BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NGÔ THỊ TUYẾT MAI
BIỆN PHÁP PHÁT HUY KHẢ NĂNG SÁNG
TẠO CHO TRẺ 5-6 TUỔI TRONG TRÒ CHƠI
ĐÓNG KỊCH
LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC
Thành phố Hồ Chí Minh -2013
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NGÔ THỊ TUYẾT MAI
BIỆN PHÁP PHÁT HUY KHẢ NĂNG SÁNG
TẠO CHO TRẺ 5-6 TUỔI TRONG TRÒ CHƠI
ĐÓNG KỊCH
Chuyên ngành: Giáo dục học (Mầm non)
Mã số: 60 14 01 02
LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. PHẠM THU HƯƠNG
Thành phố Hồ Chí Minh -2013
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan công trình nghiên cứu này do chính tôi thực hiện, những số liệu
và kết quả nghiên cứu trong luận văn chưa được công bố ở bất cứ công trình nào.
Tác giả
Ngô Thị Tuyết Mai
1
LỜI CẢM ƠN
Em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình của TS. Phạm Thu
Hương - người đã tận tình giúp đỡ em hoàn thành luận văn này.
Em cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với:
Các thầy giáo, cô giáo khoa Giáo Dục Mầm Non, Ban giám hiệu, phòng Quản lý
khoa học, Thư viện trường Đại học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ em
trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu.
Ban giám hiệu, tập thể các cô giáo cùng các cháu mẫu giáo các trường mầm non ở
Tây Ninh: trường Mầm Non 1/6, trường Mầm Non Thực Hành, trường Mầm Non Trưng
Vương, trường mầm non Sao Mai đã tạo điều kiện thuận lợi giúp em tiến hành nghiên cứu
và thực nghiệm để hoàn thành luận văn.
Cám ơn gia đình, anh chị đồng nghiệp, bạn bè đã hết lòng giúp đỡ, khích lệ, động
viên trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu.
Em xin chân thành cảm ơn !
Thành Phố, ngày 20 tháng 09 năm 2013
Tác giả
Ngô Thị Tuyết Mai
2
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................................. 1
LỜI CẢM ƠN ................................................................................................................... 2
MỤC LỤC ......................................................................................................................... 3
PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................................... 6
1. Lí do chọn đề tài................................................................................................................... 6
2. Mục đích nghiên cứu ........................................................................................................... 7
3. Nhiệm vụ nghiên cứu ........................................................................................................... 7
4. Đối tượng và khách thể nghiên cứu ................................................................................... 7
5.Giả thuyết nghiên cứu .......................................................................................................... 8
6. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu ........................................................................................ 8
7. Phương pháp nghiên cứu .................................................................................................... 8
8. Đóng góp của đề tài ............................................................................................................. 8
9. Dự kiến cấu trúc luận văn ................................................................................................... 9
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ SÁNG TẠO CỦA TRẺ MẪU GIÁO 5 – 6
TUỔI TRONG TRÒ CHƠI ĐÓNG KỊCH .................................................................. 10
1.1. Lịch sử nghiên cứu về sáng tạo...................................................................................... 10
1.2. Các khái niệm chung về sáng tạo .................................................................................. 13
1.2.1. Những quan điểm khác nhau về sáng tạo .................................................................. 13
1.2.2. Các quan điểm về cơ sở tâm lý học của sự sáng tạo nghệ thuật ................................ 16
1.2.3. Những đặc điểm của sáng tạo .................................................................................... 18
1.2.4. Sản phẩm sáng tạo ..................................................................................................... 20
1.2.5. Các cấp độ của sáng tạo ............................................................................................. 21
1.2.6. Môi trường sáng tạo ................................................................................................... 23
1.3. Trò chơi đóng kịch ở trường mầm non ........................................................................ 25
1.3.1. Khái niệm trò chơi đóng kịch .................................................................................... 25
1.3.2. Ý nghĩa của trò chơi đóng kịch đối với trẻ mẫu giáo ................................................ 25
1.3.3. Các qui trình hướng dẫn trò chơi đóng kịch .............................................................. 26
1.4. Những biểu hiện sáng tạo của trẻ mầm non................................................................. 28
1.4.1. Vai trò của sáng tạo đối với sự phát triển của trẻ ...................................................... 28
1.4.2 . Đặc điểm sáng tạo của trẻ mầm non ......................................................................... 29
3
1.4.3. Những biểu hiện sáng tạo của trẻ 5- 6 tuổi trong TCĐK........................................... 31
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG SỬ DỤNG BIỆN PHÁP PHÁT HUY KHẢ NĂNG
SÁNG TẠO CHO TRẺ 5 – 6 TUỔI TRONG TCĐK Ở MỘT SỐ TRƯỜNG MẦM
NON TỈNH TÂY NINH ................................................................................................. 34
2.1. Khái quát điều tra thực trạng ....................................................................................... 34
2.1.1. Mục đích điều tra ....................................................................................................... 34
2.1.2. Đối tượng điều tra. ..................................................................................................... 34
2.1.3. Địa bàn điều tra .......................................................................................................... 34
2.1.4. Thời gian điều tra ....................................................................................................... 34
2.1.5. Nội dung điều tra ....................................................................................................... 34
2.1.6. Phương pháp điều tra ................................................................................................. 35
2.2. Phân tích kết quả điều tra thực trạng........................................................................... 35
2.2.1.Thực trạng nhận thức của giáo viên về việc hướng dẫn trẻ 5 – 6 tuổi chơi TCĐK
nhằm phát huy khả năng sáng tạo. ....................................................................................... 35
2.2.2.Thực trạng giáo án hướng dẫn trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi chơi TCĐK ........................... 43
2.2.3.Thực trạng việc hướng dẫn trẻ MG 5 – 6 tuổi chơi TCĐK. ....................................... 44
2.2.4. Thực trạng khả năng sáng tạo của trẻ trong TCĐK ................................................... 47
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT HUY KHẢ NĂNG SÁNG TẠO CHO
TRẺ 5 – 6 TUỔI TRONG TCĐK VÀ THỰC NGHIỆM ........................................... 54
3.1. Một số biện pháp tổ chức TCĐK. ................................................................................. 54
3.1.1. Khái niệm về biện pháp ............................................................................................. 54
3.1.2. Cơ sở định hướng cho việc đề xuất các biện pháp phát huy khả năng sáng tạo của trẻ
5 – 6 trong TCĐK ................................................................................................................ 54
3.1.3. Một số biện pháp phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ 5 – 6 tuổi trong TCĐK ......... 55
3.1.4. Cách thức sử dụng các biện pháp .............................................................................. 60
3.2. Thực nghiệm sư phạm .................................................................................................... 60
3.2.1. Mục đích thực nghiệm ............................................................................................... 60
3.2.2. Đối tượng, phạm vi và thời gian thực nghiệm ........................................................... 61
3.2.3. Điều kiện tiến hành thực nghiệm ............................................................................... 61
3.2.4. Nội dung thực nghiệm ............................................................................................... 63
3.2.5 Tiêu chí đánh giá......................................................................................................... 70
3.2.6 Tiến trình thực nghiệm................................................................................................ 70
3.3. Phân tích kết quả thực nghiệm ...................................................................................... 70
4
3.3.1. So sánh kết quả giữa nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm ở trường mầm non 1-6 Thị xã Tây Ninh – Tỉnh Tây Ninh ....................................................................................... 70
3.3.2. So sánh kết quả giữa nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm ở trường mầm non
Trưng Vương - Huyện Châu Thành - Tây Ninh .................................................................. 71
3.3.3. So sánh khả năng sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi ở hai trường mầm non 1- 6 và Trưng
Vương sau thực nghiệm ....................................................................................................... 73
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ........................................................................................ 75
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................. 78
PHỤ LỤC ........................................................................................................................ 81
5
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tính sáng tạo được coi là một
phẩm chất quan trọng, cần thiết của người lao động mới. Bất cứ một nước nào muốn
phát triển một cách bền vững đều phải chú ý tạo điều kiện bồi dưỡng, phát huy khả năng
sáng tạo của dân tộc mình. Yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước là con người vì
vậy nhiệm vụ của giáo dục là phải tạo ra những con người năng động, sáng tạo để đáp
ứng yêu cầu cấp thiết của xã hội.
