Tải bản đầy đủ (.doc) (616 trang)

HỢP LƯU CÁC DÒNG TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.04 MB, 616 trang )

HỢP LƯU CÁC DÒNG TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC
HỢP LƯU CÁC DÒNG
TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC
Tiểu luận chuyên đề
Phạm Toàn

LỜI NÓI ĐẦU
Sách này viết nhằm tới người đọc trẻ trong sinh viên, trong các nhà
nghiên cứu và nhà giáo, nhằm chia sẻ một định hướng lý thuyết tâm lý học
giáo dục đã được thể hiện trên một thực thể giáo dục ở nước ta 30 năm nay –
hệ thống Công nghệ Giáo dục.
Là người tự đào tạo, song tôi dám nhận trách nhiệm viết cuốn sách này
mong bạn đọc coi đây như một "bài viết thu hoạch" của một người đem chia
sẻ tới mọi người. Điều này có nguồn gốc của nó. Thoạt đầu, từ cuối những
năm 1960, tôi cùng nhà giáo Nguyễn Trường nghiên cứu cách dạy tiếng Việt
cho học sinh dân tộc – công việc tình cờ dẫn đến tấm huy chương Lao động
sáng tạo vào năm 1981 và Giải nhì về sách giáo khoa của UNESCO khu vực
châu á và Thái Bình Dương năm 1984. Nhu cầu công việc cộng với nhu cầu
khác nữa còn dẫn tôi tới "nghề" dịch thuê tài liệu và tóm tắt sách báo. Rồi
trong nhiều năm tiếp theo kể từ 1980, tôi lại may mắn được thực thi một lý
tưởng tâm lý học giáo dục phù hợp với nhận thức của mình; hoàn toàn tình
cờ mà có vẻ hợp với lời Jean Piaget “Ta chỉ có thể hiểu rõ một đối tượng
bằng cách tác động lên đối tượng đó và biến cải nó”. Vì thế mà có “bài viết
thu hoạch” này.
Sách này viết một cách hồn nhiên: chỉ tự đặt một tiêu chuẩn: đưa ra
những gì có lý và có lợi cho sự hiểu biết trẻ em, để người lớn có thể giúp các
em lớn lên và sống hài hoà trong nền văn minh đương thời. Như vậy cũng là
lôi cuốn bạn đọc vào hành động cải cách giáo dục mà nếu không làm được ở
tầng vĩ mỏ thì cũng tự mình tiến hành ở tầng vi mô, để ít nhiều tác động vào



một công cuộc quá to tát ấy theo một tầm nhìn lý thuyết khác với những gì
không đáng có.
Sách này do một người soạn và chịu trách nhiệm. Nhưng trong sách có
sử dụng bài viết của các nhà nghiên cứu trẻ: tiến sĩ Trần Tố Oanh, các thạc sĩ
Thạch Thị Lan Anh, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Thu Nguyên và Ngô
Hiền Tuyên. Xin cảm ơn các bạn đã tham gia.
Một tài liệu rất quan trọng mang tính phản biện của tiến sĩ Chu Hảo,
người vừa có điều kiện hiểu những hoạt động đổi mới Giáo dục về mặt khoa
học, đồng thời cũng có kinh nghiệm nhìn vấn đề với con mắt một nhà quản lý
xã hội ở cấp cao. Xin cám ơn sự tham gia của ông.
Trong sách có những phần viết được đưa vào trong khung với nội dung
gắn trực tiếp với văn bản đang đọc nhưng bạn vẫn có thể gác lại đọc sau mà
không ảnh hưởng tới toàn cục. Cạnh đó, còn có những phụ lục có nội dung
tham khảo cần thiết để hiểu lý thuyết – bạn cũng có thể đọc lướt những tư
liệu này, rồi gác lại và đọc sau.
Xin trân trọng cảm ơn trước mọi điều phản biện để sách này có thể
phát huy tác dụng vào những hành động cải cách giáo dục trong thực tiễn.
Tác Giả

Lời dẫn

TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG
ĐƯỢC DẮT DẪN BỞI LÝ THUYẾT
Năm 1905 bác sĩ Y khoa người Pháp Alfred Binet phổ biến các câu hỏi
đo nghiệm phục vụ cho công cuộc giáo dục tiểu học bắt buộc của nước ông.
Binet là người yêu nước, ông đã làm việc theo phương châm của Jules
Simon, vị giáo sư đại học Sorbonne đáng kính luôn luôn nghĩ đến thân phận
thợ thuyền và đã bị mất chức vì tung hô cuộc nổi dậy của dân cần lao nước
Pháp năm 1848; Jules nói thế này: "Dân tộc nào có những nhà trường tốt



nhất, dân tộc đó sẽ đứng số một bên trên các dân tộc khác, hôm nay chưa
vào vị trí ấy, thì ngày mai thôi".
Bốn mươi năm sau công trình phục vụ giáo dục tiểu học bắt buộc của
Binet, Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam tháng Tám năm 1945 bùng nổ
và nước Cộng hoà dân chủ ra đời. Ngay khi đó, Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ
diệt giặc dốt – coi “nạn dốt” như một loài giặc! Thế rồi ngay buổi khai giảng
năm học đầu tiên của một Việt Nam độc lập, vị Chủ tịch nước khi đó đã có
thư kêu gọi học trò toàn quốc: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay
không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai với các
cường quốc năm châu được hay không, đó là nhờ công lao học tập của các
cháu”.
Chưa hết, trước khi qua đời, Cụ vẫn không quên dặn dò hãy luôn luôn
nhớ, phải “vì lợi ích mười năm trồng cây; vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Tính từ năm 1945 tới nay, công cuộc “diệt giặc dốt” – một cách diễn đạt
khác cho “sự nghiệp phát triển Giáo dục” – đã trải hơn bảy chục năm. Và hôm
nay, chúng ta đang đứng trước một nền Giáo dục Việt Nam như thế nào?
Nếu có cuộc lấy ý kiến toàn dân, một tỷ lệ trả lời xấp xỉ trăm phần trăm (như
trong nhiều địa hạt khác) sẽ rơi vào bậc nào trên bậc thang 5 điểm này: Xuất
sắc, Tốt, Khá, Trung Bình, Kém?
Người ta đã bàn nhiều về nguyên nhân của nền Giáo dục bất cập. Rất
nhiều người trong đó có không ít nhà sư phạm, đã không chú ý đầy đủ đến
chỉ một nguyên nhân yếu kém này của một nền giáo dục phổ thông: các nhà
giáo dục thuộc cả “ba lực lượng” – nhà giáo, phụ huynh học sinh và các lực
lượng xã hội khác – luôn luôn phải làm việc với một đối tượng rất khó thăm
dò, đó là tâm lý học sinh. Nhìn vào nền giáo dục, người ta quen nhìn thấy
hàng chục triệu người đi học, hàng trăm triệu bản sách giáo khoa, hàng trăm
nghìn ngôi trường… nhưng người ta lãng quên một và chỉ một thứ bé bỏng
mà quan trọng nhất, thiếu nó sẽ không có trường, không có sách, không có
học trò… hoặc như ta đang nói, trường sẽ không ra trường, sách sẽ không ra



