Trong cuộc sống, hàng ngày chúng ta thường thực hiện rất nhiều hành vi có
mối liên quan, quan hệ với cá nhân hoặc tổ chức khác. Ví dụ, mua một tờ báo, gửi
xe máy khi vào siêu thị, ký tên vào một giấy báo nhận thư bảo đảm,… Những
hành vi đó chính là những “giao dịch dân sự” [18, phần đầu]. Tuy nhiên không
phải giao dịch dân sự nào cũng có hiệu lực pháp lý ràng buộc các bên. Những giao
dịch dân sự khi không đáp ứng được những điều kiện bắt buộc của pháp luật thì
những giao dịch dân sự này sẽ bị vô hiệu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trường
hợp giao dịch dân sự vô hiệu, một trong những nguyên nhân đó chính là vi phạm
hình thức. Với sự hứng thú về đề tài trên, do đó, bài học kì này em sẽ tập trung
khai thác vấn đề: “Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về
hình thức”.
1. Những vấn đề cơ bản về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ
quy định về hình thức
1.1. Về giao dịch dân sự
Thứ nhất, khái niệm giao dịch dân sự
Giao dịch là tọa độ pháp lý xảy ra phổ biến trong bản đồ pháp luật [19,
phần đầu]. Giao dịch xuất hiện đã xuất hiện từ lâu nhưng thực sự chiếm vai trò
quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ khi có sự phân công lao động và xuất
hiện hình thức trao đổi hang hóa [14, trang 1]. Trong lịch sử, giao dịch xuất hiện
trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hình sự, hành chính, dân sự,… Giao dịch
trong lĩnh vực hình sự được thể hiện rõ nét nhất trong nguyên tắc chuộc tội bằng
tiền được quy định trong phần chung của Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật
lệ. Tuy nhiên giao dịch được nhắc đến đều nằm ở lĩnh vực dân sự bởi quan hệ này
phổ biến hơn cả. Giao dịch dân sự ở các quốc gia khác nhau sẽ có những quan
niệm về khái niệm giao dịch dân sự khác nhau, sự xung đột về thuật ngữ (xung
đột kín) là một hiện tượng hết sức bình thường giữa các ngành pháp luật. Khoa
học pháp luật Nhật bản cho rằng, “giao dịch dân sự là hành vi hợp pháp nhằm
làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự” [13, trang 114]. Từ
1
điển Tiếng Việt giải thích thuật ngữ giao dịch dân sự chỉ là việc trao đổi, mua bán
[20]. Tuy nhiên, theo khoa học pháp lý Việt Nam thì “Giao dịch dân sự là hợp
đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt
quyền, nghĩa vụ dân sự” [4, Điều 121]. Theo quy định này, nhà làm luật định
nghĩa giao dịch dân sự dựa trên phương pháp logic liệt kê mà miêu tả thuộc tính
của khái niệm giao dịch dân sự. Cách định nghĩa theo phương pháp như vậy có ý
nghĩa trong việc phân loại giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự gồm hai
loại: hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương. Hợp đồng là hình thức giao dịch
phổ biến nhất, thông dụng nhất nó phát sinh thường xuyên trong đời sống thường
ngày của chúng ta và giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều tiết các quan
hệ tài sản, nhất là nền kinh tế thị trường hiện nay [5, trang 10]. Pháp luật hợp
đồng được coi là hộ chiếu cho phép đi vào tất cả các lĩnh vực [15, trang 5]. Hành
vi pháp lý đơn phương là hoạt động thể hiện ý chí của một bên làm phát sinh, thay
đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự mà không phụ thuộc vào ý chí của bên
kia [5, trang 12].
Thứ hai, đặc điểm chung của giao dịch dân sự
Trong quan hệ giao dịch dân sự, phải có sự thể hiện ý chỉ của các bên tham
gia giao dịch. Sự thể hiện này biểu hiện dưới hành vi có ý chí, nhằm thu một kết
quả nhất định và là yếu tố bắt buộc của giao dịch pháp lý [13, trang 131]. Theo
kết quả nghiên cứu trong Luận án Tiến sỹ Luật học của Nguyễn Văn Cường, thì
giao dịch dân sự có các đặc điểm cơ bản sau đây:
• Các bên tham gia phải tự nguyện;
• Chế tài trong giao dịch mang tính chất bắt buộc nhưng cũng rất linh hoạt;
• Nội dung giao dịch không trái với pháp luật và đạo đức xã hội [5, trang 1418]
Thứ ba, ý nghĩa của giao dịch dân sự trong sự phát triển kinh tế thị trường
• Tạo hành lang pháp lý an toàn cho các chủ thể tham gia giao dịch
• Là cơ sở giải quyết các tranh chấp xảy ra
• Bảo đảm cho việc kiểm cho của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
2
• Góp phần tạo sự ổn định trong quan hệ tài sản [5, trang 18- 20]
1.2. Về giao dịch dân sự vô hiệu
Vô hiệu, tức là không có hiệu lực pháp luật [20]. Giao dịch sự vô hiệu
không phát sinh hậu quả pháp lý mà các bên mong muốn [5, trang 21]. Điều 113
Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định: “Một hành vi pháp lý vô hiệu
nếu mục tiêu của nó rõ ràng bị pháp luật ngăn cấm hoặc không thể thực hiện
được, hoặc trái với trật tự công cộng hoặc trái với đạo đức xã hội”.
