ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------
NGUYỄN THỊ THẢO
ỨNG PHÓ CỦA NÔNG DÂN VỚI QUÁ TRÌNH
ĐÔ THỊ HÓA Ở XÃ LAM HẠ, THÀNH PHỐ PHỦ LÝ,
TỈNH HÀ NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Dân tộc học
Hà Nội - 2015
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------
NGUYỄN THỊ THẢO
ỨNG PHÓ CỦA NÔNG DÂN VỚI QUÁ TRÌNH
ĐÔ THỊ HÓA Ở XÃ LAM HẠ, THÀNH PHỐ PHỦ LÝ,
TỈNH HÀ NAM
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Dân tộc học
Mã số: 60.31.03.10
Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Văn Sửu
Hà Nội - 2015
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn này là kết quả làm việc nghiêm túc của tôi trong
khuôn khổ chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Dân tộc học, Khoa Nhân
học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi
xin chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có sự không trung thực về thông tin hoặc nguồn
thông tin được sử dụng trong luận văn.
Hà Nội, tháng 7 năm 2015
Tác giả
Nguyễn Thị Thảo
LỜI CẢM ƠN
Sau một thời gian dài nỗ lực cố gắng, vừa thu thập tài liệu vừa tổng hợp viết
bài dưới sự hướng dẫn của Thầy giáo, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu, tôi đã hoàn thành
luận văn tốt nghiệp: “Ứng phó của người nông dân với quá trình đô thị hóa ở xã
Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam”. Để có được thành quả này, tôi xin gửi
lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến Thầy, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu, cảm ơn
Thầy đã hướng dẫn, động viên, giúp đỡ tôi tận tình trong suốt quá trình thực hiện
luận văn.
Tôi cũng muốn bảy tỏ lòng biết ơn tới các thầy cô trong Khoa Nhân học,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã dạy tôi
những tri thức khoa học quý báu, làm tiền đề cho tôi thực hiện luận văn này.
Ngoài ra, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới gia đình, người thân, đặc
biệt là cơ quan nơi tôi đang công tác đã động viên, cổ vũ tôi hoàn thành luận văn
một cách tốt nhất.
Đặc biệt, Luận văn của tôi không thể thực hiện được nếu không có sự giúp
đỡ quý báu của chính quyền và nhân dân xã Lam Hạ, nơi tôi chọn làm địa bàn
nghiên cứu và cũng chính là mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi xin gửi lời cảm
ơn sâu sắc đến các chú, các bác làm việc tại Ủy ban nhân dân xã Lam Hạ và những
người dân đã giúp tôi thu thập tài liệu điền dã dân tộc học để thực hiện luận văn.
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng bản luận văn này khó tránh khỏi sai sót,
mong được các thầy cô, đồng nghiệp và bạn bè góp ý !.
Hà Nội, tháng 7 năm 2015
Nguyễn Thị Thảo
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................4
1. Lý do chọn đề tài .....................................................................................................4
2. Mục tiêu nghiên cứu................................................................................................5
3. Câu hỏi nghiên cứu .................................................................................................5
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...........................................................................6
5. Phương pháp nghiên cứu.........................................................................................6
6. Cấu trúc của Luận văn.............................................................................................7
Chƣơng 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT ..........................8
1.1. Tổng quan tài liệu .................................................................................................8
1.2. Cơ sở lý thuyết ...................................................................................................16
1.2.1. Một số khái niệm then chốt .............................................................................16
1.2.2. Khung sinh kế bền vững ..................................................................................21
Chƣơng 2: XÃ LAM HẠ TRƢỚC QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA .......................24
2.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên.......................................................................24
2.1.1. Vị trí địa lý.......................................................................................................24
2.1.2. Điều kiện tự nhiên ...........................................................................................25
2.2. Lịch sử hình thành và sự thay đổi địa giới hành chính ......................................27
2.2.1. Lịch sử hình thành ...........................................................................................27
2.2.2. Thay đổi địa giới hành chính ..........................................................................28
2.3. Đặc điểm kinh tế, văn hóa và xã hội truyền thống .............................................29
2.3.1. Hoạt động kinh tế ............................................................................................29
2.3.2. Dân cư và sinh hoạt văn hóa - xã hội .............................................................30
Chƣơng 3: TÁC ĐỘNG CỦA QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở XÃ LAM HẠ ...40
3.1. Chính sách quy hoạch và phát triển đô thị .........................................................40
3.2. Tác động đến đất nông nghiệp ...........................................................................42
3.2.1. Thực trạng .......................................................................................................42
3.2.2. Giá đền bù .......................................................................................................47
1
3.3. Tác động đến hệ thống cơ sở hạ tầng .................................................................50
3.4. Tác động đến việc làm của người nông dân.......................................................53
3.5. Tác động đến cộng đồng xã hội nông thôn ........................................................56
3.6. Tác động đến các hoạt động văn hóa, tinh thần .................................................60
Chƣơng 4: CÁC HÀNH VI ỨNG PHÓ VÀ THÍCH NGHI CỦA NÔNG DÂN
XÃ LAM HẠ ............................................................................................................65
4.1. Tiếp tục bám trụ đất nông nghiệp.......................................................................65
4.2. Chuyển sang các hoạt động sinh kế phi nông nghiệp ........................................69
4.2.1. Dựa vào các mối quan hệ bạn bè, hàng xóm ..................................................69
4.2.2. Dựa vào mối quan hệ họ hàng ........................................................................73
4.2.3. Tận dụng không gian đô thị mới .....................................................................77
4.3. Tiếp tục khai thác các ngành nghề truyền thống ................................................80
4.4. Tiết kiệm cho tương lai ......................................................................................83
4.4.1. Đầu tư cho giáo dục ........................................................................................83
4.4.2. Tích lũy tài sản ................................................................................................84
KẾT LUẬN ..............................................................................................................90
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..............................................................95
PHỤ LỤC ẢNH .....................................................................................................100
2
DANH MỤC BẢNG BIỂU
BẢNG
Bảng 3.1: Bảng số liệu diện tích đất tự nhiên và dân số thành phố Phủ Lý trước và
sau khi mở rộng ......................................................................................................... 40
Bảng 3.2: Tình hình biến động sử dụng đất từ năm 2001 đến năm 2012 ................. 43
Bảng 3.3: Thống kê một số dự án thu hồi trên địa bàn xã Lam Hạ ......................... 44
Bảng 3.4: Cơ cấu, diện tích một số loại đất chính quy hoạch đến năm 2020 xã Lam
Hạ thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam ........................................................................... 49
BIỂU
Biểu đồ 2.1: Biều đồ cơ cấu đất trồng lúa của xã Lam Hạ so với các xã khác của
thành phố Phủ Lý ......................................................................................................26
Biểu đồ 3.1: Biểu đồ biến động diện tích sử dụng một số loại đất từ năm 2001 đến
năm 2012 ...................................................................................................................43
Biểu đồ 3.2: Biểu đồ cơ cấu sử dụng đất quy hoạch xã Lam Hạ đến năm 2020 ......50
3
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đô thị hóa đã và đang là một xu hướng tất yếu của sự phát triển của toàn cầu và
khu vực. Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa đã diễn ra từ lâu, nhưng được thúc đẩy mạnh
mẽ kể từ khi đất nước thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế trong
khi tiếp tục xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa1
Đô thị hóa diễn ra tất yếu sẽ dẫn đến một diện tích lớn đất đai đặc biệt là đất
nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ việc xây dựng các khu
đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình công cộng, v.v. Việc thu hồi
đất nông nghiệp khiến người nông dân bị mất đi đất sản xuất, nhất là ở Việt Nam,
một đất nước có xuất phát điểm từ nông nghiệp, thì đất đai có vị trí, vai trò và ý
nghĩa quan trọng không chỉ ở góc độ một tư liệu sản xuất then chốt mà nó còn là
một loại tài sản, một loại hàng hóa, một thành tố tạo nên địa vị kinh tế và xã hội của
người nông dân ở khu vực nông thôn.
