Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

ĐÁNH GIÁ Ô NHIỄM BỤI TRONG MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (89.34 KB, 7 trang )

ĐÁNH GIÁ Ô NHIỄM BỤI TRONG MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Giảng viên: TS.BS. Trần Văn Đại
Mục tiêu học tập:
Sau khi học xong bài này, học viên có khả năng:
1. Trình bày được khái niệm và cách phân loại bụi
2. Trình bày các loại bụi ở nghề hoặc công việc khác nhau
3. Giải thích được các tác hại của bụi
4. Trình bày phương pháp lấy mẫu và phân tích bụi
5. Trình bày được các phương pháp phòng chống bụi trong môi trường lao động.

Nội dung
1. Khái niệm chung về bụi
Khái niệm bụi theo Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế:
- Bụi là các hạt chất rắn nhỏ, theo quy ước các hạt này có đường kính nhỏ hơn
100µm, lắng đọng dưới trọng lượng riêng của chúng nhưng có thể còn lơ lửng trong
không khí một thời gian.
- Bụi thường phát sinh từ những nơi như hầm mỏ, xí nghiệp, nhà máy… trong khi
xay nghiền, vận chuyển các vật liệu cũng như trong các công việc nông nghiệp và lâm
nghiệp. Hạt kích thước càng lớn thì càng lắng đọng nhanh.

2. Phân loại bụi
2.1. Phân loại bụi theo nguồn gốc:
- Bụi có nguồn gốc hữu cơ: bụi hữu cơ tự nhiên có nguồn gốc động vật, thực vật,
các loại nấm mốc và bào tử. Bụi hữu cơ nhân tạo gồm các loại hoá chất, các chất tổng
hợp…
- Bụi có nguồn gốc vô cơ: bụi khoáng chất như cát, đá, than…. Bụi kim loại như
sắt, nhôm….

2.2. Phân loại bụi theo hình dạng:
- Bụi hạt: là bụi có dạng hình cầu hoặc đa cạnh hoặc đa góc.
- Bụi sợi: là bụi có dạng hình que dài thẳng hoặc cong, chiều dài lớn hơn hoặc bằng


3 lần đường kính lớn nhất (dài: rộng> 3:1).
- Bụi mảnh: là bụi có dạng hình que nhưng chiều dài nhỏ hơn 3 lần đường kính lớn
nhất (dài: rộng< 3:1).

2.3. Phân loại theo kích thước (theo đường kính khí động học):
- Bụi toàn phần (bụi tổng): là những hạt rắn nhỏ có có giải kích thước <100µm.
- Bụi phần ngực: là những hạt có giải kích thước <10µm, có thể thâm nhập vào
đường hô hấp trên và đường khí của phổi,


- Bụi hô hấp: là các hạt có giải kích thước <5µm, có khả năng thâm nhập qua tiểu
phế quản tận tới vùng trao đổi khí của phổi (các phế nang).

3. Các loại bụi ở nghề hoặc công việc khác nhau
- Bụi chứa silic tự do (SiO2) gây ra bệnh bụi phổi-silic nghề nghiệp: gặp trong các
ngành, nghề như công nghiệp khai thác mỏ như mỏ than, mỏ đá... do trong quặng hoặc ở
các lớp vỏ đất, đá có chứa silic tự do với tỷ lệ cao;
- Ngành cơ khí-luyện kim, đặc biệt nghề đúc (làm khuôn, tháo dỡ khuôn, làm sạch
vật đúc, nhất là phun cát làm sạch vật đúc). Cát làm sạch đều chứa tỷ lệ silic tự do rất
cao.
- Các nghề khác như sành sứ, thuỷ tinh, đồ gốm có sử dụng thạch anh, samốt. Ngoài
ra còn gặp trong các ngành nghề có sử dụng nguyên vật liệu có chứa silic như que hàn,
sơn, chất dẻo....
- Bụi chì gặp trong nghề khai thác mỏ chì, chế biến quặng, phế liệu có chì, sản xuất
acqui, sơn, đúc khuôn chữ....
- Bụi mangan gặp trong nghề khai thác mỏ mangan, sản xuất vật liệu chịu lửa...
- Bụi amiang gặp trong nghề khai thác mỏ amiang, sản xuất vật liệu cách nhiệt,
chống cháy, chịu axit, cách điện, cách âm có sợi amiang, tấm lợp ximăng-amiang, má
phanh, giấy amiang...
- Bụi bông gặp trong các ngành, nghề trồng và thu hái bông, dệt, sợi, may mặc.