Dựa vào tính trái pháp luật mà giao dịch dân sự được phân loại thành giao
dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối. Tướng đối là có thể khắc phục
được. Sự khắc phục này trong một thời gian nhất định. Tuyệt đối tức là đã vi
phạm điều cấm của pháp luật. Giao dịch này không có hiệu lực ngay từ thời điểm
ký kết, cho dù nó có bị Tòa án tuyên bố vô hiệu hay không [16, trang 3]. Đối với
giao dịch dân sự vô hiệu về hình thức, nếu theo tiêu chí trên thì không rõ xếp vào
loại nào, bởi lẽ nếu căn cứ vào thời hiệu khởi kiện thì xếp giao dịch dân sự vô
hiệu về hình thức là giao dịch dân sự tuyệt đối, còn căn cứ vào tiêu chí có khả
năng khắc phục thì giao dịch vô hiệu về hình thức là giao dịch vô hiệu tương đối
[5, trang 23]. Giao dịch dân sự vô hiệu có điểm khác biệt với giao dịch dân mất
hiệu lực (rơi vào tình trạng không thực hiện được [5, trang 24]. Sự mất hiệu lực
trong giao dịch dân sự do các bên dự liệu trước hoặc rơi vào tình trạng nguyên
nhân khách quan mà các bên không thực hiện được. Còn giao dịch dân sự vô hiệu
lại không phụ thuộc vào thỏa ước của các bên hay sự kiện khách quan mà chỉ tuân
theo những quy định pháp luật.
1.3. Hình thức của giao dịch dân sự và sự bắt buộc của hình thức
Có thể hiểu, hình thức là lớp vỏ chứa đựng nội dung. Trong khoa học pháp
lý dân sự vẫn chưa đưa ra khái niệm thế nào là hình thức của giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã liệt kê hình thức của giao dịch
dân sự:
3
“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng
hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp
dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện
bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép
thì phải tuân theo các quy định đó”.
Theo đó, hình thức của giao dịch dân sự bao gồm lời nói, bằng văn bản
hoặc hành vi cụ thể. Đối với giao dịch dân sự là hợp đồng, nhà làm luật đã quy
định những hình thức của giao dịch trong từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên đối
với giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương thì có những trường hợp nhà
làm luật lại không chỉ rõ như thực hiện công việc không có ủy quyền.
2.2.1. Hình thức giao dịch bằng lời nói
Giao dịch bằng lời nói là những giao dịch được xác lập dưới hình thức ngôn
ngữ nói, bằng lời hay còn gọi là giao dịch miệng. Theo đó, các bên xác lập giao
dịch trao đổi với nhau bằng lời nói trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, điện đàm,
gửi thông điệp điện tử bằng âm thanh tiếng nói. Để diễn đạt tư tưởng và ý muốn của
mình trong việc xác lập giao dịch.
Trừ những loại giao dịch pháp luật quy định hình thức bắt buộc, các giao dịch
đều có thể được xác lập bằng lời nói. Tuy vậy, để tránh trường hợp các bên liên
quan phủ nhận sự tồn tại của giao dịch, chỉ nên sử dụng hình thức giao dịch bằng
lời nói để xác lập quan hệ dân sự khi giá trị của giao dịch đó không lớn, với những
người thân quen có sự tin cậy lẫn nhau, hoặc những giao dịch được thực hiện và
chấm dứt ngay lập tức. Với các giao dịch được xác lập dưới hình thức bằng lời nói
thì điều kiện về hình thức không phải là điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực.
