Tải bản đầy đủ (.pdf) (156 trang)

Tiểu thuyết việt nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.28 MB, 156 trang )

ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

VĂN THỊ PHƯƠNG TRANG

TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI
TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC

LUẬN ÁN TIẾN SĨ
VĂN HỌC VIỆT NAM

HUẾ, 2016


ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC HUẾ

VĂN THỊ PHƯƠNG TRANG

TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI
TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC

LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
MÃ SỐ: 62 22 01 21
Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS Hồ Thế Hà

HUẾ, 2016



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các kết quả
nghiên cứu được trình bày trong luận án là trung thực, khách quan và chưa
từng bảo vệ ở bất kỳ học vị nào.
Tôi xin cam đoan các thông tin trích dẫn trong luận án này đã được ghi rõ
nguồn gốc.
Huế, ngày 20 tháng 8 năm 2016
Tác giả luận án

Văn Thị Phương Trang


LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình thực hiện luận án, tôi đã nhận được sự góp ý, giúp đỡ tận tình
của các thầy cô khoa Ngữ Văn, các thầy cô ở phòng đào tạo sau đại học trường Đại học Khoa học Huế, các thầy cô ở phòng đào tạo Đại học Huế. Tôi
xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành về sự giúp đỡ đó.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS Hồ Thế Hà - người đã trực
tiếp hướng dẫn tôi hoàn thành luận án này.
Tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nơi tôi công tác đã động viên,
tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình hoàn thành luận án.
Tác giả luận án

NCS. Văn Thị Phương Trang


MỤC LỤC
Trang
A. MỞ ĐẦU ...............................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................................1
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ........................................................................2

3. Cơ sở lý thuyết .......................................................................................................2
4. Phương pháp nghiên cứu ......................................................................................2
5. Đóng góp khoa học của luận án ...........................................................................3
6. Cấu trúc luận án ....................................................................................................4
B. NỘI DUNG ............................................................................................................5
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TIỂU THUYẾT
VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI .......................................................5
TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC.........................................................................5
1.1. Các khuynh hướng phê bình văn học trên thế giới từ góc nhìn phân tâm
học ...............................................................................................................................5
1.1.1. Phê bình phân tâm học tiểu sử ..........................................................................5
1.1.2. Phê bình phân tâm học văn bản ........................................................................7
1.1.3. Phê bình phân tâm học người đọc ....................................................................9
1.2 Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phân tâm học ......12
1.2.1. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (1986 -2000) từ
góc nhìn phân tâm học ..............................................................................................13
1.2.2. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc
nhìn phân tâm học .....................................................................................................18
1.3. Nhận xét tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phân tâm
học và hướng triển khai của luận án .....................................................................23
1.3.1. Nhận xét tình hình nghiên cứu ........................................................................23
1.3.2. Hướng triển khai của luận án .........................................................................24
CHƯƠNG 2. PHÂN TÂM HỌC VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG PHÂN TÂM HỌC
TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI ........26
2. 1. Một số lý thuyết căn nền của phân tâm học .................................................26
2.1.1. Lý thuyết về tâm thần bộ .................................................................................26
2.1.2. Lý thuyết về tính dục và phức cảm ..................................................................35
2.1.3. Lý thuyết cổ mẫu và phân tâm học về lửa. ......................................................40
2.2. Quan niệm của phân tâm học về sáng tạo văn học .......................................46



2.2.1. Sáng tạo văn học từ vai trò của vô thức..........................................................46
2.2.2. Sáng tạo văn học từ vai trò của ham muốn.....................................................50
2.3. Những ảnh hưởng phân tâm học trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu
thế kỷ XXI ................................................................................................................53
2.3.1. Những tiền đề cơ bản của việc vận dụng phân tâm học trong tiểu thuyết Việt
Nam thập niên đầu thế kỷ XXI...................................................................................53
2.3.2. Khái quát những ảnh hưởng phân tâm học trong tiểu thuyết Việt Nam thập
niên đầu thế kỷ XXI ...................................................................................................57
CHƯƠNG 3. THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT ......................62
VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI .....................................................62
TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC.......................................................................62
3.1. Kiểu nhân vật với đời sống vô thức, tâm linh ................................................62
3.1.1. Nhân vật với sự quẫy đạp của vô thức ............................................................62
3.1.2. Nhân vật với sự ám ảnh tâm linh ....................................................................70
3.2. Kiểu nhân vật với các phức cảm .....................................................................77
3.2.1. Nhân vật với mặc cảm thân phận - mặc cảm hoạn .........................................77
3.2.2. Nhân vật với mặc cảm Oedipe ........................................................................85
3.3. Kiểu nhân vật với đời sống tính dục thường ngày ........................................89
3.3.1. Nhân vật với nỗi khát khao tính dục ...............................................................89
3.3.2. Nhân vật với sự nổi loạn của cô đơn và ẩn ức ................................................95
CHƯƠNG 4. PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN CỦA TIỂU THUYẾT ..............100
VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI ...................................................100
TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC.....................................................................100
4.1. Biểu tượng .......................................................................................................100
4.1.1. Biểu tượng Lửa ..............................................................................................101
4.1.2. Biểu tượng Nước ...........................................................................................108
4.2. Không gian và thời gian nghệ thuật .............................................................115
4.2.1. Không gian và thời gian từ góc nhìn tâm linh, vô thức ...............................116
4.2.2. Không gian và thời gian từ góc nhìn đời thường ..........................................124

4.3. Ngôn ngữ .........................................................................................................128
4.3.1. Ngôn ngữ nhuốm màu sắc dục tính ...............................................................129
4.3.2. Ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm ..................................................................133
C. KẾT LUẬN .......................................................................................................140
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................. 144


1

A. MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Đã từ lâu, trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, phân tâm học không còn là
một mảng mờ, theo hàm nghĩa chứa đựng những ẩn thức bất khả lí giải trước cái
nhìn dè dặt của giới nghiên cứu. Cuộc sống càng mở ra nhiều góc nhìn đa diện,
nhiều chiều vào tâm thức con người, thì phân tâm học càng có cơ hội cung cấp cho
con người cách kiến giải của cuộc hành trình đi - đến, yêu - ghét, sống - chết trong
“cõi nhân gian bé tí” (chữ dùng của Nguyễn Khải) mà cũng rất đỗi bao la này. Như
những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người, cả văn học và phân tâm học
đều tìm được sự giao nhau ở đối tượng phản ánh. Việc vận dụng lý thuyết phân tâm
học soi chiếu vào tác phẩm văn học là cần thiết để góp một hướng nhìn toàn diện,
sâu sắc hơn về con người và cuộc sống.
Từ phân tâm học, vấn đề trong tác phẩm văn học được soi chiếu ở góc nhìn rất
con người, với những ước mơ thầm kín như dồn nén, phút chốc chợt vỡ ra. Người
đọc bắt gặp điều vốn không dám thổ lộ, như một miền ẩn ức và trong khoảnh khắc,
họ lại khát khao bộc lộ cả điều không thể. Con người tìm trong văn học một cảm
giác thỏa mãn khi trái tim người nghệ sĩ thực sự chạm vào sâu thẳm tâm hồn người
đọc. Trong cõi mờ xa xăm ấy, phân tâm học có lúc đã chỉ ra được con đường dẫn
con người về với bản ngã trong vô thức và tưởng tượng. Hóa ra, cái giây phút người
nghệ sĩ thăng hoa nhất để làm nên tuyệt tác có khi cũng chỉ là những chơi vơi không