Bậc học mầm non là khâu đầu tiên trong quá trình giáo dục với mục đích là hình
thành và phát triển nhân cách cho trẻ. “ Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em
phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của
nhân cách và chuẩn bị cho trẻ vào học lớp một”.
Sự hình thành và phát triển các đặc điểm tâm lý nói chung và khả năng sáng tạo nói
riêng ở lứa tuổi mẫu giáo là cơ sở, nền móng cho sự phát triển tâm lý, khả năng sáng tạo
sau này của trẻ. [11,1]
Theo L.X Vưgôtxki “ Sự sáng tạo thật ra không phải chỉ có ở nơi nó tạo ra những
tác phẩm lịch sử vĩ đại, mà ở khắp nơi nào con người tưởng tượng, phối hợp, biến đổi và
tạo ra một cái gì mới dù cho cái mới ấy nhỏ bé đến đâu chăng nữa so với những sáng tạo
của các bậc thiên tài”. [30,10]
Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi tràn ngập xúc cảm, phát triển trí tò mò, trí tưởng
tượng bay bổng vì vậy đây là mảnh đất màu mở để phát triển tiềm năng sáng tạo và ở
giai đoạn này trẻ rất nhạy cảm với nghệ thuật.Văn học là một loại hình nghệ thuật mà trẻ
thơ được tiếp xúc từ rất sớm. Dạy trẻ đóng kịch dựa vào các câu chuyện đã được chuyển
thể thành kịch bản là một hình thức cho trẻ làm quen tác phẩm văn học mang tính chất
trò chơi. Trong các hình thức vui chơi của trẻ thì trò chơi đóng kịch được trẻ em rất yêu
thích. Đây là một hình thức học tập tạo được nhiều hứng thú và sáng tạo ở trẻ. Thông
6
qua việc thể hiện các vai trong truyện sẽ giúp trẻ hiểu sâu sắc nội dung câu chuyện và
tính cách của từng nhân vật trong truyện.
Ở một số trường mầm non tỉnh Tây Ninh việc tổ chức cho trẻ đóng kịch còn nhiều
hạn chế : Giáo viên chưa có nhiều biện pháp giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo trong
trò chơi đóng kịch, chưa linh hoạt trong việc cho trẻ nhận vai và thể hiện vai. Việc bày
trí sân khấu, đạo cụ, hóa trang rất đơn điệu nên chưa kích thích được sự hứng thú và
sáng tạo của trẻ. Ngoài ra, thời gian dành cho hoạt động đóng kịch rất ít nên giáo viên
không có nhiều thời gian đầu tư đúng mức mà chủ yếu là cho trẻ học thuộc lời thoại và
nói đúng lời thoại của từng nhân vật vì vậy mà trẻ không phát huy được khả năng sáng
tạo trong trò chơi này.
Chính vì lí do trên mà chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài “Biện pháp phát huy khả năng
sáng tạo cho trẻ 5 - 6 tuổi trong trò chơi đóng kịch”.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu và đề xuất một số biện pháp phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ 5 – 6
tuổi trong trò chơi đóng kịch.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Nghiên cứu cơ sở lý luận về biện pháp phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ 5 – 6
tuổi trong trò chơi đóng kịch.
3.2. Nghiên cứu thực tiễn về việc sử dụng các biện pháp phát huy khả năng sáng tạo
cho trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi trong trò chơi đóng kịch.
3.3. Đề xuất và thực nghiệm một số biện pháp phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ 5
– 6 tuổi trong trò chơi đóng kịch.
4. Đối tượng và khách thể nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Các biện pháp phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ 5 – 6 tuổi .
4.2. Khách thể nghiên cứu
7
Quá trình tổ chức trò chơi đóng kịch cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường mầm non.
5.Giả thuyết nghiên cứu
Nếu đề xuất được một số biện pháp phát huy khả năng sáng tạo hợp lý thì sẽ tạo
điều kiện nâng cao khả năng sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi trong TCĐK
6. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
- Nghiên cứu khả năng sáng tạo của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi tại 4 trường mầm non: 1/6,
Thực Hành, Trưng Vương, Sao Mai ở Tây Ninh.
- Quá trình thực nghiệm được tiến hành ở trường mầm non 1- 6 - Thị xã Tây Ninh
và trường mầm non Trưng Vương – huyện Châu Thành - tỉnh Tây Ninh.
7. Phương pháp nghiên cứu
7.1. Phương pháp nghiên cứu lí luận
Thu thập, đọc, phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá các tài liệu lý luận có liên quan
đến đề tài nghiên cứu.
7.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
- Phương pháp quan sát: dự giờ, quan sát hoạt động đóng kịch để thấy được thực
trạng tổ chức trò chơi đóng kịch và đánh giá khả năng sáng tạo của trẻ.
- Phương pháp điều tra: điều tra giáo viên bằng bảng hỏi để thấy được thực trạng tổ
chức trò chơi đóng kịch.
7.3. Phương pháp thực nghiệm: xây dựng và thực nghiệm các biện pháp phát huy
khả năng sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi trong trò chơi đóng kịch.
7.4. Phương pháp thống kê toán học
Xử lý các số liệu thu được.
8. Đóng góp của đề tài
- Giúp giáo viên mầm non có thêm cơ sở lý luận khoa học về khả năng sáng tạo
của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi trong trò chơi đóng kịch.
