Tải bản đầy đủ (.ppt) (29 trang)

Chuyền Đề Phương Pháp Giảng Dạy Thơ Văn Hiện Đại Trong Chương Trình THCS

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (251.22 KB, 29 trang )

PHÒNG GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO QUẬN 8
TRƯỜNG THCS TÙNG THIỆN VƯƠNG
NHÓM NGỮ VĂN 9
CHUYÊN ĐỀ

PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
THƠ VĂN HIỆN ĐẠI TRONG
CHƯƠNG TRÌNH THCS
GIÁO VIÊN TRÌNH BÀY: LÊ BẢO AN


A- ĐẶT VẤN ĐỀ:
1. Lời mở đầu:
- Văn học chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Nhà văn
M.Gooc-ki đã nói: “Văn học giúp con người hiểu được bản
thân mình và làm nảy nở ở con người những khát vọng, hướng
tới chân lý”. Văn học còn xây dựng trong các em niềm tin vào
cuộc sống con người, trang bị cho các em vốn sống, hướng các
em vươn tới đỉnh cao của chân, thiện, mĩ.
- Trong nhà trường THCS, GV dạy Ngữ Văn có nhiệm vụ
hướng dẫn HS đi tìm, lĩnh hội được đầy đủ cái hay, cái đẹp
của tác phẩm.
- Việc giảng dạy tác phẩm văn xuôi hiện đại Việt Nam đạt
hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh
có khả năng cảm thụ tác phẩm, hình thành kĩ năng nói (kể
chuyện người thật việc thật, kể chuyện sáng tạo…), rèn luyện
yếu tố miêu tả nội tâm, tóm tắt văn bản tự sự…


-Dạy học thơ sẽ góp phần bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc, thị
hiếu thẩm mĩ, tình cảm thẩm mĩ cho HS. Hiểu được các bài


thơ một cách thấu đáo và giảng dạy như thế nào để HS cảm
thụ được cái hay cái đẹp của văn chương, tạo được sự rung
cảm, bồi đắp được tâm hồn, trí tuệ cho HS là vấn đề quan
trọng được nhiều người quan tâm và là vấn đề mà rất nhiều
GV đứng lớp trăn trở.
- Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông, báo chí và
trong nhiều hội nghị cùa ngành GD và ĐT, người ta đã bàn
thảo rất nhiều về việc đổi mới phương pháp dạy-học văn. Có
thể nói văn học ở THCS đa dạng và phong phú về thể loại
nhưng ở đây tôi chỉ xin phép đề cập đến một số vấn đề giảng
dạy thơ văn hiện đại để giúp các em cảm nhận cái hay, cái
đẹp của tác phẩm.


2.Thực trạng:
Nhìn vào thực tiễn việc dạy và học văn hiện nay, có
một thực trạng đáng buồn là đại đa số HS đều dửng
dưng, lạnh nhạt với bộ môn Văn. Chất lượng dạy và
học bộ môn văn có biểu hiện của sự đi xuống.
Việc tìm hiểu văn bản thì khả năng, năng lực cảm
thụ của các em còn rất nhiều hạn chế. Mặt khác, do
định hướng chọn nghề nghiệp của HS sau này, nhiều
bậc cha mẹ HS đã hướng cho con em mình thiên về
học các môn thuộc lĩnh vực KHTN. Bởi vậy, các em
chỉ thích nghe thầy cô giảng văn mà ít quan tâm đến
việc nâng cao hiệu quả học văn.


B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
1.Sơ lược về thơ văn hiện đại:

Thế kỉ XIV-XVII được xem là thời kì huy
hoàng và thịnh vượng của văn học trung đại
Việt Nam kéo dài đến cuối thế kỉ thứ XIX.
Sự hình thành thời đại mới của văn học Việt
Nam gắn chặt với sự ra đời và hoàn thiện chữ
quốc ngữ. Đây là điều kiện thuận lợi cho nền
văn học mới hình thành và phát triển.