thể lý giải, là những giấc mơ ban ngày của người sáng tạo trên hành trình đan xé
giữa ý thức và vô thức. Hoá ra, thế giới ẩn dụ đầy biểu tượng của tiểu thuyết nói
riêng và văn học nói chung lắm lúc lại quy tụ về một điểm đầy náo nức, lặng thinh
nào đó ở thẳm sâu tâm hồn.
Tiếp cận mảng văn học Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây, đặc biệt ở mảng
tiểu thuyết, người đọc ngỡ ngàng trước sự nở rộ của nhiều nhà văn tìm tòi và trải
nghiệm. Hiện thực cuộc đời đã được tác giả soi chiếu từ góc nhìn riêng, cách thể
nghiệm riêng. Bức tranh toàn cảnh của đời sống như động đậy, phập phồng trên
trang viết. Đó cũng là lúc con người thực sự sống sâu với đời và rung cảm với chính


2

mình. Ở mảng tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI, với hàng loạt vấn đề mới mẻ
được đặt ra, việc chọn nhiều toạ độ, nhiều góc nhìn khác nhau để có thể tham chiếu
bổ sung cho nhau thật sự là hướng nghiên cứu cần thiết. Mặt khác, không thể phủ
nhận rằng, phân tâm học có thế mạnh trong việc mở ra một đối thoại mới ở những
miền nội tâm uẩn khúc - đặc biệt khi gắn liền với xung động sáng tạo tinh thần này.
Có thể nói, từ tọa độ phân tâm học để quét cái nhìn riêng về mảng tiểu thuyết
Việt Nam đầu thế kỷ XXI - vấn đề không phải là không thú vị. Từ sự yêu thích của
bản thân, sự hấp dẫn của tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI khi phóng chiếu phân tâm học
vào tác phẩm, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế
kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học, mong được góp một cái nhìn riêng vào việc tiếp
cận quá trình vận động và phát triển của văn xuôi đương đại nước ta mà chủ yếu là
tiểu thuyết trong xu thế đổi mới và hội nhập với nền văn học nhân loại.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của luận án: tập trung nghiên cứu tiểu thuyết Việt
Nam đầu thế kỷ XXI ẩn chứa yếu tố phân tâm học qua những hiện tượng văn học
nổi bật như: tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Thuận, Nguyễn Đình Tú,
Nguyễn Bình Phương...

- Phạm vi nghiên cứu của luận án được giới hạn ở việc tìm hiểu biểu hiện của
phân tâm học qua hai bình diện nội dung tư tưởng và phương thức nghệ thuật; đồng
thời làm rõ được ý nghĩa của những phương diện nghệ thuật ấy.
3. Cơ sở lý thuyết
- Lý thuyết phân tâm học gồm nhiều vấn đề. Trong luận án này, chúng tôi chủ
yếu sử dụng học thuyết của Freud (lý thuyết về tâm thần bộ, thuyết tính dục và mặc
cảm), lý thuyết cổ mẫu của Jung, phân tâm học về lửa của Bachelard… Từ đó, soi
chiếu vào một số hiện tượng tiêu biểu của tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ
XXI từ hai phương diện nội dung và phương thức nghệ thuật để thấy được những
đóng góp và sáng tạo của các nhà tiểu thuyết giai đoạn này.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Với phương pháp nghiên cứu này, nền
tảng và điểm xuất phát của quá trình nghiên cứu là tri thức lý luận gồm các quan


3

điểm, các học thuyết. Ở đây, người viết tiến hành nghiên cứu, hệ thống hóa, vận
dụng phân tâm học làm lý thuyết căn nền cho luận án.
- Phương pháp phân loại: sử dụng phương pháp này, người viết tiến hành
phân loại, khu biệt các biểu hiện đặc thù về các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Việt
Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học. Đồng thời, cũng bằng
phương pháp nghiên cứu này, người viết phân loại các kiểu phương thức thể hiện
được sử dụng trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học như
các loại biểu tượng, các kiểu không gian - thời gian, các đặc điểm về ngôn ngữ...
- Phương pháp cấu trúc, hệ thống: sử dụng phương pháp này, người viết sắp
xếp, xây dựng cấu trúc luận án một cách hợp lý, có hệ thống trên cả hai phương
diện nội dung và phương thức nghệ thuật.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu: trong quá trình triển khai luận án, người
viết tiến hành so sánh các tác phẩm của các nhà văn để tìm các nét gặp gỡ tương

đồng, lẫn nét riêng của từng cá tính sáng tạo, đồng thời chỉ ra sự vận động của tiểu
thuyết từ góc nhìn phân tâm học.
Ngoài ra, người viết còn tiến hành sử dụng các phương pháp như: phương
pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp bình giảng văn học để làm nổi bật phương
diện nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
5. Đóng góp khoa học của luận án
Luận án trình bày một cách hệ thống, khoa học về tiểu thuyết Việt Nam thập
niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học trên hai phương diện nội dung và
hình thức. Về nội dung, luận án đi sâu làm nổi bật về vấn đề các kiểu nhân vật qua
lăng kính của phân tâm học như kiểu nhân vật với đời sống vô thức, tâm linh; kiểu
nhân vật với các phức cảm; kiểu nhân vật với đời sống tính dục hằng ngày. Về
phương thức biểu hiện, luận án tìm hiểu các vấn đề về biểu tượng, thời gian - không
gian nghệ thuật cũng như ngôn ngữ mang dấu ấn phân tâm học nhằm làm nổi bật
giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng của tác phẩm. Từ đó, luận án sẽ mang đến một
cái nhìn mới về diện mạo tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI khi soi
chiếu từ phân tâm học.


4

6. Cấu trúc luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết Luận, Tài liệu tham khảo, Nội dung chính của luận
án gồm có 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam thập niên
đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học
Chương 2. Phân tâm học và sự ảnh hưởng phân tâm học trong tiểu thuyết Việt
Nam thập niên đầu thế kỷ XXI
Chương 3. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ
XXI từ góc nhìn phân tâm học
Chương 4. Phương thức biểu hiện của tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế

kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học


5

B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TIỂU THUYẾT
VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI TỪ GÓC NHÌN
PHÂN TÂM HỌC
1.1. Các khuynh hướng phê bình văn học trên thế giới từ góc nhìn phân
tâm học
Ở phương Tây, nghiên cứu văn học cho đến hôm nay đã trải qua ba hệ hình tư
duy: tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Trước ảnh hưởng của những thành tựu
triết học, ngôn ngữ học và phân tâm học, mỗi hệ hình tư duy của khoa học nghiên
cứu văn học đều bộc lộ những khả năng và hạn chế nhất định. Mối quan hệ giữa lí
thuyết phân tâm học và nghiên cứu văn học đã mở ra những phương pháp nghiên
cứu mới, tập trung sự chú ý tới ba yếu tố cơ bản là tác giả, văn bản và người đọc.
Elizabeth Wright trong công trình Phê bình phân tâm học hiện đại (1982) đã nói
đến ba khuynh hướng phê bình phân tâm học. Đó là phê bình phân tâm học tiểu sử,
phê bình phân tâm học văn bản và phê bình phân tâm học người đọc. Trước khi giới
thiệu tổng quan tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ
XXI từ góc nhìn phân tâm học và hướng triển khai đề tài nghiên cứu theo phân tâm
học, chúng tôi có cái nhìn khái lược về ba khuynh hướng phê bình văn học đó.
1.1.1. Phê bình phân tâm học tiểu sử
Chúng ta biết rằng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là thời kỳ hình thành tư
duy khoa học tiền hiện đại ở phương Tây. Đây là lúc người ta nhận ra rằng, ý nghĩa,
bản chất của văn học không phải tự nó nói lên, mà để nhận biết chúng, cần phải tiếp
cận một cách trung thành mọi hoạt động của tác giả trong đời sống hằng ngày liên
quan đến văn bản văn học. Chủ nghĩa thực chứng của H.Taine ra đời trong bối cảnh
đó. Nghiên cứu văn học tiền hiện đại trực tiếp gắn nghĩa của tác phẩm với người đã

viết ra nó. Nghĩa nội tại của văn bản không xuất phát từ bản chất của văn học mà từ
thông điệp chủ ý, từ tính ý hướng của tác giả. Nhiều công trình lý thuyết về nghiên
cứu phê bình văn học đã đề cao môi trường, thời điểm và chủng tộc theo tinh thần
thực chứng của H.Taine. Theo H.Taine, tác phẩm và tác giả đều nằm trong mối


6

quan hệ nhân quả, để hiểu tác phẩm, nhà nghiên cứu cần phải hiểu những nguyên cớ
lịch sử - con người đã tạo ra nó. Không phải ngẫu nhiên mà phê bình phân tâm học
tiểu sử đã có đất sống. Người đặt nền móng cho nghiên cứu phân tâm học tiểu sử
không ai khác là S. Freud.
Theo Freud, phân tâm học có thể khám phá các yếu tố tâm lý của người nghệ
sỹ để soi sáng nội dung tác phẩm. Với căn nền là vô thức, Freud đã xây dựng học
thuyết phân tâm học của mình và ông đã dùng lí thuyết đó để diễn giải lĩnh vực
sáng tạo nghệ thuật, bắt đầu khám phá về vô thức sáng tạo nơi Sophocle và
Shakespeare. Freud cho rằng vô thức - tiềm thức, ý thức và siêu thức làm nên cơ
chế hoạt động tâm thần. Vô thức chính là tâm thần, nó bao gồm những hiện tượng
mà ý thức không kiểm soát được. Vô thức quyết định sự hình thành và phát triển
nhân cách của mỗi người. Nội hàm khái niệm dục năng (libido) của S.Freud không
chỉ là hoạt động sinh lý thông thường mà bao hàm cả bản năng sống và bản năng
chết, chúng ảnh hưởng đến hành vi tích cực và tiêu cực của con người. Liên quan
đến quá trình trưởng thành và sự phát triển nhân cách của con người còn có yếu tố
tính dục, nhất là tính dục ấu thơ. S.Freud xem phức cảm Oedipe là một trong những
phức cảm quan trọng chi phối tình cảm và đạo đức con người trong suốt quá trình
sống. Tất cả những yếu tố trên đây đã được Freud vận dụng để nghiên cứu các tác
phẩm văn học, xuất phát từ người sáng tạo.
Các bài viết của S.Freud về văn học từ năm 1905 đến 1928 đều tập trung vào
phân tâm học tiểu sử (tác giả). Tất cả nhằm trả lời cho câu hỏi: tại sao người ta phải
viết văn? Viết văn là sự giải thoát những ẩn ức nằm sâu trong vô thức nhà văn. Chỉ

qua tên các bài viết của Freud cũng đã toát lên tinh thần đó của ông: Lời nói tế nhị
và quan hệ của nó với vô thức (1905), Hoang tưởng và giấc mơ trong truyện
Gradiva của Jensen (1906), Sáng tạo văn học và giấc mơ khi tỉnh (1908), Kỉ niệm
tuổi thơ của Léonard de Vinci (1910)…
Bằng những khởi đầu của Freud, phê bình phân tâm học tiểu sử đã trở thành
một khuynh hướng với những tên tuổi như Charles Mauron, Jean Delay, René
Laforgue, Marie Bonafarte… Các nhà phê bình văn học này dựa trên căn nền lý


7

thuyết phân tâm học của Freud đã lưu ý người đọc phải có hiểu biết về tâm lý của
các nhà văn thì mới hiểu được quá trình sáng tác của họ. Cần phải hiểu đời sống
tinh thần của nhà văn, kể cả những ham muốn thì người đọc mới hiểu được các ẩn
dụ và biểu tượng trong tác phẩm văn học. Muốn làm được như vậy, nhà nghiên cứu
phê bình văn học cần phải bám sát các dữ liệu đời tư của từng nhà văn, kể cả quá
khứ của anh ta, xem những ẩn dụ ám ảnh là nơi con người vô thức của nhà văn thể
hiện. Công trình viết về Edgar Poe (1933) của M. Bonafarte để lại dấu ấn quan
trọng, tiêu biểu cho phương pháp phê bình phân tâm học tiểu sử. Điểm nổi bật ở
công trình này là Bonafarte đã tìm cách soi sáng chứng loạn tâm thần ở Poe và sự
chuyển dời vô thức nơi ông qua việc nhà văn này bị ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ
chết khi còn quá trẻ. Còn J. Delay thì lại coi trọng vai trò của những năm đầu đời
đối với mỗi nhà văn, nhất là tính di truyền trong gia đình, vì tất cả những gì đã xảy
ra đó đều ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ.
Tuy nhiên, những thể nghiệm của M. Bonafarte, Charles Mauron, Jean Delay,
René Laforgue và các nhà phê bình phân tâm học tiểu sử khác đã không tránh khỏi
những hạn chế. Phương pháp xếp chồng văn bản của C. Mauron đã khám phá huyền
thoại cá nhân nhà văn không phải thích hợp để nghiên cứu mọi thể loại văn học,
nhất là đối với kịch, do tính chất biểu diễn sân khấu đặc thù của nó. Với nền tảng lý
thuyết phân tâm học của Freud, trong tinh thần thực chứng của tư duy nghiên cứu

phê bình văn học tiền hiện đại, các nhà phê bình phân tâm học tiểu sử hầu như chỉ
diễn giải tâm lý bằng văn học, xem tiểu sử tác giả là nguồn gốc của mọi sự phóng
chiếu lên quá trình sáng tạo nghệ thuật. (Những hạn chế của khuynh hướng phê
bình phân tâm học tiểu sử này chúng ta cũng thấy trong các công trình phê bình văn
học của Trương Tửu). Cách làm này đã bỏ qua tính chất quá trình của sự tạo nghĩa
nơi văn bản, nó mặc định những kết quả thông qua việc hiểu và cập nhật mọi dữ
liệu liên quan đến tiểu sử tâm lý tác giả.
1.1.2 Phê bình phân tâm học văn bản
Trong tư duy lý thuyết văn học tiền hiện đại, người ta không phủ nhận vai trò
của văn bản nhưng lại xem văn bản chỉ là công cụ của sự tạo nghĩa đã có từ trước,


