Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Mối quan hệ giữa cộng đồng học tập chuyên môn với việc phát triển nghề nghiệp giáo viên và chất lượng giáo dục ở nhà trường phổ thông

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (977.95 KB, 12 trang )

HNUE JOURNAL OF SCIENCE
DOI: 10.18173/2354-1075.2019-0026
Educational Sciences, 2019, Volume 64, Issue 2A, pp. 82-93
This paper is available online at

MỐI QUAN HỆ GIỮA CỘNG ĐỒNG HỌC TẬP CHUYÊN MÔN
VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN
VÀ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC Ở NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Nguyễn Hoàng Đoan Huy
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Năng lực nghề nghiệp của giáo viên phổ thông là nhân tố quan trọng tác
động trực tiếp lên chất lượng giáo dục ở nhà trường phổ thông. Các hình thức phát
triển nghề nghiệp giáo viên ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung hiện nay
được tổ chức một cách đa dạng và phong phú; tuy nhiên hiệu quả mang lại từ mỗi
một hình thức này cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Tổ chức cộng đồng học tập
chuyên môn của giáo viên ngay tại các trường phổ thông là một trong những hướng
đi mới và được công nhận tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Thông qua phân
tích các nghiên cứu quốc tế, bài báo giới thiệu về “cộng đồng học tập chuyên môn”
dưới góc nhìn của một hình thức phát triển nghề nghiệp cho giáo viên, trong đó khái
quát về khái niệm, đặc điểm cũng như làm rõ mối quan hệ giữa việc tổ chức cộng
đồng học tập này với việc phát triển nghề nghiệp giáo viên và chất lượng giáo dục ở
nhà trường phổ thông.
Từ khóa: Cộng đồng học tập chuyên môn, năng lực của giáo viên, phát triển nghề
nghiệp giáo viên, chất lượng giáo dục phổ thông.

1.

Mở đầu

Phát triển nghề nghiệp giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục ở nhà trường phổ


thông luôn là có mối quan hệ rất chặt chẽ và chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố tác động.
Làm thế nào để đội ngũ giáo viên có thể nâng cao năng lực nghề nghiệp một cách liên tục
đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội là đề tài thu hút sự quan tâm nghiên cứu của
nhiều nhà giáo dục trên thế giới. Rất nhiều loại hình phát triển nghề nghiệp cho giáo viên
được ứng dụng đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định, trong đó, xây dựng và triển
khai thực hiện hình thức “cộng đồng học tập chuyên môn” của giáo viên ở nhà trường phổ
thông cũng đã cho thấy những tác động tích cực không chỉ đối với việc phát triển nghề
nghiệp của giáo viên mà còn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Cụm từ “học tập chuyên môn” (Professional Learning) bắt đầu được sử dụng trong
những năm 1990 sau khi Peter Senge - The Fifth Discipline (1990) [16] phổ biến ý tưởng
về các tổ chức học tập. Sau đó, Charles B. Myers và Lynn K. Myers sử dụng cụm từ “cộng
Ngày nhận bài: 1/2/2019. Ngày sửa bài: 19/2/2019. Ngày nhận đăng: 2/3/2019.
Tác giả liên hệ: Nguyễn Hoang Đan Huy. Địa chỉ e-mail:
82


Mối quan hệ giữa cộng đồng học tập chuyên môn với việc phát triển nghề nghiệp…

đồng học tập chuyên môn” ở nhà trường trong cuốn sách xuất bản năm 1995, cuốn sách
đó có tên là “Nhà giáo dục chuyên nghiệp: Giới thiệu mới về giảng dạy và trường học”
[12]. Một năm sau Charles B Myers đã trình bày một báo cáo tại cuộc họp thường niên
của Hiệp hội nghiên cứu giáo dục Mỹ mang tên "Về loại hình trường phổ thông phát triển
nghiệp vụ - Professional Development Schools", nhà nghiên cứu này đã đề xuất một hình
thức phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên ngay tại trường phổ thông nơi giáo
viên đang giảng dạy. Năm 1997, Shirley M. Hord đã công bố một bài báo mang tên
"Cộng đồng học tập chuyên môn: Cộng đồng liên tục hỏi và cải tiến" [6]. Kể từ cuối
những năm 1990 đến nay, những công trình nghiên cứu và tài liệu công bố liên quan đến
cộng đồng học tập chuyên môn cũng lần lượt được công bố trong đó có đề cập đến những
tác động mà mô hình này mang lại đối với chất lượng giáo dục của nhà trường nói chung
và sự phát triển nghề nghiệp chuyên môn của giáo viên nói riêng.