8
- Thực trạng khả năng sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi trong TCĐK ở Tây Ninh.
Xây dựng một số biện pháp phát huy khả năng sáng tạo trong trò chơi đóng kịch
cho trẻ 5 – 6 tuổi.
9. Dự kiến cấu trúc luận văn
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Mục đích nghiên cứu
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
4. Đối tượng và khách thể nghiên cứu
5.Giả thuyết nghiên cứu
6. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
7. Phương pháp nghiên cứu
8. Đóng góp của đề tài
Chương 1. Cơ sở lí luận về sáng tạo của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi trong TCĐK.
Chương 2. Thực trạng sử dụng biện pháp phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ 5 – 6
tuổi trong TCĐK ở một số trường mầm non tỉnh Tây Ninh.
Chương 3. Một số biện pháp phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ 5 – 6 tuổi trong trò
chơi đóng kịch và thực nghiệm
9
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ SÁNG TẠO CỦA TRẺ MẪU GIÁO
5 – 6 TUỔI TRONG TRÒ CHƠI ĐÓNG KỊCH
1.1. Lịch sử nghiên cứu về sáng tạo
Vào thế kỉ thứ ba, nhà toán học Hy Lạp Papp, ở thành phố Alexendria, người
chính thức đặt nền móng mở đầu cho khoa học về tư duy sáng tạo, đã gọi khoa học này
là Ơristic [ lấy gốc từ Ơrêka] sau đó nhà toán học và triết học nổi tiếng như Descartes,
Leibnitz, Bernard Bolzano đã cố gắng thành lập hệ thống Ơristic.
Theo quan niệm lúc bấy giờ, Ơristic là khoa học về các phương pháp và qui tắc
sáng chế, phát minh trong mọi lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, văn học,
chính trị, triết học, toán học…Cách đặt vấn đề khá rộng và trừu tượng này đã làm nản
chí những nhà nghiên cứu kế tiếp trong lĩnh vực tư duy, sáng tạo. Ơristic đã tồn tại đến
17 thế kỉ, nhưng trên thực tế ít người biết đến nó. Mãi đến năm 1945, nhà toán học Mỹ (
gốc Hungari ) G. Polya viết về Ơristic như sau: “ …đó là lĩnh vực nghiên cứu không có
hình dáng rõ ràng, nó thuộc về lôgic học, triết học, tâm lý học…Nó thường được trình
bày trên những nét chung, ít khi đi vào chi tiết và thực ra bị cố tình quên đi trong thời
gian hiện nay”. [ 4, 9].
Theo Guilford: “ Không có một hiện tượng tâm lý nào đã bị coi thường trong suốt
một thời gian dài và đồng thời được quan tâm trở lại một cách bất ngờ như là hiện
tượng sáng tạo”. ( J.P. Guilford, 1967 ).
Thật ra thì động lực phát triển của bất cứ ngành khoa học nào cũng là những yêu
cầu phát triển của kinh tế xã hội. Chính vì thế mà sau chiến tranh thế giới lần thứ hai,
kinh tế - xã hội thế giới đứng trước một tình hình mới, tình thế cạnh tranh hòa bình trên
toàn cầu. Trong tình thế này cũng như mọi khoa học khác, tâm lý học sáng tạo được phát
triển vượt bậc, đặc biệt những nước tiên phong về khoa học kỹ thuật cũng như kinh tế xã
hội. [ 28, 6]
Mãi đến thế kỉ XX với sự phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực khoa học, thì lĩnh
vực sáng tạo đã được quan tâm nghiên cứu, xem như là một hiện tượng phổ biến trong
10
xã hội. Đặc biệt nhu cầu nghiên cứu hoạt động sáng tạo trong khuôn khổ của sự phát
triển tâm lý, nhất là phát triển trí tuệ được xuất hiện. Nước Mỹ là nước có sự phát triển
khoa học kỹ thuật cao nhất thế giới, đã tập trung nghiên cứu vấn đề này. Các nhà khoa
học Mỹ đã tuyên bố rằng, đối với Mỹ việc vạch ra và bồi dưỡng những nhân cách sáng
tạo là vấn đề có ý nghĩa quốc gia bởi vì “ Hoạt động sáng tạo có ảnh hưởng to lớn không
chỉ đến sự tiến bộ khoa học, mà còn đến toàn bộ xã hội nói chung, và dân tộc nào biết
nhận ra được những nhân cách sáng tạo một cách tốt nhất, biết phát triển họ và biết tạo
ra được một cách tốt nhất cho họ những điều kiện thuận lợi nhất, thì dân tộc đó sẽ có
được những ưu thế lớn lao”.[27, 2]
Lĩnh vực sáng tạo được nghiên cứu rộng rãi. Đầu năm 1920, chỉ số IQ trên những
học sinh giỏi của Lewis Terman đã được đánh giá rất cao và ông đã đưa ra những vấn đề
về sáng tạo như môi trường sáng tạo, sản phẩm sáng tạo.
Năm 1940, A.Osborn ở Mỹ đã cho ra đời quyển sách đầu tiên về vấn đề sáng tạo.
Theo kinh nghiệm bản thân, sự thành công của ông trong lĩnh vực kinh doanh là nhờ vào
sự phát minh ra phương pháp “ Tập kích não”, đã gây được sự chú ý đặc biệt đối với
những người quan tâm về vấn đề sáng tạo, vì phương pháp này dựa trên cơ sở của hoạt
động sáng tạo.
Mười năm sau đó, William Gardon đã đưa ra phương pháp mới Xinetic, thay thế
cho phương pháp “ Tập kích não”. Phương pháp Xinetic được xem là phương pháp
mạnh nhất trong lĩnh vực phương pháp sáng chế. Tuy nhiên, khả năng của nó bị hạn chế
do nó tách rời khỏi sự nghiên cứu các qui luật phát triển khách quan. Quá trình giải
quyết vấn đề có thể điều khiển được nhưng lại tuyệt đối hóa vai trò to lớn của người chỉ
đạo, do đó kết quả thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào tài năng và kinh
nghiệm của người chỉ đạo. [11,7]
Vấn đề sáng tạo chỉ mới được nghiên cứu có hệ thống khi J.P Guilford, nhà tâm lý
học Mỹ, đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của hoạt động sáng tạo và đồng thời khuyến khích
cổ vũ các nhà tâm lý học tham gia nghiên cứu vấn đề này, trong buổi lễ nhậm chức Chủ
tịch Hội tâm lý học Mỹ. Từ đó, vấn đề sáng tạo đã được nghiên cứu phát triển rất nhanh.
11
Một số công trình nghiên cứu về sáng tạo đã được xuất bản như: Holland ( 1959), May (
1961), Mackinon ( 1962), Torrance ( 1965)… đã nghiên cứu bàn về những vấn đề cơ
bản của hoạt động sáng tạo rất hữu ích.
