Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

Com danh gia cac quy dinh ve abs

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (57.92 KB, 2 trang )

Đánh giá các quy định về ABS
1. Bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề cấp thiết hiện nay. Cùng với sự ra đời của Công ước Đa dạng sinh học (ĐDSH)
năm 1993, thế giới đã có những chuyển biến tích cực trong quá trình bảo tồn nguồn gen, loài và hệ sinh thái. Tiếp cận
nguồn gen và chia sẻ lợi ích (TNC) là một nội dung lớn của Công ước này, khẳng định tầm quan trọng của một vấn đề mang
tính chất rộng lớn. Nhìn chung, các Quốc gia trên thế giới đã có những hành động thiết thực để thực hiện công ước khi đã
tham gia ký kết như: nội luật hoá công ước, xây dựng các chương trình hành động lâu dài…Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong một
thời gian dài, chúng ta chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của TNC. Do đó, hệ thống pháp luật về vấn đề này còn
nhiều bất cập và tồn tại…
2. Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích là gì?
Tên tiếng Anh: “Access to genetic resources and Benefit Sharing”([1]), viết tắt là ABS. Thuật ngữ này xuất hiện trong Công
ước ĐDSH và được sử dụng phổ biến trên thế giới. Tiếp cận nguồn gen bao gồm các hoạt động tìm kiếm, thu thập, nghiên
cứu, bảo tồn và sử dụng nguồn gen cho các mục đích khác nhau. Những lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen phải
được chia sẻ giữa chủ sỡ hữu là Nhà nước, người được trao quyền quản lý nguồn gen và người thực hiện việc tiếp cận nguồn
gen.
3. Đánh giá các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen:
3.1. Đánh giá chung về việc tiếp cận nguồn gen hiện nay ở Việt Nam (VN):
Tại Việt Nam, vấn đề này được quan tâm ngay từ năm 1996 nhưng chỉ là một số hoạt động lẻ tẻ. Đến năm 2004, Tổ chức
bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - IUCN, với sự hỗ trợ tài chính của Bộ hợp tác Phát triển Đức – BMZ, thông qua tổ chức Hợp tác
phát triển khoa học kỹ thuật Đức – GTZ bắt đầu một dự án tổng thể nhằm nâng cao nhận thức và năng lực về tiếp cận
nguồn gen và chia sẻ lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội. Đây là một hành động quan trọng để nâng cao nhận thức của
mọi tầng lớp nhân dân. Tạp chí Bảo vệ Môi trường (BVMT) - cơ quan ngôn luận chính thức của Cục BVMT, trong tổng số
2234 bài báo khoa học và tin môi trường, chỉ có 4 bài và tin về vấn đề được nêu suốt từ năm 1994 đến tháng 07/2006([2]).
Điều này đã thể hiện sự thiếu quan tâm của các nhà khoa học và quản lý…
3.2 Thực trạng Pháp Luật Việt Nam:
+ Vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ nguồn gen nói riêng đã được VN quan tâm và được thể hiện trong
các văn bản pháp qui khá sớm: Chiến lược bảo tồn quốc gia 1991, Kế hoạch quốc gia về bảo vệ môi trường và phát triển
bền vững giai đoạn 1991-2000, Luật BVMT (1993, hiện tại là 2005), Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học 1995
(hiện nay đã có Kế hoạch đến năm 2010, định hướng đến 2020). Bảo tồn nguồn gen cũng được đề cập đến trong nhiều văn
bản khác như: Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản 1989, Pháp lệnh thú y 1993 kèm theo các văn bản hướng
dẫn thi hành, và mới đây nhất là Pháp lệnh giống cây trồng và Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004.
+ Tuy nhiên, việc bảo vệ nguồn gen vẫn chủ yếu là các quy định chung, nguyên tắc, chưa được cụ thể hoá ở mức cần thiết


nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong thi hành. Cụ thể về tiếp cận và chia sẻ hợp lý lợi ích nguồn gen thì hầu
như chưa được đề cập đến trong các văn bản này. Chương IV “Bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên” của
Luật BVMT năm 2005 trong các điều 28, 29, 31 và đặc biệt là điều 30 “Bảo vệ ĐDSH” cũng chưa quy định cụ thể về tiếp cận
nguồn gen và đặc biệt về chia sẻ lợi ích và có ý ngay từ đầu giành việc này cho pháp luật về đa dạng sinh học (khoản 4
điều 30). Chúng ta vẫn chưa có pháp luật chung về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, ở phương diện tổng quát, VN cũng
còn thiếu các quy định pháp luật và tổ chức tương xứng. Việc phân công trách nhiệm giữa các ngành ở Trung ương với nhau
và giữa Trung ương với địa phương đương nhiên chưa thể giải quyết thoả đáng. Các phân công công việc hiện nay chỉ liên
quan đến từng sự việc riêng lẻ, do vậy rất phân tán, kém hiệu quả và đặc biệt thiếu hẳn một cơ quan thẩm quyền quốc gia
để giải quyết thống nhất, tập trung việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, điều mà nhiều nước đã làm được.
+ Hiện nay, văn bản pháp lý gần gũi nhất với việc tiếp cận nguồn gen là Qui chế quản lý và bảo tồn nguồn gen của Bộ Khoa
học công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Tài nguyên Môi trường và biển) ban hành theo quyết định số 2117/1997/QĐBKHCNMT ngày 30/12/1997). Qui chế này khá ngắn và chủ yếu quy định về bảo tồn, lưu trữ giống vật nuôi, cây trồng. Qui
chế khẳng định: “Nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật là tài nguyên quốc gia” và “trao đổi thông tin tư liệu và nguồn
gen cần được tiến hành thường xuyên giữa các cơ quan tham gia trong hệ thống bảo tồn, lưư giữ…Trong trường hợp cần
thiết có thể trao đổi với nước ngoài nhưng phải được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận”. Qui chế chưa nêu rõ “cơ
quan có thẩm quyền” là ai nhưng có đề cập là “hệ thống các cơ quan tham gia bảo tồn, lưu giữ nguồn gen của các Bộ,
ngành, địa phương được liên kết thành một mạng lưới và đặt dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Khoa học, Công nghệ và
Môi trường”.
3.3 Đánh giá những quy định về ABS trong dự thảo Luật ĐDSH:
Từ cuối năm 2005 đến nay, Việt Nam đã tiến hành xây dựng Luật Đa dạng sinh học và vấn đề ABS đã được quyết định đưa
vào thành một chương trong luật (hiện nay là chương IV dự thảo 5). Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, dự thảo cũng gặp
nhiều khó khăn. Đây là điều không thể tránh khỏi bởi ABS là một vấn đề nhạy cảm.
+ Vấn đề tên gọi của chương:
· Ý kiến 1: “Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích” (thu được từ việc tiếp cận nguồn gen). Điều này phù hợp với tình hình
chung của Công ước ĐDSH và thực tiễn Luật đa dạng sinh học của các nước, đồng thời cũng thống nhất với tư tưởng chính
của Dự thảo Luật ĐDSH đang được soạn thảo.


· Ý kiến 2: “Tiếp cận ĐDSH và chia sẻ lợi ích” (thu được từ việc tiếp cận ĐDSH). Bởi chương này nằm trong Luật ĐDSH nên
cần đề cập tới việc tiếp cận đối với toàn bộ ĐDSH và do đó cũng phải đề cập đến việc chia sẻ lợi ích thu được từ ĐDSH.
Bằng cách này có thể đáp ứng yêu cầu thực tế của Việt Nam, là một sáng tạo của của Việt Nam.