2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Cộng đồng học tập chuyên môn
2.1.1. Khái niệm cộng đồng học tập chuyên môn
Cho đến nay, không có định nghĩa thống nhất về cộng đồng học tập chuyên môn –
Professional Learning Community (PLC). Tùy vào mỗi bối cảnh nghiên cứu và ứng dụng
khác nhau, PLC có thể được hiểu theo nhiều nội hàm khác nhau. Tuy nhiên, dường như
có sự đồng thuận rộng rãi trên bình diện quốc tế khi cho rằng PLC là một khái niệm dùng
để chỉ một nhóm người cùng chia sẻ và cùng học hỏi một cách nghiêm túc về công việc
chuyên môn của họ theo cách thức liên tục phản biện, cộng tác, học hỏi và trên tinh thần
xây dựng để cùng nhau phát triển (Mitchell & Sackney, 2000 [11]; Toole & Louis, 2002
[20]) và hoạt động theo tập thể (King & Newmann, 2001) [8].
Dựa trên tóm tắt các công trình nghiên cứu đã công bố liên quan, Hord (1997, p.1)[6]
đã đúc kết và định nghĩa về PLC với tư cách là “cộng đồng chuyên môn của những người
cùng nhau tham gia học tập” (Astuto, Clark, Read, McGree & Fernandez, 1993) [1], “...
trong đó, giáo viên cùng một trường học bao gồm cả cán bộ quản lí, liên tục tìm kiếm và
chia sẻ việc học và hành động để thực hiện hoạt động học đó của họ. Mục tiêu hành động này
là nâng cao hiệu quả chuyên môn, đảm bảo mục đích cuối cùng là lợi ích của học sinh; do đó,
mô hình này cũng có thể được gọi là cộng đồng của những đề xuất và cải tiến liên tục”.
Theo đó, nội hàm của khái niệm PLC – Professional Learning Community còn có thể
rút ra được từ chính tên gọi của nó:
- Professional: Một cộng đồng học tập chuyên môn là công việc của những người làm
việc chuyên môn, có nghĩa thành viên của một PLC phải chấp nhận một tinh thần, thái độ
chuyên nghiệp, tập trung vào mục tiêu là lợi ích của học sinh và hỗ trợ học sinh học tập.
Nó còn có nghĩa là PLC được vận hành thông qua tri thức và nghiên cứu. Giáo viên thảo
luận làm thế nào để vận dụng linh hoạt những đổi mới giáo dục vào công tác giảng dạy
của mình, giáo viên thực hiện nghiên cứu dựa trên chính những điều tra, vận dụng trên
thực tiễn lớp học của họ.
- Learning: Cộng đồng học tập chuyên môn là đều nhằm chỉ đến việc học. Học dành
cho học sinh và học cũng dành cho giáo viên, cán bộ quản lí; và thậm chí học dành cho

83


Nguyễn Hoang Đan Huy

nhà trường. Học tập chuyên môn của giáo viên bao gồm học dựa trên kiến thức từ thực
tiễn, kiến thức từ nghiên cứu.
- Community: Cộng đồng học tập chuyên môn dựa trên tầm nhìn trong đó học tập có
hiệu quả hơn nếu nó được thực hiện trong một nhóm các chuyên gia. Nhà trường có thể cung
cấp những điều kiện về vật chất và tinh thần để hỗ trợ hoạt động của cộng đồng học tập.
Tựu trung lại, có thể nói rằng, trong môi trường nhà trường, cộng đồng học tập
chuyên môn là một tập thể gồm những giáo viên, cán bộ quản lí nhà trường cùng nhau
học hỏi, hợp tác, chia sẻ trong việc tiếp nhận, nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo những ý
tưởng, kiến thức liên quan đến dạy học và giáo dục để cùng nhau phát triển, hướng đến
mục tiêu cuối cùng là vì lợi ích của học sinh.
2.1.2. Đặc trưng của cộng đồng học tập chuyên môn ở nhà trường phổ thông
Báo cáo năm 2005 của Bộ Giáo dục Ontario (Canada) có tựa đề “Giáo dục cho Tất
cả” cho thấy các đặc điểm của PLC như sau:
 Chia sẻ tầm nhìn và giá trị dẫn đến cam kết tập thể của cán bộ nhà trường, được
thể hiện trong công tác hàng ngày
 Đề xuất những giải pháp tích cực, tạo nên sự cởi mở đón nhận những ý tưởng mới
 Làm việc hợp tác để đạt được các mục tiêu chung
 Khuyến khích thử nghiệm để thúc đẩy cơ hội học tập
 Cùng nhau nghiên cứu về thực trạng, đề xuất các nhiệm vụ cần thực hiện để cải
thiện thực trang, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn
 Cải tiến liên tục dựa trên đánh giá kết quả học tập
 Phản ánh để nghiên cứu tác động cải tạo thực tiễn
Theo nghiên cứu của Hord (2004) [7] và Louis (1995) [9], PCL có những đặc điểm
như sau:
 Có giá trị và tầm nhìn chung

Có một tầm nhìn chung và đồng thuận về mục mục tiêu hoạt động là điều quan trọng
nhất đối với một cộng đồng học tập chuyên môn. Đặc biệt, tất cả các thành viên trong
cộng đồng học tập đều cùng có “một sự tập trung liên tục” đối với việc học của chính họ
(Hord, 2004). Louis (1995) đề xuất rằng cùng nhau chia sẻ những giá trị chung là nền
tảng để đồng thuận trong việc ra quyết định trong tập thể.
 Trách nhiệm tập thể
Trong nhiều tài liệu đã công bố, các nhà nghiên cứu hầu như đều đồng tình ở một
đặc điểm của PLC, đó là các thành viên của PLC phải liên tục chịu trách nhiệm tập thể
cho việc học của mỗi thành viên. Họ cho rằng trách nhiệm tập thể đó có thể giúp duy trì
cam kết, tạo nên những áp lực một cách đồng thời và giảm bớt sự cô lập giữa các giáo
viên với nhau.
 Phản ánh yêu cầu một cách chuyên nghiệp
Đặc điểm này phản ánh qua những hình thức hoạt động như sau: “đối thoại phản
biện” (Reflective dialogue) - đó là các cuộc thảo luận về những vấn đề giáo dục hoặc
những vấn đề liên quan đến việc áp dụng kiến thức mới một cách bền vững và hiệu quả;
thường xuyên kiểm tra công tác giảng dạy giữa giáo viên với nhau, thông qua quan sát
84


