôi, việc nghiên cứu những tư tưởng, quan điểm có giá
trị về Nhà nước pháp quyền trong lịch sử là một trong những nhân tố quan
trọng để có thể xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.

Trong lịch sử tư tưởng về nhà nước pháp quyền, việc nghiên cứu tư
tưởng về nhà nước pháp quyền và về sự phân chia quyền lực trong nhà nước


4
pháp quyền nói chung và giai đoạn Khai sáng Pháp nói riêng là thực sự cần
thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đứng trước những thách thức
ngày càng lớn mạnh của công cuộc hội nhập và phát triển, có rất nhiều vấn đề
thực tiễn đặt ra cần giải quyết. Vì thế, việc nghiên cứu cơ sở lý luận về nhà
nước pháp quyền và sự phân chia quyền lực nhà nước trong lịch sử triết học
sẽ góp phần hoàn thiện lý luận mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa ở nước ta hiện nay.
J.J.Rousseau (1712-1778) là một trong những nhà triết học Khai sáng
Pháp có những nghiên cứu bàn về sự phân chia quyền lực nhà nước và xác
định vai trò, vị trí của mỗi quyền trong nhà nước rất có giá trị. Bản thân ông
cũng như nhiều nhà tư tưởng cùng thời có những đóng góp tích cực nhằm
chống lại chế độ phong kiến, thiết lập những nguyên tắc căn bản cho việc xây
dựng thể chế chính trị mới.
Bàn về khế ước xã hội là một tác phẩm thể hiện dấu ấn và những đóng
góp về mặt tư tưởng của J.J.Rousseau. Trong tác phẩm, J.J.Rousseau đề cập
vấn đề cần có một khế ước xã hội như là sự thỏa thuận giữa mọi người với
nhau nhằm xây dựng một nhà nước hòa bình và phát triển. Ở đó “mỗi người
từ bỏ một phần quyền riêng của mình để gộp vào quyền chung, dùng sức
mạnh tập thể nhưng vẫn được tự do đầy đủ và vẫn chỉ tuân theo bản thân
mình, mọi người đặt mình và quyền lực của mình dưới sự điều khiển tối cao
của ý chí chung và chúng ta tiếp nhận mỗi thành viên như một bộ phận không
thể tách rời của toàn thể” [51, tr.39]. Những thỏa thuận của mọi người là cơ
sở cho một chính quyền hợp pháp. Ý chí chung là tập hợp của ý chí cá nhân
và được công bố lên thành luật pháp trở thành quy định chung đối với mọi
người trong xã hội. Bộ máy nhà nước do nhân dân bầu ra sẽ là cơ quan đại

diện quyền lợi của nhân dân. Cơ quan này phân chia các bộ phận quyền lực
nhà nước như cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để giải quyết các công
việc phát sinh trong quá trình thực hiện ý chí chung. Chính nhờ luật pháp mà


5
mọi người trong xã hội được đối xử công bằng, bình đẳng. Bình đẳng về
quyền lợi, bình đẳng về nghĩa vụ. Tuy nhiên, quyền lực nhà nước theo
J.J.Rousseau mặc dù có sự phân chia nhưng hoàn toàn thống nhất. Thống nhất
ở chỗ cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều do nhân dân bầu cử, đều
dưới sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát của nhân dân. Quyền lực tối thượng -
quyền lực nhân dân là cao nhất. Đây là điểm khác biệt lớn của ông với các
nhà tư tưởng đương thời và trước đó khi khẳng định vai trò của nhân dân
trong nhà nước.
Những đóng góp này về tư tưởng của J.J.Rousseau không chỉ có ảnh
hưởng và tác động mạnh mẽ đến bối cảnh lịch sử đương thời của ông đang
sống mà nó còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thiện mô hình nhà
nước pháp quyền về mặt lý luận nhất là trong bối cảnh xây dựng nhà nước
pháp quyền ở nước ta hiện nay. Vì thế, tôi chọn đề tài: “Quan niệm của
J.J.Rousseau về quyền lực và sự phân chia quyền lực nhà nước trong tác
phẩm Bàn về khế ước xã hội” làm đề tài luận văn Thạc sĩ Triết học của mình
với mong muốn chỉ ra được những giá trị và hạn chế trong quan niệm của
J.J.Rousseau, qua đó xác định được ý nghĩa tư tưởng đó của J.J.Rousseau đối
với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam hiện nay.
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
Tư tưởng về nhà nước pháp quyền và sự phân chia quyền lực trong nhà
nước là một trong những nội dung có tính thời sự, được sự quan tâm nghiên
cứu của nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau. Liên quan đến đề tài
luận văn có thể khái quát các công trình nghiên cứu tiêu biểu thành hai vấn đề

chính sau:
2.1. Những công trình nghiên cứu về triết học khai sáng Pháp nói
chung và về J.J.Rousseau nói riêng.
Ở nội dung này có một số tác phẩm và tác giả tiêu biểu:


