Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Ngôn ngữ nhân vật người điên trong tiểu thuyết thoạt kỳ thủy của nguyễn bình phương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (204.28 KB, 8 trang )

NGÔN NGỮ NHÂN VẬT NGƯỜI ĐIÊN TRONG TIỂU THUYẾT
THOẠT KỲ THỦY CỦA NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
Đoàn Tâm
1


Hình tượng nhân vật người điên không xa lạ trong các tác phẩm văn học
xưa nay. Trong “Thoạt kỳ thủy”của Nguyễn Bình Phương, tất cả các nhân vật đều
bất thường về tâm lí. Điều này bắt nguồn từ quan niệm sáng tác của nhà văn: viết
là một quá trình trôi dạt trong chính thế giới nội tâm của con người để sục sạo
khám phá. So với người thường, người điên có một đời sống tinh thần phong phú,
bí ẩn hơn hẳn. Nguyễn Bình Phương đã bước đầu khai mở thành công những bí ẩn
ấy trong việc thể hiện ngôn ngữ nhân vật, từ đối thoại và độc thoại trong vô thức
của họ.

1. Đặt vấn đề
Trong sự phát triển mạnh mẽ của văn học với rất nhiều cây bút thuộc nhiều thể loại, tôi nhận
thấy một điều: Nguyễn Bình Phương đã không bị chìm khuất. Khơi sâu vào thế giới vô thức như một
cách nhìn nhận mới về hiện thực, con người, nhiều sáng tạo độc đáo về mặt kết cấu, cốt truyện, anh
còn đặc biệt thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Nhân vật người điên hầu như có mặt ở tất cả các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương. Thậm
chí trong Thoạt kỳ thủy, tất cả các nhân vật đều bất thường về tâm lí. Ai cũng điên điên, khùng khùng,
hoặc sẽ bị mọi người làm cho điên điên, khùng khùng. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nói
mỗi nhà văn có một cái tạng riêng của mình. Cái tạng của Nguyễn Bình Phương, có lẽ là những người
điên. Lý giải điều này, theo tôi, bắt nguồn từ quan niệm sáng tác của Nguyễn Bình Phương: viết là
một quá trình trôi dạt trong chính thế giới nội tâm của con người để sục sạo khám phá. So với người
thường, người điên có một đời sống tinh thần phong phú, bí ẩn hơn hẳn. Vì vậy, nội tâm người điên
thực sự trở thành miền đất hứa của Nguyễn Bình Phương. Và anh đã bước đầu khai mở thành công
miền đất ấy trong việc thể hiện ngôn ngữ nhân vật người điên. Điều này thể hiện rõ nét trong việc xây
dựng những kiểu đối thoại độc đáo cũng như thể hiện nội tâm nhân vật thông qua kiểu độc thoại trong
vô thức.


2. Nội dung
2.1. Kiểu “nhân vật người điên”
Từ lâu, trong văn học Việt Nam nói riêng, văn học thế giới nói chung xuất hiện khá nhiều
nhân vật người điên. Cả nhân loại được một trận cười nghiêng ngả trước chân dung kì dị và tức cười
của nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, chàng Đôn Kihôtê mụ mị vì tiểu thuyết hiệp sĩ đã quyết tâm lên
đường để lập lại công bằng cho thế giới. Người dân Trung Quốc có rùng mình khi phát hiện ra lịch sử
ăn thịt người 4000 năm của mình qua nhật kí người điên? Trong nền văn học dân tộc từ truyền
thống đến hiện đại, ta đã từng bắt gặp từ “Xuý Vân giả dại” đến Nga (Lá ngọc cành vàng - Nguyễn

