Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Biến đổi văn hóa ở làng người kinh dưới tác động của tái định cư khu kinh tế dung quất tt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (485.32 KB, 27 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

Đinh Như Hoài

BIẾN ĐỔI VĂN HÓA Ở LÀNG NGƯỜI KINH
DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA TÁI ĐỊNH CƯ
KHU KINH TẾ DUNG QUẤT
Chuyên ngành: Nhân học
Mã số : 62 31 03 02

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC

HÀ NỘI - 2016


Công trình được hoàn thành tại: Học viện Khoa học xã hội,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Trần Văn Hà
2. PGS.TS. Bùi Văn Đạo

Phản biện 1: PGS.TS. Lâm Bá Nam
Phản biện 2: PGS.TS. Lê Ngọc Thắng
Phản biện 3: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ
cấp Học viện, họp tại Học viện Khoa học Xã hội, 477 Nguyễn
Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Vào hồi ………. giờ …… phút,
năm……..


ngày …… tháng……….

Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Quốc gia
- Thư viện Học viện Khoa học xã hội
- Thư viện Viện Khoa học xã hội Vùng Trung Bộ


1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Từ sau Đổi mới (1986) đến nay, nhiều Khu kinh tế (KKT)
trọng điểm được xây dựng ở miền Trung, trong đó có KKT Dung
Quất, được mở rộng và phát triển từ Khu công nghiệp Dung Quất,
diện tích 10.300 ha, thuộc địa bàn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp lọc
dầu - hóa dầu - hóa chất, các ngành công nghiệp có quy mô lớn, công
nghiệp hàng tiêu dùng, gắn với phát triển và khai thác cảng biển.
Hơn một thập niên vừa qua, đã có một số nghiên cứu đánh giá
tác động tích cực và tiêu cực về tình hình đời sống của người dân tái
định cư (TĐC) dưới tác động của KKT Dung Quất. Song, những tiếp
cận từ góc độ dân tộc học/ nhân học về biến đổi văn hóa làng người
Kinh TĐC ở KKT Dung Quất vẫn còn rất ít ỏi và chưa hệ thống. Vấn
đề đặt ra liên quan đến câu chuyện mất đất, ảnh hưởng nặng nề đối
với sự ổn định sinh kế lâu dài và bền vững cũng như sự thích nghi
với môi trường văn hóa mới tại khu TĐC đối với từng loại hình làng
thuần nông, thuần ngư hay bán nông bán ngư của người Kinh ven
biển có lịch sử lập làng và truyền thống văn hóa như thế nào còn bỏ
ngỏ. Vì vậy, đi sâu tìm hiểu biến đổi văn hóa và sự thích nghi của
cộng đồng dân cư trong bối cảnh di dân, TĐC không tự nguyện gắn

với sự hình thành, phát triển của KKT Dung Quất, làm rõ tính đa
dạng và phong phú bức tranh biến đổi của văn hóa làng người Kinh
TĐC ở một địa phương ven biển miền Trung mang ý nghĩa khoa học
sâu sắc.
Ở chiều cạnh khác, trong quá trình phát triển xã hội và quản lý
sự phát triển xã hội ở các loại hình làng ven biển miền Trung dưới
tác động của các dự án phát triển đang cho thấy những tiếp cận liên
ngành không chỉ về văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã
hội đối với các cộng đồng mà còn là những vấn đề tạo sinh kế mới,


2
khởi nghiệp, giải quyết công ăn việc làm với lao động trẻ và an ninh
xã hội, v.v… còn hạn chế. Tuy nhiên, đây là những vấn đề bức thiết
có ý nghĩa thực tiễn cao đối với sự phát triển bền vững ở các làng
người Kinh TĐC KKT Dung Quất cần được tìm tòi, đánh giá ở các
chiều cạnh trong quan hệ tổng thể: sinh kế, xã hội, môi trường và
văn hóa.
Trên cơ sở nhận thức như vậy, và với khuôn khổ của đề tài
luận án tiến sỹ Nhân học, NCS chỉ lựa chọn vấn đề “Biến đổi văn
hoá ở làng người Kinh dưới tác động của tái định cư khu kinh tế
Dung Quất” làm luận án của mình. Hy vọng, luận án sẽ góp thêm
những tư liệu, đánh giá mới từ góc nhìn của khoa học chuyên ngành
Nhân học.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Thứ nhất, giới thiệu thực trạng văn hóa làng người Kinh KKT
Dung Quất trước TĐC (năm 1995).
Thứ hai, làm sáng tỏ quá trình và thực trạng biến đổi văn
hóa làng người Kinh TĐC từ khi TĐC đến thời điểm nghiên cứu
(2012-2015).

Thứ ba, phân tích, đánh giá tác động của TĐC đến biến đổi
văn hóa làng TĐC KKT Dung Quất.
Thứ tư, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp góp phần xây dựng
chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển văn hóa
làng nói riêng theo hướng bền vững ở các khu TĐC của người Kinh
KKT Dung Quất.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu. Luận án tập trung nghiên cứu biến đổi
văn hóa làng người Kinh ở địa bàn TĐC dưới tác động của KKT
Dung Quất. Khái niệm văn hóa làng trong luận án được hiểu theo
nghĩa rộng, bao gồm bốn thành tố là sinh kế, văn hóa xã hội, văn hóa
vật chất và văn hóa tinh thần.


3
Phạm vi nghiên cứu. Về thời gian, luận án nghiên cứu thực
trạng văn hóa làng của người Kinh TĐC trước thời điểm TĐC (năm
1995) và những biến đổi của văn hóa làng người Kinh tại các điểm
nghiên cứu dưới tác động của KKT Dung Quất trong thời gian từ khi
TĐC (1995) đến năm 2015. Tức là, so sánh sự biến đổi văn hoá trước
và sau khi TĐC, chứ không phải so sánh sau TĐC với làng cổ.
Về địa điểm, luận án chọn 3 khu TĐC thuộc địa bàn huyện
Bình Sơn, gồm khu TĐC An Quang, thôn Thạnh Thiện xã Bình
Thanh Tây; khu TĐC Giếng Hố, thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị và khu
TĐC Vĩnh Trà, thôn Vĩnh Trà xã Bình Thạnh. Đây là 3 cộng đồng
người Kinh có thời điểm di dân, chính sách đền bù giải toả và mức
độ giao lưu tiếp biến văn hoá khác nhau; đồng thời, khả năng “thích
ứng” văn hoá khi TĐC không giống nhau.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1 Phương pháp luận

