NHỮNG CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU VỀ DOANH
NGHIỆP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP
1.1 Một số nhận thức chung về doanh nghiệp
1.1.1 Doanh nghiệp
Trong các cuốn Từ điển tiếng Việt, khái niệm "doanh nghiệp" được định nghĩa
chưa rõ ràng và chưa bao quát hết các loại hình tổ chức kinh doanh.
Khái niệm "doanh nghiệp" hiểu theo Luật Doanh nghiệp được Quốc hội nước
Cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua tháng 12/2005 là "Doanh nghiệp là tổ chức kinh
tế có tên riêng, có tài khoản, có trụ sở giao dịch ổn định được đăng ký kinh doanh theo
quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh".
Tuy nhiên, vì luật này chỉ điều chỉnh các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân,
có con dấu riêng nên khái niệm doanh nghiệp qui định trong Luật như trên là theo nghĩa
hẹp. Trong thực tế tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp như trên là khoảng
100.000, trong khi các tổ chức kinh tế qui mô nhỏ như tổ, nhóm, hộ kinh doanh cá thể
là hơn 2,5 triệu đơn vị. Các cơ sở kinh tế này tuy nhỏ về qui mô, nhưng cũng thực hiện
đầy đủ các công đoạn của hoạt động kinh doanh, có Giấy đăng ký kinh doanh do chính
quyền cấp và cũng nộp thuế kinh doanh theo qui định của Nhà nước. Trong "Báo cáo
định hướng chiến lược và chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam
đến năm 2010" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các cơ sở kinh tế nói trên được định
nghĩa thuộc khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức cũng là các doanh nghiệp.
Khái niệm doanh nghiệp được định nghĩa theo Giáo trình Kinh tế vi mô –
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xuất bản năm 2007 là: “Doanh nghiệp là các đơn vị
kinh tế cơ sở có chức năng sản xuất - kinh doanh hàng hoá, dịch vụ một cách hợp pháp
theo nhu cầu của thị trường nhằm mục tiêu lợi nhuận hoặc hiệu quả kinh tế - xã hội tối
đa”. Theo định nghĩa này, về mặt lý thuyết, doanh nghiệp bao hàm tất cả các cơ sở sản
xuất - kinh doanh từ các tập đoàn kinh tế lớn đến các hộ gia đình kinh doanh cá thể.
Nhưng trong thực tế quản lý ở nước ta hiện nay, pháp luật mới chỉ coi là doanh nghiệp
các tổ chức kinh tế đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước,
Luật Hợp tác xã, Luật đầu tư nước ngoài.Hộ gia đình và kinh doanh cá thể chưa được
coi là doanh nghiệp.
Khái niệm "doanh nghiệp" sử dụng trong chuyên đề được hiểu theo nghĩa như
sau: "doanh nghiệp" là các cơ sở kinh tế có đăng ký kinh doanh và thực hiện các hoạt
động kinh doanh theo qui định của pháp luật.
1.1.2 Kinh doanh
Nói chung, chúng ta có thể hiểu một cách nôm na kinh doanh là buôn bán. Tuy
nhiên không thể đồng nhất kinh doanh và buôn bán là một.Có rất nhiều định nghĩa về
nghề buôn bán có thể được tìm thấy trong ngôn từ mô tả các quá trình kinh doanh. Định
nghĩa đầu tiên về nghề buôn bán, ra đời từ thế kỷ 18, coi đó là một thuật ngữ kinh tế mô
tả quá trình chấp nhận những rủi ro của việc mua hàng ở một mức giá nào đó cố định để
rồi bán lại với một mức giá khác không cố định. Về sau, các nhà bình luận đã mở rộng
định nghĩa này và bao gồm trong đó cả việc tập trung các yếu tố sản xuất. Định nghĩa
này đưa mọi người đến một câu hỏi khác là liệu việc buôn bán có một chức năng duy
nhất hay không hay nó đơn thuần chỉ là một hình thức của việc quản lý. Đầu thế kỷ này,
khái niệm đổi mới được đưa thêm vào định nghĩa về việc buôn bán. Đổi mới ở đây có
thể là đổi mới quá trình, đổi mới thị trường, đổi mới sản phẩm, đổi mới yếu tố và thậm
chí đổi mới về một cơ cấu. Các định nghĩa sau này mô tả công việc kinh doanh có bao
gồm cả việc thành lập các doanh nghiệp mới mà người thành lập nên chúng là những
người buôn bán. Như vậy, trong quá trình kinh doanh có hoạt động mua bán và kinh
doanh chính là hoạt động đầu tư để thu lợi nhuận.