Giai đoạn văn học sau 1945, văn thơ tập trung
phản ánh không khí hồ hởi mê say khi đất nước mới
dành độc lập, ca ngợi “cuộc tái sinh màu nhiệm” của
dân tộc,phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp. Văn
học gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng
chiến, hướng tới khám phá sức mạnh và phẩm chất tốt
đẹp của quần chúng công nông binh, thể hiện niềm tự
hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của
kháng chiến.Hình ảnh người lao động, những đổi thay
của con người trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã
hội với cảm hứng lãng mạn, lạc quan tràn ngập trong
các trang văn thơ.


Từ năm 1965, cao trào sáng tác viết về
cuộc kháng chiến chống Mĩ trong cả nước với
chủ đề bao trùm: tinh thần yêu nước, ngợi ca
chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Sau 1975, nước nhà hoàn toàn độc lập,
thống nhất, văn học vận động theo hướng dân
chủ hoá, mang tính nhân văn và nhân bản sâu

sắc với đề tài phong phú, đa dạng, phản ánh mối
quan hệ phức tạp của đời sống cá nhân, thậm chí
cả đời sống tâm linh.


2.Các giải pháp giảng dạy thơ hiện đại:
Muốn giảng dạy và học tập thơ có kết quả, đảm bảo được
những yêu cầu chung của bộ môn, giáo viên và học sinh phải thực
hiện tốt các khâu sau:
a- Khâu về nhà:
_ Hướng dẫn đọc: Giáo viên hướng dẫn học sinh về hình thức
bài thơ, thể loại, cách ngắt nhịp, gieo vần, dặn các em về nhà luyện
đọc.
_ Soạn bài: Soạn theo hệ thống câu hỏi trong phần đọc - hiểu
văn bản. Nhưng hệ thống các câu hỏi trong sách giáo khoa phần
lớn là có tính tổng hợp nhiều ý, học sinh có khi không hiểu hết,
không trả lời được. Giáo viên nên hướng dẫn các em ngắt ra từng
ý, hướng dẫn các em trả lời theo ý trong nội dung bài học. Lúc đầu
hơi khó, có thể mất nhiều thời gian cho chuẩn bị bài nhưng về sau
các em quen dần và tạo thành nếp. Từ đó sẽ rèn luyện cho các em
có kỹ năng soạn bài có hiệu quả hơn.


b- Khâu trên lớp:
Để thực hiện khâu giảng dạy trên lớp đạt kết quả tốt, đòi hỏi
giáo viên phải nghiên cứu và soạn bài kỹ. Nghĩa là giáo viên phải
dành nhiều thời gian đầu tư suy nghĩ trong việc soạn giáo án. Giáo
viên phải nắm vững phương pháp, vận dụng biện pháp thích hợp
cho từng đối tượng. Giáo viên phải dùng câu hỏi gợi mở thật sát để
khơi dậy khả năng hiểu biết và cảm thụ thơ của các em từ thấp đến

cao.
b.1- Giáo viên phải hướng dẫn đọc diễn cảm từng bài thơ, thể
loại, cách ngắt nhịp, lúc nào cần kéo dài, lúc nào cần lên cao hoặc
hạ thấp giọng. Trước khi phân tích bài thơ, giáo viên đọc diễn cảm
(có thể ngâm thơ hoặc hát, nghe băng bài hát - nếu cần thiết), để có
sức hấp dẫn, lôi cuốn các em đi vào tìm hiểu văn bản.
b.2 Hệ thống câu hỏi: Giáo viên dùng hệ thống câu hỏi gợi mở
có tính lô gic từ thấp đến cao, từ dễ đến khó và phù hợp với từng
đối tượng học sinh.


