Tải bản đầy đủ (.pdf) (178 trang)

Tư tưởng giáo dục của jiddu krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.62 MB, 178 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

ĐINH THỊ TUYẾT

TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA JIDDU KRISHNAMURTI
VÀ Ý NGHĨA HIỆN THỜI CỦA NÓ

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

Hà Nội - 2019


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

ĐINH THỊ TUYẾT

TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA JIDDU KRISHNAMURTI
VÀ Ý NGHĨA HIỆN THỜI CỦA NÓ
Chuyên ngành: CNDVBC & CNDVLS
Mã số: 62. 22. 03. 02

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Lê Công Sự

Hà Nội - 2019


LỜI CAM ĐOAN


Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các tư liệu, kết quả trong luận án này là trung
thực, chính xác và có xuất xứ rõ ràng.
Tác giả luận án

Đinh Thị Tuyết


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 4
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ............................. 9
1.1. Những nghiên cứu liên quan đến cơ sở hình thành, phát triển
tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti ................................................... 9
1.1.1. Những nghiên cứu liên quan đến cơ sở hình thành, phát triển tư
tưởng giáo dục của J.Krishnamurti ở nước ngoài ..................................... 9
1.1.2. Những nghiên cứu trong nước liên quan đến cơ sở hình thành, phát
triển tư tưởng giáo dục của J.Krishnamurti ............................................ 13
1.2. Những nghiên cứu liên quan đến tư tưởng giáo dục của Jiddu
Krishnamurti..................................................................................................... 19
1.2.1. Những nghiên cứu liên quan đến tư tưởng giáo dục của
J.Krishnamurti ở nước ngoài ................................................................... 19
1.2.2. Những nghiên cứu trong nước liên quan đến tư tưởng giáo dục của
J.Krishnamurti ......................................................................................... 24
1.3. Những nghiên cứu liên quan đến ý nghĩa tư tưởng giáo dục của
J.Krishnamurti .................................................................................................. 26
1.3.1. Những nghiên cứu liên quan đến ý nghĩa tư tưởng giáo dục của
J.Krishnamurti ở nước ngoài ................................................................... 26
1.3.2. Những nghiên cứu trong nước liên quan đến ý nghĩa tư tưởng giáo
dục của J.Krishnamurti trong nước ......................................................... 30
1.4. Khái quát kết quả chính của các công trình nghiên cứu đi trước

và những vấn đề luận án cần tiếp tục giải quyết ......................................... 32
Chương 2. BỐI CẢNH, NHỮNG ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ HÌNH
THÀNH TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA JIDDU KRISHNAMURTI ..... 36
2.1. Bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội ....................................................... 36
2.1.1. Bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội trên thế giới thế kỷ XX ....... 36

1


2.1.2. Bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội của Ấn Độ thế kỷ XX ......... 41
2.2. Tiền đề, điều kiện văn hóa và tư tưởng.................................................. 46
2.2.1. Văn hóa, tôn giáo truyền thống của Ấn Độ .................................. 46
2.2.2. Thuyết Thần trí và Hội Thông Thiên học ..................................... 49
2.2.3. Phong trào Tân Giáo dục .............................................................. 53
2.2.4. Các mô hình giáo dục và trường Đại học Berkeley ...................... 56
2.3. Cuộc đời và sự nghiệp của Jiddu Krishnamurti .................................. 61
2.3.1. Cuộc đời của J.Krishnamurti......................................................... 61
2.3.2. Sự nghiệp của J.Krishnamurti với tư cách nhà giáo dục .............. 67
Tiểu kết chương 2 ............................................................................................. 71
Chương 3. TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA JIDDU KRISHNAMURTI ..... 72
3.1. Mục đích của giáo dục .............................................................................. 72
3.1.1. Giáo dục giúp con người hiểu bản chất đích thực của cuộc sống... 72
3.1.2. Giáo dục nhằm xây dựng xã hội hòa bình .................................... 78
3.1.3. Giáo dục khai phóng trí thông minh của người học ..................... 83
3.2. Những nguyên tắc tiến hành giáo dục.................................................... 89
3.2.1. Đảm bảo tự do trong giáo dục ....................................................... 89
3.2.2. Nêu cao tình yêu thương trong giáo dục ....................................... 94
3.2.3. Tổ chức lớp học quy mô nhỏ, thực hiện tự quản .......................... 99
3.3. Vai trò của phụ huynh và người thầy trong quá trình giáo dục...... 105
3.3.1. Vai trò của phụ huynh trong quá trình giáo dục ......................... 105

3.3.2. Vai trò của người thầy trong quá trình giáo dục ......................... 111
3.4. Những giá trị và hạn chế trong tư tưởng giáo dục của
J.Krishnamurti ............................................................................................... 119
3.4.1. Những giá trị trong tư tưởng giáo dục của J. Krishnamurti ....... 119
3.4.2. Những hạn chế trong tư tưởng giáo dục của J.Krishnamurti ..... 124
Tiểu kết chương 3 ........................................................................................... 126

2


Chương

4.

Ý

NGHĨA



TƯỞNG

GIÁO

DỤC

CỦA

J.KRISHNAMURTI ĐỐI VỚI THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM HIỆN
NAY .............................................................................................................. 128

4.1. Ý nghĩa tư tưởng giáo dục của J.Krishnamurti đối với thế giới...... 128
4.1.1. Trong các trường học do J.Krishnamurti sáng lập ...................... 128
4.1.2. Trong các cơ sở và trung tâm mang tên (hay chịu ảnh hưởng) của
Krishnamurti trên thế giới ..................................................................... 134
4.2. Ý nghĩa tư tưởng giáo dục của J.Krishnamurti đối với giáo dục
Việt Nam hiện nay .......................................................................................... 138
4.2.1. Ý nghĩa rút ra từ tư tưởng của Krishnamurti về mục đích giáo dục
............................................................................................................... 138
4.2.2. Ý nghĩa rút ra từ tư tưởng của Krishnamurti về nguyên tắc tiến
hành giáo dục ........................................................................................ 145
4.2.3. Ý nghĩa rút ra từ tư tưởng của Krishnamurti về vai trò của người
thầy và phụ huynh …………………………………………………..151
Tiểu kết chương 4 ........................................................................................... 157
KẾT LUẬN .................................................................................................. 158
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN .............................................................................. 162
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 163

