Tải bản đầy đủ (.pdf) (138 trang)

Hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm và một số yếu tố liên quan ở người dân từ 18 đến 69 tuổi tại hà nội năm 2016

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (6.37 MB, 138 trang )




BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

NGUYỄN THỊ DIỆU

HÀNH VI NGUY CƠ BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ
MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NGƯỜI DÂN TỪ 18 ĐẾN
69 TUỔI TẠI HÀ NỘI NĂM 2016

LUẬN VĂN THẠC SĨ Y TẾ CÔNG CỘNG
MÃ SỐ CHUYÊN NGÀNH: 60.72.03.01

HÀ NỘI, 2016





BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

NGUYỄN THỊ DIỆU

HÀNH VI NGUY CƠ BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ
MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NGƯỜI DÂN TỪ 18 ĐẾN
69 TUỔI TẠI HÀ NỘI NĂM 2016

LUẬN VĂN THẠC SĨ Y TẾ CÔNG CỘNG


MÃ SỐ CHUYÊN NGÀNH: 60.72.03.01

TS Nguyễn Thị Thi Thơ

HÀ NỘI, 2016


i


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới:
Tập thể thầy cô hướng dẫn: Tiến sỹ Nguyễn Thị Thi Thơ, Phó trưởng khoa Sức
khoẻ cộng đồng và Chỉ đạo tuyến, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Thạc sỹ Trần
Thị Đức Hạnh, giảng viên khoa Các khoa học cơ bản, trường Đại học Y tế công cộng
đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho tôi trong quá trình thực hiện luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn:
Các Thầy, Cô trong hội đồng bảo vệ đề cương nghiên cứu, đã có nhiều ý kiến
quý báu để tôi hoàn thành đề cương và tiến hành nghiên cứu này.
Ban giám đốc, Tập thể cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh
dưỡng – Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội; Trung tâm Y tế 30 quận, huyện, thị xã
thuộc thành phố Hà Nội và Trạm Y tế 60 xã, phường, thị trấn đã giúp đỡ, tạo điều kiện
thuận lợi và hỗ trợ cho tôi trong quá trình thực hiện và hoàn thành luận văn.
Ban giám hiệu nhà trường; Phòng đào tạo sau đại học; Tập thể các thầy cô
giáo trường Đại học Y tế công cộng đã nhiệt tình dạy dỗ, truyền kinh nghiệm cho tôi
trong quá trình học tập cũng như thực hiện luận văn.
Tập thể lớp cao học Y tế công cộng khóa 18, gia đình và bạn bè luôn động viên
giúp đỡ tôi trong quá trình học tập.
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2017
Nguyễn Thị Diệu



ii


MỤC LỤC
TÓM TẮT NGHIÊN CỨU……………………………………………………….....viii
ĐẶT VẤN ĐỀ…………………………………………………………………………1
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU………………………………………………4
1.1. Gánh nặng bệnh không lây nhiễm trên Thế giới và Việt Nam ........ ………….4
1.2. Yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm ..................................................... 7
1.3. Một số yếu tố liên quan đến các hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm ... …14
1.4. Phương pháp điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ................... 17
1.5. Địa bàn nghiên cứu ..................................................................................... 18
CHƯƠNG 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU……………………………….....23
2.1. Đối tượng nghiên cứu ................................................................................ .23
2.2. Thời gian và địa điểm nghiên cứu: ............................................................... 23
2.3. Thiết kế nghiên cứu: ................................................................................... 23
2.4. Cỡ mẫu: ..................................................................................................... 23
2.5. Phương pháp chọn mẫu ............................................................................... 24
2.6. Phương pháp thu thập số liệu ...................................................................... 27
2.7. Tổ chức thu thập số liệu .............................................................................. 27
2.8. Các khái niệm, thước đo, tiêu chuẩn đánh giá............................................... 29
2.9. Phương pháp phân tích số liệu ..................................................................... 30
2.10. Vấn đề đạo đức của nghiên cứu ................................................................. 30
2.11. Hạn chế của nghiên cứu, sai số và biện pháp khắc phục sai số ..................... 31
CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU………………………………………….32
3.1. Một số thông tin chung về đối tượng nghiên cứu ................................ ……..32
3.2. Thực trạng các hành vi nguy cơ bệnh không lẫy nhiễm ở người dân từ 18 đến 69
tuổi tại Hà Nội .................................................................................................. 35



iii


3.3. Liên quan giữa các hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở người dân từ 18 đến
69 tuổi tại Hà Nội với một số yếu tố .............................................................. ….48
CHƯƠNG 4. BÀN LUẬN………………………………………………………......66
4.1. Thực trạng các yếu tố nguy cơ bệnh không lẫy nhiễm ở người dân từ 18 đến 69
tuổi tại Hà Nội năm 2016................................................................................... 66
4.2. Liên quan giữa các hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở người dân từ 18 đến
69 tuổi tại Hà Nội với một số yếu tố ............................... ………………………72
KẾT LUẬN………………………………………………………………………….79
KHUYẾN NGHỊ…………………………………………………………………….81
TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………………………………………..82


iv


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BCH:

Bộ câu hỏi

BKLN:

Bệnh không lây nhiễm

BMI:


Body Mass Index - Chỉ số khối cơ thể

DALY:

Disability- Adjusted Life Year - Số năm sống điều chỉnh theo bệnh tật

NVYT:

Nhân viên y tế

PV:

Phỏng vấn

STEPS:

STEPwise apporoach for NCD risk factor surveillance
- Bộ công cụ đánh giá nguy cơ các bệnh không lây nhiễm

TTYTDP: Trung tâm Y tế dự phòng.
THCS:

Trung học cơ sở

THPT:

Trung học phổ thông

YLD:


- Số năm sống tàn tật

YLL:

Years of life lost - Số năm sống bị mất đi do tử vong sớm

YTNC

Yếu tố nguy cơ

WHO

World Health Organization – Tổ chức Y tế thế giới


v


DANH MỤC BẢNG
Bảng 3.1. Nhóm tuổi và giới của đối tượng tham gia nghiên cứu ................................32
Bảng 3.2. Trình độ học vấn của đối tượng nghiên cứu theo tuổi và giới ......................32
Bảng 3.3. Tình trạng dân tộc của đối tượng nghiên cứu theo nhóm tuổi ......................33
Bảng 3.4. Tình trạng việc làm theo tuổi và giới ............................................................33
Bảng 3.5. Tình trạng hôn nhân theo nhóm tuổi và giới.................................................35
Bảng 3.6. Tỷ lệ % sử dụng thuốc lá ..............................................................................36
Bảng 3.7. Tỷ lệ tuổi bắt đầu hút chia theo khoảng tuổi.................................................38
Bảng 3.8. Trung bình số điếu thuốc hút 1 ngày của đối tượng nghiên cứu ..................38
Bảng 3.9. Tỷ lệ sử dụng rượu bia ..................................................................................40
Bảng 3.10. Tỷ lệ (%) đối tượng nghiên cứu sử dụng rượu ở mức có hại (≥ 6 đơn vị

cồn/1 lần uống trong vòng 30 ngày qua) .......................................................................41
Bảng 3.11. Số ngày trung bình ăn trái cây trong một tuần của đối tượng nghiên cứu
theo nhóm tuổi và giới...................................................................................................42
Bảng 3.12. Trung bình số ngày ăn rau trong một tuần điển hình của đối tượng nghiên
cứu theo nhóm tuổi và giới ............................................................................................42
Bảng 3.13. Tỷ lệ (%) đối tượng nghiên cứu ăn ít hơn 5 đơn vị chuẩn rau/trái cây trong
1 ngày ............................................................................................................................43
Bảng 3.14. Tỷ lệ (%) đối tượng nghiên cứu luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối
hoặc thêm nước mắm vào thức ăn của họ trước khi ăn hoặc khi đang ăn.....................44
Bảng 3.15. Tỷ lệ người thường xuyên/luôn luôn ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối
.......................................................................................................................................44
Bảng 3.16. Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu hoạt động thể lực không đủ so với theo khuyến
cáo của WHO ................................................................................................................45
Bảng 3.17. Tỷ lệ (%) người không tham gia các loại hoạt động thể lực (trong tổng số
đối tượng nghiên cứu) ...................................................................................................46
Bảng 3.18. Trung bình thời gian không vận động (phút/ngày) .....................................47
Bảng 3.19. Tỷ lệ (%) đối tượng có 0, 1, 2, 3,4 yếu tố nguy cơ mắc BKLN..................48
Bảng 3.20. Mối liên quan giữa hành vi hiện tại hút thuốc lá với một số yếu tố ...........48
Bảng 3.21. Hồi quy đa biến về mối liên quan giữa hút thuốc và một số yếu tố............50
Bảng 3.22. Mối liên quan giữa hành vi sử dụng rượu bia trong vòng 12 tháng qua với
một số yếu tố (hồi quy đơn biến) ..................................................................................51
Bảng 3.23. Hồi quy đa biến về mối liên quan giữa uống rượu trong 12 tháng qua và
một số yếu tố .................................................................................................................53
Bảng 3.24. Mối liên quan giữa các yếu tố nhân khẩu học và hành vi sử dụng rượu bia ở
mức có hại (hồi quy đơn biến) ......................................................................................54


vi



Bảng 3.25. Hồi quy đa biến về mối liên quan giữa uống ở mức có hại và một số yếu tố
.......................................................................................................................................56
Bảng 3.26. Mối liên quan giữa các yếu tố nhân khẩu học và hành vi ăn không đủ 5 suất
rau/trái cây trong 1 ngày (phân tích đơn biến) ..............................................................56
Bảng 3.27. Hồi quy đa biến về mối liên quan giữa hành vi ăn rau/ trái cây không đủ
theo khuyến cáo của WHO (<5 đơn vị rau/ngày) và một số yếu tố ..............................58
Bảng 3.28. Mối liên quan giữa hành vi chấm hoặc cho thêm mắm/ muối khi ăn với một
số yếu tố nhân khẩu học và (phân tích đơn biến) ..........................................................59
Bảng 3.29. Mối liên quan giữa hành vi ăn đồ ăn sẵn có nhiều muối với một số yếu tố
(phân tích đơn biến) ......................................................................................................61
Bảng 3.30. Mối liên quan hoạt động thể lực không đủ theo khuyến cáo của WHO và
một số yếu tố .................................................................................................................62
Bảng 3.31. Hồi quy đa biến về mối liên quan giữa ăn thiếu hoạt động thể lực và một số
yếu tố .............................................................................................................................64


vii


DANH MỤC BIỂU ĐỒ VÀ HÌNH
Biểu đồ 1.1: Xu hướng mô hình bệnh tật đo đường bằng DALY 1990-2010.................5
Biểu đồ 1.2: Xu hướng bệnh tật tại bệnh viện tại Việt Nam năm 2012 ..........................6
Biểu đồ 1.3: Xu hướng mắc bệnh tại các bệnh viện [5] ..................................................6
Biểu đồ 1.4: Xu hướng bệnh tật tại bệnh viện tại Việt Nam năm 2013 ..........................7
Biểu đồ 3.1: Tuổi trung bình bắt đầu hút thuốc và số năm trung bình hút thuốc ở nhóm
hiện hút thuốc lá ............................................................................................................37