1
K13, Cao học Lý luận văn học, Trường ĐHSP Hà Nội 2
Công Hoan) - điên tình hay Thảo (Người sót lại của rừng cười - Võ Thị Hảo) - điên vì những ám ảnh
chiến tranh…
Các nhân vật điên trong tác phẩm văn học tuy có những không gian sống, những biểu hiện
điên loạn khác nhau, song tựu trung, họ thuộc hai dạng tiêu biểu:
Thứ nhất, nhân vật người điên hiện lên như một “hiền triết tồn tại với thiên hướng duy nhất:
tra vấn vũ trụ và thời đại mình” (Đoàn Cầm Thi). Nói cách khác, nhân vật người điên là phương tiện
để tác giả bộc lộ tư tưởng quan niệm nhân sinh. Trên con đường hành đạo, những hành động điên rồ
và nực cười của Đôn Kihôtê một mặt thể hiện những tác hại của tiểu thuyết kiếm hiệp, nhưng mặt
khác nó cũng là câu hỏi lớn về sự còn-mất của lẽ công bằng và một tinh thần hiệp sĩ đích thực trong
thời đại M.Xervantex sống. Nhân vật người điên trong truyện ngắn Lỗ Tấn là một ví dụ khác. Anh ta
luôn luôn bị ám ảnh bởi cảm giác sắp bị ăn thịt. Ẩn sâu trong bề ngoài bệnh hoạn ấy là một sự phát
hiện của Lỗ Tấn về lịch sử ăn thịt người hoàn toàn có thật suốt 4000 năm dựng nước giữ nước Trung
Hoa. Người điên hay một hiền triết đang tra vấn lịch sử và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho thời đại
mình. Xét ở một góc độ nào đó, có thể nói những con người này hoàn toàn không mắc chứng điên
loạn về bệnh lý. Họ sống hết mình, tin hết mình và tuyệt đối hóa lý tưởng họ tôn sùng. Họ soi chiếu
mọi biểu hiện cuộc sống từ lý tưởng họ tin, họ theo. Vì vậy, họ trở nên xa lạ với xã hội. Và loài người
vẫn vậy, gọi những gì không giống mình bằng những tính từ không mấy thiện cảm như: ngốc, đần,
dở, chập mạch, hấp háy … và điên.
Ở dạng thứ hai, nhân vật điên hiện lên như một con bệnh. “Bệnh điên là hậu quả của sự ức

chế, không thỏa mãn về tình dục, tình yêu” (Đoàn Cầm Thi). Nhân vật Nga của Nguyễn Công Hoan
và nhân vật Thảo của Võ Thị Hảo thuộc mô típ này. Họ hiện lên gián tiếp qua sự miêu tả khách quan
của tác giả và thường bộc lộ dấu hiệu bệnh lý của mình qua những dấu hiệu bên ngoài. Vì vậy, ấn
tượng về sự điên loạn thường rất mờ nhạt, chung chung: khóc, cười, xé quần áo, thẫn thờ. Nhìn chung
chất điên của họ và của nàng Xúy Vân giả dại xưa chưa có mấy khác biệt.
Tương ứng với hai loại nhân vật điên trong văn học là những hệ ngôn ngữ đặc trưng. Với
nhân vật điên - học giả, ngôn ngữ của họ thường là những lời phát ngôn cho lý tưởng đậm chất triết
lý. Tiếng kêu cứu “Hãy cứu lấy các em” cất lên ở cuối truyện ngắn Nhật ký người điên thể hiện tập
trung tư tưởng và niềm hi vọng của Lỗ Tấn vào một thế hệ trẻ nhân bản hơn, “người hơn”. Và mỗi lời
kêu gọi xung phong của Đôn Kihôtê đều là sự lên tiếng của lý tưởng hiệp sĩ khao khát lập lại lẽ sống
công bằng ở đời. Những lời này được lọc ra trong lớp vỏ hài hước hay nghiêm trang đều khá lôgic và
tỉnh táo. Ngôn ngữ của loại nhân vật điên thứ hai không có gì đặc sắc. Họ nói ít, thường chỉ ú ớ ở dăm
ba câu. Họ chủ yếu thể hiện bản chất điên của mình qua những tràng cười.
Như vậy, nhìn chung, những nhân vật điên trong văn học thường xuất hiện như một công cụ
phát ngôn cho quan niệm tư tưởng của nhà văn. Đọc văn ta chưa biết người điên nghĩ gì? Đâu là lôgic
ngôn ngữ của họ? Tác giả nào sẽ có khả năng đưa người đọc bước vào thế giới nội tâm điên loạn ấy
bằng con đường nghệ thuật? Nguyễn Bình Phương sẽ trả lời được những câu hỏi trên trong tiểu thuyết
ngắn của mình: Thoạt kỳ thủy.
Tính là nhân vật trung tâm của Thoạt kỳ thủy. Hắn không thuộc hai dạng người điên thường
gặp trong văn học. Tính điên bẩm sinh, thậm chí điên từ trong bụng mẹ. Nguồn cơn sâu xa là từ cú
đạp thiếu rượu của cha Tính. Do vậy, hắn điên không phải vì chấn động tâm lý dữ dội như Nga, Thảo.
Hắn là một thợ đập đá bình thường, cả đời mù chữ, chưa một ngày bước chân ra chốn thị
thành. Cho nên, hắn không điên vì sách vở, cũng không phát ngôn cho một tư tưởng nào hết. Thêm
một điều đáng lưu ý, nếu tác giả khác soi chiếu nhân vật điên của mình dưới góc độ bệnh lý hoặc đạo
đức thì Nguyễn Bình Phương nhìn Tính như một nhà văn đích thực đang khám phá một hiện thực mà
anh ta quan tâm. Vì vậy, Tính thoát khỏi các chuẩn mực: bệnh tật - lành lặn, tích cực - tiêu cực. Người
đọc không bị áp lực bởi những câu hỏi quen nhàm: Tính đúng hay sai? Tốt hay xấu? Đáng giận hay
đáng thương? Cố gắng của Nguyễn Bình Phương trong việc lý giải, thể hiện bệnh điên của Tính một
cách nghệ thuật đã lấn át tất cả. Hệ quả thứ hai có xuất phát từ cách nhìn này đó là Tính được xây
dựng một cách khá đầy đặn và trọn vẹn. Với các nhân vật khác, cơn bệnh của họ chỉ được miêu tả