3


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Trong thế kỷ XX và gần hai thập kỷ của thế kỷ XXI, nhân loại đã
chứng kiến những thay đổi to lớn từ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... cho
đến những thay đổi trong tư tưởng và nhận thức của con người về chính bản
thân con người và thế giới. Nhiều phát minh ra đời cuối thế kỷ XX mà chính
con người ở đầu thế kỷ vẫn chưa thể hình dung nổi. Những thành tựu vĩ đại
và cả những thất bại to lớn của mọi dân tộc suy đến cùng cũng không tách rời
nguồn sức mạnh diệu kì nhất là chính con người. Nhân loại càng văn minh,

càng phát triển thì các dân tộc càng nhận thức được sức mạnh của giáo dục,
một hoạt động có khả năng phát huy cao độ tiềm năng của bản thân con
người. Bước vào thế kỷ XXI, khi cuộc cạnh tranh của các dân tộc trong bối
cảnh toàn cầu hoá diễn ra ngày càng gay gắt, các quốc gia càng ý thức về sức
mạnh, vai trò to lớn của giáo dục trong công cuộc chấn hưng đất nước.
Cùng với bước trưởng thành của dân tộc trong công cuộc kháng chiến
chống ngoại xâm, sau đó là quá trình xây dựng đất nước trong hoà bình,
chúng ta đã nhận thức đúng đắn và đánh giá xứng đáng vai trò của giáo dục
trong việc khẳng định vị thế của dân tộc trên trường quốc tế. Kế thừa và phát
triển tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng và Nhà nước ta xác định mục
tiêu giáo dục hướng tới việc phát triển con người toàn diện. Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng
đầu” [14, tr.114], đồng thời đưa ra chủ trương: “Giáo dục con người Việt Nam
phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá
nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.
Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu
vực” [14, tr.114 - 115].

4


Với những định hướng đúng đắn trên, giáo dục nước ta đã đạt được
nhiều thành tựu to lớn nhưng cũng có nhiều vấn đề bức xúc của nhà trường,
giáo viên và của nhân dân mà chúng ta chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Phải
chăng điều đó xuất phát từ một nguyên nhân căn bản là giáo dục nước nhà
chưa có một sự thay đổi triệt để, nhất là tư duy giáo dục để phù hợp với thời
đại ngày nay.
Để có một triết lý giáo dục phù hợp với tình hình đất nước cũng như theo kịp
các nước có nền giáo dục phát triển,việc nghiên cứu tư tưởng của các nhà giáo dục
lớn trên thế giới có ý nghĩa quan trọng. Thông qua việc nghiên cứu những quan

niệm giáo dục tiến bộ và có ảnh hưởng lớn trên thế giới, chúng ta có thể học hỏi để
tìm một triết lý giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam nhưng không
tách rời xu thế chung của thời đại. Trong tiến trình đó, hàng loạt những tác phẩm
của các nhà giáo dục tiêu biểu trên thế giới cũng như những nghiên cứu về tư tưởng
của họ được phổ biến rộng rãi và trở thành nguồn tài liệu tham khảo có giá trị đối
với giáo dục Việt Nam.
Là một trong số những nhân vật có ảnh hưởng lớn của thế kỷ XX, Jiddu
Krishnamurti được biết đến với tư cách là một triết gia và nhà giáo dục hoạt
động tích cực tại nhiều nơi trên thế giới. Điểm đặc biệt là Krishnamurti không
chỉ đưa ra những quan niệm về giáo dục mà còn hiện thực hóa điều đó thông
qua các ngôi trường do ông sáng lập tại Ấn Độ, Anh và Mỹ. Những ngôi
trường này tiếp tục gìn giữ và thực hành lời dạy của ông về giáo dục.
Krishnamurti cũng để lại một khối lượng tác phẩm lớn. Các Cơ sở
Krishnamurti ở nhiều nơi trên thế giới chịu trách nhiệm in ấn hàng nghìn bài
nói chuyện, các buổi thảo luận nhóm, các tác phẩm và xuất bản chúng dưới
nhiều hình thức như sách, sách điện tử, audio, video, internet bằng nhiều ngôn
ngữ khác nhau.

5


Ở Việt Nam, các tác phẩm của Krishnamurti đã được dịch và xuất bản từ
trước những năm 1975 [xem 53, tr.548]. Hiện nay, khá nhiều sách của ông
cũng được xuất bản và lưu hành rộng rãi trên khắp cả nước. Tuy nhiên, cách
tiếp cận tác phẩm của Krishnamurti trước đây và thậm chí ngay cả hiện nay
chủ yếu là xem xét tư tưởng của ông trong mối liên hệ với Hội Thông Thiên
học (Theosophical Society) hoặc dưới góc nhìn của Phật giáo; chưa có nhiều
nghiên cứu về ông như một triết gia, một nhà giáo dục. Do vậy, việc tìm hiểu
tư tưởng của Krishnamurti, đặc biệt là tư tưởng giáo dục một cách hệ thống có
ý nghĩa to lớn. Điều đó không chỉ giúp chúng ta có hiểu biết về một nhà tư

tưởng lớn của thế kỷ XX mà còn có giá trị tham khảo cho việc tìm tòi một
quan niệm giáo dục phù hợp với nước ta trong thời đại ngày nay.
Với những lý do trên, tôi chọn đề tài: “Tư tưởng giáo dục của Jiddu
Krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó” cho luận án tiến sĩ của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích luận án: làm rõ những nội dung trong tư tưởng giáo dục của
Jiddu Krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó.
Nhiệm vụ cơ bản của luận án:
+ Phân tích bối cảnh, những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội; tiền đề
văn hóa và tư tưởng cho sự hình thành, phát triển tư tưởng giáo dục của Jiddu
Krishnamurti.
+ Phân tích một số nội dung cơ bản trong tư tưởng giáo dục của Jiddu
Krishnamurti được thể hiện ở một số tác phẩm tiêu biểu của ông.
+ Chỉ ra ý nghĩa tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti đối với nền
giáo dục tại một số nước như Anh, Mỹ, Ấn Độ. Chỉ ra giá trị tham khảo của
những tư tưởng đó đối với sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