6
Tác phẩm Lịch sử thế giới cận đại do hai tác giả Vũ Dương Ninh,
Nguyễn Văn Hồng chủ biên, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội năm
2014. Đây là cuốn sách khái quát lịch sử thế giới cả phương Tây và phương
Đông thời kỳ cận đại. Trong phần 1 về lịch sử thế giới cận đại phương Tây,
tác giả đã khái quát những tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội phương Tây nói
chung, nước Pháp nói riêng từ thế kỉ XVI đến cuối thế kỷ XVIII. Ở nội dung
này, tác giả đã phân tích những biến đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị xã hội
trong lòng chế độ phong kiến và được thay đổi bằng các cuộc cách mạng tư
sản diễn ra ở hầu khắp các nước châu Âu như cuộc cách mạng tư sản Anh
giữa thế kỷ XVII, cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII đánh dấu sự sụp
đổ của chế độ phong kiến và ra đời chế độ tư sản. Sự ra đời của một chế độ
mới bao giờ cũng làm thay đổi diện mạo về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội,
văn hóa của quốc gia đó. Bởi vậy, bên cạnh những giá trị mang lại cho lịch sử
loài người là một nền công nghiệp phát triển thì nó cũng đã làm cho xã hội
phân hóa giai cấp, phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn xã hội sâu sắc đặc biệt là
mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Chính mâu thuẫn này lại là
nguyên nhân làm cho xã hội tư sản mặc dù phát triển mạnh về kinh tế nhưng
lại không ổn định về chính trị. Trong bối cảnh xã hội đó những luồng tư
tưởng mới đã được sinh ra mà người ta gọi là thời kỳ Khai sáng mở ra một
giai đoạn mới trong lịch sử loài người. Nhu cầu về một xã hội công bằng, dân
chủ, văn mình, phát triển cao đã trở nên cấp thiết lúc bấy giờ.
Tác phẩm Lịch sử các học thuyết chính trị trên thế giới do nhiều học
giả nổi tiếng của Liên bang Nga biên soạn, do Lưu Kiếm Thanh, Phạm Hồng

Thái dịch, được nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phát hành năm 2006. Đây
là một cuốn sách giới thiệu khái quát lịch sử và nội dung cơ bản nhất các học
thuyết chính trị của nhân loại từ cổ điển đến hiện đại. Nó đã được đông đảo
độc giả thuộc giới nghiên cứu học sinh đại học trong và ngoài nước đánh giá


7
cao. Cuốn sách cho chúng ta bức tranh về chiều dài lịch sử tư tưởng chính trị
của các quốc gia trên thế giới, từ đó có một cách nhìn tổng quan về lịch sử tư
tưởng chinh trị thế giới, trong đó có giai đoạn Khai sáng Pháp.
Thuyết tam quyền phân lập và bộ máy nhà nước tư sản hiện đại (tác
giả) nhà xuất bản Viện thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1991. Cuốn sách đã
chỉ ra cội nguồn của thuyết tam quyền phân lập, các quan điểm khác nhau về
thuyết tam quyền phân lập. Đặc biệt là tác giả cũng đã chứng minh được tính
thực tiễn của học thuyết này ở các nước tư sản phương Tây. Như vậy, thuyết
tam quyền phân lập ra đời khi cuộc cách mạng tư sản diễn ra ở hầu khắp các
quốc gia phương tây nhằm hạn chế quyền lực của nhà vua và lật đổ chế độ
quân chủ. Sự ra đời thuyết này được chứng minh là một tất yếu khách quan
của lịch sử. Tính thực tiễn của thuyết tam quyền phân lập giúp chúng ta có
thêm lý do để nghiên cứu sâu hơn học thuyết này đặc biệt trong bối cảnh kinh
tế xã hội hiện nay.
Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước với việc tổ chức bộ máy nhà
nước ở một số nước của Nguyễn Thị Hồi được nhà xuất bản Tư Pháp, Hà Nội
phát hành năm 2005. Đây là công trình tương đối đầy đủ và hoàn thiện về tư
tưởng phân quyền và việc áp dụng nó trong tổ chức và hoạt động của một số
bộ máy nhà nước mang tính tiêu biểu hiện nay. Trong công trình này, Nguyễn
Thị Hồi đã đi khảo sát tư tưởng phân quyền qua các nhà tư tưởng như Aristot,
Locke, Montesquieu, Rousseau. Từ phương diện lý thuyết, tác giả đã phân
tích sự tác động trở lại của các tư tưởng phân quyền đó phục vụ thực tiễn tổ
chức bộ máy nhà nước qua sự áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Sự mạnh

dạn nghiên cứu sâu những tư tưởng phân quyền của tác giả đã giúp chúng ta
có điều kiện hiểu sâu hơn tư tưởng của Rousseau trên khía cạnh lý thuyết
phân quyền của ông.
Lịch sử triết học Pháp là công trình của Jean Wahl (do tập thể tác giả
Nguyễn Hải Bằng, Đào Ngọc Phong, Trần Nhựt Tân dịch), nhà xuất bản Văn


