Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

(TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN) NHÂN VẬT ANH HÙNG VĂN HÓA TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN VỀ THỜI KỲ VĂN LANG ÂU LẠC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (262.73 KB, 27 trang )

1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

ĐẶNG THỊ LAN ANH

NHÂN VẬT ANH HÙNG VĂN HÓA
TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN VỀ THỜI KỲ
VĂN LANG - ÂU LẠC
Chuyên ngành: Văn học dân gian
Mã số
: 62.22.01.25

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

HÀ NỘI, 2016


2
Công trình được hoàn thành
tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Lê Trường Phát

Phản biện 1: GS.TS. Nguyễn Xuân Kính
Viện Văn hóa dân gian
Phản biện 2: PGS.TS. Nguyễn Xuân Đức
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Phản biện 3: PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ
Viện Sử học


Luận án được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp: Trường
tại: …………………………………………………………………
Vào hồi… giờ…, ngày… tháng… năm 2016

Có thể tìm đọc luận án tại Thư viện Quốc gia
và Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội


3
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Truyện kể dân gian luôn có sức sống mãnh liệt và khả năng tái
sinh không ngừng trong dòng chảy của thời gian, đặc biệt là truyện kể dân
gian về giai đoạn sơ sử của dân tộc.
1.2. Trong kho tàng truyện kể dân gian của các nền văn hóa trên thế
giới, có một kiểu loại nhân vật nằm ở khu vực trung tâm của các truyện kể
dân gian lâu đời nhất, đó là nhân vật anh hùng văn hóa. Hiện nay, một số
công trình nghiên cứu về nhân vật anh hùng văn hóa trong thần thoại và
truyền thuyết của các nền văn hóa trên thế giới đã mang tới cách nhìn
nhận đa chiều và bổ sung thêm nhiều lý thuyết của giới nghiên cứu trước
đó. Đặc biệt là mô hình chu trình vòng đời người anh hùng văn hóa của
Lord Raglan đã gợi dẫn cho chúng tôi những phương cách để tìm hiểu
cấu trúc các cổ mẫu và motif về nhân vật anh hùng văn hóa trong truyện
kể dân gian về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc. Chúng tôi mong muốn tìm
kiếm những điểm gặp gỡ giữa mô hình phổ quát về người anh hùng văn
hóa trên thế giới với truyện kể dân gian Việt Nam, cũng như nêu bật
những đặc tính riêng của mẫu hình nhân vật này bởi những đặc tính riêng
biệt về quốc gia, dân tộc, lịch sử và nền tảng văn hóa. Đây là một vấn đề
rất cần được nghiên cứu chuyên sâu.
1.3. Thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc chính là “thời đại anh hùng” của lịch

sử Việt Nam với đầy đủ những đặc trưng của “thời đại anh hùng” theo định
nghĩa của Friedrich Engels. Đây là giai đoạn sản sinh và nuôi dưỡng những
hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa điển hình trong các truyện kể dân
gian. Hình tượng anh hùng văn hóa trong truyện kể dân gian về thời kỳ Văn
Lang - Âu Lạc có những nét riêng biệt. Đặc trưng của nhân vật cùng với
vấn đề sức sống, vai trò của nhân vật trong đời sống văn hóa dân tộc rất cần
được tìm hiểu trên bình diện tổng thể và toàn diện hơn. Tất cả những điều
này khích lệ chúng tôi áp dụng các lý thuyết mới vào việc nghiên cứu đề tài:
“Nhân vật anh hùng văn hóa trong truyện kể dân gian về thời kỳ Văn
Lang - Âu Lạc”.


4
2. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục tiêu
Thông qua việc khảo sát cấu trúc vòng đời, kiến giải những motif tiêu
biểu trong cấu trúc vòng đời của nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn
Lang - Âu Lạc, chúng tôi sẽ chỉ ra những điểm gặp gỡ chung với mô hình
phổ quát về người anh hùng văn hóa trên thế giới, đồng thời chúng tôi cũng
chỉ ra những đặc tính riêng biệt của mẫu hình nhân vật này được quy định
bởi đặc tính riêng biệt của lịch sử và nền tảng văn hóa. Tiếp tục khẳng định
đặc tính riêng biệt đó, chúng tôi thực hiện việc nghiên cứu nhân vật anh hùng
văn hóa trong tín ngưỡng, lễ hội, phong tục nhằm nhận diện và giải mã
những dấu tích, hành trạng của nhân vật trong đời sống văn hóa dân gian.
2.2. Nhiệm vụ
Với đối tượng nghiên cứu là nhân vật anh hùng văn hóa trong truyện
kể dân gian về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc, nhiệm vụ nghiên cứu của luận
án như sau: Hệ thống hóa tư liệu truyện kể dân gian, xác định cội nguồn,
bối cảnh lịch sử - văn hóa hình thành, nuôi dưỡng hình tượng nhân vật, tìm
hiểu, phân tích cấu trúc và motif vòng đời của nhân vật anh hùng văn hóa,

tìm hiểu sức sống của hình tượng nhân vật trong đời sống văn hóa dân tộc.
3. Phạm vi nghiên cứu
3.1. Nội dung
Nghiên cứu nhân vật anh hùng văn hóa trong truyện kể dân gian về
thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc, chúng tôi tập trung vào hai thể loại chủ yếu
chứa đựng mẫu nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ này là thần thoại và
truyền thuyết.
3.2. Phạm vi tư liệu
Chúng tôi chủ yếu căn cứ vào các văn bản truyện kể đã được ghi
chép qua các thư tịch và đã được in ấn, xuất bản, tư liệu trong các sách
tổng tập, tuyển tập văn học dân gian (Viện KHXH Việt Nam (2004), Tổng
tập văn học dân gian người Việt, tập 4, tập 5, Nxb KHXH, HN; Viện Văn
học (2001), Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam, tập 1 - Nxb Giáo dục).
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng thêm tư liệu tại các địa phương do các học


5
giả: Hồng Diêu, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Nghĩa Nguyên, Ninh Viết Giao,
Hà Kỉnh, Đoàn Công Hoạt, Nguyễn Khắc Xương… sưu tầm, biên soạn.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp loại hình học; Phương pháp nghiên cứu liên ngành;
Phương pháp cấu trúc; Phương pháp phân tích ngữ văn dân gian; Phương
pháp nghiên cứu điền dã.
5. Đóng góp mới của luận án
- Kế thừa những thành tựu nghiên cứu của giới nghiên cứu folklore,
chúng tôi mong muốn làm sáng rõ hơn một số vấn đề lí luận, trong đó có
vấn đề nhân vật anh hùng văn hóa như là cổ mẫu trong folklore, tìm hiểu
mô hình cấu trúc của cổ mẫu anh hùng văn hóa, trên cơ sở đó soi chiếu vào
việc nghiên cứu nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc.
- Là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về

hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong truyện kể dân gian về thời kỳ
Văn Lang - Âu Lạc.
- Luận án thực hiện việc tìm hiểu cấu trúc các cổ mẫu và motif về chu
trình vòng đời của người anh hùng văn hóa trong truyện kể dân gian về
thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc. Phân tích và tổng hợp hóa để tìm kiếm những
điểm gặp gỡ với mô hình phổ quát về người anh hùng văn hóa trên thế
giới, cũng như nêu bật những đặc tính riêng của mẫu hình nhân vật này bởi
những đặc tính riêng biệt về quốc gia, dân tộc, lịch sử và nền tảng văn hóa.
- Luận án thực hiện việc tìm hiểu sức sống của hình tượng anh hùng
văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc trong tín ngưỡng, phong tục, lễ hội.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục,
Nội dung luận án được triển khai thành 3 chương
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và lý luận
Chương 2. Cấu trúc và motif vòng đời của nhân vật anh hùng văn
hóa trong truyện kể dân gian về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc
Chương 3. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang
- Âu Lạc trong tín ngưỡng, lễ hội, phong tục


