Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Họa sĩ Thanh Liêm với sự biến ảo của lụa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (64.12 KB, 2 trang )

Họa sĩ Phạm Thanh Liêm với sự biến ảo của lụa
Sự biến ảo của lụa là tên gọi cuộc triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ Phạm Thanh Liêm từ ngày 24-12-
2004 đến 6-1-2005 tại 16 Ngô Quyền. Ông cũng được đánh giá là "người khai mở kỹ thuật dệt lụa vẽ".
Sinh ra và lớn lên ở Quan Phố, một làng nghề dệt lụa truyền thống ở huyện Duy Tiên, Hà Nam, họa sĩ
Phan Thanh Liêm gắn bó cả cuộc đời sáng tác của mình với chất lụa truyền thống quê nhà.
Có đến vài trăm bức tranh lụa trong hơn 30 năm cầm bút lông, nhưng họa sĩ tâm sự: "Bao
giờ đứng trước một tấm lụa vẽ, tôi cũng thấy xúc động như mới vẽ lần đầu, bởi sự độc đáo ở
chất nền lụa của từng bức tranh như một sự huyền bí, chính nó đã tạo nên sự hưng phấn và
kích thích sự biến hóa của kỹ thuật - nghệ thuật và cảm xúc của mình".
Trước khi bàn về các tác phẩm của họa sĩ, không thể không nhắc tới công lao của Phạm
Thanh Liêm trong việc cải tiến kỹ thuật dệt lụa để tạo thành chất liệu vẽ phù hợp cho các
họa sĩ ngày nay.
Trước đây các họa sĩ chỉ dùng lụa Trung Quốc để vẽ, còn lụa ở các làng nghề mới chỉ dùng
cho may mặc. Từ nhỏ ông đã thành thạo công việc dệt lụa trên khung cửi. Khoảng hơn 20
năm trước, ông đã cùng với bà cô họ Phạm Thị Vụ quyết tâm cải tiến kỹ thuật dệt để làm ra
loại lụa vẽ cho các họa sĩ.
Với kỹ thuật khi dệt chập - vê nhiều sợi tơ đơn nguyên thành một sợi dọc hay ngang đều
nhằm phát huy tối đa thớ dọc, ganh ngang làm bề mặt lụa trở nên thô và đanh hơn. Sợi dệt
thấm được mầu, nhưng không bị cặn. Khi đưa mầu, họa sĩ cảm được độ thấm, nhòe, đanh,
đậm, loang... trên bề mặt lụa.
Ðể tạo ra được những tấm lụa vẽ như vậy, người dệt lụa phải có nhiều kinh nghiệm từ khâu
chọn kén, ươm tơ, hồ sợi cho đến kỹ thuật dệt.
Kỹ thuật dệt này dần dần được nhân rộng ra nhiều nhà trong làng và một số nơi khác, nhưng
làng Quan Phố vẫn là địa chỉ chính cung cấp lụa vẽ cho tất cả các họa sĩ vẽ lụa hiện nay ở
nước ta.
Với thành công đó, họa sĩ Phạm Thanh Liêm được đánh giá là "người khai mở kỹ thuật dệt
lụa vẽ".
Là người tường tận về lụa từ trong cấu tạo nguyên liệu, họa sĩ Phạm Thanh Liêm sáng tác
trên chất liệu này với một sự nhuần nhị đầy lý trí như người thủy thủ già biết cách chế ngự
những con sóng. Ví như vậy là để thấy rõ hơn kỹ thuật sử dụng bút lông trên lụa của họa sĩ
Phạm Thanh Liêm...


Ông là một trong những người có lối vẽ và cách thể hiện nghệ thuật vẽ mầu nước trên lụa
một cách hoàn thiện và có sức hấp dẫn lạ. Ông đi tới tận cùng để phát huy độ loang nhòe,
sương khói mờ ảo của lụa. Ðiều đó khiến tranh ông thấm đẫm vẻ đẹp dịu nhẹ rất Việt Nam
và Á Ðông.
Người xem nhớ đến những tác phẩm Xuống núi (trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật), Cô
Tấm, Làng dừa Yên Sở, Tự vệ khu gang thép Thái Nguyên,... với một bút pháp hiện thực giàu
tình cảm.
Nhưng vẻ đẹp đó không chỉ bộc lộ trong mảng tranh vẽ phong cảnh và con người, 50 tác
phẩm trong triển lãm Sự biến ảo của lụa - những sáng tác mới của họa sĩ Phạm Thanh Liêm
trong hai năm gần đây đã toát lên vẻ đẹp trong nghệ thuật hiện đại thể hiện qua chất liệu
lụa với cách nhìn mới và một phong cách mới. Ðó là mảng tranh trừu tượng với bố cục
vuông. Con mắt nhìn của họa sĩ đưa lại cận cảnh một góc thiên nhiên, trở lại với những nét
khắc vạch, những hình kỷ hà nguyên thủy. Trong thế giới đó, họa sĩ được tự do đưa đẩy
những gam mầu, thả sức đi tìm tiết tấu và nhịp điệu.
Ðúng như tên gọi của triển lãm, bằng những sáng tác mới của mình, họa sĩ Phạm Thanh
Liêm muốn chứng minh khả năng biểu cảm vô cùng phong phú của chất liệu lụa truyền
thống. Trên chất liệu "quê" của đồng bằng Bắc Bộ, họa sĩ có thể sáng tác những đề tài quen
thuộc.
Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo nhận xét: "50 tác phẩm của họa sĩ Phạm Thanh Liêm là
50 cung bậc thể hiện đầy sự biến ảo về cảm xúc thẩm mỹ, về hình nét, về mầu sắc, về đậm
nhạt, về bút pháp...".
Con đường của sáng tạo là con đường của sự dấn thân và tìm tòi. Con đường của họa sĩ
Phạm Thanh Liêm là một trong những con đường như vậy.

×