Tải bản đầy đủ (.pdf) (155 trang)

Thế giới nhân vật chấn thương trong sáng tác của Thuận (Luận văn thạc sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.97 MB, 155 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Hồ Thị Thảo

THẾ GIỚI NHÂN VẬT CHẤN THƯƠNG
TRONG SÁNG TÁC CỦA THUẬN

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Thành phố Hồ Chí Minh – 2017


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Hồ Thị Thảo

THẾ GIỚI NHÂN VẬT CHẤN THƯƠNG
TRONG SÁNG TÁC CỦA THUẬN
Chuyên ngành:

Văn học Việt Nam

Mã số:

60 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. NGUYỄN THÀNH THI



Thành phố Hồ Chí Minh – 2017


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và kết
quả nêu trong Luận văn là trung thực và chưa từng công bố trong bất kì công trình
nào khác, mọi sự trích dẫn trong Luận văn đã được chỉ rõ nguồn gốc.
Người thực hiện Luận văn

Hồ Thị Thảo


LỜI CẢM ƠN
Trong thời gian thực hiện luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam với
đề tài “Thế giới nhân vật chấn thương trong tác phẩm của Thuận”, tôi đã nhận được
sự quan tâm của Ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn, quý thầy cô giảng dạy chuyên ngành
Văn học Việt Nam (Cao học khóa 26 – Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh), đặc biệt
là sự giúp đỡ hết sức tận tình của thầy PGS.TS. Nguyễn Thành Thi – người trực tiếp
hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy PGS.TS. Nguyễn Thành Thi, Ban chủ
nhiệm khoa Ngữ văn, quý thầy cô của trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, gia
đình và bạn bè đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tôi trong suốt thời gian học tập,
nghiên cứu vừa qua.
Xin chân thành cảm ơn!
Tp. Hồ Chí Minh ngày 25 tháng 9 năm 2017
Tác giả luận văn

Hồ Thị Thảo



MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
MỞ ĐẦU ...................................................................................................................... 1
Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU
THẾ GIỚI NHÂN VẬT CHẤN THƯƠNG TRON`G SÁNG TÁC
CỦA THUẬN ............................................................................................. 9
1.1. Chấn thương, văn học chấn thương, nhân vật chấn thương và việc nghiên cứu
văn học chấn thương ............................................................................................... 9
1.1.1. Chấn thương ....................................................................................................... 9
1.1.2. Văn học chấn thương ....................................................................................... 10
1.1.3. Nhân vật, thế giới nhân vật chấn thương như một biểu hiện của văn học
chấn thương .................................................................................................... 14
1.1.4. Việc nghiên cứu văn học chấn thương ở Việt Nam ......................................... 15
1.2. Con người bị chấn thương và bóng dáng nhân vật chấn thương trong văn học
Việt Nam ............................................................................................................... 18
1.2.1. Con người chấn thương/bị chấn thương trong đời sống cá nhân và cộng
đồng ................................................................................................................ 18
1.2.2. Những bóng dáng chấn thương trong văn học dân tộc .................................... 20
1.3. Tiểu thuyết của Thuận – tiếng nói về/của nhân vật chấn thương ........................... 35
1.3.1. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận và những vấn đề của đời
sống đương đại ............................................................................................... 35
1.3.2. Tiếng nói về/của nhân vật chấn thương ........................................................... 40
Tiểu kết chương 1 .......................................................................................................... 44
Chương 2. CÁC KIỂU LOẠI NHÂN VẬT CHẤN THƯƠNG VÀ BỨC
TRANH

ĐỜI SỐNG QUA LĂNG KÍNH CHẤN THƯƠNG


TRONG SÁNG TÁC CỦA THUẬN .................................................... 45
2.1. Các kiểu nhân vật chấn thương thường gặp trong tiểu thuyết của Thuận .............. 45
2.1.1. Kiểu nhân vật chấn thương do những va đập của biến cố lịch sử ................... 45
2.1.2. Kiểu nhân vật chấn thương do đổ vỡ tình yêu và hôn nhân ............................ 48
2.1.3. Kiểu nhân vật chấn thương do lâm vào cuộc sống vô cảm.............................. 51


2.1.4. Kiểu nhân vật chấn thương do sốc văn hóa ..................................................... 56
2.1.5. Kiểu nhân vật chấn thương “nữ quyền” ........................................................... 59
2.2. Bức tranh đời sống qua lăng kính nhân vật chấn thương ....................................... 64
2.2.1. Bức tranh xã hội ............................................................................................... 64
2.2.2. Niềm quan ngại về con người bị chấn thương ................................................. 70
2.2.3. Những khát vọng giải thoát .............................................................................. 80
Tiểu kết chương 2 .......................................................................................................... 84
Chương 3. CÁC PHƯƠNG THỨC KHẮC HỌA NHÂN VẬT CHẤN THƯƠNG
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THUẬN ............................................... 85
3.1. Việc tìm kiếm phương thức tự sự phù hợp nhằm thể hiện nhân vật chấn
thương trong tiểu thuyết của Thuận ...................................................................... 85
3.1.1. Khái niệm phương thức tự sự........................................................................... 85
3.1.2. Tự sự như là phương thức khắc họa/ thể hiện nhân vật ................................... 86
3.2. Một số phương thức tự sự thường gặp về/của nhân vật chấn thương trong tiểu
thuyết của Thuận ................................................................................................... 87
3.2.1. Điểm nhìn trần thuật ........................................................................................ 87
3.2.2. Cắt dán cái tôi tiểu sử ....................................................................................... 95
3.2.3. Thời gian trần thuật mang dấu ấn chấn thương ............................................... 97
3.2.4. Không – thời gian nghệ thuật mang ám ảnh chấn thương ............................. 101
3.3. Các kĩ thuật, thủ pháp xây dựng nhân vật ............................................................ 105
3.3. 1. Xây dựng nhân vật kiểu “soi gương” ............................................................ 105
3.3.2. Xây dựng nhân vật kiểu tẩy trắng .................................................................. 107

3.3.3. Kĩ thuật dòng ý thức ....................................................................................... 111
3.4. Ngôn ngữ ............................................................................................................. 116
3.4.1. Ngôn ngữ lai ghép .......................................................................................... 116
3.4.2. Ngôn ngữ tính dục .......................................................................................... 120
Tiểu kết chương 3 ........................................................................................................ 125
KẾT LUẬN ................................................................................................................ 126
TÁC PHẨM KHẢO SÁT VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................... 129
PHỤ LỤC


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc
Việt Nam và văn học Việt Nam hải ngoại cũng là một bộ phận của văn học dân tộc.
Ngày càng có nhiều tác phẩm của văn học hải ngoại được xuất bản trong nước, được
công chúng yêu văn học cũng như giới nghiên cứu phê bình quan tâm. Song chưa có
tác giả hải ngoại nào gây được chú ý như Thuận. Với 7 tiểu thuyết đã xuất bản, Thuận
được xem là một hiện tượng của văn học Việt Nam đương đại. Về nội dung, tác phẩm
của Thuận chạm đến nhiều vấn đề mà con người đương đại quan tâm, nhiều vấn đề có
phần gai góc, tế nhị trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến, xã hội Pháp đương đại. Về
nghệ thuật, tác phẩm của Thuận mang tới một lối viết rất riêng, rất hiện đại, mới mẻ,
gây hấn với mĩ học truyền thống, nhưng cũng không hoàn toàn đứt gãy với văn học
dân tộc dù Thuận đang sống và sáng tác ở Pháp. Thuận thực sự đã đưa đến làn gió mới
cho văn học nước nhà, góp phần làm nên diện mạo của văn học Việt Nam đổi mới.
Nhiều tác phẩm của Thuận xuất bản chỉ sau một thời gian ngắn đã được tái bản. Năm
2006 tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 của Thuận được trao giải thưởng của Hội nhà văn
Việt Nam. Các chuyên luận nghiên cứu về văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XXI đến
nay của Nguyễn Thị Bình, Bùi Việt Thắng, Trần Huyền Sâm, Thái Phan Vàng Anh…