Trong khi thừa nhận đô thị hóa là một tiến trình phát triển cần thiết, thậm chí
là tất yếu, không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc dân, mà còn đem đến cho
người nông dân nhiều cơ hội sinh kế phi nông nghiệp, chúng ta cũng không thể
không biết đến một thực tế rằng, đô thị hóa đi lên từ nền tảng của một nền sản xuất
tiểu nông, được thúc đẩy bởi các chính sách phát triển của chính phủ, rõ ràng cũng
tiềm ẩn nhiều thách thức đối với người nông dân, nhất là những người nông dân sản
xuất nhỏ lẻ, manh mún. Những thách thức này không chỉ hiện hữu rõ nhất ở khía
cạnh sinh kế, mà còn thấy ở các khía cạnh văn hóa, xã hội, môi trường…Trong tiến
trình đô thị hóa như vậy, người nông dân bắt buộc phải tìm cách ứng phó để thích
ứng với những biến đổi, cả tích cự lẫn tiêu cực, để có thể tồn tại và phát triển.
Khu vực đồng bằng sông Hồng từ lâu đã được coi là nơi đất chật, người
đông, và từ những năm 1990, khu vực này trở thành một trong những địa bàn có tốc
Theo báo cáo “Đánh giá Đô thị hóa ở Việt Nam” năm 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB),
Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á, với 3,4%.
1
4
độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhất ở Việt Nam. Việc thu hồi đất
nông nghiệp của những hộ gia đình nông dân ở một khu vực đông dân lại ít đất như
vậy tất yếu đặt ra một vấn đề quan trọng là làm thế nào để đảm bảo điều kiện sống
và sinh kế cho nông dân sau khi không còn hay còn rất ít đất nông nghiệp.
Xã Lam Hạ là một địa phương có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp là chủ
yếu, đã và đang đứng trước quá trình đô thị hóa. Trong bối cảnh đó, người nông dân
ở đây phải đối mặt với một vấn đề quan trọng nhất là đất nông nghiệp của các hộ
gia đình đang ngày càng bị thu hẹp, thậm chí là không còn đất nông nghiệp để sản
xuất nông nghiệp. Thực tế này đặt những người nông dân ở một trạng thái vừa phấn
khởi, hy vọng với những vận hội mới, song cũng vừa hoang mang, dò tìm cách tạo
ra một cách mưu sinh mới có thể thay thế cho cách mưu sinh cũ, đồng thời thích
ứng được với không gian sống mới. Xuất phát từ lý do đó, tôi quyết định lựa chọn
đề tài nghiên cứu: “Ứng phó của nông dân với quá trình đô thị hóa ở xã Lam Hạ,
thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam” làm luận văn tốt nghiệp.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Luận văn: “Ứng phó của nông dân với quá trình đô thị hóa ở xã Lam Hạ,
thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam” tìm hiểu, phân tích và lý giải việc người dân ở đây
tiếp cận, sử dụng sử dụng các loại vốn trong Khung sinh kế bền vững (nhất là vốn
tự nhiên, vốn xã hội, vốn con người) để ứng phó với các thách thức và tận dụng các
cơ hội do đô thị hóa mang lại để giảm nghèo và đảm bảo an ninh sinh kế.
3. Câu hỏi nghiên cứu
Những nhóm câu hỏi quan trọng đặt ra trong Luận văn là:
1. Người nông dân xã Lam Hạ vốn có cuộc sống và hoạt động sinh kế truyền
thống như thế nào trước khi quá trình đô thị hóa diễn ra?.
2. Quá trình đô thị hóa ở Lam Hạ đã và đang diễn ra ra sao? Những khó
khăn, thách thức gì đã và đang đặt ra cho người nông dân?.
3. Khi các biểu hiện cụ thể của đô thị hóa diễn ra, xâm nhập vào cộng đồng
của họ, thì họ ứng phó như thế nào? Hành vi ứng phó cụ thể với các biểu hiện cụ thể
của đô thị hóa là gì? Người nông dân đã ứng phó với các biểu hiện cụ thể ấy như thế
5
nào, họ đã vận dụng những gì họ có (nội lực) để ứng phó và cậy nhờ vào các nguồn
lực khác (ngoại lực) như thế nào? Họ ứng phó một cách chủ động hay bị động, hoặc
cả hai ? Sự ứng phó này mang tính thích nghi hay phản kháng, hoặc vừa phản kháng
vừa thích nghi ?. Các hành vi, suy nghĩ và ứng xử của người nông dân trong quá
trình ứng phó với các biểu hiện cụ thể của đô thị hóa cho chúng ta thấy gì về những
tác động và ảnh hưởng của đô thị hóa đến cuộc sống và sinh kế của họ?
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Ứng phó của nông dân quá trình đô thị hóa.
- Phạm vi không gian: Luận văn lựa chọn xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh
Hà Nam làm địa bàn nghiên cứu, trong đó tập trung vào một số thôn, làng có diện
tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều nhất và có hoạt động chuyển đổi sinh kế diễn
ra mạnh mẽ nhất.
- Phạm vi thời gian: Từ năm 2000 đến năm 2013.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu này, tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Sưu tầm các nguồn tài liệu thành văn tại Thư viện Quốc gia Việt Nam,
Trung tâm Thông tin và thư viện của Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Dân tộc học,
Viện Xã hội học, Viện tâm lý…Ngoài ra, tôi còn khai thác nguồn tài liệu là các báo
cáo của các cơ quan chuyên ngành, các dự án phát triển, đầu tư, quy hoạch khu đô
thị, các tài liệu lịch sử địa phương…
- Phương pháp diền dã dân tộc học là phương pháp quan trọng bậc nhất mà
tôi đã thực hiện tại các thôn, làng trên địa bàn nghiên cứu để tiến hành thu thập các
tài liệu liên quan đến luận văn. Tôi đã quan sát tham dự để phân tích, mô tả dân tộc
học đời sống của cộng đồng địa phương. Những thông tin định tính, những câu
chuyện có thật mà tôi thu thập được qua các cuộc phỏng vấn sâu là nguồn tư liệu
quan trọng đóng góp vào luận văn của tôi.
