Tải bản đầy đủ (.pdf) (100 trang)

Đánh giá chất lượng và thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên NDĐ khu vực thị xã phổ yên và huyện phú bình tỉnh thái nguyên và đề xuất giải pháp quản lý

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.42 MB, 100 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM

VƯƠNG VĂN TOÀN

ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG VÀ THỰC TRẠNG
KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
KHU VỰC THỊ XÃ PHỔ YÊN VÀ HUYỆN PHÚ BÌNH
TỈNH THÁI NGUYÊN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP QUẢN LÝ

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG

Thái Nguyên - 2017


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM

VƯƠNG VĂN TOÀN

ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG VÀ THỰC TRẠNG
KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
KHU VỰC THỊ XÃ PHỔ YÊN VÀ HUYỆN PHÚ BÌNH
TỈNH THÁI NGUYÊN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP QUẢN LÝ
Ngành: Khoa học môi trường
Mă ngành: 60.44.03.01

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG

Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thanh Hải


Thái Nguyên - 2017


i
LỜI CAM ĐOAN

Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các kết quả nghiên
cứu được trình bày trong luận văn là trung thực, khách quan và chưa từng được bảo
vệ cho bất kỳ đề tài nào.
Tôi cam đoan mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn đã được cảm ơn, các
thông tin trích dẫn trong luận văn đều được chỉ rõ nguồn gốc.
Thái Nguyên, ngày 30 tháng 10 năm 2017
Tác giả Luận văn

Vương Văn Toàn


ii
LỜI CẢM ƠN

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám hiệu, Phòng Quản lý Đào tạo
Sau Đại học, Khoa Môi trường Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên
cùng các thầy, cô giáo bộ môn đã trang bị những kiến thức, tạo điều kiện thuận lợi cho
tôi hoàn thành quá trình học tập và thực hiện Luận văn này.
Tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn đến Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng
Khoa Môi trường Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên, Giáo viên hướng
dẫn khoa học đã khuyến khích, hướng dẫn tận tình tôi trong suốt thời gian nghiên cứu,
thực hiện và hoàn thành Luận văn.
Xin chân thành cảm ơn Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở
Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường

(ITET); PGS. TS Nguyễn Kim Ngọc - Nguyên Trưởng Bộ môn Địa chất Thủy văn,
Khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất; TS. Hoàng Văn Hoan - Bộ môn Địa
chất Thủy văn, Khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã hỗ trợ và giúp đỡ tôi
trong quá trình thực hiện Luận văn.
Xin trân trọng cảm ơn!
Thái Nguyên, ngày 30 tháng 10 năm 2017
Tác giả Luận văn

Vương Văn Toàn


iii
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .....................................................................................................................1
1. Tính cấp thiết của đề tài ..........................................................................................1
2. Mục tiêu nghiên cứu................................................................................................2
2.1. Mục tiêu tổng quát................................................................................................2
2.2. Mục tiêu cụ thể .....................................................................................................2
3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn ................................................................................3
3.1. Ý nghĩa khoa học..................................................................................................3
3.2. Ý nghĩa thực tiễn ..................................................................................................3
Chương 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU ......................................................................4
1.1. Cơ sở lý luận của đề tài ........................................................................................4
1.1.1. Một số khái niệm cơ bản .......................................................................... 4
1.1.2. Khái quát về NDĐ .................................................................................... 6
1.2. Cơ sở pháp lý của đề tài .................................................................................... 13
1.2. Cơ sở khoa học của đề tài ................................................................................. 14
1.2.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới ......................................................... 14
1.2.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam ......................................................... 16
1.2.3. Tình hình nghiên cứu ở Thái Nguyên .................................................... 21

Chương 2 ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN
CỨU .......................................................................................................................... 26
2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .................................................................... 26
2.1.1. Đối tượng nghiên cứu............................................................................. 26
2.1.1. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................ 26
2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu .................................................................... 26
2.3. Nội dung nghiên cứu ......................................................................................... 26
2.3.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khu vực nghiên cứu ....... 26
2.3.2. Đánh giá thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên NDĐ khu vực thị xã
Phổ Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên ............................................... 26


iv
2.3.3. Đánh giá chất lượng NDĐ khu vực thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình
tỉnh Thái Nguyên .............................................................................................. 27
2.3.4. Đề xuất giải pháp quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên NDĐ khu vực thị
xã Phổ Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên .......................................... 27
2.4. Phương pháp nghiên cứu .................................................................................. 27
2.4.1. Phương pháp thu thập tài liệu, số liệu, thông tin thứ cấp ....................... 27
2.4.2. Phương pháp điều tra, thu thập số liệu sơ cấp ....................................... 28
2.4.2.1. Phương pháp điều tra, phỏng vấn........................................................ 28
2.4.3. Phương pháp xử lý số liệu ...................................................................... 30
Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN ............................... 31
3.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khu vực nghiên cứu ............... 31
3.1.1. Điều kiện tự nhiên thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình ......................... 31
3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội ....................................................................... 37
3.2. Đánh giá thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên NDĐ khu vực thị xã Phổ
Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên ............................................................. 39
3.2.1. Trữ lượng tài nguyên NDĐ khu vực thị xã Phổ Yên và huyện Phú
Bình .................................................................................................................. 39