b.3: Biện pháp phân tích:
_ Giáo viên cần chú ý đến đối tượng học sinh, từng thể loại tác
phẩm, từng bài cụ thể để dùng biện pháp cắt ngang hoặc bổ dọc.
Ví dụ: Khi phân tích bài thơ “Đồng chí” – Chính Hữu (Ngữ văn 9),
giáo viên nên dùng biện pháp cắt ngang. Khi phân tích cắt ngang tác
phẩm, giáo viên phải hướng dẫn các em tìm bố cục, tìm tiêu đề của từng
phần rồi đi vào phân tích.
_ Hết mỗi phần giáo viên hệ thống ghi bài và chuyển sang phần kế
tiếp để bài giảng mạch lạc. Nếu giáo viên chỉ căn cứ theo câu hỏi trong
sách mà không có sự sáng tạo thì bài giảng sẽ rời rạc.
Ví dụ: Khi phân tích bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” –
Phạm Tiến Duật (Ngữ văn 9), giáo viên nên dùng biện pháp bổ dọc.
Cách phân tích này phù hợp với cấu trúc bài thơ. Vì bài thơ đã thể hiện
hai hình ảnh nổi bật: hình ảnh những chiếc xe không kính và hình ảnh
người lính lái xe. Sau đó giáo viên cũng dùng hệ thống câu hỏi gợi mở
(từ dễ đến khó phù hợp với trình độ học sinh) giúp các em cảm thụ cái
hay cái đẹp về tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam
trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt được thể hiện qua bài thơ.



_ Khi khai thác bài thơ, giáo viên nên hướng dẫn các em đi từ hình thức
đến nội dung để các em thấy dược sự phong phú về nghệ thuật trong thơ.
Ví dụ: Trong bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh có câu:
“ Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Chỉ có hai câu thơ mà tác giả sử dụng rất tài tình bút pháp miêu tả thực
và ẩn dụ. Sấm mùa hạ bớt đi khi sang thu. Bởi vậy hàng cây không còn mấy
khi bị giật mình, đột ngột. Nhưng đó còn là những âm vang, va động bất
thường của ngoại cảnh, cuộc đời và ở những con người từng trải thì tất
nhiên sẽ vững vàng, trầm tĩnh hơn.
_ Trước khi kết thúc bài giảng, giáo viên phải có phần tổng kết bằng
cách đặt câu hỏi nâng cao.
Ví dụ: Qua bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ ” – Thanh Hải ta có thể đặt câu
hỏi nâng cao:Em có suy nghĩ gì về điều tâm niệm của nhà thơ? Từ đó hãy
liên hệ nói lên suy nghĩ của em về lí tưởng sống và vai trò của thế hệ trẻ
hiện nay. Những câu hỏi nâng cao như thế có tác dụng khơi gợi suy tư sâu
sắc của các em về hình tượng nhân vật trong bài thơ. Từ đó giáo dục tư
tưởng tình cảm cho các em rất tốt.


_ Ngoài ra giáo viên còn phải nhắc nhở các em tích luỹ vốn văn học
bằng cách chép những đoạn thơ, bài thơ hay vào sổ tay văn học làm tư
liệu sau này.
_ Giáo viên còn phải biết khai thác chi tiết trọng tâm còn gọi là điểm
sáng của bài thơ để xoáy sâu.
Ví dụ: Bài thơ “Sang thu” nói lên cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu
Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, đó là điểm
sáng được thể hiện qua các câu thơ:
“ Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”
Đây là hình ảnh thơ vô cùng đặc sắc. Ta hình dung đám mây lơ lửng
kia như được treo trên một sợi dây vô hình. Đó là sợi dây của thời gian.
Thời gian kéo đám mây nhích dần về phía mùa thu nhưng mùa hạ vẫn
còn làm nó xao xuyến, lưu luyến, chưa muốn rời đi. Đám mây được nhân
hóa với dáng vẻ “vắt nửa mình sang thu” thật mềm mại, duyên dáng,
trông nó như là nhịp cầu của sự giao mùa. Ranh giới từ hạ sang thu vốn
mong manh, mơ hồ bỗng trở nên cụ thể qua hình ảnh đám mây.


_ Khi phân tích thơ cũng cần chú ý khai thác theo
mạch cảm xúc của bài thơ.
Ví dụ: Bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh
Hải mạch cảm xúc bắt đầu từ bức tranh mùa xuân
thiên nhiên của xứ Huế, tác giả đã nói đến mùa xuân
của mỗi người trong mùa xuân lớn của đất nước, thể
hiện khát vọng được dâng hiến “mùa xuân nho nhỏ”
của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung.
Trong bài dạy giáo viên hướng dẫn các em tìm hiểu
nội dung của văn bản theo mạch cảm xúc ấy, giúp
học sinh có thể cảm thụ tác phẩm dễ dàng hơn.


