Tải bản đầy đủ (.pdf) (75 trang)

Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thực tiễn di sản Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.14 MB, 75 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LÊ HUY HOÀNG

CHÍNH SÁCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TỪ THỰC TIỄN DI SẢN
QUAN HỌ TẠI TỈNH BẮC NINH

Chuyên ngành: Chính sách công
Mã số: 60 34 04 02

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. TRẦN THỊ AN

HÀ NỘI, 2017


LỜI CAM ĐOAN
Luận văn “Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật
thể từ thực tiễn di sản Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh” là kết quả quá trình nghiên
cứu của tôi cùng với sự hướng dẫn tận tình của PGS.TS Trần Thị An – người
hướng dẫn khoa học. Tôi xin cam đoan những kết quả nghiên cứu trong luận
văn là trung thực và không trùng lặp với các đề tài khác trong cùng lĩnh vực.
Những số liệu, thông tin trích dẫn trong luận văn đều được ghi rõ nguồn, tác
giả. Tôi xin chịu toàn bộ trách nhiệm về lời cam đoan của mình.

Tác giả luận văn


Lê Huy Hoàng


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1: Cơ sở lý luận về chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản
văn hóa phi vật thể ..........................................................................................7
1.1. Một số khái niệm ........................................................................................ 7
1.2. Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước
ta ...................................................................................................................... 10
1.3. Những nhân tố tác động đến chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản
dân ca Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh ................................................................... 19
Chương 2: Thực trạng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Quan họ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh............................................................25
2.1. Giới thiệu về tỉnh Bắc Ninh và di sản dân ca Quan họ ............................ 25
2.2. Các chính sách của tỉnh Bắc Ninh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản
dân ca Quan họ giai đoạn trước năm 2009 ..................................................... 29
2.3. Các giải pháp của tỉnh Bắc Ninh để thực hiện chính sách bảo tồn và phát
huy giá trị di sản dân ca Quan họ giai đoạn 2009 đến 2015 ........................... 35
2.4. Đánh giá về các chính sách và việc thực hiện chính sách bảo tồn và phát
huy giá trị di sản dân ca Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh ....................................... 43
Chương 3: Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát
huy giá trị di sản Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh...............................................51
3.1. Sự cần thiết, mục tiêu hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị
di sản dân ca Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh ......................................................... 51
3.2. Đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản
dân ca Quan họ ................................................................................................ 54
KẾT LUẬN .................................................................................................... 62
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 64
PHỤ LỤC .......................................................................................................68



DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
HĐND

Hội đồng nhân dân

Nxb

Nhà xuất bản

PGS

Phó Giáo sư

TS

Tiến Sỹ

TW

Trung ương

UNESCO

United Nations Educational Scientific and Cultural Organization
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc

UBND


Ủy ban nhân dân


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Là phương diện tồn tại và tự biểu hiện của một quốc gia, văn hóa là một
phương diện quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Không những
thế, cùng với tài nguyên, con người và các nguồn lực khác, văn hóa là một
nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng
toàn quốc đã khẳng định vai trò của văn hóa đối với phát triển, cũng như chỉ ra
những nhiệm vụ phát triển của văn hóa.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc, việc quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di
sản văn hóa của các dân tộc ngày càng trở nên quan trọng. Di sản văn hóa
chính là sự kết tinh trí tuệ, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Các giá trị di
sản văn hóa được hình thành tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh, mang
ý nghĩa to lớn đối với việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại,
đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Dân ca quan họ Bắc Ninh là một loại hình diễn xướng dân ca gắn bó
với đời sống tinh thần của người dân Kinh Bắc, được truyền từ đời này qua
đời khác, trở thành tài sản văn hóa của người Kinh Bắc. Ngày 30 tháng 9 năm
2009, tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc
(UNESCO) đã công nhận dân ca quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật
thể đại diện của nhân loại. Việc di sản dân ca quan họ Bắc Ninh được vinh
danh đã khơi dậy niềm tự hào về vốn văn hóa do cha ông trao truyền, giúp
cho cộng đồng và các cấp chính quyền nhận thức sâu sắc hơn giá trị của dân
ca quan họ Bắc Ninh và nhiệm vụ giữ gìn di sản văn hóa nói chung.
Thực hiện cam kết với UNESCO, Chính phủ Việt Nam, Ủy ban nhân
dân tỉnh Bắc Ninh đã tích cực chỉ đạo, triển khai các biện pháp, kế hoạch cụ
1



