VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN VĂN ĐỊNH
QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP ĐỐI VỚI TRẺ EM CÓ
HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TỪ THỰC TIỄN
TRUNG TÂM BẢO TRỢ VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI
TỈNH NINH BÌNH
Chuyên ngành: Công tác xã hội
Mã số : 60.90.01.01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. BÙI THỊ MAI ĐÔNG
HÀ NỘI, 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu ghi
trong luận văn là trung thực. Những kết luận khoa học của luận văn chưa từng được
công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
NGUYỄN VĂN ĐỊNH
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................................ 1
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TRẺ EM ............................................ 8
CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP
TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN............................................. 8
1.1. Tổng quan về trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn(CHCĐBKK) ....... 8
1.2. Những vấn đề lý luận về quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt .......... 20
1.3. Một số lý thuyết áp dụng trong QLTH trẻ em CHCĐBKK ................................... 37
1.4. Luật pháp, chính sách về trẻ em và các mô hình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn ................................................................................................................. 43
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động Quản lý trường hợp đối với trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt. khó khăn ........................................................................................ 45
Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP ĐỐI VỚI TRẺ EM
CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN CỦA TRUNG TÂM BẢO TRỢ
VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH NINH BÌNH ......................................................... 48
2.1. Khái quát về Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Ninh Bình, tình hình trẻ em
CHCĐBKK tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình ........................ 48
2.2. Quản lý trường hợp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ thực tiễn
Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh Bình ................................................. 52
Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ
QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ
KHĂN TẠI TRUNG TÂM BẢO TRỢ VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH NINH
BÌNH ............................................................................................................................. 62
3.1. Yêu cầu của quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại
Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình .................................................. 62
3.2. Các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trường hợp trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình ...... 63
KẾT LUẬN .................................................................................................................. 68
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................................... 70
PHỤ LỤC ........................................................................................................... 73
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là hạnh phúc của mỗi gia đình, là
lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phát triển của
đất nước, trẻ em ngày càng được Đảng, Nhà nước, xã hội và gia đình quan tâm,
chăm sóc tốt hơn, được tạo mọi điều kiện để phát triển và phát huy vai trò chủ nhân
của mình trong tương lai.
Cùng với những thành tựu về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, các
chính sách và chương trình liên quan đến bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em bước đầu
đã mang lại kết quả đáng khích lệ; các chỉ tiêu liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe
trẻ em; giáo dục trẻ em; bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vui chơi giải
trí của trẻ em; nước sạch vệ sinh môi trường đã được cải thiện đáng kể sau hơn 20
năm đổi mới .
Tuy nhiên, từ thực trạng kinh tế - xã hội của một nước nghèo, chậm phát triển,
phải gánh chịu những hậu quả nặng nề sau chiến tranh, dưới tác động tiêu cực của
nền kinh tế thị trường và tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xu thế mở cửa,
hội nhập quốc tế; sự chuyển dịch, biến đổi về văn hoá, xã hội từ cái cũ sang cái
mới... Các hiện tượng xã hội như nghèo đói, phân hoá giàu nghèo với khoảng cách,
sự chênh lệch ngày càng lớn về mức sống, thu nhập giữa những bộ phận dân cư
trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường làm nảy sinh nhiều vấn đề xã
hội đối với trẻ em, khiến trẻ em trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó,
các trào lưu xã hội như di cư, sự băng hoại các giá trị đạo đức, sự thay đổi thang giá
trị xã hội, tình trạng ly hôn ngày càng cao, nạn bạo hành và phân biệt đối xử về giới,
tình trạng bất cập, thiếu hụt hoặc lệch lạc trong giáo dục gia đình... đã làm xuất hiện
trong xã hội nhiều nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đó là những trẻ em mồ côi
không nơi nương tựa, trẻ em lang thang đường phố, trẻ em bị bạo hành, trẻ em bị
nhiễm HIV/AIDS, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em vi phạm pháp luật...
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và UNICEF, ước tính
trong năm 2014 cả nước có hơn 26 triệu trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 28,7% dân số),
trong đó có gần 1.468.000 em có “hoàn cảnh đặc biệt,”. Con số này bao gồm:
1
170.187 em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; 1.223.156 em khuyết tật;
18.349 em là nạn nhân chất độc hoá học; 5.301 em nhiễm HIV/AIDS; 1.081 em lao
động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm; 7.308 trẻ em lang thang; 1.544 em bị
xâm hại tình dục; 1.105 em nghiện ma tuý; 6.464 em vi phạm pháp luật; 13.341 em
làm việc xa gia đình và trên 2.175.000 em thuộc các nhóm khác như trẻ em bị mua
bán, bắt cóc; trẻ em bị ngược đãi, bạo lực; trẻ em trong các gia đình nghèo; trẻ em
bị tai nạn thương tích (nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Trong những năm qua, kể từ khi Đề án Số: 32/2010/QĐ-TTg về phát triển
nghề công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 được triển khai thực hiện,
Công tác xã hội nói chung, công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn nói riêng, đã có những khởi sắc mới, càng ngày càng được nâng cao tính
chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, công tác xã hội với trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng cũng như trong các cơ sở bảo trợ xã hội, các trung
tâm cung cấp dịch vụ xã hội còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong
đó có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan: Công tác xã hội là một
nghề còn non trẻ ở Việt Nam; Khung pháp lý cho nghề Công tác xã hội nói chung,
cho Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng, còn thiếu
và chưa đồng bộ;. Các hoạt động tại các trung tâm chủ yếu là chăm sóc nuôi dưỡng,
chưa chú trọng các hoạt động của Công tác xã hội; Đội ngũ nhân viên Công tác xã
hội được đào tạo chính qui về nghề Công tác xã hội trong các cơ sở bảo trợ xã hội
còn ít nên tính chuyên nghiệp trong các họat động chưa cao; Việc quản lý đối
tượng, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn lúng túng, chưa có sự
thống nhất chung, vai trò của nhân viên Công tác xã hội còn mờ nhạt...vì vậy, mặc
dù trẻ em được chăm sóc đầy đủ về thể chất nhưng đời sống tinh thần ít được cải
thiện...