Luận án được hoàn thành dựa trên quan điểm triết học của chủ
nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử để nhìn nhận sự vật, hiện
tượng trong biến đổi văn hoá dưới tác động của dự án phát triển phải
TĐC. Trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Hồ Chí Minh và những quan
điểm tiếp cận mới của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách di dân,
TĐC của Chính phủ Việt Nam, có tham khảo chính sách TĐC của
các tổ chức quốc tế lớn, luận án đã tiếp cận nghiên cứu và giải quyết
các vấn đề khoa học từ góc nhìn nhân học. Hơn nữa, các chính sách
đặc thù đối với các dự án phát triển kinh tế trọng điểm, chính sách
phát triển văn hoá trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay,
đặc biệt là ở địa bàn ven biển Nam Trung Bộ được luận án tiếp thu
để có đề xuất, kiến nghị về giải pháp.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Sử dụng, đánh giá nguồn tài liệu thứ cấp. Luận án có phân
tích, tham khảo, kế thừa các nguồn tài liệu có sẵn liên quan đến đề
tài nghiên cứu, bao gồm các văn kiện, Nghị quyết, Quyết định của


4
Đảng, Nhà nước, của các bộ ngành ở Trung ương và địa phương; các
công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, các báo cáo, tài liệu thống
kê của chính quyền, tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp
đến chủ đề nghiên cứu.
- Phương pháp điền dã dân tộc học. Đây là phương pháp chính
yếu nhằm thu thập nguồn tài liệu cơ bản giải quyết các vấn đề khoa học
mà mục tiêu luận án đặt ra. Phương pháp này gồm các công cụ quan sát ,
chụp ảnh, phỏng vấn sâu thông tín viên (45 người), thảo luận nhóm (8
cuộc). Được thực hiện từ năm 2012-2016, ở cả người dân TĐC và cán
bộ quản lý các cấp.
- Phương pháp điều tra xã hội học. Đề tài sử dụng phương

pháp điều tra bảng hỏi hộ gia đình để thu thập các thông tin định lượng
liên quan đến các khía cạnh biến đổi văn hóa. Bảng hỏi điều tra gồm
những câu hỏi đóng và mở được thiết kế riêng cho luận án. Nghiên
cứu sinh đã thực hiện điều tra tại 170 hộ gia đình gồm 40/60 hộ tại
khu TĐC An Quang , 40/56 hộ tại khu TĐC Giếng Hố, 90/300 hộ tại
khu TĐC Vĩnh Trà (là 90/205 hộ dân chuyển từ Sơn Trà lên). Người
được hỏi là đại diện của hộ, cân bằng tỷ lệ nam, nữ và trong nhóm
tuổi 18-65 tuổi.
- Phương pháp chuyên gia. Tranh thủ ý kiến của các chuyên gia
và các nhà quản lý am hiểu vấn đề liên quan đến biến đổi văn hóa làng
người Kinh (làng Việt).
- Phương pháp so sánh lịch đại và đồng đại. Ở đây, các chỉ tiêu
dung để so sánh lịch đại trước và sau TĐC, so sánh đồng đại sau TĐC
để làm sáng tỏ các câu hỏi đặt ra từ nội dung luận án nghiên cứu.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án góp phần làm sáng tỏ một số khía cạnh lý thuyết và
thực tiễn về văn hóa làng người Kinh (làng Việt) và thực trạng biến
đổi văn hóa làng người Kinh TĐC dưới tác động của KKT Dung
Quất tại miền Trung. Từ đó, góp thêm những tư liệu nhằm kiến giải
về biến đổi văn hóa làng người Kinh TĐC dưới tác động của các dự


5
án phát triển từ sau Đổi mới (1986) đến nay nhất là sự hình thành các
KKT trọng điểm miền Trung.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
Luận án cung cấp những cứ liệu thực tế về công tác TĐC tại
KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, chỉ ra những mặt tích cực và hạn
chế của quá trình TĐC đối với người Kinh tại các khu TĐC; đưa ra
dự báo và kiến nghị giải pháp.

Kết quả nghiên cứu của luận án là cơ sở khoa học giúp các cơ
quan hữu quan tham khảo nhằm điều chỉnh, hoàn thiện chính sách
phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sinh kế bền vững, bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hóa làng ven biển miền Trung giai đoạn hậu
TĐC gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu. kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận án kết cấu gồm 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và
điểm nghiên cứu;
Chương 2. Biến đổi sinh kế và văn hóa xã hội;
Chương 3. Biến đổi văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần;
Chương 4. Một số vấn đề đặt ra, nguyên nhân và kiến nghị
giải pháp.


6
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ ĐIỂM NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan nghiên cứu về biến đổi văn hóa do tái định cư
dưới tác động của các dự án phát triển
TĐC không tự nguyện (hay TĐC bắt buộc) đã và đang diễn ra
ở các vùng, miền nước ta cũng như các quốc gia trên thế giới. Đó là
hệ quả của các dự án phát triển như thủy điện, thủy lợi, khu công
nghiệp, KKT, đô thị hóa, v.v... TĐC là đối tượng nghiên cứu của
khoa học chuyên ngành, liên ngành. Yêu cầu nghiên cứu hay đặt
hàng, được tìm tòi từ các chiều cạnh phạm vi, nội dung khác nhau và
tùy thuộc vào từng đối tượng, nhóm xã hội hay tộc người mà các
phương pháp nghiên cứu, tiếp cận được sử dụng một cách thích hợp

