Chí sĩ Trần Quý Cáp với bản án "Mạc tu hữu"
Trần Quí Cáp là một trong ba nhân vật khởi xướng phong trào Duy Tân, một phong trào
cách mạng vô cùng sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX. Nói đến Trần Quí Cáp, là nói đến một
nhà lãnh đạo tài ba lỗi lạc đã giữ một vai trò trọng yếu trong việc đề xướng tân học, cổ vũ
dân quyền, bước đầu để tiến tới khôi phục chủ quyền cho đất nước. Vì đánh giá cao bản
lĩnh của ông và để ngăn chặn phong trào chống sưu khất thuế lan rộng vào các tỉnh Nam
Trung kỳ mà thực dân Pháp và quan lại Nam triều đã rắp tâm hãm hại ông. Mặc dầu không
tìm ra chứng cứ, kẻ thù vẫn kết tội ông bị tử hình, người đời gọi bản án đó là "Mạc tu hữu".
(1)
Trần Quí Cáp thuở nhỏ tên là Trần Nghị (2), sinh năm 1870 trong một gia đình nông nghiệp
thuần phác, thân phụ vừa làm ruộng vừa đọc sách, quê ở thôn Thai La, làng Bất Nhị, phủ
Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tuổi
trẻ, Trần Nghị rất thông minh, hiếu học, đọc quyển sách nào thì hiểu và nhớ ngay nhưng nhà
nghèo không có sách, may được ở gần nhà cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý nhiều sách nên
thường qua lại để mượn đọc. Năm 20 tuổi, ông đã nổi tiếng văn chương, được các bạn
đồng song kính mến. Đến học với cụ Cử Lê Cung ở làng Nông Sơn, ông rất xuất sắc được
cụ Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong nghe tiếng chọn về học ở trường tỉnh Thanh Chiêm,
được cấp học bổng và cho đổi tên thành Trần Quí Cáp, tự Dã Hàng, biệt tự Thích Phu, hiệu
Thai Xuyên, ông là một trong sáu học sinh lỗi lạc của cụ Đốc học Mã Sơn gồm Phạm Liệu,
Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang, Trần Quí Cáp.
Tuy học giỏi, nhưng đường công danh rất lận đận, cùng dự khoa thi năm Giáp Ngọ (1894),
Phạm Liệu đỗ Giải Nguyên còn ông thì hỏng trường ba. Năm Đinh Dậu (1897) ông mới đỗ
Tú tài. Năm Mậu Tuất (1898) Phạm Liệu đỗ Tiến sĩ, ông không đủ điểm phải quay về học lại
trường Đốc. Năm 1899, thân phụ lâm bệnh nặng, ông ở nhà lo phụng dưỡng thuốc thang,
rồi thân phụ mất, ông cư tang 3 năm không đi thi. Năm 1903, ông cùng với học trò ra Huế thi
Hương nhưng không đỗ, trong khi học trò của ông là Phan Bá Cảnh đỗ Cử nhân, còn ông
vẫn Tú tài. Mãi đến năm 1904, ông mới được đặc cách cho thi Hội rồi thi Đình đỗ Nhất Giáp
Tiến sĩ cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng và vượt lên trên Huỳnh Thúc Kháng. Nhân sự kiện
hy hữu này, cụ Đào Nguyên Phổ có câu đối mừng, diễn tả được tất cả cái lắc léo, uẩn khúc
của khoa cử ngày xưa đồng thời nói lên tài năng xuất chúng của Trần Quí Cáp:
"Tố Tiến sĩ khước dị, tố Cử nhân khước nan, ức ức dương dương vô phi tạo ý;
Áp Hội nguyên ư Đình, áp Đình nguyên ư Hội, vinh vinh quí quí, hà tất khôi khoa".