8
hóa thông tin, năm 2006 và công trình Lý luận giáo dục châu Âu của tác giả
Nguyễn Mạnh Tường, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1994 cũng là hai
công trình nghiên cứu tương đối kỹ về lịch sử triết học Pháp. Tác giả của các
công trình nghiên cứu này đã cho người đọc thấy cái nhìn bao quát theo chiều
dài lịch sử triết học Pháp qua một số triết gia tiêu biểu. Riêng tác phẩm Lý
luận giáo dục châu Âu, tác giả Nguyễn Mạnh Tường tập trung vào các lý
thuyết giáo dục từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII ở Châu Âu. Tuy nhiên tác giả
không những đưa ra những khái quát cơ bản về tình hình kinh tế xã hội châu
Âu trong giai đoạn này mà còn trình bày khá kỹ lịch sử phát sinh và đấu tranh
của giai cấp tư sản. Chính điều đó đã giúp cho chúng ta thêm những cơ sở lý
luận khi nghiên cứu bối cảnh lịch sử và tiền đề lý luận cho các quan niệm
pháp quyền của J.J.Rousseau.
Cuốn Lịch sử triết học và các luận đề (2004) của tác giả Samuel Enoch
Stumpf do dịch giả Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy dịch, nhà xuất bản Lao động,
Hà Nội. Trong tác phẩm, tác giả đã dành mục 14: Rousseau con người lãng
mạn giữa thời đại lí trí để nói về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm Khế ước xã
hội của Rousseau. Dưới ngòi bút của Samuel Enoch Stumpf, J.J.Rousseau
hiện lên là một con người yêu đời, lạc quan, có sức mạnh phi thường, say mê
làm việc và dám lên tiếng phê phán những quan điểm lạc hậu, cổ hủ của xã
hội phong kiến. Tác giả cũng cho chúng ta thấy được cách nhìn mới mẻ về
một triết gia trong thời điểm giao thời giữa chế độ phong kiến và chế độ tư
bản chủ nghĩa.

Cuốn Văn học phương Tây thế kỉ XVIII (1985) của hai tác giả Phùng
Văn Tửu và Đỗ Ngoạn biên soạn, nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên
nghiệp, Hà Nội. Tác phẩm khái quát nền văn học Anh, Pháp, Đức thế kỉ
XVIII. Thân thế, sự nghiệp của các nhà văn phương Tây thế kỉ XVIII như
Điphô, Xuýt (Anh), Sile, Gớt (Đức), Vônte, Montesquieu, Rousseau (Pháp)…


9
Các tác giả đã dành chương 7 giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp của J.J.Rousseau.
Tuy nhiên, các tác giả tiếp cận J.J.Rousseau dưới góc độ văn học và những
đóng góp của ông trong lĩnh vực văn học là chủ yếu.
Triết học pháp quyền của Montesquieu với việc xây dựng nhà nước
pháp quyền Việt Nam của Lê Tuấn Huy được nhà xuất bản Tổng hợp thành
phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2006. Đây có thể coi là một công trình nghiên
cứu khá chi tiết về các quan niệm triết học pháp quyền của Montesquieu. Tác
giả đã có sự nghiên cứu chuyên sâu tư tưởng về nhà nước pháp quyền trong
dòng chảy lịch sử. Trong đó có đề cập đến những tư tưởng của J.J.Rousseau
về quyền lực của nhà nước với tư cách là cái thể hiện ý chí chung. Hơn nữa
tác giả Lê Tuấn Huy còn đưa ra nhiều phân tích về nhà nước pháp quyền, nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở những nghiên cứu
triết học pháp quyền của Montesquieu.
Cuốn Lịch sử triết học của Giáo sư Nguyễn Hữu Vui chủ biên, nhà xuất
bản Chính trị Quốc gia năm 2002 đã cho chúng ta thấy một bức tranh về triết
học qua các thời đại từ cổ đại đến triết học Mác - Lê nin. Những yếu tố tác
động từ điều kiện kinh tế, xã hội đã làm thay đổi tư tưởng chính trị, triết học.
Bên cạnh đó chúng ta còn thấy được sự chuyển biến của các hình thái kinh tế
xã hội mà cụ thể ở đây là sự chuyển biến của các tư tưởng chính trị, triết học
đã góp phần phản ánh diện mạo tư tưởng chính trị của cả một giai đoạn lịch
sử. Sự kế thừa và chọn lọc những tư tưởng giá trị trước đó đã làm cho sự thay
đổi về tư tưởng triết học ngày càng hoàn thiện hơn, phong phú hơn.

2.2. Những công trình nghiên cứu về tác phẩm Bàn về khế ước xã
hội và tư tưởng của J.J.Rousseau thể hiện trong tác phẩm.
Ở nội dung này có một số bài báo, tạp chí, luận văn nghiên cứu sau:
Luận văn thạc sĩ triết học Tư tưởng triết học chính trị của Jean Jacques
Rousseau của Phạm Thị Đam, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, 2011.
Luận văn đã tập trung phân tích những điều kiện kinh tế - xã hội và các tư


