ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
VÕ VĂN DŨNG
TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN
VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Chuyên ngành: LỊCH SỬ TRIẾT HỌC
Mã số : 62.22.80.01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
PGS,TS. TRƯƠNG VĂN CHUNG
TP. HỒ CHÍ MINH- 2015
LỜI CẢM ƠN
Với lòng biết ơn sâu sắc của mình, tôi xin trân trọng cảm ơn Khoa Triết học,
quý thầy/ cô phòng sau đại học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, đã
tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi được học tập và nghiên cứu.
Tôi xin cảm ơn PGS,TS. Trương Văn Chung đã hướng dẫn tôi một cách tận
tình, trách nhiệm và luôn chia sẻ những khó khăn của tôi trong suốt quá trình thực
hiện luận án.
Cuối cùng, tôi muốn thể hiện sự biết ơn đến gia đình, anh em, bạn bè, những
người đã luôn động viên, tin tưởng và tiếp thêm niềm tin cho tôi để hoàn thành việc
học và thực hiện đề tài này.
Xin chân thành cảm ơn!
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 5 năm 2015
Người thực hiện đề tài
Võ Văn Dũng
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan nội dung trong luận án này là công trình do tôi nghiên
cứu dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Trương Văn Chung. Kết quả nghiên cứu
là trung thực và chưa được ai công bố.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 5 năm 2015
Người thực hiện
VÕ VĂN DŨNG
i
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU 1
Chương 1: ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN HÌNH
THÀNH TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN 10
1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI CỦA SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG
CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN 10
1.1.1. Sự chuyển biến to lớn về trật tự, thể chế xã hội thời Xuân Thu - Chiến
Quốc là điều kiện hình thành tư tưởng chính trị thời Tiên Tần 10
1.1.2. Sự băng hoại về luân lý đạo đức xã hội thời Xuân Thu - Chiến Quốc, là
một điều kiện góp phần hình thành tư tưởng chính trị thời Tiên Tần 28
1.2. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI
TIÊN TẦN 33
1.2.1. Văn hóa và tư tưởng truyền thống Trung Quốc là cơ sở lý luận của sự
hình thành tư tưởng chính trị thời Tiên Tần 33
1.2.2. Quan điểm về con người và bản tính con người, là một trong những cơ
sở hình thành tư tưởng chính trị thời Tiên Tần 44
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 52
Chương 2: NỘI DUNG VÀ ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH
TRỊ THỜI TIÊN TẦN 54
2.1. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN 54
2.1.1. Tư tưởng về thể chế chính trị thời Tiên Tần 55
2.1.2. Quan điểm về mối quan hệ giữa nhà nước với dân trong tư tưởng chính
trị thời Tiên Tần 74
2.1.3. Quan điểm về phương pháp trị nước trong tư tưởng chính trị thời Tiên Tần 87
2.2. ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN 112
2.2.1. Tư tưởng chính trị thời Tiên Tần mang tính thống nhất về mục đích
nhưng đa dạng và phong phú về đường lối, phương pháp 112
2.2.2. Tư tưởng chính trị thời Tiên Tần là sự thống nhất chặt chẽ giữa thần
quyền và vương quyền 117
2.2.3. Tư tưởng chính trị thời Tiên Tần gắn liền với những giá trị đạo đức, luân lý 119
ii
2.2.4. Các nhà tư tưởng chính trị thời Tiên Tần xem dân như một thực thể chính trị 121
2.2.5. Tư tưởng chính trị thời Tiên Tần phản ánh tư tưởng đại Hán, lấy tộc
Hán làm hạt nhân 124
2.2.6. Tư tưởng chính trị thời Tiên Tần mang tính nhân văn 126
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 129
Chương 3: GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ CỦA TƯ
TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ
NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 131
3.1. GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN
TẦN 131
3.1.1. Những giá trị cơ bản của tư tưởng chính trị thời Tiên Tần 131
3.1.2. Những hạn chế cơ bản của tư tưởng chính trị thời Tiên Tần 154
3.2. VẤN ĐỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở
VIỆT NAM HIỆN NAY 163
3.3. BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN ĐỐI VỚI
VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM HIỆN NAY 173
3.3.1. Bài học thứ nhất rút ra từ tư tưởng chính trị thời Tiên Tần là xây dựng
nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần luật pháp là tối
thượng 174
3.3.2. Bài học thứ hai rút ra từ tư tưởng chính trị thời Tiên Tần là người lãnh
đạo nhà nước mẫu mực phải được sự tin yêu của quần chúng nhân dân 186
3.3.3. Bài học thứ ba rút ra từ tư tưởng chính trị thời Tiên Tần là mọi chủ
trương, chính sách của nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam; trong đó
phải bảo vệ được lợi ích của nhân dân 192
3.3.4. Bài học thứ tư rút ra từ tư tưởng chính trị thời Tiên Tần là xây dựng mối
quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa nhà nước với nhân dân 200
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 208
KẾT LUẬN CHUNG 210
TÀI LIỆU THAM KHẢO 214
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ngay từ thời cổ đại, các nhà tư tưởng chính trị đã có những tư tưởng tiến bộ
nhằm ổn định chính trị - xã hội đương thời. Đặc biệt ở Trung Quốc, tư tưởng chính
trị thời Tiên Tần ra đời trong lòng xã hội có nhiều biến đổi sâu sắc: sự tan rã của
chế độ nô lệ kiểu phương Đông sang chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Sự
biến đổi đó đã làm cho xã hội rơi vào đại loạn, chính trong xã hội đó đã nảy sinh
một loạt các nhà tư tưởng mà lịch sử đã gọi đây là thời kỳ “bách gia chư tử”. Các
học phái thời kỳ này đứng trên lập trường khác nhau, đại diện cho các tầng lớp xã
hội khác nhau. Chính vì thế, họ đưa ra cách lý giải khác nhau về nguyên nhân dẫn
đến xã hội loạn lạc và đưa ra các giải pháp khác nhau để giải quyết những vấn đề
của xã hội nhằm cứu đời, cứu người. Tư tưởng chính trị thời kỳ này, mặc dù vẫn
còn nhiều hạn chế do điều kiện lịch sử nhưng nó vẫn còn có những giá trị lịch sử
nhất định. Những giá trị trở thành bài học bổ ích đã từng được Chủ tịch Hồ Chí
Minh tiếp thu, kế thừa có chọn lọc và phê phán trong quá trình xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng với các lĩnh vực khác, chính trị là một trong những lĩnh vực cơ bản, có
vai trò, có mối liên hệ và sự tác động, ảnh hưởng chi phối đến tất cả các lĩnh vực
của đời sống xã hội. Một xã hội phát triển hài hòa, bền vững là xã hội phải có sự
phát triển đồng bộ giữa các yếu tố như kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội; trong đó
đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Muốn phát triển chính trị thì cần có khoa học về chính
trị và triết học chính trị. Tư tưởng chính trị với tư cách là sự phản ánh các hiện
tượng xã hội, gắn bó mật thiết với sự tồn tại của xã hội và nhà nước có giai cấp; là
sự phản ánh mối quan hệ giữa các giai cấp, các mối quan hệ giữa nhà nước với
nhân dân. V.I.Lênin cho rằng, lịch sử tư tưởng chính trị là lịch sử của quá trình thay
thế của tư tưởng, do đó là lịch sử đấu tranh tư tưởng. Nghiên cứu lịch sử tư tưởng
chính trị là một nhân tố cần thiết cho việc nghiên cứu nền chính trị đương đại.
Chúng ta không thể hiểu hết hiện thực đương đại nếu không nghiên cứu về những
2
tư tưởng trong các thư tịch chính trị ở những mốc son lịch sử của nhân loại. Việc nghiên
cứu kỹ lưỡng, khách quan các khía cạnh khác nhau về tư tưởng chính trị trên thế giới sẽ
góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị Việt Nam.
Việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đặt dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên tinh thần dân chủ mácxit đồng
thời phải xuất phát từ truyền thống đại đoàn kết dân tộc, dân bản trong lịch sử Việt
Nam. Xây dựng nhà nước Xã hội chủ nghĩa luôn chú trọng vai trò, vị trí của quần
chúng nhân dân trong việc xây dựng và phát triển đất nước là một điều cấp thiết.
Tuy nhiên, cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công
nghệ thì việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ có
ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế tập trung, quan liêu, bao cấp
sang nền kinh tế thị trường ở nước ta là việc làm mới mẻ và chưa có tiền lệ trong
lịch sử. Việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong
những năm gần đây mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng cũng tồn tại
không ít khó khăn, bất cập thậm chí có cả sai lầm, “bộ máy quản lý nhà nước các
cấp, nhất là ở cơ sở còn yếu kém. Tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách
nhiệm ở một bộ phận công chức, nhất là ở các cơ quan trực tiếp giải quyết công
việc của dân và doanh nghiệp chậm khắc phục. Mô hình tổ chức chính quyền địa
phương, nhất là tổ chức hội đồng nhân dân, còn những điểm bất hợp lý. Cải cách
hành chính chưa đạt yêu cầu” [39, 64]. Việc xác định đúng những hạn chế để đưa
ra biện pháp khắc phục là một yêu cầu cấp thiết đối với nhà nước pháp quyền Việt
Nam hiện nay.
Đảng ta đã xác định “coi trọng công tác tư tưởng, công tác nghiên cứu lý luận,
tổng kết thực tiễn, xây dựng nền tảng tư tưởng, lý luận vững chắc cho sự nghiệp đổi
mới” [39, 71]. Muốn vậy thì phải “đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước
đi, hình thức và cách làm phù hợp. Phải đổi mới từ nhận thức, tư duy đến hoạt động
thực tiễn; từ kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại đến tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội; từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đến hoạt động
3
cụ thể trong từng bộ phận của hệ thống chính trị” [39, 70] nhằm xây dựng bộ máy
nhà nước trong sạch, vững mạnh, gắn với dân, thể hiện đúng ý chí và nguyện vọng
của nhân dân, đảm bảo mọi hoạt động của nhà nước đều phải xuất phát từ dân, phát
huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Thêm vào đó chúng ta phải tổng kết từ thực
tiễn, nghiên cứu lý luận. Mặt khác, phải kế thừa những giá trị tinh hoa văn hóa của
tư tưởng nhân loại về xây dựng bộ máy nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, việc
tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại sẽ là một trong những điều kiện quan
trọng cho sự tiến bộ của một dân tộc và những giá trị tiến bộ mà chúng ta cần tiếp
thu sẽ là điều kiện để đổi mới tư duy, kiện toàn bộ máy nhà nước có hiệu quả. Đó
chính là những tri thức và kinh nghiệm phong phú mà nhân loại đã sáng tạo ra.
Tư tưởng chính trị thời Tiên Tần là một trong những tinh hoa văn hóa của
nhân loại, đã từng ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội Việt Nam. Một trong những điều
hay của tư tưởng chính trị thời Tiên Tần là thượng tôn pháp luật, lấy dân làm gốc
của nước, quan phải gần dân, xây dựng nhà nước đặt trong sự gắn bó mật thiết với
nhân dân, v.v đáng để chúng ta kế thừa như những bài học lịch sử bổ ích trong
công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Với những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Tư tưởng chính trị thời Tiên
Tần với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện
nay” làm luận án tiến sĩ triết học của mình.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài
Tư tưởng chính trị thời Tiên Tần có giá trị lớn, không những cho các triều đại
phong kiến trước đây mà cho đến hôm nay, tư tưởng đó vẫn còn thu hút được sự
quan tâm của các nhà nước hiện đại. Chính vì thế, nó đã thu hút được đông đảo sự
quan tâm của các nhà khoa học không chỉ ở Trung Quốc mà ngay cả ở Việt Nam và
các nước lân cận; có thể khái quát các công trình nghiên cứu đó qua các chủ đề sau:
Thứ nhất, các công trình nghiên cứu về tư tưởng chính trị thời Tiên Tần trong
lịch sử triết học Trung Quốc.
Trong các công trình nghiên cứu tư tưởng chính trị trong triết học Trung
Quốc, các tác giả đã nghiên cứu một cách tổng hợp nhất, tiêu biểu nhất về xã hội
4
Trung Quốc thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc như: “Đại cương lịch sử triết học Trung
Quốc” (Doãn Chính chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002). Công trình
này được tác giả bàn rất nhiều về nội dung chính trị trong lịch sử triết học Trung
Quốc, từ thế kỷ XVIII trước công nguyên đến những năm đầu của thế kỷ XX.
Trong đó, công trình đã tập trung bàn kỹ bối cảnh xã hội Trung Quốc thời kỳ Xuân
thu - Chiến quốc. Tác phẩm không chỉ dừng lại phân tích sâu sắc những tư tưởng
của các nhà triết học Trung Quốc thời kỳ cổ đại nói chung mà còn có những đánh
giá hết sức xác đáng rất có giá trị về tư tưởng chính trị.
“Sử ký Tư Mã Thiên” Nxb Văn học, Hà Nội, 1988, Nhữ Thành (dịch). Công
trình phản ánh những hình tượng điển hình trong lịch sử từ thời Hoàng đế thần
thoại đến (145 TCN) hồi ông sống. Tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực
những biến cố lịch sử thông qua các câu chuyện. Từ đó, tác phẩm cũng lên án sự
tàn bạo của giai cấp thống trị và ca ngợi những nhà tư tưởng lỗi lạc của thời đại.
“Lịch sử triết học Trung Quốc” Phùng Hữu Lan, Nxb Khoa học Xã hội, Hà
Nội, 2006, Lê Anh Minh (dịch), công trình đã trình bày khái quát về lịch sử Trung
Quốc từ thời nhà Chu đến đời nhà Thanh một cách rất hệ thống. Với công trình này
tác giả đã trình bày một cách rõ nét về thời đại, nội dung tư tưởng chính trị của các
trường phái thời Tiên Tần.
“Từ điển triết học Trung Quốc” (Doãn Chính, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2007). Với công trình này, tác giả đã nghiên cứu một cách khá công phu, tập
trung giải thích các nội dung tư tưởng như các trào lưu triết học, các triết gia, các
tác phẩm, các quan điểm tư tưởng qua hệ thống các thuật ngữ, khái niệm và phạm
trù triết học Trung Quốc theo trình tự. Mặc dù đây là công trình dưới dạng từ điển
nhưng tác giả đã nghiên cứu một cách tương đối đầy đủ và khái quát về triết học
chính trị của Trung Quốc nói chung và thời kỳ Tiên Tần nói riêng.
Nghiên cứu về chủ đề này còn có rất nhiều những tác phẩn khác như: “Giáo
trình Lịch sử triết học” (Nxb Giáo dục, 2002); “Lịch sử Trung Quốc năm ngàn
năm” (tập 1, Lân Hán Đạt, Tào Dư Chương, Nxb Trẻ, 2004); “Lịch sử triết học
Trung Quốc” (tập 1, Hà Thúc Minh, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1999), v.v Các công
5
trình khoa học này đã phân tích khái quát các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội
Trung Quốc thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc. Với tư cách là cơ sở khách quan hình
thành nên các trường phái triết học ở Trung Quốc giai đoạn này, các công trình đã
giúp người đọc có cái nhìn toàn thể về thời kỳ Tiên Tần.