thể để bảo tồn bền vững di sản. Trên đà phát triển của quê hương, đất nước
nhiều câu lạc bộ quan họ mới đuợc thành lập, quan họ đuợc quảng bá nhiều
hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều đoàn quan họ đuợc mời
đi biểu diễn tại các địa phương trong cả nước. Vì thế, dân ca quan họ ngày
càng được lan tỏa trong nước và trên thế giới. Mặc dù vậy, tốc độ đô thị hóa,
sự phát triển của các phương tiện giao thông, nghe nhìn, công nghệ thông tin,
các loại hình nghệ thuật khác đã tác động mạnh mẽ đến sự tồn tại của quan họ
nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Tuy nhiên, việc xây dựng
một chính sách tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc
Ninh vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc nâng cao tính phổ biến và nhận
thức của cộng đồng có liên quan về tầm quan trọng của di sản.
Từ thực tế trên, tôi chọn đề tài “Chính sách bảo tồn và phát huy giá
trị di sản văn hóa phi vật thể từ thực tiễn di sản Quan họ tại tỉnh Bắc
Ninh” làm luận văn Thạc sỹ, chuyên ngành Chính sách công.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Ở nước ta, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật
thể đã được quan tâm thực hiện trong đời sống và trong các công trình nghiên
cứu. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu về vấn đề này như sau:
Công trình nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
Trong cuốn Một số vấn đề về bảo tồn và phát triển di sản văn hoá dân
tộc (1997), trên cơ sở những quan niệm về di sản văn hóa của quốc tế và Việt
Nam, tác giả Hoàng Vinh đã đưa ra một hệ thống lý luận về di sản văn hóa,
đồng thời bước đầu vận dụng nghiên cứu di sản văn hóa ở nước ta.
Năm 2005, công trình Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở
Việt Nam được công bố. Tập sách đã tập hợp các bài viết của nhiều tác giả

2



tham gia đã đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức tổng quát của
việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở nuớc ta.
Năm 2007, trong cuốn sách Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể do Bộ
Văn hoá - Thể thao và Du lịch phát hành, tác giả Ngô Đức Thịnh đã bàn đến
vấn đề văn hoá phi vật thể, trong đó đề cập đến vấn đề bảo tồn và phát huy,
chỉ ra được các đặc trưng của văn hóa phi vật thể và việc sưu tầm, bảo tồn.
Năm 2010, tác giả Lê Thị Minh Lý đã có bài viết Bảo vệ di sản văn hóa
phi vật thể, Quá trình nhận thức và bài học thực tiễn đưa ra một số bài học
cũng như góc nhìn khác về nhận thức và ứng xử đối với di sản văn hóa. Trong
bài viết Một số khuyến nghị về công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại
Việt Nam, Nguyễn Đức Tăng và Dương Bích Hạnh đã bàn đến một số vấn đề
bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Những công trình nghiên cứu về quan họ:
Năm 2006, Bộ Văn hóa Thông tin và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ
chức Hội thảo “Không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh, bảo tồn và phát huy”,
Đây là một nguồn tài liệu quan trọng, xem xét, đánh giá mọi khía cạnh của
dân ca quan họ một cách toàn diện nhất.
Cũng trong năm 2006, trên Tạp Di sản văn hóa số 3, Nguyễn Quốc
Hùng có bài viết Bảo tồn dân ca quan họ Bắc Ninh – Từ vật thể đến phi vật
thể. Bài viết đã nêu lên một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản
quan họ.
Năm 2015, luận án tiến sỹ của Đinh Thị Thanh Huyền, Tục chơi quan
họ (xứ Kinh Bắc) xưa và nay, đã đi sâu nghiên cứu tục chơi quan họ, góp
quan trọng vào việc tìm hiểu giá trị di sản văn hóa độc đáo, giải quyết hài hòa
mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, hội nhập văn hóa và phát triển
công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
3



Đề tài nghiên cứu Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn
hóa phi vật thể từ thực tiễn di sản Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh được thực hiện
trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa những nội dung, thành quả của các tài liệu liên
quan trước đó để xây dựng hướng nghiên cứu phù hợp với tình hình của tỉnh
Bắc Ninh hiện nay.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận về chính sách bảo tồn và phát
huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung, luận văn sẽ nghiên cứu thực
trạng ban hành chính sách và việc thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá
trị di sản quan họ tại tỉnh Bắc Ninh để từ đó đề xuất phương hướng và các
giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản quan họ tại tỉnh Bắc Ninh trong
những năm sắp tới.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ sở lý luận về chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản
văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
- Nghiên cứu thực trạng và công cụ chính sách bảo tồn, phát huy giá trị
di sản quan họ tại tỉnh Bắc Ninh.
- Đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách bảo tồn, phát huy
giá trị di sản quan họ phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh Bắc Ninh
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Dưới góc độ khoa học chính sách công, đề tài luận văn tập trung nghiên
cứu việc ban hành và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị dân ca
quan họ Bắc Ninh.
4.2. Phạm vi nghiên cứu

