Tải bản đầy đủ (.pdf) (154 trang)

yếu tố huyền ảo trong truyện, ký việt nam thế kỷ xviii xix (khảo sát qua tang thương ngẫu lục lan trì kiến văn lục và truyền kỳ tân phả)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.36 MB, 154 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
_____________________

Nguyễn Ngọc Trai

YẾU TỐ HUYỀN ẢO
TRONG TRUYỆN, KÝ VIỆT NAM
THẾ KỶ XVIII - XIX
(KHẢO SÁT QUA: TANG THƯƠNG NGẪU LỤC LAN TRÌ KIẾN VĂN LỤC VÀ TRUYỀN KỲ TÂN PHẢ)

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2014


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
_____________________

Nguyễn Ngọc Trai

YẾU TỐ HUYỀN ẢO
TRONG TRUYỆN, KÝ VIỆT NAM
THẾ KỶ XVIII - XIX
(KHẢO SÁT QUA: TANG THƯƠNG NGẪU LỤC LAN TRÌ KIẾN VĂN LỤC VÀ TRUYỀN KỲ TÂN PHẢ)
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số

: 60220121
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC



NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. ĐOÀN THỊ THU VÂN

Thành phố Hồ Chí Minh - 2014


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và kết
quả nêu trong luận văn là trung thực, chưa từng được ai công bố trong bất kì một
công trình nào khác.
Họ và tên tác giả

Nguyễn Ngọc Trai


LỜI CẢM ƠN
Luận văn được hoàn thành, ngoài sự nỗ lực học hỏi, nghiên cứu của bản
thân, tôi còn nhờ vào sự chỉ bảo, giúp đỡ, động viên tận tình của quý thầy cô, gia
đình, bạn bè, các đồng nghiệp và học trò.
Trước hết, tôi xin chân thành bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc đến
PGS.TS. Đoàn Thị Thu Vân, người đã tận tâm hướng dẫn khoa học, định hướng,
gợi mở, truyền đạt cho tôi những kiến thức vô cùng quý báu, giúp tôi giải quyết
các vấn đề và những khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài.
Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy, cô trong Khoa Ngữ văn, trường Đại
học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tận tình dìu dắt, truyền dạy kiến thức
cho tôi trong suốt thời gian học tập tại trường.
Tôi xin chân thành cảm ơn những đóng góp quý báu của quý thầy cô trong
hội đồng thông qua đề cương và chấm luận văn đã giúp tôi trong quá trình hoàn
thành luận văn khoa học.

Xin cảm ơn Phòng Sau đại học, Thư viện trường Đại học Sư phạm
TPHCM, Thư viện Khoa học Tổng hợp đã tạo điều kiện để tôi hoàn thành và bảo
vệ luận văn này.
Đặc biệt, xin cảm ơn Ban Giám hiệu, tổ Ngữ văn và các đồng nghiệp
trường THPT Hiệp Bình, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo mọi
thuận lợi trong công tác, hỗ trợ nhiệt tình giúp tôi trong thời gian học tập và hoàn
thành luận văn.
Sau cùng, xin cảm ơn Ba Mẹ, anh chị và bạn bè cùng những học trò thân
yêu đã động viên, khích lệ và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
Trân trọng.
Nguyễn Ngọc Trai


MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
DẪN NHẬP .................................................................................................................... 1
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG ....................................................................... 9
1.1. Yếu tố huyền ảo .................................................................................................... 9
1.1.1. Huyền ảo và yếu tố huyền ảo trong văn học .................................................. 9
1.1.2. Phân biệt “kì ảo” và “huyền ảo” trong văn học ........................................... 12
1.1.3. Cơ sở hình thành các yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế
kỷ XVIII - XIX ............................................................................................ 15
1.2. Thể loại truyện, ký trung đại ............................................................................... 27
1.2.1. Truyện trung đại ........................................................................................... 27
1.2.2. Ký trung đại .................................................................................................. 30
1.3. Bối cảnh lịch sử và truyện, ký trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX ............ 33
1.3.1. Bối cảnh lịch sử và đời sống nhân dân Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX ....... 33

1.3.2. Tang thương ngẫu lục, Lan Trì kiến văn lục và Truyền kỳ tân phả
trong dòng chảy văn xuôi thế kỷ XVIII - XIX............................................. 36
Chương 2. YẾU TỐ HUYỀN ẢO TRONG NỘI DUNG TRUYỆN, KÝ
VIỆT NAM THẾ KỶ XVIII - XIX ...................................................... 47
2.1. Chuyện lịch sử được huyền ảo hóa ..................................................................... 47
2.1.1. Huyền ảo hóa chuyện vua quan và các sự kiện lịch sử ................................ 47
2.1.2. Huyền ảo hóa chuyện danh nhân với những hành trạng và sự nghiệp ......... 54
2.1.3. Huyền ảo hóa chuyện nho sinh và khoa cử .................................................. 62
2.2. Chuyện đời thường được huyền ảo hóa .............................................................. 67
2.2.1. Huyền ảo hóa chuyện tình yêu và vai trò của nhân vật nữ .......................... 67
2.2.2. Huyền ảo hóa chuyện đời sống với những số phận khốn cùng và sức
sống kì diệu của con người .......................................................................... 75
2.2.3. Huyền ảo trong chuyện bói toán, phong thủy ............................................... 80


2.3. Chuyện kì lạ trong dân gian ................................................................................ 87
2.3.1. Chuyện ma quỷ ............................................................................................. 87
2.3.2. Chuyện về con vật ........................................................................................ 91
Chương 3. YẾU TỐ HUYỀN ẢO TRONG NGHỆ THUẬT TRUYỆN,
KÝ VIỆT NAM THẾ KỶ XVIII - XIX .............................................. 98
3.1. Cốt truyện, nhân vật huyền ảo ............................................................................ 98
3.1.1. Xây dựng cốt truyện huyền ảo ...................................................................... 98
3.1.2. Xây dựng nhân vật huyền ảo ...................................................................... 104
3.2. Không gian - thời gian huyền ảo ....................................................................... 111
3.2.1. Không gian thực - ảo .................................................................................. 111
3.2.2. Thời gian thực - ảo...................................................................................... 114
3.3. Nghệ thuật kể chuyện huyền ảo ........................................................................ 117
3.3.1. Vận dụng môtip dân gian............................................................................ 117
3.3.2. Tạo sự lấp lửng, mơ hồ ............................................................................... 126
3.3.3. Đặt cái ảo trên nền bối cảnh lịch sử ............................................................ 131

3.3.4. Sáng tạo của nhà văn .................................................................................. 135
3.4. Vai trò của yếu tố huyền ảo trong văn học ....................................................... 138
KẾT LUẬN ................................................................................................................ 141
TÀI LIỆU THAM KHẢO......................................................................................... 143


