Tải bản đầy đủ (.pdf) (25 trang)

Chiến lược tăng trưởng xanh của hàn quốc lý luận và thực tiễn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (831.75 KB, 25 trang )

CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH CỦA HÀN QUỐC:
LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Lương Hồng Hạnh
Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc
Ngày 15/08/2008, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày quốc khánh nước Đại Hàn dân
quốc, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung–bak đã công bố chiến lược “Tăng trưởng xanh”
là tầm nhìn quốc gia của Hàn Quốc trong 60 năm. Trong bài diễn văn hôm đó, ngài Tổng
thống đã phát biểu:
“... Ngày hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập của nước Đại Hàn dân
quốc, tôi muốn đề xuất Tăng trưởng xanh, ít các –bon là trọng tâm trong tầm nhìn mới
của quốc gia. Tăng trưởng xanh hướng đến tăng trưởng bền vững bằng việc giảm phát
thải khí nhà kính và ngăn chặn suy thoái môi trường. Đây cũng là một mô hình phát triển
quốc gia mới với mục tiêu tạo ra những động cơ tăng trưởng mới và việc làm, thông qua
công nghệ xanh và năng lượng sạch. ... Tăng trưởng xanh sẽ mang đến cho bán đảo Hàn
một kỳ tích mới, tiếp nối Kỳ tích sông Hàn”.
Như vậy, tăng trưởng xanh thể hiện là một mục tiêu quốc gia đầy táo bạo, hàm chứa
tham vọng của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak về sự thay đổi căn bản của Hàn
Quốc cả về mô hình phát triển kinh tế cũng như chất lượng môi trường.
Điều này lại một lần nữa thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Tổng thống Lee với vấn
đề bảo vệ môi trường. Mối quan tâm này luôn được thể hiện thiết thực bằng hành động.
Nhìn lại quãng thời gian ông còn là Thị trưởng Seoul, có thể nói một trong những đóng
góp lớn nhất của ông trong nhiệm kỳ thị trưởng chính là công tác phục hồi dòng suối
Cheong Gye Cheon. Hiện nay, dòng suối này đang chảy qua trái tim của thủ đô Seoul và
được tán dương như là một thành tựu lớn trong nỗ lực kiến tạo đô thị xanh, sạch và đẹp.
Với công trình này, năm 2006, Asian Times đã đăng tải: “Seoul, một thời từng được ví
như tượng trưng của một khối bê tông, đã thành công trong việc thay đổi bộ mặt của
mình bằng một dòng suối xanh và nay, nó đang nhắc nhở nhân dân các nước khác trong
khu vực châu Á về tình yêu đối với môi trường”, kèm theo đó là bức ảnh Tổng thống Lee
đang nhúng chân vào nước suối Cheong Gye Cheon. Sau đó, vào tháng 10/2007, cùng với
Nguyên Phó Tổng thống Mỹ Albert Arnorld Gore Jr, Tổng thống Lee đã được Tạp chí
Times bầu chọn là một trong “Những vị anh hùng của Môi trường”(Heroes of the


Environment).
Vậy với Chiến lược Tăng trưởng xanh, liệu Tổng thống Lee Myung-bak có tạo được
một dấu ấn nào trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình không? Đây là một chiến dịch xanh
thực chất hay đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu chính trị mang tính hình thức? Bài viết dưới
đây, tác giả mong muốn có thể giới thiệu sơ lược về Chiến lược Tăng trưởng xanh của
Hàn Quốc, khái niệm Tăng trưởng xanh, lý do tại sao Hàn Quốc lựa chọn chiến lược tăng
trưởng xanh làm mô hình phát triển mới của quốc gia, đồng thời trình bày một số nội


dung chính của chiến lược cũng như kết quả đã đạt được, và cuối cùng, đưa ra một số
nhận xét khái quát về chiến lược này.
1.

Khái niệm

Theo tài liệu “Chiến lược Tăng trưởng xanh, ít các-bon” được xuất bản tại Văn
phòng Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc, Tăng trưởng xanh được hiểu là một chiến lược
bắt đầu bằng sự từ bỏ quan niệm lạc hậu là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không
thể song hành với nhau, từ đó, hướng tới tối đa hoá sự kết hợp giữa hai phạm trù này.1
Để hiểu rõ định nghĩa này, ta cần nhìn lại những quan điểm trong quá khứ. Trước
đây, những chính sách về môi trường thường tập trung vào những giải pháp “hậu tăng
trưởng” với tiêu chí “tăng trưởng trước, dọn sạch sau” (“grow first, clean up later”). Vì
vậy, rất nhiều lần, những chính sách này bị rơi vào những cuộc tranh cãi không có hồi kết
giữa một bên là lợi nhuận kinh tế và một bên là giá trị môi trường. Nguyên nhân chính là
do từ trước tới nay, phần đông giới kinh doanh vẫn quen với lập luận rằng không phải bao
giờ xu hướng thân thiện với môi trường cũng song hành với việc kiếm tìm lợi nhuận2; và
xã hội cũng cho rằng “công nghệ xanh” chỉ là biểu hiện “Trách nhiệm xã hội của Doanh
nghiệp” (Corporate Social Responsibility) chứ có thể không liên quan gì tới lợi nhuận
kinh doanh, thậm chí có khi còn gây ảnh hưởng tiêu cực. Đây là một quan điểm phiến
diện. Khi cho rằng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không song hành với nhau,

tăng trưởng và sự hài hòa, tôn trọng thiên nhiên không thể cùng sánh bước, nghĩa là
chúng ta công nhận sự sung túc, giàu có của loài người mâu thuẫn với sự an toàn của toàn
thể giới tự nhiên. Trong khi đó, con người lại là một bộ phận của giới tự nhiên, mối liên
hệ giữa con người và tự nhiên là mối liên hệ hữu cơ nên lẽ dĩ nhiên, con người không thể
sống khỏe mạnh, giàu có, hạnh phúc bằng cách hủy hoại chính “Bà mẹ thiên nhiên” của
mình.
Hơn nữa, trong thời điểm hiện tại, sự hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển
kinh tế là điều quan trọng. Việc cho ra đời cơ chế trả tiền cho quyền phát thải là một minh
chứng điển hình. Để đảm bảo lợi nhuận lâu dài, nhiều công ty buộc phải tính đến cắt giảm
chi phí do việc phát thải khí nhà kính sinh ra. Đây là điểm kết nối quan trọng giữa “xanh”
và “kinh doanh”, khiến chúng khó tách rời nhau. Như vậy, quan niệm được đưa ra trong
định nghĩa trên của Hàn Quốc có nhiều điểm đáng lưu ý.
Sau này, trong “Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít các-bon ”, Hàn Quốc lại một
lần nữa đưa ra định nghĩa về Tăng trưởng xanh. Định nghĩa như sau: Tăng trưởng xanh là
tăng trưởng đạt được sự hài hòa giữa kinh tế và môi trường, bằng việc tiết kiệm và sử
dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và suy thoái môi
trường; đồng thời phát triển nghiên cứu năng lượng sạch và công nghệ xanh để đảm bảo
động lực tăng trưởng mới và tạo ra những việc làm mới...3

1

/> />3
Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít các-bon (저탄소 녹색성장 기본법 ) của Hàn Quốc.
2


