I HC QUC GIA H NI
KHOA LUT
V TH HUYN NGC
BảO Vệ QUYềN Và LợI íCH HợP PHáP CủA NHà ĐầU TƯ
KHÔNG CHUYÊN NGHIệP TRÊN THị TRƯờNG CHứNG KHOáN
TậP TRUNG THEO PHáP LUậT VIệT NAM
LUN VN THC S LUT HC
H NI - 2014
I HC QUC GIA H NI
KHOA LUT
V TH HUYN NGC
BảO Vệ QUYềN Và LợI íCH HợP PHáP CủA NHà ĐầU TƯ
KHÔNG CHUYÊN NGHIệP TRÊN THị TRƯờNG CHứNG KHOáN
TậP TRUNG THEO PHáP LUậT VIệT NAM
Chuyờn ngnh: Lut Kinh t
Mó s: 60 38 01 07
LUN VN THC S LUT HC
Cỏn b hng dn khoa hc: TS. NGUYN TH THUN
H NI - 2014
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ
công trình nào khác. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn đảm
bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực. Tôi đã hoàn thành tất cả các
môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài chính theo quy định
của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vậy tôi viết Lời cam đoan này đề nghị Khoa Luật xem xét để tôi
có thể bảo vệ Luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
NGƯỜI CAM ĐOAN
Vũ Thị Huyền Ngọc
MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Mục lục
Danh mục các ký hiệu, các chữ viết tắt
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
TẬP TRUNG VÀ PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI
ÍCH CỦA NHÀ ĐẦU TƯ KHÔNG CHUYÊN NGHIỆP TRÊN
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TẬP TRUNG 6
1.1. Khái niệm, đặc điểm, bản chất của thị trường chứng khoán tập trung 6
1.2. Các chủ thể trên thị trường chứng khoán tập trung 9
1.3. Khái niệm, phân loại nhà đầu tư chứng khoán 11
1.3.1. Khái niệm nhà đầu tư chứng khoán 11
1.3.2. Phân loại 13
1.3.3. Khái niệm, đặc điểm nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp 15
1.4. Pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư không chuyên
nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung 19
1.4.1. Khái niệm 19
1.4.2. Nội dung pháp luật về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà
đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung 21
Chương 2: THỰC TRẠNG VỀ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP
CỦA NHÀ ĐẦU TƯ KHÔNG CHUYÊN NGHIỆP TRÊN THỊ
TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TẬP TRUNG TRONG PHÁP LUẬT
CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 40
2.1. Quy định của pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư không chuyên
nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung 40
2.1.1. Các quy định công nhận quyền của nhà đầu tư không chuyên nghiệp 41
2.1.2. Các quy định về quản lý và xử lý vi phạm 50
2.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong việc bảo vệ nhà đầu tư không
chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung 61
2.2.1. Thành quả đạt được 61
2.2.2. Một số vấn đề còn tồn tại 64
Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN
THIỆN PHÁP LUẬT CHỨNG KHOÁN TRONG VIỆC BẢO VỆ
QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NHÀ ĐẦU TƯ KHÔNG
CHUYÊN NGHIỆP TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
TẬP TRUNG 89
3.1. Sự cần thiết hoàn thiện pháp luật chứng khoán trong việc bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp
trên thị trường chứng khoán 89
3.1.1. Xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế 89
3.1.2. Xuất phát từ yêu cầu phát triển thị trường chứng khoán 90
3.2. Các đề xuất cụ thể. 91
3.2.1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư không chuyên
nghiệp trên TTCKTT 91
3.2.2. Các đề xuất nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong việc bảo vệ
nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên TTCKTT 102
KẾT LUẬN 118
TÀI LIỆU THAM KHẢO 119
PHỤ LỤC 124
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
CTCK: Công ty chứng khoán
IFC: Tổ chức tài chính quốc tế
NĐT: Nhà đầu tư
TTCKTT: Thị trường chứng khoán tập trung
UBCKNN: Ủy ban chứng khoán Nhà nước
VSD: Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
WB: Ngân hàng thế giới
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Thị trường chứng khoán ra đời như một tất yếu khách quan của nền kinh tế
thị trường và giữ vai trò đặc biệt quan trọng với nền kinh tế. Phát triển và đảm bảo
sự ổn định của thị trường chứng khoán luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc
gia trên thế giới bởi thị trường chứng khoán giúp khơi thông các nguồn vốn trong
xã hội và phân bổ có hiệu quả các nguồn vốn này vào những dự án đầu tư mang lại
hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay trên thế giới các học giả cũng như các nhà quản lý kinh tế có những
quan điểm rất khác nhau về việc làm thế nào để tổ chức và quản lý thị trường chứng
khoán một cách tối ưu, tuy nhiên họ đều thống nhất nhau ở một điểm là các nhà đầu
tư luôn phải được coi là trọng tâm của thị trường. Một thị trường chứng khoán
không thể là kênh huy động và phân bổ vốn có hiệu quả khi mà các nhà đầu tư
không có niềm tin vào thị trường này, hay nói cách khác là khi quyền và lợi ích hợp
pháp của họ không được bảo vệ.
