Tải bản đầy đủ (.doc) (108 trang)

Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (865.01 KB, 108 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
&
TRẦN MAI THANH HẰNG
TIỂU THUYẾT VIỆT NAM VỀ ĐỀ TÀI THẾ SỰ
QUA BIỂN VÀ CHIM BÓI CÁ CỦA BÙI NGỌC TẤN
VÀ GÃ TÉP RIU CỦA NGUYỄN BẮC SƠN
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Hà Nội - 2015
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
&
TRẦN MAI THANH HẰNG
TIỂU THUYẾT VIỆT NAM VỀ ĐỀ TÀI THẾ SỰ
QUA BIỂN VÀ CHIM BÓI CÁ CỦA BÙI NGỌC TẤN
VÀ GÃ TÉP RIU CỦA NGUYỄN BẮC SƠN
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 01 21
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Lê Thị Dục Tú
Hà Nội - 201
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tiểu thuyết là thể loại lớn tiêu biểu cho loại hình tự sự, “cỗ máy cái” của
nền văn học hiện đại. Với đặc trưng thi pháp của mình, bằng phương thức trần
thuật, tiểu thuyết đã chiếm lĩnh và khái quát hiện thực cuộc sống một cách đa
chiều và phong phú. Tiểu thuyết Việt Nam nói chung, tiểu thuyết Việt Nam
đương đại nói riêng không nằm ngoài đặc trưng ấy. Cuộc đổi mới toàn diện bắt
đầu từ 1986 mang đến cho đất nước một luồng sinh khí mới, và văn học – một
bộ phận của thượng tầng kiến trúc cũng như được tiếp thêm nguồn sức sống mới,


thay da đổi thịt. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại từ 1986 đến nay đã gặt hái
được nhiều thành công cả về tư duy nghệ thuật lẫn phương thức thể hiện. Nhìn
chung, tiểu thuyết thời đổi mới đã có sự thay đổi rõ rệt về quan niệm nghệ thuật,
cách thức miêu tả và tái hiện thế giới, cách xác lập hệ ngôn ngữ tự sự của nhà
văn. Nếu như văn học giai đoạn 1945 – 1975 là giai đoạn văn học mang tính sử
thi thì văn học sau 1975, nhất là văn học sau 1986 có thể coi là giai đoạn văn học
mang cảm hứng thế sự - đời tư. Cuộc sống thời hậu chiến đặt ra những vấn đề
mới mẻ đòi hỏi nhà văn phải tham gia giải quyết bằng cách riêng của mình. Đề
tài thế sự trở thành một đề tài hấp dẫn của tiểu thuyết, là mảnh đất đầy hứa hẹn
cho các nhà văn khám phá. Đầu tiên phải kể đến những tên tuổi từng sáng tác
khá vững vàng ở giai đoạn trước đó như Ma Văn Kháng, Lê Lựu…, tiếp đó là
lớp nhà văn trưởng thành sau cuộc chiến như Hồ Anh Thái, Dương Hướng, Tạ
Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ…. Cùng
chung xu thế vận động đó, các nhà văn “cấp tiến” như Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn
Bắc Sơn cũng luôn nỗ lực làm mới mình với ý thức sáng tạo không ngừng.
Không chịu đóng khung với những đề tài cũ mòn, Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Bắc
Sơn – hai cây bút văn xuôi tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại – đã tìm
cho mình một lối đi riêng với đề tài thế sự và đã gặt hái được những thành công
đáng ghi nhận. Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn và Gã tép riu của Nguyễn
Bắc Sơn – hai tác phẩm tưởng như xa nhau về thời gian, khác nhau về không
1
gian nghệ thuật nhưng lại gặp gỡ nhau trong một mạch cảm hứng chung là đề tài
thế sự đã cho ta thấy tính hấp dẫn cũng như sự phát triển mạnh mẽ của đề tài thế
sự trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Tìm hiểu Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc
Tấn và Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn trên phương diện đề tài thế sự giúp ta có
cái nhìn tổng quan về tiểu thuyết đương đại nói riêng, về văn học Việt Nam sau
1975 nói chung.
Nếu như Bùi Ngọc Tấn thuộc đội ngũ nhà văn trước 1975, từng lăn lộn
với nghề báo, sau đó viết văn, thì Nguyễn Bắc Sơn trước khi kinh qua nghề cầm
bút đã từng là một nhà giáo, một nhà quản lý giáo dục, báo chí xuất bản. Nếu

như Bùi Ngọc Tấn viết văn khi mới tròn 20 tuổi, được xem là một nhà văn kỳ
cựu, một người mà cuộc đời gặp nhiều trắc trở, từng dính vào vòng lao lý cũng
bởi nghiệp văn chương thì Nguyễn Bắc Sơn lại là một con người từng trải, tha
thiết với cuộc đời tuy đến với nghiệp văn chương khá muộn, khi đã chín về tuổi
đời nhưng trẻ về tuổi nghề. Người ta vẫn gọi Nguyễn Bắc Sơn với cái tên âu
yếm: “nhà văn trẻ tóc bạc”. Biển và chim bói cá là tác phẩm đánh dấu sự trở lại
của Bùi Ngọc Tấn sau 20 năm ngừng bút, là kết tinh vốn sống của nhà văn qua
bao năm tháng nếm trải mọi bầm dập của cuộc đời, của số phận, của nghề
nghiệp… còn Gã tép riu nằm trong bộ ba tiểu thuyết gây được tiếng vang và sự
chú ý lớn gần đây của Nguyễn Bắc Sơn: Luật đời và cha con – Lửa đắng – Gã
tép riu. Tác phẩm nằm trong mạch chung của đề tài chính trị - xã hội – đề tài sở
trường của ông. Một tác phẩm viết về thời kỳ cuối bao cấp, một tác phẩm viết về
thời kỳ đổi mới, một tác phẩm kể về câu chuyện tan rã của một công ty quốc
doanh đánh cá biển, tác phẩm kia lại là bức tranh về đời sống công chức trong xã
hội hiện đại với tất cả những mặt trái, bất cập của nó…hai tác phẩm tưởng chừng
như không liên quan gì nhau từ không gian, thời gian nghệ thuật tới đối tượng
miêu tả…nhưng lại gặp nhau ở một điểm chung là đã dựng lên một bức tranh thế
sự chân thực về cuộc sống, về con người. Cùng với đó là những thành tựu về mặt
hình thức thể hiện như cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu… Với mong
muốn đi sâu khám phá những nét nổi bật nhất trên phương diện nội dung, nghệ
2
thuật tiểu thuyết Biển và chim bói cá và Gã tép riu trên cái nền chung của tiểu
thuyết thế sự Việt Nam, đồng thời tìm hiểu thêm về tài năng, cá tính sáng tạo
của Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Bắc Sơn, chúng tôi lựa chọn đề tài: Tiểu thuyết
Việt Nam về đề tài thế sự qua Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn và Gã
tép riu của Nguyễn Bắc Sơn làm đề tài luận văn Thạc sĩ của mình, qua đó
đóng góp một phần nhỏ bé vào việc nghiên cứu những thành tựu cũng như sự
vận động của tiểu thuyết đương đại Việt Nam trong tiến trình đổi mới của văn
học Việt Nam.
2. Lịch sử vấn đề

