Tải bản đầy đủ (.doc) (182 trang)

luận án tiến sĩ thực hiện pháp luật về lao động đối với người chấp hành án phạt tù ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (946.33 KB, 182 trang )

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN CÔNG LONG

THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG ĐỐI
VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Ở VIỆT NAM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ
NGÀNH: LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

HÀ NỘI - 2020


HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN CÔNG LONG

THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG ĐỐI
VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Ở VIỆT NAM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ
NGÀNH: LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

Mã số: 9 38 01 06

Người hướng dẫn khoa học: GS,TS. TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

HÀ NỘI - 2020



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong Luận án là trung thực, có
nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định.
Tác giả

Nguyễn Công Long


MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU

1

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

6

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

6

1.2. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, giả thuyết và câu hỏi nghiên cứu

25

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG

ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ

29

2.1. Khái niệm, hình thức, vai trò thực hiện pháp luật về lao động đối với
người chấp hành án phạt tù

29

2.2. Nội dung, yêu cầu và các yếu tố bảo đảm thực hiện pháp luật về lao động
đối với người chấp hành án phạt tù

58

2.3. Thực hiện pháp luật về lao động đối với người chấp hành án phạt tù ở
một số nước trên thế giới và những giá trị có thể vận dụng ở Việt Nam

76

Chương 3: THỰC TRẠNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI
NGƯỜI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

91

3.1. Thực trạng thi hành án phạt tù ở Việt Nam hiện nay

91

3.2. Kết quả đạt được và những hạn chế trong thực hiện pháp luật về lao động
đối với người chấp hành án phạt tù


100

Chương 4: QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN PHÁP LUẬT
VỀ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ Ở VIỆT NAM

124

4.1. Quan điểm bảo đảm thực hiện pháp luật về lao động đối với người chấp
hành án phạt tù ở Việt Nam

124

4.2. Các giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật về lao động đối với người chấp
hành án phạt tù ở Việt Nam

130

KẾT LUẬN

148

DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN

151

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

152


PHỤ LỤC

166


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BCA

: Bộ Công an

BLHS

: Bộ luật Hình sự

BLLĐ

: Bộ luật Lao động

BQP

: Bộ Quốc phòng

CĐLĐ

: Chế độ lao động

NCHAPT : Người chấp hành án phạt tù
PN


: Phạm nhân

TAND

: Tòa án nhân dân

TG

: Trại giam

THAHS

: Thi hành án hình sự

THAPT

: Thi hành án phạt tù

THPL

: Thực hiện pháp luật

UBTP

: Ủy ban Tư pháp

VKSND

: Viện Kiểm sát nhân dân


XHCN

: Xã hội chủ nghĩa


DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ

Trang
Bảng 3.1: Thống kê tổng số và cơ cấu độ tuổi người chấp hành án phạt tù
Biểu đồ 3.1: Kết quả cải tạo của người chấp hành án phạt tù

96
106

Bảng 3.2: Thống kê về cơ cấu ngành nghề được khảo sát tại một số
trại giam phía Bắc

112


1

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Giáo dục cải tạo nhằm đưa người phạm tội trở lại với đời sống xã hội là
mục tiêu cao cả, nhân văn luôn được đề cao trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bởi vậy, mặc dù phạt tù là một trong những hình phạt nghiêm khắc nhất, người
bị kết án tù phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học
tập để trở thành người có ích cho xã hội (Điều 3 Bộ luật Hình sự (BLHS)). Song,
với bản chất nhân đạo của pháp luật, người chấp hành án phạt tù (NCHAPT) vẫn

được bảo đảm những quyền con người cơ bản thông qua các chế độ: ăn, mặc, ở,
chăm sóc y tế, lao động, học nghề, học văn hóa, vui chơi, giải trí. Trong đó, lao
động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ vì chiếm thời lượng nhiều nhất ở
khía cạnh thời gian vật chất, mà còn ở vai trò chi phối quá trình giáo dục cải tạo
và chuẩn bị các điều kiện để người bị kết án tù tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, do NCHAPT phải sống trong môi trường đặc biệt, bị cách ly
khỏi xã hội, bị tước và hạn chế nhiều quyền cơ bản, nên việc sử dụng lao động
đối với NCHAPT cho dù vì bất cứ mục đích gì, cũng luôn là chủ đề hết sức nhạy
cảm. Ngày nay, quyền con người đã trở thành một giá trị phổ quát, lao động đối
với NCHAPT càng trở nên là vấn đề được quan tâm của cộng đồng quốc tế. Việc
thực hiện các chế độ đối với NCHAPT trong đó có chế độ lao động (CĐLĐ),
luôn là một trong những biểu hiện rõ nét nhất chính sách hình sự của một nhà
nước. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ hay lạc hậu,
nhân đạo hay hà khắc của một hệ thống tư pháp hình sự. Như cố Tổng thống
Nam Phi Nelson Mandela đã từng khẳng định: “Một người không thực sự hiểu
một đất nước cho đến khi họ vào tù. Không nên đánh giá một đất nước theo cách
mà họ đối xử với những công dân danh giá nhất mà là những người thấp hèn
nhất” [72]. Vì vậy, nghiên cứu về lao động đối với NCHAPT dưới giác độ thực
hiện pháp luật (THPL) sẽ không chỉ góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận về
THPL nói chung, mà qua đó còn khẳng định bản chất nhân đạo, tính ưu việt
trong thực thi chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam.


2

Những năm vừa qua, tình hình vi phạm pháp luật và phạm tội ở Việt Nam
có chiều hướng gia tăng, số người bị kết án phạt tù luôn ở mức cao. Tính từ năm
2011 đến 2018, hằng năm có từ 61.045 đến 80.112 người bị kết án phạt tù được
đưa đi chấp hành án, tổng số NCHAPT tại các trại giam (TG) có từ 124.307 đến
160.847 người [17, tr.25; 24, tr.25]. Với thực trạng này, vấn đề nâng cao hiệu quả

giáo dục cải tạo NCHAPT là yêu cầu vừa có tính cấp bách, vừa lâu dài. Thực
tiễn tổ chức lao động cho NCHAPT tại các TG ở Việt Nam nhiều năm qua chưa
hiệu quả. Nhận thức của người có thẩm quyền trong thi hành án phạt tù
(THAPT) trong tổ chức lao động và thực hiện các chế độ khác đối với NCHAPT
chưa đầy đủ [78, tr.8]. Kết quả tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày
24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống
pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” đã khẳng định,
hạn chế nhất hiện nay chính là việc THPL trên các lĩnh vực. Vì vậy, định hướng
chiến lược trong giai đoạn mới là “chuyển trọng tâm từ ưu tiên xây dựng pháp
luật sang đẩy mạnh tổ chức thực thi pháp luật” [39, tr.51]. Với yêu cầu đó, việc
nâng cao nhận thức THPL về lao động đối với NCHAPT về lý luận cũng như
đánh giá thực tiễn có ý nghĩa rất quan trọng.
Từ những vấn đề nêu trên, việc triển khai nghiên cứu, đánh giá đầy đủ cả
về lý luận cũng như thực tiễn THPL về lao động đối với NCHAPT tại Việt Nam,
qua đó đề xuất các giải pháp cụ thể có ý nghĩa cấp thiết. Đây là lý do tác giả đã
lựa chọn đề tài “Thực hiện pháp luật về lao động đối với người chấp hành án
phạt tù ở Việt Nam” làm đề tài luận án Tiến sĩ luật.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.