Ngoài ra, các tác giả như Barron, Blom, Getzels, Helmoltz… cũng đã đóng góp
nhiều cho lĩnh vực sáng tạo.
Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, vấn đề sáng tạo cũng đã được nghiên cứu dựa
trên nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nhiều cuộc hội nghị, hội thảo đã được
tổ chức vào năm 1960 – 1980 tại Matxcơva, Praha, Budapeest…
Các nhà tâm lý học Liên Xô ( cũ ) đã có nhiều công trình nghiên cứu về sáng tạo
đóng góp cho xã hội, nổi bật như: G.Alsuler, A.N.Luk, V.N.Puskin, B.N.KKedrop, P.A
Rudich, L.X. Rubinstein, L.X. Vưgốtxki…
Từ những năm 60 – 70 của thập kỷ 20 trở đi, không chỉ ở Mỹ, Liên Xô mà cả Tây
Âu, đặc biệt là Đức, do nhận ra ý nghĩa phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật cũng
như ý nghĩa phát triển cá nhân sáng tạo mà vấn đề sáng tạo dưới góc nhìn mới của tâm
lý học, giáo dục học, xã hội học đã được quan tâm thích đáng. Nhất là trong tâm lý học
phát triển, tâm lý học nhân cách và sau đó là trong giáo dục học, lý luận dạy học,
phương pháp dạy học kỹ thuật, nghệ thuật quân sự, an ninh….[28, 7]
Bên cạnh sự phát triển, nghiên cứu về vấn đề sáng tạo của các nước trên thế giới,
ở Việt nam, vấn đề hoạt động sáng tạo và những tài năng sáng tạo rất được Đảng và Nhà
nước quan tâm. Hàng năm có nhiều hoạt động được tổ chức, thể hiện sự chăm lo, động
viên, phát triển sự sáng tạo của mọi người: hội thi sáng chế kỹ thuật, thi sáng kiến kinh
nghiệm, hội thi tay nghề… Trong mọi lĩnh vực có nhiều người đạt danh hiệu anh hùng
lao động, chiến sĩ thi đua, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ ưu tú …Họ đều là những người có
năng lực sáng tạo và đã thể hiện trong từng hoạt động, ngành nghề của mình, góp phần
to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong lĩnh vực giáo dục, năm 1990, viện khoa học giáo dục thuộc Bộ giáo dục và
Đào tạo là cơ quan khoa học đầu tiên ở Việt Nam tiến hành nghiên cứu khả năng sáng
tạo của học sinh. Các công trình này nghiên cứu về bản chất, cấu trúc tâm lý của sự sáng
12
tạo, phương pháp chẩn đoán, khả năng đánh giá sự sáng tạo của người Việt Nam. Bên
cạnh đó các công trình nghiên cứu của thạc sĩ, tiến sĩ đã đóng góp cho hoạt động sáng
tạo như tiến sĩ như: Lê Thanh Thủy, Trương Bích Hà, Nguyễn Huy Tú, Trần Tuấn Lệ,
Vũ Kim Thanh, Thạc sĩ Vũ Quỳnh Châu, thạc sĩ Đinh Minh châu, thạc sĩ Trần Thị Nga,
Phạm Thị Thu Hoa…có bài giảng về tâm lý học sáng tạo. Các tác giả có các công trình
nghiên cứu về sáng tạo khoa học kỹ thuật như Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Châu Dương,
Nguyễn Trọng Hoàng, Giáo sư Nguyễn Ánh Tuyết, tiến sĩ Ngô Công Hoàn…
Ngày nay tâm lý học đã hiểu được bản chất, cấu trúc cũng như vai trò của sáng
tạo trong sự phát triển cá nhân và xã hội. Những hiểu biết về sáng tạo đã được phản ánh
trong chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục, giảng dạy trong nhà trường. Đối
với trẻ lứa tuổi mầm non, nhất là ở độ tuổi 5 – 6 tuổi, việc bồi dưỡng khả năng sáng tạo
của trẻ trong TCĐK là vấn đề mang ý nghĩa thực tiễn cao. Trẻ em hôm nay thế giới ngày
mai. Trẻ em phải được sống trong môi trường, được hướng dẫn, tổ chức các hoạt động
và được thể hiện ước mơ, suy nghĩ của mình một cách sáng tạo. Đó cũng là một đóng
góp nhỏ trong việc góp phần xây dựng thế hệ tương lai cho đất nước.
1.2. Các khái niệm chung về sáng tạo
1.2.1. Những quan điểm khác nhau về sáng tạo
Có nhiều quan điểm khác nhau về sáng tạo.
Theo Freud, “ Sáng tạo cũng giống như giấc mơ hiện hình, là sự tiếp tục và sự
thay thế trò chơi trẻ con cũ” [29, 28].
Nhà phân tâm học Freud đã xem trò chơi và tưởng tượng hiện hình là hai hình
thức biểu hiện của vô thức và những thay đổi của hiện thực đang đến với nghệ thuật. Khi
lý giải về sự sáng tạo của các nhà thơ, Freud viết: “ Thật là không chính đáng nếu nghĩ
rằng đứa bé nhìn vào cái thế giới do nó xây dựng nên một cách không nghiêm túc, nó rút
vào đấy nhiều tinh thần. Cái đối lập với trò chơi không phải là tính nghiêm túc, mà là
hiện thực đứa bé dù rất ham mê song vẫn phân biệt rất rõ cái thế giới do nó xây dựng với
thế giới hiện thực và muốn tìm chổ dựa cho những khách thể và quan hệ được tưởng
13
tượng ra trong những đối tượng sờ mó được và nhìn thấy được của một cuộc sống hiện
thực…và nhà thơ cũng vậy”.[14,9]
Cùng với quan điểm của Freud cho rằng sự sáng tạo như một trò chơi, Theirry
Gaudin trong quyển sách “ chuyện kể thế kỉ 21” có viết: “ Trò chơi là một sự thăm dò
những cái có thể và một sự học tập. Ai không chơi thì người đó đã thu hẹp trường tri
giác và sáng tạo của họ. Họ tự giam hãm vào một sự vì lợi hao mòn sơ cứng và có thể
chết được ”. [14, 9]
Theo quan điểm của nhà vật lý vĩ đại A. Einstein thì sáng tạo là đặt vấn đề, ông
cho rằng việc giải quyết vấn đề chỉ là công việc của kỹ năng toán học hay kinh nghiệm,
còn nêu lên được những vấn đề mới, những khả năng mới, nhìn nhận vấn đề cũ dưới một
góc độ mới đòi hỏi phải có trí tưởng tượng và nó đánh dấu bước tiến bộ thực sự của
khoa học. [28, 8]
Cùng với quan điểm của ông B.Bernard cũng chỉ ra rằng: “ Tìm ra vấn đề thường
là khó khăn hơn nhiều so với việc giải quyết nó, bởi vì cái thứ nhất đòi hỏi phải có trí
tưởng tượng, còn cái thứ hai chỉ đòi hỏi sự thành thạo mà thôi”. [14, 10]
Đối với L.X Vưgốtxki hoạt động sáng tạo được coi là hoạt động cao nhất của con
người. Chính hoạt động sáng tạo của con người đã làm cho nó thành một sinh vật hướng
về tương lai, xây dựng tương lai và cải biến hiện tại của mình. Theo ông, “ Bộ não
không những là một cơ quan giữ lại và tái hiện kinh nghiệm cũ của chúng ta, nó còn là
một cơ quan phối hợp, chỉnh lý một cách sáng tạo và xây dựng nên những tình thế mới
và hành vi mới bằng những yếu tố của kinh nghiệm cũ đó”. [30, 8 ]
Thông thường chúng ta thường cho rằng sáng tạo là hoạt động chỉ có ở một số ít
những thiên tài, những tài năng xuất chúng như Môza, Newton, Tônxtôi… đã tạo ra
những tác phẩm vĩ đại hoặc phát minh ra những cái mới về khoa học Kỹ thuật. Nhưng
theo L.X. Vưgốtxki: “ Sự sáng tạo thật ra không phải chỉ có ở nơi nó tạo ra những tác
phẩm vĩ đại, mà ở khắp nơi nào con người tưởng tượng, phối hợp, biến đổi và tạo ra một
cái gì mới, cho dù cái mới ấy nhỏ bé đến đâu đi nữa so với sự sáng tạo của các bậc thiên
tài. [ 30, 10 ]
14
Ông quan niệm rằng hoạt động sáng tạo là bất cứ hoạt động nào của con người tạo
ra được một cái gì mới, không kể rằng cái được tạo ra ấy là một vật của thế giới bên
ngoài hay một cấu tạo nào đó của trí tuệ hoặc tình cảm chỉ sống và biểu lộ trong bản
thân con người.