3.2.2. Thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên NDĐ khu vực thị xã Phổ Yên
và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên .............................................................. 42
3.3. Đánh giá chất lượng NDĐ khu vực thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình tỉnh
Thái Nguyên ............................................................................................................. 44
3.3.1. Đánh giá về động thái NDĐ ................................................................... 44
3.3.2. Đánh giá về chất lượng .......................................................................... 73
3.4. Đề xuất giải pháp quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên NDĐ khu vực thị
xã Phổ Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên .......................................... 79
3.4.1. Các biện pháp về quản lý ....................................................................... 80
3.4.2. Giải pháp thực hiện quy hoạch............................................................... 81
3.4.3. Các giải pháp kỹ thuật khai thác và sử dụng NDĐ ................................ 83
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ .............................................................................. 84
1. Kết luận ................................................................................................................. 84


v
2. Kiến nghị............................................................................................................... 85
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 86
PHỤ LỤC................................................................................................................. 91

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BVMT

Bảo vệ môi trường

BTN&MT

Bộ Tài nguyên và Môi trường


ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSH

Đồng bằng sông Hồng

ĐCCT

Địa chất công trình

ĐCTV

Địa chất - Thủy văn

LK

Lỗ khoan

NDĐ

Nước dưới đất

QH & ĐTTNN

Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước

QCVN


Quy chuẩn Việt Nam

TCN

Tầng chứa nước

TCVN

Tiêu chuẩn Việt Nam

TNN

Tài nguyên nước


vi
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 1.1. Một số đặc điểm khác nhau giữa NDĐ và nước mặt ........................ 9
Bảng 1.2. Tài nguyên nước ở Việt Nam .......................................................... 17
Bảng 1.3: Kết quả tìm kiếm thăm dò NDĐ ...................................................... 22
Bảng 2.1. Vị trí lấy mẫu ................................................................................... 28
Bảng 2.2. Các chỉ tiêu và phương pháp phân tích môi trường NDĐ ............... 29
Bảng 3.1: Vị trí và tọa độ các điểm và công trình quan trắc ............................ 40
Bảng 3.2. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan QH3 trong năm 2016. .................. 45
Bảng 3.3. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan QH1 trong năm 2016 ................... 47
Bảng 3.4. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan QH2 trong năm 2016 ................... 49
Bảng 3.5. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan QH4 trong năm 2016 ................... 51
Bảng 3.6. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan QH5 trong năm 2016 ................... 53
Bảng 3.7. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan QH6 trong năm 2016 ................... 55
Bảng 3.8. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan QH7 trong năm 2016 ................... 57

Bảng 3.9. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan QH8 trong năm 2016 ................... 59
Bảng 3.10. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan TN1 trong năm 2016 ................. 61
Bảng 3.11. Mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan TN2 .................... 63
Bảng 3.12. Mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan TN3 .................... 65
Bảng 3.13. Mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan TN4. ................... 67
Bảng 3.14. Mực nước, nhiệt độ tại lỗ khoan QH10 trong năm 2016 ............... 69
Bảng 3.15. Kết quả phân tích chất lượng NDĐ trong tầng chứa nước Q vượt
giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/ BTNMT .................... 74
Bảng 3.16. Kết quả phân tích chất lượng NDĐ trong tầng chứa nước T21tđ vượt
giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/ BTNMT .................... 75
Bảng 3.17. Kết quả phân tích chất lượng NDĐ trong tầng chứa nước T3cms vượt
giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT ..................... 76
Bảng 3.18. Bảng tổng hợp kết quả điều tra về sử dụng nước dưới đất ............ 77


vii
DANH MỤC CÁC HÌNH
Hình 1.1. Phân bố nước trên Trái đất ........................................................................14
Hình 1.2. Bản đồ chỉ số NDĐ toàn cầu .....................................................................16
Hình 3.1. Bản đồ hành chính thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên .............................31
Hình 3.2. Bản đồ hành chính huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên ...........................32
Hình 3.3. Sơ đồ bố trí các lỗ khoan quan trắc khu vực phía Nam tỉnh Thái Nguyên ......41
Hình 3.4: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan QH3 ...............46
Hình 3.6: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan QH2 ...............50
Hình 3.7: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan QH4 ...............52
Hình 3.8: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan QH5 ...............54
Hình 3.9: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan QH6 ...............56
Hình 3.10: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan QH7 .............58
Hình 3.11: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan QH8 .............60
Hình 3.12: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan TN1 .............62

Hình 3.13: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan TN2 .............64
Hình 3.13: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan TN3 .............66
Hình 3.14: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan TN4 .............68
Hình 3.15: Diễn biến mực nước, nhiệt độ theo thời gian tại lỗ khoan QH10 ...........70
Hình 3.16: Mực nước trung bình ngày các giếng khoan năm 2016 ..........................71
Hình 3.17: Mực nước lớn nhất ngày các giếng khoan năm 2016 .............................72
Hình 3.18: Mực nước trung bình ngày nhỏ nhất các giếng khoan năm 2016 ...........72
Hình 3.19: Dao động mực nước trung bình ngày các giếng khoan năm 2016 .........73


1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc, cửa ngõ giao
lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ; phía Bắc
tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía
Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà
Nội (cách 80 km); diện tích tự nhiên 3.562,82 km². (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái
Nguyên) [43]
Hiện nay tình trạng báo động về ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước dưới
đất (NDĐ) ở Thái Nguyên do ảnh hưởng của các ngành công nghiệp khai thác khoáng
sản, luyện kim đen, luyện kim mầu, công nghiệp cơ khí, chế tạo, xây dựng... có xu
thế gia tăng nhưng các biện pháp xử lý ô nhiễm không hiệu quả, một số biện pháp
bảo vệ môi trường của các dự án, các cơ sở sản xuất đề cập trong báo cáo đánh giá
tác động môi trường không có tính khả thi hoặc hiệu suất xử lý kém. Nước thải, khí,
bụi thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, các khu chế xuất không được thu gom
vào trạm xử lý nước thải, khí thải tập trung; hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu
bảo vệ môi trường; chất thải rắn chưa được xử lý theo quy định, thậm chí còn dùng
để san lấp mặt bằng. Đây là một trong những tác nhân gây ô nhiễm đất và nguồn
nước.

