Tải bản đầy đủ (.pdf) (100 trang)

Đảng bộ tỉnh phú thọ lãnh đạo thực hiện cải cách ruộng đất 1953 1957

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.15 MB, 100 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------------*---------------

NGUYỄN THỊ THÙY

ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN
CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT 1953- 1957

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ

HÀ NỘI – 2013

1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------------*---------------

NGUYỄN THỊ THÙY

ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN
CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT 1953- 1957

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Mã số: 60 22 56

Người hướng dẫn khoa học: PGS. Lê Mậu Hón

HÀ NỘI - 2013



2


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 4
Chương 1: ĐẢNG BỘ PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
RUỘNG ĐẤT VÀ GIẢM TÔ, GIẢM TỨC 1945 - 1954 .................................. 10
1.1. Một vài nét về tỉnh Phú Thọ và tình hình sở hữu ruộng đất trước
Cách mạng Tháng Tám 1945 ................................................................. 10
1.1.1. Một vài nét về địa giới, tự nhiên, kinh tế và dân cư tỉnh Phú Thọ .... 10
1.1.2. Tình hình sở hữu ruộng đất tại Phú Thọ trước Cách mạng Tháng
Tám 1945 .............................................................................................. 13
1.2. Thực hiện chính sách ruộng đất trong những năm 1945 – 1952.... 18
1.2.1.Chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ về vấn đề ruộng đất... 18
1.2.2. Phú Thọ thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ
thời kỳ 1945 – 1952 ............................................................................... 26
1.3. Phú Thọ tiến hành thực hiện giảm tô, giảm tức thời kỳ 1953 – 1954 .... 34
1.3.1. Chủ trương giảm tô, giảm tức của Đảng 1953 – 1954 .................. 34
1.3.2. Đảng bộ Phú Thọ chỉ đạo thực hiện giảm tô, giảm tức 1953 – 1954 .... 38
Chương 2: ĐẢNG BỘ PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG
CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ SỬA SAI 1954 – 1957 ................. 47
2.1.Thực hiện cải cách ruộng đất trong những năm 1954 - 1956 ........ 47
2.1.1. Chủ trương hoàn thành cải cách ruộng đất của Trung ương Đảng...... 47
2.1.2. Đảng bộ Phú Thọ chỉ đạo thực hiện cải cách ruộng đất ................ 49
2.2. Đảng bộ Phú Thọ chỉ đạo thực hiện sửa sai và hoàn thành
cải cách ruộng đất .................................................................................. 61
2.2.1. Những chủ trương và biện pháp tiến hành sửa sai ....................... 61
2.2.2. Thực hiện sửa sai của Đảng bộ Phú Thọ ...................................... 66
Chương 3: MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ ......... 82

3.1. Một số nhận xét ................................................................................ 82
3.2. Một số kinh nghiệm lịch sử .............................................................. 86
KẾT LUẬN ................................................................................................. 92
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................... 94
PHỤ LỤC.................................................................................................... 99

3


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nước ta với truyền thống là một nước có nền kinh tế nông nghiệp lâu
đời. Ruộng đất và người nông dân là những yếu tố cơ bản của nông nghiệp và
nông thôn, có mối quan hệ khăng khít với nhau. Ruộng đất là tư liệu sản xuất
quan trọng nhất, là loại tư liệu sản xuất đặc biệt, không có gì có thể thay thế
được, còn nông dân lao động là nhân tố quyết định quá trình sản xuất. Ruộng
đất được ông cha ta coi trọng như “tấc vàng”, bởi muốn sản xuất nông nghiệp,
bắt buộc người nông dân phải có ruộng đất.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, quần chúng nhân dân Việt Nam đã
không ngừng vươn lên; không ngần ngại tham gia vào những cuộc đấu tranh,
trở thành lực lượng hùng hậu cho cách mạng. Trong cuộc chiến tranh mà dân
tộc Việt Nam phải chịu đựng từ năm 1945 đến năm 1954 cũng vậy, cuộc
chiến chống lại đế quốc Pháp đã thức tỉnh những thôn xóm hẻo lánh nhất. Lần
đầu tiên trong cuộc đời họ, hàng triệu người nông dân đã bỏ làng ra đi, người
thì tham gia vào bộ đội, người thì làm dân công tiếp tế cho quân đội... Tất cả
những điều đó đã chứng minh cho lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc ta.
Tuy nhiên, cũng có một điều rằng, quần chúng nhân dân Việt Nam đã vươn
lên đấu tranh, không hẳn vì những bài diễn văn họ đã nghe, vì các sách mà họ
đã đọc, mà thật ra là vì cuộc sống buộc họ phải làm như vậy. Chiến tranh,
loạn lạc, đói khổ, cùng những tròng áp bức mà người nông dân phải chịu từ

chính quyền phong kiến thối nát, đến lũ đế quốc tàn bạo đã khiến họ đứng lên
đấu tranh. Hết năm này qua năm khác, chiến tranh đòi hỏi một sự đóng góp
ngày càng tăng về người, vũ khí và lương thực. Nông dân nước ta, giai cấp
chiếm 9/10 dân số cả nước là người cung cấp chủ yếu cho nhu cầu chiến tranh.
Chính vì vậy, việc đảm bảo quyền lợi của họ - vấn đề ruộng đất đã luôn được
Đảng ta quan tâm.

4


Ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của mình,
Đảng ta đã nhấn mạnh phải thực hiện cách mạng tư sản dân quyền và cách
mạng thổ địa, nhằm giải phóng dân tộc, xây dựng chính quyền và đem lại
ruộng đất cho dân cày. Tuỳ vào từng thời kỳ và nhiệm vụ của cách mạng, mà
Đảng ta đã có những chính sách đấu tranh hợp lý. Cũng như ngay sau khi
giành được chính quyền (8 – 1945), Đảng ta cũng đã chú trọng đến vấn đề
ruộng đất cho người nông dân. Tuy nhiên, vấn đề ruộng đất thực sự vẫn chưa
được giải quyết một cách triệt để. Do vậy, từ năm 1953 – 1957, Đảng ta đã
phát động một cuộc cải cách ruộng đất trên phạm vi toàn miền Bắc.
Cải cách ruộng đất là cuộc cách mạng to lớn nhằm xoá bỏ chế độ chiếm
hữu phong kiến về ruộng đất, thực hiện quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân,
giành quyền làm chủ thực sự cho nhân dân lao động ở nông thôn về mọi mặt.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Uỷ ban kháng chiến
hành chính Liên khu Việt Bắc, Đảng bộ Phú Thọ đã lãnh đạo nhân dân toàn
tỉnh cải cách ruộng đất. Công cuộc cải cách ruộng đất ở Phú Thọ đã đạt được
một số kết quả; song quá trình thực hiện cũng mắc phải một số sai lầm. Việc
đánh giá về công cuộc cải cách ruộng đất ở nước ta cũng đã có nhiều ý kiến
khác nhau, được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu, nhưng vẫn chưa có
công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ về quá trình Đảng bộ Phú Thọ lãnh
đạo công cuộc cải cách ở địa phương. Với lý do đó, tôi đã chọn đề tài: Đảng bộ