đều rất quan tâm đến tiểu thuyết của Thuận. Nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học,
sinh viên đã chọn tác phẩm của Thuận làm đối tượng nghiên cứu.
Ở Pháp, với việc dịch và xuất bản Chinatown, Thang máy Sài Gòn và T mất
tích, Thuận là một trong những cây bút đương đại được công chúng Pháp chú ý. Riêng
tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn được Trung tâm sách quốc gia Pháp trao giải thưởng
Sáng tạo năm 2013.
Tất cả những điều đó phần nào cho thấy sức hút từ các tác phẩm của Thuận đối
với công chúng văn học và giới nghiên cứu phê bình cũng như vị trí của Thuận trên
văn đàn văn học Việt Nam, văn học Pháp đương đại.
Khảo sát tác phẩm của Thuận, chúng tôi nhận thấy có một thế giới đông đảo nhân
vật chấn thương. Thông qua lăng kính của nhân vật chấn thương – những người luôn
bị ám ảnh vì dư chấn từ những vết thương của quá khứ, hay từ tác động của cuộc sống


2

hiện tại, Thuận đã phản ánh một cách sâu sắc hiện thực cuộc sống cũng như bày tỏ
niềm quan ngại của mình với con người trong cuộc sống hiện tồn. Vì vậy, sử dụng
cách tiếp cận văn học chấn thương để tìm hiểu thế giới nhân vật chấn thương trong của
Thuận, theo chúng tôi, là một hướng đi khả hữu nhằm lí giải, khám phá những tìm tòi
đổi mới của tác giả này trên hành trình sáng tác nghệ thuật. Từ đó, góp phần đánh giá
đúng hơn vị trí, sự đóng góp của nhà văn này trong văn học Việt Nam đương đại.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Lịch sử nghiên cứu văn học chấn thương
Việc nghiên cứu văn học chấn thương vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Đáng kể
trước hết là các bài nghiên cứu về tiểu thuyết Trần Dần của Nguyễn Thành Thi và
Phùng Bích Hạnh. Trong bài viết Tiếng nói của "cái tôi bị chấn thương" và tính
khả dụng của yếu tố nhật kí, trinh thám trong tiểu thuyết (Nhân đọc Những ngã
tư và những cột đèn của Trần Dần), Nguyễn Thành Thi cho rằng điều kiện cốt lõi làm
xuất hiện văn học chấn thương là tiếng nói của cái tôi bị chấn thương – tức là tiếng nói

của những tác giả vốn là nạn nhân của những chấn thương vượt ngưỡng. Bởi vậy, theo
nhà nghiên cứu này, “Ở Việt Nam cho đến nay, chưa có dòng văn học chấn thương với
đầy đủ điều kiện, tính chất nêu trên” [69, tr.242] mà chỉ mới là những dạng thức gần
gũi với văn học chấn thương; tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần
Dần được coi là tiên phong cho văn học chấn thương ở Việt Nam. Ngoài ra, trên cơ sở
phân tích những biểu hiện chấn thương của nhân vật Dưỡng – một người lính ngụy
quy hàng muốn sống cuộc sống yên ổn, nhưng lại bị quy chụp tội làm phản và phải
sống trong sự nghi kị của cộng đồng, Nguyễn Thành Thi đã chỉ ra sự độc đáo của Trần
Dần trong việc đưa hình thức nhật kí và trinh thám vào tiểu thuyết nhằm làm nổi bật
hành động tâm lí của nhân vật, chỉ ra ba đặc điểm thi pháp của tự sự chấn thương là:
“Người kể chuyện (tự thuật, xưng “tôi”) đồng thời là nhân vật trung tâm, người nắm
giữ điểm nhìn chủ đạo, và tất nhiên, nắm giữ luôn diễn ngôn trần thuật của tác phẩm.
Trong nhiều trường hợp chức năng trần thuật còn được giao phó một phần cho nhân
vật khác, thường là nhân vật “nhà văn”. Diễn ngôn của tác phẩm mang đậm tính chủ
thể và sắc thái hiện chứng/chấn thương rất đậm nét” [69, tr.236].
Phùng Bích Hạnh trong luận văn Diễn ngôn phố trong tiểu thuyết Trần Dần


3

cũng cho rằng tác phẩm của Trần Dần như là tiếng nói của một cái tôi bị chấn thương.
Đáng tiếc là tác giả chưa lí giải thấu đáo cho những kết luận ấy.
Viết theo kiểu chấn thương chỉ thực sự xuất hiện nhiều từ sau đổi mới. Vì thế,
các bài nghiên cứu theo hướng văn học chấn thương cũng chủ yếu tập trung ở giai
đoạn này. Lê Tú Anh trong bài Từ trường hợp Đoàn Minh Phượng, nghĩ về văn
học chấn thương ở Việt Nam và quan điểm nghiên cứu trên cơ sở giới thiệu khái
niệm chấn thương của Amos Golbberg và Cathy Caruth và khái lược dòng chảy của
văn học chấn thương ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến nay, cho rằng “Trong nền văn học
Việt Nam hiện đại, đặc biệt là từ sau 1975, đã lặng lẽ chảy một dòng văn học chấn
thương” [83]. Tác giả tiên lượng: “văn học chấn thương ở Việt Nam chưa thể dừng

lại, thậm chí, còn có xu hướng phát triển mạnh hơn” [83]. Như vậy, với Lê Tú Anh,
sáng tác văn học chấn thương không chỉ là sáng tác của những tác giả là nạn nhân của
chấn thương vượt ngưỡng, mà gồm cả các sáng tác của tác giả có sự san sẻ chấn
thương, sử dụng các kĩ thuật của lối viết chấn thương. Nói cách khác, văn học chấn
thương bao gồm cả dạng chấn thương hư cấu.
Còn luận văn của Lê Văn Hiệp với đề tài Đặc trưng mỹ học của bộ phận văn
học “vết thương” trong văn xuôi Việt Nam thời kì đổi mới (Qua sự so sánh với văn
học Trung Quốc) lại tiếp cận văn học chấn thương như là một trào lưu văn học theo
kiểu văn học vết thương của Trung Quốc. Từ cách tiếp cận này, Lê Văn Hiệp cũng cho
rằng văn học Việt Nam từ sau đổi mới đã xuất hiện bộ phận văn học chấn thương với
những đặc trưng thẩm mĩ và thi pháp riêng so với giai đoạn trước. Về thẩm mĩ, bộ
phận văn học này coi lịch sử như là chất liệu, quan tâm đến bi kịch cá nhân, cảm hứng
bi kịch và đau thương là chủ yếu. Về thi pháp, có những thay đổi về cốt truyện và kết
cấu, giọng điệu và điểm nhìn.
Cũng lấy tiểu thuyết Việt Nam từ sau đổi mới làm đối tượng nghiên cứu, nhưng
sinh viên Trần Phượng Linh trong đề tài nghiên cứu khoa học Nhân vật chấn thương
trong một số tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 1986-1995 lại đi vào tìm hiểu
những dạng thức nhân vật chấn thương.
Lê Thanh Nga trong bài viết Chấn thương trong truyện của Nguyễn Huy
Thiệp dựa vào những biến động vượt ngưỡng trong lịch sử dân tộc khoảng ba thế kỉ