viii




viii


TÓM TẮT NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu Hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm và một số yếu tố liên
quan ở người dân từ 18 đến 69 tuổi tại Hà Nội năm 2016 sử dụng phương pháp tiếp
cận chuẩn hoá STEPs (STEPwise apporoach for NCD risk factor surveillance) của
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho đối tượng 18 – 69 tuổi với 2 mục tiêu chính: (i)
Xác định tỷ lệ một số hành vi nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, (ii) Xác định một
số yếu tố liên quan tới các hành vi nguy cơ này.
Nghiên cứu áp dụng thiết kế nghiên cứu cắt ngang, sử dụng phương pháp
chọn mẫu nhiều giai đoạn, phân tầng theo nhóm tuổi và giới để chọn ra cỡ mẫu đại
diện cho quần thể 18 – 69 tuổi tại Hà Nội. Quá trình điều tra gồm 3 bước (STEPS):
Bước 1 thu thập số liệu về nhân khẩu học và các yếu tố hành vi nguy cơ (hút thuốc
lá, sử dụng rượu bia, chế độ ăn không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực); bước 2
tiến hành đo chiều cao, cân nặng và huyết áp; bước 3 làm xét nghiệm đường huyết,
cholesterol máu, kèm theo lấy mẫu nước tiểu để định lượng hàm lượng muối tiêu
thụ. Trong khuôn khổ nghiên cứu này chỉ trình bày kết quả bước 1 nhằm tìm hiểu
các hành vi nguy cơ của bệnh không lây nhiễm và các yếu tố liên quan. Tổng số
người được chọn tham gia nghiên cứu là 3.300 người, trong đó 2.946 người đồng ý
tham gia (tỷ lệ tham gia là 89,27%). Phân tích số liệu nghiên cứu được tiến hành
bằng phần mềm Stata 14.0 và sử dụng kiểm định chi bình phương, hồi quy đa biến
để tìm mối liên quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một hành vi nguy cơ của bệnh
không lây nhiễm của người dân Hà Nội cụ thể như sau: Khoảng ¼ (24,1%) dân số
trưởng thành hiện tại hút thuốc lá, trong đó gần ½ (49,18%) nam giới và 0,5% nữ
giới trưởng thành hút thuốc. Hơn 80% những người hiện đang hút thuốc có hút
thuốc hàng ngày. Tuổi trung bình bắt đầu hút thuốc là 18,83 tuổi và số năm trung
bình hút thuốc là 20,76 năm. Gần một nửa (43,37%) dân số trưởng thành hiện đang

sử dụng rượu, trong đó tỷ lệ này ở nam giới là gần 80% và ở nữ giới là 10%. Có tới
27,10% nam giới và 0,3% nữ giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Gần ½ (43,99%)
số người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo của WHO. Tỷ lệ
này ở nam cao hơn so với nữ (50,09% so với 38,31%). Gần 1/3 (30%) dân số
trưởng thành Hà Nội thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ này ở nữ (34,61%) cao hơn
nam (25,11%). Một số yếu tố như tuổi, giới, khu vực sống, tình trạng việc làm, tình
trạng hôn nhân có liên quan đến các hành vi nguy cơ BKLN. Nam giới có nguy cơ
hút thuốc lá cao hơn nữ (OR: 218,20; 95% CI: 100,90 – 471,87). Những người làm


ix

nghề tự do và nội trợ có nguy cơ hút thuốc lá cao hơn người làm việc trong các cơ
quan nhà nước (OR: 2,15; 95% CI: 1,67 – 2,76 và OR: 2,15 ; 95% CI: 1,34 – 6,24).
Nam giới có nguy cơ uống rượu bia ở mức có hại cao hơn nữ (OR: 131,69; 95% CI:
48,61-356,8). Nguy cơ uống rượu, bia ở mức có hại của nhóm 45– 69 tuổi thấp hơn
nhóm 18– 44 tuổi (OR: 0,41 ; 95% CI: 0,34 – 0,56). Nam giới có nguy cơ ăn thiếu
rau và trái cây theo khuyến cáo của WHO cao hơn nữ giới (OR: 1,6; 95% CI: 1,381,84). Những người sinh sống ở nông thôn có nguy cơ ăn thiếu rau và trái cây cao
hơn những người ở sinh sống ở thành thị (OR: 1,35 ; 95% CI: 1,06 – 1,72). Nam
giới, nhóm 45 – 69 tuổi, những người sinh sống ở nông thôn, những người có trình
độ học vấn dưới bậc tiểu học, những người làm nghề tự do và nghỉ hưu có nguy cơ
thiếu hoạt động thể lực thấp hơn nữ giới, người sinh sống ở thành thị và người làm
việc trong cơ quan nhà nước. Cần tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao
sức khoẻ nhằm loại bỏ, hạn chế các hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm, trong
đó tập trung vào các đối tượng như nam giới, nhóm tuổi trẻ, đối tượng làm việc tại
các cơ quan nhà nước. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở xây dựng kế hoạch chiến
lược phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Hà Nội giai đoạn 2017 – 2025.


1



ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm (BKLN) chủ
yếu hiện nay gồm có 4 nhóm bệnh chính: tim mạch, đái tháo đường tuýp 2, ung thư
và bệnh hô hấp mạn tính (hen phế quản và phổi tắc nghẽn mạn tính) [31]. Ước tính
đến năm 2020, tử vong do các BKLN trên toàn cầu lên tới 44 triệu người và sẽ tiếp
tục gia tăng tới 52 triệu người vào năm 2030. Đặc biệt, ở những nước thu nhập thấp
và trung bình thấp trong đó có Việt Nam, tới năm 2030, gánh nặng tử vong do
BKLN sẽ tăng gấp 5 lần so với số tử vong của rất nhiều bệnh khác cộng lại [63].
Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các
BKLN. WHO ước tính trong năm 2012, Việt Nam có 520.000 trường hợp tử vong
do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do các BKLN chiếm tới 73% (379.000
ca) và 66,2% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc là do các BKLN [65] [30].
Mặt khác, theo WHO các BKLN nói trên đều có chung yếu tố nguy cơ
(YTNC) về hành vi như hút thuốc lá, uống rượu, bia, dinh dưỡng không hợp lý và
thiếu hoạt động thể lực [31]. Các YTNC về hành vi đóng một vai trò rất lớn trong
việc gây ra BKLN. Và các yếu tố nguy cơ này có thể can thiệp, phòng chống được.
Kiểm soát tốt các YTNC về hành vi là cách hiệu quả nhất trong phòng BKLN. Theo
số liệu của WHO, 80% bệnh tim- mạch, đái tháo đường và 40% ung thư có thể
phòng được thông qua thực hiện lối sống lành mạnh loại bỏ các YTNC về hành vi
[57], [60]. Trong chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, đái tháo đường,
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây khác giai đoạn
2015 – 2025, kiểm soát YTNC hành vi là một trong những mục tiêu quan trọng.
Hà Nội là thủ đô của cả nước, là nơi tập trung rất đông dân cư với dân số
khoảng 7,6 triệu người trên diện tích 3.329 km2, đặc biệt là những người di cư từ
các tỉnh khác sang, do vậy các công việc liên quan đến phòng chống BKLN cũng
đang rất có nhiều thách thức. Vì vậy, phòng chống BKLN trở thành một trong
những ưu tiên không chỉ của quốc gia mà của cả Hà Nội và đặt ra yêu cầu phải có
hệ thống thu thập thông tin để theo dõi, đánh giá xu hướng của BKLN, các YTNC