Khi nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam đương đại, các công trình nghiên
cứu hiện nay thường khảo sát, đánh giá những đóng góp, cách tân của tiểu thuyết
trên phương diện hình thức thông qua việc vận dụng các lý thuyết về ký hiệu
học, thi pháp học, phân tâm học… Đây là một hướng đi mới mẻ và mang lại
không ít hiệu quả. Tuy nhiên một tác phẩm văn học là sự tổng hòa của hai mặt
nội dung và hình thức, hình thức biểu đạt nội dung và nội dung làm sáng tỏ hình
thức. Nghiên cứu tác phẩm trên phương diện nội dung tư tưởng do đó là việc làm
cần thiết. Chú ý đến khía cạnh đề tài của tiểu thuyết – một trong ba loại hình nội
dung chủ yếu – là một hướng nghiên cứu giàu tiềm năng, mang lại cái nhìn toàn
diện về thể loại này. Trong số đó, đề tài thế sự là đề tài được chú ý nhiều nhất
trong văn học thời kỳ đổi mới.
Nguyễn Bích Thu khi nghiên cứu về Ý thức cách tân trong tiểu thuyết
Việt Nam sau 1975 đã nhận định: “trên phương diện đề tài, tiểu thuyết thời kỳ
đổi mới đã tiếp cận và khai thác sâu hơn vào cái hiện thực hàng ngày, cái hiện
thực của đời sống cá nhân. Các nhà tiểu thuyết nhìn thẳng vào những mảnh vỡ,
những bi kịch nhân sinh, mổ xẻ, phơi bày nó bằng cái nhìn trung thực, táo bạo.
Các đề tài truyền thống hay hiện đại đều được đưa vào trường nhìn mới, hướng
những gấp khúc trong đường đời và thân phận con người thấm đẫm cảm hứng
nhân văn”. Theo đó, văn học đổi mới là giai đoạn văn học chuyển từ tư duy sử
thi sang tư suy tiểu thuyết, từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự đời
3
tư. Các nhà tiểu thuyết đã phá vỡ cái nhìn đơn phiến để tạo ra cái nhìn phức diện
và sâu sắc hơn về cuộc sống, về con người.
Lê Hồ Quang trong bài Cảm hứng thế sự trong truyện ngắn Lê Minh
Khuê đã viết: “Đến những năm 80 của thế kỷ XX, sau những lúng túng tìm
đường, nhiều nhà văn thế hệ chống Mỹ đã nhanh chóng bứt ra khỏi từ trường của
khoảng chân không văn học để tiếp tục dấn bước sáng tạo… Cảm hứng sử thi
dần được thay thế bằng cảm hứng nhân sinh, thế sự. Với nhu cầu nhận thức lại
hiện thực, thay cho cái nhìn đơn tuyến và đậm chất lý tưởng trước đây là một cái
nhìn đa chiều, gai góc, đậm tính phê phán”. Qua đó cho ta thấy sự xuất hiện của

cảm hứng thế sự trong các sáng tác đương đại là một tất yếu logic – lịch sử.
Trong bài viết Sự vận động và phát triển của các thể văn xuôi trong văn
học thời kỳ đổi mới, nhà phê bình Lý Hoài Thu đã đánh giá sự vận động của từng
thể loại trong điều kiện lịch sử mới, trong đó có tiểu thuyết. Tác giả cho rằng:
“Không phải ngẫu nhiên mà đề tài thế sự, đời tư nổi lên như một vấn đề trung
tâm của mọi nỗ lực sáng tạo trong tiểu thuyết đương đại. Ngay cả những tác
phẩm viết về đề tài chiến tranh, đề tài nông thôn với quy mô hiện thực rộng lớn,
nhiều tầng, nhiều mảng, nhà văn vẫn xoáy sâu vào những vấn đề cốt yếu của đời
sống thông qua tâm điểm nhân vật. Những vui buồn, sướng khổ, được mất…của
con người đã đi vào văn chương một cách chân thực, nhân bản và giàu tính
hướng thiện”
Mai Hải Oanh trong công trình Những cách tân nghệ thuật trong tiểu
thuyết đương đại Việt Nam đã trình bày một cách hệ thống những cách tân của
tiểu thuyết Việt Nam đương đại trên các phương diện nội dung, nghệ thuật và
khẳng định: “Tiểu thuyết thời đổi mới đã có những thay đổi đáng kể về tư duy
nghệ thuật. Biểu hiện cụ thể là các nhà văn đã chú ý đến tính văn xuôi như một
đặc điểm quan trọng của tư duy tiểu thuyết hiện đại, sự phai giảm của yếu tố sử
thi và sự gia tăng của các yếu tố thế sự, đời tư”.
4
Như vậy có thể thấy những công trình nghiên cứu ở trên đây đã phần nào
cho thấy được sự đổi thay trong hệ thống đề tài, chủ đề, cảm hứng của tiểu
thuyết Việt Nam đương đại. Ý thức thẩm mỹ mới, cảm quan hiện thực mới đã ra
đời và chi phối rất lớn đến sự lựa chọn đề tài của văn học.
Về những công trình nghiên cứu trực tiếp xung quanh hai cuốn tiểu thuyết
Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc tấn và Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn, chúng
tôi tìm thấy bài viết Biển và chim bói cá – sử thi của thời hiện đại của tác giả
Khánh Phương. Trong bài viết, tác giả đã đưa ra những khái quát hết sức ngắn
gọn nhưng đầy đủ, sâu sắc về cuốn tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn: “cuốn tiểu
thuyết đồ sộ tập trung vào khoảng hai mươi nhân vật, được miêu tả như những
hình tượng đa phương, có phần lỏng lẻo trong một tác phẩm sắp đặt của loại hình

nghệ thuật thị giác, nói bằng thứ ngôn ngữ trực quan của mồ hôi, nước mắt, máu
và cả tiếng thở dài…với vài chục chi tiết lớn nhỏ, chi tiết nào cũng hóm hỉnh
khiến người đọc phải bật cười tức khắc hoặc lay động cảm giác sâu kín của lòng
trắc ẩn, lương tri”. Còn Nguyễn Xuân Khánh trong bài viết Sum suê và khúc
khích thì cho rằng: “Ở cuốn sách trước Bùi Ngọc tấn đã dẫn ta vào sự oan trái bi
thương. Nhưng thế giới của Tấn không chỉ có vậy. Lần này, với cuốn tiểu thuyết
Biển và chim bói cá, anh đã dẫn chúng ta ra đại dương bao la. Thời gian xảy ra
trong cuốn sách là cuối thời gian bao cấp, và chớm vào thời kỳ đổi mới. Với
không gian, thời gian ấy, chắc cuộc viễn du của người đọc sẽ gặp nhiều điều thú
vị”. Trong Lời tuyên dương Biển và chim bói cá của ông Francois Bourgeon, chủ
tịch danh dự Festival Sách và Biển của Pháp năm 2012 có đoạn: “Bùi Ngọc Tấn
tặng chúng ta một quyển tiểu thuyết nhân văn… Tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn
là cuốn sách không thể nào quên. Thậm chí có lẽ là…một quyển tiểu thuyết làm
người ta tốt hơn”. Với những thành công đã đạt được, những lời tuyên dương ấy
dành cho Biển và chim bói cá chúng tôi nghĩ là hoàn toàn xứng đáng.
Bên cạnh những bài viết đã được đăng tải trên các sách, báo, tạp chí,
website, chúng tôi còn tìm thấy những luận văn, luận án, những công trình
nghiên cứu chuyên sâu về cuốn tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc
5
Tấn. Tác giả Đinh Đức Long trong luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ Văn: Đặc
điểm văn xuôi hư cấu sau 1990 của Bùi Ngọc Tấn (2012) đã đưa ra được cái
nhìn tổng quan về những đặc sắc trong nội dung – nghệ thuật văn xuôi Bùi Ngọc
Tấn, nhấn mạnh vào hai yếu tố là thế giới nhân vật và nghệ thuật trần thuật,
trong đó khẳng định Biển và chim bói cá là tác phẩm viết về những con người
của thời bao cấp tan rã. Nguyễn Thị Bích Vân trong luận văn Thạc sĩ Ngữ văn
Đặc điểm văn xuôi Bùi Ngọc Tấn qua Biển và chim bói cá và Người chăn kiến
đã phát hiện ra những đặc điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật văn xuôi Bùi
Ngọc Tấn qua hai tác phẩm. Ngoài ra còn nhiều những công trình nghiên cứu
công phu có chất lượng khác như Đặc điểm tiểu thuyết Biển và chim bói cá của
Bùi Ngọc Tấn, Nghệ thuật tự sự trong Biển và chim bói cá… Nhìn chung những