4

qua để giải thích cho sự xuất hiện đông đảo của những nhân vật chấn thương, đặc biệt
là nhân vật người trí thức trong các truyện ngắn của nhà văn này.
Ngoài ra, Hoàng Hưng, Trần Xuân An cũng có bài viết đề cập đến văn học chấn
thương nhưng chủ yếu từ phương diện sáng tác.
Trên đây là một số bài nghiên cứu về văn học chấn thương. Nhìn một cách tổng
quan, có thể thấy cách hiểu về văn học chấn thương vẫn chưa hoàn toàn thống nhất, ít

có bài viết đề cập đến lí thuyết chấn thương, thậm chí có bài viết chưa xuất phát từ lí
thuyết phê bình chấn thương… Việc nghiên cứu về văn học chấn thương ở Việt Nam
vẫn còn là mảnh đất còn nhiều tiềm năng vẫy gọi phía trước.
2.2. Lịch sử nghiên cứu tác phẩm của Thuận
Là một hiện tượng văn học đương đại, Thuận được đông đảo bạn đọc, giới phê
bình lưu tâm. Có nhiều chuyên luận, luận văn, luận án, các bài báo, bài cảm nhận trên
Internet đề cập đến sáng tác của Thuận từ nhiều phương diện khác nhau.
Nguyễn Thị Bình trong bài Đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại: lối viết
hậu hiện đại cho rằng sáng tác của Thuận in đậm dấu ấn hậu hiện đại. Điều đó được
thể ở nhiều phương diện: nỗ lực giải thiêng văn học, coi sáng tạo văn học là một trò
chơi đầy trí tuệ và lí thú, "từ chối khung tự sự truyền thống ", “ý thức nhại văn và
phức hợp thể loại” [11, tr.243], xây dựng nhân vật theo kiểu "tạo ra nhân vật mà
Phương Tây gọi là nhân vật phi nhân vật" [11, tr.239], “xây dựng nhân vật cũng là
phá hủy nhân vật" [11, tr. 241]. Trong bài viết Chất thơ trong văn xuôi đương đại,
Nguyễn Thị Bình lại chú ý tới chất thơ trong tiểu thuyết của Thuận. Theo bà, chất thơ
ấy được ẩn sau cuộc sống chẳng có gì thú vị, ẩn sau giọng điệu giễu nhại, giọng điệu
dửng dưng lạnh lùng.
Bùi Việt Thắng trong bài Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi Mới (1986 2016): Những thăng trầm, cũng đánh giá cao Thuận, coi Thuận là một trong những
gương mặt tiêu biểu “khúc xạ một hướng đi của tiểu thuyết đương đại Việt” [102] và
chủ đề xuyên suốt trong tiểu thuyết của Thuận theo ông là “người Việt tha hương và
những bi kịch nhỏ mà họ suy nghiệm, những kiếp người bị đánh bật cội rễ” [102]. Tuy
nhiên, khác với Nguyễn Thị Bình, Bùi Việt Thắng tỏ ra khá dè dặt khi bàn tới hậu hiện
đại trong tiểu thuyết của nhà văn này, nhưng thừa nhận cách viết của Thuận “khác


5

truyền thống thì rõ ràng như dưới mặt trời” [102].
Trần Huyền Sâm trong chuyên luận Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ
Việt Nam đương đại cho rằng diễn ngôn chấn thương trong sáng tác của Thuận nói

riêng và nhiều nhà văn nữ đương đại Việt Nam nói chung là do “xung năng văn hóa”
[60, tr.259], đặc biệt là “do người đàn ông trực tiếp gây nên đối với chủ thể diễn
ngôn/đàn bà” [60, tr.259].
Trịnh Đặng Nguyên Hương trong bài viết Cảm thức lạc loài trong sáng tác của
Thuận cho rằng cảm thức chung trong sáng tác của Thuận là mặc cảm cô đơn, lạc
loài. Theo tác giả, thành công của Thuận là "đã vượt ra khỏi mặc cảm tha hương, mặc
cảm da vàng, để đào sâu vào thân phận người mang tính phổ quát”, “khắc hoạ cảm
thức lạc loài của con người trong xã hội tiêu thụ”, “thân phận di dân, tha hương và
lưu lạc như một căn cước cố hữu” [95].
Thái Phan Vàng Anh trong bài viết Giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết
Việt Nam đương đại nhận xét: “Cảm thức về cái phi lí, sự đổ vỡ, bất tín nhận thức đã
chi phối giọng điệu tiểu thuyết Thuận”. [7, tr.106]
Vũ Thị Hạnh (trường Đại học khoa học xã hội – Nhân văn Hà Nội) trong luận
văn cao học Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận cho rằng: Các
nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận “luôn mang nặng nỗi cô đơn sầu xứ” [28,
tr.20] và “khởi nguồn của những bi kịch trong tiểu thuyết của Thuận chính là những
ám ảnh, day dứt” [28, tr.20].
Trần Thị Thanh Thoa (trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) trong luận
văn cao học với đề tài Giọng điệu giễu nhại trong sáng tác của Thuận cho rằng
nhiều nhân vật trong sáng tác của Thuận “chung thân với những ẩn ức” [71, tr.100].
Ngoài ra, còn có thể kể đến luận văn của Phan Thị Như Hoa (Đại học Đà Nẵng)
với đề tài Dấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận, các khóa luận tốt
nghiệp của sinh viên Trần Mỹ Tường (trường Đại học Cần Thơ) với đề tài Đặc điểm
tiểu thuyết Chinatown của Thuận, Đặng Thị Lan Anh (trường Đại học Sư phạm Hà
Nội) với đề tài Tính trò chơi trong tiểu thuyết T mất tích của Thuận hoặc một số
bài viết, bài cảm nhận trên mạng Internet như Văn kết hợp báo trong tiểu thuyết
Paris 11 tháng 8 của Thuận” của Lê Thị Hải Vân

đăng trên http: //www.



6

Vanchuongviet, Trò chơi văn bản và những tương tác (Đọc "Chinatown" của
Thuận) đăng trên https://lythuyetvanhoc của Nhã Thuyên, Tiểu thuyết Chinatown và
những chiều kích hiện tại của thời gian quá khứ đăng trên

http://

giaitri.vnexpress.net và “Dùng nghịch lý để kể những nghịch lý đăng trên
của Nguyễn Chí Hoan, T mất tích và sự ảnh hưởng của văn học
Pháp đăng trên của Nguyễn Thái Hoàng…
Những bài viết, chuyên luận, luận văn kể trên có dung lượng và góc tiếp cận rộng
hẹp khác nhau, có thể có những ý kiến trái chiều. Nhưng, nhìn chung các tác giả có sự
gặp gỡ nhất định trong việc đánh giá về các tác phẩm của Thuận. Trước hết, về nội
dung, dù chưa tác giả nào gọi nhân vật/con người trong tác phẩm của Thuận là nhân
vật/con người chấn thương, nhưng nhiều người nhận ra đó là những nhân vật/con
người bi kịch, chịu nhiều tổn thương. Thứ nữa, về nghệ thuật, cũng chưa một tác giả
nào lí giải phương thức tự sự trong sáng tác của Thuận từ góc nhìn văn học chấn
thương nhưng đều thừa nhận cách viết của Thuận có rất nhiều đổi mới so với văn học
truyền thống.
Đó là những gợi ý quan trọng để chúng tôi đi vào nghiên cứu đề tài này với mong
muốn có thể giúp đánh giá tiểu thuyết của Thuận sâu sắc hơn.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của luận văn này là thế giới nhân vật chấn thương
trong tiểu thuyết của Thuận. Ngoài ra, để có một cái nhìn đầy đủ và khách quan hơn,
chúng tôi có điểm qua bóng dáng nhân vật chấn thương trong lịch sử văn học dân tộc.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Đến nay Thuận đã xuất bản 7 tiểu thuyết. Tuy nhiên, do tiểu thuyết Made in Việt

