MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, bản sắc văn hóa dân tộc Việt
nam được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và
quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản sắc văn hóa đó thể hiện ở nhiều
mặt, nhiều lĩnh vực, được bao thế hệ vun đắp, hun đúc, tạo nên sức sống giúp
cho dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tồn tại, không ngừng lớn
mạnh và phát triển bền vững. Đó là niềm tự hào của mọi người dân Việt
Nam, là nguồn sức mạnh to lớn bảo đảm cho dân tộc Việt Nam trường tồn,
phát triển trong mọi thời đại lịch sử. Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
có vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng, động lực căn bản của quá trình
phát triển và là một trong những nhân tố cơ bản để nuôi dưỡng đào luyện con
người trưởng thành về mọi mặt. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay cùng với
quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa,
quan hệ quốc tế có sự điều chỉnh sâu sắc, hội nhập giữa các quốc gia, dân tộc
ngày càng sâu rộng; bên cạnh những tác động tích cực cho sự phát triển đất
nước, Việt Nam cũng đang phải đối diện với không ít những những khó khăn,
thách thức trong công tác giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc nói chung, giá trị văn
hóa xứ Đoài nói riêng.
Để góp phần phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong sự nghiệp đổi mới
đất nước hiện nay, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung
ương khoá XI nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa đó là văn
hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền
văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa
dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân
văn, dân chủ và khoa học. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo
xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản
yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Phát
triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa
và con người trong phát triển kinh tế.
Thị xã Sơn Tây nằm ở phía Tây bắc Thủ đô Hà Nội là một trong những
trung tâm của văn hóa xứ Đoài, kết tinh nên hệ giá trị văn hóa truyền thống đặc
sắc mang tính lịch sử tâm linh, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam từ thuở
dựng nước, giữ nước. Các di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, hệ
thống cổ vật, di vật, thư tịch, nhà cổ gắn liền với tên đất, tên người Sơn Tây và
sản sinh ra những người con ưu tú của dân tộc. Chính hệ giá trị văn hóa xứ Đoài
đó đã tạo nên cốt cách, là động lực cho sự phát triển bền vững của Sơn Tây. Từ
khi thực hiện đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây đã
nhận thức và chú trọng giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với
công tác giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài. Giữ gìn, bảo tồn, phát triển giá trị văn
hóa là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải có sự tham gia của các tổ chức, các lực
lượng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hệ
thống chính trị cơ sở ở thị xã Sơn Tây là một bộ phận quan trọng trong hệ thống
chính trị ở nước ta, có vai trò trực tiếp lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện và
tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của
Đảng, Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, góp phần thực
hiện giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài trên địa bàn…
Nhận rõ vai trò và tầm quan trọng đó, hệ thống chính trị cơ sở ở thị xã
Sơn Tây, thành phố Hà Nội những năm qua đã triển khai và thực hiện khắc
phục những khó khăn, phát huy vai trò tổng hợp của từng bộ phận trong kế
thừa, bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa và đã đạt được những kết
quả nhất định. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn tồn tại
những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động quần chúng nhân
dân. Những hạn chế đó, nếu không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng xấu đến
tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, làm phai nhạt giá trị bản sắc văn hóa của
một khu vực có nhiều công trình văn hóa của đất nước. Vì vậy, nghiên cứu đề
tài “Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ
Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội hiện nay” là vấn đề có ý nghĩa lý
luận và thực tiễn thiết thực.
2
2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
* Nhóm các công trình khoa học tiêu biểu nghiên cứu về hệ thống
chính trị và vai trò của hệ thống chính trị cơ sở
Võ Khánh Vinh (chủ nhiệm) (2015), Hệ thống chính trị ở cơ sở phục
vụ phát triển bền vững Tây Nguyên, Đề tài khoa học cấp nhà nước
TN3/X03, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội; Nguyễn Quốc Phẩm (chủ
biên) (2002), Hệ thống chính trị cấp cơ sở và dân chủ hóa đời sống xã hội
nông dân miền núi vùng dân tộc thiểu số, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội;
Trần Đình Hoan (chủ biên) (2010), Quan điểm và nguyên tắc đổi mới hệ
thống chính trị ở Việt Nam giai đoạn 2005 - 2020, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội. Các tác giả đã tập trung làm rõ đặc điểm, xu hướng, giải pháp góp
phần xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở hiện nay.
Đặc biệt trong cuốn sách của tác giả Trần Đình Hoan: Trên cơ sở lý luận
khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với
tổng kết thực tiễn đổi mới ở Việt Nam trong hơn hai mươi năm đổi mới; các
tác giả đã tập trung phân tích, làm rõ tính tất yếu khách quan của việc đổi
mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, nêu ra các mục tiêu, quan điểm
và nguyên tắc đổi mới hệ thống chính trị; đề xuất phương hướng và các giải
pháp đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam giai đoạn 2005-2020.
Nguyễn Thị Dung (2010), Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ
thống chính trị cơ sở ở thị xã Sơn Tây trong giai đoạn hiện nay, Luận văn
thạc sĩ Triết học, Đại học Quốc gia, Hà Nội. Đề tài đã tập trung nghiên
cứu đặc điểm của HTCTCS, những nhân tố tác động đến HTCTCS, thực
trạng hoạt động của HTCTCS và đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu
quả hoạt động của HTCTCS thị xã trong giai đoạn hiện nay. Phan Sỹ
Thanh (2014), Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh trên địa bàn
Tây Nguyên hiện nay, Luận án tiến sĩ xây dựng Đảng và chính quyền
Nhà nước, Học viện Chính trị, Hà Nội. Đề tài đã nghiên cứu HTCTCS
trên địa bàn Tây Nguyên; nêu lên thực trạng, nguyên nhân, kinh nghiệm
và đề xuất giải pháp tăng cường xây dựng HTCTCS vững mạnh trên địa
3
bàn tỉnh hiện nay.
Đặng Hữu Toàn (2006), “Toàn cầu hóa, “nguy cơ tha hóa” và vấn đề
định hướng giá trị văn hóa tinh thần”, Tạp chí Triết học, số (5); Vũ Thị Thủy
(2013), “Những khó khăn, bất cập và giải pháp xây dựng hệ thống chính trị
cơ sở”, Tạp chí Xây Dựng Đảng, số (4); các tác giả đã nêu rõ những tác động
của quá trình toàn cầu hóa đến đời sống văn hóa tinh thần và những chuyển
biến tích cực, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc và
nhiệm vụ giải pháp xây dựng HTCTCS hiện nay.
