Tải bản đầy đủ (.pdf) (186 trang)

Đảng bộ thành phố hải phòng lãnh đạo kinh tế nông nghiệp từ năm 1996 đến năm 2010

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.46 MB, 186 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

NGUYỄN VĂN THÔNG

§¶NG Bé THµNH PHè H¶I PHßNG
L·NH §¹O KINH TÕ N¤NG NGHIÖP
Tõ N¡M 1996 §ÕN N¡M 2010

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

HÀ NỘI - 2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

NGUYỄN VĂN THÔNG

§¶NG Bé THµNH PHè H¶I PHßNG
L·NH §¹O KINH TÕ N¤NG NGHIÖP
Tõ N¡M 1996 §ÕN N¡M 2010
Chuyên ngành

: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mã số

: 62 22 56 01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ



NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC:

1. PGS. TS Trƣơng Thị Tiến
2. PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà

HÀ NỘI - 2015


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận án là công trình nghiên cứu của riêng
tôi dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS, TS Trương Thị Tiến và
PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà. Các số liệu trong luận án là trung thực,
chính xác, đảm bảo tính khách quan, khoa học và có nguồn gốc
xuất xứ rõ ràng.
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2015
Tác giả luận án

Nguyễn Văn Thông


DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT

BCH TW

Ban Chấp hành Trung ương

BC/KT


Báo cáo/Kinh tế

BTV

Ban thường vụ

CNH, HĐH

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa

CNH, ĐTH

Công nghiệp hóa, đô thị hóa

CDCCKT

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

CNXH

Chủ nghĩa xã hội

CT/TU

Chỉ thị/Thành ủy

CT/TW

Chỉ thị/Trung ương


CT/UB

Chỉ thị/ Ủy ban

CTr/UBND

Chương trình/Ủy ban nhân dân

ĐBSH

Đồng bằng sông Hồng

GTSX

Giá trị sản xuất

HTX

Hợp tác xã

KH- CN

Khoa học- Công nghệ

KHKT

Khoa học kỹ thuật

KT- XH


Kinh tế- Xã hội

Nxb

Nhà xuất bản

NQ

Nghị quyết

UBND

Uỷ ban nhân dân

XHCN

Xã hội chủ nghĩa


MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
MỤC LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
MỞ ĐẦU ................................................................................................................................. 1

Chƣơng 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ
TÀI LUẬN ÁN .................................................................................................. 7


Chƣơng 2: CHỦ TRƢƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ THÀNH
PHỐ HẢI PHÒNG ĐỐI VỚI KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TỪ 1996
ĐẾN NĂM 2000 ................................................................................................ 23

2.1. Chủ trƣơng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ
thành phố Hải Phòng ................................................................. ... 23
2.1.1. Những căn cứ để xác định chủ trương phát triển kinh tế nông
nghiệp ............................................................................................

23

2.1.2. Chủ trương của Đảng bộ thành phố Hải Phòng - những nội dung
chủ yếu ..........................................................................................

37

2.2. Đảng bộ thành phố Hải Phòng chỉ đạo phát triển kinh tế nông
nghiệp............................................................................................ ... 48
2.2.1. Tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề đất đai, phát triển kinh tế hộ,
kinh tế trang trại, chuyển đổi HTX theo luật................................. ... 48
2.2.2. Tăng cường cơ sở vật chất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
vào sản xuất nông nghiệp .............................................................. ... 56
2.2.3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp ...... ... 60
Tiể u kế t chƣơng 2 ...................................................................................... …

67

Chƣơng 3: SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐỐI
VỚI KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2010 ...... .... 69


3.1. Chủ trƣơng của Đảng bộ thành phố đối với kinh tế nông
nghiệp ........................................................................................ ... 69


3.1.1. Yêu cầu mới đặt ra nhằm tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp .. 69
3.1.2. Chủ trương của Đảng bộ thành phố Hải Phòng - những nội
dung chủ yếu .............................................................................. ... 78
3.2. Đảng bộ thành phố Hải Phòng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển
kinh tế nông nghiệp ...................................................................

92

3.2.1. Tổ chức chỉ đạo thực hiện các chính sách, biện pháp đẩy nhanh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ................................ ... 92
3.2.2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.................... ... 100
3.2.3. Xây dựng mô hình các đơn vị cơ sở đạt chuẩn công nghiệp hóa,
hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn .......................................... ... 112
Tiểu kết chƣơng 3 ........................................................................................ ..

117

Chƣơng 4: NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM ............................................................ .... 119
4.1. Một số nhận xét………………………………………………...

119

4.1.1. Ưu điểm.......................................................................................

119


4.1.2. Hạn chế .......................................................................................

128

4.2. Một số kinh nghiệm....................................................................

134

4.2.1 Nhận thức đúng vai trò của kinh tế nông nghiệp, lựa chọn
hướng đi và giải pháp phù hợp với lợi thế so sánh của địa
phương........................................................................................

134

4.2.2. Gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với công nghiệp
chế biến và nhu cầu của thị trường một cách hiệu quả .............. ... 137
4.2.3. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
và quá trình đô thị hóa ở nông thôn .......................................... 140
4.2.4. Chú trọng xây dựng Đảng bộ cơ sở là một trong những điều
kiện tiên quyết để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống ........ ... 144
Tiểu kết chƣơng 4 .......................................................................................... ... 147
KẾT LUẬN ........................................................................................................................

149

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN
LUẬN ÁN...........................................................................................................................

153


TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................... .

