Tải bản đầy đủ (.pdf) (54 trang)

ĐIỀU TRA THÀNH PHẦN LOÀI BỌ PHẤN VÀ NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA BỌ PHẤN (Bemisia tabaci) GÂY HẠI TRÊN CÀ TÍM (Solanum melongena) TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.03 MB, 54 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP. HỒ CHÍ MINH
KHOA NÔNG HỌC

[\

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

ĐIỀU TRA THÀNH PHẦN LOÀI BỌ PHẤN VÀ
NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA
BỌ PHẤN (Bemisia tabaci) GÂY HẠI TRÊN CÀ TÍM
(Solanum melongena) TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Chuyên ngành: BẢO VỆ THỰC VẬT
Khóa: 2007 – 2011
Sinh viên thực hiện: Huỳnh Thị Ngọc Tuyết

TP. Hồ Chí Minh, Tháng 07/2011



i

ĐIỀU TRA THÀNH PHẦN LOÀI BỌ PHẤN VÀ
NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA
BỌ PHẤN (Bemisia tabaci) GÂY HẠI TRÊN CÀ TÍM
(Solanum melongena) TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Tác giả
HUỲNH THỊ NGỌC TUYẾT


Khóa luận được đệ trình để đáp ứng yêu cầu cấp bằng kỹ sư ngành Nông học

Giảng viên hướng dẫn
TS. TRẦN THỊ THIÊN AN

TP. Hồ Chí Minh, tháng 07/2011


ii

LỜI CẢM ƠN
[\
Luận văn này là kết quả của quá trình học tập tại trường Nông Lâm TP. Hồ Chí
Minh . Để có được thành quả học tập như ngày hôm nay ngoài sự phấn đấu, nổ lực của
bản thân còn có sự ủng hộ, hỗ trợ rất lớn từ phía gia đình, sự giúp đỡ quý báu của qúy
thầy cô, sự động viên giúp đỡ từ bạn bè. Tôi xin chân thành khắc ghi công ơn:
Với những tình cảm thiêng liêng cao quý đó, con xin chân thành khắc ghi công
ơn cha, mẹ đã sinh thành, tần tảo dưỡng dục con nên người và tạo mọi điều kiện tốt
nhất cho con có được như ngày hôm nay.
Với tình cảm chân thành, em xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến quý thầy cô
giáo đã giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và hoàn thành luận văn này. Đặc biệt em xin
bày tỏ sâu sắc đến Tiến sĩ Trần Thị Thiên An đã tận tình hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ
em trong suốt quá trình thực hiện đề tài và hoàn chỉnh luận văn.
Đồng thời cảm ơn các bạn đã ở bên động viên và giúp đỡ mình vượt qua những
khó khăn để hoàn thành luận văn tốt nghiệp này.
Mặc dù bản thân đã cố gắng nhưng chắc chắn luận văn không tránh khỏi những
thiếu sót. Vì vậy, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ quý thầy cô và các bạn.
Tp.Hồ Chí Minh, tháng 07/2011
Sinh viên thực hiện


Huỳnh Thị Ngọc Tuyết


iii

TÓM TẮT
Đề tài “ Điều tra thành phần loài bọ phấn và nghiên cứu một số đặc điểm
sinh học chính của bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) hại trên cà tím (Solanum
melongena) tại TP. Hồ Chí Minh ” được thực hiện nhằm ghi nhận lại phổ ký chủ của
bọ phấn đồng thời khảo sát một số đặc điểm hình thái và đặc điểm sinh học của loài bọ
phấn gây hại chính trên cà tím. Đề tài này được tiến hành tại các vùng trồng rau thuộc
huyện Hóc Môn, Củ Chi TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Phát hiện được 2 loài bọ phấn là Bemisia tabaci, Aleurodicus dispersus. Trong
đó, loài Bemisia tabaci có tần suất hiện diện cao (92,67 %;), loài Aleurodicus dispersus
có tần suất xuất hiện thấp hơn (22,33 %). Phổ ký chủ của loài bọ phấn B. tabaci gồm
17 ký chủ thuộc 8 họ.
Pha trứng của bọ phấn B. tabaci có chiều dài biến động từ 0,16 – 0,25 mm,
chiều rộng khoảng 0,08 – 0,12 mm. Chiều dài bọ phấn non tuổi1, 2, 3, 4 lần lượt là
0,25 – 0,31, 0,35 – 0,39, 0,59 – 0,58, 0,72 – 0,76 mm, chiều rộng lần lượt là 0,1 – 0,12,
0,21 – 0,25, 0,27 – 0,25, 0,45 – 0,64 mm. Bọ phấn cái có chiều dài, chiều rộng, sải
cánh lần lượt là 0,82 – 0,13, 0,23 – 0,31, 1,75 – 2,1 mm. Bọ phấn đực có chiều dài,
chiều rộng và sải cánh lần lượt là 0,7 – 0,93, 016 – 0,27, 1,46 – 1,88 mm.
Vòng đời của bọ phấn B. tabaci trung bình khoảng 20,63 ngày. Trong đó, thời
gian pha trứng trung bình khoảng 5,53 ngày, thời gian phát dục các pha bọ phấn tuổi 1,
tuổi 2, tuổi 3 tương ứng là 3,37, 2,4, 2,37, 5,1 ngày. Tuổi thọ của bọ phấn đực biến
động từ 17 – 26 ngày, tuổi thọ của bọ phấn cái là 21 – 32 ngày.
Tỉ lệ trứng nở đạt 92,33 %, tỉ lệ chết của bọ phấn non tuổi 1, 2 là 0 %, tỉ lệ chết
của bọ phấn tuổi 3, 4 lần lượt là 4,4, 2,3 %. Tỉ lệ bọ phấn hóa trưởng thành là 96,47 %,
tỉ lệ bọ phấn đực và cái lần lượt là 43,53, 56,47 %. Khả năng sinh sản của loài B.
tabaci trung bình đạt 147,2 trứng/ con cái. Thời gian đẻ trung bình là 5,2 ngày.