Ở Việt Nam cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về sự sáng tạo. Trong từ điển
Tiếng Việt ( do Hoàng Phê chủ biên ) sáng tạo là tìm ra cái mới, cách giải quyết mới
không phụ thuộc vào cái đã có.
Trong sổ tay tâm lý học, Trần Hiệp và Đỗ Long cho rằng “ Sáng tạo là hoạt động
tạo lập phát hiện những giá trị vật chất và tinh thần. Sáng tạo đòi hỏi cá nhân phải phát
huy năng lực, phải có động cơ, tri thức, kỹ năng và với điều kiện như vậy mới tạo nên
sản phẩm mới, độc đáo, sâu sắc”. [14, 11]
Khi đề cập đến quá trình sáng tạo, Nguyễn Đức Uy cho rằng “ Đó là sự đột khởi
thành hành động của một sản phẩm liên hệ mới mẻ nảy sinh từ sự độc đáo của một cá
nhân một đằng, và những tư liệu biến cố, nhân sự hay những hoàn cảnh của đời người
ấy, đằng khác”. [29, 4]
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Tú, trong đề cương bài giảng tâm lý sáng tạo, đã định
nghĩa như sau: “ Sáng tạo thể hiện khi con người đứng trước hoàn cảnh có vấn đề. Quá
trình này là tổ hợp các phẩm chất và năng lực mà nhờ đó con người trên cơ sở kinh
nghiệm của mình, và bằng tư duy độc lập tạo ra được ý tưởng mới, độc đáo, hợp lý trên
bình diện cá nhân hay xã hội. Ở đó người sáng tạo gạt bỏ được các giải pháp truyền
thống để đưa ra những giải pháp mới, độc đáo và thích hợp cho vấn đề đặt ra”. [22, 5]
Tóm lại những nhà nghiên cứu đã đưa ra những quan điểm khác nhau về sự sáng
tạo nhưng đều có chung điểm giống nhau đó là “ cái mới và ý nghĩa xã hội của sản phẩm
sáng tạo”. Mỗi người đã phân tích cái mới dưới nhiều gốc độ khác nhau.
Theo chúng tôi, “ Sáng tạo là một quá trình hoạt động của con người, trong quá
trình đó, bằng những kinh nghiệm sẵn có con người đã tư duy độc lập, biến tưởng tượng,
biến đổi và tạo ra những ý tưởng mới độc đáo phù hợp trên bình diện cá nhân hay xã
hội”.
15
1.2.2. Các quan điểm về cơ sở tâm lý học của sự sáng tạo nghệ thuật
Đại diện cho học thuyết phân tâm, Freud người sáng lập ra học thuyết này đã áp
dụng lý thuyết của mình vào nghiên cứu quá trình sáng tạo nghệ thuật. Trong tác phẩm “
Nhà thơ và tưởng tượng” Freud đi sâu vào phân tích yếu tố vô thức thể hiện trong trò
chơi đóng vai của trẻ nhỏ. Ông cho rằng quá trình sáng tạo nghệ thuật cũng giống như
đứa trẻ tiến hành cuộc chơi. Chỉ có điều trong khi chơi mọi khát vọng thầm kín của đứa
trẻ được bộc lộ qua hiện thực, còn đối với người nghệ sĩ mọi khát vọng không được thỏa
mãn sẽ bị dồn nén vào tầm vô thức và sẽ được thăng hoa trong các tác phẩm nghệ thuật.
Để giải quyết các vấn đề trong sáng tạo nghệ thuật, Freud đưa ra khái niệm
“libido”. Ông đã quy mọi khát vọng cuả con người vào bản năng tình dục. Ông cho rằng
khi “libido” bị dồn nén con người luôn tìm cách thể hiện, một trong những cách đó là sự
sáng tạo nghệ thuật. Ông giải thích cơ chế sự sáng tạo nghệ thuật là thăng hoa (
Sublimation), như vậy theo ông sáng tạo nghệ thuật gắn liền với sự thăng hoa, mà thăng
hoa là kết quả dồn nén libido, điều đó có nghĩa là khả năng sáng tạo nghệ thuật phụ
thuộc vào sự dồn nén bản năng tình dục của mỗi con người. Trong “ Nhập môn phân
tâm học” Freud và đồng nghiệp đã quan niệm sự sáng tạo nghệ thuật là phương tiện để
người nghệ sĩ thỏa mãn dục vọng, họ cho rằng khi không được thỏa mãn, dục vọng
không mất đi mà được dồn nén vào vô thức và trong vô thức, họ tưởng tượng để tự thỏa
mãn và họ thể hiện ra ngoài theo cơ chế thăng hoa.
