Tải bản đầy đủ (.pdf) (121 trang)

thể loại phóng sự việt nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (665.89 KB, 121 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Tú Như

THỂ LOẠI PHÓNG SỰ VIỆT NAM
TỪ 1975 ĐẾN NAY
(QUA MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU)

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Tú Như

THỂ LOẠI PHÓNG SỰ VIỆT NAM
TỪ 1975 ĐẾN NAY
(QUA MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU)
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 60 22 32

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. NGUYỄN HOÀI THANH

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013




1

LỜI CAM ĐOAN
Tôi tên: Nguyễn Thị Tú Như
Sau hai năm học tập tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh,
được sự đồng ý của Phòng sau Đại học cùng với sự tận tâm hướng dẫn của
thầy TS. Nguyễn Hoài Thanh tôi đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và hoàn
thành đề tài: “Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (Qua một số tác
giả tiêu biểu)”. Tôi xin cam đoan kết quả nghiên cứu của đề tài chưa từng
được công bố ở công trình khoa học nào khác.
Học viên thực hiện
Nguyễn Thị Tú Như


2

MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................ 1
MỤC LỤC ........................................................................................ 2
MỞ ĐẦU ........................................................................................... 4
1. Lí do chọn đề tài .......................................................................................... 4
2. Lịch sử vấn đề .............................................................................................. 5
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu.................................................................. 8
4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................ 9
5. Những đóng góp của luận văn ................................................................. 10

Chương 1: DIỆN MẠO CHUNG CỦA THỂ LOẠI PHÓNG SỰ
VIỆT NAM TỪ 1975 ĐẾN NAY.................................................. 11

1.1. Một số quan niệm về thể loại phóng sự trước đây và hiện nay ......... 11
1.1.1. Quan niệm chung về thể loại phóng sự ...................................................11
1.1.2. Quan niệm về thể loại phóng sự trước 1975 ở Việt Nam ........................15
1.1.3. Quan niệm về thể loại phóng sự từ sau 1975 ở Việt Nam ......................17

1.2. Hoàn cảnh xã hội, văn học và báo chí từ 1975 đến nay ...................... 21
1.2.1. Hoàn cảnh xã hội sau 1975 ......................................................................21
1.2.2. Sự phát triển chung của văn học sau 1975 .............................................23
1.2.3. Sự phát triển chung của báo chí sau 1975 .............................................26

1.3. Quá trình vận động, phát triển của phóng sự Việt Nam từ 1975 đến
nay ................................................................................................................... 29
1.3.1. Phóng sự giai đoạn 1975 đến 1986 ..........................................................29
1.3.2. Phóng sự giai đoạn 1986 đến 1995 ..........................................................32
1.3.3. Phóng sự giai đoạn 1995 đến nay ............................................................35

Chương 2: ĐẤT NƯỚC, XÃ HỘI, CON NGƯỜI TRONG
PHÓNG SỰ VIỆT NAM TỪ 1975 ĐẾN NAY ........................... 43
2.1. Một cái nhìn thẳng thắn về hiện thực đất nước .................................. 44
2.1.1. Những sai lầm trong sản xuất nông nghiệp ............................................44
2.1.2. Những bất công trong quản lý đời sống ..................................................48
2.1.3. Sự cần thiết phải bảo tồn nguồn tài nguyên của đất nước .....................57


3

2.2. Một cái nhìn sâu sắc về đời sống xã hội ............................................... 62
2.2.1. Những bức tranh đen tối về tệ nạn xã hội ...............................................63
2.2.2. Những mảng hiện thực phức tạp trong đời sống ....................................67
2.2.3. Những gam màu tươi sáng của đời sống.................................................71


2.3. Một cái nhìn đậm chất nhân văn về hiện thực con người .................. 72
2.3.1. Số phận người lính sau chiến tranh ........................................................72
2.3.2. Những con người bất hạnh ......................................................................77
2.3.3. Những con người giàu đức hy sinh, vượt lên hoàn cảnh .......................83

Chương 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA
PHÓNG SỰ VIỆT NAM TỪ 1975 ĐẾN NAY ........................... 87
3.1. Cái tôi thẩm định hiện thực với giọng điệu phong phú ..................... 87
3.1.1. Cái tôi thẩm định hiện thực ......................................................................88
3.1.2. Cái tôi với giọng điệu phong phú .............................................................92

3.2. Tăng cường tính thông tin thời sự, giảm thiểu về dung lượng .......... 96
3.2.1. Sự tăng cường tính thông tin sự kiện ......................................................97
3.2.2. Sự giảm thiểu về dung lượng, số trang ..................................................102

3.3. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ văn học và báo chí ................................... 106
3.3.1. Ngôn ngữ giàu chất văn học ..................................................................106
3.3.2. Ngôn ngữ mang tính thông tấn báo chí .................................................110

KẾT LUẬN .................................................................................. 115
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................... 117


4

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
Phóng sự là một trong những thể loại giữ vai trò tiên phong không kém gì

tiểu thuyết và truyện ngắn trong việc chiếm lĩnh, phản ánh hiện thực.Với lợi
thế tái hiện thực tại ở thế trực tiếp, thể phóng sự giúp độc giả nắm bắt hiện
thực một cách đầy đủ, chính xác nhất.
Từ sau 1975 đến nay phóng sự vẫn là thể loại đi đầu trong việc tái hiện
hiện thực với góc nhìn trực diện. Nó không ngần ngại đi đến tận cùng ngõ
hẻm chật hẹp nhất của hiện thực cũng như quá trình tồn tại, phát triển không
tách rời với từng bước đi của xã hội, với sự chuyển mình của nền văn học
Việt Nam. Hiện thực đất nước chuyển từ tâm thế thời chiến sang thời bình,
đến hội nhập, phát triển đã khẳng định được vị trí của mình cùng bạn bè khắp
năm châu trong tất cả mọi lĩnh vực. Bên cạnh những thành công nhất định đã
đạt được trên con đường hiện đại hóa đất nước thì xã hội chúng ta đã và đang
phát sinh không ít những vấn đề bất cập từ sau 1975 đến nay. Thực trạng ấy
rất cần đến những cây bút xông xáo, không ngại gian lao, hiểm nguy tiếp cận,
phản ánh để làm nên những tác phẩm phóng sự đặc sắc đủ sức cảnh tỉnh một
hiện tại. Với đặc trưng vốn có của thể loại, phóng sự trở thành một lăng kính
khách quan nhất trong việc phản ánh hiện thực. Nếu như phóng sự báo chí là
thể tài đắc dụng, và nó tồn tại như dĩ nhiên cần có để đáp ứng nhu cầu nắm
bắt thông tin xã hội hàng ngày của nhân loại thì phóng sự văn học cũng là thể
loại đáp ứng được nhu cầu thông tin nóng hổi, trực tiếp nhất nhưng ẩn đằng
sau hàm lượng thông tin ấy nó còn chứa đựng cả giá trị nghệ thuật tạo tác nên
tác phẩm văn chương. Nhằm hướng đến khẳng định giá trị cũng như những
đóng góp nhất định của phóng sự từ sau 1975 đến nay nên người viết đã chọn