Trong 3 - 4 tỷ m3 nước mặt và 1,5 - 2 tỷ m3 NDĐ của tỉnh Thái Nguyên được
cảnh báo là đang bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là nguồn nước sông Cầu. Các trạm quan
trắc tại Cầu Gia Bảy, đập Thác Huống, Cầu Mây cho thấy hàm lượng nước sông Cầu
có một số chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, như BOD 5 vượt từ 1,08 9,5 lần; COD vượt từ 1,2 - 5,8 lần; NH4 vượt từ 1,34 - 20 lần. Tại một số địa điểm ở
sông Công và hồ Núi Cốc đã có dấu hiệu ô nhiễm các chất hữu cơ, vô cơ, kim loại
nặng, dầu mỡ và hoá chất bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nguồn NDĐ đã có biểu hiện
ô nhiễm cục bộ, mang đặc trưng từng vùng khác nhau. Nhiều khu vực NDĐ có nồng
độ pH thấp dưới mức tiêu chuẩn cho phép và có biểu hiện ô nhiễm Fe, Mn... Một số
khu vực khai thác khoáng sản tại xã Hà Thượng, Tân Linh (huyện Đại Từ) hàm lượng


2
asen từ 0,068- 0,109 mg/l, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,7- 8,2 lần. Phường Quang
Vinh (thành phố Thái Nguyên) và thị trấn Giang Tiên (huyện Phú Lương), hàm lượng
Xyanua vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,9 - 12,9 lần (Hà Thư, 2007) [46].
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác các nguồn tài nguyên nước với cường độ
ngày một gia tăng cộng với việc quy hoạch, quản lý chưa đồng bộ, thống nhất dẫn
đến ảnh hưởng tiêu cực cho tài nguyên NDĐ như suy thoái, cạn kiệt nguồn nước,
nhiễm mặn, sụt lún dẫn đến suy giảm trữ lượng, suy thoái chất lượng của tài
nguyên NDĐ.
Thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình nằm trong định hướng phát triển tiểu vùng
động lực chủ đạo, vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển công nghiệp điện tử,
công nghệ cao, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, thương mại dịch vụ, du lịch, đào
tạo, sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên (Chính
phủ, 2015) [10].
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, công tác quản lý, khai
thác, sử dụng hợp lý, bảo vệ nguồn tài nguyên NDĐ trên địa bàn khu vực thị xã Phổ
Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên là một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng.
Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá chất
lượng và thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên NDĐ khu vực thị xã Phổ Yên

và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên và đề xuất giải pháp quản lý”.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Đánh giá chất lượng và thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên NDĐ; đề xuất
giải pháp quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên NDĐ trên địa bàn khu
vực thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên NDĐ khu vực thị xã Phổ
Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên.
- Đánh giá chất lượng NDĐ khu vực thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình tỉnh
Thái Nguyên.
- Đề xuất giải pháp quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên NDĐ khu vực thị xã
Phổ Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên.


3
3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.1. Ý nghĩa khoa học
- Đề tài góp phần trong việc nghiên cứu hiện trạng khai thác, sử dụng nước và
chất lượng tài nguyên NDĐ tại khu vực thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái
Nguyên.
- Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học đáng tin cậy để đề xuất các giải pháp quản
lý tài nguyên NDĐ cho khu vực thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên.
3.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Đề tài giúp việc định hướng quản lý chặt chẽ việc kiểm soát, cấp phép thăm dò
và khai thác NDĐ. Ngăn ngừa việc khai thác tự do, trái phép, khai thác quá ngưỡng
giới hạn cho phép gây suy giảm mực nước và chất lượng NDĐ.
- Giải pháp quản lý của đề tài giúp việc kiểm soát được tình hình ô nhiễm nguồn
NDĐ, các điểm khai thác, các vùng khai thác NDĐ đều được giám sát, kiểm tra, báo
cáo định kỳ hàng năm tình hình khai thác, sử dụng NDĐ.



4
Chương 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Cơ sở lý luận của đề tài
1.1.1. Một số khái niệm cơ bản
- Khái niệm Môi trường
Theo Khoản 1, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2014: Môi trường là hệ thống
các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển
của con người và sinh vật (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2014) [27].
- Khái niệm thành phần môi trường
Theo Khoản 2, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2014: Thành phần môi trường
là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng,
sinh vật và các hình thái vật chất khác (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2014)
[27].
- Khái niệm phát triển bền vững
Theo Khoản 4, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2014: Phát triển bền vững là
phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp
ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng
trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường (Quốc hội nước
CHXHCN Việt Nam, 2014) [27].
- Khái niệm ô nhiễm môi trường
Theo Khoản 8, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2014: Ô nhiễm môi trường là
sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật
môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật
(Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2014) [27].
- Khái niệm suy thoái môi trường
Theo Khoản 9, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2014: Suy thoái môi trường là
sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng

xấu đến con người và sinh vật (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2014) [27].