* Nhóm các công trình khoa học tiêu biểu nghiên cứu về văn hóa, giữ
gìn giá trị văn hóa
Lê Quang Thiêm (1998), Văn hóa với sự phát triển của xã hội Việt
Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; TS
Mai Thị Quý (2009), Toàn cầu hóa và vấn đề kể thừa một số giá trị truyền
thống của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội; Trần Văn Giàu (2011), Giá trị tinh thần truyền thống của dân
tộc Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội...; các tác giả từ góc độ nghiên
cứu khác nhau đã đưa ra những kiến giải sâu sắc về các giá trị truyền thống
đặc thù của dân tộc Việt Nam, về giá trị tinh thần, vật chất của dân tộc, ảnh
hưởng của lịch sử đối với việc phát triển các giá trị truyền thống, phân tích
những đức tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nêu ra phương hướng kế thừa,
xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc hiện nay.
Phan Thị Thu Hương (2012), Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn thị xã Sơn Tây, Luận văn cao cấp lý luận
chính trị, Học viện Chính trị Khu vực I, Hà Nội. Đề tài đã khẳng định sự
cần thiết phải bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia nói
chung, trên địa bàn thị xã Sơn Tây nói riêng, tác giả đã đưa ra được những
giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và phát huy giá trị các di
tích. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới chỉ tập trung luận giải về lý
luận, chưa đi sâu phân tích làm rõ nguyên nhân, thực trạng và vai trò
4
của HTCTCS đối với việc giữ gìn giá trị văn hóa. Hoàng Thị Hương
(2012), Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giữ gìn và phát huy bản
sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc nước ta hiện nay,
Luận án Tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà
Nội. Tác giả đã đi sâu làm rõ thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa phát
triển kinh tế với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở
miền núi phía Bắc; đưa ra một số phương hướng cơ bản nhằm nâng cao hiệu
quả giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giữ gìn, phát huy bản
sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc; đề xuất giải pháp chủ
yếu nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế
với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía
Bắc hiện nay. Phùng Hữu Phú (2014), Định hướng phát triển văn hóa - Sức
mạnh nội sinh của dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập
quốc tế, Đề tài khoa học cấp nhà nước, KX.04.14/11-15, Hà Nội. Tác giả đã
nhận diện văn hóa với tư cách là hệ giá trị, là sức mạnh nội sinh của sự phát
triển; là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam trong tiến trình lịch sử và
trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; xử lý mối quan hệ biện
chứng giữa văn hóa với các thành tố cơ bản của đời sống xã hội - nguồn lực
và sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững trong điều kiện kinh tế thị
trường và hội nhập quốc tế; đề xuất hoàn thiện quan điểm chỉ đạo, mục tiêu,
nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa phục vụ phát triển bền vững đất
nước trong thời kỳ mới.
Vũ Khiêu (1998), “Nội sinh và ngoại sinh trong giao lưu văn hóa ngày
nay”, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số (2); Nguyễn Ngọc Quyến (2004), “Tư
tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”,
Tạp chí Triết học, số (11); Đặng Hữu Toàn (2006), “Toàn cầu hóa, “nguy cơ
tha hóa” và vấn đề định hướng giá trị văn hóa tinh thần”, Tạp chí Triết học,
số (5)... Các tác giả đều nhất quán khẳng định quan điểm, phương hướng
nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng,
5
tập trung phân tích làm rõ khái niệm, bản chất, cấu trúc, chức năng, nội dung
của văn hóa; làm rõ mối quan hệ của văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội,
văn hóa với các vấn đề về chính trị, đạo đức, pháp luật, phân tích làm nổi bật
vai trò, giá trị của văn hóa, những yêu cầu đặt ra về phát triển văn hóa trong
quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở, nguồn tư liệu trực tiếp
để tác giả kế thừa, định hướng nội dung, sử dụng số liệu để thuyết minh cho
các luận điểm trong đề tài và phục vụ qúa trình nghiên cứu.
Các công trình tiêu biểu nêu trên đã nghiên cứu là những vấn đề lớn,
phạm vi rộng của lĩnh vực văn hóa, xong chưa có công trình nào đề cập đến
vai trò của HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây,
Thành phố Hà Nội hiện nay. Đây là vấn đề đặt ra vừa cơ bản, vừa bức thiết
trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, cần được quan tâm đầu tư nghiên
cứu. Vì vậy, đề tài tác giả chọn làm luận văn tốt nghiệp mang tính độc lập,
không trùng lặp với các công trình khoa học đã được công bố.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích nghiên cứu
Luận văn làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của
HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành Phố
Hà Nội; đề xuất một số yêu cầu và giải pháp cơ bản nhằm thực hiện vai trò
của HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài hiện nay.
* Nhiệm vụ nghiên cứu
- Làm rõ một số vấn đề lý luận về vai trò của HTCTCS trong giữ gìn
giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội hiện nay.
- Đánh giá thực trạng về vai trò của HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn
hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội hiện nay.
- Đề xuất một số yêu cầu và giải pháp cơ bản phát huy vai trò của
HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố
Hà Nội hiện nay.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu
6
Vai trò của HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn
Tây, Thành phố Hà Nội hiện nay.
* Phạm vi nghiên cứu
- Về phạm vi nội dung: Luận văn tập trung nghiên cứu vai trò của
HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố
Hà Nội và đề xuất một số yêu cầu, giải pháp phát huy tốt vai trò của
HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố
Hà Nội hiện nay.
- Về phạm vi không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu vai trò của
HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài trên địa bàn ở thị xã Sơn Tây,
Thành phố Hà Nội hiện nay và không nghiên cứu ở những địa bàn khác.
- Về phạm vi thời gian: Các số liệu điều tra, khảo sát có liên quan đến
vấn đề nghiên cứu ở một số xã, phường ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội
trong thời gian từ năm 2011 - 2016.
5. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu
* Cơ sở lý luận
Luận văn dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa; vai trò của
HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa.
* Cơ sở thực tiễn
Thực tiễn biểu hiện vai trò của HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn
hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội, thông qua các báo cáo
sơ kết, tổng kết từ năm 2011 đến năm 2016; kết quả khảo sát, điều tra xã
hội học của tác giả và sự kế thừa kết quả điều tra của một số tác giả khác
liên quan đến vấn đề này.
* Phương pháp nghiên cứu
Đề tài dựa trên phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ
nghĩa duy vật lịch sử của Mác - Lênin, đồng thời sử dụng các phương pháp
chuyên ngành và liên ngành như phân tích - tổng hợp, lịch sử - lôgic, so sánh,
7
điều tra xã hội học, thống kê, sử dụng chuyên gia…để làm rõ các nội dung
nghiên cứu.
6. Ý nghĩa của đề tài
Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần cung cấp luận cứ khoa học
một số vấn đề lý luận về giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố
Hà Nội hiện nay.