6


Đối tượng nghiên cứu của luận án: Một số nội dung cơ bản trong tư
tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó; giá trị
tham khảo của những tư tưởng đó đối với sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam
hiện nay.
Phạm vi nghiên cứu của luận án:
Luận án nghiên cứu tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti với
những nội dung tiêu biểu nhất như mục đích của giáo dục, nguyên tắc tiến
hành giáo dục, vai trò của phụ huynh và giáo viên trong giáo dục… Những tư
tưởng giáo dục của Krishnamurti được thể hiện chủ yếu thông qua các tác

phẩm quan trọng đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt như “Giáo dục và
ý nghĩa cuộc sống”, “Đường vào hiện sinh”, “Đánh thức trí thông minh”…
Về ý nghĩa của những tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti,
luận án nghiên cứu việc hiện thực hóa tư tưởng thông qua các trường học
do chính ông sáng lập đặt tại Ấn Độ, Anh, Mỹ. Tùy theo mức độ ảnh
hưởng của các ngôi trường với nền giáo dục sở tại mà nêu những đóng góp
của Krishnamurti cho giáo dục thế giới. Luận án cũng nêu giá trị tham khảo
của những tư tưởng giáo dục đó đối với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam
hiện nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận: Luận án dựa trên nền tảng lý luận là các quan điểm của
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng
Cộng sản Việt Nam về giáo dục, mối quan hệ giữa sự phát triển của con người
với giáo dục.
Luận án sử dụng các phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật
lịch sử vào nghiên cứu đề tài luận án. Tuy nhiên, để đánh giá, phân tích toàn diện
tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti, đặc biệt là ý nghĩa của những tư
tưởng này, chúng tôi kết hợp phương pháp phân tích văn bản, phương pháp khái

7


quát hóa, phương pháp logic và lịch sử, phương pháp đối chiếu, so sánh thông
qua tư liệu lịch sử, kế thừa sự nghiên cứu của các nhà sử học, nhà giáo dục
học….
5. Đóng góp của luận án
Luận án trình bày cơ sở hình thành, phát triển tư tưởng giáo dục của
Jiddu Krishnamurti.
Hệ thống, khái quát một số nội dung cơ bản trong tư tưởng giáo dục
của Jiddu Krishnamurti và ý nghĩa của những tư tưởng đó đối với các trường

do Krishnamurti sáng lập tại Ấn Độ, Anh, Mỹ.
Chỉ ra giá trị tham khảo của những tư tưởng giáo dục của Krishnamurti
đối với sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Trình bày một số nội dung cơ bản trong tư tưởng giáo dục của Jiddu
Krishnamurti.
- Nêu những đóng góp của Jiddu Krishnamurti đối với các trường học do
ông sáng lập tại Ấn Độ, Anh, Mỹ.
- Giá trị tham khảo của những tư tưởng giáo dục của Jiddu
Krishnamurti đối với sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
- Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy, học
tập và nghiên cứu triết học giáo dục, lịch sử triết học Ấn Độ, lịch sử triết học
phương Đông.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục,
luận án gồm 4 chương, 13 tiết.

8


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Những nghiên cứu liên quan đến cơ sở hình thành, phát triển
tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti
1.1.1. Những nghiên cứu liên quan đến cơ sở hình thành, phát triển
tư tưởng giáo dục của J.Krishnamurti ở nước ngoài
Krishnamurti là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn ở thế kỷ XX. Trong
suốt cuộc đời, ông dành hầu hết thời gian để đi khắp nơi trên thế giới, tổ chức
những buổi nói chuyện với đông đảo mọi người thuộc đủ mọi tầng lớp trong
xã hội. Thời gian còn lại, ông gặp gỡ riêng với nhiều người, từ những người

nổi tiếng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tôn giáo… đến những người nội
trợ. Phần lớn những buổi nói chuyện của Krishnamurti đều được ghi âm và
sau này được biên tập, xuất bản thành sách. Bên cạnh đó, cuộc đời rất dài với
nhiều biến cố của một con người đầy bí ẩn như Krishnamurti cũng thu hút sự
quan tâm của nhiều học giả. Do vậy, những nghiên cứu về cuộc đời và tư
tưởng của ông khá nhiều nhưng cơ sở hình thành, phát triển tư tưởng của ông
chỉ được bàn xen kẽ trong những công trình đó. Có thể kể đến một số công
trình tiêu biểu như sau:
Cuốn “Hiện tượng Krishnamurti” [76], nguyên tác tiếng Pháp
“Phénomène de Krishnamurti” của Carlo Suarès (Trúc Thiên dịch) đã từng
được xuất bản tại Việt Nam từ năm 1969. Tác giả cho rằng giữa thế kỷ mà
con người thác loạn, chán sống và mâu thuẫn với chính mình, sự xuất hiện
của Krishnamurti có một ý nghĩa quan trọng:
Giữa lúc ấy, Krishnamurti xuất hiện.
Phải chăng đó là người mà thế giới đang chờ?
Tây phương chờ đợi sự trở về của Chúa Cứu Thế
Đông Phương chờ Phật Di Lặc hạ sanh.

9


Thời thế chờ một khối óc lớn, một trái tim lớn - một thánh nhân - có
thể vượt lên tất cả để mà viên dung tất cả trong ánh sáng đại đồng
[76, tr.11].
Tuy nhiên, với tất cả sự chuẩn bị của tổ chức Thông Thiên học,
Krishnamurti đã chối bỏ vai trò, địa vị của mình vào phút cuối. Tác giả nhận
định tư tưởng của ông là sự thống nhất của tư tưởng phương Đông và phương
Tây nhưng không dừng lại ở sự tích hợp mà vượt lên trên đó, sáng tạo ra một
con đường đến với chân lý hoàn toàn mới: đó là sự tìm kiếm từ chính nội tâm.
Với một giọng văn đầy tính chất ca ngợi, tác giả cho rằng trong khi nhân loại