5

đề tài: “Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (Qua một số tác giả tiêu
biểu)”.
2. Lịch sử vấn đề
Trong quá trình vận động, phát triển thể loại phóng sự luôn nhận được sự

quan tâm đông đảo của độc giả đến những nhà nghiên cứu. Riêng giai đoạn
phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay được các nhà nghiên cứu như: Phan Cự
Đệ, Nguyên Ngọc, La Khắc Hòa,… nhìn nhận, xem xét, đánh giá ở nhiều góc
độ khác nhau về những đóng góp tích cực của thể loại này trên văn đàn văn
học và báo chí nói riêng, cho đất nước và xã hội từ năm 1975 đến nay nói
chung.
Tác giả Phan Cự Đệ khi đề cập đến mảng phóng sự sau 1975 trong công
trình Văn học Việt Nam thế kỷ XX có nhận định rằng: “Sau 1975 và nhất là
những năm bước vào thời kỳ Đổi mới, thể ký tiếp tục thể hiện vai trò của
mình trong việc tiếp cận hiện thực cuộc sống đầy bức xúc của thời hậu chiến
một cách nhanh nhạy và sắc bén. Đáp ứng nhu cầu nhận thức lại thực tại,
chống tiêu cực, nhình thẳng vào sự thật với cảm hứng phê phán, từ sau đổi
mới, hàng loạt bài ký, phóng sự ra đời, thu hút sự chú ý của công chúng: Cái
đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia Lộc), Lời khai của bị can (Trần Huy
Quang),…” [7, tr.411]. Qua ý kiến trên, Phan Cự Đệ nhằm nhấn mạnh đến
bước phát triển nổi trội về số lượng cùng với chức năng ưu trội của thể loại
phóng sự đã chinh phục, đáp ứng được trọn vẹn “nhu cầu của công chúng”.
Cùng đứng trên khía cạnh công nhận sự trưởng thành của thể loại này
thông qua sự góp mặt của nhiều tác giả với hàng loạt tác phẩm xuất hiện đem
lại hiệu ứng tích cực cho xã hội nhưng Nguyên Ngọc qua bài viết Văn xuôi
Việt Nam hiện nay - logic quanh con người của các thể loại, những vấn đề
đang đặt ra và triển vọng triển vọng được in trong công trình Văn học Việt
Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy còn nhấn mạnh thêm


6

nét đặc sắc riêng và tác dụng của phóng sự đối với đời sống văn học trong
thời kỳ này cụ thể như sau: “Trên báo Văn nghệ bấy giờ xuất hiện một loạt
những phóng sự viết về những thực trạng khác nhau trong xã hội, đặc biệt là ở

nông thôn… Nay văn học lại tìm đến thể loại phóng sự bị bỏ quên từ lâu…
Phóng sự cho phép họ nhanh chóng tiếp cận hiện thực mới, không bị sự cản
trở của “hàng rào” văn chương, và cũng chính từ đó mò tìm ra, trui rèn nên, tự
tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật mới của mình. Một loạt phóng sự đăng trên báo
Văn nghệ gây tiếng vang lớn: Lời khai của bị can, Người biết làm giàu,… của
Trần Huy Quang, Người đàn bà quỳ của Xuân Ba, Tiếng kêu cứu của một
vùng văn hóa của Võ Văn Trực, Đêm trắng của Hoàng Hữu Các, Cái đêm
hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc,… làm xôn xao dư luận và lập tức kéo
công chúng quay trở lại với văn học. Chính thể loại phóng sự được khôi phục
một cách hiệu quả đó làm cho văn học, chỉ trong một thời gian ngắn, đầy ứ
hiện thực xã hội mới mà trước đó nó rất nghèo nàn…” [12, tr.171-172]. Theo
tác giả thì thể loại phóng sự đã “tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật của mình” và
giúp văn học đa dạng hóa bức tranh “hiện thực xã hội”. Cũng trên lập trường
cỗ vũ cho thể loại văn báo này, Nguyên Ngọc tiếp tục phát hiện mặt đóng góp
tích cực của phóng sự: “Quả thật không thể không nói đến tác dụng tích cực
của báo chí, đặc biệt của thể loại phóng sự, được khôi phục một cách đúng lúc
vào thời điểm đó đã thật sự góp phần không nhỏ tạo nên chuyển động xã hội
quan trọng nhất của đất nước kể từ sau 1975”. Không chỉ đóng góp, bổ sung
giúp bức tranh văn học thêm đầy đặn, phong phú hơn mà thể loại phóng sự
còn tạo nên chuyển động ở tầm cao hơn là “tạo nên chuyển động xã hội quan
trọng nhất của đất nước kể từ sau 1975”.
Riêng với La Khắc Hòa khi có khoảng thời gian lùi lại và xem xét thì trong
bài viết Nhìn lại bước đi - lắng nghe những tiếng đổi mới ông cho rằng: “Thể
phóng sự sau nhiều năm vắng bóng, nay lại lên tiếng làm xôn xao dư luận.


7

Những Tiếng đất của Hoàng Hữu Các, Người đàn bà quỳ của Xuân Ba, Cái
đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia lộc, Lời khai của bị can của Trần Huy