1

DẪN NHẬP
1. Lí do chọn đề tài
Văn học trung đại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, từ thơ ca đến
văn xuôi, đóng góp cho vườn hoa văn học dân tộc. Đặc biệt, giai đoạn văn học thế kỷ
XVIII - XIX được xem là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn học trung đại. Thiết
nghĩ, văn học thế kỷ XVIII - XIX đạt nhiều thành tựu bởi một phần đây là thời kỳ cuối
của văn học trung đại Việt Nam, các tác giả phần nào đã tiếp thu tinh hoa của các tác
giả, tác phẩm văn học trước đây. Một phần văn học giai đoạn này nảy mầm trên một
bối cảnh lịch sử nhiều biến động - đây là mảnh đất màu mỡ để văn học cất lên tiếng
nói bênh vực, đề cao quyền sống của con người đau khổ, mặt khác, văn học ghi nhận
một cách chân xác hiện thực lịch sử.
Từ lâu, khi nhắc đến văn học giai đoạn này, người ta chú trọng thành tựu về thể
loại trữ tình hơn tự sự; ở thể loại tự sự, nếu có chỉ đề cập đến Hoàng Lê nhất thống chí
của Ngô gia văn phái. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy ngoài những thành tựu
nói trên, văn xuôi thế kỷ XVIII - XIX còn hấp dẫn ở mảng truyện, ký. Tiếp thu những
thành tựu đi trước, kết hợp với sự sáng tạo của những tài năng cá nhân tác giả, các tác
phẩm truyện, ký thế kỷ VIII - XIX đã đem đến cho văn học trung đại một bức tranh
cuối mùa thật phong phú, đa dạng sắc màu. Qua yếu tố huyền ảo, truyện, ký giai đoạn
này phần nào thể hiện sự ảnh hưởng của văn hóa, tín ngưỡng dân gian dân tộc; phần
nào cho thấy được sự tưởng tượng phong phú và sức ám dụ nghệ thuật của tác phẩm
văn học trong việc phản ánh hiện thực. Điều này đem lại sự hấp dẫn, lôi cuốn và góp
phần tạo nên thành tựu của văn xuôi thế kỷ XVIII - XIX. Cùng với thơ ca, văn xuôi

thế kỷ XVIII - XIX đã hoàn thành sứ mệnh nghệ thuật của mình để chuẩn bị cho hành
trình của văn học hiện đại hội nhập với văn học thế giới.
Nhưng cho đến nay, đa phần các nhà nghiên cứu chưa quan tâm thật đầy đủ đến
các tác phẩm truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX (trừ Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác).
Trong cuốn sách Việt Nam văn học sử giản ước và tân biên (Tập 1), ở mục truyện ký,
Phạm Thế Ngũ dành nhiều trang để giới thiệu, trích đăng nội dung của Truyền kỳ mạn
lục, Hoàng Lê nhất thống chí và Thượng kinh ký sự mà chỉ điểm qua Tang thương


2

ngẫu lục, Truyền kỳ tân phả (riêng Lan Trì kiến văn lục cũng không được đề cập đến)
[47, tr.204-205]. Viết Lời giới thiệu cho cuốn Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình
Hổ và Nguyễn Án, Trương Chính có nhận xét: “Yếu tố hoang đường quái đản là yếu
tố tiêu cực của Tang thương ngẫu lục. Các chuyện Ma Đồng Xuân, Sông Dụng, Thơ
ma, Mẹ ranh càn sát, Nội đạo tràng… là những chuyện yêu ma quỉ quái, chẳng có ý
nghĩa gì hết” [37, tr.10]. Trong Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại - những vấn đề
văn xuôi tự sự, Nguyễn Đăng Na nhận xét về Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm:
“Sự ‘canh tân’ truyền kỳ của các tác gia thế kỷ XVIII - XIX trên quan điểm hiện thực
là một tiến bộ, nhưng dưới góc độ nghệ thuật truyền kỳ thì đó là một bước thụt lùi. Bởi
lẽ, càng trung thành với nguyên mẫu bao nhiêu, đôi cánh truyền kỳ càng bị vặt trụi
bấy nhiêu” [44, tr.29]. Trên đây là những ý kiến nhận định các tác phẩm theo cái nhìn
đặc trưng của từng thể loại nên chưa thấy đầy đủ đóng góp của truyện, ký trung đại thế
kỷ VIII - XIX.
Chọn đề tài Yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX
(Khảo sát qua: Tang thương ngẫu lục - Lan Trì kiến văn lục và Truyền kỳ tân phả),
thông qua yếu tố huyền ảo trong ba tác phẩm, chúng tôi muốn đem đến cái nhìn đầy đủ
hơn về vị trí của các tác phẩm truyện, ký Việt Nam thế kỷ VIII - XIX mà trước đây
chưa được đề cao, đồng thời có cách nhìn nhận, đánh giá xác đáng hơn về văn xuôi
giai đoạn này trong tiến trình vận động và phát triển của văn học Việt Nam.

2. Lịch sử vấn đề
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đề tài Yếu tố huyền ảo trong truyện, ký
Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX (Khảo sát qua: Tang thương ngẫu lục - Lan Trì kiến
văn lục và Truyền kỳ tân phả), với những tư liệu sưu tầm được, chúng tôi xin điểm
qua một số bài nghiên cứu liên quan đến đề tài:
2.1. Về yếu tố huyền ảo trong văn học, công trình Dẫn luận văn chương kì ảo của
Tzvetan Todorov đã khái quát được đặc trưng của văn học kì ảo. Ở Việt Nam, các
công trình, bài viết bàn về chủ nghĩa nghĩa hiện thực huyền ảo có thể kể đến Chủ
nghĩa hiện thực huyền ảo (magic realism) của Đỗ Văn Hiểu, công trình đã khái quát
về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo nói chung và chỉ ra được phương thức cơ bản của yếu
tố huyền ảo trong văn học. Ở công trình này, Đỗ Văn Hiểu dẫn lời nhà phê bình


3

Argentina Mansoor khi bàn luận về tác phẩm của nhà văn Mexico Rulfo đã nói:
“huyền ảo trong tác phẩm của Rulfo được sinh ra từ sự ngang bằng của hai hệ thống
giá trị văn hóa, tức là hai loại hiện thực (hàng ngày) và thần thoại” (Mansoor: Rulfo
và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Xem Chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa siêu thực, chủ
nghĩa hiện thực huyền ảo, NXB Khoa học xã hội Trung Quốc, 1987, tr.448-449);
Argentina Mansoor dẫn lời nhà văn Cuba Carpentier khi viết lời tựa cho cuốn Vương
quốc của thế giới của mình đã không sử dụng “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” mà sử
dụng “hiện thực thần kì” cho rằng:
thần kì là sự đột biến của hiện thực (tức là kì tích), là sự biểu hiện đặc thù đối với
hiện thực, là sự thể hiện kì diệu khác biệt, phi thường đối với tính phong phú của
hiện thực, là cường điệu quy mô và trạng thái của hiện thực. Sự phát hiện hiện
thực thần kì này mang đến cho người đọc sự hưng phấn tinh thần đến cực điểm
(Mansoor: Rulfo và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Xem Chủ nghĩa vị lai, chủ
nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. (NXB Khoa học xã hội Trung
Quốc, 1987, tr.448-449).


Sau đó, Đỗ Văn Hiểu đưa ra nhận định:
Trong sáng tác, nó (chủ nghĩa hiện thực huyền ảo) kết hợp việc truy tìm hiện thực
và hình tượng ảo, hoặc biến hiện thực thành thần thoại, hoặc biến hiện thực thành
mộng ảo, mộng cảnh, hoặc trong cuộc sống hiện thực cấy ghép sự vật mang sắc
thái mộng ảo làm tăng sức biểu hiện cho tác phẩm. Tất cả những điều này đều là
đặt hiện thực vào trong vùng khách quan với hoàn cảnh và không khí huyền ảo,
gia tăng miêu tả tường tận, nỗ lực khoác lên hiện thực cái áo huyền ảo kì quặc,
nhưng từ đầu đến cuối không hề tổn hại đến bản chất của hiện thực [71].

