Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Văn hóa truyền thống H’mông trong tiểu thuyết lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (446.54 KB, 11 trang )

HNUE JOURNAL OF SCIENCE
Social Sciences, 2019, Volume 64, Issue 8, pp. 12-22
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1067.2019-0041

VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG H’MÔNG TRONG TIỂU THUYẾT
LẶNG YÊN DƯỚI VỰC SÂU CỦA ĐỖ BÍCH THÚY

Lê Trà My
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy đã tạo dựng một không gian
văn hóa với tầng lớp các mã văn hóa dân gian, văn hóa cộng đồng của miền cao
cực bắc Việt Nam. Đó là một bức tranh đời sống với những đặc trưng của địa bàn
cư trú, với các tập tục sinh hoạt, tập quán canh tác, cách thức mưu sinh, các thủ tục,
lễ nghi của người H’mông. Hệ thống mã văn hóa H’mông đã tạo nên một không
khí truyện đầy chất vùng cao. Lớp không gian tự sự vùng cao trở thành kí hiệu
quyển (semiosphère), trường lực của nó chi phối mạnh mẽ và kết dính hệ thống
motip truyện kể. Nhà văn đã tái sinh các motip dân gian như cướp vợ, mồ côi, tự
vẫn, tạo nên những biến thể mới, duy trì và làm đa dạng gene văn hóa cộng đồng.
Tác phẩm đã khơi vào kí ức tộc người, sử dụng nét văn hóa đặc thù truyền thống,
kết hợp với những cách thức tự sự mới để nói những câu chuyện của người
H’mông thời hiện đại.
Từ khóa: Văn hóa H’mông, motip dân gian, mã văn hóa.

1.

Mở đầu

Thế giới bước vào thời kì văn hóa hậu công nghiệp, thời đại hậu hiện đại, thời của
số hóa, thế giới phẳng. Trong bối cảnh đương đại, khi nhiều nghệ sĩ thử nghiệm những


phương thức sáng tạo mới, chọn những cách biểu hiện hiện đại cho những vấn đề có
tính quốc tế, dễ hội nhập, xóa nhòa ranh giới khu vực, thì Đỗ Bích Thúy lại chọn cho
mình con đường tìm về với những nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của vùng cực bắc
Việt Nam. Vùng đất Hà Giang quê chị và cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây
đã trở thành nguồn chất liệu dồi dào, khơi mạch cho nhiều trang viết của chị. Có thể
thấy, trong những đề tài mà chị đã viết, đề tài miền núi, không gian, con người vùng cao
vẫn có chất dính riêng, làm nên sức cuốn hút của văn xuôi Đỗ Bích Thúy. Tiểu thuyết
mới nhất của chị - Lặng yên dưới vực sâu – lại một lần nữa cho thấy cái duyên của chị
với mảng đề tài này.
Lặng yên dưới vực sâu xuất bản năm 2017. Tiểu thuyết được xuất bản sau khi tác
giả hoàn thành 32 tập kịch bản phim cùng tên (phim đã được khởi quay và chiếu trên
VTV3 vào tháng 4/2017). Nó có tiền thân là một truyện ngắn cùng tên chị đã xuất bản
Ngày nhận bài: 19/6/2019. Ngày sửa bài: 29/7/2019. Ngày nhận đăng: 5/8/2019.
Tác giả liên hệ: Lê Trà My. Địa chỉ e-mail:
12


Văn hóa truyền thống H’mông trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy

trước đó. Với ba đời sống của Lặng yên dưới vực sâu, công chúng thì chủ yếu quan tâm
đến phim, một số trang web của các nhà xuất bản, công ti sách giới thiệu sách thì chú ý
đến review cho tiểu thuyết, một số rất ít độc giả có nhắc đến truyện ngắn. Về tiểu thuyết
Lặng yên dưới vực sâu, đã có một số bài điểm sách giới thiệu nội dung của tiểu thuyết;
nó cũng được nhắc đến như một sự đối sánh khi người ta giới thiệu và phân tích bộ
phim. Tiểu thuyết này cũng đã bước đầu được nghiên cứu trong nhà trường (khóa luận
tốt nghiệp Tiểu thuyết lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy nhìn từ phạm trù thẩm
mĩ cái bi kịch của sinh viên Từ Thị Tuyết Trinh, ĐHSPHN 2, 2018) [1]. Nhìn sơ bộ,
lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết này còn rất thưa thớt, nó chưa nhận được sự quan tâm của
các nhà nghiên cứu.
Bài viết này đề cập đến vấn đề dấu ấn văn hóa truyền thống H’mông trong một cấu

trúc truyện kể hiện đại như là một cách nhận diện văn học từ văn hóa, một cách nhận ra
những kết nối văn hóa, mã văn hóa trong tiểu thuyết.

2.

