BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
PHAN THANH NGUYÊN
PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN
CHI TIÊU GIÁO DỤC CỦA HỘ GIA ĐÌNH Ở
VIỆT NAM NĂM 2014
LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ HỌC
Tp. Hồ Chí Minh, Năm 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan rằng luận văn “Phân tích các yếu tố tác động đến chi tiêu cho giáo
dục của hộ gia đình ở Việt Nam năm 2014” là bài nghiên cứu của chính tôi.
Ngoại trừ những tài liệu tham khảo được trích dẫn trong luận văn này, tôi cam đoan
rằng toàn phần hay những phần nhỏ của luận văn này chưa từng được công bố hoặc
được sử dụng để nhận bằng cấp ở những nơi khác.
Không có sản phẩm nghiên cứu nào của người khác được sử dụng trong luận văn này
mà không được trích dẫn theo đúng quy định .
Luận văn này chưa bao giờ được nộp để nhận bất kỳ bằng cấp nào tại các trường đại
học hoặc cơ sở đào tạo khác.
TP. Hồ Chí Minh, năm 2016
PHAN THANH NGUYÊN
i
LỜI CẢM ƠN
Trước tiên, em xin chân thành cảm ơn quý thầy cô Khoa Sau Đại - Trường Đại
Mở TP HCM đã tận tình giảng dạy, truyền đạt cho em những kiến thức vô cùng quý
giá trong suốt thời gian học tại trường để làm hành trang giúp em vững bước trong
cuộc sống.
Em xin chân thành cảm ơn thầy Lê Bảo Lâm, Thầy Nguyễn Minh Hà, Cô
Nguyễn Kim Phước, những giáo viên trực tiếp hướng dẫn đã nhiệt tình giúp đỡ em
trong quá trình thực hiện luận văn tốt nghiệp này.
Kế đến, tôi gửi lời cảm ơn đến các bạn cùng lớp Cao học Kinh tế học khóa 5 và
những người bạn thân thiết của tôi đã động viên và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học
tập.
Cuối cùng em xin chúc quý thầy, cô luôn dồi dào sức khỏe, gặt hái được nhiều
thành công trong công tác giảng dạy, nghiên cứu.
ii
TÓM TẮT
Luận văn này được thực hiện để phân tích các nhân tố tác động đến chi tiêu cho
giáo dục của hộ gia đình ở Việt Nam năm 2014. Từ đó, kiến nghị một số chính sách để
nâng cao chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình ở Việt Nam.
Số liệu thứ cấp lấy từ dữ liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2014. Luận
văn tiến hành trích lọc số liệu riêng của hai nhóm hộ cho từng năm và tiến hành hồi
quy theo phương pháp OLS. Các mô hình nghiên cứu đều có ý nghĩa thống kê và kết
quả cho thấy các nhân tố tác động và mức độ tác động của các nhân tố đó đến chi tiêu
cho giáo dục hộ gia đình Việt Nam.
Các nhân tố tác động đến chi tiêu cho giáo dục hộ gia đình Việt Nam 2014, bao
gồm: tổng số giờ làm việc của trẻ, hộ thuộc diện nghèo, dân tộc Kinh, trình độ học
vấn của chủ hộ, ….
Với kết quả phân tích, để nâng cao chi tiêu cho giáo dục của các nhóm hộ gia
đình Việt Nam, luận văn kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực và ngân sách đầu
tư cho giáo dục đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, chính quyền địa
phương ở các tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị dạy học ở các địa bàn
khó khăn của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc
làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trợ cấp giáo dục cho hộ nghèo.
Tuy còn tồn tại nhiều hạn chế nhất định, kết quả nghiên cứu vẫn là tài liệu có
giá trị tham khảo cho những người quan tâm đến vấn đề giáo dục, các nhà hoạch định
chính sách và những người làm công tác nghiên cứu.
iii
MỤC LỤC
Trang
LỜI CAM ĐOAN .............................................................................................................i
LỜI CẢM ƠN ................................................................................................................. ii
TÓM TẮT...................................................................................................................... iii
MỤC LỤC ......................................................................................................................iv
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT .................................................vi
DANH MỤC CÁC BẢNG ........................................................................................... vii
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ...................................................................... viii
CHƯƠNG 1 ..................................................................................................................... 1
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU........................................................................................ 1
1.1 Vấn đề nghiên cứu.................................................................................................. 1
1.2 Mục tiêu nghiên cứu ............................................................................................... 2
1.3 Câu hỏi nghiên cứu ................................................................................................ 3
1.4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu........................................................................... 3
1.4.1 Đối tượng nghiên cứu ...................................................................................... 3
1.4.2 Phạm vi nghiên cứu ......................................................................................... 3
1.5 Bố cục đề tài ........................................................................................................... 3
CHƯƠNG 2 ..................................................................................................................... 5
CƠ SỞ LÝ THUYẾT ...................................................................................................... 5
2.1 Các khái niệm ......................................................................................................... 5
2.1.1 Hộ gia đình....................................................................................................... 5
2.1.2 Giáo dục ........................................................................................................... 5
2.1.3 Chi tiêu cho giáo dục của hộ ............................................................................ 5
2.2 Các lý thuyết có liên quan ...................................................................................... 6
2.2.1 Kinh tế học hộ gia đình .................................................................................... 6
2.2.2 Mô hình kinh tế của chi tiêu hộ gia đình ......................................................... 7
2.2.3 Mô hình Working’s Engel................................................................................ 7
2.2.4 Lý thuyết hành vi người tiêu dùng ................................................................... 7
2.3 Các yếu tố anh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình .......................... 8
Các nghiên cứu trước ............................................................................................... 11
Nghiên cứu Glewwe và Patrinos (1999) ................................................................. 11
Nghiên cứu Tilak (2002) ......................................................................................... 13
Nghiên cứu Aysit Tansel (2005) ............................................................................. 15
Nghiên cứu của Đặng Hải Anh (2007) ................................................................... 15
Nghiên cứu của Qian và Smyth (2010)................................................................... 17
Nghiên cứu của Donkoh và Amikuzuno (2011) ..................................................... 18
Nghiên cứu của Vũ Quang Huy (2012): ................................................................. 18
iv
Nghiên cứu của Trần Thanh Sơn (2012) ................................................................ 19
Tóm tắt chương 2 ........................................................................................................... 23
CHƯƠNG 3 ................................................................................................................... 24
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ................................................................................. 24
3.1 Mô hình nghiên cứu ............................................................................................. 24
3.1.1 Mô hình nghiên cứu đề xuất .......................................................................... 24
3.1.2 Giải thích các biến trong mô hình .................................................................. 25
Đặc điểm Hộ gia đình .................................................................................................... 28
3.2 Dữ liệu nghiên cứu ............................................................................................... 31
Dữ liệu .................................................................................................................... 31
Phương pháp trích thông tin từ bộ dữ liệu VHLSS ................................................ 31
