Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

Một số giải pháp có hiệu quả trong dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn ngữ văn ở trường THPT triệu sơn 2

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (152.02 KB, 21 trang )

A. ĐẶT VẤN ĐỀ
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1. Người xưa từng nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí
thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống
thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng
nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên ”(Trích “Hiền
tài là nguyên khí của quốc gia”- Thân Nhân Trung).[1]
Tiếp nối truyền thống ấy, ngày nay Đảng và Nhà Nước ta luôn coi “giáo
dục là quốc sách hàng đầu Việt Nam”[2], luôn xác định “Nâng cao dân trí, đào
tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” [3] là mục tiêu quan trọng mà ngành giáo dục
hướng tới.
Bộ giáo dục và đào tạo đã có rất nhiều chủ trương mới về công tác bồi
dưỡng học sinh giỏi. Đó là chú trọng tiếp tục xây dựng hệ thống các trường
chuyên một cách hoàn thiện hơn; khuyến khích và tôn vinh những học sinh có
thành tích cao trong học tập; các học sinh có năng khiếu được học với chương
trình nâng cao phù hợp với năng lực và nguyên vọng của các em; những năm
trước, học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia từ giải ba trở lên còn được tuyển
thẳng vào Đại học theo nguyện vọng...
Chính vì vậy mà có thể nói công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là công tác mũi
nhọn và trọng tâm của ngành giáo dục. Nó có tác dụng tích cực, thiết thực và
mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên và kích thích
tinh thần say mê học tập của học sinh, nâng cao chất lượng và khẳng định uy tín,
thương hiệu nhà trường, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo
dục nói chung.
2. Năm nào cũng vậy, Sở giáo dục và đào tạo Thanh Hoá đều tổ chức kì
thi chọn học sinh giỏi các cấp, trong đó có thi học sinh giỏi THPT. Kì thi này
nhằm lựa chọn và tôn vinh những học sinh có thành tích cao trong các môn học.
Đồng thời, kết quả của cuộc thi này cũng là một căn cứ, một “kênh” thông tin
quan trọng để Sở giáo dục và đào tạo đánh giá chất lượng giáo dục của mỗi
trường học trong phạm vi toàn tỉnh. Vì thế, hàng năm, trường THPT Triệu Sơn 2
vẫn coi công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm


của thầy và trò.
3. Nghề dạy học là một nghề “Cao quý nhất trong những nghề cao quí
nhất”[4]. Người dạy học không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Thầy cô giáo
vừa là người giúp các em lĩnh hội tri thức và vân dụng nó một cách linh hoạt vào
cuộc sống, vừa chính là những kỹ sư xây đắp tâm hồn bao thế hệ học sinh.
Người giáo viên dạy môn Ngữ văn càng có nhiều ưu thế nhất trong việc này.
Niềm vui sướng đối với người thầy người cô là đào tạo ra những học sinh
học giỏi, chăm ngoan, thành đạt, có đạo đức, có nhân cách tốt đẹp, biết cư xử
đúng với chuẩn mực đạo lí dân tộc... Nhưng một trong những niềm vui sướng
vinh dự, hạnh phúc nhất trong cuộc đời người giáo viên là đào tạo và bồi dưỡng
được những học sinh giỏi . Để có được học sinh giỏi thì ngoài năng lực, tố chất
của học sinh còn cần có công lao bồi dưỡng của người thầy. Là một giáo viên
1


Ngữ văn đứng lớp giảng dạy hơn mười năm và đã từng tham gia bồi dưỡng học
sinh giỏi qua nhiều năm học, tôi đã nhận thức sâu sắc được điều đó.
4. Một tiết dạy bình thường trên lớp cũng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng mới
có thể dạy tốt và mang lại hiệu quả được. Nhưng một tiết dạy bồi dưỡng học
sinh giỏi còn có yêu cầu cao hơn rất nhiều. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là
nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất đỗi vinh dự cho người giáo viên khi tham gia
giảng dạy. Mối băn khoăn luôn thường trực trong suy nghĩ của tôi là: Làm thế
nào để khơi dậy được tình yêu cháy bỏng về môn văn cho học sinh? Làm thế
nào để học sinh đạt kết quả tốt nhất trong bài thi với ba tiếng đồng hồ mà không
phải tiếc nuối khi ra khỏi phòng thi? Làm thế nào để học sinh đạt giải cao nhất
như niềm mong mỏi của cả cô và trò?
5. Tôi đã tìm hiểu và tham khảo nhiều tài liệu, sách báo, tìm kiếm trên inter-net để thu thập những kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi THPT... nhưng
nhìn chung chưa thấy có nhiều chuyên đề trình bày thật sự hệ thống, thấu đáo,
đầy đủ về vấn đề này.Và đặc biệt trong những tài liệu đó chưa bày tỏ một số suy
nghĩ, quan điểm, kinh nghiệm...giống như cá nhân tôi trong quá trình bồi dưỡng

học sinh giỏi.
6. Năm học 2016 – 2017, đội tuyển Học sinh giỏi môn Ngữ văn của
trường THPT Triệu Sơn 2 tham dự kì thi HSG tỉnh và đã đạt kết quả rất cao, cụ
thể là: Đạt 05/05 giải, trong đó có 01 giải Nhất, 03 Giải Nhì và 01 giải Ba, xếp
thứ 01 trên 106 trường THPT trong toàn tỉnh.
Với tất cả mọi nỗ lực của cá nhân trong thực tiễn trải nghiệm công tác bồi
dưỡng học sinh giỏi văn (đặc biệt là học sinh lớp 12) qua một số năm học; với cả
niềm mong ước và hy vọng là được trao đổi kinh nghiệm dạy học cùng đồng
nghiệp, mong nhận được sự góp ý chân thành của những người trong nghề; và
mong góp một phần nhỏ bé của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục
mũi nhọn của tỉnh nhà... tôi lựa chọn đề tài : Một số kinh nghiệm bồi dưỡng đội
tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn có hiệu quả ở trường THPT Triệu Sơn 2.
II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Việc tôi áp dụng những giải pháp trong sáng kiến trên vào việc bồi dưỡng
đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn trước hết để góp phần nâng cao hiệu quả
của việc dạy học, nhằm đạt kết quả cao nhất trong kì thi Học sinh giỏi môn Văn
cấp tỉnh.Vì đây là một thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường.
Thứ hai, những giải pháp này nhằm tạo được sự phấn khởi trong học tập,
nhất là tạo được hứng thú cho học sinh trong các chuyên đề bồi dưỡng học sinh
giỏi, tránh được sự dàn trải về kiến thức.
Sau nữa, việc nghiên cứu đề tài còn là cơ hội để tôi củng cố, bồi đắp và
nâng cao kiến thức chuyên môn của bản thân.
Đây cũng là dịp tốt để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm dạy học sinh giỏi với
các đồng nghiệp của mình - không chỉ trong trường THPT Triệu Sơn 2 mà còn là
các đồng nghiệp nói chung khi đang tham gia giảng dạy môn Ngữ văn..
2


III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu việc áp dụng một số giải pháp bồi dưỡng đội tuyển học sinh

giỏi có hiệu quả ở môn Ngữ văn cho học sinh trường THPT Triệu Sơn 2(chủ yếu
là học sinh hai lớp 12A1 và 12A2).
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Phương pháp nghiên cứu lý luận
- Thu thập thông tin lý luận ở các bài tham luận, trên Internet…
2. Phương pháp nghiên cứu thực tế
Sử dụng các phương pháp : Quan sát, điều tra, phân tích, thống kê, tổng hợp, so
sánh, tổng kết kinh nghiệm.
3. Phương pháp chuyên gia.
- Tham khảo kinh nghiệm của một số đồng nghiệp làm công tác bồi dưỡng đội
tuyển HSG lâu năm ở trong trường và các trường phổ thông trong tỉnh.