để đạt mục địch tối ưu trong đánh giá hệ quả hay sự tác động.
Những nghiên cứu trên thế giới về vấn đề TĐC nhiều và đa
dạng, nhưng tập trung chủ yếu vào các dự án thủy điện và các đập
lớn (Michael M. Cernea, 1990, 1991, 1996, 2000; Mc Dowell,
Christopher (2002); ADB, WB (1995, 2000), Scudder,T. 2005, v.v...
đánh giá quá trình di dân bắt buộc, chính sách đền bù TĐC. Những
công trình nghiên cứu cụ thể từ góc nhìn dân tộc học/nhân học lấy
đối tượng là cộng đồng, nhóm xã hội để đánh giá, so sánh những
biến đổi sinh kế, quan hệ xã hội và văn hóa nhìn chung còn hiếm hoi.
Cũng tương tự, những nghiên cứu trong nước từ góc độ nhân
học/dân tộc học cũng tập trung vào những vùng núi và dân tộc thiểu
số. Một số nghiên cứu tập trung ở các vùng đô thị lớn như Hà Nội
(Nguyễn Văn Sửu 2014, Trần Thị Hồng Yến 2013,v.v.) hay thành
phố Hồ Chí Minh (Lê Văn Thành 2008, Huỳnh Ngọc Thu 2011),
v.v… Tuy nhiên, ở địa bàn các tỉnh miền Trung tuy có những đề tài,
dự án cấp Nhà nước hay cấp Bộ (Nguyễn Văn Thái 2011, Nguyễn
Đỗ Anh Tuấn, Nguyễn Kim Hiệu 2013), song chỉ từ góc độ kinh tế


7
học để làm rõ những tác động kinh tế - xã hội đối với cấp vùng hay
liên vùng. Từ góc nhìn nhân học/dân tộc học từ góc độ vi mô (cộng
đồng làng, nhóm xã hội và hộ gia đình) liên quan đến biến đổi văn
hóa của tộc người Kinh dưới tác động của các dự án đô thị hóa, KCN
và KKT. KKT Dung Quất, trừ nghiên cứu tiền TĐC về văn hóa làng
người Kinh của Bùi Xuân Đính và cộng sự theo đơn đặt hàng, đến
nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về biến đổi
văn hóa một cách đầy đủ hệ thống và toàn diện. Trên cơ sở khảo sát
và nghiên cứu, NCS kỳ vọng sẽ bổ sung nguồn dữ liệu và đi sâu giải
quyết một số khía cạnh còn bỏ ngỏ về biến đổi sinh kế, văn hóa vật

chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội ở cấp cộng đồng TĐC ở
KKT Dung Quất.
1.2. Cơ sở lý thuyết
1.2.1. Một số khái niệm cơ bản sử dụng trong luận án
Để có cơ sở lý luận và định hướng nghiên cứu, giải quyết các
vấn đề liên quan đến đề tài một cách phù hợp, luận án đã nêu lên nội
hàm của các khái niệm then chốt như: Văn hóa, Biến đổi văn hóa,
sinh kế, TĐC, giải tỏa, chính sách đền bù…
1.2.2. Cơ sở lý thuyết
Luận án áp dụng các lý thuyết: Lý thuyết biến đổi văn hóa, Lý
thuyết hệ thống, Lý thuyết Sinh thái văn hoá làm nền tảng, để tiếp
cận, phân tích, kết luận các vấn đề nghiên cứu. Ngoài ra luận án còn
dựa trên cơ sở xem xét biến đổi văn hóa trong mối quan hệ biện
chứng với các thành tố khác như môi trường tự nhiên, điều kiện lịch
sử và quan điểm trong chính sách của nhà nước trong di dân, TĐC và
phát triển bền vững ở các KCN trọng điểm vùng để nhìn nhận.
Từ các lý thuyết trên, một khung phân tích được xây dựng để
kết nối logic mối quan hệ giữa các vấn đề nghiên cứu của luận án.
Các biến số đều hướng tới giải quyết các yếu tố văn hóa của làng
Việt dưới tác động của TĐC, nơi mà đã có sự giải thể và tái cấu trúc
các giá trị văn hóa truyền thống và đã có sự thích nghi với điều kiện,
bối cảnh kinh tế, xã hội mới.


8
1.3. Giới thiệu điểm nghiên cứu
Trên cơ sở trình bày những đặc điểm địa lý, hành chính, dân
số và nơi cư trú của Huyện Bình Sơn và ba điểm nghiên cứu chính
của luận án gồm: Khu TĐC An Quang, Khu TĐC Giếng Hố, Khu
TĐC Vĩnh Trà. Luận án đề cập đến những nét văn hoá đặc trưng của

làng Sơn Trà, làng Đồng Tre là điểm xuất cư khi TĐC.
An Quang, thôn Thạnh Thiện, xã Bình Thanh Tây là khu TĐC
của người dân ở thôn Đồng Tre, xã Bình Trị, di dời sang từ năm
1996 - 1998. Phục vụ cho dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.
Đây là khu TĐC theo mô hình di dân từ xã này sang xã khác. Mức
tiền đền bù nơi xuất cư rất thấp, nhưng đến nay nhiều hộ vẫn chưa
được cấp đất sản xuất ở nơi TĐC.
Giếng Hố, thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị là khu TĐC của nhóm
hộ còn lại ở Đồng tre sau khi di dân sang An Quang, phục vụ cho mở
rộng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất năm 2002. Đây là mô hình di
dân tại nội thôn, xã có mức đền bù cao hơn nhưng không cấp lại diện
tích đất sản xuất như An Quang.
Vĩnh Trà, thôn Vĩnh Trà, xã Bình Thạnh còn được gọi là khu
TĐC Tây Trà Bồng được hình thành trên đất Vĩnh An, chủ yếu là
dân ở Sơn trà di dời tới. Nên được gọi lại tên là khu TĐC Vĩnh Trà.
Đây là khu TĐC gần trục đường lớn, có nhiều nhà máy, nhà nghỉ,
khách sạn, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ và diện tích lớn so
với các khu TĐC khác.
Tiểu kết chương 1
Nghiên cứu sự biến đổi văn hóa của làng Việt TĐC dưới tác
động của các dự án phát triển là đối tượng được các ngành thuộc
khoa học xã hội và nhân văn quan tâm nghiên cứu trong đó có dân
tộc học/ nhân học. Tuy nhiên, các nghiên cứu tập trung vào các dự án
di dân TĐC thủy điện, nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số. Các
nghiên cứu đối với các vấn đề TĐC ở các vùng KKT trọng điểm ven


9
biển nơi sinh sống của người Kinh còn rất ít. Luận án này góp phần
nghiên cứu biến đổi văn hoá làng do TĐC tại KKT Dung Quất

Để phân tích những biến đổi về văn hóa của làng người Kinh
TĐC ở KKT Dung Quất, luận án sử dụng lý thuyết Biến đổi văn hóa,
lý thuyết Hệ thống và lý thuyết Sinh thái văn hoá. Từ các lý thuyết
này, một khung phân tích được xây dựng để giúp hình dung mối
quan hệ giữa các vấn đề nghiên cứu của luận án. Luận án sử dụng kết
hợp các phương pháp định tính và định lượng trong đó điền dã dân
tộc học là phương pháp chính yếu.
Luận án nghiên cứu chính tại ba khu TĐC: An Quang, Giếng
Hố và Vĩnh Tràvà trình bày khái quát đặc điểm văn hóa trước TĐC
của hai làng xuất cư: làng Đồng Tre, thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị và
làng Sơn Trà, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông.