8

chịu sự chi phối của bối cảnh xuất xứ và chủ ý của người sáng tác. Nghiên cứu văn
học tiền hiện đại, vì thế, trực tiếp gắn nghĩa tác phẩm với người tạo ra văn bản. Và
phê bình văn học theo khuynh hướng phân tâm học tiểu sử đã vận dụng những nội
dung lý thuyết phân tâm học về vô thức trong tinh thần đó. Nhưng rồi, khuynh
hướng phê bình phân tâm học tiểu sử đã bị chính các nhà phân tâm học sau đó phê
phán vì những hạn chế mà người viết đã trình bày ở trên. Từ đây, để thay đổi, thay
vì đề cao vô thức tác giả, người ta nhấn mạnh nhiều đến quá trình tạo dựng văn bản,
chuyển từ phân tích phân tâm học tiểu sử sang các yếu tố nằm trong văn bản, mang
tính chất nội quan. Một trong những người có ảnh hưởng lớn đến phê bình phân tâm
học văn bản là Carl Gustav Jung (1875 – 1961), tác giả của nhiều công trình nghiên
cứu như Tâm lí học vô thức (1912), Biện chứng giữa cái tôi và cái vô thức… Là học
trò của S. Freud, Jung đã phát triển và bổ sung những khám phá mới về vô thức, với
việc phân chia vô thức thành hai nhóm: vô thức cá nhân và vô thức tập thể, được
cấu trúc bằng các siêu mẫu. Theo Jung, quá trình cá nhân hoá được các siêu mẫu
mặt nạ nhân cách, căn tính nữ, căn tính nam, bóng âm và vô thức tự ngã chi phối và
dẫn dắt. Ngay cả libido cũng được Jung chia làm hai loại: libido hướng nội và libido

hướng ngoại. Tuỳ theo đó, mà người thì thích sống lặng lẽ, cô độc, kẻ thì sống
quảng giao, vui vẻ. Như vậy, trong khi Freud dùng văn học để diễn giải lý thuyết về
phân tâm học thì Jung lại dùng chính các tri thức phân tâm học để soi sáng cơ chế
sáng tạo văn học. Và phê bình siêu mẫu của Jung đã mở ra những khả năng mới cho
khoa học văn học, ảnh hưởng đến nhiều nhà phê bình văn học sau này.
Một đại diện khác của phê bình phân tâm học văn bản là Gaston Bachelard,
người đã vận dụng các lý thuyết phân tâm học theo hướng thuần tuý vô thức, khơi
nguồn từ các trạng thái vật chất như nước, lửa, không khí, đất… Các yếu tố này tồn
tại trong vô thức tập thể với tư cách là siêu mẫu. Theo Bachelard, những tiếp xúc
đầu đời của con người với ngoại giới, với thế giới vật chất sẽ để lại dấu ấn trong thế
giới vô thức như là những siêu mẫu và ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo của người
nghệ sĩ. Các công trình Phân tâm học về lửa (1938), Nước và những giấc mơ
(1938), Không khí và những giấc mơ (1943)… của Bachelard đã cho thấy hướng


9

nghiên cứu của ông chịu ảnh hưởng từ Jung nhưng được phát triển hơn trong tinh
thần phân tâm học vật chất.
Một người Pháp nữa không thể không nói đến ở đây là Jacques Lacan (1901 –
1981), người đã diễn giải lại học thuyết Freud trong ánh sáng của cấu trúc và cấu
trúc luận. Theo Elizabeth Wright, Lacan đã không quan tâm đến việc vô thức bản
năng đi trước ngôn ngữ. Ông không chỉ khẳng định vô thức cũng được cấu trúc như
là một ngôn ngữ mà còn nhấn mạnh rằng vô thức cũng là sản phẩm của ngôn ngữ.
Nếu Freud cho rằng vô thức tồn tại trước khi ngôn ngữ có thể hoạt động thì Lacan
lại cho rằng vô thức và ngôn ngữ xuất hiện đồng thời với nhau. Khi ngôn ngữ không
có khả năng duy trì sự thoả mãn thì lúc đó vô thức xuất hiện qua khe hở giữa ngôn
ngữ và ý muốn. Ngôn ngữ chỉ tạo cho chủ thể một vị trí để anh ta phát ngôn, vì thế
theo Lacan, phê bình văn học nên tập trung vào những cấu trúc của ham muốn. Ông
đề cao biểu tượng trong sáng tác văn học, xem biểu tượng là chìa khoá để giải mã

vô thức. Phê bình văn học theo tinh thần phân tâm học văn bản của Lacan chủ
trương phân tích các biểu tượng, tìm những sự trùng hợp, lặp đi lặp lại để lý giải
chúng bằng lý thuyết phân tâm học. Đây là khuynh hướng phê bình văn học tạo
điều kiện mở rộng sự liên tưởng, giúp nhà phê bình có thêm những khả năng diễn
giải văn bản văn học.
1.1.3. Phê bình phân tâm học người đọc
Bước sang thời hiện đại, với việc nhận ra sự khác biệt giữa văn bản văn học và
tác phẩm văn học, lí luận văn học hiện đại đã vượt lên tư duy lý luận văn học tiền
hiện đại. Đến lượt mình, tư duy lý luận hiện đại đã có những khám phá mới hơn về
đặc trưng bản thể của văn bản văn học trong quan hệ với những yếu tố khác. Trong
bài viết Trên đường đến với tư duy lý luận văn học hiện đại, sau khi nêu lên câu hỏi
Phương thức tồn tại của tác phẩm văn học là gì, nhà nghiên cứu Trương Đăng
Dung cho rằng hai vấn đề phải đề cập đến: một là tính chất ngôn ngữ, cái quyết định
đặc trưng của văn bản văn học, hai là khả năng tạo lập một đời sống riêng của văn
bản văn học. Đó là quá trình tạo ra đời sống cụ thể của văn bản văn học trong quan