10
tưởng chính trị có ảnh hưởng đến triết học chính trị của J.J.Rousseau. Tác giả
cũng đi sâu phân tích về các vấn đề chính trị như: tự do, bình đẳng, quyền con
người. Từ đó tác giả cũng rút ra những giá trị của tư tưởng đó và khả năng
vận dụng ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, tác giả cũng chưa chuyên sâu vào
vấn đề quyền lực nhà nước, sự phân chia quyền lực trong nhà nước của
J.J.Rousseau.
Bên cạnh đó cũng có một số luận văn thạc sĩ liên quan đến đề tài
nghiên cứu. Nghiên cứu tác phẩm cụ thể trong giai đoạn Khai sáng Pháp,
Nguyễn Thị Châu Loan có luận văn: Tư tưởng cơ bản của triết học chính trị
của J.J.Rousseau trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội, Đại học Khoa học xã
hội và Nhân văn, 2007. Luận văn đi sâu vào phân tích các tư tưởng chính trị
của J.J.Rousseau thông qua nghiên cứu tác phẩm nổi tiếng của ông Bàn về khế
ước xã hội. Công trình đã đưa lại cái nhìn tương đối toàn diện về triết học
chính trị của J.J.Rousseau, đồng thời cung cấp cho chúng ta những kinh
nghiệm khảo cứu bước đầu về việc phân tích một tác phẩm cụ thể của thời kỳ
Khai sáng.
Khi nói tới những nghiên cứu về J.J.Rousseau chúng ta không thể
không kể tới những nỗ lực to lớn của dịch giả Hoàng Thanh Đạm khi ông cho
ra mắt bạn đọc bản dịch tiếng việt tác phẩm Bàn về khế ước xã hội . Không
chỉ có vậy, dịch giả còn cung cấp nhiều tư liệu lịch sử rất quan trọng về thân
thế, sự nghiệp cũng như phụ lục tóm tắt các tác phẩm của J.J.Rousseau. Đây

là những tác phẩm gốc rễ để luận văn nghiên cứu nội dung cụ thể của tác phẩm.
Năm 2013, nhà xuất bản thế giới đã xuất bản bản dịch tác phẩm Khế
ước xã hội của J.J.Rousseau do Giáo sư Dương Văn Hóa dịch. Bản dịch này
đã đóng góp cho người đọc một cách nhìn mới cũng như nhiều nội dung tư
tưởng của J.J.Rousseau được dịch giả diễn giải rất dễ hiểu. Cùng với bản dịch


11
của Hoàng Thanh Đạm tư tưởng của J.J.Rousseau đã được tiếp cận đầy đủ
hơn, rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, trên các tạp chí triết học, luật học, thông tin xã hội, khoa
học xã hội… cũng có một số bài viết liên quan tới đề tài luận văn như: Tư
tưởng chủ quyền nhân dân trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội của
J.J.Rousseau của Phạm Thế Lực, Tạp chí Khoa học xã hội, số 7 (107); Xã hội
công dân và xã hội dân sự: từ Aristot đến Hêghen của Trần Tuấn Phong trên
tạp chí Triết học, Học thuyết phân chia quyền lực – một cách tư duy về quyền
lực nhà nước của tác giả Bùi Ngọc Sơn, khoa Luật, Đại học Quốc gia. Các tài
liệu này đã đưa ra những luận giải logic về sự hình thành tư duy về xã hội
công dân, về quyền lực nhà nước, về tư tưởng chủ quyền nhân dân, sự phân
chia quyền lực nhà nước trong lịch sử triết học. Tuy vậy, có thể nói việc đi
sâu nghiên cứu triết học chính trị của J.J.Rousseau nói chung và quan niệm
của J.J.Rousseau về quyền lực nhà nước, sự phân chia quyền lực nhà nước
trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội vẫn là nội dung cần tiếp tục nghiên cứu
sâu hơn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn.
3.1 Mục đích nghiên cứu.
- Trên cơ sở phân tích và hệ thống hoá quan niệm của J.J.Rousseau về
quyền lực nhà nước và sự phân chia quyền lực trong nhà nước trong tác phẩm
Bàn về khế ước xã hội, luận văn đánh giá giá trị, hạn chế và chỉ ra ý nghĩa của
những tư tưởng này đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ

nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu.
Để thực hiện mục đích này, luận văn tập trung vào những nhiệm vụ sau:
- Trình bày những điều kiện, tiền đề cho sự ra đời quan niệm về quyền
lực nhà nước và phân chia quyền lực nhà nước của J.J.Rousseau trong tác
phẩm Bàn về khế ước xã hội;


12
- Phân tích những nội dung cơ bản trong quan niệm của J.J.Rousseau
về quyền lực nhà nước, phân chia quyền lực nhà nước trong tác phẩm Bàn về
khế ước xã hội;
- Chỉ ra những giá trị, hạn chế và ý nghĩa của những tư tưởng này đối
với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt nam hiện nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu của luận văn.
4.1 Cơ sở lý luận.
Luận văn này được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và dựa vào phương pháp luận mácxít trong
nghiên cứu lịch sử triết học.
4.2 Phương pháp nghiên cứu.
Luận văn sử dụng các phương pháp của phép biện chứng duy vật trong
nghiên cứu, trong đó phối hợp các phương pháp như logic và lịch sử, phân
tích và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch, khái quát hóa.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
5.1 Đối tượng nghiên cứu.
Luận văn tập trung phân tích quan niệm về quyền lực nhà nước và sự
phân chia quyền lực nhà nước của J.J.Rousseau.
5.2 Phạm vi nghiên cứu.
Luận văn nêu quan điểm về quyền lực nhà nước và sự phân chia quyền
lực trong nhà nước của J.J.Rousseau trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn.
6.1 Ý nghĩa lý luận
Những nghiên cứu của luận văn có thể góp phần hệ thống, khái quát
những nội dung chủ yếu vấn đề phân quyền trong nhà nước pháp quyền, cung
cấp sơ sở lý luận cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam hiện nay.