Quang,... chắc chắn sẽ sống mãi trong ký ức người đọc” [12, tr.58] và “đây là
những thiên phóng sự đầy ắp sự thật đời sống, làm chấn động dư luận” [12,
tr.64], với cách nhìn nhận này tác giả có sự so sánh với giai đoạn trước là “
thể phóng sự sau nhiều năm vắng bóng” để hướng đến khẳng định những tác
phẩm phóng sự nổi trội của giai đoạn này là “những thiên phóng sự đầy ắp sự
thật đời sống, làm chấn động dư luận”.
Với Trần Thị Trâm trong bài bàn về Báo chí và cuộc hành trình đổi mới
văn học cuối thế kỷ XIX lại lưu tâm đến tác động của phóng sự đối với những
chuyển biến quan trọng của văn học khi có nhận xét rằng: “Công cuộc đổi
mới văn học do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động cuối thế kỷ XX, có lẽ
cũng được bắt đầu từ hàng trăm tác phẩm kí in trên báo chí và tiêu biểu là
những phóng sự đăng trên báo Văn nghệ như: Cái đêm hôm ấy đêm gì (Phùng
Gia Lộc, báo Văn nghệ, 1986), Người đàn bà quỳ (Xuân Ba, báo Văn nghệ,
1988), Vua Lốp (Trần Huy Quang, báo Văn nghệ, 1986), Lời khai của bị can
(Trần Huy Quang, báo Văn nghệ, 1987)” [12, tr.149], từ việc khảo sát vai trò
của thể loại tác giả nhằm nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa văn học và “tác
phẩm kí in trên báo” trong quá trình phát triển.
Dương Xuân Sơn lại xem xét sự phát triển của thể loại phóng sự từ góc độ
quan sát “mầm mống nảy sinh” được đề cập trong giáo trình Các thể loại báo
chí chính luận nghệ thuật như sau: “Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986),
chủ trương mở cửa và chính sách đổi mới, dân chủ hóa đời sống chính trị, coi
báo chí như một sản phẩm văn hóa đặc biệt, xóa bỏ bao cấp đối với các hoạt
động của báo chí đã tạo điều kiện nảy mầm cho những cây phóng sự mới như
Huỳnh Dũng Nhân, Vĩnh Quyền (báo Lao động), Xuân Ba, Mạnh Việt (báo
Tiền phong), Minh Tuấn (báo Đại đoàn kết),… cùng với 11.000 nhà báo Việt


8

Nam, họ đã mang đến cho công chúng những thiên phóng sự lớn, thực sự có

giá trị, đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng lớn của công chúng” [25,
tr.35]. Qua đó, ta thấy nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển vượt bậc số lượng
tác phẩm phóng sự qua một lực lượng cầm bút hùng hậu đã làm hài lòng công
chúng là bắt nguồn từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) với nhiều chủ trương
đổi mới, tiến bộ song song với việc xem báo chí là một trong những công cụ
quan trọng để hoàn thành sứ mệnh đổi mới của đất nước trong lúc bấy giờ.
Từ năm 1975 đến nay, trải qua chặng đường hơn 30 năm, với sự góp mặt
đông đảo của người sáng tác lẫn giới nghiên cứu luận bàn, đánh giá về thể
loại đã chứng tỏ được sức sống bền bỉ và tác động tích cực của phóng sự đối
với xã hội. Trên cơ sở tiếp nhận những ý kiến trên, đề tài tập trung đi sâu khai
thác vấn đề nội dung và một số đặc điểm nghệ thuật chủ yếu của thể loại
phóng sự Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Với đề tài “Đặc điểm phóng sự Việt Nam từ sau 1975 đến nay (qua một số
tác giả tiêu biểu)” người viết sẽ tập trung khảo sát trực tiếp trên những tác
phẩm phóng sự của những nhà văn, nhà báo tiêu biểu đã được xuất bản từ
1975 đến nay.
Trong quá trình khảo sát, đề tài được nghiên cứu trên cơ sở chọn lọc những
phóng sự tiêu biểu trong 11 tập phóng sự lần lượt của những tác giả sau:
Tiếng kêu của con chim gõ kiến (Trúc Chi – Công Thắng, NXB Hội Văn học
Nghệ thuật Phú Khánh, 1989), Phóng sự tuyển Trần Huy Quang (NXB Văn
học, 11/1995), Sự đời (Vũ Hữu Sự, NXB Lao Động, 8/1996), Bút ký – Phóng
sự được giải năm 1996 – 1997 (Tuần báo Văn nghệ, NXB Hội Nhà văn,
1997) Chuyện đời thường mà không thường (Vũ Hữu Sự, NXB Công an
Nhân dân, 1998), Ăn tết trong rừng chó sói (Huỳnh Dũng Nhân, NXB Lao
động, 4/1995), Kính thưa osin (Huỳnh Dũng Nhân, NXB Thông tấn, 2012),


9


Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt (Xuân Ba, NXB Văn học, 1995), Thời
chưa xa người chưa cũ (Xuân Ba, NXB Văn học, 2004), Mỗi ngày một vạn
bước (Nhiều tác giả, NXB Thanh niên, 2006), 30 phóng sự tuyển chọn trong
công trình Phóng sự báo chí hiện đại (Đức Dũng, NXB Thông Tấn, Hà Nội,
2004) cùng với hai bài phóng sự đặc sắc Cái đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia
Lộc), Người đàn bà quỳ (Xuân Ba). Song song với khảo sát trên văn bản tác
phẩm, đề tài luận văn còn được tiến hành các thao tác nghiên cứu trên nguồn
các giáo trình, phê bình, chuyên khảo,… Trong giới hạn nghiên cứu của đề tài
với số lượng tác phẩm được lựa chọn và tìm hiểu những tài liệu có liên quan
như trên là nguồn dẫn chứng, tư liệu quan trọng góp phần cho việc đánh giá,
bình luận, phân tích vấn đề thêm sâu sắc, chặt chẽ.
Thông qua đề tài này, người nghiên cứu sẽ hướng đến phác họa diện mạo
thể loại phóng sự từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu), từ đó đó tìm
hiểu về tình hình đất nước, xã hội, con người cùng một số đặc điểm nghệ
thuật được thể hiện trong phóng sự từ sau 1975 đến nay.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp phân tích - tổng hợp sẽ được sử dụng rộng rãi trong luận văn.
Đi từ việc khảo sát tác phẩm, phân tích những yếu tố, chi tiết nổi bật trong
việc thể hiện nội dung cũng như nghệ thuật (sự việc, sự kiện, tâm lí nhân vật,
lí giải hành động của nhân vật,…) đến rút ra những nhận xét có tính chất tổng
hợp, khái quát, làm nổi rõ đặc điểm phóng sự sau 1975 đến nay.
Phương pháp so sánh: So sánh với phóng sự trong giai đoạn kháng chiến
chống Pháp, chống Mỹ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, giúp người viết
hướng đến khẳng định vị trí, vai trò của phóng sự Việt Nam từ sau 1975 đến
nay.


10

5. Những đóng góp của luận văn

Qua đề tài người viết nhằm cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng quát về
đặc điểm của phóng sự Việt Nam từ sau 1975 đến nay. Thể loại phóng sự Việt
Nam từ 1975 đến nay đã có những đóng góp quan trọng đối với văn học và
báo chí trên cả phương diện nội dung lẫn nghệ thuật. Luận văn được tiến hành
khảo sát, triển khai một cách có hệ thống, cụ thể các vấn đề thuộc về bình
diện nội dung và hình thức góp phần làm sáng tỏ thêm bước chuyển mình của
“Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay”.
Nhìn nhận lại một giai đoạn mà phóng sự Việt Nam đã và đang phát triển
đến ngày nay thực chất là phép quy chiếu “sức sống, nội lực tiềm tàng của thể
loại” đang nảy sinh trên mảnh đất hiện thực vốn bộn bề, nhiều màu sắc. Trên
khía cạnh tổng hợp vấn đề mà phóng sự phản ánh về đất nước, xã hội, con
người sẽ là cơ sở giúp ta nhận diện vấn đề của hôm qua và hôm nay bằng lăng
kính khách quan nhất, vươn xa hơn đến chân trời Chân – Thiện – Mĩ.