4



- Phạm vi không gian: Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản
quan họ tại tỉnh Bắc Ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
- Thời gian nghiên cứu: từ năm 2009 (năm di sản dân ca dân ca quan họ
Bắc Ninh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại)
đến nay.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
Luận văn sử dụng hai cách tiếp cận chính là phân tích chính sách công
và văn hóa học.
Sử dụng phương pháp phân tích chính sách công, tác giả phân tích chu
trình chính sách từ hoạch định đến xây dựng, thực hiện và đánh giá chính
sách công có sự tham gia của các chủ thể chính sách.
Sử dụng cách tiếp cận văn hóa học, tác giả sẽ phân tích nét đặc thù của
diễn xướng dân ca quan họ Bắc Ninh với tư cách là một hiện tượng văn hóa,
trong đó, nghệ nhân, khán giả, nhà quản lý có vai trò quan trọng trong việc
thực hiện chính sách văn hóa.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phân tích - tổng hợp tài liệu văn bản: Luận văn sẽ thu thập và phân
tích các Văn kiện Đại hội, Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách của
Nhà nước về văn hóa, về di sản văn hóa, về chính sách bảo tồn và phát huy
giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung và thực tế di sản quan họ tại tỉnh
Bắc Ninh nói riêng;
- Phân tích tài liệu thứ cấp: Luận văn sẽ thu thập và phân tích các báo
cáo thống kê có liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh; các công trình nghiên cứu, sưu tầm trong
nước về di sản văn hóa phi vật thể, di sản quan họ liên quan đến đề tài trong
thời gian qua.
5



6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lý luận
- Đề tài vận dụng các lý thuyết về chính sách công để đánh giá một chính
sách cụ thể: chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
trong điều kiện thực tiễn tại địa phương.
- Đề tài cung cấp những kết quả nghiên cứu, tư liệu liên quan đến chính
sách công, từ đó đề xuất giải pháp chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu
quả của chính sách đã ban hành.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Từ thực tiễn nghiên cứu chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản quan
họ tại tỉnh Bắc Ninh, luận văn chỉ ra những bất cập trong việc xây dựng và
thực thi chính sách. Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ bổ sung các luận cứ
khoa học và thực tiễn cho tỉnh Bắc Ninh trong cho công tác hoạch định, xây
dựng và thực thi chính sách bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục Luận văn
gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di
sản văn hóa phi vật thể.
Chương 2: Thực trạng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Quan họ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Chương 3: Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách bảo tồn và
phát huy giá trị di sản Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh.

6


Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

1.1. Một số khái niệm
1.1.1. Khái niệm chính sách công
Chính sách công là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong mấy thập
niên gần đây. Dù có nhiều thể chế chính trị khác nhau nhưng khái niệm chính
sách công được dùng tương đối thống nhất trên thế giới nhằm chỉ ý chí và
quyết sách của nhà nước. Ở Việt Nam, quan niệm về Chính sách công cũng
được nhiều học giả quan tâm, có thể kể một số định nghĩa như sau:
“Chính sách công là những hành động ứng xử của Nhà nước với các
vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng, được thể hiện bằng nhiều hình
thức khác nhau, nhằm thúc đẩy xã hội phát triển” [11].
"Chính sách công là thuật ngữ dùng để chỉ một chuỗi các quyết định
hoạt động của nhà nước nhằm giải quyết một vấn đề chung đang đặt ra trong
đời sống kinh tế - xã hội theo mục tiêu xác định" [15].
Tác giả Đỗ Phú Hải đã có định nghĩa về Chính sách công như sau:
“Chính sách công là một tập hợp các quyết định chính trị có liên quan nhằm
lựa chọn mục tiêu cụ thể và lựa chọn các giải pháp, các công cụ nhằm giải
quyết các vấn đề của xã hội theo mục tiêu tổng thể đã xác định [10].
Qua một số quan niệm trên, có thể thấy dù ở bất kỳ định nghĩa nào thì
chính sách công vẫn là những chính sách do Nhà nước ban hành, Nhà nước
chính là chủ thể xây dựng chính sách và các chính sách là công cụ để Nhà
nước quản lý, đưa xã hội phát triển.
1.1.2. Khái niệm chính sách văn hóa
Năm 2002, UNESCO đưa ra một định nghĩa về chính sách văn hóa như
7