đang chờ đợi một giáo chủ, một siêu nhân, một lý tưởng, một giải pháp cho
các vấn đề trị loạn của thế giới, một sự tin tưởng, một câu trả lời dứt khoát
“có” hoặc “không” thì Krishnamurti phủ nhận tất cả, không có một câu trả lời
rõ ràng cho những vấn đề nhức nhối của xã hội. Tác giả cho rằng nhân loại
chờ đợi một thần tượng và gặp phải một hiện tượng: hiện tượng Krishnamurti.
Cuốn sách “The life and death of Krishnamurti” (Cuộc đời và cái chết
của Krishnamurti) [110] của tác giả Mary Lutyens được coi là cuốn tư liệu
tương đối đầy đủ và đáng tin cậy về cuộc đời của Krishnamurti. Cuốn sách
được viết dưới dạng tiểu sử, với những sự kiện ghi chi tiết đến từng ngày,
tháng, các mối quan hệ xã hội đa dạng và đặc biệt là “cái tiến trình” mà Hội
Thông Thiên học sắp xếp để Krishnamurti hoàn thành nhiệm vụ của “Bậc Thầy
Thế giới” (The Teacher of World). Bên cạnh việc mô tả chi tiết về cuộc đời,
cuốn sách cũng đề cập tới tình hình chính trị - xã hội thời Krishnamurti sống,
đặc biệt là những biến cố chính trị xảy ra tại Ấn Độ. Bà viết về sự quan tâm của
Krishnamurti đối với giáo dục và tiến trình xây dựng các trường học. Bằng
những dẫn chứng cụ thể, Mary Lutyens cho rằng Krishnamurti không hề trốn
tránh trách nhiệm của một “Bậc Thầy Thế giới” mà thực hiện theo cách riêng,
một trong những cách đó là thông qua giáo dục. Theo bà, tư tưởng giáo dục của

10


Krishnamurti bắt nguồn từ chính thực trạng xã hội và mặc dù ông luôn phủ
nhận ảnh hưởng của Hội Thông Thiên học nhưng theo Mary Lutyens, ông vẫn
bị quy định bởi hội này [110].
Trong cuốn “Những nhà tư tưởng lớn của Ấn Độ” [73], khi nhận định
về cơ sở hình thành tư tưởng của Krishnamurti, tác giả Albert Schweitzer hoài
nghi việc liệu Krishnamurti có thực sự thoát khỏi những quy định của triết
học phương Đông, mà cụ thể hơn là triết học Ấn Độ hay đó chỉ là sự nối dài
những tư tưởng truyền thống:

Triết học Ấn Độ gần đây có một vài khuôn mặt giá trị, mà nổi bật
nhất là Krishnamurti, một thiên tài kỳ vĩ và một nhân cách khác
thường. Nhưng liệu nền tư tưởng ấy có thực sự đi đến việc thoát khỏi
thế giá của truyền thống? Nó thực sự có hay không khả năng sáng
tạo và có nắm bắt được không tất cả tầm mức của các vấn đề mà nó
bàn đến? Người ta vẫn chưa có thể phán đoán điều đó [73, tr.211].
Tác giả René Fouère với cuốn “Krishnamurti, the man and his
teaching” [19], bản dịch tiếng Việt: “Krishnamurti cuộc đời và tư tưởng”. Tác
phẩm này gồm hai phần: một phần tường thuật vắn tắt cuộc đời của
Krishnamurti và một phần nói đến tư tưởng của ông. Đây là một nghiên cứu
mang đậm dấu ấn cá nhân như chính tác giả thừa nhận: “Để nói về
Krishnamurti đó là một việc làm khó khăn và mạo hiểm, vì ông là một người
tôi tin, là một trong những người đáng kể nhất của mọi thời đại” [19, tr.15].
Phần viết về cuộc đời của Krishnamurti không được tác giả dành nhiều sự
quan tâm. Tác giả chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề mà Hội Thông
Thiên học kỳ vọng Krishnamurti sẽ gánh vác:
Krishnamurti được giáo dục một cách riêng biệt ở Anh quốc, sau đó
ông học tiếng Pháp và Sankrit ở Đại học Sorbonne tại Paris, nơi đây
ông đã có biệt danh “Ông Hoàng nhỏ”. Tiến sĩ Annie Besant không

11


chỉ đào tạo ông đứng đầu Hội Ngôi Sao Đông Phương, mà còn chia
sẻ cho ông cái vai trò chọn lựa phương tiện truyền bá để qua đó bậc
Đạo Sư Thế giới tự biểu lộ mình. Như thế, một đứa bé đã được đào
tạo để đảm đương cái gánh nặng ghê hồn của một nhà tiên tri phi
thường [19, tr.18].
Trong phần bình luận về tư tưởng, tác giả chọn cách diễn đạt lại những tư
tưởng của Krishnamurti thông qua cảm nhận của cá nhân và đôi chỗ trích dẫn

những câu nói của ông. Do vậy, nghiên cứu không có tính hệ thống và rất khó
để phân chia thành các chủ đề cụ thể. Tác giả chỉ nói đến một phần rất nhỏ
những ảnh hưởng của Hội Thông Thiên học đến Krishnamurti. René Fouère
cho rằng: “Giới thiệu tư tưởng của người khác thì là thuận tiện đấy nhưng là
một phương sách nguy hiểm, bởi vì không có một ai thực sự biết rõ tư tưởng
của kẻ khác” [19, tr.31]. Vì vậy, tác giả khuyên mỗi người nếu muốn tìm hiểu
tư tưởng của Krishnamurti thì tìm hiểu qua chính những tác phẩm của ông.
Trong cuốn “Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt” [20],
Rosemary Ellen Guiley đề cập đến Krishnamurti trên hai bình diện. Bình diện
thứ nhất là trong mục giới thiệu về Theosophy (Thuyết Thần trí) từ trang 891
đến trang 896. Đây là phần giới thiệu về Krishnamurti trong mối tương quan
với Hội Thông Thiên học: “Năm 1908 Leadbeater cho biết một thanh niên Ấn
Độ, Jiddu Krishnamurti, sẽ trở thành “Bậc Thầy Thế giới” kế tiếp, người này
là hóa thân của Thượng đế Maitreya. Krishnamurti thu hút rất đông tín đồ,
nhưng vào năm 1930 phải rời Hội thần trí để đi theo con đường của riêng
mình” [20, tr.895]. Bình diện thứ hai trình bày về Krishnamurti với tư cách là
tiểu sử của một người nổi tiếng, có tên tuổi trong lịch sử. Phần giới thiệu này
từ trang 465 đến trang 469 của tác phẩm. Ngay từ đầu, tác giả đã nhận định:
Mặc dù có lẽ ông là một trong những bậc thầy tinh thần có nhiều ảnh
hưởng nhất thế kỷ 20 nhưng Jiddu Krishnamurti (Jiddu là họ) không