Mối quan hệ giữa cộng đồng học tập chuyên môn với việc phát triển nghề nghiệp…

lẫn nhau và phân tích trường hợp, lập kế hoạch chung và cùng phát triển chương trình
giảng dạy; tìm kiếm kiến thức mới, chia sẻ kiến thức mới cập nhật thông qua tương tác
với nhau; áp dụng các ý tưởng cũng như những thông tin mới hữu ích để hỗ trợ nhau
giải quyết các vấn đề trong thực tiễn dạy học và giáo dục, qua đó đáp ứng nhu cầu của
học sinh...
 Hợp tác
Điều này liên quan đến sự tham gia của các thành viên trong hoạt động phát triển một
cách hiệu quả, thay vì chỉ đơn thuần là những sự kết hợp có qua có lại mang tính hình
thức. Chẳng hạn như, giáo viên cùng nhau đánh giá và chia sẻ phản hồi liên quan đến

đánh giá đó. Cảm giác phụ thuộc lẫn nhau là trọng tâm của sự hợp tác: mục tiêu của việc
dạy tốt sẽ không thể đạt được nếu thiếu sự cộng tác giữa giáo viên với nhau, giữa giáo
viên với cán bộ quản lí của nhà trường.
 Thúc đẩy hoạt động học tập theo nhóm và cá nhân
Tất cả giáo viên đều là những người học hỏi từ đồng nghiệp của họ (Louis và cộng sự,
1995). Trong nghiên cứu “Learning enriched schools” của Rosenholtz (1989), ‘‘tự đổi
mới chuyên môn’’ là ‘một sự kiện xã hội chứ không phải là sự cô độc”. Học tập tập thể là
điều hiển nhiên trong xã hội loài người, thông qua việc sáng tạo tri thức tập thể (Louis,
1994), nhờ đó cộng đồng học tập tương tác, tham gia vào đối thoại nghiêm túc và thảo
luận về thông tin và dữ liệu mà họ cùng thu được.
Từ các công trình nghiên cứu liên quan, chúng ta nhận thấy, PLC có rất nhiều đặc
điểm trong đó bao gồm cả việc tập thể và trách nhiệm cho việc học tập của học sinh được
chia sẻ rộng rãi, tập trung vào câu hỏi và đối thoại phản chiếu giữa các nhà giáo dục, tập
trung vào việc cải thiện việc học của học sinh, các giá trị và tiêu chuẩn chung.

2.2. Vai trò của cộng đồng học tập chuyên môn với sự phát triển nghề nghiệp
giáo viên phổ thông
Phát triển chuyên môn nghề nghiệp của giáo viên phổ thông là nhân tố ảnh hưởng to
lớn đến toàn bộ hệ thống giáo dục. Hơn ai hết, năng lực của giáo viên, trong đó sự phát
triển nghề nghiệp liên tục của họ có thể quyết định đến sự tiến lên hay thụt lùi của chất
lượng giáo dục thế hệ trẻ. Vậy, cộng đồng học tập chuyên môn của giáo viên ở trường
phổ thông đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển nghề nghiệp của đội ngũ giáo
viên ở đây?
Thực tế cho thấy, các hình thức phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên phổ
thông hiện nay thường tập trung ở việc tổ chức các hội thảo, khoá bồi dưỡng ngắn hạn
vẫn đang phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy các
hình thức này không thực sự mang lại hữu ích cho bản thân giáo viên. Trong công bố của
mình, McConnell et al. (2013) [10] cho rằng, việc tổ chức các hội thảo như một hình thức
phát triển nghiệp vụ cho giáo viên phần lớn là tốn kém và không hiệu quả. Ferguson
(2013) [5] còn nhấn mạnh: “các hình thức phát triển nghề nghiệp truyền thống trong đó

các chuyên gia có mặt tại một hội thảo một lần hầu như không có hiệu quả”. Sự thiếu hiệu
quả này có thể là do các hội thảo và bài giảng truyền thống đặt giáo viên vào một vai trò
thụ động, trong khi đó, với PLC, giáo viên có thể hoạt động như một cộng đồng cộng tác
giữa những người học tích cực.
85