- Phương pháp xã hội học: Tôi sử dụng bảng hỏi các câu hỏi đóng/mở,
phương pháp phỏng vấn để tìm hiểu về các cách thức ứng phó của người nông dân
đối với quá trình đô thị hóa.
6
6. Cấu trúc của Luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Bố cục của Luận văn gồm có 4 chương:
Chương 1: Tổng quan về tài liệu và cơ sở lý thuyết
Chương 2: Xã Lam Hạ trước quá trình đô thị hóa
Chương 3: Tác động của quá trình đô thị hóa ở xã Lam Hạ
Chương 4: Các cách thích ứng phó và thích nghi của nông dân xã Lam Hạ
7
Chƣơng 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Tổng quan tài liệu
Khi đô thị hóa ngày càng trở thành một xu hướng phát triển quan trọng như
hiện nay thì nó cũng trở thành một trong những chủ đề được nhiều nhà khoa học
thuộc các ngành học khác nhau (từ kinh tế học, xã hội học, tâm lý học, cho đến
nhân học...) quan tâm nghiên cứu. Tập trung nghiên cứu chuyên sâu vào ứng phó
của nông dân đối với vấn đề sinh kế dưới tác động của đô thị hóa là nhóm các
nghiên cứu nhân học áp dụng lý thuyết khung sinh kế bền vững. Trọng tâm chính
của tiếp cận lý thuyết này là nó đặt con người ở vị trí trung tâm của các phân tích và
lý giải về phát triển. Qua phân tích 5 nguồn vốn và việc sử dụng 5 nguồn vốn này
(vốn vật chất, vốn tài chính, vốn xã hội, vốn con người và vốn tự nhiên) sẽ giúp cho
các nhà nghiên cứu thấy được mức độ giàu có về các nguồn vốn, hay sự thiếu hụt
của các nguồn vốn có ảnh hưởng trực tiếp đến các chiến lược sinh kế và sự thích
nghi cũng như khả năng ứng phó với những tác động hoặc rủi ro, v.v. [48, tr.17].
Tiếp cận sinh kế bền vững mà cụ thể là khung sinh kế bền vững đã trở thành một
cách phân tích và lý giải của khá nhiều công trình nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Văn
Sửu trong bài: “Chuyển đổi sinh kế của nông dân, trường hợp một làng ven đô Hà
Nội” in trong “Đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam, từ lý thuyết đến thực tiễn”
(2010) đã phân tích về những biến đổi sinh kế khi nhiều người nông dân bị thu hồi
đất nông nghiệp ở các làng ven đô Hà Nội. Nghiên cứu cho thấy những người nông
dân ở đây chủ yếu sử dụng vốn tự nhiên dưới hình thức đất ở và vốn tài chính có
được từ tiền điền bù quyền sử dụng đất nông nghiệp và tiền bán quyền sử dụng đất
ở để tham gia vào những hoạt động sinh kế phi nông nghiệp như xây nhà trọ cho
thuê và kinh doanh các dịch vụ khác. Trong bối cảnh của khu vực ven đô trong tiến
trình đô thị hóa thì đây được coi là một trong những cách kiếm sống của nhiều hộ
gia đình, nhờ đó mà họ không phải di cư đi nơi khác tìm kiếm việc làm.
Tiếp cận này được tác giả phát triển và kết hợp với tiếp cận không gian trong:
“Công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi sinh kế ở ven đô Hà Nội” (2014). Công
8
trình nghiên cứu này đã khái quát một số đặc điểm của quá trình đô thị hóa nói chung
ở thành phố Hà Nội, đặc biệc nghiên cứu đã phân tích, lý giải về quá trình công
nghiệp hóa, đô thị hóa cũng như những ảnh hưởng của các quá trình này đến sinh kế
của các hộ gia đình nông dân ở hai làng ven đô cụ thể. Việc thu hồi đất nông nghiệp
đã làm mai một các hoạt động sinh kế truyền thống của nhiều hộ gia đình nông dân.
Thay vì di cư tìm kiếm việc làm ở nơi khác, nhiều hộ gia đình chuyển sang kinh
doanh nhà trọ, tham gia vào các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương nghiệp và
dịch vụ để đảm bảo cho cuộc sống. Nghiên cứu đồng thời chỉ ra những cơ hội và
thách thức mà người nông dân ở hai làng trên gặp phải trong quá trình chuyển đổi
sinh kế. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng đi đến kết luận rằng đô thị hóa chẳng những
làm thay đổi chiến lược mưu sinh của người nông dân mà nó còn làm biến đổi không
gian sống từ nông thôn nông nghiệp sang đô thị phi nông nghiệp.
Tập trung nghiên cứu ứng phó của người dân ven đô với vấn đề sinh kế qua
tiếp cận vốn xã hội (một trong 5 loại vốn của khung sinh kế bền vững), tác giả
Nguyễn Duy Thắng đã phân tích việc sử dụng vốn xã hội trong chiến lược sinh kế
của nông dân ven đô Hà Nội dưới tác động của đô thị hóa qua nghiên cứu: “Sử
dụng vốn xã hội trong chiến lược sinh kế của nông dân ven đô Hà Nội dưới tác
động của đô thị hóa” (2007). Nghiên cứu của tác giả đã chỉ ra ảnh hưởng của quá
trình đô thị hóa đối với sử dụng đất nông nghiệp, việc làm, và quan hệ cộng đồng ở
ven đô Hà Nội. Đặc biệt, nghiên cứu đã phân tích những tác động của đô thị hóa
đến sinh kế của nông dân ven đô và việc người dân ở đây sử dụng vốn xã hội trong
chiến lược sinh kế như thế nào để tránh nguy cơ rủi ro bị rơi vào nghèo khổ. Kết
quả nghiên cứu cho thấy, có sự phân hóa trong cách ứng phó của người nông dân
nhằm đảm bảo an ninh sinh kế. Một bộ phận người nông dân có “chiến lược dựa
vào đất”, tức là họ tiếp tục làm nông nghiệp, trong khi một bộ phận khác thì lại cố
tìm một nghề phi nông nghiệp qua “chiến lược không dựa vào đất” để đảm bảo
cuộc sống của mình. Với chiến lược sinh kế dựa vào đất, các hộ nông dân, đặc biệt
là các hộ gia đình có đất liền kề đã tự nguyện dồn đổi những mảnh đất nhỏ lẻ, manh
mún để tạo ra một mảnh đất lớn hơn và cùng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hoặc
9
chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng năng suất. Với chiến lược
sinh kế không dựa vào đất, người dân quan tâm đến việc cho con cái học hành hoặc
tận dụng các mối quan hệ từ chính quyền địa phương cũng như từ bạn bè, họ hàng
làng xóm để tìm hiểu thông tin việc làm phi nông nghiệp. Nghiên cứu kết luận rằng,
việc sử dụng vốn xã hội trong chiến lược sinh kế đã giúp cho người dân giảm được
chi phí đầu vào cho sản xuất và các chi phí giao dịch trong tìm kiếm việc làm hay
thị trường, đồng thời chia sẻ các nguồn thông tin đáng tin cậy về thị trường để tránh
nguy cơ rủi ro [53, tr.47].
