Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Giải pháp huy động các nguồn lực cộng đồng trong phổ cập giáo dục tiểu học ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.15 MB, 5 trang )

VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 23-27

ISSN: 2354-0753

GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC CỘNG ĐỒNG
TRONG PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC Ở HUYỆN SỐP CỘP, TỈNH SƠN LA
Tòng Thị Quyên+,
Nguyễn Quốc Tuấn

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
Tác giả liên hệ ● Email:

Article History
Received: 09/3/2020
Accepted: 07/4/2020
Published: 30/4/2020

ABSTRACT
Although it has been recognized to achieve universal primary education since
2008, there are still many difficulties to maintain this in Sop Cop district. This
fact makes the achievement of universal primary education in the locality is
not guaranteed sustainability. The paper analyzes the situation of primary
education universalization in Sop Cop district. Then, the paper proposes
solutions to mobilize community resources in universalizing primary
education in Sop Cop district, Son La province. The research results show
that in order to maintain as well as develop the level of universal primary
education in the district, it is necessary to strengthen strong and synchronous
solutions in mobilizing community resources.


Keywords
Solutions, mobilize,
community resources,
universalization of primary
education, Sop Cop district.

1. Mở đầu
Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức để mọi công dân đều được học tập và đạt tới một trình độ học vấn tối thiểu theo
quy định của Nhà nước. Hoạt động phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược
nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nhiệm vụ nâng cao chất
lượng phổ cập giáo dục đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 29/NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương, 2013).
Thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP (Thủ tướng Chính phủ, 2014) và Thông tư số 07/TT-BGDĐT (Bộ GDĐT, 2016), huyện Sốp Cộp đã có các chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác PCGDTH trong từng giai đoạn.
Năm 2008, huyện đã đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi. Tuy nhiên, do sự tác động của điều kiện xã hội ở một huyện
miền núi, hoạt động PCGDTH ở Sốp Cộp còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, gây ảnh hưởng đến thành quả PCGDTH
đã đạt được. Muốn giữ ổn định và bền vững chuẩn PCGDTH, huyện Sốp Cộp cần có giải pháp huy động các nguồn
lực (cả nguồn lực con người và nguồn lực tài chính) trong cộng đồng tham gia, nỗ lực thúc đẩy và nâng cao chất
lượng hoạt động PCGDTH tại địa phương.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Thực trạng hoạt động phổ cập giáo dục tiểu học ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
2.1.1. Điều kiện thực hiện hoạt động phổ cập giáo dục tiểu học:
Sốp Cộp là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước với tổng
diện tích đất tự nhiên là 148088 ha, dân số trên 4,5 vạn người gồm 06 dân tộc cùng sinh sống với 08 đơn vị hành
chính cấp xã; trong đó, có 7/8 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Huyện có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, giao
thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, chưa đồng đều giữa các vùng; tình trạng dân di cư tự do vẫn còn, điều
này gây ảnh hưởng lớn đến công tác phổ cập và huy động trẻ ra lớp; đặc biệt, đối với những hộ dân ở xa điểm trường,
tình trạng học sinh (HS) bỏ học tự do, nghỉ học giữa chừng vẫn còn khá phổ biến; chất lượng giáo dục còn thấp, tỉ lệ
người dân mù chữ còn cao.
Huyện Sốp Cộp hiện nay có 09 trường tiểu học; trong đó, có 03 trường đạt chuẩn quốc gia, 05 trường thuộc vùng
sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học, nhất là số lượng phòng học và trang
thiết bị trong phòng học còn thiếu. Tính đến tháng 3/2020, toàn huyện có 341 giáo viên (GV) tiểu học; trong đó, có

85,5% GV đạt trình độ chuẩn, 14,5% GV chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 (Ủy ban Nhân dân huyện Sốp
Cộp, 2019a, 2020).
Hoạt động PCGDTH huyện Sốp Cộp đạt được nhờ một số điều kiện thuận lợi như:
- Huyện Sốp Cộp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, Sở GD-ĐT
Sơn La; sự quan tâm chỉ đạo của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân huyện Sốp Cộp và sự phối hợp
thực hiện của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong huyện và nhân dân địa phương.
- Đội ngũ cán bộ quản lí, GV đa số đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có sức khỏe, nhiệt tình, trách nhiệm; đa số GV
là người sở tại, am hiểu địa bàn, phong tục tập quán, sử dụng thành thạo tiếng địa phương.