Tại Việt nam, thị trường chứng khoán tập trung được chính thức đi vào hoạt
động bằng hoạt động tại hai trung tâm giao dịch chứng khoán: TTGDCK Hồ Chí
Minh (2000) và TTGDCK Hà nội (2005). Tuy đã có 14 năm phát triển, song đây
vẫn là một thị trường chứng khoán non trẻ, các định chế hỗ trợ cho sự phát triển của
thị trường vẫn chưa được hình thành một cách đầy đủ và toàn diện, nhiều vấn đề
vẫn còn tồn tại, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Theo đánh giá của
WB trong Báo cáo Doing Business hàng năm, thì Việt Nam luôn bị xếp hạng khá
thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới về môi trường kinh doanh. Báo
cáo năm 2012, Việt Nam đứng thứ 98/185 quốc gia, nền kinh tế. Báo cáo năm 2013
Việt nam đứng thứ 99/183 quốc gia, nền kinh tế [Xem thêm phụ lục 1]. Thứ hạng
thấp này một phần lớn là do mức độ bảo vệ nhà đầu tư của chúng ta, tuy đã có ít
nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách, luật pháp liên quan, nhưng về cơ bản,
vẫn đứng ở vị trí rất thấp trên thế giới. Báo cáo năm 2012, Việt nam đứng thứ
2
169/185 quốc gia, nền kinh tế về bảo vệ nhà đầu tư; báo cáo năm 2014, Việt nam
đứng thứ 160/189 quốc gia, nền kinh tế [Xem thêm Phụ lục 2]
Điều đó cho thấy pháp luật Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ
nhà đầu tư, tuy nhiên các quyền và lợi ích của nhóm đối tượng này vẫn chưa thật sự
được đảm bảo. Đặc biệt trên thị trường chứng khoán hiện nay chiếm một bộ phận
không nhỏ là các nhà đầu tư không chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết đầy đủ về chứng
khoán và thị trường chứng khoán, quyền lợi dễ bị xâm phạm. Thực tế, qua 14 năm
phát triển của thị trường chứng khoán Việt nam cho thấy vấn đề quyền và lợi ích
của những nhà đầu tư này chưa được coi trọng đúng mức ở nhiều phương diện,
trong đó pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán còn nhiều bất cập, tạo
lỗ hổng nảy sinh những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của những nhà đầu
tư. Vì vậy, vấn đề bảo vệ nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng
khoán tập trung ở nước ta là vô cùng cấp thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp
pháp của chính các nhà đầu tư - một chủ thể quan trọng, song yếu thế trên thị
trường, tạo được niềm tin trên thị trường, đồng thời đảm bảo sự vận hành thị trường
chứng khoán một cách công bằng, hiệu quả; nâng cao thứ hạng quốc tế và cải thiện
hình ảnh của Việt Nam trước con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, học viên đã chọn đề tài “Bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán
tập trung theo pháp luật Việt Nam” để làm luận văn thạc sỹ luật học của mình.
2. Tính hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nói chung là vấn đề
được nhiều học giả quan tâm và nghiên cứu như “Báo cáo về môi trường kinh
doanh” ra hàng năm của Ngân hàng Thế giới, luận văn thạc sĩ luật học của Phạm
Thanh Tú về "Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên thị trường
chứng khoán tập trung theo pháp luật Việt Nam" (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà
Nội, 2006); Luận văn “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên thị
trường chứng khoán tập trung theo quy định của pháp luật chứng khoán” của Trần
Thị Hà Trang (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội, 2008), bài nghiên cứu của tác
3
giả Hoàng Thị Quỳnh Chi về "Hoàn thiện các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư chứng
khoán", đăng trên Tạp chí Kiểm sát, số 19 năm 2006, bài nghiên cứu của tác giả
Phạm Thị Giang Thu về “Bàn về bảo vệ nhà đầu tư theo Luật chứng khoán và vấn
đề bảo đảm thực hiện” trên Tạp chí Luật học, số 8/2006… và nhiều bài viết khác
trên các báo, tạp chí.
Phần lớn các bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học về bảo vệ nhà đầu tư
trong đó có nhà đầu tư không chuyên nghiệp liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư
trên thị trường phi tập trung. Một số bài viết liên quan đến nhà đầu tư trên thị trường
tập trung nhưng các bài viết nói trên mới dừng ở mức độ nêu ra tình huống nhà đầu tư
bị thiệt hại và dẫn chiếu lại các quy định của pháp luật Việt Nam để xác định trong
những tình huống đó thì nhà đầu tư nên làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình và trách
nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần làm đến đâu để bảo vệ quyền lợi cho nhà
đầu tư. Cũng có một số công trình nghiên cứu về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên
TTCKTT, song cách tiếp cận của các công trình nghiên cứu này chủ yếu tập trung
vào các quyền của nhà đầu tư với tư cách là cổ đông của tổ chức phát hành, tổ chức
niêm yết, quyền lợi của tất cả các nhà đầu tư nói chung, hoặc tập trung vào đối tượng
nhà đầu tư chứng khoán cá nhân theo pháp luật chứng khoán 2006 và các văn bản
hướng dẫn thời điểm đó. Luận văn tiếp cận theo hướng khác, nghiên cứu về việc bảo
vệ quyền và lợi ích của đối tượng là nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường
chứng khoán tập trung qua các quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành, phân
tích đánh giá các quy định đó để tìm ra những kết quả đã đạt được và những tồn tại
cần hoàn thiện, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp.
3. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn dùng phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp tổng hợp,
phương pháp so sánh và phương pháp phân tích từ các quy định của pháp luật về
chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt nam trong việc bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đánh giá việc áp dụng các quy
định đó qua thực tiễn.
4
Luận văn sử dụng phương pháp so sánh để đối chiếu với pháp luật của
một số nước, từ đó thấy được những điểm hợp lý hoặc còn bất cập trong việc
điều chỉnh cơ chế bảo vệ nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng
khoán. Từ đó, có thể đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các quy
định đối với vấn đề này.
Ngoài ra, Luận văn còn sử dụng phương pháp thống kê, tư duy khoa học,
khách quan và thực tiễn để thu thập thông tin tư liệu, tài liệu tham khảo nghiên cứu
chọn lọc kinh nghiệm các nước với đề xuất những định hướng nhằm bảo vệ tốt hơn
các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp
4. Mục đích và phạm vi nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của luận văn là nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và
thực tiễn của các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ nhà đầu tư không
chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung. Trên cơ sở đó, luận văn đề
xuất các phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư
không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung, góp phần vào việc đáp
ứng tốt hơn yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng
khoán tại Việt Nam.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn chỉ giới hạn nghiên cứu những quy định pháp lý và thực tiễn việc
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị
trường chứng khoán tập trung ở Việt nam theo quy định tại Luật Chứng khoán số
70/QH11 năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành
hiện nay, trong đó tập trung chủ yếu vào nghiên cứu các quy định công nhận quyền
và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Các quyền của nhà đầu tư
với tư cách là cổ đông của công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và
các văn bản hướng dẫn thi hành không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận văn này.
5. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung.
5
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài lời mở đầu và kết luận, luận văn bao gồm 3 chương
Chương 1: Khái quát chung về thị trường chứng khoán tập trung và bảo vệ
quyền nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung
Chương 2: Thực trạng bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư chứng khoán
không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung trong pháp luật chứng
khoán Việt nam
Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả pháp luật
chứng khoán trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư chứng khoán không
chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung.
6
Chương 1
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TẬP TRUNG
VÀ PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
KHÔNG CHUYÊN NGHIỆP TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
TẬP TRUNG
1.1 . Khái niệm, đặc điểm, bản chất của thị trường chứng khoán tập trung
Thị trường chứng khoán tập trung có thể được hiểu một cách chung nhất là:
một thị trường mà trong đó việc giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện tại
địa điểm cố định về mặt địa lý. Địa điểm này được gọi là sàn giao dịch chứng
khoán, là nơi mà các thành viên thị trường tiến hành các giao dịch với chứng khoán
được phép niêm yết và giao dịch tại thị trường [35, tr.125]. TTCKTT được tổ chức
bởi sở giao dịch hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán. Các tổ chức này không sở
hữu chứng khoán, không mua bán các loại chứng khoán mà chỉ cung cấp các dịch
vụ kỹ thuật, tạo điều kiện cho hoạt động mua bán chứng khoán, giám sát các hoạt
động giao dịch để bảo đảm các hoạt động mua bán chứng khoán diễn ra trong
khuôn khổ pháp luật.
Ở Việt nam thời kỳ đầu của sự phát triển TTCK, khái niệm thị trường chứng
khoán tập trung hầu như được đồng nhất với khái niệm thị trường chứng khoán.
Nghị định số 48/1998/NĐ-CP quy định về chứng khoán và TTCK định nghĩa “giao
dịch chứng khoán là việc mua bán chứng khoán trên thị trường giao dịch tập
trung” [13, Điều 2]. Điều này không đúng về bản chất vì việc giao dịch chứng
khoán bất kể nó được diễn ra tại một địa điểm hay hệ thống thông tin tập trung hay
không thì đó vẫn là giao dịch chứng khoán. Ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa hành vi
giao dịch chứng khoán và phương thức tổ chức cho việc diễn ra hành vi đó. Luật
chứng khoán hiện hành không đưa ra định nghĩa thị trường chứng khoán tập trung
mà chỉ có khái niệm thị trường giao dịch chứng khoán, theo đó “Thị trường giao
dịch chứng khoán là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh
mua bán và giao dịch chúng khoán” [29, Điều 18]. Theo định nghĩa này thị trường
7
giao dịch chứng khoán bao gồm thị trường tập trung và phi tập trung. Xét về mặt
hình thức khái niệm này có thể đúng, tuy nhiên xét về mặt bản chất thì chưa hoàn
toàn chính xác. Thị trường giao dịch chứng khoán có thể là thị trường tập trung
hoặc phi tập trung. Khi các lệnh giao dịch (lệnh mua và lệnh bán) được tập trung tại
địa điểm nhất định thì đó chính là dấu hiệu đặc thù của thị trường giao dịch tập
trung. Ở thị trường giao dịch phi tập trung (thị trường OTC) thì ngược lại, các lệnh
giao dịch không được tập trung và không được thực hiện tại địa điểm nhất định mà
thông qua hệ thống trao đổi thông tin do nhà tổ chức thị trường tạo lập ra. Điều đó
có nghĩa thị trường giao dịch có thể được tổ chức tại địa điểm giao dịch nhất định
hoặc không tại địa điểm giao dịch nhất định (thông qua hệ thống trao đổi thông tin
chứ không phải bản thân thị trường giao dịch là địa điểm hay hình thức trao đổi
thông tin). Đây chỉ là những cách thức tổ chức của thị trường mà thôi. Như vậy, có
thể hiểu một cách chung nhất, thị trường chứng khoán tập trung là một thị trường
mà trong đó việc giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện tại địa điểm cố
định về mặt địa lý.
Thị trường chứng khoán tập trung có một số đặc điểm chính sau:
Một là: là thị trường có địa điểm giao dịch cố định. Địa điểm giao dịch cố
định ở đây là sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán.
Hai là: phương thức giao dịch chủ yếu là đấu giá hoặc ghép lệnh để hình
thành nên giá cả cạnh tranh tốt nhất trong các phiên giao dịch.
Ba là: Hàng hóa giao dịch tại thị trường là những hàng hóa có chất lượng
cao. Đây là những chứng khoán đã được kiểm định, đủ điều kiện niêm yết và giao
dịch, thường là chứng khoán của những công ty lớn, có danh tiếng, và đã qua thử
thách của thị trường. Các điều kiện về niêm yết do sở giao dịch chứng khoán, trung
tâm giao dịch chứng khoán ban hành này được coi như bộ lọc để lọc những chứng
khoán kém chất lượng, thông qua đó bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và góp phần giúp
thị trường hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn niêm yết thường
chú trọng đến thâm niên hoạt động, thành tích lợi nhuận, quy mô cổ phần, và lượng
cổ đông. Người đầu tư chứng khoán, dù mạo hiểm vì tính rủi ro vốn có của thị
8
trường chứng khoán, nhưng khi mua chứng khoán trên TTCKTT đã được xem như
là họ được bảo vệ tối đa so với mua ở các thị trường chứng khoán khác, vì chứng
khoán ở đây đã được sàng lọc
Bốn là: là thị trường có tính tổ chức cao. Thành viên tham gia thị trường có
giới hạn, bao gồm các chủ thể tham gia quản lý, điều hành và các định chế trung
gian, đây đều là những tổ chức chuyên nghiệp và phải đạt đủ năng lực, điều kiện,
được cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán và TTCKTT cấp phép
thành viên mới được tham gia thị trường. Các chủ thể khi tham gia thị trường đều
phải đảm bảo tuân thủ những quy định và nguyên tắc nhất định và đều được điều
chỉnh thống nhất bằng hệ thống các quy định pháp luật, quy chế của Sở giao dịch
chứng khoán nhằm tạo nên một quá trình hợp tác hiệu quả, thông suốt.