Trong bài viết Về khái niệm cái kì ảo và văn học kì ảo trong nghiên cứu văn học,
Lê Nguyên Long cũng nhận định: “Do vậy, ở những câu chuyện đó, thế giới ma quái
hư ảo được tạo ra không hoàn toàn nhằm mục đích cuối cùng là hiệu ứng hoang mang
trước sự rạn nứt của hiện thực mà chủ yếu chỉ là phương tiện để chuyển tải tư tưởng,
bài học nhân sinh, đạo lí của cuộc đời” [72]. Có thể nói, những công trình, bài viết
trên phần nào giúp người nghiên cứu có cái nhìn khái quát thế nào là huyền ảo và
phương thức thể hiện của yếu tố huyền ảo trong văn học.


4

Bên cạnh đó, công trình Phương thức huyền thoại trong sáng tác văn học của
Phùng Văn Tửu đã đề cập đến yếu tố huyền thoại như là một thủ pháp sáng tác. Nổi
bật nhất khi bàn về yếu tố huyền ảo trong văn học là các công trình của Lê Huy Bắc.
Trong Cái kì ảo và văn học huyễn ảo, tác giả đã đưa ra khái niệm “văn học huyễn ảo”,
theo tác giả “văn học huyền ảo với mục đích nhằm bao quát cả một lịch sử sáng tạo
văn chương, nơi xuất hiện sự đan cài của hai yếu tố thực và ảo mà hàm lượng bao giờ
cũng nghiêng qua phần ảo” [4]. Ở đây, Lê Huy Bắc đồng nhất khái niệm “văn học kì
ảo”, “văn học huyền ảo” và gọi tên là “văn học huyễn ảo”, tên gọi này chú trọng cái ảo
ở các yếu tố. Và ở Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel Gárcia Márquez, Lê Huy

Bắc chỉ ra đặc điểm của văn học huyễn ảo ở từng giai đoạn lịch sử văn học của thế
giới: cổ đại - thế kỷ XIII: thần thoại, truyện cổ tích, thế kỷ XIV - XIX: văn học kì ảo,
sau thế kỷ XX: văn học huyền ảo. Tiếp theo, tác giả đưa ra cảm giác thẩm mỹ ở người
đọc do từng yếu tố đem lại: “huyền thoại”: sợ hãi, “kì ảo”: không sợ, “huyền ảo”: vừa
sợ vừa không sợ. Đây là cơ sở để chúng tôi xác định yếu tố huyền ảo có trong truyện,
ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX. Tiếp nối quan điểm của Lê Huy Bắc, bài viết Cái kì
ảo trong văn học tiền hiện đại và cái huyền ảo trong văn học hậu hiện đại của Phan
Tuấn Anh và luận văn Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Gárcia Márquez của Nguyễn
Thành Trung có bàn đến sự phân biệt ba khái niệm: “huyền thoại” (myth), “kì ảo”
(fantasy) và “huyền ảo” (magic). Các công trình này rất đáng quan tâm khi chúng tôi
tìm hiểu đề tài. Ngoài ra, các công trình: luận văn Yếu tố huyền ảo trong truyện ngắn
Mỹ Latinh (Khảo sát qua hai tác gia: Jorge Luis Borges và Gabriel Gárcia Márquez)
hoặc công trình Những biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học
Nhật Bản đương đại của Lê Ngọc Phương, Yếu tố huyền ảo trong tác phẩm của
Yasunari Kawabata và Gabriel Gárcia Márquez của Đào Thị Thu Hằng… đã phần
nào chỉ ra được những biểu hiện của yếu tố huyền ảo trong các tác phẩm của châu Mỹ
Latin, Nhật Bản; trong đó, văn học châu Mỹ Latin là một điển hình của văn học thế
giới về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Về yếu tố huyền ảo trong văn học Việt Nam, vấn đề này có luận văn Khuynh
hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương của Nguyễn Thị Thu
Huyền và bài viết Về một lối viết hiện thực huyền ảo Việt tính của Đỗ Quyên nhận


5

định về tác phẩm của Đỗ Ngọc Thạch. Các công trình trên phần nào cho thấy yếu tố
huyền ảo là một phương thức thường gặp trong sáng tác văn học đương đại của các
nền văn học, chưa có công trình nào bàn đến yếu tố huyền ảo trong văn học trung đại
Việt Nam.
2.2. Về văn xuôi trung đại Việt Nam, nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về vấn đề

này chỉ ra đặc trưng của văn học trung đại Việt Nam như: Đặc trưng văn học trung đại
Việt Nam của Lê Trí Viễn, Tư tưởng lý luận văn học cổ điển Việt Nam của Đoàn Lê
Giang, Mấy vần đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam của Trần Đình Sử. Trần Nho
Thìn cũng rất quan tâm đến vấn đề văn học trung đại qua cách nhìn văn hóa: Văn học
trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa hay gần hơn là đi tìm Thi pháp truyện ngắn
trung đại Việt Nam. Nguyễn Đăng Na thì có Con đường giải mã văn học trung đại
Việt Nam, Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại - những vấn đề văn xuôi tự sự và hai
công trình tuyển Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (Tập 1: Truyện ngắn, Tập 2:
Ký). Đặc biệt, bàn về yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại Việt Nam, Luận văn Yếu tố
kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX) của Lê Thùy Dung phần nào
đã đưa ra những đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong văn xuôi
trung đại. Trong những công trình trên, các tác giả đã chỉ ra được đặc trưng của văn
học và văn xuôi trung đại Việt Nam nói chung, đôi chỗ có bàn về yếu tố kì ảo trong
văn xuôi trung đại. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi cũng chưa tìm thấy công trình,
bài viết nào trực tiếp bàn về yếu tố huyền ảo trong văn xuôi trung đại và trong truyện,
ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX.
2.3. Về ba tác phẩm Tang thương ngẫu lục, Lan Trì kiến văn lục và Truyền kỳ tân
phả, qua tìm hiểu, chúng tôi chỉ thấy những bài viết về từng tác phẩm riêng lẻ, phần
lớn là những nhận định về giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm như: Lời giới thiệu
tác phẩm của Trương Chính trong sách Tang thương ngẫu lục, Vũ Trinh và Kiến văn
lục của Nguyễn Cẩm Thúy, luận văn Thế giới nghệ thuật trong Truyền kỳ tân phả của
Đoàn Thị Điểm của Nguyễn Hữu Hòa… Đây là những công trình, bài viết có bàn trực
tiếp về các tác phẩm nhưng chưa có công trình, bài viết nào bàn về yếu tố huyền ảo
trong ba tác phẩm.


6

Nhận định về giá trị của ba tác phẩm, có một số ý kiến của các nhà nghiên cứu
như sau: Về Tang thương ngẫu lục, Nguyễn Phương Chi trong Từ điển Văn học (Bộ

mới) có đánh giá: “Cuối cùng, là một số truyện ma quỷ, một số sự tích hoang đường, kì
lạ. Đây chính là nét đặc sắc làm nên giá trị của sách. Bởi ở chỗ màu sắc hoang đường
được vận dụng như thủ pháp nghệ thuật để ghi lại những hình ảnh của thời đại đầy
biến động (Ma Đồng Xuân, Nội đạo tràng, Mẹ ranh càn sát…)” [32, tr.1594]. Về Lan
Trì kiến văn lục, Huyền Trai Ngô Hoàng khi viết đề tựa sách Kiến văn lục đã khẳng
định:
Lớn thì nhân vật quỷ thần, nhỏ thì cầm thú ngư trùng, những việc gì lạ mà mắt
thấy tai nghe đều ghi lại. (…) Có nói đến việc quái dị nhưng không thoát ly đạo
thường, có kể về điều biến hóa nhưng không mất đi lẽ chính, đại để là ngụ ý
khuyên răn cảnh cáo sâu xa để người xem sau này thấy điều hay thì bắt chước,
thấy điều dở thì phòng ngừa, thực có ích cho thế gian [60, tr.15-16].