Trong khi đó, các nghiên cứu: “Tiếp cận nông thôn Việt Nam từ mạng lưới xã
hội và vốn xã hội cho phát triển” (2008) của Ngô Đức Thịnh và “Về vốn xã hội và
mạng lưới xã hội” (2008) của Hoàng Bá Thịnh lại đóng một vai trò quan trọng
trong phân tích những vấn đề lý thuyết về mạng lưới xã hội, vốn xã hội, giúp người
đọc hiểu một cách kỹ lưỡng về hình thái tồn tại đặc thù của vốn xã hội trong các
làng xã Việt Nam cổ truyền, từ đó vận dụng để nghiên cứu vai trò của loại vốn này
trong quá trình chuyển đổi sinh kế của người nông dân dưới tác động của đô thị
hóa. Qua việc nghiên cứu về “tình làng nghĩa xóm” – với vai trò là một loại vốn xã
hội phổ biến trong xã thôn Việt Nam, tác giả Hoàng Bá Thịnh chỉ ra những biểu
hiện cụ thể cũng như “cơ chế” tồn tại của loại vốn xã hội này. Vốn xã hội - “tình
làng nghĩa xóm” được biểu hiện trước hết bằng mạng lưới xã hội (tỷ lệ những
người biết nhau; mức độ thân mật), các chuẩn mực xã hội (những quy tắc, giá trị bất
thành văn như tránh gây tiếng ồn vào ban đên, trông trẻ hộ, cho nhau mượn trang
thiết bị, đồ dùng, cho vay lương thực hoặc tiền nong…) và chế tài (các chế tài đều
không chính thức nhưng rất hữu hiệu trong việc duy trì các chuẩn mực xã hội, như
thông qua cách giao tiếp/ truyền thông về điều người dân không tán đồng những
hành vi phá vỡ những chuẩn mực bất thành văn. Nhìn chung, các nghiên cứu của
tác giả Ngô Đức Thịnh và Hoàng Bá Thịnh không chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên
cứu ảnh hưởng của vốn xã hội trong chuyển đổi sinh kế mà nó còn có vai trò trong
việc xem xét sự vận động của các mối quan hệ xã hội ở làng xã Việt Nam dưới tác
động của đô thị hóa.
10
Nghiên cứu sự ứng phó của người dân ở khu vực đô thị qua việc tìm kiếm
các mối quan hệ và sử dụng các mối quan hệ này vào việc đấu tranh với sai phạm
của chính quyền trong quản lý và sử dụng đất đai, tác giả Nguyễn Vũ Hoàng nghiên
cứu: “Vốn xã hội trong đô thị: Một nghiên cứu nhân học về hành động tập thể ở
một dự án phát triển đô thị”. Thông qua nghiên cứu về hành trình đất tranh nhằm
đòi hỏi các quyền lợi liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng của tập thể người
dân xóm Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu giúp người đọc làm sáng tỏ các hình thức
mà người dân ở đây sử dụng vốn xã hội để tổ chức liên kết lại với nhau trong suốt
một thời gian dài nhằm đòi lại quyền lợi kinh tế cho mình.
Thực tế cho thấy quyền đất đai có một vị trí quan trọng trong việc lựa chọn
sinh kế thay thế của người nông dân dưới tác động của quá trình đô thị hóa. Nhưng
qua nghiên cứu về quyền sở hữu đất đai dưới góc độ giới :“Sinh kế và tiếp cận
nguồn lực đất đai của phụ nữ tại hai xã nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ”
tác giả Nguyễn Thị Vân Anh lại cho thấy vai trò của phụ nữ mờ nhạt hơn so với
nam giới khi quyết định về thừa kế đất đai (kể cả với thừa kế đất nông nghiệp).
Trong khi phụ nữ là người sản xuất, chịu trách nhiệm chính trong việc đồng áng,
được giao phó toàn bộ trách nhiệm lo toan hầu hết các vấn đề liên quan tới ruộng
đồng thì quyền của họ đối với đất còn chưa được đảm bảo, tiềm ẩn rủi ro.
Nghiên cứu về sự chuyển đổi sinh kế của nông dân dưới góc độ tâm lý cũng
thu hút được sự quan tâm của các tác giả Phan Thị Mai Hương, Lê Hữu Xanh,
Nguyễn Hồi Loan. Trong một nỗ lực nhằm đi tìm tính năng động của người dân
trong chuyển đổi sinh kế, hay là cách mà người nông dân sử dụng để ứng phó với
việc đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần, tác giả Phan Thị Mai Hương nghiên
cứu: “Chiến lược sống qua những dự định nghề nghiệp của cư dân ven đô Hà Nội
trong quá trình đô thị hóa”. Từ giả thuyết cho rằng, tính năng động của người nông
dân ở ven đô được kích thích bởi những chính sách quy hoạch đô thị sẽ là cái đà để
họ phát triển nội lực, kết quả nghiên cứu lại cho thấy, sự nhộn nhịp trong biến động
việc làm do quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp chưa đủ mạnh để kích thích nội
lực của nhiều người [27, tr.14]. Đặc biệt, nghiên cứu cũng đã đi đến chỗ khẳng định
11
rằng, nhân tố đặc điểm nhân khẩu không ảnh hưởng gì đến những dự định nghề
nghiệp của người dân ven đô và cũng không phải tốc độ đô thị hóa có tác động
quyết định chiến lược sống của cá nhân trong việc định hướng cho hành động nghề
nghiệp tương lai, mà ở đây nó thuộc về yếu tố nội lực. Từ đó, tác giả Phan Thị Mai
Hương nhận định đặc tính tâm lý – văn hóa có ảnh hưởng đến những dự định nghề
nghiệp của người dân ven đô trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp
[27, tr.13]. Tác giả đặt vấn đề về sự kém năng động, tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào
chính sách của Nhà nước của người dân, từ đó gợi mở cho các nghiên cứu hậu sinh
một hướng nghiên cứu tiếp theo là các yếu tố tác động đến lựa chọn sinh kế của
người nông dân dưới tác động của đô thị hóa.