trong một quãng thời gian nhất định (thường sau khi trưởng thành và có ý thức đầy đủ về thế giới
xung quanh), đặc biệt, sau khi tỉnh ngộ họ đều lấy làm đau đớn, hổ thẹn, thậm chí phủ nhận hoàn toàn
giai đoạn mắc bệnh. Đôn Kihôtê đã xóa sạch dấu ấn “hiệp sĩ” của mình bằng thái độ ân hận đốt toàn
bộ kho sách truyện kiếm hiệp. Một cái kết có ý nghĩa giáo dục nhưng gượng và không hợp với lôgic
tâm lý nhân vật. Tính không đi lại những con đường mòn cũ ấy. Hắn có một cuộc đời điên loạn trọn
vẹn, từ khi mới lọt lòng tới khi tự xọc dao vào cổ mình. Qua những trang văn không dễ đọc, Tính hiện
lên với một tâm hồn khuyết tật, một cuộc đời bi thảm, hậu quả của sự tác động nhiều chiều: bản năng,
định mệnh, môi trường. Trong bụng mẹ, Tính đã bị hành hạ bởi những cú đạp của cha. Hắn chào đời
cùng tiếng gặm đít chén lách cách ghê rợn và ngay lập tức bắt đầu hành trình chạy trốn ánh trăng ma
quái, tuổi thơ không sách vở, tuổi thơ đầy rẫy ám ảnh chết chóc, máu me, bạo lực. Cơn khát máu đã
đẩy Tính xa tình yêu, xa cái đẹp, xa loài người. Cả cuộc đời mải miết săn đuổi sự hủy diệt và cuối
cùng đi đến kết cục tự hủy.
Nhìn từ phương diện nội dung, nhân vật Tính là hiện thân cho tấm thảm kịch của một con
người không được làm người, còn từ góc độ nghệ thuật, có thể nói Tính là dấu ấn sáng tạo đặc sắc của
Nguyễn Bình Phương về nhân vật người điên.
Tóm lại, có thể thấy, việc khắc họa nhân vật người điên vừa thể hiện lối viết mới mẻ, táo bạo,
vừa góp phần giúp nhà văn gia tăng khả năng khám phá, lý giải thế giới nội tâm đầy bí ẩn của con
người. Hiện tượng điên loạn của Tính được hợp lưu từ hai phía. Bản năng phá hủy sẵn có và môi
trường xung quanh. Thông qua sự lý giải ấy, Nguyễn Bình Phương đã gửi gắm quan niệm của mình
về con người: Thứ nhất, bản thân mỗi con người ngay từ khi sinh ra đã bị tổn thương, khiếm khuyết.
Vì vậy cuộc đời của mỗi con người là một hành trình gian khổ đấu tranh với cái bản năng để tự hàn
gắn, tự giải thoát khỏi bãi lầy để cất cánh bay lên. Trong truyện duy chỉ có cú mèo đạt đến đích, còn
lại phần đông đều bị chuồi theo cái bản năng và lụi tàn thê thảm. Nguyễn Bình Phương, qua những
trang viết, đã khơi dậy trong mỗi người đọc một khát vọng sống còn mang tính nhân văn sâu sắc:
Khát vọng cất cánh. Thứ hai, bản thân con người là sản phẩm của chính con người. Hệ quả của quan
niệm này là vấn đề môi trường xã hội được đặt ra một cách đầy đủ, sâu sắc.
2.2. Ngôn ngữ nhân vật người điên
Với tư cách là một hành vi tự biểu đạt bản thân của nhân vật, ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm
của Nguyễn Bình Phương được cá thể hóa cao độ và mang những đặc trưng riêng. Đây là một trong
những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng để biểu hiện cuộc sống, soi chiếu trung thực

