Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và những vấn đề đặt ra

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (234.43 KB, 12 trang )

Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và những vấn đề đặt ra
Võ Hải Thanh
Có thể nói nền kinh tế Hàn Quốc là một trong những kỳ tích kinh tế của thế giới
trong vài thập kỷ qua, phát triển nhanh và vững chắc. Đến năm 2010, Hàn Quốc đã có GDP
lớn thứ 12 thế giới, và xếp thứ 10 trong số các quốc gia tiêu thụ và sản xuất điện, thứ 10
trong nhập khẩu khí đốt, thứ 9 trong tiêu thụ dầu mỏ, và thứ 4 về nhập khẩu dầu mỏ. Hàn
Quốc đã có vị trí trên trường quốc tế trong nhiều ngành công nghiệp như thép, ô tô, điện tử,
đóng tầu,…mức sống của người dân ngày một gia tăng. Giống như Nhật Bản, phần lớn nhu
cầu năng lượng của Hàn Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu, Hàn Quốc cũng đã chấp nhận điện
hạt nhân như là một nguồn cung năng lượng quan trọng.
Nỗ lực đa dạng hóa các nguồn năng lượng sẽ đòi hỏi một sự chuyển đổi căn bản cơ
cấu tiêu dùng của Hàn Quốc. Năm 2008, dầu mỏ chiếm gần 50% tiêu dùng toàn bộ của quốc
gia này, năng lượng hạt nhân chiếm gần 30%, than 7%, gas tự nhiên 12%, và năng lượng tái
tạo chiếm khoảng 2%. Với 57% các nguồn lực này được dùng vào công nghiệp nặng, thì
một sự chuyển dịch từ khu vực dùng nhiều năng lượng sang khu vực các bon thấp sẽ là thực
sự cần thiết. Tuy nhiên, vì Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới về đóng tầu và sản xuất
thép và ô tô, và công nghiệp nặng chiếm 30% GDP, nên để đạt các mục tiêu cắt giảm này là
điều không dễ dàng.
Thập niên gần đây chúng ta đã chứng kiến một số chuyển đổi trong ngành năng
lượng của Hàn Quốc, bao gồm cả dịch chuyển theo hướng tái cơ cấu từng phần của ngành
điện, đầu tư mở rộng tại các quốc gia sản xuất dầu và khí, và hướng tới xuất khẩu công nghệ
hạt nhân. Những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai thực hiện chiến lược tăng
trưởng xanh hay nền kinh tế xanh, cùng với các chính sách liên quan đến việc giảm phát khí
thải gây hiệu ứng nhà kính. Mặc dù chiến lược tăng trưởng xanh đã được chính phủ Hàn
Quốc thông qua vào tháng 8/2008 và đang trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch 5
năm (2009-2013), nhưng hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề tranh cãi đặt ra rằng liệu chiến lược
này có đem lại hiệu quả thực tế như mong đợi hay không, hay nó thực chất không có gì mới
ngoài việc gắn cho mình một cái mác “tăng trưởng xanh” mà không phải xanh thực sự theo
đúng định nghĩa, khái niệm và ý nghĩa truyền thống của nó cũng như theo định nghĩa của
các tổ chức môi trường quốc tế hiện nay.
1. Bối cảnh và những nhân tố thúc đẩy chính sách tăng trưởng xanh ở Hàn


Quốc
1.1. Bối cảnh lịch sử
Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, Hàn Quốc đã theo đuổi nỗ lực
tái thiết sau chiến tranh tập trung vào công nghiệp hóa, đô thị hóa, và tăng trưởng kinh tế
định hướng xuất khẩu. Trong khoảng thời gian tương đối ngắn, nước này đã trải qua nhiều
thay đổi kinh tế sâu sắc. Từ một đất nước phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài, bị chiến tranh
tàn phá, Hàn Quốc đã chuyển mình thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới với thu nhập
bình quân đầu người (GDP) hàng năm tăng từ 100 USD năm 1960, lên 1.674 USD năm
1980, 10.884 USD năm 2000, và 27.560 USD năm 2010.
Tuy nhiên, những ngành công nghiệp trụ cột tăng trưởng theo mô hình mà đã giúp
Hàn Quốc nổi lên ngoạn mục từ nghèo đói cũng đồng thời kéo theo những chi phí khổng lồ
về môi trường. Chất thải đổ ra sông Hàn chảy qua Seoul đã tăng lên gấp đôi và tràn ngập
các chất thải công nghiệp quy mô lớn không được kiểm soát. Tình hình chất thải ở các con
sông lớn khác như Nakdong, Yeongsan, và Geum cũng không khá hơn. Trên thực tế, chất
lượng nước bị xâm hại trong thời kỳ công nghiệp hóa cường độ cao đã làm cho các con
sông này không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu về nước sinh hoạt cho các khu vực đô
thị lân cận. Mãi cho đến cuối thập niên 1980, trước khi đăng cai Thế vận hội vào năm 1988,
1


chính phủ Hàn Quốc mới bắt đầu thực hiện một cách nghiêm túc kế hoạch phục hồi sức
khỏe cho các con sông chính.
Với sự gia tăng đáng kể trong tiêu thụ năng lượng phục vụ cho phát triển các ngành
công nghiệp, ô nhiễm không khí ở Seoul cũng đạt mức kỷ lục. Giai đoạn 1966-1975, tiêu
thụ dầu mỏ tăng từ khoảng 15.000 thùng lên 105.000 thùng mỗi ngày. Trong cùng thời gian
đó, tiêu thụ than tăng gần gấp đôi từ 10 triệu tấn lên 20 triệu tấn mỗi năm.
Việc sử dụng ngày càng tăng các loại xe có động cơ cũng đã thải ra đáng kể lượng khí nitơ,
điôxit lưu huỳnh, dioxide carbon ở cấp độ gây ô nhiễm không khí và ngày càng tăng lên kể
từ đó (xem hình dưới). Nỗ lực phát triển nhanh chóng sau chiến tranh trong tình hình tài
nguyên khan hiếm, mật độ dân cư đông đúc, diện tích địa lý nhỏ bé, đã đặt một áp lực rất

lớn lên vấn đề hệ sinh thái của Hàn Quốc, đó cũng là cái giá phải trả cho một quốc gia nổi
lên như một nền kinh tế con hổ hàng đầu châu Á.
Khí thải Dioxide Carbon ở Hàn Quốc và các
nước OECD giai đoạn 1960-2007
(Tấn/đầu người)

Nguồn: Chỉ số Phát triển Thế giới, Tài chính Phát triển
Thế giới, WB, Washington D.C., nhiều năm