Nam xuất bản ở nước ngoài, chúng tôi chỉ có thể đọc trên Internet, nên chúng tôi
không đưa vào diện khảo sát, mà chỉ tập trung nghiên cứu nhân vật chấn thương ở 6
tác phẩm: Chinatown, Thang máy Sài Gòn, T mất tích, Chỉ còn 4 ngày là hết
tháng tư, Paris 11 tháng 8, Vân Vy.
Ngoài ra, như đã trình bày ở trên, bên cạnh sáng tác của Thuận là chủ yếu, chúng
tôi có điểm qua, so sánh với sáng tác của các tác giả tiêu biểu trong văn học dân tộc có
bóng dáng nhân vật chấn thương như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn


7

– Đoàn Thị Điểm(?), Hoàng Ngọc Phách, Nam Cao, Nguyên Hồng, Lê Lựu, Nguyễn
Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Đoàn Minh
Phượng, Linda Lê…
Bóng dáng nhân vật chấn thương còn thấy thấp thoáng trong một số tác phẩm
văn học dân gian, đặc biệt trong sáng tác của các dân tộc miền núi. Tuy nhiên, do
không thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài, nên chúng tôi chỉ xem đây là những tư
liệu tham khảo khi cần.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp liên ngành: Chúng tôi sử dụng một số kiến thức của y học, tâm lí
học về chấn thương để nghiên cứu về nhân vật chấn thương.
- Phương pháp loại hình: Phương pháp này giúp chúng tôi tiến hành phân loại
nhân vật chấn thương.
- Phương pháp thi pháp học: Phương pháp thi pháp học giúp chúng tôi khảo sát các
hình thức mang tính nội dung, sự quy định lẫn nhau giữa hình thức và nội dung từ đó có
cơ sở lí giải các vấn đề trong tiểu thuyết của Thuận liên quan đến nhân vật chấn thương.
- Phương pháp hệ thống: Vận dụng phương pháp hệ thống, chúng tôi đặt các yếu
tố giữa nhân vật chấn thương, các yếu tố nội dung và các hình thức biểu hiện trong
một chỉnh thể có sự quy định, tác động qua lại lẫn nhau. Chúng tôi cũng đặt tác phẩm
của Thuận trong bối cảnh đổi mới hội nhập của văn học Việt Nam đương đại để có sự

đánh giá đầy đủ khách quan hơn sự kế thừa, truyền thống và sự đổi mới, cách tân của
tiểu thuyết Thuận.
Ngoài 5 phương pháp trên chúng tôi còn sử dụng một số thao tác: phân tích, so
sánh, bình luận.
5. Những đóng góp của luận văn
- Nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng nhất của một tác phẩm văn học,
thể hiện tư tưởng thẩm mĩ, quan niệm nghệ thuật của nhà văn, là phương tiện tư duy về
hiện thực và định hướng giá trị của con người trong một tác phẩm văn học. Vì vậy,
chọn hướng tiếp cận từ thế giới nhân vật chấn thương, luận văn hy vọng sẽ có thể giải
mã tư tưởng nghệ thuật của Thuận như là cách tìm hiểu sâu hơn giá trị nhân văn trong
tiểu thuyết của Thuận. Từ đó, giúp độc giả có thể hiểu hơn về những sáng tác hay
nhưng không dễ đọc của Thuận, giúp đánh giá khách quan hơn vị trí của tác giả này


8

trong văn học đương đại Việt Nam.
- Việc nghiên cứu văn học theo hướng văn học chấn thương ở Việt Nam hiện nay
còn rất mới mẻ. Trong khi đó nhân vật chấn thương như là một biểu hiện của văn học
chấn thương. Nên, luận văn hy vọng sẽ có đóng góp nhất định về mặt lí luận trong
nghiên cứu văn học chấn thương ở nước ta.
- Sáng tác của Thuận thuộc dòng văn học hải ngoại. Để làm sáng rõ vị trí tiểu
thuyết của Thuận, bên cạnh việc so sánh với các tác giả trong nước, chúng tôi có so
sánh với các sáng tác của Linda Lê, Đoàn Minh Phượng. Vì vậy, qua đề tài này, luận
văn có cơ hội tìm hiểu rộng hơn về sáng tác văn học của những nhà văn hải ngoại, hiểu
hơn về tâm hồn Việt nơi xa xứ.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm 3 chương. Cụ thể:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu thế giới nhân vật
chấn thương trong sáng tác của Thuận.

Chúng tôi trình bày về khái niệm văn học chấn thương, nhân vật chấn thương
như là một biểu hiện của văn học chấn thương, ý nghĩa và thực tiễn của việc nghiên
cứu văn học chấn thương ở nước ta, nghiên cứu về bóng dáng nhân vật chấn thương
trong lịch sử văn học dân tộc và một số khái niệm liên quan khác. Chương 1 tạo điểm
tựa lí thuyết để chúng tôi tiếp tục tiến hành nghiên cứu hai chương còn lại.
Chương 2: Các kiểu loại nhân vật chấn thương và bức tranh đời sống qua lăng
kính nhân vật chấn thương trong sáng tác của Thuận.
Ở chương này, trên cơ sở phương pháp loại hình, chúng tôi tiến hành phân loại
nhân vật chấn thương trong tiểu thuyết của Thuận, đồng thời nghiên cứu bức tranh đời
sống trong tác phẩm của Thuận được thể hiện qua lăng kính chấn thương.
Chương 3: Các phương thức khắc họa nhân vật chấn thương trong sáng tác của
Thuận.
Chúng tôi nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa nhân vật chấn thương với các
phương thức tự sự trong tiểu thuyết của Thuận. Thực ra, phương thức tự sự là một vấn
đề rộng, chúng tôi chỉ tập trung một số vấn đề liên quan đến việc thể hiện nhân vật
chấn thương mang dấu ấn riêng của Thuận.


9

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC
NGHIÊN CỨU THẾ GIỚI NHÂN VẬT CHẤN THƯƠNG
TRONG SÁNG TÁC CỦA THUẬN
1.1. Chấn thương, văn học chấn thương, nhân vật chấn thương và việc nghiên
cứu văn học chấn thương
1.1.1. Chấn thương
Chấn thương (tiếng Anh là “trauma”) xuất phát từ thuật ngữ “wound” (vết thương,
thương tích) trong tiếng Hy Lạp. Từ điển bách khoa y học phổ thông định nghĩa:
“Bất kì tác động nào từ bên ngoài (ngoại giới) gây ra tổn thương thực thể cho cơ thể
hoặc gây ra rối loạn hoạt động tinh thần hoặc cảm xúc của con người” [52, tr.129].

Từ điển bách khoa y học Anh – Việt cũng có cách giải thích tương tự:
+ chỉ chung về các sự tổn hại về mặt thể chất hay các vết thương gây ra bởi lực
tác động bên ngoài. Nó cũng có thể là vết thương do tự bản thân gây ra.
+ chỉ các trường hợp bị sốc do cảm xúc hay do tâm lí, điều này có thể tạo ra rối
loạn cảm giác hay rối loạn cư xử” [53, tr.2456].
Như vậy, trong y học, chấn thương được hiểu gồm cả chấn thương về mặt thể
chất lẫn tinh thần. Riêng chấn thương tinh thần (trauma psychic) được hiểu: “Chỉ
chung các trường hợp tổn thương tinh thần và có thể dẫn đến các mối lo âu” [53,
tr.2456]. Đó là những cú sốc tinh thần vượt ngưỡng, để lại những dư chấn nặng nề
trong đời sống tâm lí của nạn nhân, khiến cho họ dù muốn quên, thì sự kiện đó vẫn
không ngừng ám ảnh cuộc sống hiện tại của họ. Biểu hiện của những người bị sang
chấn có thể khác nhau. Đó có thể tâm trạng lo âu, hồi hộp, sợ hãi, dễ bị kích động, dễ
gặp ác mộng, thường nhớ về kí ức cũ hoặc có hành vi né tránh những địa điểm và hoạt
động gợi nhớ đến sự kiện gây sang chấn, né tránh tiếp xúc hoặc cách ly về mặt xã
hội...
S. Freud là người đầu tiên đặt nền móng cho lí thuyết chấn thương tâm lí. Ông đã
đưa ra khái niệm Nachträglichkeit – một khái niệm chỉ những hoạt động tâm trí của
con người có tính thời gian và nhân quả, những kinh nghiệm ấn tượng sẽ được sửa đổi
theo kinh nghiệm mới, có ý nghĩa mới, tác động mới. Ông lấy ví dụ: “Nó giống như