những suy nghĩ và đời sống tinh thần của nhân vật.
Trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy, ngôn ngữ nhân vật người điên tồn tại dưới hai dạng chính:
ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại.
2.2.1. Ngôn ngữ đối thoại
Đối thoại là lời đối đáp giữa các nhân vật. Đây là chất liệu quan trọng để xây dựng nhân vật.
Ngôn ngữ đối thoại cho thấy tài năng và sự am hiểu của nhà văn về cuộc sống, về con người.
Đối thoại là phương thức giao tiếp giữa những người trong cộng đồng, nhằm thấu hiểu, thiết lập
các mối quan hệ xã hội. Nhưng đa số lời đối thoại trong Thoạt kỳ thủy lại chối từ chức năng xã hội
vốn có. Đối thoại trong tác phẩm rời rạc, thiếu ăn nhập với nhau; đối thoại không cho người đọc biết
thêm điều gì về mức độ sâu sắc hay hời hợt trong mối quan hệ của nhân vật. Đồng thời cũng không
mang dấu ấn tính cách, quan niệm của nhân vật về đời sống. Ngôn ngữ đối thoại chỉ giống như những
âm thanh trôi dạt bên lề cuộc sống, không có đích đến cũng không có sự tiếp nhận. Không có sự đồng
cảm, không có sự lắng nghe, thấu hiểu giữa các nhân vật với nhau. Nhân vật chỉ nói theo những ám
ảnh, mộng mị của riêng mình.
“Tính nhắm mắt:
“Lạnh”
“Xích vào đây một tí cho ấm. Anh Tính biết không, ngày bé ấy, bao nhiêu lần anh làm
em sợ hết hồn”
“Cắn công cống thích lắm”
“Bố anh còn gặm chén không”
“Mắt chó vàng như trăng”.
Chúng ta nhận ra cuộc đối thoại giữa một người tỉnh và một người điên. Do đó, lời thoại không
hề ăn nhập với nhau. Phần lời của Hiền hoàn toàn bình thường về mặt ý nghĩa, có cơ sở từ thực tế và
còn thể hiện sự quan tâm, sắc thái tình cảm trìu mến. Trong khi đó lời của Tính bộc lộ rõ sự bất
thường. Đó là lời của vô thức. Vô thức lên tiếng cho thấy Tính là kẻ hiếu sát đồng thời luôn bị ám ảnh
bởi trăng. Sự lệch pha trong đối thoại ở đây khiến người ta càng cảm thấy xót xa, thương cảm cho số
phận của Hiền, một bông hoa đẹp lạc lõng giữa thế giới kì dị của xóm Soi, lại phải gắn bó đời mình
với kẻ bất thường như Tính.
Ngoài ra, ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là một phương tiện hữu
hiệu nhất giúp nhà văn khám phá và phản ánh đời sống tâm linh nhân vật. Bởi vậy, các đối thoại