Trong thời kỳ cai trị độc tài thập niên 1960 và 1970, chính phủ Hàn Quốc theo đuổi
hiện đại hóa nhanh chóng và ít chú trọng tới vấn đề môi trường. Các nhóm bảo vệ môi
trường mới nổi đã bị đàn áp mạnh mẽ và bị xem như là nhóm chống chính phủ. Để bảo vệ
hình ảnh của mình và theo đuổi tăng trưởng, các chính phủ độc tài vẫn tiếp tục bằng mọi
cách để làm sao giảm thiểu các thảm họa môi trường liên quan đến phát triển. Tổng thống
Park Chung-hee với tư tưởng nhà nước phát triển đã từng phát biểu rằng: "Màu đen, khói
đen bốc lên từ các nhà máy hứa hẹn rằng đất nước chúng ta sẽ phát triển thịnh vượng".
Tuy nhiên, vì công nghiệp hóa ngày càng cao và tác động môi trường ngày càng
tăng, nên các nhóm dân sự bắt đầu tỏ ra lo ngại về sự suy giảm môi trường, sinh thái, và các
điều kiện liên quan đến sức khỏe cộng đồng đi kèm với các dự án phát triển qui mô lớn. Nổi
lên cùng với các nhóm phong trào xã hội khác trong thời kỳ dân chủ cuối những năm 1980
và 1990, các nhà môi trường bắt đầu kêu gọi bảo vệ môi trường ở mức cao hơn, bao gồm
các quy định về chất thải công nghiệp độc hại và ô nhiễm không khí. Các dự án xây dựng đã
gặp phải những thách thức, và các cuộc biểu tình quần chúng cuối cùng cũng bước đầu buộc
chính phủ phải có hành động ý thức môi trường hơn. Trong năm 1990, hơn 20 nghìn công
dân đã phản đối thành công kế hoạch xây dựng một cơ sở xử lý chất thải hạt nhân của chính
phủ trên đảo Anmyeon-do, một hòn đảo gần bờ biển phía tây của bán đảo.
Với những quan tâm về vấn đề môi trường ngày càng trở thành một phần của ý thức
công chúng, trong những năm 1980 và 1990, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu ban hành các
luật mới trong nước về môi trường và tăng cường thực thi các luật hiện hành. Chính phủ
Hàn Quốc cũng đồng thời tham gia các điều ước quốc tế về môi trường, chẳng hạn như

Công ước Vienna về bảo hộ tầng ôzôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm
tầng ôzôn, và Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

2


Dù sao thì chiến lược tăng trưởng xanh của Tổng thống Lee Myung-bak hiện nay
cũng cho thấy đây là lần đầu tiên một chính quyền Hàn Quốc đã quan tâm tới sự liên kết
chính sách tăng trưởng kinh tế trong nước với vấn đề môi trường. Phương pháp tiếp cận của
ông dựa trên tiền đề quan trọng đó là, cắt giảm thực sự chất thải khí gây hiệu ứng nhà kính
mà không làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trên thực tế, chiến lược này đề
xuất đầu tư phát triển nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo nhằm tạo ra công ăn việc
làm và thúc đẩy nền kinh tế đồng thời đưa đất nước tới gần hơn với một tương lai an ninh
năng lượng.
1.2. Những nhân tố thúc đẩy sự ra đời của chính sách tăng trưởng xanh ở Hàn
Quốc
Sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu diễn ra gần đây được coi là mối hiểm họa
đe dọa sự tồn tại của đời sống con người đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của
cộng đồng thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng trong việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch kể
từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã làm gia tăng
liên tục nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất. Trong 100 năm qua, nhiệt độ trung bình bề mặt
của trái đất đã tăng khoảng 0,74°C. Giai đoạn công nghiệp hóa nhanh chóng của Hàn Quốc
đã làm nhiệt độ trung bình của 6 thành phố lớn nhất của quốc gia này tăng khoảng 1,7°C,
vượt xa sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Trong 40 năm qua, mực nước biển xung
quanh Hàn Quốc đã tăng 22cm, gấp ba lần so với mực nước biển tăng trung bình toàn cầu.
Do đó, Hàn Quốc phải có nghĩa vụ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phải tăng cường
bổ sung đầu tư để giảm bớt thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu. Ngoài ra, lượng khí thải
carbon của nước này đã tăng lên đáng kể trong thời gian 15 năm làm cho Hàn Quốc trở
thành một trong số quốc gia có lượng khí thải carbon tăng nhanh nhất thế giới.
Trong khi đó, dự trữ nhiên liệu hóa thạch, một nguồn năng lượng lớn như than đá và

dầu khí đang trên bờ vực bị cạn kiệt với tốc độ đáng kinh ngạc do sự gia tăng nhu cầu năng
lượng của thế giới. Sự tăng vọt của giá dầu đã giáng một đòn chí tử cho nền kinh tế thế giới
trong năm 2007 và 2008, càng làm tăng ý nghĩa của cuộc khủng hoảng mà cả thế giới đang
đối mặt. Cơ cấu nguồn năng lượng than thống trị hiện nay trong tiêu thụ năng lượng sẽ chắc
chắn làm tăng tốc độ cạn kiệt nguồn tài nguyên không thể tái tạo và đặt ra một vấn đề cơ
cấu nghiêm trọng, ví dụ như vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng cao và sự nguy hại của
nó.
Hàn Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ 4 thế giới về dầu mỏ và nhập khẩu lớn thứ 2 về
khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhìn chung, Hàn Quốc nhập khẩu 97% tổng nhu cầu năng
lượng quốc gia. Với nguồn năng lượng tự cung tự cấp tương đối thấp của mình, Hàn Quốc
đặc biệt dễ bị tổn thương với những biến động giá năng lượng và nguồn cung cấp. Trong
năm 2008, khi giá dầu đạt gần 150 USD một thùng, Hàn Quốc đã phải dành 140 tỷ USD cho
nhập khẩu năng lượng. Nó chiếm hơn một phần ba của 400 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu,
điều này là rất đáng lưu tâm đối với Hàn Quốc để tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng
thay thế.
Công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng ở Hàn Quốc đã dẫn đến một thách thức
đáng kể cho việc bảo đảm tính bền vững của các nguồn tài nguyên môi trường. Cần giảm
bớt áp lực hiện nay lên môi trường bằng cách xác định lại chiến lược tăng trưởng theo
những cách tích hợp các mục tiêu kinh tế và môi trường tốt hơn.
Trong bối cảnh này, sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu đã tác động tiêu cực
lên nền kinh tế thực, nhiều nước đã phải đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng. Khi
suy thoái ở các nước phát triển vẫn còn, khối kinh tế khu vực mới nổi, bao gồm Trung
Quốc, phải đối mặt với những khó khăn trầm trọng hơn. Trong tình hình này, nhiều nước
trên thế giới bắt đầu tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới với ít khí thải các-bon nhằm
giải quyết các vấn đề môi trường và tài nguyên quan trọng và tìm kiếm động cơ tăng trưởng
mới trong tương lai.