Xuất phát từ những lý do trên, em nhận thấy việc thực hiện nghiên cứu:
“Quản lý trường hợp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ thực tiễn
Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình” làm đề tài luận văn tốt
nghiệp với mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả Công tác xã hội với trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
2
2. Tình hình nghiên cứu về đề tài
Bác sĩ Nguyễn Trọng An (chủ biên) trong tập bài cuốn: “Công tác bảo vệ,
chăm sóc trẻ em trong thời kỳ mới”, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2012 đã
khái quát Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong thời kỳ mới; tình hình thực hiện
Công ước quốc tế về Quyền trẻ em ở Việt Nam; thực trạng các vấn đề: Bao lực và
lạm dụng trẻ em; tai nạn thương tích trẻ em; suy dinh dưỡng ở trẻ em; trẻ em bị
nhiễm HIV; trẻ em bị rối nhiễu tâm trí…và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn,
xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị rỗi nhiễu tâm trí, trẻ em
tự kỷ, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS.
Th.s. Nguyễn Thị Hằng Phương “Thực trạng các vấn đề khó khăn và nhu cầu
hỗ trợ tâm lý của trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội”. Tác giả đưa ra khó khăn
vật chất học tập, tinh thần của trẻ em trong các trung tâm bảo trợ xã hội. Đề tài đã
chỉ ra khó khăn của trẻ em trong trung tâm bảo trợ và cần sự hỗ trợ các nguồn lực
bên ngoài. Bên cạnh đó đề tài cho thấy nhu cầu tâm lý từng đối tượng trong trung
tâm.
Trong “Đánh giá pháp luật và chính sách bảo vệ trẻ em, đặc biệt trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam” năm 2010, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội
đã tập trung đánh giá khung luật pháp, chính sách về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,
so sánh với các chuẩn mực quốc tế, tìm ra thiếu hụt và hạn chế pháp luật Việt Nam
đảm bảo từng bước hài hòa với pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Đánh giá cũng chỉ
ra những vấn đề cần khắc phục, xây dựng khung pháp lý về công tác đánh giá một
cách có hệ thống và chuyên nghiệp đối với trẻ mồ côi. Quyết định mô hình nào là
chăm sóc phù hợp với lợi ích tốt nhất cho các em, đảm bảo các em được nhận nuôi
trong một gia đình thay thế phù hợp nhất lợi ích của các em.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu:
3.1. Mục đích nghiên cứu:
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và
Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời tiến hành
khảo sát thực trạng các hoạt động Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn từ thực tiễn Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh Bình; đề tài
3
phân tích, đánh giá những kết quả đạt được và làm rõ nguyên nhân của những tồn
tại, hạn chế trong Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn , từ đó
đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả Quản lý trường hợp trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh
Bình nói riêng, nâng cao hiệu quả công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn nói chung.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau để phân tích, làm
rõ cơ sở lý luận của Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại
Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình.
- Tìm hiểu, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế và nguyên
nhân những hạn chế của hoạt động Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn từ thực tiễn Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình
- Đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động Quản lý
trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nâng cao tính chuyên nghiệp của
công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ và
công tác xã hội tỉnh Ninh Bình.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
4.1. Đối tượng nghiên cứu:
Quản lý trường hợp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung
tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Ninh Bình
4.2. Khách thể nghiên cứu:
- Nghiên cứu 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sống tại Trung
tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Ninh Bình
- Cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội
Ninh Bình
- Một số người thân (họ hàng, bạn bè…) của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn.
4
4.3. Phạm vi nghiên cứu:
- Phạm vi thời gian: Các số liệu, dữ liệu khảo sát được sử dụng trong luận văn
là những dữ liệu, số liệu từ năm 2010 đến nay.
- Phạm vi không gian: Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình.
- Giới hạn nội dung nghiên cứu: Tập trung nghiên cứu các hoạt động Quản lý
trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Qui trình Quản lý trường hợp và
các hoạt động trong qui trình; Việc Lập hồ sơ lưu trữ; Việc điều phối các dịch vụ
công tác xã hội ; Vai trò và các kỹ năng của cán bộ Quản lý trường hợp và nhân viên
công tác xã hội của Trung tâm.
- Giới hạn về khách thể nghiên cứu: Chỉ nghiên cứu 40 trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt khó khăn được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã
hội Ninh Bình (Không nghiên cứu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang
được chăm sóc tại cộng đồng).
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu:
5.1. Phương pháp luận:
Nghiên cứu trên cơ sở duy vật biện chứng: Từ những đánh giá thực trạng về
trẻ em, khó khăn và nhu cầu của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên cơ cở
thực tiễn để đúc kết rút thành lý luận và những đề xuất thực tiễn, chính sách pháp
luật.
Nghiên cứu vấn đề trong hệ thống: hệ thống những lý thuyết có liên quan, hệ
thống các yếu tố có liên quan, dịch vụ trợ giúp, hệ thống chính sách.
5.2. Các phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp nghiên cứu lý luận:
Thu thập thông tin từ các nguồn như các văn bản, báo cáo, các tạp chí, sách
tham khảo, các văn bản pháp luật để tìm hiểu các số liệu liên quan đến quy mô, cơ
cấu, các hoạt động cung cấp dịch vụ, thực trạng công tác xã hội với trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn
- Phương pháp phỏng vấn sâu:
5
+ Phỏng vấn sâu cán bộ của trung tâm: Nhằm làm rõ vai trò, công việc của cán bộ
tại Trung tâm. Tìm hiểu thuận lợi và khó khăn trong Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm.
+ Phỏng vấn sâu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Tìm hiểu những khó
khăn và nguyện vọng của các em.
+ Phỏng vấn sâu các thành viên trong gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn nhằm xác định vai trò của gia đình, mối liên hệ giữa gia đình trẻ em và trung tâm
trong Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Phương pháp quan sát:
+ Quan sát điều kiện sinh hoạt của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cơ sở
vật chất, trang thiết bị phục vụ việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn tại Trung tâm.
+ Quan sát các hoạt động của nhân viên trong các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng,
trị liệu….trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
+ Quan sát hoạt động hằng ngày của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để
tìm hiểu thái độ của các em đối với người chăm sóc, nuôi dưỡng, nhân viên công tác xã
hội.
- Phương pháp xử lý số liệu:
Thống kê, khai thác có hiệu quả những số liệu, rút ra những nhận xét kết luận khoa
học khách quan đối với vấn đề nghiên cứu.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Nghiên cứu Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ thực
tiễn Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình vừa có ý nghĩa về mặt lý
luận, vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn.