10
Chương 2
BIẾN ĐỔI SINH KẾ VÀ VĂN HÓA XÃ HỘI
2.1. Biến đổi hoạt động sinh kế
- Hoạt động nông nghiệp: TĐC đồng nghĩa với việc thay đổi,
suy giảm về diện tích và chất lượng của đất canh tác nông nghiệp.
Kết quả là hoạt động sinh kế nông nghiệp truyền thống bị biến đổi
trong chính loại hình của nó. Thu nhập người nông dân suy giảm và
không bền vững. Người nông dân từ vai trò làm chủ trên mảnh đất
của mình có thể thành người thất nghiệp, chuyển đổi việc hoặc làm
thuê trên mảnh đất của người khác. Có thể “ly nông và ly hương”
hoặc “ly hương bất ly nông”.
- Hoạt động ngư nghiệp: Khi TĐC, ngư trường ven biển bị
thu hẹp do dự án tại KKT, khoảng cách nơi ở xa mặt nước biển hơn.
Dẫn đến khó khăn hơn trong quá trình đánh bắt cũng như gia tăng
chi phí do đi lại, suy giảm sản lượng đánh bắt, khó trông coi ngư cụ.
Nhưng thiệt hại về địa bàn canh tác cũng như bất lợi về kinh doanh

không được tính trong văn bản đền bù TĐC. Một số ngư dân buộc
phải chuyển nghề biển sang các loại hình mưu sinh khác.
- Xuất hiện các loại hình sinh kế mới: Sinh kế truyền thống
bị phá vỡ, sự xuất hiện nhiều loại hình sinh kế mới là tất yếu. Sau khi
TĐC, cơ cấu nghề nghiệp cũng như nguồn thu nhập của các hộ gia
đình có biến động nhất định. Những tác động trong chính sách đền
bù, giải toả và di dời vừa là thách thức, là cơ hội với từng hộ, từng
cộng đồng dân cư sau TĐC và tính không bền vững của sinh kế mới.
- Thay đổi mô hình sinh kế, thu nhập: từ mô hình sinh kế
truyền thống khép kín, ít biến động chuyển sang mô hình hòa nhập
và mở rộng, dưới sự tác động mạnh mẽ, trực tiếp và gián tiếp của
chính sách TĐC, và sự phát triển các dự án KKT Dung Quất. Chênh
lệch về thu nhập, dẫn tới sự chênh lệch về mức sống và phân hóa
giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ và theo sắc thái mới so với trước TĐC.


11
- Những vấn đề tồn tại đối với sinh kế hiện nay do TĐC:
Sau TĐC sinh kế đa dạng và phong phú hơn, tuy nhiên, hoạt động sinh
kế hiện nay chưa thực sự bền vững, tính rủi ro cao. Thiếu việc làm,
chênh lệnh thu nhập ngày càng cao sau TĐC là những vấn đề đặt ra.
2.2. Biến đổi văn hóa xã hội sau tái định cư
- Biến đổi trong quan hệ cố kết cộng đồng làng, xóm:
Quan hệ cộng đồng cũ được duy trì, quan hệ cộng đồng mới nhanh
chóng được thiết lập. Tuy nhiên, trong quá trình TĐC đã xuất hiện
mẫu thuẫn nhất định giữa cộng đồng TĐC và cộng đồng sở tại. Các
sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống được duy trì bên cạnh
những sinh hoạt văn hóa cộng đồng mới ở nơi TĐC. Vai trò của các
thiết chế tự quản truyền thống mờ nhạt hơn, nhường chỗ cho vai trò
quyết định cũng như sự khẳng định và lớn mạnh hơn của hệ thống

chính trị chính thức gồm tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các
đoàn thể chính trị như Hội nông dân, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh,
Đoàn thanh niên.
- Biến đổi trong quan hệ hôn nhân, cố kết gia đình và dòng
họ: Sau TĐC, tiêu chuẩn chọn bạn đời có sự biến đổi ở các nhóm
thanh niên là nam, nữ có trình độ văn hoá, nghề nghiệp và thu nhập
kinh tế khác nhau. Cơ hội lựa chọn bạn đời rộng lớn hơn cả về địa lý,
nghề nghiệp và các quan hệ xã hội. Trật tự quan hệ trong gia đình
không còn tuyệt đối như trước, có sự biến đổi trong trong phân công
và quyền quyết định trong gia đình. Do đó, vai trò của người chồng,
người cha hay người vợ, người mẹ cũng biến đổi.
- Biến đổi của một số phong tục, tập quán
Các phong tục trong mang thai, sinh con, nghi lễ cưới xin và
tang ma cũng bắt đầu có những biến đổi nhất định theo hướng giản
tiện hơn cho phù hợp với sinh kế và bối cảnh xã hội mới ở nơi tái
đinh cư.
- Biến đổi về y tế, giáo dục: Sau TĐC y tế và giáo dục được
đầu tư hiện đại hơn cả về cơ sở vật chất và nguồn lực