10

một người vừa rời khỏi nơi mà anh ta vừa trải qua một tai nạn nghiêm trọng, chẳng
hạn, một vụ đâm xe lửa, mà may sao anh ta cuối cùng chẳng bị hề hấn gì. Tuy nhiên,
trong nhiều tuần sau đó, anh ta hình thành một loạt các triệu chứng về tâm thần và
dây thần kinh vận động mà có thể quy chiếu do cú sốc và những thứ khác xảy ra tại
thời điểm tai nạn” [dẫn theo Cathy Caruth], [87]. Ông gọi khoảng thời gian trôi qua
giữa vụ tai nạn và lần đầu xuất hiện các triệu chứng là “thời kì ủ bệnh”.
Trên cơ sở những nghiên cứu của S. Freud, Cathy Caruth – người đặt nền móng

của phê bình chấn thương hiện đại – đã đưa ra định nghĩa đáng chú ý về chấn thương.
Theo bà “chấn thương mô tả như là những kinh nghiệm choáng ngợp về những sự kiện
đột ngột hay thảm họa mà phản ứng đối với những sự kiện đó thường xuất hiện dưới
dạng ảo giác và các hiện tượng mang tính chất xâm nhập thường bị trì hoãn và tái
diễn một cách không kiểm soát được” [87]. Nói cách khác, chấn thương là những nỗi
đau vượt ngưỡng và kinh nghiệm chấn thương là kinh nghiệm đến sau. Tại thời điểm
sự kiện diễn ra thì sự đồng hóa hoặc kinh nghiệm không có một cách đầy đủ mà đến ở
thời điểm muộn hơn bằng sự lặp lại đối với người đã có trải nghiệm đó. Nạn nhân –
người mà đã trải nghiệm qua sự kiện chấn thương – không thể nào quên được sự kiện
ấy, dù bị trấn áp, bị đè nén thì sự kiện đó vẫn liên tục ám ảnh. Nó trở lại trong đời sống
nạn nhân bằng những hồi ức đứt đoạn, những mảnh vỡ của sự kiện, bị biến dạng và
hiện hữu trong đời sống vô thức của nạn nhân. “Sự trở về của hồi tưởng như một sự
gián đoạn – như một cái gì đó với một lực lượng gây ảnh hưởng hoặc tác động – cho
thấy rằng nó không thể nghĩ đơn giản như một sự miêu tả" [111, tr.115]. Cũng theo
Cathy Curth, kinh nghiệm chấn thương là những kinh nghiệm không được khẳng định
bởi vì nó là cái không thể chứng thực, nhưng là cái được dùng làm quy chiếu.
1.1.2. Văn học chấn thương
Mầm mống văn học chấn thương có từ rất lâu, song chỉ đến thế kỉ XX nó mới
thực sự trở thành một xu hướng sáng tác cũng như nghiên cứu phê bình. Bởi thế kỉ
XX, nhân loại trải qua nhiều sự kiện kinh hoàng để lại nỗi đau dai dẳng trong đời sống
mỗi cá nhân cũng như cộng đồng như hai cuộc chiến tranh thế giới, Mĩ ném bom
nguyên tử hủy diệt thành phố Hiroshima và Nagasaki, hàng triệu người Do Thái bị
Đức Quốc xã sát hại trong các trại tập trung, hàng triệu trí thức Trung Quốc rơi vào


11

cảnh màn trời chiếu đất, bị bức hại bởi sự đàn áp mang danh nghĩa Cách mạng văn
hóa… Trước những sự kiện kinh thiên động địa đó, loài người phải đặt câu hỏi: cái gì
tồn tại là có ý nghĩa nhất? Tại sao con người lại rơi vào thảm họa diệt vong? Làm thế

nào để con người không còn phải đối mặt với những sự kiện kinh hoàng tương tự như
thế? Và, làm thế nào con người có thể bước qua được những mất mát, ám ảnh khôn
nguôi về quá khứ? Những trăn trở, day dứt đó biểu hiện trong các tác phẩm văn học và
đồng thời cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của lí thuyết văn học.
Đến nay, văn học chấn thương có hai cách hiểu: như một lí thuyết tiếp cận phê
bình của Phương Tây và như một trào lưu văn học của Trung Quốc.
Ở phương Tây, lí thuyết văn học chấn thương ra đời trước hết ở Mỹ vào đầu
những năm 1990 bởi các học giả như Cathy Caruth, Shoshana Felman và Geoffrey
Hartman… Lí thuyết này được phát triển trên cơ sở lí thuyết chấn thương của phân
tâm học và thực tiễn nghiên cứu những tác phẩm tự sự chấn thương hư cấu và phi hư
cấu. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng: văn học là một lĩnh vực vô song miêu tả kinh
nghiệm chấn thương. Văn học trở thành nơi người viết chia sẻ và làm chứng cái mà có
thể xem như một khoảnh khắc chấn thương không được kiểm chứng. Câu chuyện được
kể trong tác phẩm văn học chấn thương chính là “câu chuyện về bản thân lối viết phân
tâm học… Đặc trưng nhất của câu chuyện này… là một hình thức kể đúp, là sự dao
động giữa khủng khoảng về cái chết và bản chất không chịu đựng nổi của một sự kiện
và bản chất không chịu đựng nổi của ngay cả việc sống sót đó” [86]. Nói cách khác,
tác phẩm tự sự chấn thương là nơi mà nỗi đau lên tiếng, là tiếng nói của nỗi đau bị
thức tỉnh, nó vẫy gọi sự chia sẻ bởi sự ám ảnh của những nỗi đau mà chủ thể đã trải
qua trong quá khứ. “Bao giờ nó cũng là câu chuyện về một vết thương cất lên tiếng
khóc, tiếng khóc ấy hướng đến chúng ta, nó muốn kể cho chúng ta về một hiện thực
hay một sự thật nào đó không thể biết được nếu theo một cách khác. Sự thật này, trong
sự xuất hiện bị trì hoãn và địa chỉ đến muộn của nó, không chỉ được kết gắn với cái đã
biết, mà còn với cả cái vẫn còn chưa được biết trong chính những hành động và ngôn
ngữ của chúng ta” [86]. Do đó, phê bình chấn thương là “khám phá những cách thức
phức tạp mà theo đó, cái được biết và cái chưa được biết liên đới với nhau trong ngôn
ngữ của chấn thương và trong những chuyện kể gắn liền với nó” [86]. Tác phẩm