12


hề lãnh đạo một trường phái nào cũng như không hề tin vào bất kỳ
một con đường nào dẫn đến chân lý. Thay vào đó, ông lật tẩy mọi giả
thuyết, tổ chức và phương pháp cấu trúc huyền bí như những vật cản
trong việc tìm kiếm thực tại chân lý [20, tr.465 - 466].
Nhờ phần nghiên cứu này, tác giả luận án có thể thấy được cách thức con
người có thể đạt đến sự hiểu biết trí tuệ một cách hoàn hảo mà Krishnamurti

nêu ra. Để đến trạng thái này, con người phải có sự hài hòa các quá trình tâm
lý để tự giải thoát cho chính mình: 1. Nhận thức; 2. Suy nghĩ; 3. Trí tưởng
tuợng; 4. Biến đổi điều kiện; 5. Kiến thức và học hỏi; 6. Sợ hãi, trí nhớ, gắn
bó và phụ thuộc; 7. Xung đột; 8. Mối quan hệ; 9. Trí năng. Với những mối
quan hệ chặt chẽ với Hội Thông Thiên học, Krishnamurti ít nhiều chịu sự quy
định từ tư tưởng chủ đạo của Hội: Thuyết Thần trí.
Các công trình nghiên cứu trên đây mô tả khá chi tiết về cuộc đời và sự
nghiệp của Krishnamurti. Hầu hết các công trình đều chỉ rõ vai trò của Hội
Thông Thiên học trong việc phát hiện ra cậu bé Krishnamurti và những
phương thức giáo dục mà Hội áp đặt để ông có thể thực hiện sứ mệnh “Bậc
Thầy Thế giới”. Bên cạnh đó, một số công trình cũng bàn đến cội nguồn tư
tưởng của ông, đó là triết lý truyền thống của Ấn Độ và Thuyết Thần trí của
Hội Thông Thiên học.
1.1.2. Những nghiên cứu trong nước liên quan đến cơ sở hình thành,
phát triển tư tưởng giáo dục của J.Krishnamurti
Đầu tiên phải kể đến cuốn sách “Krishnamurti - người nhập cuộc” [67]
của tác giả Mộc Nhiên. Nghiên cứu gồm ba phần chính, trong đó phần đầu
nói về cuộc đời Krishnamurti qua từng giai đoạn. Trong phần này, tác giả lấy
chủ yếu từ nguồn tư liệu của Mary Lutyens và Pupul Jayakar, có sự tham
khảo, đối chiếu trên Internet. Phần có giá trị nhất đối với tác giả luận án chính
là bản tóm tắt diễn biến quan trọng và các hoạt động trong cuộc đời

13


Krishnamurti qua từng năm từ trang 172 đến trang 177. Thông qua bản tóm
tắt này, tác giả luận án nắm được hành trình diễn thuyết và năm ra đời các tác
phẩm cơ bản cũng như thời điểm ra đời của các trường học, các trung tâm
Krishnamurti ở khắp nơi trên thế giới. Phần thứ hai nêu những điểm mấu chốt
trong suy tưởng của Krishnamurti. Tác giả cũng chỉ ra những khó khăn khi

nghiên cứu tác phẩm của Krishnamurti vì văn nói và cách nói mang đậm tính
suy tưởng. Tác giả nhận định:
Trong khi những người lớn tuổi thường hay suy ngẫm nhiều về
cuộc đời, đọc sách có tính triết lý hay tôn giáo một cách dễ dàng, dễ
thâm nhập thì những người trẻ tuổi lại tiếp cận sách Krishnamurti
nhanh chóng hơn, mặc dù có thể nói sách Krishnamurti mang tính
triết lý sâu đậm đến mức khôn dò [67,tr.17].
Phần thứ ba là những đoạn trích với chú thích xuất xứ cụ thể theo các ý
tưởng chủ đạo. Tuy không đề cập trực tiếp đến nguồn gốc hình thành, phát
triển tư tưởng của Krishnamurti nhưng với những trích dẫn từ sự giáo dục của
Hội Thông Thiên học đối với Krishnamurti ngay từ khi ông còn nhỏ, có thể
thấy sức ảnh hưởng của Thuyết Thần trí đến tư tưởng của ông.
Trong cuốn “Đường hạc bay” [68], tác giả Mộc Nhiên chỉ ra: “Nhiều nhà
nghiên cứu cẩn trọng cho rằng suy tưởng của Krishnamurti rất gần gũi với
triết lý Phật giáo, dù rằng không phải tương đồng” [68, tr.17]. Qua đó có thể
thấy, đa số các nhà nghiên cứu đều thừa nhận ảnh hưởng của triết lý Phật giáo
trong tư tưởng của Krishnamurti.
Nhà nghiên cứu Thu Giang Nguyễn Duy Cần trong cuốn “Chu Dịch
huyền giải” [5] có nhắc đến Krishnamurti với những lời đánh giá rất cao, so
sánh vai trò của ông với Lão Tử, Trang Tử, Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus.
Tác giả đặt tư tưởng của Krishnamurti trong tương quan so sánh với quan

14


niệm của Hội Thông Thiên học để thấy được điểm độc đáo của ông. Tác giả
cho rằng sự ra đời của Hội Thông Thiên học là tất yếu:
Để đối phó với trào lưu quá trớn của khoa học vật chất của Tây
phương, người ta đã tiếc nuối mà nghĩ đến sự phục hồi Đạo học
Đông phương, của thời hoàng kim ngày xưa. Phong trào quan trọng