Nguyễn Hoang Đan Huy

Thực vậy, nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định vai trò của cộng
đồng học tập chuyên môn với sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên, trong đó, tiêu biểu
là một nhóm nghiên cứu bao gồm Poulos, Culberston, Piazza, & D’entremont (2014) [15]
đã nhận định rằng: các trường phổ thông có thể nâng cao chất lượng giáo dục của mình
nếu tập thể các thành viên trong trường hợp tác nỗ lực để cải thiện, học hỏi và cùng nhau
đổi mới; Các PLC là công cụ có thể mang lại cơ hội để hình thành và thúc đẩy những nỗ
lực tập thể đó. Việc xây dựng các PLC có thể là cách tốt nhất để thiết lập môi trường học
tập liên tục cho giáo viên trong nhà trường (Davidson & Dwyer, 2014 [2]; Stahl, 2015 [18;
DuFour, 2014 [4]; Owen, 2015 [13]).
Nhà nghiên cứu DuFour (2014) đã khẳng định rằng, “quy trình hoạt động của các
cộng đồng học tập chuyên nghiệp cung cấp môi trường tốt nhất cho sự phát triển chuyên
môn có hiệu quả của giáo viên trong nhà trường”. Woodland & Mazur (2015) [21] cũng
nhấn mạnh thêm rằng: PLC được biết đến với tư cách là một trong những cách tiếp cận
tốt nhất để giúp cho giáo viên cải thiện và học tập trong suốt quá trình công tác của họ.
Tam (2015) [19] nói thêm rằng việc thiết lập PLC là một cách để tối đa hóa sự phát triển
chuyên môn trong các trường học trong thời đại ngày nay: “Nhiều nghiên cứu đã ghi
nhận rằng, các hoạt động được tổ chức trong PLC có thể mang lại sự thực học cho giáo
viên; các hoạt động như vậy thường bao gồm: giáo viên quan sát các thực hành của
nhau, cho và nhận phản hồi, tham gia vào các nghiên cứu chuyên nghiệp và tham gia
vào các cuộc thảo luận, tọa đàm để cùng nhau phản biện… tất cả đều là hoạt động đặc
trưng của PLC”.

Mặc dù nhà nghiên cứu Poulos et al. (2014) nhận thấy rằng nhiều “giáo viên vẫn
không thoải mái với việc chỉ trích người khác ở mức cần thiết” [15], nhưng chính sự khó
chịu về ban đầu này cho thấy một cơ hội để thay đổi tích cực: chính những phản hồi trung
thực và những phản biện mang tính xây dựng là rất quan trọng để giúp giáo viên cải thiện
và nâng cao chất lượng dạy học của mình.
Nghiên cứu của Sims & Penny (2014) [17] thông qua việc quan sát hoạt động của
những PLC đã chỉ ra rằng: hình thức này mang lại một môi trường tích cực và xây dựng
thông qua việc cung cấp cơ hội cho các cuộc trò chuyện chuyên nghiệp cởi mở và minh
bạch giữa các giáo viên trong cùng cộng đồng học tập chuyên môn. Giáo viên không chỉ
tìm kiếm cơ hội để tăng cường kiến thức của họ bằng PLC mà còn những người tìm kiếm
cơ hội cải thiện chuyên môn, tư vấn và chia sẻ ý tưởng và chuyên môn mà họ nhận được
từ các giáo viên khác và từ một người khác. Davidson & Dwyer (2014) [2] và Peskin et al.
(2009) [14] đã xác nhận điều này sau khi phỏng vấn một số giáo viên về kinh nghiệm của
họ khi tham gia vào các PLC; nghiên cứu của họ cho thấy rằng giáo viên rất thích chia sẻ
kiến thức chuyên môn, tài liệu học tập và nghiên cứu của họ. Hơn nữa, các giáo viên khi
tham gia vào PLC đã học được nhiều hơn về những kinh nghiệm thực tiễn trong dạy học
từ các giáo viên khác trong PLC.
Các cuộc thảo luận về chuyên môn trong PLC có ý nghĩa sâu sắc bởi vì các ý tưởng
được đưa ra xuất phát các giáo viên với chuyên ngành và quan điểm khác nhau do nền
tảng và đào tạo khác nhau của họ. Do đó, những gì giáo viên chia sẻ, chẳng hạn như
nghiên cứu, triết lí cá nhân của họ về giáo dục hoặc kinh nghiệm của họ cũng phong phú
và đa dạng hơn rất nhiều (Owen, 2015). Những lời khuyên, tham vấn, tư vấn và đề xuất
86


Mối quan hệ giữa cộng đồng học tập chuyên môn với việc phát triển nghề nghiệp…

giữa giáo viên trao đổi với nhau trong PLC rất có thể có hiệu quả vì chúng được sử dụng
trong thực tế chứ không phải là lí thuyết suông.
Kết quả phỏng vấn trên các giáo viên tham gia PLC về lợi ích và giá trị mà họ thu

được từ PLC được nhóm nghiên cứu Davidson & Dwyer (2014), McConnell và cộng sự
(2013) và Richmond & Manokore (2011) chỉ ra bao gồm như sau:
(1) Chia sẻ thông tin và nguồn tài liệu;
(2) Tìm hiểu các quan điểm và thực hành mới dựa trên bằng chứng;
(3) Tìm hiểu về các giải pháp thực tế;
(4) Phát triển tình đồng nghiệp;
(5) Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên.
Như vậy, đối với sự phát triển nghề nghiệp giáo viên, các công trình nghiên cứu đã
khẳng định ý nghĩa của cộng đồng học tập chuyên môn như một yếu tố quan trọng trong
hệ thống giáo dục hiện đại. Có thể nói, cộng đồng học tập chuyên môn vừa là mục đích,
công cụ, vừa là môi trường để phát triển chuyên môn nghề nghiệp của giáo viên.