Về Truyền kỳ tân phả, Trần Văn Giáp trong bài Giới thiệu và xác định giá trị
Bích Câu kì ngộ có nhận xét: “Nhìn chung, cả sáu truyện trong Truyền kỳ tân phả đều
là những câu chuyện về cuộc đời, về con người trong buổi xế chiều của xã hội phong
kiến Việt Nam được biểu hiện dưới màu sắc hoang đường, quái đản. Đây là một hình
thức nghệ thuật khá phổ biến trong văn xuôi Việt Nam kể từ sau Truyền kỳ mạn
lục của Nguyễn Dữ ở thế kỷ XVI” [16].
Từ những nhận định trên, chúng ta phần nào thấy được những giá trị của ba tác
phẩm và việc sử dụng yếu tố huyền ảo là một trong những phương thức làm nên những
giá trị đó.
Vì những nguyên nhân khách quan và năng lực chủ quan, chúng tôi chưa thể tiếp
cận đầy đủ các công trình, bài viết nghiên cứu về yếu tố huyền ảo trong văn học đã
được công bố. Thiết nghĩ, nghiên cứu khoa học là một công việc kéo dài, người nghiên
cứu luôn kế thừa những người đi trước và góp thêm cái nhìn khác để bức tranh văn
học được nhìn một cách đầy đủ hơn. Trong quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi xin
chân thành tri ân những phát hiện của những tác giả đi trước đã tạo tiền đề cảm hứng
cho đề tài. Những kiến thức quý báu đó sẽ giúp chúng tôi có những định hướng đúng



7

đắn, vững chắc về mặt phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu và đây là những
tư liệu tham khảo đáng giá giúp chúng tôi hoàn thành đề tài luận văn đã chọn.
3. Mục đích nghiên cứu và đóng góp của luận văn
Như trên đã nói, tác phẩm truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX chưa được nhìn nhận
một cách đầy đủ. Có thể nói, về mặt lí luận, các tác giả văn học trung đại chưa phân
biệt rạch ròi các thể loại văn học. Nếu nhìn ở đặc trưng từng thể loại, chúng ta sẽ dễ
nhận ra hạn chế của từng tác phẩm. Qua đề tài, chúng tôi tiến hành khảo sát, phân tích,
lí giải những biểu hiện của yếu tố huyền ảo và đi tìm giá trị thẩm mỹ của yếu tố này
trong truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX. Từ đó, chúng tôi đi đến kết luận việc sử dụng yếu
tố huyền ảo là một hình thức đã xuất hiện trong văn học từ thời trung đại và tùy giai
đoạn lịch sử, văn học mà nhà văn dùng yếu tố này như một phương thức nghệ thuật
nhằm phản ánh nhận thức về hiện thực xã hội, đem lại hiệu quả nghệ thuật đặc biệt.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Có thể nói, văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX đã đạt được nhiều thành tựu
rực rỡ, đem đến một mùa bội thu cho khu vườn văn học trung đại cuối mùa. Về văn
xuôi, yếu tố huyền ảo thường gắn liền với thể loại truyền kỳ và những ghi chép về
những gì mắt thấy tai nghe dưới dạng truyện ký. Do vậy, trong đề tài này, chúng tôi
chọn những tác phẩm có thể hiện đậm nét yếu tố huyền ảo hoặc dùng yếu tố này như
một phương thức nghệ thuật phản ánh hiện thực. Trong đó tiêu biểu là ba tác phẩm:
Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Lan Trì kiến văn lục của Vũ
Trinh và Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm. Qua việc tìm hiểu ba tác phẩm trên,
chúng tôi đi vào phân tích biểu hiện yếu tố huyền ảo trong ba tác phẩm và lý giải ý
nghĩa của yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu đề tài, chúng tôi vận dụng kết hợp những phương pháp sau:
5.1. Phương pháp thi pháp học loại hình: vận dụng thi pháp về nội dung truyện,
ký và nghệ thuật truyện, ký trong loại hình tự sự để làm sáng tỏ yếu tố huyền ảo trong
ba tác phẩm.

5.2. Phương pháp thống kê, khảo sát: nhận biết những tác phẩm, những biểu hiện
tập trung và loại trừ để có cái nhìn chính xác, khoa học về vấn đề.


8

5.3. Phương pháp phân tích, tổng hợp: làm rõ những đặc trưng của yếu tố huyền
ảo trong từng tác phẩm và trong cả giai đoạn.
5.4. Phương pháp tâm lí, lịch sử - xã hội: từ tâm lí sáng tác, tâm lí tiếp nhận, lí
giải nguyên nhân thời đại và sự tồn tại của yếu tố huyền ảo trong văn học.
5.5. Phương pháp so sánh, hệ thống: cho thấy cái nhìn tổng thể của vấn đề trong
dòng chảy văn học dân tộc.
6. Cấu trúc của luận văn
Ở chương 1, luận văn đưa ra những khái niệm, cơ sở hình thành yếu tố huyền ảo
trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX và bối cảnh lịch sử cũng như giới thiệu
ba tác phẩm cần nghiên cứu trong luận văn.
Ở chương 2, luận văn đi vào phân tích cụ thể biểu hiện về nội dung của yếu tố
huyền ảo trong ba tác phẩm: Tang thương ngẫu lục, Lan Trì kiến văn lục và Truyền kỳ
tân phả. Đây là chương trọng tâm của luận văn.
Ở chương 3, luận văn làm rõ yếu tố huyền ảo qua nghệ thuật xây dựng cốt
truyện, nhân vật; xây dựng không gian, thời gian; nghệ thuật kể chuyện huyền ảo trong
ba tác phẩm và vai trò của yếu tố huyền ảo trong văn học.


9

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Yếu tố huyền ảo
1.1.1. Huyền ảo và yếu tố huyền ảo trong văn học
1.1.1.1. Huyền ảo

Thuật ngữ “huyền ảo” có hai từ tố: “huyền” (玄) và “ảo” (幻).
Theo Từ điển Hán - Việt ( có nhiều định nghĩa về từ
tố “huyền” và từ tố “ảo”: Từ điển phổ thông định nghĩa “huyền” là “màu đen”, “ảo” là
“hư ảo, không có thực” (danh từ). Từ điển trích dẫn định nghĩa “huyền” là “áo diệu,
sâu xa”, “ảo” là “giả, không thực, giả mà hệt như thực” (tính từ). Thiều Chửu định
nghĩa “huyền” là “huyền diệu, huyền bí, lẽ sâu xa lắm”. Trần Văn Chánh định nghĩa
“huyền” là “huyền diệu, huyền bí, cao xa khó hiểu”, “ảo” là “giả, không thật”. Theo
Nguyễn Quốc Hùng thì “huyền” là “sâu xa kín đáo”, “ảo” là “không có thật, thấy mà
không phải là thật”.
Theo Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê định nghĩa: “huyền ảo” có nghĩa: “có vẻ
vừa như thực vừa như hư, thường tạo nên vẻ đẹp kì lạ và bí ẩn” [23, tr.8].
Theo Đào Ngọc Chương, trong Phê bình Huyền thoại, “‘huyền’ là cái sâu
thẳm mênh mông mà không đáy, cái có thể quan sát được qua dấu hiệu (được định
hình nhưng luôn luôn dịch chuyển và dịch biến), vì thế, nó luôn luôn rực rỡ, và khái
niệm ‘huyền’ nói được cái tính chất vi diệu của ‘hiện tượng’” [8, tr.10-12].
Theo định nghĩa trên, ta có thể hiểu nghĩa cơ bản của từ tố “huyền” là sâu kín,
khó phân biệt thực hư và từ tố “ảo” là giống như thật nhưng không có thật. Và “huyền
ảo” chỉ tính chất không thật, bí ẩn, khó nắm bắt nơi đối tượng. Vì thế, huyền ảo được
xem như một thủ pháp nghệ thuật tạo nên sức hấp dẫn cho một đối tượng nào đó, trong
đó có tác phẩm nghệ thuật. Trong tác phẩm nghệ thuật huyền ảo, tác giả mượn cái võ
ảo diệu để ám dụ sâu xa, người đọc phải đi vào chiều sâu của tác phẩm mới cảm nhận
hết vẻ đẹp của tác phẩm và dụng ý của tác giả.
Mặt khác, trong luận văn Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Gárcia Márquez,
Nguyễn Thành Trung đã dẫn ra các thuật ngữ “huyền ảo” thường được dịch từ thuật
ngữ tiếng Anh là “magic”, nghĩa là ma thuật hay ma lực. “Magic” có tính từ là