5
- Khái niệm quan trắc môi trường
Theo Khoản 20, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2014: Quan trắc môi trường
là quá trình theo dõi có hệ thống về thành phần môi trường, các yếu tố tác động lên
môi trường nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi
trường và các tác động xấu đối với môi trường (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam,
2014) [27].
- Khái niệm tài nguyên nước
Theo Khoản 1, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Tài nguyên nước bao gồm
nguồn nước mặt, NDĐ, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].
- Khái niệm nguồn nước
Theo Khoản 2, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Nguồn nước là các dạng
tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối,
kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa NDĐ; mưa, băng, tuyết và các dạng
tích tụ nước khác (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].
- Khái niệm nước mặt
Theo Khoản 3, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Nước mặt là nước tồn tại
trên mặt đất liền hoặc hải đảo (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].
- Khái niệm NDĐ
Theo Khoản 4, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: NDĐ là nước tồn tại trong
các tầng chứa NDĐ (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].
- Khái niệm nước sinh hoạt
Theo Khoản 11, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Nước sinh hoạt là nước
sạch hoặc nước có thể dùng cho ăn, uống, vệ sinh của con người (Quốc hội nước
CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].
- Khái niệm nước sạch

Theo Khoản 12, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Nước sạch là nước có chất
lượng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch của Việt Nam (Quốc hội nước
CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].


6
- Khái niệm nguồn nước sinh hoạt
Theo Khoản 13, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Nguồn nước sinh hoạt là
nguồn nước có thể cung cấp nước sinh hoạt hoặc có thể xử lý thành nước sinh hoạt
(Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].
- Khái niệm ô nhiễm nguồn nước
Theo Khoản 14, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Ô nhiễm nguồn nước là
sự biến đổi tính chất vật lý, tính chất hóa học và thành phần sinh học của nước không
phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép, gây ảnh hưởng xấu đến con
người và sinh vật (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].
- Khái niệm suy thoái nguồn nước
Theo Khoản 15, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Suy thoái nguồn nước là
sự suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước so với trạng thái tự nhiên hoặc so
với trạng thái của nguồn nước đã được quan trắc trong các thời kỳ trước đó (Quốc
hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].
- Khái niệm cạn kiệt nguồn nước
Theo Khoản 16, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Cạn kiệt nguồn nước là
sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng của nguồn nước, làm cho nguồn nước không
còn khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng và duy trì hệ sinh thái thủy sinh
(Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].
- Khái niệm ngưỡng khai thác NDĐ
Theo Khoản 19, Điều 2, Luật Tài nguyên nước 2012: Ngưỡng khai thác NDĐ
là giới hạn cho phép khai thác NDĐ nhằm bảo đảm không gây xâm nhập mặn, suy
thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt, lún đất, tác động xấu đến nguồn nước mặt và môi
trường liên quan (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012) [26].

1.1.2. Khái quát về NDĐ
NDĐ là một dạng nước tích trữ trong các lớp đất đá trầm tích bở rời như cặn,
sạn, cát, bột kết, trong các khe nứt, hang caxtơ dưới bề mặt trái đất, có thể khai thác
cho các hoạt động sống của con người. Đặc điểm chung của NDĐ là khả năng di
chuyển nhanh trong các lớp đất xốp, tạo thành dòng chảy ngầm theo địa hình (Đoàn
Văn Cánh, 2014) [6].


7
Theo độ sâu phân bố, có thể chia NDĐ thành NDĐ tầng mặt và NDĐ tầng sâu.
NDĐ tầng mặt thường không có lớp ngăn cách với địa hình bề mặt. Do vậy, thành
phần và mực nước biến đổi nhiều, phụ thuộc vào trạng thái của nước mặt. Loại NDĐ
tầng mặt rất dễ bị ô nhiễm. NDĐ tầng sâu thường nằm trong lớp đất đá xốp được
ngăn cách bên trên và phía dưới bởi các lớp không thấm nước.
Theo không gian phân bố, một lớp NDĐ tầng sâu thường có 3 vùng chức năng:
- Vùng thu nhận nước.
- Vùng chuyển tải nước.
- Vùng khai thác nước có áp.
Khoảng cách giữa vùng thu nhận và vùng khai thác nước thường khá xa, từ vài
chục đến vài trăm km. Các lỗ khoan nước ở vùng khai thác thường có áp lực. Đây là
loại NDĐ có chất lượng tốt và lưu lượng ổn định. Trong các khu vực phát triển đá
cacbonat thường tồn tại loại NDĐ caxtơ di chuyển theo các khe nứt caxtơ. Trong các
dải cồn cát vùng ven biển thường có các thấu kính nước ngọt nằm trên mực nước
biển.
1.1.2.1. Một số đặc điểm và cấu trúc của nguồn NDĐ
a. Đặc điểm
- Đặc điểm thứ nhất: NDĐ tiếp xúc trực tiếp và hoàn toàn với đất và nham
thạch. NDĐ có thể là các màng mỏng bao phủ các phần tử nhỏ bé của đất, nham
thạch; là chất lỏng được chứa đầy trong các ống mao dẫn nhỏ bé giữa các hạt đất, đá;
NDĐ có thể tạo ra các tia nước nhỏ trong các tầng ngấm nước; thậm chí nó có thể tạo

ra khối NDĐ dày trong các tầng đất, nham thạch. Thời gian tiếp xúc của NDĐ với
đất và nham thạch rất dài nên tạo điều kiện cho các chất trong đất và nham thạch tan
trong NDĐ. Có thể nói cách khác, thành phần hoá học của NDĐ chủ yếu phụ thuộc
vào thành phần hoá học của các tầng đất, nham thạch chứa nó (Đoàn Văn Cánh, 2014)
[6].
- Đặc điểm thứ 2: Các loại đất, nham thạch của vỏ quả đất chia thành các tầng
lớp khác nhau. Mỗi tầng, lớp đó có thành phần hoá học khác nhau. Giữa các tầng, lớp
đất, nham thạch thường có các lớp không thấm nước. Vì vậy NDĐ cũng được chia
thành các tầng, lớp khác nhau và thành phần hoá học của các tầng lớp đó cũng khác
nhau.