Nội dung nghiên cứu

Lặng yên dưới vực sâu là câu chuyện của người H’mông thời đương đại. Dù dấu
vết thời đại hơi mờ nhạt, người đọc vẫn nhận ra thời của xe máy đã lên núi thay bước
chân người, thời của các trường dân tộc nội trú vùng cao, thời vùng cao đã có điện, có
trường, trẻ con uống sữa bột… Tuy nhiên, cách sống, cách nghĩ của con người trong
cuộc sống hôm nay vẫn mang nhiều nét văn hóa truyền thống của người H’mông. Cuốn
tiểu thuyết giống như một miếng thổ cẩm trên đó dày đặc các hoa văn trang trí ghép lại
từ nhiều motip văn hóa truyền thống mang đặc trưng đời sống của người H’mông. Để
kết dính các mảng mầu văn hóa, tác giả đã tạo ra một không gian tự sự phản chiếu tập
tục sinh hoạt cùng những quan niệm sống lâu đời của tộc người H’mông.
2.1. Địa bàn cư trú và không gian văn hóa
Câu chuyện xảy ra ở U Khố Sủ. Tác giả lấy tên địa danh U Khố Sủ - một thôn
nghèo của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) - để gắn cho không gian của truyện. U Khố
Sủ cũng là một trong những nơi có nhiều người H’mông sinh sống nhất ở Hà Giang. Cái
tên địa danh trong truyện đã khiến người đọc có những liên tưởng và hình dung về vùng
không gian mang đậm chất H’mông, một thế giới của người H’mông. Không gian hiện
lên trong tác phẩm như núi cao, vực sâu, sông chảy xiết, mỏm đá chênh vênh, mùa đông
tuyết phủ trắng núi đồi… cũng chính là hình ảnh của địa bàn cư trú quen thuộc và ưa
thích của người H’mông. Không gian thiên nhiên phản ánh địa bàn sinh sống mà người
H’mông đã lựa chọn, cũng là phản ánh văn hóa sinh tồn của người H’mông. Con
người thuộc về các không gian. Người H’mông trong quá trình thiên di thường chọn
nơi núi cao để sinh sống. Điều này được nói đến trong nhiều tư liệu. Những xã, huyện
có địa hình núi cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam thường là nơi cư dân
H’mông ở với mật độ cao so với các dân tộc thiểu số khác, có những nơi trên tám

mươi đến trăm phần trăm là người H’mông (Nà Hẩu, Tà Xùa, Hồng Ngài, Bắc Hà,
Simacai, Mèo Vạc…). Núi cao thì vực sâu. Trong tác phẩm này, độ cao không là đơn
vị đo ý chí và đặc tính người H’mông như thường thấy, mà độ cao lại trở thành cái để
quy chiếu độ sâu. Cả câu chuyện là thế giới của khổ đau, cuộc sống con người ngấp
nghé bên bờ vực hoặc chọn điểm kết thúc ở nơi vực sâu không ai biết đâu là đáy.
Không gian U Khố Sủ, đối với Súa, Phống, Chía (những nhân vật trong truyện) là nơi
13


Lê Trà My

của những ngang trái, bất hạnh thì vực sâu lại là nơi giải thoát. Cấu trúc không gian
mang tính kí hiệu cho cấu trúc xã hội.
Trong tiểu thuyết của mình, Đỗ Bích Thúy đã khảm một bức tranh đời sống bằng
các tập tục sinh hoạt, tập quán canh tác, cách thức mưu sinh, các thủ tục, lễ nghi của
người H’mông. Tất cả đều trở thành kí hiệu thẩm mĩ, chuyển tải những thông điệp thẩm
mĩ. Ông cháu Vừ làm nghề rèn. Đây là nghề truyền thống của người H’mông. Chỉ có họ
mới rèn được những thứ lưỡi cày có thể cày loại đất ken giữa đá nhọn. Nay ở một số nơi
vẫn còn giữ được nghề này. Ông Dìn thì phất lên nhờ buôn bò. Buôn bán trâu, bò, ngựa
là hoạt động không thể thiếu ở nhiều phiên chợ vùng cao. Chợ gia súc vùng biên hay
các cuộc đua ngựa (Bắc Hà) phản chiếu dấu vết của tập tục di chuyển và canh tác bản
địa. Súa thì chăm cả đàn dê. Cho đến nay, việc nuôi gia súc vẫn là hoạt động chủ yếu
trong các gia đình người H’mông. Phụ nữ H’mông vẫn giặt giũ ở suối và phơi áo váy
trên các phiến đá. Đoạn Xí giặt áo cho Vừ làm ta nhớ thói quen này của họ. Ngoài ra,
tục ma chay (đám ma ông nội của Vừ), sinh nở (chôn nhau đứa con trai của Súa dưới
cây cột giữa nhà), cưới xin (xin cưới, đón dâu, cướp vợ)… đều là những luật tục lâu đời
được lưu giữ trong cộng đồng người H’mông mà Đỗ Bích Thúy đã đưa vào trong sáng
tác của mình. Hệ thống mã văn hóa H’mông đã kiến tạo một không khí truyện đầy chất
vùng cao. Lớp không gian tự sự vùng cao trở thành kí hiệu quyển, trường lực của nó chi
phối mạnh mẽ và kết dính hệ thống motip truyện kể.

2.2. Các motip văn hóa truyền thống được tái sinh
2.2.1. Cướp vợ
Tiểu thuyết có bảy phần: 1. Cướp vợ/ 2. Nước mắt đã khô/ 3. Cuốn đi thật xa/ 4.
Trời cho rơi xuống đâu thì đậu ở đấy/ 5. Trong bóng tối sực mùi phân bò/ 6. Đi mãi
cũng về đến nhà/ 7. Lặng yên dưới vực sâu. Nhìn vào cấu trúc nội dung tiểu thuyết nhận
ngay ra sự kiện khởi đầu, có tính quyết định đến toàn bộ tác phẩm là “cướp vợ”. Những
phần sau, chỉ cần đọc tiêu đề là mường tượng thấy những hệ lụy của sự kiện cướp vợ
này. Cướp vợ là một tục lệ của người H’mông. Trong truyện cổ H’mông có kể việc này,
người cướp vợ thường là quỷ dữ, vua gian ác (truyện Chàng trai nghèo, Trâu Trua múa
khèn…). Có thể thấy, ngoài hình thức dạm hỏi, người H’mông còn thực hiện hình thức
hôn nhân cướp vợ (hoặc kéo vợ, bắt vợ). Cướp vợ (tiếng H’mông là Cxangr pox niêv)
chỉ tình huống cô gái đã có người yêu nhưng bị người khác tổ chức cướp về làm vợ,
khác với kéo vợ (tiếng H’mông là jix pox niêv) là hai bên tự nguyện yêu nhau nhưng do
nhà trai không đủ điều kiện kinh tế để tổ chức kết hôn, khác với bắt vợ (tiếng H’mông là
ntêl pox niêv) chỉ tình huống chàng trai thích cô gái và bắt về làm vợ dù cô gái không tự
nguyện, chàng trai sẽ phải chấp nhận thách cưới cao. Các cách gọi này có ý nghĩa tương
đối, đôi khi dùng không phân biệt. Có trường hợp chỉ là vờ tạo thành một cuộc cướp vợ
trong khi hai bên đã có sự thỏa thuận ngầm. Dân ca của người H’mông cũng có nói tình
huống này:
Gặp nhau bàn chuyện
Anh cướp em về
Anh hẹn ngày kia
Em gật đầu khẽ
Giấu cha giấu mẹ
14