sau: “Chính sách văn hóa là một tổng thể các nguyên tắc hoạt động quyết
định các thực hành, các phương pháp quản lý hành chính và phương pháp
ngân sách Nhà nước dùng làm cơ sở cho các hoạt động văn hóa” [17, tr.19].
Qua định nghĩa trên ta thấy, chính sách văn hóa gồm các công cụ khác

nhau như sau: Luật pháp và các phương pháp hành chính, ngân sách và hệ
thống thuế, trong đó các bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật, cách thức đầu
tư từ ngân sách, hệ thống thuế - đó là công cụ quan trọng nhất để điều hành sự
phát triển văn hóa.
Tại Việt Nam, chính sách văn hóa có thể định nghĩa như sau: “Chính
sách văn hóa là một hệ thống các nguyên tắc, các thực hành của Nhà nước
trong lĩnh vực văn hóa nhằm phát triển và quản lý thực tiễn của đời sống văn
hóa theo những quan điểm phát triển và cách thức quản lý riêng, đáp ứng nhu
cầu phát triển đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên cơ sở vận dụng
các điều kiện vật chất và tinh thần sẵn có của xã hội.” [17, tr.21].
Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là một
bộ phận của chính sách văn hóa, gồm tập hợp các quyết định chính trị có liên
quan nhằm lựa chọn mục tiêu, giải pháp và công cụ giải quyết vấn đề bảo tồn
và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Di sản văn hóa phi vật thể
Theo khoản 1 điều 2 mục I của Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật
thể của UNESCO (2003) thì di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập
quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kĩ năng và kèm theo đó là
những công cụ đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà
các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân
công nhận là một phần di sản văn hóa của họ; được chuyển giao từ thế hệ
này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng, các
nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ
8


qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hinh thành
trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối
với đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.
Là quốc gia thành viên thứ 22 tham gia Công ước về bảo vệ di sản văn

hóa phi vật thể 2003 của UNESCO, Việt Nam cũng đã cụ thể hóa khái niệm
di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh Việt Nam. Khoản 1 Điều 4 Luật di
sản văn hóa năm 2001 quy định: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh
thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết,
được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức
lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ
thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp
sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học
cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những
tri thức dân gian khác”. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản
văn hóa năm 2009 thì cách hiểu về di sản văn hóa phi vật thể đã được khái
quát là “sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và
không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện
bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế
hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các
hình thức khác”.
Qua định nghĩa của UNESCO và quy định của Luật Di sản văn hóa có
thể thấy có 4 phương diện của văn hóa phi vật thể được chú trọng: một là,
định nghĩa các biểu hiện của văn hóa phi vật thể, hai là, chủ thể của di sản
văn hóa phi vật thể (cá nhân, tập thể, cộng đồng), ba là, không gian diễn
xướng của văn hóa phi vật thể, bốn là, phương thức lưu truyền của văn hóa
phi vật thể (truyền miệng, truyền nghề, trình diễn, tái tạo).
Có thể xác định các giá trị nổi bật của di sản văn hóa phi vật thể đó là:
9


giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị bản sắc. Những giá trị ấy được coi là
nội dung cốt lõi của việc bảo vệ di sản văn hóa. Bởi vì bảo vệ không chỉ vì sự
hiện diện của một loại hình di sản trong hệ thống di sản văn hóa, mà bảo vệ
để lưu giữ những giá trị mà nó đem đến cho cộng đồng. Giá trị ấy là động lực

thúc đẩy mỗi quốc gia có những hành động tích cực bảo vệ di sản văn hóa phi
vật thể.
Di sản văn hóa phi vật thể của mỗi một cộng đồng đều quan trọng đối
với cộng đồng đó. Muốn di sản văn hóa phi vật thể được gìn giữ và phát huy
một cách bền vững bởi chính cộng đồng và trong chính môi trường văn hóa
mà di sản đang tồn tại cần xác định rằng di sản văn hóa phi vật thể gắn liền
với từng con nguời cụ thể. Sự tồn tại, kế thừa và duy trì di sản văn hóa phi vật
thể luôn luôn đòi hỏi có con người. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là kế
thừa con người – chủ thể văn hóa, kế thừa văn hóa sống.
1.2. Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật
thể ở nước ta
1.2.1. Quan điểm, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về chính sách bảo
tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta
Chủ trương, quan điểm và định hướng của Đảng và Nhà nước ta về
chính sách văn hóa nói chung, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản
văn hóa phi vật thể nói riêng được thể hiện ở các loại hình văn bản sau: các
văn kiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ
năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển
nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị
lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát
triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất
nước, Hiến pháp, Luật Di sản văn hóa và một số văn bản quy phạm pháp luật
quan trọng khác.
10