23


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 23-27

ISSN: 2354-0753

- Hệ thống quản lí tại các trường và GV đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trẻ em trong độ tuổi phổ cập
đến trường, điều tra, cập nhật số liệu phục vụ cho công tác phổ cập chính xác.
- Hệ thống mạng lưới trường lớp học cũng đang được củng cố và không ngừng mở rộng. Các chính sách hỗ trợ
GV, HS nghèo, HS dân tộc thiểu số đã được quan tâm, tạo điều kiện tốt hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động PCGDTH cũng gặp phải một số khó khăn:
- Địa bàn của huyện Sốp Cộp rộng, chia cắt, dân cư không tập trung. Nhiều trường, điểm trường xa trung tâm,
giao thông đi lại rất khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Điều kiện kinh tế của nhân dân ở một số xã vùng cao, vùng
xa còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao nên chưa có sự quan tâm đúng mức đến tình hình học tập của trẻ
cũng như chung tay với nhà trường xây dựng cơ sở vật chất trường học. Trình độ dân trí còn thấp, chưa đồng đều
giữa các vùng gây ảnh hưởng cho việc duy trì phổ cập.
- Một số trường còn thiếu GV để bảo đảm dạy học cũng như tham gia thực hiện hoạt động PCGDTH.
- Sự bất đồng về ngôn ngữ giữa một bộ phận cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số gây trở ngại trong việc điều tra,

cập nhật số liệu, vận động gia đình cho trẻ đến trường. Hơn nữa, do hiện tượng di dân tự do; phong tục, tập quán lạc
hậu, hiện tượng đổi tên, thay tên cho con em của đồng bào vùng cao vẫn còn, gây khó khăn cho việc bảo đảm tính
chính xác trong quá trình cập nhật số liệu.
- Các cấp từ cấp xã đến tỉnh đều có Ban chỉ đạo phổ cập xóa mù chữ; tuy nhiên, hiệu quả về sự huy động các
nguồn lực trong cộng đồng tham gia vào hoạt động PCGDTH chưa thực sự cao.
Những khó khăn trên dẫn đến một thực tế là mặc dù đã hoàn thành PCGDTH nhưng chưa bảo đảm được sự bền
vững; một số khó khăn có thể dẫn đến sự phá vỡ thành quả đã đạt được.
2.1.2. Thực trạng huy động các nguồn lực cộng đồng trong phổ cập giáo dục tiểu học
Trong giai đoạn năm 2015-2020, Phòng GD-ĐT huyện Sốp Cộp đã tham mưu, huy động các cấp, các ngành,
đoàn thể có khả năng tham gia vào phát triển giáo dục, làm nền tảng vững chắc cho hoạt động PCGDTH. Trong đó,
các nguồn lực tham gia cơ bản (Ủy ban Nhân dân huyện Sốp Cộp, 2018, 2019b) gồm:
- Đối với các doanh nghiệp: các doanh nghiệp đứng ra huy động doanh nghiệp trong tỉnh, các ngân hàng đóng
trên địa bàn tỉnh, huyện tham gia xây dựng trường học, nhà bán trú với nguồn kinh phí lớn.
- Ban Tuyên giáo huyện ủy: tham mưu cho cấp ủy huyện ban hành các kế hoạch, báo cáo về việc chỉ đạo, triển
khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác GD-ĐT huyện; trong đó, chú trọng việc chăm sóc, giáo dục đạo
đức, lối sống cho HS trong các nhà trường.
- Hội khuyến học huyện: ủng hộ quỹ khuyến học, hỗ trợ cho HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, HS khuyết tật;
hỗ trợ GV gặp khó khăn, GV vùng sâu, vùng xa; khen thưởng HS giỏi các cấp của huyện.
- Hội Liên hiệp phụ nữ huyện: phối hợp tốt với ngành GD-ĐT tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ
em gái trên địa bàn huyện, góp phần tích cực vào việc duy trì kết quả PCGDTH.
- Hội Cựu chiến binh huyện: tham gia hoạt động giáo dục truyền thống cho HS; phối hợp với Liên đoàn lao động
huyện và các xã xây nhà ở, nhà bếp ăn cho HS bán trú.
- Chi hội Chữ thập đỏ huyện: hàng năm có quà tặng cho HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như bị nhiễm chất
độc màu da cam, bị khiếm thính, khiếm thị hoặc mồ côi cha mẹ, không có người nuôi dưỡng; trợ cấp học phí, tổ
chức các hoạt động cho trẻ em khuyết tật hoà nhập với cộng đồng,…
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện: phối hợp tổ chức các hội thi cho HS; bồi dưỡng nghiệp vụ cho
GV tổng phụ trách liên đội,.... Cử cán bộ tham gia dạy các lớp xóa mù chữ, vận động HS bỏ học ra lớp, mở các lớp
“Tình thương” ở các bản đặc biệt khó khăn cho trẻ học yếu, có nguy cơ bỏ học.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện: đẩy mạnh phong trào “Tương thân, tương ái”, vận động cán bộ, công nhân
viên chức, người lao động, cộng đồng dân cư, các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm quyên góp kinh phí xây nhà cho