Khi so sánh định nghĩa trên của Hàn Quốc với định nghĩa của Ủy ban kinh tế xã hội
khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) “Tăng trưởng
xanh là chiến lược tìm kiếm sự tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi tối thiểu hóa gánh
nặng sinh thái. Cách tiếp cận mới này cho phép tìm kiếm sự hài hòa giữa tăng trưởng

kinh tế và tính bền vững môi trường bằng việc thúc đẩy những thay đổi căn bản trong
phương thức sản xuất và tiêu dùng xã hội”] ta nhận thấy có một số khác biệt.
Định nghĩa của UNESCAP mang tính tổng hợp và bao quát hơn, trong đó nhấn
mạnh vào phương châm hướng tới “xanh” bằng cách thay đổi phương thức sản xuất và
tiêu dùng. Định nghĩa của Hàn Quốc đi vào chi tiết hơn và cũng phù hợp với bối cảnh của
Hàn Quốc hơn khi nhắm tới mục tiêu giải quyết hiện trạng của nền kinh tế Hàn Quốc
ngày nay là tỷ trọng nhập khẩu năng lượng lớn, tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao... Đó là lý
do trong định nghĩa này, Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng sạch, công
nghệ xanh và khả năng tạo ra những việc làm mới.
Như vậy, từ những định nghĩa trên có thể thấy trọng tâm của Tăng trưởng xanh nằm
ở “cấu trúc tuần hoàn thuận”, nghĩa là phát triển kinh tế phối hợp với việc giảm thiểu sự
lạm dụng tài nguyên, ô nhiễm môi trường; sau đó lại biến điều này thành động lực để phát
triển kinh tế.4
Tóm lại, hiểu theo cách đơn giản nhất, Tăng trưởng xanh là sự kết hợp giữa “tăng
trưởng” (những giá trị về mặt kinh tế) với “màu xanh” (những giá trị về môi trường và xã
hội). Như vậy, khái niệm này không hoàn toàn trùng khớp với khái niệm “nền kinh tế
xanh”. Nó cần được hiểu là một khái niệm rộng hơn, vượt ra bên ngoài phạm vi kinh tế.
Chiến lược Tăng trưởng xanh là một chiến lược tổng thể về kinh tế - môi trường – xã hội
nhằm tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn chú trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường để
hướng tới sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, vì lợi ích của con người.
2. Lý do Hàn Quốc lựa chọn Tăng trưởng xanh
Xét theo hiện trạng của Hàn Quốc, Tăng trưởng xanh là một sự lựa chọn hợp lý.
Lý do đầu tiên là lý do môi trường. Tuy là một quốc gia được cả thế giới công nhận
về những thành công vượt bậc trong quá trình phát triển kinh tế nhưng đổi lại, Hàn Quốc
đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề về mặt sinh thái.
Chỉ trong vòng 50 năm, Hàn Quốc đã chuyển từ một quốc gia thuộc “thế giới thứ
ba” sang một quốc gia thuộc “thế giới thứ nhất”. Trong khi đó, để đạt được những thành
công tương tự, các quốc gia khác phải mất từ 100 – 200 năm. Đổi lại, mức tăng nhiệt độ
trung bình của Hàn Quốc từ năm 1912 đến năm 2008 là 1,7oC (Nghiên cứu của Viện khí
tượng quốc gia Hàn Quốc, 2009), vượt xa sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm

1906 đến năm 2005 là 0,74oC (theo Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi khí hậu/ IPCC,
2007). Mực nước biển ở đảo Jeju cũng tăng khoảng 22cm trong vòng 40 năm, gấp 3 lần
so với mức tăng mực nước biển toàn cầu. Ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước
cũng gia tăng nhanh chóng. Theo Chỉ số cuộc sống tốt hơn (Better Life Index) mà Tổ
4

Im Hong-jae, “Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và những hợp tác quốc tế”, , 2010.


chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố năm 2011, chỉ số PM105 trong
không khí của Hàn Quốc là 33 microgram/mét khối, cao hơn hẳn so với mức trung bình
của khối OECD là 21 microgram/mét khối. Về chất lượng nước, Hàn Quốc cũng xếp dưới
mức trung bình của OECD, cụ thể chỉ có 74% dân số hài lòng với chất lượng nước, trong
khi mức trung bình của OECD là 84%.
Đặc biệt, lượng phát thải khí các-bon của Hàn quốc đã gia tăng đáng kể trong suốt
15 năm qua khiến hiện nay, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí
các-bon tăng nhanh nhất thế giới.
Hình 1. Lượng phát thải CO2 (đơn vị: tấn/ đầu người)

Nguồn: Chỉ số phát triển thế giới (World Development Indicators), Ngân hàng Thế
giới.
Hậu quả là, trong vòng 10 năm gần đây, Hàn Quốc bị đánh giá khá thấp về mức độ
xanh của nền kinh tế theo một vài chỉ số về môi trường, như: chỉ số bền vững môi trường
(ESI), chỉ số hiệu suất môi trường (EPI), chỉ số dấu chân sinh thái (EF) và chỉ số hạnh
phúc toàn cầu (HPI).
Bảng 1. Xếp hạng môi trường của Hàn Quốc
Chỉ số

Vị trí của Hàn Quốc


Năm công bố

ESI

122/146

2005

EF

89/124

2009

HPI

69/143

2009

Nguồn: Jisoon Lee, “Green growth – Korean initiatives for green civilization”,
10/2010.
5

PM: particulate matter , “hạt ô nhiễm” trong không khí có đường kính rất nhỏ, đủ để xâm nhập và gây hại cho phổi.


Hình 2. Chỉ số hiệu suất môi trường (EPI) của Hàn Quốc năm 2014

Nguồn: Environmental Performance Index, Yale University, 2014.

Đặc biệt, theo một thăm dò của Viện Gallup năm 2010, Hàn Quốc xếp hạng 27 trên
34 quốc gia thuộc OECD khi tự đánh giá mức độ hài lòng về cuộc sống theo thang điểm
từ 0 đến 10. Đây là mức dưới trung bình.
Trước tình hình này, Tăng trưởng xanh là một hướng đi hợp lý, thúc đẩy quá trình
chuyển giao của Hàn Quốc sang một nền kinh tế xanh hơn, nhằm giảm thiểu áp lực lên hệ
sinh thái và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Lý do thứ 2 là tình trạng phụ thuộc cao của Hàn Quốc vào các nguồn năng lượng
nhập khẩu và nhiên liệu hoá thạch. Theo số liệu của Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc,
năm 2010, Hàn Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 10 trên thế giới và 97% tổng
cầu năng lượng là từ nhập khẩu, trong đó hơn 80% là năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch
(trong khi tỷ lệ của Nhật Bản là 73%, Hoa Kì là 64% và Pháp là 53%). Hàn quốc còn là
nước nhập khẩu dầu lớn thứ 5 trên thế giới (2007) và là nước nhập khẩu than đá lớn thứ 2
thế giới (2008). Quan trọng hơn, các ngành công nghiệp tạo ra 70% tổng sản lượng công
nghiệp quốc gia như dầu mỏ, hoá chất và thép đều là các nhóm tiêu thụ năng lượng cao.
Theo Báo cáo hiệu suất Môi trường của OECD năm 2006: “Hàn quốc là một trong số ít
những quốc gia thuộc OECD không cải thiện mật độ năng lượng (năng lượng sử dụng
trên một đơn vị GDP) so với năm 1990”.6
Do cấu trúc tiêu thụ năng lượng ở mức cao như trên nên khó tránh khỏi tình trạng
nhạy cảm cao với các biến động về giá năng lượng; và hậu quả là, kinh tế Hàn Quốc đã
phải hứng chịu tác động lớn mỗi lần giá năng lượng tăng mạnh. Như vậy, việc Hàn Quốc
lựa chọn chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả và ít các-bon làm phương thức tạo ra
động cơ tăng trưởng mới là việc rất cấp thiết.
Hình 3. Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (% trên tổng số)

6

Tổng quan chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc (Overview of The Republic of Korea’s
National Strategy for Green growth), UNEP, 04/2010.



Nguồn: Chỉ số Phát triển Thế giới, Ngân hàng thế giới.
Hình 4. Mức tiêu thụ điện năng của Hàn Quốc
Đơn vị: KWh bình quân đầu người

Nguồn: Chỉ số Phát triển Thế giới, Ngân hàng thế giới.
Lý do thứ 3, Hàn Quốc cần xác lập một động cơ tăng trưởng mới. Những năm 1960,
Hàn Quốc đã đạt tới mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhờ sự phát triển của các
ngành công nghiệp hóa chất nặng7, sử dụng chiến lược lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Đây là
động cơ tăng trưởng đầu tiên của Hàn Quốc. Tiếp đó, sự phát triển của ngành công nghệ
thông tin (IT) đã dẫn tới sự khai sinh của một động cơ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, từ nửa
sau của những năm 1990, đất nước này đã phải vật lộn với mức tăng trưởng kinh tế thấp
và nạn thất nghiệp; vì vậy, yêu cầu về một động cơ tăng trưởng mới là cấp thiết. Trong
khi đó, ngành công nghiệp xanh là thị trường tương lai với khả năng tăng trưởng hết sức
7

Công nghiệp hóa chất nặng: Heavy chemical industries. Ngành công nghiệp hóa chất được chia thành hai nhóm là
(1) Công nghiệp hóa chất nặng (Heavy chemical industries) và (2) Công nghiệp hóa chất tinh chế (Fine chemical
industries). Trong đó, hóa chất nặng thường được sản xuất với số lượng lớn, chi phí thấp, thường được dùng làm
nguyên liệu cho các ngành công nghiệp (ví dụ: xút, axit sunfuric…). Hóa chất tinh chế thường được sản xuất với số
lượng tương đối ít và ở trong tình trạng tương đối tinh khiết. Quy trình sản xuất hóa chất tinh chế có thể rất phức tạp
và cần phải tuân thủ theo các yêu cầu nghiêm ngặt (ví dụ: thuốc nhuộm, hương thơm, hóa chất chụp ảnh, dược
phẩm…).