154

PHỤ LỤC ........................................................................................................................... .... 169


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Hải Phòng là tỉnh có vị trí địa chính trị và địa kinh tế thuận lợi: đất
rộng, người đông, có cả đồng bằng, trung du miền núi, hải đảo, đường biển
dài với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động đông và
giàu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Hải phòng là thành
phố cảng, công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch lớn ở miền Bắc, một
đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông đa dạng gồm: đường
thuỷ, đường bộ, đường sắt, hàng không nối liền các tỉnh trong nước và quốc
tế, là cửa chính ra biển của thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Điều kiện tự
nhiên tạo thuận lợi cho Hải Phòng phát triển kinh tế với một cơ cấu đa dạng
gồm: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ cảng biển và du lịch…
Những năm trước đổi mới, cũng như cả nước, Hải Phòng lâm vào
khủng hoảng kinh tế - xã hội. Là một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm hơn
50% nhưng lương thực, thực phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.
Trước sự khủng hoảng của mô hình quản lý và sự giảm sút trong sản xuất
nông nghiệp, Hải Phòng là một trong số ít những tỉnh đi đầu cả nước tìm tòi,
đổi mới tháo gỡ những khó khăn trong nông nghiệp bằng khoán sản phẩm
“chui” đến hộ xã viên. Vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng trong
nông nghiệp, nhất là Chỉ thị 100- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và Nghị
quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng bộ thành phố tích cực triển khai cụ
thể hoá thành những chương trình, mục tiêu phù hợp với thực tế địa phương,

từng bước tháo gỡ những khó khăn trong kinh tế nông nghiệp và bước đầu
khắc phục khủng hoảng, đạt những tăng trưởng nhất định.
Truyền thống tìm tòi, sáng tạo, đổi mới của Đảng bộ thành phố Hải
Phòng tiếp tục được phát huy trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn những năm 1996- 2010. Đảng
bộ vận dụng sát hợp đường lối của Đảng, xác định đúng mục tiêu cho mỗi
giai đoạn phát triển của kinh tế nông nghiệp thành phố phù hợp thực tiễn địa
phương. Do đó, kinh tế nông nghiệp Hải Phòng có những bước phát triển rõ
rệt. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng với nhịp độ khá. Cơ cấu kinh tế chuyển
dịch theo hướng phát huy lợi thế của các vùng, các địa phương, hình thành
1


những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, những vùng chuyên canh. Kết cấu
hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển. Thu nhập và đời
sống của người nông dân được cải thiện và nâng lên, nhất là người dân ở vùng
khó khăn. Vấn đề an ninh chính trị và quốc phòng được giữ vững, trật tự an
toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được , kinh tế nông nghiệp
Hải Phòng phải đố i mă ̣t với những thách thức to lớn , đó là: nông nghiệp vẫn
chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ lẻ, phân tán; chính sách giải tỏa, giá đền bù đất đai
chưa hợp lý, việc thu hồi đất, giao đất tràn lan vừa lãng phí tài nguyên đất
nông nghiệp vừa gây khó khăn trong lao động, việc làm, đồng thời gây nhiều
bức xúc ở các làng quê và trong xã hội. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông
nghiệp còn khá chậm, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chiếm tỷ lệ thấp, chưa
có thương hiệu, xuất khẩu hạn chế, sức cạnh tranh yếu… Mặt khác, về mặt lý
luận cũng còn nhiều vấn đề cần được làm rõ, nhất là về nội dung, mô hình,
bước đi, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp của cả nước nói
chung và nông nghiệp Hải Phòng nói riêng.
Vì vậy, tổng kết đánh giá quá trình Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh

đạo kinh tế nông nghiệp, cung cấp cơ sở khoa học góp phần hoạch định sát
hợp hơn chủ trương về kinh tế nông nghiệp trong các giai đoạn tiếp theo là rất
cần thiết.
Trước những đòi hỏi cấp thiết trong thực tiễn lãnh đạo nông nghiệp của
Đảng bộ, lại được sinh ra và lớn lên ở chính nông thôn Hải Phòng, hàng ngày
trực tiếp được hưởng thụ thành quả từ nông nghiệp đã thôi thúc tác giả chọn
đề tài “Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh đạo kinh tế nông nghiệp từ năm
1996 đến năm 2010” làm luận án tiến sĩ lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng
Cộng sản Việt Nam.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Làm rõ quá trình Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh đạo kinh tế nông
nghiệp từ năm 1996 đến năm 2010, trên cơ sở đó nêu lên một số nhận xét và
đúc rút một số kinh nghiệm.
2


2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Làm rõ những căn cứ để Đảng bộ thành phố Hải Phòng xác định chủ
trương phát triển kinh tế nông nghiệp từ năm 1996 đến năm 2010.
- Phân tích chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Hải Phòng
trong lãnh đạo kinh tế nông nghiệp từ năm 1996 đến năm 2010.
- Phân tích, đánh giá các kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân
và đúc rút những kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo kinh tế nông nghiệp
của Đảng bộ thành phố Hải Phòng những năm 1996- 2010.
3. Đối tƣợng, phạm vi nghiên cứu
3.1.Đối tượng nghiên cứu: Luận án nghiên cứu các quan điểm, chủ
trương và quá trình chỉ đạo kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ thành phố Hải
Phòng từ năm 1996 đến năm 2010.
3.2. Giới hạn phạm vi nghiên cứu

- Về phạm vi ngành nghiên cứu: Trong cơ chế thị trường định hướng
XHCN ở Việt Nam, nền kinh tế quốc dân gồm ba lĩnh vực kinh tế chủ yếu:
nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, kinh tế nông nghiệp hiểu theo
nghĩa rộng bao gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; theo nghĩa hẹp gồm
hai ngành chính là trồng trọt và chăn nuôi. Ở Hải Phòng, lâm nghiệp chiếm tỷ
lệ nhỏ, chủ yếu rừng phòng hộ, nguyên sinh ở Cát Bà trong khi tiềm năng của
thuỷ sản là rất lớn. Do đó, luận án nghiên cứu chủ trương và sự chỉ đạo của
Đảng bộ thành phố Hải Phòng chủ yếu đối với sự phát triển của các ngành
trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.
- Về nội dung nghiên cứu: Nghiên cứu về Đảng bộ thành phố Hải
Phòng lãnh đạo kinh tế nông nghiệp, những năm 1996- 2000 luận án tập trung
nghiên cứu chủ trương của Đảng bộ thành phố trong việc xác định một số vấn
đề trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp; những năm 2001- 2010
luận án nghiên cứu chủ trương của Đảng bộ thành phố Hải Phòng quán triệt
và vận dụng các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương năm
(khoá IX) về: “Đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn” vào thực tiễn
của Hải Phòng nhằm tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, luận
án nghiên cứu những nội dung chính mà Đảng bộ tập trung chỉ đạo như:
chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp; thực hiện các giải pháp
3


phát triển lực lượng sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đẩy mạnh
CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
- Về thời gian nghiên cứu: Luận án lấy mốc thời gian từ năm 1996 (Đại
hội Đảng bộ thành phố khóa XI (5-1996), cũng là mốc mở đầu thời kỳ thực
hiện CNH, HĐH đất nước) đến năm 2010 (Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ
XIV (11- 2010), kết thúc 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TU về “đẩy
nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng
(2001- 2010)”. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu thực hiện luận án, tác giả