13
6.2 Ý nghĩa thực tiễn
Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho sinh viên nghiên cứu, học
tập về lịch sử triết học phương tây nói chung và các học thuyết triết học chính
trị giai đoạn khai sáng Pháp nói riêng.
7. Kết cấu của luận văn.
Ngoài phần mở đầu, phần nội dung luận văn gồm hai chương sáu tiết.



14
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1. NHỮNG ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ CHO SỰ RA ĐỜI QUAN
NIỆM CỦA J.J.ROUSSEAU VỀ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC VÀ SỰ
PHÂN CHIA QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC TRONG TÁC PHẨM BÀN VỀ
KHẾ ƯỚC XÃ HỘI
1.1 Điều kiện kinh tế xã hội và những tiền đề lý luận cho sự ra đời
quan niệm của J.J.Rousseau về quyền lực nhà nước và sự phân chia
quyền lực nhà nước.
1.1.1 Điều kiện kinh tế - xã hội.
Châu Âu vào những thế kỷ XIV-XVI đã có những chuyển biến đáng kể
trên các mặt kinh tế, xã hội, chuẩn bị cho những thay đổi sâu sắc của lịch sử.

Về công nghiệp. Từ thế kỷ XV, ở Tây Âu, chế độ phong kiến với nền
sản suất nhỏ và các đạo luật hà khắc trung cổ đã bắt đầu tan rã. Nhiều công
trường thủ công đã xuất hiện ban đầu là ở các nước ven Địa Trung Hải (đặc
biệt là ở Italia) sau đó lan sang nước Anh, Pháp và một số nước khác. Đây có
thể là một sự thay đổi tích cực, đánh dấu sự phát triển to lớn vượt bậc trong
lĩnh vực kinh tế. Từ nền sản xuất phong kiến lạc hậu, mang nhiều yếu tố tự
nhiên kém phát triển thì nay đã thay đổi sang một nền sản xuất công trường
thủ công với năng suất lao động cao hơn, có tổ chức hơn. Cùng với đó, công
cụ lao động cũng được cải tiến để phục vụ sản xuất. Với việc sáng chế ra máy
tự kéo sợi và máy in đã làm cho công nghiệp dệt, công nghệ ấn loát, đặc biệt
nhất là ở Anh phát triển vượt bậc. Sự khám phá và chế tạo hàng loạt đồng hồ
cơ học đã giúp con người thời kỳ này sản xuất có kế hoạch, tiết kiệm thời gian
và tăng năng suất lao động. Với sự thay đổi to lớn về công cụ sản xuất và
khoa học kỹ thuật đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã
hội nói chung.
Những phát kiến địa lý như việc tìm ra châu Mỹ và các đường biển để
dẫn đến những miền đất mới đã tạo điều kiện cho nền sản xuất phát triển theo


15
xu hướng tư bản chủ nghĩa. Nhờ đó thương mại, trao đổi hàng hoá giữa các
quốc gia được mở rộng và phát triển. Các nước tư bản chủ nghĩa sớm phát
triển như Anh, Pháp, Tây Ban Nha…dựa trên sự lớn mạnh của mình đã mở
rộng vùng lãnh thổ bằng cách đi xâm chiếm thuộc địa, khai thác tài nguyên,
mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá.
Cùng với sự phát triển không ngừng về kinh tế, trong xã hội Tây Âu
thời kỳ này có sự phân hoá giai cấp ngày càng rõ rệt. Tầng lớp tư sản xã hội
bao gồm các chủ xưởng công trường thủ công, chủ thuyền buôn… Phần lớn,
nông dân từ nông thôn ra thành thị làm thuê cho các công trường, xưởng thợ.
Các tầng lớp xã hội trên đại diện cho một nền sản xuất mới cùng với nông dân

đấu tranh chống chế độ phong kiến đang suy tàn.
Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời mâu thuẫn gay gắt với nền sản
xuất phong kiến lạc hậu, thối nát đã dẫn đến các cuộc cách mạng tư sản diễn
ra ở một số nước như Anh, Hà Lan… Những cuộc cách mạng này tuy chưa
triệt để nhưng đã báo hiệu giờ cáo chung của chế độ phong kiến châu Âu.
Những biến đổi lớn lao về kinh tế đã mở ra một thời kì mới cho nền sản
xuất của xã hội. Đó là sức sản xuất phát triển đã làm tiền đề kinh tế cho những
biến đổi về chính trị xã hội, đặc biệt là tư tưởng về quyền của con người trong
lịch sử đã được quan tâm và khôi phục lại. Sự thay đổi đó được đánh dấu
bằng các cuộc cách mạng diễn ra liên tiếp nhằm lật đổ chế độ phong kiến thối
nát đương thời đang tìm mọi cách ngăn chặn sự phát triển của mầm mống tư
bản chủ nghĩa. Những thay đổi to lớn về kinh tế, chính trị của một số nước
Tây Âu nói chung đã có tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị, xã
hội nước Pháp lúc đó. Sự ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị Tây Âu
với nước Pháp đã làm cho nước Pháp vốn đang nằm ngủ trong chế độ phong
kiến mục nát đè nén lâu nay phải cựa mình thức tỉnh. Những hiện thực phũ
phàng đang ngày ngày nhấn chìm nước Pháp vào sâu trong nợ nần, khổ cực