phong phú mà Hàn Quốc lại là một nước có nhiều ưu thế trong lĩnh vực này. Các doanh
nghiệp sản xuất chất bán dẫn hay màn hình của Hàn Quốc có thể tham gia vào các ngành
công nghiệp liên quan đến năng lượng mặt trời; còn các nhà sản xuất động cơ có thể phát
triển công nghệ của mình trong lĩnh vực năng lượng gió. Nhìn lại quá khứ, Hàn Quốc đã
từng đuổi kịp các nước phát triển trong các ngành công nghiệp sản xuất ô tô hay đóng tàu
vốn đã bị tụt hậu tới hơn 30 năm, thì có thể thấy Hàn Quốc hoàn toàn có cơ hội để đuổi

kịp các nước phát triển trong "lĩnh vực xanh".
Bởi vậy, Tăng trưởng xanh được nhận định là một giải pháp hợp lý và cần thiết đối
với Hàn Quốc, một đất nước mà “khả năng bị tổn thương” (do các yếu tố môi trường và
giá năng lượng) cao hơn hẳn các quốc gia khác. Tình thế hiện tại vừa là thách thức vừa là
cơ hội, nếu Hàn Quốc có thể nắm bắt kịp thời và thông minh, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ có
được sức bật mới.
3. Nội dung chính của chiến lược
3.1. Cơ chế điều hành
3.1.1. Uỷ ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh (Presidential Committee on Green
Growth - PCGG)
Uỷ ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh được thiết lập vào ngày 16/02/2009. Uỷ
ban được đồng chủ toạ bởi Thủ tướng và Giáo sư Kim Hyeong-gook - một đại diện của
khu vực tư nhân. Ủy ban bao gồm 47 thành viên là các Bộ trưởng hữu quan, các chuyên
gia và những người từ vực tư nhân.
Uỷ ban này được uỷ nhiệm để bàn thảo tất cả các chủ đề liên quan tới việc theo đuổi
Tăng trưởng xanh, cũng như điều phối công việc của chính quyền trong phạm vi này. Uỷ
ban cũng phát triển một hình thức quản lý mới về Tăng trưởng xanh khi đưa tất cả những
người tham gia đến từ các cơ quan chính phủ, địa phương và tư nhân lại gần nhau.
“Trưởng ban Tăng trưởng xanh” sẽ được chỉ định trong tất cả các cơ quan hành chính
nhằm thúc đẩy Tăng trưởng xanh trong mọi chính sách công.
Giống như PCGG trung ương, Uỷ ban địa phương về Tăng trưởng xanh cũng được
thành lập để thảo luận những vấn đề liên quan tới việc xây dựng và thực thi chính sách
Tăng trưởng xanh ở cấp chính quyền địa phương. Thông qua các Uỷ ban trung ương và
địa phương này, việc lên kế hoạch và thực thi các sáng kiến Tăng trưởng xanh được giám
sát và khuyến khích nhằm đạt được những kết quả đã trù tính. Sự tham gia của khu vực tư
nhân cũng hết sức cần thiết để thúc đẩy thay đổi hành vi trong khu vực này. Kết quả của
nó là việc triển khai 05 Tổ chức Tư vấn Tăng trưởng xanh thuộc khu vực tư nhân để liên
kết giữa kinh doanh, các nhà khoa học, xã hội dân sự, công nghệ thông tin với các lãnh
đạo tài chính lại với nhau để thu được ý kiến chuyên sâu và thúc đẩy sự tham gia của khối
tư nhân vào các chính sách Tăng trưởng xanh.

Cùng với đó, một chức vụ mới thuộc Văn phòng Tổng thống đã được bổ nhiệm, đó
là Thư ký cấp cao về Tăng trưởng xanh. Đầu tiên, chức vụ này được gọi là Thư ký về Tầm
nhìn tương lai; sau đó, họ đổi tên gọi và thăng cấp cho vị trí này với nhiệm vụ là giám sát
chiến lược “Tăng trưởng xanh, ít các-bon” và đóng vai trò chính trong việc biến những
phê chuẩn của Tổng thống đối với những sáng kiến Tăng trưởng xanh thành các thực thi


trên thực tế. Nhờ sự cộng tác thành một nhóm làm việc giữa vị trí này và Ủy ban Tổng
thống về Tăng trưởng xanh, Hàn Quốc có thể tăng cường cấu trúc điều hành không chỉ
trong xây dựng chính sách và các chiến lược tăng trưởng xanh mà còn có thể giám sát
thường xuyên, cho phép điều chỉnh chính sách và kĩ thuật khi cần thiết.
Hình 5. Cơ cấu tổ chức cho Tăng trưởng xanh

Nguồn: Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh.
3.1.2. Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (Global Green Growth Institute - GGGI)
Ngày 16/06/2010, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu được chính thức công bố thành
lập, nhân cuộc họp của Diễn đàn khí hậu Đông Á được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc.
Viện này là một tổ chức liên chính phủ đầu tiên do Hàn Quốc đứng đầu, có mục
đích xây dựng chiến lược Tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện các quốc gia, tư vấn và
hỗ trợ các nước thực hiện chiến lược này bằng việc chuyển giao tri thức, kỹ thuật; đồng
thời cũng làm nhiệm vụ quảng bá chiến lược Tăng trưởng xanh, ít các-bon của Hàn Quốc
ra thế giới.
Theo công bố của Nhà Xanh, Viện sẽ hoạt động một phần dựa vào trợ cấp của
Chính phủ Hàn Quốc (khoảng 10 triệu USD/năm trong 3 năm đầu).
Theo các nhà phân tích cho hay, “giá trị xanh” sẽ được thế giới đón nhận. Trong bối
cảnh đó, việc thành lập Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của
Hàn Quốc trong việc đem đến một trật tự kinh tế xanh mới cho thế giới.
3.2.
Về mặt luật pháp
Ngày 13/01/2010, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã chính thức phê chuẩn

Luật khung về “Tăng trưởng xanh, ít các-bon”. Luật này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày
14/04/2010, bao gồm 7 chương, 64 điều.


Chương 1: Những quy định chung
Chương 2: Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, ít các-bon
Chương 3: Ủy ban Tăng trưởng xanh
Chương 4: Thúc đẩy Tăng trưởng xanh, ít các-bon
Chương 5: Thực hiện xã hội ít các-bon
Chương 6: Thực hiện cuộc sống xanh và phát triển bền vững
Chương 7: Các điều luật bổ sung
Luật này bao gồm 7 nội dung chính tổng hợp các vấn đề cốt lõi về chính sách và thể
chế của Tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc.8
Thứ nhất, lập các kế hoạch về phát triển bền vững, phát triển năng lượng, đối phó
với biến đổi khí hậu trên cơ sở Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh nhằm thực hiện
một cách hệ thống và toàn diện chính sách Tăng trưởng xanh, ít các bon.
Thứ hai, xây dựng thể chế thực hiện Tăng trưởng xanh.
Thứ ba, xây dựng ngành công nghiệp xanh và công nghệ xanh thành động lực phát
triển mới nhằm tạo ra các việc làm xanh mới.
Thứ tư, khuyến khích mở rộng đầu tư xanh.
Thứ năm, tăng cường sự độc lập về năng lượng và giảm phát thải nhà kính theo từng
giai đoạn.
Thứ sáu, chính phủ thực hiện chính sách phát triển bền vững, chính sách lối sống
xanh, quốc thổ xanh.
Thứ bảy, tăng cường ngoại giao trong đối phó với biến đối khí hậu theo yêu cầu của
cộng đồng quốc tế, đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế khi cần thiết, với tư cách là
người dẫn đầu trong Tăng trưởng xanh, ít cácbon.
Như vậy, đây là một văn bản luật toàn diện, tổng hợp đầy đủ các nội dung của chính
sách Tăng trưởng xanh, với tất cả những yếu tố có liên quan, như: năng lượng, biến đổi
khí hậu, phát triển bền vững, sống xanh... Tổng thống Lee Myung-bak cho biết: “Luật

mới được áp dụng sẽ tạo cho Hàn Quốc một khuôn khổ luật pháp chặt chẽ để trở thành
người mở đường cho Trái đất về kế hoạch tăng trưởng kinh tế; đồng thời đa dạng hóa các
cố gắng có liên quan của Hàn Quốc, biến Hàn Quốc trở thành một quốc gia kiểu mẫu
trong lĩnh vực này”.
3.3.
Các kế hoạch và chiến lược cụ thể
3.3.1. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2009-2050)
Chiến lược quốc gia là trọng tâm trong kế hoạch của chính phủ về Tăng trưởng
xanh. Chiến lược này đã đề ra 3 mục tiêu chính với 10 định hướng chính sách cụ thể.