10

hệ với người đọc. Đây là cơ sở để lý luận văn học hậu hiện đại thể hiện tham vọng
lấy mỹ học tiếp nhận thay cho mỹ học sáng tạo.
Như ở phần trên đã đề cập việc vận dụng lí thuyết phân tâm học vào phê bình
phân tâm học tiểu sử và phê bình phân tâm học văn bản đã có những thành tựu nhất
định. Trong khi đó, phê bình phân tâm học người đọc vận dụng lí thuyết phân tâm
học để chỉ ra vô thức của người đọc trong quá trình tiếp nhận văn bản văn học thì lại
chỉ được nói đến nhiều sau sự xuất hiện của Norman Holland, đại diện tiêu biểu
nhất của khuynh hướng phê bình này. Norman Holland xuất hiện đúng vào thời kỳ
mà mỹ học tiếp nhận đang rất sôi động, với nhiều công trình lý thuyết đề cao vai trò
của người đọc trong quá trình tạo nghĩa của văn bản văn học. Và cái nhìn phân tâm
học của ông về chủ thể tiếp nhận, vì thế, càng có ý nghĩa khoa học, được dư luận

chú ý. Công trình được nhắc đến nhiều nhất của N. Holland là Cái tôi (1985), một
chuyên luận nói về bản chất con người một cách tập trung nhất bằng phân tâm học.
Công trình này đặt ra vấn đề tại sao trong con người cá nhân vừa có cái riêng tư lại
vừa có cái phổ quát? Tại sao trong con người cá nhân có cả nhân loại? Lý giải vấn
đề này, chúng ta sẽ hiểu được sự phong phú, đa dạng của người đọc. Họ vừa giống
nhau, lại vừa khác nhau khi cùng tiếp nhận một văn bản văn học. Điều này lý giải
tại sao văn bản văn học không đến với tất cả mọi người bằng một gương mặt duy
nhất. Công trình Cái tôi của Norman Holland đều tập trung làm rõ bản chất của
người đọc và quá trình diễn biến tâm lí của họ. Ví dụ tình trạng nào của não bộ
quyết định việc người đọc cảm nhận được một ngôn ngữ như là văn học? Vì sao
mỗi người đọc lại có cách diễn giải khác nhau về ý nghĩa của văn bản? Sau các
công trình Phân tâm học và Shakespeare (1966), Các động cơ của phản ứng văn
học (1968) thì công trình Năm loại người đọc (1975) đã dành hẳn sự quan tâm của
Holland về người đọc. Ông rút ra bốn nguyên tắc thể hiện những phản ứng của
người đọc trước một văn bản văn học là tự thân, phòng vệ, tưởng tượng, chuyển
hoá. Đây cũng là bốn bước mà một người đọc trải qua để tạo nên quá trình tiếp
nhận, quyết định phương thức tồn tại của tác phẩm văn học như các nhà lý luận tiếp
nhận vẫn nói. Holland đã lưu ý đến những năm tháng tuổi thơ của người đọc cũng


11

có ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp nhận văn học. Không phải ngẫu nhiên mà
Holland đã nghiên cứu các nhà văn lớn của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX như
Balzac, Dickens, Gogel. Mặc dù các công trình phân tâm học người đọc của N.
Holland vẫn còn nhấn mạnh quá nhiều đến cái vô thức của người đọc, nhưng không
giống Bonaparte (phê bình phân tâm học văn bản), người đã xem văn bản như là
bằng chứng tâm lí của nhà văn, Holland đã nhận ra sự xung đột của nhà văn và độc
giả trong văn bản, và ông dựa vào đó để xác lập lý thuyết của mình. Quan niệm của
Holland đã lưu ý đến mối quan hệ mơ hồ nhất của quá trình văn học. Ông đã không

tìm kiếm nguyên tắc tổ chức trong văn bản mà tìm ở người đọc, khi người đọc bắt
đầu công việc trên văn bản một cách phù hợp với bản tính của mình. Theo đó, đọc
là sự tái tạo bản sắc riêng của người đọc, vì thế chúng ta nên so sánh các phản ứng
khác nhau của những người đọc khác nhau về văn bản văn học để nhận ra mối quan
hệ có được nhờ những liên tưởng tự do xuất hiện từ nội dung mà các hành động liên
tưởng tự do được hình thành giữa các cá nhân người đọc. Từ đây, Holland cho rằng
không có gì xảy ra trong văn bản, mà tất cả xảy ra trong bạn đọc. Khái niệm sự thoả
hiệp của Holland cần phải được hiểu trên nền tảng là bản chất tự nhiên, liên chủ thể
của sự hiểu văn bản, khi những người đọc khác nhau tiếp tục khám phá ra những
nghĩa mới của văn bản và đưa chúng vào hướng tiếp cận mới.
Có thể nói, mỗi khuynh hướng phê bình phân tâm học đều có một thế mạnh
cùng những hạn chế tất yếu khác nhau. Với khuynh hướng phê bình phân tâm học
tiểu sử, yếu tố cuộc đời nhà văn được đặt lên hàng đầu. Chính những chấn động tinh
thần của tác giả sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tác phẩm. Việc tìm hiểu, soi chiếu các
yếu tố về cuộc đời, gia đình và thời đại nhà văn đang sống là cần thiết. Tuy nhiên,
đó không phải là yếu tố quyết định trong việc giải mã tác phẩm. Nếu người đọc quá
thiên về khuynh hướng phê bình này sẽ không tránh khỏi những suy diễn, áp đặt.
Đặc biệt, với các tác phẩm đương đại, khi mà yếu tố cuộc đời nhà văn chưa thực sự
được công khai thì rõ ràng khuynh hướng phê bình này sẽ gặp không ít khó khăn.
Ngược lại, với khuynh hướng phê bình phân tâm học người đọc cũng sẽ rơi vào chủ
quan, xuyên tạc nếu chỉ dựa vào vô thức người đọc để xác định mạch ngầm ý nghĩa


12

của tác phẩm, dù tiếp nhận văn học là một khâu không thể thiếu trong quá trình văn
học. Đối với khuynh hướng phê bình phân tâm học văn bản, nhìn một cách khách
quan, phương pháp nghiên cứu này về cơ bản sẽ mang lại những ý nghĩa có tính
khoa học. Đối tượng nghiên cứu của phương pháp này chính là văn bản văn học và
yếu tố tồn tại trong văn bản văn học. Việc giải mã lớp vỏ ngôn từ, nghiên cứu ký ức

tập thể, các tập tục tín ngưỡng được lưu giữ qua các siêu mẫu, biểu tượng, cũng như
sự liên hệ giữa thế giới hình tượng cùng với cơ chế thăng hoa trong vô thức tác giả
sẽ là con đường dẫn dắt người đọc tìm đến với thông điệp thẩm mỹ của tác phẩm.
Rõ ràng, nghiên cứu tác phẩm văn học từ góc nhìn phân tâm học là quá trình giải
mã những vùng mờ vô thức được ẩn giấu đằng sau lớp vỏ ngôn từ. Các nhà phê
bình Việt Nam cũng đã vận dụng phương pháp phê bình phân tâm học để nghiên
cứu văn học với hai con đường cơ bản, từ việc phóng chiếu ham muốn vô thức tác
giả vào tác phẩm hoặc sự vận dụng những vấn đề phân tâm học để phân tích một số
bình diện nghệ thuật trong tác phẩm. Đó là sự vận dụng hai khuynh hướng phê bình
phân tâm học tiểu sử và phân tâm học văn bản.
1.2. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phân tâm học
Phân tâm học dù đi vào Việt Nam từ rất sớm nhưng cả một thời gian dài
không thể tìm được sự hòa nhập để phát triển. Những gì Freud mang đến bị coi là
sự “phản động”, “nhục mạ” con người. Quá trình tiếp nhận lý thuyết phân tâm học
vào nghiên cứu văn học Việt Nam quả là một chặng đường gian nan với những
thăng trầm đứt nối. Nếu như trong sáng tác văn chương, Vũ Trọng Phụng vận dụng
học thuyết Freud với những tác phẩm như Làm đĩ, Giông tố, Số Đỏ thì trong lĩnh
vực phê bình, phải kể đến hai cây bút tiêu biểu là Trương Tửu và Nguyễn Văn
Hanh. Đến giai đoạn văn học sau 1954, theo Trần Hoài Anh, trong bài viết Vấn đề
ứng dụng phân tâm học vào phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975, ở
miền Nam, với tính chất một xã hội tiêu thụ, ảnh hưởng lối sống tự do theo kiểu văn
hóa Âu Mỹ, phân tâm học và một số học thuyết khác của phương Tây đều có thể
phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng nhiều đến văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực
phê bình. Ở miền Bắc, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, phê bình phân tâm học vẫn