6.1. Ý nghĩa lý luận
Những kết quả nghiên cứu lý luận góp phần làm sáng tỏ và phong phú hơn các
lý thuyết về Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tính hợp lý
của các lý thuyết công tác xã hội được sử dụng trong quá trình Quản lý trường hợp
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
6
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Đề tài giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ, đúng đắn hơn về Quản lý trường hợp
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ thực tiễn Trung tâm Bảo trợ và công tác
xã hội. Kết quả nghiên cứu có thể làm tài liệu tham khảo hữu ích tại các cơ sở đào
tạo ngành, nghề công tác xã hội nói chung và công tác xã hội đối với trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng; kết quả nghiên cứu thực tiễn là cơ sở để lãnh đạo,
cán bộ trung tâm tham khảo trong việc thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn
Các giải pháp và khuyến nghị mà đề tài đưa ra góp phần phát triển dịch vụ
công tác xã hội tại tỉnh Ninh Bình. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được dùng
làm tài liệu tham khảo cho giảng viên, học viên và sinh viên ngành công tác xã hội.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài lời nói đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn
được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và
Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chương 2: Thực trạng Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình.
Chương 3: Giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả Quản lý trường hợp trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh
Bình.
7
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TRẺ EM
CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP
TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
1.1. Tổng quan về trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
1.1.1. Khái niệm trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
- Trẻ em:
Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em quy định: "Trẻ em có nghĩa là người
dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em đó quy định tuổi
thành niên sớm hơn" (Điều 1).
Pháp luật liên bang của Hoa kỳ qui định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”
Quy định về độ tuổi trẻ em của các quốc gia hiện nay chưa thống nhất, đa số
các quốc gia quy định dưới 18 tuổi, một số quốc gia quy định dưới 16 tuổi, dưới 17
tuổi, có quốc gia quy định dưới 21 tuổi, phụ thuộc vào sự phát triển thể chất, tâm sinh
lý của trẻ em và sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Tuy độ tuổi được coi
là trẻ em ở mỗi quốc gia khác nhau nhưng khái niệm trẻ em ở tất cả các quốc gia
đều có các đặc điểm: Thể chất và trí tuệ chưa phát triển hoàn thiện, cần có sự bảo
vệ, chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.
Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định: “Trẻ
em qui định trong luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi” (Điều 1)
- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:
Khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định:
“Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh không bình thường về thể
chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với
gia đình, cộng đồng.”. Điều 40 của Luật qui định 10 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn cụ thể bao gồm: “trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ
rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm
HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại;
8
trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ
em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật.”
Cụ thể như sau:
- Trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi: Là trẻ em dưới 16 tuổi
mà cha mẹ đã qua đời hoặc bị cha mẹ bỏ rơi và không có họ hàng hay người nào có
thể nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đã bị mất tích hay không có khả năng nuôi dưỡng.
- Trẻ em khuyết tật: Là những trẻ em bị khiếm khuyết một hoặc một số bộ
phận trên cơ thể hoặc bị suy yếu hoặc mất đi một số chức năng của cơ thể.
- Trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học: Là những trẻ em là con, cháu
của các gia đình có người bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, gây ra
những tổn hại nặng nề về sức khỏe và tinh thần.
- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS: Là trẻ có HIV/AIDS trong cơ thể, được xét
nghiệm có HIV dương tính (H+).
- Trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại: Là
những trẻ em chưa đến tuổi lao động theo pháp luật quy định nhưng đã phải làm
việc mưu sinh cho bản thân và gia đình, trong điều kiện lao động độc hại, nguy
hiểm, công việc quá sức so với độ tuổi phát triển của các em, gây những tổn thương
cả về thể chất và tinh thần.
Với trẻ em phải lao động trong môi trường nguy hiểm độc hại, Bộ Lao độngThương binh và Xã hội đã đưa ra danh mục các công việc được cho là hình thức lao
động tồi tệ nhất như sau: mại dâm trẻ em, lao động trong hầm mỏ, trẻ em làm việc ở
những địa điểm tư nhân khai thác bán vật liệu xây dựng, bới rác. Các khu vực đánh
giá là có nguy cơ nguy hiểm độc hại là lang thang kiếm sống trên đường phố, lao
động trong các làng nghề truyền thống, trẻ em làm nghề hàn kim loại.
- Trẻ em phải làm việc xa gia đình: Là những trẻ em chưa đến tuổi lao động
theo pháp luật quy định nhưng đã phải làm việc mưu sinh cho bản thân và gia đình,
không có người thân bảo hộ nên có nguy cơ bị ngược đãi, xâm hại, bóc lột sức lao
động.
- Trẻ em lang thang: Là những trẻ em thiếu sự chăm sóc của gia đình và phải
tự kiếm sống bằng nhiều hoạt động khác nhau diễn ra hàng ngày trên đường phố.
9
Cụm từ “trẻ em lang thang” được hiểu với nhiều cách khác nhau như là: “trẻ bụi
đời”, “trẻ cơ nhỡ”, “trẻ đường phố” v.v…
- Trẻ em bị xâm hại tình dục: Là những trẻ em bị thuyết phục hay bị cưỡng
ép tham gia vào các hoạt động tình dục bao gồm những hành vi tiếp xúc như động
chạm, giao cấu, cũng như những hành vi không tiếp xúc như quan sát hoạt động
tình dục, ghi băng những hình ảnh khiêu dâm, bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích
thương mại.
- Trẻ em nghiện ma túy: Là những trẻ em sử dụng lặp đi lặp lại một hay
nhiều chất ma túy dẫn đến trạng thái nhiễm độc chu kì hay mãn tính, bị lệ thuộc về
thể chất và tinh thần. Khi nghiện ma túy nếu ngừng sử dụng sẽ bị hội chứng cai
nghiện ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần trong một thời gian nhất định tùy thuộc
vào mức độ nghiện.
- Trẻ em vi phạm pháp luật: Là những trẻ em có hành vi làm trái với chuẩn
mực đạo đức của xã hội. Những hành vi này có tác động có hại cho xã hội và con
người. Những hành vi đó của trẻ em không chỉ có tác hại cho xã hội mà còn có tác
hại mạnh mẽ đối với chính bản thân các em. Nhưng với độ tuổi còn ít, các em chưa ý
thức hết được hậu quả của mình làm cho các em ngày càng sa lầy vào các tệ nạn xã
hội.