2.2.2. Hình thức giao dịch bằng văn bản
Về nguyên tắc, việc chọn lựa hình thức nào để xác lập giao dịch do các bên
tham gia giao dịch quyết định trên cơ sở nguyên tắc tự do, bình đẳng. Tuy vậy, để
4
bảo vệ trật tự công cộng hoặc vì lí do quản lí nhà nước, pháp luật thực định hiện
hành của Việt Nam có quy định về những hình thức bắt buộc đối với một số loại
giao dịch chuyên biệt mà khi không tuân thủ theo các hình thức này thì các hợp
đồng này không có hiệu lực pháp luật.
Như vậy với các trường hợp mà pháp luật quy định về hình thức của giao dịch
thì giao dịch chỉ có hiệu lực khi tuân thủ đúng theo hình thức mà pháp luật đã quy
định cho nó.
Đối với những giao dịch mà pháp luật không yêu cầu phải xác lập bằng văn
bản, có công chứng chứng thực của cơ quan có thẩm quyền thì không có nghĩa các
bên không được thiết lập giao dịch theo hình thức, thủ tục đó mà các bên vẫn có thể
thỏa thuận với nhau lựa chọn hình thức bằng văn bản, có công chứng chứng thực
của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia kí kết hợp
đồng, và trong các trường hợp này thì điều kiện về công chứng chứng thực không
phải là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực.
2.2.3. Hình thức giao dịch bằng hành vi cụ thể
Với ý nghĩa là phương tiện công bố ý chí của các bên trong quan hệ giao dịch
dân sự, hình thức của giao dịch còn bao gồm cả việc biểu hiện ý chí của chủ thể ra
bên ngoài bằng một hành vi cụ thể- đó là hành động, là xử sự có ý thức của các bên.
Hành vi cụ thể là một hình thức thể hiện của giao dịch, hiểu theo nghĩa hẹp.
Bởi lẽ, việc tuyên bố ý chí bằng lời nói hay bằng chữ viết, suy cho cùng, cũng đều
bằng hành vi của con người. Tuy vậy, hình thức giao dịch bằng hành vi cụ thể được
nói đến trong trường hợp này không phải được diễn đạt bằng lời nói hay chữ viết
mà chỉ được thể hiện bằng một hành động thuần túy, và hai bên chủ thể thông
thường không trực tiếp gặp nhau mà chỉ thông qua một bộ phận bán hàng (không
phải là con người).
Thông thường, hình thức giao dịch bằng hành vi cụ thể được sử dụng khi bên
thực hiện hành vi xác lập giao dịch đã biết rõ nội dung của giao dịch và chấp nhận
tất cả các điều kiện mà bên kia đưa ra, và bên kia không loại trừ việc trả lời bằng
5
hành vi, hoặc không đưa ra một yêu cầu rõ ràng về hình thức của sự trả lời chấp
nhận.
Hình thức giao dịch bằng hành vi cụ thể được thể hiện ra bên ngoài khá đa
dạng. Hành vi cụ thể thường được sử dụng để xác lập các hợp đồng thông dụng,
được thực hiện ngay, và trở thành thói quen phổ biến của lĩnh vực hoạt động liên
quan, tại nơi giao dịch được xác lập, như mua nước ngọt tại máy bán nước ngọt tự
động, lựa chọn hàng hóa và thanh toán tiền khi mua hàng tại siêu thị, mua vé trên
xe buýt bằng máy bán vé tự động,... Trong những trường hợp này, bên có hành vi
xác lập giao dịch đã hiểu rõ nội dung và các điều kiện của giao dịch, còn bên kia
cũng chấp nhận cách thức giao dịch bằng hành vi cụ thể đó nhưng lại không có mặt
để xác lập giao dịch mà chỉ thông qua hoạt động của máy móc.
2.
Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Căn cứ vào tầm quan trọng của đối tượng giao dịch và nhu cầu quản lý của
nhà nước mà pháp luật dân sự có những yêu cầu khác nhau về hình thức của giao
dịch. Đối với các giao dịch đáp ứng cho nhu cầu vật chất và tinh thần hàng ngày
của cuộc sống và thông thường giá trị tài sản không lớn thì chỉ cần các bên thể
hiện bằng lời nói, có sự tự nguyện, thống nhất ý chí của các bên là giao dịch đó có
hiệu lực. Đối với các giao dịch có giá trị lớn hoặc liên quan tới an ninh, chính trị
quốc gia hoặc dễ xảy ra tranh chấp thì nhà làm luật sẽ quy định hình thức gioa
dịch dưới dạng văn bản có công chứng, chứng thực hoặc người làm chứng cụ thể.