12
- Nảy sinh các vấn đề xã hội và tệ nạn xã hội. Sự thay đổi về
môi trường sống, sự giao thoa tiếp biến văn hoá mạnh mẽ cùng với
không gian nông thôn trong kết cấu chia lô bám trục đường kiểu đô
thị, tỷ lệ thất nghiệp cao và nguồn tiền đền bù TĐC… Tất cả dẫn đến
sự xuất hiện một số tệ nạn xã hội vốn không có ở nới xuất cư như
ngoại tình, sống thử trước hôn nhân, phá thai, cờ bạc, rượu chè, cá độ
bóng đá, cá độ đá gà, mại dâm…
Tiểu kết chương 2
Thực hiện TĐC ở các làng người Kinh ven biển gắn với quá

trình thực hiện dự án KKT Dung Quất trong khuôn khổ các dự án
phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bằng biện pháp hành
chính không tự nguyện. Tuy nhiên, do di chuyển phải đáp ứng tiến
độ giải phóng mặt bằng, nên sự áp đặt quá nhanh đã tạo ra cú sốc văn
hóa đối với người dân trong cộng đồng làng vốn quen sống bằng
nghề nông và nghề biển thuần túy.
TĐC đã làm biến đổi sinh kế và văn hoá xã hội. Các loại hình
sinh kế truyền thống, các quan hệ xã hội quen thuộc ở làng xuất cư bị
phá vỡ xuất hiện các sinh kế và quan hệ xã hội mới. Bên cạnh, sự
đúng đắn tích cực của chủ trương, chính sách TĐC mang lại với
nhóm hộ có khả năng thích ứng cao. Thì cũng nảy sinh những vấn đề
cần quan tâm như sự thiếu bền vững của các loại hình sinh kế, gia
tăng khoảng các giàu nghèo, nảy sinh một số tệ nạn xã hội. Đây là sự
cảnh báo nghiêm túc chung đối với phát triển bền vững của các cộng
đồng trong tương lai ở KKT Dung Quất nói riêng và các dự án phát
triển ở vùng kinh tế trọng điểm ở Nam Trung Bộ.


13
Chương 3
BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VẬT CHẤT VÀ VĂN HÓA TINH THẦN
3.1. Biến đổi văn hóa vật chất
- Bố trí điểm dân cư và biến đổi không gian làng
Các khu TĐC, được chia thành các lô đất ở với diện tích
như nhau, với phần mặt tiền bám trục đường giao thông nội khu.
Các hộ trong diện chính sách được phân các lô ở trục đường
chính. Ngoài diện tích làm nhà ở, diện tích đất vườn rất ít nằm
trong khuôn viên cư trú. Kết cấu làng xóm truyền thống bị phá vỡ,
thiếu không gian sinh hoạt văn hoá chung. Từ cộng đồng sinh hoạt
theo kiểu làng – nông thôn nay trở thành khu dân cư được quy hoạch

theo kiểu lối phố.
- Nhà ở
Các ngôi nhà kiên cố hay bán kiên cố đều xây dựng theo kiểu
hình ống, đổ mái bằng hay lợp tôn. Bố trí mặt bằng phổ biến là
phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và công trình vệ sinh khép kín.
Điều này khác với bố trí ngôi nhà truyền thống vốn là nhà ba gian,
một gian giữa, hai gian bên, bếp và khu vệ sinh riêng.
- Cơ sở thờ tự
Khi TĐC, các cơ sở thờ tự không còn có được không gian
“thiêng” như xưa, mà được xây dựng trên lô đất trong khu dân cư.
Kiến trúc xây dựng hiện đại hơn nơi ở cũ, nhưng cũng có cơ sở thờ
tự bị biến mất. Nghĩa địa quy hoạch theo từng xã cách khu dân cư từ
8 đến 12 km, được chia thành từng khoảnh theo hàng lối nhất định.
- Cơ sở vật chất hạ tầng công cộng
Sau TĐC Nhìn chung, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,
dịch vụ như điện, đường, trường, trạm … phục vụ đời sống ở các khu
TĐC được xây dựng mới, hiện đại, tương đối đầy đủ, đảm bảo nhu
cầu sinh hoạt của các hộ dân trong các khu TĐC. Tuy nhiên, vấn đề
cống thoát nước, thu gom rác thải chưa thực sự được chú trọng.


14
- Phương tiện đi lại
Sau TĐC, phương tiện đi lại được cải thiện và thay đổi rõ nét
và tiến bộ hơn, chủ yếu từ đi bộ, đi xe đạp sang phổ biến dùng xe gắn
máy, xe ôtô, taxi, xe khách…
- Ẩm thực
Sau khi TĐC, ẩm thực có nhiều biến đổi, tiếp nhận thêm nhiều
yếu tố mới. Dịch vụ ẩm thực phát triển, xuất hiện nhiều món ăn mới
của nhiều nhà hàng. Tiệc cưới, hay ma chay được nấu cầu kỳ và

được đặt hay thuê người nấu.
3.2. Biến đổi văn hóa tinh thần
- Trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng: sau TĐC niềm tin thế
giới tâm linh không có sự biến đổi lớn. Trong sinh hoạt tôn giáo tín
ngưỡng, cơ bản người dân vẫn thực hiện theo nếp cũ tục xưa. Tuy
nhiên, bắt đầu đã có sự chi phối của kinh tế thị trường, và khoa học
kỹ thuật. Đó là sự suy giảm niềm tin vào thế lực siêu nhiên của một
bộ phận thanh niên. Quan niệm kiêng cữ liên quan tới phụ nữ
không phổ biến nghiêm ngặt như trước. Diễn ra những biến đổi
trong một số sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể của dòng họ và
cộng đồng như: lễ giỗ tổ tiên trong mỗi gia đình, Lễ cúng Lăng Ông
Nam Hải, Lễ Chạp mả, tục thờ Nghĩa Tự, sinh đẻ, tang ma…
- Trong sinh hoạt nghệ thuật dân gian: Sau khi TĐC, hò
Bả Trạo vẫn được duy trì cùng với một số sinh hoạt văn hóa truyền
thống khác. Khi TĐC, Hát Bả Trạo không chỉ có ý nghĩa với cộng
đồng ngư dân, mà còn là dịp sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian
của cả cộng đồng nông dân và các nhóm ngành nghề khác cùng
chung sống trong khu TĐC nơi có Lăng thờ cá Ông.
- Trong hưởng thụ các yêu tố văn hoá mới: Người dân
TĐC vừa tham gia sinh hoạt văn hóa chung với cộng đồng mới vừa
duy trì sinh hoạt văn hóa với làng gốc, quê cũ. Nhu cầu giải trí trong
thời gian rảnh rỗi ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Xuất hiện các
loại hình lễ hội văn hoá mới như ngày lễ tình yêu 14/2, ngày 8/3,