Phú Thọ lãnh đạo thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất (1953 – 1957)
làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Đảng của mình.
Trong khuôn khổ của luận văn, tôi tập trung nghiên cứu về quá trình Đảng bộ
Phú Thọ thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, lãnh đạo nhân dân
thực hiện cải cách ruộng đất (1953 – 1957), những kết quả và sai lầm và bước
đầu đưa ra những nhận xét, đánh giá.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Với mảng đề tài cải cách ruộng đất, cho đến nay đã có khá nhiều những
công trình nghiên cứu, tổng kết và in thành sách như: Cách mạng ruộng đất ở

5


Việt Nam của Hoàng Ước, Lê Đức Bình, Trần Phương (NXB Khoa học,
1968); Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 – 1960 của Văn phòng Quốc hội
(NXB Chính trị Quốc gia, 2000); Đánh giá đúng những thắng lợi của nhiệm
vụ phản phong và những sai lầm của cải cách ruộng đất của Văn Phong
(NXB Sự thật, 1956); Vấn đề ruộng đất ở Việt Nam của Lâm Quang Huyên
(NXB Khoa học xã hội, 2007).
Có những nghiên cứu được công bố trên tạp chí như: Cải cách ruộng
đất thành quả và những sai lầm của Văn Tạo (Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số
2 năm 1993); Cải cách ruộng đất với chiến thắng Điện Biên Phủ của Trương
Thị Tiến (Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5 năm 1984);...
Nghiên cứu được công bố trên luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ và Khóa luận
cử nhân:
- Khóa luận “Đảng lãnh đạo thực hiện chính sách ruộng đất 1945 1953” (1998) của Vũ Thị Hải, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã
hội và Nhân văn.
- Khóa luận cử nhân lịch sử “Quá trình giải quyết ruộng đất ở Thái
Nguyên từ sau cách mạng Tháng Tám đến hết cải cách ruộng đất” (2000),
của Nguyễn Duy Tiến, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và

Nhân văn.
- Luận văn “Đảng bộ Thái Bình lãnh đạo cải cách ruộng đất ở địa
phương 1955 - 1957” (2006) của Trần Thị Chinh, Khoa Lịch sử, Trường Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn.
- Luận văn thạc sỹ “Đảng bộ Nam Định lãnh đạo thực hiện cải cách
ruộng đất” (2006) của Cao Văn Đan, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn.
- Luận án tiến sỹ “Quá trình cải cách ruộng đất của Đảng ở Thanh
Hóa 1945 – 1954” của Lê Quỳnh Nga, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn.

6


Về nghiên cứu cải cách ruộng đất ở Phú Thọ có luận văn “Đảng bộ tỉnh
Phú Thọ thực hiện chủ trương xóa bỏ dần phạm vi bóc lột và thu hẹp chế độ
chiếm hữu ruộng đất” (2009) của Đỗ Khánh Chi, Khoa Lịch sử, Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Các công trình trên đã cho thấy được bức tranh sống động về cách
mạng ruộng đất ở Việt Nam, đồng thời cũng là những gợi mở hết sức quan
trọng cho tôi trong khi thực hiện luận văn này.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
- Trình bày sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Phú Thọ trong cải cách
ruộng đất.
- Đánh giá những thành tựu và sai lầm của Đảng bộ Phú Thọ trong quá
trình thực hiện cải cách ruộng đất ở địa phương từ 1953 – 1957.
- Rút ra một số kinh nghiệm về sự lãnh đạo và chỉ đạo trong cải cách
ruộng đất ở Phú Thọ.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Tập hợp và hệ thống những nguồn tài liệu có liên quan đến vấn đề
nghiên cứu, chủ yếu là các nguồn tài liệu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung
ương Đảng, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III và lưu trữ tại tỉnh Phú Thọ.
- Mô tả khách quan, toàn diện về chủ trương, biện pháp và quá trình
thực hiện cải cách ruộng đất và sửa sai ở Phú Thọ.
- Rút ra một số nhận xét, đánh giá về cải cách ruộng đất tại Phú Thọ.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Những chủ trương, biện pháp thực hiện cải cách ruộng đất của Đảng
bộ Phú Thọ.
- Quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách ruộng đất, công tác sửa sai và
kết quả.

7


4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Nghiên cứu quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng ruộng đất trên toàn
tỉnh Phú Thọ từ giảm tô giảm tức đến CCRĐ (và sửa sai) từ năm 1953 – 1957.
5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tài liệu
Trong luận văn của mình, tôi sử dụng hai nguồn tài liệu chính đó là:
5.1.1. Tài liệu đã công bố: Văn kiện Đảng toàn tập, Hồ Chí Minh toàn
tập; Các công trình khoa học, tạp chí, sách báo nghiên cứu về vấn đề cải cách
ruộng đất; những Nghị quyết, chỉ thị, báo cáo của Trung ương Đảng và Đảng
bộ tỉnh Phú Thọ.
5.1.2. Tài liệu lưu trữ tại: Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng,
Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, Thư viện Quốc gia Hà Nội, Trung tâm lưu trữ
UBND tỉnh Phú Thọ, Trung tâm lưu trữ Văn phòng Tỉnh uỷ tỉnh Phú Thọ.
Tuy nhiên, trong khi khai thác các nguồn tài liệu phục vụ cho đề tài

nghiên cứu, nhất là các tài liệu lấy từ Trung tâm Lưu trữ Văn phòng Tỉnh uỷ
tỉnh Phú Thọ và Trung tâm Lưu trữ UBND tỉnh Phú Thọ, tôi cũng gặp phải
một số khó khăn khi các tài liệu liên quan đến đề tài không còn được đầy đủ,
cũ nát và rất mờ, khó đọc, cho nên, việc phân loại cũng như hệ thống lại tài
liệu cũng gặp không ít khó khăn.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng phương pháp lịch sử là chủ yếu nhằm mô tả đúng sự thật lịch
sử diễn ra ở Phú Thọ.
Qua đó, sử dụng phương pháp logic, phương pháp phân tích, tổng hợp
nhằm đánh giá chính xác những chủ trương, biện pháp cải cách ruộng đất ở
Phú Thọ và kết quả.
Bên cạnh đó, đề tài còn sử dụng phương pháp thống kê, so sánh, lập
bảng nhằm trình bày những kết quả đã đạt được trong quá trình Đảng bộ Phú
Thọ chỉ đạo thực hiện chính sách ruộng đất.

8


6. Bố cục của luận văn
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo, luận văn
được kết cấu làm 3 chương:
Chương 1: Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo thực hiện chính sách ruộng
đất và thực hiện giảm tô, giảm tức trước 1954.
Chương 2: Lãnh đạo thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất và sửa sai
1954 – 1957
Chương 3: Một số nhận xét và kinh nghiệm lịch sử.
Tuy nhiên, do điều kiện hạn chế về thời gian và tìm kiếm các nguồn tư
liệu, luận văn mới chỉ bước đầu thực hiện được những mục đích căn bản đã đặt
ra. Và vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, chắc không thể tránh khỏi những
thiếu sót. Tôi mong rằng những khiếm khuyết đó sẽ được khắc phục thông qua

những góp ý chân thành của thầy cô và bạn đọc. Đó thực sự là cơ hội hết sức
thuận lợi cho tôi hoàn thiện đề tài này một cách sáng rõ và đầy đủ hơn.