Văn hóa truyền thống H’mông trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy

Em mặc váy hoa

Mắt ướt nhìn nhà
Chạy ra đầu bản
Miệng vờ hô hoán
“Trai họ cướp tôi!...”
Nhưng đến đây rồi
Lên lưng anh cõng
(Cẩm Giang sưu tầm) [7; 176]
Trong Lặng yên dưới vực sâu, nhân vật chính là Súa và Vừ cũng tổ chức một cuộc
vờ cướp dâu như thế. Vừ và Súa yêu nhau. Nhà Vừ nghèo, Súa đồng ý cho Vừ “cướp”
để giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Họ hẹn nhau trong rừng một đêm tối trời. Nhưng người
cướp Súa lại là Phống, con một nhà giàu trong bản. Như vậy, một cuộc vờ cướp vợ trở
thành một cuộc cướp vợ thực sự.
Khi đưa vào truyện motip cướp vợ, tác giả chú ý khơi sâu vào những phản ứng tâm
lí của các nhân vật, điều không được diễn tả trong văn học dân gian. Phống ngạo nghễ,
đắc thắng vì chiếm được Súa, “Tráng A Phống này, ông trời cũng chẳng sợ. Thích cái gì
thì bằng mọi cách lấy thứ ấy về dùng. Vợ cũng thế. Phống đã thích thì dù thế nào Phống
cũng sẽ cướp lấy”. Còn Vừ, khi nhận ra tình cảnh bị cướp vợ, “Vừ đấm bụp bụp vào
ngực mình”, tuyệt vọng chạy tìm Súa “Gió quất vù vù bên ai Vừ, lá cây rụng tơi tả vì bị
Vừ quệt qua, sương ướt sũng áo quần Vừ”, “Nước mắt chảy đầm trên mặt Vừ”, “Nước
mắt cứ chảy, mờ hết cả mắt, vừa chạy vừa đưa tay lên quyệt để không đâm sầm vào gốc
cây”. Còn Súa “kêu cứu muốn rách cả họng mà chả được, nhảy xổ vào Phống, Súa cào
cấu, Súa đạp, Súa đấm bụp bụp…”, “Súa chỉ còn ý nghĩ duy nhất là lao đầu vào tường”,
rồi thì Súa chạy trốn khỏi nhà Phống trong đêm.
Sự kiện cướp vợ mở ra một chuỗi bi kịch của từng người trong câu chuyện. Sự
chung tình với Vừ và bản tính mạnh mẽ khiến Súa chống cự Phống quyết liệt. Kể cả khi
cô đã sinh cho Phống một đứa con trai thì trong cô vẫn không có tình yêu với Phống,
chỉ có sự ghê sợ. Chuỗi ngày cô sống với Phống chỉ là đau đớn, cả thể xác và tâm hồn.
Súa chấp nhận và chịu đựng, cô tự thấy mình chẳng khác gì một quả bí thối, đến lợn
cũng chẳng ăn được; giống một bắp ngô luộc để từ sáng đến tối, vừa cứng như đá vừa
lạnh như tuyết; giống một bông tuyết mùa đông, trời cho rơi xuống đâu thì đậu ở đấy;

trống rỗng như cái chõ gỗ đã vét hết mèn mén, một hạt li ti cũng không còn... Trong sự
chấp nhận và chịu đựng ấy, Súa vẫn le lói khát vọng giải thoát: trốn đi hoặc chết. Vừ thì
đau đớn cùng cực khi bị người khác bắt mất Súa. Đôi khi Vừ tìm đến rượu, từ đứa trai
ngoan thành kẻ say làm khổ người thân. Súa “cậy nhờ” cô bạn gái là Xí làm vợ Vừ,
chăm sóc Vừ. Sáng sớm ngày cưới của Vừ và Xí, Xí đã trốn khỏi nhà, đến gặp Súa vì
biết rằng trong Vừ không bao giờ nhạt phai hình ảnh Súa, cô có lấy Vừ chắc cũng
không hạnh phúc. Đến khi kết thúc truyện, cuộc sống của Vừ vẫn dang dở với hy vọng
sẽ cùng Súa trốn đi một nơi thật xa. Còn Phống, có được Súa, rất thích Súa, yêu thương
Súa và con, nhưng chỉ chiếm được phần xác của Súa chứ không bao giờ chạm đến được
trái tim Súa. Điều đó cũng làm cho Phống sống trong những trạng thái đối nghịch: yêu
thương, ân hận, tuyệt vọng, điên cuồng, rồ dại, và trên hết là nỗi cô đơn.
15