11

Chương 1: DIỆN MẠO CHUNG CỦA THỂ LOẠI PHÓNG SỰ
VIỆT NAM TỪ 1975 ĐẾN NAY
Thể loại phóng sự, trong quá trình sinh thành, phát triển đã thu hút không
ít sự quan tâm của những nhà nghiên cứu, phê bình. Nhìn chung, các ý kiến
bàn luận xoay quanh các vấn đề thuộc về nguồn gốc xuất hiện, đặc điểm của
thể loại này so với thể loại khác cũng như chức năng của thể phóng sự với
cuộc sống, con người. Để có cơ sở khảo sát những đặc điểm nội dung và hình
thức ở hai chương sau ta cần tìm hiểu qua diện mạo chung của thể loại phóng
sự từ 1975 đến nay.
1.1. Một số quan niệm về thể loại phóng sự trước đây và hiện nay
Ta đã biết phóng sự là thể loại đặc biệt thuộc loại hình Ký. Ký là tên gọi
chung cho nhóm thể tài nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học,
chủ yếu là văn xuôi tự sự và văn xuôi trữ tình (bao gồm các thể loại: bút kí,

tùy bút, du ký,... trong đó có phóng sự). Trong đó, phóng sự là thể loại tiêu
biểu nhất của ký tự sự đã có nhiều thành tựu ở Việt Nam cũng như thế giới.
Ta cần điểm qua một số quan niệm chung về thể loại phóng sự trên thế giới
cũng như ở Việt Nam từ trước đến nay.
1.1.1. Quan niệm chung về thể loại phóng sự

Ngay từ buổi đầu xuất hiện thể phóng sự đã gây sự chú ý mạnh mẽ với
công chúng tiếp nhận. Đã có nhiều quan niệm chung về thể loại phóng sự trên
các khía cạnh về nguồn gốc sinh thành, đặc điểm cũng như vai trò, vị trí của
nó trong tương quan với hoàn cảnh xã hội, với thể loại khác nói chung.
Trên thế giới đối với thể loại phóng sự đã có rất nhiều nghiên cứu và nhận
định ngay từ khi nó bắt đầu sinh thành. Trong Từ điển nghiên cứu của văn
học Đức (Chủ biên: GS - TS Clause Trager, NXB Bibliographisches Institut,


12

Leipzig, 1986) cho rằng phóng sự là một: “Thể loại văn học, phát triển lên từ
loại tường thuật tai nghe mắt thấy của báo chí trong mối quan hệ qua lại của
sự miêu tả khách quan và những phát biểu chủ quan. Bắt nguồn từ báo chí và
đáp ứng những đòi hỏi của nó (ngắn gọn, cụ thể, tính chất tường thuật và cung
cấp tư liệu thông tin) phóng sự đã phát triển thành thể loại riêng, bằng một
phương pháp hết sức hấp dẫn đã hòa quyện được sự tường thuật với sự nâng
cao bằng hư cấu các sự kiện. Từ đây trở đi phóng sự chứng tỏ khả năng của
nó đặc biệt ở những nơi mà những sự biến đổi xã hội cần phải được nhanh
chóng suy xét và thúc đẩy” [31, tr.38-39]. Với những đặc tính: ngắn gọn,
nhằm cung cấp tư liệu thông tin, nâng cao bằng hư cấu các sự kiện với khả
năng đặc biệt là xuất hiện ở những nơi mà những sự biến đổi xã hội cần được
nhanh chóng suy xét và thúc đẩy đã khẳng định tính tiên phong trong thế nắm
bắt hiện thực của thể loại và nguồn gốc của nó là được “phát triển lên từ loại

tường thuật tai nghe mắt thấy của báo chí”.
Theo Encyclopedia Universalis trong Bách khoa toàn cầu, xuất bản ở Pari
1991, thì thể phóng sự: “Ra đời ở Mỹ trong chiến tranh Nam Bắc (1861-1865)
phóng sự đã nhanh chóng phát triển trong các báo Anglo – Saxome và trên
mục Thời luận” [31, tr.39]. Sau khi thể phóng sự đã có mặt trên báo chí Mỹ,
thì: “Báo chí Pháp còn lâu vẫn dè dặt, ngập ngừng, các kí giả, chủ yếu là các
nhà biên niên và những nhà bình luận đời sống chính trị quốc gia, nhận thức
không đúng cái sản phẩm mới này” [31, tr.39-40].
Trong các ngôn ngữ ở châu Âu, như tiếng Pháp, tiếng Nga, thuật ngữ
Phóng sự đều bắt nguồn từ tiếng Anh là Report. Theo Từ điển từ nguyên
(Dictionnaire Etymologique) của Anbert Dauzat, do Larouss xuất bản năm
1947, ở trang 625 và 725 có hai từ: re (lặp lại), port (mang vác, mang sự
kiện), có thể xem từ report của tiếng Anh có nguồn gốc từ hai từ Latinh cổ
này ghép lại [31, tr.41].


13

Ở Pháp, từ điển Le Petit Laroussl, năm 1996, trang 878 giải thích từ
Reportage theo 3 nghĩa: “ Là một bài báo viết theo sự điều tra của phóng sự
viên. Là bài điều tra được công bố trên đài, báo ảnh, truyền hình. Là chức
năng, nhiệm vụ của một phóng sự viên thuộc một tờ báo”. TrongTừ điển Petit
Robert, năm 1973 trang 1525 cho rằng: “ Phóng sự là một bài báo hay một
loạt bài báo trong đó phóng viên phản ánh một cách sinh động những gì mà
anh ta đã nhìn và nghe thấy...” [31, tr41-42].
Có rất nhiều quan niệm, cách nhìn nhận về nguồn gốc thuật ngữ và đặc
điểm phản ánh cũng như vị trí và vai trò của thể loại này với nhiều cách lý
giải khác nhau. Theo GS.TS. Caren Xtorơcan (khoa Báo chí, Trường Đại học
Sác lơ, Tiệp Khắc trước đây) cho rằng phóng sự thực sự xuất hiện đầu tiên là
ở nước Pháp: “Một nhà báo Pháp có nhiều tham vọng đã được cảnh sát trưởng