9


Chương 1:
ĐẢNG BỘ PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN
CHÍNH SÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ GIẢM TÔ, GIẢM TỨC 1945 - 1954
1.1. Một vài nét về tỉnh Phú Thọ và tình hình sở hữu ruộng đất
trước Cách mạng Tháng Tám 1945
1.1.1. Một vài nét về địa giới, tự nhiên, kinh tế và dân cư tỉnh Phú Thọ
Phú Thọ là một tỉnh miền núi, nằm ở vị trí 21 độ đến 22 độ Vĩ bắc và
105 độ Kinh đông, có sông Lô là giới hạn tự nhiên với tỉnh Tuyên Quang và
Vĩnh Phúc, sông Đà là giới hạn tự nhiên với tỉnh Hà Tây cũ. Phía Bắc giáp
tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, Phía Đông giáp
tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Tây cũ, phía Tây giáp tỉnh Sơn La.
Là một trong những nơi được đánh giá là cái nôi của loài người, những
chứng tích còn lại là dấu vết hóa thạch và rất nhiều công cụ bằng đá được
khai quật nằm rải rác các địa bàn trong tỉnh, có niên đại cách đây từ 11 đến 18
ngàn năm. Phú Thọ là một trong những nơi tiêu biểu cho quá trình phát triển
văn hóa thời kỳ dựng nước, trong đó phải kể đến văn hóa Phùng Nguyên
(thuộc sơ kỳ đồng thau, tồn tại nửa đầu thiên niên kỷ thứ hai trước Công
nguyên) và Gò Mun (thuộc hậu kỳ đồng thau, khoảng cuối thiên niên kỷ thứ
hai đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên). Hàng nghìn năm qua, từ
khi Vua Hùng dựng nước Văn Lang cho đến ngày nay, địa bàn tỉnh Phú Thọ
đã trải qua biết bao đổi thay về địa danh và địa giới hành chính:
Thời Hùng Vương, địa bàn Phú Thọ nằm trong bộ Văn Lang, trung tâm
của nước Văn Lang. Thời Thục An Dương Vương với nhà nước Âu Lạc, Phú
Thọ nằm trong huyện Mê Linh.

Dưới thời Bắc Thuộc, Phú Thọ nằm trong địa bàn quận Mê Linh, Tân
Xương, Phong Châu.
Đến thời kỳ phong kiến độc lập, đơn vị hành chính là các đạo (lộ, trấn,
xứ, tỉnh), dưới là các phủ, châu, huyện, thay thế cho chế độ quận, huyện thời

10


kỳ trước, Phú Thọ thuộc lộ Tam Giang. Đầu triều Nguyễn, triều đại phong
kiến cuối cùng ở Việt Nam, địa bàn tỉnh Phú Thọ nằm trong hai tỉnh Hưng
Hóa và Sơn Tây. năm Minh Mạng thứ 12 (1931), nhà vua đã tiến hành cải
cách hành chính, đổi tất cả trấn trong cả nước thành tỉnh, điều chuyển một số
huyện từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, chia tách một số huyện lớn. Ở phạm vi hai tỉnh
Hưng Hóa và Sơn Tây, chuyển huyện Tam Nông thuộc tỉnh Sơn Tây về tỉnh
Hưng Hóa, tách huyện Thanh Xuyên phủ Gia Hưng của tỉnh Hưng Hóa thành
hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy (1833).
Trong thời kỳ Pháp thuộc, khi thực hiện chính sách chia để trị, thực dân
Pháp cũng đã tiến hành chia tách Phú Thọ nhiều lần: 1891, tỉnh một số huyện
của tỉnh Sơn Tây được chuyển sang thành lập tỉnh Hưng Hóa gồm Tam Nông,
Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy bỏ tổng Cự Thắng nhưng tăng thêm tổng
Tinh Nhuệ của Huyện Thanh Sơn, các huyện Sơn Vi, Thanh Ba và Phù Ninh
chuyển từ tỉnh Sơn tây sang. Ngày 9 tháng 12 năm 1892, Nghị định của toàn
quyền Đông Dương chuyển huyện Cẩm Khê nằm trong địa bàn tiểu quân khu
Yên Bái về tỉnh Hưng Hóa. Ngày 5 tháng 6 năm 1893, huyện Hạ Hòa tách
khỏi tiểu khu Yên Bái nhập vào tỉnh Hưng Hóa. Tháng 7/1895, hai châu
Thanh Sơn và Yên Lập thuộc quân khu Đồn Vàng chuyển về tỉnh Hưng Hóa.
Tháng 8/1895, hai huyện Hùng Quan và Ngọc Quan của phủ Đoan Hùng tách
khỏi tiểu quân khu Tuyên Quang thuộc đạo quan binh 3 Yên Bái nhập vào
Hưng Hóa. Năm 1900, lập thêm huyện Hạc Trì.
Ngày 5 tháng 5 năm 1903, toàn quyền Đông Dương ký Nghị định

chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Hóa lên làng Phú Thọ thuộc tổng Yên Phú
huyện Sơn Vi và từ đây tỉnh Hưng Hóa đổi thành tỉnh Phú Thọ.
Đến năm 1940, tỉnh Phú Thọ bao gồm hai phủ: Lâm Thao, Thanh Ba;
sáu huyện: Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Thủy, Hạc Trì, Cẩm Khê, Phù Ninh;
ba châu: Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, hai thị xã: Phú Thọ, Việt Trì và
một thị trấn là Hưng Hóa. Toàn tỉnh có 66 tổng, 467 làng xã, 22 phố. Ngày 26

11


tháng 1 năm 1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết 504, quyết định
hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, lấy Việt Trì
làm tỉnh lỵ của tỉnh. Ngày 06 tháng 11 năm 1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp
thứ 10 đã thông qua Nghị quyết “về việc chia và chuyển địa giới hành chính
một số tỉnh”, trong đó có việc tái lập tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, tỉnh Phú
Thọ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997. [4, tr 16,17]
Với một nền kinh tế nông nghiệp lâu đời, trước cách mạng Tháng Tám,
kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, vì vậy, vấn đề ruộng đất ở Phú Thọ cũng trở
nên khá gay gắt nhất là trong thời kỳ bị thực dân Pháp thống trị.
Là một tỉnh miền núi, nhưng địa hình Phú Thọ vừa có tính chất miền
núi, trung du, vừa có tính chất đồng bằng. Đoạn sông Hồng chảy qua Phú Thọ
(sông Thao) đã chia Phú Thọ thành hai miền có những đặc điểm khác nhau và
hình thành địa hình mang ba tính chất trên. Miền tả ngạn sông Hồng, gồm đất
đai các huyện Đoan Hùng, một phần Hạ Hòa, Thanh Ba, Phú Ninh, Lâm Thao
và ngoại thành Việt Trì có nhiều đồi gò nối tiếp nhau san sát như bát úp, phù
hợp cho phát triển cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây nguyên liệu
giấy, cây ăn quả.
Trước cách mạng Tháng Tám, Phú Thọ chủ yếu sản xuất nông nghiệp.
Từ sau ngày hòa bình lập lại, nhất là từ khi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ
nhất, Phú Thọ đã dần dần hình thành một tỉnh nông – công – lâm nghiệp. Các

khu công nghiệp đã giúp cho tỉnh có một diện mạo mới, tạo điều kiện phát
triển kinh tế - xã hội.
Về dân cư, Phú Thọ là nơi có dân cư thưa thớt, đặc biệt là thời kỳ trước
cách mạng Tháng Tám, các huyện miền núi, dân số hầu như không phát triển
được. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do điều kiện sinh sống khó
khăn, ăn ở không hợp vệ sinh, dịch bệnh, phần khác là do Phú Thọ là nơi có
căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa nên đã bị thực dân Pháp đàn áp dã man, làm
cho nhân dân phải lưu tán đi khắp nơi. Do dân cư thưa thớt nên dưới thời