6
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Tổng quan lịch sử vấn đề
Lịch sử nghiên cứu về vấn đề nhân vật anh hùng văn hóa trong truyện
kể dân gian về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc từ lâu đã được các học giả trong
ngành văn hóa dân gian quan tâm đề cập. Chúng tôi trình bày tổng quan
các công trình nghiên cứu tập trung vào các nội dung: khuynh hướng
nghiên cứu về mẫu hình nhân vật anh hùng văn hóa trong folklore học thế
giới và những quan điểm nghiên cứu có tính lịch sử về truyện kể dân gian

thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc. Chúng tôi tiếp thu những ý kiến của các học
giả đi trước và cố gắng giải quyết, triển khai một cách chi tiết các vấn đề
còn tồn đọng trong luận án của mình.
1.2. Tổng quan về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc
1.2.1. Thư tịch và việc xác định niên đại, cương vực lãnh thổ thời kỳ Văn
Lang - Âu Lạc
Sự tồn tại của thời kỳ mang đậm dấu ấn huyền sử này được lưu truyền
trong dân gian, được ghi chép trong những bộ sử cổ nhất của nước ta là
Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư. Ngoài ra, có thể kể đến các
nguồn thư tịch khác như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Ức Trai di
tập, Dư địa chí, Vân Đài loại ngữ, Lịch triều hiến chương loại chí, Sử học
bị khảo… Cố nhiên, muốn tìm tài liệu về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc,
chúng ta không thể không kể đến những bộ sách cổ của Trung Quốc.
Thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc được đánh dấu bằng niên đại ra đời của
nước Văn Lang vào thế kỷ VII TCN (theo Việt sử lược) và kết thúc vào
khoảng thế kỉ thứ III TCN khi nước Âu Lạc sụp đổ. Nhà nước sơ khai Văn
Lang - Âu Lạc được dựng xây trên nền của nền văn hóa Đông Sơn, thời kỳ
của sự phát triển rực rỡ đồ đồng và thời kỳ sơ khởi của đồ sắt, từ sự hòa
hợp các tộc người Lạc Việt nguyên thủy, Nam Đảo, Âu Việt…
Cương vực của nước Văn Lang cũng đồng thời là địa bàn của nước
Âu Lạc nối tiếp sau đó là phạm vi lãnh thổ một phần các tỉnh Quảng Đông,


7
Quảng Tây (thuộc Trung Quốc ngày nay), Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ (của
Việt Nam ngày nay), phía Nam tiếp giáp với Hoành Sơn (Quảng Bình).
Cương vực này khá phù hợp với địa bàn phân bố các di tích của nền văn
hóa Đông Sơn - Việt cổ.
1.2.2. Tên gọi Văn Lang - Âu Lạc
Văn Lang: tên gọi này xuất phát từ danh từ vlang hay blang, tên gọi loài

chim thần thoại trong tiếng Việt, tô - tem của bộ lạc gốc của các vua Hùng.
Âu Lạc: có thể hiểu là sự tượng trưng cho sự thống nhất, hòa hợp giữa
các tộc người, trong đó tiêu biểu nhất là người (Tây) Âu và người Lạc
(Việt) (các nhánh của Bách Việt) dưới thời An Dương Vương.
1.2.3. Đặc điểm văn hóa vật chất - xã hội - tinh thần thời kỳ Văn Lang Âu Lạc
1.2.3.1. Văn hóa vật chất
Thời kì phát triển đồ đồng huy hoàng. Tổ chức sản xuất lúa nước, cây
trồng, vật nuôi, các ngành dệt vải, chế tạo đồ trang sức, nghề gốm, nghề
mộc, nghề đan lát… đạt trình độ nhất định. Con người tích cực khai phá
vùng đất mới, bước đầu sản xuất nhiều loại vũ khí.
1.2.3.2. Văn hóa xã hội
Thời kỳ của sự hợp nhất các cộng đồng cư dân, xuất hiện những vị thủ
lĩnh có công khai phá các vùng đất hoặc giành chiến thắng trong các cuộc
chiến, sáng tạo những giá trị văn hóa được cộng đồng tôn vinh.
Mô hình nhà nước Văn Lang là mô hình nhà nước cổ theo chế độ cha
truyền con nối, đời đời thế tập. Nối tiếp Văn Lang, Nhà nước Âu Lạc được
tổ chức và phát triển ở nấc cao hơn, dưới áp lực tổ chức kiện toàn để
chống lại nguy cơ giặc ngoại xâm.
1.2.3.3. Văn hóa tinh thần
Thời kỳ này có một số hình thức tín ngưỡng đáng chú ý: Tín ngưỡng
Tôtem, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín
ngưỡng phồn thực... Nói đến văn hóa tinh thần của thời kì này không thể
không nhắc tới lễ hội, đặc biệt hội mùa là đỉnh cao của sinh hoạt văn hóa
cộng đồng. Thời kỳ này sản sinh và nuôi dưỡng hệ thống truyện kể dân


8
gian phong phú với các hình tượng nghệ thuật đã trở thành cứ liệu để xem
xét, giải mã nhiều vấn đề về lịch sử của dân tộc.
1.3. Tổng quan truyện kể dân gian về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc

1.3.1. Giới thuyết về truyện kể dân gian
1.3.1.1. Thần thoại
Thần thoại là câu chuyện về khai nguyên và kiến tạo thế giới, được
xem là có thật bởi tính “thiêng liêng” trong những tình huống mà chúng
được sử dụng. Nhân vật chính của thần thoại là các vị thần hay những
người anh hùng hành động không theo động lực thông thường mà theo
lôgic của tưởng tượng. Kết cấu của thần thoại chặt chẽ và các chi tiết đều
nằm trong hệ thống các cổ mẫu và biểu tượng có ý nghĩa.
1.3.1.2. Truyền thuyết
Truyền thuyết, thông thường là những câu chuyện ngắn, với tính
truyền thống và “nguyên mẫu vùng” rất tiêu biểu. Truyền thuyết tường
thuật những câu chuyện đã được lịch sử hóa nhằm phản ánh những cấp độ
tâm lý trong những biểu tượng có tính đại diện của tín ngưỡng dân gian và
kinh nghiệm tập thể. Hơn hết, truyền thuyết đóng vai trò một sự tái khẳng
định các giá trị và quan điểm chung của những nhóm người trong truyền
thống cộng đồng.
1.3.2. Cơ sở lịch sử - văn hóa của sự hình thành và phát triển dòng truyện
kể dân gian về người anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc
Cơ sở đó là sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn đưa đến sự
hình thành tổ chức nhà nước sớm của cư dân Lạc Việt, Âu Việt, Nam Đảo
và cư dân Australoid thời bấy giờ. Để tồn tại và phát triển, các cộng đồng
dân cư trên đất Văn Lang - Âu Lạc đã cố kết lại với nhau thành một khối
thống nhất. Từ đây, con người đã hoàn toàn vượt thoát khỏi đời sống dã
man, kiêu hãnh bước vào thời kỳ của kĩ thuật chế tác đồ đồng và đồ sắt,
bước đầu chế ngự tự nhiên, đạt được những thành quả khởi đầu khiến họ
tự thấy sùng bái mình, thần thánh hóa chính mình. Đây là thời đại anh
hùng, thời đại ý thức dân tộc trưởng thành, thời đại sản sinh thể loại truyền
thuyết trong lòng thần thoại sáng tạo.