Lê Trà My

Sự kiện cướp vợ trở thành khung truyện để tác giả khơi sâu vào cuộc sống dang dở,
bế tắc của những bạn trẻ vùng cao U Khố Sủ. Nếu nhìn từ góc độ xã hội học thì câu
chuyện của Vừ, Súa, Phống là sự cảnh báo cho tục hôn nhân không trên cơ sở tự nguyện
của người H’mông. Hiện nay vẫn còn có người lợi dụng lề tục này để tiến hành những
cuộc cướp vợ, gây đau khổ cho con người, nhất là người phụ nữ. Nếu nhìn từ góc độ tự
sự học, sự kiện cướp vợ là biến cố tạo cao trào cho truyện kể ngay từ đầu, nó mở ra một
không khí truyện kể mang màu sắc bi kịch, báo hiệu một kết cục tương tự mô hình bi
kịch trong kịch – sân khấu trắng (các nhân vật chết, không có lối thoát), do đó làm cho
truyện giống như một vở kịch mà đây là hành động kịch bao trùm.
2.2.2. Mồ côi
Motip mồ côi, con riêng thường trở đi trở lại trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy. Ở
Lặng yên dưới vực sâu, các nhân vật chính đều là những kiểu nhân vật mồ côi mà chúng
ta từng bắt gặp trong thơ ca, truyện cổ H’mông với những biến thể của nó. Vừ mồ côi
bố, mẹ đi lấy chồng, ở với ông bà nội. Súa mồ côi mẹ, ở với bố và mẹ kế. Phống có nhà,

có cha, có mẹ nhưng thực sự lại là người không cha không mẹ.
Có thể bắt gặp kiểu nhân vật mồ côi trong nhiều thể loại văn học dân gian của
người H’mông. Tiếng hát mồ côi trong dân ca H’mông thật xót xa:
Mặt trời mọc, mồ côi theo mặt trời khóc
Mặt trời lặn, mồ côi theo mặt trời mà than
(Doãn Thanh sưu tầm) [5; 289]
Riêng trong truyện cổ tích, theo Lê Trung Vũ, dạng truyện nhân vật mồ côi chiếm
khoảng 50% [8; 56]. Nhân vật mồ côi trong truyện cổ tích thường là những nhân vật bất
hạnh, chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi do bị đối xử không công bằng, địa vị xã hội thấp.
Lặng yên dưới vực sâu lặp lại motip mồ côi để khai thác những chủ đề cuộc sống
hiện tại. Sắc thái khổ đau ở các nhân vật mồ côi vẫn còn lưu giữ được, nhưng đó là sự
luyến nhớ mẹ cha, sự thiệt thòi tình cảm, sự trống chếnh tâm hồn. Tác giả chú ý những
biến động nội tâm, những cung bậc cảm giác của người mồ côi. Những diễn biến tâm
trạng này được biểu hiện thông qua những yếu tố ngoại hiện của nhân vật như hành
động, cử chỉ và kết hợp với sự chừng mực trong miêu tả tâm lí của người kể chuyện.
Người kể chuyện đứng từ điểm nhìn nhân vật nêu những cảm nghĩ của nhân vật, có khi
bỏ lửng bằng các câu hỏi mà chính nhân vật cũng không trả lời được, không biết vì sao
mình lại cảm thấy như vậy. Cách thức này phù hợp với nét tâm lí của những con người
thô phác, non trẻ, với lối tư duy cụ thể, không hẳn tự ý thức, tự phân tích được tâm trạng
của mình. Mà người kể chuyện thì không làm thay họ điều ấy, chỉ khơi gợi để người
đọc tưởng tượng. Đây là một nét độc đáo trong phong cách văn xuôi Đỗ Bích Thúy.
Nhân vật Vừ có dáng dấp của kiểu người mồ côi cả bố lẫn mẹ. Dù mẹ Vừ còn sống
nhưng đã đi lấy chồng khác, ở một nơi xa, hầu như Vừ rất ít gặp mẹ, “Vừ đã lớn lên mà
không có mẹ”. Vừ ở với ông bà nội, những người yêu thương Vừ hết mực. Vừ gắn bó
với ông bà trong từng hành động, suy nghĩ hàng ngày. Những đau khổ của Vừ khi mất
người yêu cũng chỉ có ông bà san sẻ, theo cách của người già. Vừ say rượu vì buồn, ông
bà vẫn bên cháu: “Vừ nói được có thế, rượu đã ngấm kĩ quá rồi, liền đổ kềnh giữa sân.

16



Văn hóa truyền thống H’mông trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy

Hai người già đứng nhìn đứa cháu đổ kềnh dưới đất, buồn quá. Buồn đến mức
không nói nổi câu gì. Nước mắt chảy thành dòng trên má bà, theo những nếp nhăn chảy
xuống vạt áo, cũng chẳng muốn quyệt đi.
(…)
Ông bà bây giờ già yếu rồi, không bế được nó như lúc bé nữa, khiêng cũng không
xong, đành phải để nó nằm yên như con chó mất mẹ giữa sân vậy. Hai ông bà lấy hai
cái ghế ra ngồi cạnh Vừ”
Nhưng bầu không khí gia đình ấy cũng không bù đắp được nỗi cô đơn của Vừ. Bố
mất từ khi Vừ còn nhỏ. Vừ mười tuổi thì mẹ đi lấy chồng, “Những ngày mẹ mới đi lấy
chồng, đêm nào Vừ cũng khóc, đêm nào cũng rúc vào nách bà, thấm nước mắt lên áo
bà”. Thái độ vùng vằng, giận dỗi của Vừ trong một hai lần ít ỏi mẹ về thăm cho thấy
một khoảng trống trong tâm hồn Vừ, một khoảng trống không gì khỏa lấp được của một
đứa con mất cha thiếu mẹ. Lúc bé, khi nhìn cánh chim trên trời cao, Vừ đã từng ước
mình bay được, “Bay được thì sẽ đi tìm mẹ”.
Còn Súa thì mất mẹ, bố lấy vợ kế. Nhân vật Súa là kiểu nhân vật mồ côi - người
con riêng thường gặp trong cổ tích H’mông. Tiêu biểu nhất cho kiểu nhân vật này trong
cổ tích H’mông là Cầu Nô trong truyện Cầu Nô, Cầu Xênh (tương tự truyện Tấm Cám
của người Kinh). Thông thường, “Nhân vật mồ côi mẹ mang thân phận con riêng của
chồng ra đời trong truyện cổ tích với tư cách là nạn nhân của mọi âm mưu đen tối của
nhân vật mẹ kế” [8;120]. Tuy nhiên, Lặng yên dưới vực sâu lại phá vỡ mô hình này,
không có chuyện dì ghẻ ghét con chồng, ngược lại, Súa có vẻ “bất hợp tác” với mẹ kế,
“Súa không thích mẹ kế, càng không thích ngồi cùng ăn. Từ khi bố lấy mẹ kế về, Súa
chưa ngồi ăn cùng bao giờ. Hằng bữa, cứ để hai người ăn xong rồi Súa mới ăn. Một bát
mèn mén, chan đầy canh, mang ra hè ngồi ăn, con chó nằm bên cạnh gối đầu vào chân”.
Vẻ lủi thủi của một đứa trẻ mất mẹ thật tội nghiệp, nhưng là nó thích thế. Trong thâm
tâm của đứa trẻ mất mẹ, không ai có thể thế chỗ mẹ nó, “Súa càng không thích khi
người ấy lại chiếm mất chỗ của mẹ. Người ấy sẽ nằm trên cái giường mà mẹ đã từng

nằm, sẽ múc nước bằng cái thùng mà mẹ đã từng múc, sẽ ăn cơm bằng cái bát mà mẹ đã
từng ăn, sẽ hằng ngày qua cái ngưỡng cửa mà mẹ đã đi suốt bao nhiêu năm…”. Khi trải
qua những ngày làm vợ Phống, được sự đồng cảm từ mẹ kế, dần hiểu được những nỗi
niềm của người phụ nữ, Súa bắt đầu thay đổi cách đối xử với mẹ kế, quan tâm, săn sóc
hơn dù bề ngoài vẫn chưa thực sự tỏ ra thân thiện.
Đỗ Bích Thúy đã khơi sâu vào nỗi đau của đứa con mồ côi bằng những trang viết
xúc động về những hành động của Súa: “Bữa cơm nào Súa cũng lấy thêm một bát, một
đũa, để ngay ngắn ở nơi mẹ vẫn ngồi. Hai bố con lặng lẽ ăn, thỉnh thoảng Súa gắp vào
bát mẹ một miếng rau, một miếng thịt”, “Súa mất mẹ từ hôm ấy. Hơi ấm của mẹ chỉ còn
lại trên chiếc gối bông gạo. Hàng năm liền Súa không dám giặt chiếc gối. Sợ giặt rồi thì
không còn mùi của mẹ nữa”, “Đêm này qua đêm khác, Súa ngủ lơ mơ trong nỗi nhớ mẹ,
và chiếc gối luôn ướt đẫm nước mắt”…
Trong tâm hồn Súa, mẹ là niềm an ủi lớn nhất. Khi cô bị bắt làm vợ Phống, trong
cơn hoang mang và đau khổ cực độ, như một lẽ tự nhiên, cô nghĩ đến mẹ trước khi nhận
thức được rằng mình còn bố, “Có một người, đáng lẽ Súa phải nhớ đến, mà vì hai ngày
liền sống chẳng ra sống, chết chẳng được chết, Súa đã quên mất.
Là bố”.
17


Lê Trà My

Với Súa, hiện thân của mẹ là chiếc gối thêu hoa cúc đỏ nhồi quả bông cây gạo
chính tay mẹ làm cho Súa, “Mỗi khi nằm xuống cái gối ấy Súa lại thấy như mẹ đang ở
phía sau, mẹ gãi lưng cho mà ngủ”, “Súa muốn mang cái gối của mẹ về nhà chồng, lại
cũng muốn để ở nhà, thỉnh thoảng về có cái để gối, để nhớ mẹ”. Hình ảnh “Súa ngồi
trên giường ôm chặt cái gối, lòng dạ trống rỗng” khi Súa từ nhà chồng trốn về nhà cho
thấy nơi bấu víu cuối cùng của cô gái trẻ lần đầu xa nhà cũng là lần bị đẩy vào quãng
đời đầy gập ghềnh, khổ ải vẫn là mẹ. Cô tìm kiếm mẹ trong chiếc gối cho dù đến tàn hơi
của mẹ cũng chẳng còn.