Nếu như mục đích của: “Chiến lược sống qua những dự định nghề nghiệp
của cư dân ven đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa” là đo lường tính năng động
của người dân trong chuyển đổi sinh kế thì ở nghiên cứu: “Những biến đổi tâm lý
của cư dân vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa” (2010), tác giả Phan Thị Mai
Hương (chủ biên) đã mở rộng bao quát khá nhiều khía cạnh của đô thị hóa, từ biến
đổi xã hội, biến đổi nhu cầu, biến đổi về mặt nhận thức xã hội, đến sự thích nghi với
lối sống đô thị, biến đổi giao tiếp và quan hệ xã hội...Trong đó tác động tâm lý trong
chuyển đổi sinh kế vẫn được tác giả quan tâm, nghiên cứu đã chỉ ra các xu hướng
việc làm của hộ gia đình vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa. Đó là xu hướng đa
dạng hóa việc làm trong cộng đồng dân cư, xu hướng mỗi người có nhiều loại việc
làm trong cùng một thời điểm, xu hướng làm việc tại chỗ, xu hướng phân hóa việc
làm giữa các nhóm đối tượng, xu hướng nghề nghiệp chịu ảnh hưởng của mức độ
đô thị hóa. Lấy sự chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm và những dự định nghề nghiệp
là thước đo đánh giá chiến lược sống của người dân ven đô, tác giả khẳng định sự
tồn tại của xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp trong các hộ gia đình và tác động của
độ tuổi, trình độ học vấn, giới tính đối với xu hướng chuyển đổi này.
Trong khi đó, tác giả Nguyễn Hồi Loan có công trình nghiên cứu: “Một số
đặc điểm tâm lý của người nông dân Việt Nam ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình
hội nhập kinh tế”. Trên cơ sở lập luận rằng, văn hóa là sản phẩm của con người và
12
tự nhiên, mọi sự khác biệt trong truyền thống và văn hóa của các dân tộc là do sự
khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý – khí hậu) và xã hội (lịch sử - kinh tế) quy
định, tác giả khẳng định đặc điểm tâm lý của người nông dân Việt Nam có ảnh
hưởng tiêu cực đến quá trình hội nhập kinh tế hiện nay, và đặc điểm tâm lý của
dân tộc Việt Nam là yếu tố “cốt lõi” tạo nên sự thuận lợi hoặc cản trở trong quá
trình hội nhập [39, tr.14].
Nghiên cứu sinh kế của người nông dân dưới góc độ kinh tế học trong: “Thu
nhập, đời sống, việc làm của người có đất bị thu hồi” (2007), tác giả Lê Du Phong
đã khảo cứu kỹ lưỡng tác động của đô thị hóa đến vấn đề công ăn việc làm của
người dân thông qua những con số thống kê về diện tích thu hồi đất nông nghiệp và
việc làm sau thu hồi. Nghiên cứu cho biết, trung bình mỗi hộ ở những nơi thu hồi
đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi ha đất nông nghiệp
bị thu hồi làm cho 13 lao động mất việc làm trong nông nghiệp. Thông thường, khi
bị thu hồi đất, người nông dân phải chuyển đổi nghề nghiệp. Vậy, câu hỏi làm gì sau
khi bị thu hồi đất và sử dụng tiền đền bù ra sao được cho là một vấn đề nan giải.
Nếu số tiền được đền bù từ thu hồi đất không được người nông dân sử dụng đúng
mục đích sẽ làm tăng tình trạng thất nghiệp và phát sinh các vấn đề xã hội. Nghiên
cứu cũng cho biết, không ít người sau một thời gian được nhận vào làm việc tại các
nhà máy, khu công nghiệp, do không đáp ứng được yêu cầu công việc nên phải thôi
việc và lại rơi vào tình trạng không có việc làm [43, tr.48-49]. Đấy là chưa kể những
bất ổn tồn tại trong việc đền bù, giải tỏa, khiến cho người dân phản ứng và gây ra
khiếu kiện kéo dài, số người được đào tạo nghề, được giải quyết việc làm tại các
khu công nghiệp là rất ít…Nghiên cứu đặt ra vấn đề việc làm gay gắt đối với người
nông dân khi họ bị mất đi đất nông nghiệp.
Nghiên cứu dưới góc độ xã hội học về kinh tế nông thôn, đặc biệt là những
vấn đề có tính lý luận về đặc điểm của người nông dân khi tiếp xúc với nền kinh tế
thị trường phải kể đến nghiên cứu: “Xã hội học nông thôn” của tác giả Bùi Quang
Dũng. Ngoài đem đến cho người đọc những kiến thức căn bản về nông thôn như:
dân số nông thôn, phân tầng xã hội, kinh tế nông nghiệp, làng xã, gia đình..., tác giả
13
đã so sánh đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp với nền kinh tế thị trường - nền
kinh tế lấy lợi nhuận làm cơ sở tồn tại, khác hẳn với tính ổn định, bền vững của nền
kinh tế nông nghiệp. Tác giả lý giải rằng, đặc điểm của người nông dân là họ tổ
chức việc sản xuất không phải nhằm mục tiêu lợi nhuận tối đa mà là an ninh lương
thực và giảm thiểu rủi ro [19, tr.92]. Nhưng đồng thời, cùng với sự vận động của xã
hội, nhất là dưới tác động của quá trình đô thị hóa, người nông dân trở nên phân hóa
rõ nét trong cách ứng xử với sự thâm nhập của nền kinh tế thị trường. Nghiên cứu
“Xã hội học nông thôn” của Bùi Quang Dũng có ý nghĩa quan trọng trong việc vận
dụng hiểu, phân tích, lý giải vào các lựa chọn sinh kế và thay đổi các mối quan hệ
xã hội, lối sống của nông dân trong bối cảnh đô thị hóa.
Dưới góc độ văn hóa, tác giả Lương Văn Hy và Trương Huyền Chi đã có
nghiên cứu: “Thương thảo để tái lập và sáng tạo “truyền thống”: Tiến trình tái cấu
trúc lễ hội cộng đồng tại một làng Bắc Bộ”, in trong cuốn: “Những thành tựu
nghiên cứu bước đầu của Khoa Nhân học”. Trong nghiên cứu các tác giả đã chỉ ra
xu hướng khôi phục trở lại các yếu tố truyền thống, biểu hiện trong việc khôi phục
lại hệ thống nghi lễ và tiệc tùng quan lại bên trong cũng như bên ngoài dòng họ
trong xã hội đô thị hóa, hiện đại hóa.