sách, học trò sẽ không ra học trò… Ra trận mà không biết quân địch nấp chỗ
nào, cứ hô xung phong váng thiên địa, làm sao thắng trận?
Cái đối tượng tâm lý học sinh mù mờ thì đã đành một nhẽ, ai cũng thấy
rồi. Nó lại còn vô cùng đa dạng (theo chiều dọc của lứa tuổi, theo chiều ngang
của nguồn gốc gia đình và xã hội và theo bề sâu của đặc điểm cá nhân). Nó
cũng lại luôn luôn biến động nữa (có những số liệu thực chứng đúng đắn tới
đâu chăng nữa thì cũng chỉ sau dăm bảy năm là sẽ lạc hậu). Và giả sử đã có
những hiểu biết về nó rồi thì vẫn còn một việc nữa chẳng dễ dàng chút nào,
ấy là biết cách biến sự hiểu biết tâm lý học đó thành giải pháp nghiệp vụ sư
phạm.
Một nền giáo dục biết bao năm hoạt động theo cung cách giáo viên
giảng giải nhồi nhét và học trò tiếp nhận thụ động, đó là do tâm lý học ít được
chú trọng.
Tình trạng đó có gốc gác lâu đời. Dưới thời Pháp thuộc, tâm lý học
được dạy ở bậc trung học chuyên khoa như một phần của bộ môn Triết học
tư biện và siêu hình. Cũng dưới thời Pháp thuộc, trường sư phạm chỉ mới là
những “lớp ghép” mang tên sư phạm dành cho những học sinh nghèo có
lương ăn mà đeo đuổi sự học hết bậc phổ thông, sau đó ra trường đi dạy học
chỉ là để trả món nợ miệng. Tổng kết về nhà trường truyền thống Việt Nam
kéo dài tới thời Pháp thuộc, ngay từ năm 1940, Nguyễn Văn Huyên đã kêu to
lên về tình trạng “một nền giáo dục truyền thống chưa bao giờ có phương
pháp”.
Sau này, trong nhà trường sư phạm mệnh danh là “mới” rồi, những kiến
thức giáo dục học và tâm lý học vẫn ở trình độ viện sĩ Kairov (lại còn bị truyền
đạt như thời Đông kinh nghĩa thục thành cụ Cai–lô–phu cho hợp với cách gọi
các cụ Lư–thoa và Mạnh–đức–tư–cưu). Hồ ngọc Đại không quá lời khi đưa ra
nhận xét khó ai cãi lại nổi, rằng người kỹ sư của ngành nào đó bỗng nhiên vì
lý do nào đó không hành nghề theo chuyên ngành cũ, đều có thể chuyển

nghề đi dạy học và điều đó chỉ chứng tỏ chúng ta hoàn toàn còn chưa có


trường sư phạm mặc dù vẫn có những nhà trường có biển hiệu treo cao
“Trường sư phạm”.
Những thay đổi đầu tiên về nhận thức và cả về kỹ năng đối xử với tâm
lý học giáo dục đã xảy đến với lứa cán bộ trẻ đầu tiên được đào tạo trong nhà
trường sư phạm Liên Xô cũ vào cuối những năm 1960 và đầu những năm
1970 của thế kỷ trước. Lứa cán bộ đó đều cứng tuổi, song chính vì họ từng
trải giữa vô vàn cái cũ trong một nền giáo dục mới nên ước vọng cải cách
thực sự ở họ lại càng trẻ trung mãnh liệt. Họ lại đã được sống trong không khí
cải cách giáo dục ở nước Nga, được thấy tận mắt hoặc tự mình tham gia
những cuộc “hạ bệ” đường lối sư phạm Kairov để thay vào đó bằng những
thực nghiệm làm nức lòng những nhà sư phạm trẻ trung và năng nổ và làm
nản lòng những giá trị kỳ cựu đầy cản trở.
Số lượng những người này không nhiều. Đi học Liên Xô về, họ không
đem bằng cấp ra cầu vinh mà “vào trận” luôn. Họ chủ bụng tạo ra một nền
giáo dục Việt Nam trong bất kể tình huống nào cũng nhất thiết phải khác
trước. Lịch sử cải cách giáo dục Việt Nam rồi sẽ phải ghi tên nhóm Nguyễn
Kế Hào, Hà Vỹ, Đặng Ngọc Diệp với những cải cách khiêm tốn ở xã Hồng
Dương (Hoài Đức, Hà Tây) và sau đó họ tự nguyện nhập cả về “trường thực
nghiệm Giảng Võ” (Hà Nội) do Hồ Ngọc Đại chủ xướng chỉ để có một định
hướng lý thuyết cao hơn (nghĩa là đúng hơn và có nhiều cơ hội thực thi hơn).
Năm 1978, tại thủ đô Hà Nội ở làng Giảng Võ, trên mảnh đất là vạt
ruộng mới gặt vẫn còn trơ gốc rạ, dưới bầu trời phong quang một cơn bão đã
đi qua và dân làng sẵn sàng nhường vạt ruộng để dựng một ngôi trường tạm
(trong ý nghĩ các ông bà nông dân khi đó), ngôi trường chỉ vỏn vẹn ba lớp Một
với 120 học sinh.
Thế nhưng, ngôi trường đó không hề “tạm”, mà tồn tại bền vững, phát
triển thành cả một hệ thống trường mang tên Công nghệ Giáo dục, mà tập

sách khiêm tốn này gắng viết lại sự phát triển của cả hệ thống đó về mặt lý
thuyết. Không phải là kể lể những thành thích, những số liệu, mà trình bày về
lý thuyết. Những đại lượng to tát cùng những con số tỷ lệ cao ngất nghểu


không tất yếu đủ sức chứng minh một cách thuyết phục rằng cái lý thuyết tạo
ra chúng là đúng.
Sao lại phải lý thuyết?
Lý do trước hết, vì thời đại mới được đặc trưng trong cách làm việc như
sau: lý thuyết dắt dẫn cho hành động.
Đưa ra mệnh đề đó có nghĩa là phải phân biệt giữa hai cách làm việc.
Cách làm việc kiểu cũ có đặc trưng là làm trước, sau đó tổng kết kinh
nghiệm để rồi “nâng lên” thành lý thuyết.
Cách làm cũ này sai từ gốc. Giả sử như rút được kinh nghiệm tốt đến
bao nhiêu chăng nữa thì kinh nghiệm ấy cũng không thể có nổi giá trị phổ
quát: kinh nghiệm gieo lúa nương theo lối chọc lỗ tra hạt hoàn toàn không
mang giá trị phổ quát và dùng được cho lúa nước. Kinh nghiệm cũng không
thể tạo ra những sản phẩm khác hoàn toàn với sản phẩm cũ về nguyên lý:
kinh nghiệm rút ra từ một triệu cái đèn dầu hoàn toàn không dẫn tới phát minh
ra một và chỉ một ngọn đèn điện.
Chưa kể là cách “làm” lý thuyết cũ coi khinh con người hành động, coi
họ chỉ đáng làm hùng hục để rồi sau đó có những người giàu lý luận, ăn nói
nhẹ nhàng phải chăng, không mất lòng ai (chủ yếu là không mất lòng cấp trên
và không mất lòng các câu chữ đang còn “có hiệu lực”), những người này sẽ
ngồi trong bóng mát viết ra các thứ lý luận, một kiểu lý luận lấy quá khứ làm
thước đo, lấy lảng tránh thực tại làm cái mốc của khôn ngoan mực thước
thường khi các nhà lý thuyết đó còn diễn thuyết theo lối độc thoại như mơ ngủ
trước đám đông, bất biết cuộc sống thực luôn luôn tỉnh giấc đã trôi tuột đi mãi
tận đâu đâu.
Cách làm mới, hoặc lý thuyết trong thời đại mới có hai đặc điểm là tính

kỹ thuật và tính dân chủ.
Tính kỹ thuật là làm bất kỳ công việc gì to nhỏ cũng phải bắt đầu từ một
bản thiết kế chi tiết. Trong bản thiết kế đó có hình dung cụ thể từ nguyên liệu
thô ban đầu cho tới sản phẩm cuối cùng và “thiết kế” ra cả con đường từng


chặng nhỏ đi tới sản phẩm cuối cùng đó. Bây giờ có ý thức hoặc không có ý
thức, nhiều người đã bắt đầu dùng chữ roadmap (“lộ trình”) để gọi tên cái bản
thiết kế thấm đượm chất lý thuyết, hoặc được dắt dẫn bởi lý thuyết đó.
Còn tính dân chủ là gì? Đó là chính cái bản thiết kế kia, dù đã rất
“thánh”, vẫn tự coi mình chưa “thiện” và do tự coi là chưa thánh thiện nên nó
chịu thừa nhận trước hai điều. Điều thứ nhất: nếu mọi người liên quan đến
bản thiết kế này mà không hợp tác cùng với tác giả” thì có biết bao khẩu hiệu
hấp dẫn cũng không làm cho bản thiết kế tốt nhất thành hiện thực. Điều thừa
nhận thứ hai: Tôi, bản thiết kế, tôi có thể vẫn còn có chỗ sai sót; mà nếu Tôi
không sai sót từ gốc thì sự vận hành trong triển diễn của cuộc sống thực cũng
tất yếu dẫn tôi tới những sai sót. Vậy tốt nhất là chúng ta nên chia công việc
thực thi thành hai thời kỳ nối đuôi nhau và nâng nhau lên cao dần. Hai thời kỳ
sản xuất đó là thực nghiệm và đại trà.
Lý thuyết của trường thực nghiệm Giảng Võ năm 1978 chính là đã đi
theo định hướng như thế. Nó có một hướng đi và cách làm. Với Công nghệ
Giáo dục đó là một cách làm theo một định hướng lý thuyết nhằm nâng thực
tiễn lên tầm đòi hỏi của lý thuyết. Quan trọng hơn nữa, cả cách làm cùng với
định hướng lý thuyết sẽ cùng sinh thành lẫn nhau, bổ sung cho nhau, làm
phong phú thêm cả cách làm lẫn lý thuyết. Cách làm đó ngay từ lúc khiêm tốn
xưng danh là “thực nghiệm” đã bao gồm đủ ba bộ phận gắn bó khăng khít với
nhau:
Một là, nghiên cứu khoa học giáo dục (thay thế hoàn toàn cho cụ Cai–
lô–phu và công ty Kairov); trong mảng nghiên cứu khoa học giáo dục này,
mục tiêu đi tới là sự hiểu biết người học thay thế cho sự tìm tòi những cách