9
1.3.3. Diện mạo truyện kể dân gian về nhân vật anh hùng văn hóa thời
kỳ Văn Lang - Âu Lạc
Trong lớp truyện kể đầu tiên về thời kì Văn Lang - Âu Lạc, thế giới
quan thần thoại khá đậm nét hòa trộn với niềm tôn vinh và sự thiêng hóa
thực tại đã tạo dựng lên hình tượng người anh hùng cộng đồng có sự kết
nối với các bậc tổ tiên thần thoại. Bên cạnh đó là những truyện kể mang xu
thế lịch sử hóa với những truyện vinh danh những anh hùng sáng tạo các
giá trị văn hóa, kiến thiết xã hội, bảo vệ địa bàn sinh tụ, các vị thần bảo trợ
nông nghiệp, các vị tổ nghề. Ngoài ra, nhắc tới truyện kể dân gian thời kì
này còn phải xem xét tới một nhóm truyện kể bước đầu có xu thế cổ tích
hóa, mặc dù những thiên truyện này vẫn phản ánh những vấn đề mang đậm
ý nghĩa rộng lớn quốc gia - dân tộc.
1.4. Tổng quan về nhân vật anh hùng văn hóa trong truyện kể dân gian
1.4.1. Quan niệm về nhân vật anh hùng văn hóa
Theo chúng tôi, nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết trước
tiên là người mang lại văn hóa cho nhân loại nói chung hay cho từng tộc
người nói riêng. Họ thường phát minh ra sản phẩm văn hóa hoặc các công
cụ lao động, có công lớn trong việc truyền bá, khai sáng văn hóa cho cư
dân trong vùng, cung cấp thực phẩm cho dân chúng trong những bối cảnh
ngặt nghèo, làm nên các tác phẩm nghệ thuật, khai sinh ra một ngành nghề
mới, mở mang bờ cõi... Họ cũng là người sáng tạo hoặc kiến thiết những
cấu trúc xã hội mới, tạo nên pháp luật, định hình các quy tắc của hôn nhân,
khởi tạo các phép thuật, nghi lễ và ngày sinh, ngày hóa của họ là nguồn cội
tạo nên các ngày lễ tưởng nhớ trong năm.
1.4.2. Nguồn gốc và những kiến giải về mẫu hình nhân vật anh hùng văn
hóa trong Folklore
Nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng để làm sáng tỏ các vấn đề phức tạp
về nguồn gốc của các nhân vật anh hùng văn hóa bằng cách tìm kiếm các
nguyên nhân chung về sự tồn tại của mẫu hình này. Một số tìm kiếm

nguồn gốc lịch sử của anh hùng văn hóa; một số khác kết luận rằng những
việc làm của anh hùng văn hóa trong các truyện kể dân gian là sự nhân hóa


10
các hiện tượng khí tượng trong vũ trụ và thiên văn học và do đó anh hùng
văn hóa nên được xem như là năng lượng của mặt trời, mặt trăng và các
thiên thể. Bên cạnh đó, phần lớn các học giả đã cố gắng phân tích nhân vật
anh hùng văn hóa để khám phá cấu trúc công thức của các chu kỳ huyền
thoại hay để giải thích rằng người anh hùng này là có ý nghĩa biểu hiện
cho các giá trị xã hội, tín ngưỡng, hành vi của con người. Những nghiên
cứu mới nhất về thần thoại và truyền thuyết cho thấy những nhân vật anh
hùng có xu hướng phù hợp để hình thành chung một type truyện. Chúng
khiến cho truyện kể dân gian về anh hùng văn hóa ở những dân tộc khác
nhau có vẻ như chia sẻ nhiều type và motif chung.
Hầu hết các nghiên cứu cho rằng nhân vật anh hùng văn hóa là phổ
biến và là một phần tất yếu của các truyện kể dân gian. Đồng thời, họ cho
rằng, trên thực tế đã tìm thấy một mô hình tiểu sử tương đối ổn định của
những người anh hùng ở những nền văn hóa khác nhau.
Chung quy lại có thể thấy, nhân vật anh hùng văn hóa là sự hóa thân
của những biểu tượng rực rỡ nhất mà con người có thể đạt đến. Hình tượng
người anh hùng chính là sự bày tỏ lòng sùng kính của con người đối với
thế giới thần linh.
1.4.3. Phân loại nhân vật anh hùng văn hóa
Trên cơ sở tiếp thu những quan điểm phân loại của Wilhelm Schmidt nhà nhân chủng học Australia (phân loại nhân vật anh hùng văn hóa thành
năm nhóm căn bản), quan điểm của nhà khoa học Der Heilbringer Van
Deursen (phân loại nhân vật anh hùng văn hóa thành bốn nhóm căn bản),
và căn cứ thực tế kho tàng truyền thuyết về anh hùng văn hóa thời kỳ Văn
Lang - Âu Lạc còn lưu giữ lại được, chúng tôi phân chia anh hùng văn hóa
ở thời kỳ này thành các nhóm sau: (1). Anh hùng văn hóa là bậc tiên tổ,

đấng sáng tạo, người sáng lập triều đại. (2). Anh hùng văn hóa là vị thần
chinh phục tự nhiên. (3). Anh hùng văn hóa là người kiến tạo các giá trị
văn hóa mới cho nền văn minh. (4). Anh hùng văn hóa như là vị thần bảo
trợ nông nghiệp. (5). Anh hùng văn hóa là người chống các thế lực ngoại
xâm - bảo vệ địa bàn sinh tụ.


11
1.5. Tổng quan một số vấn đề lý luận
Cơ sở lý thuyết mà chúng tôi sử dụng để tìm hiểu đề tài là: Lý thuyết
phê bình cổ mẫu, Lý thuyết cấu trúc, Lý thuyết thi pháp học, Lý thuyết type
và motif, Lý thuyết nhân học văn hóa… Đặc biệt, luận án áp dụng mô hình
cấu trúc phổ dụng về nhân vật anh hùng truyền thống trong nghiên cứu của
Lord Raglan, đặt ra hai mươi hai điểm của chu kỳ vòng đời.
Chương 2
CẤU TRÚC VÀ MOTIF VÒNG ĐỜI CỦA NHÂN VẬT ANH HÙNG
VĂN HÓA TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN VỀ THỜI KỲ
VĂN LANG - ÂU LẠC
2.1. Cấu trúc vòng đời của nhân vật anh hùng văn hóa trong truyện kể
dân gian về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc
2.1.1 Cổ mẫu anh hùng văn hóa trong thần thoại: Nguồn cội của cấu
trúc hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong truyện kể dân gian về
thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc
2.1.1.1 Cổ mẫu anh hùng văn hóa trong thần thoại
Carl Jung (1875-1961) là người đặt nền tảng cho khuynh hướng
nghiên cứu cổ mẫu. Theo quan điểm của ông, vô thức tập thể là phần sâu
kín nhất của tâm thần, quyết định số phận của cá nhân cũng như của toàn
xã hội. Ông đã tìm kiếm trong thần thoại, truyền thuyết và những truyện kể
dân gian khác những mẫu hình cơ bản tái diễn trong một chuỗi mà ở đó
tiết lộ ý nghĩa phổ quát và kinh nghiệm cơ bản của con người cho độc giả

bất kể thời đại và không gian mà họ sinh sống. Trong văn hóa dân gian và
văn học, nhân vật, hình ảnh và chủ đề mà biểu tượng thể hiện ý nghĩa phổ
quát và kinh nghiệm cơ bản của con người, bất kể không gian hoặc thời
gian nơi họ tồn tại, được coi là cổ mẫu. Nó được lặp lại trong suốt chiều
dài lịch sử ở bất kì đâu có trí tưởng tượng sáng tạo tự do hoạt động. Cổ
mẫu văn học phổ biến bao gồm: Personal (mặt nạ) - Shadow (Bóng âm) Anima (Linh âm) - Animus (Linh dương); Mother (Mẹ) - Spirit (Thần
thánh) - Rebirth (Tái sinh) - Trickster (Kẻ bịp bợm) - Father (Cha) - Dead