iv


v

MỤC LỤC
MỤC LỤC..................................................................................................................... v
DANH SÁCH CÁC BẢNG ....................................................................................... vii
DANH SÁCH CÁC HÌNH ....................................................................................... viii
Chương 1 GIỚI THIỆU .............................................................................................. 1
1.1 Đặt vấn đề ................................................................................................................ 1
1.2 Mục đích, yêu cầu ................................................................................................... 2
1.2.1 Mục đích ................................................................................................................ 2
1.2.2 Yêu cầu .................................................................................................................. 2
Chương 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU .......................................................................... 3
2.1 Thành phần loài bọ phấn ........................................................................................... 3
2.2 Phổ ký chủ của bọ phấn ............................................................................................ 4
2.4 Một số kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thái và sinh học của loài bọ phấn
Bemisia tabaci ................................................................................................................. 7
2.4.1 Đặc điểm hình thái ................................................................................................. 7
2.3.2 Đặc điểm sinh học .................................................................................................. 9
2.3.3 Một số nghiên cứu về thành phần thiên địch của bọ phấn ................................... 11
2.5 Biện pháp phòng trừ bọ phấn Bemisia tabaci ......................................................... 13
Chương 3 VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............................... 16
3.1 Địa điểm và thời gian nghiên cứu ........................................................................... 16
3.2 Nội dung nghiên cứu ............................................................................................... 16
3.3 Vật liệu và phương pháp nghiên cứu ...................................................................... 16
3.4 Phương pháp nghiên cứu ........................................................................................ 16

3.4.1 Điều tra thành phần loài bọ phấn trên cà tím tại Hóc Môn, Củ Chi .................... 16
3.4.2 Điều tra phổ ký chủ của loài bọ phấn Bemisia tabaci ......................................... 17
3.4.3 Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái và sinh học chính của bọ phấn Bemisia
tabaci ............................................................................................................................. 18
3.4.4.2 Nghiên cứu đặc điểm hình thái loài bọ phấn Bemisia tabaci ........................... 19
3.4.4.4 Nghiên cứu khả năng sinh sản của bọ phấn ...................................................... 19


vi

3.4.4.5 Nghiên cứu khả năng phát triển sau đẻ trứng của loài bọ phấn trắng Bemisia
tabaci ............................................................................................................................. 20
3.5 Phương pháp thống kê xử lý số liệu........................................................................ 20
Chương 4 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN ................................................................. 21
4.1 Thành phần loài bọ phấn trên cây cà tím tại Hóc Môn, Củ Chi ............................. 21
4.2 Phổ ký chủ của loài bọ phấn Bemisia tabaci tại vùng rau điều tra ở Hóc Môn và Củ
Chi ................................................................................................................................. 22
4.4.1 Tập tính sinh sống của bọ phấn............................................................................ 31
4.4.2 Thời gian phát triển các pha cơ thể và vòng đời của bọ phấn Bemisia tabaci
4.4.3 Khả năng phát triển sau đẻ trứng của bọ phấn ..................................................... 36
Chương 5 KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ ...................................................................... 38
5.1 Kết luận ................................................................................................................... 38
5.2 Đề nghị .................................................................................................................... 39
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................... 40


vii

DANH SÁCH CÁC BẢNG
Bảng 4.1 Thành phần loài bọ phấn gây hại cà tím ở Hóc Môn và Củ Chi năm 2011 ... 21

Bảng 4.2 Cây trồng là cây ký chủ của bọ phấn Bemisia tabaci tại vùng rau điều tra ... 23
Bảng 4.3 Cây hoang dại là cây ký chủ của bọ phấn Bemisia tabaci tại vùng điều tra .. 24
Bảng 4.4 Kích thước các pha phát dục của bọ phấn Bemisia tabaci............................. 28
Bảng 4.5 Thời gian phát dục các pha cơ thể và vòng đời bọ phấn Bemisia tabaci ....... 34
Bảng 4.6 Khả năng đẻ trứng của loài Bemisia tabaci ................................................... 37
Bảng 4.7 Khả năng phát triển sau đẻ trứng của bọ phấn Bemisia tabaci ...................... 38


viii

DANH SÁCH CÁC HÌNH
Hình 4.1 Bọ phấn trưởng thành ................................................................................... 22
Hình 4.2 Một số hình ảnh về cây ký chủ của bọ phấn Bemisia tabaci ........................ 25
Hình 4.3 Pha trứng và pha bọ phấn non....................................................................... 29
Hình 4.4. Các bộ phận của bọ phấn trưởng thành Bemisia tabaci............................... 30
Hình 4.5 Bọ phấn Bemisia tabaci trưởng thành........................................................... 31
Hình 4.6 Ổ trứng của loài Bemisia tabaci.................................................................... 32
Hình 4.7 Bọ phấn non Bemisia tabaci đang lột xác và vỏ nhộng ............................... 33
Hình 4.8 Bọ phấn trưởng thành bắt cặp ....................................................................... 33
Hình 4.9 Vòng đời bọ phấn Bemisia tabaci ................................................................. 36


1

Chương 1
GIỚI THIỆU
1.1 Đặt vấn đề
Rau, củ là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của các
gia đình Việt. Ngoài những giá trị dinh dưỡng do rau củ đem lại đó còn là nguồn thu
nhập chủ yếu của các hộ gia đình trồng rau. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió

mùa như ở nước ta sẽ là điều kiện thuận lợi cho các loại rau màu phát triển. Trong các
loại rau màu được trồng hiện nay thì cà tím cũng là loài cây đem lại lợi nhuận khá cao
cho bà con nông dân. Cà tím có tên khoa học là Solanum melongena L., thuộc họ cà
Solanaceae. Cà tím có nguồn gốc từ Ấn Độ và là cây rau màu được trồng phổ biến ở
Việt Nam và một số vùng thuộc Nam Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ.
Tuy thời tiết thuận lợi cho cây trồng phát triển nhưng bên cạnh đó cũng tạo điều
kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu hại. Riêng đối với cà tím lại có nhiều loại côn trùng
gây hại làm giảm năng suất cây trồng, trong đó bọ phấn trắng Bemisia tabaci là loài
côn trùng gây hại nổi bật. Cả bọ phấn trưởng thành và bọ phấn non đều chích hút nhựa
lá, chủ yếu ở phần lá và đọt non làm lá có những đốm màu vàng, mật độ cao gây hại
nặng chỉ chừa lại gân lá, làm lá rụng và làm giảm tỉ lệ tăng trưởng thực vật, ảnh hưởng
đến năng suất. Tuy nhiên, việc gây hại trực tiếp ngay cả khi mật số cao cũng không
làm cây chết (Berlinger, 1986). Nhưng trong quá trình gây hại nó còn tiết mật ngọt và
lớp sáp trắng tạo môi trường cho nấm bồ hóng phát triển, làm đen bề mặt lá, giảm khả
năng quang hợp, giảm giá trị thương phẩm của sản phẩm ăn lá và ăn trái (Perkins và
Bassett, 1988; Gill, 1992; Zalom và ctv., 1995; Heinz, 1996; Henneberry và ctv., 1997;
Henneberry và ctv., 1998; Chu và Henneberry, 1998 ). Đặc biệt hơn loài Bemisia
tabaci còn là tác nhân truyền virut, gây một số bệnh chưa có thuốc đặc trị, chỉ với mật
độ thấp cũng đủ gây ra thiệt hại đáng kể. B. tabaci được coi là loài phổ biến và là môi
giới truyền virut nghiêm trọng nhất (Cohen và Berlinger, 1986). Có thể gây thiệt hại
làm giảm năng suất đến 95% (Legg, 1999).