truyền đạt dễ hiểu, vừa sức, hấp dẫn của người giáo viên; khoa học giáo dục
kiểu mới đã chuyển từ một nhà trường lấy bục giảng làm trung tâm sang kiểu
nhà trường lấy trẻ em làm trung tâm;
Hai là, tác động trực tiếp vào thực tiễn giáo dục để tạo ra một sự kiện
có thực, lấy đó làm phương tiện nghiên cứu khoa học và kiểm nghiệm tính
chân lý của các quy luật cơ bản do quá trình nghiên cứu phát hiện ra (với một


dụng ý không tuyên bố nữa: tạo ra một hình ảnh trực quan giúp xã hội nâng
cao lý luận thông qua một sự kiện giáo dục cụ thể chứa đựng hướng đi và
cách làm mới); và
Ba là, cùng với quá trình thực hiện hai nhiệm vụ trên thì đồng thời cũng
là quá trình đào tạo mới và đào tạo lại một đội ngũ chuyên gia có khả năng
giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của giáo dục.
Hướng đi và cách làm đầy phẩm chất lý thuyết cao như thế bỗng thành
dễ hiểu: khởi thuỷ năm 1978 tại trường thực nghiệm Giảng Võ, định hướng
mới là “Lý thuyết hoạt động”, mới là “lấy trẻ em làm trung tâm”, cách làm mới
chỉ tương đối chắc chắn ở môn Toán lớp Một (do Hồ Ngọc Đại từng thực
nghiệm vài vòng ở một trường thực nghiệm của Viện Hàn lâm khoa học sư
phạm tại Moxkva), thế nhưng vài chục năm sau ngày khai giảng đầu tiên năm
1978, với lất cả sự khiêm tốn khoa học cố hữu của mình Công nghệ Giáo dục
dám biết chắc là mình đoạt loại giỏi ở bậc Giáo dục tiểu học trên ba loại đối
tượng chiếm lĩnh tách bạch: khoa học, nghệ thuật và đạo đức.
Cuốn tiểu luận chuyên đề tâm lý học giáo dục này sẽ nói cả về hướng
đi và cách làm để có nổi một thành tựu chưa từng có như thế trong nền Giáo
dục trên đất nước Việt Nam cho dân tộc Việt Nam.
Lý do thứ hai khiến cuốn sách này cần phải ra đời, ấy là tạo ra một
nguồn lực nghiên cứu và hành động cho những thế hệ sinh viên và nhà
nghiên cứu trẻ, những người do tấm lòng thành của họ với dân tộc nên họ
cũng cần phải thành tâm nhận ra rằng họ cần tự trang bị lại những tri thức lẽ

ra đã phải được trao cho một cách chính thức trong những nhà trường đã đào
tạo ra họ. Nói cho dễ hiểu: đây là cuốn sách tham khảo hoặc là sách tự học
cho những ai mặc dù được đào tạo không chuẩn, nhưng vẫn thực tâm muốn
tiến hành cải cách nền Giáo dục phổ thông cho trẻ em Việt Nam từ khi các em
được sáu tuổi tròn.
Cải cách Giáo dục cần căn bản thực hiện ở bậc giáo dục phổ thông.
Tiến hành công cuộc cải cách giáo dục trước hết cần phân biệt rõ giữa nền
Giáo dục phổ thông mà mục đích là tạo ra những con người sống hài hoà


trong nền văn minh đương thời và nền Giáo dục chuyên nghiệp mà mục đích
là tạo điều kiện học tập cho những con người tự nhận trách nhiệm thúc đẩy
thay đổi nền văn minh đương thời.
Vì thế: muốn làm cải cách nền giáo dục phổ thông cho con em một dân
tộc, điều cần yếu nhất không phải là tiền bạc hoặc những “dự án” này khác,
điều cần yếu sống chết đảm bảo thành công hoặc thất bại là sự hiểu biết đứa
trẻ nhỏ. Muốn hiểu rõ đứa trẻ nhỏ, không thể thoát khỏi tâm lý học giáo dục.
Cái nền tâm lý học đó lại không thể mơ hồ vu vơ xem xét những đứa trẻ ở
mãi đâu đâu: đây phải là sự hiểu biết đứa trẻ Việt Nam đương đại, cái nhân
vật chính của cuộc sống, cái “người anh hung”, cái “người cứu tinh của dân
tộc” đích thực.
Chưa hết, việc tìm hiểu đứa trẻ Việt Nam lại không được phép tiến
hành theo lối tĩnh tại, mà phải tiến hành theo lối động. “Động” nghĩa là trong
tiến trình các em chiếm lĩnh trí khôn người cần thiết (tất yếu) cho sự phát triển
của các em, cần thiết (tất yếu) cho sự lớn mạnh của dân tộc. Quyển sách này
gửi tới các bạn những điều cốt lõi để hiểu và giúp trẻ em phát triển hết cỡ.
Đây là cuốn sách tâm lý học giáo dục theo ý nghĩa thuần khiết và đầy trách
nhiệm.
Tác giả nào thì cũng tự giao cho mình nhiệm vụ đem lại cho bạn đọc
một tài liệu khiến bạn thích đọc và bạn có thể dùng vào việc đời.

Tác giả sách này cũng không có tham vọng nào hơn như vậy, đem lại
cho bạn đọc những tài liệu tâm lý học để bạn có thể dùng được vào công việc
giáo dục hàng ngày.
Muốn thực hiện được nguyện vọng trên, cuốn sách sẽ phải tự đặt cho
mình những mục tiêu sau:
Trước hết, nó phải chỉ ra được một cái xương sống (như ở con người)
hoặc những rường cột (như cho một ngôi nhà), cái khung đó phải đủ chắc để
toàn bộ cấu trúc sách không bị khuỵu. Cái xương sống đó trong sách này
chính là cái dòng chảy những nghiên cứu tâm lý học vào cái địa chỉ tất yếu


các dòng chảy đó phải đổ vào: Công nghệ Giáo dục, một thành tựu có thực
của thời đại, một thực tiễn giáo dục ở Việt Nam. Thực sự là chốn hợp lưu của
các dòng tâm lý học, Công nghệ Giáo dục sẽ là công cụ để khâu mọi tài liệu
vào một mối, nhờ đó những tư liệu vốn dĩ rời rạc sẽ cố kết lại với nhau thành
một chỉnh thể.
Thực hiện được mục tiêu thứ nhất này ít nhất cuốn sách sẽ có ích ở
một điều: nó cho thấy Công nghệ Giáo dục như đã diễn ra trên thế giới cũng
như ở Việt Nam không phải là một bịa đặt tuỳ hứng của một cá nhân nào. Nó
là sản phẩm khoa học tất yếu của lịch sử.
Sở dĩ phải nói thế, vì lâu nay vẫn có một tiếng oan cho rằng Công nghệ
Giáo dục là một điều “bầy đặt”. Đã trải qua hơn ba chục năm tính cho tới khi
in cuốn sách này’ “bầy đặt” sao được khi hàng chục nghìn giáo viên và nhiều
triệu học sinh được tham gia vào và biết rõ đâu là sự thực. Riêng thành phố
Hồ Chí Minh trong những năm 1980 đã có tới 62% học sinh lớp Một học theo
hệ Công nghệ Giáo dục – đó khó có thể là một bịa đặt tùy thích của một ai.
Nhưng cuốn sách này sẽ không làm công việc thanh minh! Nó lý giải và cho
thấy Công nghệ Giáo dục là một xu thế tất yếu – một chốn hợp lưu – kết quả
phát triển logic tất yếu trong tư tưởng và thực tiễn Tâm lý học giáo dục. Lý
thuyết tâm lý học nền tảng của Công nghệ Giáo dục là con đẻ của một thời