12


Moses and Monotheism (Moses và nhất thần luận) của S. Freud được Cathy Caruth
đọc trên tinh thần đó. Theo bà, S. Freud đã viết lại lịch sử bị hư cấu hóa của người Do
Thái trong hoàn cảnh hiện tại là hàng triệu người Do Thái đang bị khủng bố, tàn sát
bởi Đức quốc xã như là lời giải đáp cho câu hỏi “làm thế nào mà người Do Thái dẫn
đến cơ sự này” [87], đồng thời cũng là cách Freud cất lên giọng nói của mình – giọng
nói của một người đang chạy trốn bởi Đức quốc xã. Nói cách khác, tác phẩm đó Freud
viết về chấn thương trong vô thức của cộng đồng Do Thái và viết về vết thương của
chính mình. Hành động đó như là cách tự chữa lành vết thương.
Amos Goldberg cũng có quan điểm tương tự khi nghiên cứu tác phẩm của các
nạn nhân của hiện tượng Holocaust. Amos Goldberg cho rằng: trước khi bị sát hại, các
nạn nhân Do Thái đã rơi vào hai hình thức của cái chết: “cái chết của chủ thể nạn
nhân bởi cái biểu đạt của kẻ hủy diệt và cái chết tượng trưng của nạn nhân” [90]. Khi
Đức Quốc xã cho đánh dấu người Do Thái, bắt đầu bằng việc đánh dấu cơ sở kinh
doanh của họ, đến việc bắt họ đeo biểu tượng trên quần áo và cuối cùng thích chữ trên
người họ, tức là đồng nhất cái biểu đạt và cái được biểu đạt, làm triệt hủy bản ngã của
nạn nhân, khiến cho ham muốn hay ngôn ngữ của nạn nhân không còn tồn tại. Cái chết
tượng trưng là cái chết của việc người ta không thể cất lên tiếng nói của mình, hoặc
tiếng nói ấy hoàn toàn không có nghĩa. Amos Goldberg khẳng định “Thảm kịch lớn
nhất ẩn dấu trong sự va chạm gây chấn thương này là nguy cơ của sự triệt tiêu của
toàn bộ ý nghĩa, hay nói cách khác thảm kịch khủng khiếp nhất xảy ra khi chủ thể
không còn lại bất kì một ngữ cảnh văn hóa, lịch sử, cá nhân thích đáng nào để có thể
khơi thông được chấn thương. Khi đó nạn nhân không thể cất tiếng nói hoặc tiếng nói
của anh ta/chị ta hoàn toàn không có ý nghĩa, nạn nhân rơi vào trạng thái câm nín”
[90]. Vì vậy, hành động viết của nạn nhân theo nhà nghiên cứu này là “nạn nhân đã cố
gắng đóng khung chính mình trong vùng chấn thương để không rơi vào một trong hai
hình thức tồi tệ hơn rất nhiều – với mối quan hệ giữa đời sống và cái chết bị dừng lại
vì cái chết do cái biểu đạt gây ra và cái chết tượng trưng – cả hai cái chết này đều do
kẻ sát nhân áp đặt nhằm hư vô hóa nạn nhân trước khi giết chết anh ta/ hay chị ta”
[90]. Và những câu chuyện tự thuật đó “không chỉ có ý nghĩa là một sự miêu tả lại

cuộc đời của người viết mà còn theo nghĩa đen, trực diện nhất, câu chuyện thực sự cho


13

phép đời sống khả hữu” [90].
Như vậy, văn học chấn thương trước hết là chỉ những tác phẩm của những nạn
nhân đã trải qua những sự kiện kinh hoàng và nó để lại dư chấn tinh thần dai dẳng, đau
đớn. Khi họ cầm bút tự thuật những gì đã xảy ra thì “cây bút không chỉ là phương tiện
để viết mà trước tiên và hơn hết, nó là một vật thể cho phép người ta bằng cách nào đó
có thể nắm bắt được cái nỗi đau không thể chạm đến của mình” [90]. Nên, phần lớn
các nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu tác phẩm tự sự chấn thương của những nạn nhân
sống sót – tức câu chuyện chấn thương trong tác phẩm mang đậm dấu ấn tự thuật của
tác giả. Theo Kali Tal: “chỉ có những nhà văn đã từng bị chấn thương trực tiếp như là
người sống sót biết và có thể viết những dấu hiệu của chấn thương” [dẫn theo
Marinenllarodi Risberg], [112, tr.29].
Tuy nhiên trên thực tế, có sự xâm nhập giữa lí thuyết văn học chấn thương và
sáng tác văn học chấn thương. Một số tác giả hiểu rõ lí thuyết chấn thương và họ viết
về cái chấn thương không phải với tư cách chủ thể bị chấn thương, mà là với tư cách là
chủ thể chia sẻ. Điều đó làm xuất hiện hình thức tự sự chấn thương hư cấu. Laurie
Vickroy trong cuốn Chấn thương và sự sống còn trong tiểu thuyết đương đại cho
rằng: “tự sự chấn thương mặc dù hư cấu, nhưng lại có thể truyền đạt kinh nghiệm
chấn thương như thể là người sống sót bởi vì kĩ thuật tự sự của họ, bao gồm cả các
biểu tượng hóa, nơi chúng không chỉ đại diện cho chấn thương như một nội dung hoặc
chủ đề” và việc hư cấu đó “Chúng hợp thành nhịp điệu, phương pháp và trạng thái
lưỡng lự của chấn thương trong ý thức và cấu trúc của các tác phẩm đó” [dẫn theo
Marinenllarodi Risberg], [112, tr.30]. Dạng chấn thương hư cấu này phù hợp với kĩ
thuật viết hậu hiện đại vì nó đòi hỏi người đọc một thái độ hoài nghi.
Nói tóm lại, khái niệm văn học chấn thương đang được mở rộng, được xem xét ở
nhiều dạng thức khác nhau.

Ở Trung Quốc, văn học chấn thương được hiểu như một trào lưu văn học, được
gọi là “văn học vết thương”. Từ “vết thương” được các nhà nghiên cứu Trung Quốc
gọi theo tên một truyện ngắn nổi tiếng của Lư Tân Hoa. Trào lưu văn học này ra đời từ
sau Đại cách mạng văn hóa (1976) và kéo dài trong khoảng 10 năm. Khi cuộc Cách
mạng văn hóa kết thúc, người ta bàng hoàng nhận ra thực chất cuộc cách mạng ấy là


14

một cuộc bức hại công khai đối với nhân dân Trung Quốc dưới danh nghĩa cách mạng,
để lại những “vết thương” trầm trọng cả về tinh thần lẫn thể xác đối với họ, không dễ
gì có thể nguôi ngoai. Văn học vết thương với tiếng nói phủ định triệt để đối với Cách
mạng này – một cuộc cách mạng đẫm máu và nước mắt trong lịch sử Trung Quốc hiện
đại. Các tác phẩm của trào lưu văn học vết thương nặng về phơi bày nỗi đau khổ trong
thời động loạn. Những tác phẩm tiêu biểu như: Chủ nhiệm lớp (Lưu Tâm Vũ), Ôi
(Phùng Ký Tài), Tôi phải làm thế nào (Trần Quốc Khải), Mãi mãi là mùa xuân
(Thẩm Dung)… Ra đời ngay sau khi cuộc Cách mạng văn hóa vừa kết thúc, các nhà
văn vừa tỉnh dậy sau một cơn ác mộng kéo dài nên thành tựu về nội dung và nghệ
thuật của trào lưu văn học vết thương không cao. Nó kéo dài cho tới giữa những năm
80 của thế kỷ XX thì kết thúc sứ mệnh lịch sử và nhường chỗ cho trào lưu văn học
“tầm căn” (tìm nguồn).
Như vậy, văn học chấn thương có thể hiểu là một trào lưu văn học hoặc một lí
thuyết nghiên cứu phê bình. Với đề tài Thế giới nhân vật chấn thương trong sáng
tác của Thuận, chúng tôi chọn cách hiểu văn học chấn thương như một lí thuyết
nghiên cứu phê bình của Phương Tây.
1.1.3. Nhân vật, thế giới nhân vật chấn thương như một biểu hiện của văn
học chấn thương
“Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người
trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các
phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ” [62, tr.114]. "Bất cứ tác phẩm văn học nào

ta cũng đều bắt gặp nhân vật văn học” [62, tr.114]. Bởi lẽ, “văn học là nhân học”
(M.Gorki). Con người là nội dung quan trọng nhất của văn học. Mỗi một thời đại, mỗi
phương thức sáng tác có cách thể hiện cuộc sống, con người trong tác phẩm riêng
nhưng không một tác phẩm văn học nào có thể thiếu vắng bóng dáng nhân vật. Những
nhà Tiểu thuyết Mới chủ trương đổi mới tiểu thuyết một cách toàn diện, mang đến rất
nhiều thử nghiệm, phá bỏ một cách triệt để lối viết truyền thống, nhiều tác phẩm của
họ không thấy xuất hiện con người, chỉ có thấy hiện lên thế giới đồ vật. Tuy nhiên,
trên thực tế, chính các nhà Tiểu thuyết Mới cũng thừa nhận rằng không thể xóa bỏ
được nhân vật, chỉ có thể thể hiện khác mà thôi: “con người hiện diện trong đó ở mỗi