2

Ngoài ra, rầy phấn trắng có sức sinh sản rất nhanh, theo một nghiên cứu của
Waterhouse và Norris (1989) ở điều kiện phòng thí nghiệm, cứ 20 cặp bọ phấn trong
vòng 37 ngày đã cho ra 1549 thế hệ con cháu. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, nếu
không được chế ngự thì trong một tương lai không xa, rất có khả năng xảy ra hiện
tượng “đại dịch rầy phấn trắng”. Song song với các biện pháp phòng trừ thì ta cũng

cần xác định ký chủ của rầy phấn trắng để làm sao có thể cách ly ký chủ và bảo vệ tốt
cho cây trồng. Đồng thời tiết kiệm được chi phí phòng trừ dịch hại, điều này đúng với
xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện nay.
Để xác định phương pháp phòng trừ thích hợp ta cần phải nắm rõ đặc điểm sinh
học của bọ phấn. Vì vậy, nghiên cứu đặc điểm sinh học của bọ phấn trắng rất cần thiết
để hạn chế tình hình sâu hại, tăng năng suất và sản lượng cây trồng, đem lại lợi nhuận
cao cho nông dân trồng cà. Đồng thời, tiến hành điều tra thành phần thiên địch và sử
dụng thiên địch hạn chế sự phát triển của bọ phấn trắng. Đây là điều đáng lo ngại nhất
hiện nay cần đựơc nghiên cứu sâu hơn cho nên tôi tiến hành thực hiện đề tài: “ Điều
tra thành phần loài bọ phấn và nghiên cứu một số đặc điểm hình thái, sinh học
chính của bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) hại trên cà tím (Solanum melongena) tại
TP. Hồ Chí Minh ”.
1.2 Mục đích, yêu cầu
1.2.1 Mục đích
Những kết quả trên của đề tài góp phần làm cơ sở thực tiễn và khoa học để
nghiên cứu và xây dựng biện pháp phòng trừ bọ phấn trên cà tím cũng như các loài cây
trồng khác.
1.2.2 Yêu cầu
- Xác định được thành phần loài bọ phấn trên cây cà tím tại TP. HCM
- Xác định được phổ ký chủ của loài bọ phấn Bemisia tabaci tại vườn rau điều tra
- Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái và sinh học chính của bọ phấn Bemisia tabaci.


3

Chương 2
TỔNG QUAN TÀI LIỆU

2.1 Thành phần loài bọ phấn
Bọ phấn trắng thuộc họ Aleyrodidae, bộ cánh đều Homoptera. Chúng tấn công

gây hại trên 34 loài cây trồng khác nhau trong đó có 10 loài cây bị thiệt hại nặng nhất
là nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp, cây rau màu. Kết quả điều tra của Trần Văn Hai
(2004) tại An Giang trên nhóm cây rau màu có 2 loài gây hại chính là Aleurodicus
dispersus Russell, Bemisia tabaci Gennadius. Trong đó, loài bọ phấn B. tabaci là loài
gây hại phổ biến.
Hiện nay, có khoảng 1400 loài bọ phấn nhưng chỉ có 4 loài gây hại chính trên
cà tím là Bemisia tabaci Genn, Trialeurodes vaporariorum Westwood, Aleurothrixus
floccosus, Aleurodicus dispersus (Greathead, 1986). Trong đó, loài B. tabaci lần đầu
tiên được mô tả và phân loại năm 1889 (Mound, 1963; Mound và Halsey, 1978;
Russell, 1957). Nó có nguồn gốc từ Ấn Độ vì tại đây phát hiện ra sự đa dạng của ong
ký sinh bọ phấn B. bataci (Fishpool và Burban, 1994) nhưng hiện nay nó đã xuất hiện
ở nhiều nước nhất là các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới và một số nước ôn đới (Mau và
ctv., 2007).
Loài T. vaporariorum có nguồn gốc từ Trung Mỹ, chúng chủ yếu ở vùng nhiệt
đới và cận nhiệt đới. T. vaporariorum được phát hiện đầu tiên tại Oahu năm 1978
(Jayma L. Martin Kessing, 2007). Loài T. vaporariorum được ghi nhận trên 162 loài
thực vật, thuộc 40 họ, trong nhà kính ở Brazil (Oliveira, 1995) tấn công chủ yếu là rau
quả, đặc biệt là cà chua, cà tím, bầu bí, thuốc lá, xà lách xoong, dưa hấu, đậu, khoai
lang, khoai tây,…
Còn loài Aleurothrixus floccosus Maskell được tìm thấy ở Forida vào đầu
những năm 1900. Nó không những chỉ gây hại trên nhóm cây rau màu mà còn gây hại


4

trên nhóm cây ăn trái, chủ yếu trên các cây thuộc họ cam quýt, cà phê (arabica), ổi, cà
tím, cà tím, xoài, và một số thực vật hoang dã.
Aleurodicus dispersus Russell có nguồn gốc từ Trung Mỹ và vùng Caribbean,
gần đây loài này đã xuất hiện ở châu Á, Châu Mỹ và châu Phi. Loài này có phạm vi ký
chủ rộng tấn công 38 chi thực vật thuộc 27 họ thực vật và hơn 100 loài (Waterhouse và