8

Chính sách tăng trưởng xanh và triển vọng hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc, TS. Nguyễn Thị Thắm.


Mục tiêu thứ nhất là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và đạt tới sự độc lập về
năng lượng. Mục tiêu này kêu gọi các hành động như đặt ra những mục tiêu giảm phát
thải khí nhà kính từ trung hạn đến dài hạn, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng
mới, năng lượng tái tạo và củng cố năng lực ứng phó của quốc gia nhằm chống lại những
tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu thứ hai là tạo ra các động cơ tăng trưởng mới trên nhiều mặt trận. Trọng
tâm của nó là tăng cường những đầu tư chiến lược trong nghiên cứu và phát triển công
nghệ xanh, thiết lập cấu trúc cho tài chính xanh và đưa ra các ưu đãi về thuế cho những
hoạt động thân thiện với môi trường.
Mục tiêu thứ ba là nâng cao tổng thể chất lượng cuộc sống cho người dân và gia
tăng đóng góp cho cộng đồng quốc tế bằng cách vận động mạnh mẽ cho tăng trưởng
xanh. Xét tầm quan trọng của việc thay đổi hành vi, Chính phủ đã thi hành các chiến dịch
cộng đồng được thiết kế để tăng cường hiểu biết và tham gia của công dân, ví dụ như
Phong trào Khởi động xanh9.
Hình 6. Ba mục tiêu và 10 định hướng của Tăng trưởng xanh


Nguồn: Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh
3.3.2. Gói Kích cầu “Thỏa thuận xanh mới” (Green New Deal)
Từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, các nước trên thế giới bắt đầu đưa ra những
gói kích thích kinh tế bổ sung nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Xét từ mức độ mà cuộc khủng hoảng tác động đến Hàn Quốc thì quốc gia này cũng cần
tham gia vào công cuộc ứng phó đó.
9

Phong trào Khởi động xanh (Green Start Movement) có mục đích là giảm khí nhà kính và thực hành tăng trưởng
xanh, ít các-bon bằng cách thiết lập các lối sống xanh trong khu vực ngoài công nghiệp, bao gồm nhà ở, giao thông,
kinh doanh thông qua hợp tác giữa chính phủ, các ngành kinh doanh và các nhóm dân sự.


Được công bố ngày 06/01/2009, Gói Kích cầu “Thỏa thuận xanh mới” là một kế
hoạch đầu tư 50.000 tỷ won (khoảng 38,5 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 4% GDP) trong 4
năm (giai đoạn 2009 – 2012), tập trung vào 9 dự án chính và các dự án liên quan, qua đó
hy vọng tạo ra 956.000 việc làm xanh mới.
Gói kích cầu này nhằm mục đích kêu gọi sự chuyển hướng tới nền kinh tế xanh, lựa
chọn các dự án xanh và tạo công ăn việc làm. Cụ thể là các dự án: tiết kiệm năng lượng;
phát triển năng lượng sạch, tiết kiệm nguồn tài nguyên; thiết lập mạng lưới giao thông
xanh, các dự án nước sạch, các dự án nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống; các dự án chủ
động ngăn ngừa phát thải CO2; các dự án phát triển trong công nghiệp, hạ tầng thông tin,
công nghệ cơ bản để cải thiện tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng và chuẩn bị cho
tương lai.
Gói kích cầu này xác định những dự án trọng điểm tập trung vào năng lượng tái tạo,
các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, các phương tiện đường bộ và đường sắt ít
(thải) các-bon, nước và quản lý chất thải. Tổng lượng tiền là 30,7 tỷ đôla Mỹ (khoảng
80% gói kích thích) được phân bổ cho lĩnh vực môi trường, như: năng lượng tái tạo (1,8
tỷ), toà nhà hiệu quả năng lượng (6,19 tỷ), xe ít cac-bon (1,8 tỷ), tàu hỏa (7,01 tỷ) và

quản lý nước, chất thải (13,89 tỷ).
Trong đó, 9 dự án chính bao gồm: (1) cải tạo 4 sông lớn; (2) xây dựng hệ thống giao
thông xanh; (3) xây dựng cơ sở dữ liệu về lãnh thổ và tài nguyên quốc gia; (4) quản lý
nguồn tài nguyên nước; (5) ô tô xanh và chương trình năng lượng sạch hơn; (6) chương
trình tái sinh tài nguyên; (7) quản lý rừng và chương trình sinh học; (8) nhà xanh, văn
phòng xanh, trường học xanh; (9) phong cảnh và cơ sở hạ tầng xanh hơn.
Trong đó, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư một khoản lớn, khoảng 22,2 nghìn tỷ won
(17,3 tỷ đô la Mỹ) cho Dự án cải tạo 4 sông lớn (사대강) thông qua việc xây dựng các
đập ngăn, hồ chứa nước và các cơ sở vật chất liên quan đến quản lý nguồn nước. Những
dự án này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 280.000 việc làm mới.
Riêng dự án xây dựng đường sắt cao tốc được đầu tư 7,6 tỷ USD. Ước tính các dự
án giao thông này sẽ tạo ra 160.000 việc làm mới. Ngoài ra Hàn Quốc cũng chi 230 triệu
USD cho việc trồng rừng để tạo ra 23.000 việc làm cho người lao động.
Cùng lúc đó, một ngân sách bổ sung đã được chuẩn bị, trong đó chú trọng dành cho
gói kích thích xanh – bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng để tiếp sức cho nền kinh tế và tạo ra
các việc làm xanh. Với mức chi 17,9 nghìn tỷ won, chiếm 6,3 % tổng ngân sách ban đầu
của năm tài chính 2009, khoản ngân sách bổ sung trên là lớn nhất trong lịch sử tài khoá
của Hàn Quốc và nhiều chương trình liên quan đến Tăng trưởng xanh đã được tính vào
các khoản tăng chi tiêu này.
Tóm lại, Thỏa thuận xanh mới của Hàn Quốc chính là một chính sách tạo việc làm
và làm sống dậy nền kinh tế. Trong ngắn hạn, nó có mục đích để ứng phó với suy thoái
kinh tế; trong trung và dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thỏa thuận xanh mới
được tiến hành năm 2012 trong khi chiến lược dài hạn sẽ tiếp tục được theo đuổi thông


qua các kế hoạch 5 năm về Tăng trưởng xanh, giai đoạn đầu tiên được thực hiện từ năm
2009 đến năm 2013.
3.3.3. Kế hoạch 5 năm về Tăng trưởng xanh
Để thực thi một cách có hệ thống và nhất quán lộ trình đã đặt ra trong Chiến lược
quốc gia, chính phủ Hàn Quốc đã phát triển Kế hoạch 5 năm (2009-2013), một công cụ

vốn rất hiệu quả trong các giai đoạn đầu của sự bùng nổ kinh tế Hàn Quốc.
Kế hoạch 5 năm được Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh công bố vào ngày
06/07/2009, với tư cách là một kế hoạch trung hạn để thực hiện“Tầm nhìn Tăng trưởng
xanh, ít các bon„ được cộng bố 1 năm trước bao gồm các nhiệm vụ cụ thể về Tăng trưởng
xanh, ngân sách hàng năm từ 2009-2013 và ngân sách các dự án tương ứng. Tổng đầu tư
thực hiện kế hoạch là 107,4 ngàn tỷ won (khoảng 96,9 tỷ đô la Mỹ), ước tính hiệu ứng sản
xuất trong 5 năm đạt từ 182 - 206 ngàn tỷ won (tương đương 141,1 đến 106,4 tỷ đô la
Mỹ), tạo ra 1,18 - 1,47 triệu việc làm trong ngành công nghiệp xanh trong suốt 5 năm, với
mức chi tiêu thực tế ước tính là 110,6 nghìn tỷ won.
Hình 7. Ngân sách Tăng trưởng xanh (đơn vị: Nghìn tỷ won)

Nguồn: Nguồn: Sang Dae Choi, Phong trào Tăng trưởng xanh tại Hàn Quốc:
lựa chọn hay tất yếu? Đối tác tăng trưởng xanh Hàn Quốc, 2014. (The Green
Growth Movement in The Republic of Korea: Option or necessity?, Korea green
growth partnership, 2014.)
Theo kế hoạch này, Chính phủ cũng ban hành “nguyên tắc ngân sách 2%”, một
chính sách mà nhờ đó, 2% GDP (khoảng 83,6 tỷ đô la Mỹ) sẽ được chi cho lĩnh vực biến
đổi khí hậu, năng lượng, giao thông bền vững và phát triển công nghệ xanh.
Kế hoạch 5 năm này là tổng hợp của một số dự án đã có và một số dự án mới được
được thiết kế cho Tăng trưởng xanh. Kế hoạch này bao gồm một số dự án đã được công
bố trước đó như một phần của Thỏa thuận xanh mới, ví dụ: Dự án cải tạo 4 sông lớn và
chiến lược cho các động cơ tăng trưởng mới đã được chính phủ Hàn Quốc công bố ngày
12/01/2009.