3. Các giải pháp giảng dạy truyện hiện đại:
Khi phân tích một truyện hiện đại, để giúp học sinh cảm
nhận sâu sắc giá trị nội dung của tác phẩm, ngoài việc cung
cấp để học sinh nắm chắc kiến thức về thân thế, sự nghiệp
sáng tác của tác giả, hoàn cảnh lịch sử, xuất xứ cũng như động
cơ, mục đích viết tác phẩm của nhà văn thì giáo viên cần đặc
biệt chú ý hướng dẫn học sinh theo những giải pháp quan

trọng sau.
3.1- Hướng dẫn học sinh nắm vững sự phát triển của tình
tiết (cốt truyện): Học một tác phẩm truyện trước hết phải nắm
được diễn biến của câu chuyện, tức là phải tóm tắt được cốt
truyện
Ví dụ: Khi phân tích truyện ngắn“Làng” của Kim Lân, giáo
viên cần hướng dẫn học sinh thấy được đây là một tác phẩm
có cốt truyện phát triển theo diễn biến tâm lý nhân vật ông
Hai.


3.2- Hướng dẫn học sinh nắm tình huống quan trọng của
truyện:
Tình huống có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện
tính cách và số phận nhân vật, thể hiện chủ đề của tác phẩm.
Ví dụ: Văn bản “ Chiếc lược ngà” được viết theo cách truyện
lồng trong truyện mà phần chính là chuyện của bác Ba kể về câu
chuyện của cha con ông Sáu.Truyện thể hiện tình cha con sâu sắc
trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh của hai cha con ông Sáu
trong hai tình huống:
+ Hai cha con ông Sáu gặp nhau sau tám năm xa cách nhưng
thật trớ trêu là bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra và biểu
lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu phải ra đi. Đây là tình huống cơ
bản của truyện.
+ Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong
nhớ đứa con vào việc làm cây lược ngà để tặng con, nhưng ông đã
hi sinh khi chưa kịp tặng lược cho con.


3.3- Hướng dẫn học sinh cảm thụ sâu sắc, đánh giá

được đúng đắn nhân vật qua các chi tiết tiêu biểu trong
tác phẩm:
Nhân vật trong tác phẩm là người chở nội dung, phản
ánh tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, là nơi kí thác quan niệm
về con người, về nhân sinh của nhà văn. Bởi thế, phân tích
nhân vật là con đường quan trọng nhất để đi đến giá trị hiện
thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm, để nhận ra lí tưởng
thẩm mĩ của nhà văn
Ví dụ: Nếu nhân vật anh thanh niên trong truyện “ Lặng
lẽ Sa Pa” chỉ là“ một bức chân dung” ( theo cách nói của
tác giả) thì những nhân vật bé Thu ( trong “ Chiếc lược
ngà”), Phương Định ( trong “ Những ngôi sao xa xôi”),
ông Hai( trong “ Làng”) lại là những nhân vật được khắc
họa khá rõ về tính cách và nội tâm.


Có thể lần lượt xem xét nhân vật thông qua các phương
diện sau:
+ Lai lịch:
+ Ngoại hình:
+ Ngôn ngữ:
+ Nội tâm:
+ Cử chỉ, hành động.
+Lời các nhân vật khác về nhân vật
Tuy nhiên, không phải nhân vật nào cũng được nhà văn thể
hiện đầy đủ các phương diện này (lai lịch, ngoại hình, ngôn
ngữ, nội tâm, cử chỉ, hành động, qua lời của nhân vật khác).
Vì thế, tùy trường hợp mà cần biết tập trung, xoáy sâu vào các
phương diện thành công nhất của tác phẩm.
Khi phân tích nhân vật không chỉ dừng lại ở chỗ phân tích

mà tổng hợp, khái quát lại, đi sâu vào ý nghĩa xã hội giáo dục
của hình tượng văn học