Năm là: là thị trường được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chặt chẽ.
Với tính chất là một thị trường nhạy cảm, nhiều rủi ro và có khả năng tác động, ảnh
hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế-xã hội của mọi quốc gia, TTCKTT đòi hỏi phải
có sự quản lý chặt chẽ và minh bạch. Vì vậy để điều hành quản lý TTCKTT Nhà
nước đã ban hành một hệ thống đầy đủ các văn bản pháp luật mà tất cả các chủ thể
tham gia thị trường đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Mọi hành vi vi phạm đều có
những chế tài thích hợp. Đó là sự điều chỉnh của pháp luật đặc thù –pháp luật chứng
khoán, sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp về các vấn đề tổ chức và phân chia lợi
nhuận, sự điều chỉnh của pháp luật khác về các vấn đề có liên quan. Ngoài ra
TTCKTT còn chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ của UBCKNN với tư cách cơ
quan quản lý nhà nước về chuyên ngành.
Sáu là: là thị trường hoạt động dựa trên nguyên tắc trung gian. Đây là đặc
điểm nổi bật của TTCKTT so với các thị trường khác. Nguyên tắc trung gian
nhằm đảm bảo các loại chứng khoán được giao dịch là chứng khoán thực, đảm
bảo lợi ích nhà đầu tư, và để TTCKTT hoạt động lành mạnh, liên tục, hợp pháp
và phát triển. Theo nguyên tắc này thì mọi giao dịch tên thị trường đều phải được
thực hiện qua trung gian là các thành viên thị trường. Các nhà đầu tư không được
đặt lệnh mua, bán trực tiếp mà phải gián tiếp thông qua các trung gian là thành
viên của thị trường này.
9
Thị trường chứng khoán tập trung hoạt động theo nguyên tắc công bằng,
minh bạch, công khai thông tin, tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh dịch vụ
chứng khoán của tổ chức, cá nhận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
1.2 . Các chủ thể trên thị trường chứng khoán tập trung
Chủ thể phát hành: Chủ thể phát hành là các tổ chức thực hiện huy động
vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nhà phát hành có thể là Chính phủ, chính
quyền địa phương, các doanh nghiệp và một số tổ chức khác như quỹ đầu tư, tổ
chức tài chính trung gian
Chính phủ và chính quyền địa phương là chủ thể phát hành các loại chứng
khoán: trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình, tín phiếu
kho bạc; nhằm huy động tiền bù đắp thâm hụt ngân sách, thực hiện những công
trình quốc gia lớn, hoặc để huy động tiền đầu tư cho các công trình hay chương
trình kinh tế, xã hội của địa phương.
Các công ty là chủ thể phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu công ty để huy
động vốn đầu tư phát triển sản xuất
Các tổ chức tài chính là chủ thể phát hành các công cụ tài chính như các trái
phiếu, chứng chỉ hưởng thụ phục vụ cho mục tiêu huy động vốn và phù hợp với
đặc thù hoạt động của họ theo Luật định [36, tr.24]
Nhà đầu tư: Chủ thể đầu tư là những tổ chức, cá nhân có tiền, thực hiện việc
mua bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận.
Các tổ chức kinh doanh chứng khoán: là các định chế tài chính trung gian
làm nhiệm vụ thực hiện các giao dịch chứng khoán, là cầu nối giữa tổ chức phát
hành và nhà đầu tư, bao gồm công ty chứng khoán, các ngân hàng thương mại.
Công ty chứng khoán: Các công ty này hoạt động với nghiệp vụ chính là
bảo lãnh phát hành, tự doanh, môi giới, quản lý danh mục đầu tư và tư vấn đầu
tư chứng khoán.
Các ngân hàng thương mại: Các ngân hàng thương mại có thể sử dụng vốn
để đầu tư chứng khoán nhưng chỉ được trong giới hạn rất định và phải thành lập
công ty chuyên biệt kinh doanh chứng khoán để bảo vệ ngân hàng trước những biến
động của giá chứng khoán.
10
Các tổ chức có liên quan đến thị trường chứng khoán: bao gồm cơ quan quản
lý nhà nước, sở giao dịch chứng khoán, hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán.
Cơ quan quản lý nhà nước: Cơ quan này được thành lập để thực hiện chức
năng quản lý, giám sát của nhà nước đối với thị trường chứng khoán. Cơ quan quản
lý, giám sát thị trường chứng khoán được hình thành dưới nhiều mô hình, hoạt động
khác nhau, có nước do các tổ chức tự quản thành lập, có nước cơ quan này trực
thuộc chính phủ, nhưng có nước lại kết hợp quản lý giữa các tổ chức tự quản và nhà
nước. Nhưng nhìn chung, cơ quan quản lý này do Chính phủ của các nước thành lập
nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của người đầu tư và bảo đảm cho thị trường chứng
khoán hoạt động lành mạnh, suôn sẻ và phát triển vững chắc. Cơ quan này có những
tên gọi khác nhau, tuỳ từng nước. Tại Trung Quốc có Cơ quan Giám quản chứng
khoán của Quốc vụ viện Trung Quốc [53]. Tại Anh có Uỷ ban đầu tư chứng khoán
(SIB- Securities Investment Board). Ủy ban này là một tổ chức được thừa nhận
trong đạo luật về các dịch vụ tài chính ban hành năm 1986. Tại Mỹ, Uỷ ban chứng
khoán và Giao dịch chứng khoán (SEC - Securities And Exchange Comission) là
một cơ quan của liên bang có tư cách pháp lý thực hiện việc kiểm soát thị trường
chứng khoán. Ở Nhật Bản có Uỷ ban giám sát chứng khoán và Giao dịch chứng
khoán (ESC - Exchange Surveillance Comission) được thành lập vào năm 1992 và
đến năm 1998 đổi tên thành FSA - Financial Supervision Agency, có chức năng cơ
bản là tiến hành điều tra và xử lý các giao dịch gian lận trên thị trường chứng
khoán, do Bộ tài chính Nhật Bản đảm nhiệm. Tại Hàn Quốc có Ủy ban chứng
khoán và giao dịch chứng khoán (ESC-Securities and Exchange Commission) và
Ban Giám sát chứng khoán (SSB – Securities Supervise Board) được đặt dưới sự
giám sát của Bộ Kinh tế- Tài chính. Và ở Việt Nam có Uỷ ban chứng khoán nhà
nước được thành lập theo Nghị định số 75/CP ngày 28/11/1996.