công trình này đã phần nào khái quát được đặc điểm về tư tưởng và nghệ thuật
của tiểu thuyết Biển và chim bói cá, qua đó thấy được phong cách sáng tác của
nhà văn.
Về cuốn tiểu thuyết Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn, cũng đã có không ít
những công trình nghiên cứu dành cho tác phẩm này. Tác giả Đặng Văn Sinh
trong bài viết Gã tép riu, văn hóa, tình dục và tình yêu đã có những bình luận rất
xác đáng: “Gã tép riu thực chất là một tiểu thuyết luận đề bàn về những bất cập
của nền văn hóa đương đại”. Cuốn tiểu thuyết “không mới về hình thức mà ở nội
dung. Tác giả đã đóng góp một tiếng nói trung thực, chân thành và dũng cảm vào
hành trình tiến đến tương lai của dân tộc qua con đường văn hóa bằng hình
tượng văn học”. Trong bài viết Vì sao Gã tép riu hấp dẫn đăng trên
tapchinhanvan.vn, tác giả Nguyên Long Khánh đã đánh giá cao nghệ thuật xây
dựng nhân vật của Nguyễn Bắc Sơn: “Người đọc có thể dễ dàng nhận ra trong
đội ngũ nhân vật của ông bóng dáng số phận của những con người có thật ngoài
đời. Cuộc sống và trang sách nhiều khi không còn khoảng cách. Bởi thế, tiểu
thuyết của Nguyễn Bắc Sơn thường rất hấp dẫn. Hấp dẫn cũng bởi nó rất thật.
Mê hoặc người đọc mà không dùng đến son phấn đâu có dễ. Đấy là cái tài của
Nguyễn Bắc Sơn, cũng là đóng góp rất cần được ghi nhận của ông trong văn học
6
đương đại”. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng trong bài viết Bi kịch lạc quan thì
khẳng định: sức cuốn hút của tác phẩm không chỉ toát lên từ “hơi thở của đời
sống đương đại” với “một cuộc sống đầy những ngẫu nhiên và bất thường, bất
trắc” mà còn ở những nhân vật sắc nét như Diệu Thủy, Tùng và Dự. Tác giả
Vương Thúy Hòa trong luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ Văn: Nghệ thuật tự sự
trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn lại đi vào phân tích những nét nổi bật trong
nghệ thuật tự sự Nguyễn Bắc Sơn qua các phương diện: nghệ thuật tổ chức cốt
truyện, xây dựng nhân vật, người kể chuyện, ngôn ngữ, giọng điệu…thể hiện
qua hai cuốn tiểu thuyết Luật đời và cha con và Lửa đắng. Tác giả Phạm Thị
Hồng Nhung trong công trình nghiên cứu Thể tài thế sự trong tiểu thuyết Việt
Nam đương đại (khảo sát qua tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn) đã khám phá

được những đặc trưng cơ bản nhất của thể tài thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam
đương đại mà Nguyễn Bắc Sơn là một đại diện tiêu biểu. Người viết nhấn mạnh:
“chúng tôi nhận thấy nhà văn đã vẽ ra trước mắt chúng ta một bức tranh thế sự
phức tạp, sinh động, nhiều màu sắc với những mảng mầu sáng tối khác nhau về
những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hiện đại…Không chỉ chăm chỉ quan sát,
phản ánh và lý giải hiện thực nhà văn còn luôn tìm cách diễn đạt hấp dẫn để đưa
đến cho người đọc những tác phẩm có giá trị như Luật đời và cha con, Lửa
đắng, Gã tép riu.
Như vậy các công trình nghiên cứu, bài viết trên đây đã phần nào chỉ ra
được xu hướng chung trong sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại
cũng như khái quát được những nét cơ bản nhất trong phong cách nghệ thuật Bùi
Ngọc Tấn và Nguyễn Bắc Sơn qua Biển và chim bói cá và Gã tép riu. Tuy nhiên
các ý kiến, nghiên cứu đó chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu những nét lớn về tư tưởng
và nghệ thuật của hai tác phẩm chứ không đi sâu tìm hiểu một khía cạnh quan
trọng của nội dung là đề tài tác phẩm trong sáng tác của cả hai nhà văn Bùi Ngọc
Tấn và Nguyễn Bắc Sơn. Để bổ sung vấn đề còn bỏ ngỏ đó, cũng như đóng góp
một phần nhỏ bé vào việc nghiên cứu tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Bắc
Sơn trong bức tranh chung của tiểu thuyết đương đại Việt Nam, chúng tôi triển
7
khai đề tài luận văn Tiểu thuyết Việt Nam về đề tài thế sự qua Biển và chim bói
cá của Bùi Ngọc Tấn và Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn, trong đó nhấn mạnh
vào phương diện đề tài thế sự, lấy đó làm mục tiêu triển khai cho luận văn này.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là đề tài thế sự trong hai tiểu thuyết Biển
và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn và Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn qua đó có
được cái nhìn khái quát về đề tài thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam nói chung.
Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi vấn đề nghiên cứu: chúng tôi tập trung nghiên cứu về đề tài thế
sự trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

- Đối tượng khảo sát: Các tác phẩm mà luận văn chọn làm đối tượng khảo
sát là tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn và Gã tép riu của
Nguyễn Bắc Sơn
4. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết tốt nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chọn lựa một số
phương pháp sau:
- Phương pháp so sánh – đối chiếu
- Phương pháp thống kê – phân loại
- Phương pháp hệ thống – loại hình
- Phương pháp phân tích – tổng hợp
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn là công trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về một khía cạnh nội
dung tác phẩm văn học là đề tài, cụ thể là đề tài thế sự trong tiểu thuyết đương
đại Việt Nam, mà tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn và Gã tép
riu của Nguyễn Bắc Sơn là hai đại diện tiêu biểu. Qua đó mang tới cái nhìn rõ
nét, toàn diện hơn về hai cuốn tiểu thuyết nói riêng, về sự vận động của thể loại
tiểu thuyết nói chung
8
Những kết quả nghiên cứu của luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho
việc học tập bộ môn Lý luận văn học, Văn học Việt Nam hiện đại và giảng dạy
văn học trong nhà trường
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm có ba chương
Chương 1: Đề tài thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam và sự xuất hiện của tiểu
thuyết Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn) và Gã tép riu (Nguyễn Bắc Sơn)
trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại
Chương 2: Bức tranh thế sự trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi
Ngọc Tấn và Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn
Chương 3: Phương thức thể hiện đề tài thế sự trong tiểu thuyết Biển và
chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn và Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn

Và cuối cùng là danh mục Tài liệu tham khảo
9
CHƯƠNG 1: ĐỀ TÀI THẾ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM VÀ
SỰ XUẤT HIỆN CỦA TIỂU THUYẾT BIỂN VÀ CHIM BÓI CÁ (BÙI
NGỌC TẤN) VÀ GÃ TÉP RIU (NGUYỄN BẮC SƠN) TRONG TIỂU
THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1 Đề tài thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam
1.1.1 Khái niệm đề tài văn học
Trong lý luận văn học, đề tài là một khái niệm hết sức quan trọng. Cùng
với khái niệm chủ đề, nó góp phần chủ yếu thể hiện phương diện khách quan của
nội dung tác phẩm văn học. Văn học nhận thức và thể hiện cuộc sống. Đời sống
là nơi xuất phát của văn học, là nguồn tư liệu phong phú, vô cùng vô tận cho các
nhà văn khai thác. Trong cái bao la đó, tùy theo vốn sống, sở trường và niềm
quan tâm của riêng mình, tùy theo những đòi hỏi của thời đại mình, nhà văn
thường hướng về một phạm vi nhất định của hiện thực khách quan, lấy phạm vi
ấy làm cơ sở cho lao động sáng tạo. Phạm vi ấy chính là đề tài.
Như vậy, phạm vi cuộc sống mà nhà văn miêu tả trong tác phẩm văn học
gọi là đề tài.
Cụ thể hơn, đề tài của tác phẩm là lĩnh vực đời sống mà tác phẩm phản
ánh, là bộ phận của hiện thực khách quan được nhà văn chọn lựa để khai thác,
khái quát tài liệu, từ đó xây dựng nên tác phẩm. Nói một cách vắn tắt, chỉ ra đề
tài của tác phẩm tức là chỉ ra tác phẩm ấy miêu tả cái gì, viết về cái gì? Mỗi nhà
văn tuy viết nhiều, nhưng thường quen thuộc một số đề tài nhất định, nghĩa là
cuộc sống thì trăm hình muôn vẻ nhưng nhà văn chỉ khai thác một mặt nào đó
mà họ thành thuộc, am hiểu và thiết tha thể hiện. Sáng tác của Nam Cao xoay
quanh hai đề tài: đời sống nông dân và những người tiểu tư sản trí thức (Chí
Phèo, Lão Hạc, Sống mòn, Trăng sáng…); Tô Hoài, Nguyên Ngọc hiểu sâu kỹ
những cảnh, những người miền núi (Truyện Tây Bắc, Đất nước đứng lên, Mùa
hoa thuốc phiện cuối cùng…); còn Võ Huy Tâm sống nhiều ở vùng mỏ nên
thường hướng đến thể hiện những việc, những người ở những vùng than, vỉa

than (Vùng mỏ, Những người thợ mỏ…).
10
Tầm quan trọng của khái niệm đề tài là ở chỗ, nếu chưa nhận ra đề tài, thì
chưa bước vào tiếp nhận hình tượng. Tuy nhiên từ hiện tượng nghệ thuật sinh
động nhận ra đối tượng được phản ánh trong tác phẩm không phải là một việc dễ
dàng. Chúng ta lấy một ví dụ hội họa: đề tài bức tranh Đức mẹ của Raphaen
chẳng hạn. Về đề tài bức tranh này, có nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho
rằng nhân vật trong bức tranh là người đàn bà quý tộc, dựa trên thái độ nghiêm
trang, kiêu hãnh của người mẹ và đứa bé. Ý kiến thứ hai dựa vào trang phục giản
dị cho rằng đó là người đàn bà thôn quê. Ý kiến thứ ba lại cho rằng đó là người
mẹ bình thường mang niềm tự hào kiêu hãnh trần tục. Như vậy, với ba đề tài
khác nhau, ta có ba hình tượng khác nhau. Bản thân việc nhận ra đề tài quyết
định đến hình tượng của bức tranh như thế nào.
Tầm quan trọng của việc xác định đề tài còn ở chỗ góp phần giúp chúng ta
khái quát phong cách nghệ thuật của nhà văn. Bởi vì trong sáng tác, nhà văn bao
giờ cũng hướng về những lĩnh vực đời sống mà mình thích thú và quen thuộc
nhất, hướng về những hiện tượng đời sống mà mình thực sự xúc động để sáng
tạo nên tác phẩm, do đó sự quan tâm đến những đặc điểm của đề tài trong hàng
loạt tác phẩm giúp chúng ta tìm hiểu một số phương diện thuộc thế giới nghệ
thuật của nhà văn cũng như phần nào khái quát được phong cách nghệ thuật của
nhà văn đó.
Sự khảo sát tác phẩm ở phương diện đề tài còn là cơ sở quan trọng để
chúng ta hình dung nhìn nhận và đánh giá các trào lưu văn học cũng như nền văn
học của cả một thời kỳ lịch sử. Nhìn vào các trào lưu văn học, các phương pháp
sáng tác đã tồn tại trong lịch sử chúng ta dễ dàng nhận ra mỗi trào lưu và phương
pháp sáng tác thường có những đề tài cơ bản của mình. Hiện tượng đó càng thêm
nổi bật khi chúng ta so sánh hệ thống đề tài khác nhau của các trào lưu văn học
và phương pháp sáng tác cùng tồn tại ở một giai đoạn văn học. Sự khác biệt rõ
rệt về đề tài giữa các tác phẩm của ba dòng văn học lãng mạn, hiện thực và cách
mạng ở giai đoạn 1930 – 1945 trong văn học Việt Nam là một ví dụ.