3.3 Phương pháp nghiên cứu ...................................................................................... 32
Tóm tắt chương 3 ........................................................................................................... 33
CHƯƠNG 4 .................................................................................................................. 34
KẾT QUẢ PHÂN TÍCH DỮ LIỆU .............................................................................. 34
4.1 Tổng quan về chi tiêu giáo dục hộ gia đình ......................................................... 34
4.2. Thống kê mô tả.................................................................................................... 36
4.2.1 Thống kê mô tả chi tiết các yếu tố ................................................................. 36
4.2.2 Thống kê mô tả các biến độc lập với biến phụ thuộc .................................... 41
4.3. Phân tích tương quan........................................................................................... 45
4.4. Phân tích mô hình nghiên cứu bằng phương pháp OLS ..................................... 48
4.5. Kiểm định mô hình.............................................................................................. 48
4.5.1 Kiểm định độ phù hợp của mô hình .............................................................. 48
4.5.2 Kiểm định phần dư ........................................................................................ 49
4.5.3 Kiểm định phân phối chuẩn của phần dư ...................................................... 49
4.5.4 Phương sai đồng nhất .................................................................................... 51
4.6. Thảo luận kết quả nghiên cứu ............................................................................. 51
4.6.1 Các biến có tác động đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình .......................... 51
4.6.2 Các biến không tác động đến chi tiêu giáo của hộ gia đình .......................... 54
Tóm tắt chương 4........................................................................................................... 54
CHƯƠNG 5 .................................................................................................................. 55
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ....................................................................................... 55
Kết luận.......................................................................................................................... 55
Gợi ý chính sách ............................................................................................................ 58
Hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo ......................................................601
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...........................................................................................622
PHỤ LỤC ...................................................................................................................... 65
v
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
GDP
: Tổng sản phẩm nội địa, tức tổng sản phẩm quốc nội
KSMS
: Khảo sát mức sống
OECD
: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế
OLS
: Bình phương bé nhất (Ordinary Least Squares)
VHLSS
: Dữ liệu khảo sát mức sống hộ gia đình
vi
DANH MỤC CÁC BẢNG
Trang
Bảng 1.1 Tỷ lệ chi tiêu giáo dục công trên GDP của Việt Nam và các nước ........................ 2
Bảng 2.1 Tóm tắt các nghiên cứu trước ........................................................................ 21
Bảng 3.1 Các yếu tố tác động đến chi tiêu cho giáo dục của hộ .................................. 28
Bảng 3.2 Mô tả tóm tắt đặc điểm các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến chi tiêu cho
giáo dục của các nhóm hộ gia đình ở Việt Nam ........................................................... 30
Bảng 3.3 Cách trích lọc số liệu từ dữ liệu VHLSS ....................................................... 32
Bảng 4.1 Thống kê mô tả tổng chi tiêu và chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình........ 36
Bảng 4.2 Thống kê mô tả khu vực sinh sống của hộ gia đình...................................... 37
Bảng 4.3 Thống kê mô tả dân tộc của hộ gia đình ....................................................... 37
Bảng 4.4 Thống kê mô tả giới tính của chủ hộ gia đình .............................................. 38
Bảng 4.5 Thống kê mô tả trình độ học vấn của chủ hộ gia đình .................................. 38
Bảng 4.6 Thống kê mô tả tuổi của chủ hộ gia đình đã được mã hóa ........................... 39
Bảng 4.7 Thống kê mô tả tình trạng hôn nhân của chủ hộ gia đình ............................. 39
Bảng 4.8 Thống kê mô tả hộ thuộc diện hộ nghèo năm 2014 ...................................... 39
Bảng 4.9 Thống kê mô tả số giờ lao động của trẻ em trong hộ.................................... 40
Bảng 4.10 Mô tả số người trong độ tuổi từ 1-5 ............................................................ 40
Bảng 4.11 Mô tả số người trong độ tuổi từ 6-10 .......................................................... 40
Bảng 4.12 Mô tả số người trong độ tuổi từ 11-17 ........................................................ 41
Bảng 4.13 Mô tả số người trong độ tuổi từ 18-22 ........................................................ 41
Bảng 4.14 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo nơi sinh sổng của hộ
gia đình. ........................................................................................................................ 41
Bảng 4.15 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo dân tộc của chủ hộ
gia đình. ........................................................................................................................ 42
Bảng 4.16 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo giới tính của chủ hộ
gia đình. ........................................................................................................................ 42
Bảng 4.17 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo trình độ học vấn chủ
hộ gia đình (cấp học). ................................................................................................... 42
Bảng 4.18 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo nhóm tuổi của chủ hộ
gia đình. ........................................................................................................................ 43
vii
Bảng 4.19 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo tình trạng hôn nhân
của chủ hộ gia đình. ...................................................................................................... 43
Bảng 4.20 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo diện hộ nghèo năm
2014. ............................................................................................................................. 44
Bảng 4.21 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo số người phụ thuộc
trong độ tuổi từ 1-5. ...................................................................................................... 44
Bảng 4.22 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo số người phụ thuộc
trong độ tuổi từ 6-10. .................................................................................................... 44
Bảng 4.23 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo số người phụ thuộc
trong độ tuổi từ 11-17. .................................................................................................. 45
Bảng 4.24 Thống kê mô tả chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục theo số người phụ thuộc
trong độ tuổi từ 18-22. .................................................................................................. 45
Bảng 4.25 Phân tích mối tương quan giữa các biến ..................................................... 46
Bảng 4.26 Kết quả hồi quy ........................................................................................... 48
Bảng 4.27 Mô hình tóm tắt kiểm định độ phù hợp của mô hình .................................. 48
Bảng 4.28 Phân tích phương sai (Anova)..................................................................... 49
Bảng 4.29 Mô tả phương sai đồng nhất........................................................................ 51
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ
Trang
Hình 4.1 Biểu đồ phân phối chuẩn của phần dư........................................................... 50
Hình 4.2 Đồ thị Normal P-P Plot để quan sát .............................................................. 50
viii
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Nội dung chương tổng quan nghiên cứu sẽ giới thiệu về vấn đề nghiên cứu,
mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, đồng thời
bố cục của luận văn cũng được trình bày ở cuối chương.