người nghèo có HS đang độ tuổi đến trường.
- Công an huyện: tuyên truyền, giáo dục HS tìm hiểu và thực hiện nghiêm luật pháp, đặc biệt là việc thực hiện
pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm; phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền về pháp luật cho cán
bộ, GV và HS.
- Các đồn biên phòng và Đoàn 326: cử cán bộ hướng dẫn HS bán trú giặt, phơi, gấp quần áo, chăn màn; vệ sinh
môi trường; huấn luyện các động tác điều lệnh đội ngũ; tăng gia sản xuất trồng rau xanh, chăm sóc cây trồng, vật
nuôi cho HS… Các đồn biên phòng cũng phối hợp với các trường cho HS tham gia các học kì quân đội; mở lớp xóa
mù chữ, tham gia vận động HS các xã biên giới bỏ học quay trở lại lớp.

24


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 23-27

ISSN: 2354-0753

- Ngành y tế: đã xây dựng các chương trình chăm lo và bảo vệ sức khoẻ cho HS. Các trường học cơ bản đã được
trang bị phòng y tế học đường, trang thiết bị và thuốc men, đảm bảo yêu cầu tối thiểu trong việc phát hiện và ngăn
chặn kịp thời những ca bệnh thông thường và phòng tránh các loại dịch, bệnh cho HS.
Nhìn chung, sự đồng thuận của các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đã góp
phần đưa sự nghiệp GD-ĐT huyện có bước chuyển mình vượt bậc, đây cũng là nền tảng cơ bản giúp cho công tác
PCGDTH trên địa bàn huyện Sốp Cộp hoàn thành và giữ vững suốt hơn 10 năm qua. Sự cố gắng nỗ lực của cả một
hệ thống đã tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để động viên, khích lệ trẻ em đến trường, yên tâm học tập. Tuy
nhiên, hoạt động PCGDTH ở huyện Sốp Cộp mới đạt mức độ 1. Để thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động
PCGDTH lên mức độ 2, 3 và quan trọng là khắc phục khó khăn, giữ vững thành quả đã đạt được, cần có những giải
pháp quyết liệt, đồng bộ hơn.
2.2. Giải pháp huy động các nguồn lực cộng đồng trong phổ cập giáo dục tiểu học ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
Huy động các nguồn lực cộng đồng trong PCGDTH là quá trình tiến hành huy động sự tham gia, đóng góp của