13

còn nhiều giới hạn. Trong bài viết Phân tâm học về phê bình văn học ở Việt Nam,
Đỗ Lai Thúy đã nhận định rằng, sau năm 1954, ở miền Bắc, mặc dù học thuyết

Freud bị phê phán kịch liệt, nhiều người vẫn lén sử dụng luận điểm dồn nén - ẩn ức
- thăng hoa để giải thích một số hiện tượng văn học. Nhìn chung, giai đoạn trước
đổi mới, việc vận dụng lý thuyết phân tâm học còn là một vấn đề dè dặt, chưa thực
sự là một trào lưu phổ biến trong sáng tác và phê bình văn học. Bạn đọc cũng như
giới phê bình cũng chưa có cái nhìn toàn diện và khách quan về phân tâm học, chủ
yếu chỉ nhận thức phân tâm học như một học thuyết về tính dục. Sau năm 1986, với
khuynh hướng đổi mới toàn diện và hội nhập, phân tâm học đã được vận dụng khá
nhiều vào nghiên cứu văn học, chủ yếu là tham chiếu vào các tác phẩm đương đại
từ vấn đề ẩn ức tính dục, phức cảm, cũng như lý thuyết cổ mẫu của Jung. Nhìn
chung, từ sau năm 1986, vấn đề phân tâm học được vận dụng và soi chiếu tác phẩm
văn học, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết.
1.2.1. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 -2000 từ góc
nhìn phân tâm học
Từ sau năm 1975, về phương diện sáng tác, văn học đã có sự chuyển mình.
Những lớp vỏ tư tưởng cũ kỹ một thời đã phần nào được xoá bỏ, văn học dần đi vào
cõi sâu tâm hồn con người. Ở giai đoạn này, thể loại tiểu thuyết thực sự lên ngôi, nở
rộ về cả số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật. Từ lâu, tiểu thuyết được xem như thể
loại chính, loại hình nghệ thuật khám phá đời sống, lịch sử một cách toàn diện. Ở
thời kỳ đổi mới, các cây bút tiểu thuyết đã mạnh dạn xé toang lớp màn quan niệm,
nền nếp một thời để tìm về những điều rất thực. Các nhà văn đã mạnh dạn để nhân
vật nói lên những khát khao thầm kín với một tinh thần dân chủ, và ít nhiều mang
màu sắc phân tâm học như Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Lê Lựu với Thời xa
vắng, Dương Hướng với Bến không chồng, Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm
người nhiều ma. Chính vì thế, các nhà phê bình cũng đã tìm thấy nét mới trong
những sáng tác tiểu thuyết giai đoạn này.
Trong cuốn Văn xuôi Việt Nam sau 1975, Nguyễn Thị Bình đã có một cái nhìn
khái quát toàn diện về sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam từ sau năm 1975 trên cơ


14


sở một số loại hình tiêu biểu như tiểu thuyết theo lối hư cấu lịch sử, tiểu thuyết theo
phong cách hậu hiện đại. Song, dù ở loại hình nào, hầu hết các tác phẩm tiểu thuyết
thời kỳ này đều “dồn vào cách xử lý hiện thực: một hiện thực đa chiều, hiện thực
vừa có tính nhất định, vừa đáng ngờ, vừa hữu lý, vừa phi lý, vừa trật tự, vừa hỗn
loạn, vừa thuộc về cái rành rõ lý trí, vừa như thuộc cõi siêu linh bí ẩn huyền hồ” [8,
tr. 125]. Chẳng hạn như “Việc Bảo Ninh lựa chọn cái hiện thực của tiềm thức, tâm
linh, hiện thực bên trong một con người” [8, tr. 127] được xem là sự cách tân có
hiệu quả. Tiểu thuyết nói riêng và văn xuôi Việt Nam nói chung giai đoạn này bắt
đầu quan tâm đến con người bản năng, con người tâm linh “thâm nhập được vào cả
cõi mờ xa của ý thức, vùng chập chờn giữa ý thức và vô thức, vùng bí ẩn của tâm
linh. Quan niệm về tính phức tạp, bí ẩn của con người đã dẫn dắt văn học đi tìm
“những con người khác nhau” bên trong một con người” [8, tr. 70] như một tất yếu
của hiện thực. Cùng đề cập đến vấn đề con người trong tiểu thuyết đương đại,
Nguyễn Văn Long cũng đã có bài viết Một số vấn đề cơ bản trong nghiên cứu lịch
sử văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975. Tác giả Nguyễn Văn Long cho rằng:
“Con người cũng được văn học khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện, nhiều tầng
bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng,
khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người
trong tính nhân loại phổ quát” [53, tr. 16]. Rõ ràng, một trong những nét mới của
tiểu thuyết giai đoạn này là sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người
cũng như cách nhìn và phản ánh đời sống. Các nhà tiểu thuyết đã khai thác con
người ở nhiều khía cạnh như tâm linh, bản năng... để có thể có một cái nhìn toàn
diện hơn về con người. Trong Một hướng tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi
mới trong Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11/ 2006, Nguyễn Bích Thu khẳng định:
“Các cây bút tiểu thuyết từ sau đổi mới đã có ý thức đi sâu vào thế giới nội tâm để
khám phá chiều sâu tâm linh nhận diện con người đích thực. Sự xuất hiện con
người tâm linh biểu hiện sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của
văn học. Tiểu thuyết bắt đầu tiếp cận với thế giới đằng sau thế giới hiện thực, đó là
thế giới tâm linh, vô thức, tiềm thức, giấc mơ” [53, tr. 4]. Có thể thấy rằng, hầu hết