nhất có tầm quốc tế là “Hội Thông thiên học” (Sociéte
Théosophique). Hội này có cao vọng phục hồi khoa Huyền bí học,
tức là một cái học đi sâu vào phần vật chất tinh linh và siêu hình
hơn [5, tr.15].
Mặc dù được nuôi dưỡng trong tinh thần của Hội Thông Thiên học một
thời gian dài nhưng Krishnamurti không hoàn toàn lệ thuộc vào giáo lý của
Hội, tác giả đánh giá tư tưởng của Krishnamurti đã vượt ra khỏi tính huyền bí,
giả dối mà Hội đưa ra để quay trở về với tinh thần của Đạo học phương Đông.
Tác giả nhận định: “Dọn đường cho kỷ nguyên mới sau này, dĩ nhiên phải có
những hạng người ngày nay như Krishnamurti để vượt qua cái học huyền bí
mà Hội thông thiên học ngày nay là đại diện” [5, tr.29 - 30].
Có thể thấy, nhà nghiên cứu Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã chỉ ra
được hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tư tưởng của Krishnamurti: giáo lý
của Hội Thông Thiên học và Đạo học phương Đông. Tác giả cũng chỉ ra tính
vượt trội so với giáo lý huyền bí của Hội Thông Thiên và nhấn mạnh điểm nổi
bật của Đạo học phương Đông trong tư tưởng của Krishnamurti.
Tác giả Nguyễn Ước đã dày công biên dịch bộ sách: “Krishnamurti:
cuộc đời và tư tưởng” gồm 3 tập, được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm
2005. Bên cạnh biên dịch, tác giả cũng đưa ra nhiều nhận xét, đánh giá có tính
nghiên cứu về Krishnamurti cũng như tư tưởng của ông. “Tập 1: Krishnamurti
tinh yếu” [51] là tuyển tập nguyên văn những bài diễn thuyết và thảo luận quan
trọng nhất trong hơn sáu mươi năm thuyết giảng của Krishnamurti, kể cả một

15


số văn bản chưa được công bố. Nội dung của tập 1 đề cập đến nhiều vấn đề của
cuộc sống hằng ngày, các đề tài đạo học và tôn giáo, tu trì và thế tục, khổ não
và hạnh phúc, nô lệ và giải thoát, cá nhân và thế giới… Những nội dung này
được diễn đạt bằng một lời văn dễ đọc, dễ hiểu như một loại sách học làm

người. Bản văn đầu tiên được tác giả chọn đưa vào là bài diễn văn
Krishnamurti đọc tại buổi khai mạc trại thường niên tại Ommen, Hà Lan của
Hội Ngôi Sao Phương Đông ngày 2 tháng Tám 1929. Tác giả đánh giá đây là
“chủ đề báo trước công cuộc của ông” [51,tr.XIV]. Phần còn lại của cuốn sách
chia thành 4 phần, có sự sắp xếp theo thứ tự thời gian. Đây là những lời giảng
thể hiện sự chuyển biến trong tư tưởng của Krishnamurti: từ người được lựa
chọn để trở thành Đạo Sư Thế giới đến con người tự do, thoát khỏi sự ràng
buộc của mọi tôn giáo, tổ chức. Ngoài ra, tác phẩm có thêm phần Lời Bạt I và
Lời Bạt II ghi lại lời đánh giá của các chuyên gia về Krishnamurti.
“Tập 2: Đời không tâm điểm” [52] biên dịch về cuộc đời của
Krishnamurti chủ yếu thông qua cuốn “Krishnamurti: A Biography
(Krishnamurti: một tiểu sử)” của Pupul Jayakar (1915 - 1997). Cuốn sách trình
bày về cuộc đời của Krishnamurti từ khi sinh ra cho đến năm 1977. Những
diễn tiến trong cuộc đời cũng như quá trình chuyển biến về tư tưởng của ông
được đề cập tương đối đầy đủ trong tập này. Pupul Jayakar đã kể lại cuộc đời
của Krishnamurti trong bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa của người Ấn, với
những vấn đề quen thuộc của một nước mới giải phóng: sự phân ly, nghèo đói
và các hội chứng trong cơn lốc đổi mới… Đây cũng là nguồn tài liệu đáng tin
cậy vì tác giả Pupul Jayakar là người gắn bó với Krishnamurti trong gần bốn
mươi năm, từng là Chủ tịch cơ sở Krishnamurti tại Ấn Độ và là người hiệu
đính, ghi lại các cuộc diễn thuyết và thảo luận của ông tại Ấn Độ.
“Tập III: Dòng sông thanh tẩy” [53] gồm 3 phần: phần thứ nhất tiếp tục
bản tường trình của Jayakar và những lời bổ sung trong Tập II, kết hợp với việc

16


tóm kết lời giảng theo từng chủ đề từ năm 1978 cho đến ngày Krishnamurti từ
trần. Phần thứ hai là sưu tập mười cuộc đối thoại của một số học giả với
Krishnamurti. Phần thứ ba là một số cái nhìn tán đồng hoặc tranh luận về tư

tưởng và lối sống do những người có liên quan hoặc chịu ảnh hưởng từ tư
tưởng của Krishnamurti đưa ra. Trong phần này, tác giả đã nêu ra nhiều đánh
giá trái chiều về Krishnamurti. Bên cạnh những lời ca ngợi Krishnamurti như
một nhân vật vĩ đại thì cũng có những nhận xét cho rằng ông là “nhân vật nhiều
gian dối và bất chấp đạo lý” [xem 53, tr.520]. Những nhận định này giúp tác
giả luận án có cái nhìn đa chiều về Krishnamurti cũng như tư tưởng của ông.
Bộ sách do tác giả Nguyễn Ước biên dịch là tư liệu tương đối lớn về
cuộc đời và tư tưởng của Krishnamurti. Xuyên suốt bộ sách là tập hợp khối
lượng đồ sộ những tác phẩm, những đánh giá về Krishnamurti. Tuy dẫn ra
nhiều nhận định trái chiều nhưng tác giả thiên những đánh giá tích cực khi cho
rằng: “Krishnamurti nổi bật là một đạo sư bất khả phân loại và vô song, mà
những cuộc diễn thuyết cùng sách của ông không liên kết với một tôn giáo cá
biệt nào, cũng không thuộc phương Đông hay phương Tây, mà là cho toàn thể
thế giới” [51, tr.XIII]. Theo tác giả, sở dĩ tư tưởng của Krishnamurti có tính
bao quát và sâu sắc như vậy vì:
Đối với nhiều người, về mặt đạo học thì lời giảng của K không mới.
Lời giảng ấy kết tinh và lóng lánh Nguyên Lý Tối Thượng của Ấn
giáo, Chân Như của Phật giáo, Thần Khí Thánh Linh của Thiên
Chúa giáo, Thái cực của Khổng Nho và Đạo của Lão tử, đặc biệt
Trang tử. K như điểm gặp giữa chứng ngộ và mặc khải nguyên sơ
[53, tr.538].
Khi đánh giá tư tưởng của Krishnamurti, tác giả Nguyễn Ước cũng giống
như nhà nghiên cứu Thu Giang Nguyễn Duy Cần, đề cao ảnh hưởng của Đạo
học phương Đông. Mặc dù chỉ là những đánh giá mang tính chỉ dẫn, nhưng