Pari cho phép đi thăm các nhà tù của Pháp. Việc miêu tả dựa trên sự kể lại của
một nhân chứng mắt thấy tai nghe đã gây ấn tượng mạnh trong người đọc” [5,
tr.9].
Nhà nghiên cứu người Pháp Noen Duytore có ý kiến rằng: “những người
đi tiên phong” trong việc viết phóng sự có thể là Giaclandon và Apton Xincle
ở Mỹ với những tác phẩm như Dân dưới vực thẳm hoặc Rừng [5, tr.10]. Ở
Mỹ, nhà văn nhà báo Mark Twain quan niệm rằng: “Phóng sự chỉ là sự ghi
chép lại một cách giản đơn, máy móc một hiện tượng nào đó”. Cuốn từ điển
Oepxtơ cũng chỉ coi phóng sự là một sự ghi chép, mô tả, tường thuật lại một
hiện tượng,…[31, tr.43]. Ở Liên Xô, nhiều ý kiến cũng cho rằng phóng sự là
một thể loại riêng của báo chí. Ta lưu ý đến khái niệm “phóng sự hiện đại”
của giáo sư Caren Xtorocan ở Tiệp Khắc khi ông cho rằng: “Trong phóng sự
hiện đại, không phải là một sự ghi chép giản đơn, mà còn là sự trả lời một loạt
câu hỏi phức tạp liên quan đến cuộc sống chúng ta” [31, tr.43]. Theo ông, thể
phóng sự bắt đầu khẳng định vị trí của nó trên báo chí từ sau chiến tranh thế


14

giới thứ nhất, vì lý do: “việc người đọc sau chiến tranh chán ngấy sự hư cấu
và khát khao muốn biết những điều chân thực đã gợi ý cho các nhà văn cũng
như những người xuất bản báo” [31, tr.44].
Từ những ý kiến trên ta thấy Phóng sự đã phát triển nhanh nhạy, khẳng
định năng lực phản ánh hiện thực ở tất cả các nước phương Tây từ cuối thế kỷ
XIX. Từ thực tiễn sáng tác, nghiên cứu, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã có
quan niệm khác nhau về thể loại này.
Không khác với tình hình của thế giới, trong đời sống báo chí, văn học
Việt Nam, phóng sự là thể loại tân văn, sản phẩm của công cuộc hiện đại hoá
văn học, là thể loại có sự đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của
văn học hiện đại ở thập niên thứ ba của thế kỷ XX đã thu hút nhiều sự quan

tâm của người tiếp nhận dẫn đến có rất nhiều quan niệm khác nhau. Nó là sản
phẩm của quá trình giao lưu, ảnh hưởng, tiếp xúc với văn hoá, văn học
phương Tây. Tác giả bài xã luận Phỏng sự là gì? đăng trên trang 2 của báo
Phỏng sự, số 3, năm 1938 ở Sài Gòn cũng cho rằng: “Lần đầu hết, trên tờ báo
New - York herald xuất bản ở Nữu Ước vào năm 1871, người ta thấy một bài
của Stanley thuật chuyện mình đi tìm ông Livingstone ở hồ Tanganuyiki. Bài
kĩ thuật ấy, Stanley viết bằng một lối văn mới lạ, chưa từng thấy bao giờ và
nó có mãnh lực lôi cuốn người xem làm cho thiên hạ phải ngạc nhiên và hoan
nghênh nhiệt liệt. Đó là thể văn phóng sự do nhà báo Stanley – là người đầu
tiên đã sáng tạo ra cái danh từ “phỏng viên” cũng bắt đầu từ đó. Trước sự
thành công của Stanley, các báo ở Nữu Ước và trong thế giới mới lục tục bắt
chước theo. Và trong lịch sử của văn học thế giới từ ấy, người ta đã ghi tên
nhà phỏng viên Stanley bằng nét chữ vàng.Về phỏng sự, Stanley là thủy tổ”
[31, tr.39].
Trong cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến đức, xuất bản năm 1931,
cho rằng “phóng sự: người hỏi tin cho nhà báo”. [31, tr.45]. Năm 1932, trong


15

cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có hai chữ: “phóng (bắt chước, hỏi,
phỏng theo) và sự (việc)” [31, tr.45]. Từ điển Hán - Việt của Nguyễn Lân giải
thích phóng sự: “Thể văn trên báo chí kể lại những sự việc tai nghe mắt thấy”
[22, tr.14].
Xem xét trong tổng thể quá trình hình thành và phát triển của thể loại
phóng sự so với các thể loại khác như tiểu thuyết, truyện ngắn,…thì phóng sự
ra đời muộn hơn. Cụ thể là vào cuối thế kỷ XIX ở các nước phương Tây và du
nhập vào Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Xuất hiện trong giai đoạn đầu
với vị trí là “thể loại tân văn”, nó có sức hút đặc biệt đối với độc giả trong và
ngoài nước. Bởi phóng sự đã tỏ rõ được ưu thế của nó khi phản ánh hiện thực

trực tiếp, đáp ứng được nhu cầu nắm bắt thông tin nhanh nhanh nhạy của
người tiếp nhận.
1.1.2. Quan niệm về thể loại phóng sự trước 1975 ở Việt Nam

Nhắc đến phóng sự trước 1975 ta không thể không nhắc đến giai đoạn
phóng sự đã phát triển vượt bậc vào thập niên 30, 40 của thế kỷ XX. Giai
đoạn này, cùng với tiểu thuyết, Thơ mới, phóng sự là một thể văn phát triển
mạnh mẽ (Vũ Trọng Phụng, Thiếu Sơn, Lãng Tử, Y Lang,…). Và cũng trong
chừng ấy năm cho đến nay đã có hàng loạt những công trình, ý kiến nghiên
cứu bàn về thể loại này theo nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau.
Theo Hoàng Minh Phương trong Phương pháp thực hiện phóng sự báo
chí thì ở nước ta, do báo chí ra đời muộn hơn các nước phương Tây, phóng sự
được ghi nhận từ những thập niên đầu của thế kỷ XX. Vào khoảng năm 1932,
Tam Lang cho ra đời Tôi kéo xe và ông đã được coi là người mở đầu cho lối
văn phóng sự ở Việt Nam. Tiếp theo sau là những phóng sự Trước vành móng
ngựa (1938) của Hoàng Đạo, Hà Nội lầm than (Trọng Lang), Thanh niên trụy