Sở giao dịch chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán thực hiện việc vận
hành thị trường thông qua bộ máy tổ chức bao gồm nhiều bộ phận khác nhau phục
vụ các hoạt động trên sở giao dịch. Ngoài ra Sở cũng ban hành những quy định điều
chỉnh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên sở, phù hợp các quy định của luật
11
pháp và Ủy ban chứng khoán. Xét về hình thức sở hữu, hiện nay trên thế giới sở
giao dịch chứng khoán có thể có các hình thức sở hữu sau đây: Hình thức sở hữu
nhà nước (ví dụ:Sở giao dịch chứng khoán Warsaw, Istanbul ), hình thức sở hữu cổ
phần, có cổ đông là công ty chứng khoán thành viên, ngân hàng thương mại, công
ty bảo hiểm và các tổ chức khác (ví dụ: Sở giao dịch chứng khoán Australia), hình
thức sở hữu thành viên, do thành viên là các công ty chứng khoán sở hữu (ví dụ: Sở
giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, New York, Tokyo, Thái Lan, ) [35, tr.128].
Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán: Hiệp hội các nhà kinh doanh
chứng khoán là tổ chức của các công ty chứng khoán và một số thành viên khác
hoạt động trong ngành chứng khoán, được thành lập với mục đích bảo vệ lợi ích
cho các công ty thành viên nói riêng và cho toàn ngành chứng khoán nói chung.
Hiệp hội này có một số các chức năng chính sau: khuyến khích hoạt động đầu tư và
kinh doanh chứng khoán; ban hành và thực hiện các quy tắc tự điều hành trên cơ sở
các quy định pháp luật về chứng khoán; điều tra và giải quyết tranh chấp giữa các
thành viên; tiêu chuẩn hoá các nguyên tắc và thông lệ trong ngành chứng khoán.
Tổ chức lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán: tổ chức lưu ký và thanh
toán chứng khoán là các tổ chức nhận lưu giữ các chứng khoán và tiến hành nghiệp
vụ thanh toán bù trừ.
1.3 . Khái niệm, phân loại nhà đầu tư chứng khoán
1.3.1. Khái niệm nhà đầu tư chứng khoán
Hiểu một cách chung nhất, nhà đầu tư chứng khoán là những cá nhân, tổ
chức, bỏ vốn để sở hữu chứng khoán vì mục đích kiếm lời. Lợi nhuận kỳ vọng của
nhà đầu tư có hai dạng:
Một là, nhà đầu tư có được lợi tức do chứng khoán mang lại. Khoản tiền này
do tổ chức phát hành chứng khoán chi trả dưới dạng cổ tức hoặc lãi trái phiếu;
Hai là, nhà đầu tư có thể có được thu nhập từ chênh lệch mua đi, bán lại
chứng khoán trên thị trường.
Khác với các chủ thể tham gia mua bán hàng hóa ở các thị trường hàng hóa
thông thường, nhà đầu tư trên TTCKTT vừa đóng vai trò là người mua vừa là người
12
bán các loại chứng khoán trên thị trường. Trên TTCKTT nhà đầu tư mua các loại
chứng khoán không nhằm mục đích tiêu thụ hoặc sử dụng các loại chứng khoán mà
họ mua về mà nhằm đầu tư thực hiện việc mua đi, bán lại các loại chứng khoán giao
dịch trên thị trường nhằm mục đích kiếm lời từ việc mua bán của mình.
Định nghĩa về nhà đầu tư chứng khoán trong quy định của pháp luật Việt
Nam cũng có những sự khác nhau nhất định. Về khái niệm nhà đầu tư nói chung,
Điều 3.4, Luật đầu tư cũng qui định “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt
động đầu tư…” theo đó có “bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để
hình thành tài sản…” [28, Điều 3, Khoản 4]. Về khái niệm nhà đầu tư chứng khoán
cũng được nhắc đến trong các văn bản pháp luật về chứng khoán, tại nghị định
48/1998/NĐ-CP quy định “Người đầu tư là người sở hữu chứng khoán, người mua
hoặc dự kiến mua chứng khoán” [13, Điều 2, Khoản 22]. Theo khái niệm này thì
nhà đầu tư chứng khoán có thể bao gồm những người đã mua chứng khoán, và đang
nắm giữ chúng hoặc những người có ý định mua chúng. Nghị định 144/2003/NĐ-
CP không đưa ra định nghĩa về nhà đầu tư [14]. Đến luật Chứng khoán 2006 có đưa
ra khái niệm nhà đầu tư chứng khoán như sau “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân Việt
nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán”
[29, Điều 6, Khoản 10]. Với quy định như trên khái niệm nhà đầu tư trên TTCK
Việt nam đã được mở rộng và có nội dung đầy đủ hơn. Theo quy định của Luật
chứng khoán nhà đầu tư trên TTCK Việt nam bao gồm cả tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước có sở hữu tham gia mua bán các loại chứng khoán trên TTCK Việt nam.