1. Mục đích nghiên cứu

Luận án nghiên cứu toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn THPL về
lao động đối với NCHAPT ở Việt Nam. Thông qua đó, đề xuất các quan điểm,
giải pháp nâng cao hiệu quả THPL trong lĩnh vực này, đồng thời, kiến nghị việc
hoàn thiện pháp luật về lao động và pháp luật về thi hành án hình sự, bảo đảm
tuân thủ đầy đủ các các điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức mà Việt Nam đã
gia nhập.



3

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhằm đạt được các mục đích nghiên cứu, luận án đặt ra những vấn đề cụ
thể cần giải quyết như sau:
- Tập hợp, phân tích tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu.
- Xây dựng khái niệm, hình thức, vai trò, đặc điểm THPL về lao động đối
với NCHAPT.
- Phân tích rõ nội dung, yêu cầu, các yếu tố bảo đảm THPL về lao động
đối với NCHAPT.
- Nghiên cứu, đối chiếu, so sánh THPL về lao động đối với NCHAPT ở
một số nước trên thế giới. Qua đó, tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm có thể vận
dụng ở Việt Nam.
- Phân tích, đánh giá thực trạng THPL về lao động đối với NCHAPT. Làm
rõ những kết quả đạt được và hạn chế; nguyên nhân khách quan, chủ quan của
những hạn chế.
- Xác định quan điểm và đề xuất những giải pháp cụ thể và khả thi nhằm
bảo đảm THPL về lao động đối với NCHAPT ở Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu của đề tài
- Những quan điểm khoa học về THPL về lao động đối với NCHAPT.
- Hệ thống quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến THPL về lao
động đối với NCHAPT. Theo đó, hệ thống pháp luật được tiếp cận theo hướng đa
ngành, gồm: hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, quyền con người, lao
động, giáo dục, đầu tư, quy hoạch, thương mại, kế toán,...
- Thực tiễn vận hành CĐLĐ đối với NCHAPT thông qua 4 hình thức
THPL, qua đó, làm nổi bật sự tương phản giữa hai nhóm chủ thể là NCHAPT và
cơ quan THAPT.
3.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
- Về không gian: đề tài xác định phạm vi nghiên cứu trong cả nước.

- Nội dung nghiên cứu của luận án có liên quan đến lĩnh vực THAPT
thuộc thẩm quyền các cơ quan thuộc Bộ Công an (BCA): Tổng cục Cảnh sát thi


4

hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (nay là Cục Cảnh sát quản lý TG, cơ sở giáo
dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - C10) và các TG thuộc BCA.
- Về thời gian: tập chung chủ yếu giai đoạn 2011 - 2018.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận án dựa trên nền tảng lý luận về nhà nước và pháp luật, quan điểm
của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), về chính sách
hình sự, chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống
pháp luật Việt Nam.
Đề tài được thực hiện trên cơ sở kết hợp các phương pháp nghiên cứu phù
hợp với nội dung của từng chương:
- Phương pháp thống kê, tổng hợp trong đánh giá các công trình nghiên
cứu có liên quan tới đề tài (Chương 1);
- Phương pháp duy vật lịch sử, phương pháp quy nạp để xây dựng các
khái niệm; phương pháp phân tích, tổng hợp dùng để nghiên cứu các hình thức,
vai trò, nội dung, các yếu tố bảo đảm THPL về lao động đối với NCHAPT.
Phương pháp so sánh trong quá trình đối chiếu, đánh giá về THPL về lao động
đối với NCHAPT một số nước trên thế giới và những giá trị có thể vận dụng ở
Việt Nam (Chương 2);
- Phương pháp thống kê nhằm phân tích, đánh giá thực trạng, kinh nghiệm
thực tiễn có liên quan tới THPL về lao động đối với NCHAPT (Chương 3).
Phương pháp phân tích, tổng hợp trong việc đề xuất các quan điểm, giải pháp cụ
thể (Chương 4).
5. Những đóng góp khoa học của luận án

Với những nội dung, nhiệm vụ được nghiên cứu, luận án thể hiện một số
điểm mới sau:
- Về phương diện lý luận, xây dựng được khái niệm, vai trò, nội dung, các
yếu tố bảo đảm THPL về lao động đối với NCHAPT. Làm phong phú, sinh động
lý luận về THPL trong thi hành án hình sự (THAHS) nói chung và THAPT nói
riêng.


5

- Từ thực tiễn THPL về lao động đối với NCHAPT, luận án phân tích cụ
thể những điểm ưu việt, đồng thời, phân tích những hạn chế, nguyên nhân khách
quan, chủ quan trong THPL về lĩnh vực này.
- Luận án đề xuất các quan điểm, giải pháp khả thi bảo đảm THPL về lao
động đối với NCHAPT trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng
cao hiệu quả giáo dục cải tạo người phạm tội bị kết án phạt tù.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Luận án
- Về lý luận: luận án là công trình chuyên khảo nghiên cứu về THPL về
lao động đối với NCHAPT. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần hoàn thiện
lý luận về THPL nói chung, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận, chỉ rõ thực trạng
THPL trong một lĩnh vực tư pháp chuyên biệt, làm cơ sở cho việc kiểm chứng
chính sách hình sự, qua đó, đề xuất các giải pháp bảo đảm THPL về lao động đối
với NCHAPT và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hình sự cũng như
pháp luật về THAHS, đặc biệt là các quy định về lao động đối với NCHAPT.
- Về phương diện thực tiễn: luận án là tài liệu đáng tin cậy và hữu ích cho
giáo viên, sinh viên, học viên tham khảo trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập;
làm tài liệu tham khảo cho cơ quan quản lý THAHS và cơ quan THAPT, trong
việc nghiên cứu, vận dụng trong xây dựng pháp luật và THPL. Kết quả nghiên
cứu cũng sẽ cung cấp các dữ liệu tin cậy có thể sử dụng trong quá trình đấu tranh
với các thế lực thù địch về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay.