Đề xuất cho cấp ủy, chính quyền thị xã, cho HTCTCS trong lãnh đạo,
chỉ đạo hoạt động quản lý giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài; luận văn cũng có thể
dùng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, giảng dạy một số chủ đề có liên
quan ở các trường trong quân đội và ngoài quân đội.
7. Kết cấu của đề tài
Luận văn gồm phần mở đầu, 2 chương (4 tiết), kết luận, danh mục tài
liệu tham khảo, phụ lục.
8
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ VAI TRÒ CỦA
HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ TRONG GIỮ GÌN GIÁ TRỊ VĂN HÓA
XỨ ĐOÀI Ở THỊ XÃ SƠN TÂY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI HIỆN NAY
1.1. Một số vấn đề lý luận về vai trò của hệ thống
chính trị cơ sở trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở
thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội
1.1.1. Giá trị văn hóa xứ Đoài và giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở
thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội
* Giá trị văn hóa xứ Đoài
Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn của đời sống xã hội, với góc độ tiếp cận
khác nhau, nên đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cách định nghĩa,
nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở phương
pháp luận mác xít đã khẳng định: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức
sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng
với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [58, tr.58].
Theo Từ điển tiếng Việt: Giá trị có nghĩa là “cái làm cho một vật có ích
lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào đó” [87, tr.501]. Như vậy khi nói
đến giá trị văn hóa thường được hiểu là sản phẩm của các hình thái sinh hoạt
tinh thần trong điều kiện vật chất nhất định do xã hội tạo ra, gắn với phương
thức sản xuất nhất định trong lịch sử. Khi nói giá trị văn hóa phải thỏa mãn các
tiêu chí như phản ánh đặc trưng cơ bản (sáng tạo, nhân văn) và chức năng ưu
trội của văn hóa (phát triển nhân cách); nó là tổng thể những sản phẩm (vật chất
và tinh thần) phản ánh trình độ phát triển nhất định của xã hội; giá trị văn hóa
được hình thành và được thể hiện trong hoạt động sáng tạo có ý nghĩa xã hội
của con người và cộng đồng người trong tiến trinh lịch sử. Theo đó, giá trị văn
9
hóa là tổng hoà những thành tựu con người đạt được, thể hiện trình độ phát
triển lực lượng bản chất người theo tiêu chí chân, thiện, mỹ của mỗi cá nhân và
cộng đồng trong hoạt động sáng tạo có ý nghĩa xã hội.
Xứ Đoài trong không gian văn hóa Việt Nam: Là một vùng đất rộng
lớn ở phía Tây, Tây Bắc và Bắc của trung tâm châu thổ sông Hồng, bao gồm
địa phận các quận, huyện của Thủ đô Hà Nội hiện nay là Phú Xuyên, Ứng
Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thanh Trì, Hà Đông,
Quốc Oai, Hoài Đức, Cầu Giấy, Long Biên, Từ Liêm, Thạch Thất, Đông Anh,
Đan Phượng, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn và những
vùng phụ cận của tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Tuyên Quang. Tên xứ
Đoài được bắt nguồn từ một câu “Đoài phương tĩnh nhất khu” chỉ vị trí phương
Đoài nằm ở phía Tây Kinh Đô, nơi đây có kinh đô cổ Phong Châu của vua tổ
Hùng Vương - người đã xây dựng Nhà nước Văn Lang. Chính đặc điểm về điều
kiện tự nhiên cùng những điều kiện kinh tế - xã hội và con người nơi đây được
bồi đắp qua nhiều thế hệ đã tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đồng
bằng Bắc Bộ, điển hình là văn hóa xứ Đoài và được thể hiện qua những sản
phẩm văn hóa bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể đó là:
Văn hóa vật thể xứ Đoài mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh,
thuần phong mỹ tục gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước của
dân tộc Việt Nam.
Xứ Đoài trầm tích một vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt, không những
là nơi có núi sông kỳ thú thiên nhiên phong phú, đa dạng, cảnh trí lên thơ, có
nhiều công trình kiến trúc văn hóa lịch sử nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ vĩ mang giá
trị lịch sử, văn hóa tâm linh của đền, chùa nổi tiếng như Đền Và, chùa Đậu,
chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Hương Tích, chùa Thầy, chùa Trăm
gian...mà ở đó giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh được thể hiện đậm nét bởi
những kiến trúc của 18 tuyệt tác điêu khắc về các vị La Hán của chùa Tây
Phương, với Nam Thiên đệ nhất động mang đậm sắc thái tâm linh của chùa
Hương Tích, với phong cảnh tú lệ và huyền tích về một trong Tam thánh của
10
dân tộc ở chùa Thầy. Cùng với những ngôi đình nổi tiếng được xếp vào hàng
khuôn mẫu về kiến trúc cổ kính nhất Việt Nam như Đình Thụy Phiêu, đình So,
đình Chu Quyến, đình Tây Đằng, đình Yên Sở... Văn hóa vật thể xứ Đoài nó
còn mang đậm giá trị lịch sử gắn liền với truyền thống dựng nước, giữ nước,
chống giặc ngoại xâm của dân tộc được giữ gìn và trường tồn đến hiện nay như
đền thờ Phùng Hưng, đền thờ và lăng Ngô Quyền, Thành cổ Sơn Tây, Thành
phủ Quảng Oai, Làng cổ Đường Lâm đã gắn với những sự kiện lịch sử của
Phùng Hưng, Ngô Quyền…trong đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong đó di tích
lịch sử Thành cổ Sơn Tây, biểu tượng cho tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất
khuất trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm của con người nơi đây.
Giá trị văn hóa xứ Đoài là sự gắn kết cuộc sống của con người, được
thể hiện đậm nét ở thần thoại, truyền thuyết, hệ thống thần linh, các nghi lễ
và lễ hội truyền thống, phong tục văn hóa và các sinh hoạt tín ngưỡng trong
gia đình và dòng họ. Xứ Đoài là nơi hợp thành của ba sông là sông Đà, sông
Thao và sông Lô để tạo thành vùng châu thổ trù phú với một nền văn minh
lúa nước qua sự tích bánh chưng, bánh dày từ thời Hùng Vương, ghi dấu
truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc ta thời kỳ dựng nước Văn Lang; dưới tả
ngạn có ngọn núi Tam Đảo và hữu ngạn có ngọn núi Tản Viên hùng vĩ, đây
không chỉ là ngọn núi huyền thoại trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh,
mà còn là ngọn núi “linh thiêng” của xứ Đoài.