các cá nhân và tập thể trong toàn xã hội, cung ứng những điều kiện cần thiết để hoạt động PCGDTH diễn ra đạt hiệu
quả, đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển của mỗi cá nhân và góp phần phát triển cộng đồng xã hội. Các nguồn lực
cộng đồng được huy động vào công tác PCGDTH ở các địa phương có thể bao gồm các nguồn nhân lực, vật lực, tài
lực và các nguồn lực phi vật chất khác.
Việc huy động các nguồn lực cộng đồng cần được tiến hành với những chiến lược cơ bản, bao gồm: cộng đồng
hoá giáo dục, cộng đồng hoá trách nhiệm, đa dạng hoá loại hình giáo dục với sự tham gia của cộng đồng, đa phương
hoá nguồn lực với sự đóng góp của cộng đồng và thể chế hoá sự tham gia của cộng đồng trong giáo dục (Vụ Giáo
dục tiểu học, 2017). Các giải pháp cụ thể gồm:
- Tăng cường tuyên truyền, vận động các lực lượng trong cộng đồng tham gia PCGDTH:
+ Phòng GD-ĐT phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong huyện đẩy mạnh hơn việc thông tin, tuyên
truyền, nâng cao nhận thức cho các lực lượng trong cộng đồng, xã hội về vai trò, ý nghĩa của hoạt động PCGDTH,
ý nghĩa của việc huy động các nguồn lực cộng đồng tham gia vào hoạt động PCGDTH.
+ Ngành giáo dục huyện đẩy mạnh phát động cuộc vận động “Toàn dân đưa trẻ đến trường”; phổ biến các chế
độ chính sách của Đảng, Nhà nước về GD-ĐT tại các hội nghị của ngành và các cuộc họp của xã, bản. Đặc biệt, cần
quan tâm đến vai trò của chính quyền xã, bản trong công tác tuyên truyền đến người dân.
+ Phòng GD-ĐT cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng trong huyện tổ chức các hội thảo chuyên đề về
kết quả và giải pháp duy trì kết quả PCGDTH. Tăng cường sự quan tâm của các lực lượng trong xã hội đối với những
khó khăn, thách thức trong hoạt động PCGDTH trên địa bàn huyện; từ đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cá
nhân, đơn vị trong việc tham gia hỗ trợ PCGDTH, nhất là hỗ trợ về nguồn lực tài chính để xây dựng trường lớp, đầu
tư cơ sở vật chất, hỗ trợ HS trong học tập, rèn luyện.
+ Mỗi một tập thể không chỉ thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục và PCGDTH trong phạm vi chức năng của
mình mà phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để cùng thực hiện nhiệm vụ chung.
- Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong PCGDT; trong đó, nhà trường giữ vai trò
trung tâm
+ Đối với nhà trường: đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí, GV; tăng cường kỉ cương, kỉ luật
trường học; xây dựng môi trường trường học thân thiện, hạnh phúc; tích cực đổi mới phương pháp dạy học; thực
hiện tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức, ý chí, khả
năng tư duy sáng tạo và năng lực thực hành của HS, nhất là HS dân tộc thiểu số. Không ngừng nâng cao phẩm chất
đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm cho đội ngũ cán bộ quản lí, GV theo hướng chuẩn và trên chuẩn,
xây dựng đội ngũ GV vững mạnh, đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục. Tăng cường mối quan hệ phối hợp

chặt chẽ, thường xuyên bền vững giữa nhà trường với các ban, ngành, đoàn thể các địa phương nhằm tạo được môi
trường giáo dục lành mạnh. Xây dựng các điểm vui chơi, sinh hoạt văn hoá cho HS; tăng cường các hoạt động tập
thể, tạo điều kiện cho HS được rèn luyện và phát huy phẩm chất tốt, chủ động đấu tranh, phòng ngừa các tệ nạn xã
hội xâm nhập vào trường học.
+ Đối với gia đình: Nhà trường cần vận động phụ huynh thay đổi quan niệm, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản
lí, giáo dục con em của gia đình, khắc phục tình trạng phó mặc việc giáo dục trẻ cho nhà trường, thầy cô. Củng cố tổ
chức ban đại diện cha mẹ HS trong các nhà trường theo phương châm: coi ban đại diện là một thành viên trong hội
đồng giáo dục, có nhiệm vụ tham gia vào một số hoạt động quản lí, giáo dục HS, tham gia xây dựng, cải tạo cảnh
quan môi trường và bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất trường học trong phạm vi nhất định. Hàng tháng, hàng kì, các