đại mới, thời đại đại công nghiệp. Một khi đã được Thời đại mang nặng đẻ
đau thì nhất thiết sinh linh tinh thần kia phải chào đời.
Dĩ nhiên, Chúa (hoặc logic của lịch sử) bao giờ cũng ban phát bố thí sự
khôn ngoan rõ đều cho mọi người. Song vẫn có người khôn hơn, chìa tay ra
sớm hơn đón nhận ơn Chúa hoặc sự bố thí của lịch sử. Bạn đọc sẽ hiểu vì
sao sách này lại đặt tên là Hợp lưu các dòng Tâm lý học giáo dục trên những
đường nét lớn như sau:
Phần thứ nhất: Những nhà kinh điển trong tâm lý học giáo dục. Sách
này chọn viết về ba tầng đóng góp của ba nhà kinh điển Wilhelm Maximilian
Wundt, Edward Lee Thorndike và Jean Piaget. Lý do của việc chọn giới thiệu
ba “dòng chảy” lớn này sẽ được lý giải ở bài Tổng luận. Hệ quả trực tiếp đầu


tiên do đóng góp của ba nhà kinh điển này là đã đưa Tâm lý học thành một
khoa học, đã đưa tâm lý học dạy học thành công cụ đấu tranh chống lại hệ
thống lỗi thời Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ.
Phần thứ hai: Những cái tươi mới trong nền tâm lý học giáo dục đương
đại, vừa đủ để phát triển thêm và chứng minh thêm sự đúng đắn của các nhà
kinh điển (đặc biệt là Jean Piaget) nhưng cũng vừa dư thừa chi tiết để thấy
rằng việc trở lại với Jean Piaget vẫn là căn cốt trong sự nghiệp tâm lý học trẻ
em.
Phần thứ ba: Hệ thống Công nghệ Giáo dục và nguyên lý của nó cũng
như thành tựu thực tiễn của nó theo định hướng tâm lý học giáo dục mới thể
hiện trong hệ thống giáo dục Thầy tổ chức – Trò hoạt động. Phần thứ ba này
sẽ đặc biệt giúp bạn nhìn rõ cách làm để tự bạn có thể tham gia vào cuộc cải
cách giáo dục từ việc nhỏ một giáo viên làm được trong một tiết học đến việc
lớn quốc gia đại sự.
Bạn sẽ thấy là, theo cách tổ chức cuốn sách như nói bên trên, đóng
góp tối thiểu của sách này là giúp bạn những tư liệu để bạn có thể tự mở rộng
tầm nhìn của mình. Đóng góp tối đa của sách này (lạy Chúa!) sẽ là một tổng

kết theo hướng hợp lưu của các dòng tâm lý học hiện đại vận dụng được vào
thực tiễn. Đồng thời cũng xin bạn lưu ý về chữ nghĩa tôi dùng để nói về hai hệ
thống, một cái đã “lỗi thời” và một cái “đi lên”. Trong những điều kiện nào đó,
cái lỗi thời có thể còn tồn tại dai dẳng và ngược lại, cái đi lên có thể gặp trắc
trở. Song, xu thế của cuộc sống bao giờ cũng là đi về phía trước.
Cách tổ chức từng chương của sách này sẽ phải tương đối cặn kẽ về
khoa học để người đọc sử dụng như cái cốt, để có thể tự mình mở rộng them
theo yêu cầu và sở thích riêng. Nói cho hoa mỹ, ta sẽ bảo phần lý thuyết trong
sách này chặt chẽ như một gợi ý. Mặt khác, cùng với lý thuyết còn có phần cụ
thể hóa cho người đọc dùng được sách vào công việc thực tiễn. Nhưng cụ
thể đến bao nhiêu cũng vẫn không xuể, vì vậy lại nói cho hoa mỹ, ta sẽ bảo
phần hành dụng của cuốn sách này cặn kẽ theo một định hướng. Như vậy,
đến phần viết về thực thi Công nghệ Giáo dục chẳng hạn, bạn sẽ được chiêm


nghiệm hai định hướng dạy học: tổ chức cho học sinh đi lại con đường nhà
khoa học đã đi (khi thực thi các môn khoa học) và tổ chức cho học sinh đi lại
con đường người nghệ sĩ đã đi (khi thực thi các môn nghệ thuật).
Xin hãy nhìn nhận công việc này một cách hồn nhiên, hãy coi tác giả
sách này như một người thư ký chuẩn bị trước một chút gì cho cuộc du hành
của các bạn. Đừng vội coi sách này sẽ thay thế những giáo trình đang được
dùng bắt buộc ở các cơ sở đào tạo. Cái gì đến thì rồi sẽ đến. Người viết sách
nào mà chẳng kỳ vọng những tẹp nhẹp mắm muối dưa cà của mình rồi sẽ
thành bữa cỗ ngon lành cho cả nhà?
Tác giả gửi tới bạn những tình cảm chân thành. Vì những điều nói ở
đây thuộc về một lý tưởng. Tôi muốn kiếm tìm những bạn đọc, chứ không tìm
kiếm những người giở từng trang sách thờ ơ. Người viết sẽ cố hết sức trình
bày mọi chuyện một cách điềm đạm. Nhưng rồi bạn sẽ thấy, cũng do tình cảm
chân thành mà người ấy khó có thể tránh khỏi có lúc nổi cáu, mà nổi cáu
không phải là không có lý do, cạnh đó, khi hứng chí lên thì có lúc sẽ đùa vui,

giận thì giận thương thì thương, gì thì gì cũng vẫn chỉ là những tình cảm chân
thành gửi bạn.

Phần 1. NHỮNG NHÀ KINH ĐIỂN CỦA TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC
Chương 1. Tổng luận: THỬ XÁC ĐỊNH MẤY NHÀ KINH ĐIỂN CỦA
TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC
- 1Xưa nay, các bộ sách tâm lý học thường bắt đầu giảng nghĩa cái tâm lý
bằng một tiếng Hy Lạp viết bằng chữ Hy Lạp mà phần rất đông người đọc chỉ
thấy đó là những con chữ loằng ngoằng không có chút gì biểu cảm. Tôi muốn
lôi bạn đọc vào lĩnh vực tâm lí học bằng việc diễn đạt nó nhờ mấy từ Hán–
việt.
Theo tiếng Hán, “lý” gồm chữ “điền” (nghĩa = ruộng) bên trên và bên
dưới là chữ “thổ” (nghĩa = đất), đủ để có thể diễn đạt cái ý ở đó”, “chốn đó”.


Sao cái “chốn đó” lại liên quan đến “thổ” và “điền” nhỉ? Vì cái “chốn” đầu tiên,
cùng cái “chốn” cuối cùng của loài người đều là “đất, sống thì ăn nhờ ở đậu
vào điền thổ đã đành, chết toàn thây hoặc chẳng toàn thây thì cũng lại trở về
nguyên vẹn với điền thổ. Thế rồi cái dân tộc từ bao đời canh nông cùng ruộng
đồng đã biết vẽ một cách thông minh lối tượng hình ý tưởng mình cái “lý” ở
chốn đất đai điền thổ như thế.
Theo cách nghĩ đó, ta có khái niệm gửi trong từ “vật lý” như một câu kể,
“trong vật chất có chứa đựng những gì”. Và trong cái tên gọi “vật lý học” ta có
được câu hỏi của những người đi tìm kiếm xem “ở trong vật chất có gì”? Cái
yếu tố “học” là cái phần “khoa học” hoặc phần “lời” (tiếng Hy Lạp sẽ dùng yếu
tố logos vào trường hợp này, còn các dân tộc Latin chuyển cái “ngôi lời” đó
thành logy hoặc logie). Lao vào tìm kiếm “trong đó có gì” – chẳng hạn ở Vật lý
học là: trong vật chất có gì – biết bao thế hệ bác học thành công và thất bại
đã đua nhau đi tìm bản chất cấu tạo của vật chất và những quy luật của vật
chất, để gần như cuối cùng thì chứng minh được bản chất hạt và bản chất