Theo định nghĩa về kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì “Kinh
doanh là thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản
xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh
lợi”
1.1.3 Nhà doanh nghiệp
Trong cuốn Từ điển tiếng Việt khái niệm nhà doanh nghiệp vẫn chưa được định
nghĩa. Trong Giáo trình Quản lý kinh tế có đưa ra khái niệm "cán bộ quản lý sản xuất -
kinh doanh": đó là những người trực tiếp điều hành hoạt động của doanh nghiệp với chế
độ tự chủ hạch toán kinh doanh nhằm mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất. Trong
thực tế, nhà doanh nghiệp thường được hiểu là những người giữ vị trí lãnh đạo đang
trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp được thành lập và hoạt động
theo qui định của pháp luật.
1.2 Một số nhận thức chung về Hội doanh nghiệp
1.2.1 Sự ra đời của Hội doanh nghiệp
Từ xa xưa, ông bà ta đã thấy lợi ích của sự liên kết và hợp tác, qua câu nói “buôn
có bạn bán có phường”. Sự cạnh tranh theo kiểu ‘anh thắng có nghĩa là tôi thua’ đã
không còn đúng hẳn, mà giờ đây xu hướng ‘cạnh tranh trong hợp tác’, tức cả hai cùng
thắng, đã dần trở thành cung cách mới trong kinh doanh. Nhất là khi tài nguyên xã hội
(vốn, kỹ thuật, quản lý, ý tưởng ...) đã ngày càng dồi dào, không ai có thể giữ được lâu
lợi thế cho riêng mình.
Một tính chất khác có ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng liên kết: sự phân
khúc ngày càng nhỏ của thị trường. Một ví dụ: ngày nay, trong một đô thị lớn, không
thể tìm đâu ra một nhà hàng có thể bán đủ món cho mọi đối tượng khách hàng, vì sở
thích của người ta đã ngày càng phân nhánh đến hết mức, tới nỗi có những nhà hàng chỉ
chuyên bán món bún, hoặc món cuốn, hoặc bánh mỳ...; thế nhưng chính những nhà
hàng ấy lại thành công hơn cả.
Khi sự chuyên môn hoá lên đến cao độ, tất yếu dẫn đến nhu cầu liên kết cao độ.
Nhà hàng sẽ cần đến nhà cung cấp rau chuyên nghiệp, rồi là quản lý, phục vụ, phụ bếp
chuyên nghiệp, ... ngoài ra còn phải liên kết với những đơn vị du lịch, công ty truyền
thông, báo chí, ...
Sự cạnh tranh và quy luật đào thải khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường đòi hỏi
các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có sự đoàn kết, chung lưng góp sức trước hết là vì sự
tồn tại, vì lợi ích và tương lai của chính mình. Hơn lúc nào hết, sự ra đời của một tổ
chức tập hợp, liên kết, hỗ trợ và đại diện giờ đây đã trở thành một nhu cầu cấp thiết đối
với các doanh nghiệp, tạo môi trường cho các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, hợp
tác, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển, cung cấp đầy đủ các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến,
tư vấn phát triển cho các thành viên. Và các Hiệp hội doanh nghiệp ra đời để đáp ứng
các nhu cầu đó.
Như vậy, Hội doanh nghiệp là tổ chức tự nguyện bao gồm những người có nhu
cầu, mục đích, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp
của hội, hội viên và cộng đồng góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Ví dụ: Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Hội
doanh nghiệp vừa và nhỏ….
1.2.2 Sự cần thiết phải phát huy vai trò của Hội, Hiệp hội trong điều kiện hội nhập
Kinh tế quốc tế
Khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, các Doanh nghiệp không còn được
trợ cấp mang tính trực tiếp, cơ quan quản lý Nhà nước không còn là người “vừa đá
bóng, vừa thổi còi” mà chỉ còn là trọng tài nên doanh nghiệp bước vào môi trường kinh
doanh mới rất minh bạch với sự cạnh tranh hết sức quyết liệt. Mặt khác, tính liên kết
giữa các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự cao. Do đó, các doanh nghiệp sẽ gặp rất
nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường và nâng cao uy tín trên trường quốc tế
nếu doanh nghiệp đứng đơn lẻ cho nên việc lắng nghe, nắm bắt tình hình hoạt động của
các doanh nghiệp của Hiệp hội là cần thiết để tháo gỡ các khó khăn.