12
(Cái chết) - Water (Nước) và những câu chuyện về nhiệm vụ, sự gánh
vác, chuyến đi tới địa ngục, và chuyến đi đến thiên đàng... đặc biệt là cổ
mẫu Anh hùng (Hero)
2.1.1.2. Cấu trúc của cổ mẫu anh hùng văn hóa
Trở thành một trong những vấn đề trung tâm trong nghiên cứu truyện
kể dân gian trên toàn thế giới, nhân vật anh hùng văn hóa là một biểu hiện
rõ rệt nhất bản chất của tính tuần hoàn trong tư duy huyền thoại. Joseph
Campbell trong công trình The Hero with a Thousand Faces (Người anh
hùng có hàng ngàn gương mặt) đã chia cổ mẫu anh hùng theo hành trình
phiêu lưu và chiến công của nhân vật. David Adams Leeming trong
chuyên luận Mythology - The Voyage of the Hero (Thần thoại - Hay là về
chuyến phiêu lưu của người anh hùng) đã cho rằng toàn bộ cuộc đời kỳ lạ
của những người anh hùng từ lúc sinh ra cho đến khi đi vào vĩnh cửu
tương tự như một hành trình lớn mang tính chu kỳ. Và vì thế các phân tích
của D.A.Leeming dựa trên sự nghiên cứu các hình thức của một truyện kể
dân gian đặc thù bằng cách chia câu chuyện ra tám phần khác nhau tương
ứng với các sự kiện trọng đại diễn ra trong cuộc đời của người anh hùng.
Tuy nhiên, nhắc đến những thành quả nghiên cứu về mô hình cổ mẫu anh
hùng trong nền văn hóa thế giới qua truyện kể dân gian, nhất thiết phải
nhắc đến mô hình kinh điển 22 điểm mà Raglan đã đặt ra trong The Hero:

A Study in Tradition, Myth and Drama. Mô hình này đã được các nhà
nghiên cứu folklore trên thế giới ứng dụng vì tính khái quát cao độ của nó.
Đây được xem là mô hình lý tưởng về chu trình vòng đời của người anh
hùng trên toàn thế giới, giống như mô hình 31 chức năng, 7 nhóm nhân vật
của V.IA.Propp trong truyện cổ tích thần kỳ.
2.1.1.3. Sự bảo lưu các yếu tố của cổ mẫu anh hùng trong loại hình nhân
vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc
Trong những truyện kể dân gian, những kỳ tích của các anh hùng bao
giờ cũng là sự tổng hợp những thành tựu mà toàn thể cộng đồng đã mất
bao thế kỷ mới đạt được. Thành tựu ấy được quy về “thời đại dựng nước
huy hoàng” và trao cho một số tên tuổi thần thánh được suy tôn là thủy tổ


13
của cộng đồng. Những truyện kể dân gian thời kỳ ban đầu này thường đậm
màu sắc thần thoại, nhân vật trung tâm là “những anh hùng văn hóa” mang
đặc điểm của nhân vật thần thoại, và xung đột chính là xung đột giữa con
người với thiên nhiên (xung đột trọng tâm của thần thoại) trong quá trình
dựng nước (khác với những truyền thuyết đời sau là xung đột giữa cộng
đồng dân tộc và giặc ngoại xâm). Truyện kể dân gian về thời kỳ Văn Lang
- Âu Lạc đã bảo lưu và tái sinh nhiều yếu tố của cổ mẫu anh hùng trong
kiểu nhân vật anh hùng văn hóa.
2.1.2. Khảo sát cấu trúc vòng đời của nhân vật anh hùng văn hóa qua
một số truyện kể dân gian tiêu biểu về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc
Các nhân vật được lựa chọn khảo sát dựa trên mô hình cấu trúc cổ
mẫu phổ dụng về mẫu nhân vật anh hùng văn hóa trong lý thuyết của
Raglan bao gồm: Lạc Long Quân; Tản Viên Sơn Thánh; Thánh Gióng;
Thánh Mẫu Thượng Ngàn; Chàng Út Soi; Vua Bà; Chử Đồng Tử; Lang
Liêu; Hoàng Phủ Thiều Hoa; Ông Đống; Lý Ông Trọng; Câu Mang;
Hùng Vương; An Dương Vương; Cao Lỗ. Đa phần các nhân vật đều đáp

ứng các điểm căn bản trong mô hình cấu trúc vòng đời của Raglan. Tuy
nhiên, nếu mô hình cấu trúc vòng đời trên thế giới luôn mô tả đầy đủ về
phả hệ cao quý hoặc thần kỳ của các anh hùng văn hóa thì truyện kể dân
gian Việt Nam chủ yếu tập trung vào các chiến công của các anh hùng.
Thay vì chịu ảnh hưởng sâu sắc của mô hình thần thoại về người anh hùng
văn hóa như trong thời kỳ Văn Lang, bước sang thời kỳ Âu Lạc tất cả các
điểm từ 1 đến 10 thuộc về hiện tượng sinh nở thần kỳ và phả hệ tôn quý
mà nhân vật xuất thân gần như biến mất để đưa người anh hùng về gần
hơn với thực tế. Điều này cho thấy, trong quan điểm của dân gian, chiến
công của người anh hùng không phải là chiến công của cá nhân mà là của
toàn thể cộng đồng. Như vậy, bên cạnh những điểm gặp gỡ giữa mô hình
phổ quát về người anh hùng văn hóa trên thế giới với người anh hùng văn
hóa trong truyện kể dân gian Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rất nhiều điểm
mang đặc tính riêng của mẫu hình anh hùng văn hóa Việt Nam bởi sự
riêng biệt về lịch sử và nền tảng văn hóa.