Phần lớn, các giao dịch đều đỏi hỏi các bên đều phải thống nhất ý chí. Tuy nhiên
trên thực tế, có loại giao dịch không đòi hỏi phải có sự thống nhất ý chí của hai
bên mà chỉ cần một bên bày tỏ ý chí bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể ví dụ
như viết di chúc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005
thì chỉ trong những trường hợp có quy định của pháp luật về loại giao dịch nào đó
6
phải tuân theo những hình thức nhất định và hình thức đó là điều kiện có hiệu lực
của giao dịch thì hình thức của giao dịch mới trở thành một điều kiện bắt buộc để
giao dịch đó có hiệu lực [21, phần đầu].
2.1. Xung đột quan điểm về sự vô hiệu của giao dịch dân sự khi không
tuân thủ quy định của hình thức
Điều 127 Bộ luật dân sự ghi nhận về Giao dịch dân sự vô hiệu: “Giao dịch
dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật
này thì vô hiệu”. Khoản 2 Điều 122 Bộ luật dân sự quy định: “Hình thức giao
dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có
quy định”. Chính quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự đã làm này sinh những
quan điểm khác nhau về sự không tuân thủ quy định của hình thức có phát sinh sự
vô hiệu của giao dịch hay không [5, trang 30]. Theo đó, có ba quan điểm xung
đột về vấn đề này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: pháp luật đã quy định hình thức của giao
dịch là một điều kiện bắt buộc thì khi các bên vi phạm điều kiện về hình thức thì
giao dịch sẽ vô hiệu. Trong trường hợp này nếu các bên không yêu cầu Toà án
tuyên bố giao dịch đó vô hiệu về hình thức Toà án cũng có quyền tuyên bố giao
dịch đó vô hiệu, có như vậy mới bảo đảm được yêu cầu quản lý của Nhà nước và
sự nghiêm minh của pháp luật. Bởi chính khoản 2 Điều 124 đã quy định rõ là
“Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng
văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì
phải tuân theo các quy định đó”. Đây là một quy định mệnh lệnh dứt khoát, bắt
buộc chứ không phải là một quy định tuỳ nghi. Hơn nữa Điều 127 Bộ luật Dân sự
cũng quy định: “giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy
định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu”. Như vậy 03 điều kiện về nội dung
là điều kiện cần và điều kiện về hình thức là điều kiện đủ để cho một giao dịch
7
dân sự có hiệu lực pháp luật. Do đó, không có lý do gì khi hợp đồng đã vi phạm
điều kiện này mà Toà án phải chờ một bên hoặc các bên có yêu cầu mới tuyên bố
hợp đồng vô hiêu, còn đương sự không có yêu cầu thì không xem xét là không
hợp lý, không phù hợp với tinh thần, lời văn của điều luật.
Quan điểm thứ hai cho rằng: các quy định tại Điều 122, khoản 2 Điều
124, Điều 127 Bộ luật Dân sự là những quy định chung, mang tính nguyên tắc,
không nhất thiết hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức là vô hiệu. Theo định
nghĩa về giao dịch dân sự được quy định tại Điều 121 Bộ luật Dân sự thì: “Giao
dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương, làm phát sinh, thay
đổi hoặc chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, hợp đồng cũng là một loại
giao dịch mà theo quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự thì khi pháp luật không
quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định thì hai
bên có thể thoả thuận chọn hình thức thể hiện của hợp đồng. Hợp đồng có thể
được thể hiện dưới hình thức lời nói, hoặc hình thức bằng văn bản hay bằng hành
vi cụ thể. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện
bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì
phải tuân theo quy định đó. Nhưng cũng chính tại đoạn hai khoản 2 Điều 401 Bộ
luật Dân sự cũng đã quy định: “hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi
phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” [21, phần hai].