có sử dụng một số tài liệu, tư liệu liên quan, trước năm 1996 và sau năm 2010.
- Về không gian nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu kinh tế
nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
4. Nguồn tƣ liệu và phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Nguồn tư liệu luận án
- Nguồn tư liệu chung:
+ Các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh về vai trò của kinh tế nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
+ Các văn kiện của Đảng, Chính phủ; các văn kiện của Đảng bộ thành
phố Hải Phòng và các Đảng bộ cơ sở về kinh tế nông nghiệp... là những tư
liệu gốc của luận án. Trong đó, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề về nông
nghiệp của Đảng bộ thành phố Hải Phòng, như: Nghị quyết số 15- NQ/TU
(1999) về:“Một số vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn”; Nghị quyết số
16- NQ/TU (1999) về:“Một số vấn đề phát triển kinh tế thủy sản”; Nghị
quyết số 11- NQ/TU (2002) về“Đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông
thôn Hải Phòng (2001- 2010)”; Chương trình hành động số 23- Ctr/TU
(2008) về:“nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
+ Tài liệu của các cấp, các ngành trong thành phố về kinh tế nông
nghiệp, như: Niên giám thống kê, báo cáo hàng năm; các đề án; quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thành phố Hải Phòng; quy hoạch vùng kinh
tế, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm; các tài liệu, biên bản hội nghị, hội
thảo… được lưu trữ tại Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố,
Ban Kinh tế, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố…
4


+ Các sách chuyên khảo, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học đã công
bố liên quan đến kinh tế nông nghiệp.
- Nguồn tư liệu thực tế: Các dữ kiện, số liệu thu thập qua điều tra thực
tế của các tác giả luận án có liên quan đến đề tài.

4.2. Phương pháp nghiên cứu
Dựa trên những quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng, tác giả sử dụng một số
phương pháp nghiên cứu chung của khoa học lịch sử như: phương pháp lịch
sử, lôgíc và kết hợp chặt chẽ hai phương pháp đó. Phương pháp phân tích,
tổng hợp, đối chiếu, thống kê, điều tra thực địa…Trong đó:
- Phương pháp lịch sử được sử dụng chủ yếu trong chương 2 và chương
3, dùng để phân kỳ thời gian: từ năm 1996 đến năm 2000 và từ năm 2001đến
năm 2010, hệ thống hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, Đảng bộ thành
phố Hải Phòng theo tiến trình lịch sử từng chương để thấy rõ sự hình thành,
hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng về kinh tế nông nghiệp.
- Phương pháp lôgíc được sử dụng trong 3 chương của luận án: trong
chương 2 và chương 3 dùng để xâu chuỗi các sự kiện chủ yếu và khái quát
lịch sử, nêu bật những nội dung trọng tâm trong từng văn kiện và liên kết các
nội dung đó để thấy quá trình nhận thức, hoàn thiện đường lối chủ trương của
Đảng và Đảng bộ thành phố về kinh tế nông nghiệp; sử dụng trong khái quát
quá trình chỉ đạo kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ thành phố. Trong chương
4, phương pháp lôgíc được sử dụng để khái quát những ưu điểm, hạn chế và
những kinh nghiệm rút ra từ quá trình Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh đạo
kinh tế nông nghiệp những năm 1996 - 2010.
- Phương pháp phân tích, so sánh, thống kê, điều tra thực địa để đánh
giá kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp thành phố qua từng
giai đoạn nhằm thể hiện rõ vai trò của Đảng bộ trong lãnh đạo phát triển kinh
tế ở địa phương.
5. Những đóng góp khoa học của luận án
- Luận án dựng lại một cách có hệ thống quá trình Đảng bộ thành phố
Hải Phòng lãnh đạo kinh tế nông nghiệp từ năm 1996 đến năm 2010, phân
5



tích những thành công, những hạn chế của Đảng bộ trong việc xác định
hướng đi, đề xuất các giải pháp và tổ chức chỉ đạo thực hiện để phát triển kinh
tế nông nghiệp.
- Luận án góp phần cung cấp thêm những cơ sở khoa học, đúc kết những
kinh nghiệm, giúp Đảng bộ và các cấp ủy, UBND và các sở, ban, ngành trong
thành phố có thêm nguồn tài liệu tham khảo trong quá trình tổng kết thực tiễn để
xây dựng các phương án phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tiếp theo.
- Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, biên
soạn lịch sử Đảng bộ; lịch sử ngành nông nghiệp thành phố Hải Phòng cũng
như giúp nghiên cứu sinh khi nghiên cứu thể loại đề tài này.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu; Kết luận; Danh mục công trình khoa học của tác
giả liên quan đến đề tài luận án; Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận
án được cấu trúc thành 4 chương, 8 tiết.
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án
Chương 2: Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Hải Phòng
đối với kinh tế nông nghiệp từ năm 1996 đến năm 2000
Chương 3: Sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Hải Phòng đối với kinh
tế nông nghiệp từ năm 2001 đến năm 2010
Chương 4: Nhận xét và kinh nghiệm

6


Chƣơng 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH
NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

Là một trong những nội dung chủ yếu của quá trình đổi mới đất nước, kinh
tế nông nghiệp luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học,

giới nghiên cứu. Bằng các phương pháp tiếp cận khác nhau, nhiều công trình
nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp đã được công bố. Khảo cứu các công trình
nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án có thể chia theo các nhóm sau:
1.1. Nhóm nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn thời kỳ đổi mới
Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Việt Nam tập trung đổi mới
cơ chế quản lý kinh tế. Với công trình: Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệpThành tựu, vấn đề và triển vọng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tác
giả Nguyễn Văn Bích tập trung phân tích thực trạng nông nghiệp và quản lý
kinh tế nông nghiệp của Việt Nam trước thời kỳ đổi mới để dẫn đến nhu cầu
cấp bách cần phải đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, khẳng
định đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp bước đầu đã phát huy tiềm năng
kinh tế nông nghiệp trở thành động lực thúc đẩy kinh tế đất nước. Tác giả
cũng nêu một số giải pháp tiếp tục đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp trong
thời gian tới.
Năm 1996, Việt Nam tiến hành CNH, HĐH đất nước, trong đó nhiệm
vụ trọng tâm của những năm cuối thập niên 90, thế kỷ XX là CNH, HĐH
nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông
thôn, nhóm tác giả PGS,TS Nguyễn Văn Bích và KS Chu Tiến Quang đồng
chủ biên cuốn sách Phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, năm 1999 [14]. Từ chỗ
khẳng định CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nước ta là tất yếu khách
quan, các tác giả đi sâu phân tích nội dung CNH, HĐH nông nghiệp, nông
thôn là: Tăng cường sơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, khắc phục sự lạc hậu,
nhỏ bé và phân tán của nông nghiệp, thực hiện thủy lợi hóa, cơ khí hóa, sinh
học hóa, điện khí hóa, hóa học hóa; đưa nông nghiệp vươn lên thành một nền
sản xuất hàng hóa, mở rộng, phát triển công nghiệp chế biến gắn với thị
trường tiêu thụ; chuyển nông dân từ chỗ bị chi phối nặng nề bởi tâm lý, tác
7