14
2.2. Kiến giải những motif tiêu biểu trong cấu trúc vòng đời của nhân
vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc
2.2.1. Nhóm motif liên quan đến nguồn gốc thần bí; sự sinh nở kỳ lạ và
thời thơ ấu trong chu trình vòng đời của người anh hùng văn hóa (từ
điểm 1 đến điểm 9)
2.2.1.1. Nguồn gốc kỳ lạ của người anh hùng văn hóa và hiện tượng sinh nở
thần kỳ
Nguồn gốc kỳ lạ của người anh hùng văn hóa và hiện tượng sinh nở
thần kỳ với những motif điển hình như: A510. Nguồn gốc của các anh hùng
văn hóa; A510.1. Anh hùng văn hóa như một vị thần; A510.2. Anh hùng
văn hóa tái sinh. A511. Sự ra đời và trưởng thành của anh hùng văn hóa;
A511.1.4. Nguồn gốc ma thuật của anh hùng văn hóa. A511.1.4.1. Nguồn

gốc từ phiến đá vỡ tung của người anh hùng văn hóa; A511.1.5. Anh hùng
văn hóa là con trai của thần (hay á thần); A511.1.8. Anh hùng văn hóa là
con trai của động vật; A511.1.9. Anh hùng văn hóa sinh ra từ quả trứng…
Hầu hết các nhân vật có lai lịch xuất thân được bao phủ bởi một màn
sương huyền thoại. Tuy nhiên, trong truyện kể về anh hùng văn hóa thời
kỳ Văn Lang - Âu Lạc, ngoài những câu chuyện tiêu biểu có sự tương
đồng về phả hệ cao quý của nhân vật thì các truyện kể khác trong giai đoạn
này đã trao cho người anh hùng văn hóa một bà mẹ nông dân bình thường.
2.2.1.2. Thời thơ ấu của người anh hùng văn hóa
Các motif: A511. Sự ra đời và trưởng thành của anh hùng văn hóa;
motif; A527.1. Anh hùng văn hóa sớm phát triển; A511.2. Chăm sóc anh
hùng văn hóa; A511.3. Giáo dục anh hùng văn hóa; A511.4. Sự lớn lên
của các anh hùng văn hóa hay motif A511.4.1. Sự phát triển/tăng trưởng
thần kỳ của người anh hùng văn hóa. Điều kỳ lạ là hầu hết các truyện kể
về anh hùng văn hóa trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều có rất ít
thông tin về chu trình vòng đời liên quan đến thời thơ ấu của người anh
hùng. Theo Raglan những câu chuyện về các anh hùng truyền thống
chính là câu chuyện về sự tiến triển của nghi lễ vòng đời của chính anh ta.
Điều này gợi nhớ sự liên hệ mật thiết giữa mô hình tư duy huyền thoại


15
với nghi lễ “sang ngôi” hay “lễ trưởng thành” từ trong xã hội nguyên
thủy. Trong mô hình cuộc đời người anh hùng văn hóa, tuổi thơ khuyết
thiếu tương ứng với giai đoạn thứ hai của nghi lễ là thời kì bản lề trong đó
đánh dấu sự kiện xuất hiện của một cá nhân phi thường và chuẩn bị cho
người anh hùng bước vào một cuộc phiêu lưu hoặc thực hiện những chiến
công kỳ vĩ. Ngoài ra, gốc gác của vấn đề vừa sinh ra đã trưởng thành liên
quan trực tiếp đến tư cách người giải cứu của nhân vật anh hùng, cho phép
chúng ta đi đến kết luận rằng tất cả các sự kiện của cốt truyện xoay quanh

vấn đề người giải cứu xuất hiện vào đúng thời điểm xảy ra tai họa và lập
tức bắt tay vào công việc giải cứu.
2.2.2. Nhóm motif liên quan đến hành trạng và chiến công trong chu
trình vòng đời của người anh hùng văn hóa (từ điểm 10 đến điểm 17)
2.2.2.1. Hành trạng và chiến công của anh hùng văn hóa là bậc tiên tổ,
đấng sáng tạo, định quốc, định đô
Truyện kể dân gian đã ghi nhận sự tồn tại của các anh hùng văn hóa
với tư cách là những đấng sáng tạo hay bậc tiên tổ, thủy tổ của bộ lạc hay
các nhà nước sơ khai. Những motif được tìm thấy như: A515. Cặp đôi anh
hùng văn hóa; A530.1. Anh hùng văn hóa hoàn thành công việc của người
sáng tạo; A538. Anh hùng văn hóa xây dựng thành lũy. Lạc Long Quân,
Âu Cơ, các vua Hùng… đã tạo ra những giá trị đầu tiên của nền văn minh,
tham gia vào quá trình tạo thần hệ, khai sáng văn hóa cho dân chúng, tạo
dựng tập quán sinh sống mà ngày nay chúng ta gọi là văn hóa Văn Lang.
2.2.2.2. Hành trạng và chiến công của anh hùng văn hóa là vị thần chinh
phục tự nhiên
Những motif được tìm thấy như: A531. Anh hùng văn hóa (demigod)
vượt qua những con quái vật; A531.1.1. Anh hùng văn hóa xua ma quỷ;
A531.2. Anh hùng văn hóa xua rắn; A531.4. Anh hùng văn hóa chinh phục
quái vật biển; A1415 Nhân loại không có lửa. Anh hùng văn hóa đánh cắp
nó từ chủ sở hữu trước cho loài người. Đó là những anh hùng văn hóa với
chiến tích: trị thủy, khai phá rừng rú, núi sông, chinh phục đầm lầy, diệt ác
thú, mở mang địa bàn sinh tụ...


16
2.2.2.3. Hành trạng và chiến công của anh hùng văn hóa kiến thiết phong
tục tập quán, pháp luật và trật tự
Những motif được tìm thấy như: A541. Anh hùng văn hóa dạy nghệ
thuật và thủ công mỹ nghệ; A541.1. Anh hùng văn hóa phát minh và dạy

các ngôn ngữ; A545. Anh hùng văn hóa thiết lập các phong tục; A530.
Văn hóa anh hùng thiếp lập pháp luật và trật tự; A546. Anh hùng văn hóa
thiết lập hệ thống xã hội… Đó là những anh hùng khai sáng văn hóa cho
dân chúng. Những câu chuyện này đã góp phần đề cao một trong những
giá trị to lớn nhất của người anh hùng đó là gây dựng nên một thời đại văn
minh khởi thủy rực rỡ.
2.2.2.4. Hành trạng và chiến công của anh hùng văn hóa bảo trợ nông nghiệp
Motif điển hình là A541.2. Văn hóa anh hùng như là vị thần của nông
nghiệp. Anh hùng văn hóa bảo trợ cho cuộc sống của nhân dân, khai khẩn
mùa màng, tạo ra lương thực, dạy dân cày cấy, thuần dưỡng vật nuôi, cây
trồng, tìm giống mới, tìm nghề mới…
2.2.2.5. Hành trạng và chiến công của anh hùng văn hóa bảo vệ địa bàn
sinh tụ
Motif điển hình là A536.1. Anh hùng văn hóa bảo vệ đất nước chống
ngoại xâm. Đó là những chiến công của người anh hùng với vai trò là người
cứu hộ, bảo vệ lãnh thổ của cộng đồng dân cư. Họ là biểu tượng của tinh
thần thời đại với khí thế xung thiên.
2.2.3. Nhóm motif liên quan đến cái chết và sự hóa thân trong chu trình
vòng đời của người anh hùng văn hóa (từ điểm 18 đến điểm 22)
Những motif được tìm thấy như: A565. Cái chết người anh hùng văn
hóa. Người anh hùng văn hóa dạy người ta cách chết bằng chính cái chết
của mình ; A566. Người anh hùng văn hóa trở về thế giới trên cao; A566.1.
Trở về vòng luân hồi sinh tử ở vương quốc của các vị thần sau khi sứ mệnh
của mình đã được thực hiện trên trái đất; A566.2. Anh hùng văn hóa bay
lên trời theo sự hướng dẫn của người tiên tổ mù lòa; A570. Anh hùng văn
hóa vẫn sống mãi; A571. Anh hùng văn hóa yên ngủ trong núi; A571.1. Anh
hùng văn hóa vẫn còn sống trên núi trũng; A572. Văn hóa anh hùng vẫn dõi
theo trái đất; A572.1. Anh hùng văn hóa vẫn nằm trên đỉnh cao; A580.