Mặt khác, cũng cần nói đến công trình nghiên cứu về giá trị lịch sử như “Triết
lý phương Đông - giá trị và bài học lịch sử” (Doãn Chính, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2005). Công trình nghiên cứu trên hai phương diện, triết lý và bài học lịch
sử. Phương diện những bài học lịch sử trong triết học Trung Quốc cổ đại, về
phương diện này tuy không mới nhưng việc nghiên cứu một cách nghiêm túc, tác
giả đã chỉ ra được những lý giải xác thực, có giá trị khoa học cao.
Những công trình nêu trên đã trình bày hết sức công phu, toàn vẹn về chính trị
thời kỳ Tiên Tần trong triết học. Tuy nhiên, tư tưởng chính trị Tiên Tần trong triết
học vẫn chưa được trình bày theo một hệ thống chặt chẽ và chưa có sự so sánh với
tư tưởng chính trị ở các nền văn minh khác cùng thời.
Thứ hai, các công trình nghiên cứu tư tưởng chính trị thời Tiên Tần trong lịch
sử văn hóa Trung Quốc.
Công trình nghiên cứu về văn hóa Trung Quốc phải kể đến công trình: “Cội
nguồn văn hóa Trung Hoa” (Đường Đắc Dương, chủ biên, Nxb Hội nhà văn,
2003), công trình đề cập đến những nội dung vốn có của văn hóa truyền thống
Trung Quốc như lịch sử hình thành dân tộc Trung Quốc và đặc trưng về địa lý tạo
nên nền văn minh nơi này. Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu nội dung văn hóa
mà còn nêu ra những ý nghĩa của quá khứ đối với hiện tại. Công trình đã khái quát
quá trình phát triển, phân tích ý nghĩa văn hóa lịch sử với hiện tại, từ đó làm rõ
những nội dung đặc sắc văn hóa Trung Quốc tác động đến chính trị và luật pháp.
“Lịch sử văn hóa Trung Quốc” (2 tập, Trần Ngọc Thuận, Nxb Văn hóa -
Thông tin, Hà Nội, 1999), công trình đã trình bày quá trình phát sinh, phát triển,
diễn biến của văn hóa Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử từ thời tối cổ đến
thời cận hiện đại. Qua đó, công trình cũng đã nêu bật được những đặc tính riêng
của nền văn hóa thời Tiên Tần nằm trong tổng thể nền văn hóa Trung Quốc. Từ sự
6
khái quát về văn hóa, công trình đã đề cập đến sự tác động của văn hóa đối với kinh
tế - xã hội, chính trị, tư tưởng, v.v của Trung Quốc thời bấy giờ.
Ngoài ra còn phải kể đến các công trình như: “Lịch sử văn hóa Trung Quốc”
Đoàn Gia Kiệm (chủ biên), Phan Văn Các - Thạch Giang - Trương Chính (dịch),
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1993; “Lịch sử văn minh Trung Hoa” Will Durant
(Nguyễn Hiến Lê dịch), Nxb Văn hóa - Thông tin; “Bách khoa toàn thư văn hóa cổ
điển Trung Quốc”, Nguyễn Tôn Nhan, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002;
v.v Tất cả các công trình này giúp chúng ta thấy rõ tư tưởng chính trị thời kì Tiên
Tần không tách rời văn hóa đạo đức. Tuy nhiên, các công trình trên vẫn chỉ dừng
lại ở sự khái quát chính trị trong văn hóa Trung Quốc chứ chưa làm nổi bật được sự
tác động mạnh mẽ của chính trị đến văn hóa.
Thứ ba, các công trình khoa học nghiên cứu về tư tưởng chính trị thời Tiên
Tần riêng biệt trong hệ thống tư tưởng chính trị Trung Quốc.
“Tư tưởng pháp trị của pháp gia với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp
quyền Việt Nam” (Doãn Chính (chủ biên), Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007).
Công trình nghiên cứu về quan điểm trị nước của trường phái Pháp gia một cách
khá mạch lạc và hệ thống, từ đó phân tích ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
“Triết học chính trị Khổng giáo” (Trần Quang Thuận, Nxb Văn hóa, Sài Gòn,
2002). Tác phẩm đã trình bày khá hoàn chỉnh về sự hình thành và những nội dung
chủ yếu về tư tưởng chính trị như tâm lý, xã hội và chính trị của người Trung Quốc
liên quan đến phát triển văn hóa và đường lối chính trị.
Ngoài ra còn phải kể đến các công trình như: “Vấn đề quản lý nhà nước
trong Triết học Trung Quốc cổ đại” (Nguyễn Anh Tuấn, Nxb Đại học quốc gia, Tp
Hồ Chí Minh, 2002; “The oxford companion to politics of the world” (Sách hướng
dẫn về các nền chính trị trên thế giới. (Joel Krieger (Editor in Chief) New York
Oxford OXFORD UNIVERSITY PRESS 1993); “The Problems of Philosophy”
(những vấn đề triết học), (William P. Alston (Author), Richard B. Brandt
Publisher: Allyn & Bacon, Incorporated 1974 ), v.v Các công trình không chỉ đề
cập đến những tư tưởng chính trị ở Trung Quốc từ thời kỳ cổ đại mà cả ở thời kỳ
7
hiện đại; từ đó rút ra ý nghĩa lịch sử trong việc xây dựng Nhà nước tương lai; “Nho
gia với Trung Quốc ngày nay” (Vi Chính Thông, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1996). Tác phẩm này đã có cái nhìn khách quan hơn những hạn chế về hệ thống
chính trị Trung Quốc khi cho rằng các nhà tư tưởng chính trị của Nho gia đã hình
thức hóa tư tưởng dẫn đến xiềng xích tư tưởng chính trị. Do vậy, tư tưởng của các
nhà chính trị Nho gia mang hình thức “nội thánh, ngoại vương”.
Nhìn chung, các công trình trên đã chỉ ra được nguồn gốc ra đời, nội dung tư
tưởng, và những đánh giá có tính chất phê phán các nhà tư tưởng chính trị thời Tiên
Tần một cách riêng biệt.