Hình 8. Phân bổ ngân sách (2009 - 2013)

Nguồn: Như nguồn dẫn hình 7
Trong số ba mục tiêu ưu tiên, ứng phó với biến đổi khí hậu sử dụng phần lớn nhất
trong ngân quỹ (55%), do phần lớn dành cho Dự án cải tạo bốn sông lớn10 (sông Hàn,

sông Nakdong, sông Geum và sông Yeongsan) tiêu tốn 14,3 nghìn tỷ won trong giai đoạn
trên. Dự án phục hồi bốn sông lớn bao gồm ba bộ dự án: (1) các dự án chính - các con
sông Hàn, Nakdong, Geum và Yeongsan; (2) dự án trên 14 nhánh của bốn con sông lớn;
và (3) nâng cấp cho dòng cỡ nhỏ khác. Cụ thể là xây dựng 16 đập nước mới trên dòng
chính của bốn con sông và 2 đập mới trên các nhánh sông; gia cố 377 km bờ sông; và nạo
vét 579 triệu mét khối cát, sỏi từ 691 km chiều dài các con sông…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là một kế hoạch có tính khả thi và
nếu được thực hiện một cách triệt để sẽ góp phần đưa Hàn Quốc trở thành một trong “7
cường quốc kinh tế xanh” của thế giới vào năm 2020 và một trong “5 cường quốc kinh tế
xanh” của thế giới vào năm 2050.
4.
Một số kết quả đã đạt được
Theo một kết quả điều tra do Viện nghiên cứu Hankook tiến hành vào tháng
01/2013, có 97% những người được hỏi (trong 1000 người) cho rằng, chính quyền mới
nên duy trì chính sách Tăng trưởng xanh. Như vậy, những kết quả bước đầu và ý nghĩa
của chiến lược này đã phần nào được người dân Hàn Quốc công nhận.
Tuy nhiên, nếu so với cả một chiến lược dài hạn tính đến năm 2050 thì Hàn Quốc
mới bắt đầu triển khai Tăng trưởng xanh như một chiến lược phát triển quốc gia chưa đầy
6 năm (tính từ năm 2008 đến nay) nên hãy còn quá sớm để đánh giá hết các kết quả của
chiến lược Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc. Mặc dù vậy, ta có thể bước đầu nhận diện
một số kết quả như sau.
4.1.
Về tốc độ phát triển công nghiệp xanh và công nghệ xanh

10

Dự án cải tạo bốn sông lớn là một dự án thuỷ lợi với nội dung là xây đập ngăn và nạo vét bốn con sông lớn của
Hàn Quốc, các mục tiêu đặt ra: (i) Đảm bảo các nguồn nước dồi dào để chống lại sự khan hiếm nước; (ii) Thực hiện
các biện pháp kiểm soát lũ lụt toàn diện; (iii) Nâng cao chất lượng nước và khôi phục hệ sinh thái; (iv) Tạo ra các
không gian đa dụng cho dân cư địa phương; (v) Theo đuổi phát triển vùng lấy các dòng sông làm trung tâm.



Công nghiệp năng lượng tái tạo đã lớn gấp 6,5 lần tính theo doanh số và gấp 7,2
lần tính theo xuất khẩu kể từ năm 2007, trong khi ngân sách R&D xanh đã tăng hơn
gấp đôi từ năm 2008 đến năm 2012. Thêm nữa, đầu tư xanh của tư nhân đã được
tiếp thêm sinh lực, cụ thể đầu tư xanh của 30 tập đoàn hàng đầu có mức tăng hàng
năm là 75% từ năm 2008 đến 2010. Lĩnh vực cho thấy những thành tựu đáng chú ý
nhất là mảng động cơ tăng trưởng mới. Nó bao gồm việc hoàn thành nhà máy sản
xuất pin lớn nhất thế giới cho ô tô điện, điều này giúp Hàn Quốc đứng thứ 2 về sản
lượng LED và quay vòng nhanh chóng từ tình trạng thâm hụt sang thặng dư thương
mại LED vào năm 2010. Những thành quả này phần nhiều là nhờ việc đưa ti vi
LED 40 inch vào sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới và sự triển khai sản xuất
hàng loạt ô tô điện của Hàn Quốc.
Hình 9. Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo
Đơn vị: tỷ đô la Mỹ

Hình 10. R&D xanh và đầu tư xanh
Đơn vị: nghìn tỷ won


Nguồn: Như trên
Hình 11. Cán cân thương mại của LED
Đơn vị: tỷ đô la Mỹ

Nguồn: Nguồn: Sang Dae Choi, Phong trào Tăng trưởng xanh tại Hàn Quốc: lựa
chọn hay tất yếu? Đối tác tăng trưởng xanh Hàn Quốc, 2014. (The Green Growth
Movement in The Republic of Korea: Option or necessity?, Korea green growth
partnership, 2014.)



4.2.
Về việc tăng cường khả năng phục hồi của khí hậu, nâng cao chất lượng
cuộc sống
Năng lực đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu lên nguồn nước và các thảm
hoạ thiên nhiên đã được nâng cao. Một trong những thành tựu nổi bật nhất là sự ổn định
của các nguồn nước được đảm bảo thông qua Dự án cải tạo bốn sông lớn và xây dựng các
đập chắn lớn nhỏ thân thiện môi trường, từ đó tạo ra một phương án dự phòng trong
trường hợp xảy ra hạn hán và lũ lụt. Thêm nữa, chất lượng cuộc sống tốt hơn nhờ nâng
cao chất lượng nước và không khí ở các khu vực thành thị. Ví dụ, tỷ lệ nước đạt chất
lượng đã tăng từ 75% vào năm 2007 lên 78% vào năm 2011, đồng thời bụi không khí (air
particles) vốn đo được ở mức 65 microgram vào năm 2007 thì đã giảm xuống mức 54
microgram vào năm 2011.
Hình 12. Chất lượng môi trường
Đơn vị: %, microgram

Nguồn: Như trên
Về Dự án cải tạo bốn sông lớn
Dự án cải tạo bốn sông lớn ở Hàn Quốc được hoạch định nhằm đương đầu với
những thách thức môi trường to lớn mà các sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum và sông
Yeongsan phải đối diện. Dự án bao gồm ba hợp phần: (1) Dự án chính – Các dự án cải tạo
sông Hàn, Nakdong, Geum, Yeongsan; (2) Dự án về 14 phụ lưu của bốn sông lớn nói
trên; (3) Dự án cải tạo các dòng chảy nhỏ hơn.
Dự án này có năm mục tiêu chính: (1) Đảm bảo sự dồi dào của các nguồn nước
nhằm ngăn chặn tình trạng khan hiếm nước; (2) Thực hiện kiểm soát lũ một cách toàn
diện; (3) Cải thiện chất lượng nước và khôi phục các hệ sinh thái; (4) Tạo ra các không
gian đa dụng cho cư dân địa phương; (5) Phát triển vùng lấy các dòng sông làm trung
tâm.
Dự án này được công bố lần đầu trong khuôn khổ chính sách “Thoả thuận xanh
mới” khởi động vào tháng 01/ 2009. Sau đó, nó được tích hợp vào Kế hoạch quốc gia 5
năm của Hàn Quốc vào tháng 07/2009. Dự án cải tạo bốn sông lớn hướng tới mục tiêu

khôi phục các dòng sông một cách có hệ thống. Đây là một dự án công toàn diện, bao