Với quy định này, Luật chứng khoán đã quy định đầy đủ hơn về các đối tượng được
phép mua bán chứng khoán trên TTCK Việt nam. Các tổ chức, cá nhân mua bán
chứng khoán ở đây không còn đơn giản là các cá nhân, các tổ chức đơn thuần mà nó
còn được hiểu là các công ty quản lý quỹ, các công ty đầu tư, các quỹ đầu tư
Nhưng đây chỉ là một khái niệm chung chung, mới chỉ ra được các đối tượng có thể
trở thành nhà đầu tư mà chưa chỉ ra được bản chất thực sự của một nhà đầu tư. Còn
trong cuốn sách Giáo trình những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường
chứng khoán của Ủy ban chứng khoán nhà nước, có đưa ra một khái niệm nhà đầu
tư chứng khoán như sau “Nhà đầu tư là những người thực sự mua và bán chứng
13
khoán trên thị trường chứng khoán” [24, tr.27]. “Thực sự” mua và bán ở đây tức là
hành vi mua và bán chứng khoán phải là ý chí thực của nhà đầu tư.
Pháp luật không đề ra những điều kiện cụ thể nào đối với nhà đầu tư, nhằm
đảm bảo khuyến khích tất cả chủ thể có khả năng đầu tư đều có thể trở thành nhà
đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, theo bản chất quan hệ dân sự trong hoạt động đầu
tư chứng khoán, nhà đầu tư phải có những điều kiện sau đây:
(i) Có đủ năng lực hành vi dân sự;
(ii) Có điều kiện về tài chính để tham gia đầu tư;
(iii) Không bị pháp luật hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấm tiến hành
đầu tư chứng khoán.
1.3.2. Phân loại
Trên thị trường chứng khoán, có nhiều cách phân loại nhà đầu tư.
Một là, căn cứ vào quốc tịch, nhà đầu tư được chia thành nhà đầu tư trong
nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước là tổ chức được thành lập
theo pháp luật nước đó và cá nhân mang quốc tịch nước đó. Nhà đầu tư nước ngoài,
là cá nhân mang quốc tịch nước khác và các tổ chức được thành lập theo pháp luật
nước khác. Tại Việt Nam, theo Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 về
tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt nam, nhà
đầu tư nước ngoài bao gồm các tổ chức cá nhân sau:
1. Tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài và
chi nhánh của các tổ chức này tại nước ngoài và tại Việt Nam.
2. Tổ chức thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia
góp vốn của bên nước ngoài trên 49%.
3. Quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán có tỷ lệ tham gia góp
vốn của bên nước ngoài trên 49%.
4. Cá nhân nước ngoài là người không mang quốc tịch Việt Nam,
cư trú tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam [15, Điều 1]
Hai là, căn cứ theo tính tổ chức, người ta phân ra làm nhà đầu tư cá nhân và
nhà đầu tư tổ chức.
14
(i) Nhà đầu tư cá nhân được hiểu là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân
sự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi mua bán chứng khoán của chính
mình, có khả năng tài chính hoặc có đủ số chứng khoán đảm bảo thực hiện nghĩa vụ
thanh toán của mình. Đây là chủ thể nếu được tập hợp có khả năng cung ứng một
khối lượng tiền tệ rất lớn cho thị trường chứng khoán. Khi có vốn nhàn rỗi tạm thời,
họ mua chứng khoán với mục đích đầu tư kiếm lời, còn khi có nhu cầu thu hồi vốn
hoặc khi nhận thấy chứng khoán tăng, giảm giá họ đem bán lại chứng khoán đó để
tránh rủi ro hoặc để hưởng chênh lệch giá. Thực tế cho thấy những nhà đầu tư cá
nhân thường có những quyết định nhanh chóng trong đầu tư chứng khoán và ít khi
theo đuổi những chính sách đầu tư dài hạn.
(ii) Nhà đầu tư có tổ chức hay còn gọi là các định chế đầu tư, là những pháp
nhân thường xuyên mua bán chứng khoán với số lượng lớn trên thị trường như là
một phần hoạt động kinh doanh của mình. Các tổ chức này thường có các bộ phận
chức năng bao gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm để nghiên cứu thị trường và
đưa ra các quyết định đầu tư. Đầu tư thông qua các tổ chức đầu tư có ưu điểm nổi
bật là có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư và các quyết định đầu tư và các quyết
định đầu tư được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm.
Ba là, căn cứ trình độ của các nhà đầu tư, thì nhà đầu tư được phân loại thành
nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Ở đây chúng ta sẽ đi
sâu tìm hiểu đối tượng nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp
(i) Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp: Nhà đầu tư chuyên nghiệp là
những tổ chức như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán và những định
chế tài chính khác như: ngân hàng, công ty tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm thực
hiện việc mua bán chứng khoán một cách chuyên nghiệp, là một trong những lĩnh
vực hoạt động chính. Tính chuyên nghiệp ở đây được thể hiện bởi việc những tổ
chức này có khả năng tiếp cận những thông tin về chứng khoán nhanh nhậy, có
mạng lưới rộng khắp và có khả năng phân tích thông tin tốt hơn các nhà đầu tư
chứng khoán không chuyên. Các quyết định đầu tư đều được thực hiện bởi các
chuyên gia có kinh nghiệm. Các chủ thể này có vai trò quan trọng trong điều tiết
15
mức độ hoạt động của thị trường vì chính họ là những nhà đầu tư lớn nhất và
hành vi của họ có ảnh hưởng lớn nhất đến giá cả chứng khoán được giao dịch
hàng ngày trên thị trường. Luật chứng khoán 2006 quy định “nhà đầu tư chứng
khoán chuyên nghiệp là các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty
cho thuê tài chính, các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, và các tổ chức kinh doanh
chứng khoán” [29, Điều 6, Khoản 11].