Một số công trình nghiên cứu tập trung chuyên sâu về chuyển đổi sinh kế của
người nông dân khác có thể kể đến như: “Việc làm của nông dân thành phố Hồ Chí
Minh trong quá trình đô thị hóa (Khảo sát từ năm 1997 đến 2010)” của TS. Huỳnh
Ngọc Thu – Ths. Lê Thị Mỹ Hà, “Thực trạng chuyển đổi nghề nghiệp của cư dân
vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa” (2008) của Đỗ Thị Lệ Hằng, “Giải quyết
việc làm cho nông dân vùng đồng bằng sông Hồng ở nước ta hiện nay” (2006) của
Bùi Thị Ngọc Lan, “Việc làm của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020” (2009) của Trần Ngọc Minh...
Tập trung nghiên cứu mức độ đậm đặc nhất phải kể đến các nghiên cứu về sự
biến đổi dưới tác động của đô thị hóa trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, lối
sống, quan hệ xã hội đến nhận thức, tâm lý…
14
Nghiên cứu: “Biến đổi kinh tế - xã hội ở vùng ven đô Hà Nội trong quá trình
đô thị hóa” (2005) của Nguyễn Hữu Minh và đồng nghiệp phân tích một cách kỹ
lưỡng quá trình biến đổi từ cơ cấu nghề nghiệp, nguồn thu nhập, mức sống, đến nhà
ở, cơ sở hạ tầng; từ đời sống vật chất đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân
ven đô Hà Nội. Trong “Đô thị hóa và tác động của nó đến những biến đổi làng xã
ngoại thành Hà Nội (qua trường hợp làng Phú Đô)” (2009) của Kim Kyung, tác giả
chỉ ra những nhân tố đô thị hóa tác động đến làng Phú Đô, Hà Nội cũng như sự biến
đổi của làng Phú Đô dưới tác động của đô thị hóa từ diện tích đất đai và quản lý sử
dụng đất đến cảnh quan tự nhiên, dân số, kinh tế, nghề nghiệp, mối quan hệ xã hội,
văn hóa – lối sống...Trong khi đó nghiên cứu: “Từ làng đến phố: Đô thị hóa và quá
trình chuyển đổi lối sống ở một làng ven đô Hà Nội” (2010) của Bùi Thị Kim
Phương lại là một công trình nghiên cứu dày dặn về các vấn đề cốt lõi của đô thị và
đô thị hóa. Đó là sự thay đổi trong không gian cư trú và kiến trúc, cơ cấu kinh tế và
quan hệ xã hội, đặc biệt là sự thay đổi trong văn hóa và lối sống qua các mối quan
hệ gia đình, hôn nhân, tang lễ, các hình thức thờ cúng, dòng họ, tín ngưỡng. Đối với
nghiên cứu: “Đô thị hóa và những vấn đề kinh tế - xã hội vùng ven đô Hà Nội hiện
nay (Nghiên cứu trường hợp Mễ Trì huyện Từ Liêm Hà Nội” (2011), tác giả Bùi
Văn Tuân lại khảo sát một cách khá kỹ lưỡng cơ sở lý luận và thực tiễn của những
tác động của đô thị hóa tới cấu trúc kinh tế - xã hội khu vực ven đô. Đồng thời,
nghiên cứu cũng đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân của những tác động tích cực,
tiêu cực của quá trình đô thị hóa đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân Mễ Trì.
Cũng xem xét sự biến đổi của làng xã dưới tác động của đô thị hóa nhưng bằng
cách tiếp cận không gian, nghiên cứu: “Đô thị hóa, công nghiệp hóa và sự biến đổi
không gian: Nghiên cứu trường hợp làng Đồng Kỵ (Từ Sơn – Bắc Ninh)” (2010)
của Chu Thu Hường lại phân tích sự chuyển đổi và mở rộng của các không gian
truyền thống của làng Đồng Kỵ qua không gian cư trú, không gian hành chính,
không gian canh tác, không gian thiêng, không gian chứa đựng các chức năng giao
thông liên lạc…Các nghiên cứu về sự chuyển biến dưới tác động của đô thị hóa đều
rất đa diện, đa sắc màu, sử dụng phương pháp so sánh để lột tả bộ mặt mới của xã
hội truyền thống – xã hội nông nghiệp trước khi bước sang xã hội đô thị thực sự.
15
Xét một cách riêng biệt, các công trình nghiên cứu tập trung vào các vấn đề
đô thị hóa hay nông thôn, nông dân Việt Nam đều rất phong phú, đa dạng. Tuy
nhiên, còn ít các nghiên cứu lấy người nông dân làm đối tượng trung tâm để phân
tích nhận thức, hành vi, phản ứng của họ dưới tác động của đô thị hóa, mà điều này
chỉ được nhận ra phần nào qua các nghiên cứu tổng thể về sự biến đổi về kinh tế,
văn hóa, xã hội, và lối sống dưới tác động của đô thị hóa...Hoặc các nghiên cứu chỉ
nhấn mạnh đến khía cạnh tiêu cực, sự thụ động của người nông dân mà chưa thấy
được những hành vi thích nghi của họ khi đô thị hóa xảy ra. Người nông dân đã làm
gì để thích ứng với các biểu hiện cụ thể của đô thị hóa là một vấn đề cần tiếp tục
được quan tâm.
Có thể nói, đô thị hóa ở Việt Nam phần lớn diễn ra do sự tác động của yếu tố
bên ngoài, do Nhà nước thu hồi đất đai để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình công cộng. Trong khi việc thu hồi quyền
sử dụng đất nông nghiệp của Nhà nước để phục vụ cho các mục đích công nghiệp hóa
và đô thị hóa đã tạo ra những tác động quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính
trị đối với người nông dân bị thu hồi đất thì những chính sách của Đảng và Nhà nước
về đào tạo nghề và tạo việc làm còn có những hạn chế. Người nông dân phải đối mặt
với khó khăn trong việc chuyển đổi sinh kế cũng như đòi hỏi một sự thích ứng lớn
dưới tác động của đô thị hóa. Họ buộc phải đưa ra cho mình các quyết định, các lựa
chọn để thích ứng sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới.
1.2. Cơ sở lý thuyết
1.2.1. Một số khái niệm then chốt
Thứ nhất là khái niệm ''Đô thị hóa''. Đô thị hóa (urbanization) bắt nguồn từ cổ
tự la tinh “urbanus” có nghĩa là thuộc tính của đô thị. Theo Mạc Đường: “đô thị hóa
là một quá trình kinh tế và xã hội để biến một vùng dân cư không có cuộc sống đô thị
thành một vùng dân cư có thuộc tính của xã hội đô thị”. Đô thị hóa còn là một quá
trình biến đổi văn hóa và ứng xử. Văn hóa và cách ứng xử đô thị dần dần bao trùm
lên và làm tan biến dần văn hóa và ứng xử truyền thống nông thôn [21, tr.115].