gồm hàng loạt các kế hoạch khác nhau do 07 Bộ ngành đệ trình nhưng tất cả đều do Cơ
quan cải tạo sông quốc gia trực thuộc Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải11 điều phối.
Một trận siêu bão vào tháng Sáu năm 2011 đã chứng minh khả năng “chống lũ”
của sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum và sông Yeongsan (sau đây gọi là bốn sông).
Mùa hè năm 2011 được dự đoán có nhiều mưa lớn hơn bình thường và lượng mưa sẽ cao
hơn mức trung bình. Trong đợt “công kích” đầu tiên, siêu bão Meari (tháng 06/2011) và
tiếp theo là mùa mưa, đủ khiến các bên liên quan đến Dự án cải tạo bốn sông lớn phải
căng thẳng và lo lắng. Nghịch lý là, đợt mưa lớn này đã trở thành một cơ hội tốt để chứng
minh cho hiệu quả của dự án. Từ 22 đến 27 tháng 06/2011, tổng lượng mưa trung bình
của Hàn Quốc là 207,7mm. Con số này tương đương với 20 tỉ tấn nước, đạt 17% lượng
mưa hàng năm. Mặc dù có lo ngại về độ an toàn của các vùng thuộc bốn sông nhưng trên
thực tế, thiệt hại lại khá ít. Đặc biệt, khu vực phía Bắc của tỉnh Gyeongbuk, Daejeon và
một số khu vực của vùng Chungcheong đã không gặp thiệt hại đáng kể nào. Điều này có
được là do hiệu quả của việc hạ thấp mực nước lũ nhờ quá trình nạo vét.
Mực nước lũ tại các vùng thuộc bốn sông đã giảm nhờ nạo vét được 420 triệu mét
khối đất. Theo một khảo sát của Bộ Đất đai, mực nước nói chung đã hạ thấp, cụ thể là:
2,5m ở Yeoju (sông Hàn), 3,5m gần Sangju (sông Nakdong), 0,84m ở một vùng phụ cận
của đập Buyeo và 1,12m gần đập Seungchon của sông Yeongsan.
Dự án này còn đem lại một lợi ích kinh tế đáng kể do tạo thêm được công ăn, việc
làm cho người lao động. Theo Theo một cuộc điều tra của Ủy ban chính sách việc làm
thuộc Bộ Lao động (ngày 30/6/2011), dự án đã tạo ra cơ hội việc làm cho 88.400 lao
động, tương đương với 7,37 tỷ KRW trong 02 năm 2009-2010. Ngoài ra, chính phủ Hàn
Quốc dự kiến dự án này sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới từ các ngành công nghiệp văn
hoá, du lịch, giải trí...
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định một số công cụ chính sách để tối đa hoá
tiềm năng phát triển của địa phương thông qua sáng kiến cải tạo sông. Theo kế hoạch tổng
thể, số công ty địa phương tham gia nên chiếm ít nhất 40% tổng số liên doanh (ngoại trừ

trường hợp các dự án “chìa khoá trao tay”, vốn yêu cầu tỷ lệ tham gia của các công ty địa
phương là 20%). Tính đến cuối năm 2011, dự án đã thu hút được 187/338 công ty địa
phương tham gia (chiếm 55%). Nhiều phần việc cụ thể đã được uỷ thác cho các chính
quyền địa phương; tính đến tháng Ba năm 2011, chính quyền địa phương đã điều phối gần
1/4 số phần việc liên quan đến dự án này.
4.3.
Một số kết quả khác
Hàn Quốc hiện đang thực hiện các chương trình về hiệu quả sử dụng năng lượng
như:
 Hệ thống đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng
 Chương trình chứng nhận thiết bị có hiệu quả sử dụng năng lượng cao
 Chương trình giảm điện dự phòng
11

Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải: Hiện nay, Bộ này được cơ cấu thành hai Bộ, là Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng &
Giao thông và Bộ Đại dương & Nghề cá.


 Hệ thống chỉ số xếp hạng tiết kiệm năng lượng cho ngành giao thông
 Chương trình phát triển kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng
 Phát triển hệ thống lưới điện thông minh (Smart Grid)
 Phát triển pin nhiên liệu (fuel cells)
Hàn Quốc cũng đã thiết lập được một hệ thống quản lý tiết kiệm năng lượng mẫu.
Quá trình ứng dụng bước đầu đã đem lại một số hiệu quả nhất định, như: rút ngắn quá
trình sản xuất thép, thay thế quá trình nhiệt phân ở nhiệt độ cao với xúc tác phân hủy ở
nhiệt độ thấp (hóa dầu), xử lý gỗ thừa (sản xuất giấy) và thành lập hệ thống tái chế phục
hồi sức nóng thừa (màn hình)... Ngoài ra, Hàn Quốc cũng phát triển và áp dụng mô hình
Hệ thống quản lý năng lượng chuẩn (EMS) cho một số dự án tiên phong để giảm phát thải
khí nhà kính và tiêu thụ năng lượng.
Tháng 7/2009, Bộ đất đai – Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc đã ban hành bản

hướng dẫn xây dựng đô thị để đạt được các tiêu chuẩn về một thành phố xanh, ít các-bon.
Cũng trong tháng này, Bộ Môi trường cũng thúc đẩy phát triển mô hình thành phố kiểu
mẫu ứng phó với biến đổi khí hậu và đã lựa chọn thành phố Gangreung (Gangwon) là
thành phố thử nghiệm.
Nhãn dấu chân các bon, một hệ thống cung cấp thông tin về lượng phát thải CO2
trong vòng đời sản phẩm (bao gồm cả sản xuất, giao thông vận tải, phân phối, sử dụng,
tiêu hủy) cũng đã được áp dụng ở Hàn Quốc từ tháng 02/2009.
Hình 13. Nhãn dấu chân các bon.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục, Khoa học và Kỹ thuật (MEST) cũng đã phối hợp với
Quỹ Hàn Quốc vì sự tiến bộ của Khoa học và Sáng tạo phát triển khung chương trình và
sách giáo khoa chuẩn cho môn Tăng trưởng xanh và Môi trường. Môn học này đã bắt đầu
được giảng dạy trong các trường trung học cơ sở từ năm 2011.
Người dân Hàn Quốc cũng đã được nâng cao nhận thức xã hội về cuộc sống xanh và
hiện nay, ngày càng có nhiều người tham gia vào các chiến dịch quảng bá cuộc sống
xanh.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đầu tư lớn cho việc xây dựng hệ thống “vận tải xanh”, bao
gồm đường sắt thải ít khí các-bon và 3.000 km đường xe đạp quanh 4 con sông xanh
nhằm hướng mục tiêu đã nêu trong Kế hoạch 5 năm (xin xem hình 11 và 12). Trong một


số động thái cụ thể, Hội đồng thành phố Seoul cũng đã quyết định thu hẹp làn đường dành
cho xe ô tô và mở làn đường cho xe đạp.
Hình 14. Mục tiêu về tỷ lệ xe đạp/tổng phương tiện giao thông

Hình 15. Mục tiêu về tỷ lệ vận chuyển hành khách bằng đường sắt

Nguồn: Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh, Đường tới tương lai của chúng ta:
Tăng trưởng xanh (Chiến lược quốc gia và kế hoạch 5 năm 2009-2013)/ Road to Our
Future: Green growth (National Strategy and the Five-Year Plan 2009~2013).

5.

Nhận xét

Trước hết, với chiến lược Tăng trưởng xanh, lần đầu tiên, Hàn Quốc đã đưa việc
giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường lên chương trình
nghị sự chính sách hàng đầu. Đây là một nỗ lực đáng được ghi nhận của chính quyền
Tổng thống Lee Myung-bak.
Ngoài ra, còn có một số lưu ý sau.
5.1.
Tính chủ động của Chính phủ Hàn Quốc trong việc sắp xếp thể chế và
điều chỉnh tài khóa cho Tăng trưởng xanh
Trong quá trình thực thi chiến lược này, Chính phủ Hàn Quốc đã thể hiện tính chủ
động cao trong việc thiết lập thể chế, đồng thời, tăng cường những điều chỉnh tài khoá
thích hợp để đạt tới Tăng trưởng xanh.