- Các loại bụi khác: rất nhiều hỗn hợp hoá chất và các loại thuốc trừ sâu, gặp trong
công, nông, lâm nghiệp.
- Bụi thảo mộc và hữu cơ: như bột gạo, len, chè, thuốc lá, phấn hoa....gặp trong
nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm.
- Bụi sinh học: như vi sinh vật, nha bào, nấm mốc gặp trong nông, lâm nghiệp
(trồng trọt, chăn nuôi).

4. Tác hại của bụi
4.1. Các bệnh đường hô hấp:
4.1.1. Các bệnh bụi phổi:
- Bụi có thể gây ra các bệnh bụi phổi hay gặp như bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi
phổi amiăng và bệnh bụi phổi bông.
- Các bệnh bụi phổi khác có thể gặp như: bệnh bụi phổi-than ở những công nhân
hầm lò than; bệnh bụi phổi talc do tiếp xúc với bụi talc.
- Ngoài ra, các bệnh bụi phổi khác là bụi phổi-berylli do tiếp xúc với beryli; bệnh
bụi phổi caolanh do tiếp xúc với caolanh; bệnh bụi phổi -bary do tiếp xúc với bary; bệnh
bụi phổi-thiếc do tiếp xúc với thiếc; bệnh bụi phổi - sắt do tiếp xúc với oxit sắt; …


4.1.2. Bệnh nhiễm độc hệ thống:
Mangan, chì, catmium và các hợp chất đi vào hệ tuần hoàn và nội tạng của cơ thể
sau khi bị hoà tan gây nhiễm độc hệ thống.

4.1.3. Ung thư:
Những hạt bụi trong không khí có thể gây ung thư phổi sau khi hít phải là: Asen và
hợp chất; cromat; các hạt có chứa hydrocacbua thơm đa vòng và một số loại bụi có chứa
niken. Các sợi amiăng có thể gây ung thư phế quản và u trung biểu mô.

4.1.4. Gây kích thích và những tổn thương viêm nhiễm phổi:
Các hạt gây kích thích có trong không khí bao gồm: sương cadimi

(viêm phổi, phù phổi), berylli (viêm phổi hoá học cấp tính), vanadi pentoxi, clorua kẽm,
boron hydrua, hợp chất crom, mangan, cyanamide, bụi hoặc sương mù của một số hoá
chất trừ sâu (phù phổi ), mù axit và các fluorua.

4.1.5. Dị ứng và những đáp ứng nhạy cảm khác:
Nhiều bụi thực vật như bụi bã mía, sừng, bông, bột gạo, đay, rơm, chè, thuốc lá, gỗ
là những chất có thể gây dị ứng do hít phải gây hen, sốt rơm hoặc nổi ban mày đay. Hai
bệnh đường hô hấp chính thuộc loại dị ứng do tiếp xúc nghề nghiệp với các hạt bụi là hen
nghề nghiệp và viêm phế nang dị ứng ngoại lai.

4.1.6. Bệnh sốt hơi kim loại:
Đây là một bệnh do tiếp xúc với hơi kim loại sinh ra trong điều kiện lạnh như ôxit
kẽm và magiê.

4.1.7. Bệnh nhiễm khuẩn:
Các hạt chứa nấm, vi rút hoặc các mầm bệnh vi khuẩn có thể đóng một vai trò
trong lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn.