phong và tập quán của người tiểu nông sang trình độ của người nông dân

chuyên môn hóa và hiệp tác lao động công nghiệp, tương xứng với trình độ
phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của nền sản xuất lớn; xây dựng kết cấu hạ
tầng kinh tế xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người
dân nông thôn... Cuốn sách cũng đề cập đến những giải pháp lớn tiếp tục đẩy
mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam con
đường và bước đi là cuốn sách của tác giả Nguyễn Kế Tuấn, Nxb Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, năm 2006 [152]. Theo tác giả, sau hơn 20 năm đổi mới,
nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển biến vượt bậc, đời sống xã hội ở nông
thôn đang hướng tới hình thành và phát triển một nông thôn mới, hiện đại. Để
tiếp tục quá trình đổi mới, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam
phải từng bước giải quyết tốt những khó khăn, như: chất lượng, hiệu quả tăng
trưởng kinh tế nông nghiệp thấp, năng lực cạnh tranh quốc tế của các nông
sản hàng hóa Việt Nam hạn chế do hệ quả của nền nông nghiệp sản xuất nhỏ,
manh mún, phân bổ và sử dụng đất đai còn nhiều bất cập… Đây là những vấn
đề lớn mà việc giải quyết chúng phải có bước đi, cách làm phù hợp, thận
trọng và quyết tâm của toàn Đảng, nhân dân và toàn xã hội;
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong những nội dung quan trọng
của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, do đó có nhiều công trình nghiên
cứu vấn đề này, tiêu biểu như:
TS Phạm Thị Khanh, tác giả bài viết: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nông thôn, giải pháp cơ bản phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt
Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tạp chí Phát triển kinh tế (91998) [85]; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại
hóa nền kinh tế quốc dân của Ngô Đình Giao, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, năm 2003 [65], bàn về thực trạng nông nghiệp của nước ta là độc canh
cây lúa, sản xuất hàng hóa chưa phát triển, lạc hậu năng suất thấp... do đó, khi
chuyển sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ thì chuyển dịch cơ
cấu kinh tế được coi là nội dung quan trọng, cơ bản của CNH, HĐH nông
nghiệp, nông thôn. Các công trình khoa học này cũng đặt ra yêu cầu trong quá
trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải phát triển theo hướng CNH, HĐH. Đối

8


với nông nghiệp, nông thôn phải gắn liền với quá trình cơ giới hóa, điện khí
hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông thôn, giải
quyết việc làm cho người nông dân, gắn với phát triển các cơ sở chế biến, bảo
quản hàng nông sản…
Năm 2006, các tác giả TS Trần Xuân Thu và TS Nguyễn Văn Phú đồng
chủ biên cuốn sách Phát triển kinh tế vùng trong quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội [149]- trình bày tổng quan về
vùng, phân vùng kinh tế. Từ đó, các tác giả rút ra những nhận định về tính đa
dạng và phân dị của các yếu tố phát triển vùng, khả năng khai thác nguồn lực,
bước đi CNH, HĐH trên các kiểu và loại vùng căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh
của các vùng (các vùng lớn, các vùng trọng điểm, ngoài trọng điểm, đô thị,
nông thôn, vùng khó khăn; nhận định về xu hướng phát triển của các vùng, về
kết hợp cơ cấu ngành, cơ cấu lãnh thổ trên các vùng, về làn sóng di dân từ nông
thôn vào thành thị, về tồn tại nguy cơ bất ổn chính trị ở một số vùng, về ô
nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên vùng, về mối quan hệ liên vùng...
Cuốn sách bước đầu phân tích, luận giải về sự phát triển kinh tế vùng trong quá
trình CNH, HĐH chung của cả nước. Tuy nhiên, tác giả cuốn sách chưa đi sâu
nghiên cứu quá trình CNH, HĐH từng vùng kinh tế riêng biệt;
Tác giả TS Chử Văn Lâm viết cuốn sách: Sở hữu tập thể và kinh tế tập
thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb
Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2006 [86]. Theo cuốn sách, ở Việt Nam kinh
tế HTX trong nền kinh tế thị trường là hình thức tổ chức kinh tế mang tính xã
hội hóa. Các HTX là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng xã hội công bằng,
dân chủ, văn minh, giáo dục ý thức phát triển cộng đồng... Đổi mới cơ chế
quản lý kinh tế, từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ thị trường tác
động tích cực đến đổi mới về tổ chức, nội dung hoạt động của các HTX. Tuy
nhiên, để phát triển các HTX theo hướng thị trường, kinh tế HTX nước ta còn

nhiều mặt yếu kém: năng lực quản lý còn hạn chế, quy mô các HTX còn nhỏ
bé, trình độ sản xuất còn lạc hậu, năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị
trường thấp; kinh tế thị trường chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã
hội, kém hấp dẫn và phát triển chậm. Từ đó, tác giả nêu một số giải pháp vĩ
mô nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của các HTX trong điều kiện hội nhập
kinh tế quốc tế.
9