Như vậy, có thể hiểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó là những trẻ em có
hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để
thực hiện các quyền cơ bản của mình, khó hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
1.1.2. Đặc điểm của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
1.1.2.1. Hoàn cảnh sống:
Về phía gia đình, từ trước tới nay, gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, là yếu
tố quyết định đối với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trẻ em là thành phần
quan trọng cấu thành gia đình. Quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng chính là
hai trong ba mối quan hệ cơ bản tạo nên gia đình. Cha mẹ và các thành viên trong
gia đình là những người gần gũi mật thiết thường xuyên ở bên cạnh trẻ em, việc
chăm sóc không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tình yêu thương con trẻ. Trong
gia đình, việc bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được thực hiện một cách khoa
10
học với những kiến thức, kỹ năng phù hợp. Chăm sóc phải gắn liền với bảo vệ. Phải
xác định gia đình chính là nơi an toàn nhất cho trẻ em. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề
giáo dục trẻ em trong gia đình đã nảy sinh những thách thức không nhỏ, đó
là trẻ em nghiện vi tính, mạng xã hội với những nội dung ít nhiều độc hại, phản giáo
dục, phi văn hoá, bạo lực gia đình gia tăng, bình đẳng giới dưới mức an toàn... Đặc
biệt, cùng với việc di dân tự do hiện nay, sự xuất hiện nhiều mô hình gia đình mới
như gia đình bố (mẹ) đơn thân, gia đình đồng tính, gia đình cấu tạo lại, gia đình
thỏa thuận chung sống… Điều này gây khó khăn cho việc giáo dục nhân cách con
trẻ bởi sự thiếu hoàn thiện, sự bấp bênh và sự phi tự nhiên của nó không thể mang
lại một môi trường giáo dục đầy đủ, bình thường cho con cái.
Về phía xã hội, các yếu tố kinh tế như nghèo đói, chênh lệch về thu nhập và
sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường cũng làm cho các em trở nên dễ bị tổn
thương hơn. Các trào lưu xã hội như di cư, các giá trị gia đình đang bị băng hoại và
tình trạng phân biệt đối xử về giới cũng ảnh hưởng xấu tới trẻ em. Các vấn đề bất
cập mang tính hệ thống như thiếu một khung pháp lý toàn diện, việc thực thi pháp
luật còn yếu và nhận thức về vấn đề bảo vệ trẻ em còn hạn chế cũng đe dọa ảnh
hưởng tới trẻ em. Số trường hợp nhiễm HIV đang gia tăng cũng khiến cho trẻ em
phải đối mặt với nguy cơ cao hơn.
1.2.2.1. Đặc điểm thể chất:
Đa phần trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi đều trong tình trạng sức khỏe không
tốt như suy dinh dưỡng, khuyết tật hoặc bị nhiễm HIV/AIDS. Các em có thể bị
thiếu ăn, suy nhược, đó là hệ quả tất yếu của cảnh nghèo khó hoặc của việc lơ là
không biết tự chăm sóc bản thân.
Nhóm trẻ em lao động nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại,
nhóm trẻ em lang thang thường có sức khỏe phát triển không bình thường, hay ốm
đau mệt mỏi, thân thể thường có những vết thương, vết sẹo, vết bầm tím. Ở nông
thôn, trong quá trình làm việc các em có thể gặp nhiều tai nạn khác nhau, một số em
phải tiếp xúc với chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ gây ảnh hưởng sức
khỏe lâu dài. Ở thành phố, một sô em nhặt phế liệu, phế thải xung quanh các bãi
rác, rất mất vệ sinh. Một số em khác lao động trong các cơ sở sản xuất, xây dựng,
11
dịch vụ trong chợ, bến xe như: đi làm phụ nề, đóng gạch, bưng bê thức ăn, rửa bát
đĩa... tuy đây là hình thức lao động giản đơn nhưng nguy hiểm là không có ai bảo vệ
các em, nên thời gian lao động và nghỉ ngơi có thể rất tùy tiện. Trẻ lang thang trên
đường phố thích tự do, sống lang thang trên đường phố phần lớn với mục đích là để
kiếm sống, đảm bảo cho sự no đủ của dạ dày
Nhóm trẻ em bị xâm hại tình dục có những đặc điểm thể chất điển hình tùy
theo lứa tuổi của trẻ. Những trẻ dưới 5 tuổi thường gặp khó khăn khi vận động như
đi lại, ngồi. Những trẻ từ 6 đến 9 tuổi thì đi lại, chạy nhảy không bình thường, quần
áo lót của trẻ bị rách, bị bẩn một cách bất thường, bị ngứa ngáy khó chịu hoặc có
vết máu ở cơ quan sinh dục, âm đạo, hậu môn; Những trẻ từ 10 tuổi trở lên thì ngoài
những đặc điểm thể chất giống với các trẻ nhỏ tuổi hơn ở các em còn có đặc điểm
như có tiền và đồ vật lạ nhưng không rõ nguồn gốc, ăn mặc khác thường, có triệu
chứng xanh gầy, đau vùng cơ quan sinh dục, bị viêm nhiễm, mắc các bệnh lây qua
đường tình dục hoặc mang thai…
1.2.2.2. Đặc điểm tâm lý:
Trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng đang
phải chịu những tác động mạnh mẽ bởi rất nhiều yếu tố tiêu cực của môi trường
xung quanh. Sự phát triển của xã hội, sự tương tác giữa các cá nhân và các nhóm
khác nhau. Trong quá trình phát triển của xã hội nhận thức và hành vi bị chi phối và
chịu sự tác động của môi trường xã hội từ đó trẻ em có những nhận thức lệch chuẩn
về bản thân, hoặc hệ thống giáo dục gây sức ép quá lớn gây sức ép khiến trẻ em bị
khủng hoảng về tâm lý. ảnh hưởng tiêu cực của hoàn cảnh dễ xa vào các tệ nạn xã
hội như ma túy, mại dâm, bỏ nhà đi lang thang. Hệ quả của các vấn đề xã hội này
ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ lâu dài, có thể là suốt cuộc đời.
Ngoài những đặc điểm tâm lý nêu trên thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn còn có những đặc điểm tâm lý riêng mang tính đặc thù cụ thể như:
Trầm cảm: Trầm cảm được biểu lộ bằng trạng thái suy kém rõ ràng với sự
mất quan tâm hoặc vui thú trong các hoạt động bình thường Sự trầm cảm cũng có
thể là kết quả của những ý nghĩa tiêu cực, bao gồm cái nhìn tiêu cực về bản thân,
những diễn dịch tiêu cực về các kinh nghiệm riêng và những quan điểm tiêu cực về
12
tương lai. Các em gái thường biểu lộ sự trầm cảm theo cách hướng nội, băn khoăn
hoặc trở nên lo lắng. Trẻ em trải qua rối loạn lo lắng có thể cho thấy các triệu chứng
nôn nóng, bất an, phiền muộn, mất ngủ, kém tập trung, trạng thái kích động, trí tuệ
yếu, choáng váng, mệt mỏi.