nhằm cung cấp bằng chứng cho hoạch định chính sách và đưa ra các biện pháp can
thiệp hiệu quả. STEPs là phương pháp chuẩn hoá do WHO xây dựng để giúp thu
thập các thông tin về yếu tố nguy cơ BKLN, có thể so sánh được giữa các quốc gia,
khu vực và theo thời gian. Nghiên cứu: “Hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm và
một số yếu tố liên quan ở người dân từ 18 đến 69 tuổi tại Hà Nội, năm 2016” có vai


2

trò quan trọng để góp phần cung cấp thông tin, số liệu cho việc lập và triển khai kế
hoạch chiến lược phòng chống BKLN giai đoạn 2017 – 2025 tại Hà Nội, đồng thời
góp phần nâng cao năng lực cho mạng lưới giám sát BKLN của Hà Nội.


3

Mục tiêu nghiên cứu
1. Xác định tỷ lệ một số hành vi nguy cơ của bệnh không lây nhiễm ở người 18
đến 69 tuổi tại Hà Nội, năm 2016.
2. Xác định một số yếu tố liên quan tới các hành vi nguy cơ này ở người 18 đến
69 tuổi tại Hà Nội, năm 2016.


4

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1.

Gánh nặng bệnh không lây nhiễm trên Thế giới và Việt Nam


1.1.1. Một số khái niệm
Bệnh không lây nhiễm là các bệnh mạn tính, không lây truyền, phát triển và
tiến triển chậm kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài
thậm chí cả cuộc đời.
Có nhiều BKLN khác nhau, tuy nhiên, hiện nay thế giới và Việt Nam đang
ưu tiên phòng, chống các bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, ung thư và bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính vì là những bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ
yếu gây tàn tật và tử vong ở hàng đầu, tạo nên những thách thức lớn đối với nền y tế
của các nước.
Các BKLN này còn có chung các yếu tố nguy cơ (các yếu tố góp phần làm
bệnh phát triển) thuộc hành vi lối sống như hút thuốc lá, uống rượu, bia, chế độ ăn
không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực [4].
1.1.2. Gánh nặng bệnh không lây nhiễm trên Thế giới
Các BKLN là thách thức của toàn cầu và đang là gánh nặng rất lớn đối với
xã hội và hệ thống Y tế. Hiện nay, các BKLN thường bị hiểu nhầm chỉ là vấn đề sức
khỏe của các nước có thu nhập cao. Trong khi đó, 80% gánh nặng của các bệnh này
chủ yếu là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình [54].
Tử vong do các BKLN luôn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng lên ở hầu
hết các quốc gia trên thế giới. Theo Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm
2014, trong tổng số 56 triệu ca tử vong năm 2012, có 68% là do các BKLN [31].
Như vậy, tỷ lệ này tăng 30% so với năm 1990, chủ yếu do tăng trưởng dân số và già
hóa dân số [47]. Điều đáng báo động là các ca tử vong do các BKLN ở các nước
đang phát triển xảy ra ở nhóm tuổi trẻ hơn. Theo Báo cáo BKLN toàn cầu, năm
2014, có khoảng 42% các ca tử vong do BKLN là ở những người dưới 70 tuổi; 48%
trường hợp tử vong do BKLN là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, 28% ở
các nước phát triển đều có độ tuổi dưới 70 [31].
Theo dự báo của WHO cho thấy: Trên toàn cầu tỷ lệ tử vong do BKLN sẽ
tăng 15% trong khoảng thời gian từ 2010-2020 (sẽ là khoảng 44 triệu ca tử vong).
Tỷ lệ tăng cao nhất (khoảng 20%) là ở khu vực châu Phi, Đông Nam Á, Đông Âu.
Khu vực có số ca tử vong do BKLN cao nhất vào năm 2020 là Đông Nam Á (10,4



5

triệu ca) và Tây Thái Bình Dương (12,3 triệu ca) [59]. Vào năm 2030, số ca tử vong
do các BKLN ở các nước có thu nhập thấp sẽ cao hơn 8 lần so với ở các nước có
thu nhập cao [51].
Bên cạnh các thông tin về tỷ lệ tử vong do các BKLN, các số liệu về tỷ lệ
mắc bệnh cũng rất quan trọng trong công tác dự phòng, quản lý hệ thống chăm sóc
sức khỏe và công tác lập kế hoạch, đánh giá việc cung cấp dịch vụ y tế. Tuy nhiên,
hiện nay nhiều quốc gia không có các số liệu tin cậy về tỷ lệ mắc các BKLN. Số
liệu về tỷ lệ mắc toàn diện nhất hiện có là của các bệnh ung thư qua hệ thống ghi
nhận tại cộng đồng hoặc bệnh viện.
Mô hình gánh nặng bệnh tật năm 2012 cho thấy BKLN chiếm tới 55,1%;
bệnh truyền nhiễm và các vấn đề về bà mẹ, sơ sinh và dinh dưỡng chỉ chiếm 33,7%;
còn lại là do tại nạn thương tích (11,1%) [63]. So với năm 1990, các bệnh truyền
nhiễm gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất, chiếm 47% và gánh nặng do BKLN chỉ
chiếm 43%[50]. Ở hầu hết các quốc gia (trừ các nước ở khu vực Tiểu Sahara), các
BKLN gây ra ít nhất 50% trong tổng số năm sống khoẻ mạnh bị mất. Con số này
cao tới trên 80% ở Úc, Nhật và các nước giàu ở Tây Âu và Bắc Mỹ [23]. Theo ước
tính, tỷ trọng DALY gây ra do các BKLN ở các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ
tăng từ 33% năm 2002 lên khoảng 45% vào năm 2030 [48].
1.1.3. Gánh nặng bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