Có 3 yếu tố chính trong thiết lập thể chế do Chính phủ tiến hành: (i) Chiến lược và
kế hoạch hành động; (ii) Khả năng nhìn xa trông rộng trong chính sách Tăng trưởng xanh;
(iii) Sự tham gia của tất cả bộ ngành liên quan, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến khu vực
tư nhân như một bộ phận đóng góp cốt lõi; cả 3 yếu tố này đều đã được Chính phủ Hàn
Quốc lưu tâm tới. Thứ nhất, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chiến lược và kế hoạch hành
động từ vĩ mô tới vi mô, theo từng giai đoạn, với đầy đủ các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn
và dài hạn. Thứ hai, ngân sách cho Tăng trưởng xanh không phân bổ một cách dàn trải mà
có tính trọng điểm và độ tập trung cao. Cụ thể, Hàn Quốc dành phần lớn ngân sách cho
các khoản đầu tư động cơ tăng trưởng mới là công nghiệp xanh và công nghệ xanh, trong
đó có 27 ngành công nghệ xanh cốt lõi, điều này đã tạo nên một sinh khí mới cho nền
kinh tế Hàn Quốc. Thứ ba, vì chiến lược Tăng trưởng xanh là một vấn đề đa diện với
nhiều bên hữu quan nên việc thành lập một cơ quan liên bộ là vô cùng quan trọng để thiết
kế, phối hợp cũng như thực thi, giám sát chiến lược Tăng trưởng xanh và các chính sách

liên quan. Chính vì lý do đó, việc Hàn Quốc thiết lập Uỷ ban tổng thống về Tăng trưởng
xanh như một cơ quan liên bộ cấp cao nhất, với sự tham gia rộng rãi từ khu vực tư nhân,
đã thể hiện tính sáng tạo trong tiến trình hiện thực hóa chiến lược.
Về những điều chỉnh tài khoá giúp cho Hàn Quốc có thể thực thi Tăng trưởng xanh,
theo tác giả Sang Dae Choi trong bài viết The Green Growth Movement in The Republic
of Korea: Option or necessity?, có bốn điểm đáng xem xét như sau: (1) Tăng trưởng xanh
cần được “tiền tệ hoá” (monetize) dưới hình thức một chính sách về ngân sách; (2) Cơ
quan tài chính và kế hoạch trung ương phải đóng vai trò chính yếu; (3) Ngân sách tăng
trưởng xanh tăng lên không nhất thiết dẫn đến việc giảm đi các ngân sách y tế và giáo
dục; (4) Phân bổ lại các nguồn ngân sách cho tăng trưởng xanh là cần thiết trong một số
khu vực chi tiêu. Cụ thể là:
(i) Không có gói kích thích xanh nào là riêng lẻ. Tăng trưởng xanh đã được tích hợp
đầy đủ vào ngân sách bổ sung tháng 4 năm 2009 của Hàn Quốc. Chính phủ đã ban hành
một kế hoạch đầu tư trị giá 50 nghìn tỷ won (38,5 tỷ đô la) cho giai đoạn từ năm 2009 đến
năm 2012. Cùng lúc đó, một ngân sách bổ sung đã được chuẩn bị, trong đó, gói kích thích
xanh – bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng để tiếp sức cho nền kinh tế và tạo ra các việc làm
xanh – là chính. Với mức 17,9 nghìn tỷ won, chiếm 6,3 % tổng ngân sách ban đầu của
năm tài chính 2009, khoản ngân sách bổ sung trên là lớn nhất trong lịch sử tài khoá Hàn
Quốc và nhiều chương trình liên quan đến Tăng trưởng xanh đã được tính vào các khoản
tăng chi tiêu này.
(ii) Một trong các yếu tố thành công then chốt là cơ quan tài chính và kế hoạch
trung ương đã chủ động ủng hộ việc lồng ghép các chương trình tăng trưởng xanh vào
trong phân bổ ngân sách quốc gia. Tăng trưởng xanh là một ưu tiên dưới thời Tổng thống
Lee Myung-bak. Để liên kết chương trình nghị sự của chính quyền và chi tiêu công, Bộ
Chiến Lược và Tài Chính (Ministry of Strategy and Finance -MOSF) – cơ quan tài chính
và kế hoạch trung ương tại Hàn Quốc – đã dành quyền ưu tiên cao cho các sáng kiến
Tăng trưởng xanh khi xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn và soạn thảo các ngân sách
thường niên. Do đó, yêu cầu hỗ trợ tài chính trong Kế hoạch 5 năm về Tăng trưởng xanh
đã được phản ánh đầy đủ trong Kế hoạch quản lý tài khoá quốc gia 5 năm (2009-2013) –



kế hoạch chi tiêu trung hạn của Hàn Quốc – cũng như trong các ngân sách thường niên
sau đó.
(iii) Ban đầu, có lo ngại rằng ngân sách tăng trưởng xanh tăng sẽ gây tổn hại cho
các khoản ngân sách quan trọng khác. Tuy nhiên, dữ liệu từ năm 2007 cho thấy điều đó
không chính xác. Bộ Chiến lược và Tài chính (MOSF) đã tái ưu tiên ngân sách quốc gia
để gộp Tăng trưởng xanh vào chi tiêu của các khu vực mà không gây ảnh hưởng bất lợi
đến việc phân bổ ngân sách cho các hàng hoá công quan trọng như y tế, phúc lợi và giáo
dục. Trên thực tế, các khoản ngân sách và phần chia trong tổng ngân sách phân bổ cho
các hàng hoá công nói trên đã liên tục tăng – chi cho y tế và phúc lợi tăng từ 25,8% trong
năm 2007 lên 28,5% trong năm 2013, cũng trong giai đoạn này, chi cho giáo dục đã tăng
từ 13% lên 14,6%. Các quỹ cần thiết đã được huy động thông qua một quá trình xét lại
chi tiêu bằng cách cắt giảm chi tiêu đối với những chương trình có tỷ lệ thực thi thấp và ít
hiệu quả. Các nguồn bổ sung đã có được nhờ những nỗ lực giảm bớt 10% chi phí quản trị
công.
Hình 16. Xu hướng ngân sách theo khu vực

(iv) Những điều chỉnh tài khoá trong phân bổ ngân sách được thực hiện trong các
khu vực chi tiêu cụ thể. Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông, ưu tiên ngân sách đã dịch
chuyển từ đường bộ sang đường sắt để hướng tới tăng trưởng xanh. Điều này dẫn đến
phần ngân sách phân bổ cho đường sắt tăng từ 19% trong năm 2007 lên 25% trong năm
2013, kéo theo tỷ lệ giữa đường bộ với đường sắt trong ngân sách giao thông giảm từ 1,6
xuống 1,2. Ngoài ra, trong lĩnh vực R&D, ưu tiên lớn hơn đã được ban hành cho đầu tư
vào R&D xanh, khiến cho tỷ lệ R&D xanh trong tổng số R&D tăng từ 16,5% trong năm
2009 lên 22,2% trong năm 2012.
5.2.
Về nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính
Hàn Quốc đã chủ động tham gia vào các nỗ lực toàn cầu để giảm thiểu biến đổi khí
hậu. Họ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cắt giảm 30% lượng khí nhà kính so với kịch bản



BaU12 năm 2020. Mục tiêu mà chính phủ Hàn Quốc đặt ra chính là mức cắt giảm cao nhất
mà Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovermental Panel on Climate
Change/ IPCC) đề xuất với các các quốc gia đang phát triển nhằm ổn định mức tăng nhiệt
độ toàn cầu thấp hơn ngưỡng 2oC.
Điều này đã được Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đánh giá như
sau: “Tuy không phải là quốc gia thuộc Phụ lục I của Nghị định thư Kyoto và Công ước
khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), việc công bố của Hàn
quốc, theo cách tự nguyện và độc lập, về mục tiêu quốc gia trong trung hạn để giảm phát
thải khí nhà kính xuống 30% trước năm 2020 là rất đáng khuyến khích”.
5.3. Về chính sách và cải cách tài chính
Hàn quốc đang thực hiện các chính sách và giải pháp tài chính quan trọng, bao gồm:
cải cách giá năng lượng, thiết lập thị trường các bon quốc gia, thông qua những cải cách
về thuế nhằm giảm gánh nặng thuế đối với việc tiêu thụ sản phẩm ít các-bon và những
kích thích tài chính nhằm khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
5.4. Về sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự
Các tổ chức xã hội dân sự ở Hàn Quốc tham gia một cách rất chủ động vào các cuộc
tranh luận về Tăng trưởng xanh. Điều này rất đáng lưu ý và nó cũng phần nào đem đến
những hiệu quả xã hội tích cực.
Thí dụ trong trường hợp Dự án cải tạo bốn sông lớn. Khi dự án này đang được tiến
hành, một số tổ chức dân sự về môi trường khẳng định loại cây hoang dã quý hiếm
‘Danyang aster helophilus ’ vốn chỉ được tìm thấy ở phía Bắc sông Hàn đã bị đe doạ đến
mức tuyệt chủng do quá trình thi công dự án. Loài cây hoang dã này là loại thực vật có
vòng đời 2 năm thuộc họ Cúc, đã được xếp vào ‘Loại thực vật có nguy cơ tuyệt chủng lớp
2’. Vì vậy, các nhà hoạt động môi trường đã kêu gọi chấm dứt dự án. Mặc dù ngày
02/05/2010, Cơ quan cải tạo sông quốc gia đã chính thức công bố là họ không tìm thấy
nguy cơ tuyệt chủng nào đối với loài ‘Danyang aster helophilus’ (Danyang Ssukbujaengi)
phát sinh do quá trình thực hiện dự án, tuy nhiên, cũng nhờ những những ý kiến trái chiều
như vậy từ các tổ chức xã hội dân sự mà tính hiệu quả thực tế của các dự án luôn được
giám sát và kiểm chứng. Kết quả là, Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch lập ra một