7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình của tác giả đã công bố
liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của
Luận án được kết cấu gồm 4 chương, 9 tiết.


6

Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước
THAPT nói riêng và THAHS nói chung thường được nghiên cứu theo
chuyên ngành hình sự, tố tụng hình sự hoặc chuyên ngành quản lý nhà nước. Các
công trình nghiên cứu về lĩnh vực này đã xây dựng hệ thống khái niệm, làm rõ
đặc trưng, nội dung, lịch sử hình thành cũng như đánh giá thực trạng và đề xuất
các giải pháp về THAHS. Ở các bình diện và mức độ khác nhau cả về lý luận và
thực tiễn, nhiều công trình nghiên cứu có đề cập về lao động đối với NCHAPT
với tư cách là một chế định pháp lý quan trọng trong THAPT. Nhưng có thể thấy,
các công trình hầu hết mới chỉ đánh giá dưới giác độ áp dụng pháp luật và đặt
trong tổng thể các chế độ pháp lý được cơ quan THAHS tổ chức thực hiện trong
quá trình tổ chức THAHS. Có thể điểm qua các công trình nghiên cứu sau:
Thứ nhất, nhóm các công trình nghiên cứu về lý luận về thi hành án
hình sự
- Ở phương diện tổng thể nghiên cứu về thi hành án nói chung, có thể kể
đến Đề tài khoa học cấp bộ “Mô hình quản lý thống nhất công tác thi hành án”
[13] của Bộ Tư pháp (2000) và Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Luận cứ khoa
học và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án ở Việt Nam

trong giai đoạn mới” [14] của Bộ Tư pháp (2003). Đây là hai công trình nghiên
cứu tổng thể cả về lý luận và thực tiễn về thi hành án, trong đó, ở công trình
“Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành
án ở Việt Nam trong giai đoạn mới”, đối tượng, phạm vi nghiên cứu cả về lịch sử
hình thành, hệ thống tổ chức và thực tiễn thi hành án ở cả ba lĩnh vực: THAHS,
thi hành án dân sự và thi hành án hành chính. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra bản
chất pháp lý của hoạt động thi hành án là hoạt động hành chính - tư pháp, nhằm
bảo đảm thực thi các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Đây


7

là luận điểm quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp
luật tố tụng và thi hành án theo hướng đề cao vai trò của hệ thống cơ quan
THAHS và cơ quan THADS, phân định rõ giai đoạn tố tụng và thi hành án. Về
THAHS, với việc đánh giá toàn diện thực trạng, kết quả đạt được và những hạn
chế trong việc thi hành các hình phạt, trong đó đối với THAPT là việc thực hiện
các chế độ: giam giữ, giáo dục, lao động, học nghề, chăm sóc sức khỏe. Đề tài đã
đề xuất phương án dân sự hóa hoạt động THAPT theo hướng giao cho Bộ Tư
pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án. Kết quả nghiên
cứu của đề tài đã cung cấp luận cứ cho việc hoạch định Chiến lược cải cách tư
pháp, nhất là chủ trương “Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao
cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án” [14].
- Phạm Văn Lợi (2006) trong bài viết nghiên cứu “Thực trạng pháp luật
thi hành án phạt tù và phương hướng hoàn thiện” [52, tr.63-69], đã đánh giá
tổng quát thực trạng tổ chức và hoạt động THAPT ở Việt Nam theo Pháp lệnh
THAPT năm 1993. Theo tác giả, kết quả lớn nhất từ năm 1993 đến 2006 (thời
điểm đang chuẩn bị xây dựng Bộ luật Thi hành án) là đã tổ chức đưa 300.000
lượt người bị kết án tù đến chấp hành án tại các TG và đã hoàn trả cho xã hội
200.000 người cải tạo tiến bộ, số tái phạm chỉ dưới 20%. Về tổ chức lao động,

tác giả cho rằng, chủ yếu là trồng trọt, nấu ăn cho bếp của trại, việc dạy nghề hay
hướng nghiệp cho NCHAPT chưa được chú trọng. Về các giải pháp, tác giả đề
xuất phương án hoàn thiện pháp luật về thi hành án theo mô hình giao cho Bộ Tư
pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án. Trong các giải
pháp cụ thể, tác giả mới chỉ tập trung cho việc tái hòa nhập cho người chấp hành
xong án phạt tù, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa của công tác dạy nghề mà không đề
cập tới nhiệm vụ tổ chức lao động trong TG.
- Ngoài các công trình trên, trong Luận án Tiến sĩ “Hoàn thiện quản lý
nhà nước trong lĩnh vực thi hành án hình sự” [42] của Vũ Trọng Hách (2004),
qua việc phân tích đặc trưng cơ bản của tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước
trong THAHS, làm rõ chủ thể, khách thể, nội dung, phương pháp quản lý nhà
nước trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đánh giá các kết quả, hạn chế của hoạt động


8

quản lý nhà nước về THAHS, tác giả đã đề 7 giải pháp nâng cao hiệu quả và kiện
toàn quản lý nhà nước về thi hành án, trong đó có một số giải pháp đồng nhất với
quan điểm được đưa ra tại hai đề tài nêu trên như: (1) xây dựng bộ máy quản lý
tập trung thống nhất trong lĩnh vực thi hành án theo hướng chuyển giao nhiệm vụ
quản lý THAHS từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp; (2) xây dựng cơ chế thu hút sự
tham gia động đảo của các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức xã hội vào
hoạt động quản lý nhà nước về THAHS; (3) nghiên cứu hoàn thiện cơ chế kiểm
tra, thanh tra đối với hoạt động THAPT.
Vấn đề giao cho Bộ Tư pháp đảm nhận nhiệm vụ quản lý và tổ chức
THAHS là một chủ trương rất lớn được nhiều công trình nghiên cứu đề xuất. Tuy
nhiên, qua hơn 8 năm triển khai “Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020”, năm
2013, chủ trương này đã được đánh giá lại. Tại “Kỷ yếu Hội thảo khoa học về tổ
chức, quản lý công tác thi hành án” [4], Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung
ương (2013) khẳng định, thi hành án là một hoạt động tư pháp nên cần có