2.3. Mối quan hệ giữa cộng đồng học tập chuyên môn với chất lượng giáo dục
ở nhà trường phổ thông
Như đã đề cập ở trên, cộng đồng học tập chuyên môn của giáo viên có ảnh hưởng
không nhỏ đến sự vận hành của toàn bộ quá trình giáo dục. Mối quan hệ tương quan giữa
cộng đồng học tập chuyên môn của giáo viên với chất lượng giáo dục ở nhà trường phổ
thông đã được công bố trong nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới.
2.3.1. Đối với hiệu quả dạy học của giáo viên
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng PLC có thể cải thiện hiệu quả thực hành giáo dục
của giáo viên và nâng cao trình độ chuyên môn của họ thông qua hợp tác, nghiên cứu
hành động và thảo luận. PLC cũng có thể cung cấp cơ hội cho giáo viên để suy ngẫm về
thực hành của riêng mình cũng như chia sẻ những chiêm nghiệm về thực hành chuyên
môn giữa giáo viên với nhau. Thảo luận mang tính phản biện, đóng góp ý kiến mang tính
xây dựng thường thấy trong các hoạt động của những PLC có thể xem là một cơ hội tốt để
giáo viên tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau về các quan điểm mới, các góc nhìn mới; nhìn nhận
lại những khó khăn, thách thức mà mình và đồng nghiệp phải đối mặt; nhận phản hồi tích
cực và xác định các phương pháp tiếp cận mới (Poulos và cộng sự, 2014; Tam, 2015).
Sims & Penny (2014) [17] nói rằng: “PLC có thể cung cấp cho giáo viên cơ hội để đặt câu
hỏi, nghiên cứu và tìm các giải pháp liên quan đến các vấn đề khác nhau của trong tác

giảng dạy của mình”.
Ngoài ra, PLC có thể làm sâu sắc thêm kiến thức chuyên môn của giáo viên bên ngoài
sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và các chương trình đào tạo khác (Richmond &
Manokore, 2011; Woodland & Mazur, 2015). Ví dụ, Davidson & Dwyer (2014) đã trích
dẫn bình luận của một giáo viên đã tham gia vào một PLC như sau: “Tôi không được đào
tạo đầy đủ trong chương trình đại học của mình. Những kiến thức được dạy ở trường hoàn
toàn khác với những gì tôi đang phải đối mặt ở trường phổ thông. Tôi đã liên tục tham gia
các hoạt động phát triển chuyên môn và đã nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa với việc
lập kế hoạch và giảng dạy thông qua PLC của trường”.
87


Nguyễn Hoang Đan Huy

Các PLC cũng có thể tác động tích cực đến sự tự tin về năng lực bản thân và chất
lượng thực hành của giáo viên vì trong các PLC, giáo viên có thể giao tiếp với nhau để
cùng chia sẻ cách giải quyết những trở ngại khác nhau trong nghề nhằm giúp cải thiện
thực tế giảng dạy và giáo dục của họ. Nói cách khác, sự tự tin vào năng lực bản thân cũng
như niềm tin vào năng lực chuyên môn của người giáo viên có thể giúp họ thực hiện công
việc một cách hiệu quả hơn. Điều này là rất quan trọng bởi vì giáo viên có thể gặp phải
những khó khăn, thách thức trong quá trình công tác của mình. Do đó, một môi trường
làm việc có sự hỗ trợ, cộng tác có thể tác động tích cực đến niềm tin của giáo viên
(Thornton & Cherrington, 2014; Davidson & Dwyer, 2014). Tam (2015) đã nhận định
rằng, trong các PLC, “giáo viên dễ dàng tiết lộ những bất ổn của họ và mong muốn có
được những bình luận và lời khuyên từ những người khác”.
Không những vậy, đối với những giáo viên mới vào nghề, PLC đóng vai trò hết sức
to lớn. Thông qua các hoạt động của PLC, giáo viên mới có thể :
(1) Trải nghiệm sự thay đổi và sự khác biệt giữa những gì được học ở trường đại học
với thực tế giáo dục tại trường phổ thông (McConnell và cộng sự, 2013; Woodland &
Mazur, 2015).

(2) Có thể hưởng lợi từ sự cố vấn, hướng dẫn của các giáo viên có kinh nghiệm khác
về các hoạt động tại trường phổ thông (Beddoes, Prusak, & Hall, 2014).
(3) Có được sự chuẩn bị tuy vẫn thường bị choáng ngợp trước nhiệm vụ giảng dạy và
các công tác được giao ở trường phổ thông (Jones, 2012).
(4) Được đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn hỗ trợ và tài liệu giảng dạy và hỗ trợ
lập kế hoạch (Davidson & Dwyer, 2014, trang 46).
(5) Có những hiểu biết, kinh nghiệm giá trị từ các đồng nghiệp về thực hành thực tế
hơn là những lí thuyết trên giấy (McConnell và cộng sự, 2013; Woodland & Mazur, 2015).
Tam (2015) đã phỏng vấn một số giáo viên của nhiều quốc gia khác nhau về niềm tin
của họ đối với việc phát triển chuyên môn thông qua việc tham gia vào các PLC; một
trong những giáo viên mới cho biết: “Chúng tôi học kiến thức về giảng dạy trong các
chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nhưng thực ra loại kiến thức đó là lí thuyết
áp đảo. Trong thực tế, lí thuyết được học hoàn toàn không đủ để đối phó với các vấn đề
phát sinh trong quá trình giảng dạy tại trường phổ thông. Chúng tôi cần học hỏi từ các
đồng nghiệp, đặc biệt là những người có kinh nghiệm phong phú trong việc giải quyết các
vấn đề hàng ngày trên lớp và tập trung vào việc mang lại hiệu quả học tập cho học sinh”.
Hơn nữa, thực tế cho thấy, giáo viên mới thường cho thấy mức độ bị cô lập cao hơn
các giáo viên có kinh nghiệm, trong khi đó, các trường phổ thông lại thường không chú
trọng tới những chính sách hay hoạt động nhằm khuyến khích hoặc hỗ trợ sự hợp tác của
mọi giáo viên trong toàn trường. Trong nỗ lực giải quyết các vấn đề cô lập của các giáo
viên mới, một số trường học chỉ định một giáo viên có kinh nghiệm làm cố vấn cho giáo
viên mới. Tuy nhiên, việc được chỉ định cho một người cố vấn có thể không đủ hiệu quả
hoặc hỗ trợ không đầy đủ cho các giáo viên mới (Jones, 2012, David & Dwyer, 2014).
Trong trường hợp đó, PLC dường như có thể cung cấp cho giáo viên mới cơ hội để
hình thành và phát triển tình đồng nghiệp với các giáo viên có kinh nghiệm dựa trên sự tin
tưởng và hỗ trợ chuyên môn lẫn nhau, chẳng hạn như, lời khuyên, chia sẻ chuyên môn,
chia sẻ trách nhiệm và cộng tác. Các PLC cũng có thể giúp tạo cơ hội cho các giáo viên
88