15

các tiểu thuyết sau giai đoạn đổi mới đều tìm cho mình một hiện thực riêng, đẫm
màu sắc tâm linh, vô thức. Cõi vô thức nhiều khi còn lấn át cả phần ý thức của con
người. Không gian tác phẩm bàng bạc sắc màu vô thức. Yếu tố phân tâm học được
vận dụng khá nhiều trong tác phẩm. Các nghiên cứu phê bình cũng đã ghi nhận
những thành tựu ban đầu này. Trong Về hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam
từ cuối thể kỷ 80 đến nay, Nguyễn Thị Bình đã ghi nhận những thành tựu của tiểu
thuyết đương đại, đặc biệt là quá trình cách tân tiểu thuyết. Bên cạnh những đổi mới
về nghệ thuật như kiểu nhân vật, điểm nhìn trần thuật, bút pháp nhại, hiện thực phản
ánh trong tác phẩm cũng là vấn đề đáng lưu ý. Theo tác giả, “đó là một hiện thực
không đáng tin cậy. Đó là những bức tranh đầy ước lệ, không theo logic nhân quả,
không trình bày một hiện thực phổ biến, khả tín mà là những giấc mơ, những ám
ảnh vô thức, những trò diễn của sân khấu múa rối hay của lễ hội hóa trang”. Và
các tác giả đã “dùng ánh sáng phân tâm học để rọi vào thế giới bí ẩn tăm tối bên
trong con người, tạo một chiều sâu mới” [53, tr. 3].
Rõ ràng, cùng với những cách tân về mặt tư tưởng, các tiểu thuyết giai đoạn
này cũng thể hiện một ý thức đổi mới về nghệ thuật. Lớp vỏ cũ kỹ một thời đã trở
nên không phù hợp khi bao bọc bên trong một tâm hồn thanh tân và muốn bứt phá.
Các phương tiện nghệ thuật như không gian, thời gian, ngôn ngữ, motip... đều được
thay đổi theo tinh thần phân tâm học. Khi đề cập đến Ý thức cách tân trong tiểu
thuyết Việt Nam sau 1975, Nguyễn Bích Thu đã nhận thấy được sự khởi sắc của văn
xuôi, trong đó tiểu thuyết vẫn là thể loại chủ đạo trong việc bao quát những vấn đề
cơ bản của đời sống xã hội và số phận con người. Hầu hết các tác phẩm giai đoạn
sau 75 đều có “cách viết đầy ngẫu hứng sáng tạo, đan xen tài tình giữa hư và thực,
giấc mơ và hiện tại, ý thức và tiềm thức, hiện thực và lãng mạn, ngợi ca và phê
phán tạo nên hiệu quả nghệ thuật cho tiểu thuyết” [53, tr. 229]. Chẳng hạn như với
tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh “đã xây dựng cốt truyện theo dòng tâm

trạng nhân vật, bao gồm cả ý thức lẫn vô thức sáng tạo dựa trên trực giác, linh cảm
để ngòi bút phiêu lưu trong thế giới tâm linh của con người” [53, tr. 229]. Theo tác
giả Nguyễn Bích Thu, “tiểu thuyết đã không ngần ngại miêu tả chất sắc dục, tình


16

yêu nhục thể là một lĩnh vực rất riêng của mỗi cá nhân. Miêu tả những con người tự
nhiên, khai thác yếu tố tích cực của con người tự nhiên cũng là một khía cạnh nhân
bản của văn học (Ngược dòng nước lũ của Ma Văn Kháng, Người đi vắng của
Nguyễn Bình Phương, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của
Chu Lai)”. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh “Các cây bút tiểu thuyết những năm đổi mới
đã có ý thức đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá chiều sâu tâm linh nhằm nhận
diện hình ảnh con người đích thực. Sự xuất hiện con người tâm linh biểu hiện sự đổi
mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học. Tiểu thuyết bắt đầu tiếp
cận với thế giới đằng sau thế giới hiện thực, đó là thế giới tâm linh, vô thức, tiềm
thức, giấc mơ. Các nhà văn đã cố gắng thoát ra kiểu “phản ảnh hiện thực” được
hiểu một cách thông tục của tiểu thuyết trước đây. Với quan niệm nghệ thuật mới,
họ đã có ý thức thay đổi hình thức biểu đạt. Ngòi bút nhà văn khơi sâu vào cõi tâm
linh, vô thức của con người, khai thác “con người ở bên trong con người” [53, tr.
231]. Các nhà phê bình cũng đã khám phá phương diện vô thức trong các tiểu
thuyết thời kỳ đổi mới như một ý thức của sự cách tân. Điều này cũng chi phối đến
cách xây dựng đề tài, cốt truyện, nhân vật cũng như ngôn ngữ tạo hiệu quả thẩm
mỹ, thực sự đánh dấu sự trưởng thành của nền văn học cũng như đáp ứng nhu cầu
tiếp nhận của độc giả.
Một vấn đề cũng được thể hiện khá nhiều trong văn học giai đoạn này là vấn
đề tính dục. Xưa nay, con người ta vốn ngại đưa những vấn đề nhạy cảm này lên
trang viết, thậm chí còn phải che kỹ, giấu kỹ. Con người tự bao đời vốn ngại ngùng
trong việc bộc lộ mình, ngay cả những cái mình vốn dĩ chân thật nhất, hiển nhiên
nhất. Để rồi, từ sau đổi mới văn học, văn học như cởi bỏ những e dè, xấu hổ để nói

lên tiếng nói thật lòng mình. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được xem như tác
phẩm đầu tiên nhìn chiến tranh ở góc nhìn đầy ẩn ức, dám nói lên tiếng nói của
chính mình. Tác phẩm trở thành một hiện tượng văn học của thời kỳ này, thu hút sự
quan tâm của nhiều giới phê bình, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có tác giả Phạm
Xuân Thạch. Trong một bài viết Nỗi buồn chiến tranh - viết về chiến tranh thời hậu
chiến từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp, ông cũng đã khẳng định


17

đóng góp của tác giả Bảo Ninh khi “dịch chuyển toàn bộ phạm vi tồn tại của nhân
vật trung tâm từ đời sống xã hội vào đời sống tâm lý... tái hiện lại một thế giới tâm
lý đầy những dằn vặt, ẩn ức (trong đó có cả những ẩn ức tình dục - một yếu tố cho
đến thời điểm đó không phải quen thuộc đối với văn học Việt Nam), những hồi ức,
những ám ảnh” [53, tr.238]. Tác giả cho rằng, với cuốn Nỗi buồn chiến tranh, “lần
đầu tiên những ẩn ức và đời sống tình dục được người viết đưa vào tác phẩm và trở
thành một chiều kích không thể quy giản trong cuộc đời nhân vật chính” [53, tr.
240), “đưa vào chiều kích hiện thực chưa từng có trong tiểu thuyết của những nhà
văn thế hệ trước: yếu tố tình dục sáng tạo nên sắc thái anh hùng mới trong văn học
viết về chiến tranh” [53, tr. 250].
Viết về vấn đề tính dục, các nhà văn đã chuyển tải được nhiều vấn đề có ý
nghĩa nhân sinh. Đó là hiện thực sâu thẳm bên trong con người, những khao khát rất
Người, đồng thời đó còn là những hiện trạng đáng buồn của xã hội, của sự sa đọa về
lối sống. Tính dục được sử dụng như một phương tiện nghệ thuật của các nhà tiểu
thuyết giai đoạn này. Tác giả Võ Thị Thoa trong bài viết Vấn đề tính dục trong văn
học Việt Nam sau 1975, cũng đã có cái nhìn về những vấn đề nhạy cảm. “Chuyện
sex trong văn học ngày nay đã mở rộng biên độ và chiều kích so với văn học truyền
thống. Thường người ta đặt sex trong tương quan tình yêu đôi lứa, sự sa đọa về
nhân cách, những ẩn ức do chiến tranh, những lệch lạc giới tính. Nhưng không chỉ
có thế, trong xu hướng chuyển động chung, văn học còn như phương tiện để chuyển

