Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

NĂNG LƯỢNG SINH KHỐI và THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KHÍ hóa SINH KHỐI tại VIỆT NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (550.2 KB, 7 trang )

Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV

NĂNG LƯỢNG SINH KHỐI VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KHÍ HÓA
SINH KHỐI TẠI VIỆT NAM
BIOMASS ENERGY AND GASIFICATION DEVELOPMENT STATUS IN
VIETNAM
ThS. Nguyễn Văn Lành1a, TS. Nguyễn Huy Bích1b, TS. Bùi Ngọc Hùng1c
1
Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh
a
b
; ;
TÓM TẮT
Năng lượng sinh khối là nguồn năng lượng tái tạo không chỉ thay thế một phần năng
lượng hóa thạch mà còn được xem là năng lượng của tương lai. Trong bài nghiên cứu này
việc tra cứu thông tin và tổng hợp phân tích dữ liệu đã được sử dụng, thực trạng về tiềm năng
nguồn năng lượng sinh khối cũng như các công nghệ khí hóa sinh khối hiện nay tại Việt Nam
cũng đã được trình bàyvà có thể sử dụng cho các nghiên cứu tiếp theo về hóa khí sinh khối tại
Việt Nam.
Từ khóa: sinh khối, năng lượng hóa thạch, khí hóa.
ABSTRACT
Biomass is considered as a renewable energy which might be not only replaced for a part
of fossil energy but also could be promised as energy in the future. The synthesis information
and analysis data from different sources have been used in this study. The present status as
well as potential and future of gasification from biomass residues in Viet Nam have been
presented which might be referenced for further biomass gasification research in Viet Nam.
Keywords: biomass, fossil energy, gasification.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, thế giới đặc biệt quan tâm đến sự cạn kiệt của nhiên liệu hóa
thạch và vấn đề nóng lên của trái đất. Hiện nay, sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch
(xăng, dầu, khí đốt,...) đang giảm dần và theo dự báo đến 2050 nguồn năng lượng hóa thạch


sẽ cạn kiệt. Hệ lụy là việc thiếu hụt năng lượng trong tương lai là tất yếu. Do vậy, an ninh
năng lượng là một trong mười vấn đề phải đối mặt của loài người, các quốc gia cần phải
hoạch định chiến lược phát triển nguồn năng lượng mới, sạch, bền vững cho tương lai.
Nhiên liệu sinh khối (biomass) được xem như một dạng tích trữ năng lượng mặt trời qua
quá trình quang hợp của thực vật hoặc động vật trong giai đoạn phát triển. Năng lượng sinh
khối được xem là năng lượng tái tạo vì chu trình trung lập do lượng CO2 hấp thụ và sản sinh
gần như nhau khi sử dụng. Vì vậy, biomass hiện đang dần nổi lên như một nguồn năng lượng
thay thế, giảm thiểu áp lực ô nhiễm môi trường, bảo vệ trái đất, giảm thiểu khí gây ra hiệu ứng
nhà kính.
Là một nước nông nghiệp với hơn 90 triệu dân (trong đó khoảng 65-70% sống ở nông
thôn), Việt Nam có một tiềm năng sinh khối rất lớn (khoảng 45 triệu tấn/năm tương đương
với 15 triệu tấn dầu/năm) từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu, lá cây, cùi bắp…từ các
sản phẩm trong quá trình khai thác lâm nghiệp hay chế biến thực phẩm như củi, cành cây, và
rau quả dư thừa từ chế biến v.v Do vậy, khảo sát đánh giá thực trạng về tiềm năng nguồn năng
lượng sinh khối cũng như các công nghệ khí hóa sinh khối hiện nay tại Việt Nam tạo nền tảng
nghiên cứu ứng dụng khí hóa sinh khối là hữu ích, thực tiễn và cần thiết.
659