(ii) Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp hay còn gọi là nhà đầu tư
chứng khoán nghiệp dư. Đây là những cá nhân, tổ chức thực hiện việc mua bán chứng
khoán không thường xuyên và không chuyên nghiệp với mục đích tạo thêm nguồn thu
nhập bổ sung. Đây là những nhà đầu tư không có quy mô, tổ chức, và chuyên môn cao
trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, nắm số lượng cổ phiếu ít và khả năng tiếp cận thông
tin ít hơn so với các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo quy định của pháp luật Việt Nam,
nếu như “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là các ngân hàng thương mại, công ty
tài chính, công ty cho thuê tài chính, các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, và các tổ chức
kinh doanh chứng khoán” [29, Điều 6, Khoản 11] thì nhà đầu tư không chuyên nghiệp
là những cá nhân, tổ chức khác trong nền kinh tế tham gia đầu tư trên thị trường
chứng khoán. Nhìn chung, những nhà đầu tư không chuyên nghiệp mới là những
nhà đầu tư thực sự cho các tổ chức phát hành, vì họ nắm giữ chứng khoán lâu dài,
ổn định hơn. Số lượng nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên TTCK của chúng ta
hiện nay khá nhiều. Cho đến nay có gần 1,2 triệu tài khoản giao dịch, trong đó nhà
đầu tư chuyên nghiệp chiếm khoảng 7%. Hơn 90% số tài khoản còn lại là nhà đầu
tư không chuyên nghiệp.
1.3.3. Khái niệm, đặc điểm nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp
Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán
tập trung có thể hiểu là cá nhân đầu tư chứng khoán và các tổ chức không phải nhà
đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia đầu tư chứng khoán. Đây là những cá
nhân, tổ chức thực hiện việc mua bán chứng khoán không thường xuyên và không
chuyên nghiệp với mục đích tạo nguồn thu nhập bổ sung.
Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp nhìn chung có một số đặc
điểm chính sau đây:
16
Một là, về chủ thể: Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp là tất cả
các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp hoặc tổ chức mà không phải nhà đầu tư
chứng khoán chuyên nghiệp.
Hai là, về trình độ chuyên môn: Nhà đầu tư không chuyên nghiệp không am
hiểu nhiều về nghiệp vụ đầu tư chứng khoán. Không giống như nhà đầu tư chuyên
nghiệp, là các tổ chức có các bộ phận chức năng riêng tư vấn hiểu biết về TTCK,
(các bộ phận này bao gồm nhiều chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm về thị
trường chứng khoán). Không chỉ là những kiến thức tự trau dồi và kinh nghiệm qua
thực tiễn, những chuyên gia làm việc trong các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên
nghiệp còn phải đạt được chứng chỉ hành nghề do Ủy ban chứng khoán nhà nước
cấp (Theo quyết định số 15/2008/QĐ-BTC thì cá nhân chỉ được hành nghề chứng
khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán
khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ để được
cấp chứng chỉ hành nghề phân tích ngoài các tiêu chuẩn chung như có trình độ đại
học trở lên, đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ cá nhân còn phải có
chứng chỉ chuyên môn như tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành kinh doanh
chứng khoán, phân tích báo cáo tài chính kinh doanh. Còn các nhà đầu tư không
chuyên nghiệp đa phần đều chỉ tham gia chứng khoán như một khoản đầu tư khác
bên cạnh ngành nghề công việc chính của họ, ít có kinh nghiệm trên thị trường
chứng khoán, và ít được đào tạo bài bản.
Ba là, về trang thiết bị và nhân lực: Những nhà đầu tư nghiệp dư đa phần
không có những trang thiết bị cần thiết chuyên dụng cho việc nghiên cứu, đầu tư
chứng khoán như hệ thống máy tính, trụ sở, nhân viên am hiểu chuyên môn chứng
khoán. Đây là một điểm khác biệt khá rõ so với các định chế đầu tư chứng khoán
chuyên nghiệp. Điều này cũng phần nào lý giải khoảng cách về sự hiểu biết chứng
khoán giữa những nhà đầu tư nghiệp dư và các định chế chuyên nghiệp. Những
trang thiết bị, nhân lực chuyên dùng đó có nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, xử lý các
dữ liệu thu thập được để tạo ra các báo cáo nghiên cứu được đầu tư nghiêm túc. Để
có thể thu thập và xử lý thông tin, tạo thành những báo cáo này, đòi hòi những
17
khoản đầu tư khổng lồ cho hệ thống thiết bị và nhân lực mà chỉ có các định chế, tổ
chức chuyên nghiệp mới đủ khả năng để trang trải. Ví dụ như các công ty lớn của
New York chuyên kinh doanh chứng khoán, hàng năm dành tới hơn 30 triệu USD
cho trang thiết bị và hoạt động nghiên cứu đầu tư chứng khoán này. Các hãng lớn
sử dụng tới hàng trăm nhà phân tích đầu tư và các trợ lý nghiên cứu để bám sát hoạt
động của hàng trăm công ty đại chúng. Ở Thái Lan, tuy vẫn là một thị trường mới,
nhưng trong một công ty chứng khoán cỡ lớn cũng thường có tới 200 nhân viên
chứng khoán. Ở thị trường Mỹ những hàng cực lớn như Merrill Lynch có tới 13000
nhân viên được tuyển chọn hiểu biết tham gia vào nghiệp vụ chứng khoán, những
công ty nhỏ cũng không dưới 1000 nhân viên [23, tr.50]. Việc nghiên cứu này tập
trung vào ba lĩnh vực chủ yếu: diễn biến tổng thể của thị trường, động thái của từng
khu vực riêng biệt trong thị trường đó, hoạt động của từng công ty trong khu vực.
Còn đối với những nhà đầu tư nghiệp dư, họ đơn giản chỉ là tự thu thập những
thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ công ty chứng khoán và tổ
chức niêm yết, sự phân tích và đầu tư mang tính cá nhân, không dành toàn bộ thời
gian và công sức của mình để theo sát các diễn biến chứng khoán, không quá coi
trọng và cũng không có đủ số vốn để đầu tư một hệ thống thiết bị và nhân lực quy
mô, bài bản, chỉ tập trung vào việc nghiên cứu phân tích chứng khoán như vậy.
Bốn là về nguồn vốn đầu tư. Đa số nhà đầu tư không chuyên nghiệp có
nguồn vốn đầu tư hạn hẹp. Tất nhiên không phủ nhận có một số nhà đầu tư nghiệp
dư có số vốn đầu tư lớn, tuy nhiên số lượng những nhà đầu tư này không nhiều.