17
Người hùng anh hùng văn hóa mong muốn quay trở lại. Thần thánh hay
anh hùng được mong đợi trở lại tại những thời điểm thích hợp và giải cứu
dân mình ra khỏi nỗi bất hạnh của họ; A581. Anh hùng văn hóa (thần) trở
về; A581.1. Người anh hùng văn hóa trở lại và trợ giúp con của các vị
thánh; A581.3. Người anh hùng văn hóa trở về để chứng minh sức mạnh
của thần thánh… Các điểm quan trọng liên quan đến cái chết trong truyện
kể về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc được kể bằng các sự kiện về vinh phong;
gia phong của các triều đại sau, trong nghi lễ, thờ cúng của người dân. Và
đặc biệt, hầu hết các truyện kể về anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu
Lạc đều xuất hiện đoạn “vĩ thanh” kể tiếp về sự hiển linh, về công lao tiếp
tục giúp dân giúp nước của người anh hùng văn hóa. Từ đó họ đạt đến đẳng
cấp của những “đấng cứu thế”, có ý nghĩa kiểu mẫu cho các thế hệ về sau.
Chương 3
HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT ANH HÙNG VĂN HÓA
THỜI KỲ VĂN LANG - ÂU LẠC
TRONG TÍN NGƯỠNG, LỄ HỘI, PHONG TỤC
3.1. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu
Lạc trong tín ngưỡng dân gian
3.1.1. Mối quan hệ giữa tín ngưỡng dân gian với truyện kể về nhân vật
anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc
Diễn xướng tín ngưỡng là một phương thức bảo lưu truyện kể về nhân
vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc, là điểm tựa tâm linh cho
những hình tượng nghệ thuật, ngược lại truyện kể là một phương cách linh
diệu hóa, ý nghĩa hóa diễn xướng tín ngưỡng.
3.1.2. Dấu tích anh hùng văn hóa trong một số tín ngưỡng dân gian tiêu biểu
3.1.2.1. Tín ngưỡng nông nghiệp và dấu tích anh hùng văn hóa - vị thần
bảo trợ nông nghiệp
- Tín ngưỡng phồn thực
Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng cầu mong sự sinh sôi nảy nở của

tự nhiên và con người. Trong kí ức của dân gian vùng đất Tổ, Oai Vương


18
và Đinh Thiên Tích là những đấng bậc đã tạo ra những dạng thức ma thuật
truyền sinh có tác dụng nhắc nhở thiên nhiên, con người sinh sôi để dân
làng thỏa nguyện ước mong đông đàn dài lũ.
- Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
Tín ngưỡng thờ mặt trời: Thờ thần mặt trời để lại nhiều dấu tích trong
nền văn hóa. Con người thờ mặt trời và thờ cả một số loài chim với ý
nghĩa chim tượng trưng cho trời, cho thế giới bên trên, có mối liên quan
mật thiết tới nghi lễ cầu tạnh. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa Âu
Cơ khởi nguyên là dòng giống Tiên - gắn liền với Chim và Mặt trời.
Tín ngưỡng thờ nước: Phần lớn các làng chạ ven sông, biển đều thờ thần
nước, mở hội rước nước, đua thuyền, đánh trống cầu mưa.
Tín ngưỡng thờ núi: Các thần tự nhiên được thờ nhiều nhất là thần núi.
Trong tâm thức dân gian các vị thần núi đều mang vóc dáng của vị thần
khổng lồ - thoát thai từ motif người khổng lồ trong thần thoại suy nguyên.
- Tín ngưỡng thờ lúa
Thờ lúa là hình thức tín ngưỡng xuất hiện cùng với nghề nông nhằm
biểu đạt niềm tin bất diệt vào “linh hồn lúa” đồng thời tôn thờ những vị thủ
lĩnh đầu tiên có công tìm ra cây lúa, dạy dân trồng lúa.
3.1.2.2. Tín ngưỡng Tôtem, Thờ cúng Tổ tiên và dấu tích anh hùng văn
hóa là bậc tiên tổ, đấng sáng tạo và kiến thiết xã hội, bảo trợ cuộc sống
của cộng đồng
- Tín ngưỡng Tôtem
Trong niềm tin của con người, mỗi thị tộc đều có quan hệ thân thuộc,
thần bí với một giống loài nào đó, giống loài ấy trở thành Tôtem của thị
tộc. Người Việt ngày nay vẫn tự nhận mình là "con Rồng cháu Tiên", đó là
một niềm tự hào bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ. Hệ thống lưỡng hợp Chim

- Rồng là sự hội tụ của hai bộ tộc lớn: một bên là bộ tộc gắn với Mặt Trời Tiên - Núi - Chim - mà sản phẩm tiêu biểu là trống đồng Ngọc Lũ, truyện
Tản Viên và những truyền thuyết về Chim Tổ, bên kia là bộ tộc gắn với
Nước - Rồng Rắn - Sông biển mà sản phẩm tiêu biểu là thuyền đua, hội
nước và những truyền thuyết về Rồng, Rùa.


19
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Nghi thức thờ cúng tổ tiên đã được mang nghĩa rộng nhất là phụng thờ
thủy tổ của dân tộc. Từ tín ngưỡng về một tổ tiên chung là tín ngưỡng thờ
cúng vua Hùng, người Việt cổ đã hướng dần đến sùng bái những tổ tiên
của những đơn vị hẹp hơn: làng chạ, dòng họ. Tín ngưỡng về thần Thành
hoàng làng, về ông khai canh (người lập làng)... đã phát triển trên nền tảng
ấy. Trường hợp đáng lưu ý trong tín ngưỡng thờ thành hoàng làng là sự
thờ phụng các tổ nghề.
3.1.2.3. Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc và dấu tích các vị anh hùng văn
hóa bất tử trong tâm thức dân gian
Việc tôn thờ anh hùng dân tộc là một hình thức tín ngưỡng đậm dấu ấn
và bản sắc dân tộc. Ý thức về nguồn cội đã dẫn đến tâm thế sùng bái những
thủ lĩnh tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc trong quá trình khai phá, chinh
phục tự nhiên, trong đấu tranh với giặc ngoại xâm bảo vệ sự tồn vinh của
cộng đồng. Đó là những hình tượng nhân vật được hun đúc bởi tinh thần thời
đại với khí thế xung thiên, khát vọng táo bạo, cao đẹp.
3.2. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu
Lạc trong lễ hội
3.2.1. Khái quát về việc phụng thờ nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ
Văn Lang - Âu Lạc qua khảo sát lễ hội
Lễ hội cổ truyền là một bảo tàng tín ngưỡng và tâm linh hết sức sống
động lưu giữ được nhiều giá trị tinh thần của dân tộc, lưu giữ hình tượng
các nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc.