Việc tập trung tư vấn, hướng dẫn cung cấp thông tin cho doanh nghiệp những
vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, những cam kết của Việt Nam với WTO là vấn đề mà
nhiều doanh nghiệp quan tâm. Cùng với các cơ hội cho doanh nghiệp phát huy hết năng
lực của mình, tuy nhiên với các quy định của WTO, các cam kết song phương, đa biên
và các tập quán, thông lệ, luật pháp quốc tế…đã vượt khả năng hiểu biết của các doanh
nghiệp kinh doanh trong nước theo tập quán thông thường. Vì thế, vai trò của các Hội,
Hiệp hội càng cần thiết với các doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh
nghiệp trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội là tổ chức thích hợp nhất và không thể thay thế trong việc
đánh giá chất lượng, điều phối hoạt động và giải quyết mối quan hệ giữa các doanh
nghiệp trong nội bộ lĩnh vực đó. Bám sát doanh nghiệp và hơn nữa lại chính là đại diện
cho tiếng nói của nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực, hiệp hội sẽ nắm bắt một cách cụ
thể và rõ ràng những vận hội và thách thức của ngành, từ đó đưa ra những biện pháp
mang tính chính sách để điều tiết một cách hài hoà giữa lợi ích của ngành trong mối
tương quan với các lĩnh vực khác, cũng như trong quan hệ và cạnh tranh giữa các doanh
nghiệp trong nội bộ ngành.
1.2.3 Các yếu tổ ảnh hưởng tới việc thành lập Hội, Hiệp hội doanh nghiệp ở Việt
Nam
Trên lý thuyết, thủ tục thành lập Hội, Hiệp hội quy định rõ trong Luật về Hội
được thông qua ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 11 qua đó cho thấy rõ hơn các bước
thành lập Hội. Trước tiên, muốn thành lập một Hội cần phải có Ban vận động thành lập
hội. Ban vận động thành lập Hội có ít nhất 3 sáng lập viên. Sáng lập viên là công dân từ
đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có hiểu biết chuyên môn, nghiệp
vụ trong lĩnh vực Hội dự kiến hoạt động, trừ người đang bị truy cứu trách nhiệm hình
sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án tước một số quyền công dân
có liên quan; trường hợp sáng lập viên là tổ chức thì tổ chức đó phải được thành lập
hợp pháp. Từ đó, ban vận động của Hội sẽ điều hành, cử người đứng đầu ban vận động,
lập hồ sơ đăng ký thành lập Hội gửi Bộ Nội vụ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau khi
được phê duyệt hồ sơ, Ban vận động phải tiến hành tổ chức Đại hội thành lập hội.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thành lập Hội , Hiệp hội thường trải qua thời gian
dài, qua nhiều quá trình, và chịu chi phối bởi nhiều yếu tố:
Yếu tố thứ nhất ảnh hưởng đến quá trình thành lập Hội, Hiệp hội chính là xu thế
khách quan và sự đòi hỏi thành lập Hội của các thành viên. Yếu tố này là rất cần thiết
để cho ra đời một Hội, Hiệp hội tuy nhiên không phải là yếu tố chủ chốt. Việc liên kết
các doanh nghiệp cùng ngành nghề với nhau vào một tổ chức Hội theo xu thế và đòi hỏi
khách quan của thực tiễn nền kinh tế cần phải tiến hành thông qua một Ban vận động.
Do đó, nếu chỉ có những doanh nghiệp có nguyện vọng thành lập Hội mà chưa có một
Ban vận động, một cơ cấu tổ chức thực sự của Hội thì Hội cũng chưa thể hình thành.
Như Hiệp hội Thủy sản Việt Nam ra đời trên cơ sở sự liên kết của các doanh nghiệp
Thủy sản trong quá trình kinh doanh phát triển sản phẩm và được điều hành bởi Ủy ban
Trung ương Hội.
Yếu tố thứ hai ảnh hưởng tới việc thành lập và duy trì một Hội là yếu tố tổ chức.