4.1.8. Bệnh than thể phổi:
Có thể mắc do hít phải bụi chứa bào tử than.

4.2. Những tác hại ngoài đường hô hấp:
4.2.1. Những tổn thương ở da và niêm mạc:
Sự kích thích da và bệnh ngoài da là các bệnh phổ biến khi tiếp xúc với bụi. Các u
hạt ở dưới da do berylli gặp ở những người thợ cắt các ống huỳnh quang có chứa hợp
chất berylli. Ung thư da có thể phát sinh do asen và hợp chất của asen. Mù axit cromic có
thể gây thủng vách mũi và “lỗ crom” ở trên da. Những phản ứng dị ứng da có thể phát
sinh do tiếp xúc với bụi của một vài chất dẻo cũng như một số bụi thảo mộc như gỗ, sợi,
đay và bã mía. Tiếp xúc với một số bụi hoà tan có thể bị viêm màng kết hợp.



4.2.2. Sự mòn răng:
Sương mù axit sunfuric là một trong những chất có thể gây mòn răng sau thời gian
tiếp xúc lâu dài.

4.2.3. Những hậu quả sau khi vào qua da và dạ dày – ruột:
Có thể gây nhiễm độc hoặc ung thư.

5. Phương pháp lấy mẫu và phân tích bụi
Để đánh giá mức độ ô nhiễm bụi hay đánh giá nguy cơ mắc các bệnh bụi phổi cần
phải tiến hành lấy mẫu và phân tích mẫu bụi.

5.1. Nguyên tắc về kỹ thuật lấy mẫu:
- Khi lấy mẫu bụi vùng (khu vực), đầu thu bụi để ở tầm hô hấp của người lao động,
vuông góc với hướng phát bụi.
- Mục đích của việc lấy mẫu bụi vùng là để có được một mẫu bụi đại diện cho một
khu vực sản xuất, đánh giá mức độ ô nhiễm bụi trong môi trường lao động.
- Khi lấy mẫu bụi cá nhân, máy lấy mẫu được đeo cho công nhân, đầu thu bụi phải
đặt trong vùng thở của người lao động, cách mũi miệng khồng quá 30cm.
- Mục đích của việc lấy mẫu bụi cá nhân là nhằm đánh giá mức tiếp xúc của người
lao động hay đánh giá nguy cơ của người lao động.

5.2. Phương pháp phân tích mẫu bụi:
- Phương pháp đếm hạt: trong phương pháp này người ta có thể sử dụng các thiết
bị lấy mẫu và đếm hạt bằng kính hiển vi (máy KONIMETRE) hoặc đếm bằng ánh sáng
quét (máy P -5) hay nguồn Laser (máy LD - 1).
- Phương pháp xác định trọng lượng: là phương pháp thu bụi trên giấy lọc, cân
giấy lọc để xác định nồng độ bụi trong môi trường không khí (mg/m3).
Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc lấy mẫu bụi: Vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ
gió) tại điểm lấy mẫu bụi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ bụi môi trường không

khí trong khi đo đạc. Vì vậy, cần phải đo các yếu tố trên trong khi tiến hành lấy mẫu bụi.

- Phương pháp phân tích thành phần hoá học:
Bụi trong không khí môi trường hiếm khi thuần nhất, trong thực tế chúng thường ở
dạng hỗn hợp. Tiến trình lấy mẫu và phân tích thành phần hoá học của bụi được xác định
qua mục đích đo đạc, theo tính chất lí - hoá học của bụi và độ nhạy của phương pháp đề
ra. Các loại bụi thuộc các chất độc đòi hỏi phải sử dụng phương pháp hoá phân tích.
+ Ngoài các phương pháp hoá học ướt cổ truyền, các kim loại độc trong bụi còn có
thể được xác định bằng quang phổ hấp thụ nguyên tử hoặc bằng điện kế. Các muối vô cơ
có thể xác định bằng điện cực đặc hiệu ion. Các chất hữu cơ như hoá chất trừ sâu có thể
được xác định bằng sắc kí (khí hoặc lỏng).