15
ngày 20/10, họp lớp, họp bạn đồng niên… Sự hiện đại trong hưởng
thụ văn hoá như: Tivi, đài, internet, karaoke… Đời sống văn hoá tinh
thần được nâng cao, tuy nhiên đã xuất hiện một số vấn đề bức xúc,
cần điều chỉnh trong đời sống tinh thần hiện nay: việc truy cập tiếp

nhận các thông tin không lành mạnh qua internet, karaoke trá hình…
Tiểu kết chương 3
TĐC phát triển KKT Dung Quất là chủ trưởng đúng đắn của
Đảng. TĐC làm thay đổi cơ bản cơ sở hạ tầng, tạo ra thời cơ cũng
như thách thức trong đời sống văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần
của cộng đồng. Từ người nông dân, ngư dân sống trong không gian
nông thôn ở làng. Nay là vẫn là người dân ấy sống trong không gian
TĐC theo mô hình đô thị, là cơ hội là thách thức cho phát triển. Mức
độ đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Khu TĐC có điện,
đường, nước và trường trạm hiện đại hơn. Mật độ dân cư cao; chợ
đông đúc và dồi dào hàng hoá, dịch vụ giải trí, phương tiện giao
thông phong phú. Nhưng diện tích không gian chung của cộng đồng
bị thu hẹp, các cơ sở tín ngưỡng như Nhà thờ tộc, Lăng ông, Nghĩa
Tự… được xây mới trong không gian quy hoạch kiểu đô thị. Sinh
hoạt văn hoá tinh thần cũng có những biến đổi. Một số lễ nghi, kiêng
kỵ liên quan tới nghề biển trước TĐC được coi là nghiêm ngặt,
nhưng nay đang mờ nhạt dần.


16
Chương 4
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA, NGUYÊN NHÂN
VÀ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
4.1. Những tác động tích cực của tái định cư đến văn hóa làng
người Kinh ở khu kinh tế Dung Quất
KKT Dung Quất là dự án lớn của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng
và của cả nước nói chung. Các hoạt động phục vụ cho triển khai
KKT này đều có ý nghĩa quan trọng góp phần vào thành công của
KKT và sự phát triển kinh tế của địa phương.
TĐC làm biến đổi sinh kế nông ngư nghiệp nhỏ lẻ manh mún

vốn có, tạo điều kiện cho xuất hiện và mở rộng của các loại hình sinh
kế mới. Việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung tại Khu TĐC đã tạo ra
cơ hội thuận lợi để người dân TĐC mở ra các hoạt động dịch vụ
phục vụ cho nhu cầu tại chỗ tại khu TĐC, qua đó góp phần đa dạng
hóa nguồn thu nhập của người dân.
Sinh kế mở rộng và phát triển, thu nhập và chi tiêu được nâng
lên, đời sống của nhiều hộ dân được nâng cao. Nhiều hộ dân đã mua
sắm các vật dụng hiện đại phục vụ cuộc sống gia đình như Ti vi, tủ
lạnh, xe máy, điện thoại di động, điều hoà, ôtô… Ngoài ra, người
dân cũng đầu tư nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khoẻ và giáo dục.
Một số gia đình khá giả còn tổ chức đi nghỉ dưỡng, du lịch các tỉnh
xa. Đây là chỉ báo quan trọng phản ánh tác động tích cực đến văn
hóa của làng người Kinh khi TĐC KKT Dung Quất.
Khi TĐC, nhận thức về làm ăn kinh tế có sự biến đổi theo
chiều hướng tích cực. Chính sự hình thành và khẳng định của tư duy
kinh tế thị trường là nguyên nhân quan trọng dẫn đến đa dạng hóa
sinh kế. Đặc biệt là kinh tế thị trường như đầu tư đất sản xuất ở nơi
xa để phát triển cây công nghiệp, mở công ty dịch vụ thương mại,
chăn nuôi bò hàng hóa,… Nhận thức về sự tồn tại của xã hội luật
pháp bên cạnh xã hội dân sự được nâng lên. Tư duy kinh tế của xã


17
hội công nghiệp bước đầu hình thành, thay thế dần tư duy của xã hội
nông nghiệp khép kín trên cơ sở kinh tế tự cấp tự túc trong lũy tre
làng truyền thống.
Các cơ sở vật chất hạ tầng công cộng như điện, đường, trường,
trạm y tế và chợ được xây dựng mới, khang trang và hiện đại hơn nơi
xuất cư.
Một tác động tích cực nổi bật nữa đến văn hóa xã hội của làng

người Việt TĐC KKT Dung Quất là sự phát triển hơn của giáo dục
phổ thông và dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân so với ở
làng người Việt xuất cư.
4.2. Những vấn đề đặt ra về phát triển bền vững văn hóa ở cộng
đồng tái định cư và nguyên nhân
Bên cạnh những tác động tích cực, TĐC KKT Dung Quất
cũng dẫn đến một số vấn đề bất cập như thiếu đất canh tác nông
nghiệp, xa mặt biển, phân hóa giàu nghèo, dôi thừa lực lượng lao
động, gia tăng thời gian nhàn rỗi, thiếu việc làm và sự xuất hiện, gia
tăng một số tệ nạn xã hội…
TĐC nhanh chóng phá vỡ không gian sống, không gian văn
hoá truyền thống của các làng, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi thực
hiện TĐC đi xã khác, huyện khác. Xây dựng các khu TĐC được chú
ý và là bước chuyển tích cực so với trước TĐC. Tuy nhiên quá trình
xây dựng chưa có sự triển khai đồng bộ các hạng mục, gây khó khăn
trở ngại trong cuộc sống, sinh hoạt văn hoá và mối quan hệ của cộng
đồng TĐC và cộng đồng sở tại. Một số chính sách đền bù sinh kế và
cơ sở vật chất hạ tầng cho người dân và cho cộng đồng TĐC còn
chưa phù hợp. Nguyện vọng của người dân muốn được đền bù toàn
bộ đất canh tác đúng chủng loại và chất lượng chưa được đáp ứng.
Về phía người dân, bên cạnh những hộ dân tích cực,chủ động
năm bắt cơ hội thiết lập lại kinh tế đời sống gia đình còn có một bộ
phận cư dân TĐC chưa thật sự nỗ lực vươn lên, còn ỷ lại và trông
chờ trợ cấp từ các dự án, từ Nhà nước.