8
- Đặc điểm thứ 3: Ảnh hưởng của khí hậu đối với NDĐ không đồng đều. NDĐ ở
tầng trên cùng, sát mặt đất chịu ảnh hưởng của khí hậu. Các khí hoà tan trong tầng
NDĐ này do nước mưa, nước sông, nước hồ… mang đến. Thành phần hoá học của
NDĐ của tầng này chịu ảnh hưởng nhiều của thành phần hoá học nước mặt do đó
cũng chịu ảnh hưởng nhiều của khí hậu. Trái lại, NDĐ ở tầng sâu lại ít hoặc không
chịu ảnh hưởng của khí hậu. Thành phần hoá học của NDĐ thuộc tầng này chịu ảnh
hưởng trực tiếp của thành phần hoá học tầng nham thạch chứa nó.
- Đặc điểm thứ 4: Thành phần của NDĐ không những chịu ảnh hưởng về thành
phần hoá học của tầng nham thạch chứa nó mà còn phụ thuộc vào tính chất vật lý của
các tầng nham thạch đó.
Ở các tầng sâu khác nhau, nham thạch có nhiệt độ và áp suất khác nhau nên
chứa trong các tầng nham thạch đó cũng có nhiệt độ và áp suất khác nhau. Vì vậy
NDĐ ở các tầng rất sâu có thể có áp suất hàng ngàn N/m 2 và nhiệt độ có thể lớn
hơn 3730K.
- Đặc điểm thứ 5: NDĐ ít chịu ảnh hưởng của sinh vật nhưng chịu ảnh hưởng
nhiều của vi sinh vật.
Ở các tầng sâu do không có O2 và ánh sáng nên vi sinh vật yếm khí hoạt động

mạnh, chi phối nhiều nên thành phần hóa học của NDĐ. Vì vậy thành phần hoá học
của NDĐ chứa nhiều chất có nguồn gốc vi sinh vật (Đoàn Văn Cánh, 2014) [6].
b. Cấu trúc của một tầng NDĐ
Cấu trúc của một tầng NDĐ được chia ra thành các tầng như sau:
- Bề mặt trên gọi là mực NDĐ hay gương NDĐ.
- Bề mặt dưới, nơi tiếp xúc với tầng đất đá cách thuỷ gọi là đáy NDĐ. Chiều
dày tầng NDĐ là khoảng cách thẳng đứng giữa mực NDĐ và đáy NDĐ.
- Tầng thông khí hay nước tầng trên là tầng đất đá vụn bở không chứa nước
thường xuyên, nằm bên trên tầng NDĐ.
- Viền mao dẫn: là lớp nước mao dẫn phát triển ngay trên mặt NDĐ.
- Tầng không thấm: là tầng đất đá không thấm nước


9
NDĐ là một bộ phận của chu trình thủy văn xâm nhập vào các hệ đất đá từ mặt
đất hoặc bộ phận nước mặt, và trong một thời gian dài NDĐ được xem là “nguồn
nước sạch” - có thể sử dụng cho ăn uống sinh hoạt. Thực tế thì nguồn nước này
thường chứa nồng độ các nguyên tố cao hơn hẳn so với tiêu chuẩn nước uống được,
chủ yếu là Fe, Mn, H2S, …vì thế NDĐ cần phải được xử lý trước khi phân phối sử
dụng.
Bảng 1.1. Một số đặc điểm khác nhau giữa NDĐ và nước mặt
Thông số
Nhiệt độ
Chất rắn lơ lửng

NDĐ
Tương đối ổn định
Rất thấp, hầu như không có

Chất khoáng hoà tan


Ít thay đổi, cao hơn so với
nước mặt.
Thường xuyên có trong nước

2+

Hàm lượng Fe ,
2+

Nước bề mặt
Thay đổi theo mùa
Thường cao và thay đổi
theo mùa
Thay đổi tuỳ thuộc chất
lượng đất, lượng mưa.
Rất thấp, chỉ có khi nước
ở sát dưới đáy hồ.

Mn
Khí CO2 hòa tan

Có nồng độ cao

Rất thấp hoặc bằng 0

Khí O2 hòa tan

Thường không tồn tại


Gần như bão hoà

Khí NH3

Thường có

Khí H2S

Thường có

Có khi nguồn nước bị
nhiễm bẩn
Không có

SiO2

Thường có ở nồng độ cao

Có ở nồng độ trung bình

Có ở nồng độ cao, do bị nhiễm Thường rất thấp
bởi phân bón hoá học
Vi sinh vật
Chủ yếu là các vi trùng
Nhiều loại vi trùng, virut
do sắt gây ra.
gây bệnh và tảo.
(Nguồn: Đoàn Văn Cánh, 2014, Bài giảng Tài nguyên và trữ lượng NDĐ).
NO