Hoài nghi, thiếu tin tưởng: vì phải sống trong hoàn cảnh khó khăn vì thế trẻ
thường có đủ lý do để ngờ vực. Trẻ cảm thấy những người xung quanh mình có vẻ
xa cách và dường như không hiểu được những khó khăn của mình. Trẻ mất niềm
tin, luôn cho rằng người khác là xấu xa và có ác ý với mình. Vì vậy có lúc điều tích
cực xảy ra nhưng đều bị trẻ làm ngơ hoặc phủ nhận.
Khó diễn tả cảm xúc bằng lời: Có thể do bị choáng ngộp bởi chính tâm trạng
của mình và muốn đè nén những tâm trạng đó hoặc trẻ chưa bao giờ được khuyến
khích để tự nói về mình và không có đủ lời để diễn tả tâm trạng.
Một số tâm trạng thường gặp khác ở trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
là: Tâm lý bất cần đời, liều lĩnh và manh động; tính cách của trẻ em vi phạm pháp
luật thường phát triển theo khuynh hướng thích chứng tỏ đã là người lớn và mong
muốn người xung quanh thừa nhận. Do vậy, các em thường gặp sai lầm trong khi
muốn xử lý gấp mọi vấn đề khó khăn gặp phải, nhằm chứng tỏ sự trưởng thành của
mình. Nhiều trường hợp trẻ đã tỏ ra khó chịu, tự ái, thậm chí trở nên hung dữ khi bị
coi là con nít, mặc cảm và khi bị xúc phạm, dễ có tâm lý tiêu cực, mà hệ quả thông
thường là phản ứng bằng những hành vi sai trái hoặc hành vi vi phạm pháp luật.
Những trẻ này thường thiếu tự chủ, luôn hướng tới sự ham thích mới lạ, hiếu động,
bồng bột và dễ sa ngã. Thậm chí, có những em sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để bắn
trả lực lượng làm nhiệm vụ khi bị truy đuổi.
- Về học tập:
Do những đặc điểm về hoàn cảnh sống, về tâm sinh lí quy định, hầu hết trẻ
em có hoàn cảnh đặc biệt thường khó khăn trong tiếp cận cơ hội học tập. Đa số các
em có trình độ học vấn thấp ở bậc tiểu học và phổ thông cơ sở, số em có trình độ
học vấn ở trình độ phổ thông trung học rất thấp. Sự khiếm khuyết về giáo dục dễ
dẫn các em đến những méo mó về nhân cách trong quá trình phát triển gây ra những
13
trở ngại, thiệt thòi cho các em khi tiếp cận nghề nghiệp, công ăn việc làm, thu
nhập....
Tuy nhiên, cũng có một số trẻ em như trẻ mồ côi, do ý thức được hoàn cảnh
của mình nên các em “biết thân, biết phận” vì thế nỗ lực không ngừng. Các em rất
cố gắng, chịu khó trong học tập, rèn luyện để tự vươn lên, thậm chí chấp nhận hy
sinh những thú vui đồng lứa để dành thời gian ưu tiên cho học tập. Vì thế, kết quả
học tập của các em này thường vượt trội so với các bạn cùng trang lứa.
- Kỹ năng sống
Đối với những trẻ em được sinh ra trong những gia đình đầy đủ cha mẹ, được
quan tâm chăm sóc, yêu thương, được tạo cơ hội học tập thì kỹ năng sống vẫn còn
là một vấn đề. Tình trạng thiếu và yếu kỹ năng sống đối với các thành viên trong xã
hội Việt Nam nói chung với trẻ em nói riêng vẫn là phổ biến. Bởi một thực tế, các
trường học hiện nay vẫn chú trọng dạy chữ nhiều hơn dạy người. Mặc dù thời gian
gần đây, kỹ năng sống đã được quan tâm nhiều hơn, đó là với những đứa trẻ có điều
kiện và hoàn cảnh thuận lợi thì việc tiếp cận với kỹ năng sống đã hạn chế. Vậy với
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, việc đi học còn gặp khó khăn, vì thế trang bị kỹ năng
sống lại càng khó khăn hơn. Thiếu đi kỹ năng sống, trẻ gặp nhiều khó khăn trong
tiếp cận với môi trường xung quanh, hòa nhập với xã hội cũng như khẳng định
chính mình. Nhiều em phải đối mặt với công việc kiếm sống hàng ngày, thiếu sự
quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, vì vậy các em thiếu các hiểu
biết cần thiết. Nhiều em không biết mình được hưởng những quyền gì và càng
không thể biết làm thế nào để bảo vệ được những quyền mà đáng lẽ các em được
hưởng. Trong quá trình kiếm sống, các em có thể bị dọa nạt, bị trộm cắp, bị lợi
dụng nhưng các em cũng đành chấp nhận.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh đưa đẩy, các em lại có những trải nghiệm cuộc sống
nhiều hơn các bạn cùng trang lứa. Nên ở mức độ nhất định, những em này cũng tích
lũy được một số kinh nghiệm và kỹ năng sống để tránh được tác động của tệ nạn xã
hội ở mức độ nhất định. Những kỹ năng này thể hiện sự nhanh nhạy của các em
trong ứng phó với những tình huống nhất định, nhưng nó không định hướng cho sự
phát triển bền vững của các em. Mặt khác, sự tác động của mặt trái xã hội thì hết
14
sức đa dạng và tinh vi, trong khi nhận thức của các em, kỹ năng của các em thì hạn
chế nên các em chưa thể phân tích, phán đoán và có cách phòng tránh tệ nạn xã hội
cho bản thân và bạn bè cùng cảnh.
1.1.3. Những khó khăn của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
1.1.3.1. Điều kiện sinh hoạt:
Sinh tồn là nhu cầu cơ bản nhất của mỗi con nguời, là nền tảng cho mọi hoạt
động của con nguời. Đặc biệt đối với trẻ em cần đủ dinh dưỡng để phát triển thể
chất, cần có những điều kiện sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nhưng trên thực tế
đa số trẻ em có cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn, trong đó con em của những gia
đình nghèo và cả những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những trẻ em mồ
côi, trẻ em bị bỏ rơi (trừ số ít các em được nuôi dưỡng trong các cơ sở xã hội), trẻ
em lang thang kiếm sống trên đường phố, trẻ em phải lao động kiếm sống…dường
như các em không được ở trong một ngôi nhà an toàn với đầy đủ tiện nghi mà các
em phải sống ở những nơi đầu đường, xó chợ, bến xe, gầm cầu, nay đây mai đó.