Biểu đồ 1.1: Xu hướng mô hình bệnh tật đo đường bằng DALY 1990-2010

Năm 2012 ước tính có 520.000 trường hợp tử vong vì BKLN tại Việt
Nam, chiếm 73% tổng số nguyên nhân tử vong. Trong đó, tử vong do bệnh
tim mạch chiếm 33%, ung thư 18%, các bệnh đường hô hấp mạn tính chiếm
7% và đái tháo đường 3% [62].



6

Biểu đồ 1.2: Xu hướng bệnh tật tại bệnh viện tại Việt Nam năm 2012
Niên giám thống kê của Bộ Y tế trong những năm 1979, 1986, 2006 và 2013
cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân mắc BKLN trong số bệnh nhân nhập viện ngày càng cao.
Tỷ lệ này từ 42,65% vào năm 1976 và chỉ giảm nhẹ xuống 39% vào năm 1986 rồi
tăng lên 50,02% (1996), 62,40% (2006) và 63.50% (2013). Trong khi đó, tỷ lệ mắc
bệnh truyền nhiễm trong những năm này tăng nhẹ từ 55,50% lên 59,20% rồi giảm
mạnh xuống 37,63% (1996), 24,94% (2006) và 25,33% (2013) [4].

Biểu đồ 1.3: Xu hướng mắc bệnh tại các bệnh viện [4]
Cũng theo Niên giám thống kê của Bộ Y tế tỷ lệ chết do các BKLN trong
tổng số ca tử vong tại các bệnh viện cũng gia tăng. Chết do BKLN từ 44,71%


7

(1976) giảm nhẹ xuống 41,8% (1986) rồi tăng lên 43,68% (1996); 61,62% (2006)
và 69,63% (2013). Chết do bệnh truyền nhiễm giảm từ 53,06% xuống 52,10% rồi
xuống 33,13%; 13,23% và 12,23% (2013) [4].

Biểu đồ 1.4: Xu hướng bệnh tật tại bệnh viện tại Việt Nam năm 2013
Gánh nặng bệnh tật tính bằng DALY ở Việt Nam năm 2010 do BKLN chiếm
66,3% tổng gánh nặng bệnh tật [42].
1.2. Yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm
Theo WHO, YTNC được hiểu là “ bất kỳ thuộc tính, đặc điểm hoặc phơi nhiễm
nào đó của một cá thể mà làm tăng khả năng mắc bệnh không lây nhiễm của cá thể
đó”. Các yếu tố nguy cơ BKLN được chia thành 3 nhóm: hành vi lối sống, môi

trường và các yếu tố sinh học [60].
Yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống như: Hút thuốc lá, uống rượu, bia, chế độ ăn
không hợp lý (ăn ít rau quả, ăn nhiều đạm, mỡ động vật…), thiếu hoạt động thể lực.
Hầu hết các BKLN hiện nay đều có chung yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống và
những yếu tố này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát sinh bệnh. Ví dụ: Hút
thuốc lá có nguy cư ung thư phổi, miệng…, gây tăng huyết áp và các bệnh tim mạch
khác, gây đái tháo đường… chính vì vậy BKLN còn được gọi bệnh của lối sống.
1.2.1. Một số yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống của các bệnh không lây nhiễm
Các YTNC thuộc về hành vi lối sống vô cùng quan trọng trong BKLN. Kiểm
soát tốt các YTNC này là cách hiệu quả nhất trong phòng chống BKLN. Theo Tổ
chức Y tế thế giới, 80% bệnh tim mạch, đái tháo đường và 40% ung thư có thể


8

phòng được thông qua thực hiện lối sống lành mạnh loại bỏ các YTNC hành vi
[60].
1.2.1.1. Hút thuốc lá
Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất. Trong đó có hàng trăm
loại hoá chất có hại cho sức khoẻ bao gồm hơn 70 chất gây ung thư. Hút thuốc là
yếu tố nguy cơ của hàng loạt BKLN như: tai biến mạch máu não, bệnh đường hô
hấp mạn tính như bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư (phổi, gan, dạ dày,
vòm họng, thực quản, tụy, cổ tử cung, miệng, bạch cầu) bệnh tim thiếu máu cục bộ,
đái tháo đường,...[46]. Năm 2010, ước tính hút thuốc lá gây ra 16,9% tổng số ca tử
vong tương đương 74.710 ca tử vong và 8,8% tổng gánh nặng bệnh tật tính bằng
DALY, chủ yếu là do các BKLN (97% tổng tử vong và 94% tổng số DALY liên
quan hút thuốc lá là do BKLN) [42].
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, khoảng 87% trong số
177.000 ca mới mắc ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá, còn lại là do các nguyên nhân
khác như: ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, ăn uống, cơ địa và các yếu tố di