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
2. NĂNG LƯỢNG SINH KHỐI TẠI VIỆT NAM
2.1. Sơ lược về năng lượng sinh khối
Sinh khối (Biomass) được chia làm 2 loại đó là sinh khối thực vật (Phytomass) và sinh
khối động vật (Zoomass). Tổng số lượng sinh khối động vật và sinh khối thực vật được ước
tính là khoảng 560 tỷ tấn Carbon. Hiện nay trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng
lượng lớn thứ tư, chiếm tới 14-15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới [1]. Các nguồn sinh
khối chủ yếu trình bày ở hình 1 và chu trình chuyển hóa được trình bày ở hình 2.
Sinh khối thực vật: là kết quả của quá trình quang hợp của thực vật nhờ vào ánh sáng
mặt trời, một phần của ánh sáng sẽ chuyển đổi thành năng lượng hóa học trong thực vật giúp
liên kết các nguyên tử thành phân tử carbonhydrate. Phương trình của quá trình quang hợp:

6CO 2 + 6H 2  C 6 H 12 O 6 + 6O 2 .
Sinh khối động vật: Những loài động vật ăn thực vật giúp chuyển hóa sinh khối của
thực vật thành sinh khối của chính nócòn những loài động vật ăn động vật thì chuyển đổi sinh
khối của con mồi thành sinh khối của chính nó. Và đến khi những động vật và thực vật này
chết đi, năng lượng tích tụ trong sinh khối của chúng vẫn còn và sẽ chuyển hóa thành năng
lượng khi chúng bị phân hủy hoặc bị thiêu đốt hoặc qua những phương pháp xử lý khác để tạo
ra năng lượng cho con người.

Hình 1. Các nguồn năng lượng sinh khối

Hình 2. Chu trình chuyển hóa sinh khối

2.2. Trữ lượng sinh khối của Việt Nam
Tiềm năng về năng lượng sinh khối của Việt Nam được đánh giá là rất đa dạng và có trữ
lượng khá lớn [2,3]. Theo tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, tổng nguồn sinh khối vào
khoảng 118 triệu tấn/năm quy đổi ra dầu sẽ tương đương 80,7 triệu tấn, gấp 2 lần tổng lượng
khai thác dầu khí [1]. Nguồn sinh khối chủ yếu của nước ta gồm gỗ và phụ phẩm cây trồng,
trong đó gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, cây trồng phân tán, cây công nghiệp và cây ăn quả,
phế phẩm gỗ công nghiệp [3, 4].
Theo thống kê của Viện Năng lượng thì tiềm năng sinh khối gỗ năng lượng lên đến gần
25 triệu tấn, tương đương với 8,8 triệu tấn dầu thô. Riêng tiềm năng năng lượng sinh khối phụ
phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm, rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến
gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô. Ðặc biệt nguồn năng lượng này sẽ
liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm. Tiềm năng lớn như vậy
nhưng hầu hết các nguồn năng lượng sinh khối của chúng ta vẫn chưa thể tận dụng, lãng phí
thậm chí là nguồn gây ô nhiễm môi trường.
660


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV

3. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KHÍ HÓA SINH KHỐI TẠI VIỆT NAM
3.1. Sơ lược công nghệ khí hóa sinh khối
Theo tài liệu [5], khí hóa là quá trình chuyển hóa các chất như biomass, chất thải hữu cơ
thành khí gas tổng hợp (Synthetic Natural Gas-SNG) ở nhiệt độ và áp suất cao. Người ta có
thể chia thành loại khí hóa nhiệt độ cao và loại khí hóa nhiệt độ thấp.
- Khí hóa nhiệt độ cao (high-temperature gasification) tiến hành ở nhiệt độ cao hơn
1200 C, quá trình này tạo ra khí tổng hợp chứa phần lớn CO và H 2 (hơn 85% thể tích) và một
phần nhỏ CO 2 , CH 4 và một số chất khác.
o