3-

1.1.2.2. Sự hình thành NDĐ và các loại NDĐ
Nước trên mặt đất và trong ao, hồ, sông, biển gặp ánh sáng mặt trời bốc hơi
thành hơi nước bay lên không trung, gặp lạnh hơi nước sẽ kết lại thành hạt to và rơi
xuống thành mưa. Nước mưa rơi xuống mặt đất một phần chảy xuống sông, ao, hồ...
một phần bốc hơi qua mặt đất, mặt nước và sự bốc thoát hơi qua lá, một phần ngấm
dần xuống mặt đất đến tầng đất không thấm sẽ tích tụ lại thành NDĐ. Sự hình thành


10
NDĐ trải qua rất nhiều giai đoạn. Các tác nhân có liên quan đến chu trình này bao
gồm: bức xạ, trọng lực, sức hút phân tử và lực mao dẫn.
Hình thành NDĐ do nước trên bề mặt ngấm xuống, do không thể ngấm qua
tầng đá mẹ nên trên nó nước sẽ tập trung trên bề mặt, tùy từng kiến tạo địa chất mà
nó hình thành nên các hình dạng khác nhau, nước tập trung nhiều sẽ bắt đầu di chuyển
và liên kết với các khoang, túi nước khác, dần dần hình thành mạch ngước ngầm lớn
nhỏ, tuy nhiên việc hình thành NDĐ phụ thuộc vào lượng nước ngấm xuống và phụ
thuộc vào lượng mưa và khả năng trữ nước của đất (Đoàn Văn Cánh, 2014) [6].
Tuỳ theo vị trí mà có thể chia nước ra làm 3 loại:
- Nước ngấm: là tầng ở trên hết, bên trên nó không có tầng không thấm nước
chặn lại gọi là tầng nước ngấm. Đặc điểm của tầng nước ngấm là thay đổi rất nhanh
theo thời tiết: mưa nhiều thì mực nước lên cao, nắng lâu thì mực nước hạ xuống. Ao,
giếng nếu đào cạn đến tầng nước ngấm thì mùa khô thường hết nước. Tầng NDĐ này
được tạo ra từ nước trên mặt đất thấm xuống, sau đó lại được tháo tiêu ra sông, hồ.
- Nước ứ: trên tầng thấm nước có một tầng đất khó thấm nước, khi mưa to tầng
đất này hút không kịp, nước tạm thời ứ lại trên tầng đất này và tạo thành nước ứ. Sau
đó, một phần nước ứ tiếp tục thấm xuống, một phần bốc hơi, lượng nước ứ sẽ ít dần
đi hoặc mất hẳn. Nước tầng này cách biệt hoàn toàn với nước mặt đất và hầu như
không giao lưu.

- Nước giữa tầng: nước trong tầng thấm nước nằm giữa 2 tầng không thấm gọi
là nước giữa tầng. Nước giữa tầng ở sâu và nằm giữa 2 tầng đất sét nên lượng nước
không thay đổi nhiều theo mùa nắng và chất lượng nước tốt.
1.1.2.3. Tầm quan trọng của NDĐ
- NDĐ phục vụ cho sinh hoạt như: ăn, uống, tắm giặt, sưởi ấm….
- NDĐ phục vụ cho nông nghiệp: tưới hoa màu, cây ăn quả, các cây có giá trị
kinh tế cao.
- Con người có thể sử dụng nguồn NDĐ để mở rộng các hoạt động sản xuất
công nghiệp.


11
- NDĐ có chất lượng tốt còn được sử dụng để chữa bệnh. NDĐ phục vụ cho
sinh hoạt sẽ giảm hẳn các bệnh do nguồn nước mặt bị ô nhiễm như: đường ruột, bệnh
phụ khoa, bệnh ngoài da…
- Sử dụng NDĐ giúp con người được giải phóng sức lao động do phải lấy nước
xa nhà, tiết kiệm chi phí “đổi nước”, tiết kiệm thời gian nâng cao hiệu quả sản xuất
(Đoàn Văn Cánh, 2014) [6].
1.1.2.4. Một số chỉ tiêu đánh giá chất lượng NDĐ
a. pH
Giá trị pH là một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định nước về mặt
hóa học. pH là chỉ tiêu quan trọng đối với mỗi giai đoạn trong môi trường môi trường,
là một chỉ tiêu cần phải kiểm tra đối với chất lượng nước. pH là yếu tố môi trường
ảnh hưởng tới tốc độ phát triển và giới hạn sự sinh trưởng của sinh vật trong môi
trường nước, sự thay đổi giá trị pH có thể dẫn tới sự thay đổi về thành phần các chất
trong nước do quá trình hòa tan hoặc kết tủa, thúc đẩy hay ngăn chặn phản ứng hóa
học, sinh học xảy ra trong nước. Và được định nghĩa bằng biểu thức: pH = -lg [H+].
Khi pH =7 nước có tính trung tính; khi pH <7 nước có tính axit; khi pH >7 nước có
tính kiềm.
b. Độ cứng

Độ cứng là đại lượng biểu thị hàm lượng các các ion hóa trị 2 mà chủ yếu là ion
Ca2+ và Mg2+. Độ cứng làm tiêu hao nhiều xà phòng khi giặt giũ, đóng rắn trong các
thành ống dẫn của nồi hơi làm giảm khả năng trao đổi nhiệt của thiết bị, làm tăng tính
ăn mòn do tăng nồng độ ion H+. Độ cứng bao gồm 3 loại:
- Độ cứng toàn phần biểu thị tổng hàm lượng ion Ca2+ và Mg2+ có trong nước;
- Độ cứng tạm thời là hàm lượng các muối của ion HCO 3 - , CO 3 2- , với Ca 2+
và Mg 2+;
- Độ cứng vĩnh cữu là hàm lượng các muối của ion Cl - , SO 4 2- , HSO 4 - với
Ca2+ và Mg 2+.
c. Clorua (Cl-)
Cl- là ion chính trong nước thiên nhiên biểu thị độ mặn. Cl- có nhiều nhất ở nước
biển và các mỏ muối. Trong nước ngọt và NDĐ hàm lượng Cl- thường dao động từ