12


phong kiến và Pháp thuộc, dân các vùng đồng bằng đã lên đây khai khẩn lập
nghiệp trở thành dân địa phương. Thời kỳ Pháp thuộc, Phú Thọ là nơi có
nhiều đồn điền mà tá điền chủ yếu là dân nghèo vùng đồng bằng do chủ chiêu
mộ lên. Chính điều đó đã làm cho dân số tăng lên. Đặc điểm trên cho thấy,
dân cư Phú Thọ là sự hòa quyện, hòa nhập một cộng đồng giữa người dân bản
địa sống lâu đời ở địa phương với đồng bào các tỉnh khác chuyển đến xây
dựng kinh tế từ thời phong kiến đến nay.
1.1.2. Tình hình sở hữu ruộng đất tại Phú Thọ trước Cách mạng
Tháng Tám 1945
Sau khi chiếm các tỉnh Nam kỳ, thực dân Pháp tiến hành đánh chiếm
các tỉnh Bắc kỳ để hoàn thành nốt công cuộc xâm lược trên phạm vi cả nước.
Ngày 16 tháng 12 năm 1883, thực dân Pháp chiếm tỉnh thành Sơn Tây.
Ngày 12 tháng 4 năm 1884, chúng đánh chiếm tỉnh thành Hưng Hóa, đến giữa
năm 1884, hầu hết Bắc kỳ đã lọt vào tay Pháp.
Dưới chính sách cai trị của thực dân Pháp, mọi mặt đời sống nhân dân
tỉnh Phú Thọ đã có sự thay đổi và tình hình ruộng đất cũng không nằm ngoài
số đó. Trong nông nghiệp, bọn thực dân khuyến khích, tạo điều kiện cho bọn
tư bản Pháp và một số địa chủ người Việt chiếm đoạt ruộng đất của nông dân

để lập đồn điền. Phú Thọ là tỉnh liên tiếp xảy ra các cuộc nổi dậy chống Pháp
của nghĩa quân phong trào Cần Vương. Thực dân Pháp coi tất cả những ruộng
đồng, nương rẫy của đồng bào bỏ hoang, phải lưu tán tránh các cuộc hành
quân chống phá của chúng là đất hoang vô chủ, đem cấp lại cho tư bản Pháp
lập đồn điền. Các chủ đồn điền không những không phải bỏ tiền ra mua đất
mà còn được miễn thuế năm năm liền. Nhiều địa chủ lập tới ba bốn đồn điền,
diện tích lên tới 2000 ha, ít nhất cũng có địa chủ chiếm tới 10 ha.
Việc chiếm đất lập đồn điền ở Phú Thọ tiến hành rất sớm, ngay trong
thời gian đánh chiếm và bình định (1886 - 1893), và kéo dài đến khi Nhật tiến
hành chiếm đóng. Vì vậy, tỉnh Phú Thọ là một trong những tỉnh có nhiều đồn

13


điền của Pháp và diện tích chiếm đóng lớn. Nếu tính từ tên địa chủ Pháp đầu
tiên lập đồn điền ở Phú Thọ là Duysomanh (Duchemin), lập đồn điền ở Đoan
Hùng với diện tích 500 ha theo Nghị định toàn quyền Đông Dương cấp ngày 4
tháng 5 năm 1889, đến cuối cùng là Rơnie (Renei’) chiếm 22 ha ở Đồng Lương
– Cẩm Khê năm 1942, thì tỉnh Phú Thọ có tất cả 23 địa chủ Pháp lập 45 đồn
điền với tổng diện tích là 10,521 ha. Tất nhiên, số địa chủ Pháp này không cố
định mà chúng có mua đi bán lại đồn điền cho các địa chủ người Việt.
Trong các đồn điền của địa chủ người Pháp, chủ yếu là trồng cây ăn
quả, lúa nước với kỹ thuật thô sơ, lạc hậu và hình thức bóc lột vẫn là hình
thức tô thuế như thời phong kiến. Cũng có một số địa chủ bỏ vốn kinh doanh
cây công nghiệp như: sơn, chè, cà phê và chăn nuôi gia súc, bóc lột theo lối tư
bản. Ở những đồn điền này, công nhân nông nghiệp hưởng lương theo ngày,
mỗi ngày làm việc từ 10 đến 12 giờ dưới sự giám sát của cai ký. Số nông dân
làm việc trong các đồn điền này phần lớn là nông dân bị bần cùng hóa, mất
ruộng nương, phần khác là nông dân ở các tỉnh đồng bằng lên.
Chính quyền thực dân cho xây dựng một số công trình tiểu thủy nông

như cống, đập, kênh mương và lập trại thí nghiệm ở Phú Hộ. Nhưng các công
trình và trại thí nghiệm này không phải là mở mang kinh tế, là “khai hóa’ cho
dân thuộc địa Việt Nam như chúng đã tuyên bố, mà chủ yếu là để phục vụ cho
các đồn điền lớn, để bọn thực dân vơ vét của cải của nhân dân trong tỉnh ngày
càng nhiều hơn. Trại thí nghiệm ở Phú Hộ được lập năm 1918, trong trại có
xưởng làm chè (vò, cắt, sấy bằng máy) và những nghiên cứu chọn giống chè
tốt, nghiên cứu cách trừ sâu bệnh, cách dùng phân hóa học, cách chăm sóc
cây để có năng xuất tốt hơn. Ngoài những công việc đó, tư bản Pháp còn
chiếm hơn 1000 ha đất đai vùng này để lập đồn điền, bóc lột hàng trăm công
nhân nông nghiệp làm ở đây (95 ha trồng cà phê, 39 ha trồng chè, 35 ha trồng
sơn, 64 ha trồng lúa, 33 ha trồng cây ăn quả, 223 ha trồng cây cỏ chăn nuôi
gia súc và 830 ha trồng rừng). Trại thí nghiệm Phú Hộ có công bố một số kết