1.1 Vấn đề nghiên cứu
Phát triển giáo dục và đầu tư vào vốn con người luôn là đòn bẩy quan trọng cho
sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Ở góc độ vĩ mô, đầu tư cho giáo dục giúp
nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế. Đây là tiền đề
quan trọng cho sự phát triển ổn định của mỗi quốc gia. Ở góc độ vi mô, đầu tư cho
giáo dục là con đường quan trọng để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Giáo dục còn giúp
hộ gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống và địa vị xã hội. Vì lẽ đó, đầu tư cho giáo
dục có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là
các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Những nước đang phát triển như Việt Nam bên cạnh nguồn tài nguyên đang
dần cạn kiệt thì nguồn vốn con người giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự sáng tạo,
phát minh và phát triển kinh tế bền vững. Để vốn con người được hình thành thì các
nhà đầu tư thường sử dụng giáo dục đào tạo là công cụ để tạo kiến thức và kinh
nghiệm trong cuộc sống lao động. Mỗi năm chính phủ thường đầu tư rất lớn vào giáo
dục công và qua bảng 1.1 ta thấy tỷ lệ chi tiêu giáo dục công trên GDP của Việt Nam
khá cao vào năm 2013 tỷ lệ này cao hơn cả Hoa Kỳ, ngoài ra vào năm 2011 các nước
thuộc OECD có trung bình tỷ lệ chi tiêu giáo dục công trên tổng chi tiêu công là 12,9%
(OECD, 2014) trong khi ở Việt Nam thì tỷ lệ này là 12,63% (Tổng cục thống kê Việt
Nam, 2014) nên cho thấy phát triển giáo dục là chính sách quan trọng hàng đầu của
Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng vốn con người để cạnh tranh với quốc tế cũng như
nhằm tăng thu nhập tương lai cho người dân. Tuy nhiên để chính sách này phát huy
hiệu quả cần phải có sự tham gia tích cực của hộ gia đình cho đầu tư giáo dục trên cả
nước.
Với GDP năm 2014 của Việt Nam là 186,2 tỷ đô la, thu nhập bình quân đầu
người tại Việt Nam là 2.028 đô la, tỷ lệ tăng trưởng GDP là 6,0, Việt Nam chi khoảng
20% ngân sách cho giáo dục, nhưng vì nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé và số lượng
1
người trẻ lại nhiều nên ngân quỹ này thường thiếu hụt và ít ỏi để đáp ứng được nhu
cầu nâng cao chất lượng đào tạo (Đào Thị Liên Hương, 2015).
Qua hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành công trong phát
triển kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân đã được cải thiện một cách đáng kể, chi
tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình cũng tăng lên. Mặc dù đạt được những bước tiến
quan trọng trong thời gian gần đây, nhưng giáo dục Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất
cập trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục dẫn đến trợ cấp cho ngành giáo dục sụt giảm,
gánh nặng chi tiêu cho giáo dục của người dân tăng dần. Như vậy, việc tìm ra các yếu
tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục sẽ là một tiền đề cho các chính sách được thực
hiện nhằm giúp nâng cao trình độ giáo dục của cả nước. Chính vì vậy, đề tài “Phân
tích các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình ở Việt Nam
năm 2014” được thực hiện
Bảng 1.1: Tỷ lệ chi tiêu giáo dục công trên GDP của Việt Nam và các nước
Tên nước
Năm 2012
Năm 2013
VIỆT NAM
4,89
6,29
NHẬT BẢN
3,44
3,78
LÀO
2,28
2,77
INDONESIA
2,90
2,99
MALAYSIA
3,96
5,12
SINGAPORE
2,81
3,17
THÁI LAN
3,75
3,75
HOA KỲ
5,30
5,42
AUSTRALIA
4,65
5,59
OECD
5,17
5,59
Nguồn: World Bank, 2014
1.2 Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài được thực hiện nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho
giáo dục của hộ gia đình ở Việt Nam trong năm 2014.
Phân tích thực trạng về chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình Việt Nam.
Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình Việt
2
Nam năm 2014.
Đề xuất các giải pháp làm cơ sở và góp phần thực hiện các chính sách nhằm
phân bổ hợp lý các nguồn lực trong giáo dục để nâng cao trình độ học vấn cho người
dân ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
1.3 Câu hỏi nghiên cứu
Thực trạng chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình Việt Nam như thế nào?
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình Việt
Nam 2014?
1.4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1.4.1 Đối tượng nghiên cứu
Chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình Việt Nam chịu tác động bởi nhiều yếu tố:
điều kiện kinh tế, gia cảnh hộ, môi trường sống và nhận thức của người dân Việt Nam
năm 2014.
1.4.2 Phạm vi nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu các hộ gia đình ở Việt Nam năm 2014. Đề tài sử dụng kết quả
khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2014.
1.5 Bố cục đề tài
Đề tài được chia thành 5 chương, cụ thể như sau:
Chương 1: Tổng quan nghiên cứu
Trình bày sự cần thiết của nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu,
đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Chương 2: Cơ sở lý thuyết
Trình bày các khái niệm, cơ sở lý thuyết, các nghiên cứu trước có liên quan. Các
khái niệm về hộ gia đình, chủ hộ, chi tiêu cho giáo dục của hộ. Cơ sở lý thuyết gồm
có: giáo dục, chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình, mối quan hệ giữa nguồn lực gia
đình và chi tiêu cho giáo dục của hộ, kinh tế học hộ gia đình. Các nghiên cứu trước có
liên quan.
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu
Nội dung của chương tập trung vào việc xác định mô hình nghiên cứu và các
biến trong mô hình từ cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước, nguồn dữ liệu và các dữ
liệu có liên quan. Bên cạnh đó, các phương pháp phân tích cụ thể để giải quyết các
3
mục tiêu nghiên cứu đã đề ra cũng được xác định trong chương này.
Chương 4: Kết quả nghiên cứu
Nội dung của chương đánh giá sơ lược thực trạng chi tiêu cho giáo dục của hộ
gia đình ở Việt Nam.
Kết quả phân tích chi tiêu giáo dục của hộ gia đình Việt Nam gồm: thống kê mô
tả, kiểm tra các giả thuyết của mô hình, phân tích kết quả của mô hình kinh tế lượng.
Từ đó, xác định các yếu tố và mức độ tác động của các yếu tố đó đến chi tiêu cho giáo
dục của hộ gia đình Việt Nam năm 2014.
Chương 5: Kết luận và khuyến nghị
Trình bày những kết luận được rút ra từ kết quả phân tích và đưa ra một số gợi ý
về chính sách, khuyến nghị nhằm nâng cao vốn con người của Việt Nam.
4
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Chương 2 sẽ trình bày tóm lược các khái niệm về hộ gia đình, chủ hộ, chi tiêu
cho giáo dục của hộ. Bên cạnh đó, chương này cũng trình bày tổng quan cơ sở lý
thuyết và các nghiên cứu trước có liên quan đến chi tiêu cho giáo dục của hộ.
2.1 Các khái niệm
2.1.1 Hộ gia đình
Hộ gia đình được xem như là một đơn vị thống kê dân số, một tập hợp người có
mối quan hệ gắn kết với nhau có lúc người ta đồng nhất nó với khái niệm gia đình. Xét
trên ý nghĩa thống kê mỗi con người chỉ có thể thuộc về một và chỉ một hộ gia đình
nào đó. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (2010) về điều tra chi tiêu cho giáo dục cho
rằng hộ gia đình cần phải có bốn đặc điểm cơ bản: (1) các thành viên trong hộ có
chung địa chỉ thường trú, (2) các thành viên thống nhất trong chia sẻ các loại chi phí
cần thiết để đảm bảo cuộc sống, (3) có đóng góp chung phần thu nhập cũng như các
loại tài sản tạo thành ngân sách chung của hộ, (4)có sự ràng buộc về mối quan hệ
huyết thống hoặc tình cảm giữa các thành viên trong hộ gia đình.