Norris, 1989) bao gồm nhiều loại rau, cây cảnh như dừa (Cocos nucifera), trạng
nguyên (Euphorbia pulcherrima), đậu tương (Glycine max), cà chua (Lycopersicon
esculentum), xoài (Mangifera indica), chuối (Musa paradisiacal), bơ (Persea
americana), ổi (Psidium guajava), cà tím (Solanum melongena), v.v.
2.2 Phổ ký chủ của bọ phấn
.Aleurodicus dispersus có phổ ký chủ rộng, hình dạng A. dispersus có kích
thước lớn hơn B. tabaci nên dễ nhìn thấy hơn. Loài A. dispersus gây hại chủ yếu trên 4
nhóm cây là nhóm cây ăn trái (ổi), nhóm cây công nghiệp (bông vải, khoai mì), nhóm
cây rau màu (cà chua, khoai tây, đậu đỗ, tím, dưa leo), nhóm cây hoa kiểng – cây cảnh
– cây che mát (Huỳnh Thanh Lộc, 2003).
Bemisia tabaci đã được tìm thấy trên nhiều loại cây trồng như bông cải xanh,
súp lơ, cải bắp Trung Quốc, dưa chuột, hoa dendrobium, cà tím, đậu xanh, ổi, cây dâm
bụt, bí đỏ, hoa hồng, đậu tương, bí đậu, khoai lang, cà chua, dưa hấu, đậu… (Mau và
Tsuda, 2007). Trong 40 năm qua loài bọ phấn B. tabaci Genn được xem là một loài
dịch hại chủ yếu trong nông nghiệp, gây hại hơn 700 loài cây ký chủ, trong đó có 86
họ thực vật (Byrne và ctv., 1990). Trên cây cà tím thì loài bọ phấn B. tabaci là loài gây
hại phổ biến; phạm vi và khả năng gây hại của B. tabaci thay đổi tùy theo loài cây
trồng, mùa vụ và vùng trồng. Như B. tabaci là đối tượng gây hại nghiêm trọng trên
bông vải ở Sudan nhưng không phải là vấn đề nghiêm trọng trên cây bông vải ở Ai
Cập (Oliveira và ctv., 2001)
Tại khu vực Punjab, Pakistan từ năm 1996 – 1999 ghi nhận đã có 160 loài thực
vật thuộc 113 chi của 42 họ bao gồm cây trồng, cây cảnh, cây ăn quả, cây rừng và cỏ
dại bị tấn công bởi B. tabaci. Trong số này có 79 loài thực vật đã được phát hiện lần


5

đầu tiên xuất hiện tại khu vực này. Ngoài ra, có 36 loài chưa được nghiên cứu trước đó
từ nhiều quốc gia trên thế giới. Cho tới nay tổng cộng có 229 loài ký chủ của B. tabaci
đã được nghiên cứu tại Pakistan. Còn theo Mound và ctv. (1978) đã liệt kê có khoảng

600

loài

cây

trồng

thuộc

63 họ

(Asteraceae,

Solanaceae, Brassicaceae,

Convolvulaceae, Cucurbitaceae, Fabaceae, Euphorbitaceae, Malvaceae, …) bị B.
tabaci tấn công.
B. tabaci hiện nay phân bố toàn cầu và được tìm thấy trên tất cả lục địa ngoại
trừ Nam cực ( Martin và ctv., 2000 ). Một vài tài liệu cho rằng B. tabaci được lan rộng
ra khắp thế giới thông qua việc vận chuyển sản phẩm bị nhiễm bọ phấn. Chúng gây hại
hơn 900 cây ký chủ và truyền hơn 111 loài virus. Nó được xem là dịch hại nghiêm
trọng đối với cây trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới bao gồm Châu Phi, Châu Á,
Trung Mỹ, Nam Mỹ và Tây Ấn (Cook, 1986).
Caballero và Nolasco (1995), đã tìm thấy sự xuất hiện của B. tabaci trên 289
cây trồng chủ lực tại Belize, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras,
Nicaragua và Panama. Còn theo Mound và Halsey (1978) B. tabaci gây hại 317 loài
cây ký chủ và có xu hướng gia tăng và lan rộng sang các nhóm cây khác. Theo ghi
nhận gần đây B. tabaci đã phá hại nặng trên nhóm cây công nghiệp, cây cảnh, cây ăn
trái, cây hoang dại (Diehl và Bush, 1984; Bush, 1994).

+ Nhóm cây rau màu gồm cà chua (Lycopersicon esculentum), cà tím (Solanum
melongena), đậu phộng (Arachis hypogaea), cà rốt (Daucus carota), bí (Cucurbita
pepo L.), cây thì là (Anethum graveolens), rau diếp (Lactuca sativa), bông cải xanh
(Brassica oleracea), khoai tây (Solanum tuberosum L.), dưa hấu (Citrullus lanatus),
dưa chuột (Cucumis sativus), mướp đắng (Momordica charantia L.), ớt (Capsium
frutescens L.), đậu bắp (Abelmoschus esculentus), đậu tương (Glycine max L.), ..v..v
(Simmons và ctv., 2008).
+ Nhóm cây ăn trái gồm mãng cầu xiêm (Annona muricata), ổi (Psidium guajava), táo
(Ziziphus mauritiana), bưởi (Citrus grandis), bơ (Persea americana), xoài (Mangifera
indica L.), chuối (Musa paradisiacal), đu đủ (Carica L.),..v..v


6

+ Nhóm cây công nghiệp gồm tiêu (Planococcus citri), thuốc lá (Nicotiana tabacum
L.),.v..v
+ Nhóm cây lương thực gồm sắn (Manihot esculenta), yến mạch (Avena sativa L.), kê
(Panicum miliaceum L.),..v..v
+ Nhóm hoa kiểng gồm hoa loa kèn (Amaryllis formossima), bông hồng đỏ
(Allamanda blanchettii), hoa cẩm chướng (Dianthus caryophyllus), hoa cát tường
(Eustoma grandiflorum), hoa cúc (Cosmos Bipinnuatus), hoa lan denrobiums
(Dendrobium spp.), hoa cúc (Chrysanthemum sp), tulip (Liriodendron tulipifera), ..v..v
+ Nhóm cây hoang dại như dâm bụt (Hibicus rososinensis Lour),..v..v
2.3 Triệu chứng và mức độ gây hại
Theo Phạm Văn Biên và ctv. (2003), bọ phấn B. tabaci non và trưởng thành đều
chích hút nhựa cây, chủ yếu ở phần lá và đọt non, làm lá có các đốm hoặc vùng biến
màu vàng, cây mau suy yếu trường hợp mật số cao gây hại nặng chỉ gân lá còn xanh.
Một số lá có thể hoàn toàn bị nâu, khô héo và chết trên lá và thân có bọ phấn thường
có lớp mốc đen. Bọ phấn trắng phát triển nhanh trong điều kiện nóng và khô, rất nhanh
quen thuốc khi phun ở nồng độ cao, họăc phun thường xuyên định kỳ.