12
20 mg/L - 800 mg/L. Cl- rất có ích cho cơ thể, nhưng ở hàm lượng cao lại có thể gây
suy thận, góp phần tăng nguy cơ cao huyết áp…
d. Hàm lượng đạm nitrat (N-NO3)
Nitrat là dạng oxy hóa cao nhất trong chu trình nitơ và thường đạt đên những
nồng độ đáng kể trong các giai đoạn cuối cùng của quá trình oxy hóa sinh học Ngoài
ra nitrat tìm thấy trong các thủy vực là sản phẩm của quá trình nitrat hóa hay do cung
cấp từ nước mưa khi trời có sấm chớp.
Trong thủy vực có nhiều đạm ở dạng N-NO3-, chứng tỏ quá trình oxy hóa đã
kết thúc. Tuy vậy, các nitrat chỉ bền trong điều kiện hiếu khí. Trong điều kiện yếm
khí N-NO3- bị khử thành nito tự do tách ra khỏi nước, loại trừ được sự phát triển của
tảo và các loại thực vật khác sống trong nước. Nhưng mặt khác khi hàm lượng nitrat
trong nước khá cao có thể gây độc hại với người, vì khi vào điều kiện thích hợp, ở hệ
tiêu hóa chúng sẽ chuyển hóa thành nitrit kết hợp với hồng cầu tạo thành chất không
vận chuyển oxy, gây bệnh xanh xao thiếu máu.
e. Hàm lượng sunfat (SO42-)

Sunfat là một chỉ tiêu tiêu biểu của vùng nước nhiễm phèn. Sunfat cao, nước sẽ
có vị chát, gây bệnh tiêu chảy, và gây xâm thực mạnh trên các công trình xây dựng.
Ngoài ra, sunfat sẽ kết hợp với ion Ca2+ để tạo thành cặn cứng bám trên thành các
thiết bị trao đổi nhiệt.
f. Fe (Sắt)
Sắt là kim loại phong phú tạo nên vỏ trái đất. Sắt hiện diện ở hầu hết các nguồn
nước thiên nhiên. Khi trong nước có chứa các ion sắt sẽ gây đục và màu trong nước
do: Fe2+ chuyển thành Fe 3+ (màu nâu đỏ) đồng thời ảnh hưởng đến độ cứng, duy
trì sự phát triển của một số vi khuẩn gây thoái rửa trong hệ thống phân phối nước.
Hàm lượng sắt có thể xuất hiện trong nước là do nó hòa tan trong NDĐ (dưới dạng
Fe2+), hay có trong nước thải công nghiệp.
Sắt thường có trong NDĐ dưới dạng muối tan hoặc phức chất do hòa tan từ các
lớp khoáng trong đá hoặc do ô nhiễm bề mặt nước bởi nước thải (Đặng Kim
Chi,1998). Nước có hàm lượng sắt cao (lớn hơn 0.3 mg /l) gây trở ngại rất lớn cho
việc sử dụng trong sinh hoạt. Nước đục do sắt có màu vàng nhiều cặn và thức ăn của
các loại vi khuẩn ưa sắt.


13
g. E. Coli
E.coli được xem là một chỉ tiêu đánh giá sự nhiễm bẩn của nguồn nước và đánh
giá hiệu quả của việc khử trùng. Khi dùng nước có nhiễm khuẩn E.coli, nó gây cho
người một số bệnh như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy…, nặng có thể gây tử vong.
Những hạt chất lơ lửng, gây ra độ đục trong nước thường có bề mặt hấp phụ các kim
loại độc, các vi sinh vật gây bệnh. Chính những hạt này cản trở quá trình diệt trùng
của chất diệt trùng khi cần xử lý nước ăn.
1.2. Cơ sở pháp lý của đề tài
- Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012 và có hiệu
lực thi hành từ ngày 01/01/2013.

- Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014 và có
hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
- Nghị định số 102/2008/NĐ-CP ngày 15/9/2008 của Chính phủ về việc thu
thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về TN&MT.
- Nghị định số 27/2009/NĐ-CP ngày 12/6/2009 của Chính phủ về một số giải
pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT.
- Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập,
quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
- Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020.
- Thông tư số 43/2011/TT-BTNMT ngày 12/12/2011 của Bộ TN&MT về việc
ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
- Thông tư số 47/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011 của Bộ TN&MT về việc
ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
- Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ
TN&MT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
- Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 12/11/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên
về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.


14
- Quyết định số 2312/QĐ-UBND ngày 18/9/2009 của UBND tỉnh Thái Nguyên
về việc phê duyệt Đề cương lập dự án Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn NDĐ
khu vực Nam Thái Nguyên đến năm 2020.
- Quyết định số 20/2012/QĐ-UBND ngày 09/8/2012 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Thái Nguyên ban hành quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh
Thái Nguyên.
- QCVN 01:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.
- QCVN 02:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.