17


những lời nhận xét về cội nguồn tư tưởng của Krishnamurti ở cuối bộ sách là
gợi ý quan trọng giúp tác giả luận án lý giải tiền đề hình thành quan niệm của

Krishnamurti về giáo dục.
Tác giả Lê Công Sự trong cuốn “Ngôn ngữ & văn hóa” [81] đã đề cập
đến Krishnamurti trong bài viết “J.Krishnamurti và triết lý nhân sinh”. Ngoài
phần giới thiệu sơ lược về cuộc đời, tác giả đã lý giải nguyên nhân vì sao
Krishnamurti lại quan tâm đặc biệt đến vấn đề nhân sinh. Theo tác giả, về mặt
lý luận, Krishnamurti chịu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo truyền thống và chủ
nghĩa hiện sinh; về phương diện thực tiễn là do ông tiếp xúc với cuộc sống
nhanh, gấp gáp của người phương Tây và bản thân Krishnamurti cũng muốn
trở thành người tư vấn đa chiều. Để nhận thức được cuộc sống muôn màu,
Krishnamurti cho rằng con người phải có tình yêu thương, xóa bỏ thù hận và
điều này chỉ có thể có được dựa trên một triết lý giáo dục lấy chủ nghĩa nhân
văn làm nền tảng. Đây là những gợi mở mang tính định hướng để tác giả luận
án bắt đầu đề tài nghiên cứu.
Như vậy, cho đến nay, ở Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu
chuyên biệt về cơ sở hình thành, phát triển tư tưởng giáo dục của
Krishnamurti. Nội dung bàn về tiền đề hình thành tư tưởng chỉ được đan xen
trong một số công trình nghiên cứu về cuộc đời và tư tưởng của ông. Một số
công trình còn nặng dấu ấn cá nhân của người viết khi nói đến khía cạnh hợp
nhất tư tưởng giữa phương Đông và phương Tây của Krishnamurti. Tuy vậy,
các công trình đều nói đến vai trò của Hội Thông Thiên học cũng như những
ảnh hưởng của văn hóa truyền thống phương Đông, đặc biệt là văn hóa truyền
thống Ấn Độ. Các tác giả đều cho rằng tư tưởng của Krishnamurti chịu ảnh
hưởng không nhỏ từ tư tưởng của Phật giáo. Điều này được minh chứng rõ
nét trong quan niệm của Krishnamurti về mục đích cũng như nguyên tắc tiến
hành giáo dục.

18


1.2. Những nghiên cứu liên quan đến tư tưởng giáo dục của Jiddu

Krishnamurti
1.2.1. Những nghiên cứu liên quan đến tư tưởng giáo dục của
J.Krishnamurti ở nước ngoài
Krishnamurti là nhân vật không chỉ nổi tiếng ở Ấn Độ mà trên toàn thế
giới. Ngoài những nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Krishnamurti
cũng có những nghiên cứu chuyên biệt về tư tưởng giáo dục của ông.
Có thể kể đến công trình “The general and educational philosophy of
Jiddu Krishnamurti and its relevance to contemporary education” (Triết lý
chung, triết lý giáo dục của Jiddu Krishnamurti và sự phù hợp của nó với giáo
dục đương đại) [115] của tác giả Thomas C.Cavanaugh. Công trình đã chỉ ra
những quan điểm giáo dục của Krishnamurti, tập trung ở chương IV: “Triết lý
giáo dục của Krishnamurti: sự phê phán đối với nền giáo dục truyền thống;
mục tiêu của giáo dục: phát triển trí thông minh; vai trò của giáo viên; kiến
thức và chương trình giáo dục; tự do và trách nhiệm trong trường học; vai trò
của suy tưởng trong giáo dục; sự cho phép và tổ chức các trường học” [115,
tr.iii]. Tác giả cho rằng triết lý giáo dục của Krishnamurti không tách khỏi
những vấn đề triết học mà ông đã đề cập đến như chân lý, sự thật, đạo đức…
Tuy nhiên, những câu hỏi này được thể hiện rõ nét trong giáo dục thông qua
các chủ đề cụ thể: mục tiêu của giáo dục, chương trình giáo dục, bản chất của
người học, những vấn đề về thẩm quyền, tự do và trách nhiệm.
Tư tưởng giáo dục của Krishnamurti được nghiên cứu công phu trong
công trình “Seeds of truth: J. Krishnamurti as religious teacher and educator”
(Hạt giống của sự thật: J. Krishnamurti như một vị đạo sư và nhà giáo dục)
[105] của tác giả Alan Hunter. Bên cạnh phần viết về Krishnamurti với tư cách
là “Bậc Thầy Thế giới” thì tư cách nhà giáo dục của ông được nhấn mạnh hơn
rất nhiều. Phần lớn các chương viết về tư tưởng giáo dục của Krishnamurti trên