Nhân vật Phống lại là một biến thể khác của kiểu nhân vật mồ côi. Đây là nhân vật
phức hợp. Ban đầu, nhân vật Phống có dáng dấp của kiểu con riêng (là con ruột ông
Dìn, còn bà Máy vợ ông Dìn chỉ có công nuôi Phống). Phần cuối của truyện lại hé lộ
thân phận thật của Phống, Phống cũng không phải con ruột ông Dìn. Phống có mẹ, có
bố ruột nhưng không biết bố là ai, còn mẹ thì đến tận lúc hấp hối mới cho người tìm
Phống về gặp mặt. Thực chất Phống có bố có mẹ ruột nhưng cả đời không biết họ,
không gặp họ, không khác gì mồ côi. Tuy nhiên, ở nhà ông Dìn, Phống được chăm sóc,
chiều chuộng. Phống thương ông Dìn bà Máy, “Dù mẹ không phải là người đẻ ra Phống
nhưng Phống chưa bao giờ dám láo với mẹ. Phống yêu mẹ hơn tất cả những thằng con
trai mà Súa biết. Phống luôn nghĩ phống sẽ bé mãi khi ở bên cạnh mẹ”. Phống vô tri về
thân phận “mồ côi” của mình, không cảm thấy được nỗi trống vắng của đời mình. Song,
phận mồ côi đã như một sự mặc định đối với nhân vật Phống, như là số phận của người
H’mông. Đời Phống hóa ra cũng là một kiểu “lưu lạc”, xa lìa nguồn cội. Điều đó khiến
chúng ta nghĩ đến những ám ảnh mồ côi, cảm thức mồ côi được diễn giải như là vô thức
cộng đồng, được coi như vết tích tâm lí của tộc người lưu vong. Nguyễn Mạnh Tiến cho
rằng người H’mông “Trong quá trình thiên di hàng ngàn năm tìm đất sống, chấn thương
mất quê hương đã hằn lên thân phận tộc người, khắc sâu vào kí ức tập thể “phức cảm
mồ côi” [6; 95]. Sự xa lìa nguồn cội được nhắc đến trong câu hát than thân của người
H’mông:
Con quạ không có nơi đậu
Người Mông không có quê hương
(Lê Trung Vũ sưu tầm) [9; 22]
Một bài dân ca H’mông được Lâm Tuyền Khách (Lan Khai) sưu tầm cũng có âm
hưởng của nỗi ai hoài xứ sở:
Xứ Mèo, biết ở nơi nao
Sông sâu mấy dải, non cao mấy tầng
Trong sương ai hát vang lừng
Lửa thông, ai nhóm trong rừng rậm khơi
Chuyện ngày xưa nhớ chăng ai
Tổ tiên lưu lạc qua ngoài Hồ Nam [3;13]

Hiện nay, người H’mông định cư ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có một bộ phận
ở Việt Nam. Những người này đã coi Mèo Vạc (Miêu vương) là đất tổ. Người H’mông
lưu truyền câu hát:
Cá bơi ở dưới nước
Chim bay ở trên trời
18


Văn hóa truyền thống H’mông trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy

Chúng ta sống ở vùng cao
Và con chim có tổ
Người Mông ta cũng có quê
Quê ta Mèo Vạc
Phái sinh từ mẫu gốc mồ côi trong văn học H’mông, ba nhân vật chính Vừ, Súa,
Phống là những biến thể sáng tạo trong tiểu thuyết hiện đại. Tâm thức mồ côi - con
riêng chi phối hệ thống nhân vật chính trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu. Cũng
có thể bắt gặp dấu vết của kiểu nhân vật này trong một số tác phẩm khác của Đỗ Bích
Thúy như Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Gió không ngừng thổi… Đúng như một nhà
nghiên cứu đã nói “Con người là sản phẩm của văn hóa, tiếp nhận và tích lũy những
truyền thống văn hóa có nội hàm lịch sử vô cùng phong phú, vì vậy nhà văn cùng với
việc khắc họa con người hiện thực, còn khắc họa kết cấu tâm lý văn hóa truyền thống
dân tộc độc đáo và tâm thái dân tộc đương đại” [1], nhân vật của Đỗ Bích Thúy đã
chứng minh sự kết hợp và biến đổi văn hóa trong không gian đương đại.
2.2.3. Tự vẫn
Người H’mông có một cá tính rất mạnh mẽ. Có lẽ sự hiểm trở của địa bàn cư trú
cùng chiều dài lịch sử tộc người đầy sóng gió đã tạo nên những con người bộc trực, tự
do, quyết liệt, dũng mãnh, liều lĩnh.
Người H’mông cho rằng con người chết đi là hồn ma được về đoàn tụ với tổ tiên,
chết chưa phải là hết mà sẽ được đi đầu thai kiếp khác. Do vậy, họ coi cái chết như là

bước ngoặt, trả họ lại sự sống. Họ dễ dàng tìm đến cái chết. Khi gặp bế tắc trong cuộc
sống, người H’mông thường phản kháng hoặc tìm lối thoát bằng cách tự tử. Tự tử là “để
tìm một nơi khác hơn: “Nơi ấy hồn ta quyết cầm ô lên tận cửa trời ta đứng đợi mình…”
[5; 27], “Chết như là sự khởi đầu cho cuộc sống mới “Anh chết, em chết, hai ta cùng
chảy hội thong dong” [3; 49]. Hiện nay, vẫn còn có những người H’mông, nhất là
những người trẻ hoặc rất trẻ (lứa tuổi học sinh) sẵn sàng chết vì những lí do như bị ngăn
cản tình yêu, bị xúc phạm, không thỏa mãn ước mơ, xích mích gia đình… Hiện tượng tự
tử ở người H’mông đôi khi trở thành một vấn nạn, chính quyền địa phương phải can
thiệp và có những biện pháp ngăn chặn. Người H’mông hay tự tử bằng lá ngón. “Ma lá
ngón” vẫn là một nỗi ám ảnh thường trực của người vùng cao.
Gầu Mông vẫn sợ ăn lá ngón
Nhưng làm sao hết được đau lòng
Ăn lá ngón thật đắng ngông
Gầu Mông vẫn sợ nuốt là độc
Nhưng làm sao khỏi được đau tim [4; 96]
Trong Lặng yên dưới vực sâu, motip tự vẫn được sử dụng làm điểm kết thúc của
truyện kể - hai nhân vật Chía và Phống đều tự tìm cái chết dưới vực sâu. Màu sắc bi
kịch bao trùm toàn bộ câu chuyện. Các tình tiết dẫn dắt nhân vật đến quyết định đột
ngột nhưng vẫn nằm trong mạch diễn biến tâm lí. Biến cố dẫn đến kết cục bi thảm của
Chía là chuyện Chía cùng Phống làm tình trong nhà của Súa và Phống. Chía là em dâu
họ của Phống. Vợ chồng Chía là vợ chồng trẻ con, chồng vợ vẫn tranh nhau cái bát ăn
cơm, chả bao giờ nhìn nhau, cũng không trò chuyện được vì vợ câm chồng điếc, đêm
đến chồng vẫn ngủ với mẹ. Kiểu tảo hôn này không hiếm trong cộng đồng người
19