3.4 Hướng dẫn học sinh cảm và hiểu được cái hay, thú vị
trong lời kể của tác giả (hay chính là lời của người kể chuyện).
Lời kể chính là ngôn ngữ nghệ thuật của truyện. Phân tích lời
kể của tác giả thực chất là phân tích ngôn ngữ khi giảng truyện.
Ví dụ: Một trong những thành công của truyện ngắn “ Chiếc
lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là việc lựa chọn nhân vật
người kể chuyện thích hợp. Người kể chuyện là bạn của ông Sáu
đã chứng kiến cảnh ngộ éo le của cha con ông. Chọn nhân vật
người kể chuyện như vậy khiến cho câu chuyện trở nên đáng tin
cậy. Người kể chuyện lại hoàn toàn chủ động điều khiển nhịp kể
theo trạng thái cảm xúc của mình, chủ động xen vào những ý
kiến bình luận, suy nghĩ để dẫn dắt sự tiếp nhận của người đọc,
người nghe. ( Ví dụ: “Trong cuộc đời kháng chiến của tôi, tôi
chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chia tay, nhưng chưa bao
giờ tôi bị xúc động như lần ấy”).


3.5- Thuyết trình và giảng bình của thầy cô là
chất “men” gợi xúc cảm cho học trò về nhân vật..
Lâu nay trong một số giờ dạy văn giáo viên thường
thiên về phát vấn, chỉ hướng dẫn học sinh chia nhóm
thảo luận mà hầu như quên đi việc đưa thêm những
lời bình giảng. Và như vậy người thầy chưa truyền
tới học sinh cái hay, làm cho hình tượng văn học nằm
im trên trang giấy và cuối cùng không truyền được
ngọn lửa của tình yêu văn chương tới các em.



Ví dụ: Khi giảng bài “Những Ngôi sao xa xôi”, GV có thể
đưa ra những lời bình giảng để HS có thể cảm nhận sâu sắc
phẩm chất cao đẹp của những cô gái thanh niên xung phong:
Trường Sơn là nơi thử thách ý chí, khí phách con người Việt
Nam . Chính những con người như Phương Định, Thao, Nho
đã xướng nên bài ca tuyệt đẹp của “những bông hoa trên
tuyến lửa” anh hùng. Giữa sự ác liệt của chiến tranh, vẻ đẹp
của họ vẫn tỏa sáng. Sức trẻ, lòng yêu nước, khát vọng hòa
bình đã tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến gian khổ mà
anh hùng. Họ vốn chỉ là những con người rất đỗi bình thường
nhưng đã góp phần tạo nên những kì tích anh hùng cho dân
tộc:
“Em là người thanh niên xung phong
Không có súng chỉ có đôi vai tải đạn
Giữa tầm đạn thù tấm lòng dũng cảm
Em vượt đường dài tiếp thêm lửa chiến công”


C. KẾT LUẬN
Chuyên đề “Một số vấn đề giảng dạy thơ văn hiện
đại” góp phần nhỏ nâng cao chất lượng bộ môn đối
với học sinh. Đồng thời khơi dựng ở các em hứng thú
học văn, hứng thú khám phá tìm tòi hình tượng văn
học.
Kết quả và thành công của việc dạy tác phẩm văn
học nói chung, dạy thơ văn hiện đại nói riêng phụ
thuộc vào mức độ cảm thụ và hiểu của người thầy đối
với tác phẩm về mặt tư tưởng, nội dung và hình thức,

đồng thời phụ thuộc vào phương pháp dẫn dắt đưa học
sinh vào chiều sâu, nhận ra được vẻ đẹp của tác phẩm.


Phương pháp chúng tôi nêu trên chỉ là một
hướng chung để đi tìm lời giải, còn lời giải chính thức,
mỗi thầy cô có một cách lựa chọn riêng.
Trong một vấn đề tế nhị và phức tạp như vấn đề
giảng dạy tác phẩm thơ văn hiện đại, chúng tôi mong
những kinh nghiệm ít ỏi vừa trình bày ở trên sẽ là
những gợi ý đối với đồng nghiệp đang tìm tòi, nghiên
cứu để có phương pháp giảng dạy tác phẩm thơ văn
hiện đại đạt hiệu qủa cao góp phần nâng cao chất
lượng dạy- học văn nói riêng, chất lượng giáo dục của
quận 8 nói chung. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận
được ý kiến đóng góp chân thành, thẳng thắn từ quý
thầy cô


KÍNH CHÚC QUÝ THẦY CÔ
SỨC KHỎE - HẠNH PHÚC
VÀ THÀNH ĐẠT




×