16
báo hiệu giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến. Vua Lui XVI thuộc triều
đại Buốcbông lên ngôi năm 1774 là một ông vua độc tài “thường tự coi ý
muốn của chính mình là luật pháp và quyền lực của nhà vua là do Trời ban
cho để trị nước” [42, tr.60]. Nhà vua nắm mọi quyền hành trong tay, công cụ
thống trị của nhà nước phong kiến này là quân đội, cảnh sát và nhà thờ. Hình
ảnh tượng trưng nổi tiếng cho chế độ chuyên chế này là nhà tù Baxti ở Pari.
“Đó là một nhà tù lâu đời và kiên cố, cao 23m, tường dày từ 1,6m đến 1,8m,
có 8 ngục tối ở dưới đất dùng để giam người cùng với rắn rết”. [42, tr.60].
Bên cạnh đó, nhà thờ có vai trò to lớn trong chế độ chính trị phong kiến. Nó
đã lợi dụng ảnh hưởng lớn trong nhân dân để thần thánh hóa nhà vua, hướng

nhân dân phải nghe theo và tuyệt đối trung thành với nhà vua. Vua đã sử dụng
toàn quyền của mình trong hoạt động bộ máy nhà nước, trong việc sắp xếp cơ
cấu bộ máy có lợi cho giai cấp phong kiến đồng thời ra sức bóc lột nhân dân.
Từ khi lên ngôi, vua Lui XVI song song với việc bóc lột nhân dân bằng cách
ra các đạo luật cai trị hà khắc là việc nhà vua ăn chơi trác táng. Nhà vua sống
ở cung điện Vécxai với gần 2 vạn người phục vụ và hoàn toàn sống dựa vào
bổng lộc. Người có ảnh hưởng lớn tới công việc cai trị đất nước lại là hoàng
hậu Mari Antoannet - công chúa nước Áo, người có tính hách dịch và có lối
sống hoang phí. Chính bởi cuộc sống quá lãng phí của hoàng gia mà đã tiêu
tốn 1/12 ngân sách quốc gia. Toàn bộ chi phí đó được lấy từ chính sự đóng
góp của nhân dân. Do vậy, đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực. Để chăm
lo cho bộ máy nhà nước này, ngoài việc thu thuế của nông dân, triều đình
Pháp không còn biện pháp nào hữu hiệu hơn. Do đó, dù cuộc sống vốn đã khổ
cực nhưng những người nông dân vẫn phải nuôi mình, nuôi các tầng lớp
thống trị của mình. Cho nên, về kinh tế nước Pháp khi đó có thể nói là vô
cùng nghèo nàn và lạc hậu. Sự độc tài của nhà vua đối với nhân dân lao động
đã làm cho tình trạng bất bình đẳng càng trở nên trầm trọng hơn. Trước hiện


17
thực đó nhu cầu xóa bỏ bất công, áp bức được đặt ra với các nhà tư tưởng cấp
tiến đương thời. Chính chế độ chuyên chế là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến
tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Đây chính là điều kiện thực tiễn ra đời
tư tưởng về nhà nước dân sự đảm bảo quyền bình đẳng, công bằng cho nhân
dân đồng thời các nhà tư tưởng thời kì khai sáng sau này cũng đều dựa trên
chế độ chuyên chế này mà phê phán trong học thuyết của mình.
Về nông nghiệp. Cho đến thế kỉ XVIII nền kinh tế nước Pháp vẫn là
một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. 22 triệu người (chiếm khoảng 90% dân
số Pháp) sống bằng nghề nông. Sản lượng nông nghiệp hàng năm rất thấp do
chế độ canh tác lạc hậu, đất đai còn bị bỏ hoang. Hơn thế nữa, sự thống trị của

chế độ phong kiến lỗi thời càng làm cho nền kinh tế nông nghiệp nước Pháp
lâm vào tình cảnh khó khăn, lỗi thời. Ruộng đất chủ yếu nằm trong tay vua
chúa, các đại địa chủ, nhà thờ. Nông dân phải đi làm thuê cho những tầng lớp
này để kiếm sống. Vì thế cuộc sống của nhân dân rất đói kém lại cộng thêm
với những chính sách tô thuế nặng nề đã làm cho những mâu thuẫn giữa nhân
dân và chế độ phong kiến càng thêm sâu sắc. Tuy nhiên, khi chủ nghĩa tư bản
đã len lỏi vào một số quốc gia như Anh, Hà Lan thì nó cũng đã bắt đầu xuất
hiện ở Pháp và làm thay đổi một phần nền kinh tế nông nghiệp của Pháp. Một
số chủ ruộng đất đã chuyển sang canh tác đất đai theo phương thức tư bản chủ
nghĩa và thu lợi cao đã làm phân hóa xã hội biến một số chủ ruộng đất trở
thành giàu có đối lập hoàn toàn với nông dân. Mặc dù vậy những thay đổi này
chưa có vai trò đáng kể trong nền kinh tế Pháp.
Về công thương nghiệp. Cuối thế kỉ XVIII nền công thương nghiệp
Pháp đã có sự thay đổi đáng kể. Người ta xây dựng nhà máy, xưởng đóng tàu,
xưởng dệt, mỏ khai thác kim loại tương đối lớn. “Dọc theo biên giới từ phía
bắc xuống đến tây nam, người ta thấy nhiều trung tâm kinh tế quan trọng:
Ruăng và Havrơ, nơi tập trung công nghiệp vải sợi, hải cảng Năngtơ và