truyền. 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế
giới là người hút thuốc lá. Giả định nguy cơ của những người không hút thuốc lá bị
ung thư phổi là 1 thì nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn
gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Các loại ung thư các bộ phận thuộc
đầu và cổ bao gồm ung thư thực quản, thanh quản, lưỡi, tuyến nước bọt, môi, miệng
và họng. Những nguy cơ của các bệnh ung thư này sẽ tăng dần cùng với số lượng và
thời gian hút thuốc. Hút thuốc lá và nghiện rượu là hai yếu tố mạnh nhất gây ung
thư ở các bộ phận thuộc đầu và cổ. Nguy cơ phát bệnh ung thư thực quản của người
hút thuốc lớn hơn 8 tới 10 lần người không hút thuốc. Những nguy cơ này sẽ bị tăng
thêm từ 25 tới 50% nếu người hút thuốc sử dụng nhiều rượu. Hút thuốc gây nên
80% trong tổng số ung thư thanh quản. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung
thư thanh quản lớn hơn 12 lần so với người không hút thuốc [9].
Hút thuốc là nguyên nhân chủ yếu của các bệnh ung thư lưỡi, tuyến nước
bọt, miệng và vòm họng. Những người nam giới hút thuốc có nguy cơ lớn gấp 27
lần phát triển các bệnh về ung thư miệng hơn những nam giới không hút thuốc. Về
lâu dài người hút thuốc sẽ có nguy cơ cao gấp hai lần hơn người không hút thuốc
trong phát bệnh ung thư mũi. Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cả thận và
bàng quang. Trong tổng số ca tử vong do ung thư bàng quang, thì ước tính khoảng


9

40- 70% là do sử dụng thuốc lá. Tuyến tụy là tuyến dễ mắc ung thư vì khi khói
thuốc đi vào cơ thể sẽ tới tuyến tụy qua máu và túi mật. Với ước tính hút thuốc lá là
nguyên nhân chủ yếu chiếm tới 30% tổng số ung thư tuyến tụy, còn ung thư âm hộ,
là một phần của bộ phận sinh dục nữ thông thường hiếm gặp. Tuy nhiên phụ nữ hút
thuốc có nguy cơ mắc ung thư âm hộ gấp đôi phụ nữ không hút. Ung thư dương vật
đã trở nên ngày càng phổ biến ở nam giới hút thuốc hơn là những người nam không
hút thuốc. Bằng chứng mới đây đã phát hiện ra hút thuốc lá đóng vai trò tác nhân
gây gây ung thư hậu môn và ung thư đại trực tràng [10].

Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn
tính. Mối liên quan giữa sử dụng thuốc và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mạnh
tương tự như mối liên quan giữa hút thuốc và ung thư phổi. Bởi vì người hút thuốc
thường bị suy yếu chức năng niêm mạc phế quản hơn những người không hút
thuốc, họ bị ảnh hưởng nhiều hơn từ môi trường, lây nhiễm và các khói độc. Ước
tính các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính ở người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần
so với người không hút thuốc và sử dụng thuốc lá có thể liên quan tới hầu hết các ca
tử vong mắc các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Ở người hút thuốc bệnh hen sẽ
bị nặng hơn. Người mắc bệnh hen kèm theo hút thuốc thì tăng thêm các triệu chứng
như tăng tiết nhiều đờm, giảm hoạt động của lông mao, dễ bị nhiễm bệnh, dễ bị dị
ứng và ảnh hưởng tới sự lưu thông khí ở các đường thở nhỏ. Một nghiên cứu về tỷ
lệ tử vong vì bệnh hen trong số người đang hoặc đã từng hút thuốc gấp đôi so với
người không hút thuốc: 3,7/100.000 so với 8,3/100.000. Hút thuốc làm suy yếu hệ
miễn dịch của cơ thể. Nguy cơ viêm đường hô hấp như viêm phổi và bệnh cúm ở
người hút thuốc cao hơn ở người không hút thuốc. Người hút thuốc không chỉ mắc
bệnh tật nhiều hơn mà họ còn phải chịu đựng bệnh tật mắc ở mức độ nặng hơn [23].
Khói thuốc có thể gây ra loạn nhịp tim. Một tác động quan trọng khác là gây
tăng huyết áp cấp tính và tăng huyết áp dao động. Những người hút thuốc có nguy
cơ mắc bệnh mạch vành gấp 2– 4 lần và tử vong nhiều hơn khoảng 70% do bệnh
này so với người không hút thuốc. Người hút thuốc có nguy cơ bị phình mạch cao
hơn gấp 8 lần so với những người không hút thuốc [9].
Điều tra tại Qatar vào năm 2012 cho biết, tỷ lệ những người hiện đang hút
thuốc lá là 16,4%, trong đó nam chiếm 31,9%. Có tới 14,7% đối tượng đang hút
thuốc lá hàng ngày. Đặc biệt, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, tuổi bắt đầu hút thuốc của
đối tượng là rất trẻ, trung bình là 18,9 tuổi (95% CI = 18,1 – 19,8 tuổi) [32]. Tại