3


B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. CƠ SỞ LÍ LUẬN
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một nhiệm vụ rất quan trọng, lớn lao,
khó khăn, nặng nề nhưng rất đỗi vinh dự. Học sinh giỏi thường là học sinh có tố
chất đặc biệt - khác các học sinh khác về kiến thức, khả năng cảm thụ văn
chương, khả năng tư duy và nhất là khả năng viết bài ( nhiều em có thể viết bài
gửi các báo, có những đề tài nghiên cứu phù hợp với lứa tuổi).
Như vậy tiết dạy bồi dưỡng học sinh giỏi đòi hỏi giáo viên phải có sự
chuẩn bị và đầu tư nhiều hơn là tiết dạy bình thường trên lớp, thậm chí phải có
quá trình tích lũy kinh nghiệm qua thời gian mới có thể đạt hiệu quả và thuyết
phục học sinh, làm cho các em thực sự hứng thú và tin tưởng. Đó là yêu cầu của
ban giám hiệu, lãnh đạo nhà trường và cũng là mục tiêu của người bồi dưỡng.
Giáo viên tham gia bồi dưỡng phải có sự học tập và trau dồi không ngừng nghỉ,
cùng với lòng nhiệt huyết, quyết tâm cao mới có thể đáp ứng được yêu cầu của
công việc.

Qua một số năm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi (Từ lớp 10 đến lớp
12, chủ yếu là học sinh lớp 12) tôi đã có được những thành công nhất định và
trên cơ sở ấy đúc rút ra một số kinh nghiệm. Vậy nên với đề tài này tôi mạnh
dạn đưa ra những suy nghĩ của mình với mong muốn thiết tha là được trao đổi
kinh nghiệm với các đồng nghiệp, chia sẻ, học tập lẫn nhau để cùng tiến bộ; góp
phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và hiệu quả học tập của học
sinh nói chung. Đó cũng là nội dung, mục đích hướng tới chủ yếu của sáng kiến
kinh nghiệm .
II. THỰC TRẠNG TRƯỚC KHI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ
TÀI
1. Những thuận lợi và khó khăn đối với giáo viên khi thực hiện đề tài
Khi nghiên cứu và thực hiện đề tài này, bản thân tôi đã có những thuận lợi
và khó khăn nhất định.
1.1. Thuận lợi
- Yếu tố khách quan ảnh hưởng tích cực đến vấn đề liên quan đến đề tài:
+ Ban giám hiệu, lãnh đạo nhà trường có sự quan tâm, động viên đúng mức đến
công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; đồng nghiệp nhiệt tình, hỗ trợ đắc lực trong
giảng dạy...
- Các yếu tố chủ quan có ảnh hưởng tích cực tới đề tài:
+ Là một giáo viên nhiệt tình và tâm huyết, tôi thường xuyên nghiên cứu giảng
dạy, dành nhiều thời gian để suy ngẫm về chuyên môn, về tính hiệu quả của giờ
lên lớp, đặc biệt là giờ dạy bồi dưỡng học sinh giỏi.
+ Bản thân tích cực chịu khó trao đổi với đồng nghiệp trong và ngoài trường để
học hỏi và rút ra được những kinh nghiệm cần thiết áp dụng vào quá trình bồi
dưỡng. Vì thế qua từng năm công tác kinh nghiệm giảng dạy cũng được tích luỹ
phong phú hơn.
4


1.2. Khó khăn

- Chất lượng đầu vào (lớp 10) không cao, ít có những học sinh đam mê và có tư
chất văn chương thực sự .
- Tài liệu, sách báo tham khảo ở thư viện còn hạn chế. Chưa có đủ tư liệu để học
sinh và giáo viên tham khảo, nghiên cứu một cách thoải mái, dễ dàng.
- Do xu hướng lựa chọn nghề nghiệp gần đây của xã hội mà tinh thần học tập và
sự quan tâm của học sinh chưa cao đối với môn Ngữ văn (Bởi vì môn Ngữ văn
trong nền kinh tế thị trường có đầu ra khá thấp so với các môn tự nhiên, điều
kiện và cơ hội xin việc làm rất khó đối với những ngành có bộ môn Ngữ văn).
Việc thuyết phục học sinh tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi văn khó hơn so
với các đội tuyển tự nhiên, nhiều em yêu văn nhưng lại gặp sự phản đối từ gia
đình...
- Chất lượng đội tuyển không đồng đều, áp lực trong việc phải có giải và đạt giải
cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giáo viên và cả học sinh...
2. Thực trạng về việc bồi dưỡng học sinh giỏi trước khi thực hiện các giải
pháp của đề tài
Tôi ra trường và giảng dạy môn Ngữ văn vào tháng 10 năm 2004 tại
trường THPT Quan Hoá, đến tháng 7 năm 2008 tôi chuyển công tác về trường
THPT Triệu Sơn 2. Tính đến nay tôi cũng đã dạy học được 13 năm. Trong thời
gian dạy học tại trường THPT Quan Hoá tôi cũng đã có hai năm học được giao
trách nhiệm chính trong việc bồi duỡng học sinh giỏi. Tôi cũng đã có nhiều cố
gắng song hiệu quả công việc chưa cao.
Kết quả cụ thể là:
+ Năm học 2005 - 2006: đội tuyển gồm 03 em nhưng không đạt một giải nào.
+ Năm học 2006 - 2007: đội tuyển 02 em thì có một em đạt giải khuyến khích
cấp tỉnh.
Tại trường THPT Triệu Sơn 2, những năm học từ 2007 - 2008 trở về
trước, số lượng giải học sinh giỏi văn hàng năm cũng khá thấp, dao động từ 2/10
đến 4/10 học sinh.
Từ năm học 2008 - 2009 đến nay, đặc biệt là ba năm học (2014 - 2015,
2015 - 2016 và 2016 - 2017), sau khi tôi và một số đồng nghiệp áp dụng sáng

kiến kinh nghiệm vào thực tiễn bồi dưỡng học sinh giỏi thì kết quả thay đổi rõ
rệt. Học sinh chủ động và lạc quan khi tham gia vào đội tuyển, học tập sôi nổi có
hứng thú và tin tưởng vào kết quả khi làm bài. Số lượng và chất lượng giải đều
tăng lên (Sẽ chứng minh ở phần kiểm nghiệm). Đó là điều vui mừng không thể
nói hết bằng lời.
III. MỘT SỐ KINH NGHIỆM BỒI DƯỠNG ĐỘI TUYỂN HỌC SINH
GIỎI MÔN NGỮ VĂN CÓ HIỆU QUẢ Ở TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 2
Muốn bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi đạt kết quả cao, theo tôi cần phải
chú ý đến rất nhiều yếu tố: đó là có sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, sự quan tâm sâu
sắc từ phía Ban giám hiệu và các tổ chức trong nhà trường ; là sự ủng hộ, tạo

5


điều kiện của gia đình học sinh, của giáo viên chủ nhiệm... nhưng quan trọng
nhất vẫn là hai yếu tố giáo viên đứng lớp và học sinh.
Phương pháp để tiếp nhận và tìm hiểu văn học vô cùng phong phú, khó có
thể nói hết được. Mỗi giáo viên bồi dưỡng và người tiếp nhận văn học đều có
góc nhìn và cảm nhận riêng. Song trong khuôn khổ đề tài này tôi chỉ xin tập
trung vào những giải pháp mà bản thân tôi đã và đang làm cũng như những điều
tôi chiêm nghiệm được qua thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Tôi (và đồng nghiệp của mình trong tổ Văn trường THPT Triệu Sơn 2) đã
rút ra những kinh nghiệm hữu hiệu sau đây trong quá trình bồi dưỡng học sinh
giỏi.
1. Người giáo viên phải nhiệt tình, tâm huyết, đam mê với nghề nghiệp
Như trên đã nói, thực tế dạy học văn ngày nay gặp rất nhiều rào cản, mà
những rào cản đó xuất phát từ nhiều phía: có thể là do chương trình quá nặng, do
giáo viên dạy kém nhiệt tình, tâm huyết, hoặc do xu hướng, thực trạng của nền
kinh tế thị trường đã khiến nhiều gia đình định hướng cho con em họ không theo
những môn khoa học xã hội...trước khá nhiều bất lợi như thế, người giáo viên