Trong các văn bản trên, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được
đánh giá là đã tạo nên một bước ngoặt trong nhận thức về vai trò của văn hóa,
trong đó có văn hóa phi vật thể của dân tộc đối với phát triển. Nghị quyết đã
khẳng định nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh mới ở

nước ta: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt
lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao
lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn
hóa truyền thống (bác học và dân gian) văn hóa cách mạng bao gồm cả văn
hóa vật thể và phi vật thể”.
Trong các Nghị quyết tiếp theo, Đảng đã khẳng định các vị trí quan
trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, coi đó là nhiệm vụ
then chốt của Chiến lược phát triển văn hoá. Các văn kiện đã xác định nhiệm
vụ tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá
trị di tích lịch sử - văn hoá và văn hoá phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ
truyền đặc sắc, văn hoá dân gian của từng địa phương, từng vùng văn hoá,
từng vùng dân tộc; nghề thủ công truyền thống, lễ hội tiêu biểu, kho tàng Hán
Nôm. Đồng thời, các văn kiện cũng chỉ ra nhiệm vụ kết hợp hài hoà việc bảo
tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá với các hoạt động phát triển kinh tế, du
lịch bền vững.
1.2.2. Vấn đề của chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn
hóa phi vật thể ở nước ta
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, sự nghiệp
xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó có bảo tồn và phát huy giá trị di sản
văn hóa phi vật thể ở nước ta đã được quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát huy giá trị không chỉ ở
phạm vi trong nước mà còn được giới thiệu ra quốc tế. Trong hai thập niên
vừa qua, Việt Nam đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh
11


danh, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cụ thể là
các di sản sau:
1) Nhã nhạc cung đình Huế, được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và
di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào tháng 11 năm 2003, đến năm 2008

đuợc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2) Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được công nhận là
kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2005, đến
năm 2008 đuợc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
3) Dân ca Quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của
nhân loại, được công nhận vào ngày 30 tháng 9 năm 2009.
4) Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, được
công nhận vào ngày 01 tháng 10 năm 2009.
5) Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc, Hà Nội được công nhận
vào ngày 16 tháng 11 năm 2010.
6) Hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp,
được công nhận vào ngày 24 tháng 11 năm 2011.
7) Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được công nhận vào
ngày 6 tháng 12 năm 2012.
8) Đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận vào ngày 5 tháng 12 năm 2013.
9) Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận vào ngày 27 tháng 11
năm 2014.
10) Nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO được công nhận vào
ngày 02 tháng 12 năm 2015.
11) Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được
UNESCO được công nhận vào ngày 01 tháng 12 năm 2016.
Từ khi được UNESCO vinh danh, các di sản văn hóa phi vật thể nói
trên đã nhận được nhiều chính sách bảo tồn và phát triển ở nhiều khía cạnh:
12


tôn vinh nghệ nhân, phát triển các hình thức trao truyền, xây dựng các tổ chức
mới gắn với bối cảnh đương đại...Những động thái này đã làm khởi sắc việc
bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa
nói chung.

Tuy nhiên, thực trạng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn
hóa phi vật thể hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập, chưa theo kịp được sự
phát triển của xã hội:
- Trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, công
nghệ thông tin di sản văn hóa phi vật thể có hiện tượng mai một, thất truyền.
Cả nước hiện có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể được thống kê nhưng
mới chỉ có 202 (đến tháng 01 năm 2017) di sản được đưa vào Danh mục di
sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc sưu tầm, lưu giữ và phát huy di sản
văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc anh em chưa thực sự đồng bộ. Công cuộc
tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể chưa được tất cả các địa phương quan
tâm đúng mức.
- Chưa có chính sách thỏa đáng và ban hành kịp thời đối với các nghệ
nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể.
- Chưa xây dựng kế hoạch tổng thể, dài hạn về phổ biến, tuyên truyền
về giá trị di sản văn hóa phi vật thể tới toàn thể người dân, xác định những
thời gian cụ thể để hoàn thành mục tiêu phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật
thể dẫn tới sự bị động của các cấp, các ngành. Thế hệ trẻ chưa được giáo dục
đúng dẫn đến thiếu hiểu biết về giá trị di sản văn hóa phi vật thể với tương lai
của chính mình.
- Nhiều địa phương còn chưa giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa bảo
tồn và phát huy, phát triển, dẫn đến việc không bảo tồn nguyên dạng, nguyên
gốc di sản văn hóa phi vật thể.
- Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, thiếu
13


cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, huy động tối đa các nguồn
lực xã hội hóa, các thành phần kinh tế tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá
trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương một số nơi

còn hạn chế, chưa sâu sát, quyết liệt.
- Tình trạng hoạt động của lễ hội còn tự phát, tràn lan, xuất hiện sự
thương mại hóa rõ rệt.
- Một số văn bản pháp luật về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa còn chưa
cập nhật phù hợp với tình hình thực tiễn dẫn đến những khó khăn trong công
tác tổ chức thực hiện, quản lý của các địa phương.
1.2.3. Giải pháp và công cụ chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di
sản văn hóa phi vật thể ở nước ta
Trong thời gian qua, các văn bản chính sách và các hoạt động thực tiễn
đã đúc rút được một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
phi vật thể. Các giải pháp được sử dụng và vẫn tiếp tục thực thi gồm việc
hoàn thiện thể chế chính sách, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di
sản, việc tăng cường hoạt động xã hội hóa, việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà
nước và việc tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.
Thực tiễn công tác và các văn bản chính sách về bảo tồn và phát huy
giá trị văn hóa phi vật thể cũng đã chỉ ra các công cụ chính sách cần sử dụng
để thực hiện các giải pháp nêu trên. Các công cụ chính sách được chỉ ra gồm:
công cụ quyền lực giám sát, công cụ tổ chức, công cụ tài chính và công cụ
truyền thông.
Các giải pháp và công cụ chính sách từ phương diện tổng thể là những
cơ sở để luận văn khảo sát và đề xuất các giải pháp cụ thể cho việc bảo tồn và
phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh.

14


1.2.4. Thể chế chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
phi vật thể ở nước ta
Từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng, Sắc lệnh số 65/SL
ngày 23 tháng 11 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh Về việc bảo tồn cổ

tích trên toàn cõi Việt Nam đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây
dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng Cộng sản
Việt Nam luôn thể hiện rõ sự quan tâm đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy
giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam năm 1992 cũng đã ghi rõ: “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển
văn hóa Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa và phát huy những giá
trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam…”
Luật Di sản văn hóa lần đầu được ban hành tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội
khóa X (năm 2001), được sửa đổi năm 2009 và các Thông tư, Nghị định đã
thể hiện sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và quyết tâm của nhà nước ta trên
hành trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. đề cập đến
vấn đề việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi thể từ trách nhiệm của nhà
nước, các cơ quan nhà nước. Luật Di sản văn hóa đã xác định rõ: “Di sản văn
hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật
thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể
hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ
thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các
hình thức khác.” Từ khi được ban hành, Luật di sản văn hóa đã đi vào cuộc
sống, tác động tích cực đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn
hóa phi vật thể, phù hợp với yêu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh đó, các quyết định khác của Chính phủ cũng đã chú trọng đến
việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể. Cụ thể, ngày 24 tháng 2
15


năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc
lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”. Đây là
một trong những hành động thiết thực khẳng định, tôn vinh giá trị di sản văn
hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo tồn, phát huy

di sản văn hóa. Ngày 06 tháng 5 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định số 581/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược văn hóa đến năm
2020, trong đó, đã thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát
triển văn hóa, trong đó xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp bảo
tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Ngoài ra, để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà
nước, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời ban hành nhiều
văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Di sản văn hóa như Nghị
định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2015 quy định xét tặng danh
hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa
phi vật thể…
1.2.5. Chủ thể chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
phi vật thể ở nước ta
Chủ thể ban hành chính sách công là Nhà nước thông qua các cơ quan
như: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện
chức năng quản lý Nhà nước. Quá trình hoạch định, ban hành và tổ chức thực
hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước
ta cho thấy chủ thể của chính sách này gồm có:
Cấp Trung ương: Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, các Bộ, ngành có liên quan.
Cấp tỉnh, thành phố: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; các Sở,
ngành có liên quan.
16