tải những ẩn ức khác nhau của đời sống nhân sinh, mà rõ nhất là nó trở thành diễn
ngôn nữ quyền” [105]. Tác giả Lê Thị Hường trong bài viết Chiến tranh qua cảm
thức nữ giới cũng đã đề cập đến vấn đề bản năng giới trong các sáng tác của các nhà
văn nữ. “Linh cảm giới tính giúp họ thể hiện sâu sắc những ước vọng hạnh phúc lẫn
nỗi đau nhân tình. Nhiều tác phẩm nhìn chiến tranh qua số phận tình dục của nữ
giới, không phải bằng diễn ngôn đạo đức mà là bằng diễn ngôn phái tính và nữ
quyền. Tình dục trở thành một phần quyền sống, tự do bản thể. Sắc thái nữ quyền
đậm đặc với những nhân vật cồn cào khát vọng bản năng. Điều gây ấn tượng là các


18

nhà văn nữ đi sâu vào những khát khao phụ nữ không phải với cái nhìn của quan
tòa, mà là với góc độ tình yêu và sự nhân hậu, đồng cảm” [100].
Điểm qua tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 đến 2000
từ góc nhìn phân tâm học, có thể nhận thấy một điều, tuy chưa có một công trình
nghiên cứu nào mang tính quy mô, nhưng hầu như những bài viết cũng đã đề cập
được vấn đề trọng tâm của tiểu thuyết giai đoạn này. Đó là vấn đề vô thức, tâm linh,
vấn đề tính dục cũng như một số cách tân nghệ thuật phù hợp với giá trị tư tưởng.
Giới phê bình đã bắt đầu quan tâm đến sự ảnh hưởng của phân tâm học trong tiểu
thuyết Việt Nam giai đoạn này. Đây có thể là một tâm điểm thu hút nhiều cây bút
phê bình văn học muốn hướng đến, bởi đây là giai đoạn chuyển mình của tiểu
thuyết Việt Nam trong việc vận dụng học thuyết phương Tây.
1.2.2. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ
góc nhìn phân tâm học
Có thể nói, sang đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết Việt Nam được khoác lên mình
một sức sống mới khi được vận dụng các học thuyết phương Tây cũng như sự cách
tân trong tư tưởng và nghệ thuật. Vấn đề về vô thức, tính dục... chỉ mới manh nha ở
giai đoạn trước thì sang thập niên đầu thế kỷ, đã được các nhà tiểu thuyết phát huy
như một thế mạnh của mình. Cùng với ý thức sáng tạo nghệ thuật, sự quan tâm đến

thế giới vô thức cũng như những tác động của nó đến toàn bộ đời sống tâm sinh lý
người đã mang đến cho tiểu thuyết giai đoạn này một tiếng nói riêng với hàng loạt
cây bút sung sức như Hồ Anh Thái, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Bình Phương, Dạ
Ngân... Giới phê bình lại một lần nữa có dịp nghiên cứu về các hiện tượng văn học
với tất cả say mê và một tinh thần khoa học thực sự khi tìm kiếm nét mới, sự không
trùng lặp của tác phẩm tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI.
Trước hết, phải nhắc đến tác giả Trần Thanh Hà với chuyên luận Học thuyết
Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam. Trong chuyên luận, tác giả
vận dụng hai vấn đề chính trong học thuyết Freud là tính dục và vô thức để cảm
nhận các tác phẩm trong dòng văn học Việt Nam, đặc biệt là các tiểu thuyết đương
đại của Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh. Từ đó, Trần Thanh Hà khẳng định “Tìm hiểu


19

biểu hiện học thuyết Freud trong văn học, chúng ta không chỉ thấy ảnh hưởng của
học thuyết này mà còn thấy được sự sáng tạo của nhà văn trong quá trình sáng tác.
Bởi lẽ, qua những tác phẩm văn chương ta thấy được người nghệ sĩ không chỉ nói
đến những vấn đề bản năng mà còn gửi gắm nhiều vấn đề mang tính xã hội và có ý
nghĩa nhân bản sâu sắc” [36, tr.346]. Chuyên luận đã phần nào cho thấy được cả
một hành trình dài của văn học Việt Nam trong sự vận dụng học thuyết Freud, và
đặc biệt là tiểu thuyết giai đoạn sau năm 2000.
Thuyết tính dục được xem là cái lõi của phân tâm học nên khi soi chiều tác
phẩm, các bài viết đều xoay quanh vấn đề này như một hệ quy chiếu. Bởi, nói đến
khao khát tính dục tức là nói về vấn đề rất con người, rất nhân bản. Những gì thuộc
về con người thực sự đều rất đáng trân trọng. Cuộc sống cần ý thức, nhưng đôi khi
vô thức, tâm linh lại là điều không thể thiếu. Con người không thể tồn tại đúng
nghĩa nếu cứ gò bó mình trong khuôn khổ chật hẹp của đời sống. Tiểu thuyết Việt
Nam sau năm 2000 đã thu hút được độc giả khi tái hiện tất cả phần người ẩn giấu
một thời bị kiềm kẹp, không dám bộc lộ. Con người trong tác phẩm tha hồ tung

hoành phần người, phần con như một bản thể tự nhiên hoang sơ giữa cuộc đời. Điều
khiến phân tâm học lại gần với văn học, với đời sống vì nó chạm vào vùng đất cấm
từ trong tiềm thức con người. Vấn đề vô thức, tâm linh, tính dục trở thành yếu tố
không thể không nói đến khi nhắc đến tiểu thuyết giai đoạn này. Trong bài viết Yếu
tố vô thức trong tác phẩm Nguyễn Bình Phương, Hoàng Thị Huế đã cho rằng: “Tác
phẩm Nguyễn Bình Phương không thể không nói là có sự ảnh hưởng thuyết phân
tâm học của S. Freud. Khơi sâu phần vô thức chìm khuất trong mỗi con người, nhân
vật của Nguyễn Bình Phương có thể chưa thực sự gần gũi với bạn đọc nhưng sức
ám ảnh của nó cũng chính là sức hấp dẫn, giá trị của tiểu thuyết” [98]. Nguyễn
Thành khi nghiên cứu về Khuynh hướng lạ hóa trong tiểu thuyết Việt Nam đương
đại - một số bình diện tiêu biểu cũng đã nhận thấy, “Thoạt kỳ thủy ám ảnh người
đọc về hình ảnh con người bản năng, vô thức. Thế giới nhân vật trong Thoạt kỳ
thủy ít nhiều đều bị bản năng, vô thức chi phối” [102]. Hay trong Những yếu tố hậu
hiện đại trong văn xuôi Việt Nam qua so sánh với văn xuôi Nga của tác giả - dịch


×