Trước 1980 bọ phấn được coi là một dịch hại nông nghiệp tương đối không
quan trọng ở một số quốc gia. Tuy nhiên, đầu những năm 1980 bọ phấn đã phát triển
mạnh mẽ và khả năng gây thiệt hại lớn cho cây trồng. Trong số các loài bọ phấn gây
hại trên cây cà tím (S. melongena) thì loài B. tabaci được coi là loài gây thiệt hại phổ
biến (Seal, 1993). Chúng chích hút nhựa, tiết chất ngọt thu hút nấm bồ hóng
(Cladosporium sp. và Alternaria sp.) phát triển và nghiêm trọng hơn nó là tác nhân
truyền bệnh virus (Hirano và ctv., 1995).
Ngoài khả năng gây hại trực tiếp chúng còn là vector truyền hơn 110 loài virut
là mối đe dọa nghiêm trọng cho cây trồng thuộc các giống virut như Begomovirus
(Geminiviridae),

Crinivirus

(Closteroviridae),

Carlavirus

hoặc

Ipomovirus

(Potyviridae) (Jones, 2003). Trong đó, Begomovirus là loài virut phổ biến có thể gây


7

thiệt hại làm giảm năng suất từ 20 – 100 % (Brow và ctv., 1992). Hiện nay, đã xác
định được một loài virut gây hại trên một số cây trồng như Zucchini yellow mosaic
virus (ZYMV) và Cucumber mosaic virus (CMV) trên bầu bí, Potato virus Y (PVY)
trên tiêu, TYLCV trên cà chua (Friedmann và ctv., 1998; Lapidot và ctv., 1997), virut

tomato yellow leaf curl Sardinia virus (TYLCSV) trên cà chua, virut CMV gây khảm
trên sắn, virut CYSDV gây khảm vàng trên cà chua, dưa chuột, bầu bí, virut ACMV
gây hại trên khoai mì, virut WCSV gây hại trên dưa hấu, virut BGMV gây hại trên
đậu, virut ACMV gây hại trên khoai mì, virut LCV gây hại trên rau diếp và
geminiviruses khác được tìm thấy trên toàn thế giới (CABI, 2007).
2.4 Một số kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thái và sinh học của loài bọ phấn
Bemisia tabaci
2.4.1 Đặc điểm hình thái
Có nhiều tài liệu mô tả đặc điểm hình thái của bọ phấn B. tabaci như theo tài
liệu của Phạm Văn Biên và ctv. (2003), trứng rất nhỏ, hình bầu dục, có cuống. Bọ
phấn trưởng thành có kích thước nhỏ, dài khoảng 1 mm màu vàng nhạt, trên cơ thể
phủ lớp bột màu trắng như phấn, chân dài và mảnh. Bọ phấn non màu nhạt, hình ovan
dài khoảng 0,7 – 0,9 mm, khi mới nở có chân, bò dưới mặt lá, rồi ở cố định một chỗ
dưới mặt lá. Sau khi lột xác chuyển sang tuổi 2 thì sâu non không còn chân, có thể
nhìn rõ mắt kép và râu đầu. Nhộng thuộc dạng nhộng giả, hình bầu dục, màu sáng, có
lông ở 2 bên sườn, có thể nhìn thấy mắt đỏ của con trưởng thành.
Theo tài liệu của Chu Thị Thơm và ctv. (2006), trứng hình bầu dục, dài khoảng
0,18 – 0,2 mm, vỏ mỏng, mới đẻ có màu trong suốt, sau một đêm chuyển sang màu
vàng xám, sau chuyển dần sang màu nâu xám. Bọ phấn đực dài khoảng 1 mm, cánh
trải rộng khoảng 1,5 mm, con cái dài khoảng 1,4 mm, cánh trải rộng khoảng 2 mm. Bọ
phấn non có màu vàng nhạt, hình ovan, mới nở đã có chân bò dưới mặt lá, kích thước
dài khoảng 0,7 – 0,9 mm; chiều rộng 0,5 – 0,6 mm.
Bọ phấn trưởng thành có râu đầu dài 6 đốt, đốt râu đầu thứ 2 phình to,.chân dài
và mảnh, bàn chân có 2 đốt, cuối bàn có 2 đốt, giữa 2 vuốt có đệm lồi. Bụng có 9 đốt,


8

đốt ngực bụng nhỏ dạng ong. Cánh không trong suốt mà phủ lớp phấn màu trắng,
mạch cánh đơn giản có 1 – 3 mạch cánh, không có mạch cánh ngang. Mắt kép có một

rãnh ngang chia thành hai phần gần giống hình số tám. Trứng có cuống ngắn, mới đẻ
có màu trong suốt sau chuyển sang màu xám. Sâu non màu vàng nhạt, khi mới nở có
chân, bò dưới mặt lá, rồi ở cố định một chỗ dưới mặt lá. Sau khi lột xác chuyển sang
tuổi 2 thì chân sâu non bị thoái hóa. Cuối tuổi 3 sâu non chuyển sang giai đoạn nhộng
giả. Cả bọ phấn non và bọ phấn trưởng thành đều chích hút nhựa cây làm chết mô thực
vật và tiết nước bọt làm lan truyền virut (Nguyễn Thị Chắt, 2000),
Theo Berlinger (1986), giai đoạn mới nở (tuổi 1) thì hoạt động nhưng tuổi 2, 3
thì không hoạt động giống như vảy của rệp dính. Cánh phát triển trong suốt giai đoạn
biến thái và sẽ lộ ra khi chúng vũ hóa thành con trưởng thành. Bọ phấn trưởng thành
nở thông qua ngấn lột xác hình chữ T trên da nhộng và trãi rộng cánh khoảng vài phút
trước khi cánh được phủ một lớp phấn bằng sáp. Chất sáp được bài tiết từ một tuyến
đặc biệt trên lưng. Cơ thể thành trùng có màu trắng nhạt hay vàng nhạt, kích thước
khoảng 0,8 – 1 mm. Khi đậu cánh xếp lại phía sau bụng như mái liều che cơ thể.
Theo USDA (2009) và (Ebenezer, 2008) thành trùng có đôi mắt kép, cơ thể
màu vàng nhạt, đôi cánh được phủ lớp phấn trắng, râu dài 7 đốt, phần miệng kéo dài
và phát triển thành kim chích hút nhựa cây.
Theo Waterhouse và Norris (1989), giai đoạn trứng khoảng 5 – 9 ngày, sau 3 –
4 ngày màu sắc của trứng thay đổi từ màu trắng sang màu nâu nhạt. Giai đoạn ấu trùng
khoảng 14 ngày, trải qua bốn giai đoạn (tuổi 1, tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4). Bọ phấn tuổi 1,
có thể di chuyển được, nó còn được gọi là "loài rận", có đôi chân và râu với chức năng
riêng biệt. Tuổi 2, 3, 4 chúng sống ở một nơi cố định. Khi bước vào giai đoạn nhộng
chúng bắt đầu ngừng ăn và bắt đầu tổ chức lại nội mô trước khi lột xác. Con trưởng
thành có thể sống đến 30 ngày, cơ thể phủ màu trắng, khá nhỏ 2 – 3 mm dài và phủ
một lớp bụi như sáp. Ngay sau khi vũ hóa cánh trong suốt nhưng sau vài giờ xuất hiện
một loại phấn màu trắng bao phủ.