Lê Trà My

H’mông. Khi Chía dần trở thành một cô gái ở tuổi dậy thì thì chồng cô vẫn chỉ là một
đứa trẻ đần ngố mải chơi. Như một sự trỗi dậy của bản năng, Chía có những rung cảm

về thân xác với Phống. Còn Phống, dù không bao giờ có ý nghĩ sẽ lợi dụng Chía, nhưng
vẫn lao vào Chía trong cơn khủng hoảng tột cùng khi cho rằng vợ là nguyên nhân dẫn
đến những nỗi bất hạnh của mình, lao vào Chía như một sự trả thù Súa. Hành động Chía
từ nhà Súa chạy thẳng ra bờ vực và kết thúc cuộc sống của mình có thể do những cảm
xúc hỗn loạn, cả hạnh phúc, đớn đau, bẽ bàng, sợ hãi, nhục nhã, điều mà trái tim non trẻ
của Chía không dung chứa nổi. Chía là người câm. Tiếng nói đầu tiên cũng là cuối cùng
của cô là sự kháng cự lại Phống khi Phống cố tình phơi bày chuyện làm tình của hai
người cho Súa chứng kiến. Một người sống đơn giản và đầy bản năng như Chía không
thể kịp phân tích tình hình hay tự ý thức về tâm trạng. Cô tìm đến sự giải thoát khỏi thứ
cảm xúc hỗn loạn trong một trạng thái thần kinh căng thẳng tột độ như sự trỗi dậy bột
phát của bản năng chết vốn được cho là tiềm chứa trong vô thức cộng đồng người
H’mông.
Có nhiều nguyên cớ dẫn đến hành động tự vẫn của Phống. Những éo le thân phận
cùng sự tẻ nhạt của tình chồng vợ, cộng thêm việc Chía nhảy xuống vực đã đẩy nhân
vật Phống tìm đến cái chết. Phống muốn “có cách nào đấy để quên sạch đi mọi chuyện
đã từng xảy ra trong suốt những năm tháng qua”. Có thể thấy, trong số các nhân vật của
truyện, nhân vật Phống nhiều sắc thái hơn cả, mang dáng dấp của nhân vật tiểu thuyết,
tính cách đa dạng, nhiều chiều: vừa biết yêu thương vừa tàn nhẫn, vừa sống có trách
nhiệm vừa đểu giả, giành giật, vừa tử tế vừa bất chấp, vừa biết sợ vừa liều lĩnh… Và
chính tính cách đa diện đó đã làm nên quãng đời mà Phống muốn quên đi, đồng thời
thúc đẩy hành động tự vẫn ở Phống. Nhưng trên tất cả có lẽ là nỗi cô độc: có vợ nhưng
không có hạnh phúc; có căn nhà sống cùng bố mẹ lâu năm gắn bó thì giờ bị bắt ở riêng;
có Chía yêu thương Phống thì Chía đã nhảy xuống vực sâu; có bố mẹ mà không là bố
mẹ. Nỗi trống trải, thất vọng khủng khiếp nhất đối với Phống chính là Phống nhận ra
mình là kẻ bị đánh tráo thân phận, bị dối lừa.
Câu chuyện tạo ra những ám ảnh về sự tự vẫn. Truyện kết thúc bằng cái chết của
hai nhân vật mà người đọc ít ngờ nhất trong khi toàn bộ diễn trình cốt truyện có nhiều
dự báo cho một cuộc tự vẫn của Súa. Súa nhiều lần nghĩ đến cái chết. Khi bị cướp về
nhà Phống, Súa đã đến miệng vực trong khu rừng già, “Súa nghĩ, mình sẽ nằm dưới
kia, tít dưới kia, lặng yên mãi mãi”, rồi Súa tìm cách treo cổ trong buồng để “Hết sạch

cả vui cả buồn, hết sạch cả đau đớn, tủi nhục”. Chi tiết cuối cùng của truyện, khi Súa
đứng trên bờ vực, nơi hai người Chía và Phống vừa nhảy xuống, Súa cảm thấy “Cuộc
sống đã dừng lại. Súa chỉ cảm thấy duy nhất điều đó, khi gió từ đáy vực đang cuộn lên
như muốn lôi tuột theo cả Súa”, thì dự cảm về cái chết của Súa lại dội về trong tâm trí
người đọc.
Trong Lặng yên dưới vực sâu, vực sâu đã trở thành một biểu tượng cho sự kết thúc,
cho cái chết, cho ước mơ giải thoát (bổ sung vào hệ thống biểu tượng cho sự tự vẫn là lá
ngón hay cuộn dây thường thấy trong văn hóa dân gian H’mông). Tự vẫn là cách để
nhân vật chạy trốn số phận, là cách giải quyết những vấn đề gai góc của đời sống, là
cách phản kháng quyết liệt. Lối thoát tiêu cực này làm cho bản tình ca H’mông trở nên
bi ai. Câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống gia đình trở thành bi ca.
20