Giá trị văn hóa xứ Đoài còn gắn liền với lịch sử đấu tranh kiên cường
bất khuất của dân tộc ta trong quá trình dựng nước. Hiện nay, sử sách còn ghi
lại chiến công hiển hách với các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh
quân xâm lược phương Bắc và Bố Cái Đại Vương, Ngô Quyền trong lịch sử
đánh đuổi quân Nam Hán khai sinh nền độc lập đầu tiên cho nước nhà vào
năm 938. Giá trị văn hóa xứ Đoài còn mang đậm văn hóa tâm linh phản ánh
quá trình đấu tranh chống thiên tai, để tồn tại của dân tộc Việt Nam trong
những truyền thuyết như Sơn Tinh - Thủy Tinh, thần Tản Viên, một trong tứ
vị thần bất tử Việt Nam…và những lễ hội văn hóa thờ các vị anh hùng dân
11
tộc như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi…mang đậm truyền thống văn hóa lịch sử
tâm linh, thuần phong mỹ tục của dân tộc, như: Lễ hội Hai Bà Trưng ở Hát
Môn gắn với nét đẹp làm bánh trôi dâng tiến, được bắt nguồn từ sự tích bà
lão làng Hát làm bánh trôi dâng tiến vua Trưng khi xưa. Lễ hội về Thánh Tản
gắn với tục làm tiệc cá ở các làng ven sông Tích, vốn là một lệ tục có liên
quan đến sự tích thần núi Tản Viên dạy dân đánh cá thuở xưa. Xứ Đoài còn
lưu giữ được những phong tục chất phác, mộc mạc, độc đáo nhất của người
Việt cổ, như phong tục ở xã Phù Lập huyện Bạch Hạc cũ, từ trước tới nay
không hề thờ phật, hàng năm đến ngày trừ tịch không trồng nêu, tất cả về mặt
phong tục, kỵ hèm thường gắn liền với các lễ thức thờ thành hoàng làng.
Những hoạt động văn hóa tinh thần đó đều mang đậm truyền thống văn hóa
lịch sử tâm linh, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam từ thuở dựng
nước, giữ nước mà bao đời nay nhân dân vẫn ngưỡng vọng nối kết và mang
đậm giá trị văn hóa sức mạnh tâm linh lịch sử, có ý nghĩa giáo dục lớn về văn
hóa truyền thống quê hương xứ Đoài.
Giá trị văn hóa xứ Đoài còn mang đậm văn hóa làng nghề truyền
thống phản ánh quá trình sản xuất của cộng đồng cư dân trên đất kinh kỳ.
Với đặc trưng cảnh quan, môi trường sinh thái nhân văn của xứ Đoài,
đã hình thành nên những làng nghề truyền thống nổi tiếng như gấm và lụa
vân Vạn Phúc; lụa, the, lĩnh La Khê; tiện gỗ Nhị Khê; thợ nề, thợ mộc làng
Chàng; thợ đá ở Hoàng Xá, gốm Phú Nhi, thêu ren thôn Ngọc Kiên, cơm phố
Mía, tương Mông Phụ, kẹo bột Đông Sàng, bánh tẻ Phú Nhi, nghề Đá ong
Đường Lâm... Do các nghề thủ công truyền thống ngày càng phát triển cả về
quy mô và cơ cấu đã góp phần hình thành các phường hội, các hiệp thợ thủ
công, lập nghiệp trên đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ, tạo nên sự thịnh vượng của
Thăng Long - Hà Nội. Từ xa xưa, nghề đan lát và nghề gốm đã sớm xuất hiện
ở xứ Đoài, những mảnh đồ gốm thô cùng những hiện vật bằng đá đã tìm thấy
ở Phong Vân, Tôn Lập, Vạn Thắng (huyện Ba Vì) và khu vườn sau Điếm Hè,
thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) có ý nghĩa giá trị văn hóa
12
về quá trình sản xuất của cộng đồng cư dân trên đất kinh kỳ… Nghề trồng
dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng bông dệt vải cũng phát triển khá sớm ở
nhiều nơi như làng Cổ Đô (Kẻ Mộc), Chu Quyến, Chu Chàng... Nghề chạm
gỗ Chàng Thôn, Nhân Hiền, Chàng Sơn, Quốc Oai. Nghề rối nước làng Gia,
gốm Phú Nhi, nghề làm gạch đá ong Đường Lâm... Bao nhiêu làng nghề là
bấy nhiêu nét tài hoa cha ông gửi lại, giúp con cháu có cuộc sống no đủ, bình
yên; hiện nay được kết tinh trong sản vật văn hóa và thực sự mang ý nghĩa
giá trị tinh thần, phản ánh quá trình sản xuất của cộng đồng cư dân trên đất
kinh kỳ cần phải giữ gìn.
Giá trị văn hóa xứ Đoài mang đậm yếu tố truyền thống và hiện đại.
Đó là sự kết hợp tinh túy của những tộc người, những vùng, là sự hội
tụ tinh túy văn hóa của người thành thị, nhưng đồng thời vẫn giữ được cốt
cách của người nông dân đó là sự chất phác, mộc mạc, thực thà, khảng khái.
Văn hóa xứ Đoài cũng mang yếu tố hiện đại, nhưng cũng phản ánh giá trị
truyền thống của chiều sâu lịch sử văn hóa như Thành cổ Sơn Tây là hình ảnh
của hiện đại biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân xứ
Đoài trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng đồng thời
cũng là biểu tượng mang đậm yếu tố truyền thống của ý chí kiên cường, bất
khuất của nhân dân xứ Đoài từ thuở lập nước; giá trị văn hóa đó còn thể hiện
ở hình ảnh chiếc gạy Trường Sơn (ra đời từ sự sáng tạo của một người lính
của quê hương xứ Đoài) đây cũng là hình ảnh của hiện đại, là nhân chứng về
một thời chiến tranh đã qua. Nhưng hình ảnh đó cũng mang đậm giá trị
truyền thống yêu nước tốt đẹp của nhân dân trên địa bàn, bởi nó đã gợi nhớ
lại những chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng, Phùng Hưng và Ngô
Quyền… trong lịch sử đánh đuổi giặc ngoại xâm và khai sinh nên nền độc lập
đầu tiên cho nước nhà.
* Giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội
Về đặc điểm lịch sử và địa lý: Thị xã Sơn Tây ở phía Tây Thủ đô Hà
Nội với tọa độ địa lý 21 º vĩ Bắc và 105º kinh Đông, nằm trong vùng đồng
13
bằng trung du Bắc Bộ; phía Bắc có sông Hồng là địa giới tự nhiên với tỉnh
Vĩnh Phúc, phía Tây giáp huyện Ba Vì, phía Đông giáp huyện Phúc Thọ và
phía Nam giáp huyện Thạch Thất. Là vùng đất bán sơn địa, thuộc vùng trung
du, 3/4 diện tích là đồi, gò nối liền với vùng núi huyện Ba Vì; khu vực từ nội
thị đến đê sông Hồng là vùng đồng bằng tương đối màu mỡ. Có diện tích tự
nhiên là 113,46 km2, dân số trên 19 vạn người, được chia thành 15 đơn vị
hành chính (gồm 09 phường, 06 xã) với 141 thôn, tổ dân phố. Về đặc điểm
lịch sử: Trong quá trình hình thành và phát triển, qua nhiều lần tách, nhập,
điều chỉnh địa giới hành chính; song nói đến Sơn Tây là nói đến vùng đất
giàu truyền thống văn hiến, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù,
sáng tạo trong lao động sản xuất.
Về kinh tế - xã hội: Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và buôn bán nhỏ,
công nghiệp chậm phát triển. Từ thế kỷ XV - XVI, Sơn Tây là trung tâm văn
hóa, xã hội của khu vực; nay là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.
Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử đã tạo nên đặc trưng điển hình
của giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây.
Có thể khái quát những giá trị văn hóa xứ Đoài trên địa bàn thị xã Sơn
Tây theo những nét sau:
Thứ nhất, những giá trị văn hóa vật thể trên địa bàn thị xã Sơn Tây
phản ánh giá trị văn hóa lịch sử tồn tại, phát triển của cộng đồng cư dân
người Việt cổ mang đậm yếu tố tâm linh - lịch sử.
Giá trị văn hóa vật thể phản ánh điều kiện tự nhiên hùng vĩ của những
cảnh quan như núi đồi, sông ngòi, Thành cổ Sơn Tây… vừa mang đậm giá
trị văn hóa, vừa có ý nghĩa chiến lược quốc phòng an ninh như từng là phên
dậu che chở cho Thăng Long và cũng là bàn đạp để các triều đại phong
kiến có thể vươn xa ra vùng biên giới. Sơn Tây có nhiều di tích lịch sử nổi
tiếng mà tên gọi gắn liền với tên đất và con người như Làng cổ ở Đường
Lâm được mệnh danh là vùng đất “đế vương”, nơi đây không chỉ có giá trị
là địa bàn cư trú, sự sinh sống, quần cư, sản xuất, mà còn mang đậm giá trị
14
tinh thần của nông thôn Việt Nam trong sinh hoạt tín ngưỡng của dòng họ,
ẩm thực với nhiều món ăn có nguồn gốc từ thực vật như rau, đậu, lạc. Quần
thể đình chùa, miếu mạo như Đình Mông Phụ, Xích Hậu, Chùa Ón, chùa
Mía, đền Măng Sơn, đình Văn Khê, đình Thanh Vị, đình Phù Sa, chùa Ngọc
Kiên đền thờ Phùng Hưng, đền thờ và lăng Ngô Quyền, đền phủ bà chúa
Mía…mang đậm yếu tố tâm linh tín ngưỡng của người Việt cổ như truyền
thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, vừa phản ánh lịch sử chinh phục thiên nhiên,
chống giặc ngoại xâm để sinh tồn của cộng đồng cư dân Việt cổ trở thành
giá trị tinh thần của người dân thị xã Sơn Tây.
Thứ hai, tinh thần kiên cường, bất khuất, đoàn kết, thủy chung trong
chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên.
Đây là hệ giá trị tiêu biểu của văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, là nội
dung cốt lõi bao trùm nhất, hệ giá trị tiêu biểu, đặc sắc nhất, mang tính bền
vững và định hướng các giá trị khác, cũng như chi phối toàn bộ quá trình phát
triển của văn hóa xứ Đoài, qua những truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, sự
tích thần Tản Viên, di tích đền thờ Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền, Thành cổ
Sơn Tây… mang ý nghĩa của giá trị văn hóa xứ Đoài đó là tinh thần kiên
cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên của con người
nơi đây. Chính trong điều kiện chống xâm lược ấy, lòng tự tôn, tự hào về
truyền thống quê hương đã phát triển thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình
hình mới tinh thần kiên cường, bất khuất của con người Sơn Tây đó cần được
quảng bá, phát huy.
Tinh thần đoàn kết, thủy chung; xuất phát từ yêu cầu chinh phục thiên
nhiên, chống giặc ngoại xâm để sinh tồn, trong hoàn cảnh ấy đã hun đúc, tôi
luyện cố kết mọi người lại trong mối tương quan bền chặt giữa cá nhân - gia
đình - làng xã, triệu người như một, chung sức, chung lòng khắc phục khó
khăn và giá trị văn hóa tốt đẹp này thường xuyên được bồi đắp qua các thế hệ
trở thành bản lĩnh, ý chí, tôi luyện kết tinh thành đặc trưng riêng làm giàu
15
thêm cho văn hóa xứ Đoài và được lưu giữ đến ngày nay. Hiện nay, tinh thần
ấy được thể hiện ở quyết tâm của cộng đồng các dân tộc nơi đây đưa thị xã
Sơn Tây ngày càng phát triển giàu đẹp, sánh vai cùng các địa phương khác.
Thứ ba, lòng trung thực, cần cù, sáng tạo trong lao động.
Đây cũng là đức tính tốt đẹp của con người Sơn Tây, thể hiện đậm
nét trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn chiến tranh, hoạn nạn và hiện
nay trong nền kinh tế thị trường cần phải lưu giữ và phát huy những đức
tính tốt đẹp ấy. Do đặc điểm môi trường thiên nhiên khắc nghiệt đã đào
luyện cho con người nơi đây có đức tính cần cù, chịu khó trong lao động
sản xuất, tạo ra của cải vật chất, để duy trì sự sống, bảo đảm sự tồn tại và
phát triển của bản thân cũng như cộng đồng. Từ đó, đức tính cần cù, sáng
tạo được hình thành, phát triển và trở thành giá trị cơ bản, cốt lõi trong
giá trị văn hoá của con người xứ Đoài, được biểu hiện ở sự nhiệt tình,
hăng say với nghề nghiệp; tình yêu lao động, tinh thần trách nhiệm với
công việc, đạo đức lương tâm nghề nghiệp; đức tính kiên nhẫn, chịu khó
tìm tòi, ham học hỏi để tạo ra phương thức lao động tốt nhất, nhằm đạt
hiệu quả cao nhất, đáp ứng nhu cầu mọi mặt của con người. Trong lao
động cần cù, sáng tạo không chỉ đơn thuần để đáp ứng nhu cầu cuộc sống
con người, mà còn bảo đảm mọi mặt cho công cuộc kháng chiến chống
quân xâm lược.