Nguồn vốn này từ vốn nhàn rỗi do tiết kiệm hoặc từ đầu tư kinh doanh, thừa kế
khác mà chưa có mục đích sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi nguồn vốn đó dành để
đầu tư chứng khoán thì cũng không quá nhiều trên tổng số tiền mà họ có. Đa phần
do không có mục đích đầu tư lâu dài và có kế hoạch nên họ cũng không có khoản
dự phòng rủi ro. Điều này khác với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, bao giờ cũng
có tiềm lực tài chính lớn hơn, do họ có thể huy động vốn từ nhiều cổ đông. Và
những nhà đầu tư chuyên nghiệp do có mục đích, kế hoạch kinh doanh dài hạn nên
bao giờ cũng dành một khoản vốn để dự phòng rủi ro khi thị trường đi xuống
Năm là, về chiến lược đầu tư: Thường không có tư duy xác định đầu tư lâu
18
dài (thông thường họ chỉ đầu tư dưới 1 năm), họ mong muốn kiếm lời nhanh. Đây
cũng là điểm khác cơ bản với nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ thường có chiến lược
đầu tư lâu dài (trên 1 năm).
Sáu là, tâm lý đầu tư: thiếu bản lĩnh, tâm lý đám đông. Phương thức đầu tư
của nhiều nhà đầu tư nghiệp dư đó là khi chỉ số giá chứng khoán tăng thì ào ào mua
vào, khi chỉ số chứng khoán giảm thì ào ào bán ra để cắt lỗ.
Đây là nhóm nhà đầu tư có vai trò tương đối quan trọng trên thị trường
chứng khoán tập trung ở Việt Nam hiện nay, cần được bảo vệ và tạo điều kiện phát
triển bởi các quy định pháp luật do các lý do sau đây
Một là, xuất phát từ vai trò của nhóm nhà đầu tư này trên TTCKTT ở nước ta
+ Nhà đầu tư không chuyên nghiệp chủ yếu là nhà đầu tư ngắn hạn và thị
trường chứng khoán tập trung không thể thiếu họ. Trên TTCKTT ở nước ta, sự
tham gia của nhóm nhà đầu tư này sẽ làm thị trường trở nên sôi động hơn, từ đó
kích thích sự phát triển của thị trường. Đây là điểm khác, riêng so với TTCKTT
khác trên thế giới. Nếu như ở các nước có TTCKTT phát triển, để thị trường ổn
định ở mức cao như hiện tại, các nước thường có chính sách khuyến khích các nhà
đầu tư nhỏ lẻ tập trung lại để đầu tư thông qua các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy
nhiên ở Việt Nam, TTCKTT vẫn là thị trường mới nổi, đang phát triển, cần sự sôi
động để phát triển lên mức cao hơn, nên bảo vệ và khuyến khích hoạt động của
nhóm nhà đầu tư không chuyên nghiệp này là rất quan trọng, nhằm làm sôi động thị
trường, kích thích thị trường phát triển.
+ Các nhà đầu tư không chuyên nghiệp thường không có lợi thế về tài
chính, nhưng lại là đối tượng đông đảo về số lượng, có xu hướng mua bán ngắn hạn
nhiều hơn. Vì thế, do sự đông đảo và giao dịch thường xuyên, liên tục nên họ cũng
đóng vai trò tạo nên tính thanh khoản cho thị trường.
+ Về bản chất, đây mới là những nhà đầu tư thực sự của thị trường, là
những người nắm giữ chứng khoán sau cùng.
Hai là, do xuất phát từ đặc điểm đã nêu trên của nhóm nhà đầu tư này, họ
phần lớn là những chủ thể không am hiểu về chuyên môn, về nghiệp vụ đầu tư
19
chứng khoán, không có trang thiết bị cần thiết để tìm hiểu về thị trường chứng
khoán, tâm lý lại dễ bị dao động, do vậy là đối tượng rất dễ bị lợi dụng và xâm
phạm quyền lợi. Do vậy pháp luật cần phải phải có các chính sách bảo vệ họ, những
đối tượng yếu thế trên thị trường chứng khoán, để tạo niềm tin cho thị trường, bảo
vệ sự lành mạnh, ổn định, và tạo sự phát triển cho TTCKTT.
1.4. Pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư không chuyên
nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung
1.4.1. Khái niệm
Theo từ điển Tiếng việt, bảo vệ được hiểu là “chống lại mọi sự xâm phạm để
giữ cho nguyên vẹn” [50]. Như vậy, có thể hiểu rằng, bảo vệ là việc Nhà nước công
nhận những quyền lợi, giúp những quyền lợi đó được thực thi trên thực tế, và chống
lại mọi hành vi xâm phạm đến những quyền lợi đó. Trong ý nghĩa của từ bảo vệ, có
bao hàm nghĩa của từ “bảo đảm”. Cũng theo từ điển Tiếng Việt “bảo đảm là làm
cho chắc chắn được thực hiện, duy trì“. Như vậy, bảo vệ quyền lợi đồng nghĩa với
sự bảo đảm nhưng cao hơn một mức, thể hiện ở chỗ Nhà nước thực hiện sự bảo
đảm này một cách chủ động, tức là Nhà nước không chỉ công nhận và duy trì những
quyền lợi đó, mà còn tác động bằng các quy định của pháp luật để những quyền lợi
đó được phát triển và được thực thi một cách có hiệu quả trên thực tế.
Như vậy, pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư không chuyện
nghiệp được hiểu là tổng hợp các quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã
hội phát sinh trong quá trình NĐT không chuyên nghiệp giao dịch trên thị trường
chứng khoán tập trung, nhằm công nhận duy trì các quyền lợi hợp pháp của nhà đầu
tư không chuyên nghiệp và đảm bảo các quyền đó được thực thi trên thực tế.
Pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư không chuyên nghiệp bao gồm hai nội dung
chính sau.
Thứ nhất là, Nhà nước xác lập cơ chế bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chứng
khoán không chuyên nghiệp bằng cách ban hành các quy định mang tính công nhận
quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm nhà đầu tư này trong quá trình đầu tư chứng
khoán. Việc công nhận bằng pháp luật đối với những quyền và lợi ích của chủ thể này