Văn hóa truyền thống H’mông trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy

3. Kết luận
Có thể bắt gặp trong nhiều sáng tác của Đỗ Bích Thúy một không gian văn hóa với
tầng lớp các mã văn hóa dân gian, văn hóa cộng đồng của vùng đất Hà Giang, “thủ phủ”
của người H’mông Việt Nam. Điều này khiến ta nghĩ đến sức sống của chuỗi “gene văn
hóa” trong chiều dài lịch sử dân tộc và lịch sử văn học. Nếu gene là vật liệu di truyền
của sự vật, lưu giữ hạt nhân cơ thể sống, xác định tính đặc thù của sự vật thì các yếu tố
văn hóa, văn học truyền thống chính là bộ gene nuôi dưỡng văn học hiện đại, duy trì và
tạo nên bản sắc của vùng văn học. Trong quá trình gene được mã hóa, phiên mã, tái bản
mã, nhiều yếu tố trong đó có yếu tố môi sinh có thể hình thành các gene mới hoặc đột
biến gene tạo cơ chế đa dạng sinh học. Tương tự như vậy, những motip, mẫu gốc hình
thành trong lịch sử sinh tồn của cộng đồng trở thành vật di truyền kế thừa và tiếp nối
trong sáng tạo văn học và văn hóa, ngưng tụ tâm thức cộng đồng, mở ra các biến thể,
tạo sự đa dạng cho văn học và văn hóa. Đỗ Bích Thúy không phải là người H’mông,
nhưng bằng những quan sát và sự thấu hiểu của mình về đời sống người H’mông, chị

đã kết dệt một thế giới nghệ thuật từ các kí hiệu văn hóa H’mông, bồi đắp hình hài
cho các nhân vật mà từ hành động cho đến tâm tư đều mang bản tính cổ truyền của
người H’mông. Nhà văn đã tái sinh các motip dân gian, lồng chúng vào không gian
cuộc sống đương đại, tạo nên những biến thể mới. Cách mà Đỗ Bích Thúy đã làm
cũng là con đường mà nhiều nhà văn thành danh đã chọn, đó là khơi vào kí ức cộng
đồng, sử dụng nét văn hóa đặc thù truyền thống kết hợp với những cách thức tự sự
mới để nói những câu chuyện thời hiện đại (chúng ta nhớ đến Mạc Ngôn, Diêm Liên
Khoa, Nguyễn Xuân Khánh...).
Tuy nhiên, để gene văn hóa thực sự trở thành mạch sống của văn học thì lại là một
vấn đề khác. Làm sao để các kí hiệu văn hóa không bị biến thành tấm áo khoác ngoài
chỉ có tính chất trang trí, thiếu đi sự sống bên trong, thiếu đi cái hồn vía cộng đồng khởi
lên từ bầu khí quyển của cuộc sống đương đại là điều các nhà văn như Đỗ Bích Thúy có
thể đã đặt ra và trong chừng mực nhất định, cố gắng đi tìm câu trả lời bằng chính những
sáng tạo nghệ thuật của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Từ Thị Tuyết Trinh, 2018. Tiểu thuyết lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy
nhìn từ phạm trù thẩm mĩ cái bi kịch. Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội 2.
[2] Trần Lê Bảo, 2009. Giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học,

[3] Hùng Thị Hà, 2015. Thơ ca dân gian Mông từ góc nhìn văn hóa. Luận án Tiến sĩ
Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
[4] Hùng Đình Quý, 2000. Dân ca Mông Hà Giang, tập 1. Sở Văn hóa Thông tin Hà
Giang.
[5] Doãn Thanh (sưu tầm, dịch), 1984. Dân ca Hmông. Nxb Văn học, Hà Nội.
[6] Đỗ Bích Thúy, 2017. Lặng yên dưới vực sâu, Nxb Hội nhà văn.
21


Lê Trà My


[7] Nguyễn Mạnh Tiến, 2017. Những đỉnh núi du ca – Một lối tìm về cá tính H’mông
(Biên khảo). Nxb Tri thức.
[8] Lê Trung Vũ, 2010. Khảo sát nhân vật mồ côi trong truyện cổ H’mông. Nxb Dân trí.
Lê Trung Vũ (sưu tầm, biên soạn), Phan Thanh (hiệu đính), 1994. Tục ngữ và câu
đố Mông. Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
ABSTRACT
Traditional culture of H’mong in novel Be silent in abyss (Do Bich Thuy)

Le Tra My
Faculty of Philology, Hanoi National University of Education
Be silent in abyss by Do Bich Thuy, which carries layers of traditional cultural
codes of the Northernmost in Vietnam built a space of culture. It depicts a picture of the
characteristics of the habitat, living practices, farming practices, livelihoods, procedures
and the rituals of the H`mong. The code system of H’mong culture created a
mountainous nature atmosphere for this novel. The narrative space of the novel
becomes symbolic sphere (semiosphère). It has a force which dominates every symbol
and genarates the connections between all symbols to produce a system of motif. Author
rivived traditional motif such as robbing wife, suicide or orphan.etc. This helps to create
a new variation to continue and enrich the gene of H’mong culture. Author combines
traditional cultural features and new narrative method to tell a story of H’mong in
modern time.
Keywords: H’mong culture, traditional motif, cultural code.

22



×