Mối quan hệ giữa cộng đồng học tập chuyên môn với việc phát triển nghề nghiệp…

mới dễ dàng thực hiện nhiệm vụ và nghĩa vụ chuyên môn bằng cách chia sẻ và trao đổi tài
liệu và tài nguyên dạy học và giáo dục với các giáo viên có kinh nghiệm trong trường của
họ. Ví dụ, giáo viên có kinh nghiệm có thể đề xuất các cách khác nhau để giáo viên mới
dành ít thời gian hơn để chuẩn bị kế hoạch bài học…
2.3.2. Đối với hiệu quả học tập của học sinh
Hơn ai hết, cộng đồng học tập chuyên môn của giáo viên có thể tạo điều kiện cho các
thành viên của mình cùng xem xét để nhận biết và kịp thời hỗ trợ nhu cầu học tập và cả
những nhu cầu khác của học sinh theo nhiều cách khác nhau (Poulos và cộng sự, 2014,
Wong, 2010; Wells & Feun, 2012).
Nghiên cứu của Sims & Penny (2014) chỉ ra rằng các cuộc họp của PLC thường kì
tạo điều kiện cho giáo viên kiểm tra chéo lẫn nhau xem các chủ đề hoặc khái niệm mà học
sinh của mình đang gặp khó khăn liệu có tương tự như của đồng nghiệp hay không; sau
đó bằng cách tham gia các cuộc thảo luận và tranh luận về chuyên môn, họ có thể cùng
nhau giải quyết những khoảng trống trong kế hoạch bài học của họ. Một trong những giáo
viên được phỏng vấn đã tiết lộ những điều sau đây: “Thông qua PLC, có thể nảy sinh ý
tưởng và có thể nói chuyện với những người khác về những gì bạn định làm hoặc những
gì bạn đang phải vật lộn, trăn trở. Điều này không chỉ tạo ra cảm giác gắn kết trong cộng
đồng mà còn tạo ra một cảm giác muốn phấn đấu để đảm bảo rằng học sinh của mình
đang nhận được sự giáo dục tốt nhất có thể từ bốn hoặc năm giáo viên khác nữa”.
Woodland & Mazur (2015) cũng nhận định rằng: “giáo viên có thể sử dụng kết quả
học tập của học sinh làm tâm điểm của cuộc thảo luận trong các hoạt động của PLC, cùng
nhau phân tích để đưa ra quyết định về cách thay đổi phương pháp giảng dạy của mình và
sau đó thực hiện các hành động phù hợp để nâng cao thành tích học tập của học sinh”.
PLC mang đến cho tất cả giáo viên những cơ hội để tạo ra và tham gia vào những
cuộc đối thoại và thảo luận về chuyên môn. Trong một cuộc phỏng vấn, một giáo viên
tham gia vào PLC cho biết: “các cuộc thảo luận giữa đồng nghiệp với nhau có thể giúp
nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề của chúng tôi, chẳng hạn như phương pháp
giảng dạy nào là không hiệu quả, thành tích học tập không đạt yêu cầu và hành vi không

hoạt động của học sinh như vậy thì cần giải quyết như thế nào…” (Tam, 2015).
Ngoài ra, giáo viên có thể cùng nhau thảo luận tập trung vào bất kì vấn đề nào trong
nghề nghiệp của họ, như chiến lược đánh giá, hướng dẫn lớp học và tổ chức, v.v… Ví dụ,
Owen (2015) đã nghiên cứu trường hợp về một học sinh bị khuyết tật xã hội và chậm phát
triển ngôn ngữ, sau khi được đồng nghiệp cùng nhau hỗ trợ, tư vấn, giáo viên đã làm việc
1-1 với học sinh này và sau một thời gian đã cho thấy dự tiến bộ trong việc hoà nhập và
phát triển ngôn ngữ của em này. Trong nghiên cứu trường hợp của Owen (2015), các giáo
viên tham gia vào PLC cũng cho thấy kết quả tiến bộ của học sinh về sự tự tin và và hứng
thú học tập ở trường.
Như vậy, thông qua thực hành chuyên môn của giáo viên, việc tổ chức và thực hiện
PLC có sự tương quan tương đối mạnh đối với kết quả học tập của học sinh.