3



Kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á
1997-1998 dưới sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhanh chóng vượt qua cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vì vậy chính phủ có nhận thức rõ rệt về sự cần
thiết để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và suy thoái
kinh tế cùng một lúc, thực hiện tốt nhất các vấn đề biến đổi khí hậu và các vấn đề năng
lượng như một cơ hội phát triển mới chứ không phải là những yếu tố kìm hãm tăng trưởng
kinh tế.
Chính phủ Hàn Quốc đã thể hiện tầm nhìn của mình với cam kết rằng Hàn Quốc sẽ
trở thành quyền lực kinh tế xanh lớn hàng thứ 7 của thế giới vào năm 2020 và lớn hàng thứ
5 vào năm 2050. Ngoài ra, quốc gia này đã xây dựng ba chiến lược thực hiện các-bon thấp,
chính sách tăng trưởng xanh để đạt được tầm nhìn quốc gia, đó là: "thích ứng với biến đổi
khí hậu và năng lượng tự chủ", "tạo ra động lực tăng trưởng mới", và "cải thiện cuộc sống
của người dân, nâng cao uy tín quốc gia ".
Là một phần của những nỗ lực theo đuổi chiến lược carbon thấp, xã hội thân thiện
môi trường, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành và thực thi Nghị định "Nghị định chính phủ
về việc Thành lập và hoạt động của Ủy ban Tổng thống về tăng trưởng xanh", thành lập Uỷ
ban Tổng thống về tăng trưởng xanh vào ngày 5/1/2010, củng cố cơ sở pháp lý và thể chế
một cách hiệu quả và có hệ thống. Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành và thực thi "Luật
khung về Carbon thấp, tăng trưởng xanh" vào ngày 13/01/2010, và Đạo luật này có hiệu lực
từ ngày 14/4/2010.
Vào ngày 15/8/2008, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nước, Tổng thống Lee
Myung-Bak đã công bố chiến lược "tăng trưởng xanh, ít carbon" như một tầm nhìn mới cho
chiến lược phát triển dài hạn của quốc gia. Sáu tháng sau, vào tháng 1/2009, Chính phủ Hàn
Quốc phải ứng phó với cuộc suy thoái sâu hơn bằng một gói kích thích kinh tế tương đương
với 38,1tỷ USD, trong đó 80% (tỷ lệ cao nhất trong số các gói kích thích tương đương của
các chính phủ G-20 khác) được phân bổ cho các chủ đề môi trường như: nguồn nước, chất
thải, các tòa nhà hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, xe carbon thấp, và mạng lưới
đường sắt.
Gần đây hơn, vào ngày 6/7/2009, Hàn Quốc đã công bố "Kế hoạch 5 năm tăng
trưởng xanh", đóng vai trò như là một kế hoạch trung hạn cho việc thực hiện chiến lược

tăng trưởng xanh của quốc gia. Với tổng kinh phí là 83 tỷ USD (chiếm 2% GDP), kế hoạch
5 năm này nhằm đưa ý đồ chiến lược vào các sáng kiến chính sách cụ thể và mục tiêu hướng
tới đạt được "tăng trưởng xanh" trong giai đoạn 2009-2013.
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu vào nửa cuối năm
2008 đã làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc xuống dưới 4% trong quý IV năm
2008. Đây là một mức suy giảm đáng kể khi so sánh với tỷ lệ tăng trưởng trung bình từ 7%
đến 8% trong mười năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng giảm đáng kể đã ảnh hưởng đến thị
trường lao động Hàn Quốc, làm gia tăng số lượng thất nghiệp lên 757.000 người.
Chính phủ Hàn Quốc đã ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế bằng
việc đưa ra một gói kích thích kinh tế vào ngày 6/1/2009 với tên gọi tiếng Anh là "Green
New Deal". Gói kích cầu bao gồm một sự kết hợp của chính sách tài chính, chính sách ngân
sách và chính sách thuế nhằm tạo công ăn việc làm và phục hồi hoạt động kinh tế.
Gói kích thích kinh tế của Hàn Quốc với tổng số tiền 38,1 tỷ USD được thực hiện
trong giai đoạn 2009-2012. Hàn Quốc phân bổ 30,7 tỷ USD của gói kích cầu cho lĩnh vực
môi trường, bao gồm 1,80 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, 6,19 tỷ USD cho các tòa nhà tiết
kiệm năng lượng, 1,80 tỷ USD cho xe carbon thấp, 7,01 tỷ USD cho đường sắt, và 13,89 tỷ
USD cho nguồn nước và quản lý chất thải. Gói kích thích xanh này của Hàn Quốc chiếm
hơn 80% tổng gói kích thích của nó. Trong một báo cáo của HSBC, Hàn Quốc đã đạt được
hiệu quả nhất trong việc chi tiêu thực tế gói kích thích xanh của nó, với gần 20% kinh phí
giải ngân vào cuối quí 2 năm 2009, so với chỉ có 3% cho toàn quốc.

4


Sự khan hiếm nước sạch từ lâu vẫn là một thách thức quan trọng phải đối mặt ở Hàn
Quốc. Với sự nóng lên toàn cầu có khả năng tiếp tục, mức độ lũ lụt và hạn hán được dự báo
sẽ xấu đi. Việc đầu tư lớn (13 tỷ USD, tương đương hoặc bằng 1/3 các gói kích thích tài
chính) vào dự án phục hồi "bốn con sông" trong số năm mục tiêu chính của nó, để đảm bảo
đủ nguồn nước, thực hiện các biện pháp kiểm soát lũ lụt toàn diện, và cải thiện chất lượng
nước cùng với khôi phục lại hệ sinh thái lưu vực sông.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách cắt giảm thuế thu nhập và
thuế doanh nghiệp. Thuế thu nhập được giảm 2%. Ngưỡng của các khoản khấu trừ thuế đã
được nâng lên từ 1 triệu đến 1,5 triệu won. Thuế doanh nghiệp cũng được giảm từ 25%
xuống 22% trong năm 2009 và xuống 20% trong năm 2010 cho các công ty lớn, và từ 13%
xuống 11% trong năm 2009 và xuống 10% trong năm 2010 cho các doanh nghiệp vừa và
nhỏ (SMEs)
Trong chiến lược của Hàn Quốc hiện nay, tỷ lệ năng lượng mới và năng lượng tái
tạo trong tổng năng lượng sử dụng dự kiến tăng từ 2,7% (2009) lên 3,78% (2013), và tăng
hơn gấp đôi lên 6,08% (2020).
Một phần, như là kết quả của các biện pháp này, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia
thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đăng ký tăng trưởng
dương trong quý I năm 2009 so với quý liền trước đó. Gói kích thích xanh Green New Deal
của Hàn Quốc đại diện cho một chính sách tạo công ăn việc làm và khôi phục nền kinh tế.
Trong ngắn hạn, nó nhằm mục đích để đối phó với suy thoái kinh tế, và trong trung và dài
hạn, để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Gói kích thích xanh này sẽ hoạt động đến hết năm 2012,
trong khi các chiến lược dài hạn sẽ tiếp tục được theo đuổi thông qua kế hoạch tăng trưởng
xanh 5 năm (5 năm đầu tiên là giai đoạn từ 2009 đến 2013).
Bằng cách mở rộng chương trình “Green New Deal” lồng ghép vào một kế hoạch
phát triển 5 năm, Hàn Quốc đã chứng tỏ và tin tưởng rằng tăng trưởng xanh là một chiến
lược vượt ra ngoài những nỗ lực phục hồi kinh tế hiện nay, và rằng họ muốn tạo ra một
tương lai kinh tế xanh cho đất nước.
Hàn Quốc đã cam kết dịch chuyển thoát khỏi truyền thống "nền kinh tế nâu", một
mô hình tăng trưởng với bất kể giá nào, sang mô hình "kinh tế xanh" nơi thịnh vượng lâu
dài và bền vững là mục tiêu chính. Cam kết này của Hàn Quốc có thể tạo ra một hiệu ứng
tích cực lan truyền tới các nền kinh tế châu Á chủ chốt khác.
2. Những vấn đề đặt ra trong chính sách trưởng xanh của Hàn Quốc hiện nay
2.1. Những kỳ vọng đặt ra của chính sách tăng trưởng xanh
Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc đại diện cho bước đi đáng khích lệ xét
về mặt chính sách, cải cách pháp lý và tài chính cần thiết để đạt được một nền kinh tế xanh.
Bắt đầu với tín hiệu chính sách kiểm soát hiệu quả lượng khí thải carbon, chiến lược tăng