Trên cơ sở phân tích trên, có thể quan niệm: Giá trị văn hóa xứ Đoài ở
thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội là tổng thể những giá trị văn hóa vật chất
và văn hóa tinh thần được hình thành qua quá trình hoạt động thực tiễn của
nhân dân nơi đây trong các thời kỳ lịch sử trên cơ sở điều kiện tự nhiên, xã
hội, được lưu truyền qua các thế hệ, là bản sắc, gốc nền cho sự phát triển
hiện tại và định hướng tương lai của thị xã Sơn Tây.
* Giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội
hiện nay
Giữ gìn theo nghĩa thông dụng, chung nhất được hiểu là giữ cho được
16
nguyên vẹn, không bị mất mát, tổn hại. Với văn hóa thì giữ gìn không chỉ
đơn thuần là giữ nguyên vẹn, không mất mát, tổn hại những giá trị đã có, mà
còn bao hàm cả việc kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, tiếp biến tinh hoa văn hóa bên
ngoài để bổ sung, quảng bá, phát huy, làm giàu giá trị văn hóa. Cùng chung
với quan điểm đó trong cuốn “Thanh niên quân đội với việc giữ gìn bản sắc
văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế hiện nay” hai tác giả TS Lưu Ngọc
Khải và TS Nguyễn Văn Tùng quan niệm: Thực chất giữ gìn văn hóa dân tộc
là hoạt động tự giác của chủ thể để bảo vệ, giữ gìn, bổ sung, phát triển và
quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu một cách chọn lọc
tinh hoa văn hóa nhân loại xây dựng nền văn hóa dân tộc tiên tiến, đậm đã
bản sắc... Theo cách tiếp cận đó có thể quan niệm:
Giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội là
hoạt động có mục đích của chủ thể để kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, quảng bá,
phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài, làm giàu thêm đời sống tinh thần của cộng
đồng dân cư, huy động nó thành sức mạnh vật chất, tạo ra động lực thúc đẩy
sự phát triển bền vững của thị xã Sơn Tây.
Giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài bao hàm cả giá trị văn hóa vật chất và
giá trị văn hóa tinh thần là trách nhiệm của nhiều lực lượng tham gia. Giữ gìn
giá trị văn hóa xứ Đoài không có nghĩa là đóng cửa văn hóa, cố lưu giữ vốn cổ,
giữ cái không còn phù hợp; mà là hoạt động tự giác của con người (chủ thể là
nhân dân sinh sống ở thị xã Sơn Tây) tổ chức hoạt động kế thừa, bảo tồn, quảng
bá, phát huy giá trị văn hóa đó cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Tuy nhiên
trong giao lưu, tiếp biến văn hóa cần phải tiếp nhận giá trị, làm giàu và nâng tầm
giá trị văn hóa xứ Đoài cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới, tạo sức mạnh cho
thị xã Sơn Tây phát triển bền vững, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về giữ
gìn giá trị văn hóa xứ Đoài là cơ sở khoa học để xác định nội dung giữ gìn giá
trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội hiện nay:
Một là, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể như đền, chùa, miếu
17
mạo, địa danh lịch sử như khu sinh thái Đồng Mô, các di tích lịch sử Thành
cổ Sơn Tây, Làng cổ ở Đường Lâm…
Hai là, tuyên truyền giáo dục, quảng bá các giá trị văn hóa xứ Đoài
trên địa bàn thị xã Sơn Tây như giá trị văn hóa vật thể, tinh thần kiên cường
bất khuất trong chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên, tinh thần
đoàn kết, thủy chung, lòng trung thực, cần cù, sáng tạo trong lao động.
Ba là, quản lý chặt chẽ các hoạt động lễ hội truyền thống nhằm giữ
gìn, truyền bá, phát triển các giá trị văn hóa xứ Đoài như thành lập Ban tổ
chức quản lý lễ hội, quản lý vốn đầu tư xây dựng, ban hành quy chế quản
lý và thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ cho
hoạt động lễ hội chặt chẽ… góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp
trong sinh hoạt của nhân dân xứ Đoài, giáo dục lòng biết ơn với các anh
hùng dân tộc trong lịch sử dựng nước giữ nước và tuyên truyền giá trị văn
hóa của các làng nghề truyền thống trên địa bàn.
Bốn là, kế thừa, phát triển giá trị văn hóa xứ Đoài tạo động lực cho
phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở địa phương như kế thừa, phát triển giá
trị văn hóa về tinh thần kiên cường bất khuất trong chống giặc ngoại xâm và
chinh phục thiên nhiên, tinh thần đoàn kết, thủy chung khắc phục khó khăn,
lòng trung thực, cần cù, sáng tạo trong lao động của người xứ Đoài.
Năm là, đấu tranh chống lại những hành vi, hoạt động phản văn hóa đi
ngược lại với giá trị văn hóa xứ Đoài tốt đẹp. Đây là vấn đề cơ bản nhất,
quyết định nhất của chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách
mạng nước ta. Tập trung đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng văn
hóa của các thế lực thù địch để chống phá cách mạng và những nhận thức
lệch lạc, những hành vi, hoạt động phản văn hóa, phê phán lối sống thực
dụng, hưởng lạc của văn hóa phương Tây, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa xứ
Đoài trên địa bàn.