25


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 23-27

ISSN: 2354-0753

nhà trường thông qua Ban đại diện cha mẹ HS truyền đạt thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
về giáo dục, về PCGDTH cũng như các chủ trương, kế hoạch và biện pháp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của nhà
trường đến gia đình HS. Khuyến khích ban đại diện cha mẹ HS vận động các gia đình HS, các tổ chức KT-XH đóng
góp công sức, tiền của để tăng cường cơ sở vật chất, khen thưởng GV và HS, làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục.
+ Đối với xã hội: Nhà trường phải phát huy tốt vai trò của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn
trong việc tạo điều kiện hỗ trợ nhà trường về đất đai, bảo đảm an ninh trật tự và phối hợp tổ chức các hoạt động khác.
Chú ý đến việc phối hợp cùng các đoàn thể, xã hội tổ chức các hoạt động ngoại khoá nhằm giáo dục đạo đức, lí
tưởng, nâng cao nhận thức về xã hội cho HS. Bằng nhiều biện pháp, nhà trường thu hút đầu tư của các tổ chức kinh
tế để phát triển nhanh cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Khuyến khích và phát huy hiệu quả hoạt động
của Hội khuyến học các cấp trong việc huy động nguồn lực cộng đồng trong PCGDTH. Tăng cường tư vấn để các
Hội khuyến học sáng tạo nhiều hình thức tổ chức động viên, khen thưởng, ghi danh những nhà giáo, HS, những gia

đình, dòng họ, những doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân,… có nhiều đóng góp cho giáo dục.
- Sử dụng hợp lí các nguồn lực xã hội trong PCGDTH:
+ Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá hoạt động huy động các nguồn lực cộng đồng trong PCGDTH phù hợp,
sát với thực tiễn. Tập trung kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, nội dung, biện pháp, hình thức huy động
các nguồn lực cộng đồng trong PCGDTH; trình độ nghiệp vụ của cán bộ phụ trách PCGDTH; kết quả của hoạt động
PCGDTH ở các trường.
+ Vận động sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nguồn lực cộng đồng trong công tác kiểm tra, đánh giá kết
quả huy động các nguồn lực này trong PCGDTH. Xây dựng Quy chế thi đua khen thưởng liên quan đến hoạt động
huy động các nguồn lực cộng đồng trong PCGDTH. Bảo đảm hệ thống cơ sở vật chất và nguồn kinh phí phục vụ
cho kiểm tra, đánh giá. Tổ chức truyền thông đến cộng đồng về kế hoạch và quy chế kiểm tra, đánh giá; bồi dưỡng
cho các cán bộ phụ trách kiểm tra, đánh giá kết quả huy động các nguồn lực cộng đồng trong PCGDTH.
- Bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của cán bộ chuyên môn Phòng GD-ĐT, cán bộ
quản lí, GV các trường tiểu học trong hoạt động PCGDTH
+ Trong công tác phổ cập giáo dục và huy động các nguồn lực cộng đồng tham gia phổ cập giáo dục, cán bộ
chuyên môn Phòng GD-ĐT, GV các trường tiểu học là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò chủ chốt trong toàn bộ các
khâu và chịu trách nhiệm chính về kết quả phổ cập giáo dục (Nguyễn Thị Hồng Thanh, 2019). Do đó, Phòng
GD-ĐT cần tham mưu tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ chuyên môn
Phòng, cán bộ quản lí, GV tiểu học. Đồng thời, tìm giải pháp nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV tiểu học, đáp
ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
+ Lãnh đạo Phòng GD-ĐT tăng cường chỉ đạo các trường bám sát yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông
mới, thực hiện dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho HS; đa dạng hoá các hoạt động giáo dục;
từ đó, xây dựng môi trường trường học tích cực, giúp GV có điều kiện để phát huy năng lực nghề nghiệp, tự bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Phòng GD-ĐT phối hợp các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực và
phẩm chất cho đội ngũ cán bộ chuyên môn Phòng GD-ĐT, cán bộ quản lí, GV tiểu học; tạo điều kiện thuận lợi cho
đội ngũ này tham gia các lớp, khoá đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ ở các cấp. Tiến hành đánh giá một
cách thường xuyên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, GV sau quá trình bồi dưỡng nhằm tăng tính
trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của lực lượng này. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến
khích, động viên đội ngũ cán bộ, GV tham gia bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng (Nguyễn Văn Cường, 2017).
- Thực hiện dân chủ hoá trong quản lí giáo dục và phối hợp các lực lượng cộng đồng trong PCGDTH:

+ Đơn vị thường trực cần tham mưu về công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch hoạt động PCGDTH ngắn hạn,
dài hạn và hàng năm. Việc xây dựng kế hoạch phải thực sự phát huy được tính dân chủ, tập trung trí tuệ của tập thể,
phù hợp thực tiễn, có tính khả thi. Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch bằng việc tổ chức lấy ý kiến của các bên liên
quan. Đồng thời, đẩy mạnh dân chủ hoá trong xây dựng mục tiêu, chương trình, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính
trị của nhà trường tiểu học; trong sự phối hợp tham gia quản lí và thực hiện các nội dung công tác của các tổ chức
Đảng, chính quyền, đoàn thể, Ban đại diện cha mẹ HS và các lực lượng xã hội khác đối với sự phát triển của nhà
trường, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của HS.
+ Thực hiện 5 công khai: (1) Công khai kế hoạch; (2) Công khai phân công nhiệm vụ của GV và đánh giá HS;
(3) Công khai thu, chi tài chính; (4) Công khai thực hiện chế độ chính sách; (5) Công khai thi đua, khen thưởng.

26


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 23-27

ISSN: 2354-0753

+ Xây dựng quy chế làm việc của cơ quan, bao gồm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân,
quy định về thực hiện kỉ luật lao động về thưởng phạt, khiếu kiện; tạo điều kiện để GV có thông tin đầy đủ kịp thời,
làm cho họ nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ; tạo môi trường để GV được biết - bàn - làm - kiểm tra các
hoạt động giáo dục trong nhà trường. Chỉ đạo thống nhất việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hàng
năm ở các nhà trường là một trong những hoạt động trọng tâm để thực hiện dân chủ hoá, xây dựng quy chế phối hợp
giữa nhà trường với các lực lượng xã hội, tổ chức cho các lực lượng xã hội tham gia vào quản lí nhà trường.
3. Kết luận
Với mục tiêu phát triển bền vững giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT đang tích cực thực hiện
chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm mọi trẻ em được học
đúng độ tuổi có chất lượng và hiệu quả giáo dục ở tiểu học để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của đất nước giai
đoạn CNH, HĐH và hội nhập (Vụ Giáo dục tiểu học, 2017). Huy động các nguồn lực cộng đồng trong hoạt động

PCGDTH có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học
nói riêng, vì bậc tiểu học là “nền móng” cho các bậc học tiếp theo trong hệ thống giáo dục phổ thông. Để PCGDTH
giữ vững được kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2020-2025, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cần tiếp tục triển khai
giai đoạn phổ cập mức độ 2, 3; các giải pháp trên cần được tiến hành một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả với
sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của các lực lượng xã hội, sự huy động một cách hiệu
quả các nguồn lực cộng đồng.
Tài liệu tham khảo
Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Chính phủ (2014). Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Nguyễn Thị Hồng Thanh (2019). Thực trạng quản lí công tác phổ cập giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn
thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 7, tr 100-105.
Nguyễn Văn Cường (2017). Thực trạng quản lí công tác phổ cập giáo dục tiểu học ở huyện Đakrong, tỉnh Quảng
Trị. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 5, tr 30-33.
Uỷ ban Nhân dân huyện Sốp Cộp (2018). Báo cáo số 1057/BC-UBND ngày 15/10/2018 về kết quả thực hiện phổ
cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Sốp Cộp năm 2018.
Uỷ ban Nhân dân huyện Sốp Cộp (2019a). Báo cáo số 1234/BC-UBND ngày 03/12/2029 sơ kết 05 năm thực hiện
Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 08/9/2014 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về công tác lãnh đạo đối với công tác giáo
dục và đào tạo.
Uỷ ban Nhân dân huyện Sốp Cộp (2019b). Báo cáo số 1057/BC-UBND ngày 15/10/2018 về kết quả thực hiện phổ
cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Sốp Cộp năm 2019.
Uỷ ban Nhân dân huyện Sốp Cộp (2020). Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 10/4/2020 về phát triển giáo dục và đào
tạo huyện Sốp Cộp năm học 2020-2021.
Vụ Giáo dục tiểu học (2017). Phổ cập giáo dục - giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển bền vững giáo dục
tiểu học. Truy cập ngày 25/3/2017 tại />aspx?ItemID=4552.

27




×