Bàn về phát triển kinh tế trang trại, tác giả Nguyễn Đình Hương viết
cuốn: Thực trạng, giải pháp phát triển kinh tế trang trại trong thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm
2000 [79]. Các bài viết của Nguyễn Điền và Phan Thành Tịnh về: Kinh tế
trang trại góp phần đẩy mạnh điện khí hóa nông nghiệp, Báo Nhân dân số
16391 năm 2000 [63]; Tập trung ruộng đất trong mô hình kinh tế trang trại
cho mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Đặng Hùng Võ, Tạp chí
nông thôn mới, số 213 năm 2007 [174]. Các công trình khoa học này đều
thống nhất về vai trò quan trọng của kinh tế trang trại trong nông nghiệp,
nông thôn- một hình thức phát triển cao của kinh tế hộ nông dân khi được tích
tụ đất đai, sở hữu đất đai và thị trường tiêu thụ thuận lợi kết hợp các chính
sách về tín dụng, chính sách khoa học công nghệ và sự đầu tư đồng bộ hạ tầng
cơ sở nông thôn… Các tác giả cũng nêu những khó khăn trong quá trình phát
triển kinh tế trang trại, nhất là khó khăn về đất đai và tiêu thụ nông sản, thủy
sản... Do đó, để đạt mục tiêu phát triển bền vững, các tác giả nêu một loạt
những giải pháp hữu hiệu cả về chính sách của Nhà nước cũng như giải pháp
thực hiện của các chủ trang trại.
Nghiên cứu về hội nhập và kinh nghiệm quốc tế trong quá trình CNH,
HĐH nông nghiệp, nông thôn, tiêu biểu như cuốn: Công nghiệp hóa, hiện đại
hóa nông nghiệp, nông thôn các nước Châu Á và Việt Nam, Nxb Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, năm 1996 của Nguyễn Điền [62]; cuốn: Vấn đề nông

nghiệp, nông dân, nông thôn- Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc do GS,
TS Phùng Hữu Phú và TS Nguyễn Viết Thông đồng chủ biên, Nxb Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, năm 2008 [95]; cuốn: Kinh nghiệm quốc tế về nông nghiệp,
nông thôn và nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TS
Đặng Kim Sơn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008 [114]; Tác động của
Hội nhập kinh tế quốc tế đối với phát triển nông nghiệp Việt Nam của TS
Nguyễn Từ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008 [154] hay cuốn: Chuyển
dịch cơ cấu kinh tế lao động trong xu hướng hội nhập quốc tế của PGS,TS
Phạm Quý Thọ, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội, 2006 [148]… Hầu hết các
công trình khoa học nêu trên đều đề cập đến tầm quan trọng và vai trò của
kinh tế nông nghiệp và đi sâu phân tích quá trình CNH nông nghiệp, nông
thôn ở một số nước trên thế giới, liên hệ vào thực tiễn Việt Nam, trong đó có
10


những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, như: chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nông nghiệp liên quan đến việc giải quyết đất đai, lao động, thị trường
nông sản; môi trường nông thôn, thu nhập của người nông dân… Rõ ràng đây
cũng là những vấn đề nông nghiệp Việt Nam đang trải qua và cần học hỏi
kinh nghiệm từ các nước đi trước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đổi mới kinh tế ở Việt Nam đã có một chặng đường đủ dài để có thể
tổng kết, đúc rút kinh nghiệm. Vì vậy, những năm đầu thế kỷ XXI, ở Việt
Nam có một số công trình nghiên cứu mang ý nghĩa tổng kết chặng đường đổi
mới kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tiêu biểu như:
Công trình Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới (19862002), Nxb Thống Kê, Hà Nội, năm 2003 của tác giả PGS,TS Nguyễn Sinh
Cúc [24]. Theo tác giả, sau gần 20 năm đổi mới, nông nghiệp, nông dân và
nông thôn Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cũng đã xuất
hiện những vấn đề nổi cộm, những khó khăn và thách thức mới như: vấn đề
ruộng đất ở nông thôn; vấn đề hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp,
tiêu thụ nông sản hàng hoá; vấn đề lao động, việc làm của nông dân; vấn đề

thu nhập và đời sống của nông dân; khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và
thành thị... Những khó khăn và thách thức này cần được nghiên cứu tìm ra
giải pháp phù hợp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế để tiếp tục đưa
nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Nhìn lại quá trình 20 năm đổi mới nông nghiệp, nông thôn, TS Đặng
Kim Sơn có công trình nghiên cứu: Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam - 20
năm đổi mới và phát triển, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2006 [112].
Cuốn sách tổng kết chặng đường 20 năm đổi mới nông nghiệp, với 5 phần: 1)
Nhìn lại nền nông nghiệp Việt Nam trước đổi mới; 2) Quá trình đổi mới chính
sách và thể chế; 3) Chuyển dịch cơ cấu và phát triển nông nghiệp, nông thôn;
4) Khái quát thành tựu và một số vấn đề rút ra từ quá trình đổi mới; 5) Những
thách thức đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn và một số vấn đề đặt ra
trong thời gian tới. Tác giả kết luận: Công cuộc đổi mới kinh tế do Đảng khởi
xướng và lãnh đạo trong 20 năm (1986- 2006) đã mang lại cho đất nước
những biến đổi sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, trong đó, đổi mới trong nông
nghiệp đựợc coi là bước khởi đầu của công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt
11


Nam. Từ một nền nông nghiệp quản lý theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung,
quan liêu, bao cấp, qua quá trình đổi mới, đến nay chúng ta đã có một cơ chế
quản lý kinh tế phù hợp, nền nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện.
Thành tựu lớn nhất mà công cuộc đổi mới đem lại cho người nông dân là trao
cho họ quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, được lựa chọn hình thức tổ
chức sản xuất, mua bán sản phẩm. Tuy vậy, những hạn chế sau 20 năm đổi
mới và phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam được các tác giả đề cập
như: tăng trưởng chậm lại và thiếu tính bền vững; nông thôn đang có chiều
hướng tụt hậu; đời sống của nông dân nhìn chung còn thấp, ở nhiều vùng
chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, phát sinh nhiều vấn đề xã hội
bức xúc…;

Công trình Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sau hai mươi năm đổi
mới- Quá khứ và hiện tại của PGS,TS Nguyễn Văn Bích, Nxb Chính trị Quốc
gia, Hà Nội, năm 2007 [15]. Cuốn sách tổng kết chặng đường 20 năm đổi
mới, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong nông nghiệp, nông
thôn: về quan hệ sản xuất, về cơ chế quản lý nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nông nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa, gắn công nghiệp chế biến
với thị trường định hướng XHCN. Tác giả khẳng định Nghị quyết 10 của Bộ
Chính trị về “đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” như một dấu mốc quan
trọng mở đầu thời kỳ đổi mới toàn diện cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp,
nông thôn. Tác giả cho rằng sau 20 năm đổi mới, kinh tế hộ gia đình có sự
thay đổi lớn từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị kinh tế tập thể, chỉ
được thừa nhận là “kinh tế phụ”, sản xuất mang nặng tính tự cấp, tự túc theo
cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chuyển sang hộ xã viên là đơn vị kinh tế tự
chủ đã thực sự “cởi trói” cho kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ...;
Như vậy, vấn đề nông nghiệp, nông thôn đã thu hút sự quan tâm nghiên
cứu của các nhà khoa học. Một số công trình nghiên cứu trên đây chỉ là tiêu
biểu với các chiều cạnh khác nhau, thể hiện cách nhìn phong phú và đa dạng
về các vấn đề của nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù các công trình này ít đề
cập đến nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng nhưng đã cung cấp cho tác giả
kiến thức phong phú, đa dạng về nông nghiệp, nông thôn nhằm phục vụ tốt
quá trình thực hiện luận án.