phương thức tổ chức và quản lý thích hợp để đảm bảo sự vận hành thông suốt.
Qua đánh giá tình hình kinh tế, an ninh, chính trị trong nước và thực tiễn triển
khai thi hành Luật THAHS, việc giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất
quản lý tất cả các lĩnh vực công tác thi hành án là chưa phù hợp. Từ kết quả
nghiên cứu trên, các cơ quan có thẩm quyền đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định
điều chỉnh. Với việc tiếp tục mô hình cơ quan quản lý THAHS và hệ thống
THAPT thuộc BCA, đặt ra nhiệm vụ của luận án việc nghiên cứu, đề xuất giải
pháp nâng cao hiệu quả tổ chức lao động tại các TG phù hợp với tính chất, yêu
cầu tổ chức của lực lượng vũ trang. Đồng thời, bảo đảm quyền cơ bản của
NCHAPT và thu hút sự tham gia rộng rãi của các cá nhân, tổ chức vào hoạt động
này. Trong luận án, tác giả tiếp tục phát triển và đề xuất những giải pháp cụ thể
về những vấn đề này.
- Sách chuyên khảo “Pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam - Những vấn
đề lý luận với thực tiễn” [111] của Võ Khánh Vinh và Nguyễn Mạnh Kháng
(2006). Cuốn sách không chỉ nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về
THAHS, tổng kết thực trạng THAHS nhằm tổng hợp kinh nghiệm thành


9

công, hạn chế của công tác THAHS, đồng thời xây dựng luận cứ khoa học cho
nhiệm vụ đổi mới công tác THAHS. Các tác giả đồng thời nghiên cứu hệ thống
TG và chế độ giam giữ, THAPT tại nhiều. Về nhiệm vụ của TG ở Việt Nam, tại
Chương XIV, các tác giả phân chia thành 4 nhóm nhiệm vụ của chủ thể này,
trong đó đều nhấn mạnh vai trò của tổ chức lao động đối với NCHAPT, cụ thể là:
(1) Nhóm các nhiệm vụ quản lý giam giữ, trong đó có việc tổ chức lao động
bằng các hình thức đa dạng, phong phú và chủ yếu thông qua lao động bắt buộc
để cải tạo NCHAPT. (2) Nhóm các nhiệm vụ về giáo dục NCHAPT, có nội dung
giáo dục cải tạo NCHAPT thông qua lao động, giáo dục các hoạt động sản xuất
theo kế hoạch của TG. (3) Nhóm các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện chế độ,

chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCHAPT, trong đó có việc thực hiện
các chế độ về ăn, ở, mặc, sinh hoạt, lao động, chăm sóc sức khỏe. (4) Nhóm các
nhiệm vụ xây dựng, phát triển và quản lý cơ sở vật chất của TG, trong đó có
nhiệm vụ tổ chức sản xuất để cải thiện một phần đời sống của cán bộ TG và
NCHAPT.
Có thể thấy, các công trình nghiên cứu trên có điểm chung là hệ thống
khái niệm cũng như cách tiếp cận của các tác giả dựa trên cơ sở pháp luật về
THAPT từ năm 1993 trở về trước. Vì vậy, một số luận điểm không còn phù hợp
với hệ thống pháp luật cũng như các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược cải
cách tư pháp. Cụ thể: quan điểm về việc tổ chức sản xuất tại các TG để cải thiện
một phần đời sống của cán bộ các TG đã được áp dụng trong thời gian dài do
những điều kiện lịch sử, hiện không còn phù hợp với định hướng, mục tiêu cải
cách tư pháp và tinh thần Hiến pháp 2013.
Thứ hai, nhóm các công trình nghiên cứu liên quan đến thực hiện
pháp luật về lao động đối với người chấp hành án phạt tù ở Việt Nam
- Đề tài khoa học cấp bộ “Tổ chức lao động sản xuất và dạy nghề cho
phạm nhân trong các trại giam thuộc lực lượng Công an nhân dân” [29] của Cục
quản lý TG, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng (Cục V26), Bộ Công an (1998).
Đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu về tổ chức lao động đối với NCHAPT
trong các TG thuộc Bộ Công an ở Việt Nam. Về phương diện lý luận,


10

quan điểm có tính xuyên suốt là nhấn mạnh ý nghĩa của lao động qua việc rèn
luyện ý thức, thói quen lao động trong quá trình giáo dục cải tạo NCHAPT. Theo
đó, mô hình giáo dục cải tạo thực hiện phương châm kết hợp giữa giáo dục chính
trị, pháp luật, văn hoá với giáo dục lao động và dạy nghề cho NCHAPT. Có thể
thấy, mô hình tổ chức lao động giai đoạn này căn cứ trên cơ sở Pháp lệnh
THAPT năm 1993 với việc phân thành 3 loại TG để giam giữ riêng NCHAPT.

Với sự thay đổi căn bản về mô hình giam giữ phạm nhân (PN) từ năm 2008, điều
này đòi hỏi, mô hình tổ chức lao động cũng phải thay đổi căn bản.
- Tại “Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về pháp luật thi hành án hình sự” [79], đây
là kết quả nghiên cứu đúc kết từ hoạt động hợp tác giữa Uỷ ban Tư pháp và Dự
án hỗ trợ thực hiện chính sách của Canada - PIAP (2010). Kết quả nghiên cứu
này là dữ liệu quan trọng cho việc xây dựng dự án Luật THAHS chuẩn bị trình
Quốc hội. Về tổ chức lao động cho NCHAPT, theo Phạm Đức Chấn, chính sách
hình sự nhân đạo của nhà nước ta là lao động của NCHAPT nhằm mục đích
giáo dục họ trở thành người lao động chân chính, có ích cho xã hội, hoàn toàn
không mang mục đích lợi nhuận kinh tế. Đánh giá thực trạng công tác tổ chức lao
động tại các TG với nhiều hạn chế, tác giả đề xuất 4 giải pháp: (1) Thành lập các
trung tâm dạy nghề tại các TG; (2) Mở rộng hợp tác, liên kết, liên doanh với các
tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp để phát triển các ngành nghề; (3) Hoàn thiện
CĐLĐ, dạy nghề và sử dụng kết quả lao động của NCHAPT theo hướng phân
phối hài hoà lợi ích giữa người trực tiếp lao động và người phục vụ hoặc được
miễn lao động; (4) Thực hiện xã hội hoá công tác giáo dục lao động, dạy nghề
cho NCHAPT. Các luận điểm cũng như kết quả đánh giá thực trạng và nhất là
các giải pháp được nêu trong hai công trình trên là cơ sở để tham khảo để tác giả
phát triển trong luận án của mình.
- Luận án Tiến sĩ “Phòng ngừa tội phạm thông qua hoạt động thi hành án
phạt tù của lực lượng Cảnh sát nhân dân hiện nay” [66] của Lê Văn Thư (2004).
Đây là công trình nghiên cứu ở góc độ tội phạm học và phòng ngừa tội phạm
thông qua hoạt động thi hành án phạt tù của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Với
phạm vi là các vấn đề lý luận, thực tiễn về phòng ngừa tội phạm thông qua hoạt