Một số khác cúng có nơi chốn đi về nhưng những ngôi nhà họ ở là những căn nhà
tạm bợ, dột nát, chật chội. Nhiều căn nhà không đủ đảm bảo an toàn, không bảo
đảm sức khoẻ cho con người, đó là những túp lều tạm bợ ở khu ổ chuột, quây tạm
hay nhà tranh, vách nứa, mái lá đơn sơ gió rét, mưa dột, không có điện thắp sang,
không có khả năng trang bị những vật dụng hiện đại như ti vi, tủ lanh, quạt điện, vệ
sinh môi trường không đảm bảo… Những điều kiện về nơi ở thiếu thốn, khó khăn
đã kéo theo hệ lụy như ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần nghèo
nàn, thiếu cơ hội để học tập trang bị những kiến thức, kỹ năng cho tương lai, nên
cuộc sống cứ như một cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra.
Điều kiện vệ sinh, nước sạch: Đây là vấn đề rất quan trọng trong cuộc sống.
Có nhiều nguồn nước khác nhau được con người sử dụng: nước giếng, nước mưa,
nước ao hồ, nước sông suối, nước máy… nhưng nguồn nước phổ biến nhất không
chỉ với người nông thôn mà cả với người thành thị đó là nguồn nước giếng. Nguồn
nước này có thể sạch hơn các nguồn nước từ ao hồ, sông suối nhưng thực tế trong
nước giếng có những chất gây hại cho con người khi vượt quá nồng độ cho phép.
Hiện nay, nước máy vẫn được xem là nguồn nước sạch, đủ tiêu chuẩn cho sức khỏe
15
con người và chương trình nước sạch quốc gia đang hướng đến đưa nước sạch đến
cho mọi người trên đất nước mà trước tiên là cho người dân thành thị. Tương tự,
nhà tiêu hợp vệ sinh đang là một vấn đề quan trọng rất được chú ý. Nhà vệ sinh là
nơi tiềm ẩn nhiều vi sinh vật gây bệnh nhất trong không gian sống. Nhà vệ sinh
không sạch là nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng và trẻ em là đối tượng dễ mắc
bệnh nhất. Nhà tiêu có nhiều loại, tự đào và tự hoại, trong đó chúng ta đang hướng
đến xóa bỏ nhà tiêu tự đào, xây dựng nhà tiêu tự hoại, đảm bảo vệ sinh của cá nhân
và môi trường xung quanh.
Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất của vấn đề vệ sinh nước sạch
này. Trẻ em không được sử dụng nguồn nước sạch, không được sử dụng nhà tiêu
hợp vệ sinh và không được giáo dục cách giữ vệ sinh bản thân trở thành nguyên
nhân cơ bản khiến trẻ dễ mắc các bệnh về tiêu chảy và đường hô hấp, đường ruột,
tả, lỵ, thương hàn, các bệnh nhiễm ký sinh trùng, giun sán. Với trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt khó khăn, từ sự khó khăn về nơi ăn, chốn ở dẫn đến điều kiện về vệ sinh,
nước sạch cũng không thể được đảm bảo.
1.1.3.2. Điều kiện chăm sóc sức khoẻ:
Tại khoản 1, Điều 24, Công ước quốc tế về quyền trẻ em: Các quốc gia thành
viên công nhận quyền của trẻ em được hưởng mức cao nhất có thể được hưởng về
sức khỏe. Các quốc gia thành viên phải cố gắng đảm bảo rằng không có trẻ em nào
bị tước đoạt quyền được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe như vậy. Đồng
thời, khoản 2 của Công ước đã đưa ra những mục tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em
và nâng cao hiểu biết của người chăm sóc trẻ.
Điều 15, Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em quy định: Trẻ em có quyền
được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Trẻ em dưới 6 tuổi được chăm sóc sức khỏe ban
đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.
Điều 27 của Luật này cũng quy định: Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm thực
hiện những quy định về kiểm tra sức khỏe, tiêm chủng, khám chữa bệnh cho trẻ em.
Nhưng trên thực tế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thiếu sự quan
tâm, chăm sóc của gia đình, người thân, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội
cũng không thể quan tâm tới tất cả các em trong nhóm trẻ này nên có nhiều trẻ vẫn
16
không tiếp cận được với các dịch vụ y tế mà đáng lẽ các em được hưởng (do không ý
thức được tầm quan trọng của nó hoặc do không biết) như: Dịch vụ chăm sóc sức
khoẻ ban đầu cho trẻ em như khám chữa bệnh, tiêm chủng vắc xin, uống vitamin
A…rất quan trọng. Những chương trình hỗ trợ của Nhà nước để trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt khó khăn được chăm sóc sức khỏe y tế các em cũng không được biết đến.
Ngoài những khó khăn về điều kiện chăm sóc sức khỏe thể chất, trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn có những khó khăn trong đời sống tinh thần. Mặc
dù việc chăm sóc sức khỏe tinh thần không quá tốn kém nhiều kinh phí, người chăm
sóc chỉ cần yêu thương, quan tâm đến trẻ bằng chính những hành động thiết thực
của mình như an ủi trẻ, trò chuyện với trẻ, thường xuyên hỏi thăm tình hình của trẻ,
vui chơi cùng trẻ, khuyến khích trẻ trong cuộc sống… Nhưng trên thực tế một số trẻ
không có được những mối quan tâm đơn giản như vậy do các em không có cha mẹ,
hoặc cha mẹ mất sớm, bỏ rơi con cái… một số trẻ khác thì vì sinh ra trong gia đình
khó khăn nên cha mẹ mải lo toan cho cuộc sống với miếng cơm manh áo nên đời
sống tinh thần của các em không được quan tâm đúng mức.
1.1.3.3. Điều kiện vui chơi giải trí:
Nhiều nghiên cứu của các khoa học chứng minh rằng, trẻ em phát triển và hình
thành thể chất, trí tuệ, nhân cách… một cách toàn diện một phần nhờ tham gia các
hoạt động vui chơi giải trí phù hợp. Vui chơi giải trí không chỉ giúp trẻ giải tỏa căng
thẳng trong học tập mà còn giúp trẻ học được nhiều điều trong cuộc sống như thích
ứng xã hội, phát triển trí tưởng tượng, học cách hợp tác với người khác… Trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là trẻ em và tất nhiên quyền vui chơi giải trí là cần thiết
và quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Vui chơi giải trí càng cần thiết để các em
hòa nhập với bạn bè, giúp trẻ giảm bớt những mất mát, thiệt thòi, tự ti mặc cảm về số
phận của mình.