sóng của vật chất, để có thể tuyên ngôn dõng dạc phân biệt vật lý học kiểu
Newton và Copernic như Max Planck đã làm tại Hội nghị hội Vật lý học Đức
ngày 14 tháng 12 năm 1900: “Mọi khoa học nghiên cứu vật lý mà không tính
đến lượng tử nay đều trở thành khoa vật lý học cổ lỗ”.
Tiếp tục theo logic này, ta cũng sẽ có “sinh lý” hoặc “sinh lý học” như là
câu kể hoặc câu hỏi “có gì vận động bên trong những vật sống trong cõi đời
này khiến chúng trở thành vật sống”? Nhờ đi tìm xem “bên trong sinh vật có
gì” mà biết bao nhà bác học, tạm tính từ nhà bác học “đồ tể” Claude Galien
(131 –201) nhờ quan sát xác các đấu sĩ lòi ruột phơi thây trên đấu trường
Roma mà biết được lục phủ ngũ tạng con người, cho đến hơn chục thế kỷ
sau đã tới được cơ cấu có lúc đã được coi là nhỏ nhất mắt thường không
thấy được của ngôi nhà sinh học, là đơn vị tế bào. Và nhờ đi tìm tiếp tục vào
chốn “lý” đó mà con người thấy được bên trong cái đơn vị nhỏ nhất ấy còn có
cái nhỏ hơn nữa, cái mã thông tin gửi trong thể nhiễm sắc, tạo nên cơ chế di
truyền.


Mở rộng ra nữa, ta cũng sẽ có “địa lý” hoặc “địa lý học” như là sự mô tả
hoặc công trình tìm hiểu xem “có những gì bên trong cái quả đất ta đang sống
đây”. Điều thú vị với môn địa lý, ấy là chốn “bên trong” cái quả đất nơi con
người đang chen chúc nương thân đây lại còn là cả những “vòng bên ngoài”
nó nữa: thạch quyển, thuỷ quyển, khí quyển tương tác nhau. Và do chỗ khoa
nghiên cứu địa lý vừa mang tính chất khoa học tự nhiên lại vừa mang tính
chất khoa học xã hội–nhân văn nên cũng còn có ý kiến rụt rè mà mạnh bạo
như ý tưởng của nhà bác học kiêm kỹ sư địa chất kiêm thày tu Teilhard de
Chardin, cho rằng khoa địa lý học muốn được hoàn hảo còn cần tìm ra “trong
đó” một cái “vòng” nữa, ấy là vòng Tuệ Quyển (Noosphère).
Và rồi ta có “tâm lý” cùng với “tâm lý học”…
Theo logic trên, ta sẽ có “tâm lý” như là câu kể về những gì con người
tự cho là đã biết hoặc như là câu hỏi thúc đẩy con người nghiên cứu tìm hiểu

tiếp xem “bên trong cái tâm của con người có cái gì bộc lộ được ra ngoài,
hoặc đang còn ẩn giấu những cái gì chưa chịu lòi ra?”
“Bề ngoài thơn thớt nói cười”, bên trong… còn có cái gì khác, đó là cái
hoặc những cái được che kín “ở trong tâm”, đó là chốn “lý” của cái tâm vậy.
“Lòng vả cũng như lòng sung”,… suy bụng ta ra bụng người đó thảy đều là
những trải nghiệm của người tự biết bên trong cái “tâm” của mình có gì và do
đó cũng hiểu được bên trong cái “tâm” của kẻ khác có gì. Vì thế mới có cảnh
“Chanh chua ai thấy chẳng thèm, em cho chị mượn chồng em vài ngày”,
nhưng mà do biết tỏng cả cái tâm lý của mình lẫn tâm lý người kia nên mới
phải dè chừng “chồng em nào phải trâu cầy, mà cho chị mượn cả ngày lẫn
đêm”?!
Đó là những “lời đồn”. Còn đây là chuyện xưa đẫm màu tâm lý đã được
chép thành sách:
Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe
của vua thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya có người
đến gọi. Di Tử Hà lội lấy xe vừa ra đi. Vua nghe thấy, khen rằng:


“Có hiếu thật vì hết lòng với mẹ mà quên tội chặt chân!” Lại một hôm.
Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào, thấy ngọt còn một
nửa đưa cho vua ăn. Vua nói:
“ Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta!”
Về sau: vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm
phạm tội: vua giận, nói rằng:
“Di Tử Hà trước dám tư tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn
quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày”. Nói xong bắt đem ra trị tội.
Hàn Phi Tử ghi lại chuyện đó và bình luận như sau:
Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng vậy thế mà trước vua khen, sau
vừa bắt tội, là tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính
đáng tội thì lại hoá công thần, lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại

hoá ra sơ, cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước
phải xem xét cái lòng vua yêu hay vua ghét tính thế nào rồi hãy nói. (Tôi nhấn
mạnh – PT).
Thật khó mà dò những điều diễn ra kín đáo mãi tận bên trong cái “tâm”
của cả ông vua dở hơi kia lẫn ông bề dưới quá hồn nhiên kia!
Nhưng cũng có khi người ta dò ra nổi và bằng cách hành xử thông
minh, con người đem dùng những điều mình đã dò ra được để làm lợi cho
cộng đồng. Chuyện do Tư Mã Thiên ghi lại ở đất Nghiệp là một thí dụ, vạch ra
được sự thông minh của kẻ “đi guốc vào bụng người khác” lại lột tả được sự
đạo đức giả của những kẻ dùng thần thánh để thống trị phần tâm lý con
người:
Dân đất Nghiệp có tục cứ mỗi năm góp tiền mua một người con gái
ném xuống sông để làm vợ cho Hà Bá. Sự mê tín ấy có đã lâu ngày, không ai
phá nổi.


Lúc ông Tây Môn Báo đến làm quan ở đấy, ông thân hành ra đứng làm
chủ lễ cưới cho Hà Bá. Trước mặt đông đủ cả bô lão, hào trưởng, ông đồng
bà cốt, ông cho gọi người con gái đến. Ông xem mặt xong, chê rằng:
“Người con gái này không được đẹp. Ta nhờ bọn ông đồng xuống nói
với Hà Bá xin hoãn lại hôm khác, để tìm người đẹp hơn”. Ông lập tức sai lính
khiêng một ông đồng quăng xuống sông.
Một lúc, ông nói: “Sao lâu thế này!” Rồi ông bảo đám bà cốt xuống nói
hộ. Lập tức sai lính bắt một bà cốt ném xuống sông.
Một lúc, ông nói: “Sao không thấy tin tức gì cả! Chừng lũ đồng cốt
xuống nói không nên lời. Dám phiền các cụ bô lão đi giúp cho.” Lại lập tức sai
lính lôi một cụ vứt xuống sông.
Một lúc, ông nói: “Sao mãi không thấy về thế này! Bọn đồng cốt, bô lão
dễ đi cũng không được việc. Phải nhờ đến bậc hào trưởng mới xong”.
Lúc bấy giờ bao nhiêu người đều xám xanh mặt lại van lạy xin thôi. Tây

Môn Báo nói: “Để thong thả xem đã”. Mọi người run như cầy sấy. Một chốc
ông mới bảo: “Thôi tha cho. Thế là Hà Bá không lấy vợ nữa rồi”.
Thành thử từ đấy dân đất Nghiệp không ai dám nhắc đến chuyện Hà
Bá lấy vợ nữa.
Nhưng những hiểu biết cái tâm như trên chỉ mang tính chất trải nghiệm.
Nếu chỉ tiếp tục con đường đó, con người giỏi lắm là có được những tổng kết
mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa, tức là những tổng kết không thể trở thành
những nghiên cứu mang tính khoa học. Trong khi đó, con người muốn tiến
lên lại cần phải càng ngày càng có những hiểu biết mang tính khoa học và
công cuộc thăm dò vào bên trong cái tâm không thể nhờ vào những khẳng
định muôn đời mang tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa như vậy (cho dù những
khẳng định đó không sai). Vì thế, chúng ta có dịp lần tìm sự phát triển của
công cuộc nghiên cứu vào bên trong cái tâm (lý) kia của con người: nói cách
khác, chúng ta thử phác qua lịch sử nghiên cứu tâm lý học.
-2-