Nghĩa:
Đỗ Tiến sĩ dễ ợt, đỗ cử nhân khó khăn, đè đè đỡ đỡ, muôn việc do quyền tạo hoá
Đè Hội nguyên ở Đình, đè Đình nguyên ở Hội, vinh vinh quí quí, cần gì phải chiếm khôi
khoa.
Ở khoa thi này, lúc thi Hội, Huỳnh Thúc Kháng đỗ Hội nguyên, tiếp là Trần Quí Cáp rồi đến
Đặng văn Thuỵ (Thoại), nhưng khi vào thi Đình, Đặng văn Thuỵ vượt lên đứng đầu bảng Đệ
nhị giáp, tiếp theo là Trần Quí Cáp đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, sau
ông còn một người nữa rồi mới đến Huỳnh Thúc Kháng.
Tuy đạt được thành tích xuất sắc nhưng Trần Quí Cáp không ra làm quan để vinh thân phì
gia mà dấn thân vào con đường cách mạng, "tự gánh trách nhiệm bài xích cử nghiệp, đề
xướng tân học" (Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu truyện Thai Xuyên Trần Quí Cáp).
Năm 1904 ông cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng lên tận các vùng rừng sâu nước
độc, núi non hiểm trở của Quảng Nam như Phước Sơn, Thạnh Mỹ để tuyên truyền, vận
động. Năm 1905, ba ông lại lên đường đi vào các tỉnh phía Nam để quan sát tình hình. Đi
đến đâu các ông cũng truyền bá tư tưởng Duy Tân, cổ xuý dân quyền được nhiều người
hưởng ứng. Khi đi ngang qua Bình Định gặp kỳ khảo hạch, Phan Châu Trinh đã làm bài thơ
"Chí thành thông thánh" còn Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú "Danh sơn
lương ngọc" để bài xích cái học cử nghiệp, gây một tiếng vang lớn trong giới sĩ tử và quần
chúng nhân dân đương thời. Cả hai bài đều kí tên Đào Mộng Giác. Sau đó, các ông lại tiếp
tục lên đường vào Nam. Lúc đi ngang qua Khánh Hoà gặp chiến thuyền của Nga vào tránh
bão ở vịnh Cam Ranh, các ông giả làm người bán hàng để xuống tàu chiến quan sát.
Sau khi Nam du về tỉnh nhà, Trần Quí Cáp cùng các bậc thân hào trong tỉnh bắt tay thực
hiện công cuộc Duy Tân cải cách, xướng lập Hội thương, trường Tân học. Phong trào Duy
Tân đã dược phát động ồ ạt không chỉ riêng trong tỉnh Quảng Nam mà cả những tỉnh Nam
Trung bộ.
Muốn làm việc lớn phải có lương tiền, Trần Quí Cáp lập hội buôn, mở đồn điền chính là triển
khai những kế hoạch kinh tài.
Thương hội là một hoạt động khá sôi nổi của phong trào, đó là việc làm cần thiết để phát
triển kinh tế và giành lại phần nào quyền lợi trong tay ngoại quốc. Các hợp thương Phong
Thử, Diên Phong, thương cuộc Hội An, Phú Lâm được thành lập có tổ chức qui củ để thoát
khỏi một tình trạng thương nghiệp lạc hậu, tư bản thiếu hụt để tiến vào nền thương nghiệp
có đoàn thể, có tư bản lớn, có chi nhánh để hiện đại hoá thương nghiệp, vừa bảo đảm việc
sản xuất quốc nội vừa tranh thương với người nước ngoài. Thương hội không chỉ tổ chức
trong tỉnh nhà mà còn mở rộng ra các tỉnh khác như hợp thương ở Huế, Triều Dương ở
Nghệ An, Công ty Liên Thành ở Phan Thiết, v.v..
Năm (1906), thực hiện chủ trương "Dĩ nông hợp quần", Trần Quí Cáp lập nông hội Cờ Vĩ.