18
4.3. Một số kiến nghị
- Về chính sách
1. Chính phủ cần có cơ chế tài chính đặc thù cho tỉnh Quảng

Ngãi, tạo điều kiện cho triển khai thuận lợi các dự án ưu tiên đầu tư
tại KKT Dung Quất theo nội dung quyết định số 139/ QĐ- TTg của
Thủ tướng Chính phủ;
2. Tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các huyện, xã có khu TĐC làm
việc với Ban quản lý và cơ quan hữu quan căn cứ thực tế sinh kế
của người dân để từ đó có chính sách đặc thù nhằm mở rộng và
phát triển sinh kế, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân trong
KKT Dung Quất;
3. Dự án cần đánh giá thành tựu và hạn chế trong công tác
TĐC nói chung và trong xây dựng đời sống văn hóa làng TĐC nói
riêng để có những đề xuất bổ sung, sửa đổi, ban hành những cơ chế
chính sách đồng bộ, bảo đảm duy trì đời sống văn hóa cộng đồng
truyền thống tích cực và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng
mới phù hợp.
- Về nâng cao năng lực lao động và tạo việc làm cho người
dân TĐC
1. Nâng cao trình độ giáo dục cho con em các hộ gia đình
TĐC thông qua xây dựng thêm và nâng cấp hệ thống trường học các
cấp và tiếp tục thực hiện chế độ miễn giảm học phí đối với con em
các hộ gia đình TĐC. Có qui hoạch xây dựng trường cấp 3 tại các xã
có nhiều khu TĐC, với mật độ dân số cao thay vì việc tập trung tất cả
các trường cấp 3 tại thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn
2. Nhà nước cần hỗ trợ người dân để phát triển kinh tế tại nơi
TĐC với những mô hình sản xuất, dịch vụ… phù hợp với nhu cầu,
nguyện vọng và năng lực của mỗi hộ TĐC;
3. Tăng cường công tác đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện thuận
lợi cho người lao động TĐC khi được các doanh nghiệp tuyển dụng.


19

4. Khắc phục tình trạng con em người dân TĐC được đào tạo
xong không xin được việc làm. Cần thường xuyên, định kỳ hàng quý
phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức sàn giao dịch việc làm;
5. Tổ chức hướng dẫn, chuyển giao quy trình công nghệ, thực
hiện khuyến nông, khuyến ngư công nghệ cao cho nhân dân trong
khu TĐC, giảm áp lực về việc bị thu hồi đất;
6. Thực hiện giải pháp khoa học, để tăng năng xuất sản lượng
trong sản xuất nông nghiệp;
7. Các dự án công khai kế hoạch, thời gian, nơi ăn, chốn ở của
lao động khi xây dựng, triển khai, vận hành các dự án để người dân
trong vùng có thể nắm bắt và lựa chọn.
- Về bảo tồn, phát triển văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần
1. TĐC cần kết hợp với các dự án dân sở tại đã nhường đất để
nâng cao hiệu quả giải quyết công việc cho người dân, để người dân
được hưởng lợi từ sự phát triển các dự án. TĐC phải đi liền với việc
bảo vệ, bảo tồn và phát triển văn hoá, nâng cao nhận thức của nhà
quản lý và của chính;
2. Tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ vai trò của cộng đồng, nhất là
những người, dòng họ, gia đình có uy tín trong việc chủ động, tích
cự tham gia xử lý các vấn đề xã hội nảy sinh tại chỗ;
3. Bản thân người dân cần cần nhận thức đầy đủ, chủ động
nắm lấy cơ hội được đào tạo, thế mạnh vốn có để có cơ hội tạo sinh
kế mới; đồng thời, có thể thay đổi, thích nghi, tiếp thu có chọn lọc
các giá trị văn hóa ở ngay nơi TĐC và có quan hệ chia sẻ với cộng
đồng sở tại;
4. Chú trọng công tác quản lý của nhà nước, cơ quan văn hoá
với cộng đồng đối với di tích mới xây dựng lại bằng kinh phí đền bù
và đóng góp của người dân.
5. Cần chú trọng hơn trong việc kiểm tra quản lý nhân thân của
các lao động, chuyên gia tới làm việc ngắn hạn và dài hạn tại khu

kinh tế.


20
Tiểu kết chương 4
Bên cạnh, vai trò kinh tế - xã hội to lớn của dự án KKT
Dung Quất, TĐC còn có những vấn đề không mong muốn. TĐC tác
động đa chiều tới biến đổi đời sống của người dân, trong đó có biến
đổi văn hoá. Tác động từ TĐC đòi hỏi tính thích ứng cao của cộng
đồng làng trong sự chuyển đổi về không gian văn hóa và xã hội. Bởi
vậy, cần có những giải pháp từ thực tiễn để bổ sung chính sách, để
thực hiện chính sách. TĐC muốn bền vững thực sự, cần có sự kết
hợp đa chiều từ chính sách, quản lý của Nhà nước, các dự án đầu tư
ở KKT Dung Quất và phải từ chính nội lực, sự năng động tích cực
của người dân. Đồng thời, nâng cao vai trò của các nhà văn hóa cũng
như các thiết chế văn hóa khác có liên quan tới sự phát triển chung
của làng trong quá trình thiết lập cuộc sống mới của người dân TĐC.


21
KẾT LUẬN
1. Biến đổi văn hóa ở làng dưới tác động của TĐC là đối
tượng được nhiều lĩnh vực khoa học quan tâm nghiên cứu như dân
tộc học/nhân học, văn hóa học, sử học, xã hội học, v.v… . Làng
truyền thống được điều hành bởi mối quan hệ xã hội và văn hóa dựa
trên sự tương tác của phong tục tập quán truyền thống. Trong đó, văn
hóa làng là hạt nhân, là nền tảng tinh thần cho quá trình tồn tại và
phát triển của làng Việt. Văn hóa, với nội hàm theo nghĩa rộng của
nó, có tác động đến nhiều mặt đời sống của cộng đồng làng người
Kinh (làng Việt).