Theo quy định của Bộ Luật dân sự (2005) của Việt Nam thì hộ gia đình bao
gồm các hành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế
chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
khác do pháp luật quy định.
2.1.2 Giáo dục
Giáo dục theo nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, và
thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông
qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn
của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Bất cứ trải nghiệm nào có ảnh
hưởng đáng kể lên cách mà người ta suy nghĩ, cảm nhận, hay hành động đều có thể
được xem là có tính giáo dục. Giáo dục thường được chia thành các giai đoạn như giáo
dục tuổi ấu thơ, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, và giáo dục đại học (John,1944).
2.1.3 Chi tiêu cho giáo dục của hộ
Chi tiêu cho giáo dục của hộ được hiểu là số tiền của hộ gia đình dành cho giáo
dục của các thành viên trong hộ trong 12 tháng.
5
Theo sổ tay khảo sát mức sống hộ gia đình (2014), chi tiêu cho giáo dục của hộ
bao gồm các khoản cơ bản sau:
- Các khoản chi cho việc đi học của thành viên có đi học trong 12 tháng qua cho
những môn học nhà trường quy định, bao gồm: Học phí; Trái tuyến; Đóng góp cho
trường lớp (quỹ xây dựng,…); Quỹ phụ huynh học sinh, quỹ lớp; Quần áo đồng phục
và trang phục theo quy định; Sách giáo khoa, sách tham khảo; Dụng cụ học tập khác
(Giấy bút, cặp, vở,…); Học thêm cho môn học thuộc chương trình quy định; Chi giáo
dục khác (Lệ phí thi, đi lại, trọ, bảo hiểm thân thể học sinh, sinh viên,…).
- Chi phí cho giáo dục đào tạo khác trong 12 tháng qua (các bằng ngoại ngữ,
đánh máy tốc ký, cắt tóc làm đầu, trang điểm,…).
Theo ủy ban châu Âu (2010), chi phí giáo dục của hộ gia đình thành hai
phần: chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp, cụ thể như sau:
+ Chi phí trực tiếp, gồm có: học phí, lệ phí đăng ký các khóa học, phí
chăm sóc nhà trẻ, phí học thêm, phí mua sách vở, đồ dùng học tập, phí mua
đồng phục.
+ Chi phí gián tiếp, gồm có: phí di chuyển trong quá trình đi học, phí
mua thức ăn và ở lại nôi trú, bán trú, phí mua các đồ dùng học tập để tự học,
mua sắm máy tính cá nhân, chi phí quà tặng cho người khác ngoài hộ gia đình
vì mục đích học tập.
2.2 Các lý thuyết có liên quan
2.2.1 Kinh tế học hộ gia đình
Một vài nghiên cứu thực nghiệm trước đây đã xem xét cách thức hộ gia đình
phân phối các nguồn lực. Becker (1964) đã mở rộng mô hình tân cổ điển về cầu tiêu
dùng của gia đình. Trong mô hình này, hàm hữu dụng được tối đa hóa là hàm hữu
dụng chung, theo đó tất cả thành viên trong hộ gia đình ban đầu đều có một mức hữu
dụng tối đa như nhau. Thu nhập được phân phối theo phương thức tỷ lệ thay thế biên
giữa bất kỳ hai hàng hóa tiêu dùng nào là như nhau đối với từng thành viên. Tất cả các
nguồn lực có được của từng thành viên ban đầu được gộp chung lại, sau đó mới tái
phân phối cho từng thành viên theo một nguyên tắc chung. Theo mô hình của Becker
(1965), sở thích của từng các nhân là sở thích chung của hộ gia đình. Tuy nhiên, trên
thực tế sở thích của từng thành viên có thể khác nhau, hơn nữa, các nguồn lực được
6
phân phối hướng về những hàng hóa cho nên sẽ khác với mong muốn của từng thành
viên trong hộ gia đình.
2.2.2 Mô hình kinh tế của chi tiêu hộ gia đình
Houthakker (1957) đã nghiên cứu các mô hình toán kinh tế giữa chi tiêu
cho một loại hàng hóa cụ thể và tổng chi tiêu của hộ gia đình. Ban đầu có ba
dạng hàm được đưa vào xem xét gồm: tuyến tính, bán logarit và logarit kép.
Houthakker (1957) nhận định rằng dạng hàm tuyến tính không phù hợp để
phản ánh các mối quan hệ trong chi tiêu và ông đã sử dụng dạng hàm logarit
kép được phát triển từ lý thuyết đường cong Engel. Mô hình toán có dạng cụ
thể như sau:
logYi = αi + βi log X1 + µi log X2 + εi
Trong đó Yi là chi tiêu cho nhóm hàng hóa thứ i, X1 là tổng chi tiêu, X2
là số lượng thành viên trong hộ gia đình, εi là sai số, αi βi và µi là các hệ số
được ước lượng từ mô hình hồi quy OLS. Đối với các hệ số hồi quy thì βi và µi chính
là hệ số co dãn của tổng chi tiêu và quy mô hộ gia đình khi xem xét
trong mối quan hệ với chi tiêu cho nhóm hàng thứ i.
2.2.3 Mô hình Working’s Engel
Kingdon (2005) ước tính đường cong Engel cho mặt hàng giáo dục, sau đó sử
dụng các đặc điểm kỹ thuật Working – Leser để cho phép nó phi tuyến tính trong hình
dạng của đường cong Engel. Mô hình Working’s Engel được Kingdon (2005) trình
bày như sau:
si = α +β ln(xi/ni) + µln ni +
+ ηzi + ui
Trong đó: xi là tổng chi tiêu của hộ gia đình i, si là ngân sách dành cho giáo dục
của hộ gia đình i, ni là quy mô hộ gia đình, zi là một véc tơ của các đặc điểm khác của
hộ gia đình như: Đẳng cấp, tôn giáo, trình độ học vấn và nghề nghiệp của chủ hộ, ui là
sai số, nij là số lượng thành viên của hộ i phân theo độ tuổi – giới tính j. Trong nghiên
cứu của Kingdon (2005) có 7 nhóm tuổi theo phân theo từng giới tính nam và nữ: 0-4,
5-9, 10-14, 15-19, 20-24, 25-60, >60.
2.2.4 Lý thuyết hành vi người tiêu dùng
Theo Mas-Colell và cộng sự (1995), nguyên tắc tối đa hóa hữu dụng trong lý
7
thuyết hành vi người tiêu dùng phải thỏa mãn hai điều kiện: Tập hợp hàng hóa phải
nằm trên đường ngân sách; tập hợp hàng hóa phải mang lại mức hữu dụng cao nhất
cho cá nhân.