thường có mạch ngầm, tiềm văn. Có thể mượn một nhận xét của P.Gromov về L.Tolstoi để nói về
Nguyễn Bình Phương: không thể có đối thoại ở Nguyễn Bình Phương nếu thiếu những giải thích về
tâm lí. Lần đầu tiên trong văn chương Việt Nam, đối thoại trở thành chìa khóa mở cánh cửa dẫn vào
cõi tâm linh bí ẩn của con người.
Trong Thoạt kỳ thủy, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ đối thoại để diễn tả trạng thái vô thức của
nhân vật. Đây là một đoạn đối thoại giữa Hưng và Tính, hai kẻ điên, những lời nói bâng quơ đầu Ngô
mình Sở nhưng ăn ý đến lạ lùng:
“- Anh Hưng đấy à. Sao lại ở đây?
- Chẳng biết nữa.
- Ăn sáng chưa?
- Đêm.
- Ừ. Đêm dài quá đi mất. Em đói?
- Rán trăng lên mà ăn.
- Ừ rán trăng, rán trăng!”.
Những thắc mắc, băn khoăn của kẻ này đều được lí giải và tiếp nối lôgic trong lời của người
kia. Ban đầu là những lời hỏi đáp thông thường. Sau đó họ hỏi nhau về chuyện ăn uống. Với người
ngoài, sự nhảy cóc từ chuyện nọ xọ chuyện kia hay những lời khuyên rán trăng để ăn quả thật xa lạ và
rồ dại. Nhưng với Hưng – Tính, đó lại là những lời tri âm, tri kỷ của những kẻ điên loạn. Tính hiểu
Hưng. Và Hưng, hơn ai hết, đọc được những điều Tính nghĩ. Hành động bạo lực đầu tiên của Tính:
đốt nhà khiến ông Điện chết cháy, được gợi hứng và cổ vũ bởi Hưng. Từ câu chuyện đốt trại tù binh
tới bài hát “Lửa bốc cao căm hờn. Bốc từ bẹn bốc lên” đều được Hưng tung ra có dụng ý khi dò thấy
khao khát tàn sát trong mắt Tính. Khác với Hưng, ông Phùng không chỉ coi Tính là người tri kỉ mà
còn say sưa trước sự lạ lùng man dại của Tính. Vì vậy, Phùng thường xuyên khen ngợi Tính và chỉ
đọc tác phẩm của mình cho Tính nghe.
Mặt khác, các cuộc đối thoại trong tính hoàn chỉnh về hình thức của nó, hóa ra lại bộc lộ sự
không đáng tin trong lí trí của con người, tính không lôgic trong tư duy. Các câu thoại dường như
được lắp ghép vào nhau, có khi lại quá đối chọi nhau về mặt ý nghĩa, thậm chí còn vô nghĩa.
Đây là “đối thoại” của những người điên:
“Thằng điên:
- U chẳng biết gì sất.