11
Đề tài văn học cũng có những giới hạn phạm vi rộng hẹp khác nhau. Đó
có thể là một giới hạn bề ngoài như đề tài loài vật, đề tài sản xuất, đề tài kháng
chiến chống Mỹ, đề tài bộ đội Trường Sơn, đề tài tiểu tư sản, đề tài nông dân…
Tuy nhiên đối tượng nhận thức của văn học là cuộc sống, con người với tính
cách, số phận và quan hệ nhân sinh phức tạp của nó. Do đó cần đi sâu vào
phương diện bên trong của đề tài. Đó là cuộc sống nào, con người nào được
miêu tả trong tác phẩm. Tác phẩm Tắt đèn thể hiện cuộc sống bế tắc tan vỡ của
người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Sống mòn của Nam Cao thể hiện
cuộc sống quẫn bách mỏi mòn của tầng lớp trí thức nghèo. Đề tài Ơgiêni
Grăngđê là tấn bi kịch gia đình tư sản trong thời kỳ tích lũy tư bản chủ nghĩa. Đề
tài Thép đã tôi thế đấy là cuộc sống anh hùng của thế hệ thanh niên Xô Viết
những năm sau Cách mạng tháng Mười. Mỗi nhân vật trong tác phẩm cũng đều
có thể tiêu biểu cho một đề tài. Chị Dậu là một nông dân, vì suất sưu của chồng và
em chồng mà chồng chị bị đánh, bị trói, con chị bị bán, bản thân đi ở vú còn chịu
bao nỗi tủi nhục, tiền đồ của chị “tối đen như mực” ở cuối tác phẩm… thì đề tài tác
phẩm là số phận bi thảm của người nông dân ta trước Cách mạng. Nàng Kiều trong
Truyện Kiều của Nguyễn Du là người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì tình thế bắt
buộc phải bán mình chuộc cha, thân phận lưu lạc suốt mười lăm năm trời chịu đựng
biết bao khổ đau bầm dập, lúc làm kỹ nữ, lúc là con ở, khi lại làm lẽ, khi thành ni
cô…cuối cùng phải tự tử ở sông Tiền Đường thì đề tài chủ yếu của tác phẩm là số
phận bất hạnh của người tài hoa, người phụ nữ trong xã hội cũ.
Khái niệm đề tài cũng được chia ra làm nhiều loại, gọi là loại đề tài. Khái
niệm loại của đề tài gắn liền với loại hiện tượng lịch sử xuất hiện trong đời sống.
Chẳng hạn, có thể bắt gặp loại đề tài về số phận người chinh phụ, cung nữ, người
tài hoa trong sáng tác của Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du
khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu nổi lên
loại đề tài những người trung nghĩa. Văn học Nga thế kỷ XIX hình thành loại đề
tài về những “con người thừa”, đề tài những người tháng Chạp, đề tài những
người hư vô chủ nghĩa, đề tài con người nhỏ bé, đề tài phàm tục tiểu tư sản…

12
Tóm lại, đề tài là cơ sở để nhà văn khái quát những chủ đề, xây dựng
những hình tượng, những tính cách điển hình. Việc xác định đề tài cho phép liên
hệ nội dung tác phẩm với một mảnh đời sống nhất định của thực tại. Đề tài có
thể nói là cửa ngõ quan trọng để người đọc đến với thế giới nghệ thuật mà nhà
văn vẽ nên trong trang sách.
1.1.2 Những loại đề tài chủ yếu trong tiểu thuyết Việt Nam
Trong chiến tranh, nền văn học luôn cùng chung vận mệnh và đồng hành
cùng dân tộc qua những thăng trầm của lịch sử. Khi hòa bình lập lại, nhất là từ
đầu những năm 80 trở đi, văn học có nhiều biến đổi sâu rộng. Trong quá trình
vận động và cách tân văn học, tiểu thuyết là thể loại được quan tâm nhiều nhất.
Từ sự cách tân về hình thức nghệ thuật đến sự đổi mới về nội dung đề tài, tiểu
thuyết Việt Nam đang dần hòa nhập vào quỹ đạo văn chương thế giới.
Một khuynh hướng nổi bật trong tiểu thuyết Việt Nam những năm sau
giải phóng là xông thẳng vào thực tại, trực tiếp viết về các vấn đề sản xuất,
quản lý kinh tế - xã hội, vấn đề đội ngũ tri thức trẻ trước vận hội mới chiếm
một số lượng lớn các tác phẩm được in trong vòng một phần tư thế kỷ sau khi
đất nước hòa bình và thống nhất. Người ta gọi là tiểu thuyết về đề tài sản xuất
hay tiểu thuyết viết về đề tài nóng… Cách gọi khác nhau nhưng đều chỉ ra
tính thời sự của tác phẩm tiểu thuyết bám sát các diễn biến đời sống trên
nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đầu những năm tám mươi của thế kỷ XX xuất hiện một số tác phẩm viết
trực diện về “khoán 10 trong nông nghiệp” của Đào Vũ (Bí thư cấp huyện), của
Nguyễn Kiên (Nhìn dưới mặt trời), của Nguyễn Phan Hách (Tan mây), của
Nguyễn Hữu Nhàn (Dốc nắng)… Dòng tiểu thuyết thời sự này là sự nối tiếp tiểu
thuyết Cù lao chàm, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Chân dung một
quản đốc của Nguyễn Hiểu Trường, Giấy trắng của Triệu Xuân, Mưa mùa hạ
của Ma Văn Kháng, Đồng chiêm của Hoàng Minh Tường, Đối thoại sông Đà
của Trần Chinh Vũ, Đất mặn của Chu Văn, Hạt mùa sau của Nguyễn Thị Ngọc
Tú… Xu hướng tiểu thuyết này thể hiện sự dấn thân, nhập cuộc của nhà văn vào

13
khả năng đáp trả nhạy bén các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội. Riêng hai
cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Tuấn gây một tiếng vang lớn trong đời sống
văn học, được tái bản nhiều lần ở nhiều nhà xuất bản và nhận được nhiều ý kiến
phản hồi từ bạn đọc, nhất là những người lao động, điều đó nói lên ý nghĩa mật
thiết giữa văn học và cuộc sống. Thành công của tác giả chính là ở chỗ nắm bắt
được tâm lý và nhu cầu thay đổi quản lý trong sản xuất cũng như trong đời sống
xã hội, vì thế nó đồng vọng được với đông đảo bạn đọc. Mưa mùa hạ của Ma
Văn Kháng, Hạt mùa sau của Nguyễn Thị Ngọc Tú viết về đội ngũ các nhà khoa
học – những trí thức trẻ - là tác phẩm viết trực diện về các vấn đề sản xuất,
nhưng đằng sau là vấn đề con người, vấn đề nhân tâm thời đại. Nhìn chung các
tác phẩm viết về sản xuất trong các lĩnh vực công – nông nghiệp, đội ngũ trí
thức trẻ nổi bật ở ưu điểm nêu vấn đề, ở cách nhìn thẳng vào sự thật đời sống
nhưng về chất lượng nghệ thuật còn hạn chế nên đến nay còn lại rất ít trong tâm
trí bạn đọc.
Từ sau 1975, càng lùi xa chiến tranh chúng ta càng có nhu cầu tìm hiểu
sâu sắc hơn về những gì đã xảy ra, những gì thuộc về lịch sử. Vì thế trong tiểu
thuyết sau 1975 nở rộ một loạt tác phẩm viết về đề tài chiến tranh sau chiến
tranh: Năm 1975 họ đã sống như thế và Chim én bay của Nguyễn Trí Huân,
Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Đất trắng của Nguyễn Trọng
Oánh, Bến không chồng của Dương Hướng… Một số nhà văn đã dày công sáng
tác những bộ tiểu thuyết dài nhiều tập về chiến tranh như Phan Tứ với Người
cùng quê, Nam Hà với Đất miền đông, Xuân Thiều với Tư thiên, Đặng Đình
Loan với Đường thời đại…Những tác phẩm này đã cố gắng thể hiện con người
và chiến tranh trên cả hai mặt của một vấn đề: vai trò của chiến tranh đối với con
người và ngược lại. Tiểu thuyết viết về chiến tranh phong phú về chủ đề, giọng
điệu, bút pháp và được soi sáng bởi lý tưởng nhân văn cao cả và trình độ nghệ
thuật mới. Đa số nhà văn viết về chiến tranh như là một trách nhiệm cao cả, như
một món nợ tinh thần phải trả cho hàng triệu người đã “quyết tử cho Tổ quốc
quyết sinh”.