Cấp huyện: Ủy ban nhân dân huyện, phòng Văn hóa Thông tin và một
số phòng, ban có liên quan.
Cấp xã: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Các chủ thể này thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua việc

xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị
di sản văn hóa phi vật thể.
1.2.6. Những yếu tố ảnh hưởng đến chính sách bảo tồn và phát huy
giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta
* Hệ thống chính trị
Hệ thống chính trị của mỗi quốc gia sẽ chi phối nội dung lẫn hình thức
của việc xây dựng chính sách công. Hệ thống chính trị bao gồm các yếu tố về
văn hóa chính trị, hiến pháp, thể chế chính trị.
- Văn hóa chính trị
Văn hóa chính trị là tập hợp các giá trị mang tính tương đồng, ổn định
phản ánh nhận thức và các hoạt động của các tổ chức và cá nhân trong hệ
thống chính trị. Văn hóa chính trị bao gồm nhận thức chính trị, tư duy đổi mới
của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và các cơ quan nhà
nước. Nhận thức chính trị của các nhà lập chính sách và hành động của người
xung quanh tác động đến định hướng, mục tiêu và cách xử lý của chính sách
bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Hiến pháp
Hiến pháp nước ta quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,
quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên
tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ
giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý. Hiến pháp là tối
thượng buộc mọi chính sách công phải tuân theo vì nền tảng của mối quan hệ
nhà nước và công dân là dựa trên Hiến pháp. Khoản 1 Điều 60 Hiến pháp
17


Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “ Nhà nước,
xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.”
- Thể chế chính trị

Thể chế chính trị phản ánh bản chất chế độ xã hội của một quốc gia,
quyết định trực tiếp đến đường lối, chính sách, pháp luật của quốc gia đó. Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ta là nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Chính sách bảo tồn và
phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được xây dựng vì mục tiêu phát
triển đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc, xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công
bằng, văn minh”.
* Các yếu tố bên trong
- Vai trò của công luận và truyền thông
Vai trò của công luận và truyền thông được thể hiện là phản ứng, bình
phẩm, quan điểm của nhân dân được thể hiện dưới hình thức này hay hình
thức khác về một hiện tượng hay các vấn đề xã hội hoặc chính sách công nhất
định. Đối với chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể,
công luận và truyền thông là phuơng tiện tuyên truyền, phổ biến những chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quảng bá, giới thiệu, tôn vinh các giá
trị di sản văn hóa phi vật thể và định hướng các chuẩn mực, giá trị của di sản
văn hóa.
- Hệ thống các giá trị xã hội
Hệ thống các giá trị xã hội bao gồm sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo,
nghề nghiệp, chủng tộc, tầng lớp xã hội, các nhóm lợi ích. Chính sách bảo tồn
và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chịu ảnh hưởng rất lớn về hệ
thống các giá trị xã hội này.
18


- Hệ thống kinh tế
Hệ thống kinh tế là yếu tố quan trọng tác động đến quá trình hoạch định
chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Yếu tố kinh
tế được xác định vừa là mục tiêu vừa là động lực của chính sách. Nghị quyết

Trung ương 9 Khóa XI khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội,
là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt
ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
* Các yếu tố thuộc về bên trong cơ quan lập chính sách
Chính sách công là kết quả của một loạt hoạt động của nhiều người từ
nhiều cơ quan chức năng khác nhau, gắn liền với quan hệ các chủ thể làm
chính sách công. Năng lực và quyền lực của chủ thể chính sách có ảnh hưởng
lớn đến việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách công. Trong
đó, năng lực của chủ thể chính sách trong việc phân tích, dự báo, đánh giá,
phát hiện vấn đề chính sách, đề xuất các mục tiêu, giải pháp, biện pháp để
thực hiện chính sách là rất quan trọng.
* Các yếu tố bên ngoài
Yếu tố địa chính trị ảnh hướng đến việc hoạch định chính sách công.
Địa chính trị được hiểu là sự phân bố và sự tương quan giữa các lực lượng
chính trị trong mỗi nước cũng như giữa các nước và các nhóm trong các liên
quan với cơ cấu kinh tế, xã hội, các vấn đề hình thành các quốc gia hay các
vùng chính trị, biên giới cũng như cơ cấu hành chính. Địa chiến lược được
hiểu là giá trị chiến lược của các nhân tố địa lý trong chính sách đối ngoại của
một quốc gia và trong mối quan hệ của nó với các quốc gia khác.
1.3. Những nhân tố tác động đến chính sách bảo tồn và phát huy
giá trị di sản dân ca Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh
1.3.1. Truyền thống văn hóa
Bắc Ninh là một mảnh đất có nền văn hiến lâu đời với nhiều giá trị văn
hóa tốt đẹp. Đó là nền văn minh nông nghiệp lúa nước với cơ tầng giá trị văn
19


hóa xóm làng, lấy nghề nông làm gốc “dĩ nông vi bản”. Nói đến xứ Kinh Bắc –
Bắc Ninh là chúng ta nói đến vùng đất của những truyền thống văn hóa lâu đời,
những đình chùa, đền miếu cổ đi vào lịch sử, là những lễ hội sinh hoạt tín