Nhưng chúng ta sẽ đi theo lịch sử tâm lý học nào?
Tôi hoàn toàn không muốn chúng ta bao giờ cũng chỉ lấy châu Âu làm
trung tâm (“dĩ âu vi trung”) trong mọi công trình nghiên cứu. Chết nỗi, ta
không có được những văn bản ghi lại các công trình nghiên cứu tâm lý học
của phương Đông. Trong Đông Chu liệt quốc, trong Tam quốc chí, trong Thuỷ
hử trong vô số áng văn bất hủ khác của Trung Hoa xưa: ta bắt gặp vô vàn
trường hợp tâm lý người được đem ra thử thách và trong những trường hợp
đó, kẻ nào am tường tâm lý kẻ khác thì kẻ đó sẽ thắng. Khi có nhân vật tức
đến độ ộc máu mồm mà chết, chỉ kịp một lần thốt lên “ối cha chả, thiền sinh
Du hà sinh Lượng?” thì đó không phải là thua nhau về sức khoẻ, mà thua
nhau trong đấu trí, cái trí của kẻ thắng đã nhìn thấu cái “tâm” của đối phương
để đánh bại đối phương, biết trong đó (“tâm lý”) có gì và vì biết rõ nên đã
thắng.

Nhưng ghi chép bằng hình tượng như trong “sáu bộ sách lớn” (“lục tài
tử”) của Trung Hoa xưa, hoặc ngay cả những ghi chép “khoa học” “theo sát
sự thực” của Tư Mã Thiên thì cũng vẫn chưa thành những bộ hồ sơ mang
tính khoa học về tâm lý con người. Các ghi chép như của Tư Mã Thiên và của
các nhà tiểu thuyết chương hồi khác vẫn chưa làm cho công việc nghiên cứu
tâm lý học thoát khỏi trạng thái kinh nghiệm chủ nghĩa. Bởi vì bản thân công
việc nghiên cứu chưa được tiến hành như một cách nghiên cứu khoa học.
Thế nào là nghiên cứu tâm lý học như một khoa học?
Đó là khi công việc nghiên cứu được tiến hành với đối tượng rõ ràng và
có phương pháp đặc trưng cho công việc tiếp cận đối tượng nghiên cứu của
mình. Hai tiêu chí, “đối tượng” và “phương pháp” là hòn đá thử vàng phân biệt
“khoa học” và “không khoa học”. Bằng hai tiêu chí đó, ta mới làm ra những
sản phẩm của nghiên cứu khoa học.
Theo cách khoanh vùng như thế, đối tượng nghiên cứu của tâm lý học
phải là những sự kiện tâm lý. Song thế nào là sự kiện tâm lý? Sự kiện tâm lý
bao gồm những gì? Đó là những tình cảm, những ý nghĩ và những hành vi
của con người trong đời sống tự nhiên hàng ngày. Những sự kiện tâm lý đó


mới đầu được nghiên cứu tập trung ở con người, nghiên cứu từ số lượng nhỏ
tiến dần lên số lượng lớn, mới đầu còn nhằm vào những hiểu biết hạn hẹp,
sau mở rộng sang sự hiểu biết về cung cách tư duy, cung cách cảm nhận và
phương cách hành động đặc trưng cho con người thuộc những kiểu người
khác nhau, những nhóm người khác nhau, những xã hội khác nhau…
Việc tìm hiểu tâm lý con người ngày càng mở rộng theo tầm hoạt động
người, những nghiên cứu tâm lý học được trải rộng theo chiều ngang – mà
ban đầu là công việc tiến hành nghiên cứu hành vi tự nhiên của người theo
trục tâm lý – sinh lý – thần kinh, sau đó thì nghiên cứu song song giữa hành vi
người và hành vi động vật, để có hẳn tâm lý học động vật, qua đó mà hiểu rõ
hơn nữa các phản xạ, các tri giác, cảm xúc và tính cách con người và thành

tựu hiểu biết tâm lý người lại càng phong phú một khi các công trình nghiên
cứu não bộ càng ngày càng sâu sắc lên.
Cũng vẫn theo cái trục chiều ngang theo bề mặt đó, lâu dần các nghiên
cứu tâm lý con người từ những sự kiện (hành vi) riêng rẽ sẽ được nổi lại với
nhau trong những tìm tòi mang tính chất “cắt nghĩa” lý giải bằng những nghiên
cứu nhân cách chủ quan trọn vẹn (tiểu sử, phương cách phát triển, cách học
tập, cách sản xuất, cách quan hệ với kẻ khác, cách thoả mãn các nhu cầu cá
nhân…). Thế là, cũng theo trục bề mặt (hàng ngang) sẽ phải xuất hiện những
nghiên cứu tâm lý học ngôn ngữ, tâm lý học dân tộc, tâm lý học xã hội. thậm
chí cả tâm lý học tính dục… Thế rồi, một khi đã đi vào chiều sâu nhân cách,
bắt buộc các nghiên cứu tâm lý học theo bề ngang sẽ phải đi vào chiều sâu
của cái vô thức, cái ý thức, cái tiềm thức của con người…
Trong sự phát triển đối tượng nghiên cứu tâm lý học theo chiều ngang
này cũng hàm chứa cả phương pháp nghiên cứu: nếu như ban đầu các nhà
tâm lý học đều xuất thân triết học, dần dà họ sẽ được nối tiếp bởi các nhà triết
học xuất thân từ nhiều bộ môn khác, nhất là từ y học – mãi tới cuối thế kỷ XIX
sang đầu thế kỷ XX, những nhà tâm lý học lớn cũng vẫn xuất thân từ một
hoặc nhiều bộ môn khác với tâm lý học…, để rồi đến thời hiện đại sẽ còn có
cả những công trình tâm lý học của các nhà công nghệ thông tin… Thế rồi, có


lẽ sự mầy mò táo tợn hơn cả về tâm lý học hiện đang nằm ở lĩnh vực tìm tòi
tâm lí học sáng tạo của con người thông qua những con người kiệt xuất… và
thông qua cả những so sánh giữa họ với chứng điên và những nhà “bác học
ngu xuẩn” (những savan idiot theo cách dùng chữ của Howard Gardner). Và
chưa hết, cái “mạch táo tợn” theo chiều ngang đó sẽ còn đi sang tâm lý của
công việc sáng tạo nghệ thuật, nơi hoà trộn cả sáng tạo lẫn điên khùng, cả
sáng suốt lẫn mù mờ, cà hoà nhã lịch thiệp lẫn ba que xỏ lá…
Sứ mệnh của tâm lý học như được nêu bên trên không hình thành
trong một lần, không hiện ra rõ ràng ngay một lúc, mà tiến triển dần dần. Có

nghĩa là ngoài sự phát triển theo chiều ngang như vừa được phác qua bên
trên, tâm lý học còn có một chiều dọc lịch sử của mình.
Tới đây để thuận tiện cho bạn, mà cũng là chuyện của người phúc ta,
tôi xin mách một cuốn sách hay để bạn tự đọc: cuốn Nhập môn lịch sử tâm lí
học của B. R. Hergenhahn, qua ngòi bút một dịch giả tuyệt vời, ông Lưu Văn
Hy.
Đây là một cuốn sách hay vì nó đầy đủ mà không cồng kềnh, vì nó nói
nhiều điều mà không dư thừa. Có nghĩa là nội dung được nó kể lại theo trình
tự xuất hiện trong lịch sử đã được diễn đạt một cách kiệm lời. Về thuật ngữ,
bản dịch của dịch giả Lưu Văn Hy cho thấy ngôn ngữ của ông khá tương hợp
với những công trình dịch thuật già dặn của Bùi Văn nam Sơn: chúng vừa đủ
cổ điển để nói được một cách hàm súc những khái niệm bao quát (mà lời nói
thuần Việt khó chứa đựng hết) song bạn đọc vẫn không cảm thấy mình bị rơi
vào một trường Hán học câu nệ và lủng củng; chúng lại vừa sáng sủa mới mẻ
để bạn đọc nhận ra qua những thuật ngữ mới một sức chứa khá đầy đủ
những nội dung hiện đại xa lạ cần phải chuyên chở.
Nếu có thấy nó thiếu chút gì, chắc chắn chỉ thấy cuốn sách của
Hergenhahn thiếu hẳn phần nói về những đóng góp của các nhà tâm lý học
Xô Viết mà thôi.