Trước hết đó là ban lãnh đạo, bộ máy. Bất kỳ một Hội, Hiệp hội nào đều cần một tổ
chức có tư cách pháp nhân có con dấu và có người lãnh đạo có đủ tầm nhìn và bao quát
được hoạt động. Bộ máy nhân sự là hết sức quan trọng, bởi nếu muốn hoạt động của
Hội được tốt thì bộ máy nhân sự phải tốt đứng đầu tổ chức bộ máy là Ban lãnh đạo do
Ban vận động bầu ra. Việc duy trì hoạt động của Hội là do Bộ máy Hội hoạt động có tốt
hay không. Trên thực tiễn đến hơn 90% Hội hoạt động tốt do có bộ máy nhân sự và cán
bộ lãnh đạo có tầm nhìn và có quan hệ tốt với cơ quan hữu quan.
Yếu tố cuối cùng làm ảnh hưởng tới quá trình thành lập Hội đó chính là kinh phí.
Kinh phí giúp cho Ban vận động của Hội có thể làm các thủ tục cần thiết trong việc
thành lập Hội. Kinh phí còn giúp duy trì hoạt động của Hội. Nguồn kinh phí để tiến
hành thành lập Hội có thể lấy từ nguồn tài trợ, từ lệ phí ban đầu do các thành viên sáng
lập tự nguyện đóng góp, hoặc do cơ quan sáng lập tài trợ…Do vậy, nguồn kinh phí có
thể huy động từ nhiều nguồn cung cấp cho Ban vận động để có thể tiến hành thành lập
Hội.
1.2.4 Chức năng hoạt động của Hội doanh nghiệp
Các Hiệp hội doanh nghiệp thường có nhiều chức năng khác nhau tùy vào lĩnh
vực và ngành mà hiệp hội đó hoạt động.Tuy nhiên, chúng ta có thể chia ra các chức
năng chính của các Hiệp hôi doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất là chức năng đại diện quyền lợi.Đây là chức năng chính của đa số các
Hiệp hội doanh nghiệp, nhất là những hiệp hội lớn, là đại diện và tăng cường quyền lợi
hội viên trong các quan hệ kinh tế trong và ngoài nước, bảo vệ quyền, lợi ích chính
đáng, hợp pháp của hội viên.Chức năng này bao gồm việc duy trì đối thoại với Chình
phủ về luật và chính sách chi phối hoạt động của doanh nghiệp và quan hệ với các cơ
quan tổ chúc trong nước và nước ngoài.
Thứ hai là dịch vụ hỗ trợ cho các nhà doanh nghiệp phát triển nghề nghiệp, trong
hợp tác đầu tư, phát triển kinh doanh, trong học tập nâng cao kiến thức chuyên môn,
kinh nghiệm và trình độ quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Thứ ba là diễn đàn cung cấp, trao đổi thông tin, ý kiến giữa các nhà doanh
nghiệp trẻ với các cơ quan Đảng và nhà nước, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp khác.
1.2.5 Nhiệm vụ của các Hiệp hội doanh nghiệp
Căn cứ vào chức năng của các Hiệp hội doanh nghiệp mà chúng ta có thể phân
chia ra các nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, các nhiệm vụ chính của các Hiệp hội doanh
nghiệp được tập trung vào các nội dung sau:
- Đoàn kết, tập hợp các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước, hỗ trợ hội viên mở rộng
quan hệ hợp tác kinh doanh với nhau và với các doanh nghiệp khác.
- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên nâng cao trình độ quản lý, điều hành doanh
nghiệp, phát triển hoạt động kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
- Phản ánh nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các nhà doanh nghiệp với Đảng,
Nhà nước và các tổ chức hữu quan về những chủ trương, chính sách và các vấn đề liên
quan đến giới doanh nghiệp Việt Nam.
- Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, chăm lo phát triển lực
lượng doanh nghiệp cho đất nước.
- Tổ chức hướng dẫn cho hội viên tham gia các hoạt động xã hội.
- Tổ chức hoạt động giao lưu, hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước
ngoài theo quy định của pháp luật, góp phần tích cực vào quá trình chủ động hội nhập
kinh tế quốc tế.
1.2.6 Cơ cấu tổ chức chung của các Hiệp hội
Cơ cấu tổ chức của hội gồm có:
1. Đại hội;
2. Ban lãnh đạo, bộ máy điều hành;
3. Ban kiểm tra;
4. Các tổ chức khác do điều lệ hội quy định.
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là Đại hội. Nhiệm kỳ đại hội do điều lệ hội
quy định, nhưng không quá 5 năm kể từ ngày kết thúc đại hội nhiệm kỳ trước.
Đại hội bất thường được triệu tập khi có ít nhất trên một phần hai tổng số hội
viên chính thức hoặc hai phần ba tổng số thành viên ban lãnh đạo hội đề nghị.