1.1.2. Biểu hiện vai trò của hệ thống chính trị cở sở trong giữ gìn giá
trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội hiện nay
18
* Quan niệm về hệ thống chính tri cơ sở ở thị xã Sơn Tây
Hệ thống chính trị cơ sở ở nước ta: Trong Điều 110 Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bổ sung sửa đổi năm 2013) nêu rõ: Các
đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân
định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tỉnh
chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung
ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành
phường và xã; quận chia thành phường. Như vậy, bộ máy hành chính nước ta
có 4 cấp; trong đó, cấp (xã, phường, thị trấn) là cấp cơ sở, gồm các tổ chức
thiết chế chính trị như tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể nhân dân, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc nhất
định và gắn bó hữu cơ với nhau. Mỗi bộ phận hợp thành trong HTCTCS có
vị trí, vai trò, chức năng khác nhau, song đều vận hành theo cơ chế Đảng lãnh
đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Đặc điểm HTCTCS ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội: Được tổ chức
theo quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
trong đó cấp xã, phường là cấp cơ sở, gồm các thành tố như tổ chức cơ sở đảng
(chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở xã, phường); chính quyền cơ sở xã, phường (Hội
đồng nhân dân và ủy ban nhân dân xã, phường) và các tổ chức chính trị - xã
hội (Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,
Hội Cựu chiến binh...ở xã, phường) được tổ chức và hoạt động theo những
nguyên tắc nhất định và gắn bó hữu cơ với nhau. Mỗi bộ phận hợp thành
HTCTCS ở thị xã Sơn Tây có vị trí, vai trò, chức năng khác nhau, song đều
vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Tổ chức cơ sở đảng xã, phường: Là nền tảng của Đảng, là hạt nhân
chính trị ở cơ sở. Đảng bộ xã, phường bao gồm nhiều chi bộ; thông thường
mỗi thôn, xóm, tổ dân phố có một chi bộ. Có các chức năng chủ yếu lãnh đạo
thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở,
19
trong đó có giữ gìn giá trị văn hóa. Xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch,
vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập
trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và
phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng,
thường xuyên giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên không ngừng
nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức,
năng lực công tác, làm công tác phát triển đảng viên. Lãnh đạo xây dựng
chính quyền, các tổ chức kinh tế, hành chính, sự nghiệp, quốc phòng, an ninh
và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; chấp hành nghiêm
pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Chính quyền cơ sở xã, phường: Gồm có Hội đồng nhân dân và ủy ban
nhân dân; trong đó Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa
phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do
nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và
cơ quan Nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân thực hiện những nhiệm vụ,
quyền hạn của mình bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương đồng
thời phát huy quyền chủ động sáng tạo của địa phương. Hội đồng nhân dân có
hai chức năng cơ bản là quyết định và giám sát trên mọi lĩnh vực của đời sống
xã hội ở cơ sở. Trong giữ gìn giá trị văn hóa, hội đồng nhân dân quyết định các
chủ trương, biện pháp chủ yếu thực hiện công tác giữ gìn giá trị văn hóa theo
quy định của pháp luật. Uỷ ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng
nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp
hành Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, nghị
quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Ủy ban nhân dân có chức năng nhiệm
vụ là thực hiện quản lý Nhà nước toàn diện trên địa bàn, tổ chức thực hiện
những nghị quyết và quyết định của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Các tổ chức chính trị - xã hội xã, phường: Gồm có Uỷ ban Mặt trận Tổ
quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... ở
cơ sở, có chức năng chủ yếu là tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết
20
toàn dân, tạo sự nhất trí về chính trị, tinh thần của nhân dân; tuyên truyền vận
động nhân dân phát huy quyền làm chủ thực hiện đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn; giám sát mọi
hoạt động của cơ quan Nhà nước ở cơ sở, các đại biểu dân cử và cán bộ công
chức; tập hợp những ý kiến và kiến nghị của nhân dân để phản ánh với Đảng
và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân ở địa
phương, chăm lo bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của nhân dân.
Như vậy, HTCTCS ở thị xã Sơn Tây là cấp thấp nhất trong HTCT ở thị
xã, được tổ chức chặt chẽ và gắn bó hữu cơ với nhau, hoạt động theo nguyên
tắc nhất định, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính
quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Về trình độ chuyên môn: Đội ngũ cán bộ hiện nay vẫn chưa được đào
tạo cơ bản và đúng chuyên ngành, trình độ học vấn còn thấp, trong đó có cả
những chức danh chủ chốt. Theo số liệu thống kế ở thị xã vẫn còn 1,83% số
cán bộ chỉ mới có trình độ văn hóa cấp II. Đội ngũ cán bộ trong HTCT vẫn
còn 4,88% chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ [Phụ lục 6].
Về nhiệm vụ của HTCTCS thị xã Sơn Tây: Cũng có nhiệm vụ như địa
phương khác, nhưng với đặc thù riêng là vừa tập trung phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, vừa giải quyết những vấn đề
tôn giáo, đoàn kết quân dân phức tạp. Địa bàn là khu vực phức tạp về an
ninh chính trị, có mật độ dân cư đông, thành phần dân cư không thuần nhất;
là nơi hợp cư của người dân từ nhiều tỉnh, thành đến cư trú, trong đó có nhiều
đối tượng tiền án tiền sự, đã làm cho các mối quan hệ xã hội đan xen. Một bộ
phận nông dân, buôn bán nhỏ có trình độ dân trí thấp, việc làm thiếu ổn định,
thu nhập bấp bênh, điều đó dẫn đến những hệ lụy phức tạp về tình hình an
ninh trật tự, gây ra nhiều, nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng tới môi trường xã
hội, tới việc phát huy vai trò của HTCTCS trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ
Đoài ở thị xã Sơn Tây. Đây cũng là địa bàn có tình hình tôn giáo hoạt động
phức tạp, tập chung chủ yếu hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa
21
giáo; đây là thủ phủ của Thiên chúa giáo trong khu vực với 1 tòa giám mục,
11 nhà thờ sứ, 1 chủng viện, là nơi chỉ huy hoạt động của thiên chúa giáo 9
tỉnh phía Bắc, tập trung ở khu vực xã Cổ Đông, phường Trung Sơn Trầm,
phường Lê Lợi; với sự chỉ đạo của tổ chức thiên chúa giáo quốc tế và trong
nước. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có hơn 3000 lượt người nước ngoài đến
địa bàn với nhiều mục đích khác nhau, gây khó khăn cho công tác quản lý,
bảo vệ chính trị nội bộ, phòng chống tội phạm, bảo vệ bí mật quân sự và bí
mật quốc gia, giải quyết vấn đề tôn giáo, giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài.
Trên địa bàn, nhiều tệ nạn xã hội xuất hiện và có chiều hướng gia tăng
như trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút, ma túy, mại dâm, cá độ bóng đá… Một số
dịch vụ phi pháp như lô, đề, cầm cố, cho vay nặng lãi mọc lên quanh các đơn
vị quân đội. Những cơ sở này coi các đơn vị quân đội là môi trường kinh
doanh, coi quân nhân là đối tượng “phục vụ” và làm ăn chính. Theo số liệu
cung cấp từ Ban chỉ huy Quân sự thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội trên địa
bàn hiện nay có 35 đầu mối cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội, với hơn 5
vạn quân nhân tại ngũ và quân nhân đã nghỉ hưu (trong tổng số trên 19 vạn
dân). Tình hình trên đã phản ánh tính phức tạp của địa bàn đòi hỏi HTCTCS
cần phải giải quyết những vấn đề nảy sinh góp phần giữ gìn giá trị văn hóa
xứ Đoài. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, cán bộ là gốc của
công việc, còn gốc tốt hay xấu phụ thuộc vào cán bộ giỏi hay kém. Điều đó
còn đúng với người cán bộ chủ chốt cấp cơ sở cả nước nói chung và ở thị xã
Sơn Tây hiện nay nói riêng.