14


quả nghiên cứu trên tạp chí bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Nhưng chỉ các đồn
điền mới có thể áp dụng được những kết quả nghiên cứu của trạm, còn nông
dân lao động thì không có điều kiện và không biết chữ để áp dụng.
Do thủy lợi không được chú ý, thiên tai dịch bệnh thường xuyên xảy ra,
phương pháp canh tác vẫn lạc hậu như thời phong kiến, nên nhìn chung diện
tích lúa chỉ cấy được một vụ chiêm hoặc vụ mùa, sản lượng lương thực rất
thấp. Theo “Địa chí Phú Thọ năm 1931”, toàn tỉnh Phú Thọ có 38 400 ha cấy
lúa, tổng sản lượng đạt 46 000 tấn, năng xuất bình quân đạt hơn 10 tạ một ha.
Phú Thọ là tỉnh có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, nhất là các xã
vùng ven sông Hồng và sông Đà, Nhằm khai thác nguồn lợi tơ lụa tại đây,
chính quyền thực dân Pháp đã lập ra ba sở tằm ở Việt Trì, La Phù và Thanh
Ba. “Các sở tằm trên nghiên cứu cách trồng và chăm sóc dâu, chọn giống dâu
và chọn giống tằm tốt nhằm ấp trứng bán cho dân. Mỗi sở tằm có một số máy
ươm tơ và quay tơ, đồng thời cũng công bố một số kết quả nghiên cứu đăng

trên tạp chí” [4, tr 30].
Cùng với vơ vét của cải tài nguyên, cướp đoạt ruộng đất của nông dân,
bóc lột nhân công, thực dân Pháp còn thẳng tay bóc lột nhân dân trong tỉnh
bằng chính sách thuế khóa rất nặng nề. Thuế đinh (còn gọi là thuế thân) đánh
vào xuất đinh từ 18 tuổi đến 60 tuổi có từ thời phong kiến vẫn được duy trì và
tăng cao dần. Những huyện miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống,
thực dân Pháp không thu thuế đinh mà thu thuế theo gia đình và theo các dân
tộc khác nhau. Mỗi gia đình người Mường mỗi năm phải nộp 3,5 đồng, gia
đình người Dao phải đóng 2 đồng. Thuế điền đánh vào diện tích canh tác theo
đầu mẫu bao gồm 5 hạng: hạng nhất 2,5 đồng, hạng nhì 1,5 đồng, hạng ba 1
đồng, hạng tư 0.2 đồng và hạng năm là 0,02 đồng trên một mẫu. Phân hạng
như vậy, nhưng khi phân bổ thuế, bọn kỳ hào thường đánh đồng xấu tốt như
nhau nên người nông dân vừa ít ruộng, vừa ruộng xấu lại phải đóng thuế thay
cho bọn địa chủ có nhiều ruộng và ruộng tốt. Tính riêng đến năm 1930, Phú

15


Thọ có 62,960 xuất đinh, phải đóng 151.220,15 đồng thuế đinh và 192.762,16
đồng thuế điền; cả hai loại thuế này phải đóng tương đương với 7.490 tấn
thóc (giá thóc thị trường năm 1930 là 4,6 đồng một tạ).
Thuế khóa đủ loại và ngày càng tăng đã đem lại cho bọn thực dân nguồn
thu lớn, còn đối với người dân lại là một tai họa. Khi đến vụ thuế, nhiều gia đình
nông dân phải bán chạy tài sản vốn đã ít ỏi hoặc đến nhà địa chủ vay lãi với lãi
suất cắt cổ để có tiền nộp thuế. Những cảnh quan lại, kỳ hào sai tuần đinh bắt
trói đánh người dân thiếu thuế ở đình, ở điếm, năm nào cũng xảy ra. Có những
người không đủ tiền nộp thuế phải nhận làm tá điền trong các đồn điền hoặc vì
sợ bị đánh, bị tù mà phải bỏ làng trốn đi nơi khác kiếm ăn.
Dưới đòn roi cai trị của thực dân Pháp, những chính sách hà khắc và
bất công, xã hội Việt Nam nói chung và tại tỉnh Phú Thọ nói riêng đã có

những biến đổi sâu sắc. Trên phương diện nghiên cứu tình hình ruộng đất,
giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân được chú trọng phân tích ở đây, cho
thấy rằng, xã hội nông thôn và tình hình sở hữu ruộng đất ở Phú Thọ dưới
thời kỳ Pháp thuộc là một vấn đề bức thiết:
Giai cấp địa chủ: Dựa vào thực dân Pháp và được thực dân Pháp nuôi
dưỡng, giai cấp địa chủ đã chiếm đoạt nhiều ruộng đất và bóc lột nông dân thậm
tệ. Có địa chủ đồn điền rộng tới 1.360 ha như Trịnh Xuân Nghĩa ở Phù Ninh,
nhiều đồn điền khác rộng tới 400 – 500 ha. Theo số liệu thống kê tại Ty địa
chính Phú Thọ lập ngày 12 tháng 8 năm 1946 thì đến cách mạng Tháng Tám
năm 1945, trừ hai huyện Thanh Ba và Hạc Trì vẫn chưa thống kê được, còn lại 9
huyện trong tỉnh có các đồn điền lớn, số địa chủ và diện tích chiếm đoạt như sau:
- 27 địa chủ người Việt chiếm 7.018,1 ha lập 41 đồn điền
- 16 địa chủ người Pháp chiếm 6.210,52 ha lập 22 đồn điền
- 2 địa chủ người Hoa chiếm 361,2 ha lập 2 đồn điền.
Như vậy, chỉ 45 địa chủ (Pháp, Hoa, Việt) đã chiếm tới 13.589,82 ha lập 65
đồn điền trên tổng số diện tích toàn tỉnh theo thống kê lúc bấy giờ là 73,740 ha.

16


Nếu kể cả những đồn điền nhỏ và những địa chủ không đủ điều kiện
lập đồn điền, chỉ phát canh thu tô thì tổng số ruộng đất giai cấp địa chủ đã
chiếm đoạt lên tới 70% tổng số diện tích toàn tỉnh.
Hình thức bóc lột của địa chủ trong các đồn điền là địa tô và nhân công.
Tá điền được chủ giao trâu và giao ruộng để cày cấy, đến vụ thu hoạch tá điền
phải trả công trâu và nộp địa tô. Lấy đồn điền Phú Lộc của địa chủ Trịnh
Xuân Nghĩa làm thí dụ: Đồn điền Phú Lộc có 500 tá điền, mỗi mẫu ruộng cấy
lúa phải nộp 8 thúng thóc khô địa tô, mỗi thúng 25 kg; đất trồng sơn, sắn nộp
địa tô tiền, mỗi mẫu 2,5 đồng. Trâu thuê mỗi năm nộp 10, 8 hoặc 6 đồng tùy
theo trâu khỏe, trung bình hay yếu. Ngày Tết, giỗ, tá điền phải đến phục dịch