15

trang, mỗi dòng. Ngay cả người ta chỉ thấy ở đó nhiều đồ vật, được miêu tả chi tiết và
luôn đầu tiên, bao giờ cũng có cái nhìn chúng, có tư tưởng gặp lại chúng, niềm đam
mê làm chúng biến dạng” [24,tr.188]. “Những đồ vật… không bao giờ hiện diện ngoài
những nhận thức của con người, những nhận thức thực của tưởng tượng, đây là những
đồ vật của cuộc sống hằng ngày của chúng ta, có thể chúng ngự trị tinh thần của
chúng ta ở mọi thời điểm” [24, tr.188-189].
Nhân vật văn học có thể được thể hiện bằng những hình thức nghệ thuật khác
nhau, có thể có tên hoặc không tên, có thể được thể hiện đầy đặn về ngoại hình, tính
cách, số phận, cũng có thể chỉ nhận diện được ở giọng điệu, cái nhìn, ở cảm xúc…
Ngoài ra, “bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn các con vật, các loài cây,
các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người” [9,
tr.241]. Nhưng, đã là tác phẩm văn học thì không thể thiếu nhân vật. Bởi vì “đó là hình
thức cơ bản để miêu tả thế giới một cách hình tượng” [62, tr.115], “là sự thể hiện quan
niệm nghệ thuật của nhà văn về con người, nó có thể được xây dựng dựa trên cơ sở
quan niệm ấy” [9, tr.242]. Nói cách khác, mỗi một nhân vật không chỉ cung cấp cho ta
một điểm nhìn để khám phá đời sống, khám phá chiều sâu bí ẩn của con người, mà còn
thể hiện tư tưởng, quan niệm, cách nhìn của chính nhà văn.

Nói tóm lại, là con người được miêu tả trong tác phẩm, nhân vật là một phương
tiện nghệ thuật để nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống và con người, thể hiện tư
tưởng, tình cảm, quan điểm của chính nhà văn về hiện thực ấy, con người ấy.
Khi người cầm bút là nhà văn với tư cách là nạn nhân tự thuật câu chuyện đầy
ám ảnh của mình, hay vì nỗi đau của đồng loại mà lên tiếng chia sẻ, thì tất cả đều thể
hiện qua các nhân vật. Nhân vật là phương tiện để tác giả nói lên tiếng nói bên trong
của mình về thế giới, về những gì đang giễu ra trước mắt, về những trải nghiệm có thể
đầy đau đớn và day dứt tưởng như đã chìm khuất trong tiềm thức. Có thể nói, nhân vật
bị nỗi đau vượt ngưỡng như là biểu hiện của văn học chấn thương. Trong các tác phẩm
có nhân vật chấn thương, điểm nhìn chủ yếu được nhìn từ phía nhân vật chấn thương.
Nhân vật chấn thương được sử dụng như một lăng kính để nhìn ra thế giới.
1.1.4. Việc nghiên cứu văn học chấn thương ở Việt Nam
Xã hội Việt Nam tuy may mắn không phải trải qua những sự kiện kinh hoàng


16

kiểu như hiện tương Holocoust với người Do Thái hay Cách mạng văn hóa với người
Trung Quốc, nhưng cũng không hiếm những sự kiện biến động. Do đó, dấu vết văn
học chấn thương cũng xuất hiện không ít trong văn học nước nhà. Việc nghiên cứu văn
học chấn thương đã bắt đầu được chú ý trong những năm gần đây, và cách hiểu về văn
học chấn thương cũng được tiếp nhận từ hai nguồn: lí thuyết phê bình văn học của
phương Tây và trào lưu văn học vết thương của Trung Quốc.
Theo hướng tiếp cận văn học chấn thương như một trào lưu văn học, đáng kể
nhất là luận văn Đặc trưng mỹ học của bộ phận văn học “vết thương” trong văn
xuôi Việt Nam thời kì đổi mới (Qua sự so sánh với văn học Trung Quốc) của Lê Văn
Hiệp năm 2012.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu văn học chấn thương ở Việt Nam hiện nay chủ yếu
vẫn theo hướng tiếp cận phê bình của văn học phương Tây. Trước hết, phải kể đến nỗ
lực giới thiệu lí thuyết văn học chấn thương của một số nhà nghiên cứu. Năm 2010,

Hải Ngọc giới thiệu bản dịch Chấn thương, tự sự và hai hình thức của cái chết của
Amos Golbberg. Năm 2012 và 2013, Hải Ngọc lần lượt giới thiệu hai bản dịch khác về
văn học chấn thương của Cathy Caruth là Vết thương và giọng nói và Kinh nghiệm
không được khẳng định: chấn thương và những khả năng của lịch sử. So với di
sản nghiên cứu lí thuyết văn học chấn thương mấy chục năm qua, những bản dịch này
của Hải Ngọc có số lượng còn rất khiêm tốn, nhưng đã mở ra một hướng nghiên cứu
phê bình ở Việt Nam – hướng nghiên cứu văn học chấn thương. Cũng nhằm giới thiệu
lí thuyết chấn thương, nhưng Hoàng Phong Tuấn lại đi theo hướng diễn giải. Năm
2011, với bài viết Văn học vết thương: Những nỗi đau thức tỉnh, Hoàng Phong
Tuấn đã giới thiệu các tác phẩm và diễn giải một cách ngắn gọn những khái niệm quan
trọng về văn học chấn thương của Cathy Caruth.
Lí thuyết văn học chấn thương cũng đã được một số người ứng dụng vào nghiên
cứu phê bình với mức độ khác nhau. Nguyễn Thành Thi là người đầu tiên đi theo
hướng này với bài viết Tiếng nói của "cái tôi bị chấn thương" và tính khả dụng
của yếu tố nhật kí, trinh thám trong tiểu thuyết (Trường hợp tiểu thuyết Những
ngã tư và cột đèn của Trần Dần) năm 2011. Tiếp theo đó là Trần Phượng Linh (2012)
với Nhân vật chấn thương trong một số tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu giai đoạn


17

1986-1995, Lê Thanh Nga (2013) với Chấn thương trong truyện của Nguyễn Huy
Thiệp, Lê Tú Anh (2015) với Từ trường hợp Đoàn Minh Phượng, nghĩ về văn học
chấn thương ở Việt Nam và quan điểm nghiên cứu, Phùng Bích Hạnh (2015) với
Diễn ngôn phố trong tiểu thuyết Trần Dần… Trong đó, bài viết của Lê Tú Anh tuy
có một số nhận định còn cần bàn bạc trao đổi thêm, nhưng cách đặt vấn đề về ý nghĩa
nghiên cứu văn học chấn thương ở Việt Nam của tác giả đáng được chú ý: “…việc
thức tỉnh nhận thức về văn học chấn thương là rất cần. Nghiên cứu thận trọng, thấu
đáo về văn học chấn thương không chỉ giúp cho việc lí giải thấu đáo nhiều vấn đề liên
quan đến lịch sử sinh thành, phát triển của thể loại tự sự văn xuôi hiện đại, nhất là