Dựa trên nguyên tắc tối đa hóa hữu dụng, quyết định của hộ gia đình khi lựa
chọn hàng hóa là giáo dục dựa trên tối đa hóa sự thỏa mãn trong giới hạn ngân sách.
Qua phương trình, một hộ gia đình tối đa hóa lợi ích trong giới hạn ngân sách:
U = f(E, M, θ)
s.t.
I= PE E + M
Trong đó: E là nhu cầu giáo dục, M là nhu cầu các hàng hóa khác, θ là tham số
xác định các hình thức chức năng lợi ích và thị hiếu của hộ gia đình, PE là giá cho giáo
dục, giá của hàng hóa khác (PM) bằng 1 không ảnh hưởng đến phương trình. Mô hình
tối đa hóa lựa chọn của hộ gia đình với điều kiện ràng buộc đầu tiên:
MUE/MUM = PE
Sau khi thay thế điều kiện ràng buộc đầu tiên vào phương trình đường ngân sách,
mức tiêu thụ tối ưu giáo dục E* là một hàm theo thu nhập I, giá của giáo dục PE và
tham số θ:
E* = g (I, PE, θ)
Khi giá được giả định là ổn định, mức tiêu thụ tối ưu giáo dục E* là một hàm
theo thu nhập I và tham số θ:
E* = g(I, θ| PE)
Cuối cùng, ta xác định chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình EXPE bằng cách
nhân giá của giáo dục PE với mức tiêu thụ tối ưu E*. Kết quả, chi tiêu cho giáo dục của
hộ gia đình cũng là một hàm theo thu nhập I và tham số θ theo giá ổn định:
EXPE = PE E* = PE g (I, θ| PE) = φ (I, θ| PE)
2.3 Các yếu tố anh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình
Một vài nghiên cứu thực nghiệm ở các quốc gia, cho thấy việc gộp chung nguồn
lực của từng thành viên để tái phân phối lại cho từng thành viên phụ thuộc vào người
kiểm soát các nguồn lực. Chủ hộ thường là người kiểm soát các nguồn lực, các đặc
điểm của chủ hộ: Giáo dục, giới tính, thu nhập và công việc có ảnh hưởng đến chi tiêu
cho giáo dục của hộ.
8
Nghiên cứu thực nghiệm của Tansel và Bircan (2006) phát hiện ra rằng, trình độ
giáo dục của cha mẹ có tác động đến chi tiêu cho học thêm của con cái ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ribar (1993) đã tìm thấy là trình độ học vấn của cha mẹ tăng lên, việc hoàn thành
trung học của trẻ em tăng lên.
Tuổi của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của hộ. Với tuổi
tác, cha mẹ sẽ có kinh nghiệm hơn và hiểu được lợi ích và lợi nhuận thu về trong việc
đầu tư giáo dục. Nghiên cứu thực nghiệm của Mauldin và cộng sự (2001) ở Mỹ chỉ ra
rằng, khi cha mẹ lớn tuổi chi tiêu cho giáo dục tiểu học và trung học càng nhiều. Tuy
nhiên, nghiên cứu thực nghiệm của Donkoh và Amikuzuno (2011) ở Ghana lại chứng
minh điều ngược lại. Nghiên cứu cho thấy rằng, xác suất chi tiêu cho giáo dục của hộ
nhiều hơn khi chủ hộ còn trẻ và giảm đi khi chủ hộ về già.
Tình trạng việc làm của cha mẹ cũng có thể liên quan đến chi phí giáo dục của
trẻ em. Thậm chí sau khi đã kiểm soát được thu nhập, tình trạng việc làm có thể ảnh
hưởng đến nhận thức của cha mẹ lên mối quan hệ giữa việc đầu tư nguồn nhân lực và
lợi nhuận thu về của họ. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy rằng có mối quan hệ đáng
kể, tích cực giữa việc làm của mẹ và chi phí giáo dục của trẻ, đặc biệt trong khoảng
thời gian con là thiếu niên và hoàn thành trung học (Haveman và cộng sự, 1991; Ribar,
1993).
Tình trạng hôn nhân của cha mẹ cũng có thể liên quan đến chi tiêu giáo dục cho
trẻ em. Cha mẹ đơn thân với một nguồn thu nhập duy nhất có thể mong muốn chi tiêu
ít hơn cho việc học của con. Nghiên cứu thực nghiệm của Ribar (1993) đã tìm ra rằng,
trưởng thành trong một gia đình cha mẹ đơn thân có tác động tiêu cực đến việc hoàn
thành trung học của trẻ. Điều thú vị là lớn lên trong một gia đình có bố dượng hoặc mẹ
kế giúp cho trẻ em hoàn thành việc học tốt hơn là gia đình cha mẹ đơn thân.
Các kết quả khác cho thấy nó cũng phụ thuộc vào hành vi của gia đình được đo
bằng lượng tiền chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Sự gia tăng thu nhập của gia đình có
thể có liên quan đến việc chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục của con cái (Tansel và
Bircan, 2006).
Tuy nhiên, trong trường hợp hộ gia đình quyết định theo số đông, tức là mỗi
thành viên trong hộ hành động như một cá nhân với một hàm hữu dụng riêng.
Samuelson (1956) đưa ra một trong những mô hình đơn giản nhất về tiêu dùng của hộ
9
gia đình, theo đó thu nhập của hộ gia đình luôn được chia thành những tỷ lệ cụ thể cho
trước cho các thành viên trong hộ. Mỗi thành viên chọn cho mình lượng tiền tiêu dùng
để tối đa hóa hữu dụng trong giới hạn ngân sách được cấp.
Từ những lý thuyết thảo luận ở trên, có thể thấy rằng, kết cấu hộ gia đình có thể
ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục, tức là, số lượng trẻ em trong hộ gia đình. Hơn
nữa, không chỉ kết cấu hộ gia đình mà các đặc điểm cá nhân của những thành viên
trong hộ như chủ hộ cũng có thể ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của hộ.