Qua quan điểm của S.Freud và các nhà phân tâm học về sáng tạo nghệ thuật,
chúng ta thấy rằng học thuyết phân tâm học đã góp phần rất lớn khi đưa ra khái niệm vô
thức vào nghiên cứu đời sống tâm lý cá nhân và giải thích hoạt động sáng tạo nghệ
thuật. Vưgốtxki nhà tâm lý học Nga xuất sắc đã nói “ Hoàn toàn đúng rằng các vấn đề
của mỹ học sẽ vẫn chưa được giải quyết chừng nào chúng ta trong sự phân tích của mình
còn hạn chế chỉ ở các quá trình diễn ra trong môi trường ý thức của chúng ta” [13, 13].
Nhưng sai lầm của ông là tuyệt đối hóa vai trò của vô thức trong đời sống tâm lý người.
16
Ông đã gạt bỏ ý thức khỏi đời sống tâm lý cá nhân và trong hoạt động sáng tạo nghệ
thuật, phủ nhận vai trò trí tuệ và sáng tạo trong quá trình xây dựng hình tượng.
Hai nhà tâm lý học người Đức V.Muller và F.Lips khi nghiên cứu về cảm xúc
thẩm mỹ đã khẳng định: trong sáng tạo nghệ thuật, cảm xúc có mối quan hệ chặt chẽ với
nhận thức, trong đó chủ yếu là trí tưởng tượng của người sáng tác. N.Zencốpxki cũng
đồng quan điểm trên, ông cho rằng bất cứ một cảm xúc nào cũng được thể hiện bằng
một loạt những biểu tượng và hình ảnh giả tưởng, chúng dường như là một thứ biểu hiện
cảm xúc. Ông đã gọi mối quan hệ giữa tưởng tượng và cảm xúc là “ quy luật biểu hiện
song hành” Ông viết: “ Bất kỳ một cảm xúc nào cũng được trí tưởng tượng phục vụ...
Chúng ta hoàn toàn có quyền nói rằng, tưởng tượng dường như là biểu hiện thứ hai của
cảm xúc”.
L.X.Vưgốtxki khi nghiên cứu về mối quan hệ tưởng tượng và cảm xúc, phân biệt
sự khác nhau cơ bản giữa cảm xúc nói chung và cảm xúc nghệ thuật nói riêng. Ông cho
rằng cảm xúc nghệ thuật chính là sự hòa nhập mạnh mẽ giữa cảm xúc và tưởng tượng,
cảm xúc nghệ thuật thật ra vẫn là cảm xúc chung nhưng có sự hòa nhập của tưởng tượng
nên nó phù hợp với sáng tạo nghệ thuật.
Tóm lại khi bàn về cơ sở của hoạt động sáng tạo nghệ thuật có nhiều quan điểm
khác nhau: Các nhà phân tâm học quan niệm nguồn gốc của sáng tạo nghệ thuật là sự
dồn nén bản năng tình dục của con người, vì không được thỏa mãn nên họ phải tưởng
tượng và thăng hoa. Có trường phái cho rằng cơ sở của sáng tạo nghệ thuật là tư duy,
ngược lại có trường phái lại đặt nặng vấn đề cảm xúc... Tuy vậy không ai có thể phủ
định vai trò của tưởng tượng trong sáng tạo nghệ thuật.
Theo Vưgốtxki “ Hoạt động sáng tạo dựa trên năng lực phối hợp của bộ não
chúng ta được khoa tâm lý học gọi là tưởng tượng” [30, 8]. Chúng ta thường quan niệm
tưởng tượng là những gì không có thực, không thực tế nhưng ông đã khẳng định: “ Trí
tưởng tượng là cơ sở của bất cứ hoạt động sáng tạo nào, biểu hiện hoàn toàn như nhau
trong mọi phương diện của đời sống văn hóa, nó làm cho mọi sáng tạo nghệ thuật, khoa
học và kỹ thuật có khả năng thực hiện” [30, 9]. Như vậy mọi giá trị vật chất và tinh thần
17
trong thế giới khách quan đều do trí tuệ và công sức của con người tạo nên, đều là sản
phẩm của tưởng tượng. Từ đó Vưgốtxki đưa ra định nghĩa “ Tưởng tượng là sự tái hiện
những ấn tượng hoặc hành động đã có trong kinh nghiệm và tạo nên những hình tượng
hoặc hành động mới” [30,13]. P.A.Ruđich trong tâm lý học viết “ Tưởng tượng là một
loại hoạt động của ý thức, trong quá trình tưởng tượng con người xây dựng những biểu
tượng mới mà trước đây chưa có bao giờ, bằng cách dựa vào những hình ảnh qua cuộc
sống đã được giữ lại trong kí ức cuả người ta và được cải tạo biến đổi thành một biểu
tượng mới”. [13, 16]
Cùng với L.X.Vưgốxki và P.A. Ruđich, các tác giả V.M.Banchicon, G.X.Guxcon,
E.Moaiov cũng cho rằng “ Tưởng tượng là sự tạo ra cái mới dưới dạng biểu thức hay ý
nghĩ” [13, 16]
Như vậy chúng ta thấy, suy cho cùng “ Khát vọng của trí tưởng tượng muốn được
thể hiện, đó chính là cơ sở chân chính và động lực của sáng tạo. Bất cứ cấu trúc tưởng
tượng nào xuất phát từ thực tại cũng khao khát vẽ lên một vòng tròn đầy đủ và thể hiện
thành thực tại” [13, 16]
1.2.3. Những đặc điểm của sáng tạo
Sáng tạo được bộc lộ ở ba tính chất hay ba thuộc tính cơ bản: tính mới mẻ, tính
độc lập và tính tối lợi [14, 15].
+ Tính sáng tạo: bộc lộ ở tính mới mẻ trong sản phẩm của tư duy hay hành động,
tính mới mẻ này có thể là đối với cá nhân hoặc đối với xã hội. Khi đề cập đến sự sáng
tạo của người trưởng thành, của nhà khoa học, nhà phát minh sáng chế, sáng tác…là nói
đến tính mới mẻ trên bình diện xã hội.
Ở lứa tuổi học sinh, trong quá trình sáng tạo, cái mới được phát hiện không nhất
thiết phải có ý nghĩa toàn xã hội mà chỉ là đối với bản thân mình. Tuy nhiên bản thân
quá trình sáng tạo đó có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với xã hội. Tâm lý học đã xác
định được tính tương tự giữa quá trình sáng tạo của học sinh và quá trình sáng tạo của
các nhà khoa học, sáng chế sáng tác. Sự khác nhau ở đây chỉ là vấn đề cần giải quyết ở
18
trình độ tự lập trong diễn tiến các giai đoạn của quá trình sáng tạo. Còn cơ chế dẫn đến
cái mới về nguyên tắc không có sự khác biệt nào giữa sáng tạo của học sinh và người
lớn.
Do đó sự sáng tạo cuả học sinh thường không mang lại cái mới cho toàn xã hội
nhưng hoạt động sáng tạo này có ý nghĩa xã hội rất lớn vì ở đó nhân cách trẻ được rèn
luyện để trở thành những người sáng tạo sau này cho xã hội.