Quan điểm thứ ba không tán thành với hai quan điểm trên. Quan điểm thứ
ba giải thích dựa trên sự thay đổi về tư tưởng cũng như kĩ thuật lập pháp giữa các
quy định về giao dịch dân sự vô hiệu khi không tuân thủ hình thức theo Bộ luật
Dân sự năm 2005 so với Bộ luật Dân sự năm 1995. Theo đó, quan điểm thứ ba
cho rằng Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định điều kiện về hình thức của giao
dịch nói chung và hợp đồng nói riêng đã khác trước rất nhiều. Ngoài việc sửa đổi
có tính chất kỹ thuật như bỏ bớt các chữ, câu, ý thừa thì về nội dung thì đã có
những tư tưởng mới được thể hiện trong các điều quy định chung về giao dịch và
8
quy định ở phần hợp đồng. Để hiểu đúng quy định của pháp luật không được xem
xét tách rời giữa các điều luật với nhau, giữa các quy định chung với các quy định
trong từng chế định cụ thể. Nếu như Bộ luật Dân sự năm 1995 coi vi phạm điều
kiện về hình thức là rất nghiêm trọng giống như với giao dịch dân sự vô hiệu do vi
phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội và giao dịch dân sự vô hiệu do
giả tạo, như khoản 2 Điều 145 Bộ luật Dân sự năm 1995 đã quy định: “Đối với
các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 137, Điều 138 và Điều 139 của Bộ
luật này, thì thời gian yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu không bị hạn
chế”. Như vậy, bất cứ lúc nào các bên đương sự cũng có quyền yêu cầu Toà án
tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức; còn theo
quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì các giao dịch dân sự vi phạm điều kiện
về hình thức không phải đương nhiên vô hiệu. Dù giao dịch dân sự có vi phạm
điều kiện về hình thức mà các bên không khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố giao
dịch dân sự vô hiệu về hình thức thì Toà án không xem xét; nếu trường hợp đương
sự yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu do vi phạm về hình thức thì theo
quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự, thời gian tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
do vi phạm về hình thức chỉ có hai năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập,
quá thời hạn này đương sự mới yêu cầu thì Toà án không chấp nhận yêu cầu đó.
Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Dân sự thì giao dịch dân sự là hợp đồng dân
sự, nên các vụ án về hợp đồng dân sự đương nhiên áp dụng Điều 136 Bộ luật Dân
sự [21, phần ba].
Tôi không cho rằng quan điểm nào đúng hay quan điểm nào sai bởi mỗi quan
điểm đều có lập trường và sự phù hợp riêng của nó. Theo quan điểm của cá nhân
tôi, quy định về hình thức hợp đồng nảy sinh nhiều cách hiểu khác nhau như vậy
là do xuất phát từ những điểm thiếu sót, chưa nhất quán, chưa đảm bảo lô gíc pháp
lý giữa các Điều 122, 124, 401 Bộ luật Dân sự 2005. Những quy định này đã tạo
ra sự xung đột về cách hiểu giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định
9
về hình thức. Theo đó, cần sửa đổi những quy định này sao cho có sự thống nhất
hóa cách hiểu về vấn đề này (xem phần giải pháp của bài viết).
2.2.
Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định
về hình thức
Điều kiện về hình thức trong giao dịch dân sự đòi hỏi các bên phải tuân
theo đúng hình thức mà pháp luật quy định cho loại giao dịch đó. Trong trường
hợp pháp luật không quy định cho loại giao dịch đó thì các bên có thể tùy nghi lự
chọn [5, trang 97]. Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Giao dịch dân
sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: “Trong trường hợp pháp luật
quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các
bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà
nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình
thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì
giao dịch vô hiệu”. Theo đó, có thể hiểu rằng giao dịch dân sự bị vô hiệu do vi
phạm hình thức là giao dịch dân sự không đáp ứng những quy định về hình thức
đồng thời cũng không khôi phục hình thức trong thời gian nhất định. Có hai loại
giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm hình thức:
Thứ nhất, giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ những quy định về
hình thức mà các bên đã thỏa thuận. Trong trường hợp này, thông thường là các
giao dịch dân sự không bắt buộc phải xác lập dưới hình thức nhất định, tức là các
chủ thể có thể xác lập bằng bất cứ hình thức nào cũng có giá trị pháp lý tương
đương nhưng các chủ thể lại thỏa thuận với nhau bắt buộc phải xác lập bằng văn
bản. Nếu không giao dịch sẽ vô hiệu. Trường hợp này xảy ra phổ biến hơn cả.
Theo đó, trường hợp này được gọi là giao dịch dân sự vô hiệu do không đáp ứng
những điều kiện về hình thức do hai bên thỏa ước.