“Công viên trải nghiệm sinh thái tự nhiên” có các loài sinh vật hoang dã cần được bảo vệ..
Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố một kế hoạch chính thức hướng đến việc bảo tồn mọi
môi trường sống, ngoại trừ khu vực không thể tránh khỏi thiệt hại khi xây dựng dòng
chảy nhân tạo trong quá trình thực hiện Dự án cải tạo bốn sông lớn.
*
*

*

Như những phân tích ở trên, có lý do để tin rằng việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu
nhằm giảm biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tích cực đến lợi ích trong nước của một
12

Kịch bản BaU (Business as Usual): là kịch bản kinh tế, trong đó, các xu hướng phát triển trong tương lai được tiếp
nối từ quá khứ và không có bất cứ sự thay đổi nào về chính sách.


quốc gia. Hàn Quốc đã chủ động lựa chọn Tăng trưởng xanh là chiến lược quốc gia không
chỉ nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề trong nước mà còn thể hiện tính chủ động trong
việc tham gia vào phong trào toàn cầu, trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng
đồng quốc tế. Có thể có lập luận rằng đi theo xu hướng toàn cầu nhằm giảm bớt lượng
phát thải các khí nhà kính sẽ tạo ra các nguy cơ đối với phát triển kinh tế của một đất
nước. Tuy nhiên, sự tham gia của Hàn Quốc vào phong trào quốc tế này không đòi hỏi
một thoả hiệp đi ngược lại lợi ích trong nước. Xem xét từ việc nhiệt độ đang tăng nhanh
và cấu trúc công nghiệp phụ thuộc cao độ vào các nhiên liệu hoá thạch của Hàn Quốc thì
Hàn Quốc cần cấp thiết đóng góp chủ động vào phong trào toàn cầu này để đảm bảo tăng
trưởng kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đất nước mình.
Tuy nhiên, lựa chọn phương hướng phát triển theo mục tiêu “Tăng trưởng xanh, ít
các-bon” không chỉ là vấn đề của các nước phát triển mà ngay cả những nước đang phát
triển như Việt Nam cũng cần hướng tới. Giám đốc về môi trường và phát triển của

UNESCAP Rae Kwon-Chung từng nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh đang mở ra cơ hội để
các nước đang phát triển và đang nổi lên có thể phát triển nhảy vọt từ “bẫy” phát triển
“Tăng trưởng trước, dọn sạch sau” sang mô hình phát triển bền vững, toàn diện, hiệu
quả kinh tế và thân thiện với môi trường.
Nhận thức nghiêm túc vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng phát biểu:
“...đã tới lúc Việt Nam cần chuẩn bị cho một làn sóng tăng trưởng mới, trong đó tốc độ
tăng trưởng không quan trọng bằng cách thức tăng trưởng”. Vì vậy ngày 25/09/2012,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.
Xét theo điều kiện hiện tại của Việt Nam, có lẽ, nhiều người cho rằng chiến lược
Tăng trưởng xanh là “xa xỉ”, là cuộc chơi của những nước lớn, những quốc gia phát triển
và không dành cho chúng ta. Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng chi phí cho việc điều
chỉnh mô hình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là rất lớn trong giai đoạn đầu,
song không nên vì thế mà phủ nhận giá trị của Tăng trưởng xanh đối với Việt Nam.
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, dù khó có thể ứng dụng chiến lược này thành
một chiến lược tổng thể mang tính quốc gia như Hàn Quốc nhưng việc những nước đang
phát triển, trong đó có Việt Nam, tiếp nhận và phát huy “giá trị xanh” trong từng phần,
từng mảng, từng ngành nghề riêng lẻ là điều hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nên cân nhắc cẩn thận giữa chi phí và lợi ích trong việc
lựa chọn các chiến lược và chính sách khác nhau, bao gồm các khoản đầu tư xanh. Đồng
thời, cần thiết lập các chỉ số và thước đo rõ ràng, hợp lý trong việc xây dựng các mục tiêu
xanh. Điều này đảm bảo cho các kế hoạch được định hướng bởi những mục tiêu, nguyên
tắc bền vững, mang tính thuyết phục cũng như bao quát được vấn đề môi trường.
Không chỉ thế, thiết lập tầm nhìn dài hạn hướng tới Tăng trưởng xanh cần sự theo
sát của tất cả các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời, đòi hỏi quá trình đối thoại
đa chiều giữa các bên liên quan nhằm đưa ra những gợi ý cũng như điều chỉnh hợp lý, kịp
thời.


Ngoài ra, việc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư xanh là rất
quan trọng, đặc biệt là trong các ngành như: công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, nông

nghiệp bền vững, xây dựng xanh, giao thông xanh.
Bên cạnh đó, việc giáo dục ý thức của người dân hướng tới “văn hoá xanh” là một
việc làm tiên quyết, cấp bách và phù hợp với tình hình Việt Nam, bởi đối với mọi quốc
gia, bất kể ở trình độ phát triển nào, nhân tố con người vẫn là quan trọng nhất.
Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đồng
thời đang trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, đối với Việt Nam, vấn đề Tăng
trưởng xanh có giá trị thực tiễn lớn. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm và trong điều
kiện cụ thể cho phép, có thể rút ngắn hoặc giảm bớt những “công đoạn” không phù hợp
với Tăng trưởng xanh, phát triển đất nước theo hướng bền vững hơn. Vì vậy, việc cập
nhật thông tin, nghiên cứu vấn đề Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, Nhật Bản và một số
nước Bắc Âu... cần phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, đối với Việt Nam,
chiến lược Tăng trưởng xanh cần được nhìn nhận là một định hướng dài hạn và việc
chuyển hướng sang mô hình phát triển này cần thực hiện có lộ trình, từng bước một.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Lý Xuân Chung, “Hàn Quốc năm 2010: Những nét nổi bật”, Viện Nghiên cứu
Đông Bắc Á, 2010.
2. Nguyễn Thị Thắm, “Chính sách tăng trưởng xanh và triển vọng hợp tác Việt Nam
– Hàn Quốc”, Tập san Khoa học xã hội và nhân văn, 2013.
3. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2013), Báo cáo tổng quan Đề tài
nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh – Kinh nghiệm
của Hàn Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam.
4. Im Hong-jae, “Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và những hợp tác quốc
tế”, , 2010.
Tiếng Anh
5.
Jisoon Lee, “Green growth – Korean initiatives for green civilization”,
National Research Council for Economics, Humanities and Social Sciences, 10/2010.
6.
Sang Dae Choi, “The Green Growth Movement in The Republic of Korea:

Option or necessity?”, The World Bank, Korea green growth partnership, 2014.
7.
United Nations Environment Programme (04/2010), Overview of The
Republic of Korea’s National Strategy for Green growth.
8.
Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, Road to Our
Future: Green Growth (National Strategy and the Five-Year Plan 2009~2013).
9.
Yoon Jung Cha, Myung-Pil Shim, and Seung Kyum Kim, “The Four Major
Rivers Restoration Project”, Office of National River Restoration, 2011.


Tiếng Hàn

저탄소 녹색성장 기본법 (Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít các-bon)
Và các bài trên website
1.
Lee Myung-park và Cheong
/> />
Gye-cheon,

nguồn

Wikipedia,

2.
Khánh Phương, Báo Xây dựng, “Chính sách quy hoạch vùng của Hàn
Quốc”,
2010.
3.

Khánh Lâm, “Cuộc đua phát triển công nghệ xanh”,
2011.


×