9

2.3.2 Đặc điểm sinh học

Theo Phạm Văn Biên và ctv. (2003), vòng đời bọ phấn trung bình 15 – 25 ngày.
Bọ phấn thường hoạt động vào sáng sớm hay chiều mát, không ưa ánh sáng mạnh.
Khả năng sinh sản của bọ phấn cái có thể đạt từ 50 – 100 trứng. Bọ phấn cái đẻ thành
từng ổ 4 – 6 trứng hoặc rải rác trong mô lá, chúng thường tập chung ở lá bánh tẻ.
Theo Chu Thị Thơm và ctv. (2006), vòng đời của bọ phấn khoảng 35 – 54
ngày, nhiệt độ thích hợp từ 18 – 330 C, ẩm độ thích hợp 90 – 95%. Bọ cái trưởng thành
đẻ thành từng ổ 4 – 6 trứng hoặc rải rác trong mô lá, chúng thường tập chung ở lá bánh
tẻ. Bọ phấn thường phát triển mạnh vào mùa khô.
Bọ phấn cái đẻ trứng một cách đơn lẻ hoặc đẻ trứng thành vòng tròn. Nếu mặt
dưới lá không mịn màng thì trứng đẻ rải rác xung quanh hoặc nếu mặt dưới lá trơn tru
thì con cái đẻ trứng xếp thành vòng tròn nhỏ, đẻ vào lớp mô bên trong ở mặt dưới của
lá cây ký chủ. Đôi khi trứng còn được đặt vào các lỗ khí khổng, trứng có một cuống
nhỏ dùng để hút nước từ lá do đó ngăn ngừa trứng khô trước khi trứng nở. Thời gian
đẻ trứng khoảng 7 ngày, khả năng sống sót trước trưởng thành là 81,25 % (Trần Đình
Phả và ctv., 2008). Thời gian trứng nở tùy vào điều kiện nhiệt độ, ẩm độ, cây ký chủ,
sau 5 – 9 ngày trứng sẽ nở thành bọ phấn non. Ba giai đoạn đầu, mỗi giai đoạn đầu kéo
dài khoảng 2 – 4 ngày tùy vào nhiệt độ. Giai đoạn tuổi 4 (nhộng giả) kéo dài khoảng 6
ngày. Đây cũng là giai đoạn có thể phân biệt loài bọ phấn (Malumphy, 2008).
Các giai đoạn phát triển từ trứng đến trưởng thành khoảng 15 – 70 ngày, phụ
thuộc vào các loài cây chủ và nhiệt độ môi trường, ở 270 C là nhiệt độ tối ưu cho bọ
phấn phát triển. Sau khi trứng nở (bọ phấn non tuổi 1) chúng bắt đầu di chuyển (có thể
di chuyển trong vài giờ với một khoảng cách có thể hơn 30 mm) để tìm một vị trí thích
hợp để gây hại. Sau đó, chúng đặt vòi chích sâu trong mô thực vật và bắt đầu chích
hút. Sang tuổi 2, 3, 4 chúng không thể di chuyển đi nơi khác được do chân bị tiêu biến.
Bọ phấn không có giai đoạn nhộng, bọ phấn tuổi 4 bất động giống như nhộng nên gọi
là nhộng giả. Sau 3 lần lột xác, bọ phấn vũ hóa thành con trưởng thành. Bọ phấn non
thải chất ngọt qua lỗ hậu môn ở trên lưng, chúng thải liên tục không bị giới hạn thời
gian nhất định trong ngày.



10

Vòng đời của bọ phấn trắng khoảng từ 2 – 3 tuần trong điều kiện thời tiết ấm
áp, trong điều kiện thời tiết mát mẻ vòng đời nó khoảng 2 tháng. Tỉ lệ bọ phấn đực cái
trong một quần thể thay đổi theo thời gian, bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường và
tuổi thọ của con đực. Bọ phấn đực có thời gian sống ngắn hơn bọ phấn cái, vì vậy
trong quần thể chủ yếu là con cái. Bọ phấn đẻ trứng nhiều hơn trong điều kiện thời tiết
ấm áp. Những quả trứng này thường được đẻ ở mặt dưới của lá và vuông góc với các
gân lá. Ví dụ ở 200 C con cái sống khoảng 10 – 15 ngày, nhiệt độ thấp ≤ 14 oC con cái
có thể sống được 30 – 60 ngày nhưng phát triển khá chậm. Con đực có chu kỳ sống
ngắn hơn chỉ kéo dài khoảng 9 – 17 ngày (Gerling và ctv., 1986).
Theo Mau và ctv. (2007), bọ phấn cái có thể đẻ từ 28 đến 300 quả trứng, phụ
thuộc vào loài ký chủ và nhiệt độ môi trường. Bọ phấn cái có thể sinh sản hữu tính và
sinh sản vô tính. Bọ phấn cái có thể đẻ trứng chưa được thụ tinh và trứng đã thụ tinh.
Những trứng chưa thụ tinh sẽ nở thành bọ phấn đực còn những trứng thụ tinh sẽ nở
thành bọ phấn cái. Mỗi bọ phấn cái có thể sản đẻ khoảng 200 trứng tùy thuộc vào nhiệt
độ (OISAT, 2004). Bọ phấn trưởng thành có thể sống hơn một tuần và số lượng trứng
đẻ phụ thuộc vào nguồn thức ăn trong giai đoạn trưởng thành (Byrne và Bellows,
1991).
Theo USDA (2009), khả năng sống sót của bọ phấn non là 86,5 % tỉ lệ bọ phấn
đực và cái là 1 : 2,7 (Gorge, 1995). Bọ phấn trưởng thành có thể bò và bay nhưng khả
năng bay kém nhưng phát tán rộng nhờ gió.
Rầy phấn trắng có hai kiểu bay là bay khoảng cách ngắn và bay khoảng cách
dài (Berlinger, 1986). Bay khoảng cách ngắn khi ở trong phạm tán cây hoặc di chuyển
từ lá này sang lá khác hay cây này sang cây khác. Bay khoảng cách dài khi côn trùng
bị gió thổi đi và cuốn đi một cách thụ động nên chúng có phân tán trên phạm vi rộng
nhờ gió. Vì vậy, phạm vi gây hại rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây
trồng.