2.4. Định hướng xây dựng và phát triển cộng đồng học tập chuyên môn trong
nhà trường phổ thông ở Việt Nam
Xu hướng đổi mới trong giáo dục hiện nay đang hướng đến những quan điểm lí luận
dạy học hiện đại như phát triển chương trình nhà trường, dạy học phân hóa, dạy học tích
89


Nguyễn Hoang Đan Huy

hợp, dạy học hướng vào năng lực người học… Những quan điểm này khi được vận dụng
vào nhà trường phổ thông đòi hỏi đội ngũ giáo viên không chỉ được trang bị đầy đủ tri
thức và kỹ năng nghiệp vụ sư phạm mà còn biết kết hợp với hoạt động nghiên cứu khoa
học để tìm hiểu và lựa chọn, thiết kế những hình thức, phương pháp, phương tiện… phù
hợp với đối tượng học sinh của mình. Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục về chương trình
và sách giáo khoa, cùng những đòi hỏi không ngừng của xã hội đối với năng lực của đội
ngũ giáo viên phải liên tục phát triển năng lực nghề nghiệp của bản thân. Và chính cộng
đồng học tập chuyên môn của giáo viên ngay trong trường phổ thông là một con đường
tất yếu để giúp giáo viên nâng cao năng lực nghề nghiệp của họ.

Trong các nhà trường phổ thông ở Việt Nam, cộng đồng học tập chuyên môn của
giáo viên mặc dù chưa được gọi đúng tên cũng như chưa tận dụng được hết vai trò, lợi ích
của nó nhưng cũng đã bước đầu mang dáng dấp, hình hài ở những hình thức khác với tên
gọi là tổ sinh hoạt chuyên môn (giữa giáo viên cùng bộ môn trong trường). Tuy nhiên,
việc xây dựng và phát triển các cộng đồng học tập chuyên môn của giáo viên trong trường
phổ thông ở nước ta là vấn đề cần lưu tâm. Thông qua những nghiên cứu kinh nghiệm từ
nước ngoài, chúng tôi đề xuất một số định hướng để xây dựng cộng đồng học tập chuyên
môn cho giáo viên phổ thông như sau:
- Xây dựng cộng đồng học tập chuyên môn trước hết cần xác định kế hoạch chiến
lược hoạt động, hướng đến mục tiêu hoàn thành sứ mệnh của cộng đồng thông qua thực
hiện những đổi mới liên tục, đáp ứng được yêu cầu luôn thay đổi của ngành giáo dục và
của xã hội đối với đội ngũ giáo viên nói chung và năng lực nghề nghiệp của giáo viên
nói riêng.
- Cần thông báo cho tất cả các thành viên trong cộng đồng học tập chuyên môn được
biết và cam kết duy trì mục tiêu chung đã xác định và theo đuổi.
- Xây dựng môi trường hoạt động trong cộng đồng học tập chuyên môn của giáo viên
tại trường phổ thông trên tinh thần hợp tác, sáng tạo, linh hoạt.
- Tăng cường động cơ và năng lực làm việc của các thành viên trong cộng đồng học
tập thông qua việc tạo cơ hội cho mỗi người đều có thể cùng học tập nâng cao trình độ
tiến tới việc họ có thể đảm trách nhiều vị trí công việc khác nhau...

3. Kết luận
Nói tóm lại, tổ chức cộng đồng học tập chuyên môn trong nhà trường có thể được
xem là một trong những nhân tố tác động tích cực đến sự phát triển chuyên môn của đội
ngũ giáo viên, đến kết quả học tập của học sinh và đến chất lượng giáo dục của nhà
trường. Và đến lượt mình, những yếu tố này cũng có những ảnh hưởng nhất định trong
việc hình thành và phát triển cộng đồng học tập chuyên môn của trường phổ thông.
Cộng đồng học tập chuyên môn có thể xem là mục đích, công cụ và môi trường để
phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên. Nó là yếu tố tác động với mức độ nhất định
đến chất lượng giáo dục của nhà trường thông qua những ảnh hưởng cụ thể đến hiệu quả

học tập của học sinh, hiệu quả giảng dạy của giáo viên cũng như những hoạt động quản lí
giáo dục của nhà trường. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, việc xây dựng cộng đồng học
90


Mối quan hệ giữa cộng đồng học tập chuyên môn với việc phát triển nghề nghiệp…

tập chuyên môn ở nhà trường phổ thông là một vấn đề cần quan tâm và vận dụng đúng
mức để đảm bảo quá trình đổi mới giáo dục ở nước ta mang lại hiệu quả.
Lời cảm ơn: Bài báo là sản phẩm nghiên cứu của Đề tài B2018-SPH-03HT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Astuto, T.A., Clark, D.L., Read, A.-M., McGree, K & de Fernandez, L.K.P., 1993.
Challenges to dominant assumptions controlling educational reform. Andover, MA:
Regional Laboratory for the Educational Improvement of the Northeast and Islands;
trích từ Stoll, L., Bolam, R., McMahon, A. et al. J Educ Change (2006). Professional
Learning Communities: A Review of the Literature. Journal of Educational Change
(2006) 7:221–258. DOI 10.1007/s10833-006-0001-8.
[2] Davidson, J., & Dwyer, R., 2014. The role of professional learning in reducing
isolation experienced by classroom music teachers. Australian Journal of Music
Education, (1), 38-51.
[3] Department: Basic Education, Republic of south Africa, 2015. Professional Learning
Communities – A guideline for South African schools. Truy cập từ
vào 12.03 ngày 12.10.2018.
[4] DuFour, R., 2014. Harnessing the power of PLCs. Educational Leadership, 71(8), 30-35.
[5] Ferguson, K., 2013. Organizing for professional learning communities: embedding
professional learning during the school day. Canadian Journal of Educational
Administration and Policy, (142), 50-68.
[6] Hord, Shirley M., 1997. "Professional learning communities: communities of
continuous inquiry and improvement" (PDF). White paper issued by Southwest
Educational Development Laboratory, Austin, TX and funded by the Office of