và phải có lễ vật biếu chủ. Ngoài số tá điền làm trong đồn điền, chủ còn thuê
nhân công đến làm sơn, chè, cà phê với giá nhân công rẻ mạt, chỉ có 0,12
đồng đến 0.18 đồng một ngày, trong khi giá nhân công bên ngoài là 0,2 đồng.
Vì bị bóc lột nên tá điền đã đấu tranh đòi giảm tô, đòi ruộng đất, nhưng các
cuộc đấu tranh của tá điền đều bị chủ báo cho thực dân Pháp đưa binh lính về
đồn điền đàn áp, bắt giữ người cầm đầu.
Nhìn chung, giai cấp địa chủ, nhất là đại địa chủ, cấu kết chặt chẽ với
đế quốc Pháp. Chúng nắm giữ bộ máy hào lý ở làng xã, bóc lột hà hiếp nhân
dân. Chúng là đối tượng của cách mạng. Tuy nhiên, do cao trào chống Nhật
cứu nước, do bị thực dân Pháp – Nhật động chạm mạnh đến quyền lợi và do
tiếng vang của các chiến khu cách mạng dội về nên một số địa chủ nhỏ có
tinh thần yêu nước đã ủng hộ cách mạng, tham gia và cho con em tham gia và
các đoàn thể cứu quốc, một số gia đình họ là nơi lui tới của cán bộ cách mạng.
Giai cấp nông dân: chiếm 90% dân số toàn tỉnh, nhưng chỉ chiếm 30%
diện tích đất canh tác. Bị mất ruộng, bị bần cùng hóa, nhiều nông dân đã phải
lĩnh canh ruộng địa chủ nộp tô thuế, một số người đến làm tá điền ở các đồn
điền lớn. Vốn đã có mâu thuẫn truyền kiếp với giai cấp địa chủ phong kiến,
nay lại thêm mối thù hận sâu sắc với đế quốc Pháp, nên nông dân Phú Thọ đã

17


tham gia hầu hết các phong trào yêu nước chống Pháp. Từ khi được cán bộ
Đảng giác ngộ, nông dân đã trở thành lực lượng chủ yếu hoạt động trong các
phong trào và tổ chức cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo.
Cuối năm 1939, chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập tại Phú Thọ ở Cát
Trù – Thạch Đê (thường gọi là chi bộ Đọi Đèn), sau đó, các chi bộ Thái Ninh,
Phú Hộ, chi bộ nhà máy bột giấy Việt Trì lần lượt ra đời. Dưới sự hoạt động
tích cực của các đồng chí ủy viên xứ ủy Bắc kỳ, các chi bộ Đảng ở Phú Thọ
ngày càng mở rộng, đòi hỏi phải có sự thống nhất chỉ đạo. Vì vậy, tháng 3

năm 1940, Ban cán sự tỉnh Phú Thọ (tỉnh ủy lâm thời) được thành lập, do
đồng chí Đào Duy Kỳ làm Bí thư, đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ Phú Thọ.
Trải qua thời gian xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Phú Thọ đã lãnh đạo
nhân dân tham gia kháng chiến, chống Nhật, đánh đuổi thực dân Pháp, cùng
với nhân dân cả nước làm nên thành công cho cách mạng Tháng Tám. Ngay
sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dưới sự chỉ đạo của Trung
ương Đảng, phát huy chức năng lãnh đạo quần chúng của mình, Đảng bộ tỉnh
Phú Thọ đã thi hành những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước,
tiến hành lãnh đạo quân và dân trong tỉnh xây dựng, củng cố, phát triển kinh
tế tỉnh nhà, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần vào sự
nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.
1.2. Thực hiện chính sách ruộng đất trong những năm 1945 – 1952
1.2.1.Chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ về vấn đề
ruộng đất
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra một trang sử mới
cho dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn kết trong
Mặt trận Việt Minh đã lật đổ ách thống trị của Phát - xít Nhật và tay sai, giải
phóng dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.
Ngay sau khi thành lập, chính quyền cách mạng còn non trẻ đã phải đối
mặt với những khó khăn rất lớn của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Tại

18


miền Bắc, khoảng 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch, gồm 4 đoàn quân do
tướng Lư Hán làm tổng chỉ huy, lũ lượt kéo vào đóng ở Hà Nội và hầu hết các
thành phố, thị xã từ biên giới Việt – Trung đến vĩ tuyến 16, với ý đồ tiêu diệt
Đảng cộng sản Đông Dương. Tại miền Nam, tình hình còn phức tạp hơn khi
quân đội Anh đồng lõa, giúp cho thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần
thứ hai ngày 23 tháng 9 năm 1945. Trong khi đó, lực lượng về mọi mặt của

nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa kịp củng cố và phát triển. Nền kinh
tế của đất nước vốn nghèo nàn lạc hậu, đã bị kiệt quệ nặng nề do chính sách
bóc lột vơ vét của thực dân Pháp – Nhật trong mấy chục năm thống trị của
chúng, công nghiệp thì lạc hậu, đình đốn, nông nghiệp thì tiêu điều vì hơn
50% ruộng đất ở Bắc Bộ bị bỏ hoang do lụt lội, hạn hán gây nên. Nhất là khi
nạn đói đầu năm 1945 vừa mới chấm dứt, đã cướp đi sinh mạng của hai triệu
đồng bào ta thì nguy cơ một nạn đói mới đang đe dọa...
Trước tình hình như vậy, việc đầu tiên trong công cuộc khôi phục kinh tế,
bước đầu xây dựng nền kinh tế độc lập và dân chủ, phục vụ cho cuộc kháng
chiến. Đứng trước những khó khăn về kinh tế, trong phiên họp ngày 3 – 9 –
1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã quyết định phải
chống “giặc đói”, phát động ngày một phong trào tăng gia sản xuất. Việt Minh
và các đoàn thể cứu quốc đã vận động nhân dân cứu trợ đồng bào những nơi
đang bị đói. Nhiều sáng kiến cứu đói được thực hiện như tổ chức lạc quyên, tổ
chức “ngày đồng tâm” nhịn ăn, lập “hũ gạo cứu đói”… đã trở thành một phong
trào quần chúng rộng lớn. Số gạo tiết kiệm được đem phân phát cứu dân đói, dân
nghèo. Truyền thống đồng cam cộng khổ “một miếng khi đói bằng một gói khi
no”, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta được khơi dậy mạnh mẽ.
Khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa” được đề ra
và thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng” là biện pháp cơ bản để giải quyết
nạn đói từ gốc. Vì chỉ có tăng gia sản xuất mới giải quyết được nạn đói một
cách lâu dài, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp xâm

19


lược, thực hiện khẩu hiệu “kháng chiến, kiến quốc” thành công. Một phong
trào tăng gia sản xuất rộng lớn được diễn ra trong toàn dân. Chính phủ lập ra
Ủy ban Trung ương phụ trách vấn đề sản xuất. Việc củng cố đê điều, phòng
hạn chống lũ lụt được đẩy mạnh.