Với một nền kinh tế chủ yếu là từ nông nghiệp như Việt Nam đô thị chủ yếu
được đi lên từ nông thôn có sự tác động của Nhà nước. Do đó, có nhiều khái niệm
16
về đô thị hóa lấy xuất phát điểm từ nông nghiệp, nông thôn hay ít nhiều liên quan
đến khái niệm này. Một số khái niệm thuộc nhóm này phải kể đến như: Đô thị hóa
là quá độ từ hình thức sống nông thôn lên hình thức sống đô thị của các nhóm dân
cư. Đô thị hóa nông thôn là xu hướng bền vững có tính quy luật; là quá trình phát
triển nông thôn và phổ biến lối sống thành phố cho nông thôn (cách sống, hình thức
nhà cửa, phong cách sinh hoạt...). Đô thị hóa ngoại vi là quá trình phát triển mạnh
vùng ngoại vi của thành phố do kết quả phát triển công nghiệp, và kết cấu hạ
tầng…tạo ra các cụm đô thị, liên đô thị, góp phần đẩy nhanh đô thị hóa nông thôn.
Nhìn chung, đô thị hóa gắn liền với sự biến đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội của đô thị
và nông thôn trên cơ sở phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, dịch
vụ…do vậy, đô thị hóa gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội [42, tr.15].
Có hai hình thức đô thị hóa là đô thị hóa theo chiều rộng và đô thị hóa theo
chiều sâu. Ở Việt Nam đô thị hóa chủ yếu diễn ra dưới hình thức đô thị hóa theo
chiều rộng, trên cơ sở mở rộng quy mô diện tích các đô thị hiện, hình thành các khu
đô thị mới, các quận, phường mới. Đây là sự mở đường của quan hệ sản xuất cho
lực lượng sản xuất phát triển. Đặc điểm của đô thị hóa theo chiều rộng là quá trình
đô thị hóa diễn ra tại các khu vực trước đây không phải là đô thị. Với hình thức này,
“dân số và diện tích đô thị không ngừng gia tăng, các hoạt động kinh tế đô thị phi
nông nghiệp và các hoạt động của kinh tế đô thị không ngừng mở rộng; các hoạt
động sản xuất kinh doanh và điểm dân cư ngày càng tập trung” [42, tr.18]. Một số
vấn đề có tính quy luật thường này sinh trong quá trình đô thị hóa bao gồm:
Mở rộng diện tích đất đô thị và thu hẹp diện tích đất nông nghiệp: Hình thức
phát triển theo chiều rộng đưa đến tình trạng thu hẹp đất canh tác nông nghiệp
nhanh chóng. Một phần do nhà nước thu hồi để xây dựng các công trình, một phần
đất dân cư bán cho những người từ nơi khác tới để ở, làm cơ sở sản xuất, kinh
doanh. Một bộ phận đất đai, trước hết là đất nông nghiệp được chuyển sang phục vụ
cho việc xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, mở rộng các khu đô thị cũ và
xây dựng các khu đô thị mới, cũng như cho việc xây dựng, phát triển hệ thống kết
cấu hạ tầng và các công trình công cộng phục vụ lợi ích của cộng đồng, quốc gia.
17
Quá trình này góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng đất nói chung nhưng cũng gây ra
không ít các vấn đề xã hội [42, tr.23].
Dân số, lao động và việc làm đối với nông dân: Quá trình đô thị hóa theo
chiều rộng xảy ra tình trạng dôi dư về lao động nông nghiệp. Cơ cấu dân cư theo
tuổi, giới, theo tầng lớp xã hội, theo nghề nghiệp biến đổi nhanh chóng. Sự phân
hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét. Thu nhập của dân cư nói chung tăng lên nhưng tốc
độ tăng của mỗi nhóm xã hội, mỗi nghề nghiệp rất khác nhau.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực ngoại thành: Khu vực giáp ranh giữa
đô thị và nông thôn luôn chịu ảnh hưởng của cả những ngoại ứng tích cực và tiêu
cực. Mật độ dân cư ở khu vực này sẽ tăng dần, đất đai thay đổi nhanh về mục đích
sử dụng.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật: Quá trình đô thị hóa là quá trình hình thành
nhanh chóng kết cấu hạ tầng kỹ thuật mà bắt đầu bằng hệ thống giao thông, tiếp
theo đó là hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, trường học,
bệnh viện, trung tâm thương mại, dịch vụ và cuối cùng là khu ở của dân cư.
Văn hóa, xã hội: Đô thị hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần
cho nhân dân, hình thành lối sống công nghiệp. Tuy nhiên tình trạng thất nghiệp cộng
với việc sử dụng số tiền đền bù đất không đúng mục đích sẽ làm nảy sinh các vấn đề
xã hội. Tệ nạn xã hội trở thành vấn đề lớn, vấn đề nghèo đói, thất nghiệp đặt ra.
Việt Nam là một quốc gia đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại
hóa nên tốc độ đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ. Đô thị hóa bắt đầu từ chính sách thu
hồi đất đai của Nhà nước để phục vụ cho việc xây dựng các khu công nghiệp, các
nhà máy, xí nghiệp hoặc các công trình công cộng. Như khẳng định của tác giả
Phan Thị Mai Hương thì: “đô thị hóa thực chất là quá trình chuyển đổi mục đích sử
dụng đất nông nghiệp” [25, tr. 258]. Hay bản chất đô thị hóa:“được hình thành và
phát triển dưới tác động của các dự án phát triển, chính sách quy hoạch của Nhà
nước và chính quyền địa phương dẫn đến sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng,
thu hút dân cư; xuất hiện trung tâm buôn bán – thương mại và hình thành trung tâm
18
văn hóa – du lịch, giáo dục, y tế, làm biến đổi không gian từ không phải đô thị đã
bước đầu trở thành đô thị” [11, tr.10].
Thứ hai là khai niệm „Vùng ven đô‟. Về mặt địa lý, vùng ven đô là khu vực
cận kề với khu vực đô thị. Vùng ven đô là nơi vừa có các hoạt động đặc trưng cho
nông thôn vừa có các hoạt động mang tính chất đô thị. Vùng ven đô không tồn tại
độc lập mà nằm trong một miền liên thông nông thôn - ven đô - đô thị.
Về kinh tế: Khác với nông thôn, vùng ven đô bao gồm toàn diện hơn các hoạt
động kinh tế, như các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp và các dịch vụ đô thị. Ven đô là nơi chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô
thị hóa, các hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ dần bị thu hẹp lại và mất đi do
chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và đất
ở. Thay vào đó là các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp.