+ Tính độc lập trong tư duy và hành động là đặc trưng thứ hai của sáng tạo.
Chính tư duy độc lập làm tiền đề nảy sinh những ý tưởng mới, phương pháp mới, giải
pháp mới. Điều kiện quan trọng để phát triển tính độc lập tư duy là việc đặt trẻ em và
người lớn trước vấn đề mà họ phải đi đến đích bằng con đường giải quyết vấn đề đó.
Theo Raja Roy Singh: “ Nêu vấn đề và giải quyết vấn đề sẽ trở thành công việc
chuyển giao tẻ nhạt nếu như vấn đề đó được chuyển tới người học chứ không phải người
học phát hiện và nêu ra” [14, 16]. Khi đi vào vấn đề, nếu họ thử nghiệm độc lập để tìm
ra giải pháp và càng khác lạ với thông thường thì càng được đánh giá là có tính sáng tạo.
Người sáng tạo có khuynh hướng tránh lặp lại cách giải quyết cũ, họ hoài nghi,
muốn từ bỏ cách truyền thống, có khi từ bỏ cả mục đích truyền thống. Họ thường đưa ra
các ý tưởng mới, cách thức mới để thực hiện ý tưởng độc đáo, mới lạ của mình.
+ Tính tối lợi được thể hiện trong giá trị sản phẩm mới. Quá trình sáng tạo tạo ra
sản phẩm mới luôn có mối liên quan đến hiện thực. Sáng tạo không phải là sự đoạn tuyệt
của hiện thực mà là sự phản ánh của hiện thực tối đa nhưng trong tình huống mới, chất
lượng mới và mục đích mới.
Người ta thường quan niệm rằng sáng tạo bao giờ cũng nhằm vươn tới việc tạo ra
cái mới, độc đáo, tốt hơn, có lợi hơn cho sự phát triển của xã hội. Điều này có vẻ trái
ngược khi người ta nghiên cứu các sản phẩm sáng tạo của trẻ: không độc đáo hơn,
không đẹp hơn, không lợi hơn nhưng ở đây chúng ta đã tập cho trẻ học cách sáng tạo, để
thể hiện nhu cầu tự nhiên, vốn có của trẻ không bị phụ thuộc vào một công thức, một
giải pháp, một đường mòn có sẵn. Chúng ta giúp trẻ trở thành người sáng tạo. Lợi ích
này chính bản thân của trẻ cũng chưa ý thức được nhưng nó mang một ý nghĩa xã hội to
19
lớn. Chúng ta đã tạo cho trẻ được sự thoải mái, thỏa thích thực hiện những điều mà trẻ
suy nghĩ, tưởng tượng ra.
Tóm lại, xét trên bình diện toàn xã hội thì học tập là hoạt động tái tạo, nhưng trên
bình diện cá nhân thì hoạt động học tập là hoạt động sáng tạo, sáng tạo cho bản thân
mình. Vì vậy được gọi là sáng tạo đặc biệt.
1.2.4. Sản phẩm sáng tạo
Kết quả của bất kì một hoạt động nào cũng là sản phẩm, như vậy kết quả của hoạt
động sáng tạo bao giờ cũng là sản phẩm sáng tạo. Theo nhà tâm lý học người Mỹ
M.I.Stein thì sáng tạo là một quá trình mà kết quả của nó là cái mới, cái độc đáo, cái có
giá trị và được thừa nhận ít nhất là một nhóm xã hội.
Theo G.Claussa (Balan) sáng tạo là năng lực tạo ra cái mới, cái độc đáo làm
phong phú nền văn hóa - xã hội.
Theo X.L.Rubinstein cho rằng hoạt động sáng tạo là hoạt động tạo ra những cái
mới, cái độc đáo. Cái mới, cái độc đáo này không chỉ đi vào lịch sử của cá nhân người
sáng tạo mà còn đi vào lịch sử khoa học, nghệ thuật.
Như vậy theo các tác giả một vấn đề được quan tâm, thống nhất khi nói đến sản
phẩm sáng tạo là những cái mới, cái độc đáo, cái có giá trị. Đó là chỉ số phân biệt sản
phẩm sáng tạo và không sáng tạo. Mặc dù cái mới được các tác giả thống nhất là tiêu
chuẩn chủ yếu của sản phẩm sáng tạo nhưng không nên hiểu tiêu chuẩn này một cách
tuyệt đối bởi cái mới bao giờ cũng là cái kế thừa, có nguồn gốc từ cái cũ.
Các nhà bác học cho rằng sự sáng tạo thực ra không chỉ có ở nơi nào tạo ra sản
phẩm vĩ đại mà nó ở khắp mọi nơi, nơi mà con người biến đổi và tạo ra cái mới, cho dù
cái mới đó rất nhỏ bé so với các sáng tạo của các bậc thiên tài. Tất cả những gì vượt ra
ngoài khuôn khổ cũ và chứa đựng dù chỉ một nét của cái mới thì nguồn phát sinh của nó
đều do quá trình sáng tạo của con người tạo ra.
Như vậy, sản phẩm trong hoạt động của trẻ có được gọi là sản phẩm sáng tạo
không? Điều này được nhiều nhà khoa học quan tâm. Họ cho rằng nếu xét nghiêm ngặt
20
theo chỉ số của sản phẩm sáng tạo thì sản phẩm của trẻ chưa được gọi là sản phẩm sáng
tạo, vì vậy một số tác giả đã loại bỏ thuật ngữ “sáng tạo của trẻ” thay bằng thuật ngữ
“tiền sáng tạo” để chỉ hoạt động sáng tạo của trẻ em. Hiện nay các nhà tâm lý học quan
tâm nghiên cứu phân biệt hai loại sản phẩm sáng tạo như sau:
+ Loại 1: Sản phẩm sáng tạo có giá trị khách quan, thuộc sản phẩm mới có ý
nghĩa xã hội, bao gồm những sáng kiến, những phát minh, những khuynh hướng, trường
phái mà trước đó chưa có.
Đây là sản phẩm sáng tạo mới góp phần đưa khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, văn
hóa phát triển. Đạt hai chỉ số: mới và có ý nghĩa.
+ Loại 2: Sản phẩm có giá trị chủ quan, chưa mang đến cho xã hội có giá trị mới
nhưng chúng có ý nghĩa đáng kể trong sự phát triển nhân cách, sự phát triển nhận thức,
trí tuệ, tình cảm... của chính cá nhân tạo ra sản phẩm đó.
Qua 2 loại sản phẩm trên, sản phẩm loại 1 dành cho người lớn nó hỗ trợ cho con
người và có ý nghĩa xã hội. Loại 2 tuy chưa mang đến giá trị cho con người trong cuộc
sống nhưng nó có ý nghĩa đối với trẻ trong việc góp phần phát triển toàn diện nhân cách
trẻ.