11

động thi hành án phạt tù trong các TG thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân giai
đoạn 1993 - 2002. Luận án đã nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện vấn đề

nghiên cứu dưới góc độ tội phạm học. Luận án làm rõ thực trạng cơ cấu, tính
chất, đặc điểm tình hình NCHAPT, thực trạng tội phạm do NCHAPT gây ra
trong quá trình chấp hành án. Tác giả đã đưa ra luận điểm về sử dụng biện pháp
đưa chương trình phát triển kinh tế, lao động, việc làm vào các TG, biến TG
thành các cơ sở lao động, sản xuất để cải tạo người phạm tội. Dưới giác độ tội
phạm học thì đây là biện pháp giáo dục, vừa là giải pháp phòng ngừa tội phạm và
vi phạm pháp luật trong TG. Đây là luận điểm có liên quan mật thiết đến nội
dung được nghiên cứu trong luận án.
- Trong Luận án Tiến sĩ “Thực hiện pháp luật về quyền con người của
phạm nhân trong thi hành án phạt tù tại Việt Nam” [62] của Nguyễn Đức Phúc
đã nghiên cứu toàn diện, có hệ thống cơ sở lý luận và thực trạng THPL về quyền
con người của NCHAPT ở Việt Nam dưới góc độ khoa học lý luận và lịch sử nhà
nước và pháp luật. Về đối tượng, phạm vi, Luận án nghiên cứu THPL về quyền
con người của NCHAPT tại các TG, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Luận án đã đề
cập tới vấn đề lao động của NCHAPT dưới giác độ THPL về quyền con người.
Tác giả cho rằng, bảo đảm quyền được lao động của NCHAPT đã góp phần quan
trọng vào việc giáo dục NCHAPT bằng lao động sản xuất. Có thể nói, kết quả
nghiên cứu và luận điểm của tác giả có liên quan mật thiết và cung cấp dữ liệu
tham khảo quan trọng của luận án. Đặc biệt, dưới giác độ quyền con người, quan
điểm khẳng định lao động là một quyền cơ bản mà không đơn thuần chỉ là nghĩa
vụ của NCHAPT. Về mặt lý luận, quan điểm này đã gợi mở các hướng tiếp cận
đa chiều về THPL về lao động đối với NCHAPT nói riêng cũng như THPL trong
THAHS nói chung.
- Ngô Văn Trù trong Luận án Tiến sĩ “Giáo dục pháp luật cho PN trong
các TG ở Việt Nam” [70], trên cơ sở xây dựng khái niệm, đặc điểm, vai trò, các
yếu tố cấu thành, các yếu tố ảnh hưởng tới giáo dục pháp luật cho NCHAPT, tác
giả đã xác định những quan điểm và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm bảo
đảm THPL trong lĩnh vực giáo dục pháp luật đối với NCHAPT. Tác giả phân



12

tích 02 mô hình chủ yếu về giáo dục cải tạo NCHAPT: (1) Mô hình giáo dục cải
tạo thông qua CĐLĐ cưỡng bức đối với NCHAPT, đồng thời, tạo điều kiện để
NCHAPT tự giáo dục pháp luật. (2) Mô hình tổ chức các hoạt động giáo dục
pháp luật dành cho NCHAPT bằng những hình thức đa dạng. Tác giả nêu quan
điểm kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật, dạy nghề lao động qua đó nâng
cao hiệu quả giáo dục pháp luật đối với NCHAPT. Đây là những luận điểm có
liên quan mật thiết đến luận án. Luận án có cùng đối tượng nghiên cứu, đó là
NCHAPT tại các TG trong cả nước, vì vậy, kết quả nghiên cứu của công trình
này cung cấp nhiều luận cứ khoa học và số liệu tham khảo. Tuy nhiên có thể thấy
rằng, vấn đề chưa được luận giải đó là vai trò nền tảng và tính chi phối của hoạt
động lao động trong tổng thể giáo dục cải tạo đối với NCHAPT trong suốt quá
trình chấp hành án.
- Luận án Tiến sĩ “Thi hành án phạt tù ở Việt Nam trước yêu cầu cải cách
tư pháp” [55] của Nguyễn Văn Nam. Là công trình nghiên cứu thuộc chuyên
ngành hình sự, tố tụng hình sự, thông qua việc xây dựng khái niệm THAPT trên
các mặt lập pháp, lý luận và thực tiễn, tác giả đã luận giải nội dung, ý nghĩa, đặc
trưng của THAPT với thi hành các hình phạt khác. Tác giả cũng đánh giá thực
trạng THAPT chỉ rõ những kết quả đạt được và những hạn chế, trong đó, công
tác tổ chức lao động, dạy nghề bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như thị
trường, các nhân tố chủ quan từ NCHAPT. Đặc biệt, thực tiễn đã bộc lộ sự mất
cân đối giữa công tác giáo dục với hoạt động khác, nhất là hoạt động lao động
sản xuất mà nguyên nhân là TG phải đẩy mạnh lao động sản xuất để bù đắp các
khó khăn về ngân sách. Trước yêu cầu cải cách tư pháp, tác giả đã đề xuất thay
đổi quy định về sử dụng giá trị lao động của NCHAPT theo hướng sử dụng để
bồi thường thiệt hại do NCHAPT gây ra, đây là luận điểm có liên hệ mật thiết
với luận án. Song, giải pháp cụ thể đối với việc nâng cao hiệu quả giáo dục cải
tạo và tái hóa nhập cộng đồng đối với NCHAPT, luận án mới chỉ nhấn mạnh yêu
cầu về công tác dạy nghề, hướng nghiệp. Trong khi vấn đề tổ chức lao động đối

với NCHAPT, một phương thức dạy nghề trực tiếp và hiệu quả nhất làm tiền đề
cho sự tái hòa nhập của NCHAPT, lại chưa được đề cập.