Về xã hội: Vùng ven đô không thuần nhất về thành phần dân cư (nông
dân/công nhân/trí thức/chủ doanh nghiệp; tầng lớp trung lưu/người nghèo cùng
sống chung trong một vùng lãnh thổ ven đô); trình độ dân trí và nhận thức của
người dân cao hơn so với nông thôn vì được tiếp xúc nhiều hơn với các yếu tố hiện
đại và được cung cấp thông tin thường xuyên từ nhiều nguồn khác nhau. Quan hệ
xã hội đa chiều và phức tạp hơn, do vậy dễ nảy sinh những xung đột về lợi ích giữa
các nhóm dân cư (đặc biệt trong sử dụng đất, các dịch vụ xã hội, vệ sinh môi
trường...) trong quá trình chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị.
Về văn hóa: Lối sống của cư dân ven đô là sự pha trộn lối sống nông thôn đô thị do sự đa dạng về thành phần dân cư, trong đó chịu tác động mạnh của lối
sống đô thị. Thái độ, hành vi và ứng xử giữa các cá nhân với nhau và với môi
trường thay đổi theo xu hướng đô thị. Các giá trị, chuẩn mực văn hóa và lối sống
biến đổi trong mỗi gia đình và ngoài xã hội.
Thứ ba là khai niệm „Nông dân‟. Trong tiếng Anh, nông dân có nghĩa tương
đương với “peasant” và có mối quan hệ gần gũi với từ “farmer” - chủ trang trại.
“Peasant” và “farmer” đều chỉ những người sản xuất nông nghiệp. Người ta cho
rằng nông dân (peasant) là những người sản xuất nông nghiệp, nghèo và thậm chí bị
19
coi là lạc hậu, sản xuất nhỏ, chủ yếu vì mục đích sinh tồn, có nghĩa vụ kinh tế chính trị đối với nhà nước và môi trường xã hội của họ nhìn chung tĩnh, ít biến đổi
[48, tr.24]. Trong khi đó, nông dân (farmer) được dùng để nói về những doanh
nghiệp sản xuất nông nghiệp với một quy mô sản xuất lớn hơn (hơn quy mô sản
xuất của peasant), sử dụng các công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong quá trình sản
xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường hơn là vì mục đích sinh tồn của hộ gia đình
[48, tr.24-25].
Tác giả Pierre Gourou trong “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” đã gọi nông
dân là “người làm ruộng” (nông), để phân biệt với các nhà nho (sĩ), thợ thủ công
(công) và những người buôn bán (thương). Tác giả Trường Chinh và Võ Nguyên
Giáp khi nghiên cứu vấn đề chiến lược của cách mạng đối với nông dân Việt Nam
trong“Vấn đề dân cày” đã chỉ ra rằng: thứ nhất, nông dân, một lực lượng dân cư
đông đảo ở nông thôn, đang phải chịu nhiều tầng áp bức bóc lột, là một lực lượng
cách mạng quan trọng; và thứ hai, phải làm sao cho “dân có ruộng cày” [48, tr.46].
Qua đây, ta có thể hiểu 2 đặc điểm quan trọng của nông dân Việt Nam là: là lực
lượng sinh sống ở vùng nông thôn và là người có (sở hữu) ruộng đất. Đồng thời
ruộng đất là một vấn đề sống còn đối với người nông dân.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và đô thị hóa, tầng lớp nông dân ngày một bị phân hóa sâu sắc. Một nghiên cứu
thực hiện vào những năm 90 tại một xã nông nghiệp ngoại thành Hà Nội đã cho
thấy sự phân hóa trong nông dân dưới tác động của đô thị hóa và kinh tế thị trường.
“Dưới tác động của đô thị hóa, chỉ có những người nông dân cao tuổi hoặc là
những hộ nông dân nghèo tiếp tục trồng lúa và các cây lương thực khác. Họ cũng
trồng thêm hoa để ra bán cho các chợ hoa ngoài Hà Nội. Trong khi đó, thanh niên
bỏ bê công việc đồng áng, họ thích đi làm thuê. Chẳng những thế, do chi phí tăng
cao, người ta còn đi tới chỗ ít trồng hoa hơn, chỉ có những “nông dân thực sự” mới
tiếp tục trồng hoa, còn hầu hết nông dân đi buôn hoa dưới đủ mọi hình thức. Chính
vì thế người ta đã gọi người nông dân gắn với đất và các truyền thống nông dân là
20
những “nông dân thực sự” hay “nông dân cổ truyền” để phân biệt với “người nông
dân mới” mà về bản chất là những người buôn bán nhỏ [19, tr.157-158].
Lý giải cho những hiện tượng này, Samuel L. Popkin trong cuốn sách về
“người nông dân duy lý” cho rằng: “lý do người nông dân tham gia vào thị trường
không phải vì đó là giải pháp cuối cùng mà ngược lại, đó chính là những phản ứng
và sự đáp lại của họ đối với cơ hội kinh tế mới do thị trường tạo ra” [48, tr.25].
Trong khi đó, trái ngược với Samuel L. Popkin về “người nông dân duy lý”, James
C. Scott trong“người nông dân duy tình” lại cho rằng:“sự thâm nhập của nhà nước
thực dân vào làng xã cùng với quá trình thương nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản
xuất nông nghiệp đã đưa tới sự áp dụng các loại máy hóc hiện đại, sản xuất hai
vụ...làm phá vỡ cấu trúc xã hội và các tập tục truyền thống vốn nuôi dưỡng các đặc
tính duy tình trong xã hội nông dân, nên làm cho nông dân nổi dậy” [48, tr.24].
Nhưng dù cho đó là cách giải thích nào thì cũng phải thấy một vấn đề rằng,
người nông dân ngày nay không còn thuần nhất như trước kia nữa. Sự phân hóa
ngày càng mạnh mẽ ở người nông dân có liên quan trực tiếp đến quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
1.2.2. Khung sinh kế bền vững
Khung sinh kế bền vững (sustainable livelihood approaches) là một phương
pháp tiếp cận toàn diện về các vấn đề phát triển thông qua việc nhấn mạnh đến thảo
luận sinh kế của con người, có nguồn gốc từ các nghiên cứu phát triển liên quan đến
đói nghèo và giảm nghèo và được thúc đẩy bởi Bộ Phát triển Quốc tế Anh
(Department for International Development – DFID). Khung sinh kế bền vững đặt
con người ở vị trí trung tâm để xem xét cách thức mà họ sử dụng sinh kế của mình
trong việc thích nghi và ứng phó trước các tác động hoặc thúc đẩy tiềm lực sẵn có
trong các bối cảnh khác nhau [50, tr.4].
Trong khung sinh kế bền vững, đất đai được coi là một tài sản tự nhiên rất
quan trọng đối với sinh kế nông thôn. Quyền đất đai đóng một vị trí quan trọng về
nhiều mặt và tạo cơ sở để người nông dân tiếp cận các loại tài sản khác và những sự
lựa chọn sinh kế thay thế. Và nó cũng thừa nhận rằng, các chính sách, thể chế và
21