Trên cơ sở các trình bày trên đây về HTCTCS, căn cứ đặc điểm ở thị
xã Sơn Tây, có thể đưa ra quan niệm: Hệ thống chính trị cơ sở thị xã Sơn Tây
là một bộ phận của hệ thống chính trị nước ta, một chỉnh thể thống nhất bao
gồm toàn bộ các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp ở
xã, phường, các thiết chế quy định về tổ chức và hoạt động giữa các tổ chức
đó nhằm thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà
nước, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thị xã ở cơ sở.
22
* Biểu hiện vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn giá trị
văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội hiện nay
Vai trò, theo từ điển tiếng Việt là “chức năng, tác dụng của cái gì hoặc
của ai trong sự vận động phát triển của nhóm, tập thể nói chung” [87, tr. 1400].
Theo cách hiểu như trên, có thể quan niệm vai trò của HTCTCS ở thị xã Sơn
Tây, Thành phố Hà Nội trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài hiện nay là sự
thể hiện chức năng của hệ thống chính trị cơ sở ở thị xã Sơn Tây (chức năng
của tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội)
đối với việc kế thừa, bảo tồn, quảng bá, phát huy làm giàu giá trị văn hóa xứ
Đoài trong cộng đồng ở khu dân cư, làm phong phú bản sắc văn hóa của dân
tộc trong điều kiện lịch sử mới, huy động nó thành sức mạnh vật chất, tạo ra
động lực bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của thị xã Sơn Tây.
Hệ thống chính trị cơ sở là thiết chế quan trọng trong tổ chức thực hiện
giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài ở thị xã Sơn Tây, biểu hiện ở một số nội dung
cơ bản sau:
Một là, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, giáo dục, quảng bá
giá trị văn hóa xứ Đoài.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, giáo dục, quảng bá
của HTCTCS có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, giác ngộ
chính trị và tinh thần cách mạng cho nhân dân. Thông qua hoạt lãnh đạo, chỉ
đạo, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, quảng bá sẽ làm cho nhân dân có nhận
thức và hành động đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và
pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo hoạt động của nhân dân tích cực, tự giác
thực hiện giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài cả về văn hóa vật thể và phi vật thể.
Hệ thống chính trị cơ sở là nhân tố trực tiếp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo,
tuyên truyền, giáo dục, quảng bá thực hiện giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài, vì
HTCTCS là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Hiệu quả
hoạt động của nó phản ánh trực tiếp hiệu quả hoạt động của HTCT cấp trên,
của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chiến lược về xây dựng và phát triển văn
23
hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước
hiện nay. Khi thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá truyền
thống văn hóa dân tộc, của địa phương đến với nhân dân các dân tộc trên địa
bàn sẽ là nhân tố góp phần thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế - xã hội, giữ
vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi các hiện tượng làm phai
nhạt giá trị văn hóa xứ Đoài.
Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp phối hợp với các lực lượng giữ gìn, bảo
vệ giá trị văn hóa xứ Đoài thông qua các hoạt động quản lý văn hóa.
Đề cao hoạt động quản lý văn hóa, trong Văn kiện Đại hội XII của
Đảng đã chỉ rõ: “Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đẩy mạnh việc thể chế
hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa. Chấn chỉnh và
quản lý tốt các hoạt động lễ hội. Rà soát, phát triển hợp lý các thiết chế văn hóa”
[28, tr. 131]. Để thực hiện tốt vai trò này, HTCTCS phải kết hợp chặt chẽ với
các lực lượng như HTCT cấp trên, các đơn vị bộ đội và công an, công ty, xí
nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, chức sắc của các tôn giáo, các cơ
quan báo chí, phát thanh, truyền hình và nhân dân, đặc biệt là những người có
uy tín trong khu dân cư…, nhằm phát huy dân chủ XHCN, vai trò của nhân dân
trong bảo vệ, lưu giữ, kế thừa, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa xứ Đoài.
Nội dung phối hợp với các lực lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo,
tuyên truyền vận động nhân dân, kiểm tra, giám sát, xử phạt, đấu tranh làm
thất bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, phát triển kinh tế - xã hội trong
kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài. Vai
trò của HTCTCS là lực lượng trực tiếp phối hợp với các lực lượng, tổ
chức, giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo giá trị văn hóa xứ Đoài thể hiện thông qua
vai trò của từng thành tố:
Tổ chức cơ sở đảng trực tiếp đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ
đạo việc triển khai và phối hợp với các lực lượng tổ chức quản lý giữ gìn, bảo
vệ, tôn tạo giá trị văn hóa xứ Đoài ở địa phương theo chính sách, pháp luật của
24
Nhà nước, trong đó chú trọng đến việc tu bổ, tôn tạo, chưng cất nơi thờ tự các
công trình công cộng, tôn giáo tín ngưỡng, hệ thống các ngôi nhà cổ và nhà
thờ họ... ; các hoạt động nghi lễ, lễ hội truyền thống, đề ra chủ trương, biện
pháp xử lý các vi phạm trong quá trình xây dựng và tu bổ các di tích văn hóa.
Chính quyền cơ sở trực tiếp tổ chức thực hiện chủ trương lãnh đạo của
tổ chức cơ sở đảng, phối hợp với các lực lượng, quản lý mọi hoạt động văn
hóa theo pháp luật, nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi phát huy sự tham
gia của nhân dân trong giữ gìn giá trị văn hóa xứ Đoài; đồng thời ngăn chặn
những hành vi vi phạm nguyên tắc quy định trong quá trình bảo tồn, tôn tạo
và sử dụng di tích lịch sử văn hóa.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở có vai trò tập hợp
toàn dân tham gia vào các hội đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội của mình,
thông qua đó mà vận động nhân dân, chấp hành nghiêm quy định trong giữ gìn
giá trị văn hóa xứ Đoài của tổ chức đảng và chính quyền cơ sở ở địa phương.
Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo tạo điệu kiện khuyến khích phát triển các giá
trị văn hóa lịch sử ở các làng nghề truyền thống.
Đây là một nhiệm vụ quan trọng của HTCTCS trong thực hiện chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giữ gìn giá
trị văn hóa. Tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần khuyến khích làm sao
cho các sản phẩm sản xuất ra ở các làng nghề truyền thống đó kết tinh được
tinh hoa của văn hóa xứ Đoài, đồng thời đảm bảo để các làng nghề vừa phát
triển kinh tế nâng cao đời sống của nhân dân, vừa giữ gìn, phát triển giá trị
văn hóa lịch sử, lưu giữ hồn cốt văn hóa của các làng nghề.
Nội dung tạo điều kiện khuyến khích như tạo điều kiện thuận lợi về
môi trường sản xuất kinh doanh: Về vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, thị trường,
áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ xử lý trong bảo vệ môi
trường; nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân,
tôn vinh những nghệ nhân, thợ giỏi trong các làng nghề... để mở rộng phát
triển sản xuất kinh doanh. Bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp thích hợp
25