Mặc dù cha mẹ nhận thức được giáo dục có lợi cho tương lai của con cái và gia
đình họ, tuy nhiên, mong muốn đầu tư cho việc học của con cái có thể bị hạn chế bởi
nguồn lực sẵn có trong hộ gia đình (Schultz, 1993). Mô hình kinh tế hộ gia đình cũng
cung cấp một cách giải thích toàn diện về tình trạng cha mẹ không có khả năng tăng
phúc lợi cho con cái họ. Mô hình này mặc định rằng cha mẹ với thu nhập thấp hoặc
cha mẹ có nhiều con phải cân bằng giữa phúc lợi ở tương lai và nhu cầu trước mắt của
hộ gia đình, cha mẹ không thể dự đoán được lợi nhuận thu lại ở tương lai trong việc
đến trường của con em họ, chính vì vậy họ sẽ quan tâm đến nhu cầu sống còn của hộ
hơn là mạo hiểm đầu tư cho giáo dục của con cái. Trong trường hợp này, khi thị
trường lao động địa phương cung cấp cơ hội kiếm thêm thu nhập, việc phân bổ trẻ em
vào các hoạt động sản xuất tại nhà hoặc trong thị trường lao động là một tồn tại phổ
biến đối với các hộ gia đình nghèo. Nghiên cứu thực nghiệm của Hill và Duncan
(1987) phát hiện ra rằng, mức thu nhập của gia đình có liên quan đến giáo dục và sự
nghiệp đạt được của con cái. Trong một nghiên cứu thăm dò các yếu tố ảnh hưởng đến
việc hoàn thành trung học của Haveman, Wolfe, và Spaulding (1991) phát hiện ra
rằng, trẻ em ít có khả năng tốt nghiệp cao khi họ là những người nghèo. Tuy nhiên,
một lập luận được hỗ trợ bởi các nghiên cứu gần đây là, một số lượng đáng kể các trẻ
em không tham gia vào bất cứ hoạt động sản xuất nào nhưng vẫn không đi học (Fuller
và cộng sự, 1995).
Liên quan chặt chẽ đến nguồn lực của gia đình là thành phần gia đình, nó có thể
cải thiện hay ngăn chặn giới hạn các nguồn lực trong gia đình. Ủng hộ lập luận này là
giả thuyết nguồn lực pha loãng, trong đó nhấn mạnh rằng số lượng trẻ em trong một
gia đình có mối tương quan nghịch với cơ hội giáo dục của trẻ em. Mô hình này giả
thuyết rằng nguồn lực của cha mẹ như thời gian, năng lượng và tiền bạc là hữu hạn và
10
các nguồn lực đó được chia nhỏ hơn nếu thêm trẻ em. Do đó, số lượng anh chị em
càng lớn, số tiền đầu tư vào việc học của mỗi cá nhân càng nhỏ. Những nghiên cứu
thực nghiệm khác nhau ở các nước liên tục khẳng định cho mối quan hệ nghịch đảo
giữa số lượng anh chị em và việc giáo dục của trẻ (Haveman và cộng sự, 1991; Ribar,
1993; Lillard và Willis, 1994; Parish và Willis, 1993). Haveman và cộng sự (1991) tìm
thấy rằng, số lượng anh chị em trong gia đình lớn có tác động tiêu cực vào khả năng
hoàn thành trung học của trẻ. Ribar (1993) phát hiện rằng, có càng nhiều anh chị em
thì trình độ học vấn của trẻ sẽ giảm. Nguyên nhân là khi tăng một trẻ em sẽ tăng tổng
chi phí giáo dục của hộ nhưng lại làm giảm chi phí giáo dục tính trên 1 trẻ. Tuy nhiên,
nghiên cứu của Chernichovsky (1985) ở Botswana đã bác bỏ quan điểm này với hai
lập luận thuyết phục. Đầu tiên, ông ta phát hiện rằng số lượng trẻ em ở độ tuổi đi học
trong một hộ gia đình càng lớn thì càng làm tăng khả năng được đến trường của trẻ.
Thứ hai, việc xem xét các thế hệ trong gia đình cho thấy rằng, gia đình có thể cải thiện
mối quan hệ ngược chiều giữa quy mô và khả năng đến trường của trẻ. Với việc có
ông bà sống chung trong cùng gia đình, trẻ em có nhiều khả năng đến trường hơn là
gia đình chỉ có hai thế hệ (Chernichovsky, 1985). Sự mở rộng của gia đình có thể là
nguồn hỗ trợ vật chất, tạo điều kiện cho con em đến trường.
Thể hiện trong quan điểm pha loãng nguồn lực là lập luận rằng kích thước gia
đình không xác định việc trẻ em tham gia đến trường nhưng thứ tự sinh và vị trí của
đứa trẻ trong gia đình ảnh hưởng đến cơ hội học tập của họ. Nghiên cứu Parish và
Willis (1993) lập luận rằng: “Một số lượng lớn trẻ em trong gia đình có thể dẫn đến
không pha loãng tất cả nguồn lực nhưng để cải thiện cơ hội học tập cho các trẻ sinh
sau. Một khi họ bắt đầu làm việc, người sinh trước sẽ tiếp tục gửi và mang về những
nguồn lực cho gia đình”.
Các nghiên cứu trước
Nghiên cứu Glewwe và Patrinos (1999)
Đề tài nghiên cứu của Glewwe và Patrinos (1999): “Vai trò của khu vực tư nhân
trong giáo dục ở Việt Nam: Bằng chứng từ điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam”.
Glewwe và Patrinos (1999) sử dụng bộ dữ liệu khảo sát mức sống dân cư 19921993. Glewwe và Patrinos sử dụng mô hình hồi quy bội và lấy log của biến phụ thuộc
(tổng chi tiêu cho giáo dục của mỗi học sinh) để nghiên cứu các yếu tố tác động đến
11
chi tiêu cho giáo dục của mỗi học sinh ở ba cấp học: Tiểu học, trung học cơ sở, trung
học phổ thông. Ngoài các yếu tố đã có sẵn từ nghiên cứu này, nghiên cứu đề nghị đưa
thêm một số biến trong đặc điểm hộ; đặc điểm về chủ hộ và yếu tố mới là chính sách
trợ cấp vào mô hình hồi quy. Kết quả hồi quy ở từng cấp học như sau:
Đối với cấp tiểu học:Trình độ học vấn của cha và mẹ có tác động đến chi tiêu cho
giáo dục của trẻ nhưng mức độ tác động không cao. Khi trình độ học vấn của cha và mẹ
tăng lên, chi tiêu cho giáo dục của trẻ cũng tăng tương ứng là 1,5% và 1,2%. Chi tiêu
bình quân đầu người của hộ tác động lớn đến chi tiêu cho giáo dục của trẻ, hệ số hồi quy
cho thấy khi chi tiêu bình quân đầu người tăng lên 1% thì chi tiêu cho giáo dục tăng
63% với mức ý nghĩa 1%, có sự phân biệt giới tính như số tiền chi cho các bé gái ít hơn
5% so với các bé trai. Các gia đình ở thành thị chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn 58% so
với nông thôn. Các biến trong khu vực cho thấy xu hướng chi cho giáo dục tăng từ miền
Bắc vào miền Nam. Các hộ gia đình người Hoa chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn các
nhóm dân tộc khác (khoảng 30% so với dân tộc Kinh), một số dân tộc thiểu số chi tiêu ít
hơn cho giáo dục so với Kinh như: Khome, Mường, H’mong, khác Việt Nam. Nguyên
nhân theo Glewwe và Patrinos là do các nhóm dân tộc này tập trung ở nơi có mức học
phí và các khoản liên quan đến trường học thấp, làm cho chí phí cho giáo dục ở các khu
vực này thấp. Có rất ít sự khác biệt trong tôn giáo của các hộ gia đình chi tiêu cho giáo
dục, ngoại trừ các hộ là Phật giáo. Quy mô hộ gia đình cũng có tác động nhưng không
đáng kể đến chi tiêu hộ gia đình. Đối với loại trường, không có khác biệt trong chi tiêu
cho giáo dục của học trẻ đang theo học trường bán công so với trường công, tuy nhiên,
có sự khác biệt nhỏ giữa trường tư so với trường công.