Trong "Cuộc đời và hoạt động của chí sĩ Trần Quí Cáp", ông Trần Huỳnh Sách có ghi:
"Tháng tư năm Bính Ngọ (1906), tiên sinh (Trần Quí Cáp) cùng Bang Kỳ Lam Nguyễn Tán,
các ông Cử Phan Thúc Duyện. Lê bá Trinh, Hồ Thanh Vân và tôi lên nguồn núi Dùi Chiêng
tìm sở rẫy Cờ Vĩ để khẩn hoang. Thấy đất linh láng màu mỡ tốt, bèn về mộ phu lên làm. Lúc
ấy dân chưa nhận thức, người sợ nước độc, kẻ sợ xa nhà nên không ai chịu đi. Tiên sinh
phải ra thuê một sở ruộng làng Cẩm Nê chỗ giáp giới huyện Hoà Vang với phủ Điện Bàn,
diện tích ước chừng hai mươi mẫu để lập nông hội. Tiên sinh đứng ra tổ chức và trông coi
sự làm ruộng ấy, mục đích để lấy hoa lợi tiếp tế cho anh em du học".
Cờ Vĩ là một vùng rừng núi nằm về phía tây của huyện Quế Sơn. Từ Trung Phước đi đò
ngược sông Thu Bồn qua Phường Rạnh rồi mới tới Dùi Chiêng. Nơi đây tuy đất đai màu mỡ
nhưng đi lại khó khăn. Năm 1904 đi lên vùng này tuyên truyền cách mạng, Trần Quí Cáp đã
có câu đối tức cảnh:
Lúc lắc đò đưa: Tí, Sé, Kẽm
Gập ghềnh chân bước: gành, truông, đèo.(3)
để mô tả con đường hiểm trở này đồng thời ngụ ý chỉ con đường vận động Duy Tân ban đầu
cũng gian nan như vậy. Ở đây, muốn vận chuyển hàng hoá chỉ có cách phải gánh nông
phẩm đến khe Sé rồi mới chuyển xuống thuyền. Không chỉ ngao ngán vì giao thông trở ngại
mà còn run sợ vì cái độc địa, hiểm ác của vùng sơn địa hoang vu. Những cơn run rẫy, vật vã
của bệnh sốt rét rừng, những tiếng hổ rống, cú kêu, những trận gió rít trong đêm khuya đã
làm nản lòng người, khiến các sĩ phu không chịu nổi phải rời bỏ nông trường Cờ Vĩ rút về
Cẩm Nê (Yến Nê).
Lúc đang ở Cẩm Nê, Trần Quí Cáp được chiếu chỉ của triều đình Huế bổ chức Giáo thọ
Thăng Bình. Về sự kiện này, ông Trần Huỳnh Sách có ghi: "Năm Bính Ngọ 1906 đương ở
sở nông hội Cẩm Nê, tiên sinh đắc chỉ bổ chức Giáo thọ phủ Thăng Bình thuộc tỉnh nhà, tiên
sinh không muốn đi, nhưng thân bằng lấy sự nhà nghèo và mẹ già khuyến khích mãi, tiên
sinh mới đi". (Cuộc đời và hoạt động của chí sĩ Trần Quí Cáp).
Trong bài thơ khóc Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng cũng viết:
"Làm quan vì mẹ há vì tiền"
"Đến nơi (Thăng Bình) tiên sinh mở lớp Tây học ngay trong trường giáo, rước thầy về dạy
chữ Pháp và chữ quốc ngữ, học trò xa gần đến nơi học có hơn đôi trăm người. Tiên sinh lại
thường vào trong dân gian để diễn thuyết cực lực bài xích lối học khoa cử và đề xướng tân
học". (Cuộc đời và hoạt động của chí sĩ Trần Quí Cáp-Trần Huỳnh Sách).