10

Viên Chăn, Lào, điều tra YTNC của BKLN vào năm 2008 đã được tiến hành. Kết

quả được công bố đã chỉ ra, tỷ lệ hiện tại tại đang hút thuốc là 19,0%, hút thuốc lá
hàng ngày chiếm tỷ lệ 18,8%. Tuổi bắt đầu hút thuốc là 19,7 tuổi [34]. Đặc biệt báo
động là phải kể đến nước Đông Timor, năm 2014, điều tra trên 2.509 người trưởng
thành đã chỉ ra, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá chiếm 48,6%, tức tương đương với gần
1/2 tổng số đối tượng nghiên cứu. Ngoài ra, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá hàng ngày
rất cao, chiếm hơn 1/3 đối tượng được khảo sát [67].
Xu hướng hút thuốc lá ở Việt Nam bắt đầu giảm, nhưng tỷ lệ hút vẫn còn
cao. Năm 1992/93 tỷ lệ hiện hút thuốc lá (gồm cả thuốc lào) ở nam giới từ 15 tuổi
trở lên là 60,5% đến năm 2001/02 đó giảm xuống mức 56,1% và đến năm 2010
giảm tiếp đến 47,4% [11]. Ở nữ giới, tỷ lệ hiện hút thuốc lá năm 1992/93 là 4,2%
đến năm 2001/02 là 1,8% và năm 2010 là 1,4%. Từ năm 1992/93 đến năm 2010, tỷ
lệ hiện hút đó giảm ở từng nhóm tuổi. Năm 1992, tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất là
nhóm 25- 44 tuổi, đến năm 2010 nhóm có tỷ lệ hút cao nhất là nhóm 45- 64 tuổi.
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới
với khoảng 15,3 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá. Đặc biệt, tỷ lệ hút
thuốc lá của thanh thiếu niên Việt Nam vẫn ở mức cao và độ tuổi bắt đầu hút thuốc
lá ngày càng trẻ. Có 43,6% nam thanh thiếu niên cho biết đó từng hút thuốc với độ
tuổi trung bình khi bắt đầu hút thuốc lá là 16,9. Trong số những nam thanh niên đó
từng hút thuốc, có tới 71,7% hiện nay vẫn đang hút [20].
1.2.1.2. Hành vi sử dụng rượu, bia
Kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của một số BKLN năm 2009 tại Việt
Nam cho thấy 6% nữ và 70% nam từ 25- 64 tuổi có uống rượu, bia trong tháng;
trong đó khoảng 40% nam giới ở độ tuổi này tiêu thụ rượu, bia ở mức có hại và
nguy hiểm (từ 4 ly chuẩn trở lên một ngày, tương đương khoảng 56 gam cồn
nguyên chất) [11]. Tỷ lệ uống rượu quá mức (ít nhất 60 gam trong ít nhất một lần
trong 30 ngày qua) là 5,5% ở nam giới uống rượu và 0,8% nữ giới uống rượu [64].
Tình trạng sử dụng rượu bia trên thế giới, đặc biệt là ở một số nước Đông Nam Á
cùng chúng ta vẫn đang là một vấn đề nổi cộm. Tại Đông Timor (năm 2014), tỷ lệ
người đã từng uống rượu chiếm 57,7%. Tỷ lệ uống rượu ở mức có hại là 14,5%
[67]. Trong khi đó, tỷ lệ đã từng uống rượu bia của đối tượng nghiên cứu trong

nghiên cứu một số nguy cơ của bệnh không lây nhiễm tại Bangladesh (năm 2010)
cao gấp hơn 2 lần nước Đông Timor, tức đạt tới 94,4%. Nguy hiểm hơn nữa là tỷ lệ
uống rượu ở mức có hại chiếm 66,7% [70].


11

Sử dụng rượu, bia quá mức liên quan tới nhiều bệnh mạn tính và chấn
thương [46]. Gánh nặng quy thuộc một số vấn đề sức khoẻ liên quan đến sử dụng
rượu, bia; bao gồm: rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, xơ gan, tai biến mạch máu
não, ung thư gan, ung thư miệng/hầu họng, ung thư thực quản, ung thư vú, động
kinh, chấn thương do tai nạn giao thông và bạo lực. Tổng cộng, sử dụng rượu, bia
gây ra 5,7% tổng số ca tử vong và 4,7% tổng gánh nặng bệnh tật tính bằng DALY
của Việt Nam năm 2010 [42]. Khoảng 3/4 gánh nặng bệnh tật liên quan rượu, bia là
do BKLN.
Tác động về mặt sức khỏe của việc sử dụng rượu, bia là rất lớn. Theo thống
kê của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, có tới 4,4% người dân Việt Nam phải
gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại [43]. Năm 2010, ước tính có
8,7% nam và 0,9% nữ tuổi từ 15 trở lên có các rối loạn liên quan đến sử dụng rượu
[64]. Trong đó, lệ thuộc vào rượu (alcoholism) chiếm tỷ lệ 5,9% ở nam và 0,1% nữ
từ 15 tuổi trở lên.
Uống rượu nhiều liên quan với tăng huyết áp. Tăng huyết áp thấy ở 20- 30%
số người lạm dụng rượu. Hơn nữa, rượu còn liên quan đến rối loạn nhịp tim [38],
[64]. Đối với gan, tác dụng phụ chính của lạm dụng rượu là gây tổn thương gan cho
dù mới uống một gia đoạn ngắn nhưng uống nhiều. Đây là 1 trong 10 nguyên nhân
gây tử vong hàng đầu ở nhiều nước phát triển. Uống rượu còn liên quan với sự hình
thành viêm gan và xơ gan [64].Với hệ tiêu hoá, uống rượu liên quan đến viêm thực
quản, viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm tụy. Sử dụng rượu cũng làm tăng tỷ lệ ung thư,
đặc biệt là ung thư thực quản, dạ dày, gan, ung thư tụy, ruột và phổi.
1.2.1.3. Chế độ ăn không hợp lý

Một vấn đề trong ăn uống không hợp lý đã được chứng minh có liên quan
mật thiết đến BKLN bao gồm: ăn không đủ rau, ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều
chất béo và dư thừa năng lượng. Mặc dù đã có những cải tiến về dinh dưỡng, nhưng
vẫn còn nhiều điều lo ngại liên quan đến chế độ ăn uống, đặc biệt là liên quan đến
BKLN. Yếu tố nguy cơ của ung thư, chủ yếu ung thư dạ dày và đại- trực tràng là ăn
quá ít chất xơ, rau, quả, sữa, can xi và ăn thừa thịt bò, thịt chế biến và muối. Đái
tháo đường liên quan ăn thiếu ngũ cốc nguyên cám và ăn thừa thịt bò, thịt chế biến
và đồ uống có đường. Thừa cân, béo phì là hậu quả của việc ăn thừa thực phẩm, đặc
biệt đồ uống ngọt, đồng thời là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật. Nghiên cứu của
Viện dữ liệu và đánh giá y tế cho thấy, gánh nặng bệnh tật do chế độ ăn năm 2010