Đồng thời với Sắc lệnh tăng gia sản xuất, hàng loạt những chính sách
phục vụ cho nông nghiệp và mang lại quyền lợi cho nông dân cũng được
Đảng và Chính phủ đề ra:
Ngày 7 – 9 – 1945: Chính phủ ra Sắc lệnh số 11 bãi bỏ thuế thân – một
thứ thuế độc ác và vô lý đánh vào người dân.
Ngày 27 – 9 – 1945: Chính phủ ra Sắc lệnh số 38 bãi bỏ các thứ thuế
môn bài và giảm phụ thu ngân sách, thuế dưới 50 đồng, thuế chợ, thuế thổ
trạch ở nông thôn được bãi bỏ.
Ngày 20 – 10 – 1945: Chính phủ ra Sắc lệnh giảm tô 25% so với mức
địa tô trước Cách mạng Tháng Tám.
Ngày 26 – 10 – 1945: Chính phủ ra Nghị định giảm thuế ruộng đất 20%
và miễn thuế hoàn toàn cho những vùng lũ lụt.
Để hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của nông dân, tháng 11 – 1945, Bộ Nội vụ ra
thông tư quy định giảm tô 25% so với mức trước ngày Cách mạng Tháng Tám.
Tuy nhiên, Chính quyền cách mạng chưa thể thực hiện ngay những cải
cách dân chủ nhằm đem lại ruộng đất cho nông dân. Để có thể tập trung lực
lượng cho kháng chiến và kiến quốc trong thời điểm nhạy cảm và khó khăn
này, thì thực hiện cuộc cải cách ruộng đất ngay là không thể, vì nó sẽ động
chạm đến quyền lợi của một bộ phận giai cấp đã có những đóng góp không
nhỏ đối với cuộc cách mạng dân tộc, sẽ phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân
đang cần củng cố hơn bao giờ hết. Chủ trương của Nhà nước ta “… trong
hoàn cảnh Đông Dương hiện thời, các giai cấp muốn thoát khỏi cảnh nô lệ,
nhất định phải nhường nhịn nhau, đặt quyền lợi của giai cấp dưới quyền lợi
của dân tộc” [23, tr 300]. Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Ban chấp hành

20


Trung ương Đảng đã nêu rõ việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa nông dân
và địa chủ: “làm cho tá điền và địa chủ nhân nhượng nhau để tiếp tục cày cấy

như thường, thực hiện khẩu hiệu “không một thước đất bỏ hoang”, tổ chức
tiếp tế, ngăn cấm đầu cơ tích trữ, tổ chức cứu tế, thực hiện khẩu hiệu
“”nhường cơm sẻ áo” của Hồ Chủ tịch. Về phần Chính phủ phải lo nhập cảng
ngũ cốc. Những công việc trên đây muốn có kết quả, các đồng chí phải hết
sức vận động các tầng lớp phú hào, địa chủ tham gia” [24, tr 25]. Tuy chưa
phải là thời điểm thích hợp để thực hiện một cuộc cách mạng ruộng đất, song
việc đem lại quyền lợi kinh tế bước đầu cho nông dân là điều quan trọng để
nông dân tin theo Đảng và Chính phủ, hăng hái tham gia sản xuất. Những chủ
trương về giảm tô, giảm thuế ruộng đất mà Đảng và Chính phủ đã đề ra là
một sự khích lệ lớn lao cho quần chúng nhân dân lao động tại nông thôn.
Tháng 12 năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, những
thông tư, chính sách ban hành về việc giảm tô, giảm tức vẫn chưa được thực
hiện thì toàn dân đã phải dốc sức cho cuộc kháng chiến. Khẩu hiệu “toàn dân
đoàn kết” lại được củng cố và nhấn mạnh hơn bao giờ hết.
Đến ngày 15 – 1 – 1948, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng lần thứ
hai lần đầu tiên đã đề ra một cách có hệ thống chính sách ruộng đất của Đảng
trong kháng chiến gồm có những việc sau đây:
1- Triệt để thực hiện việc giảm 25% địa tô (do nhiều nơi chưa làm).
2- Bài trừ những thứ địa tô phụ như tiền trình gặt, tiền đầu trâu, lễ lạt
quá nặng.
3- Bỏ chế độ quá điền
4- Đem ruộng đất và tài sản của bọn phản quốc tạm cấp cho dân cày nghèo,
hoặc giao cho bộ đội cày cấy để tự cấp phần nào (sẽ có chỉ thị riêng).
5- Chia lại công điền cho hợp lý và công bằng hơn.
6- Đem ruộng đất, đồn điền của địch cấp cho dân cày nghèo, chấn
chỉnh các đồn điền cho Chính phủ quản lý.

21



7- Chấn chỉnh các Hợp tác xã của dân cày và khuyến khích việc làm
giúp nhau, đổi công.
8- Cấp trâu bò, hạt giống cho nông dân ở các vùng bị địch tàn phá.
9- Mở mang việc vận tải và chỉ huy nông nghiệp để giữ giá nông sản.
10-Tiếp tế, vận tải hàng hóa cần thiết cho nông dân.
11- Ấn định giá nhân công (công nhật, công mùa) cho chủ ruộng đỡ thiệt.
12- Địa tô của các đồn điền mà chủ điền đã đi vắng lâu ngày hay ở
trong vùng địch kiểm soát tạm giao cho Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh
để dùng cho việc tiếp tế nạn nhân, tổ chức làng chiến đấu, võ trang nhân dân,
v v… (Chính phủ đảm bảo việc hoàn lại địa tô ấy cho chủ ruộng khi nào chủ
ruộng trở về và xét được hưởng địa tô ấy).
13-Củng cố đê điều, ấn định mọi biện pháp phòng lụt, sửa sang dẫn
thủy nhập điền.
14-Tùy từng địa phương mà đặt ra lệ thuế bằng nông sản để cho dân quê
dễ nộp. Giảm thuế hoặc xá thuế cho vùng chiến sự mà không cày cấy được.
15-Điều tra ruộng đất để bỏ thuế “khống thu” và tiêu diệt chế độ “điền
bất cấp bạ”.
16- Chấn chỉnh tín dụng sản xuất.
17- Điều tra về nợ để quy định tiền nợ lãi cho dân quê (nhất là lệ vay
thóc thùng).
Nghị quyết đã định rõ chính sách ruộng đất của Đảng trong kháng
chiến, nó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách
dân chủ của cách mạng Việt Nam. Sau đó ít lâu, 5 - 1948, Hội nghị cán bộ
Trung ương lần thứ 4, trong khi bàn về vấn đề cải thiện dân sinh, đã đề ra
những chủ trương cụ thể hơn trong việc xử lý ruộng đất và tài sản của bọn
Việt gian và của thực dân Pháp đã quyết định:
1- Tịch thu ruộng đất và tài sản của Việt gian (đưa ra tòa tuyên án rõ
ràng). Ruộng đất thì UBKCHC thu cho dân cày cấy, còn tài sản thì tùy trường