Đối với cấp trung học cơ sở: Đối với cấp trung học kết quả tìm thấy tương tự
như ở cấp độ tiểu học. Trình độ học vấn của mẹ có tác động đến chi tiêu cho giáo dục,
còn của cha thì không. Chi tiêu bình quân đầu người có tác động đáng kể đến chi tiêu
cho giáo dục nhưng tỷ lệ giảm hơn so với ở cấp tiểu học. Có sự phân biệt giới tính
trong chi tiêu cho giáo dục, khi chi tiêu cho các bé gái ít hơn 8% so với các bé trai.
Các cư dân thành thị chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn các cư dân nông thôn (trên 47%).
Các biến trong khu vực cho thấy xu hướng chi cho giáo dục tăng từ miền Bắc vào
miền Nam. Trong biến dân tộc, loại trừ Hoa và Mường là có sự khác biệt so với Kinh,
còn khác dân tộc khác không có sự khác biệt trong chi tiêu cho giáo dục so với Kinh.
12
Không có sự khác biệt trong chi tiêu giáo dục của hộ thuộc các tôn giáo khác nhau.
Không giống như ở cấp tiểu học, loại trường có ảnh hưởng rõ rệt đến chi tiêu hộ gia
đình cho giáo dục đối với cấp trung học cơ sở. Nếu như trường bán công có chi phí cao
gần 40% so với trường công thì trường tư thục cao gần 2 lần so với trường công.
Đối với cấp trung học phổ thông: Cuối cùng, đối với cấp trung học phổ thông,
trình độ học vấn của cha mẹ không còn có tác động như ở các cấp thấp hơn. Chi tiêu
bình quân đầu người của hộ, các hộ gia đình ở thành thị và các hộ gia đình ở khu vực
phía Nam vẫn có tác động đến chi tiêu cho giáo dục của hộ. Không có khác biệt về tôn
giáo và dân tộc của các hộ gia đình chi tiêu cho giáo dục. Ở cấp độ này, trường bán
công có chi phí đắt hơn 40% so với trường công và không có sự khác biệt giữa trường
tư và trường công.
Nghiên cứu Tilak (2002)
Đề tài nghiên cứu của Tilak (2002): “Các nhân tố quyết định đến chi tiêu của hộ
gia đình cho giáo dục ở vùng nông thôn Ấn Độ”.
Tilak (2002) sử dụng dữ liệu thu thập được trong khảo sát phát triển con người ở
Ấn Độ (HDI) thực hiện bởi hội đồng quốc gia về nghiên cứu kinh tế ứng dụng
(NCAER) vào năm 1994. Nghiên cứu sử dụng mô hình tuyến tính logarit với phương
pháp xử lý số liệu là phương pháp bình phương tối thiểu (OLS) để phân tích các yếu tố
tác động đến chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục của mỗi học sinh.
Các nhóm yếu tố được đưa vào mô hình để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến
chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục của mỗi học sinh: Đặc điểm hộ gia đình; Đặc điểm
liên quan đến trường học; Đặc điểm phát triển kinh tế; Đặc điểm cá nhân. Phạm vi của
nghiên cứu Tilak (2002) chỉ xem xét ở phạm vi khu vực nông thôn Ấn Độ của các
nhân tố tác động đến chi tiêu cho giáo dục của các nhóm hộ. So với các đặc điểm sẵn
có trong nghiên cứu này, nghiên cứu đề nghị đã đưa thêm đặc điểm về địa lý mô hình
nghiên cứu. Kết quả hồi quy như sau:
Đặc điểm hộ gia đình
Thu nhập hộ gia đình, quy mô hộ, trình độ học vấn của chủ hộ là yếu tố quyết
định quan trọng trong chi tiêu cho giáo dục. Thu nhập tăng, hộ gia đình có xu hướng
chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục. Trình độ học vấn của chủ hộ cũng ảnh hưởng không
nhỏ đến quyết định chi tiêu cho giáo dục. Giáo dục làm tăng nhận thức về những lợi
13
ích của việc đi học, khi trình độ học vấn của người đứng đầu tăng, chi tiêu cho giáo
dục của hộ cũng tăng với mức ý nghĩa 1%. Khi gánh nặng nhân khẩu của hộ gia đình
(quy mô hộ gia đình) tăng lên, các hộ gia đình có thể không có khả năng chi tiêu nhiều
hơn cho giáo dục.
Đẳng cấp và tôn giáo cũng có tác động, nhưng có một vài trường hợp ngoại lệ
giữa các nhóm dân cư và ở các bang. Địa vị xã hội được thể hiện trong biến giả Đẳng
cấp (bằng 1 nếu không theo bộ lạc, bằng 0 nếu theo bộ lạc). Kết quả cho thấy hộ gia
đình không theo bộ lạc có chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn hộ theo bộ lạc. Đối với các
biến giả được giới thiệu về tôn giáo, ngoại trừ biến giả hồi giáo không có ý nghĩa
thống kê, tất cả các biến khác có ý nghĩa thống kê. Kết quả cho thấy chi tiêu cho giáo
dục sẽ cao hơn nếu đó là người Sikh và ít nhất nếu là người hồi giáo.
Đặc điểm liên quan đến trường học
Trong đặc điểm liên quan đến trường học, các biến: Loại trường, sự tồn tại của
trường học trong dân cư, bữa ăn, đồng phục miễn phí, dụng cụ học tập miễn phí, cấp
học có tác động đến chi tiêu cho giáo dục.
Loại hình trường học mà trẻ theo học: trường công, trường do chính phủ hỗ trợ
hoặc trường tư nhân là một trong những yếu tố quyết định quan trọng nhất của chi tiêu
của hộ gia đình cho giáo dục. Chi tiêu trong các trường tư thục là cao nhất, tiếp theo là
các trường được chính phủ hỗ trợ và theo thứ tự đó là các trường công lập. Sự tồn tại
của trường học (tiểu học hoặc trung học) trong dân cư làm giảm chi phí cho giáo dục.
Ngoài ra, chi tiêu cho giáo dục của trẻ ở bậc tiểu học sẽ cao hơn các cấp học khác.
Ba biến ưu đãi trong trường học đều có mối quan hệ với chi tiêu hộ gia đình cho giáo
dục. Cung cấp các bữa ăn giữa ngày, cung cấp sách giáo khoa và văn phòng phẩm miễn phí,
cung cấp đồng phục miễn phí làm giảm nhu cầu chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục.