16

lạc (Nguyễn Đình Lạp), Kỹ nghệ lấy Tây (Vũ Trọng Phụng),… đều là những
tác phẩm có tiếng vang trong đời sống văn học.
Vào những năm 50, trong tập bài giảng Muốn làm phóng sự, tác giả
Nguyễn Đình Lạp cho rằng: “Phóng sự là nghiên cứu tìm hiểu một sự kiện gì
rồi ghi chép lại cho thật đúng”. Đến năm 1962, trên báo Văn nghệ tác giả Bùi
Huy Phồn cho rằng phóng sự là: “một thể văn xung kích”, “thuyết phục trực
tiếp người đọc bằng những số liệu, người thật có thể kiểm tra thấy được…
nhất là tính chiến đấu và kịp thời” [31, tr.45].
Tiếp đó, trên Tạp chí văn học (từ số tháng 5/1966 đến số tháng 6/1967) đã
mở đợt Trao đổi về thể ký và vấn đề viết về người thật, việc thật. Các nhà văn

đã lần lượt trình bày quan niệm của mình về thể phóng sự cũng như nhà
nghiên cứu Vũ Đức Phúc đã kết luận vấn đề rằng: “Phóng sự là kết quả của
một nghiên cứu tại chỗ một vấn đề thời sự rất lớn đang làm cho cả xã hội, có
khi cả thế giới chú ý, đặt ra nhiều dấu hỏi mà vấn đế ấy lại xảy ra ở một nơi ít
người có điều kiện đến nghiên cứu tường tận, một nơi đương thời rất khó đến.
Chính do đặc điểm này của phóng sự mà một phóng sự có giá trị phải sốt dẻo,
xác thực, toàn diện” [31, tr.46]. Trong bài viết có tính chất tổng kết, nhà
nghiên cứu Nam Mộc kết luận rằng: “Có tác phẩm thiên về ghi sự kiện xã hội,
hành động con người xoay quanh một vấn đề nhất định của xã hội, của thời
đại. Tác phẩm này còn có thể chứa cả những tài liệu báo cáo, số lượng thống
kê, bắc cầu giữa văn học và báo chí. Ta gọi đó là phóng sự” [31, tr.47].
Đến những năm 60, Chế Lan Viên có những nhận xét thiên về hình thức
cũng như kết cấu của thể loại đã cho rằng: “Ở phóng sự thì ta chỉ cần người
mà không cần nhân vật, và cần vấn đề, cần sự việc mà cốt truyện lại không
cần. Tóm lại, chuyện có thực hay không, có nhân vật hay không có nhân vật,
có cốt truyện hay không chỉ là những sự việc nối nhau bởi một vấn đề, là ba
điểm lớn để phân biệt tiểu thuyết và phóng sự” [31, tr.47].


17

Những ý kiến, quan niệm trên của những nhà nghiên cứu do gắn liền với
tuổi đời còn non trẻ của thể loại phóng sự nên họ có thiên hướng khai thác
đặc điểm chung nhất của thể loại về mặt nội dung cũng như hình thức phản
ánh. Đó là thể loại phản ánh những vấn đề, sự kiện của cuộc sống ở góc nhìn
trực diện mang tính chiến đấu kịp thời nhưng không cần sự khắc họa nhân
vật, kể cả cốt truyện. Điều cốt yếu nhất của thể loại phóng sự là “cần người”,
“cần vấn đề”, “cần sự việc” đồng thời tác phẩm phóng sự phải biết “đặt ra
những câu hỏi” trước cuộc đời.
1.1.3. Quan niệm về thể loại phóng sự từ sau 1975 ở Việt Nam


Trong cuộc hành trình sinh thành và phát triển của thể loại, phóng sự đã
trải qua những bước thăng trầm nhất định tương ứng với những hoàn cảnh xã
hội khác nhau. Sau khi phát triển rầm rộ vào giai đoạn 1930 - 1945 thì phóng
sự tạm lắng lại trong khoảng thời gian dài cho đến đại thắng mùa xuân 1975
nó được khôi phục vị thế và trưởng thành hơn. Sự hồi sinh của thể loại phóng
sự trên văn đàn giai đoạn từ 1975 đến nay cũng đồng nghĩa với sức cuốn hút
trở lại của nó đối với giới nghiên cứu tham gia nhận xét, đánh giá trên nhiều
bình diện khác nhau.
Bước sang những năm 70 trong cuốn Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản
Khoa học xã hội, 1977) định nghĩa rằng: “Phóng sự là thể văn chú trọng diễn
tả sự thật mà mình trông thấy và giải đáp các vấn đề do sự thật ấy nêu ra” [31,
tr.48]. Tiếp theo trong Từ điển học sinh (Nhà xuất bản Giáo dục, 1977) trình
bày khái niệm có phần sâu sắc hơn khi cho rằng: “Phóng sự là thể văn phản
ánh, phân tích kịp thời những sự việc tai nghe mắt thấy có tính chất điều tra”
[31, tr.48].
Quyển Từ điển thuật ngữ văn học xuất bản vào năm 1992 do GS Lê Bá
Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên (Nxb Giáo dục) đã có những


18

phân tích, đánh giá rất chi tiết về phóng sự như sau: “Việc sử dụng một số
phương tiện biểu đạt của văn học như các biện pháp tu từ, ngôn ngữ giàu hình
ảnh, hướng vào thế giới bên trong (ở một mức độ nhất định) của nhân vật,...
khiến cho phóng sự vốn từ báo chí, có thể trở thành văn học, một số tác phẩm
thuộc loại này thường được chấp nhận như là những tác phẩm văn học có giá
trị” [31, tr.48].
Xuất phát từ cơ sở hiện thực, năm 1962, GS Hà Minh Đức trong giáo trình
Thể loại văn học nhận định rằng: “Điều chủ yếu trong một thiên phóng sự ...

là sự việc và hiện thực khách quan” (Nhà xuất bản Giáo dục, trang 160) [31,
tr.49]. Đến năm 1992 ông tiếp tục khẳng định: “Về cơ bản, phóng sự cũng có
đặc tính của thiên kí sự: chú trọng sự kiện khách quan, tôn trọng tính xác thực
của đối tượng miêu tả. Nhưng phóng sự lại đòi hỏi tính thời sự trực tiếp.
Phóng sự được viết ra nhằm giải đáp những vấn đề nào đó mà xã hội đang
quan tâm. Người viết trình bày một cách khách quan diễn biến của câu
chuyện, sự việc, đồng thời cũng nhằm chứng minh cho một kết luận của
mình, hoặc từ đó đề xuất ra những vấn đề xã hội nhất định (...). Người viết
phóng sự giỏi trước hết phải là người có trách nhiệm với ngòi bút, với chân lí
cuộc sống, phải biết xông xáo, đi sâu vào thực tế đời sống, có năng lực phát
hiện và khái quát hóa” [31, tr.49]. Khảo sát trên phương diện nội dung GS
Phương Lựu trong giáo trình Lí luận văn học tái bản lần thứ 5 năm 2006 cho
rằng “phóng sự nổi bật bằng những sự thật xác thực, dồi đào và nóng hổi” và
“nội dung chủ yếu của phóng sự lại thiên về vấn đề mà người viết muốn đề
xuất và giải quyết” [13, tr.435].
Gần đây, công trình Lí luận văn học do Trần Đình Sử chủ biên xuất bản
năm 2012 cũng khẳng định lại về mặt hình thức rằng: “Phóng sự là thể loại ký
nằm giữa văn học và báo chí. Phóng sự khác thông tấn ở chỗ nó không chỉ
đưa tin mà còn có nhiệm vụ dựng lại hiện trường cho mọi người quan sát,