+ Đối với việc định tính và định lượng thành phần khoáng của các mẫu bụi vô cơ
chung, có thể sử dụng phương pháp nhiễu xạ tia X hoặc phương pháp quang phổ hồng
ngoại.
+ Đối với silic dạng tinh thể tự do (Si0 2) có thể sử dụng phương pháp so màu
(phương pháp Polejaeva) hoặc quang phổ hồng ngoại hoặc nhiễu xạ tia X.
+ Đối với bụi dạng sợi như amiăng, phương pháp phổ biến là sử dụng kính hiển vi
quang học tương phản pha để đếm sợi.

6. Đánh giá kết quả
6.1. Tính kết quả:
Trong phương pháp đếm hạt, kết quả được biểu thị bằng số hạt bụi trong 1 cm 3
không khí (hạt/cm3).
Hiện nay có một số thiết bị đếm hạt hiện số điện tử cho kết quả ngay dưới dạng
hạt/phút (như máy P-5 hoặc máy LD-1) nhưng đó không phải là đơn vị tiêu chuẩn. Tuy
nhiên kết quả thu được xem như có tính thời điểm và không đại diện cho tính chất trung
bình có thể sử dụng để đánh giá sự tiếp xúc với bụi trong thời gian dài.
Trong phương pháp xác định trọng lượng (phương pháp cân giấy lọc) kết quả

được biểu thị bằng số mg bụi/1m3 không khí.
Cách tính nồng độ bụi như sau :
Trong đó :

C=

((P' - P) + K). 1000
V
3

C : nồng độ bụi trọng lượng (mg/m ).
P' : trọng lượng giấy lọc sau khi lấy mẫu bụi (mg).
P : trọng lượng giấy lọc trước khi lấy mẫu bụi (mg).
K: giá chị hiệu chỉnh mẫu
1000: qui đổi từ lít sang m3.
V : thể tích không khí lấy mẫu = thời gian (phút) x lưu lượng (lít/phút).
K: Trong phương pháp xác định trọng lượng, phải tiến hành làm một số mẫu
chứng. Nếu trọng lượng của mẫu chứng tăng lên (mg) thì các mẫu bụi phải trừ đi số (mg)
tăng lên đó và ngược lại. K được gọi là giá trị hiệu chỉnh.

6.2. Trả lời kết quả:
Để đánh giá tình hình ô nhiễm bụi và ảnh hưởng của nó tới sức khoẻ con người
cần phải nêu ra nồng độ bụi, đặt biệt là nồng độ bụi hô hấp là loại bụi thâm nhập vào phổi
và gây ra bệnh bụi phổi cho người tiếp xúc.
Đối với loại bụi độc có thể gây ra tác hại nghề nghiệp hoặc bệnh bụi phổi nghề
nghiệp thì cần phải phân tích thành phần hoá học của bụi. Kết quả biểu thị bằng %.


Trong phiếu ghi kết quả phân tích bụi, phải căn cứ vào tiêu chuẩn nồng độ bụi tối
đa cho phép đối với loại bụi đã lấy mẫu và phân tích để nhận xét, đánh giá mức độ ô

nhiễm bụi. Cần nhận xét tình hình vệ sinh, phân tích nguyên nhân phát sinh bụi. Đánh giá
sự ảnh hưởng của các yếu tố vi khí hậu.
Cuối cùng, cần kiến nghị, yêu cầu biện pháp kĩ thuật, hành chính, y tế, biện pháp
phòng hộ cá nhân, chế độ đối với người lao động.

7. Tiêu chuẩn vệ sinh cho phép
Ở Việt Nam hiện nay, có hai hệ thống tiêu chuẩn vệ sinh về bụi:
- Tiêu chuẩn Quốc gia: TCVN 5509-1991.
- Tiêu chuẩn ngành – Bộ y tế: Tiêu chuẩn vệ sinh lao động số 3733/2002/QĐ-BYT.
TCVN 5509-1991 đưa ra nồng độ tối đa cho phép đối với bụi chứa silíc và bụi
không chứa silíc. Tiêu chuẩn vệ sinh lao động số 3733/2002/QĐ-BYT ngoài việc quy
định nồng độ tối đa cho phép đối với 2 loại bụi trên còn đưa ra quy định đối với nồng độ
bụi bông và bụi amiăng trong môi trường lao động. Các thông số quy định trong hai tiêu
chuẩn trên là tương đương nhau. Trong quá trình đánh giá ô nhiễm bụi trong môi trường
lao động, chúng ta có thể áp dụng một trong hai tiêu chuẩn trên.