12


1.2. Nhóm nghiên cứu về chủ trƣơng, vai trò của Đảng với quá
trình đổi mới kinh tế nông nghiệp
Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử ra đời, phát triển, vai trò của Đảng Cộng
sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc, tác
giả cuốn: Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất

nước, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 1998 [96]; TS Lê Phương Thảo
và TS Doãn Hùng đồng chủ biên cuốn: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam,
Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1998 [147] đề cập đến vai trò của Đảng trong
phát triển kinh tế, nhấn mạnh quá trình tìm tòi, đổi mới nông nghiệp của
Đảng. Từ đó, các tác giả đi đến kết luận, trên cơ sở đổi mới tư duy, trước hết
là tư duy kinh tế, trong đó kinh tế nông nghiệp là khâu đột phá đã mở đường
cho quá trình đổi mới đưa đất nước vươn lên. Trong quá trình Đảng lãnh đạo
sự nghiệp cải biến nông nghiệp đầy khó khăn đó đã để lại nhiều kinh nghiệm
quý báu, những bài học tham khảo bổ ích trong thực hiện chính sách phát
triển nông nghiệp hiện nay.
Những chính sách nông nghiệp luôn có tác động sâu sắc đến sự phát
triển chung của nền kinh tế, nhất là ở những quốc gia mà nông nghiệp là
ngành chiếm phần lớn số lao động như Việt Nam. Với quan điểm trên,
PGS,TS Nguyễn Văn Bích và KS Chu Tiến Quang đồng tác giả cuốn: Chính
sách kinh tế và vai trò của nó đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông
thôn Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 1996 [13] đề cập đến
các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, như: Chính sách
kinh tế nhiều thành phần; chính sách ruộng đất; chính sách thị trường; chính
sách đầu tư, phát triển kinh tế nông thôn; chính sách tín dụng; chính sách
khoa học công nghệ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân… Các tác giả khẳng
định các chính sách này tạo lập khuôn khổ pháp lý, môi trường thuận lợi thúc
đẩy nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển trong những năm đầu của
thời kỳ đổi mới và tiếp tục được phát huy trong những giai đoạn tiếp theo.
Tuy vậy, các tác giả cũng nêu những hạn chế về chính sách của Nhà nước dẫn
đến những thách thức, mâu thuẫn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua
đó, các tác giả đề xuất các giải pháp lớn trong việc hoạch định chính sách
đúng đắn, khắc phục hạn chế để phát triển toàn diện nông nghiệp và kinh tế
nông thôn.
13



Tiếp tục bàn về chính sách nông nghiệp, có các công trình như: Phân
tích chính sách nông nghiệp, nông thôn, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, năm 1996
của PGS,TS Ngô Đức Cát [19]; Chính sách phát triển nông nghiệp và nông
thôn sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm
2000 của PGS,TS Lê Đình Thắng [146]. Theo các tác giả, chính sách nông
nghiệp là tổng thể các biện pháp kinh tế hoặc phi kinh tế mà chính phủ sử dụng
để tác động để tác động vào nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp theo
những mục tiêu nhất định trong những thời hạn nhất định. Các tác giả đi sâu
phân tích vai trò của chính sách nông nghiệp đối với sự phát triển nông nghiệp,
nông thôn, nhất là sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, đó là: vai trò định
hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nông nghiệp nói
riêng; điều tiết sự mất cân đối trong nông nghiệp giữa sản xuất- tiêu dùng, đầu
vào- đầu ra, tích lũy- đầu tư, xuất khẩu- nhập khẩu, thu- chi ngân sách…Ngoài
ra, chính sách nông nghiệp góp phần phát triển cân đối các vùng lãnh thổ, miền
núi, đồng bằng, đầm phá, ven biển; khai thác có hiệu quả các tiềm năng trong
nông nghiệp là đất đai, lao động; cải thiện môi trường sinh thái, đảm bảo phát
triển bền vững. Các cuốn sách này có giá trị lý luận và thực tiễn, giúp người
đọc hiểu các bước xây dựng, điều chỉnh chính sách và quá trình tổ chức thực
hiện chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Tác giả Phạm Văn Búa có bài: Tìm hiểu chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí
Lịch sử Đảng (2-2006) [18]. Tác giả bài báo khái quát chủ trương, chính sách
của Đảng và nhà nước sau 20 năm đổi mới và khẳng định chủ trương đúng
đắn, sáng tạo của Đảng về nông nghiệp, thôn thôn trong thời kỳ đổi mới
không chỉ đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa công nghiệp và nông nghiệp,
giữa thành thị, nông thôn mà còn đảm bảo cho nông nghiệp nước ta phát triển
nhanh, bền vững theo định hướng XHCN.
Đề cập đến đường lối chung của Đảng về kinh tế nông nghiệp, tác giả
PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà có cuốn sách: Đường lối phát triển kinh tế nông

nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (1986- 2011), Nxb
Chính trị- Hành chính, năm 2012 [67]. Cuốn sách có ba chương nghiên cứu 3
giai đoạn khác nhau: trước năm 1986; từ năm 1986 đến năm 1996 và những
năm 1996- 2011. Tác giả nghiên cứu toàn diện đường lối phát triển kinh tế
14