Kế thừa và phát triển các công trình trên, chúng tôi sẽ trình bày nội dung tư
tưởng chính trị thời Tiên Tần một cách có hệ thống; đồng thời đưa ra cách đánh giá
riêng về giá trị lịch sử, nhằm nêu ra những suy nghĩ về bài học lịch sử đối với việc
xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu đề tài
Mục đích của luận án: Trên cơ sở làm rõ hệ thống tư tưởng chính trị thời kỳ
Tiên Tần qua một số nội dung cơ bản như tư tưởng về thể chế, quan điểm về mối
quan hệ giữa nhà nước với nhân dân, quan điểm về phương pháp trị nước. Luận án
rút ra giá trị, hạn chế và những bài học lịch sử từ tư tưởng chính trị thời Tiên Tần
đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Nhiệm vụ của luận án: Để đạt được mục đích trên, luận án phải thực hiện
những nhiệm vụ sau: Thứ nhất, khái quát điều kiện lịch sử- xã hội và cơ sở lý luận
hình thành tư tưởng chính trị thời Tiên Tần. Thứ hai, trình bày những nội dung và
đặc điểm cơ bản của tư tưởng tư tưởng chính trị thời Tiên Tần. Thứ ba, trên cơ sở
phân tích những nội dung và đặc điểm cơ bản của tư tưởng chính trị thời Tiên Tần
luận án rút ra giá trị, hạn chế và những bài học lịch sử của tư tưởng chính trị thời
Tiên Tần nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Phạm vi nghiên cứu của luận án
Thời Tiên Tần (khoảng 2205 TCN- 221 TCN) là giai đoạn lịch sử xã hội
8
Trung Quốc cổ đại từ thời nhà Hạ (khoảng 2205 - 1776 TCN), Thương (khoảng
1776 - 1122 TCN), Chu (khoảng 1122 TCN - khảng 770 TCN), Xuân thu - Chiến
Quốc khoảng 770 - 221 TCN) trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, luận án không tìm hiểu toàn bộ nội dung tư tưởng thời Tiên Tần nói
chung mà chỉ tập trung ở một số nội dung cơ bản như: tư tưởng về thể chế chính trị,
mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân, phương pháp cai trị nhà nước qua một số
học phái tiêu biểu như Nho gia, Mặc gia, Pháp gia và Đạo gia, rút ra các đặc điểm
của tư tưởng chính trị thời kỳ Tiên Tần, nêu lên những giá trị và hạn chế; đồng thời
đề xuất những bài học lịch sử từ tư tưởng chính trị thời Tiên Tần đối với việc xây
dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi chỉ giới hạn
nghiên cứu các học phái trên là vì: Thứ nhất, về tính khách quan, các học phái như
Nho gia, Mặc gia, Pháp gia và Đạo gia đã phản ánh hết sức khách quan chính trị -
xã hội thời Tiên Tần; Thứ hai, về tính đại diện, các học phái trên đã đại diện tiêu
biểu cho các trào lưu tư tưởng chính trị thời kỳ này; Thứ ba, các học phái đã phản
ánh hết sức chân thực quá trình đấu tranh của các tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ;
Thứ tư, tư tưởng chính trị của các học phái đã có tầm ảnh hưởng nhất định không chỉ
trong quá khứ mà ngay cả hôm nay nó vẫn còn những bài học bổ ích; Thứ năm, dựa
vào các tài liệu, thư tịch, văn bản đều còn lưu trữ để xác định.
4. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu của luận án
Để thực hiện mục đích, nhiệm vụ đã nêu của luận án, chúng tôi đã dựa trên
thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa
duy vật lịch sử để nghiên cứu và trình bày luận án của mình. Đồng thời, chúng tôi
còn sử dụng hệ thống các phương pháp như: phân tích và tổng hợp, diễn dịch và
quy nạp, logic và lịch sử, so sánh, đối chiếu để nghiên cứu và trình bày luận án.
Trong các phương pháp này, chúng tôi quan tâm và sử dụng chủ yếu nguyên tắc
tiếp cận triết học so sánh. Cách tiếp cận của luận án là cách tiếp cận triết học lịch sử
và triết học chính trị.
5. Cái mới của luận án
Một là, hệ thống hóa tư tưởng chính trị thời Tiên Tần ở một số nội dung cơ
bản như: tư tưởng về thể chế chính trị thời Tiên Tần, quan điểm về mối quan hệ
9
giữa nhà nước với nhân dân trong tư tưởng chính trị thời Tiên Tần, quan điểm về
phương pháp trị nước trong tư tưởng chính trị thời Tiên Tần, rút ra những đặc điểm
cơ bản của tư tưởng chính trị thời Tiên Tần. Hai là, trên cơ sở khái quát hóa nội
dung cơ bản tư tưởng chính trị thời Tiên Tần luận án rút ra những giá trị, hạn chế
và đề xuất một số bài học lịch sử từ tư tưởng chính trị Tiên Tần đối với việc xây
dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
6. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án
Về lý luận, trên cơ sở trình bày hệ thống những tư tưởng cơ bản của các học
thuyết chính trị thời Tiên Tần, ý nghĩa và giá trị bài học lịch sử của nó, luận án góp
phần làm sâu sắc và phong phú thêm nội dung tri thức về lịch sử tư tưởng Trung
Quốc nói chung và tư tưởng chính trị thời Tiên Tần nói riêng.
Đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giai đoạn hiện
nay, những bài học lịch sử rút ra từ tư tưởng chính trị thời kỳ Tiên Tần vẫn còn giá
trị bổ ích và thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, luận án còn có thể làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc nghiên
cứu, giảng dạy môn lịch sử chính trị và triết học Trung Quốc trong các trường đại
học và cao đẳng.
7. Kết cấu của luận án
Phù hợp với mục đích đã nêu, ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục
tài liệu tham khảo, nội dung của luận án được kết cấu thành 3 chương, 7 mục.
10
Chương 1
ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN
1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI CỦA SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG
CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN
1.1.1. Sự chuyển biến to lớn về trật tự, thể chế xã hội thời Xuân Thu -
Chiến Quốc là điều kiện hình thành tư tưởng chính trị thời Tiên Tần
Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội là một tất yếu khách quan, sự biến
chuyển lịch sử từ thời tam đại đến thời Xuân thu - Chiến quốc là một quá trình lâu
dài và phức tạp trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa tinh thần.
Có thể nói rằng, kinh tế và chính trị có vai trò trọng yếu nhất trong đời sống
xã hội. C. Mác đã chỉ rõ "Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng
tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng" [93, 15]. Mâu thuẫn kinh tế, xét
đến cùng, dẫn đến mâu thuẫn trong tư tưởng. Cuộc đấu tranh giai cấp trong chính
trị, tư tưởng là biểu hiện của những mâu thuẫn đối kháng trong lĩnh vực kinh tế.
Theo truyền thuyết, thời kỳ xã hội nguyên thủy ở Trung Quốc trải qua nhiều giai
đoạn khác nhau và được kết thúc vào khoảng thiên niên kỷ thứ II trước Công
nguyên cùng với sự xuất hiện của triều đại nhà Hạ, nhà Hạ đã mở đầu cho giai đoạn
lịch sử tam đại. Mặc dù nhà Hạ không để lại nhiều chứng tích cụ thể nhưng dựa vào
kinh sách mà Khổng Tử để lại cùng các nhà nghiên cứu khẳng định, triều đại này là
sự khởi đầu cho sự xuất hiện chế độ chiếm hữu nô lệ kiểu phương Đông ở Trung
Quốc thời Tiên Tần. Thời nhà Hạ đã tiến dần lên trình độ canh nông, việc sử dụng
công cụ bằng đá, bằng đồng cũng chính là những phát minh vô cùng quan trọng,
tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển sau này.
Sự xuất hiện của ngành chăn nuôi và trồng trọt thời nhà Hạ đã đưa con người
thoát khỏi cái hang tăm tối, ẩm thấp mà họ sinh sống trước đây. Nó đã làm cho con
người không phải đi xa khỏi nơi cư trú để tìm kiếm thức ăn như trước. Tuy nhiên,
sản xuất trong thời kỳ này chỉ dừng lại hình thức tự túc, tự cấp. Do vậy, trong xã hội
11
chưa có sự phân hóa giàu nghèo. Quá trình canh tác nông nghiệp thời nhà Hạ diễn ra
hoàn toàn dựa vào tự nhiên, theo hình thức quảng canh. Công cụ lao động để tham
gia sản xuất trong nông nghiệp hết sức thô sơ, chủ yếu là đá và các vật dụng sẵn có
trong tự nhiên. Tuy hình thức trồng trọt và chăn nuôi còn kém phát triển nhưng đã
làm cho đời sống của nhân dân tương đối ổn định. Hình thái tô tem và bái vật linh
cũng mất dần ý nghĩa trong đời sống xã hội, thay vào đó là những quan điểm sùng
bái sức mạnh của lực lượng tự nhiên mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên,
nền kinh tế ở thời kỳ này chăn nuôi vẫn chiếm vị trí quan trọng, nông nghiệp chỉ phát
triển dưới dạng “nương rẫy”. Nền văn minh Trung Quốc là nền văn minh gốc du
mục khởi đầu từ tộc người Hoa Hạ “cư trú ở địa khu Trung Nguyên” [30, 17-18].