phải làm thế nào để dạy tốt môn văn và khiến học sinh yêu thích, say mê? Đó là
câu hỏi làm trăn trở mỗi trái tim, đánh động lương tâm nghề nghiệp của biết bao
thầy cô và cả những nhà quản lí giáo dục.
Cá nhân tôi nhận thấy, muốn làm cho học sinh yêu thích môn Ngữ văn,
nhất là trong thời điểm nhạy cảm này, điều trước tiên là người giáo viên dạy văn
phải luôn giữ được ngọn lửa đam mê của tình yêu nghề nghiệp và thổi bùng
ngọn lửa ấy vào các em học sinh.
Người giáo viên phải thật sự yêu bộ môn văn và xem việc giảng dạy là
trách nhiệm, sứ mệnh cao cả, vinh quang. Bởi vì việc thầy cô yêu nghề, yêu môn
văn sẽ là tiền đề tốt nhất để động viên, khơi gợi hứng thú học tập của học sinh;
đó cũng là động lực để thầy cô cố gắng tìm tòi, suy ngẫm, tìm ra những phương
pháp hợp lí, phù hợp nhất đối với tưng đối tượng học sinh để giảng dạy có hiệu
quả, làm cho các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của văn chương.
Thật vậy, kinh nghiệm quí giá này tôi rút ra được sau năm học 2006 –
2007, lúc đó tôi còn dạy học ở THPT Quan Hoá.
Thật ra, nói một cách khách quan, chất lượng học sinh miền núi bao giờ
cũng có những hạn chế nhất định so với học sinh miền xuôi. Vì thế mà trong các
kì thi, nhất là thi học sinh giỏi toàn tỉnh thường không có giải hoặc giải không
cao. Tuy nhiên lí do chính là do bản thân tôi chưa có nhiều kinh nghiệm bồi
dưỡng học sinh.
Năm học 2005 - 2006, đội tuyển văn của trường THPT Quan Hoá rất ít vì
không có nguồn từ trước đó. Khi được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi,
tôi không cho thi mà trực tiếp chọn luôn 03 học sinh (căn cứ vào kết quả và
năng lực của các em trên lớp). Có thể nói là tôi đã “bắt cóc” ba em vào đội
tuyển.Tôi hướng dẫn cho học sinh tự học, tôi đã dạy một số chuyên đề nhưng
cũng không hết được vấn đề cơ bản. Tôi cũng không tự tin là học sinh của mình

6



có thể đạt giải, vì từ trước tới thời điểm đó chưa có một học sinh nào đạt giải
học sinh giỏi tỉnh môn văn. Hơn nữa tôi nghĩ “Học sinh của mình xuất phát
điểm rất thấp, có dạy thì cũng không thể tiến bộ vượt bậc được, làm sao có thể
đọ sức được với những học sinh miền xuôi giỏi giang, lại học ngày học đêm?”.
Vì thế, nhiều lúc lòng nhiệt tình và sự quyết tâm của tôi không còn nữa. Kết quả
năm đó không em nào đạt giải.
Đến năm học 2006 – 2007, tôi tiếp tục dạy lớp 12 và có nhiệm vụ bồi
dưỡng đội tuyển. Năm đó tôi chỉ chọn 02 học sinh là Phạm Văn Long và
Nguyễn Hà Phương, cả hai em đều dân tộc Thái. Tôi đã động viên các em rất
nhiều để khích lệ tinh thần, và ba cô trò đều cố gắng (phần vì trách nhiệm nặng
nề, phần vì trong thâm tâm tôi vẫn mong học sinh của mình có thể đạt giải). Có
khi học sinh phải học cả ban đêm. Tôi giao bài tập cho các em viết rồi đọc, sửa
chữa...kết quả năm đó em Hà Phương đạt giải khuyến khích cấp tỉnh. Niềm vui
vỡ oà trong tôi. Tôi nhận ra rằng không có gì là không thể, nếu mình nhiệt tình,
biết động viên học sinh và luôn khát khao chiến thắng thì sẽ góp phần quan
trọng đem lại thành công. Dù rằng kết quả còn vô cùng khiêm tốn nhưng nó là
động lực giúp tôi bước tiếp hành trình gian nan của mình.
Năm học 2016 – 2017, sau 13 năm cố gắng không biết mệt mỏi trong việc
bồi dưỡng học sinh giỏi, đội tuyển học sinh giỏi của trường THPT Triệu Sơn 2
đã được xếp thứ nhất trên 106 trường THPT trong toàn Tỉnh (Học sinh đạt giải
Nhất là em Dương Hồng Hà – lớp 12A1 do tôi trực tiếp dạy trong ba năm).
Vì thế tôi thiết nghĩ, ngày nay dù càng nhiều những phương pháp, kĩ thuật
dạy học mới ra đời, các thầy cô giáo có thể tham khảo nhiều cách thức khác
nhau và áp dụng vào công tác giảng dạy. Tuy nhiên dù sử dụng phương pháp
nào đi nữa thì thầy cô cũng chỉ có thể thành công khi chủ động được kiến thức
và thật sự tâm huyết , “sống chết” với nghề.
2. Chủ động phân loại học sinh, phát hiện ra những học sinh có khả năng về
môn văn để tiến hành tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi
Đây là công việc mà tôi cũng như các đồng nghiệp trong tổ Văn trường
THPT Triệu Sơn 2 đã và đang làm để có thể phát hiện và lựa chọn được những

học sinh có tư chất, những ứng viên vào đội tuyển.
Để có được những học sinh giỏi văn trong đội tuyển của nhà trường,
trong quá trình dạy tôi luôn chú ý để tìm ra những hạt nhân sáng giá nhất. Đầu
tiên, tôi chú ý đến những em có đầu vào lớp 10 cao hơn những em khác (từ 7
điểm trở lên). Sau đó tôi theo dõi quá trình học tập lớp 10 của các em qua các
điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì, qua kết quả thi học sinh giỏi
trường (nếu có), rồi gặp gỡ, động viên...để tạo nguồn cho đội tuyển.
Bằng việc làm này, hằng năm tôi và đồng nghiệp đã lựa chọn được một số
học sinh có tố chất, yêu thích môn văn...để chuẩn bị cho việc thành lập đội tuyển
chính thức khi các em học lớp 12.
Tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi là khâu quan trọng bậc nhất quyết
định chất lượng đội tuyển.Vì thế từ năm học 2008 – 2009, khi được giao nhiệm
vụ bồi dưỡng học sinh giỏi ( cùng với một đồng nghiệp nữa), tôi rất chú trọng
7


việc này. Làm thế nào lựa chọn được những em học sinh yêu và đam mê văn
học? Làm sao chọn lựa được những em có tư chất tốt và siêng năng, cần cù
luyện tập để gặt hái được những kết quả tốt nhất? Những câu hỏi ấy cứ làm tôi
trăn trở mãi.
Thời gian từ năm học 2008 - 2009 đến 2013 - 2014, tôi cùng với đồng
nghiệp đã tiến hành lựa chọn đội tuyển chính thức bằng cách: cho học sinh đăng
kí dự thi tuyển, sau đó tiến hành thi chọn rất nghiêm túc, chặt chẽ, theo cấu trúc
đề học sinh giỏi. Tôi chấm và chọn ra những bài viết đạt từ 10,0 điểm trở lên
( thang điểm 20). Tiếp tục dạy một thời gian ngắn (2 tuần), rồi cho thi tiếp vòng
2, chọn lấy 15 em theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp. Tôi lại dạy 2 tuần nữa,
chọn ra 12 học sinh. Cuối cùng chọn 10 học sinh trong đội tuyển chính thức.
Lúc này khoảng cuối tháng 11, còn khoảng hơn 3 tháng là đến kì thi HSG cấp
tỉnh.
Chúng tôi tập trung dạy rất tích cực (theo kế hoạch đã chuẩn bị) để một