Một người điên:
- Ôi giời, não ruột quá đi mất…
Thằng điên mới:
- Cù nách.
Lão điên:
- Mưa xiên khoai cơ mà. Mưa xiên khoai.
Cô gái Thổ điên:
- Mí lỏng à. Nó chẳng đặt bánh trưng nữa. Ra mương đi.
Tính:
- Mẹ chúng mày, tao chọc tiết hết. Trăng đen này. Ông Sung đến đấy.
Thằng điên:
- Đâu đâu, chó à, đâu đâu?”.
Nếu xét đơn thuần về mặt hình thức thì những cuộc đối thoại này đều mang tính hoàn chỉnh với
đầy đủ nhân vật và trình tự phát ngôn. Nhưng khi xem xét sự liên hệ trong những cặp thoại hoặc sự
liên hệ giữa nội dung đối thoại và hoàn cảnh chúng ta sẽ thấy sự phá vỡ những nguyên tắc hội thoại
thông thường, thậm chí cả sự phá vỡ ngôn ngữ. Đó là những cuộc hội thoại giữa những con người bất
thường về tâm lý. Kiểu đối thoại này gợi cho chúng ta nhớ đến kịch phi lí của Ionesco và Samuel
Becket. Thực ra, gọi đó là “đối thoại” cũng chưa thật thỏa đáng. Thứ ngôn ngữ này nằm trên lằn ranh
mấp mé giữa đối thoại và độc thoại. Nó không hề đại biểu cho cá tính, tính cách xã hội gì cả. Đó là
kiểu ngôn từ đối thoại phi lôgic, một dạng thức ngôn ngữ ảo mộng. Mỗi câu nói là sự chắp nối hỗn
độn những ám ảnh. Ngôn từ như được phát ra từ cõi vô thức sâu thẳm, mịt mù.
Những cuộc hội thoại của những người điên xen vào mạch truyện như những điểm nhấn khiến
người ta phải dừng lại, suy nghĩ. Điều không tránh khỏi là cảm giác hoang mang khi nhận ra con
người đang đánh mất lí trí. Lời thoại không ăn nhập với nhau, không ăn nhập với hoàn cảnh hoặc phủ
định nhau. Mỗi lời thoại dường như đang thu mình trong thế giới của chính nó. Đối thoại rời rạc và
lộn xộn đem lại ấn tượng về một thế giới đang rạn vỡ, đổ nát. Nguyễn Bình Phương chấp nhận hiện
thực như là nó vốn có. Hiện thực là những mảnh ghép và con người đôi khi chỉ là những ốc đảo cô
đơn.
2.2.2. Ngôn ngữ độc thoại
Nếu như đối thoại nhằm thiết lập các mối quan hệ hoặc cũng có khi là phá vỡ các mối quan hệ

thì độc thoại nhằm biểu đạt thế giới nội tâm của nhân vật.
Nếu như Người đi vắng được coi là “khởi điểm của dòng chảy Nguyễn Bình Phương vào thế
giới vô thức, mộng mị, hồng hoang” thì Thoạt kỳ thủy lại được đánh giá là “một cuộc phiêu lưu trong
vô thức”, một bước tiến dài của nhà văn vào vô thức của con người. Đây chính là yếu tố làm nên nét
riêng của Nguyễn Bình Phương. Đọc tác phẩm của ông, người ta mới nhận ra một điều, hóa ra vô thức
cũng là một phần rất quan trọng, chi phối tới hành động của con người. Và để khai thác được phần vô
thức của con người, nhà văn đã xây dựng trong tác phẩm của mình những nhân vật điên hoặc nếu
không cũng bất thường về tâm lí.
Độc thoại trong vô thức là dạng độc thoại nằm ngoài sự kiểm soát của lí trí Đó là một chuỗi
câu mang tính chất chắp nối nhiều khi vô nghĩa. Ở nhân vật Tính trong Thoạt kì thủy, đó là một chuỗi
các lời câm. Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, người ta mới có được cảm nhận rõ nét thế nào là
một nhân vật điên. Lần đầu tiên những người bình thường như chúng ta cảm nhận được người điên sẽ
có suy nghĩ và cảm giác như thế nào. Cái điên không chỉ được nhìn từ bên ngoài, hiện hình ở bộ dạng,
hành động của nhân vật mà đã được soi chiếu từ bên trong. Nguyễn Bình Phương đã xây dựng lời
câm của Tính bằng thứ ngôn ngữ siêu lôgic, gắn với những mạch liên tưởng đứt đoạn của nhân vật.
“Chúng nó đã ngủ. Lợn đã ngủ. Hiền về thì về đi. Nghe người lục bục lắm, có lẽ trăng sẽ vỡ
mất. Mắt chó vàng như trăng. Nó giàn giụa sáng. Mẹ ạ, phải làm gì bây giờ. Kiến đấy thôi, xọc một
nhát dao vào cổ thì thành lợn. Mẹ biết máu chảy từ chỗ nào không? Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa
ra…”.
Độc thoại được thể hiện dưới hình thức đối thoại một chiều. Mẹ, Hiền, Hưng, ông Phùng… chỉ
là những cái cớ để nhân vật tự nói với mình. “Hiền đỏ như máu. Đỏ như đĩa xôi gấc. Búa tạ đập vỡ lò
nhà ông Quyên cho sướng. Nát tay chứ chẳng chơi. Ai bảo nó ăn cắp thịt? Thằng Chanh Linh ấy. Mắt
chó vàng như trăng…”.
Sở dĩ đây là kiểu độc thoại trong vô thức vì lời thoại đều bắt nguồn từ ẩn ức của nhân vật.
Trong lời câm của Tính, cặp hình ảnh trăng và máu thường xuyên xuất hiện. Tính chào đời vào một
ngày có trăng. Vầng trăng to kì quái như một chiếc nong lừ lừ rọi qua vách liếp đã trở thành nỗi sợ
theo Tính suốt đời. “Tính co rúm lại, rồi thét lên mặc dù cô đỡ quấn Tính trong chiếc khăn to, áp vào
ngực mình. Tính lạnh, mắt nhắm tịt lại”. Tính sợ trăng hay sợ sự lạnh lẽo của cõi nhân tình. Cảm giác
lạnh đầu đời dự báo một cuộc đời cô đơn, tự chôn vùi trong một thế giới riêng biệt của Tính. Lời câm
còn thể hiện những ám ảnh bạo lực ở con người Tính. Ngay từ khi trong bụng mẹ đã là nạn nhân của