trưởng xanh đòi hỏi các biện pháp để làm sao sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả và
ngăn chặn tình trạng hủy hoại hệ sinh thái. Những biện pháp này dự kiến có thể sẽ mang lại
một loạt các lợi ích môi trường, góp phần giải quyết các thách thức môi trường quốc gia và
toàn cầu, đồng thời tăng cường chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người dân Hàn
Quốc. Giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, tài nguyên hiệu quả và
quản lý chất thải, cấp nước và chất lượng nước, kiểm soát lũ, và đổi mới công nghệ xanh sẽ
là một trong những kết quả có thể đo lường được.
Hai mục tiêu chính sách lớn của chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là nhằm
kích thích phục hồi kinh tế và tăng trưởng dài hạn bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực môi
trường và tạo ra việc làm.
2.1.1. Khuyến khích sản xuất
Bằng cách thức đầu tư này, Hàn Quốc hy vọng sẽ đưa ra một gói kích thích sản xuất
trị giá 182 đến 206 nghìn tỷ won (tương đương 141,7 tỷ USD đến 160,3 tỷ USD) trong giai
đoạn 2009-2013 với mức trung bình hàng năm là 36,3 đến 41,2 nghìn tỷ won. Khuyến khích
sản xuất tương ứng với 3,5 đến 4,0% GDP ước tính năm 2009. Khuyến khích giá trị gia tăng
5


ước tính tăng từ 75,0 lên 94,9 nghìn tỷ won (58,4 tỷ lên 73,9 tỷ USD) trong vòng 5 năm, với
mức trung bình hàng năm từ 15,0 đến 19,0 nghìn tỷ won (11,7 tỷ USD đến 14,8 tỷ USD).
Các ước tính này dựa trên hai kịch bản của Uỷ ban Tổng thống về tăng trưởng xanh, sử
dụng bảng đầu vào - đầu ra để tính toán lợi ích kinh tế vĩ mô kỳ vọng từ kế hoạch tăng
trưởng xanh 5 năm của quốc gia.
2.1.2. Tạo việc làm
Kế hoạch này dự kiến sẽ tạo ra công ăn việc làm trong các ngành công nghiệp xanh
từ 1,56 đến 1,81 triệu người trong 5 năm, với mức trung bình hàng năm từ 31.200 đến
36.000 việc làm. Trong thiết kế của 50 dự án thuộc kế hoạch 5 năm, chính phủ Hàn Quốc đã
xây dựng một chiến lược đầu tư tập trung ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng chủ chốt như
các dự án phục hồi 4 con sông lớn, mà dự kiến sẽ cung cấp cơ hội việc làm cho người lao
động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Kế hoạch

đầu tư sẽ hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao (27 công nghệ cốt lõi), các lĩnh vực cung
cấp các công cụ tăng trưởng trong tương lai cho đất nước, sử dụng lực lượng lao động có
trình độ cao.
Ước tính các tác động kinh tế của Kế hoạch 5 năm tăng trưởng xanh của Hàn Quốc
Tiêu chí/thời
gian

2009-2013
Trung bình hàng
năm (%)
Tỷ lệ trung bình
hàng năm so với
GDP (%)**

Khuyến khích sản xuất
(Tỷ USD)

Lợi ích kinh tế
Khuyến khích giá trị gia
tăng (Tỷ USD)

Tạo việc làm (nghìn
người)

Kịch bản 1

Kịch bản 2

Kịch bản 1


Kịch bản 2

Kịch bản 1

Kịch bản 2

141,4

160,3

58,4

73,9

1.561

1.805

28,3

32,1

11,7

14,8

31,2

36,1


3,5*

4,0*

1,5*

1,8*

34,4**

39,8**

Ghi chú: * Ước tính 2009 GDP = 1.029,5 nghìn tỷ won (801tỷ USD)
** Số thất nghiệp trong quí I/2009 (908 nghìn người)

2.1.3. Tăng trưởng các bon thấp và cải thiện môi trường
Lượng khí thải carbon của Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong 15 năm từ 1990 đến
2005, làm cho nó trở thành quốc gia có lượng khí thải phát triển nhanh nhất trong OECD.
Theo một kịch bản kinh doanh thông thường, lượng khí thải carbon của Hàn Quốc ước tính
tăng 30% vào năm 2020. Bản Đánh giá Môi trường của Hàn Quốc OECD 2006 nhấn mạnh,
Hàn Quốc có lượng khí thải dioxide carbon (CO2) cũng như sử dụng năng lượng, thuốc trừ
sâu và phân bón thuộc hàng những nước cao nhất trong OECD tính theo GDP hoặc theo lĩnh
vực.
Tại hội nghị thượng đỉnh G-8 mở rộng tổ chức tại Toyako, Nhật Bản vào tháng 7
năm 2008, Tổng thống Lee Myung-bak cho rằng Hàn Quốc cần thông báo giữa kỳ mục tiêu
giảm lượng khí thải trong năm 2009. Hàn Quốc công bố vào ngày 4/8/2009 rằng sẽ tự
nguyện giảm lượng khí thải carbon vào năm 2020, so với mức độ năm 2005, bằng cách sử
dụng một mục tiêu từ ba kịch bản đang được xem xét. Tùy thuộc vào kịch bản được thông
qua, lượng khí thải nhà kính Hàn Quốc sẽ tăng 8%, không thay đổi hoặc giảm 4% so với
mức của năm 2005. Uỷ ban Tổng thống về tăng trưởng xanh chỉ ra rằng theo các kịch bản

này, mức độ phát thải của Hàn Quốc sẽ giảm 21%, 27% và 30% so với tăng trưởng dự kiến
vào năm 2020.
Để thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh với tốc độ tăng trưởng các-bon
thấp cần có sự lựa chọn giữa tăng trưởng và lượng khí thải carbon. Điều này, đòi hỏi phải
giảm đáng kể cường độ carbon của tăng trưởng, nghĩa là phải giảm đơn vị lượng khí thải
carbon trên một đơn vị tăng trưởng kinh tế. Chiến lược tăng trưởng xanh bao gồm một số
biện pháp cụ thể và mục tiêu giảm phát khí thải trong các lĩnh vực thảo luận dưới đây.
6


a. Hiệu quả năng lượng và nhiên liệu
OECD Review năm 2006 lưu ý rằng "chính sách năng lượng và giao thông vận tải
của Hàn Quốc cần phải tích hợp tốt hơn các vấn đề môi trường. Hàn Quốc là một trong các
nước OECD không cải thiện hiệu suất năng lượng của nó so với năm 1990 (sử dụng năng
lượng trên một đơn vị GDP) ".
Là một trong 5 nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, Hàn Quốc giữ vai trò quan
trọng trong việc giúp đạt hiệu quả cao hơn trong ngành công nghiệp ô tô và giảm đáng kể
lượng khí thải từ lĩnh vực giao thông vận tải. Kế hoạch tăng trưởng xanh 5 năm (5YGGP)
đặt ra các tiêu chuẩn quy định về hiệu quả nhiên liệu và lượng khí thải nhà kính đối với các
ngành giao thông vận tải bằng cách yêu cầu tái thiết kế xe ô tô hoặc chạy 17km/lít hoặc cắt
giảm phát thải khí nhà kính xuống dưới 140gram cho mỗi km trong giai đoạn 2012 - 2015.
Hiệu quả nhiên liệu trung bình 11km/lít và phát thải 210gram trên mỗi km sẽ được nâng lên
15,1km/lít vào năm 2016. Những hiệu quả nhiên liệu và các quy định khí thải mới này sẽ
được áp dụng với 30% xe ô tô bán ra của các nhà sản xuất ô tô trong năm 2012, tăng lên
100% vào năm 2015. Các nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm định hướng ngành công
nghiệp xe hơi của mình vào công nghệ, chứ không phải là tăng chi phí và cạnh tranh.
Một khoản đầu tư 25,3 nghìn tỷ won (19,7 tỷ USD) vào các thành phố xanh và phát
triển đường sắt và các phương tiện vận tải lớn dự kiến sẽ tăng cường vai trò của các phương
tiện giao thông công cộng lên khoảng 55%. Vận chuyển hành khách bằng xe lửa dự kiến sẽ
tăng từ 19% trong năm 2009 lên 30% vào năm 2013. Sự phát triển của các công nghệ xanh