18
Boocđô trông ra Đại Tây Dương, nơi buôn bán hương liệu sầm uất với các
đảo phương Đông; Mácxây, cửa biển lớn trên Địa Trung Hải. Trên sông Rôn
có thành phố Liông sản xuất hàng tơ lụa và nhung nổi tiếng châu Âu. Về phía
đông giáp với nước Đức có Andat và Lôren, trù phú nguyên liệu với những lò
luyện kim” [42, tr.64]. Trong khi mầm mống của phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa đang làm thay đổi sản xuất thì chế độ phong kiến lại ra sức kìm
hãm bằng các quy chế khắt khe như thuế nặng, kiểm soát chặt chẽ, sản xuất
theo khuôn mẫu bắt buộc, số lượng sản phẩm và nhân công bị hạn chế đã làm
ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng tư bản hóa này. Tuy nhiên, mặc cho sự
hà khắc của chế độ phong kiến, mầm mống của chủ nghĩa tư bản vẫn đang

tìm cách len lỏi vào đời sống kinh tế nước Pháp. Do đó, việc xoá bỏ sợi dây
ràng buộc của chế độ phong kiến đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất
đang đi lên đã trở thành một yêu cầu khách quan, tất yếu của lịch sử nước
Pháp khi đó.
Về mặt xã hội, nước Pháp thế kỷ XVIII được chia làm ba đẳng cấp khá
rõ ràng là tăng lữ, quý tộc và đẳng cấp thứ ba. Trong ba đẳng cấp đó, tăng lữ
và quý tộc là đẳng cấp trên, được hưởng mọi đặc quyền đặc lợi của xã hội.
Hai đẳng cấp này có liên hệ chặt chẽ về dòng họ, tuy chiếm một số ít (chiếm
khoảng 1% dân số) trong xã hội nhưng bản thân họ lại giữ địa vị thống trị
nước Pháp phong kiến. Đẳng cấp thứ ba bao gồm tư sản, nông dân, thợ thủ
công, công nhân… chiếm khoảng 99% dân số. Họ là lực lượng chiếm đa số
trong xã hội nhưng lại không có bất kỳ quyền lực chính trị nào, không được
tham gia vào các công việc của cơ quan nhà nước, hoàn toàn bị phụ thuộc vào
hai đẳng cấp trên và phải phục vụ, cống nạp để nuôi hai tầng lớp ấy. Sự phân
chia đẳng cấp trong xã hội Pháp lúc đó được quy định theo công thức: tăng lữ
phục vụ nhà vua bằng lời cầu nguyện, quý tộc bằng lưỡi kiếm, đẳng cấp thứ
ba phục vụ tăng lữ và quý tộc bằng của cải. Dưới chế độ này, mọi quyền lực


19
tập trung trong tay nhà vua, chỉ một số ít tầng lớp trên là có quyền lợi. Còn
đại đa số tư sản và người dân lao động lại hoàn toàn không có quyền lợi gì,
thậm chí còn phải nuôi tầng lớp trên đó. Sự bất bình đẳng này đã được các
nhà Khai sáng trong đó có J.J.Rousseau kịch liệt phê phán, lên án. Bởi vậy,
nhu cầu một nhà nước mới, một chế độ chính trị mới mang lại sự công bằng,
dân chủ cho nhân dân lao động là yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ. Sự tập trung
quyền lực nhà nước trong tay một người đã dẫn đến độc đoán, chuyên quyền,
hách dịch của nhà vua cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự hình thành
tư tưởng về sự phân chia quyền lực nhà nước của các nhà tư tưởng cấp tiến
sau này, trong đó có J.J.Rousseau.

Mâu thuẫn trong xã hội Pháp càng gay gắt khi giai cấp tư sản lớn mạnh
về kinh tế nhưng không có quyền lực chính trị trong tay dẫn đến những xung
đột về quan hệ sản xuất. Nhu cầu thay đổi một chế độ cũ bằng một chế độ mới
phù hợp hơn, phát triển hơn đã thúc đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm bằng
một cuộc đại cách mạng diễn ra vào những năm (1789-1794). Đây là cuộc
cách mạng diễn ra một cách toàn diện, quy mô lớn và mang tính triệt để hơn
so với các cuộc cách mạng tư sản trước đó. Với cuộc cách mạng này, giai cấp
tư sản đã giáng một đòn mạnh mẽ quyết định tiêu diệt chế độ phong kiến ở
nước Pháp nói riêng, ở châu Âu nói chung. Nó là hành động thực tiễn, đồng
thời là sự cổ vũ to lớn đối với triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, ngọn cờ
của giai cấp tư sản và của cách mạng Pháp.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội nhiều biến động lớn lao này,
con người có xu hướng tìm ra một mô hình nhà nước mà ở đó thỏa mãn được
các nhu cầu cơ bản của con người. Suy cho cùng thì con người có làm gì cũng
đều vì mục đích của chính là bản thân mình. Nếu ở thời kì Trung cổ con
người sống trong nềm tin tôn giáo và cho đó là hạnh phúc của cuộc đời thì
đến thời kì này những chuyển biến của lịch sử đặc biệt là các cuộc cách mạng