- Khí hóa nhiệt độ thấp (low-temperature gasification) tiến hành ở nhiệt độ thấp hơn
1000oC ,quá trình này tạo ra khí tổng hợp, ngoài CO và H 2 còn có lượng lớn hydrocarbon
(chủ yếu là CH 4 và một số hydrocarbon dễ bay hơi khác). Ở điều kiện này có một phần phản
ứng chuyển CO và H 2 thành CH 4 .
Quá trình khí hóa biomass thường xảy ra theo 4 giai đoạn [5, 6] như hình 3 bao gồm
vùng sấy khô (Drying), vùng nhiệt phân (Pyrolysis), vùng oxi hóa hay vùng cháy (Oxidation)
và vùng khử (Reduction). Các sản phẩm đốt từ quá trình đốt hoàn toàn sinh khối bao gồm
nitơ, hơi nước, carbon dioxide và lượng dư oxi. Tuy nhiên, trong quá trình khí hóa thì sản
phẩm đốt cháy không hoàn toàn là các loại khí dễ cháy như carbon monoxide (CO), hydro
(H 2 ) và khí CH 4 dạng vết và sản phẩm không thể sử dụng như hắc ín và bụi. Việc tạo ra khí
này bởi phản ứng của hơi nước và carbon dioxide thông qua lớp than củi cháy sáng. Vì vậy,
chìa khóa để thiết kế thiết bị khí hóa là tạo điều kiện sinh khối được giảm xuống thành than,
than được chuyển đổi thích hợp để tạo ra CO và H 2 .

Hình 3. Bốn giai đoạn của quá trình khí hóa [5]
3.1.1. Vùng sấy khô (Drying Zone)
Nguyên liệu nạp vào lò được sấy khô tại vùng này. Nhiệt cung cấp cho quá trình sấy
khô và nhiệt phân chủ yếu là do dòng không khí tạo thành chuyển động ngược dòng và một
phần là do bức xạ nhiệt từ vùng cháy. Tỷ lệ sấy khô phụ thuộc vào nhiệt độ, vận tốc và độ ẩm
của khí sấy khô, cũng như diện tích bề mặt của nhiên liệu, các khuyếch tán nội bộ của độ ẩm

và bản chất của liên kết của độ ẩm vật liệu [6],… Khi các loại nguyên liệu vào vùng sấy khô,
nhiệt độ bên trong tăng lên đến 100-150oC. Không có phản ứng hóa học diễn ra trong vùng
này. H 2 O lỏng  H 2 O khí.
3.1.2. Vùng nhiệt phân (Pyrolysis Zone)
Làm cắt mạch liên kết C-C của nguyên liệu tạo khí nhiệt phân (pyrolysis gas) và cặn
carbon. Tại vùng nhiệt phân (vùng bán cốc) nguyên liệu bị phân hủy tạo thành hỗn hợp khí
661


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
bay hơi và cặn rắn [6]. Sản phẩm của quá trình nhiệt phân ở vùng bán cốc không thoát ra
ngoài mà tiếp tục đi qua vùng cháy. Nhiệt độ trong vùng nhiệt phân tăng lên nhanh chóng do
sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa các nguyên liệu tương đối lạnh và khí nóng. Quá trình nhiệt
phân thật sự xảy ra tại khoảng nhiệt độ 280-700oC, khi đó sẽ tạo thành một lượng lớn hắc ín,
một số methyl alcohol được hình thành và khí gas chứa CO 2 .
Phản ứng xảy ra:

C x H y O z = gas bốc hơi + chất lỏng
H + OH = H 2 O khí

3.1.3. Vùng oxi hóa hay vùng cháy (Oxidation Zone)
Dùng oxi để oxi hóa hydrocarbon thành CO 2 và H 2 O. Các phản ứng hóa học của quá
trình khí hóa chủ yếu diễn ra trong giai đoạn này. Nguyên liệu rắn có khả năng cháy được cấu
thành từ những nguyên tố C, H, O; do đó, khi phản ứng cháy hoàn toàn xảy ra với lượng oxi
dư sẽ tạo thành CO 2 và H 2 O. Oxy đốt cháy một phần của carbon trong vật liệu nhiên liệu cho
đến khi tất cả carbon được sử dụng hết. Tuy nhiên, oxy thấm sâu vào bề mặt vật liệu ở một
mức độ nhỏ bởi vì nó dễ dàng phản ứng ở bề mặt với carbon monoxide (CO) hình thành và
khí hydro. Khi không khí được sử dụng như một tác nhân khí hóa, hàm lượng oxy của không
khí giảm 2% đến 0%, trong khi lượng khí carbon dioxide (CO 2 ) tăng tỷ lệ phần trăm tương
ứng. Vùng quá trình oxy hóa có nhiệt độ cao nhất do tính chất tỏa nhiệt của phản ứng.

Phản ứng xảy ra:

C + O 2 = CO 2 – 393,8 kJ/mol

3.1.4. Vùng khử (Reduction Zone)
Đây là giai đoạn khử phần cặn carbon còn lại và sản phẩm cháy như CO 2 và hơi nước
được chuyển về vùng khử; tại đây, các phản ứng khử xảy ra, kết quả hình thành CO và H 2 .
Phản ứng xảy ra:

C + CO 2 = 2CO + 172,6 kJ/mol
C + H 2 O = CO + H 2 + 131,4 kJ/mol
CO 2 + H 2 = CO + H 2 O + 41,3 kJ/mol
C + 2H 2 = CH 4 – 74,9 kJ/mol
Ghi chú: lượng nhiệt kJ/mol: (-): tỏa nhiệt; (+): thu nhiệt

Không giống như các thiết bị khí hóa tầng cố định, khí hóa tầng sôi không tách riêng
các vùng riêng biệt, vùng sấy khô và vùng nhiệt phân mà khí hóa xảy ra đồng thời trong suốt
quá trình trộn [6]. Trong khí hóa tầng sôi thường được chia làm 2 loại là: tầng sôi dạng sủi bọt
(BFB-Bubbling Fluidized Bed Gasifier) và tầng sôi dạng tuần hoàn (CFB-Circulating
Fluidized Bed Gasifier).
Công nghệ khí hóa plasma (hay còn gọi là quá trình khí hoá plasma - PGP) là công nghệ
dùng năng lượng điện và nhiệt độ cao tạo bởi một hồ quang điện khí hoá ở nhiệt độ trên
7.000oC nhằm làm bốc hơi các chất hữu cơ và tan chảy các chất vô cơ thành chất giống như
đá (sau khi nguội và đông cứng). Công nghệ khí hóa plasma được ứng dụng để khí hóa rác
thải đô thị nhằm giảm ô nhiễm môi trường và sử dụng nhiệt để chuyển đổi thành hơi chạy
tuabin phát điện.
3.2. Các công trình nghiên cứu về khí hóa sinh khối của Việt Nam hiện nay
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu ứng dụng khí hóa biomass đã được một số
Viện, Trường quan tâm [4,7-9]. Có 2 hướng mà các nhà nghiên cứu cố gắng ứng dụng công
nghệ khí hóa:

3.2.1. Ứng dụng vào các bếp quy mô hộ gia đình
Hiện nay sinh khối vẫn là nguồn nhiên liệu đun nấu chính tại vùng nông thôn Việt Nam,
tuy nhiên việc sử dụng sinh khối cho đun nấu tạo ra nhiều khói thải, bụi, bồ hóng... Để hạn
662