8. Các biện pháp phòng chống ô nhiễm bụi
8.1. Các biện pháp kỹ thuật làm giảm ô nhiễm bụi:
- Biện pháp thay thế: thay thế những nguyên liệu độc hại bằng những nguyên liệu ít
hoặc không độc hại. Có thể thay thế cát silíc bằng olivine (Mg, Fe)2SiO4 ít độc hại hơn.
- Thay đổi quy trình sản xuất để hạn chế phát sinh bụi. Cơ giới hoá, tự động hoá để
tránh tiếp xúc với bụi.
- Biện pháp thông khí: bao gồm thông khí chung (đưa không khí sạch vào để hoà
loãng không khí bị ô nhiễm rồi sau đó hút không khí bị pha loãng đó ra bằng quạt hút) và
thông khí hút cục bộ (hút bụi bằng một chụp hút rồi đẩy không khí có chứa bụi ra ngoài
qua các ống dẫn bằng quạt đẩy).
- Biện pháp cách ly: những nguồn phát sinh nhiều bụi được che chắn, cách ly để hạn
chế bụi phát tán ra các công đoạn, bộ phận khác.
- Biện pháp làm ẩm: những nơi bụi nhiều (bộ phận xay, nghiền, khoan,...) nếu điều
kiện kỹ thuật cho phép có thể phun nước, tưới ẩm nguyên, vật liệu; dùng quạt phun

sương làm ẩm không khí nhằm làm giảm nồng độ bụi môi trường.

8.2. Biện pháp hành chính:
- Tổ chức dây chuyền sản xuất hợp lý. Bố trí nơi làm việc gọn gàng, ngăn nắp. Làm
vệ sinh mặt bằng sản xuất thường xuyên.
- Tổ chức các lớp về vệ sinh an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người
lao động, khuyến cáo các tác hại do bụi silíc gây ra và các biện pháp bảo vệ.


- Thường xuyên kiểm tra môi trường lao động. Đo nồng độ bụi, đặc biệt là nồng độ
bụi hô hấp. Phân tích hàm lượng silíc tự do trong bụi.

8.3. Biện pháp cá nhân:
- Đeo khẩu trang ngăn bụi (loại có hiệu suất lọc bụi hô hấp cao ).
- Nơi làm việc có nồng độ bụi và hàm lượng silíc tự do trong bụi cao thì phải sử
dụng bán mặt nạ hoặc mặt nạ lọc bụi.

8.4. Biện pháp y tế:
- Tổ chức khám tuyển công nhân vào lao động trong những ngành nghề tiếp xúc với
bụi nhiều theo đúng những tiêu chuẩn khám tuyển đã qui định.
- Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hàng năm. Những bộ phận sản xuất mà công nhân
phải tiếp xúc với bụi nhiều và hàm lượng silíc trong bụi cao thì phải khám sức khoẻ định
kỳ 6 tháng một lần, khám phát hiện sớm bệnh bụi phổi silíc nghề nghiệp.
Trong các biện pháp trên, các biện pháp kỹ thuật là mong muốn nhất và hiệu quả
nhất, có thể kiểm soát được ô nhiễm bụi tại nguồn để làm giảm tiếp xúc cho người lao
động. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thực hiện được các biện pháp này bởi các lý do
về kinh tế, kỹ thuật và điều kiện sản xuất.
Những người làm công tác y học lao động, trong quá trình giám sát, đánh giá môi
trường lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ đề xuất, khuyến nghị các biện pháp dự phòng phù
hợp, khả thi cho từng cơ sở sản xuất để bảo vệ sức khoẻ người lao động.




×