20
công nghiệp đã diễn ra làm thay đổi nền kinh tế thế giới, khoa học phát triển
thay thế cho tôn giáo ngự trị lâu nay đã đặt ra yêu cầu là cần có những nhà tư
tưởng vĩ đại đưa ra những tư tưởng vĩ đại để cuộc sống con người tốt đẹp hơn.
Khi của cải đã nhiều, con người khát khao được sống là chính mình do vậy
các quyền của con người xưa nay vốn không được quan tâm đến thì nay người
ta tìm lại và khôi phục nó. Vì vậy, tư tưởng về một nhà nước dân sự, nhà nước
lấy con người làm mục đích hoạt động đã ra đời.
Lịch sử là một quá trình phát triển, và sự xuất hiện phương thức tư bản
chủ nghĩa là tất yếu hợp với quy luật. Nó cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến
sự phát triển văn hoá, tư tưởng châu Âu nói chung, nước Pháp nói riêng.

Về văn hóa, tư tưởng. Có thể nói nếu ở thời kỳ Trung cổ triết học mang
nét kinh viện thì đến thời kỳ Phục hưng và Cận đại triết học hầu như đã được
mang một màu sắc mới thoát bỏ yếu tố thần thánh siêu việt, trở về với những
vấn đề thực tại, mang tính khoa học hơn. Những phát kiến khoa học thời kỳ
Hy Lạp - La Mã cổ đại như toán học của Talet, Pitago, hình học Ơclit,vật lý
học của Acsimet được kế thừa và khôi phục lại giá trị của nó phục vụ cho
cuộc sống thực tiễn. Thời kỳ này con người được đề cao chú trọng hơn. Các
tư tưởng đề cao con người coi “con người là thước đo tất thảy mọi vật” của
Protagor cũng như quan niệm của Xôcrat coi triết học là sự tự ý thức của con
người đã có ảnh hưởng không nhỏ tới triết học thời kỳ này. Ý nghĩa của
những giá trị tư tưởng, văn hoá Hy Lạp, La Mã cổ đại đối với xã hội Tây Âu
thời kỳ này lớn tới mức người Pháp gọi giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỷ XV
đến thế kỷ XVI là thời kỳ Phục hưng - tức phục chế các di sản văn hoá thời cổ
và thế kỷ XVII -XVIII là thời kỳ Khai sáng của triết học Pháp. Có thể nói như
Ph.Ăng ghen “không có cái cơ sở của nền văn minh Hy Lạp và Đế chế La Mã
thì không có châu Âu hiện đại” [39, tr.254]. Sang đến giai đoạn này con
người và những giá trị con người được đề cao. Tất cả những sản phẩm văn
hoá, khoa học, triết học đều phục vụ con người.


21
Thời kỳ Phục hưng, triết học và khoa học đã có sự liên minh với nhau.
Nếu như thời kỳ Trung cổ con người chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục
kinh viện, giáo điều, trong một xã hội đầy rẫy những bất công, con người cần
đến một nền khoa học mới, một trật tự xã hội mới, một nền khoa học vì con
người, của con người thì đến thời Phục hưng, những giá trị của con người đã
được đưa ra xem lại và đề cao.
Tuy nhiên, triết học Pháp có sự ảnh hưởng không nhỏ từ tư tưởng nhân
văn thời Phục hưng. Chủ nghĩa nhân văn thời kì Phục hưng bênh vực tinh
thần tự do, tinh thần phê bình và hướng nhiều đến con người cá nhân. Nó thể

hiện sự yêu trọng cái tự nhiên trong thiên tính của con người cũng như cái tự
nhiên trong bản sắc của sự vật. Bên cạnh đó nhân văn chủ nghĩa thời kì đầu
còn lên án, phê phán chế độ phong kiến, phê phán những giáo điều cũ đang
ràng buộc con người trong xiềng xích của một hệ thống luân lý giả dối, hẹp
hòi của thời Trung cổ. Đó là tư tưởng nhân văn của Michel Egquem de
Mantaigne (1533 -1592) khi đề cao quyền được thụ hưởng những giá trị, vật
chất, tinh thần của con người. Hay tinh thần chống kinh viện của Francois
Rabelais (1494 - 1553) coi con người là trung tâm của vũ trụ và ca ngợi cuộc
sống trần thế. “Triết học của Rabelais là tư tưởng chống với mọi trạng thái
trái với tự nhiên, trái thiên tính. Con người phải quay về với tự nhiên, ăn no,
uống say, học cho rộng, biết cho nhiều và hưởng thụ, phát triển thân thể cho
hết sức tự do”[63]. Thái độ khoa học gần như triệt để của người Anh và
truyền thống nhân văn có được từ thời Phục hưng của chính người Pháp, cũng
là một trong những yếu tố đã góp phần cho sự hình thành của phong trào Khai
sáng Pháp. Phong trào Khai sáng Pháp ra đời là sự đáp ứng trước những đòi
hỏi của lịch sử, một phản ứng về mặt văn hoá - tinh thần, tư duy học thuật
trước trật tự xã hội bấy giờ.
Khai sáng là một trong những trào lưu chính của hệ tư tưởng chính trị
Pháp thế kỷ XVIII. Nó thể hiện quyền lợi các tầng lớp khác nhau thuộc đẳng
cấp thứ ba. “Điểm khác biệt của nó là định hướng chống phong kiến, mong

×