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
chế các nhược điểm của quá trình đun nấu sử dụng sinh khối, các bếp khí hóa sinh khối quy
mô hộ gia đình đã được áp dụng và đem lại hiệu quả thiết thực.
Đầu tiên phải kể đến là nhóm tác giả Trần Bình và các công sự được biết đến như những
người đi đầu trong nghiên cứu bếp khí hóa quy mô hộ gia đình và được Cục Sở hữu trí tuệ
Việt Nam cấp bằng Giải pháp sáng chế. Nhóm tác giả đã đặt tên cho các loại bếp khí hóa quy
mô hộ gia đình này là: “Ngọn lửa thần Việt Nam”. Bếp khí hóa của nhóm tác giả (hình 4) làm
việc theo nguyên lý khí hóa thuận chiều theo mẻ. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà nông dân có
thể lựa chọn kích cỡ bếp cho phù hợp. Nhóm tác giả đã đưa ra 7 mẫu bếp gas sinh khối, từ
bếp gas sinh khối nấu lẩu nhỏ cho đến bếp gas sinh khối nấu cho 10 người ăn. Những thiết kế
này rất đơn giản, dễ sử dụng và có thể dùng nhiều nguồn nhiên liệu sinh khối khác nhau. Chi
phí mua bếp thấp nên phù hợp với mức thu nhập của nông dân.

Hình 4. Bếp khí hóa của Trần Bình
và cộng sự

Hình 5. Bếp khí hóa phục vụ dân sinh
trong dự án SPIN tại Ngọc Động, Hà Nam

Đặc biệt trong dự án SPIN (Sustainable Product Innovation - Đổi mới sản phẩm bền
vững) dưới sự tài trợ của chương trình Asia Switch của Liên minh Châu Âu, được thực hiện
tại ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia từ 1/4/2010 đến hết tháng 3/2014, đã triển khai
nhiều bếp khí hóa sinh khối quy mô hộ gia đình (hình 5) đến nhiều tỉnh phía bắc như: Yên
Bái, Sơn La, Hà Nam, Thanh Hóa,… Đây cũng là mẫu bếp khí hóa theo nguyên lý thuận

chiều, nhưng có mẫu mã đẹp hơn, mang kiểu dáng công nghiệp hơn.
3.3.2. Ứng dụng quy mô công nghiệp
Công ty TNHH một thành viên gốm Tân Mai, xã Tân Phú Đông, TX Sa Đéc, tỉnh Đồng
Tháp là công ty tiên phong áp dụng kỹ thuật lò nung gạch, gốm kết hợp thiết bị hóa khí từ trấu
vào sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản
phẩm. Hệ thống này gồm 4 lò nung, nhiệt lượng thoát ra từ lò đốt trước sẽ được tận dụng để
nung cho lò tiếp theo và tuần hoàn. Đặc biệt, các thông số khí thải sau khi đốt thải ra môi
trường: CO, NO x , SO 2 , HF, bụi... được Trung tâm kỹ thuật thí nghiệm và ứng dụng KHCN
Đồng Tháp đo đều thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn Việt Nam (QC VN
05:2009/BTNMT).
Đây là dự án được tài trợ của Viện Chiến lược Môi trường Tổng thể - Nhật Bản (IGES),
Quỹ Môi Trường Toàn cầu (GEF) và Dự án Nâng cao Hiệu quả sử dụng năng lượng trong các
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (PECSME) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Mô hình triển khai
tại Gốm Tân Mai đã đoạt giải thưởng “Quả cầu vàng” năm 2009 - Cuộc thi Năng lượng toàn
cầu do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) tổ chức. Đây là lò nung gạch, gốm
đầu tiên ở Việt Nam sử dụng khí hóa trấu.
663


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV

Hình 6. Lò đốt khí hóa trấu

Hình 7. Thử nghiệm lò hơi

nung gốm của công ty gốm Tân Mai

khí hóa sinh khối tại Ngọc Động

Ngày 30/11/2013, các chuyên gia kỹ thuật của Dự án SPIN đã phối hợp với chuyên gia