Thứ hai, giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ những quy định về
hình thức mà pháp luật bắt buộc. Dựa vào vai trò và tầm quan trọng cũng như giá
trị của đối tượng trong quan hệ dân sự mà nhà làm luật quyết định tính bắt buộc
hay không bắt buộc đối với hình thức của giao dịch dân sự. Hình thức của giao
10
dịch dân sự có ý nghĩa trong việc là cơ sở của việc giải quyết tranh chấp [5, trang
30]. Do khách thể của giao dịch dân sự rất phong phú và đa dạng, mỗi khách thể
có một đặc trưng và công dụng khác nhau. Để đảm bảo sự an toàn pháp lý trong
các giao dịch cũng như bảo vệ pháp luật và lợi ích công cộng có những giao dịch
phải tuân theo một hình thức nhất định được quy định trong bộ luật dân sự quy
định như: bằng văn bản, phải có công chứng nhà nước, chứng thực, đăng kí hoặc
cho phép [17, trang 51- 52]. Đối với những đối tượng là bất động sản hoặc là
động sản có giá trị lớn, các quyền sở hữu trí tuệ thì nhà làm luật bắt buộc các bên
trong quan hệ dân sự phải xác lập dưới dạng văn bản, có công chứng, chứng thực
hoặc người làm chứng. Giao dịch dân sự được biết đến nhiều hơn cả ở dưới dạng
hợp đồng. Dưới đây, tôi sẽ chỉ ra những quy định pháp luật về hình thức của hợp
đồng. Theo pháp luật Việt Nam, hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử
dụng bất động sản bắt buộc phải thể hiện dưới dạng văn bản, có công chứng hoặc
chứng thực theo quy định của pháp luật.“Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử
dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng
chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn
hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban
nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất” (điểm b) khoản 1 Điều 127 Luật Đất
đai năm 2003). Vi phạm các quy định này, hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu. Ở dĩ nhà
làm luật lại quy định như vậy bởi vấn đề này liên quan trực tiếp tới chủ quyền và
lãnh thổ của quốc gia. Quyền được toàn vẹn về lãnh thổ luôn được đặt lên hàng
đầu.
Đối với hợp đồng chuyển quyền sở hữu trí tuệ, hợp đồng li- xăng, nhượng
quyền thương mại thì hình thức của hợp đồng này nếu giao kết tại Việt Nam thì
bắt buộc phải xác định dưới dạng văn bản và phải công chứng, chứng thực thì mới
có giá trị.
Đối với hợp đồng lao động quốc tế, thì sẽ áp dụng Điều 3 của Nghị định số
44/2003/NĐ-C về hình thức của hợp đồng nếu kí kết lao động tại Việt Nam. Đó là
11
hình thức văn bản được đánh máy hoặc viết tay bằng mực (trừ màu đỏ) trên khổ
A4 có đóng dấu giáp lai.
Theo pháp luật Việt Nam, hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng
lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể (Khoản 1 Điều 24
Luật Thương mại 2005). Riêng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Luật
Thương mại 2005 chỉ công nhận theo hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác
có giá trị pháp lý tương đương (Khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại 2005).
Đối với các trường hợp trên, cũng có những quan điểm xung độ về vấn đề
thời điểm nào giao dịch dân sự bị vô hiệu. Quan điểm thứ nhất cho rằng, hợp đồng
khi không tuân thủ hình thức sẽ vô hiệu kể từ thời điểm hai bên hoàn thành việc
giao kết mà không phụ thuộc vào việc Tòa án tuyên bố vô hiệu. Sự tuyên bố giao
dịch dân sự vô hiệu chỉ có ý nghĩa đối với sự bắt buộc thi hành của các bên [16,
trang 3]. Công nhận hay tuyên bố vô hiệu chỉ có vai trò pháp luật hóa sự vô hiệu
đó. Còn quan điểm trái chiều lại cho rằng, hợp đồng chỉ bị vô hiệu khi Tòa án ra
quyết định hợp đồng đó vô hiệu. Tức là, các giao dịch dân sự, nếu không xảy ra
tranh chấp, dù có vi phạm về hình thức thì cũng không bị vô hiệu. Tôi lại không
đồng ý với hai quan điểm trên. Theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi không đồng ý
với hai quan điểm trên. Để giải quyết triệt để quan hệ này, phải xem xét giao dịch
đó vô hiệu tuyệt đối hay vô hiệu tương đối. Đối với giao dịch dân sự vô hiệu về
hình thức, nếu căn cứ vào thời hiệu khởi kiện thì xếp giao dịch dân sự vô hiệu về
hình thức là giao dịch dân sự tuyệt đối, còn căn cứ vào tiêu chí có khả năng khắc
phục thì giao dịch vô hiệu về hình thức là giao dịch vô hiệu tương đối [5, trang
23]. Tức là, đối với giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối, thời điểm vi phạm hình
thức cũng chính là thời điểm vô hiệu của giao dịch. Còn đối với giao dịch dân sự
vô hiệu tương đối thì thời điểm giao dịch dân sự vô hiệu sẽ là thời điểm khi hết
thời hạn khắc phục sự vô hiệu của các bên. Điều 134 Bộ luật dân sự có quy định
rằng: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều
kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của
12
một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc
các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá
thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. Như vậy, theo tinh thần
của điều luật trên, giao dịch dân sự sẽ không bị coi là vô hiệu ngay. Cơ quan nhà
nước có thẩm quyền sẽ cho các chủ thể thời gian thỏa thuận lại về hình thức. Khi
hết thời hạn này, các bên không khắc phục những khiếm khuyết đó thì sẽ bị cơ
quan có thẩm quyền tuyên vô hiệu. Tuy nhiên, thẩm quyền của các cơ quan này
không phải là thẩm quyền đương nhiên mà thẩm quyền này sẽ phụ thuộc vào yêu
cầu của một bên hoặc cả hai bên đương sự.
