ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
(Hồi hương ngẫu thư - Hạ Tri Chương)
I - Gợi ý
1. Tác giả:
Hạ Tri Chương (659-744) cũng là một trong muôn vì tinh tú của thơ Đường. Ông là
bạn vong niên của nhà thơ Lí Bạch. Khác với Lí Bạch là người bất đắc chí trên con đường
hoạn lộ, Hạ Tri Chương làm quan đến trên 50 năm, được vua Đường Huyền Tông rất mực
vị nể.
Hạ Tri Chương để lại hơn 20 bài thơ (trong đó có hai bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi
mới về quê). Thơ Hạ Tri Chương cũng như tính tình của ông, rất rộng mở, phóng khoáng.
Bài thơ được chọn trong sách giáo khoa là một trong hai bài Ngẫu nhiên viết nhân
buổi mới về quê nổi tiếng.
2. Đại ý:
Bằng giọng thơ hóm hỉnh xen lẫn ít nhiều vị chua chát, tác giả đã thể hiện chân thực
xúc cảm của một người đi xa lâu ngày mới trở về quê hương.
3. Chú giải:
Phép đối trong hai câu đầu được sử dụng có rất nhiều ý nghĩa:
Thiếu tiểu li gia / lão đại hồi
Hương âm vô cải / mấn mao tồi
Hạ Tri Chương xa quê từ nhỏ (thiếu tiểu), đến lúc già mới quay trở về. Dằng dặc hơn
năm mươi năm làm quan, hẳn lúc nào cũng canh cánh niềm nhớ quê hương, đến lúc về già
kiên quyết từ bỏ nơi vinh hoa phú quý để về sống nơi chôn nhau cắt rốn, tình cảm ấy thật
đáng trân trọng. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy rằng, tâm hồn người xa quê lâu ngày
hẳn bâng khuâng xao xuyến lắm.
Trải qua thời gian đằng đẵng nhưng tấm lòng người xa quê vẫn không đổi. Bốn chữ
"Hương âm vô cải" thật kì diệu. Phải đăm đắm về quê hương, lúc nào quê hương cũng ở
trong tâm trí mới có thể cảm thấy được cái "hương âm vô cải" ấy. Giọng quê không đổi
cũng có nghĩa là lòng người với quê hương cũng không chút đổi thay, chỉ có quy luật thời
gian là không cưỡng lại được ("mấn mao tồi"). Tình yêu quê hương vẫn sâu nặng như xưa
bởi nó thuộc về chủ quan, nhưng thời gian và tuổi tác (yếu tố khách quan) không thể nào
níu kéo. Sự đối lập giữa tình cảm và tuổi tác, giữa cái chủ quan lâu bền sâu nặng với cái
khách quan tất yếu gợi lên thấm thía một nỗi xót xa.
II − Giá trị tác phẩm
Viết về tình quê hương nhưng bài thơ lại có nhan đề là Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới
về quê. ở đây có hai sự lạ: Bao năm xa quê, tác giả đã không viết bài thơ này, bây giờ lại
viết khi vừa mới về quê; mặt khác, viết không có chủ ý mà hoàn toàn ngẫu nhiên (ngẫu
thư). Hai điều lạ lùng ấy tất có những điều uẩn khúc bên trong.
Nhà thơ Khuất Nguyên từng viết: "Hồ tử tất thủ khâu, Quyện điểu quy cựu lâm" (Cáo
chết tất quay đầu về núi, Chim mỏi tất bay về rừng cũ), là người ai chẳng có trong mình
một hình bóng quê hương. Hạ Tri Chương học tập và làm quan đến hơn 50 năm ở kinh đô,
về già xin từ quan, về quê làm đạo sĩ, tình sâu nặng là lẽ đương nhiên. Ông làm thơ không
vì nỗi nhớ quê mà vì cuối đới mới trở về quê, có bao điêu khiến ông phải suy nghĩ.
Trong phép đối, không nhất thiết số chữ trong mỗi vế phải bằng nhau chằn chặn mới
được coi là chỉnh. Với thể thơ thất ngôn hay ngũ ngôn, câu thơ gồm bảy chữ hoặc năm
chữ, đối theo kiểu 4/3 hoặc 2/3 vẫn được coi là đối chỉnh.
Hai câu đầu của bài thơ này có hình thức tiểu đối:
Thiếu tiểu li gia / lão đại hồi
Hương âm vô cải / mấn mao tồi
Hai câu đối, mỗi câu hai vế, mỗi vế có hai bộ phận đối nhau rất chỉnh. Lí gia đối với
đại hồi, hương âm đối với mấn mao là chỉnh cả ý lẫn lời; thiếu tiểu đối với lão, vô cải đối
với tồi tuy có hơi chênh về lời song về ý rất chỉnh (thiếu tiểu: còn nhỏ; lão: về già; vô cải:
không thay đổi; tồi: chỉ sự thay đổi). Xét về ý nghĩa ngữ pháp, thiếu tiểu và lão đều là chủ
ngữ cũng như vô cải và tồi đều là vị ngữ, hai câu đối đọc lên nghe rất hài hoà.
Hình thức tiểu đối trong hai câu này đã giúp nhà thơ thể hiện những ý nghĩa rất khái
quát trong một lượng câu chữ ít ỏi. Câu thơ đầu nói về quãng thời gian gần suốt cả cuộc
đời xa quê đồng thời hé lộ tình cảm quê hương của nhà thơ. Câu thơ thứ hai dùng một yếu
tố thay đổi (mái tóc) để làm nổi bật yếu tố không thay đổi (tiếng nói quê hương). Nói
hương âm vô cải là đã động đến phần tinh tế trong sâu thẳm tâm hồn (người thấy tiếng nói
quê hương không thay đổi qua mấy chục năm trời hẳn là người luôn nghĩ về quê hương).
Trở lại điều uẩn khúc đã nói ở trên. Tác giả về đến đầu làng, chỉ thấy có nhi đồng ra
đón. Ngày xưa tuổi thọ của con người ngắn hơn bây giờ (Đỗ Phủ nói "Nhân sinh thất thập
cổ lai hi" tức người mà sống được đến bảy mươi tuổi đã là hiếm lắm rồi). Tác giả khi ấy đã
86, những người cùng tuổi với ông hoặc đã mất cả, nếu có còn thì cũng đã lẫn, không nhận
được ra ông nữa. Chỉ có trẻ em (nhi đồng) vì lòng hiếu khách và vì tò mò mà ra đón thôi.
Đó là một nỗi buồn.
Nỗi buồn thứ hai là một chữ "khách". Trẻ em vốn vô tư, không biết ai thì gọi là
"khách" nhưng người già thì hay nghĩ ngợi. Ta về quê ta, về nơi chôn nhau cắt rốn của ta,
sao lại gọi là "khách"? Nỗi buồn trong cảm giác bị lãng quên quả là một nỗi buồn da diết.
Qua cách kể và tả, qua cách đối ý, đối lời tinh tế, tác giả thể hiện cả một dòng cảm
thức về thời gian, về những suy tư có phần xa xót từ chính cuộc đời, từ tình yêu quê hương
thiết tha và nồng ấm của mình.