nồi hơi đến từ Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam và kỹ sư kỹ thuật tại Công ty Ngọc Động –
Hà Nam triển khai thử nghiệm thành công lò hơi sử dụng công nghệ khí hóa bằng nguồn
nhiên liệu sinh khối, sử dụng chính chất thải từ các bịch nấm sau khi thu hoạch làm nguồn
nhiên liệu.
Với lò hơi khí hóa sử dụng nguyên liệu sinh khối này, Công ty Ngọc Động không
những có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm tiền mua nhiên liệu, mà còn giải
quyết được vấn đề chất thải từ trồng nấm, vốn vẫn đang bị coi là một gánh nặng với ngành
nấm hiện nay. Bên cạnh đó, Công ty Ngọc Động còn đang sử dụng lượng than sinh học
(biochar) sinh ra từ quá trình đốt làm cơ chất bổ sung cho các bịch nấm giúp gia tăng chất
lượng nấm trồng. Thử nghiệm này đã phát huy được những kết quả tích cực.
Việc ứng dụng quy trình khí hóa sinh khối quy mô công nghiệp ở Việt Nam được triển
khai hạn chế vì những khó khăn về công nghệ, kinh phí và trình độ kỹ thuật trong vận hành
khai thác,... Bên cạnh đó, yếu tố về mặt hiệu quả kinh tế cũng là vấn đề trở ngại cho các nhà
đầu tư, nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển mô hình
này vì vấn đề môi trường và phát triển năng lượng bền vững.
4. KẾT LUẬN
Bài báo đã trình bày về năng lượng sinh khối và các kỹ thuật khí hóa sinh khối được áp
dụng tại Việt Nam. Việt Nam có nguồn năng lượng sinh khối rất phong phú và đa dạng với
trữ lượng lớn, nếu khai thác hợp lý sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần giảm ô nhiễm
môi trường. Các nghiên cứu, ứng dụng khí hóa sinh khối tại Việt Nam theo hai hướng là ứng
dụng khí hóa sinh khối quy mô hộ gia đình với các lò khí hóa theo mẻ và ứng dụng khí hóa
quy mô công nghiệp để phát điện và sử dụng nhiệt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Thành Công, Năng lượng sinh khối ở Việt Nam: Vẫn chỉ là tiềm năng. Tạp chí Năng
lượng mới, số 343. 1/8/2014. />[2] Chi, N.K., Phát triển công nghệ chuyển hóa tài nguyên sinh khối Biomass. Tạp chí Khoa
học & Công nghệ, 2013(14): p. 30-33
[3] Việt, N.M. và Đ.A. Tuấn, Công nghệ khí hóa sử dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp để phát
điện công suất nhỏ. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy Lợi, 2012: p. 41-49.
[4] Quang, N.T., Một số vấn đề khi sử dụng Biomass tại Việt Nam. Tạp chí Năng Lượng
Nhiệt, 2012. 107(9): p. 13-15

664


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
[5] Hào, N. T. và Bích, N. H. Giáo trình Kỹ thuật nặng lượng tái tạo. NXB Đại học Quốc gia
TPHCM, 2015.
[6] Anil K. Rajvanshi. Biomass Gasification. (Published as a Chapter (No. 4) in book
“Alternative Energy in Agriculture”, Vol. II, Ed. D. Yogi Goswami, CRC Press, 1986, p.
83-102.)
[7] Sutar, K.B và các cộng sự., Biomass cookstoves: A review of technical aspects.
Renewable and Sustainable Energy Reviews, 2015. 41: p. 1128-1166.
[8] Tùng, N.Đ., Nghiên cứu thực nghiệm lò khí hóa xuôi chiều liên tục vỏ trấu quy mô công
nghiệp năng suất 100 - 110 kg/h. Tạp chí Công nghiệp Nông thôn, 2015. 17: p. 2-7
[9] Trung tâm sản xuất sạch hơn Viêt Nam, Công nghệ khí hóa nhiên liệu sinh khối dùng cho
nhu cầu dân sinh và Bếp khí hóa sinh khối cấp nhiệt cho các thiết bị công nghiệp vừa và
nhỏ. />THÔNG TIN TÁC GIẢ
1.

ThS. Nguyễn Văn Lành; Email:

2.

TS.Nguyễn Huy Bích; Email:

3.

TS. Bùi Ngọc Hùng; Email:
Khoa Cơ khí – Công nghệ, trường Đại học Nông lâm TPHCM
ĐT: 08-37242529


665



×