mặt vừa cung cấp kiến thức cho các em, mặt khác rèn kĩ năng làm bài và giúp
các em ổn định tâm lí khi thi. Trong những năm học ấy, đội tuyển HSG của
Triệu Sơn 2 phủ giải từ 75% đến 100%. Tuy nhiên chất lượng giải chưa cao.
Từ năm học 2014 – 2015 đến năm học 2016 – 2017 (3 năm – một khóa
học sinh), tôi và đồng nghiệp đã làm khác đi trong việc chọn đội tuyển. Chúng
tôi nhận ra rằng, muốn có chất lượng thật tốt thì phải đào tạo từ “gốc” chứ
không phải chỉ có mình “ngọn”. Nghĩa là việc tuyển chọn phải thực hiện ngay từ
lớp 10 và phải tranh thủ thời gian bồi dưỡng liên tục qua ba năm học mà không
đợi đến lớp 12, vì khi ấy thời gian gấp gáp, hiệu quả sẽ không cao.
Thứ nữa, phải chọn đúng đối tượng. Không phải ngay từ đầu ta đã có sẵn
“Ngọc” mà phải “Đãi cát tìm vàng”. Tôi đã học theo một số kinh nghiệm của
thầy Lê Văn Khải - giáo viên trường THPT Đào Duy Từ - Thanh Hóa. (Xem
phụ lục 1). Có thể nói giải pháp này đã phát huy hiệu quả tối đa.
3. Lập kế hoạch bồi dưỡng đội tuyển và phân công người dạy rõ ràng
Song song với việc thành lập đội tuyển, tôi đã lập bản kế hoạch bồi dưỡng
đội tuyển và dự kiến người dạy hỗ trợ với mình (Căn cứ vào sở trường của mỗi
người mà phân công chuyên đề dạy phù hợp) để trình tổ trưởng chuyên môn và
Ban giám hiệu xét duyệt.
Trong kế hoạch tôi dự kiến các chuyên đề ôn luyện, số tiết thực
hiện...Thông thường kế hoạch của tôi gồm các nội dung sau: Tên chuyên đề;
thời gian thực hiện; người thực hiện; số tiết cho từng chuyên đề; thời gian kiểm
tra chất lượng lần 1, 2, 3, 4; người chấm bài.
Khi làm được điều này, tôi thấy chủ động trong việc dạy học, không còn
gặp phải tình trạng dạy chồng chéo lên nhau, ai thích gì dạy nấy, hay dạy học
gấp rút về sau mà bỏ quá nhiều thời gian “chết” như các năm trước đó nữa.
4. Sưu tầm, giới thiệu các tài liệu tham khảo yêu cầu học sinh tự học, tự tìm
hiểu ở thư viện và nhiều nguồn khác
Tài liệu tham khảo rất quan trọng đối với việc mở rộng kiến thức cho học
sinh. Đối với học sinh giỏi, tài liệu có tầm quan trọng đặc biệt. Sau khi đã tuyển
8



chọn, lập đội tuyển học sinh giỏi, tôi đã hướng dẫn cho học sinh các lọai sách,
tên sách để học sinh tìm đọc hoặc cho học sinh mượn đọc một số sách cần thiết
mà tôi có hoặc là mượn và trao đổi cùng các đồng nghiệp...
Tôi liên tục lên mạng in-ter-net để tìm thêm tư liệu, tuyển chọn, biên soạn
rồi phô-tô cho các em đọc. Tôi giới thiệu các trang báo có nhiều bài viết hay cho
học sinh giỏi như Văn học – Học văn, văn học và tuổi trẻ...
Cuốn tạp chí tôi tin tưởng và tâm đắc từ khi còn là sinh viên - tạp chí Văn
học và tuổi trẻ của nhà xuất bản Giáo dục, số ra hàng tháng được tôi giới thiệu
đến các em và coi đây là một ấn phẩm uy tín, chất lượng cho cả cô và trò tham
khảo. Đối với một học sinh giỏi thì yêu cầu kiến thức phải thực sự phong phú và
sâu rộng. Có như vậy các em mới tự tin, chủ động, mạnh dạn và phóng túng
trong khi làm bài. Kiến thức mỏng và nghèo nàn thì không thể tránh khỏi những
lúng túng, ngượng ngập trong bài viết bởi thiếu sự liên hệ, mở rộng, nâng cao.
Vì thế, tôi đã nhắc nhở học sinh đọc thêm những tài liệu có liên quan. Đó
là các tác phẩm tiêu biểu của những tác giả lớn trong chương trình học nhưng lại
không được in trong sách giáo khoa để các em có phông viết rộng hơn, linh
hoạt hơn. Chẳng hạn như khi học Nam Cao, một học sinh giỏi văn không chỉ
biết tác phẩm Chí Phèo, Đời Thừa, Lão Hạc mà cần phải đọc rộng và am hiểu
thêm nhiều truyện ngắn của Nam Cao trước và sau cách mạng tháng Tám. Khi
dạy về đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, tôi giới thiệu cả trường ca
Mặt đường khát vọng; khi dạy đến truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung
Thành, tôi yêu cầu học sinh đọc Đất nước đứng lên; dạy Vợ chồng A Phủ, học
sinh cần đọc cả tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, tìm hiểu Người lái đò sông Đà,
tôi giới thiệu tập Sông Đà của Nguyễn Tuân...
Ngoài việc nắm và cảm thụ tác phẩm văn học, học sinh còn cần phải đọc
các sách nghiên cứu lý luận phê bình về văn học mới thực sự có điều kiện thâm
nhập một cách đầy đủ về tác phẩm đó. Ví dụ khi học thơ Mới với các bài thơ
Vội vàng của Xuân Diệu, Tràng giang của Huy Cận, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn

Mặc Tử, giáo viên không chỉ hướng dẫn học sinh đọc thêm các tập thơ của Xuân
Diệu trước cách mạng tháng tám, tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận, các tập thơ
của Hàn Mặc Tử mà cần đọc kỹ cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài
Chân để học tập, cảm nhận những lời bình giảng độc đáo, súc tích. Và còn nhiều
những tài liệu nghiên cứu phê bình của các tác giả nổi tiếng khác về văn học rất
giá trị mà học sinh cần phải đọc.
Tôi còn tăng cường biện pháp kiểm tra, nắm bắt vấn đề tự học và nghiên
cứu của học sinh. Nếu có học sinh chưa thực hiện đầy đủ, còn có những lỗ hổng
kiến thức thì giáo viên phải đôn đốc, nhắc nhở và có biện pháp cần thiết để học
sinh làm việc. Nói tóm lại, không đọc hay đọc ít là một hạn chế rất lớn không
tránh khỏi đối với một học sinh giỏi. Đọc nhiều, đọc rộng sẽ phát huy được
nhiều mặt tích cực nhất là ở những học sinh có ít nhiều năng khiếu văn chương.
5. Giáo viên cung cấp và yêu cầu học sinh sưu tầm, ghi chép vào một cuốn
sổ riêng những lời nhận định, đánh giá sắc nét, độc đáo của các nhà văn,
nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học và những câu thơ, đọan
9


thơ hay của nhiều tác giả văn học qua các giai đọan văn học gắn với các
chuyên đề mà giáo viên bồi dưỡng.
Trong quá trình giảng dạy, tôi đã yêu cầu học sinh sưu tầm ghi chép từ
trong sách vở, tài liệu những lời nhận định hay, những đánh giá độc đáo, đặc sắc
của những tác giả tên tuổi về tác phẩm văn học, về vấn đề mang tính lý luận văn
học, hay những câu thơ, đoạn thơ, đoạn văn hay của nhiều tác giả gắn với các
chuyên đề mà tôi bồi dưỡng. Nội dung này tôi đã yêu cầu học sinh ghi vào một
cuốn sổ riêng để các em đọc lại nhiều lần và ghi nhớ. Những tư liệu này rất quý
giá đối với học sinh. Nó vừa giúp các em mở mang vốn tri thức, khám phá vấn
đề theo chiều rộng, chiều sâu, vừa là những dẫn chứng quan trọng, hấp dẫn, tiêu
biểu, tạo nên những điểm nhấn, điểm sáng, giàu sức thuyết phục hơn trong các
bài làm.