- QCVN 08-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng
nước mặt.
- QCVN 09-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng NDĐ.
1.2. Cơ sở khoa học của đề tài
1.2.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Theo tính toán của các nhà địa chất Mỹ, toàn Trái đất có khoảng 1357,5 triệu
km3 nước, thì chỉ có 3% là nước nhạt (ngọt), phần còn lại (97%) là nước mặn trong
các đại dương. Trong số 3% tổng nước ngọt trên Trái đất thì có tới 68,7% nằm ở vùng
đóng băng vĩnh cửu (các khối băng vùng Bắc cực, Nam cực), 30,1% nước ngầm,
0,9% nước ở các dạng khác và chỉ có 0,3% là nước mặt ngọt. Trong 30,1% NDĐ thì
có 11% NDĐ ở độ sâu từ 800m trở lại có thể khai thác sử dụng được, còn lại 20,1%
NDĐ ở độ sâu từ 800m trở xuống không thể khai thác sử dụng trong điều kiện kỹ
thuật hiện nay (Đoàn Văn Cánh, 2014) [6].

Hình 1.1. Phân bố nước trên Trái đất


15
Các nước trên thế giới hiện nay khai thác sử dụng NDĐ không đồng đều. Toàn
thế giới, hàng năm khai thác khoảng 800 km3 (2.191.781.000,0 m3/ngày) từ NDĐ.
Trong đó Châu Phi là 35 km3/năm (95.890.411 m3/ngày); Bắc và Trung Mỹ: 150
km3/năm (410.959.000 m3/ngày); Nam Mỹ: 25 km3/năm; Châu Á: 500 km3/năm;
Châu Âu: 80 km3/năm; Châu Úc và Châu Đại Dương: 10 km3/năm (Đoàn Văn Cánh,
2014) [6].
Có 10 nước khai thác NDĐ lớn nhất (chiếm 74% trữ lượng NDĐ khai thác trên
toàn thế giới) là Ấn Độ: 190 km3/năm; Mỹ: 115 km3/năm; Trung Quốc: 97 km3/năm;
Pakistan: 55 km3/năm; Iran: 53 km3/năm; Mexico: 25 km3/năm; Arabia Saudi: 21
km3/năm; Nhật Bản: 13,2 km3/năm; Indonesia: 12,5 km3/năm và Nga: 11,6 km3/năm.
NDĐ ở Mỹ được khai thác từ các tầng chứa nước trong 6 thành tạo chứa nước
cơ bản là thành tạo bở rời, thành tạo cát-bột kết, thành tạo carbonat, thành tạo lục

nguyên-carbonat, thành tạo phun trào-biến chất và nước trong các loại thành tạo
khác.
Ở Nga, khai thác sử dụng NDĐ gần 15 triệu m3/ngày. Ở các thành phố lớn (hơn
100 ngàn dân) tỷ trọng NDĐ chỉ chiếm 29%, thậm chí các thành phố lớn như
Matxcova, San Peterburg, Roctop Na Đon, Vladivostok.. hoàn toàn sử dụng nước mặt.
Tỷ trọng sử dụng NDĐ ở nông thôn chiếm tới 85%.
Bản đồ do các nhà ĐCTV Hà Lan thuộc tổ chức IAH thành lập năm 2006 cho
thấy chỉ số tỷ số giữa tổng lượng khai thác so với trữ lượng NDĐ có thể được tái trên
toàn thế giới. Chỉ số có giá trị < 20% cho biết lãnh thổ đó còn trữ lượng NDĐ lớn và
có thể khai thác bền vững. Những nước có chỉ số 100% và lớn hơn nằm ở Trung cận
Đông và Bắc Phi, NDĐ đang bị cạn kiệt dần. Những nước có chỉ số từ 20% đến 100%
là những nước mà ở đấy việc khai thác NDĐ chỉ có thể bền vững nếu kiểm soát chặt
chẽ việc khai thác nước và có kế hoạch bổ sung nhân tạo NDĐ. Việt Nam nằm trong
những nước có chỉ số trung bình (Đoàn Văn Cánh, 2014) [6].


16

Hình 1.2. Bản đồ chỉ số NDĐ toàn cầu
Tuy nhiên, những khu vực có tài nguyên NDĐ ổn định trên thế giới đang từng
ngày thu nhỏ lại. Có 3 vấn đề chính ảnh hưởng đến việc sử dụng NDĐ: NDĐ cạn kiệt
do sử dụng quá mức, do quy hoạch khai thác không đúng và do bị ngập úng, NDĐ bị
nhiễm mặn doviệc khai thác nước chưa hợp lý và việc sử dụng liên tục không có hiệu
quả, và NDĐ bị ô nhiễm do các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và các hoạt động
khác của con người gây ra.
Vấn đề ô nhiễm NDĐ được thế giới quan tâm vào năm đầu của thập niên 80 của
thế kỷ 20 với các nghiên cứu về nồng độ của kim loại nặng trong NDĐ đặc biệt là
As. Các đồng bằng châu thổ với mật độ dân cư lớn vùng Nam và Đông Nam Á thường
phân bố các tầng chứa nước phong phú và phân bố rộng khắp.
1.2.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có trữ lượng NDĐ khá phong phú và tốt về mặt chất
lượng. Tài nguyên dự báo NDĐ trong các thành tạo chứa nước chính (thành tạo bở
rời, đá vôi, lục nguyên, bazan…) ước tính khoảng 172,6 triệu m3/ngày, trong khi đó
tỷ trọng sử dụng NDĐ chưa nhiều. (Đoàn Văn Cánh, 2014) [6]


×