19

phán xét. Do đó, nó nghiêng hẳn về phía tự sự, miêu tả, tái hiện sự thật,
nhưng nội dung tự sự thường không dựa vào một cốt truyện hoàn chỉnh” [26,
tr.377].
Nhìn nhận từ bình diện của thể kí báo chí, nhà nghiên cứu lí luận báo chí
Đức Dũng trong Các thể ký báo chí đã định nghĩa: “Phóng sự là một thể loại
đứng giữa văn học và báo chí, có khả năng trình bày, diễn tả những sự kiện,
con người, tình huống điển hình trong một quá trình phát sinh phát triển dưới

dạng một bức tranh toàn cảnh vừa khái quát vừa chi tiết sống động với vai trò
quan trọng của nhân vật trần thuật và bút pháp linh hoạt, ngôn ngữ giàu chất
văn học” [16, tr.39].
Tác giả Hoàng Minh Phương khi dựa trên một số tài liệu báo chí học
Pháp, Australia và Hoa Kỳ trong công trình Phương pháp thực hiện Phóng sự
báo chí có trích dẫn như sau: “Phóng sự là một bài viết có chủ đích dựa trên
những biến cố, sự kiện nổi bật đã xảy ra có liên quan đến một hay những bối
cảnh hoặc con người trong các tình huống phức tạp và hệ quả của những biến
cố, sự kiện ấy gây ra cho xã hội” [22, tr.15]. Theo tác giả công trình thì với
định nghĩa như trên là khá cụ thể và đáng tham khảo bởi trước hết nó cho ta
thấy nét khác biệt không chỉ giữa Phóng sự và Tường thuật mà còn giữa
Phóng sự với các thể văn báo khác, nó giúp ta thấy được quá trình làm việc
công phu, thận trọng và gian khổ của người viết Phóng sự.
Huỳnh Dũng Nhân xuất phát từ điểm nhìn của báo chí khi đất nước bắt đầu
đổi mới vào năm 1986 trong giáo trình Để viết phóng sự thành công quan
niệm rằng: “Phóng sự là một thể tài báo chí, phản ánh những vấn đề có tính
thời sự có ý nghĩa chính trị xã hội được bạn đọc quan tâm. Phóng sự có thể
viết bằng các bút pháp mang tính văn học. Trong phóng sự có nhân vật và có
cái tôi trần thuật. Phóng sự giúp bạn đọc hiểu sâu hơn, rõ hơn sự việc và chia
sẻ được với tác giả những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm” [16, tr.39]. Ông


20

cho rằng hiện nay phóng sự đứng hẳn về phía báo chí vì đề tài nó đề cập đến
là những vấn đề nóng hổi, thời sự, nó phản ánh các hoạt động xã hội, nó phải
nhanh và trung thực, được quy định bởi các tính đặc trưng của báo chí.
Đúng như Lê Phú khải trong bài viết Thử bàn về “cái Tôi” trong phóng sự
cho rằng: nếu hỏi 100 nhà báo về định nghĩa phóng sự thì người ta lại nhận
được 100 câu trả lời khác nhau! Đó là vì sự phong phú đa dạng của thể loại

này. Riêng ông thì quan niệm rằng: “Người viết phóng sự là vị sứ giả được
bạn đọc cử đến tận nơi xảy ra sự kiện quan trọng để gửi về cho họ những
thông tin vô giá...” [10, tr.89].
Cùng có những nhận định trong công trình Để viết phóng sự thành công
của tác giả Huỳnh Dũng Nhân thì nhà báo Nguyễn Quang Vinh và Ngọc Trân
đã có nhận xét xác đáng về thể loại phóng sự. Trong khi Nguyễn Quang Vinh
tập trung vào điểm nhấn của thể loại là: “Viết phóng sự phải tìm ra cái mới lạ.
Cái mới cái lạ trong bài viết phải đổi bằng mồ hôi công sức. Phải máu đi” và
“để ra được một phóng sự bản thân người viết phải đầy chất năng lượng
phóng sự: năng lượng cảm xúc, hồn vía, chữ nghĩa và vốn sống”[16, tr.191192] thì Ngọc Trân cũng cho rằng: “Đây là thể loại được sử dụng khi thông
tin có tính chất trình diễn, sống động, muôn màu muôn vẻ” [16, tr.193].
Nếu như giai đoạn trước 1975 quan niệm về thể phóng sự được các nhà
nghiên cứu chú ý đến đặc điểm nội dung phản ánh thì sau 1975 chúng lại
được người tiếp nhận khai thác một cách sâu sắc, triệt để hơn về đặc trưng thể
loại, khi mà nó đã có bước tiến dài hơn trong quá trình phát triển. Phóng sự
giai đoạn này đã có sự thay đổi, cách tân kịp thời cả về nội dung lẫn hình thức
để đưa phóng sự trở về đúng với đặc trưng thể loại vốn có của nó. Phóng sự
vẫn là một thể loại thuộc loại hình ký, nó có nhiệm vụ ghi chép kịp thời
những sự kiện, những vụ việc vừa xảy ra nhằm làm sáng tỏ trước công luận
hiện thực cuộc sống xã hội đương thời. Phóng sự bao giờ cũng phải mang ý


21

nghĩa thời sự, có mục đích cung cấp cho dư luận những tri thức phong phú,
đầy đủ, chính xác về vấn đề mà mọi người quan tâm. Phóng sự còn thể hiện
quan điểm và xúc cảm của tác giả về hiện thực. Những thiên phóng sự có giá
trị là những tác phẩm mang đậm chất văn chương, mang giá trị thẩm mỹ cao.
1.2. Hoàn cảnh xã hội, văn học và báo chí từ 1975 đến nay
Quá trình tồn tại, vận động của văn học cũng như báo chí đều chịu sự chi

phối của hoàn cảnh xã hội. Những đổi thay, cách tân trong nội dung và hình
thức của chúng đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Như một lẽ tất yếu khi
đề cập đến đời sống của văn học và báo chí từ 1975 đến nay thì chúng ta phải
tìm về hoàn cảnh xã hội của giai đoạn này.
1.2.1. Hoàn cảnh xã hội sau 1975