2.3.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ
những quy định về hình thức
Điều 137 Bộ luật Dân sự quy định về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự
vô hiệu. Theo đó, giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm
dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân
sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những
gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ
trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của
pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Theo đó, viêc không làm phát
sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác
lập khi giao dịch dân sự vô hiệu là một lẽ đương nhiên tôi sẽ không xét đến. Dưới
đây, tôi sẽ xem xét các vấn đề sau:
Thứ nhất, về hậu quả các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả
cho nhau những gì đã nhận, trước tiên hoàn trả bằng hiện vật, nếu không
hoàn trả được bằng hiện vật thì tính thành tiền để trả
Thực tế ở nước ta cho thấy, việc hoàn trả cho nhau những gì đã nhận chưa
thực sự đảm bảo được lợi ích của các chủ thể. Điển hình đối với những giao dịch
13
có đối tượng là nhà, quyền sử dụng đất. Ví dụ: A chuyển nhượng cho B một diện
tích đất ở, khi hợp đồng bị tuyên là vô hiệu, B phải trả đất cho A, A phải trả tiền
cho B. Thực tế cho thấy rằng, nguyên đơn hầu hết là bên chuyển nhượng. Đối với
bên chuyển nhượng, vệc lấy lại đất là thoả đáng. Nhưng với bên được chuyển
nhượng, việc phải trả lại đất cho bên bán là một tổn thất rất lớn với họ. Cho dù
được nhận lại số tiền đã bỏ ra trước đây, họ không bao giờ mua được diện tích đất
như vậy nữa vì những năm qua giá trị quyền sử dụng đất ở nước ta tăng nhanh
chóng mặt. Hơn nữa, tỉ lệ lạm phát lại cao. Trong trường hợp bên chuyển nhượng
có lỗi trong việc xác lập giao dịch này, bên nhận chuyển nhượng được bồi thường
thiệt hại. Tuy nhiên, khoản bồi thường cũng không bao giờ bù đắp được mất mát
thực tế của họ do giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu [22, phần 2].
Thứ hai, về hậu quả phải bồi thường thiệt hại
Bên có lỗi gây ra thiệt ại phải bồi thường. Trong trường hợp cả hai bên có
lỗi, đều gây thiệt hại cho nhau nhưng lại có sự chênh lệch về mức độ thiệt hại giữa
các bên thì nhà làm luật lại không dự liệu trường hợp này. Theo tôi, việc hai bên
cùng có lỗi thì hai bên sẽ tự chịu những rủi ro mà lỗi của mình gây ra. Trường hợp
này sẽ không phải bồi thường thiệt hại
Thứ ba, bảo vệ người thứ ba ngay tình
Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động
sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch
khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực,
trừ trường hợp quy định tại Điều 257 của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp tài
sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được
chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với
người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản
14
này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người
này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa [4, Điều
138].
3. Một số điểm bất cập và phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật về
giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ những quy định về hình thức
Quy định về hình thức gioa dịch vẫn còn nhiều điểm thiếu sót, chưa nhất
quán, chưa đảm bảo lô gíc pháp lý giữa các điều luật liên quan.Vấn đề hình thức
giao dịch được quy định tại các Điều 122, 124, 401 Bộ luật dân sự 2005. Các quy
định có những điểm bất cập cần phải được làm rõ. Quy định tại khoản 2 Điều 122
Bộ luật dân sự 2005 chỉ những trường hợp pháp luật có quy định, mà không dự
liệu khả năng khi các bên có thỏa thuận lựa chọn hình thức hợp đồng là điều kiện
có hiệu lực của hợp đồng. Trên thực tế, đối với các loại hợp đồng pháp luật không
quy định hình thức bắt buộc, thì các bên cũng có quyền thỏa thuận hình thức là
một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Vì vậy hình thức của giao dịch có thể là
điều kiện có hiệu lực của gioa dịch trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc
pháp luật có quy định. Bởi vậy, cần bổ sung vào quy định tại Điều 401 Bộ luật
dân sự 2005 về khả năng hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng khi các
bên có thỏa thuận.