nông nghiệp, trọng tâm là Đảng lãnh đạo thực hiện đổi mới cơ chế quản lý
trong nông nghiệp, như: quản lý ruộng đất, giải phóng sức lao động, phát huy
sự năng động sáng tạo của người nông dân, đồng thời phân tích những biến
đổi của đời sống xã hội nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tác giả
đưa ra những nhận định, đánh giá xác đáng, nhất là những đánh giá về hạn
chế, yếu kém sai lầm khuyết điểm trong quá trình thực hiện chính sách đối
với nông nghiệp, nông dân. Qua đó, gợi mở phương hướng giải pháp nhằm
thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng giai
cấp nông dân hiện nay.
Một số công trình khác nghiên cứu chủ trương của Đảng về từng lĩnh
vực cụ thể của kinh tế nông nghiệp, như công trình: Đối mới cơ chế quản lý
kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam của PGS,TS Trương Thị Tiến, Nxb Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, năm 1999. Nội dung cuốn sách phân tích những bất hợp lý,
phi hiệu quả cản trở lực lượng sản xuất phát triển của cơ chế quản lý kinh tế
nông nghiệp thời kỳ trước đổi mới “cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp trước
đổi mới đã triệt tiêu tính tích cực, chủ động của người lao động, của hộ gia
đình và bản thân các HTX, các nông trường quốc doanh, làm mất động lực
của sự phát triển” [150, tr. 213]. Qua đó, tác giả khẳng định, đổi mới cơ chế
quản lý kinh tế nông nghiệp là nhu cầu cấp thiết. Đổi mới cơ chế quản lý bắt
đầu từ chủ trương của Đảng trong Hội nghị Trung ương sáu (8-1979) đến Chỉ
thị 100- CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Nghị quyết
10 của Bộ Chính trị… được tác giả phân tích khá kỹ, làm toát lên quá trình
từng bước đổi mới tư duy trong quản lý kinh tế nông nghiệp.

Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5-2004 đăng bài viết của tác giả Nguyễn Lê
với nhan đề: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo điều chỉnh quan hệ sản xuất
trong nông nghiệp [87]. Theo bài báo, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp mà
thực chất là cơ chế quản lý sản xuất trong nông nghiệp được Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo điều chỉnh từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp
sang cơ chế quản lý theo thị trường. Nhờ đó, nông nghiệp cả nước đã khắc
phục sự khủng hoảng trì trệ và phát triển, năng động, phát huy mọi tiềm năng
sáng tạo của người nông dân. Tác giả kết luận, từ thực tiễn khó khăn của nông
nghiệp Việt Nam, Đảng đã tìm tòi sáng tạo, quyết tâm đổi mới. Thành tựu đạt
15


được trong nông nghiệp nước ta hiện nay bắt nguồn trước hết từ đường lối
phát triển kinh tế nông nghiệp đúng đắn của Đảng.
Những năm đầu của thể kỷ XXI, một số luận án đề cập chủ trương, vai
trò của Đảng, Đảng bộ các địa phương về đổi mới kinh tế trong đó có kinh tế
nông nghiệp như:
Đề tài luận án tiến sĩ Lịch sử của tác giả Lê Quang Phi về Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn từ 1991 đến 2000, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, 2004 [92].
Sau khi nghiên cứu thực trạng nông nghiệp Việt Nam trước năm 1991, luận
án phân tích đường lối của Đảng về sự nghiệp CNH, HĐH cũng như quá trình
tổ chức, chỉ đạo thực hiện và thành tựu đạt được của nông nghiệp, nông thôn
nước ta những năm 1991- 2000. Qua đó, tác giả đánh giá những thành công
và hạn chế về sự lãnh đạo của Đảng, rút ra những bài học kinh nghiệm tạo cơ
sở khoa học hoạch định chính sách về nông nghiệp, nông thôn của Đảng trong
những giai đoạn sau.
Tác giả Đặng Kim Oanh nghiên cứu về Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh
đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ năm 1986 đến năm 2006,
Luận án tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại

học Quốc gia Hà Nội, năm 2011 [91] trình bày có hệ thống quan điểm, chủ
trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về chuyển dịch cơ cấu kinh
tế nông nghiệp trong những năm 1986- 2006. Kết quả nghiên cứu của luận án
góp phần làm rõ sự phát triển nhận thức của Đảng về chuyển dịch cơ cấu kinh
tế nông nghiệp và tác động đến sự phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ đẩy
mạnh CNH, HĐH. Qua đó, luận án đánh giá những ưu điểm, hạn chế và rút ra
một số kinh nghiệm trong quá trình Đảng lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông nghiệp thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.
Nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đảng bộ tỉnh Thanh
Hóa, tác giả Nguyễn Văn Vinh có đề tài Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo
chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ năm 1986 đến 2005, luận án tiến sĩ
lịch sử, Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, năm
2010 [172]. Luận án khái quát quá trình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông nghiệp của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa những năm 1986- 2005. Luận án
16


nêu ra kết quả đạt được và đúc kết những kinh nghiệm trong lãnh đạo chuyển
dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ. Qua đó luận án chỉ rõ những
định hướng cơ bản của Đảng bộ Thanh Hóa về chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển bền vững.
Bàn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu là luận
án tiến sĩ lịch sử của Đào Thị Bích Hồng với đề tài Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu
lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ năm 1997 đến năm 2006, Đại học
Quốc gia Hà Nội, năm 2011. Theo tác giả, “Một trong những nội dung cốt lõi
của quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH là sự hình
thành và biến đổi chuyển dịch cơ cấu kinh tế”[76, tr. 1]. Tác giả tập trung
nghiên cứu vai trò của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu
kinh tế của tỉnh từ năm 1997 đến năm 2006. Từ kết quả đạt được trong quá
trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, luận án rút ra một số nhận xét kinh nghiệm

từ sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu hướng tới phát triển một nền nông
nghiệp ổn định, bền vững;
Những công trình nghiên cứu chủ trương của Đảng, vai trò của Đảng
trong đổi mới kinh tế nông nghiệp trên đây phần lớn đều tập trung nghiên cứu
chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp trên phạm vi
cả nước. Nghiên cứu các công trình khoa học này đã gợi mở cho tác giả luận
án hướng nghiên cứu, tiếp cận nguồn tư liệu liên quan đến đường lối của
Đảng về nông nghiệp và những luận cứ khoa học có giá trị cả về lý luận và
thực tiễn trong quá trình triển khai luận án của mình. Tuy nhiên, vai trò của
Đảng bộ thành phố Hải Phòng trong lãnh đạo kinh tế nông nghiệp chỉ được đề
cập trong những năm đầu đổi mới kinh tế nông nghiệp.
1.3. Nhóm nghiên cứu về nông nghiệp Hải Phòng, Đảng bộ thành
phố Hải Phòng lãnh đạo kinh tế nông nghiệp
Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp và dịch vụ trọng điểm của
các tỉnh miền Bắc nước ta. Nông nghiệp Hải Phòng không phải thế mạnh,
cũng không phải là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của
thành phố. Do đó, nghiên cứu về nông nghiệp Hải Phòng, về Đảng bộ thành
phố Hải Phòng lãnh đạo kinh tế nông nghiệp không có nhiều công trình:
17