3.2.2. Dấu tích anh hùng văn hóa trong một số lễ hội tiêu biểu
3.2.2.1. Lễ hội đền Và với hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa Sơn Tinh
Đền Và là một trong những nơi thờ phụng đức Thánh Tản gắn với đỉnh
núi thiêng Ba Vì. Lễ hội đền Và đã phục dựng được công trạng lớn của anh
hùng văn hóa Sơn Tinh. Vị thần Núi uy nghi đã được hiện diện từ đầu đến
cuối lễ hội, hiện diện trong các đám rước mang đầy quyền năng: vị thần bảo
trợ nông nghiệp và ngư nghiệp, vị thần trấn thủy, vị thần khai sáng văn hóa
dạy dân làm ăn, sinh sống, dạy dân chế tạo công cụ lao động…


20
3.2.2.2. Lễ hội đền Gióng với hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa
Thánh Gióng
Lệ hội Gióng (hội Gióng Sóc Sơn, hội Gióng Phù Đổng) là một nghi
thức thờ cúng, tôn vinh anh hùng dân tộc, đồng thời là một cuộc tổng
diễn xướng anh hùng ca Dóng trên một quy mô rộng lớn. Hình tượng
Thánh Gióng được tái hiện với uy lực vạn năng là làm mưa, tạo ra bão
dông, sấm chớp, cùng chiến công diệt giặc ngoại xâm. Trong lễ hội, hình
tượng anh hùng văn hóa Thánh Gióng được thiêng hóa thành một vị
Thánh bất tử bảo hộ mùa màng, đem lại hòa bình cho đất nước, thịnh
vượng cho muôn dân.
3.2.2.3. Lễ hội làng Chử Xá với hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa
Chử Đồng Tử
Đối với người dân Chử Xá (Gia Lâm, Hà Nội), nếu như Tết Nguyên
Đán là Tết Niên lịch, tết của một chu kỳ mùa màng, thì hội làng thực sự là
Tết của cả cộng đồng để tôn vinh, tạ ơn tổ tiên (Đức Thánh Chử). Trong hội
làng Chử Xá, nhân vật được phụng thờ có vai trò rất rõ rệt của một thủy thần,
có công trạng khai khẩn vùng đất, chinh phục đồng bằng, mở bến chợ buôn
bán, là vị thánh của Đạo giáo, là vị tổ làng, tổ nghề.
Tựu chung lại, phần lớn các lễ hội dân gian khởi nguyên là những lễ

hội nông nghiệp. Nhưng theo thời gian, nghi lễ nông nghiệp lặn sâu vào vô
thức, các nghi lễ tôn vinh anh hùng dân tộc trở thành phần hữu thức.
3.3. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu
Lạc trong phong tục tập quán
3.3.1. Khái quát về phong tục tập quán Việt Nam
Xã hội với các thiết chế của nó luôn vận hành, phong tục tập quán vì
thế cũng không ngừng biến đổi, một số phong tục tập quán đã chuyển hóa,
một số đã tan biến, nhưng một số phong tục tập quán đã trở thành luật tục,
ăn sâu, bén rễ trong đời sống nhân dân rất bền chặt.
3.3.2. Dấu tích anh hùng văn hóa trong một số phong tục tập quán tiêu biểu
3.3.2.1. Phong tục tập quán nông nghiệp và anh hùng văn hóa - vị thần
bảo trợ nông nghiệp


21
Phong tục xuống đồng vào đầu vụ của cư dân nông nghiệp khắc ghi
công lao khai sáng của vua Hùng.
Tục cướp bông, cướp kén phản ánh rõ ước nguyện đông người, nhiều
của gắn liền với tên người anh hùng khai sáng văn hóa Đinh Thiên Tích,
Oai Vương.
Phong tục gói bánh chưng bánh dày ngày Tết, tục nấu cơm thi là những
minh chứng điển hình của sự tôn sùng các sản vật của nghề nông, tôn sùng
lúa gạo, cảm tạ trời đất đã cho “ngọc thực” của cư dân nông nghiệp.
3.3.2.2. Phong tục tập quán liên quan đến vòng đời và anh hùng văn hóa
là bậc tiên tổ, đấng sáng tạo
- Phong tục đánh dấu tuổi trưởng thành
Ở thời Hùng Vương, những thủ tục của lễ thành đinh khá phức tạp. Đó
là những cuộc thi để cá nhân thể hiện tài nghệ... Sau đó người ta xăm mình
cho các thanh niên hay thanh niên tự xăm mình làm dấu hiệu chứng nhận
đã thông qua nghi lễ trưởng thành. Anh hùng văn hóa Lạc Long Quân - Âu

Cơ luôn hiện diện trong tâm thức dân gian trong những phong tục đánh
dấu tuổi trưởng thành này.
- Phong tục hôn nhân
Thời kỳ này có sự rút lui của chế độ hôn nhân lạc hậu nhường chỗ cho
một hình thái gia đình mới. Phong tục hôn nhân từ thời kỳ Văn Lang - Âu
Lạc đã mang nét đặc trưng riêng biệt. Việc hôn nhân thoạt nhìn đó là của
hai người nhưng đối với cộng đồng cư dân nông nghiệp là sự kéo theo việc
xác lập quan hệ của hai dòng tộc, của hai cộng đồng nhỏ. Những cuộc gắn
kết của Lạc Long Quân với Âu Cơ, Sơn Tinh với Mị Nương, Chử Đồng Tử
với Tiên Dung… mang vết dấu của sự hòa trộn của các dòng dân cư. Phong
tục hôn nhân và tính cộng đồng còn thể hiện rõ khi cộng đồng coi đó là
một công cụ duy nhất và thiêng liêng để duy trì dòng dõi và phát triển
nguồn nhân lực.
- Phong tục tang ma
Trước khi đem chôn xác chết, một số nghi lễ được cử hành, phản ánh
quan niệm của con người về cõi sống, cõi chết. Cộng đồng cư dân tin rằng


22
người chết sẽ tiếp tục một cuộc sống mới ở một thế giới khác. Nhân vật anh
hùng văn hóa trong truyện kể dân gian sau khi chết có sự hiển linh âm phù.
3.3.2.3. Phong tục tập quán liên quan đến sinh hoạt cộng đồng và anh
hùng văn hóa khai sáng, kiến thiết xã hội, bảo trợ cho cuộc sống của
cộng đồng
Phong tục hái lộc đầu xuân mà vua Hùng khởi xướng với mong ước
đem lại điều tốt lành cho gia đình, dòng dõi, tông tộc.
Phong tục ăn trầu với nét đẹp nghĩa tình mang đậm bản sắc văn hóa dân
tộc, biểu trưng cho triết lý “mở” của cư dân nông nghiệp lúa nước. Vua Hùng
đã trở thành người anh hùng văn hóa khai sáng phong tục đẹp của dân tộc.
Phong tục kết chạ mà Thánh Tản khơi nguồn giữa hai làng miền núi và

miền sông, làng Cẩm Đái và làng Tòng Lệnh sau được tiếp nối trở thành
một phong tục đẹp biểu đạt tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương trợ.
Phong tục hát xoan ngày xuân mang dấu ấn văn hóa Lạc Việt. Hát
Xoan vẫn tồn tại và hiện diện với nét đặc sắc riêng cùng với hình tượng
những anh hùng văn hóa khai sáng nghệ thuật từ thuở sơ khai.