12

ước tính là 23% tổng số tử vong và 9,5% tổng số DALY [42].
Ăn ít rau, quả
Rau quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống ô xy
hoá cho cơ thể. Khẩu phần ăn thiếu rau, quả có nguy cơ gây ung thư (đại- trực
tràng), bệnh tim mạch. Khoảng 2,7 triệu người trên thế giới được cứu sống nếu
khẩu phần ăn có đủ rau xanh [60]. 26,7 triệu người (1,8%) DALY toàn cầu là do
khẩu phần ăn không có đủ rau xanh. Trong tổng số gánh nặng bệnh tật do ăn thiếu
rau xanh gây ra thì bệnh tim mạch chiếm 85%, ung thư 15%. Tổ chức Y tế thế giới
khuyến nghị ăn ít nhất 400 gam rau, quả/ngày [57], [61]. Trung bình số ngày ăn rau
của các đối tượng nghiên cứu trong tuần là 5,5 ngày đối với Quatar (năm 2012)
[32]. Tại Đông Timor (năm 2014), gần như cả 7 ngày/tuần mọi người đều ăn rau
trong bữa ăn của mình [67]. Tuy nhiên hiện nay, một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ
người dân còn ăn ít hơn 5 đơn vị chuẩn rau/trái cây trên 1 ngày theo khuyến cáo của
WHO là khá cao, như tại Đông Timor tỷ lệ này chiếm tới 77,5% [67], còn trong
nghiên cứu tại Bangladesh vào năm 2010, có tới 95,7% đối tượng ăn ít hơn lượng
rau và trái cây được khuyến cáo [70], tại Quatar tỷ lệ này cũng chiếm tới hơn 91%

[32]
Ăn nhiều muối
Muối là một loại thực phẩm không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Muối tham gia vào thành phần của các chất dịch trong cơ thể như máu, dịch của các
mô, dịch não tuỷ, nước mắt, nước tiểu… Khi lượng muối ăn vào vượt quá nhu cầu
cơ thể thì lượng muối dư thừa sẽ được đào thải theo nước tiểu và mồ hôi. Tuy
nhiên, khi tình trạng này kéo dài, nhất là khi muối không được đào thải hết vì một lý
do nào đó, sẽ phát sinh nhiều bệnh tật. Trước tiên, ăn nhiều muối có nguy cơ bị tăng
huyết áp. Nồng độ muối của các dịch trong cơ thể là hằng định. Vì thế, khi ăn nhiều
muối cơ thể sẽ phải cần thêm nước để duy trì nồng độ dịch thể hằng định. Để đáp
ứng yêu cầu này, cảm giác khát sẽ xuất hiện làm cho người ăn mặn phải uống nhiều
nước, điều này đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu. Hiện tượng này kéo dài
sẽ làm tăng huyết áp. Một cơ chế gây tang huyết áp ở người ăn mặn nữa là muối
làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim mạch và thận đối với Adrenaline – một chất
gây tăng huyết áp. Ăn mặn còn liên quan tới một số bệnh khác của hệ thống tiêu
hoá, bài tiết. WHO khuyến cáo người bình thường chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam
muối/người/ngày [58]. Trong một số nghiên cứu, nhiều kết quả đã chỉ ra rằng, nhiều


13

người trên thế giới vẫn có xu hướng ngày càng ăn mặn hơn. Trong nghiên cứu về
yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm năm 2014 tại Đông Timor, có 78% người
dân luôn luôn hoặc thường xuyên cho thêm muối hoặc chấm mắm thức ăn trong
hoặc khi đang ăn. Ngoài ra, còn có khoảng 13% người luôn luôn ăn thức ăn sẵn có
nhiều muối [67].
Ăn nhiều chất béo
Chất béo rất quan trọng: tham gia cấu tạo cơ thể (màng thế bào, hormone,
kháng thể,…), dung môi hoà tan vitamin (A, D, E, K), tạo năng lượng… Sử dụng
nhiều chất béo gây thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hoá và

BKLN. Thay thế việc sử dụng nhiều chất béo no nguồn gốc động vật bằng chất béo
không no nguồn gốc thực vật được chứng minh làm giảm nguy cơ đái tháo đường
týp 2 và bệnh mạch vành. Tăng Cholesterol máu ước tính gây ra 18% bệnh mạch
não, 56% bệnh mạch vành toàn cầu [57].
1.2.1.4. Thiếu hoạt động thể lực
Ít hoạt động thể lực liên quan nhiều loại BKLN như chứng loãng xương,
viêm xương khớp, đau lưng, béo phì, bệnh tim mạch, ung thư vú ung thư tiền liệt
tuyến, ung thư trực tràng, trầm cảm, lo âu, căng thẳng. Ít hoạt động thể lực gây ra
2,8% tổng số tử vong (12.648 ca tử vong) và 1,5% gánh nặng bệnh tật tính bằng
DALY theo ước tính tại Việt Nam năm 2010. Đặc biệt, theo nghiên cứu ở Việt
Nam, gánh nặng bệnh tật liên quan ít hoạt động thể dục hoàn toàn do BKLN, trong
đó chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư đại tràng và đái tháo đường là các vấn đề
sức khỏe chính liên quan đến tình trạng ít vận động [42].
Hậu quả là tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng lên ở người trưởng
thành, nhất là tại khu vực thành thị. Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở người lớn đã tăng
nhanh, đặc biệt ở các thành phố lớn, do chế độ ăn thừa năng lượng và lối sống ít vận
động. Năm 2006, 16,3% người từ 25 đến 64 tuổi thừa cân và béo phì [25], đến năm
2010 đã lên 26,9% [11]. Và cho đến hiện nay, ít hoạt động thể lực vẫn là một vấn đề
rất nổi cộm. Tại BăngLadesh, tỷ lệ người ít hoạt động thể lực chiếm tới 27,0%,
trong đó, nữ có xu hướng ít vận động nhiều hơn nam giới [70].


×