10

“magical”, vốn là một tính từ tiếng Latin: “magicus”, về sau phát triển ở dạng danh từ

là “magica”; bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là “magikē” (tekhnē), nghĩa là (nghệ thuật
của) thầy phù thủy. Đó là một sức mạnh bí ẩn có khả năng làm những điều không thực
thành có thực (thường gắn với nét nghĩa tiêu cực - “black magic” - phép thuật ma quỷ)
[61, tr.16].
Tóm lại, theo những nét nghĩa trên thì chúng tôi cho rằng “huyền ảo” là tính chất
ảo diệu, sâu kín, hàm chứa ý nghĩa vi diệu khó lường. Vì thế, sự vật hiện tượng huyền
ảo đem lại cho con người trạng thái nửa tin (hoặc sợ), nửa không tin (hoặc không sợ).
Có thể nói, huyền ảo có trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Ngày nay, khoa học phát
triển nhưng vẫn còn những hiện tượng dị thường, trở thành những vấn đề bí ẩn, và mãi
mãi là bí ẩn, khó lí giải. Gần đây, khoa học về nghiên cứu tiềm năng con người đã và
đang phát hiện, nghiên cứu về hiện tượng ngoại cảm, cận tử, đầu thai… Điều đó giúp
con người phần nào lí giải những vấn đề dị thường của cuộc sống. Và huyền ảo được
dùng trong tác phẩm nghệ thuật như một yếu tố tạo nên vẻ đẹp lấp lánh bí ẩn.
1.1.1.2. Yếu tố huyền ảo trong văn học
Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của quá trình hư cấu, tưởng tượng từ chất
liệu đời sống. Vì thế yếu tố huyền ảo là một bộ phận cần thiết, quan trọng để xây
dựng, cấu thành nên tác phẩm nghệ thuật. Mặt khác, nhờ yếu tố huyền ảo, tác phẩm
nghệ thuật mang một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn.
Điều này được thể hiện từ thời kỳ đầu khi văn học chưa thành văn ra đời,
những tác phẩm thần thoại được kể từ việc thần thánh hóa những hiện tượng thiên
nhiên. Và khi đó, con người tin các vị thần này là có thật, luôn có sức mạnh siêu nhiên
đáng sợ. Từ đó, con người chuyển từ niềm sợ hãi, sang niềm tin và tín ngưỡng thờ
thần. Dần dần, con người có ý thức về bản thân và cộng đồng, xuất hiện những cá
nhân có sức mạnh phi thường, dám chống chọi với những thế lực tự nhiên. Khi đó,
truyền thuyết và sử thi ra đời ca ngợi về những anh hùng, những vị vua. Khảo lại các
thành tựu văn học nổi tiếng trên thế giới, chúng ta thấy yếu tố huyền ảo xuất hiện trong
nhiều tác phẩm. Sử thi Hi Lạp, Sử thi Ấn Độ kể về những vị vua, những anh hùng
trong dân gian có sức mạnh siêu nhiên, thần thoại, trở thành những biểu tượng đẹp
trong văn học (Prométhée, Hercule, Achiles (Hi Lạp), Rama (Ấn Độ), Ngu công, vua



11

Vũ (Trung Quốc)…). Về sau, trong văn học trung đại, yếu tố huyền ảo được sử dụng
như một hình thức vừa phản ánh đời sống tín ngưỡng của con người vừa thể hiện dụng
ý nghệ thuật của tác giả. Trong nền văn học Phục hưng Anh, William Shakespeare viết
Hamlet, mượn câu chuyện về hoàng tử Đan Mạch, dùng yếu tố huyền ảo (hồn ma của
người cha báo mộng) để mở đầu cho bi kịch hoàng gia. Văn học thời Minh - Thanh
Trung Quốc cũng có những tác giả thành công khi sử dụng yếu tố huyền ảo trong tác
phẩm tạo nên những tiểu thuyết cổ điển có sức sống bền lâu (Tây du ký - Ngô Thừa
Ân, Liêu trai chí dị - Bồ Tùng Linh…). Ở văn học hiện đại, dù tư duy khoa học rất
phát triển, nhưng yếu tố huyền ảo lại hồi sinh, xuất hiện một cách đậm đặc trong sáng
tác của các tác giả Châu Âu (đại diện là Franz Kafka (Áo-Hung)), châu Á (đại diện là
Rabindranath Tagore (Ấn Độ), Yasunari Kawabata (Nhật Bản), đặc biệt là các nhà văn
châu Mỹ Latin (đại diện tiêu biểu là Gárcia Márquez)… Lúc này, từ “huyền ảo” được
sử dụng rộng rãi trong nền văn học hiện đại để chỉ những điều kì lạ, huyền diệu xảy ra
trong cuộc đời thực. Đó là việc con người biến thành bọ trong Hóa thân của Franz
Kafka; là những biểu tượng về cái đẹp siêu thực trong tác phẩm của Tagore hay
Kawabata; là con người có cánh, người hóa nhện của Márquez,… Điều này dẫn đến
hình thành Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học hiện đại.
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Tiếng Tây Ban Nha: realismo mágico) là trào
lưu văn học quan trọng của văn học châu Mỹ Latin, xuất hiện vào những năm 60 của
thế kỷ XX. Các nhà văn của trào lưu này thường mượn những truyền thuyết dân gian
cổ xưa để tạo ra các huyền thoại mới về hiện thực xã hội châu Mỹ Latin.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán khi viết về Chủ nghĩa hiện thực
huyền ảo cho rằng:
Nguyên tắc sáng tác của các nhà văn là “biến hiện thực thành hoang đường mà
không đánh mất tính chân thực”. Để gây hiệu quả hoang đường, các tác giả
thường sử dụng hình tượng biểu trưng, ngụ ý, liên tưởng, ám thị, phóng đại, khoa
trương, người và hồn ma bất phân, trật tự thời gian bị xáo trộn, thực và ảo hòa

quyện. Lăng kính huyền thoại đã giúp các nhà văn vạch trần hiện thực đen tối tàn
bạo của các chế độ độc tài, phê phán tình trạng khép kín văn hóa, đoạn tuyệt giao
lưu. (...) Họ thường dùng hồn ma vạch mặt bọn chủ trang trại tàn bạo, mượn thần


12

linh chỉ trích, chế giễu bọn độc tài bất lực, ngu độn, thậm chỉ mượn phù thủy trêu
chọc các nhà thống trị [27, tr.76-77].