Đại thắng mùa xuân 1975 là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất,
lẫy lừng nhất của dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã đánh bại đế quốc Mỹ - một
đế quốc có thế lực kinh tế, quân sự hùng mạnh bậc nhất thế giới. Một kỷ
nguyên phát triển rực rỡ của cách mạng Việt Nam được mở ra: kỷ nguyên cả
nước độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy sống trong không khí
hòa bình với niềm vui chiến thắng nhưng công cuộc xây dựng xã hội chủ
nghĩa phía trước vẫn là nhiệm vụ hết sức khó khăn do kinh tế xã hội đang
hoạt động theo quán tính bao cấp thời chiến, do phải tiến hành trong điều kiện
đất nước vừa trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên, đầy gian lao,
vất vả.
Đứng trên góc nhìn đã qua với những khó khăn và thành công nhất định
trong quá trình xây dựng đất nước thì lịch sử trong thời kỳ đất nước thống
nhất có thể chia làm hai giai đoạn: trước và sau khi có nghị quyết Đại hội
Đảng lần thứ VI (1986). Trước năm 1986 là giai đoạn nhân dân nô nức vui
mừng vì đất nước sạch bóng quân thù, hy vọng tiến nhanh, tiến thẳng lên chủ


22

nghĩa xã hội với ấm no, hạnh phúc. Tất cả khẩu hiệu bao trùm thời đó là: “tất
cả vì Chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Nhưng đây cũng là giai
đoạn đất nước gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp
không còn thích hợp. Cách thức quản lý kinh tế theo kiểu bao cấp, là một
cách quản lý làm thay và nuôi bao trong đầu tư xây dựng, sản xuất, phân phối

lưu thông, tiêu dùng xã hội và tiêu dùng cá nhân. Cách làm ăn không chú ý
đến hiệu quả cuối cùng đã bộc lộ nhiều bất cập và bám rễ sâu trong sản xuất
và đời sống đẩy đất nước vào tình trạng vô cùng khốn đốn. Đời sống nhân dân
ngày càng khó khăn, tình hình xã hội căng thẳng. Do vậy, việc chấn chỉnh lại
cơ chế quản lý cho phù hợp với quy luật vận động là một vấn đề hết sức cấp
bách. Về mặt xã hội, chiến tranh đã làm xáo trộn và gây tổn thất lớn cho lực
lượng lao động, để lại hậu quả nặng nề và kéo dài.
Nhiệm vụ khôi phục và phát triển một nền kinh tế trong giai đoạn này là
rất cần thiết nhưng cũng đầy khó khăn khi đất nước đang gánh trên vai những
vùng bị chiến tranh tàn phá, bị hủy diệt bởi chất độc hóa học rất nặng nề.
Chiến tranh và quá trình cưỡng bức đô thị hóa của Mỹ đã gây xáo trộn trong
phân bố lực lượng lao động. Nông thôn nông nghiệp thiếu lao động. Các vùng
đô thị, mật độ dân số quá đông không tương xứng với sự phát triển về kinh tế.
Những di hại do chế độ thực dân của Mỹ để lại cũng rất nặng nề như ma túy,
mại dâm, lưu manh, bụi đời,... số người thất nghiệp, mù chữ chiếm tỉ lệ lớn
trong dân cư. Tóm lại, tình hình đất nước sau đại thắng mùa xuân năm 1975
có nhiều thuận lợi đồng thời cũng tồn tại rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Giai đoạn thứ hai, từ năm 1986 trở đi, khi có Nghị quyết Đại hội VI, đây là
cột mốc quan trọng đánh dấu cho sự nghiệp đổi mới của đất nước ta: thời kỳ
đất nước đổi mới toàn diện, đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi
mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đứng trước những sai lầm trong cơ
chế quản lý kinh tế bao cấp, xã hội ngày càng khó khăn nên đòi hỏi Đảng ta


23

phải tích cực đổi mới tư duy một cách mạnh mẽ, phải nhìn thẳng vào sự thật,
đánh giá đúng sự thật, từ đó xác định mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng trong
tương lai để đưa đất nước vượt lên khó khăn, chuyển mình đi lên phía trước.
Như ta đã biết chính sự tồn tại quyết định ý thức vì vậy nên mỗi thời đại

lịch sử sẽ có nền văn nghệ tương ứng hay chính là “xã hội thế nào thì văn
nghệ thế ấy”. Đổi mới là yêu cầu tất yếu của đất nước ta sau 1975 khi cái cũ
không phù hợp, lạc hậu, lỗi thời, đổi mới để ổn định và phát triển hướng đến
một xã hội dân chủ là sự nghiệp mà Đảng và dân ta quan tâm. Những tác
phẩm được sinh thành với sứ mệnh là “tiếng nói của thời đại” sẽ là bằng
chứng sinh động thiết thực của lịch sử dân tộc. Trên cơ sở xã hội đó thì phóng
sự, một thể loại nằm giữa văn học và báo chí, cũng có sự thay đổi về chất lẫn
lượng để phản ánh và phục vụ kịp thời cho xã hội ấy.
1.2.2. Sự phát triển chung của văn học sau 1975

Từ 1975 đến nay nền văn học Việt Nam trải qua hai giai đoạn: từ 1975
đến 1985 là giai đoạn mà cảm hứng văn học sử thi thời chiến vẫn còn âm
vang và đang có xu hướng chuyển dần sang văn học thời hậu chiến với nhiều
vấn đề đang được ra trong cuộc sống thường nhật, từ 1986 trở đi là văn học
vận động trong thời kỳ đổi mới và được chia làm hai bước đi nhỏ như sau: từ
1986 đến đầu thập kỉ 90 là chặng đường văn học đổi mới sôi nổi, mạnh mẽ
gắn liền với chặng đầu của công cuộc đổi mới đất nước được đánh dấu bằng
Đại hội Đảng lần thứ VI, từ giữa những năm 90 đến nay, khi mà xã hội đã đi
vào ổn định và phát triển thì văn học trở lại những quy luật bình thường và
nghiêng về chú trọng cách tân trong nghệ thuật.
Giai đoạn đầu từ 1975 đến 1986 là giai đoạn mang tính chất bắc cầu từ nền
văn học cách mạng trong chiến tranh sang nền văn học thời kì sau chiến tranh.
Tính chất chuyển tiếp được thể hiện trên mọi phương diện của đời sống văn


×