Educational Research and Improvement, United States Department of Education.
Retrieved 27 October 2016. A summary of the white paper was published as: Hord,
Shirley M. (1997). "Professional learning communities: what are they and why are
they important?". Issues about Change. 6 (1).
[7] Hord, S., 2004. Professional learning communities: An overview. In S. Hord (ed),
Learning together, leading together: Changing schools through professional learning
communities. New York: Teachers College Press.
[8] King, M.B. & Newmann, F.M., 2001. Building school capacity through professional
development: Conceptual and empirical considerations. International Journal of
Educational Management 15(2), 86–93; trích từ Stoll, L., Bolam, R., McMahon, A. et
al. J Educ Change, 2006. Professional Learning Communities: A Review of the
Literature. Journal of Educational Change (2006) 7:221–258. DOI 10.1007/s10833006-0001-8.
[9] Louis, K.S., Kruse, S.D. & Associates., 1995. Professionalism and community:
Perspectives on reforming urban schools. Thousand Oaks, CA: Corwin Press Inc.
91


Nguyễn Hoang Đan Huy

[10] McConnell, T. J., Parker, J. M., Eberhardt, J, Koehler, M. J., & Lundeberg, M. A.,
2013). Virtual professional learning communities: teachers’ perceptions of virtual
versus face-to-face professional development. Journal of Science Education and
Technology, 22(3), 267-277. doi: 10.1007/s10956-012-9391-y
[11] Mitchell, C. & Sackney, L., 2000. Profound improvement: Building capacity for a
learning community. Lisse, The Netherlands: Swets & Zeitlinger; trích từ Stoll, L.,
Bolam, R., McMahon, A. et al. J Educ Change (2006). Professional Learning
Communities: A Review of the Literature. Journal of Educational Change (2006)
7:221–258. DOI 10.1007/s10833-006-0001-8.
[12] Myers, Charles B.; Myers, Lynn K., 1995. The professional educator: a new
introduction

to
teaching
and
schools.
Belmont,
CA: Wadsworth
Publishing. ISBN 0534205747. OCLC 31009967.
[13] Owen, S. M., 2015. Teacher professional learning communities in innovative
contexts: “Ah hah moments,” “passion” and “making a difference” for student
learning. Professional Development in Education, 41(1), 57-74. doi:
10.1080/19415257.2013.869504
[14] Peskin, J., Katz, S., & Lazare, G., 2009. Curriculum, coherence, and collaboration:
building a professional learning community among instructors in initial teacher
education. Teaching Educational Psychology, 4(2), 23-38.
[15] Poulos, J., Culberston, N., Piazza, P., & D’entremont, C., 2014. Making space: The
value of teacher collaboration. Education Digest, 80(2), 28-31.
[16] Senge, Peter M., 2006) [1990]. The fifth discipline: the art and practice of the
learning
organization (Revised
ed.).
NewYork:Currency/
Doubleday. ISBN 0385517254. OCLC 65166960.
[17] Sims, R. L., & Penny, G. R., 2014. Examination of a failed professional learning
community. Journal of Education and Training Studies, 3(1), 39- 45. doi:
10.11114/jets.v3i1.558
[18] Stahl, K. A., 2015. Using professional learning communities to bolster
comprehension instruction. Reading Teacher, 68(5), 327-333. doi: 10.1002/trtr.1311
[19] Tam, A., 2015. The role of a professional learning community in teacher change: A
perspective from beliefs and practices. Teachers and Teaching: Theory and Practice,
21(1), 22-43. doi: 10.1080/13540602.2014.928122

[20] Toole, J.C. & Louis, K.S., 2002. The role of professional learning communities in
international education. In K. Leithwood & P. Hallinger (eds), Second international
handbook of educational leadership and administration. Dordrecht: Kluwer; trích từ
Stoll, L., Bolam, R., McMahon, A. et al. J Educ Change (2006). Professional
Learning Communities: A Review of the Literature. Journal of Educational Change
(2006) 7:221–258. DOI 10.1007/s10833-006-0001-8.
[21] Woodland, R. H., & Mazur, R., 2015. Beyond hammers versus hugs: Leveraging
educator evaluation and professional learning communities into job-embedded
professional
development.
NASSP
Bulletin,
99(1),
5-25.
doi:
10.1177/0192636515571934.
92


Mối quan hệ giữa cộng đồng học tập chuyên môn với việc phát triển nghề nghiệp…

ABSTRACT
The Relationship between professional learning community with teacher
professional development and quality of school education

Nguyen Hoang Doan Huy
Institute for Educational Research, Hanoi National University of Education
Teacher professional competency plays as an important role that directly impact to
the quality of school education . There are controversial agreements related to the effects
of the current forms of teacher professional development used globally. Professional

learning community (PLC) emerged as an essential and accepted solution in this situation.
By quoting from a number of relevant international studies , the paper introduces the
term of PLC including definition, characteristics, relationships with teacher professional
development and quality of school education .
Keywords: Professional Learning Community, Teacher competency, Teacher
Professional Development; Quality of School Education.

93



×