Ví dụ như khi dạy chuyên đề về Thơ mới có liên quan đến Xuân Diệu và
thơ ông, tôi đã cung cấp cho học sinh những lời nhận định của một số tác giả
trong và ngoài nước. Cụ thể là:
-“Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, đặc sắc, độc đáo của nền thơ hiện đại Việt
Nam...cho tới nay và những năm tháng trước mắt liệu có ai vượt được Xuân
Diệu trong lĩnh vực thơ tình?Và không ai có thể thay thế được Xuân Diệu ”[5].
(Tố Hữu.)
Bà Bra-gri-a-ma, nhà thơ nữ lừng danh ở chân núi Vi-to-sa (Bun ga ri) khi
tuyển thơ tình trên thế giới đã khoe với các bạn Việt Nam: “Tôi mở đầu tuyển
tập hàng trăm tác giả này bằng nhà thơ Nga Pu-skin và kết thúc bằng nhà thơ
Xuân Diệu - Việt Nam, Xuân Diệu là nhà thơ tình lớn của phương Đông vậy!”
-“Nhà thơ Xuân Diệu mất đi thấy có mang theo một mảng đời văn tôi” [5].
( Nguyễn Tuân).
- “Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của
ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian” [5].
(Thế Lữ, lời tựa cho tập Thơ thơ).
- “ Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời,... khi vui cũng như khi buồn
người đề nồng nàn, tha thiết.....Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ Mới” ; “
Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa.
Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai xua ai nấy về hạ giới...” [5].
( Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam)
Khi dạy chuyên đề Thơ ca cách mạng với “ Nhật ký trong tù” của Hồ Chí
Minh, học sinh sẽ được nắm bắt về hình ảnh Bác : một tâm hồn lớn, một trí tuệ
lớn, một nhân cách lớn...Một số dẫn chứng liên quan đến chuyên đề này là:
“ Lại thương nỗi đọa đày thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc
Mà thơ bay... cánh hạc ung dung” [5].
( Theo chân Bác - Tố Hữu)
- “ Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
10


Vần thơ của Bác, vần thơ thép
Mà vẫn mêng mông bát ngát tình” [5].
(Đọc thơ bác - Hoàng Trung Thông)
- “Đây là bức chân dung của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Nhưng trong
ba phẩm chất ấy, đại nhân là cái gốc, là cơ sở” [5].
( Viên Ưng, Trung Quốc.)
- “ Nhật kí trong tù là một tác phẩm lớn, một viên ngọc mà tác giả hình như chỉ
đánh rơi vào kho tàng văn học - như một hành động ngẫu nhiên. ” [5].
(Đặng Thai Mai)
Khi dạy đến chuyên đề truyện ngắn 1945 - 1975 với tác phẩm Vợ nhặt của
Kim Lân, tôi cung cấp cho học sinh một số nhận định:
-“Kim Lân là người một lòng đi về với đất, với người, với những thuần hậu
nguyên thuỷ của cuộc sống nông thôn”. [5]. (Nguyên Hồng)
-“Dù kề bên cái đói, cái chết, người ta vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về
ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai”(Kim Lân). [5].
-“Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa”. [5].
( Lời nhân vật Pa-ven Coóc-sa-ghin trong Thép đã tôi thế đấy của Ô-xtơ-rốpxki)
Dạy về Truyện kí sau 1975 với bài Ai đã đặt tên cho dòng sông? của
Hoàng Phủ Ngọc Tường, để làm rõ vẻ đẹp trầm mặc của sông Hương, tôi tìm
cho học sinh bài Sông Hương một nét thơ của tác giả Lam Hồ trên Văn học và
tuổi trẻ(Số tháng 3 năm 2004):
“ Sông trầm mặc như muôn đời vẫn thế
Chảy vô tình để bồ kết đưa hương
Nét thơ Đường thả giữa lòng xứ Huế
Hay câu Kiều của dân tộc yêu thương?” [5].
Hay những câu thơ nói lên đặc trưng dòng chảy Hương giang khi qua thành

Huế:
“ Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” [5].
( Tạm biệt - Thu Bồn)
Khi dạy đến tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, học
sinh được cung cấp những câu nhận định nổi tiếng của tác giả:
-“Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con
người”. [5].
-“Viết văn là đi tìm hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người Việt
Nam...”. [5].
Hoặc ý kiến đánh giá về tác giả: “Nguyễn Minh Châu là một trong những
người mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay”. [5].
( Nguyên Ngọc)
Những nốt nhấn như vậy là rất cần thiết trong bài làm của học sinh giỏi.
Thiếu nó bài viết cũng kém đi phần tươi mát, sinh động và cũng dễ trở nên khô
khan hoặc đơn điệu, nhàm chán.
11


Và còn rất nhiều những lời nhận định hay và giá trị, những dẫn chứng
khác về các tác giả, tác phẩm...văn học, giáo viên giúp học sinh sưu tầm, ghi
chép. Tuy nhiên không phải những lời nhận định hay ý thơ nào học sinh cũng
đều hiểu. Nếu có những nhận định ý kiến nào mà học sinh chưa hiểu hoặc hiểu
chưa đầy đủ thì giáo viên phân tích, giảng giải cho học sinh rõ những nội dung ý
nghĩa của vấn đề.
Đó chỉ là một vài ví dụ minh chứng, còn lại là kiến thức mêng mông,
rộng lớn mà người giáo viên bồi dưỡng hướng dẫn học sinh phải có ý thức học
tập vận dụng để mang lại sự hiệu quả, chất lượng cho bài viết.
6. Giáo viên tập trung vào một số chuyên đề quan trọng, đặc biệt là chuyên
đề Lí luận văn học

Đối với bồi dưỡng học sinh giỏi, việc dạy bồi dưỡng theo các chuyên đề
là điều cần thiết và nên làm nhiều nhất để cung cấp kiến thức cho học sinh, đồng
thời giúp các em rèn luyện kĩ năng làm bài tốt hơn.
Qua theo dõi cách ra đề của những năm gần đây, tôi thấy cấu trúc đề
thường là 02 câu. Phần Nghị luận xã hội chiếm 8/20 điểm, gắn với các đề mở,
tập trung vào những vấn đề thực tế hoặc những câu chuyện súc tích và giàu ý
nghĩa. Phần nghị luận văn học chiếm 12/20 điểm, thường tập trung vào những
tác phẩm có tính ngợi ca về con người, vẻ đẹp đất nước, cách mạng hoặc thiên
về những tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc; có khi lại thiên về
những tác phẩm mới được đưa vào sách giáo khoa và mỗi đề đều gắn với lí luận
văn học...
* Vì thế, trong những năm qua tôi đã biên soạn và dạy cho học sinh một
số chuyên đề bám sát chương trình thi. Chẳng hạn, khi dạy về Kĩ năng làm văn
nghị luận xã hội, tôi chia nhỏ làm hai dạng đề chính là Nghị luận về một tư
tưởng, đạo lí và nghị luận về một hiện tượng đời sống.Với mỗi dạng, tôi lần lượt
cho học sinh ôn lại khái niệm, nhắc lại cách thức làm bài gắn với bố cục của bài
làm, giới thiệu một số dạng đề, yêu cầu học sinh xác định đề, lập dàn ý rồi sau
đó giáo viên sẽ củng cố lại. Cuối cùng giao bài tập về nhà cho học sinh làm.
Ví dụ khi tôi dạy Kĩ năng làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
- Trước tiên tôi cho học sinh nhắc lại khái niệm: Nghị luận về một tư tưởng, đạo
lí là bàn về một tư tưởng, đạo lí nhằm giới thiệu, giải thích, phân tích, biểu
dương những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch xung quanh vấn đề bàn
luận, trên cơ sở đó rút ra bài học nhận thức và hành động cần thiết về tư tưởng,
đạo lí.
- Sau đó, tôi nhắc lại cách thức làm bài.
Có thể trình bày bài theo các bước cụ thể sau:
+ Giới thiệu, giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.
+ Phân tích, biểu dương những mặt đúng, phê phán, bác bỏ những biểu
hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận.
+ Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng, đạo lí.