cũng dự kiến cắt giảm 130 triệu tấn khí thải dioxide carbon vào năm 2020.
Về hiệu quả năng lượng, Hàn Quốc có kế hoạch để nâng cao hiệu quả năng lượng từ
0,317 (TOE/ngàn đô la) trong năm 2009 lên 0,290 (TOE/ngàn đô la) vào năm 2013 và lên
0,233 (TOE/ngàn đô la) vào năm 2020. Những biện pháp này đại diện cho các bước quan
trọng trong sự chỉ đạo nâng cao hiệu quả năng lượng và nhiên liệu.
b. Năng lượng tái tạo
Nhìn chung, tỷ trọng năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung
cấp năng lượng dự kiến sẽ tăng từ 2,7% trong năm 2009 đến 3,78% vào năm 2013 và 6,08%
vào năm 2020. Tỷ trọng của Hàn Quốc trong thị trường toàn cầu về năng lượng mới và năng
lượng tái tạo sẽ tăng từ 2,8% trong năm 2009 đến 5,4% vào năm 2013. Theo kế hoạch tăng
trưởng xanh, năng lực tự chủ của Hàn Quốc về dầu và khí đốt sẽ tăng đến 20% vào năm
2013, từ mức năm 2009 là 7,4%.
Năng lượng hạt nhân sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong tổng cung năng lượng của
Hàn Quốc, tăng từ 24% nguồn cung năng lượng năm 2009, lên 27% vào năm 2013, và lên
32% vào năm 2020. Tuy nhiên có một số vấn đề môi trường và xã hội phát sinh liên quan
đến sự phát triển của năng lượng hạt nhân, bao gồm từ việc xử lý an toàn và lưu trữ chất thải
hạt nhân đến vấn đề an toàn xã hội nói chung.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng chất thải. Hàn
Quốc có kế hoạch thiết lập tổng cộng của 48 cơ sở môi trường để tạo ra năng lượng từ 3,86
triệu tấn chất thải vào năm 2013. 17 cơ sở khác sẽ được thiết lập để hấp thụ nhiệt còn lại từ
các địa điểm thiêu hủy này. Chính phủ cũng đang lên kế hoạch phát triển một hệ thống đồng
bộ để xử lý nguồn chất thải công nghiệp trong năm 2011.
OECD Review năm 2006 nhận xét rằng kế hoạch năng lượng quốc gia lần thứ hai
của Hàn Quốc quy định mức tăng trưởng là 3,1%/năm giai đoạn 2002-2011 và dự kiến thay
đổi chút ít trong tổng nguồn cung năng lượng (với chỉ 5% cho năng lượng tái tạo vào năm
2011). Mục tiêu của việc đạt được 3,78% tỷ phần năng lượng tái tạo vào năm 2013 và
6,08% vào năm 2020 dường như thấp hơn so với mục tiêu 5% thiết lập trong kế hoạch năng
lượng quốc gia lần thứ hai. Trong khi đó, cả hai Liên minh châu Âu và Trung Quốc đặt mục
tiêu đạt được một tỷ phần 20% năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng của họ
vào năm 2020.

c. Hệ sinh thái và hạnh phúc con người
7


Phục hồi hệ sinh thái và hạnh phúc con người cũng là những khía cạnh trung tâm của
chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, đánh dấu sự thay đổi mô hình từ tăng trưởng số
lượng sang chất lượng. Trên khía cạnh đó, các dự án phục hồi 4 con sông sẽ đảm bảo 1,3 tỷ
mét khối nguồn cung cấp nước đầy đủ để đối phó với tình trạng khan hiếm nước và hạn hán
nghiêm trọng do biến đổi khí hậu trong tương lai. Một cuộc nạo vét đắp đập quy mô lớn,
việc xây dựng đập nước đa mục đích và các ao hồ, sẽ cung cấp một năng lực kiểm soát lũ
920 triệu mét khối. Ngoài ra, dự án dự kiến sẽ khôi phục lại hơn 929km các dòng chảy quốc
gia. Hơn 35 vùng đất ngập nước ven sông sẽ được tái tạo, trồng rừng hoặc tái trồng rừng,
mà sẽ được sử dụng cho sản xuất sinh khối.
Khi người tiêu dùng ý thức hơn về những tác động môi trường của mô hình tiêu thụ
của họ, bao gồm cả việc thông qua đề án ghi nhãn carbon, Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng gấp
đôi tỷ phần các sản phẩm nông nghiệp thân thiện sinh thái từ 4,5% năm 2009 lên 10% vào
năm 2013. Theo OECD Review 2006, Hàn Quốc là nước sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón
thuộc hàng cao nhất trong OECD tính theo GDP hoặc lĩnh vực. Kế hoạch 5 năm tăng trưởng
xanh dường như không bao gồm mục tiêu cụ thể làm giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân
bón, mà là nhằm thúc đẩy các sản phẩm thân thiện với sinh thái nông nghiệp.
2.2. Những tranh cãi xung quanh chính sách tăng trưởng xanh
Mặc dù các chính sách năng lượng xanh phát triển trong những năm gần đây ở Hàn
Quốc là một sự khởi phát tiếp nối từ các chính sách trước đó, ít nhất là trên danh nghĩa.
Nhưng liệu những thay đổi chính sách của Hàn Quốc có đại diện cho một chuyển đổi thực
sự với các khái niệm nền kinh tế xanh như được định nghĩa ở trên hay không. Thay vào đó,
các chính sách kinh tế xanh của Hàn Quốc cho đến nay có xu hướng tập trung vào việc
thành lập các tổ chức kỹ thuật quan liêu và các thể chế định hướng phần cứng cho tăng
trưởng xanh, thiên về khía cạnh chính trị quá mức của tăng trưởng xanh mà không chú trọng
tới những đóng góp của cử tri và các mối quan tâm về tăng trưởng xanh của công chúng nói
chung. Thay vì cải thiện về môi trường, những năm gần đây Hàn Quốc đang phải đương đầu