22



hợp cấp cho dân cày hoặc UBKCHC thu sử dụng (việc chia ruộng đất cho dân
cày phải lên kế hoạch đầy đủ).
2-Những ruộng đất của Việt gian bị giết hồi khởi nghĩa mà hiện các
đoàn thể sử dụng thì phải giao lại cho bên Chính quyền (những ruộng đất này
phải hợp pháp hóa).
Chú ý: Khi tịch thu thì chỉ tịch thu của những người có tội.
3-Chính phủ tạm thời quản lý các đồn điền của Pháp.
4-Những ruộng đất mà trước đây các điền chủ Pháp cướp của dân mà
có bằng cớ rõ ràng thì trả lại cho dân.
5-Thành lập ở mỗi đồn điền một ban quản trị gồm một đại biểu hành
chính (huyện, hoặc tỉnh), một đại biểu bộ canh nông, ba đại biểu tá điền. Kế
hoạch của ban quản trị phải được UBKCHC khu chuẩn y. Nhiệm vụ Ban quản
trị là phân phối ruộng cho dân, giúp đỡ lên kế hoạch cho dân cày cấy, làm thế
nào khỏi đất bỏ hoang, thu được hoa lợi.
Như vậy, những chủ trương, chính sách ruộng đất của Đảng những năm
này là tập trung đánh mạnh vào sở hữu ruộng đất của bọn đế quốc, tư bản
Pháp và những kẻ phản quốc. Việc Đảng chủ trương đưa thực dân Pháp và
Việt gian ra tòa án một mặt tỏ rõ uy thế, sức mạnh của Chính quyền, mặt khác
có tác dụng răn đe, cảnh cáo bọn phản cách mạng. Chính sách này không
những mang lại lợi ích cho dân cày mà còn có tác dụng phân hóa giai cấp địa
chủ phong kiến theo hướng có lợi ích cho cách mạng, đảm bảo khối đại đoàn
kết toàn dân. Việc mở rộng những cải cách quản lý đất đai, bỏ những luật lệ, tô
thuế vô lý như chế độ quá điền, địa tô phụ…, việc đã hoàn thiện dần các chính
sách giảm tô, giảm tức và chia lại ruộng đất đã khiến nông dân phấn khởi.
Cùng với thành công của cách mạng Tháng Tám, những lợi ích bước đầu được
hưởng khiến niềm tin vào Đảng, vào cách mạng được củng cố trong toàn dân.
Tháng 8 – 1948, Trung ương triệu tập Hội nghị cán bộ lần thứ năm,
Nghị quyết của Hội nghị ghi rõ:


23


“Dưới Chính quyền cách mạng cải lương đổi thành cái chống lại nó, cải
lương biến thành cách mạng, dưới Chính quyền mới do giai cấp vô sản lãnh
đạo, nhiều cuộc cải cách cộng lại có thể thành một cuộc cách mạng.
Xuất phát từ đặc điểm của cách mạng ở nước ta, Hội nghị đã xác định
phương thức tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất như sau:
… Dùng phương pháp cải cách mà dần dần thu hẹp phạm vi bóc lột của
địa chủ phong kiến bản xứ: như giảm tô, đồng thời sửa đổi chế độ ruộng đất
(trong phạm vi không có hại cho mặt trận thống nhất chống thực dân Pháp
xâm lược). Chính vì thế mà Trung ương Đảng đã quyết định về vấn đề ruộng
đất và cải thiện đời sống cho dân cày trong Hội nghị Trung ương mở rộng đầu
năm nay (15 – 1 - 1948). Đó cũng là một cách thực hiện cách mạng thổ địa
bằng lối riêng biệt” [58, tr 16].
Trong giai đoạn từ 1949 – 1952, với chủ trương đưa cuộc kháng chiến
bước vào giai đoạn mới, cuộc đấu tranh để thực hiện dân chủ với nông dân
cũng được đẩy tới bước quan trọng. Một loạt những Sắc lệnh, Thông tư, Nghị
định của Nhà nước về ruộng đất được ban hành. Tất cả những chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước lúc này đều nhằm tác dụng chính là thỏa mãn
một phần nhu cầu về ruộng đất cho nông dân, thực hiện từng bước “người cày
có ruộng”, động viên sức sản xuất, đảm bảo nhu cầu tiền tuyến.
- Tháng 2 – 1949, Chính phủ ban Sắc lệnh tạm cấp ruộng đất của Việt
gian và thông tư chia ruộng đất của thực dân Pháp cho nông dân nghèo nhằm
chấm dứt tình trạng một số đồn điền, trại ấp lâu ngày không được canh tác.
- Ngày 14 – 7 – 1949, Chính phủ ban hành Sắc lệnh giảm tô, thay thế
cho thông tư giảm tô của Bộ nội vụ năm 1945. Sắc lệnh này quy định rõ là
phải giảm 25% so với mức địa tô trước ngày cách mạng Tháng Tám, xóa bỏ
các loại địa tô phụ, thủ tiêu chế độ quá điền và lập lại Hội đồng giảm tô ở các

cấp tỉnh để xét xử việc tranh kiện giảm tô.

24


- Để ngăn chặn hành động chống đối của giai cấp địa chủ, đẩy mạnh
phong trào đấu tranh của nông dân và tiến thêm một bước hạn chế sự bóc lột
phong kiến, tháng 5 – 1950, Chính phủ ban hành Sắc lệnh về thể lệ lĩnh canh,
Sắc lệnh về thể lệ lĩnh canh đảm bảo quyền lĩnh canh của tá điền, cấm chủ
ruộng vô cớ đòi lại ruộng đất.
- Cũng trong tháng 5 – 1950, Chính phủ ban hành Sắc lệnh về việc sử
dụng ruộng đất bỏ hoang, Sắc lệnh này ấn định trưng thu tất cả các loại ruộng
đất bỏ hoang, đem cấp lại cho nông dân nghèo cày cấy hưởng hoa màu và
được miễn thuế trong vòng 3 năm.
- Tháng 10 – 1950, Chính phủ ra Sắc lệnh giảm lãi suất vay, xóa nợ, hoãn
nợ cho nông dân. Sắc lệnh này quy định xóa các món nợ cho nông dân mà nông
dân vay trước ngày cách mạng Tháng Tám, xóa các món nợ mà đến lúc đó người
mắc nợ đã trả lãi gấp đôi số vốn, giảm mức lãi của các món nợ vay từ trước ngày
ra Sắc lệnh này xuống dưới tối đa 18% nếu là vay tiền và 20% nếu là vay thóc.
- Ngày 1 – 5 – 1951, Chính phủ ban hành một loại thuế gọi là thuế
nông nghiệp, cải cách chế độ đảm phụ, bãi bỏ các thứ đóng góp cũ như thuế
điền thổ, thuế công lương, bãi bỏ việc mua thóc theo định giá và đặt ra thuế
nông nghiệp thu bằng thóc, thống nhất và đơn giản chế độ đảm phụ cho dân,
thực hiện đóng góp công bằng. Quy định biểu thuế lũy tiến về sản lượng từ 6
đến 50%, giảm mức đóng góp cho nông dân lao động và điều tiết mạnh mẽ
thu nhập của địa chủ và phú nông. Theo biểu suất mới, bần nông chỉ phải
đóng 5 – 10%, trung nông đóng 10 – 20%, địa chủ đóng từ 30 – 50% sản
lượng thu hoạch.
- Việc sử dụng công điền, công thổ tuy phần lớn đã được điều chỉnh lại từ
sau cách mạng Tháng Tám, nhưng còn tồn tại khá nhiều thiếu xót trong khi chia

như: nhiều nơi không chia cho phụ nữ, một số nơi còn chưa thoát khỏi tình trạng
bị địa chủ, phú nông lũng đoạn, một số nơi để lại quá nhiều ruộng đất công để
lập quỹ địa phương, ảnh hưởng đến phần ruộng đất chia cho nông dân.

25


×