Ở cương vị Giáo thọ, Trần Quí Cáp đã có cơ hội làm một cuộc cách mạng giáo dục, hợp
pháp hoá chủ trương dạy chữ quốc ngữ, truyền bá tân học. Ông đã biến ngôi trường của
chính quyền theo lối học khoa cử cũ thành ngôi trường lớn của Duy Tân theo lối học mới,
tiến bộ. Trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Tây, dạy các môn khoa học tự nhiên và xã hội, dạy
thủ công, thể dục, võ thuật, chú trọng thực dụng và có tính cách hướng nghiệp. Đó là lối giáo
dục toàn diện nhằm đào tạo những con người có thực tài với một bộ óc sáng suốt trong một
thân thể tráng kiện. Ông còn tổ chức những buổi diễn thuyết cổ động cho tân học gây được
xúc động mạnh mẽ trong hàng ngũ thân hào nhân sĩ khiến họ tự nguyện góp công, góp của
dựng lên những ngôi trường Duy Tân trong các xóm làng, mời thầy về dạy chữ quốc ngữ,
chữ Tây. Không đầy sáu tháng, 40 trường tân học đã mọc lên khắp nơi, nhiều trường đã gây
được ảnh hưởng lớn, uy tín vang khắp tỉnh như trường Phú Lâm, Diên Phong, Phước Bình,
Cẩm Toại v.v...
Lúc bấy giờ có một số sĩ phu tân học có tinh thần vọng ngoại muốn nhờ nước ngoài giúp đỡ
để đánh đuổi thực dân, ông thấy cái bệnh vọng ngoại có thể đến "dịch chủ vi nô" làm cho
ông rất lo buồn. "Ông cho rằng muốn chữa bệnh cuồng nhiệt vọng ngoại ngoài phương
thuốc tự trị không gì hơn" (Tiểu truyện Thai Xuyên Trần Quí Cáp-Huỳnh Thúc Kháng), nên
ông viết bài "Sĩ phu tự trị luận" thẳng thắn công kích họ.
Những việc làm của ông Giáo thọ Thăng Bình để phổ biến tân học, vận động Duy Tân được
quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ, gây tiếng vang lớn làm cho giới cựu học phải gai mắt,
nhà cầm quyền xem như kẻ thù, do đó đổi ông vào làm Giáo thọ Ninh Hoà (Khánh Hoà) với
mục đích tách ông ra khỏi phong trào cách mạng đang sôi sục ở Quảng Nam.
Năm 1908 ông vào Ninh Hoà chưa được bao lâu, thì cuộc biểu tình chống sưu khất thuế nổ
ra ở Quảng Nam rồi lan nhanh đến các tỉnh khác của Trung kỳ từ Phú Yên đến Hà Tĩnh.
Mặc dù phong trào chưa nổi lên ở Khánh Hoà và dù không có bằng chứng cụ thể Trần Qúi
Cáp vẫn bị bắt và bị xử chém một cách vội vàng.
Trong tiểu truyện Thai Xuyên Trần Qúi Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã viết: "Năm Mậu Thân
(1908) sau khi vào đến Ninh Hoà hơn một tháng, vừa dân huyện Đại Lộc nổi lên xin xâu, lan
tràn đến tận các phủ huyện khác, rồi trong vòng một tuần rộng đến khắp xứ, trong đến Phú
Yên, ngoài đến Hà Tĩnh.
Tiên sinh tuy đã vào miền Nam, nhưng vì cớ lãnh tụ phái tân học lại đề xướng nhân quyền,
tự do cũng như cụ Tây Hồ vậy, làm cho nhà đương đạo Khánh Hoà chú mục, kiểm soát thư
từ ra vào thấy có đôi câu cho là chủ động, kết án "Mạc tu hữu" (không cần có tội danh gì),
Tiên sinh lên đoạn đầu đài, thật là thê thảm! Trong lịch sử huyết lệ, tiên sinh là người thứ
nhất! Than ôi! Đau đớn thay! Mà cũng oanh liệt thay!".