Nền kinh tế gốc du mục nhà Hạ tuy ở dạng sơ khai nhưng nó đáp ứng được nhu cầu
của lịch sử lúc bấy giờ. Khi việc canh tác còn phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự
nhiên và sự trù phú của đất đai thì hình thức quảng canh hoàn toàn phù hợp.
Bước qua thời kỳ chiếm hữu nô lệ Ân – Thương, “khoảng đầu thế kỷ thứ
XVIII trước CN, Thành Thang lật đổ vua cuối cùng của nhà Hạ, lập nên nhà
Thương” [17, 15]. Dưới thời nhà Thương, nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi khá
phát triển, quá trình định cư đã dần thay thế cho hình thức du canh du cư thời nhà
Hạ. Nhờ vào lao động sản xuất, con người nhận thức được để có thể trồng trọt thì
phải có nước để tưới, họ tìm cách dẫn nước vào đồng ruộng để thay thế sự trông
chờ vào tự nhiên. Sự xuất hiện của vật ngang giá chung thúc đẩy quá trình trao đổi
trong xã hội. Qua quá trình phân công lao động và sự tách biệt về kinh tế, sản phẩm
lao động trở thành hàng hóa. Hàng hóa ra đời thì tiền tệ cũng xuất hiện, “tiền tệ của
Trung Quốc có nguồn gốc từ thời Ân – Thương” [133, 336] nhưng tiền tệ thời kỳ
này cũng chỉ là hàng hóa và mang tính ngẫu nhiên. Đây là hình thái trao đổi mà con
người dùng một vật ngẫu nhiên để đổi lấy một vật khác mà họ mong muốn. Con
người có thể dùng một vật bất kì để đổi lấy một vật khác ví dụ như bốn con dê có
thể đổi lấy một con trâu. Sự trao đổi này đã biểu thị mầm mống cho sự ra đời của
tiền tệ. Bên cạnh hình thái kinh tế ngẫu nhiên, ở thời kỳ này cũng xuất hiện tiền tệ
được quy ước bằng vỏ sò và các vật phẩm khác được mang ra làm vật ngang giá
12
chung khi trao đổi. Nhưng nhìn chung, chúng đều tồn tại những hạn chế như: chất
lượng của các vật phẩm làm vật ngang giá chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn; sự
không thống nhất vật ngang giá chung giữa các vùng khi trao đổi, mua bán; không
tiện chia ra gộp lại, cất giữ cũng như mang đi.
Đến thời nhà Chu, hình thức quốc hữu hóa ruộng đất hình thành và phát triển.
Tầng lớp quý tộc nhà Chu đã thực hiện chế độ tỉnh điền và chế độ phân phong: “1
dặm vuông là một tỉnh điền, 1 tỉnh điền có 900 mẫu, phóng 4 con lộ chia ra 9 khu
hình chữ tĩnh 井 khu chính giữa là công điền” [73, 375], khu ở giữa là khu các gia
đình chung nhau cày cấy để nộp thuế. Tất cả ruộng đất và nhân dân đều thuộc quyền
của nhà vua. Nhà Chu tiếp tục đẩy mạnh quốc hữu hóa ruộng đất, quá trình này đã
làm cho đất đai ngày càng được mở rộng, “dưới trời rộng lớn không đâu là không
phải đất của vua, đến tận biên giới, chẳng đâu không có bề tôi của vua” [73, 325].
Vua nhà Chu đem đất đai cùng với nô lệ trên đất đó thưởng cho chư hầu và các đại
thần trong triều đình, chư hầu cũng đưa đất đai để thưởng cho các cấp dưới của
mình. Mỗi chức quan đều có một số đất tương ứng với đẳng cấp, lãnh địa mà họ
giành được và có thể được truyền từ đời này sang đời khác, tự do chi phối nhưng
không được mua bán. Tuy nhiên “bất cứ lúc nào thiên tử nhà Chu đều có thể thu hồi
số ruộng đất và nông nô ấy và ban thưởng cho người khác” [133, 306].
Thời kỳ nhà Chu, tiền tệ đúc bằng sắt bắt đầu được lưu hành rộng rãi: “Theo
ghi chép trong Quốc ngữ - Chu ngữ thì năm Cảnh Vương thứ hai mươi mốt (năm
524 trước CN) đã đúc tiền với số lượng lớn” [133, 377]. Thời kỳ nhà Chu cũng đã
xuất hiện cơ cấu tài chính quốc gia được chia làm hai hệ thống lớn; một là hệ thống
địa quan tư đồ (quan quản lý thu nhập); hai là hệ thống thiên quan chủng tề (quan
quản lý việc chi ra). Thiên quan và địa quan quản lý toàn bộ việc ruộng đất, nhân
khẩu, thuế khóa, cống nạp, thu chi, kiểm tra thuế khóa trên toàn quốc với sự phân
công rành mạch, chức trách rõ ràng. Việc thống kê về dân số cũng đã xuất
hiện:“Trong kinh văn thời Tây Chu, đã thấy ghi số lượng của người dân, đầy tớ, nô
lệ mà vua ban thưởng cho chư hầu” [133, 325]. Trong thương nghiệp xuất hiện quan
chuyên coi về thị trường, quản lý tình hình trao đổi mua bán ở chợ. Hàng hóa mua
13
bán chủ yếu trong thời kỳ này là nô lệ, trâu ngựa, binh khí, các vật quý lạ, v.v. Hàng
hóa mua bán xong phải được chấp nhận lập tờ khoán ước, cấp cho hai bên mua và
bán. Thương nhân cũng như thợ thủ công thời kỳ này phần lớn đều phụ thuộc vào quý
tộc chủ nô. Họ kinh doanh và phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của quý tộc.
Sự xuất hiện của kim khí đã làm cho xã hội nhà Chu có nhiều chuyển biến
lớn, trình độ sản xuất bắt đầu lớn mạnh. Đây được xem như một phát hiện có tính
cách mạng thời nhà Chu. Sự phát hiện đồ sắt đã làm cho kinh tế phát triển mạnh
mẽ, hình thức quảng canh được thay thế bởi hình thức “định canh” trong nông
nghiệp. Đồ sắt ra đời không chỉ làm cho kinh tế phát triển mà nó còn làm cho nhận
thức con người phát triển lên hình thức cao hơn. Đồng thời, nó cũng nhanh chóng
đẩy xã hội thoát thai hoàn toàn khỏi hình thái kinh tế nông nghiệp quảng canh,
bước qua thời kỳ “định canh” trong nông nghiệp.
Thời Xuân thu – Chiến quốc, nền kinh tế có nhiều biến động lớn do sự xuất
hiện của nông cụ bằng sắt. Sự kết hợp giữa sức người và điều kiện tự nhiên là hết
sức quan trọng, nó là nguồn gốc của mọi của cải. Quá trình nhận thức đó đã dẫn
đến sự cáo chung của nhận thức cổ truyền. Chế độ ruộng đất thuộc về thiên tử vốn
có trước đây đến nay đã không còn, thay vào đó là sự phân hóa ruộng đất thuộc về
cá thể. Nguyên nhân của sự phân hóa ruộng đất là do một số thương nhân giàu có
đã tìm cách mua lại ruộng đất từ tay địa chủ; các chư hầu cấp cho các tướng lĩnh có
công; do sự mở rộng diện tích canh tác bằng hình thức khai khẩn; v.v… Không ít
chủ nô, trong quá trình chuyển hóa này đã trở thành địa chủ phong kiến mới. Chế
độ tỉnh điền lấy chế độ quốc hữu làm cơ sở bắt đầu tan rã từ đó, chế độ tư hữu
ruộng đất ra đời. Việc thu thuế căn cứ vào diện tích và sự tốt xấu ruộng đất được
hình thành, nó đánh dấu sự xuất hiện chính thức việc thu thuế ruộng đất ở Trung
Quốc. Giữa thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc, tầng lớp “địa chủ mới” đã nhanh chóng
chiếm đặc quyền kinh tế - chính trị. Sự phân công lao động trong sản xuất thủ công
nghiệp cũng đạt tới trình độ chuyên môn hóa cao hơn, thúc đẩy ngành nghề thủ
công nghiệp phát triển. Thương nghiệp phát triển mạnh trong xã hội. Tuy vậy,
trong xã hội vẫn tồn tại tư tưởng “nông bản, thương mạt”. Thương nghiệp không
phải là nghề được xã hội coi trọng, nhưng sức ảnh hưởng và sự chi phối của những
14
người hoạt động trong thương nghiệp đối với nhà nước lại rất lớn.