ngưỡng văn hóa mang tính cộng đồng cao, là những làng nghề thủ công truyền
thống với những sản phẩm đặc sắc. Đặc biệt, đây là nơi đã sinh ra dân ca quan
họ Bắc Ninh, một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu bểu trong các
hình thức diễn xướng dân gian của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ.
Bắc Ninh là quê hương có nhiều lễ hội truyền thống, trong đó không ít
lễ hội lớn có quy mô vùng miền và quốc gia. Lễ hội truyền thống Bắc Ninh là
di sản quý và đặc sắc của nền văn hiến Kinh Bắc, không chỉ đậm đà mà còn
gìn giữ, chứa đựng nhiều nét đẹp truyền thống độc đáo.
Lễ hội truyền thống Bắc Ninh được tổ chức ở làng. Hầu hết các làng,
xã đều có lễ hội riêng. Vì vậy, lễ hội cũng mang tên làng hay tên của di tích
của làng, như hội làng Diềm hay hội Đền Bà Chúa Kho, hội Đền Đô, hội
Chùa Phật Tích, hội đền làng Á Lữ, hội Đền Than, hội Thập Đình … Nhiều
hoạt động văn hoá dân gian truyền thống được tổ chức tại lễ hội như: hát dân
ca quan họ, múa rối nước, cờ người, tổ tôm, múa kỳ lân, đu quay, đánh vật,
đập niêu, chọi gà, kéo co, thi dệt vải, đu tiên…Bên cạnh sự giao lưu về kinh
tế, các làng xã còn mở rộng quan hệ ra ngoài lũy tre làng thông qua tục kết
chạ giữa các làng với nhau. Tục lệ “kết chạ” giữa các làng, xóm hay các nhóm
người có cùng một lợi ích, một sở thích hoặc một niềm đam mê trong cuộc
sống được xem là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng
Kinh Bắc – Bắc Ninh. Theo những sử liệu nghiên cứu về văn hóa các làng
Việt cổ vùng Kinh Bắc xưa, thì việc kết chạ không chỉ riêng ở lĩnh vực hát
quan họ mà đó là một nét đẹp trong tổ chức, quản lý và sinh hoạt của các
cộng đồng dân cư. Những làng, xóm có chung một nguồn nước, một cánh
đồng hoặc cùng nhau xây dựng quy ước trong việc dựng làng, lập ấp đánh
20


đuổi kẻ gian, giữ yên làng xóm... hoặc thờ chung một Thành hoàng làng đều
là “Chạ anh Chạ em” của nhau, không phân biệt địa vị ngôi thứ. Do vậy mà
giữa các làng kết “Chạ” đều có tục đón rước, tiếp “Chạ” trong ngày hội, trở

thành một nét đẹp trong văn hoá truyền thống và được lưu truyền cho đến
ngày nay.
Bắc Ninh – Kinh Bắc từ lâu đã được coi là vùng đất văn hiến, có lịch
sử lâu đời. Ngày nay, các yếu tố cấu thành nên các giá trị văn hiến ấy vẫn còn
được bảo tồn và tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Văn hóa Bắc Ninh
chứa đựng những nét đặc sắc riêng, được hun đúc từ lâu đời do những yếu tố
về con người, địa lý, tự nhiên, văn hóa, xã hội vùng miền quy định, tạo nên
một sắc thái Kinh Bắc. Chính những điều đó ảnh hưởng lớn đến việc xây
dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh
Bắc Ninh giai đoạn hiện nay.
1.3.2. Biến đổi văn hóa trước và sau 1945
Dân ca quan họ là một báu vật quý giá trong kho tàng văn hóa dân gian
của đất nước ta. Dân ca quan họ luôn thu hút sự quan tâm, sưu tầm và nghiên
cứu của nhiều học giả trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Giai đoạn trước
năm 1945, các nghiên cứu về dân ca quan họ còn ít chủ yếu dưới dạng các bài
báo khai thác mặt phong tục, lề lối, văn chương trong quan họ. Đặc biệt, các tác
giả đều không phải là những người nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta bước vào hai cuộc chiến tranh,
trong điều kiện đó, các lễ hội truyền thống hầu như không có điều kiện để tổ
chức. Mặc dù bản Đề cương văn hóa nhắc đến vấn đề văn hóa dân tộc nhưng
để phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến, văn hóa, văn nghệ giai
đoạn này chuyển hướng tập trung phục vụ kháng chiến. Chính vì vậy, việc
nghiên cứu, sưu tầm dân ca quan họ cũng bị gián đoạn. Được hình thành và
nuôi dưỡng trong môi trường lễ hội, lối chơi quan họ cũng bị đứt đoạn từ đó.
21


×