Dòng văn học Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo có ảnh hưởng rộng lớn đến các sáng
tác văn học hiện đại trên thế giới. Sự ảnh hưởng này mang lại những màu sắc rất riêng
cho từng nền văn học, bởi yếu tố huyền ảo trong văn học xuất phát từ những huyền
thoại của từng dân tộc, từ đó nhà văn viết lại những huyền thoại mới.
Theo Phan Tuấn Anh trong Cái kì ảo trong văn học tiền hiện đại và cái huyền ảo
trong văn học hậu hiện đại thì “Ở Việt Nam, có thể chưa hình thành một trào lưu chủ
nghĩa hiện thực huyền ảo, nhưng sự tham gia của yếu tố huyền ảo vào trong tác phẩm
(…) đã tạo ra nhiều hiệu ứng thẩm mỹ và cảm quan mới về thực tại” [69].
Từ những ghi nhận trên, chúng tôi có thể kết luận như sau: Thứ nhất, yếu tố
huyền ảo được dùng trong văn học, đặc điểm của yếu tố huyền ảo trong văn học là sự
kết hợp giữa thực và ảo, người và ma (hay thần, tiên) bất phân, sử dụng môtip dân gian
hoặc biểu tượng ám thị, không gian thực - ảo hòa quyện, trật tự thời gian bị xáo trộn,
kể chuyện đa chủ thể. Thứ hai, dù văn học Việt Nam chưa hình thành Chủ nghĩa hiện
thực huyền ảo nhưng yếu tố huyền ảo vẫn xuất hiện trong từng tác phẩm, ở từng giai
đoạn, khi nhà văn kết hợp giữa chất liệu lịch sử đời sống và những điều hoang đường,
huyền bí nhằm thể hiện một dụng ý, ám dụ nghệ thuật.
1.1.2. Phân biệt “kì ảo” và “huyền ảo” trong văn học
1.1.2.1. Thuật ngữ “kì ảo” cũng có hai từ tố: “kì” (奇) và “ảo” (幻).
Cũng theo Từ điển Hán - Việt ( thì Từ điển phổ thông
định nghĩa từ tố “kì” là “kì lạ, lạ lùng”.

Trong Tự điển Tiếng Việt, Hoàng Phê định nghĩa: “kì” là “lạ đến mức làm người
khác phải ngạc nhiên”, và “kì ảo” là “kì lạ, tựa như không có thật mà chỉ có trong
tưởng tượng” [23, tr.518].
Xét về thuật ngữ, “huyền ảo” và “kì ảo” giống nhau ở chỗ đều không có thật;
nhưng khác nhau ở chỗ, “kì ảo” là cái kì lạ, khác thường, còn “huyền ảo” là cái hoang
đường, bí ẩn, hàm chứa ý nghĩa sâu xa.
Thuật ngữ “kì ảo” còn có tên tiếng Anh là “fantasy”, nghĩa là sự tưởng tượng, ảo
tưởng, ảo ảnh dị thường. Thuật ngữ này được dịch từ “phantasia” trong tiếng Latin


13

mang nghĩa điều tưởng tượng, về sau được hiểu như những hư huyễn, ma quỷ. Theo
Lê Nguyên Long trong Về khái niệm cái kì ảo và văn học kì ảo trong nghiên cứu văn
học thì: “Về mặt từ nguyên học, chữ ‘fantastic’ (tiếng Pháp: fantastique, tiếng Latin:
phantasticus), xuất hiện trong tiếng Anh Trung cổ thế kỷ XIV, vốn có nguồn gốc từ
tiếng Hy Lạp ‘phantastikos’, có nghĩa là ‘tạo ra những hình ảnh thuộc về tinh thần’,
chữ ‘phantazein’, nghĩa là ‘xuất hiện trong tâm trí’” [71].
Theo Todorov trong Dẫn luận về văn chương kì ảo, cái kì ảo là
sự kiện không thể giải thích được bằng những quy luật của chính cái thế giới quen
thuộc này. (…) Người cảm nhận sự kiện phải lựa chọn một trong hai giải pháp:
hoặc đây chỉ là ảo ảnh của giác quan, một sản phẩm của tưởng tượng và những
quy luật của thế giới này vẫn vậy; hoặc quả thật sự kiện đã diễn ra, nó là bộ phận
của toàn bộ thực tế, nhưng bây giờ thực tế ấy lại được điều hành bởi những quy
luật mà chúng ta không biết. (…) Cái kì ảo chiếm lĩnh thời gian của sự mơ hồ ấy:
tới khi chọn lấy một trong hai giải đáp, ta đã rời bỏ cái kì ảo để đi vào một thể
loại cận kề, cái lạ hoặc cái thần tiên. Cái kì ảo đó là sự lưỡng lự cảm nhận bởi
một con người chỉ biết có các quy luật tự nhiên, đối diện với một hiện tượng bên
ngoài mang tính siêu nhiên [57, tr.34].


Từ những quan niệm trên, có thể thấy các tác giả cơ bản thống nhất rằng “kì ảo”
là cái không có thật, được con người tưởng tượng hay cảm nhận bằng cảm quan siêu
nhiên, và kì ảo trong văn học tạo ra khoái cảm sợ hãi cho người đọc.
1.1.2.2. Về phân biệt giữa “kì ảo” và “huyền ảo”, Lê Huy Bắc trong công trình
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel Gárcia Márquez đã tổng kết và trình bày các
vấn đề về cái kì ảo - tác giả gọi là cái huyễn ảo. Theo đó, ông dùng thuật ngữ “văn học
huyễn ảo” để bao quát các dạng thức văn học thần ma, gothic, kinh dị, ma quỷ, phi
thường, siêu nhiên, kì ảo và huyền thoại. Văn học huyễn ảo xuất hiện từ khi con người
biết sáng tác văn chương, tuy nhiên nó là một trào lưu chứ không thể là một thể loại
[5, tr.15]. Sau đó, Lê Huy Bắc trình bày các giai đoạn của văn học huyễn ảo như sau:

STT

Thời
gian

Đặc điểm

Tên gọi

Tác giả

Quan niệm về

Thái độ

cái huyền ảo

về cái



14

huyền ảo

1

2

Cổ đại -

Cái huyền

Thần

Thế kỷ

tưởng (the

thoại, cổ

thứ XIII

mythical)

tích

Thế kỷ

Cái kì ảo


XIV -

(the

XIX

fantastic)

Văn học
kì ảo

Khuyết
danh

Shakespear,
Hoffmann,
Poe, Balzac

Ma quỷ, siêu
nhiên, thần

Không sợ

bí,... là ta
Ma quỷ, siêu
nhiên, thần
bí,... không

Sợ hãi


phải là ta
Ma quỷ, siêu

3

Thế kỷ
XX - nay

Cái huyền
tưởng (the
mythical)

Văn học
huyền ảo

Kafka,

nhiên, thần

Vừa sợ

Borges,

bí,... vừa là ta

vừa không

Márquez


vừa không

sợ

phải là ta

Có thể thấy bảng hệ thống của nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc khá rõ ràng và mạch
lạc, khái niệm “huyễn ảo” đã bao quát được các dạng thức mà những nhà nghiên cứu
trước đây ít nhiều đề cập đến ở nhiều chừng mực, mức độ. Nhưng trong quan niệm của
mình, Lê Huy Bắc đã đồng nhất “kì ảo” và “huyền ảo” (hay còn gọi là “huyễn ảo”) và
cho rằng văn học huyền ảo chỉ xuất hiện từ thế kỷ XX.
Trong Cái kì ảo trong văn học tiền hiện đại và cái huyền ảo trong văn học hậu
hiện đại, Phan Tuấn Anh là người đưa ra sự phân biệt giữa “huyền thoại”, “kì ảo” và
“huyền ảo”:
Chúng ta cần phân biệt cái huyền thoại (mythical), cái kì ảo (fantastic) và cái
huyền ảo (magical) trong nghiên cứu “văn học huyễn ảo” - với tư cách một kiểu
sáng tác xuyên suốt tiến trình văn học, có đặc trưng nghệ thuật là sự hòa quyện
giữa cái thực và cái ảo. Theo đó, đặc tính thẩm mỹ tương ứng của giai đoạn phát
triển của kiểu sáng tác văn học huyễn ảo là: huyền thoại: không sợ hãi; kì ảo: sợ
hãi; huyền ảo: vừa sợ lại vừa không sợ, mang tính giễu nhại [69].