Sự xuất hiện của cày là sự kiện vạch thời đại trong thời kỳ này. Nếu như trước
đây, con người canh tác chủ yếu dựa vào cơ bắp của người nông dân, dưới hình
thức “sản xuất sơ khai” thì đến nay được thay thế bằng sức kéo của súc vật như
trâu, bò, ngựa, v.v… Tính chất của quan hệ sản xuất đã có những thay đổi mới, con
người đã biết dùng cày để cày xới các thửa đất để canh tác. Nhờ vào lao động sản
xuất, con người có tư duy và sáng tạo. Họ đã rút ra được kinh nghiệm trong sản
xuất nông nghiệp là cần phải có nước để tưới, phân để bón, công để chăm sóc và
hạt giống tốt. Bên cạnh đó, họ cũng nhận thức được việc canh tác không thể thiếu
sức người, đất đai và điều kiện tự nhiên.
Đây là thời kỳ chế độ chiếm hữu “nô lệ kiểu phương Đông” đã suy tàn và chế
độ phong kiến sơ kỳ đang hình thành. Đồ sắt được sử dụng rộng rãi trong nông
nghiệp, sắt dùng để đúc rìu, búa, cuốc, cưa, v.v… Từ sắt, con người đã tạo ra một
loại nông cụ sắc bén hơn, ưu việt hơn nông cụ bằng đồng trước đây. Việc sử dụng
công cụ bằng sắt đã đem lại những thành công lớn lao trong sản xuất nông nghiệp,
nhờ đó mà nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ diện tích canh tác không ngừng
được mở rộng, năng suất tăng lên. Sự xuất hiện của đồ sắt không chỉ làm cho nông
cụ trở nên sắc bén hơn mà còn làm cho thủy lợi phát triển.
Thủy lợi phát triển đánh dấu sự phát triển quá trình nhận thức của con người
lên một tầm cao mới. Nếu như trước đây con người phải trông chờ vào sự ban tặng
những trận mưa của “trời” thì thời kỳ Xuân thu – Chiến quốc con người đã biết chủ
động hơn trong việc trồng trọt. Những dòng nước mát đã tưới khắp ruộng đồng làm
cho con người và các đàn gia súc của họ không còn phải di cư vào những mùa khô.
Nhờ vào việc phát triển thủy lợi cùng với đồ sắt con người đã biết thâm canh tăng
vụ, năng suất được tăng lên. Hệ thống thủy lợi đã phát triển tương đối mạnh để phù
hợp với nhu cầu phát triển của nông nghiệp lúc đó. Thời cổ đại, người Trung Quốc
không chỉ biết dựa vào nguồn nước sẵn có mà họ còn biết sử dụng nguồn nước
ngầm, họ đã biết đào giếng để lấy nước uống. Có thể nói, Trung Quốc là một trong
những quốc gia sử dụng nước ngầm sớm nhất thế giới. Để giữ cho nguồn nước sạch
15
và không bị lấp lại, con người đã biết lấy gỗ và đá để xung quanh giếng, tạo thành
một khung vuông.
Thời Xuân thu sáng tạo ra kỹ thuật luyện gang thép. Ngoài ra, họ còn chế tạo
ra các công cụ từ sắt như lưỡi cày, lưỡi cuốc, liềm hái, v.v… để sử dụng trong sản
xuất và trong gia đình. Qua đó, con người cũng bắt đầu chế tạo ra binh khí như
kiếm, giáo, mâu, thuẫn, v.v… để phục vụ chiến tranh.
Sự chuyển biến về chính trị thời kỳ Tiên Tần đã làm cho nhà Chu suy yếu,
chư hầu quật khởi. Tư tưởng chính trị thời Tiên Tần gắn chặt với các quan điểm tôn
giáo, đạo đức, triết học xen lẫn vào lịch sử của chúng trong bức tranh chung của
bước tiến tinh thần Trung Quốc. Chính quyền và quỷ thần không tách rời nhau
trong triều đại nhà Hạ, vua nhà Hạ là biểu tượng của sự hợp thể giữa chính quyền
và quỷ thần. Cơ cấu quyền lực nhà Hạ được kết cấu giống với hình ảnh của kim tự
tháp mà nội dung cốt lõi của nó là “kính quỷ thần”. Nhà Hạ đã chia đất nước ra làm
chín châu, hàng năm các châu phải nộp cống cho nhà Hạ. Cống phẩm phải nộp dựa
vào các sản vật từng châu như vàng, bạc, da thú, gỗ quý, lông thú, v.v… Việc xây
dựng bộ máy nhà nước nhằm mục đích để bảo vệ lãnh thổ và củng cố địa vị xã hội
của giai cấp quý tộc, đồng thời nó còn dùng để đàn áp sự phản kháng của nhân dân
lao động, để đề phòng sự tấn công của các bộ lạc từ bên ngoài. Nhà Hạ cũng đã biết
xây dựng thành quách. Bên cạnh sự biến chuyển về kinh tế, chính trị thì lĩnh vực văn
hóa tinh thần cũng có sự phát triển.
Nếu như chế độ chính trị nhà Hạ lấy triết lý “trọng tính” và quan điểm “kính
quỷ thần” làm giá đỡ trong việc cai trị thì nhà Thương đã bổ sung triết lý “trọng
trung” và tư tưởng “thiên mệnh”. Cùng với đó là chế độ chiếm hữu nô lệ đã được
xác lập vững chắc và đặt được những bước tiến khá quan trọng. Trong xã hội nhà
Thương tồn tại các đẳng cấp như: quý tộc chủ nô, nông dân và nô lệ. Tuy nhiên,
cần phải nói rõ đây là chế độ nô lệ kiểu phương Đông điển hình, đẳng cấp nô lệ
không phải là lực lượng chính để sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống xã hội. Thời
kỳ nhà Thương tin rằng, sau khi chết đi thì con người sẽ bước sang một thế giới
khác, do vậy cần phải chia của trong gia đình cho những người đã chết. Chính điều
này cho thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ, trọng người con trai trưởng đã tồn tại,
16
nó được bắt nguồn từ hình thức thờ cúng tổ tiên, vai trò sản xuất ra của cải vật chất.
Chữ viết phát triển, nhà Thương đã tạo ra văn tự gọi là văn giáp cốt nhằm ghi lại
việc bói toán và kết quả của việc bói toán lên mai rùa, xương thú.