bạo lực. Lớn lên được ông Điện và Hưng dạy cho những bài học giết chóc, Tính trở thành một kẻ hiếu
sát từ trong tiềm thức. Sự bất thường trong tư duy và tâm lý đã thu Tính vào một ốc đảo riêng biệt.
Những ẩn ức được tích tụ từ thủa nhỏ đã khiến Tính không thể sống như những người bình thường.
Lời câm của Tính thực chất là một thứ ngôn ngữ điên cho nên rời rạc, đứt đoạn, phá hủy lôgic
ngữ pháp và ngữ nghĩa. Hoặc những câu được phát ra hoàn toàn vô nghĩa như “chuối mọc từ cổ lợn”
hoặc các câu có nghĩa nhưng khi sắp đặt cạnh nhau thì lại không nhằm chuyển tải một nội dung ý
nghĩa nào: “Anh Hưng bảo chỉ thấy đen thôi. Đen! Buồn cười nhỉ, nhỉ. Con rắn cạp nong trôi qua
người tao thế là anh lấy chị Hiền nhỉ, nhỉ. Cần thì chọc tiết. Hiên kêu eng éc…”. Trong những lời của
Tính, hầu hết các sự vật đều mất đi dáng vẻ tự nhiên, bản nguyên của nó. Vẫn là trăng, là đá, là công
cống, là Hiền , nhưng dường như đã đến từ một thế giới khác. Trăng đen, trăng xanh, trăng vàng,
trăng xanh đen, rỗ chi chít; hòn đá bị vỡ túa ra máu, da đá mỏng manh; Hiền đỏ như máu… Lời câm
không chỉ có máu, có trăng, có bạo lực mà còn chất chứa muôn màu sắc khác. Tính điên như một kẻ
hủy diệt và còn điên như một nghệ sỹ. Tác phẩm chủ yếu là những dòng độc thoại nội tâm không đầu
không cuối. Nói đúng hơn, đó là những dòng lảm nhảm của nhân vật Tính. Đây thực sự là một phát
hiện riêng của Nguyễn Bình Phương trong việc thể hiện ngôn ngữ cũng như nội tâm của nhân vật
điên.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng, không phải lúc nào lời câm của nhân vật Tính cũng là thứ ngôn
ngữ phi lôgic. Tuy rằng, đó là ngôn ngữ của vô thức, nhưng vẫn có lôgic nội tại bên trong, cho dù là
lôgic của người điên: “Hôm qua sao họ không ra sông nữa. Dân xóm Soi không đi tròn vùn vụt nữa.”;
“Hiền đặt bóng vào tường. tường cắn chặt bóng Hiền không thả ra in mãi với bóng thạch sùng…”. Rõ
ràng lời điên của Tính ở đây lại có cơ sở từ sự quan sát thực tế. Tính vẫn hiểu được sự việc diễn ra
trong đời sống và kể lại theo đúng trình tự chỉ có điều nhận thức và xúc cảm trái ngược với người
thường. Có gì tàn nhẫn trong việc ngợi khen một xác chết là đẹp. Lời nói và hành động của Tính
khiến người ta vừa thấy đáng sợ vừa đáng thương. Tính đã trở thành một kẻ hiếu sát đến cuồng loạn.
Đó là điều đáng sợ. Nhưng Tính lại chỉ là một nạn nhân. Nếu không bị cú đạp của cha từ khi trong
bụng mẹ, nếu không bị đầu độc tiêm nhiễm bởi môi trường sống, có lẽ Tính cũng sẽ phát triển bình
thường như bao đứa trẻ khác. Những lời câm không chỉ thể hiện sự điên loạn mà còn hé mở nỗi cô
đơn, nỗi sợ hãi bủa vây hành hạ khiến cho Tính không thể có được một cuộc sống bình yên.
Như thế, ngôn ngữ độc thoại nội tâm chẳng những là phương tiện chính yếu để nhà văn khắc
họa chiều sâu nội cảm của con người mà còn trở thành đối tượng của sự miêu tả. Nhà văn không chủ