13

- Ở khía cạnh pháp luật quốc tế về lao động, Phạm Trọng Nghĩa có sách
chuyên khảo “Thực hiện các công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế
(ILO) tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức” [56]. Trên cơ sở nghiên cứu nguồn
gốc ra đời của Luật lao động quốc tế và xác định các tiêu chuẩn lao động quốc tế
cơ bản và các công ước lao động quốc tế cơ bản, cuốn sách đã phân tích cụ thể
nội dung cơ bản và việc chuyển hóa và thi hành các công ước quốc tế liên quan
đến vấn đề lao động, nhất là Công ước số 29 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng
bức hoặc bắt buộc. Tác giả khẳng định, ngay từ trước khi Việt Nam phê chuẩn
Công ước số 29 vào năm 2007, pháp luật về thi hành án hình sự của Việt Nam cơ
bản đã phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế về lao động đối với
NCHAPT. Luận giải về khái niệm “lao động cưỡng bức” và các tiêu chuẩn lao
động cưỡng bức trong cuốn sách này là tham khảo quan trọng mà tác giả sử dụng
trong việc xác định nội dung, yêu cầu thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả
sử dụng lao động tại các TG nhằm phát huy tối đa sức lao động, đồng thời bảo
đảm thực thi các cam kết của Việt Nam đối với các tiêu chuẩn về lao động đối
với NCHAPT.
Như vậy, dù là công trình nghiên cứu chuyên khảo về lao động đối với
NCHAPT hay là nghiên cứu tổng thể về lĩnh vực THAPT, các công trình nghiên
cứu trên đều chỉ tập trung đánh giá ở góc độ áp dụng pháp luật của cơ quan quản
lý THAHS và cơ quan THAPT. Những vấn đề lý luận về THPL về lao động đối
với NCHAPT, với yêu cầu đánh giá đa chiều đối với cả hai chủ thể với sự tương
phản sâu sắc về quyền và nghĩa vụ chưa được đề cập. Mặt khác, trong bối cảnh
hội nhập quốc tế, vấn đề đổi mới công tác tổ chức lao động tại các TG nhằm bảo
đảm thực thi Công ước số 29 của ILO đang đặt ra yêu cầu nghiên cứu và đề xuất

những giải pháp cụ thể. Chính vì vậy, đây sẽ là những vấn đề được tác giả luận
án tập trung nghiên cứu trong đề tài của mình.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Hình phạt tù và lao động đối với NCHAPT là các hiện tượng đã trải qua
lịch sử hàng ngàn năm. Ở bất kể ở quốc gia nào, nhà nước cũng đều phải tính
đến việc tổ chức lao động đối với NCHAPT. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chi


14

phối, lao động đối với NCHAPT đang được vận hành với nhiều xu hướng khác
nhau và mang lại những hệ quả chính trị, xã hội rất khác nhau.
Trên cơ sở nền tảng xã hội và theo các khuynh hướng chính trị khác nhau,
vấn đề lao động đối với NCHAPT cũng được tiếp cận ở nhiều giác độ như: chính
trị, pháp lý, xã hội, kinh tế và đặc biệt là nhân quyền. Để đánh giá sức thu hút
của vấn đề lao động đối với NCHAPT với giới nghiên cứu, có thể khảo sát qua
con số sau: nếu sử dụng công cụ “Google” trên Internet để tìm kiếm về “Prison
labor” (lao động tù nhân) sẽ được ngay khoảng 51.400.000 kết quả trong 0,42
giây (truy cập ngày 21/7/2018). Nếu tìm kiếm “Academic articles about prison
labor” (các bài viết học thuật về lao động tù nhân) thì sẽ có ngay 29.600.000 kết
quả trong 0,46 giây (truy cập ngày 21/7/2018).
Với mức độ quan tâm và kết quả nghiên cứu như vậy, khó có thể đánh giá
toàn diện kết quả nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này. Vì vậy, liên quan đến
phạm vi được nghiên cứu trong luận án, ở góc độ lịch sử nhà nước và pháp luật,
tác giả luận án xin điểm một số công trình nghiên cứu tại các khu vực khác nhau
trên thế giới như sau:
Thứ nhất, các công trình nghiên cứu ở Hoa Kỳ và một số nước phương
Tây
- Sách chuyên khảo “Punishment and Social structures” (Trừng phạt và
cấu trúc xã hội) [118] của hai tác giả Georg Rusche và Otto Kirchheimer. Cho

đến nay, tác phẩm này vẫn được đánh giá như là công trình lý luận nền tảng về
tội phạm học cơ bản và hình phạt nói riêng, đặc biệt là lao động đối với
NCHAPT, bởi vậy, cuốn sách được tái bản rất nhiều lần. Với những luận điểm
được cho là dựa trên cơ sở lý luận của C.Mác, các tác giả phân tích cấu trúc của
hình phạt, cho rằng mô hình của hình phạt là những hiện tượng xã hội được định
hình bởi những chủ thể chi phối về kinh tế. Cuốn sách đã đúc kết lịch sử phát
triển của hình phạt qua ba thời kì: (1) Thời Trung cổ, kẻ bị kết án phải đền tội và
phạt tiền; (2) Cuối thời Trung cổ, biện pháp trừng phạt đã trở thành man rợ hơn,
bao gồm thích chữ vào người, tùng xẻo, tra tấn và hành quyết; (3) Với sự xuất
hiện của chủ nghĩa tư bản, các hình thức trừng phạt tù nhân đồng nghĩa là một


15

nguồn cung cấp nhân lực, bao gồm nô lệ dưới hầm tàu biển, nô lệ vận chuyển và
hình phạt lao động khổ sai. Từ cuối những năm 1960, quan điểm phân tích và
khuynh hướng mác-xít của cuốn sách gây được sự chú ý, nó tạo ra lợi ích đáng
kể trong phát triển nền tảng kinh tế cho các khái niệm hình phạt.
- Sách “Prison Labor and Prison Industries” (Lao động nhà tù và công
nghiệp nhà tù) [121] của Gordon Hawkins. Đây là công trình nghiên cứu chuyên
sâu về hệ thống nhà tù của Hoa Kỳ. Tác giả đúc kết “lười nhác là một đặc tính
hàng đầu hệ thống nhà tù Hoa Kỳ, phải chấp nhận nó như là điều không thể tránh
khỏi”. Dựa trên quan điểm của Calvin Coolidge (Tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ)
coi “lao động là phương tiện duy nhất để thể hiện nam tính và là thước đo của
nền văn minh”, nhưng tư tưởng này lại được sử dụng để biện minh cho nền công
nghiệp tù của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với sự bành trướng của ngành công nghiệp tù,
tác giả đưa ra đánh giá thuyết phục về thực tế THPL về lao động đối với tù nhân
tại quốc gia này. Một là, áp lực chi phối của các lực lượng kinh tế không thể
kiểm soát được đã làm phá sản mọi giải pháp cho vấn đề lao động tù nhân. Hai
là, nguyên nhân của sự thất bại trong việc sử dụng hiệu quả lao động của tù nhân