Hệ thống chính trị thời nhà Chu ngày một hoàn thiện hơn với quan điểm
“trọng văn”, vua nhà Chu xưng là “thiên tử”, là lãnh chúa tối cao nhất, toàn bộ đất
đai và thần dân trong nước đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà vua. Trong tả truyện
(năm Chiêu Công thứ 7, tức 535) chép “Thiên tử quản lý khắp thiên hạ, chư hầu cai
quản đất được thiên tử cấp cho, đó là chế độ xưa. Ở trong cương thổ đâu chẳng là
đất của vua; ăn rau và ngũ cốc của đất ấy, ai chẳng là dân của vua”. Trong triều đại
nhà Chu, việc phân chia các giai cấp trong xã hội thành thiên tử, vua chư hầu,
khanh, đại phu và nhân dân lao động. Tất cả nhân dân lao động và đất đai đều
thuộc sự cai trị của các giai cấp cầm quyền. Vua nhà Chu lấy đất phân phong cho
con em họ và phong làm vua chư hầu, vua chư hầu lại lấy đất chia cho con em họ,
con em chư hầu lại lấy đất phân cho nông dân canh tác. Nông dân không có đất nên
chỉ có cách là làm nông nô cho giai cấp thống trị.
Tuy nhiên, vào thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc, sự thống trị của nhà Chu đã
không còn như trước đây. Sự phân chia quyền lực của các nước chư hầu nhằm mục
đích xưng bá, và do điều kiện kinh tế giữa các nước chư hầu khác nhau, dẫn đến
các nước chư hầu tự chấp chính, tự chế tạo tiền tệ với chế độ to nhỏ, nặng nhẹ khác
nhau. Sự khác nhau về tiền tệ tựu chung được phân thành bốn hệ thống tiền tệ lớn;
đó là đạo tệ, bố tệ, viên tiền và sở tệ. Sự phát triển của vật ngang giá chung đã thúc
đẩy quá trình trao đổi trong xã hội. Thương nghiệp phát triển tạo nên sự giao lưu về
kinh tế, chính trị, văn hóa giữa các vùng miền và các nước. Hàng hóa trên thị
trường cũng vì thế mà không ngừng tăng lên. Hình thức thương nghiệp “công
thương thực quản” thời nhà Chu tỏ ra không còn phù hợp với tình hình mới. Sự
xuất hiện những thương nhân không phải xuất thân từ tầng lớp quý tộc ngày một
nhiều. Nhờ vào quá trình trao đổi hàng hóa đã tạo điều kiện cho tầng lớp thương
nhân đi chu du khắp nước, thậm chí sang các nước khác để buôn bán. Quá trình
trao đổi hàng hóa đã tạo nên mối quan hệ khắng khít giữa thương nhân với vua và
17
quan lại các nước. Thương nhân dựa vào vua các nước để bảo hộ hàng hóa của
mình, còn vua các nước dựa vào thương nhân để vận chuyển lương thảo và nhu yếu
phẩm nhằm phục vụ chiến tranh. Một số thương nhân trong thời kỳ này dựa vào thế
lực đồng tiền để tham gia vào hoạt động chính trị ở các nước, đòi chia sẻ quyền
bính với các nước chư hầu. Thương nhân ngày càng đông đúc, các mặt hàng hóa
như vải, đồ gốm, đồ sắt, lương thực, ngựa, trâu, da thú, cá, muối, v.v… được mang
ra trao đổi mua bán trên thị trường, thậm chí đã xuất hiện tình trạng lũng đoạn, đầu
cơ tích trữ. Quá trình lớn mạnh của thương nhân đã tạo nên tầng lớp quý tộc mới
trong xã hội. Điều này đã dẫn đến sự biến đổi về chính trị trong xã hội. Sự tranh
giành quyền bính của tầng lớp quý tộc mới với tầng lớp quý tộc cũ, sự biến đổi về
kinh tế và quan hệ xã hội đã làm nên sự biến đổi về chính trị - xã hội thời bấy giờ.
Chế độ chính trị đó ảnh hưởng tới phong tục tập quán, ảnh hưởng tới “tam
cương ngũ thường”, tới kỷ cương, trật tự, tôn ti phong kiến, tới vai trò của người
đàn ông trong gia đình, trong xã hội. Chế độ hoàng đế là một bộ phận trong hạt
nhân chính trị - văn hóa truyền thống Trung Quốc, phản ánh và tập trung tư tưởng
chính trị theo hình thức “trong pháp ngoài đức”. Chính trị Trung Quốc có hai đặc
trưng lớn: đức trị, pháp trị và hai đặc trưng này xuyên suốt lẫn nhau. Người quân
tử trong thời kỳ này muốn thực hành đức sáng trong thiên hạ thì phải tu thân, tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đặc trưng của thể chế chính trị đó có ảnh hưởng đến
kiến trúc, đến tâm lý của cư dân, đến cách ứng xử và phong tục tập quán. Văn hóa
Trung Quốc đến thời nhà Chu thì quy mô đã đầy đủ, nhà Chu đã noi gương nhà
Hạ và nhà Thương để xây dựng nên một nền văn hóa rực rỡ. Theo Khổng Tử, văn
hóa nhà Chu quả thực trên có thể nối theo thánh nhân đã qua, dưới có thể mở lối
cho kẻ hậu học. Chính vì thế, trọn đời Khổng Tử đã theo gót lễ nghĩa của nhà
Chu. Khổng Tử nói rằng “triều đại nhà Châu soi xét theo hai triều đại đã qua (nhà
Hạ và nhà Thương) mà chế định lễ tiết. Nhờ vậy, Lễ tiết trở nên rực rỡ biết bao!
Vậy ta theo Lễ tiết nhà Châu” [153, 41(Luận Ngữ)]. Trung Quốc thời kỳ này do
giới quý tộc cai trị; kẻ có quyền cũng là kẻ có tài sản, có tri thức. Giai cấp thống
trị về chính trị, kinh tế cũng là giai cấp trí thức, thế nên giữa quan và thầy không
có sự phân biệt.
18
Để tạo ra sự phù hợp với những biến đổi trong lĩnh vực kinh tế và chính trị thì
văn hóa tinh thần và kỹ thuật thời nhà Hạ cũng có sự chuyển biến nhất định. Đó là
sự xuất hiện của văn tự cùng với việc bước đầu sử dụng công cụ bằng đồng đã đánh
dấu bước tiến của quá trình nhận thức con người thời kỳ này. Cùng với đó là sự
sùng bái tôtem và bái vật linh cũng dần bị thay thế trong văn hóa tinh thần, thay
vào đó là sự sùng bái sức mạnh các lực lượng tự nhiên và việc thờ cúng tổ tiên. Sự
biến chuyển từ tín ngưỡng mang tính tự nhiên đến tín ngưỡng mang đậm tính chất
chính trị xã hội và luân lý đạo đức đã làm cho văn hóa phát triển lên tầm cao mới.
Giai cấp thống trị nhà Hạ đã sử dụng các biểu tượng về tôn giáo để củng cố vị trí
của mình đối với dân chúng.
Văn hóa Trung Quốc là một nền văn hóa động, văn hóa gốc du mục được bắt
đầu từ “Hoa Hạ”. Tiếp cận từ việc hình thành các dân tộc Trung Quốc có thể biết
được lịch sử bắt đầu cuộc đối đầu của người Hoa Di, Hoa tức là Hoa Hạ bao gồm
tộc Hoàng Đế, Viêm Đế, Cao Dương, Nghiêu, Chú Xúc, v.v… là những tộc người
lớn nhất thời kỳ đó. Di bao gồm tộc Di, Man, Địch, Nhung, v.v… Bộ lạc Hoa Hạ
cư trú ở trung và hạ lưu sông Hoàng Hà, được phân làm hai nhánh. Trong quá trình
hình thành và phát triển thì hai nhánh này đối đầu với nhau và tụ họp lại để phát
triển. Vậy Hoa Hạ là sự hợp nhất của ba bộ lạc cổ mà hình thành. Ba bộ lạc này
dựa vào hai loại hình văn hóa lớn Đông - Tây phát triển thành khu vực văn hóa Hà
Nam, Thiển Tây, Long Sơn. Ba bộ lạc này cùng thống nhất phát triển trên cơ sở
văn hóa Long Sơn ở trung và hạ lưu sông Hoàng Hà. Thời kỳ đầu phát triển của
nhà Hạ, Thương, Chu mang tính cộng đồng của nền văn hóa đồng thau vì trên thực
tế rất khó để phân biệt được rõ ràng nền văn hóa của các thời kỳ này. Biểu hiện rõ
nhất trong văn hóa thời kỳ nhà Hạ là nền văn hóa mang tính đại biểu. Hoa Hạ trở
thành chủ thể văn hóa, cũng có thể nói văn hóa thời kỳ này mang tính đẳng cấp.