14
Đầu những năm tám mươi thế kỷ XX, tiểu thuyết Việt Nam xuất hiện
nhiều tác phẩm có nét chung là cố gắng khám phá, phát hiện lại thực tại, gọi là
khuynh hướng “nhận thức lại thực tại” hay đề tài thế sự. Các tác phẩm Thời xa
vắng của lê Lựu, Tháng ngày đã qua của Xuân Thiều, Sống với thời gian hai
chiều của Vũ Tú Nam, Thời gian của người của Nguyễn Khải, Người đàn bà
trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu… có thể coi là những thể
nghiệm, tìm tòi của tiểu thuyết đương đại trong phương hướng đi tìm chân lý đời
sống bằng cách nhận thức lại đời sống. Thời xa vắng (1986) có thể coi là cuốn
tiểu thuyết đột phá của khuynh hướng này. Đề tài thế sự trong tiểu thuyết thể
hiện khát vọng phân tích, tổng kết, chiêm nghiệm và suy ngẫm, triết luận về đời
sống và con người của nhà văn. Tác giả đã vận dụng hình thức bi kịch để tái tạo
đời sống vì bi kịch có tác dụng “thanh lọc tâm hồn”, có khả năng phát hiện các
“tình huống thế giới” theo cách nói của Hêghen.
Bên cạnh việc nhận thức lại thực tại, những tác phẩm thuộc đề tài thế sự
còn hướng tới những vấn đề đạo đức, nhân cách của con người trong xã hội.
Trong các tác phẩm thuộc đề tài này, nhà văn tái hiện bao nhiêu câu chuyện éo
le, thăng trầm, bao nhiêu cảnh đời và số phận khác nhau. Đi sâu vào thế giới bên
trong của con người, tiểu thuyết chú trọng phát hiện “biện chứng tâm hồn” của
con người trong một bối cảnh xã hội nhiều đổi thay, thăng trầm và quanh co.
Những sáng tác của Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh
Châu, Lê Minh Khuê, Trần Thùy Mai, Khuất Quang Thụy, Dạ Ngân…đều có nét
chung là viết theo tinh thần “gạn đục khơi trong”, phát hiện và chắt chiu cái đẹp
đồng thời truy kích đến cùng cái ác, cái xấu đang bao vây con người.
Bề ngoài có khi khó phân biệt giữa các loại đề tài sản xuất, đề tài chiến
tranh hay đề tài thế sự nhưng dù viết về đề tài nào, tiểu thuyết nói riêng và văn
xuôi nói chung cũng chỉ nhằm hướng tới con người trong tính toàn vẹn và phức
tạp của nó. Qua sự phát triển của thể loại tiểu thuyết trong dòng chảy của nền
văn học Việt Nam, có thể nhận thấy tiểu thuyết đang ngày càng vượt lên, dẫn
đầu và xứng đáng với vai trò là “cỗ máy cái” trong nền văn học nghệ thuật.

15
1.1.3 Sự trỗi dậy của đề tài thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam
Lịch sử ở bước ngoặt là cơ hội cho tiểu thuyết phát triển. Cũng giống như
thời kỳ sau hòa bình (1954), sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất
đất nước (1975), một thời kỳ mới mở ra trong đời sống xã hội của dân tộc Việt
Nam độc lập – thống nhất – hòa bình. Vượt qua giai đoạn quán tính (khoảng từ
1975 đến 1985), văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng đang tạo đà phát
triển mới. Không chỉ phát triển theo những quy luật nội tại, vốn có của bản thân,
văn học giờ đây đã nhanh nhạy trước yêu cầu của đời sống, tiếp xúc một cách
chủ động và mạnh mẽ với các yếu tố ngoại sinh. Sự tiếp xúc đa dạng hơn trong
môi trường văn hóa cởi mở và hội nhập đã làm thay đổi thị hiếu thẩm mỹ của
người đọc và người cầm bút, thúc đẩy quá trình cách tân, hiện đại hóa văn học,
trong đó có tiểu thuyết.
Trong hệ thống thể loại văn xuôi sau 1975, tiểu thuyết có ưu thế và chiếm
vị trí chủ đạo trong công cuộc vận động và đổi mới văn học. Đặc biệt là từ 1986
đến nay, văn học đổi mới trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” đã kéo theo một
hệ quả tất yếu đó là: tính sử thi nhạt dần, thay vào đó, đề tài thế sự đã khẳng định
được vị thế mới của mình và có sự trỗi dậy mãnh liệt, dần dần trở thành đề tài
chính yếu của tiểu thuyết Việt Nam. Sự chuyển biến này phần nào đã đáp ứng
được nhu cầu phân tích, lý giải, suy tư về con người, xã hội của một thời kỳ đầy
biến động.
Một trong những khía cạnh được tiểu thuyết thế sự rất quan tâm đó là
những xung đột trong xã hội mà trước hết là xung đột giữa các dòng họ. Trên
nhiều vùng quê, chính những người nông dân hồn hậu, chất phác, giàu tình cảm
lại gây không ít những đau khổ cho nhau và cho chính mình chỉ vì sự thiếu hiểu
biết, sự ấu trĩ trong nhận thức, tâm lý bầy đàn, sự trì trệ, bảo thủ và tập tục làng
xã. Bởi vậy, chiến tranh kết thúc nhưng những làng quê bé nhỏ vẫn không hề
bình yên. Ở đó cuộc sống luôn bị khuấy đảo, sôi lên vì những quan hệ, những
mâu thuẫn, những định kiến làm điêu đứng bao nhiêu con người. Đọc Bến không
chồng của Dương Hướng mới thấy hết được mối thù giữa hai dòng họ Vũ và

16
Nguyễn đã làm cho con đường đi đến hạnh phúc của Hạnh và Nghĩa gian nan
biết chừng nào. Ta cũng dễ dàng bắt gặp xung đột dòng họ hết sức gay gắt trong
Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường với mâu thuẫn kéo dài
từ rất nhiều đời của hai dòng họ Trịnh – Vũ. Những ân oán, những đấu đá,
những hiềm khích đã đẩy lên đến đỉnh điểm khi bà Son bị cưỡng bức, xấu hổ và
không còn lối thoát đã phải nhảy xuống sông tự tử. Đau lòng biết mấy khi nghe
lời phán của cô Thống Bệu về những bóng ma trong làng xã: “Xưa nay người ta
chỉ sợ người chết chứ ai sợ người sống? Có đúng không hở? Chỉ sợ ma chứ ai sợ
người? Có đúng không hở? Thế mà hôm ấy tôi đi nhận ruộng hộ con cháu, thấy
hốt quá. Nhìn chẳng thấy người đâu, toàn ma. Những người thân sống ngồi đấy
mà cấm nhận ra ai nữa”.
Gia đình cũng là một đề tài lớn trong văn học Việt Nam nói chung và tiểu
thuyết thế sự nói riêng. Những tác phẩm tiêu biểu như Mùa lá rụng trong vườn
(Ma Văn Kháng), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Bến không chồng (Dương
Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Luật đời và cha
con, Gã tép riu (Nguyễn Bắc Sơn)… Các tác phẩm đều đã đi sâu khai thác mối
quan hệ phức tạp, đa chiều của gia đình Việt Nam thời kỳ mở cửa. Những mâu
thuẫn trong gia đình, những rạn nứt và đổ vỡ… do sự cách biệt về quan niệm
sống, về cách ứng xử, các mối quan hệ trong giao tiếp và đặc biệt là hôn nhân
không xuất phát từ tình yêu đã được các nhà văn khai thác và thể hiện một cách
sâu sắc. Trên một khía cạnh nào đó, có thể thấy rằng các cây bút tiểu thuyết khai
thác mảng đề tài này đã thực sự chạm đến được những miền sâu thẳm của bản
thể cá nhân và cũng là một biểu hiện quan trọng xuất phát từ chiều sâu quan
niệm nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Những đối cực văn hóa cũng là một phương diện được đặt ra trong tiểu
thuyết thế sự Việt Nam. Khi dân tộc đứng trước công cuộc hội nhập, nhiều cây
bút đã khá nhạy cảm trước xung đột giữa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân
tộc với những thế lực và âm mưu đen tối nhằm phá hoại những tinh hoa văn hóa
ấy. Ma Văn Kháng trực diện đặt những truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ

17
tục gia tộc trong mối xung đột không thể hòa giải với những chuẩn mực mới của
kinh tế thị trường. Dương Hướng lại kiến giải từ những vận động phức tạp của
đời sống đang đổi thay ở làng quê Việt. Đặc biệt, Nguyễn Xuân Khánh đã mang
đến một kiến giải mới mẻ khi khẳng định sức mạnh của tín ngưỡng dân gian như
là một hạt nhân quan trọng của văn hóa… Có thể thấy rằng, truyền thống văn
hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã được kiến giải từ những góc độ hết sức mới
mẻ. Các nhà văn không đứng trên quan điểm của dân tộc, cộng đồng mà trước
hết từ chính bản thân sức mạnh nội tại của văn hóa. Ta thấy sự gặp gỡ giữa các
tác phẩm này là qua những kiến giải về văn hóa, khẳng định sức mạnh của nó
như là một vấn đề sống còn của xã hội trong công cuộc đổi mới. Văn hóa vừa là
sức mạnh của cộng đồng nhưng đó cũng là yếu tố luôn luôn bị đe dọa bởi những
đối cực.
Không chỉ quan tâm đến những xung đột trong xã hội mà tiểu thuyết thế
sự còn có những cái nhìn hết sức mới mẻ và toàn diện về con người. Trước
những biến động lớn lao của xã hội, con người cũng thay đổi và có sự phân hóa
rõ nét. Có thể nói rằng, thế giới con người qua cái nhìn của các nhà văn đương
đại vô cùng phong phú, đa dạng, đa diện, đa chiều. Từ những người dân quê tới
tầng lớp trí thức, thậm chí cả những tầng lớp quan chức đương thời cũng đều
được thể hiện hết sức chân thực và sống động trên từng trang viết. Những nhân
vật tài năng, có nhân cách được đặt trong mối xung đột với những con người
phản diện, đại diện cho những thế lực đối lập với thuần phong mỹ tục và những
chuẩn mực xã hội. Thậm chí, trong bản thân của một con người nhiều khi cũng
có những xung đột, giằng xé và đấu tranh giữa hai mặt tốt và xấu, giữa phần con
và phần người. Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú,
Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn
Khắc Trường), Chuyện kể năm 2000, Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn), Luật
đời và cha con, Lửa đắng, Gã tép riu (Nguyễn Bắc Sơn)… là những tác phẩm
thành công trong việc khắc họa số phận con người đặt trong sự đổi thay như vũ
bão của xã hội hiện đại.

18
Dễ dàng nhận thấy hai khuynh hướng cảm hứng chính của tác phẩm khi đi
sâu vào mảng thế sự đó là khuynh hướng phê phán và bi kịch. Nếu cảm hứng
phê phán cho thấy tinh thần dũng cảm và nỗ lực hết mình của các cây bút trên
hành trình rút ngắn khoảng cách với hiện thực đời sống thì cảm hứng bi kịch lại
cắt nghĩa, lý giải được những xung đột thế sự ở chiều sâu bản thể của nó.
Có thể nói, với việc đi sâu khai thác mảng đề tài thế sự, tiểu thuyết Việt
Nam đã phần nào đáp ứng được nhu cầu nhận thức của bạn đọc trong thời kỳ có
rất nhiều những biến động to lớn và những vấn đề đang được đặt ra một cách
bức thiết.
1.2 Sự xuất hiện của tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn
và Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn
1.2.1 Biển và chim bói cá – tiểu thuyết xuất sắc của Bùi Ngọc Tấn
Bùi Ngọc Tấn sinh ngày 3-7-1934 trong một gia đình địa chủ nhỏ tại Câu
Tử, Hợp Thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Ông bắt đầu viết văn từ năm 1954 khi mới tròn 20 tuổi, cùng lớp với Lê Bầu,
Lê Mạc Lân, Vũ Thư Hiên, Nguyên Bình, Vũ Bão Truyện ngắn đầu tay gửi dự thi
báo Văn Nghệ - Chị Trúc - được Tô Hoài khen hay, nhưng không được in và cũng
không được giải vì nói quá nhiền đến những mất mát của chiến tranh.
Bùi Ngọc Tấn bắt đầu sự nghiệp bằng thể loại truyện ngắn và thực sự nổi
lên bằng tiểu thuyết. Ông không phải là nhà văn hiện thực lớn, không phải là nhà
viết tiểu thuyết vĩ đại, một nhà nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu nhưng sáng tác của
ông đã vượt qua những thử thách của thời gian, của số phận, càng thử thách lại
càng ngời sáng. Không có những tác phẩm với số lượng đồ sộ nhưng với hàng
loạt truyện ngắn: Cún, Người chăn kiến, Khói…và tiểu thuyết Chuyển kể năm
2000, Biển và chim bói cá…Bùi Ngọc Tấn đã làm bộc lộ được ý nghĩa hiện thực
sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện qua những
trang viết của mình.
Ông bị một tai nạn bất ngờ và phải ngừng bút hơn 20 năm, đó là quãng thời
gian vô cùng khó khăn đối với Bùi Ngọc Tấn. Trước một thực tế muôn vàn khắc

19
nghiệt, không được viết lên những gì mình muốn viết nhưng trong tâm hồn của ông
luôn khao khát vượt qua để trải lòng mình với những trang viết. Một con người đã
từng sống trong gian khổ, trải qua biết bao bầm dập của cuộc sống thì càng sáng
ngời trong thử thách. Với Bùi Ngọc Tấn nghề văn giống như một cái nghiệp không
dễ gì chối bỏ. Nó cứ thôi thúc ông cầm bút và viết. Cả một đời ông luôn tâm niệm
một điều “Với tôi, văn chương thuộc về những kẻ yếu, những người tầng đáy,
những người chịu đựng lịch sử”, “Văn chương không có chức năng lên án có
chăng chỉ nói lên thân phận con người”. Quan niệm về văn chương của Bùi
Ngọc Tấn là một quan niệm hết sức tiến bộ và thấm đẫm tinh thần nhân văn.
Ông viết văn là để thấu hiểu và bênh vực những con người nghèo khổ, dưới đáy
xã hội.
Biển và chim bói cá đánh dấu sự trở lại của Bùi Ngọc Tấn sau 20 năm
ngừng bút, sau khi đã trải qua biết bao bầm dập của cuộc đời, của số phận, của
nghề nghiệp…, là kết tinh vốn sống của nhà văn trong suốt những năm tháng
chứng kiến mọi chìm nổi, ngang trái của cuộc sống và con người trong một đơn
vị quốc doanh đánh cá lừng danh và cũng lắm truân chuyên. Tác phẩm kể lại
những câu chuyện về “đêm trước giai đoạn đổi mới của một liên hiệp đánh cá
biển Đông đầy thành tích nhưng cũng lắm cơ hội tha hóa, nhiều nhân văn nhưng
cũng không ít lưu manh”. Bên dưới những câu chuyện, những cuộc đời là những
đợt sóng ngầm của một thời kỳ dữ dội và cũng đầy khắc khoải. Cái không khí,
tinh thần quốc doanh đầy khẩu hiệu thi đua nhưng ẩn sau đó là rất nhiều góc
khuất: từ chuyện buôn lậu vài kí đá lửa từ Trung Quốc đến chuyện “khai phá”
con đường nhập lậu điện tử gia dụng, từ chuyện mua chuộc hải quan, những vụ
thanh toán lẫn nhau theo luật rừng trên biển… như chuyện vừa mới xảy ra. Có lẽ
với sự am hiểu vốn sống của một thời kì từng là nhân viên quốc doanh đánh cá
Hạ Long (1975 - 1995), Bùi Ngọc Tấn muốn lật lại ký ức về một thời kỳ, một
bối cảnh nhỏ đặt trong tương quan bối cảnh lớn của dân tộc, thời đại đầy biến
động ngấm ngầm và dữ dội mà mình đã sống qua, còn đem lại nhiều ngẫm nghĩ
day dứt. Bản thân nhà văn cũng thừa nhận, ngay từ những ngày đầu còn lênh