với sự suy giảm về môi trường của nền kinh tế quốc gia. Năm 2010 chỉ số môi trường được
công bố bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đánh giá Hàn Quốc đứng thứ 94 trên 163 quốc
gia, giảm 43 bậc từ năm 2008, và xếp hạng thấp nhất trong số các quốc gia thành viên
OECD.
Có thể nói rằng, ý tưởng tăng trưởng xanh được đưa vào trong các chính sách, chiến
lược phát triển kinh tế của Hàn Quốc hiện nay không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới, mà
nó chỉ là một ý tưởng tiếp nối từ những ý tưởng đã có trước đó. Nền kinh tế và sinh thái là
hai yếu tố trung tâm của chính sách môi trường của Hàn Quốc kể từ nhiệm kỳ chính phủ
Kim Dae-Jung (1998-2003). Hơn nữa, phát triển bền vững là một khái niệm bao trùm cao
hơn khái niệm tăng trưởng xanh, được thiết kế như là một chính sách ưu tiên quốc gia của
Chính phủ Kim Dae-Jung và Roh Moo-Hyun (2003-2008). Những người ủng hộ tăng
trưởng xanh ở Hàn Quốc hiện nay hiểu sai phát triển bền vững là một khái niệm phương
Tây và phi sinh thái, và cho rằng nó không phù hợp với Hàn Quốc. Vì vậy đã diễn ra một
quá trình loại trừ và phân biệt đối xử đối với quan điểm truyền thống "xanh", bắt đầu từ sự
giáng cấp từ cơ quan ban đầu là Ủy ban Tổng thống về Phát triển Bền vững (PCSD) xuống
thành một ủy ban cấp Bộ dưới sự kiểm soát của Bộ trưởng Bộ Môi trường, đảm trách việc rà
soát lại các chính sách dưới sự giám sát của Ủy ban Tổng thống hiện hành về tăng trưởng
xanh (PCGG). Mặc dù PCSD là điển hình của cơ quan quản trị đại diện cho một loạt các
bên liên quan khác nhau, nhưng PCGG lại bao gồm gần như hầu hết các chuyên gia ủng hộ
chính phủ, các cơ quan kỹ thuật đại diện cho phần lớn lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp,
và không bao gồm những người ủng hộ xanh truyền thống từ xã hội dân sự.
Điều này dẫn tới kết quả là, về cơ bản, những người đại diện hoạch định chính sách
tăng trưởng xanh có quan điểm giống nhau, là những người ủng hộ "tăng trưởng xanh theo
định hướng thị trường". Khi nhiệm kỳ thứ hai của PCGG bắt đầu vào tháng 7/2010, Đại hội
8 đã đưa chủ đề tăng trưởng xanh ra để thảo luận, đa số các ý kiến tranh cãi giữa các nhóm
8


ủng hộ doanh nghiệp và nhóm ủng hộ môi trường đều xoay quanh vấn đề “chỉ xanh mà
không có tăng trưởng” hay “chỉ tăng trưởng mà không có xanh”.

Kết quả của nó được thể hiện trong việc làm thế nào khái niệm tăng trưởng xanh
được đưa vào thực tế ở Hàn Quốc, triển vọng cho cải cách thực sự hiệu suất môi trường của
Hàn Quốc dựa trên các chính sách hiện hành bị giới hạn bởi những nghịch lý trong chính
sách tăng trưởng xanh và nền kinh tế xanh của Hàn Quốc. Về cơ bản, hiện nay, các chính
sách này nhấn mạnh “nền kinh tế” trước tiên và sau đó mới đến "xanh". Chiến lược tăng
trưởng xanh bao gồm hai phương pháp tiếp cận chính: 1) "giảm thiểu hóa cacbon", có nghĩa
là giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các ô nhiễm môi trường khác để "bảo vệ tăng
trưởng xanh", và 2) "công nghiệp hóa xanh", có nghĩa là tạo ra tăng trưởng, năng lượng, và
công ăn việc làm mới để "tấn công tăng trưởng xanh". Những ưu tiên này được phản ánh
trên ba mục tiêu chủ yếu sau: Thúc đẩy nền kinh tế và công nghiệp xanh; Các biện pháp ứng
phó biến đổi khí hậu và năng lượng; Xây dựng vùng lãnh thổ và môi trường bền vững.
Chính sách ưu tiên thực hiện tăng trưởng xanh đó là "thúc đẩy nền kinh tế và công
nghiệp xanh", trong khi các chính sách để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh
năng lượng, sử dụng đất bền vững, và các nguyên nhân môi trường khác chỉ được thực hiện
trong phạm vi mà chúng hỗ trợ chương trình nghị sự ưu tiên. Điều này cho thấy quan điểm
của chính phủ Hàn Quốc hiện nay là "nền kinh tế tăng trưởng trước tiên, sau đó mới đến
xanh".
Các công nghệ xanh, ngược lại là các công nghệ sinh thái hiệu quả làm giảm tương
đối ô nhiễm môi trường cho mỗi đơn vị đầu vào kinh tế (tài nguyên và năng lượng), nhưng
không nhất thiết hàm ý rằng số lượng tuyệt đối của ô nhiễm môi trường được sản xuất bởi
nền kinh tế sẽ thực sự thấp hơn so với "kinh doanh như bình thường" hoặc một vài kịch bản
chính sách khác. Điều này ngụ ý rằng, việc theo đuổi tăng trưởng xanh dựa trên nguyên tắc
hiệu quả sinh thái càng thành công, thì ô nhiễm môi trường do nó tạo ra càng nhiều hơn. Kết
quả là, nền kinh tế xanh được tạo ra bởi các chính sách tăng trưởng xanh hiện nay của Hàn
Quốc có thể dẫn tới một kết cục vừa không bền vững vừa không an toàn.
Chính sách năng lượng "tăng trưởng xanh" của Hàn Quốc có thể có hiệu quả nhưng
theo các định nghĩa tiêu chuẩn toàn cầu của khái niệm này thì nó không phải là xanh thực
sự. Mặc dù mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Hàn Quốc đến 2020 là 30%
theo ước tính lượng khí thải BAU năm 2020, nhưng xem xét kỹ hơn thì phần lớn nhất của
năng lượng xanh bao gồm trong các chính sách là để đạt được mục tiêu phát triển năng

lượng hạt nhân, một loại năng lượng hiệu quả nhưng không xanh. Sử dụng năng lượng hạt
nhân của Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng từ 36% sản lượng năng lượng toàn bộ năm 2007 lên
59% vào năm 2030 nhờ kế hoạch xây dựng mới 10 nhà máy điện hạt nhân cùng với 7 nhà
máy hiện đang được xây dựng và 21 nhà máy đang hoạt động.
Trong khi đó, năng lượng tái tạo, thường được coi là một hình thức của năng lượng
xanh, sẽ tiếp tục chiếm một tỷ lệ nhỏ của tổng tiêu thụ năng lượng trong 50 năm sắp tới
hoặc tăng từ khoảng 2,7% trong năm 2009 lên chỉ có 6,08% vào năm 2020, và chỉ sau đó
mới tăng nhiều hơn đáng kể lên 30% vào năm 2050.
Hàn Quốc không có mục tiêu rõ ràng cho độc lập năng lượng dựa trên năng lượng
xanh. Vì cơ chế tăng trưởng định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc hoạt động gần như hoàn
toàn thông qua việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ từ nước ngoài.
Một phần đáng kể của chương trình tăng trưởng xanh của Hàn Quốc bắt nguồn từ sự
thiên vị đối với các dự án kỹ thuật dân sự lớn như các đầu tầu phát triển. Như vậy, chương
trình tăng trưởng xanh bị cho là xây dựng "carbon cao" cái gọi là "thành phố xanh". Trên
khía cạnh này, chiến lược tăng trưởng xanh thực chất bắt nguồn từ sự tăng trưởng công trình
dân dụng của chính quyền Hàn Quốc hiện nay.
Chương trình Green New Deal, một phần của gói chiến lược tăng trưởng xanh, rõ
ràng cho thấy xu hướng này. 64% của tổng ngân sách chương trình (khoảng 50 nghìn tỷ
won, gần một nửa tổng ngân sách tăng trưởng xanh) là để phân bổ cho các dự án liên quan
9