15

Từ những quan điểm trên, chúng tôi thấy, vấn đề khái niệm “kì ảo” và “huyền
ảo” về cơ bản một số nhà nghiên cứu cho là giống nhau, chỉ khác tên gọi cho từng giai
đoạn văn học kì ảo nói chung. Về điểm này, chúng tôi đồng tình với nhận định của Lê
Huy Bắc, và xem đây là cơ sở lí luận để chúng tôi nghiên cứu đề tài. Nhưng trong
phạm vi đề tài, chúng tôi không bàn đến trào lưu hay giai đoạn văn học kì ảo mà chỉ
xét yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX. Xét về khái niệm,

chúng tôi thấy rằng, giữa “huyền ảo” và “kì ảo” không khác nhau lắm, bởi “huyền ảo”
vẫn phải mượn “kì ảo” làm chất liệu. Tuy nhiên, “huyền ảo” không hoàn toàn tưởng
tượng về một thế giới siêu thực mà phải xuất phát từ cái thực của lịch sử, đời sống
hoặc mượn cái ảo để làm biểu tượng ám dụ, hàm ý sâu xa. Từ đó, yếu tố “huyền ảo”
gây cảm giác lưỡng lự - nửa tin nửa ngờ, vừa sợ vừa không sợ - ở người đọc. Xét về
phương thức biểu hiện, yếu tố “kì ảo” thiên về phô diễn hình thức bên ngoài, rất dễ
thấy còn yếu tố “huyền ảo’ thiên về hàm chứa nội dung bên trong, phải nhìn thật kĩ
mới phát hiện được. Ở một góc độ nào đó, có thể xem “kì ảo” là chất liệu sáng tác văn
học, nghiêng về trí tưởng tượng phong phú của con người; còn “huyền ảo” là phương
thức sáng tác văn học, nghiêng về nhận thức, quan niệm của con người. Và truyện, ký
Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX với mục đích phản ánh hiện thực đời sống của một xã
hội đầy biến động thì việc yếu tố huyền ảo xuất hiện trong văn học (ở ký) hay được sử
dụng như một phương thức sáng tác (ở truyện) là một lựa chọn phù hợp. Vì thế chúng
tôi chọn “yếu tố huyền ảo” để gọi tên đề tài.
1.1.3. Cơ sở hình thành các yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế
kỷ XVIII - XIX
Như trên đã nói, việc xác định yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ
XVIII - XIX xuất phát từ bối cảnh lịch sử và đặc điểm thể loại, dựa trên thế giới quan
và tư duy nghệ thuật thời trung đại. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân có
sự xuất hiện yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX là do lịch
sử giai đoạn này có nhiều biến động, điều này sẽ tác động đến nhận thức của con
người nói chung và nhà văn nói riêng. Mặt khác, đây là giai đoạn hậu kỳ trung đại có
nhiều thay đổi về mặt tư tưởng, chuẩn bị một chuyển biến mới ở thời cận đại nên việc


16

sử dụng yếu tố huyền ảo trong văn học như một biểu tượng ẩn dụ là cần thiết, thể hiện
tính thời đại.
1.1.3.1. Thế giới quan trung đại kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian bản địa và

tư tưởng Nho - Phật - Đạo
Ở mỗi thời đại, con người đều có cách cảm thức về thế giới riêng của mình. Điều
đó hình thành nên thế giới quan của họ. Do điều kiện lịch sử và đời sống, nhận thức
của con người thời trung đại không giống với ngày nay. Thế giới quan của con người
trung đại còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thế giới quan thời cổ đại, họ quan niệm
vạn vật trong thế giới là một chỉnh thể.
Phương Đông có nhiều học thuyết ra đời (Dịch học, Nho giáo, Phật giáo và Đạo
giáo) có quan niệm về thế giới khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn xem thế giới là
thống nhất và con người chỉ là một phần trong đó.
Ở Việt Nam, thế giới quan trung đại chịu ảnh hưởng chủ yếu của phương Đông
(tư tưởng Nho - Phật - Đạo) nhưng vẫn giữ được tín ngưỡng dân gian bản địa.
Về tín ngưỡng dân gian, Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, dân tộc sống
bằng nghề lúa nước nên phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong nhận thức của
người Việt cổ chưa có thế giới quan cụ thể mà chỉ có những tín ngưỡng nguyên thủy.
Nói về tín ngưỡng dân gian người Việt, Phạm Kế trong Dân tộc và Tâm hồn Việt Nam
cho rằng:
Thờ cúng là một nét đặc trưng của dân tộc và con người Việt Nam, là đạo đức,
nhân sinh quan của Người Việt Nam xưa và tồn tại cho đến ngày nay.
Người ta cho rằng ngoài thế giới thực tại còn có thế giới khác. Đó là thế giới
“Thần linh” “đi mây về gió”, còn thế giới “trần gian” là người trần mắt thịt,
chưa thể biết được, hiểu được thế giới thần linh [41, tr.87].

Ông còn cho rằng thế giới thần linh có quan hệ với thế giới thực tại và chia làm
“Thiên đường”, “trần gian”, “địa ngục”. Quan niệm này ảnh hưởng đến thế giới quan
của người Việt thời trung đại.
Trước hết, trong điều kiện địa lí sinh thái khó khăn, con người luôn trông chờ
vào những điều tốt đẹp từ thiên nhiên nên thờ các vị thiên thần, nhiên thần: thần mặt
trời, thần nước, thần sông, thần mây, thần mưa, thần sấm,… Ngoài ra, để tạo nên môi



17

trường sống và cảnh quan của cư dân nông nghiệp, người Việt còn cầu sự phù hộ của
các thần núi, thần rừng, thần cây, thần đá,… Người Việt Nam quan niệm “Đất có thổ
công, sông có Hà Bá”, nghĩa là ở đâu cũng có người làm chủ, người cai quản. Từ việc
thần thánh hóa hiện tượng thiên nhiên, người Việt đi đến truyền thuyết hóa những địa
danh nơi mình sinh sống bằng những câu chuyện, những sự tích dân gian (Sự tích sông
Tô Lịch, Sự tích núi Tản Viên, Sự tích hòn Vọng Phu,…). Điều này vừa thể hiện tín
ngưỡng dân gian, vừa thể hiện thái độ ứng xử tích cực đối với môi trường sinh sống
của người Việt.
Trong quá trình sinh sống, xuất hiện những con người kì vĩ, có khả năng chống
lại thiên nhiên hoặc hướng dẫn cộng đồng phát triển cuộc sống, con người chuyển từ
thờ thiên thần, nhiên thần sang nhân thần. Ở mỗi làng đều thờ Thần hoàng bổn cảnh là
những người có công khai hoang lập ấp, trấn giữ và giúp đỡ nhân dân. Điều đặc biệt
của tín ngưỡng Việt Nam là một tín ngưỡng đa thần và âm tính (trọng tình cảm, trọng
nữ giới) nên tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời tiền sử kết hợp thờ thiên thần và nhiên
thần trong thờ Thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ. Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ
Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (mẫu Thượng Thiên ở
Thiên phủ, mẫu Thượng Ngàn ở Nhạc phủ, mẫu Thoải (Thủy) ở Thủy phủ), Tứ phủ
(ba phủ trên, có thêm mẫu Ỷ La ở Địa phủ). Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chức trong
Các nữ thần Việt Nam đã tổng hợp 75 câu chuyện kể về các Nữ thần với câu chuyện
về các nữ thần, các mẫu, các bà, các nàng và bà chúa,… [30]. Mặt khác, yếu tố tín
ngưỡng đa thần còn thể hiện qua việc con người đã sáng tạo ra những câu chuyện
truyền thuyết đậm chất huyền thoại kể về công tích, hành trạng các thần. Đó là thánh
Tản Viên Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh trong các câu chuyện về
Tứ bất tử. Hay mây - mưa - sấm - chớp đã trở thành ông Đùng, bà Đà hay bốn chị em
gái con của Man Nương Phật Mẫu.
Bên cạnh việc trồng lúa nước, con người còn phát triển dần chăn nuôi và những
hoạt động sinh sống khác nên việc thờ những ông tổ, bà tổ nghề - người có công lớn
đối với việc sáng lập và truyền bá một nghề - đã làm phát triển thêm hệ thống nhân