Đặc điểm phát triển kinh tế
Trong đặc điểm phát triển kinh tế chỉ có biến chỉ số phát triển làng có tác động tích
cực đến chi tiêu cho giáo dục. Chỉ số này phản ánh mức độ phát triển của làng về các tiện
nghi phục vụ. Chỉ số càng cao, chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình càng tăng.
Đặc điểm cá nhân
Trong đặc điểm cá nhân, giới tính của đứa trẻ cũng có tác động đến chi tiêu cho
giáo dục của hộ. Chi tiêu cho giáo dục của bé trai sẽ cao hơn 1% so với bé gái.
14
Nghiên cứu Aysit Tansel (2005)
Aysit Tansel (2005) nghiên cứu về chi tiêu cho việc học thêm ở Thổ Nhĩ Kỳ
nhằm mục đích cung cấp một nền giáo dục tốt hơn cho học sinh và xác định các yếu tố
tác động đến cầu giáo dục. Đầu tiên tác giả nhìn nhận tổng quan về các trung tâm dạy
thêm và tác giả xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho việc học thêm ở Thổ
Nhĩ Kỳ sử dụng kết quả của cuộc điều tra về chi tiêu của hộ gia đình năm 1994. Mô
hình Tobit được sử dụng với các biến tổng chi tiêu của gia đình, trình độ học vấn của
cha mẹ và những biến về đặc điểm gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng chi tiêu
của gia đình, trình độ học vấn của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến chi tiêu cho giáo dục
của người dân.
Nghiên cứu của Đặng Hải Anh (2007)
Đề tài nghiên cứu của Đặng Hải Anh: “Các yếu tố quyết định việc học thêm và
tác động của các lớp học thêm ở Việt Nam”.
Đặng Hải Anh (2007) sử dụng dữ liệu khảo sát mức sống dân cư 1997-1998 và
1992- 1993. Để ước lượng chi tiêu hộ gia đình cho các lớp học thêm, nghiên cứu sử
dụng mô hình Tobit để tiến hành hồi quy. Với các nhóm nhân tố được đưa vào mô hình
để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho việc học thêm ở cấp độ tiểu học và
trung học cơ sở: Đặc điểm cá nhân và hộ gia đình; Đặc điểm của trường học và cộng
đồng; Đặc điểm khu vực. Kết quả hồi quy như sau:
Đặc điểm cá nhân và hộ gia đình:Các biến có tác động là: Chi tiêu bình quân
đầu người, tuổi của học sinh, trình độ học vấn của cha, trình độ học vấn của mẹ, lớp
trước khi cuối cấp, dân tộc thiểu số. Mối quan tâm của hộ gia đình về thành tích học
của học sinh trong suốt quá trình học ở các lớp cuối cấp có tác động lớn đến chi tiêu
cho dạy thêm. Một năm gần đến năm cuối cấp mang lại sự gia tăng 30% trong chi tiêu
cho lớp học kèm tại trường cấp tiểu học và tăng 66% ở cấp trung học cơ sở.
Tuổi của học sinh có quan hệ nghịch biến đến chi tiêu cho dạy thêm và thành
tích học tập của học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Theo Đặng Hải Anh
(2007), học sinh lớn tuổi ít có khả năng tham gia lớp dạy kèm riêng và ít có khả năng
để hoàn thành tốt việc học trong trường so với học sinh trẻ tuổi hơn. Một lý do có thể
xảy ra bên cạnh các kết quả thu thập được là các học sinh lớn tuổi hơn có mối quan
tâm khác ngoài lo lắng về việc học, ví dụ tìm kiếm thu nhập để hỗ trợ gia đình họ.
15
Ngoài ra, không có sự khác biệt về chi phí học thêm của bé trai và bé gái.
Trình độ học vấn của mẹ có tác động đáng kể lên chi phí học thêm của trẻ ở bậc
tiểu học, nhưng không có tác động lên chi phí học thêm của trẻ ở cấp trung học cơ sở.
Ngược lại, trình độ học vấn của cha lại ảnh hưởng không đáng kể ở bậc tiểu học,
nhưng ảnh hưởng đáng kể ở bậc trung học cơ sở. Cụ thể, chi tiêu cho dạy thêm ở bậc
trung học cơ sở sẽ tăng 5% khi trình độ học vấn của bố tăng thêm 1 năm và chi tiêu
cho dạy thêm ở cấp tiểu học sẽ tăng 3% khi trình độ học vấn của mẹ tăng thêm 1 năm.
Đặng Hải Anh (2007) cũng chỉ ra rằng một số ít học sinh người dân tộc thiểu số
chi trả ít cho dạy thêm tại bậc tiểu học (khoảng 32%), tuy nhiên, không có sự khác biệt
ở bậc trung học cơ sở.
Đặc điểm trường học và cộng đồng: Các biến có tác động là giáo viên có trình
độ, trường học có điện.Trình độ giáo viên tiểu học càng cao sẽ làm giảm bớt chi tiêu
cho việc dạy thêm (58%), điều này không xảy ra ở bậc trung học cơ sở. Ngoài ra, các
hộ gia đình chi nhiều hơn cho dạy thêm ở cấp trung học cơ sở khi trường học có điện.
Đặng Hải Anh (2007) cho rằng có lẽ điện cho phép các giáo viên mở các lớp học thêm
vào ban đêm.
Đặc điểm khu vực: Là đặc điểm quan trọng trong việc định đoạt chi tiêu cho dạy
thêm ở bậc tiểu học so với trung học cơ sở. Đặng Hải Anh (2007) lập luận rằng sống
trong một thành phố hay gần khu trung tâm chi tiêu cho dạy thêm nhiều hơn là khu
vực khác (42%), nhưng chỉ ở cấp tiểu học. Có lẽ đối với các hộ gia đình nông thôn,
một khi họ quyết định gửi con họ học ở trường với cấp độ cao hơn, họ sẵn sàng đầu tư
nhiều hơn vào tương lai của con họ, vì vậy không có sự khác biệt trong học thêm ở cấp
trung học cơ sở. Ngoài ra, yếu tố vùng miền cũng có tác động rõ rệt hơn ở cấp độ tiểu
học. Kết quả cho thấy chi tiêu cho dạy thêm của 6 vùng đều thấp hơn so với Đồng
bằng Bắc Bộ, nhưng chỉ ở cấp tiểu học.
Tóm lại: Nghiên cứu đề nghị và nghiên cứu Đặng Hải Anh (2007) cùng sử dụng
dữ liệu điều tra mức sống hộ gia đình. Đối tượng nghiên cứu của nghiên cứu đề nghị
cũng rộng hơn, đó là các nhân tố tác động đến chi tiêu cho giáo dục của các nhóm hộ
gia đình, so với nghiên cứu Đặng Hải Anh (2007) chỉ xem xét các nhân tố tác động
đến chi tiêu của hộ gia đình cho học thêm. Về phương pháp, trong khi nghiên cứu này
sử dụng mô hình Tobit để hồi quy thì nghiên cứu đề nghị tiến hành lấy log của biến
16