tới công việc kỹ thuật dân sự, bao gồm cả việc chuyển dịch cơ cấu của bốn con sông lớn, tạo
ra 910.000 việc làm xây dựng trên tổng số 950.000 việc làm ước tính được tạo ra bởi
chương trình Green New Deal.
Dự án bốn con sông lớn đã gây nhiều tranh cãi ở Hàn Quốc. Chính phủ Lee Myungbak lập luận rằng, dự án là điều cần thiết cho phong trào tăng trưởng xanh tại Hàn Quốc và
cho chương trình "Green New Deal" bởi vì nó cung cấp tiềm năng việc làm đáng kể khi tiến
hành khôi phục lại bốn con sông lớn. Tuy nhiên, xã hội dân sự tại Hàn Quốc đã phản đối dự
án vì công việc xây dựng đập chắn và nạo vét sông là những yếu tố trung tâm của dự án.
Những hoạt động này gây nhiều bất đồng xã hội dân sự, nó sẽ thực sự giết chết bốn con

sông lớn thay vì khôi phục lại chúng.
Chương trình quản lý các sông lớn của Hàn Quốc trị giá 22,2 nghìn tỷ won (tương
đương 20 tỷ USD) hay 8% ngân sách hàng năm của quốc gia. Bằng cách nạo vét và xây đập
bốn con sông chính, chính phủ hy vọng sẽ tăng nguồn cung cấp nước ngọt, cải thiện chất
lượng nước, và ngăn chặn các rủi ro lũ lụt. Các nhà sinh thái học đã lưu ý rằng, nạo vét 570
triệu mét khối, xây dựng 22 đập lớn và 16 con đập mới, và bờ bao bê tông 151 dặm dọc bờ
sông sẽ làm suy thoái hệ sinh thái một cách nghiêm trọng. Các nghiên cứu cho thấy rằng
môi trường sống tự nhiên của các loài sống ven sông và 50 loài chim di cư khác nhau sẽ bị
xâm hại, và việc hạn chế dòng chảy tự nhiên của các con sông là đi ngược lại các chính sách
môi trường đã được công nhận rộng rãi để bảo vệ sức khỏe các con sông. Nhiều người Hàn
Quốc cho rằng quá trình lập kế hoạch là không dân chủ, với vài phiên điều trần trước công
chúng, thực hiện vội vàng các báo cáo đánh giá tác động môi trường, và thái độ thờ ơ của
chính phủ đối với những mối quan tâm lớn của công chúng và các nhóm lợi ích môi trường.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng dự án này thực sự cung cấp rất ít trong cách hiểu tạo ra
các cơ hội việc làm, và rằng các công việc được tạo ra bởi dự án chủ yếu là công việc ngắn
hạn trong xây dựng, nó không giúp giải quyết những gì hiện đang là vấn đề thất nghiệp lớn
ở Hàn Quốc đó là cung cấp việc làm cho một thế hệ trẻ có học vấn và trình độ cao. Qua một
cuộc khảo sát cho thấy, có hơn 70% người dân Hàn Quốc được hỏi bày tỏ sự phản đối đối
với dự án. Mặc dù chính phủ đã thông báo rằng sẽ có khoảng 340 nghìn việc làm được tạo
ra bởi dự án, nhưng nhóm đối lập cho rằng chỉ có 2.000 việc làm sẽ được tạo ra trong dài
hạn.
Hàn Quốc là một xã hội đô thị hoá cao, nhưng dường như không có mục tiêu quốc
gia để giảm tổng số năng lượng tiêu thụ và khí thải hiệu ứng nhà kính được tao ra bởi các
khu vực đô thị, mặc dù các thành phố trên toàn cầu tiêu thụ 75% tổng năng lượng cuối cùng
và sản xuất 80% tổng lượng khí phát thải nhà kính. Ở Hàn Quốc, hầu hết các nỗ lực chính
sách quy hoạch phủ xanh thành phố có xu hướng thiên về xây dựng các thành phố xanh
mới, dự kiến sẽ sử dụng năng lượng ít hơn 30% so với các thành phố hiện tại đang tiêu thụ,
hơn là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các khu vực công trình xây dựng hiện
hữu.
Một điển hình của đầu tư tập trung vào các công trình dân dụng trong chương trình

tăng trưởng xanh của Hàn Quốc đó là kế hoạch xây dựng 1 triệu ngôi nhà xanh như một dự
án điểm của chính sách kinh tế xanh. Dự án ngôi nhà xanh được thiết kế để phát triển các
công nghệ và công nghiệp nhà ở mới ở Hàn Quốc. Cách tiếp cận được sử dụng trong dự án
này là điển hình của một chương trình chính phủ khởi xướng từ trên xuống, trong đó nó mở
rộng việc cung cấp nhà ở môi trường hiệu quả hơn bằng cách giải quyết "phần cứng" thông
qua cổ phiếu nhà ở, nhưng ít nỗ lực liên quan đến người tiêu dùng thông qua phủ xanh các
mô hình của cuộc sống hàng ngày của họ. Ngược lại, ở Ai-len, một chương trình cũng được
gọi là "ngôi nhà xanh" nhưng lại có nhiều điểm khác biệt. Chương trình của Ireland được
khởi xướng bởi các tổ chức dựa vào cộng đồng, tập trung vào cuộc sống gia đình xanh cũng
như đời sống cộng đồng (ví dụ, thông qua một thành phần "trường xanh").
Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, nếu tiếp tục theo đuổi kế hoạch hiện tại
sẽ dẫn đến kết quả là, Hàn Quốc càng theo đuổi tăng trưởng xanh thì nền kinh tế Hàn Quốc
10


lại càng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng nhiều
hơn, bởi vì các chính sách nền kinh tế xanh chủ yếu dựa trên nguyên tắc hấp dẫn của hiệu
quả sinh thái. Vì vậy, đầu tư nhiều vào phần cứng hiệu quả sinh thái chẳng hạn như nhà ở
thụ động, ngành công nghiệp xanh và thành phố xanh có khả năng sẽ tiêu thụ nhiều hơn
tổng số năng lượng và sản xuất nhiều hơn tổng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với hiện
tại. Thực trạng này ngụ ý rằng nền kinh tế xanh của Hàn Quốc trong tương lai, nếu được
định hình bởi các chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay sẽ không bền vững và không an
toàn.
3. Một số kết luận và hàm ý chính sách
Chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và sử
dụng không bền vững các nguồn tài nguyên giới hạn của trái đất không phải là một lựa
chọn, mà nó là một yêu cầu tất yếu cơ bản cho sự sống còn của hệ thống kinh tế và xã hội
của chúng ta trong thế kỷ 21. Ngoài những nỗ lực để bắt đầu bước nhảy "phục hồi xanh", nó
còn là một cơ hội để tái cơ cấu phân bổ nguồn lực và bảo vệ nền kinh tế quốc gia tăng
trưởng và phát triển bền vững về mặt dài hạn.