Bên cạnh đó, có thể sửa đổi những quy định sau đây:
Sửa đổi, bổ sung qui định tại khoản 2 Điều 401 Bộ luật Dân sự 2005: Trong
trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định hợp đồng phải
được thể hiện bằng hình thức nhất định thì hợp đồng phải được giao kết theo
đúng hình thức đó.
Bỏ đoạn 2 khoản 2 Điều 401 và bổ sung quy định hình thức là điều kiện có
hiệu lực của hợp đồng nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định.
Trên đây là một số bất cập và một số giải pháp về giao dịch dân sự vô hiệu
do không tuân thủ những quy định về hình thức theo quy định của pháp luật Việt
Nam. Hi vọng bài viết sẽ đem lại góc nhìn mới về vấn đề này.
15
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I
Trường đại học luật Hà Nội
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009
2. Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập II
Trường đại học luật Hà Nội
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009
3. Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I
Lê Đình Nghị (chủ biên)
Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008
4. Bộ luật Dân sự năm 2005
5. Giao dịch dân sự vô hiệu và việc giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch
dân sự vô hiệu
Nguyễn Văn Cường
Luận án tiến sỹ luật học, Hà Nội, 2005
6. Hợp đồng dân sự và các tranh chấp thường gặp
ThS.TS Lê Kim Giang
Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2008
16
7. Hướng dẫn pháp luật hợp đồng dân sự và cơ chế giải quyết tranh chấp
trong bộ luật tố tụng dân sự
ThS. Đặng Văn Được, Luật gia Tạ Thị Hồng Vân
Nxb. Lao động- Xã hội, Hà Nội, 2008
8. Hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam
Lê Minh Hùng
Luận án Tiến sĩ luật học- Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh,
2010
9. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật
hiện hành
Trần Thị Nhường
Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội, 2010
10.Chế định hợp đồng dân sự vô hiệu trước yêu cầu sửa đổi, Bổ sung bộ luật
dân sự năm 2005
ThS. Bùi Thị Thanh Hằng
Tạp chí khoa học Đại học quốc gia Hà Nội
11.Xử lý các tranh chấp trong một số án dân sự
Tưởng Duy Lượng
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008
12.Luật hợp đồng Việt Nam Bản án và bình luận bản án
TS. Đỗ Văn Đại
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008
13.Bình luận khoa học Bộ luật dân sự nhật bản 1995
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003
14.Vị trí và vai trò của chế định hợp đồng trong bộ luật dân sự Việt Nam
Nguyễn Đức Giao
Thông tin khoa học pháp lý- viện nghiên cứu khoa học pháp lý 2002
15.Sự phát triển của pháp luật dân sự và thương mại pháp 9/1997
Hội thảo khoa học, Hà Nội
16.Hợp đồng kinh tế vô hiệu và hậu quả pháp lý của nó
Lê Thị Bích Thọ
Thông tin khoa học pháp lý- viện nghiên cứu khoa học pháp lý 2002
17.Một số vấn đề về giao dịch dân sự và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự
vô hiệu
Luận văn thạc sỹ trường đại học Luật Hà Nội, 1997
18.Giao dịch dân sự
Website: www.ecolaw.vn
19.Đối tượng của nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam
Chu Tùng Anh
17
Website: www.kilobooks.com
20.Từ điển tiếng Việt
Website: www.informatik.uni-leipzig.de
21.Bàn về điều kiện hình thức của giao dịch theo quy định của bộ luật dân sự
năm 2005
Thẩm phán Tưởng Duy Lượng - Chánh tòa Dân sự, Tòa án Nhân dân Tối
cao.
Tạp chí Nghề Luật số 5/2007
Website: luatvidan.vn
22.BÀN VỀ CÁC QUI ĐỊNH XỬ LÝ HẬU QUẢ CỦA GIAO DỊCH DÂN
SỰ VÔ HIỆU TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 1995 VÀ DỰ THẢO
BỘ LUẬT DÂN SỰ SỬA ĐỔI
THS. NGUYỄN NHƯ QUỲNH – Khoa Luật dân sự – Đại học Luật Hà
Nội
Website: thongtinphapluatdansu.edu.vn
18