- Giới thiệu một số dạng đề thường gặp cho học sinh: vấn đề tư tưởng đạo lí có
thể được thể hiện ngay trong đề bài, hoặc được đúc kết dưới nhiều dạng:
12


+ Một câu tục ngữ, ca dao; Một câu danh ngôn; Một câu chuyện; Dạng
đề mở...
Một số đề minh hoạ
Đề 1: Hạnh phúc trong tầm tay.
Đề 2: Tôi là người chiến thắng.
Đề 3: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn.
Đề 4: Viết một bài văn ngắn ( khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh chị về
câu nói sau: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự
mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn mình tàn lụi ngay khi còn
sống”(Norman- kusin). [5].
Đề 5: Bài học anh/ chị rút ra được từ câu chuyện sau : Bóng nắng, bóng râm
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng chợt râm.
Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ có con. Lúc nắng mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh khẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố!
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ. Con ngỡ ngàng: Sao nắng,
râm dều phải vội ? Trời vẫn nắng, vẫn râm…
…Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: Đời lúc nào cũng phải nhanh lên. [5].
( Theo Hạt giống tâm hồn)
Tôi còn nhấn mạnh và lưu ý với học sinh: Làm văn nghị luận xã hội thực
chất là cách kéo gần các em trở về cuộc sống, làm cho các em có những nhận
thức thật đúng đắn, những hành động thật đẹp đẽ, nhân văn, những cách ứng xử

thật phù hợp với đạo lí làm người và phải hành động để góp phần làm cho cuộc
sống này tốt đẹp hơn. Làm văn nghị luận xã hội không phải là để nói khoác rồi
sau đó, khi vừa buông bút ra khỏi tay, ta lại làm ngược lại với những điều ta
viết.(Có học sinh phê phán rất gay gắt tình trạng học sinh trốn học chơi điện tử,
nhưng khi nạp bài xong lại đi ra quán nét ngay; trong phòng thi, có em viết cần
lên án, phê phán hiện tượng tiêu cực trong thi cử nhưng chính mình lại sử dụng
tài liệu ngay trong lúc làm bài nghị luận xã hội đó)...
Với các đề ra như vậy hướng vào chuyên đề sẽ kích thích học sinh làm
việc và tư duy một cách toàn diện.
* Trong quá trình dạy, tôi cũng rất chú ý đến chuyên đề kĩ năng làm văn
nghị luận văn học. Tôi đã dạy kĩ năng làm bài của một số dạng đề cơ bản mà tôi
thấy xuất hiện nhiều trong những đề thi học sinh giỏi, thi đại học gần đây: Nghị
luận về một bài thơ, đoạn thơ; một nhân vật văn học; một đoạn trích văn xuôi;
Dạng bài so sánh văn học; Nghị luận về một vấn đề văn học...
Sau khi dạy kĩ về cách làm bài, tôi ra đề để học sinh luyện tập. Có khi tôi
chỉ yêu cầu học sinh xác định đề, lập dàn ý hay viết phần mở bài, phần kết luận
để rèn chắc kĩ năng cho các em.

13


* Tôi đặc biệt quan tâm tới chuyên đề Lí luận văn học, bởi vì đối với một
bài văn của học sinh giỏi, bao giờ các em cũng phải biết vận dụng kết hợp
kiến thức lí luận với khả năng đọc – hiểu, cảm thụ văn bản để làm cho bài
viết “có tầm” hơn, đúng chất hơn.
Kiến thức lí luận văn học vốn là những kiến thức khái quát về bản chất,
giá trị của văn học, cấu trúc tác phẩm, quá trình văn học...được vận dụng trong
bài làm văn. Bài làm văn nếu thể hiện kiến thức lí luận tốt sẽ trở nên chắc chắn,
sâu sắc và thuyết phục.
Xác định được tầm quan trọng của lí luận văn học, tôi đã cung cấp cho

học sinh một số vấn đề, khái niệm thường gặp và có liên quan đến các tác phẩm
trong chương trình học như: văn học là gì? Chức năng và giá trị của văn học;
quá trình văn học và tiếp nhận văn học; tiếng nói tri âm trong văn học; nội
dung và hình thức của tác phẩm văn học; Phong cách nghệ thuật, không gian và
thời gian nghệ thuật, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, vẻ đẹp ngôn ngữ, chất
thơ trong tác phẩm văn xuôi, đề tài, chủ đề, cảm hứng nghệ thuật, ý nghĩa tư
tưởng, tính sử thi, cảm hứng lãng mạn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; thơ và
thơ hay; tình huống truyện; chi tiết nghệ thuật; hình tượng văn học...(Xem phụ
lục 1)
Tôi dạy cho học sinh cách làm bài nếu gặp đề bài liên quan đến vấn đề
này. Trước tiên phải giải thích khái niệm, sau đó tìm ra các biểu hiện trong tác
phẩm, tiếp theo là triển khai cụ thể để chứng minh và cuối cùng là đánh giá ý
nghĩa vấn đề.
Ví dụ, nếu học sinh gặp đề bài :
“Phong cách văn học biểu hiện trước hết ở cách nhìn, cách cảm thụ có tính
chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt của tác giả.”
(Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2008)
Từ hình tượng sông Hương trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của
Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh/ chị hãy bàn luận về ý kiến trên. [5].

Cách giải quyết đề bài trên cần đáp ứng một số ý chính sau:
Nội dung
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận
2. Giải thích và lí giải ý kiến
- Phong cách văn học là những nét riêng, độc đáo của một tác giả trong quá
trình nhận thức và phản ánh cuộc sống... phong cách là sự thể hiện tài nghệ của
người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời
thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá
nhân của người sáng tạo.
- Mỗi nhà văn, nhà thơ là một cá tính sáng tạo riêng và họ sáng tác là để khẳng

14


định mình, để thể hiện được “cái giọng riêng” mà “không thể tìm thấy trong cổ
họng của một người nào khác”(Tuốc – ghê - nhép). Do đó người nghệ sĩ sẽ lựa
chọn những yếu tố nghệ thuật theo cách riêng của mình để không lặp lại người
khác và không lặp lại chính mình.
3. Bàn luận
3.1. Khẳng định vấn đề
- Hình tượng sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? góp phần khẳng
định phong cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
- Nét độc đáo trong phong cách của nhà văn biểu hiện trước hết ở cách nhìn,
cách cảm thụ và giọng điệu riêng biệt.
3.2. Biểu hiện của phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường khi xây dựng hình
tượng sông Hương
3.2.1 Cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá
- Sông Hương luôn được cảm nhận ở vẻ đẹp giàu nữ tính - sông Hương được
miêu tả bằng một hệ thống từ ngữ gợi nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ - Đó
là vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, kín đáo nhưng cũng đầy gợi cảm.
- Sông Hương được miêu tả trong chiều sâu của những giá trị văn hóa: âm nhạc,
thi ca, cuộc đời...
3.2.2. Giọng điệu riêng biệt
- Giọng điệu tha thiết, yêu thương:
- Giọng điệu dịu dàng, mê đắm: hành trình của sông Hương được miêu tả trong
sự liên tưởng đến câu chuyện tình yêu mãnh liệt, say đắm với nhiều cung bậc
cảm xúc: mong đợi, vui sướng, ngập ngừng, bịn rịn, lưu luyến, nhớ nhung...
- Giọng điệu tự hào, trân trọng.
4. Đánh giá khái quát
- Thông qua cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, giọng điệu riêng
biệt, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem đến cho người đọc hình ảnh một sông

Hương vừa quen, vừa lạ, vừa chân thực nhưng đầy sức gợi.
- Sông Hương trong bài kí là sản phẩm của một cái tôi nghệ sĩ tinh tế tài hoa,
một cái tôi giàu vốn văn hóa và trí tưởng tượng phong phú, một cái tôi say đắm
với tình yêu quê hương đất nước. Cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm
nên sự đa dạng cho thể loại kí nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung.
Còn rất nhiều những chuyên đề khác mà tôi không thể giới thiệu hết ở
đây.

