Thanh thiếu niên phạm tội: Khủng hoảng do giáo dục yếu kém
Hanoinet - Lý giải tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội tăng, đại biểu QH cho rằng yếu kém của hệ thống giáo
dục đang làm cho giới trẻ mất phương hướng, triệt tiêu các hoài bão tích cực.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Chính những yếu kém của hệ thống giáo dục làm cho giới trẻ mất phương
hướng, triệt tiêu các hoài bão tích cực". Ảnh: VNN
CN UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi: Quản lý không theo kịp
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba tại phiên họp QH tuần qua đã cảnh báo thực trạng thanh thiếu niên,
học sinh, sinh viên phạm tội có chiều hướng gia tăng, trong đó có đối tượng phạm tội dưới 18 tuổi. Ý kiến
của ông?
- Đó là thông tin có tính chất báo động. Điều kiện tiếp xúc xã hội, tiếp cận các luồng văn hoá, hoạt động vui
chơi giải trí của thanh thiếu niên nhiều hơn trong khi gia đình, nhà trường không bao quát được những mặt
trái tiếp xúc đó có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng phạm pháp trong thanh thiếu
niên tăng thời gian qua.
Đưa ra con số thống kê nhưng mới chỉ là thông tin mang tính chất định lượng. Theo tôi, cần có tổng kết,
đánh giá, tìm ra nguyên nhân và cũng phải xác định xem các tội phạm trong thanh thiếu niên tăng nhưng ở
lĩnh vực gì, loại tội phạm gì, rồi trên cơ sở đó đề ra các giải pháp.
Ngay cả những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm liên quan đến giáo dục thanh thiếu niên cũng phải xem lại
hoạt động của mình.
Liệu công tác xã hội, giáo dục thanh thiếu niên thời gian qua có bỏ lửng, buông lỏng, thưa ông?
- Chúng ta không bỏ lửng. Thực tế đã xuất hiện những yếu tố mới của hoàn cảnh mới. Có lẽ chính công tác
quản lý đã không theo kịp tình hình chứ tôi không nghĩ hoạt động quản lý cũng như hoạt động giáo dục,
hướng dẫn thanh thiếu niên đã từng làm không có ý nghĩa gì.
UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng có kiến nghị Chính phủ giải pháp gì?
- Có lẽ để có ý kiến xác đáng với Chính phủ, đặc biệt với tư cách cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực
này thì Uỷ ban cũng cần có những đợt khảo sát, nghiên cứu và trên cơ sở đó trao đổi với các cơ quan Chính
phủ để đưa ra những kiến nghị xác đáng, cụ thể.
Cũng không dễ dàng gì để trong một thời gian ngắn chúng ta giải quyết hết mọi việc, xác định, phân tích
thực trạng đó một cách nghiêm túc, rồi từ đó đề ra các giải pháp hiệu quả.
Tình hình gia tăng phạm tội trong thanh thiếu niên, đặc biệt ở vị thành niên là trách nhiệm của toàn xã hội,
trong đó các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến đối tượng này phải có trách nhiệm
nhiều hơn.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đoàn, Đội "quan liêu hoá"
Con số nêu ra cho thấy có 10% số tội phạm là học sinh, sinh viên cũng như một số lượng đông hơn thế ở
tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật.
Tôi tin rằng như vậy còn dưới sự thật bởi chắc chắn nhiều vụ việc, vì những lý do khác nhau, chưa đưa vào
thống kê. Đó là con số rất đáng lo ngại.
Xã hội hiện đại với những thay đổi to lớn của công nghệ có thể tác động trực tiếp vào giới trẻ, những hình
thức tội phạm mới xuất hiện... đang tạo ra những khủng hoảng ở giới trẻ nhiều nước, không chỉ riêng ở ta.
Nói như vậy không có nghĩa làm giảm nhẹ hay bào chữa cho trách nhiệm của xã hội và những cơ quan, tổ
chức có liên quan trong lúc đất nước có quá nhiều những khó khăn, thử thách tạo ra một môi trường dễ làm
trầm trọng hơn và khó cải thiện hơn tình hình.
Phân tích nguyên nhân chắc chắn có rất nhiều vấn đề nhưng không thể không nhắc đến vai trò của giáo dục.
Chính những yếu kém của hệ thống giáo dục làm cho giới trẻ mất phương hướng, triệt tiêu các hoài bão tích
cực.
Trong khi đó, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên Cộng sản, Đội Thiếu niên Tiền phong hay Hội
Liên hiệp thanh niên, sinh viên tuy có nhiều cải tiến trong hoạt động nhưng xu thế "quan liêu hoá" vẫn còn
nặng nề chưa thu hút được số đông.
Rõ ràng phải động não hơn nữa để tạo ra những sáng kiến, những hình thức thu hút giới trẻ. Sự lành mạnh
luôn mang tính hấp dẫn chứ không phải chỉ cái gì mang hơi hướng kinh tế thị trưòng mới hấp dẫn. Tôi cảm
thấy rất phản cảm khi tất cả các trò chơi trên các phương tiện truyền thông đều quy về giải thưởng bằng...
tiền.
Điều đó cũng có nghĩa làm nghèo nàn những giá trị cần có trong xã hội ngoài tiền bạc. Sự tích tụ rất nhiều
nguyên nhân đã tạo ra thực trạng mà chúng ta đang lo lắng cho giới trẻ mà lỗi chủ yếu là do người lớn.
“Tình trạng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên phạm tội có chiều hướng gia tăng. Trong số 24608 đối
tượng phạm tội có 2333 là đối tượng học sinh, sinh viên, chiếm 9,48%, 2904 đối tượng phạm tội dưới 18
tuổi, chiếm 11,8%.
Hành vi phạm tội đa dạng, nhiều vụ rất nghiêm trọng. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, đã được nêu ra trong
báo cáo năm 2007 nhưng trong năm 2008 công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật đối
với đối tượng này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn”.
Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Thu Ba
Qua theo dõi từ năm 2000 - 2006, số vụ phạm tội do trẻ em và người chưa thành niên gây ra là
74.389 vụ với 95.103 em. Số trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật là 71.581 em.
Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ - Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ CA cho
biết tại Hội thảo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong trường học, được tổ chức ngày 14/12, tại
Đà Lạt (Lâm Đồng). Hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức, với sự tham gia của đại diện các trường ĐH, CĐ
và các sở GD-ĐT phía Nam.
Theo thống kê, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2007, đã có 33.284 trường hợp thanh thiếu niên, học sinh,
sinh viên bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Cũng theo ông Đỗ Văn Rụ, hành vi vi phạm tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội: xâm phạm sở hữu;
xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự con người; gây rối an ninh trật tự, an ninh xã
hội; ma túy; mại dâm...
Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó quan
trọng là việc giáo dục đạo đức lối sống, đa dạng hóa các hình thức giáo dục pháp luật cho học sinh-
sinh viên; đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường với gia đình và chính quyền địa phương; xây dựng
thêm ký túc xá...
Ông Trần Đình Đức, Phó Vụ trưởng Vụ công tác Chính trị Học sinh - Sinh viên, Bộ GD&ĐT khẳng
định: trước tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường
hơn nữa các biện pháp giữ gìn an toàn môi trường học đường.