20
đênh đánh cá trên biển, ông đã tự nhủ, đây sẽ là mảnh đất phì nhiêu để ông canh
tác. “Tôi nghĩ thế nào cũng phải viết”, ông nói và đã viết, trải rộng trên tất cả
những gì mắt thấy tai nghe và ghim sâu những trăn trở của bao nhiêu năm tháng
chiêm nghiệm.
Với ưu thế của một người dày dạn vốn sống, Bùi Ngọc Tấn rất tinh tế khi
thể hiện cái nghèo, cái khổ khiến con người ta hèn đi của thời đoạn bấy giờ. Ông
không bình luận, chỉ thản nhiên tả những chi tiết rất thực: "Khi thuyền trưởng
đem bia và nước ngọt ra mời, anh đã làm ra vẻ rất tự nhiên, cười rất vô tư và
khảng khái: “Hôm nay bị đầy hơi, chỉ xin thuyền trưởng chén trà thôi. Còn cái
này xin phép thuyền trưởng mang về, lúc khác uống”. Thực ra có phải bụng dạ
làm sao đâu. Mà nó nằm trong kế hoạch của anh. Phải đem được ít nhất một lon
bia, một lon nước ngọt về cho mẹ, anh Vận và lũ cháu Anh mở lon nước ngọt,
rót ra cốc. Cả nhà tròn mắt nhìn những bọt nước thẫm màu nảy lên lách tách như
mưa trong cốc. Mẹ uống một ngụm. Mẹ bảo ngon rồi đưa cho cả nhà nếm mỗi
người một ngụm…".
Chính vì viết như một cuộc hồi cố về với quãng đời cực nhọc của mình và
cả dân tộc bằng vốn sống phong phú, tràn trề ấy, lúc này lúc kia cũng khiến
người đọc ngỡ rằng nhà văn đang rối trong chính kho tư liệu của mình. Tất cả
mọi chi tiết đều được ông nỗ lực đưa vào, khiến cuốn tiểu thuyết dày hơn 500
trang có lúc như hỗn độn, như rối rắm và khó đọc, khó nắm bắt. Chính vì thế,
nhà văn Châu Diên nhận định, có thể coi "Biển và chim bói cá là cuốn tiểu
thuyết tư liệu, kết quả từ cách làm việc của một nhà báo mang tâm hồn của một
nhà văn".
Biển và chim bói cá được viết trong cái tinh thần khổ ải, của một thời khổ
ải của một miền đất. Thành thử những chi tiết ở trong đó, thì đều là những cái
tên riêng của rất nhiều từng cá nhân con người, ở một cái hợp tác xã, trong một
thời kỳ bao cấp.
Biển và chim bói cá viết dựa vào bối cảnh thời bao cấp. Một thời đại luôn
tồn tại chuyện chạy chọt, cầu cạnh, bon chen, vụ lợi. Chính bối cảnh đó đã chi

21
phối nội dung thể hiện trong tác phẩm. Tồn tại trong tác phẩm là hình ảnh những
bọn quan tham, nhũng nhiễu, tiêu biểu là giám đốc Hoàng Quốc Thắng, rồi những
kẻ bợ đỡ, nịnh nọt sẵn sàng dâng vợ cho sếp để được nâng cấp tiêu biểu là nhân
vật Huy. Trong cái cơ chế quyền và tiền đó là sự thể hiện một hệ thống hành chính
thối nát, con cái của những kẻ làm sếp thì được ưu tiên, coi trọng mặc dù họ là
những kẻ dốt nát, đua đòi. Ngược lại một thế hệ những con người cống hiến cho
đất nước thì không hề được chiếu cố.
Những chiêm nghiệm của tác giả được vẽ lại bằng một lối văn nhẹ nhàng
đầy ắp hình ảnh, không hờn oán, hơn thế, nhiều khi như trải một tấm lòng đôn
hậu. Trong suốt 500 trang giấy, trang nào cũng là một bức tranh nhỏ đầy ắp
những sự thật, phảng phất tâm hồn bao dung của tác giả. Những đóng góp và
thành công của Bùi Ngọc Tấn đã minh chứng cho những năm tháng quật quã trải
nghiệm đầy bản lĩnh, trước những oan nghiệt của cái nghiệp văn chương: buồn vui và
cay đắng và càng làm cho Bùi Ngọc Tấn thêm bao dung, độ lượng và lạc quan.
2.1.2 Gã tép riu – tiểu thuyết hấp dẫn của Nguyễn Bắc Sơn.
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn có tên khai sinh là Nguyễn Công Bác, sinh năm
1941, quê quán: Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội. Sinh ra ở Nam Định, kháng chiến
chống Pháp gai đình ông tản cư lên Phú Thọ, ở xã Tân Hòa, huyện Hạ Hòa. Ở đây
ngay từ tuổi thiếu niên, ông đã tham gia đoàn thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước,
trong trại Thiếu nhi Bác Hồ, biểu diễn múa hát phục vụ kháng chiến. Năm 1955 ông
trở về Hà Nội, tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1962 trở thành thầy giáo dạy văn
trường THPT Hoàn Kiếm trong 10 năm. Ông kể hồi còn học phổ thông, cũng đã từng
ấp ủ mộng văn chương vì cũng có chút năng khiếu nhưng rồi theo thời gian, cái
mộng văn chương ấy cũng tắt ngấm. Năm 1972 ông vào bộ đội, tham gia kháng
chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1981 đến 1992 là phó hiệu trưởng trường Chu
Văn An danh tiếng, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng nhưng ông từ chối sau đó vui vẻ
về làm trưởng phòng quản lý báo chí, xuất bản của Sở văn hóa thông tin Hà Nội, bởi
vì “nghề báo chí xuất bản, gắn với sách vở chữ nghĩa” là niềm đam mê từ lâu của
ông. Chính trong quãng thời gian mười năm ở sở văn hóa thông tin Hà Nội, ông đã

22

×