15


7. Tăng cường luyện tập thực hành để việc viết bài của học sinh trở thành
kĩ năng, thành thói quen, thành phản xạ. Giáo viên hướng dẫn luyện tập,
chấm bài, giúp học sinh phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm.
Có kiến thức văn học là cần thiết trong một bài văn nghị luận, nhưng điều
đó chưa đủ những yếu tố để đảm bảo thành công trong một bài viết. Điều quan
trọng trong một bài văn nghị luận là học sinh phải có kỹ năng viết: xác định
được yêu cầu của đề ra, định hướng, tìm ý và lập được dàn ý; viết bài hoàn
chỉnh trong thời gian ba tiếng; đảm bảo mọi yêu cầu về hình thức, nội dung.
Nhưng có một thực tế là, đa số học sinh đều nói bình thường các em không viết
được, bị thiếu thời gian hoặc chưa xác định thi chính thức nên viết không hết
mình, dẫn đến kết quả thất thường giữa các bài thi. Có học sinh kiến thức rất tốt
nhưng khi gặp đề bài lại lúng túng trong xác định đề...
Để khắc phục tình trạng này, tôi đã lựa chọn một số đề thi học sinh giỏi
quốc gia, học sinh giỏi tỉnh trước đây và đề HSG của các tỉnh, thành trong toàn
quốc hoặc trực tiếp ra đề và yêu cầu học sinh luyện tập thường xuyên. (Xem
phụ lục 2)
Với các đề văn ấy, tôi yêu cầu học sinh tự xác định đề, lập dàn ý cùng với
sự định hướng của giáo viên sẽ kích thích các em động não, tư duy để hiểu ý
nghĩa nội dung yêu cầu đề, có cách trình bày ý và các thao tác lập luận sao cho

đầy đủ và thuyết phục nhất. Sau đó, tôi yêu cầu học sinh viết bài trong thời gian
ấn định (câu NLXH, NLVH hoặc cả bài) và chấm, chữa bài cho học sinh.
Đây là cơ sở để tôi nắm bắt khả năng của học sinh trên nhiều phương
diện, từ cách hiểu đề, xác định yêu cầu của đề ra, tìm ý và lập dàn ý đến cách
hành văn trong một bài làm cụ thể. Năng lực viết và cảm thụ văn học của học
sinh cũng bộc lộ rõ từ đây.
Sau khi nhận bài của học sinh, tôi đọc thật kĩ từng phần. Sau đó tôi cảm
nhận bài của các em bằng tâm trạng thư thái, nâng niu trân trọng những phát
hiện, tìm tòi của học sinh. Tôi tìm những lỗi trong bài viết: Lỗi chính tả, lỗi viết
tắt, viết số không đúng qui định; lối thiếu ý, lỗi diễn đạt, lỗi hành văn, cách trình
bày...Đặc biệt là lỗi về kĩ năng làm các dạng bài. Nếu học sinh mắc lỗi phần nào
thì sẽ chữa phần đó. Tiếp đến, tôi nhận xét một cách kĩ lưỡng, thấu đáo vào bài
làm (Có khi cần thiết tôi viết cả câu hay một đoạn vào bài để học sinh đối
chiếu). Nhận xét bao giờ cũng phải chỉ được ưu điểm, nhược điểm của học sinh
trong bài làm, đồng thời vừa phải có tác dụng động viên, nâng đỡ tinh thần để
các em tự tin vào chính mình, biết phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu
trong những bài sau.
Có thể nói, chấm bài là một khâu công phu, vất vả nhưng rất quan trọng,
cần thiết để giúp học sinh tiến bộ. Tuy nhiên thời gian lên lớp giữa thầy và trò
không nhiều, nên giáo viên không thể cho học sinh làm được nhiều bài trên lớp
khi bồi dưỡng vì rất mất thời gian. Để khắc phục điều này giáo viên có thể tranh
thủ sau vài buổi học có thể cho các em một đề văn và yêu cầu các em về nhà viết
và đề nghị các em tự giác độc lập làm bài và tự giới hạn bài viết của mình trong

16


một thời gian cho phép nhất định. Điều đó sẽ rèn luyện cho các em rất nhiều về
tư duy viết, tốc độ viết...
8. Giáo viên thường xuyên động viên, gần gũi, quan tâm đến học sinh,

khích lệ các em tự tin, cố gắng
Ngoài việc chú trọng cung cấp kiến thức và rèn luyện kĩ năng, tôi còn chú
ý đến việc khích lệ tinh thần cho học sinh. Đây là một điều tưởng chừng không
liên quan gì đến chuyên môn nhưng thực ra vô cùng quan trọng và hiệu quả.
Chính những lời động viên kịp thời, sự khích lệ của giáo viên đã giúp học sinh
cố gắng hết mình để học tập đạt kết quả cao, không phụ lòng thầy cô và gia
đình, bè bạn.
Tôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nguyện vọng, mơ ước của các
em. Tôi còn tìm hiểu cả hoàn cảnh gia đình, cả những vướng mắc trong cuộc
sống, những biến đổi về tâm lí, tình cảm...( việc này dễ thực hiện nhất với những
học sinh lớp chủ nhiệm và lớp trực tiếp giảng dạy).
Tôi còn động viên tinh thần các em. Có lúc chỉ cần một mảnh giấy nho
nhỏ với khẩu hiệu “Hãy chiến đấu dũng cảm như một chiến binh”, một tin nhắn
hỏi thăm sức khỏe, hay chỉ đơn giản là gấp một con hạc giấy, một ngôi sao nhỏ
tặng các em kèm theo lời chúc may mắn...Nhưng thật bất ngờ, chính những việc
làm đó lại là nguồn động lực vô giá đối với học sinh trên con đường thi cử, thực
hiện ước mơ, và cả trong cuộc sống.
Đến bây giờ tôi vẫn luôn chân thành với học sinh và không hề coi nhẹ
việc động viên các em vì nó tạo nên hiệu quả không ngờ trong việc bồi dưỡng
học sinh giỏi và gắn kết tình cảm giữa cô và trò.
9. Gặp gỡ học sinh và truyền đạt một số “bí quyết” trước khi thi
Trước khi đi thi khoảng một tuần, cả tổ sẽ gặp mặt đội tuyển và dành thời
gian liên hoan, tâm sự và ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần cho các em.
Các thầy cô vừa động viên vừa nhắc học sinh chuẩn bị những điều cần thiết:
- Trước khi thi:
Phải giữ cho tinh thần thoải mái nhất; Chủ động kiến thức; Mang đồng hồ vào
phòng thi để chủ động về thời gian; Mang đầy đủ những giấy tờ cần thiết mà
một thí sinh phải có.
- Khi vào phòng thi:
+ Bình tĩnh, tự tin.

+ Xác định đề, lập dàn ý trước khi viết; làm ngay câu nào mình thấy dễ hoặc
thấy thích hơn những câu khác; hoặc làm câu nhiều điểm trước.
+ Không được bỏ cuộc kể cả khi gặp những câu quá bất ngờ.
+ Cố gắng làm trọn vẹn tất cả các câu.
+ Chú ý dung lượng viết không quá ngắn (dưới 03 tờ) hoặc quá dài(quá 05 tờ).
+ Không được phân tâm khi thấy người bên cạnh xin giấy trước hoặc có những
câu từ gây nhiễu.
+ Chiến đấu hết khả năng của mình, chiến đấu vì cả gia đình, thầy cô và bè
bạn...