Hai loại ý kiến vừa nêu trên một mặt phản ánh các quan điểm chưa thống nhất trong cách xây dựng về tiếp cận và chia sẻ
lợi ích, mặt khác làm nảy sinh nhiều phương án khác nhau trong việc soạn thảo và trình bày các nội dung này. Hiện tại, đa
số đều theo ý kiến thứ nhất nhưng có mở rộng đối tượng tiếp cận sang loài và hệ sinh thái: “Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ
lợi ích mở rộng”. Có lẽ, đây là tên hợp lý hơn cả.
+ Đánh giá một số nội dung của chương IV- Dự thảo: Một số hạn chế như sau:
· Điều 3 của dự thảo không nêu khái niệm Tiếp cận nguồn gen là gì?
· Chỉ giới hạn việc bảo tồn, lưu giữ và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen hoang dã.
· Khoản 2,3 Điều 54 chưa nêu rõ cơ quan nào có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục thông báo, chế độ kiểm tra việc nhập nội
các nguồn gen hoang dã.
· Chưa nêu rõ cách thức chia sẻ lợi ích, đề cập đến hình thức thoả thuận mà không nêu cụ thể, trong khi đây là một vấn đề
rất nhạy cảm và khó giải quyết. Hình thức chia sẻ còn nêu sơ sài, chưa cụ thể (phải phân loại thành lợi ích tiền tệ và phi
tiền tệ). Làm thế nào để kiểm tra được lợi ích thực tế thu được của cá nhân, tổ chức tiếp cận nguồn gen? Làm thế nào để
đảm bảo được quyền lợi của người dân địa phương, chủ sỡ hữu nguồn gen và bảo tồn, phát triển nguồn gen đó? Những điều
này Dự thảo chưa thể hiện được.
· Theo Khoản 6 điều 59, các tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến sử dụng và chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen
được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quy định này
chưa cụ thể và không khả thi trong tình hình hiện nay khi mà Việt Nam chưa có đầy đủ các văn bản điều chỉnh vấn đề này,
đặc biệt là xử lý vi phạm. Bộ Luật Hình sự 1999 cũng chưa có tội danh liên quan đến vấn đề ABS.
· Cần có thêm các quy định rõ ràng, chi tiết về cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động ABS tại VN.
Trong xu thế hội nhập thế giới và chủ trương thúc đẩy giao lưu hợp tác khoa học, thương mại với khu vực và quốc tế, không
thể hạn chế ngặt nghèo sự tiếp cận nguồn gen. Vì vậy, điều cần làm là đảm bảo việc tiếp cận nguồn gen phải được thực
hiện một cách bền vững, hợp pháp vì lợi ích phải được chia sẻ thoả đáng giữa các bên liên quan.
4. Kết luận:
Một số giải pháp có thể đưa ra ở thời điểm hiện tại như: sửa đổi Qui chế quản lý và bảo tồn nguồn gen, nâng cấp lên là Qui
chế do Chính Phủ ban hành chứ không phải là Qui chế của một Bộ (bởi việc đưa ra một văn bản pháp lý mới hoàn toàn hay
sửa đổi lại một loạt các văn bản có liên quan đến tài nguyên sinh vật về ABS sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và khó khả
thi). Qui chế này phải quy định rõ ràng thủ tục, quá trình và cơ quan có thẩm quyền đối với ABS, nguyên tắc thực hiện ABS
(đồng ý có thông báo trước). Bên cạnh đó cần có các biện pháp nâng cao nhận thức và hiểu biết của mọi tầng lớp nhân dân
về ABS để thực hiện tốt 1 trong 3 mục tiêu của Công ước ĐDSH là “Chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích thu được từ việc sử
dụng nguồn gen”. Điều này cũng nhằm thực hiện Luật Đa dạng sinh học trong tương lai được thuận lợi hơn, đáp ứng được

nhu cầu của xã hội.

Tài liệu tham khảo:

Chương X, Giáo trình Luật Môi trường ĐH Luật Hà Nội, NXB.CAND năm 2006.
Chương IV, Dự thảo Luật Đa dạng sinh học lần 5, 2007.
Công ước Đa dạng sinh học 1993.
Đường dài chia sẻ lợi ích, Phạm Thị Bích Thuỷ, Cục Bảo vệ Môi trường.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, NXB.Chính Trị Quốc Gia năm 2006.
Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004.
Pháp lệnh giống vật nuôi 2004.
Qui chế quản lý và bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật ban hành ngày 30/12/1997.
Website của Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng.
Website của Cục Bảo vệ Môi trường, Bộ TNMT và Biển (nea.gov.vn).



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×