là nhà nước không có chính sách thích hợp cũng như sự quyết tâm cần thiết. Đặc
biệt hơn, tác giả đã làm rõ tính vô nhân đạo của chính sách nhà tù của Hoa Kỳ
khi đánh giá lao động tù nhân và ngành công nghiệp tù đã bị đưa ra ngoài chính
sách hình sự. Tác giả cũng cho rằng, do tầm quan trọng của vấn đề lao động tại
các nhà tù, không thể coi đây là lĩnh vực bất khả xâm phạm, nhà nước cần có các
rào cản pháp lý và can thiệp chính trị nhằm tạo ra công cụ hiệu quả cho việc điều
chỉnh hệ thống nhà tù.
- Công trình nghiên cứu “Work Don’t Hurt Me - A Study Of Prison Labor
And Prison Industries In America” (Công việc không làm hại tôi - Một nghiên
cứu về lao động tù nhân và công nghiệp tù ở Hoa Kỳ) [120] của Gerard Ramm.
Tác giả đã phát triển hoàn thiện luận điểm về lao động đối với tù nhân tại Hoa
Kỳ với định nghĩa chính thức là ngành công nghiệp nhà tù, đánh giá đầy đủ cả
về lịch sử hình thành cũng như lột tả bản chất bóc lột tàn bạo của nó. Về lý luận,
chính sách của nhà nước Hoa Kỳ khẳng định lao động tù nhân là một phương


16

thức cải huấn, mục đích là nhằm tái hòa nhập xã hội đối với người phạm tội
thông qua lao động hữu ích và tham gia vào nền kinh tế. Song, ngành công
nghiệp nhà tù của Hoa Kỳ là một phần quan trọng của nền kinh tế với lợi nhuận
hàng tỷ đô la. Tác giả cho rằng, nếu tiếp tục hỗ trợ lao động tù nhân nhằm phục
hồi nhân cách sẽ là một sự giả dối. Điều cần là phải cải cách các điều kiện làm
việc cho tù nhân và các chương trình hỗ trợ họ, đặc biệt quan trọng là chương
trình giáo dục.
- Công trình nghiên cứu “Prison Labor, Slavery & Capitalism in
Historical Perspective” (Lao động nhà tù, Chế độ nô lệ và Chủ nghĩa tư bản
trong nhận thức lịch sử) [131] của Stephen John Hartnett, là công trình nghiên
cứu tiêu biểu là được đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu toàn cầu
(www.globalresearch.ca) và nhiều tập chí khoa học khác. GS. Stephen John

Hartnett là Trưởng khoa truyền thông của Đại học Colorado Denver. Ông có
thâm niên tới 23 năm giảng dạy nghiên cứu về hệ thống nhà tù Hoa Kỳ và là
hướng dẫn viên tình nguyện trong nhà tù San Quentin California. Công trình này
đã khái quát lịch sử hình thành và phát triển của CĐLĐ đối với PN của Hoa Kỳ.
Với những số liệu thống kê đầy đủ, tác giả phân tích sâu sắc sự bùng nổ của
ngành công nghiệp tù ở Hoa Kỳ từ năm 1979 với việc nhà nước Hoa Kỳ thực thi
chính sách “nhà tù nhiều hơn trường học”. Đánh giá về bản chất CĐLĐ tù nhân
tại Hoa Kỳ, tác giả khẳng định, chủ nghĩa tư bản, chế độ nô lệ và lao động nhà tù
đã có cuộc “hôn phối” từ thế kỷ XVIII và hiện tại thực chất vẫn là chủ nghĩa nô
lệ kiểu mới, là cỗ máy bóc lột sức lao động tàn bạo.
Cũng với xu hướng trên, công trình nghiên cứu “The Prison Industry in
the United States: Big Business or a New Form of Slavery?” (Ngành công
nghiệp tù Hoa Kỳ: ngành kinh doanh lớn hay hình thức nô lệ kiểu mới?) [134]
của Vicky Pelaze. Tác giả làm rõ những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về chế
lao lao động tù nhân tại Hoa Kỳ cũng theo khuynh hướng lột tả tính chất bóc lột
của nó. Một trong những hệ quả của nó là tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành
mạnh giữa Hoa Kỳ và các nước kém phát triển cũng như trong khu vực sản xuất
nội địa.


17

- Về các khía cạnh tích cực của ngành công nghiệp tù tại Hoa Kỳ, công
trình nghiên cứu “Work in Prison” (Lao động trong nhà tù) [128] của R.A.
Davis. Tác giả đã đánh giá những ưu việt của kết cấu chương trình cải tạo tù
nhân tại Hoa Kỳ. Các chương trình trong quá trình cải tạo đều được thiết kế để
lấp đầy thời gian nhàm chán và cũng là một cách để chuẩn bị cho cuộc sống của
tù nhân sau khi được trả tự do bằng cách trang bị cho họ các kỹ năng với thị
trường. Những tác động tích cực của lao động tù nhân đối với tỷ lệ tái phạm cần
được đánh giá khách quan và đầy đủ. Đối lập với quan điểm phủ nhận ý nghĩa

của lao động với tỷ lệ tội phạm, nhiều nghiên cứu đưa ra kết quả cho rằng, một
trong những lợi ích quan trọng nhất của lao động đối với tù nhân là trực tiếp làm
giảm tỷ lệ tái phạm. Với việc xây dựng loại hình doanh nghiệp tù nhân có môi
trường làm việc hiệu quả về kinh tế và hữu ích cho tù nhân đã dẫn đến tình trạng
tỷ lệ tái phạm ở khu vực này so với tỉ lệ tái phạm của cả liên bang.
Còn trong chuyên đề nghiên cứu “The Economic Impact of Prison Labor”
(Ảnh hưởng kinh tế của lao động tù nhân) [125] của Morgan O. Reynolds, tác
giả đánh giá, lao động trong tù và chương trình đào tạo dường như rất hiệu quả
trong việc làm giảm khả năng tái phạm trong thời gian dài. Kết quả thực hiện dự
án việc làm cho tù nhân sau khi được trả tự do của liên bang cho thấy, sau khi
được tạm tha, người đã tham gia dự án này có khả năng kiếm việc làm và thu
nhập nhiều hơn, trong khi tái phạm ít hơn so với những người không làm việc
trong nhà tù.
Nhìn chung, trong các công trình nghiên cứu liên quan đến về lao động
đối với tù nhân tại Hoa Kỳ, ý nghĩa “cải huấn” đối với tù nhân thông qua lao
động là điều luôn được xác nhận. Tuy nhiên, những hiệu quả tích cực mang lại
không thể che dấu được sự vô nhân đạo và thực trạng không thể kiểm soát được
của ngành công nghiệp tù Hoa Kỳ. Các luận điểm của các tác giả và đặc biệt là
số liệu về “ngành công nghiệp tù Hoa Kỳ” của các công trình trên là nguồn tham
khảo quan trọng mà tác giả luận án sử dụng nhằm đối chiếu, so sánh thực trạng
THPL về lao động của các nước trên thế giới.