định can thiệp, phân tích tâm lí nhân vật mà chỉ đóng vai trò là người kể lại diễn biến tâm lí nhân vật.
Trong quá trình dung hợp độc thoại nội tâm với các thủ pháp của hội họa, điện ảnh, kĩ thuật dòng ý
thức và điểm nhìn bên trong, Nguyễn Bình Phương đã gợi dậy và phát huy khả năng tiềm ẩn của ngôn
ngữ nhân vật trong việc biểu đạt sâu sắc, tinh tế đời sống tâm linh còn nhiều bí ẩn của con người.
3. Kết luận
Thông qua việc tìm hiểu ngôn ngữ nhân vật người điên trong Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình
Phương, chúng ta nhận ra con người đúng là một tiểu vũ trụ chứa đầy bí mật. Con người không đơn
giản, không một chiều mà dung hợp mọi hình sắc, mọi trạng thái tựa như một bức tranh siêu thực.
Đáng nói hơn cả là những nhận thức sâu sắc, mới mẻ về con người: Con người không hoàn hảo, con
người bị tổn thương, và con người là sản phẩm của chính mình. Những quan niệm nhân sinh ấy được
thể hiện dưới một văn phong lạnh, câu ngắn và những sáng tạo nghệ thuật độc đáo trong quá trình
khám phá nội tâm các nhân vật người điên.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đoàn Cầm Thi, Sáng tạo văn học: giữa mơ và điên, eVan.com.vn
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học,
Nxb Giáo dục, 2006.
3. Nguyễn Hải Hà, Thi pháp tiểu thuyết L. Tônxtôi, Nxb Giáo dục, 2006.
4. Nguyễn Bình Phương, Thoạt kì thủy, Nxb Hội nhà văn, 2004.
5. Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Bình Phương với thói quen quan sát người điên (Thu Hà thực
hiện), vnexpress.net.
6. Nguyễn Thị Bình, Văn xuôi Việt Nam 1975 - 1995, những đổi mới cơ bản, Nxb Giáo dục,
2007.
7. Phùng Gia Thế, Cảm quan đời sống và những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết của
Nguyễn Bình Phương, Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 146, 2007.

LANGUAGE OF MADMEN IN THE NOVEL AT FIRST
OF NGUYEN BINH PHUONG

Doan Tam
Abstract
In the remarkable development of literature including many writers in various genres, I find
that Nguyen Binh Phuong did not hide. He exploits unconscious world with much original creation on
structure and plot to show a new view about reality as well as human, and he is also highly successful
in using language. All characters even become mental disorders in At first. They are mad or made to
be crazy. To explain this, I suppose it is built by his writing outlook: writing is a process of drifting in
the inner world of the person to discover creation. Compared to ordinary people, madmen have richer
and more mysterious spiritual lives. Therefore, they become a huge field to be discovered by Nguyen
Binh Phuong. He began to exploit that field in expressing the language of madmen. It was found in
constructions of some unique types of dialogues as well as through unconscious monologues to show
inner characters.

×