11

2.3.3 Một số nghiên cứu về thành phần thiên địch của bọ phấn
Nhóm thiên địch ký sinh
Theo Howard (Hoelmer và Kirk, 1999; Gould và ctv., 1998; Goolsby và ctv.,
2005), nhóm ong ký sinh bọ phấn thuộc bộ Hymenoptera - họ Aphelinidae gồm
Encarsia aleurothrixi Evans và Polaszek, Encarsia formosa Gahan, Encarsia hispida
De Santis, Encarsia inaron Walker, Encarsia lutea Masi, Encarsia luteola Howard,
Encarsia nigricephala Dozier, Encarsia cf porteri Mercet, Encarsia meritoria Gahan
và Encarsia coquilletti Howard và Eretmocerus eremicus.
Theo Mark Hoddle (1999), có 2 loài ong ký sinh được sản xuất thành thương
phẩm hiện nay là Encarsia formosa và Eretmocerus eremicus. Cả 2 loài này đều tấn
công vào giai đoạn bọ phấn non tuổi2, 3.
Theo Gerling (1990), có 18 loài ong ký sinh B. tabaci được ghi nhận trong 2 họ
là Aphelinidae và Platygasteridae. Tại Florida phát hiện ra 8 loài ong ký sinh bọ phấn
Amitus bennetti tại Puerto Rico, Eretmocerus rui tại Hong Kong, Eretmocerus sp. tại
Sudan, Eretmocerus mundus Mercet, Encarsia lutea tại Israel, Eretmocerus sp.,
Encarsia bimaculata tại India, Encarsia sp. tại Guatemala, Encarsia pergandiella tại
New Zealand vào những năm 1975 (Nguyen, 1996; Nguyen và Bennett, 1995).
Còn theo George S. Wise (1985), nhóm ong ký sinh bọ phấn có 2 loài chính là
Encarsia formosa, Encarsia sophia. Trong đó, E. formosa là loài ký sinh được sử dụng
rộng rãi trên thế giới để phòng trừ bọ phấn trên rau và cây cảnh trong nhà kính (Gould
và ctv., 1975).
Nhóm thiên địch bắt mồi
Theo George S. Wise (1985), ghi nhận có 54 thiên địch ăn mồi trong đó loài
nhện là loài được ghi nhận ăn bọ phấn non B. tabaci gồm một số loài như Amblyseius
sp., Chrysoperla sp., Typhlodromus athiasae Porath. Các côn trùng thuộc họ
Coccinellidae được xem là loài quan trọng tấn công bọ phấn (Obrycki và Kring, 1998).
Hoelmer và Kirk (1999) đã phát hiện có 2 loài có khả năng tấn công loài bọ phấn B.



12

tabaci là Semidalis flinti, Conwentzia Africana, chúng tấn công các giai đoạn trước
trưởng thành.
Theo Mark Hoddle (1999), ghi nhận có 8 loài côn trùng tấn công bọ phấn thuộc
các họ – bộ sau Phytoseiidae (Acari), Coccinellidae (Coleoptera), Syrphidae (Diptera),
Anthocoridae (Hemiptera), Nabidae (Hemiptera), Miridae (Hemiptera), Chrysopidae
(Neuroptera) và Coniopterygidae (Neuroptera). Trong đó, có 4 loài được đánh giá cao
về khả năng kiểm soát bọ phấn B. tabaci là Delphastus pusillus LeConte, Macrolophus
caliginosus Wagner và Chrysoperla rufilabris.
Theo Lopez – Avila (1996) và Gerling (1990), tìm thấy 19 loài côn trùng thuộc
4 họ (Chrysopidae, Miridae, Anthocoridae, Coccinellidae) và 11 loài nhện thuộc 2 họ
(Phytoseiidae và Stimacidae) là những loài thiên địch của bọ phấn. Ngoài ra, Nomikou
và ctv. (1990) phát hiện ra các loài Neoseiulus barkeri Hughes, Typhlodromips
swirskii Athias – Henriot, Euseius scutalis Athias - Henriot, Phytoseius finitimus
Ribaga có khả năng tấn công loài bọ phấn B. tabaci. Tại Trung Quốc đã tìm thấy 114
loài thiên địch bắt mồi thuộc 9 bộ, 13 họ. Trong đó, Lygust paratensis L., Chrysopa
sinica Tjeder, Chrysoperla carnea Stephen là các loài thiên địch quan trọng nhất.
Ngoài ra, còn có loài bọ rùa Delphatus pusillus là loài bọ rùa có thể tấn công các giai
đoạn sống của bọ phấn (Heinz và ctv., 1996).
Một cuộc khảo sát thiên địch bọ phấn được tiến hành từ tháng 1/ 1999 đến
tháng 3/ 2001 trên một số cây như thuốc lá (Nicotiana tabacum L.), bông (Gossypium
hirsutum L.), cà chua (Lycopersicon esculentum Mill.), bắp cải (Brassica oleracea L.),
đậu tương (Glycine max Merr.), đậu (Phaseolus vulgaris L.), dưa hấu (Cucumis melo
L.), cà tím (Solanum melongena L.) tại Brazil. Kết quả phát hiện ra 14 loài côn trùng
ăn mồi bọ phấn ( thuộc 3 bộ Coleoptera, Diptera, Neuroptera); 12 loài ký sinh và 2 loài
ký sinh cấp 2. Ngoài ra, Macrolophus pygmaeus, Dicyphus tamaninii, Dicyphus
maroccanus, Nesidiocoris tenuis tấn công bọ phấn B. tabaci ở tất cả các giai đoạn, đặc
biệt là tuổi 2, 3 (Kapadia và ctv., 1991).