19



nhiều bình diện: cội nguồn tư tưởng, mục tiêu giáo dục, phạm vi giáo dục,
những chỉ dẫn cho một nền giáo dục mới. Với những quan niệm giáo dục sâu
sắc, tác giả khẳng định Krishnamurti là một nhà giáo dục tiếp nối truyền thống
giáo dục của Ấn Độ nhưng cũng tiếp thu những giá trị của giáo dục phương
Tây để loại bỏ đi những ấu trĩ, mê tín, lạc hậu trong quan niệm truyền thống.
Tác giả dành 3 chương: chương 5, chương 6, chương 7 để mô tả về những ngôi
trường do Krishnamurti sáng lập. Việc thành lập những ngôi trường này không
phải là ý muốn tức thời mà là một quá trình lâu dài và dai dẳng trong suốt cuộc
đời Krishnamurti. Ông có yêu cầu rất cao về vị trí địa lý của các ngôi trường
nên thời gian tìm kiếm địa điểm thường kéo dài. Sau đó là việc lựa chọn giáo
viên và các nhà quản lý để phù hợp với mục tiêu và phương pháp giáo dục mà
Krishnamurti đề ra. Các trường sau khi thành lập không phải lúc nào cũng tuân
thủ tuyệt đối những tuyên ngôn mà ông đã đưa ra. Hơn nữa, các trường nằm rải
rác ở Ấn Độ, Mỹ, Anh và Krishnamurti với lịch trình vô cùng bận rộn khó có
thể kiểm soát mọi công việc của các trường. Ông thường chỉ đến thăm các
trường trong một khoảng thời gian ngắn, có buổi nói chuyện với học sinh hoặc
các nhà quản lý, đôi khi ông gửi cho họ những video hoặc các bức thư [105].
Với công trình nghiên cứu này, tác giả không chỉ nêu lên tư tưởng giáo dục của
Krishnamurti mà còn đề cập đến một khía cạnh rất quan trọng: việc hiện thực
hóa tư tưởng đó thông qua các trường học. Điều này khẳng định được giá trị
của những tư tưởng giáo dục của Krishnamurti.
Tư tưởng giáo dục của Krishnamurti cũng được đặt trong tương quan so
sánh với nhiều nhà giáo dục đương thời. Tiêu biểu là công trình của
Leelawathie Ayranganie Kobberkaduwa: “Education and the educated person:
a comparison of J.Krishnamurti and R.S.Peters” (Giáo dục và người được
giáo dục: một so sánh giữa J.Krishnamurti và R.S.Peters) [109]. Tác giả đã so
sánh tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti với Richard Stanley Peters

20



(1911 - 2011), cho rằng giữa họ có nhiều điểm giống nhau: đều sinh ra ở Ấn
Độ và trưởng thành ở châu Âu, đều đưa ra những quan niệm có ảnh hưởng đến
nền giáo dục đương thời. Tác giả nhận định rằng tư tưởng của hai ông có nhiều
điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều khác biệt. Trong mỗi chương, tác giả so
sánh các điểm mạnh và điểm yếu trong tư tưởng giáo dục của họ. So sánh dựa
trên các nội dung sau: giáo dục là sự khai tâm; giáo dục và cảm xúc; giáo dục,
tự do và sự tự quản; vai trò của giáo dục; trường học và xã hội. Tuy có nhiều
điểm khác biệt nhưng cả quan niệm của J.Krishnamurti và R.S.Peters đều
hướng tới sự phát triển con người một cách toàn diện với vai trò, trách nhiệm
của giáo viên và xã hội.
Bên cạnh đó, tư tưởng giáo dục của Krishnamurti còn được đặt trong
tương quan so sánh với tư tưởng giáo dục của Maria Montessori (1870 1952) - nhà giáo dục người Ý với phương pháp giáo dục trẻ em mang tên
“phương pháp Montessori”. Có thể kể đến là nghiên cứu: “Montessori and
Krishnamurti: A Comparison of Their Educational Philosophies and Schools
in Practice in the U.S. and India” (Montessori và Krishnamurti: Một so sánh
về triết học giáo dục và trường học trong thực tiễn của họ tại Mỹ và Ấn Độ)
[101]. Thông qua khảo cứu một số trường tại Anh, Ấn Độ và Mỹ - nơi những ý
tưởng giáo dục này đang được thực hiện, các tác giả đã chỉ ra nhiều điểm tương
đồng hơn là khác biệt về quan niệm giáo dục của họ. Cả hai đều lên án các
phương pháp giáo dục truyền thống và phản đối sự tham gia của nhà nước vào
giáo dục. Bài viết tập trung vào các nội dung: cách trẻ học và vai trò của trẻ
em trong giáo dục của chính chúng; các thuộc tính, đặc điểm của quá trình
đào tạo giáo viên; mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh; môi trường giáo
dục phù hợp, tập trung vào kỷ luật, cạnh tranh, đánh giá và sử dụng các
phương pháp. Các tác giả cho rằng trường học của Krishnamurti và
Montessori đã thành công trong việc tạo mối quan hệ thân thiện, yêu thương

21



giữa giáo viên và học sinh. Sự khác biệt chính là cách tiếp cận phương pháp:
Krishnamurti không áp dụng một phương pháp cụ thể trong khi Montessori
thiết kế phương pháp cụ thể dựa trên sự quan sát và hiểu biết về sự phát triển
tự nhiên của đứa trẻ.
Scott H. Forbes - Tiến sĩ về giáo dục của Đại học Oxford là người có
mối quan tâm sâu sắc đến tư tưởng giáo dục của Krishnamurti. Ông là người
đứng đầu đơn vị nghiên cứu và phát triển giáo dục toàn diện (Holistic
Education) [117]. Trong 20 năm giảng dạy (10 năm làm hiệu trưởng) tại
Brockwood Park - Krishnamurti Educational Center, Tiến sĩ có nhiều nghiên
cứu về tư tưởng giáo dục của Krishnamurti, nổi bật là một số công trình sau:
Năm 1994, trong bài viết: “Education As A Religious Activity:
Krishnamurti's Insight Into Education” (Giáo dục như một hoạt động tôn giáo:
Cái nhìn sâu sắc của Krishnamurti về giáo dục) [103], Scott H. Forbes nhận
định hoạt động giáo dục của Krishnamurti giống như hoạt động tôn giáo với
mục đích mang đến cho con người sự tự do, tình yêu, sự nở hoa của lòng tốt
và sự biến đổi xã hội. Một điểm khác biệt nữa mà tác giả nhấn mạnh là trong
khi giáo dục thông thường hướng tới định hình con người theo một chuẩn
mực, coi trẻ em như các bình rỗng cần được đổ đầy, các phiến đá trắng được
viết lên, hoặc các miếng rời rạc của đất sét cần phải được định hình thì với
Krishnamurti, giáo dục thực sự giúp học sinh khám phá bản thân mình. Giống
như các tôn giáo, Krishnamurti cho rằng mỗi người có một “ơn gọi độc đáo”
(unique vocation) cần được khám phá, tìm ra những gì họ thích làm và theo
đuổi công việc đó. Việc phát hiện ra “ơn gọi” và sự hiểu biết về những gì học
sinh thực sự thích làm có thể không phù hợp với kế hoạch của cha mẹ và xã
hội nhưng nó là một phần quan trọng của sự hiểu biết bản thân và đó mới là
giáo dục. Tác giả nghiên cứu cho rằng Krishnamurti không phải là người đầu

22



×