tiểu thuyết và các thể tự sự tự thuật; mà quan trọng hơn là giúp lí giải nhiều vấn đề
lịch sử tâm hồn – lịch sử hình thành chấn thương. Công việc ấy có thể giúp ích ít nhiều
cho việc khắc phục/giảm thiểu những chấn thương tinh thần thậm chí cho nhân loại
trong tương lai” [83].
Không chỉ ở góc độ nghiên cứu phê bình, mà văn học chấn thương còn được đặt
ra với cả người sáng tác. Năm 2010, Trần Xuân An trong bài viết Văn học về các vết
thương chiến tranh, hậu chiến cho rằng: cần có nhiều hơn những sáng tác viết về vết
thương chiến tranh và cả thời hậu chiến trên một tinh thần cởi mở. Cần có nhiều tác
phẩm trả lời các câu hỏi “Tại sao dân tộc ta phải trải qua cuộc chiến tranh chống xâm
lược suốt 117 năm (1858-1975) hay 131 năm (1858-1989)? Tại sao có phong trào Văn
thân, Bình Tây sát tả? Tại sao có chiến tranh lạnh giữa hai khối? Tại sao có cải cách
ruộng đất? Tại sao có “vết thương” Bến Hải, vĩ tuyến 17? Tại sao có phong trào
chống tả đạo Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu? Tại sao có vấn đề Hoàng Sa rồi sau
đó là Trường Sa? Tại sao có cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh sau ngày
Thống nhất? Tại sao có Đổi mới” [82]? Bởi vì, theo tác giả, “dẫu có những sai lầm
lớn, rất đỗi nghiêm trọng đi nữa, thì sự thật kháng chiến chống Pháp, chống Nhật,
kháng chiến chống Mỹ và chống bành trướng Bắc Kinh – Kh’Mer Đỏ thắng lợi đã là
một chuỗi sự thật lịch sử hào hùng, vĩ đại không ai có thể phủ nhận được. Sự thật còn
là công cuộc cả dân tộc ta đã và đang chống lại sự xâm lược của Trung Quốc đối với
hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay” [82]. Việc viết một cách sâu sắc, chân
thực những vết thương ấy theo Trần Xuân An cũng có nghĩa là nó góp phần “chữa


18

lành những vết thương chiến tranh, hậu chiến, hoà giải và đoàn kết dân tộc” [82].
Như vậy, lí thuyết phê bình chấn thương chỉ mới xuất hiện trên thế giới chưa đầy
ba mươi năm nay, và cũng chỉ mới bước đầu được giới thiệu nghiên cứu ở Việt Nam
sáu bảy năm trở lại đây, nhưng thực sự nó đang mở ra một hướng đi đầy triển vọng.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu: “Phê

bình chấn thương rõ ràng là một khuynh hướng lý thuyết có thể phát triển mạnh trên
mảnh đất văn học Việt Nam, một nền văn học không chỉ đang phải chịu đựng những
chấn thương từ quá khứ đang di căn, tạo nên những nhức nhối, bất ổn của chính hiện
tại mà còn bởi một đời sống đương đại bất trắc đầy những nguy cơ tổn thương” [87].
1.2. Con người bị chấn thương và bóng dáng nhân vật chấn thương trong văn học
Việt Nam
1.2.1. Con người chấn thương/bị chấn thương trong đời sống cá nhân và
cộng đồng
Trong đời sống mỗi cá nhân, có nhiều sự kiện có thể gây ra những sang chấn
tâm lí. Như nạn nhân của bạo hành gia đình, nạn nhân trong các vụ hiếp dâm, bắt cóc,
khủng bố, tai nạn giao thông, nạn nhân của chiến tranh, thiên tai… Cũng có nhiều
trường hợp bị sang chấn gián tiếp. Ví dụ khi việc thường xuyên phải chứng kiến cảnh
mẹ bị bố bạo hành, bé gái lớn lên có xu hướng hoặc nhẫn nhục như mẹ, hoặc né tránh
hôn nhân, còn bé trai lại có xu hướng hung bạo như bố.
Cuộc sống đương đại nảy sinh nhiều tác nhân gây chấn thương, bên cạnh những
tác nhân mang tính chất truyền thống. Trong tập phiếm luận Chấn thương thời hiện
đại, Vương Trí Nhàn đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân của xã hội hiện đại có thể gây
nên chấn thương của con người như: tiếng ồn, những dục vọng cá nhân, sự tham lam
hay thái độ vô cảm đã trở nên phổ biến của những người xung quanh, dư âm của một
“thời xa vắng”, đói nghèo bám riết, tâm lí ô-sin, hội nhập mà thiếu bản sắc/bản lĩnh,
lối sống “hồn Trương Ba da hàng thịt”… Nghĩa là con người hiện đại phải đối mặt với
vô số những nguy cơ có thể gây chấn thương. Những điều đó vẫn diễn ra hằng ngày,
quen đến mức mà ta không nghĩ rằng nó đang tác động không nhỏ đến đời sống tâm lí
của mỗi người, gây bất ổn trong đời sống tâm lí của con người hiện đại.


19

Mức độ tổn thương tâm lí ở mỗi người khác nhau, có người chỉ ảnh hưởng trong
vài phút, có người mất mấy ngày, nhưng cũng có người ám ảnh lâu dài, làm đảo lộn

cuộc sống, di hại mãi trong đời sống cá nhân của họ. Nó liên tục dày vò khiến cho
người đó khó trở lại cuộc sống bình thường. Điều đó liên quan đến sức khỏe thể chất
và tâm lý, cũng như mức độ hỗ trợ xã hội, trải nghiệm trong quá khứ và kỹ năng ứng
phó của từng cá nhân khác nhau.
Bên cạnh những nguyên nhân gây chấn thương mang tính chất riêng tư trong đời
sống cá nhân nói trên, còn có những chấn thương liên quan đến đời sống cộng đồng.
Lịch sử nhân loại đã chứng kiến những sự kiện chấn thương mang tính cộng đồng như
hiện tượng buôn bán nô lệ, hiện tượng những nạn nhân Do Thái bị Đức Quốc xã sát
hại trong thế chiến thứ II, Cách mạng văn hóa, hay sự kiện Thiên An Môn ở Trung
Quốc… Những chấn thương kiểu này thường di căn qua nhiều thế hệ và việc xoa dịu
những vết thương đó đòi hỏi rất nhiều thời gian, lòng khoan dung, sự thiện chí khi
nhìn vào sự thật của cả cộng đồng. Nhiều sự kiện trong lịch sử trải qua nhiều thế hệ
vẫn như một bóng ma không ngừng tra vấn con người trong hiện tại, nó thậm chí có ý
nghĩa trong việc xác lập căn tính cho một cộng đồng. Đánh giá tác động của cuộc nội
chiến 1861–1865 đối với lịch sử nước Mĩ, giáo sư sử học Drew Gilpin Faust, hiệu
trưởng đại học Harvard, cho rằng: cuộc nội chiến ấy “giữ vị trí cốt lõi trong căn tính
quốc gia. Sự tàn bạo và ý nghĩa sống còn của cuộc Nội chiến khiến nó, cho đến tận
ngày hôm nay, vẫn choán một mảng lớn trong tâm thức dân tộc. Rất nhiều tranh luận
quan trọng về cuộc chiến – về công lý, bình đẳng, dân quyền, dân chủ và trung tâm
quyền lực quốc gia – tiếp tục định hình các chính sách của nước Mỹ cả một thế kỷ rưỡi
sau khi chiến tranh kết thúc. Và chúng tôi vẫn tiếp tục tự vấn một cách nhọc nhằn về ý
nghĩa của cuộc chiến đối với tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại cho đến tận
bây giờ” [89].
Xã hội Việt Nam dù may mắn không phải trải qua những sự kiện kinh thiên động
địa như sự kiện Holocaust, sự kiện Hiroshima và Nagasaki, sự kiện Thiên An Môn…
Song, nếu chỉ tính trong vòng một thế kỉ qua cũng thấy có rất nhiều những sự kiện gây
tổn thương cho đời sống cộng đồng như: chiến tranh, trận đói kinh hoàng năm Ất Dậu,
cải cách ruộng đất, Văn nhân Giai phẩm, cải cách công thương nghiệp… Những vết



×