Năm 2001, Nxb Hải Phòng xuất bản cuốn sách của tác giả Nguyễn Huy
Đông- Giám đốc Sở nông nghiệp Hải Phòng về Lịch sử nông nghiệp Hải
Phòng 40 năm phát triển (1955- 1995) [64]. Bằng việc trình bày có hệ thống
các giai đoạn phát triển của nông nghiệp Hải Phòng qua 40 năm, tác giả cung
cấp cho người đọc nguồn tư liệu phong phú liên quan đến nông nghiệp Hải
Phòng, như: phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến nông nghiệp Hải Phòng;
quá trình phát triển của nông nghiệp thành phố qua những năm 1955- 1975,
1976- 1985 và 1986- 1995; trong mỗi giai đoạn đó, cuốn sách nêu bật những
thành tựu đạt được cũng như những khó khăn tồn tại. Cuốn sách có giá trị lý

luận và thực tiễn về lịch sử nông nghiệp Hải Phòng làm cơ sở hoạch định
chính sách, đề ra các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng bộ
thành phố Hải Phòng trong thời kỳ mới.
Tác giả PGS,TS Đan Đức Hiệp có cuốn sách Kinh tế Hải Phòng 25
năm đổi mới và phát triển (1986- 2010), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
năm 2010 [69]. Trên cơ sở hệ thống hóa các thông tin, tư liệu, số liệu, kết quả
thực tiễn, cuốn sách khái quát quá trình phát triển của kinh tế Hải Phòng sau
25 năm đổi mới. Đặc biệt, cuốn sách trình bày những bước phát triển của
nông nghiệp thành phố trong chặng đường đổi mới gắn liền với vai trò của
Đảng bộ thành phố Hải Phòng, từ việc tổng kết phong trào “khoán chui” của
các địa phương, đề ra Nghị quyết 24 của Thành ủy đến việc vận dụng Chỉ thị
100- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 10- NQ/TW của Bộ
Chính trị, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VII… đều phản ánh sự năng động,
sáng tạo của Đảng bộ từng bước đưa kinh tế nông nghiệp thành phố vượt qua
khủng hoảng để phát triển.
Đổi mới mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hiện nay ở huyện An
Lão- Hải Phòng của Đoàn Văn Dân (1993), luận án phó tiến sĩ kinh tế, Đại
học Kinh tế Quốc dân [42], nghiên cứu quá trình chuyển đổi mô hình HTX
nông nghiệp ở huyện An Lão- Hải Phòng trong hoàn cảnh vai trò kinh tế hộ
được coi trọng, trở thành đơn vị kinh tế tự chủ. Luận án khẳng định vai trò to
lớn của kinh tế hợp tác và tính tất yếu phải chuyển đổi các HTX từ mô hình
HTX kiểu cũ sang hình thức HTX kiểu mới. Qua đó, luận án chỉ ra phương
hướng, giải pháp chuyển đổi các mô hình HTX kiểu cũ ở huyện An Lão,
thành phố Hải Phòng.
18


Luận án tiến sĩ Lịch sử của Nguyễn Ngọc Hà về Kinh tế hộ nông
nghiệp ở Hải Phòng từ 1986 đến 1996, Đại học Sư Phạm Hà Nội, 2002 [66]phân tích quá trình tái lập và phát triển kinh tế hộ nông nghiệp Hải Phòng
những năm 1986- 1993 và 1993- 1996 dưới tác động của đường lối đổi mới.

Qua đó, tác giả rút ra những bài học kinh nghiệm góp phần hoạch định chính
sách phát triển kinh tế hộ nông nghiệp ở Hải Phòng cũng như các địa phương
khác trong những năm tiếp theo.
Năm 2011, Tạp chí Thông tin điện tử Hải Phòng đăng tải bài viết của
tác giả Vũ Việt Hà nhan đề: Nguồn lợi hải sản vùng biển Hải Phòng, hiện
trạng khai thác, bảo vệ và định hướng phát triển ngành đến năm 2020 [66].
Bài viết giới thiệu tiềm năng đa dạng sinh học của vùng biển Hải Phòng là
điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khai thác, đánh bắt với cơ cấu ngành
nghề khai thác đa dạng, ngư trường khai thác rộng lớn. Tác giả nêu ra thực
trạng hiện nay số lượng tàu thuyền khai thác tăng nhanh, việc quản lý chưa tốt
nên nguồn tài nguyên suy giảm nghiêm trọng. Tác giả bài viết nêu các giải
pháp phát triển thủy sản Hải Phòng đến năm 2020 theo hướng bền vững mà
Đảng bộ thành phố đã đề ra, đó là: Tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên để
mọi người tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ phát triển
nguồn lợi hải sản; xây dựng nghề khai thác hải sản có tổ chức; xây dựng mô
hình cùng quản lý giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư; thực hiện
chuyển giao công nghệ mới trong khai thác hải sản xa bờ…
Năm 2000, Hội nông dân thành phố Hải Phòng xuất bản cuốn sách Lịch
sử Hội nông dân và phong trào nông dân Hải Phòng (1930- 2000), Nxb Hải
Phòng [75]. Cuốn sách cung cấp cho người đọc góc nhìn về nông nghiệp Hải
Phòng thông qua lịch sử phát triển và quá trình chuyển biến của nông dân thành
phố. Bằng việc phân tích các số liệu thống kê, cuốn sách khái quát lịch sử hình
thành và phát triển của hội nông dân và phong trào nông dân thành phố, từ hộ
nông dân tá điền trước cách mạng ruộng đất, hộ nông dân tự do sau cải cách
ruộng đất, hộ nông dân xã viên tập thể trong thời kỳ hợp tác hóa đến hộ nông
dân tự chủ sản xuất kinh doanh thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, cuốn sách không đi
sâu nghiên cứu quá trình phát triển của kinh tế nông nghiệp Hải Phòng.
19



×