Chiến lược và tầm nhìn tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là một cố gắng lớn để
chuyển đổi về cơ bản mô hình tăng trưởng của đất nước tập trung vào "sự tăng trưởng về số
lượng", kể từ kế hoạch kinh tế 5 năm đầu tiên được đưa ra bởi Tổng thống Park Chung-hee
năm 1962, sang chú trọng vào mục tiêu “carbon thấp và chất lượng tăng trưởng”. Nỗ lực
này là một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang nhận thức về sự cần thiết phải thực hiện các
thay đổi đáng kể trong nền kinh tế hiện nay.
Các mục tiêu của chiến lược và tầm nhìn tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là khá toàn
diện, liên quan đến nhiều vấn đề như việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tăng cường
an ninh năng lượng, tạo ra động cơ mới và tính bền vững của tăng trưởng, và khôi phục lại
hệ sinh thái cho một cuộc sống chất lượng hơn. Liệu những kỳ vọng này có đem lại một nền
kinh tế xanh đóng góp cho sự phát triển bền vững trong các chiều cạnh kinh tế, xã hội và
môi trường của nó hay không vẫn là một câu hỏi chưa thể trả lời đầy đủ và chắc chắn.
Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc hiện đang triển khai, bao gồm một số
mục tiêu ấn tượng và các dự án lớn, nhưng trọng tâm của nó chủ yếu nhấn mạnh đến tăng
trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh công nghiệp quốc gia hơn là một kế hoạch thực sự
nhằm làm xanh hóa nền kinh tế Hàn Quốc. Như vậy, các chính sách "xanh" đang có hiệu lực
của Hàn Quốc chủ yếu là các chính sách tiếp tục mang lại lợi nhuận cho các ngành công
nghiệp lớn hiện hữu của Hàn Quốc, bao gồm cả ngành công nghiệp hạt nhân và xây dựng.
Cải cách điều chỉnh và ngân sách dự kiến trong chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn
Quốc là những bước quan trọng trong việc thúc đẩy thay đổi hành vi trong sản xuất công
nghiệp và xã hội. Bên cạnh các ưu đãi ngân sách và tài chính đang được tạo ra để thực hiện
chuyển sang nền kinh tế xanh, chính phủ cũng cần phải cải cách các chính sách gây cản trở
đối với nền kinh tế, bao gồm trợ cấp độc hại, từ năng lượng cho vận tải và nông nghiệp đến
đánh bắt thủy sản. Cải cách chính sách như vậy sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy sự chuyển
đổi sang một nền kinh tế xanh ở các quốc gia riêng lẻ, nó cũng sẽ cho phép các nước khác
theo đuổi con đường cải cách, và tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế
thực hiện những thay đổi cần thiết trong thiết kế chính sách quốc tế. Chính phủ Hàn Quốc
cần tiếp tục mở rộng tiến trình cải cách chính sách, xây dựng dựa trên tiến trình đã đạt được
dấu ấn của mình.
Các nỗ lực liên kết chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc với việc thiết kế các

mục tiêu trung hạn của đất nước để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cung cấp một cơ
hội quan trọng để kết nối chính sách tăng trưởng và phát triển với sự cần thiết giải quyết vấn
đề biến đổi khí hậu. Nếu thành công, điều này sẽ là minh chứng cho thấy những thay đổi
trong các hệ thống kinh tế có thể cung cấp đồng đều sự thịnh vượng và đáp ứng đầy đủ
những thách thức của biến đổi khí hậu.

11


Sự tham gia của khu vực tư nhân và xã hội dân sự như là các bên liên quan và các
đối tác là nền tảng cho sự thành công của nền kinh tế xanh. Vì vậy, các tổ chức xã hội dân
sự ở Hàn Quốc cần tham gia tích cực trong các cuộc tranh luận về tăng trưởng xanh, hoặc
thông qua bày tỏ mối quan tâm và đóng góp ý kiến để giúp các nhà hoạch định chính sách
đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho đất nước. Các cuộc đối thoại và tham vấn sẽ bảo đảm cho
các bên liên quan trong khu vực tư nhân và xã hội dân sự có thể tham gia có hiệu quả trong
việc xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và điều này nhất thiết phải được
tiếp tục theo đuổi và củng cố.
Tăng trưởng xanh đã được tiếp cận ở một mức độ cao hơn và là mô hình tăng trưởng
mới của nền kinh tế Hàn Quốc, vì vậy chiến lược phát triển của ngành công nghiệp xanh
thông qua phát triển công nghệ xanh hiện đã trở thành một thành phần cốt lõi của sự phát
triển của đất nước. Để đầu tư phát triển công nghệ xanh hiệu quả hơn cần lưu ý một số điều
sau đây:
- Ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển công nghiệp xanh là để tạo ra một thị trường
xanh. Điều này ngụ ý, cả hai, lối vào của sản phẩm xanh vào thị trường hiện có và tạo ra thị
trường cho các sản phẩm xanh một cách riêng biệt từ các thị trường hiện có;
- Khi phát triển Kế hoạch 5 năm tăng trưởng xanh, tập trung quan trọng nhất của
Chính phủ là mở rộng đầu tư phát triển công nghệ. Kế hoạch đầu tư phát triển Công nghệ
Xanh được hoạch định dựa trên lộ trình công nghệ, chỉ ra các lĩnh vực công nghệ quan trọng
là ứng cử viên tiềm năng cho tăng trưởng xanh. Vì vậy, để tiếp tục xây dựng một hình ảnh
lớn, thì các kế hoạch chi tiết hơn nên được phát triển cho từng lĩnh vực. Với mục đích này,

phân tích chuỗi giá trị là cần thiết và đầu tư vào một công nghệ nhất định nên được thực
hiện chỉ khi quyết định được dựa trên một phân tích sâu sắc về cơ hội kinh tế, ví dụ, làm thế
nào một công nghệ xanh nhất định có thể được thương mại hóa và trong những điều kiện
kinh tế nào nó có thể được sử dụng hiệu quả;
- Chính phủ không chỉ nên tạo ra một thị trường xanh, mà còn phải cung cấp các
biện pháp hỗ trợ khác để cho phép các công ty tư nhân mới gia nhập tự do vào thị trường
xanh;
- Nên phát triển một hệ thống cấp giấy chứng nhận công nghệ xanh để bảo đảm sự
khác biệt công nghệ xanh với các công nghệ khác bằng cách cung cấp thông tin chính xác
tới người tiêu dùng và người sử dụng.
Tài liệu tham khảo
1. Sun-Jin Yun and Myungrae Cho, September 13, 2011, Case Study of Green Economy Policies:
Korea.
2. United Nations Environment Programme (UNEP), August 2009, Overview of The Republic of
Korea Green Growth National Vision.
3. Huan Gao, and Juliana Mandell with John Zysman, 31 March 2011, Shaping The Green Growth
Economy: A review of the public debate and the prospects for green growth, Mark Huberty, The
Berkeley Roundtable on the International Economy.
4. Ministry of Government Legislation, April 2010, Framework Act and its Presidential Decree on
Low Carbon, Green Growth in Korea.
5. Presidential Committee on Green Growth, Republic of Korea, Green Growth A New Path for
Korea.
6. Presidental Commission on Green Growth, Republic of Korea, Road to Our Future : Green
Growth, National Strategy and the Five-Year Plan (2009~2013).

12




×