“Trung Quốc nặng về lễ, nghĩa cho nên gọi là Hạ, có cái đẹp của văn chương nên
gọi là Hoa” [30, 21]. Nhà Hạ luôn cho mình là bộ lạc lớn nhất nên khinh thường
các bộ lạc khác, coi các bộ lạc khác là man di không biết lễ nghĩa. Các triều đại
luôn tìm cách bành trướng để mở rộng lãnh thổ của mình và gây nên các cuộc chiến
tranh không ngừng nghỉ “nó được thai nghén trong sự đấu tranh, hòa trộn lâu dài
19
giữa các dân tộc Trung Quốc” [30, 23] trong suốt chiều dài lịch sử của họ. Các
quốc gia thời Tiên Tần ở Trung Quốc rộng hay hẹp là do sức mạnh quân sự quyết
định. Các cuộc xâm chiếm đất đai để mở rộng lãnh thổ ở Trung Quốc được tiến
hành ở các nước láng giềng và xuống phía nam. Quá trình đó đã làm cho nền văn
hóa gốc du mục ở Trung Quốc hội tụ và giao thoa với các nền văn hóa khác tạo
thành một nền văn hóa đa dạng và phong phú.
Nếu như trước đây, khi đứng trước vũ trụ bao la người ta đã đưa ra những
phán đoán về vũ trụ mang hình thức thần thoại về mối quan hệ giữa trời và đất, về
kết cấu vũ trụ như bàn cổ khai thiên lập địa, nữ Oa vá trời, Hậu Nghệ bắn rụng chín
mặt trời, đó là những quan điểm nguyên thủy nhất về vũ trụ. Vào thời Ân - Thương,
người ta đã biết xác định ngày đông chí, hạ chí và độ dài của một năm hồi qui, căn
cứ vào đó mà các nhà làm lịch tạo nên dương lịch. Dương lịch chủ yếu lấy sự chuyển
động của mặt trời làm căn cứ, còn âm lịch là lấy sự chuyển động của mặt trăng làm
căn cứ. Người ta chia ra một năm có 365 và ¼ ngày, dùng 365 ngày làm một năm và
4 năm tăng thêm một ngày. Trong 12 tháng cứ một tháng 29 ngày gọi là tiểu nguyệt,
đến tháng 30 ngày gọi là đại nguyệt, từ hai đến ba năm lại bổ sung một tháng nhuận
để bổ sung ngày thiếu với một năm quy hồi. Phương pháp chia giờ xuất hiện từ thời
Ân - Thương nhưng cách ghi thời gian chỉ là đại khái dựa vào tự nhiên như mặt trời
và mặt trăng với mục đích là phục vụ nông nghiệp. Nhà Thương đã có phương pháp
đúc đồng nổi tiếng thế giới với trình độ khá tinh xảo. Họ đã đúc chiếc đỉnh vuông Tư
Mẫu Mậu nổi tiếng, nặng 875 kg, cao 1,33m, dài 1,10m, rộng 0,78m, có hình dáng
khỏe khoắn, xung quanh có trang trí hoa văn mặt thú.
Thủ công nghiệp xuất hiện thời nhà Thương đã làm cho đời sống xã hội có
nhiều biến chuyển mới. Thợ thủ công đã phát minh ra loại men như thủy tinh, sản
phẩm đồ gốm được chế tạo ra trong thời kỳ này như chum, vại, bình, chén, bát
đều được tráng men xanh. Mục đích của sản xuất đồ gốm là để tích trữ lương thảo
và nước uống, đồng thời đồ gốm còn được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Kinh tế phát triển, nông phẩm dư thừa, trong lúc đó phương pháp bảo quản lại thô
sơ làm cho sản phẩm nảy mầm, lên men hoặc ẩm mốc. Những nông sản bị mốc đi
hình thành một loại men thiên nhiên, khi gặp nước sẽ trở thành rượu, hiện tượng
20
đó làm cho người ta chủ động ủ ngũ cốc để lấy rượu. Thời Thương - Chu việc
dùng ngũ cốc để nấu rượu đã khá phổ biến. Trong sử sách có chép, vua Trụ nhà
Thương đã cho lính tát hết nước trong hồ, sau đó đổ rượu vào đầy hồ và treo thịt
lên cành cây, tạo nên “ao rượu và rừng thịt”, nhằm mục đích để thỏa mãn sự ăn
chơi của mình.
Trong thời đại nhà Chu thì thế giới quan thần thoại tôn giáo đã chiếm địa vị
thống trị trong đời sống văn hóa tinh thần lúc bấy giờ. Tăng lữ và quý tộc nhà
Chu cho rằng, sự biến hóa của mọi sự vật, hiên tượng trong tự nhiên, xã hội và tư
duy con người đều do sự chi phối của thiên mệnh. Chính quyền, tài sản, danh
phận của con người đến trí tuệ đều do thượng đế ban cho. Thiên tử nhà Chu được
xem là con của trời, cai trị dân chúng trên mặt đất; do vậy, dân chúng phải tuyệt
đối phục tùng theo sự điều hành của thiên tử. Nếu không phục tùng mệnh lệnh
của thiên tử nhà Chu thì trời sẽ trừng phạt nghiêm minh bằng hình thức gieo tai
họa thông qua các hiện tượng tự nhiên như lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh, chết chóc,
v.v… Kế thừa tư tưởng “thiên mệnh”, “quỷ thần” của các triều đại trước đó như:
tất cả mọi việc trong xã hội đến giới tự nhiên đều do sự chi phối của lực lượng
siêu nhiên, nhà Chu đã phát triển lên tầm cao mới cho phù hợp với thực tiễn lịch
sử. Nhà Chu khẳng định, giữa con người và lực lượng siêu nhiên có thể thông đạt
được với nhau thông qua việc thờ cúng và bói toán. “Rút bài học diệt vong của
nhà Thương, phản ánh sự biến đổi của xã hội, nhà Chu cho rằng bên cạnh việc
kính trời, thờ cúng tổ tiên còn phải tu dưỡng đạo đức và bảo hộ dân. Cho nên nhà
Chu đã chủ trương lập đức cùng với lễ, “kính thiên” cùng với “bảo dân”, tạo ra
một bước tiến trong quan niệm về lễ” [20, 332]. Nếu như trước đây lễ có mục
đích là thờ kính quỷ thần và tổ tiên thì đến nay nó đã trở thành quy tắc để duy trì
trật tự đẳng cấp trong xã hội, đồng thời lễ cũng bao hàm trong nó cả ý thức tôn
giáo, chính trị và quy phạm đạo đức.
Vào thời nhà Chu, người ta đã biết làm ra ngói để lợp nhà che nắng, che mưa.
Việc xây dựng các cung điện, nhà ở, v.v… làm bằng gỗ xuất hiện. Việc tìm ra các
vật liệu để làm nhà ở đã làm cho con người bước ra khỏi hang động, cùng với đó là