Ngày nay các trung tâm vui chơi giải trí mọc lên ngày càng nhiều, hình thức
vui chơi ngày càng đa dạng phong phú. Có những khu vui chơi bình dân, có những
khu vui chơi cao cấp, và đa phần khi tham gia vui chơi thì phải trả tiền, chỉ có một
số ít khu vui chơi công cộng là không mất tiền. Vậy một câu hỏi đặt ra: Tại sao kinh
tế ngày càng phát triển thì xã hội ngày càng đi xuống. Tại sao trẻ em phải trả tiền để
17
được vui chơi. Chúng ta quá phát triển kinh tế trong khi chất lượng cuộc sống tinh
thần không được quan tâm đúng mức. Nếu không có những khu vui chơi cho trẻ em
nghèo, những trẻ có hoàn cảnh khó khăn thì những đứa trẻ này chỉ có thể đứng từ xa
mà “nhìn ngắm” trẻ khác chơi mà thôi.
Có thể nói, hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ không tiếp cận được các hình thức vui
chơi, giải trí phù hợp để thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của các em.
1.1.3.4. Điều kiện học tập:
Giáo dục đóng vai trò cực kì quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Giáo
dục giúp cho trẻ có cơ hội để phát hiện và phát triển khả năng, trí tuệ. Giáo dục định
hướng giá trị cho trẻ, giúp trẻ tiếp nhân các tri thức khoa học, cũng như các chuẩn
mực xã hội. Ngoài ra giáo dục cũng là môi trường mà ở đó trẻ có cơ hội giao tiếp,
hoà nhập hơn với cộng đồng xung quanh. Theo Luật phổ cập giáo dục Việt Nam
quy định: Các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước và xã hội
quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cần thiết để đạt được trình độ tiểu học. Tuy nhiên,
với tr trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì việc tiếp cận với cơ hội học tập gặp
nhiều hạn chế do nhiều lý do khác nhau:
Do điều kiện kinh tế khó khăn các em không thể đến trường hoặc phải bỏ học
giữa chừng: đó là những trẻ em sinh ra trong gia đình nghèo, phải lao động sớm,
những trẻ sống lang thang trên đường phố, những trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
Đa số các em có trình độ học vấn thấp, các em không có cơ hội học tập nên gặp
nhiều khó khăn trong cuộc sống, ít có cơ hội kiếm được việc làm tốt mà chủ yếu
làm những công việc giản đơn, lao động chân tay nặng nhọc nhưng lương thấp. Có
một số trẻ mồ côi thuộc đối tượng bảo trợ xã hội vẫn đang được đến trường. Tuy
nhiên, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn như thiếu thốn nhiều về quần áo, sách
vở và dụng cụ học tập, chưa kể đến trẻ không có không gian học tập tại nhà hay
chưa được chăm sóc đủ sức khỏe để học tập vì điều kiện kinh tế eo hẹp.
Một số trẻ em thì khó khăn do không tìm được động cơ trong học tập. Các
em không tìm thấy được niềm vui, hứng thú do những yếu tố gia đình chi phối như
bố mẹ li hôn, li thân, bạo lực gia đình; hoặc với những trẻ bị xâm hại tình dục các
18
em sẽ rất sợ khi phải đến trường sợ bạn bè biết về những việc “xấu xa” mà mình đã
trải qua. Mặt khác, do chương trình giáo dục của nhà trường hiện nay đang nặng về
lý thuyết với phương pháp dạy học chưa kích thích được tư duy, sáng tạo của các
em nên các em cảm thấy nhàm chán, trong khi đó những thú vui ngoài xã hội thì có
sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các em.
1.1.4. Nhu cầu của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:
Nhu cầu chung:
- Vật chất là nhu cầu đầu tiên, cơ bản và thiết yếu đối với mỗi con người.
Nhu cầu vật chất bao gồm: thức ăn, nước uống, chỗ ở, quần áo, được chăm sóc khi
đau ốm…đamr bảo cho sự phát triển về mặt thể chất của trẻ;
- Nhu cầu về mái ấm gia đình, là chỗ dữa về mặt thể chất và tinh thân của trẻ
. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Đối với trẻ em mô côi luôn khát khao một
mái ấm gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ và anh chị em ruột của mình;
- Nhu cầu được giải trí, vui chơi, học tập. Thông qua những hoạt động này để
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn được hòa đồng với xã hội để tự khẳng
định mình;
- Nhu cầu được tôn trọng, trẻ luôn đòi hỏi nhu cầu này từ bạn bè, và người
lớn để làm tăng sự tự tin và nghị lực của trẻ;
Mọi trẻ em đều có nhu cầu được cung cấp vật chất ở mức tối thiểu để có thể
tồn tại và ở mức độ phù hợp để phát triển tối đa những tiềm năng của mình. Nếu
những nhu cầu cơ bản không được đáp ứng, trẻ sẽ không thể tồn tại và phát triển
một cách bình thường. Các nhu cầu này biến đổi cùng với sự tăng trưởng của trẻ.
- Nhu cầu riêng:
Có thể nói, nhu cầu vật chất là nhu cầu đầu tiên của bất cứ đứa trẻ nào.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng như những trẻ khác, đều muốn được đảm bảo
các nhu cầu chính đáng của bản thân. Hiện nay, những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
phần lớn đều sống trong tình trạng thiếu thốn, khó khăn về kinh tế. Đa số các em
sống trong hoàn cảnh nghèo và rất nghèo, rất cần có sự quan tâm, đáp ứng kịp
thời về nhu cầu vật chất. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần có một môi
trường, một mái ấm và người chăm sóc tốt, có tình yêu thương để vượt qua
19
những khó khăn, mặc cảm của chính mình; trẻ cần có kỹ năng, kiến thức để tự
chăm sóc, bảo vệ, có đủ về vật chất, dinh dưỡng để phát triển bình thường như
những đứa trẻ khác, được học hành, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí và
các hoạt động xã hội khác để hòa nhập với cộng đồng. Trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn đến tuổi trưởng thành cần được định hướng nghề nghiệp, được hỗ
trợ học nghề và tạo việc làm để có cuộc sống tự lập. Người chăm sóc trẻ cần
được hỗ trọe để có kiến thức, kỹ năng nuôi dậy trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện
về mọi mặt.
1.2. Những vấn đề lý luận về quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt khó khăn.
1.2.1. Một số khái niệm
- Quản lý trường hợp
Quản lý trường hợp (tiếng Anh là Case Management) còn được gọi là quản
lý ca. Ở một số nước, quản lý trường hợp được sử dụng trong các lĩnh vực cung cấp
dịch vụ an sinh cho con người (quản lý trường hợp trong y tế nhằm chăm sóc sức
khỏe cho bệnh nhân; quản lý trường hợp với người nghiện ma túy, người nhiễm
HIV, v.v.) và cả trong lĩnh vực luật pháp (luật sư tư vấn luật cho các khách hàng).