2. Nghiên cứu làng người Kinh và biến đổi văn hoá của nó
dưới tác động của các điều kiện mới, nhất là của các dự án phát triển
từ đổi mới (năm 1986) đến nay từ góc độ dân tộc học/nhân học đã
được chú ý. Nhưng tìm hiểu một cách hệ thống đối với một làng
người Kinh TĐC dưới tác động của dự án phát triển ở KKT miền
Trung, đặc biệt là KKT Dung Quất chưa có đề tài nào nghiên cứu.
3. Làng người Kinh và văn hóa làng người Kinh miền Trung là
một trong những loại hình làng và văn hóa làng của người Kinh
trong cả nước, với một số đặc trưng riêng do chịu tác động của các
yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên và sinh kế. Đó là làng và văn hóa
làng hình thành, tồn tại trên cơ sở sinh kế vừa làm nông vừa làm ngư,
hay làm nông nhưng chịu ảnh hưởng của ngư nghiệp vùng đồng bằng
nhỏ hẹp bên núi bên biển. Yếu tố cộng đồng làng xã bền chặt cố hữu
của đồng bằng Bắc Bộ đã suy giảm, thay vào đó là vai trò quan trọng
có phần vượt trội của người tiền hiền khai canh lập làng, của những
người trưởng họ, của vai trò tổ chức dòng họ, gia tộc, bên cạnh tín
ngưỡng và văn hóa cơ tầng Việt cổ. Ở các làng thuần nông, các
phong tục tập quán và tín ngưỡng cũng có nét tương đồng khá mờ
nhạt với các làng thuần nông Bắc Trung Bộ. Song, với các làng ngư,
xuất hiện và tồn tại tín ngưỡng và văn hóa biển, thể hiện rõ nét qua


22
tục thờ cá Ông và tổ chức lễ hội thờ cá Ông, hát Bả Trạo tại lăng cá
Ông và đua thuyền mùa xuân hàng năm. Đây là những nét khác biệt
trong cái chung của văn hóa làng người Kinh.
4. Để phục vụ cho lợi ích quốc gia, việc di dời người dân bị
ảnh hưởng ra khỏi địa bàn cư trú lâu đời, đến nơi TĐC mới ở KKT
Dung Quất là chủ trương cần thiết, đúng đắn của Đảng và Nhà nước
ta. Sau gần 20 năm, hình thành và phát triển, KKT Dung Quất và

TĐC trong KKT Dung Quất vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với
văn hoá các cộng đồng làng người Kinh ven biển.
5. Dưới tác động của dự án KKT Dung Quất, thông qua thực
hiện chính sách TĐC, tùy vào cộng đồng tiền TĐC là cư dân nông
nghiệp hay ngư nghiệp, ở các mức độ khác nhau, tích cực hay tiêu
cực, văn hóa làng người người Kinh TĐC chịu sự biến đổi toàn
diện so với trước di dời trên các thành tố sinh kế, xã hội, vật chất và
tinh thần.
Sinh kế hay văn hóa mưu sinh biến đổi ở các khía cạnh mô
hình, kỹ thuật sản xuất, công cụ sản xuất, giống vật nuôi, cây trồng,
thu nhập và chi tiêu, phân hóa giàu nghèo, cùng với đó là sự xuất
hiện các hoạt động sinh kế hay mưu sinh mới.
Văn hóa xã hội biến đổi trên các khía cạnh quan hệ cố kết
dòng họ, quan hệ cố kết xóm làng, quan hệ hôn nhân, gia đình,
vai trò của các thiết chế xã hội chính thức và không chính thức,
y tế, giáo dục, phân hóa đời sống, xóa đói giảm nghèo, cùng với
đó, như là một hệ lụy của dự án KKT, xuất hiện một số tệ nạn xã
hội không mong muốn.
Văn hóa vật chất biến đổi trên các khía cạnh bố trí khu dân
cư, nhà ở, các cơ sở thờ tự cộng đồng như đình, chùa, nhà thờ họ,
nghĩa miếu, miếu làng, lăng cá ông, nghĩa địa, cơ sở vật chất hạ tầng
mới như nhà văn hóa, điện, đường, trường, trạm,…Hiện nay, vùng
dự án KKT Dung Quất vẫn là đại công trường khi tiến hành mở rộng
KKT giai đoạn hai. Nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, rác thải, ô


23
nhiễm môi trường (bụi, tiếng ồn), tai nạn giao thông đang là vấn bức
xúc cần giải quyết.
Văn hoá tinh thần, biến đổi trên các khía cạnh quan niệm

sinh hoạt và thực hành lễ nghi tín ngưỡng, lễ hội là một phần quan
trọng của đời sống tinh thần diễn ra trong cộng đồng làng. Bên cạnh
đó, có sự biến đổi ở mức độ hưởng thụ giá trị văn hóa xã hội đại
chúng như đài, báo, ti vi, v,v… Ở đó, các thang giá trị văn hóa có sự
dịch chuyển theo xu hướng mới nhưng vẫn dựa trên cơ tầng văn hóa
truyền thống làng người Kinh vùng ven biển miền Trung.
6. Dưới tác động của TĐC, văn hóa làng của người Kinh
TĐC ở KKT Dung Quất biến đổi theo cả hai chiều hướng. Một mặt
là, những tác động tích cực so với trước TĐC như mở rộng ngành
nghề mới, xóa đói giảm nghèo, năng suất lao động tăng, chuyển dịch
nhanh cơ cấu kinh tế, cơ sở vật chất hạ tầng được phát triển, thúc đẩy
nâng cao nhận thức và tư duy kinh tế thị trường, giáo dục, y tế phát
triển; mặt khác, cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết để
có thể phát triển bền vững văn hóa làng ở các khu TĐC. Về sinh kế
là các vấn đề chính sách đền bù, thực hiện chính sách đền bù, thừa
lao động, thiếu việc làm, phân hóa giàu nghèo, đào tạo nghề. Về văn
hóa xã hội là sự mai một, xuống cấp của quan hệ gia đình, dòng họ,
xóm làng và sự lên ngôi của tư tưởng vị kỷ, cá nhân do tác động của
giao lưu hội nhập tại vùng dự án, sự xuất hiện của một số tệ nạn xã
hội như uống rượu, bạo lực gia đình, cờ bạc, trộm cắp, trò chơi điện
tử, mại dâm, v.v. Về văn hóa vật chất là sự mai một của không gian
văn hóa nhà, làng truyền thống để thay thế bằng không gian văn hóa
nhà, làng thành thị, sự mai một mất mát của các cơ sở thờ tự đình
chùa, nghĩa miếu, miếu làng, lăng cá Ông. Về văn hóa tinh thần là sự
biến đổi của các sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa và lễ hội cộng đồng.
Xu hướng biến đổi văn hóa của làng người Kinh TĐC ở
KKT Dung Quất diễn ra theo chiều tái cấu trúc văn hóa truyền thống,
du nhập các yếu tố văn hóa mới và tăng cường các hoạt động tín



×