thần trong tín ngưỡng Việt Nam. Mặt khác, đi liền với việc trồng lúa nước và các hoạt
động sinh sống khác, với quan niệm nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt và con


18

người được sinh sôi nảy nở nên tín ngưỡng phồn thực xuất hiện; con người thờ cả biểu
tượng sinh thực khí nam nữ và biểu tượng của hành vi tính giao (các hình nam nữ đang
giao phối được khắc trên mặt trống đồng tìm được ở làng Đào Thịnh (Yên Bái), có
niên đại 500 trước Công nguyên). Đây là một tín ngưỡng khá lý thú, có ở khắp nơi trên
thế giới, nhưng chủ yếu là ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tín ngưỡng phồn
thực đi vào văn học, thể hiện ở những chi tiết người và thần có thể giao hoan, lí giải sự
thụ thai thần kì (ướm bàn chân hoặc uống nước thụ thai, mơ giao hoan với thần linh
hoặc các con vật giao hoan với con người,…).
Không chỉ thế, người Việt Nam còn thờ vật thiêng. Đầu tiên, người Việt thờ thần
lúa với nhiều lễ nghi, lễ hội liên quan đến việc trồng lúa nhằm tôn vinh hạt giống đem
lại mùa màng, lương thực cho nhân dân. Theo Nghiêm Đa Văn, văn học dân gian Việt
Nam còn có cả hệ thống huyền thoại ngàn mùa lúa nước, tức là hệ thống huyền thoại
gắn với hoạt động trồng lúa nước của người Việt. Bên cạnh đó, người Việt còn thờ cả
những vật gần gũi với cuộc sống con người như: thần cây đa, thần cây cổ thụ, thần cây
thị, thần giếng,… với quan niệm bất kì vật nào sống lâu năm đều có linh hồn. Nguyễn
Ngọc Chương trong Trầu cau, Việt Điện Thư đã nâng trầu cau thành một biểu tượng
thần thoại và cho rằng người Việt Nam sinh ra từ nguồn gốc Trầu và Cau [9, tr.18].
Các con vật như trâu, chim, rắn, ngựa, voi,... gần gũi với đời sống nông nghiệp cũng
được thờ như thần. Người dân còn đẩy các con vật lên thành mức biểu trưng như Tứ
linh (Long - Lân - Quy - Phụng) hay Tiên - Rồng. Theo truyền thuyết Lạc Long Quân
và Âu Cơ thì tổ tiên người Việt thuộc “họ Hồng Bàng” (có nghĩa là một loài chim nước
lớn), thuộc giống “Rồng Tiên”. Tiên được tín ngưỡng hóa từ giống chim của người
Việt cổ ở miền núi. Rồng được biểu tượng hóa từ loài rắn và cá sấu vùng sông nước.
Sự kết hợp rắn - chim, tiên- rồng đã tạo nên dòng dõi thần linh của người Việt - dòng

dõi cao quý không thua kém bất cứ tộc người nào. Đặc biệt hình tượng con rồng (hay
giao long), con hổ (hay ông Ba Mươi) và con rùa (hay thần Kim Quy) xuất hiện trong
nhiều truyền thuyết Việt Nam thường gắn liền với dòng tộc vua chúa, các vị tướng.
Một điểm nổi bật trong tín ngưỡng của người Việt là tục thờ ông bà, tổ tiên với
quan niệm “Chim có tổ, người có tông”. Người Việt xưa cho rằng con người gồm
phần thể xác và phần linh hồn. Một số dân tộc Đông Nam Á coi linh hồn gồm “hồn”


19

và “vía”. Vía được hình dung như phần trung gian giữa thể xác và linh hồn. Người
Việt cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm: Tinh
(sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần
(thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và
miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai vía nữa (hai
núm vú có vai trò quan trọng trong nuôi con). Hồn và vía dùng thể xác làm nơi trú
ngụ. Nếu phần hồn mà rời khỏi thể xác thì người đó chết. Khi chết là hồn đi từ
cõi dương gian đến cõi âm ty, cõi đó cũng được tưởng tượng có nhiều sông nước như
ở cõi dương gian, cần phải đi bằng thuyền nên nhiều nơi chôn người chết trong những
chiếc thuyền (mộ thuyền Đông Sơn). Tuy thuộc về thế giới khác, nhưng sau khi chết,
linh hồn không thể tiêu tan ngay mà vẫn còn tồn tại và vẫn tác động trực tiếp đến đời
sống con người, gây họa hay tác phúc cho con người. Đó chính là cơ sở của lòng tin
vào linh hồn và hình thành tục thờ cúng người chết - một hình thức tín ngưỡng cổ xưa
nhất của loài người.
Không chỉ thờ tổ tiên, người Việt còn thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ
nguồn” qua việc thờ các anh hùng lịch sử - những người khi sống có công đánh giặc
giữ nước, khi chết oai linh vẫn gây khiếp sợ kẻ thù hoặc phù hộ dân lành (Đức Thánh
Trần, Lê Lợi,…). Những nhân thần này còn được truyền thuyết hóa qua những câu
chuyện kì bí, huyền ảo làm tăng tính thiêng cho các anh hùng. Tín ngưỡng thờ anh
hùng lịch sử vừa thể hiện sự tôn kính, trọng vọng hiền tài nhân kiệt của dân tộc ta, vừa

bổ sung cho văn học những câu chuyện truyền thuyết có giá trị.
Đặc biệt, người Việt Nam còn thờ những dâm thần, tà thần vì cho rằng đây là
những linh hồn không siêu thoát, thường lang thang ở hai cõi và gieo rắc bệnh tật, tai
nạn cho con người. Theo quan niệm chính thống thì loại thần này không được thờ
nhưng nhân dân ta vẫn thờ ở những am, miếu khắp các đầu đường, góc cây, bến
nước,… Việc thờ này cho thấy niềm tin vào linh hồn, người Việt tin ma quỷ là có thật,
vừa thể hiện tâm lý lo sợ “người sao, ma vậy”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”;
vừa thể hiện đạo đức, sự tôn trọng của người sống đối với người chết.
Trong tín ngưỡng Việt Nam, thờ luôn đi liền với cúng, nên tín ngưỡng dân gian
của người Việt được biểu hiện thành các nghi thức tế lễ: lễ đảo vũ, lễ cúng trăng, lễ tế


×