Có nhiều định nghĩa khác nhau về quản lý trường hợp. Về cơ bản có thể hiểu quản
lý trường hợp như sau: Quản lý trường hợp hay còn được gọi là quản lý ca là một
công cụ tiếp cận hỗ trợ đối tượng trong chuyên môn công tác xã hội. Đây là một quá
trình có sự tham gia của đối tượng và gia đình đối tượng vào việc xác định vấn đề,
lên kế hoạch giải quyết vấn đề và hỗ trợ họ thực hiện các kế hoạch đã đề ra để đạt
được mục tiêu mong muốn. Trong quá trình này nhân viên xã hội có nhiệm vụ tìm
kiếm, kết nối và điều phối các dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng có thể kết nối với
các nguồn lực bên trong (bản thân đối tượng, gia đình đối tượng) và bên ngoài
(cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể…) để đáp ứng tốt nhất cho đối
tượng các nhu cầu về thể chất, tâm lý giúp đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng hỗ
trợ họ có cuộc sống phát triển hài hòa nhất có thể.
20
- Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Từ khái niệm
Quản lý trường hợp nói trên, Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn có thể được hiểu như sau:
Quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là một quá trình
tổ chức, điều phối hệ thống dịch vụ xã hội nhằm đảm bảo tất cả các chương trình
tổng thể hay đơn lẻ được phối hợp một cách chặt chẽ, đáp ứng việc chăm sóc trẻ đạt
hiệu quả tối ưu. Trong quá trình này nhân viên xã hội là người kết nối và điều phối
các dịch vụ và hỗ trợ trực tiếp về tâm lý xã hội cho trẻ. Đây là một quá trình có sự
tham gia của trẻ và người nuôi dưỡng, giám hộ trẻ vào việc xác định vấn đề, lên kế
hoạch giải quyết vấn đề và hỗ trợ trẻ hoặc người nuôi dưỡng trẻ thực hiện các kế
hoạch đã đề ra để đạt được mục tiêu mong muốn. Trong quá trình này nhân viên
quản lý trường hợp có nhiệm vụ tìm kiếm, kết nối và điều phối các dịch vụ hỗ trợ,
giúp đỡ trẻ hoặc người nuôi dưỡng phát huy các nguồn lực bên trong (như các
nguồn lực về sức khỏe, thể chất, tâm lý, điều kiện kinh tế, các mối quan hệ của trẻ
hoặc người nuôi dưỡng) và có thể kết nối với bên ngoài (cộng đồng, các tổ chức
chính trị xã hội, đoàn thể có cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt khó khăn, các chế độ chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi và người nuôi
dưỡng...) để đáp ứng tốt nhất cho các nhu cầu của trẻ về vật chất và tinh thần cũng
như nhu cầu của người nuôi dưỡng trẻ để người nuôi dưỡng có thể có các điều kiện
chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được tốt nhất.
1.2.2. Các nguyên tắc trong quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn.
- Tôn trọng, không phán xét: Chấp nhận thân chủ trong hoàn cảnh của họ sẽ
giúp cán bộ Quản lý trường hợp có được thái độ tôn trọng và tránh sự phán xét khi
làm việc với thân chủ. Điều này giúp thiết lập và tăng cường mối quan hệ giữa
người trợ giúp và thân chủ. Trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy hiệu quả giúp đỡ.
- Đảm bảo bí mật: là một trong những nguyên tắc trọng yếu trong hoạt động
trợ giúp con người, đặc biệt với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bảo mật các
thông tin cá nhân của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ làm tăng sự tin cậy
từ đối tượng và tạo điều kiện cho việc thu thập thông tin cũng như các hoạt động
21
can thiệp. Việc bảo mật thông tin cần được tuân thủ tốt trong cả tiến trình, từ các
thông tin qua chia sẻ nói chuyện với trẻ đến các giấy tờ hồ sơ liên quan đến cả tiến
trình can thiệp. Cán bộ quản lý trường hợp cần lưu ý tới nguyên tắc bảo mật có điều
kiện để đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc của mình là vì lợi ích cao nhất cho trẻ.
Chẳng hạn, với các thông tin tiết lộ liên quan tới tính mạng của trẻ hoặc có tính đe
dọa tới tính mạng của người khác từ trẻ thì cần được thông tin cho cá nhân, cơ quan
có liên quan để kịp thời can thiệp.
- Thúc đẩy và vận động xã hội tạo điều kiện để hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề
thông qua hệ thống cung cấp dịch vụ:
Quản lý trường hợp là hoạt động trợ giúp những cá nhân, gia đình gặp phải
những khó khăn cản trở họ tiếp cận các nguồn lực để có được một cuộc sống như
những cá nhân bình thường khác. Cán bộ quản lý trường hợp thực hiện hoạt động
trợ giúp này thông qua tìm kiếm các nguồn lực, điều phối việc cung cấp các dịch vụ
và nguồn lực liên quan đến nhu cầu của trẻ. Do vậy, thúc đẩy và vận động xã hội để
có được hệ thống dịch vụ tốt hơn sẽ trợ giúp cho hoạt động nghề nghiệp đạt hiệu
quả hơn.
- Thu hút sự tham gia của trẻ, gia đình, cộng đồng và các nhà cung cấp dịch
vụ vào tiến trình quản lý trường hợp:
Quản lý trường hợp là một phương pháp công tác xã hội, do vậy, việc tuân
thủ các phương pháp tiếp cận dựa trên các giá trị triết lý nghề nghiệp được đề cao.
Thu hút sự tham gia của cá nhân trẻ, gia đình trẻ, cộng đồng và các nhà cung cấp
dịch vụ sẽ chứng tỏ được nền tảng triết lý của công tác xã hội là: mỗi cá nhân đều
có sức mạnh họ ở trong hoàn cảnh nào; giữa các cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã
hội luôn có mối quan hệ tương tác; cá nhân có trách nhiệm với gia đình và cộng
đồng, ngược lại, gia đình, cộng đồng và xã hội phải có trách nhiệm với mỗi cá nhân.
- Cung cấp các dịch vụ trợ giúp thích hợp, liên tục, toàn diện và hiệu quả:
Hiệu quả trợ giúp đối tượng chỉ đạt được khi nó được thực hiện dựa trên một
kế hoạch khả thi, phù hợp với nhu cầu của trẻ. Hoạt động trợ giúp các gói dịch vụ
mang tính toàn diện cần được duy trì liên tục cho tới khi trẻ “phục hồi”, có khả năng
tự lực trong cuộc sống. Ngoài ra, khi xây dựng kế hoạch can thiệp, Cán bộ quản lý
22