13

2.5 Biện pháp phòng trừ bọ phấn Bemisia tabaci
Biện pháp canh tác
Vệ sinh đồng ruộng, tạo vườn thông thoáng hạn chế sự phát triển của bọ phấn,
dùng bạt che phủ. Theo Charles và ctv. (2005), cũng ghi nhận rằng khi sử dụng màng
phủ phản chiếu ánh sáng và rơm có tác dụng làm giảm mật số bọ phấn trên cây dưa bở
rất đáng kể so với không phủ, đồng thời làm tăng kích thước trái và năng suất trái.
Không trồng cà tím gần các cây ký chủ phụ của bọ phấn như khoai tây, cà chua,
bầu bí…Nên luân canh cà tím với các cây không phải là ký chủ của bọ phấn.
Sử dụng giống kháng bọ phấn hay có khả năng chống chịu tốt với bọ phấn, nên
dùng giống có thời gian sinh trưởng ngắn để hạn chế sự gây hại của bọ phấn. Dùng các
giống lá có ít lông hay lá trơn. Đối với loài B. tabaci thích các lá có lông hơn là các
giống lá trơn (Nguyễn Đỗ Hoàng Việt, 2009).
Biện pháp vật lý
Dùng bẫy màu vàng để bẫy bọ phấn trưởng thành, bọ trĩ… Tuy nhiên, theo
Simmons (2003) lại cho rằng, một số bẫy dính màu ngoài tác dụng thu hút thành trùng
bọ phấn thì cũng có tác dụng thu hút các loài thiên địch của bọ phấn.
Biện pháp hóa học
Theo Nguyễn Văn Biếu (2002), thì có thể sử dụng các loại thuốc Suprathion,
Lannate, Bi 58 với nồng độ 0,1 - 0,2% đều có thể tiêu diệt bọ phấn. Có thể sử dụng các
loại thuốc hoá học để diệt bọ phấn như Applaud 10WP, Baythroid 5SL, Trebon 10EC,
Pegasus 500SC,… kết hợp với dầu khoáng (Quang Hiển, 2008). Nên áp dụng biện
pháp tổng hợp IPM trong phòng trừ bọ phấn để tránh hiện tượng kháng thuốc của bọ
phấn, không nên sử dụng một biện pháp kiểm soát duy nhất trong một thời gian dài
(CABI, 2007). Cần chú ý luân chuyển các thuốc hóa học để ngăn tính kháng của bọ
phấn. Theo Palumbo và ctv. (2001), việc kiểm soát B. tabaci bằng thuốc hóa học gặp
rất nhiều khó khăn, việc sử dụng thuốc hóa học một cách thường xuyên và lặp lại

nhiều lần nên bọ phấn có khả năng kháng thuốc.


14

Các thuốc trừ sâu được sử dụng để kiểm soát bọ phấn thuộc nhóm
Organochlorines, Organophosphates, Carbamate và Pyrethroid (Arenas, 1998). Trong
số đó nổi bật là hoạt chất buprofezin và pyriproxyfen (Palumbo và ctv., 2001; Liu,
2004). Nên phun thuốc khi bọ phấn còn nhỏ sẽ đạt hiệu quả hơn.
Theo Masood và ctv. (2004), thì cho rằng Mospilan 20SP, Polo 500EC,
Tamaon 60 SL, Confidor 200SL đều có hiệu lực phòng trừ bọ phấn cao sau 2 ngày sử
dụng > 70%, nhưng sau đó hiệu lực giảm dần. Ngoại trừ Tamaon 60 SL, sau 10 ngày
sử dụng Tamaon 60 SL vẫn có có khả năng phòng trừ bọ phấn đến 49,39%.
Khi sử dụng dầu khoáng với nồng độ 2% có tác dụng làm giảm mật số bọ phấn
và bệnh xoăn lá (leaf curl) rất đáng kể (Butter và ctv, 1973). Nếu kết hợp giữa
milbermectin và dầu khoáng thì sẽ nâng cao hiệu lực phòng trừ bọ phấn non và bọ
phấn trưởng thành (Pluschkell và ctv, 1999). Lara và ctv. (2001), thì khuyến cáo rằng
nên sử dụng thiamethoxam trong chương trình quản lý bọ phấn trên cây cà tím. Tuy
nhiên, bọ phấn non và bọ phấn trưởng thành thường nằm ở mặt dưới lá nên thuốc hóa
học khó tác dụng trực tiếp. Do đó, việc dùng thuốc hóa học để kiểm soát bọ phấn thì
thường tốn chi phí không đạt hiệu quả đồng thời gây nên tính kháng thuốc ở bọ phấn.
Biện pháp sinh học
Việc quá lạm dụng thuốc hóa học để phòng trừ bọ phấn, đã dẫn đến sự kháng
thuốc. Có nhiều nghiên cứu hướng vào việc sử dụng các loài thiên địch trong tự nhiên
để phòng trừ bọ phấn (Gerling, 1990; Gerling và ctv, 2001; Van Lenteren và ctv,
1999). Coudriet và ctv. (1985), dùng chất trích hạt cây neem với nồng độ 0,2 - 2% có
tác dụng làm hư trứng, giảm khả năng sinh sản, kéo dài giai đoạn ấu trùng, và diệt
được ấu trùng bọ phấn. Dùng Biosoap là một sản phẩm từ chất trích cây thuốc cá có
khả năng giết chết 78 - 94% bọ phấn mà không ảnh hưởng đến các loài thiên địch và
ngăn chặn tính kháng với các loại thuốc trừ sâu (Chaudhry, 1993).

Fransen (1990) cho rằng có 4 loài nấm gây bệnh côn trùng được ghi nhận là có
khả năng tấn công bọ phấn là Paecilomyces fumosoroseus, P. farinosus, Erynia
radicans và Aschersonia aleyrodi. Còn theo Poprawski và ctv. (2001), Beauveria


15

bassiana và Paecilomyces fumosoroseus có khả năng tiêu diệt ấu trùng bọ phấn. Ngoài
ra, ấu trùng tuổi 1 của B. tabaci cũng bị vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt) tấn công,
ở nồng độ 500μg/ml thì (Bt) có thể kiểm giết chết 60 - 68% ấu trùng tuổi 1 (Al-Shayji
và ctv, 2006).
Còn theo Zhang và ctv. (2003, 2004) ở Trung quốc có 19 loài ong ký sinh bọ
phấn: Encarsia formosa Gahan, Encarsia pergandiella Howard và Eretmocerus
mundus Mercet (Hymenoptera - Aphelinidae). Trong đó Encarsia formosa là loài ký
sinh được sử dụng rộng rãi trên thế giới để phòng trừ bọ phấn trên các loại cây rau và
cây cảnh trồng trong nhà kính (Hoddle M. S. và ctv, 1998).


×