23
KẾT LUẬN
1. Thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc là thời kỳ có nền văn hóa phát triển rực
rỡ. Thời kỳ này, những điều sử sách ghi lại đều được che phủ bởi những
màn sương huyền thoại, sau đó bị phủ lấp bởi lớp văn hóa thời trung đại
nhưng bóc tách phần cốt lõi nhất vẫn có thể nhận thấy vết tích và bóng dáng
của lịch sử trình hiện với nét thô sơ, thuần phác, mộc mạc. Qua những di
chỉ khảo cổ học, tư liệu lịch sử học, dân tộc học thì có thể tin rằng “triều
đại” của Hùng Vương, An Dương Vương in vết dấu huyền thoại này là giai
đoạn khởi đầu, tạo cơ sở cho sự xuất hiện giai đoạn về sau - giai đoạn nhà
nước phong kiến thời kì tự chủ. Thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc với các loại
hình nghệ thuật phong phú trong đó có những truyện kể về các anh hùng
văn hóa là những sáng tác được lưu truyền qua các thế hệ, được đặc biệt
trân trọng. Thời kỳ này đã trở thành một bối cảnh rộng để sinh thành, nuôi
dưỡng các nhân vật anh hùng văn hóa và là một bối cảnh mang sức hút nam
châm nhiều nhân vật thời đại sau nhưng được lịch sử hóa, huyền thoại hóa
mà hội nhập vào hệ thống linh thần thời kỳ này.
2. Điểm đặc biệt là trong hệ thống phân loại của truyện kể dân gian,
riêng truyện kể về anh hùng xét về phương diện mô hình, kết cấu lại có thể
tìm thấy điểm gặp gỡ với mô hình phổ quát của người anh hùng văn hóa
trên toàn thế giới. Bởi vì những truyện kể dân gian về anh hùng đã tích hợp
vào trong nó nguồn gốc huyền bí của người anh hùng, những mối quan hệ
siêu nhiên, các nhân vật chính trong đó được phú cho các quyền lực siêu

nhiên và đặc biệt mô hình ấy chính là sự chuyển hóa phần nào đó các “nghi
lễ chuyển tiếp” của người nguyên thủy… Chính vì thế, luận án đã xem xét
nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc với tư cách là một cổ
mẫu trung tâm của nền văn hóa. Cổ mẫu này là một hiện tượng rất đặc biệt,
không xảy ra quá trình “hóa thạch” hình tượng trong truyện kể và trong đời
sống văn hóa dân gian, không có sự đứt gẫy trong vòng tròn lưu chuyển và
tái tạo hình tượng qua các khuôn diện truyền thuyết, lễ hội, tín ngưỡng,
phong tục. Bởi thế phân tích hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa chúng


24
ta sẽ nhận ra tiến trình phát triển của tư duy dân gian từ tư duy huyền thoại
đến tư duy tôn giáo, từ tín ngưỡng sùng bái tự nhiên đến tín ngưỡng sùng
bái con người với các xu hướng biến đổi thiêng hóa và phàm tục hóa. Đây
là kiểu loại nhân vật phổ biến, là một phần của truyền thống truyện kể dân
gian của thế giới, là nhân vật trung tâm trong một chu trình huyền thoại và
là nhân vật chính của câu chuyện. Kiểu nhân vật này thể hiện thế giới quan,
quan niệm, văn hóa, tư duy thẩm mĩ đậm màu sắc huyền thoại, thể hiện một
cách tập trung nhận thức của người xưa về tự nhiên và lịch sử, phản ánh tư
duy hồn nhiên và khát vọng của con người trong quá trình chinh phục tự
nhiên, phát triển xã hội, trải qua những cuộc phiêu lưu phi thường và đạt
được những thành tựu rực rỡ như chinh phục tự nhiên, hoặc thuần hóa tự
nhiên, phục vụ cho đời sống của con người, cung cấp các điều cần thiết để
thế giới tồn tại và chịu trách nhiệm về việc kiến thiết đời sống cũng như tạo
ra các nền văn hóa.
Chúng tôi đặc biệt dựa trên những lý thuyết nghiên cứu về người anh
hùng văn hóa trong thần thoại, truyền thuyết của các nền văn hóa trên thế
giới, cụ thể là mô hình chu trình vòng đời người anh hùng văn hóa nổi tiếng
của Lord Raglan, để tiến hành phân tích và tìm hiểu cấu trúc các cổ mẫu và
motif về người anh hùng văn hóa trong truyện kể dân gian về thời kỳ Văn

Lang - Âu Lạc. Qua đó, tìm kiếm những điểm gặp gỡ trong mô hình phổ
quát về người anh hùng văn hóa trên thế giới trong truyện kể dân gian Việt
Nam, cũng như nêu bật những đặc tính riêng của mẫu hình nhân vật này bởi
những đặc tính riêng biệt về quốc gia, dân tộc, lịch sử và nền tảng văn hóa.
Việc áp dụng lý thuyết cổ mẫu soi rọi vào đối tượng cần nghiên cứu góp
phần đưa đến những cách nhìn mới, cách hiểu mới về những nhân vật
dường như đã quen thuộc. Chúng tôi cũng đã nhận thấy những khác biệt và
tương đồng trong tiểu sử, hành trạng của anh hùng văn hóa từ nhiều nền văn
hóa khác nhau và đó là xu hướng rõ ràng xuất hiện tương đối đều đặn trong
nội dung câu chuyện và cấu trúc của những huyền thoại anh hùng văn hoá,
từ đó tìm và lí giải mô hình công thức của chu kỳ anh hùng văn hóa trong
huyền thoại nói chung. Nghiên cứu mô hình cấu trúc cổ mẫu phổ dụng về


25
mẫu nhân vật anh hùng văn hóa trong folklore trên toàn thế giới giúp chúng
tôi tiến hành tham chiếu và ứng dụng để phân tích trường hợp anh hùng văn
hóa thời Văn Lang - Âu Lạc của Việt Nam.
3. Trong xu hướng toàn cầu hóa, những nét văn hóa mang bản sắc riêng
của các dân tộc đang có dấu hiệu bị xóa nhòa, xu hướng tìm về bản sắc văn
hóa thời kỳ sơ khởi đang được các quốc gia quan tâm, đẩy mạnh nghiên
cứu, phục dựng và trả về với đời sống văn hóa của nhân dân những phương
thức diễn xướng nguyên hợp điển hình. Thực tế cho thấy những cổ mẫu anh
hùng văn hóa không bị giới hạn trong các truyện kể dân gian, nó được khúc
xạ, được xây dựng và phục dựng trong những khuôn diện khác nhau của đời
sống văn hóa dân gian đương đại. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu hình
tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong đời sống văn hóa dân tộc để nhận
thấy rằng cổ mẫu anh hùng văn hóa không phải là những bản vẽ khô cứng
mà nó được chuyển dịch và tồn tại, được nuôi dưỡng, bồi đắp không ngừng
trong dòng chảy văn hóa dân gian. Có điều một số dấu vết khởi nguyên của

các hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa đã và đang nhạt dần, theo đó
nhiều lớp ý nghĩa căn gốc của tín ngưỡng, phong tục, lễ hội đã trở nên xa lạ
với nhân dân. Phục dựng lại lớp ý nghĩa căn gốc của các hình tượng nhân
vật anh hùng văn hóa trong truyện kể, trong lễ hội, tín ngưỡng, phong tục
chắn chắn sẽ đánh thức và khơi sâu hơn nữa sự trân trọng, thái độ sùng
kính, tôn vinh trong cộng đồng cư dân. Luận án này giải mã từng lớp ý
nghĩa sơ khai và cả lớp ý nghĩa phái sinh của hình tượng không nhằm phục
dựng diện mạo truyện kể, lễ hội, phong tục, tập quán đã nhạt nhòa qua thời
gian mà đi tìm một diện mạo hình thành qua thời gian, và trong quá trình
nghiên cứu, chúng tôi sẽ nhận diện được khuôn trạng lúc khởi đầu và quá
trình diễn tiến. Vùng văn hóa tín ngưỡng thờ phụng các anh hùng văn hóa
trong truyện kể dân gian về thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc trên nền của nền
văn hóa Đông Sơn gắn với hệ thống truyền thuyết, di tích, lễ hội phong phú
các sắc thái biểu hiện với số lượng các làng xã có di tích rất lớn đã chứng tỏ
sức sống của các hình tượng nhân vật, góp phần mang tới một khuôn diện
đặc trưng trong muôn mặt hài hòa của đời sống tín ngưỡng dân gian. Hình


×