Về bản án "Mạc tu hữu", những người đương thời đã cho rằng Trần Quí Cáp bị quan lại
Nam triều hãm hại vì tư thù, vì muốn mau được thăng quan tiến chức, vì sợ liên luỵ mà giết
người diệt khẩu v.v...
Trong "Cuộc đời và hoạt động của chí sĩ Trần Quí Cáp" ông Trần Huỳnh Sách, người đã
theo học với Trần Quí Cáp hơn 15 năm đã viết: "Bọn quan tỉnh Khánh Hoà lúc bấy giờ có Án
sát Nguyễn văn Mại vốn đã có tư thù với tiên sinh trong khi y làm Bố chánh tỉnh Quảng Nam,
cùng với Bố chánh Phạm Ngọc Quát nắm lấy cơ hội, tha hồ cho chúng trổ tài nịnh hót để rồi
cầu cho mau mau tấn chức thăng quan. Chúng cho bắt tiên sinh giam vào ngục, rồi một mặt
cho vào nhà lục soát các thư từ qua lại để tìm cho ra một manh mối để làm tang chứng.
Chúng soát được một cái thơ của tôi vừa mới gởi vào cho tiên sinh trong vỏn vẹn chỉ có mấy
câu:
"Ngô hạt Đại Lộc sĩ phu tổ chức khất sưu, tuần nhựt diên cập toàn kỳ, thử ngô bối bình nhựt,
tư tưởng chi sở bất cập" (Sĩ phu huyện Đại Lộc tỉnh ta tổ chức xin xâu tuần nhựt mà gần
khắp Trung kỳ, sự ấy bình nhựt chúng ta không nghĩ đến).
Còn Tri phủ Điện Bàn là Trần văn Thống vốn có tư thù với Trần Quí Cáp về bài thơ "Cái
trống" nên đã xui sử việc đổi ông vào Khánh Hoà. Sau đó Thống bị dân phủ Điện Bàn làm
nhục trong việc xin xâu nên khi dẫn lính đến lục soát nhà Cử nhân Phan Thúc Duyện ở làng
Phong Thử bắt được lá thư của Trần Quí Cáp mới gởi về liền đưa ngay vào cho quan tỉnh
Khánh Hoà kết tội. Trong thư chỉ có câu: "Cận văn ngô châu thử cử, khoái thậm! khoái
thậm!" (Gần đây được nghe tỉnh ta cử hành việc ấy, sướng lắm! sướng lắm!)
Cả hai thư bắt được đều chứng tỏ Trần Quí Cáp không có tham dự, không chủ mưu về việc
xin xâu thế mà bọn quan lại mưu mô với nhau kết án ông một cách vô nhân đạo.
Thật là chúng cậy cường quyền mà làm tay sai, hãm hại người có lương tâm vô tội để dâng
công cho đắc lực".
Châu bản triều Duy Tân đã ghi bản án như sau: "Trần Quí Cáp là người trong hàng khoa
mục, dám mưu toan làm việc bất quĩ, trước khi cùng Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh
và Hoàng Thượng Trung lén theo nước khác (Nhật Bản), mưu làm phản nghịch, tuy mưu mà
chưa thực hành, nhưng nghiệm thi văn do y soạn, từ khi bột mạn, nay lại lén tàng trữ nguỵ
chỉ (các tập của Sào Nam Tử); vả lại thân làm sư phạm, mà ép người cắt tóc, thì gần đây
gây nên đảng Nam Nghĩa làm càn, chưa chắc là không phải do bọn ấy bình nhật mê hoặc
dân chúng sinh sự mà ra, chứng cứ minh bạch, sự tích rõ ràng, tội thật không oan uổng...
Vậy Trần Quí Cáp, xin chiếu luật mưu phản đại nghịch, xử lăng trì, xử tử... (Nguyễn Thế
Anh, Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân, tr 105,
106).