Bên cạnh sự quá đầy đủ của cuốn sách tâm lý học nói trên theo trục
thông sử, cuốn sách đó cũng không thể thoả mãn chúng ta khi đòi hỏi của
chúng ta chỉ là về một nhánh của cái thông sử kia: nhánh tâm lý học giáo dục.
Nhưng đó lại là câu chuyện mà chính cuốn sách này, do tôi soạn, sẽ
phải đề cập.
-3Và bây giờ xin bạn đọc cho tôi được trình bảy quan niệm của mình đối
với việc sử dụng những tư liệu lịch sử tâm lý học.
Xưa nay, thường vẫn có sự lẫn lộn giữa Lịch sử (những sự kiện diễn ra
trong đời) và Sử học (khoa học ghi chép các sự kiện lịch sử). Sự lẫn lộn có

lúc kéo dài sang cả địa hạt tiểu thuyết lịch sử và sách giáo khoa lịch sử.
Để hiểu cho đúng khái niệm, trước hết cần phân biệt lịch sử với những
bộ môn tự nhận là có sứ mệnh diễn đạt lịch sử.
Hình thù của nhân vật có tên lịch sử hoàn toàn là những điều diễn ra có
thực trong đời thực. Thực đến độ có thể kể lại được (Sử) và kể lại được theo
dòng thời gian (Lịch) mọi biến cố tự cổ chí kim của cuộc sống con người, cả
con người ở đơn vị cá thể cũng như đơn vị cộng đồng.
Chuyện rắc rối nằm đúng ở chỗ “kể lại được” ấy: vì cái nhân vật có tên
là Lịch Sử chỉ biết “làm” rồi ỉm đi, câm lặng mất hút như Thời gian, không biết
“báo cáo”. Không “báo cáo miệng” được đã đành, ngay cả “báo cáo viết” cũng
rất lộn xộn. Có những “bằng chứng” đào từ dưới đất sâu lên, đem đo xem nó
“sống” vào hồi nào, thì ngay với cách đo đáng tin cậy bằng phóng xạ C–14 thì
độ sai lệch cũng vừa phải thôi: chừng 5730 năm (cộng trừ 40 năm nữa)! Thế
là, đuổi theo cuộc đời thực của anh Lịch sử, có cả loạt nhân vật ăn theo tìm
cách viết báo cáo hộ. Trong việc làm thay này có cả thực lẫn giả, có cả loại
nửa nạc nửa mỡ, nên điều quan trọng là cần điểm mặt ngay bản chất của
mấy “anh” tác giả sau:
anh có tên Sử học, tự coi mình là người duy nhất nhớ được và ghi chép
được chân dung lịch sử một cách trung thành, chính xác; nhưng thế nào là


“trung thành” và chính xác” khi Sử học lại liên quan chặt chẽ đến nhà sử học
là những cá nhân tuy vĩ đại, có con mắt nhìn thấu nhiều thế kỷ, song cũng vẫn
cứ là những con người với đủ các thói hư tật xấu;
anh có tên Tiểu thuyết lịch sử, tự coi mình là người làm “sáng tỏ” được
những góc khuất tâm lý người và tâm lý xã hội: nơi anh Lịch sử không thể
hoặc không dám hé răng; anh này lại càng sinh chuyện và gây rắc rối nữa, chỉ
vì anh ta không nói năng lối trực diện như nhà sử học mà nói theo lối vòng vo
bằng biểu trưng của nhà tiểu thuyết, càng gây hiểu nhầm cho bạn đọc, anh ta
càng rung đùi khoái trá,

và sau nữa là anh Giáo khoa lịch sử, chú em út ngờ nghệch hơn cả bị
cả nhà sử học lẫn nhà tiểu thuyết lịch sử bắt nạt, bị cường quyền đã tan trong
lịch sử bắt phải theo và bị cả cường quyền đương thời bắt ca tụng… song
chính chú út này lại thường bị coi là kẻ thủ phạm chính gây ra nạn học sinh –
thế hệ con đẻ của lịch sử và cũng là kẻ làm ra lịch sử – dửng dưng khước từ
tinh hoa của cả tông tộc lẫn giống nòi.
Trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý, cũng xảy ra chuyện tương tự.
Những nghiên cứu tâm lý thảy đều tiến hành từ xa xưa và công việc
diễn ra ở khắp nơi. Nhưng khi diễn tả lại trong Lịch sử Tâm lý học thì lại có
nhiều cách tiếp cận. Có cách diễn đạt lại đánh đồng sự kiện nghiên cứu tâm
lý vào với dòng triết học, theo dòng chủ đề, theo dòng “liên ngành”, theo dòng
cá nhân, theo dòng tập thể, thậm chí tuỳ thích còn đi cả theo dòng “tổ chức”
nữa (thí dụ đi theo những Hội nghị quốc tế tâm lý học kể từ Hội nghị lần thứ 1
từ ngày 6 đến 10 tháng 8 năm 1889 ở Paris đến hội nghị lần thứ XXII từ ngày
6 đến 12 tháng 7 năm 1980 ở Leipzig)…
Nhưng nghiên cứu tâm lý học lại là miếng mồi béo bở cho những tiểu
thuyết tâm lý, được các nhà nghiên cứu tự tiện xếp hạng, cuốn này viết theo
kiểu Freud, cuốn kia viết theo ảnh hưởng của Lacan… Dẫu sao thì tiểu thuyết
vẫn mang dấu ấn cá nhân nhà văn và tôi xấu khen chê họ đều không quan
tâm lắm. Nhưng đến sách giáo khoa tâm lý học thì thật cả một mớ bòng bong,


mà nguy hại đến độ gây hốt hoảng là những “kiệt tác”, của các nhà tâm lý học
mà sách này có lúc sẽ lôi ra ánh sáng một vài chú để làm bài học soi chung.
Vì thế sách này chủ trương một đường lối xem xét lịch sử tâm lý học
như sau:
Một là, tập trung vào những công trình trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn tới
những ứng dụng tâm lý học giáo dục và là giáo dục cho trẻ em bình thường
chiếm ít nhất 95% dân số trẻ em;
Hai là, tập trung vào những công trình bộc lộ phương pháp nghiên cứu

hô hào một cung cách nghiên cứu mang tính thực chứng, không hàm hồ,
không áp đặt;
Ba là, do sức có hạn, phạm vi chọn lựa sẽ rơi vào ba nhà kinh điển thể
hiện được hai tiêu chuẩn dắt dẫn cách làm việc của riêng tôi:
Một người là Wilhelm Maximilian Wundt, nhà bách khoa của thế kỷ XIX:
người thể hiện tinh thần “Khai sáng” theo định nghĩa của Immanuel Kant
nhưng lại phải dũng cảm chấp nhận những thách thức khoa học do chính
Kant áp đặt cho thời đại, để tạo dựng một phòng nghiên cứu tâm lý học thực
nghiệm đầu tiên của loài người, qua đó tạo ra phương pháp nghiên cứu tâm
lý đặc trưng cho môn học, toả được ảnh hưởng mạnh mẽ khắp châu Âu và
sang cả Mỹ.
Tiếp theo là Edward Lee Thorndike, cũng là một nhà bách khoa chuyển
mạnh sang nghiên cứu tâm lý học thực nghiệm, người đã dùng những thành
tựu nghiên cứu tâm lý học động vật để đưa ra những quy luật về huấn luyện
và luyện tập đủ sức áp dụng sang cả việc học của con người, người đầu tiên
vào năm 1910 đã ra tuyên ngôn Tâm lý học áp dụng vào Giáo dục.
Và cuối cùng, là Jean Piaget, một thiên tài bẩm sinh, một nhà sinh vật
học chuyển sang nghiên cứu tâm lý học, người suốt đời nghiên cứu trẻ em và
đưa ra những quy luật tự học cũng là những quy luật hình thành trí khôn của
con trẻ, không những đủ sức vận dụng vào tổ chức việc học của trẻ em, mà
còn mở đường cho khoa tri thức luận biến sinh đủ sức để nhiều thế hệ nhà


tâm lý học khác tiếp tục cuộc hành trình dài dặc và hấp dẫn đi vào sự phát
sinh tâm lý người.