18

Tại khu vực Châu Âu, các công trình nghiên cứu liên quan có thể điểm
qua như:
- Sách

chuyên


khảo “Prisons

and

Prison

Systems: A Global

Encyclopedia” (Nhà tù và các hệ thống nhà tù: một Bách khoa toàn thư toàn
cầu) [124] của Mitchel P. Roth. Cuốn sách cung cấp tổng quan lịch sử của hệ
thống nhà tù trên toàn thế giới, cũng như các lý thuyết hình sự, văn hóa và cuộc
sống của PN. Tác giả đã cung cấp nhiều thông tin bao gồm các tài liệu về các
nhà tù nổi tiếng như Tháp London và Alcatraz, cũng như về các chế định cụ thể
như tạm tha có điều kiện, về các nhà tù và PN nổi tiếng. Đây là cuốn sách cung
cấp tư liệu bổ ích trong việc tìm hiểu lịch sử hình thành, phát triển cũng như so
sánh, đánh giá sự khác biệt giữa các hệ thống nhà tù trên toàn thế giới.
- Sách chuyên khảo “Prison in Europe: Overview and Trends” (Nhà tù ở
châu Âu: Tổng quan và Xu hướng [114] của các tác giả: Alessandro Maculan,
Daniela Ronco và Francesca Vianello. Sách do Tổ chức giám sát nhà tù và điều
kiện giam giữ Liên minh Châu Âu (European Prison Observatory. Detention
conditionsin the European Union) ấn hành và được tài trợ bởi Chương trình tư
pháp hình sự của Liên minh Châu Âu. Đây là công trình nghiên cứu rất công phu
về thực trạng hệ thống nhà tù Châu Âu, tập trung vào các quốc gia: Liên hiệp
Vương quốc Anh, Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italya, Hy Lạp và
Lavia. Với số liệu đầy đủ về số tù nhân tại từng quốc gia, tỷ lệ tù nhân trên
100.000 dân, tỷ lệ người chưa thành niên, giới tính… Các tác giả nghiên cứu
toàn bộ các chế độ đối với tù nhân như: chăm sóc sức khỏe; chương trình học
tập, lao động, an ninh, chế độ tù chung thân. Về lao động đối với tù nhân, trên cơ
sở phân tích đặc điểm nhân thân và các ảnh hưởng xã hội của tù nhân, các tác giả

đã nêu thực trạng tổ chức lao động tại các nhà tù ở Châu Âu. Trong khi các
Chính phủ đều quyết tâm phấn đấu để cung cấp đầy đủ công việc có ích một
cách tự nhiên và coi đây là một yếu tố tích cực của chế độ nhà tù thay cho hình
phạt. Tuy nhiên, việc làm cho tù nhân phụ thuộc vào điều kiện từng nơi, điều này
lại bị ảnh hưởng rất lớn do khủng hoảng kinh tế. Tác giả cũng cho thấy, lao động
của tù nhân rất có ý nghĩa khi chấp hành án cũng như khi họ tái


19

hóa nhập xã hội. Theo đó, luật quy định tù nhân có trách nhiệm trích thu nhập từ
lao động để sử dụng cho gia đình và khuyến khích để tiết kiệm một phần thu
nhập giữ để trả tiền ăn, tiền phạt, bồi thường cũng như tạo điều kiện khi họ được
trả tự do. Đây là những tư liệu rất quan trọng trong việc nghiên cứu, khảo sát và
đề xuất các giải pháp hoàn thiện CĐLĐ đối với NCHAPT trong luận án. Đặc biệt
là vấn đề thi hành hình phạt tiền và bồi thường thiệt hại từ tiền công lao động của
tù nhân.
Thứ hai, các công trình nghiên cứu liên quan đến lao động đối với
người chấp hành án phạt tù ở các nước thuộc Liên Xô cũ
Từ sau năm 1991, Cộng hòa Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ
có sự thay đổi to lớn về chính trị. Tổ chức bộ máy nhà nước cũng như hệ thống
tư pháp được cải cách căn bản. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên khảo
về THAPT trong có đề cập đến vấn đề lao động đối với tù nhân. Một số công
trình thuộc chuyên ngành lý luận nhà nước và pháp luật, có thể kể như:
- Luận án Tiến sĩ “Hệ thống nhà tù trong thể chế nhà nước Nga - khía
cạnh lịch sử và lý luận” [15] của Chesnokov Alexander. Phạm vi nghiên cứu bao
gồm: phân tích cấu trúc và chức năng của bộ máy nhà nước và bộ phận cấu thành
không thể thiếu là hệ thống nhà tù, quy định tổ chức và hoạt động của nhà tù
trong giai đoạn khác nhau của lịch sử nước Nga. Luận án đã chỉ rõ, quá trình
diễn ra tại nước Nga với sự thay đổi to lớn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và

xã hội, sự mất lòng tin của công chúng vào chính quyền, việc đánh giá lại các giá
trị tinh thần đã dẫn đến hệ quả là sự leo thang của tội phạm ở tất cả các bang và
vùng lãnh thổ thuộc Nga.
Luận án có giá trị rất đáng kể khi đề cập khá chi tiết quả trình hình thành
và phát triển của hệ thống nhà tù trong đó có CĐLĐ đối với tù nhân tại nước
Nga. Trong số các hình phạt hình sự áp dụng từ thế kỷ XVIII có việc sử dụng
hình thức cưỡng bức lao động đối với tù nhân. Chế độ này không chỉ mang ý
nghĩa trừng phạt, răn đe người phạm tội mà thực sự mang lại lợi ích kinh tế, đặc
biệt là trên các công trình xây dựng lớn. Lao động khổ sai theo ý nghĩa truyền
thống như việc sử dụng lao động PN trong khai thác tài nguyên được duy trì và


×