17


IV. KẾT QUẢ
1. Những kết quả ban đầu
Để có được những giải học sinh giỏi tỉnh, nhất là giải cao thì còn phụ thuộc
vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố học sinh trong khâu xác định đề và viết
bài. Tuy nhiên, sau 03 năm (01 khóa học sinh từ 2014 đến 2017) áp dụng những
giải pháp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, nhìn chung tôi đã thu được những
kết quả đáng tự hào(Kết quả riêng của cá nhân và cũng là thành tích chung của
tổ chuyên môn).
1.1. Về phía học sinh
- Trong quá trình học đội tuyển,các em thể hiện sự hứng thú rõ rệt, tin
tưởng, lạc quan vào kết quả khi thi. Đặc biệt các em có một tinh thần chiến đấu
rất mạnh mẽ trong thi cử - làm bài hết sức mình.
- Ngoài kiến thức cơ bản, học sinh say sưa sưu tầm những kiến thức mới
làm cho vốn kiến thức ngày càng phong phú. Thành công hơn nữa là trong
những bài thi tập trung toàn trường (thi học kì, thi học sinh giỏi, thi thử đại học
hay kì thi THPTQG), hầu như các em trong đội tuyển đều đạt từ điểm 8 trở lên.
Đây là điều tôi rất vui mừng.

- Nếu như từ năm học 2007- 2008 trở về trước, số lượng giải học sinh giỏi
tỉnh môn văn của trường THPT Triệu Sơn 2 khá khiêm tốn, chỉ dao động từ 2
đến 4/10 giải thì từ khi áp dụng các giải pháp của sáng kiến, nhìn chung số
lượng và chất lượng giải ngày càng tăng lên: Năm học 2008 - 2009 đạt 5/10 giải,
năm học 2009 - 2010 đạt 8/10 giải, năm học 2010 - 2011 đạt 10/10 giải, năm học
2016 – 2017 đạt 05/05 giải.
Chất lượng và kết quả của đội tuyển môn văn trường THPT Triệu Sơn 2
đã được Sở Giáo dục Thanh Hoá và các trường bạn đánh giá cao. Đặc biệt là
năm học 2010 - 2011 (Năm đó tôi và một đồng nghiệp nữa chịu trách nhiệm
chính), đội tuyển đạt 10/10 giải, xếp thứ 06/106 trường THPT trong tỉnh. Năm
học 2016 – 2017 đạt 05/05 giải, trong đó có 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 01 giải ba,
xếp thứ nhất về điểm số trên toàn tỉnh. Đây là thành tích cao nhất của đội tuyển
văn từ trước tới nay. (Xem phụ lục 3).
Đây là một kết quả rất đáng mừng, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng
giáo dục của nhà trường nói riêng và tỉnh nhà nói chung.
- Những năm qua, các em trong đội tuyển khi thi đại học điểm văn khá cao.
- Một số học sinh còn tham gia viết bài gửi các báo, tạp chí như Văn học và tuổi
trẻ; Mực tím; Hoa học trò...và đã được nhận nhuận bút. Khi sửa bài cho học
sinh, tôi vui mừng nhận ra khả năng cảm thụ, thẩm bình thơ văn của các em đã
tiến bộ rất nhiều...
1.2.Về phía giáo viên
Về thực tiễn áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này trong nhà trường đã
mang lại những kết quả rõ rệt:
- Bản thân tôi ngày càng có được sự chủ động, mạnh dạn về kiến thức, ít gặp
những khó khăn lúng túng và vướng mắc như trước đây. Kinh nghiệm dạy học
ngày càng dày lên, kiến thức được củng cố mở rộng.
18


- Tôi nhận thấy tình cảm giữa cô và trò ngày càng gắn kết, gần gũi hơn.

- Tôi đã thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp về cách làm và được đồng
nghiệp yêu mến, Ban giám hiệu tin tưởng. Tất cả các giáo viên trong nhà trường
đều nhất trí rằng đây là một sáng kiến kinh nghiệm có tính thiết thực, tính hiệu
quả cao.
- Bản thân tôi cũng cảm thấy vui mừng và yêu nghề hơn, tự tin khi thấy mình đi
đúng hướng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, nhất là trong thời
điểm hiện tại khi xu thế xã hội thiên về những môn tự nhiên và những môn “thời
thượng” thì sáng kiến kinh nghiệm này như củng cố thêm niềm tin và sức mạnh
cho những giáo viên Ngữ văn chúng tôi tiếp tục bền bỉ phấn đấu và cố gắng vì
sự nghiệp trồng người cao cả.
2. Bài học kinh nghiệm
- Để đạt kết quả tốt thì cả giáo viên và học sinh đều phải cố gắng, nỗ lực hết
mình. Giáo viên phải phối hợp với đồng nghiệp trong tổ để thực hiện, nhưng
người bồi dưỡng đóng vai trò chủ chốt và chịu trách nhiệm chính.
- Khi lựa chọn học sinh vào đội tuyển, nên chọn những em theo khối C, D; yêu
thích, tự nguyện vào đội tuyển, chỉ chú trọng chất lượng, không chú trọng số
lượng.
- Tuỳ vào tình hình, đặc điểm học sinh trong đội tuyển mỗi năm mỗi khác mà có
thể lựa chọn nội dung, giải pháp, thời gian bồi dưỡng đối với từng chuyên đề
thích hợp...

19


C. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT:
I. KÊT LUẬN
- Đề tài “Một số kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn
có hiệu quả ở trường THPT Triệu Sơn 2” mang một ý nghĩa rất quan trọng và
là việc làm cần thiết. Bởi lẽ việc áp dụng các giải pháp của đề tài đã mang lại
những kết quả ngoài cả kì vọng của chúng tôi. Đóng góp của đề tài này là ở chỗ

người viết đã nghiên cứu, tìm tòi và đúc kết ra một số kinh nghiệm rất hữu ích
trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi, nhất là chuyên đề Lí luận văn học và công
tác động viên, khuyến khích động viên.
- Đây là đề tài mang tính hiệu quả cao và rất khả thi bởi nó thực sự tạo nên sự
thay đổi về chất. Nó có những giải pháp cụ thể về cả nội dung và hình thức tiến
hành; Nó hoàn toàn có thể áp dụng trong cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
của tất cả các trường học hay cơ sở giáo dục nào và mang lại những hiệu quả
thiết thực. Hy vọng rằng những nội dung trong đề tài này sẽ là những thông tin
bổ ích để các đồng nghiệp trao đổi, thảo luận và rút ra được những kinh nghiệm
thực sự quý báu trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi - một công tác rất đỗi
nặng nề nhưng rất vinh dự của người giáo viên.
II. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT
- Đối với các cấp có thẩm quyền: Khôi phục lại chế độ ưu đãi cho học
sinh giỏi các cấp, nhất là học sinh giỏi quốc gia để các em có động lực phấn đấu
rõ ràng hơn.
- Đối với nhà trường: Quan tâm đồng bộ và sâu sắc hơn nữa trong việc
đào tạo, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn; có giải pháp tài chính hỗ
trợ công tác bồi dưỡng; chọn những giáo viên nhiệt tình, tâm huyết dạy bồi
dưỡng học sinh giỏi hoặc chủ nhiệm lớp khối C, D để phát hiện những học sinh
có tố chất, tạo nguồn cho đội tuyển. Tăng cường gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh
nghiệm giảng dạy với giáo viên trường khác ở trong huyện, tỉnh và cả tỉnh ngoài
để giáo viên văn có điều kiện học hỏi được những phương pháp tốt, góp phần
vào việc nâng cao chất lượng dạy và học cho nhà trường nói riêng, cho ngành
giáo dục nói chung. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp của quý thầy cô, nhất
là những thầy cô trong cùng bộ môn Ngữ văn để sáng kiến có thể phát huy tính
ứng dụng, tính hiệu quả một cách phổ biến.
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hoá, ngày 29/5/2017
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của

mình viết, không sao chép nội dung
của người khác.

20


Hoàng Thị Chiên
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia – Thân Nhân Trung, SGK Ngữ văn 10,
tập hai, NXB Giáo Dục, Hà Nội, trang 31.
[2]. Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992.
[3]. Luật giáo dục năm 2005.
[4]. Mấy vấn đề về văn hóa giáo dục, Phạm Văn Đồng.
[5]. Tài liệu tự tích lũy của tác giả đề tài trên in – ter – net và tài liệu chuyên
môn khác qua quá trình dạy học.

21



×