Chương 2. THỜI KHAI SÁNG VÀ NHÀ TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
ĐẦU TIÊN WILHELM MAXIMILIAN WUNDT
Chúng ta không tài nào nói đến phòng thực nghiệm tâm lý học đầu liên
của loài người đặt tại nước Đức thế kỷ thứ XIX do Wundt đứng đầu mà lại

không nhắc đến bối cảnh công nghiệp hoá với những tác động mãnh liệt tới
con người đã diễn ra trên sân khấu châu Âu (và châu Bắc Mỹ).
Liên quan đến bối cảnh công nghiệp hoá, chúng ta còn phải bắt gặp
tính hai mặt của cuộc sống: những tiến bộ trong sản xuất khiến cho cuộc sống
của con người cũng được nâng lên một bước đáng kể – nói theo cách đã
quen miệng thời nay – và kèm theo mặt phải của cuộc sống nâng cao do là
một mặt trái đen tối tưởng như không thể có lối thoát. Chúng ta cùng phải
xem xét những mối quan hệ người trong bối cảnh công nghiệp hoá kia và sẽ
thấy rõ sẽ mất mát của chất người lý tưởng là cái sẽ dẫn tới “cuộc nổi loạn”
do Immanuel Kant phác ra có tên là Khai sáng (tiếng Đức là Aufklarung, tiếng
Anh là Enlightenment), một cuộc cách mạng về văn hoá–tư tưởng lấy sự giải
phóng con người cá nhân làm đích đi tới.
Ta này bắt đầu với bối cảnh công nghiệp hoá…
-1Bạn đã khi nào coi bộ phim Thời đại mới của ông vua phim hề Charles
Chaplin chưa nhỉ?
Ngay từ đầu phim, bạn sẽ bị sốc vì tác giả cố tình tạo ra ấn tượng thời
đại công nghiệp hoá bằng cảnh giờ tan tầm. Những con người hết giờ lao
động ở xí nghiệp, mệt nhoài, những con người giả định đã bị rút hết năng
lượng sống trong nhà máy, những con người chỉ còn là những bã người chen
chúc nhau đi ra khỏi nhà máy như là những phế thải người mang những
gương mặt vô cảm…


Thế rồi, liền đó, Charles Chaplin cho cả đám người ấy biến hoá luôn
sang những hình hài khác: trên phim, thay cho những bã người nhưng dẫu
sao thì vẫn còn hình hài người đang chen nhau đi ra khỏi nhà máy kia, họ
bỗng bị biến thành những con lợn trắng hếu, “chúng lợn” cũng chen chúc
nhau mà đi và tuy chẳng biết mình sẽ đi đâu về đâu, song cũng vẫn cứ vô
cảm và mải mê chen chúc…
Còn trong dây chuyền sản xuất, bạn sẽ được gặp một chàng công nhân

Charles Chaplin bị kẹt trong dây chuyền, kẹt giữa những bánh răng của
guồng máy sản xuất công nghiệp. Vậy mà anh ta vẫn có gương mặt cười,
hoặc nói cho đúng, anh ta vẫn mang gương mặt như là lúc nào cũng cười,
như thế muốn nói với chúng ta không cuối thì mếu à?
Theo những tài liệu chính thức, cuộc công nghiệp hoá được bắt đầu ở
nước Anh từ khoảng cuối thế kỷ XVIII (quãng 1870, nói chắc được niên đại
đó là vì nó gắn với sự ra đời hoàn thiện của máy hơi nước). Sang đầu thế kỷ
XIX thì công cuộc công nghiệp hoá lan sang lục địa châu Âu. Đến năm 1868,
vua Minh Trị nước Nhật cũng bắt đầu mở cửa cho làn sóng công nghiệp
phương Tây tràn vào xứ mặt trời mọc. Trong cuốn sách về Công nghệ dạy
văn của tôi, có vài ba trang nói tới cuộc công nghiệp hoá thú vị và nực cười ở
nước Nhật khi đó, nếu tiện xin bạn tham khảo.
Tại tất cả các quốc gia công nghiệp hoá hồi thế kỷ thứ XVIII và XIX ta
đều được chứng kiến ba hiện tượng đặc trưng: một là sự du nhập máy hơi
nước mở đầu cho cả tiến trình cơ khí hoá công việc sản xuất, hai là, sự thay
thế công việc sản xuất tiêu thủ công tràn lan khắp vùng nông thôn bằng công
việc sản xuất thủ công nghiệp tiến hành ở thành thị; và ba là, sự xuất hiện hai
tầng lớp (hai giai cấp xã hội) vừa đối lập nhau mà lại vừa phụ thuộc lẫn nhau,
giai cấp tư bản và giai cấp công nhân, và điều thú vị, ấy là cả ba yếu tố đặc
trưng này rồi sẽ dẫn tới nhu cầu nghiên cứu tâm lý học.
Máy hơi nước vốn dĩ là một phát minh từ năm 1690 của một ông người
Pháp tên là Denis Papin. Nhưng máy đó lại được một ông người xứ Scotland
nước Anh – ông James Watt – cải tiến thêm ở hai chi tiết quan trọng: bộ nén


khí và hệ thống pít–tông đẩy luria phiên theo chu kỳ. Sau khi hoàn thiện, máy
hơi nước nghiễm nhiên tham gia ngay vào tiến trình đổi mới cuộc sống. Máy
hơi nước rồi sẽ “sinh ra” máy phát điện; song trong lúc chờ đợi công việc điện
khí hoá, chính máy hơi nước mới là nhân vật anh hùng tạo điều kiện cho việc
cơ giới hoá các công việc sản xuất.

Công việc sản xuất đầu tiên cơ giới hoá lợi dụng nguyên lý máy hơi
nước là những ngành công nghiệp nhẹ do bỏ vốn thấp và thu hồi vốn nhanh,
do quy trình đào tạo công nhân giản đơn đỡ tốn tiền (ngành thuốc lá, thuộc
da, dệt, diêm, đồ uống,…). Bạn đã đọc tiểu thuyết Carmen chưa và đã coi vở
ca kịch của Bizet viết theo nội dung tiểu thuyết Carmen chưa? Trong câu
chuyện này có hẳn một nhà máy sản xuất thuốc lá đất Cô Carmen áo đỏ váy
đỏ múa như rực lửa trên sân khấu tham gia vào mối tình với một anh chàng
làm ở chính nhà máy sản xuất thuốc lá hồi thế kỷ XIX ở nước Tây Ban Nha!
Công việc sản xuất da thuộc cũng cơ giới hoá như ngành thuốc lá.
Trước đây người ta giết súc vật xong thì từng gia đình tự thuộc da rồi đem
cho các bác thợ giầy hoặc chở đến nhà máy cho họ thu mua. Bây giờ, thịt gia
súc xong thì chỉ việc cho da thô hôi rình chưa thuộc đến nhà máy, họ sẽ làm
hết: không ở đâu công việc cơ giới hoá nền sản xuất làm con người giảm nhẹ
sức lao động và mùi hôi hám như ở lĩnh vực thuộc da này. Và không chỉ
thuộc da! Trước đây, việc đóng giầy dép đều tiến hành lối thủ công ở ngay
nông thôn. Các bác thợ giầy vừa làm vừa vui chuyện, sau rồi cũng quăng việc
đóng giầy cho nhà máy, riêng mình thì đi làm việc khác vui hơn, nhiều tiền
hơn, mặc dù bớt đi cơ hội ba bác thợ giày gần gũi nhau bàn chuyện Khổng
Minh!
Và trong ngành dệt cũng vậy. Trước đây, công việc dệt vải làm theo lối
thủ công ở gia đình, chiếc thoi do một bàn tay ném đi ném lại, đẹp thì có đẹp,
duyên thì có duyên, nhưng năng suất kém, lại tốn sức nữa, con cò mấp máy
suốt đêm thâu mà liệu mỗi khung dệt thủ công một đêm cho ra mấy tấc vải?
Bây giờ nhà máy dệt được đặc trưng bằng dáng những con thoi chạy như tên
bắn và âm thanh túc tắc túc tắc ầm vang cả một góc thành phố. Người thợ


×