1.2.5. Các cấp độ của sáng tạo
Sự phân biệt các cấp độ trong tâm lý học có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục và
đào tạo con người. Theo nhà tâm lý học người Mỹ Jean Taylor có thể phân ra năm cấp
độ khác nhau như sau:
1. Sáng tạo biểu hiện là cơ bản nhất của sáng tạo, không đòi hỏi tính độc đáo hay
kỹ năng quan trọng nào. Đặc trưng của cấp độ sáng tạo này là tính bộc phát “ hứng
khởi” và sự tự do khoáng đạt.
2. Sáng tạo chế tạo là bậc cao hơn sáng tạo biểu hiện. Nó đòi hỏi kỹ năng nhất
định ( xử lý thông tin hoặc kỹ năng kỹ thuật…) để thể hiện rõ ràng, chính xác các ý kiến
của cá nhân. Ở cấp độ này tính tự do, hứng khởi bộc phát đã nhường bước cho các qui
tắc trong khi thể hiện cái tôi của người sáng tạo.
21
3. Sáng tạo phát kiến có đặc trưng là sự phát hiện hoặc “ tìm ra” do “ nhìn thấy”
các quan hệ mới giữa các thông tin trước đây. Đây chưa phải là cấp bậc cao nhất mà chỉ
là chế biến các thông tin cũ và sắp xếp lại chúng để đi đến các quan hệ mới và đó là sự
xuất hiện sáng kiến hay phát kiến.
4. Sáng tạo cải biến ( đổi mới, cải cách ) là cấp bậc sáng tạo cao. Nó thể hiện sự
am hiểu sâu sắc các kiến thức khoa học hoặc nghệ thuật, kỹ thuật hay sản xuất, tức đòi
hỏi một trình độ trí tuệ nhất định. Từ đó xây dựng các ý tưởng cải tạo, cải cách có ý
nghĩa xã hội và khoa học kỹ thuật. Lackben cho rằng dự án trong đầu càng xa với ban
đầu bao nhiêu thì sự sáng tạo càng lớn hơn bấy nhiêu
5. Sáng tạo cao nhất là ý tưởng làm nảy sinh ngành mới, nghề mới, trường phái
mới, vượt cả trí tuệ đương thời. Đại diện cho những người đạt cấp bậc này là Einstein
trong vật lý học, Picasso trong hội họa, Chopin trong âm nhạc, Darwing trong sinh học,
K.Marx, Hồ Chí Minh trong xã hội và khoa học chính trị…[14,18]
Sáng tạo của trẻ em thường ở cấp bậc thấp nhất, đó là những sáng tạo biểu hiện vì
trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và trẻ luôn luôn có sự tự do khoáng đạt trong
tâm hồn . Đây là bậc quan trọng nhất của sự sáng tạo, vì nếu không có nó thì cũng không
có bậc sáng tạo nào cao hơn. Người ta có thể quan sát được hai đặc trưng của cấp độ này
ở bất kỳ tầng bậc sáng tạo nào về sau. Nếu sự hứng khởi và sự tự do khoáng đạt bị hạn
chế, bị gò ép vào khuôn mẫu ngay lúc đầu thì rất có hại cho sự sáng tạo.
Nếu như ngày từ lứa tuổi mầm non chúng ta làm hạn chế những biểu hiện của trẻ,
bắt trẻ thực hiện với một tư thế ngoan ngoãn, rập khuôn, dần dần sẽ trở thành thói quen,
ngấm vào tư duy và biến trẻ trở thành một con người thụ động, máy móc không có sự
sáng tạo. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này nên Đảng và Nhà nước ta có
chủ trương và đổi mới trong giáo dục mầm non…
“ Mục tiêu là hình thành ở trẻ những chức năng tâm lý, những cơ sở ban đầu của
nhân cách, năng lực làm người…” và “ phải phát triển ở trẻ tính tự lực, biết hành động
theo sáng kiến của chính bản thân…” [14,18].
22
Theo N.Đ. 51/CP của H.Đ.C.P, trong giáo dục chúng ta phải “ lấy trẻ làm trung
tâm”, phải theo sát từng đối tượng, phát huy mọi tiềm năng và khuyến khích trẻ bộc lộ
khả năng trong mọi lĩnh vực hoạt động một cách tối đa nhất.
1.2.6. Môi trường sáng tạo
Môi trường là vườn ươm các mầm non “sáng tạo”. Để tồn tại và phát triển con người
phải thích ứng với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Một môi trường tốt sẽ có tác dụng làm tăng cường củng cố và phát triển các thuộc
tính tâm lý cá nhân. Ngược lại nếu trong một môi trường xấu sẽ có ảnh hưởng không tốt
đến sự phát triển các thuộc tính tâm lý cá nhân và kìm hãm hoạt động sáng tạo.
Môi trường tự nhiên đảm bảo cho con người có thức ăn, nước uống, không khí và
cung cấp cho con người nhiều tài nguyên khác, ngoài ra nó còn có sức hấp dẫn con người
bởi những điều kì diệu, vẻ đẹp của thiên nhiên, con sông, dòng suối, mặt hồ yên lặng, dưới
ánh nắng vườn hoa tươi đẹp, màu sắc của hoa, hương thơm của quả, tiếng suối róc rách,
tiếng chim líu lo…thiên nhiên là nguồn thẩm mỹ vô tận. Càng gần gũi, tiếp xúc với thiên
nhiên, đời sống cảm xúc con người càng dạt dào, phát triển, tạo điều kiện dễ dàng cho con
người sáng tạo. Trong một môi trường tốt có đủ nước, không khí, ánh sáng trên một mảnh
đất phì nhiêu màu mỡ chắc chắn sẽ có cây trái bốn mùa, con người khỏe mạnh. Và khi khỏe
mạnh con người ta cảm thấy phấn chấn hoạt động hơn, dễ đương đầu với khó khăn hơn, từ
đó những ý tưởng sáng tạo sẽ nảy sinh.
Ngoài môi trường tự nhiên, môi trường xã hội là điều kiện không thể thiếu để hỗ trợ
cá nhân sáng tạo. Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển
năng lực nói chung và năng lực sáng tạo nói riêng. Nếu gia đình hạnh phúc thì đó là điều
kiện thuận lợi để trẻ phát triển và bộc lộ khả năng sáng tạo. Một công trình nghiên cứu được
thực hiện tại trường đại học Chicagô (Mỹ), cho thấy trí thông minh sáng tạo được phát triển
một cách tốt đẹp trong các gia đình biết động viên con em học tập và bố mẹ là chỗ dựa tình
cảm của con cái. Theo tác giả Mihaly (Mỹ), một gia đình biết nâng đỡ và khuyến khích trẻ
sẽ giúp trẻ phát triển tài năng. Kết quả nhiều công trình nghiên cứu khẳng định: không khí
23