Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Bình đẳng giới trong truyền thống dân tộc qua ca dao, tục ngữ của người Việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (82.7 KB, 4 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 3-6
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0001

BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC
QUA CA DAO, TỤC NGỮ CỦA NGƯỜI VIỆT
Lã Nhâm Thìn

Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Việc nghiên cứu về giới và vận dụng lí thuyết về giới trong nghiên cứu văn học
mới được tiến hành ở Việt Nam khoảng hơn hai mươi năm trở lại đây. Từ góc độ giới, chúng
ta thường nhìn lại quá khứ bằng cái nhìn phủ định, "khắc phục hạn chế" về sự bất bình đẳng
hơn là cái nhìn khẳng định, tiếp thu những biểu hiện của bình đẳng giới trong truyền thống
dân tộc. Bài viết này nghiên cứu những quan niệm, những biểu hiện về bình đẳng giới của
nhân dân ta trước đây khá toàn diện và sâu sắc, được phản ánh rõ nét qua kho tàng ca dao,
tục ngữ của người Việt, từ đó góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để xây
dựng xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh.
Từ khóa: Bình đẳng giới, truyền thống dân tộc, ca dao, tục ngữ của người Việt.

1.

Mở đầu

Giới và bình đẳng giới là các khái niệm của thời hiện đại. Theo nhiều nhà nghiên cứu, khái
niệm giới mới được đưa vào Việt Nam từ những năm cuối của thập niên 80 thế kỉ XX, đồng thời
"khái niệm giới gắn liền với ý tưởng về giải phóng phụ nữ và bình đẳng giữa nam và nữ - ý tưởng
vốn đã bắt rễ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong mấy chục năm qua" [1;72]. Tuy
nhiên vấn đề bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của thời hiện đại. Dường như bình đẳng giới là
điều đã từng được đặt ra trong trường kì lịch sử, trong truyền thống lâu đời của dân tộc, được phản


ánh trong đời sống xã hội, đời sống văn hoá, văn học của người Việt, đặc biệt là qua kho tàng văn
học dân gian [2].
Mặc dù trước đây chưa sử dụng khái niệm giới cũng như lí thuyết về giới nhưng những công
trình nghiên cứu về văn học dân gian, về văn học viết trung đại Việt Nam, khi nói về người phụ nữ
với những bi kịch và khát vọng là đã đề cập tới vấn đề giới ở một khía cạnh cơ bản nhất: bình đẳng
giới. Chỉ có điều, phần lớn các nghiên cứu đều chỉ ra sự bất bình đẳng đối với người phụ nữ mà
ít đến với một thực tế khác: ngay trong truyền thống dân tộc, người phụ nữ đã có những lúc từng
được bình đẳng. Thực tế này được phản ánh qua ca dao, tục ngữ của người Việt.

2.

Nội dung nghiên cứu

2.1. Từ góc độ giới, chúng ta thường nhìn lại quá khứ bằng cái nhìn phủ định, "khắc phục
hạn chế" hơn là cái nhìn khẳng định, tiếp thu. Điều này là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ những xã hội
Ngày nhận bài: 19/12/2014 Ngày nhận đăng: 05/4/2015
Liên hệ: Lã Nhâm Thìn, e-mail:

3


Lã Nhâm Thìn

trong quá khứ là xã hội bất bình đẳng. Sự bất bình đẳng về xã hội tất yếu dẫn đến sự bất bình đẳng
về giới. Ở Việt Nam, xã hội phong kiến - Nho giáo đã tồn tại hàng ngàn năm. Quan niệm Nho
giáo, như chúng ta biết, về cơ bản là không công bằng đối với người phụ nữ.
Thế nhưng, từ một cái nhìn phản biện, ta lại nhận ra sự bình đẳng giới ngay trong quá khứ,
ngay ở một đất nước mà xã hội phong kiến - Nho giáo đã tồn tại vững chắc tới gần một thiên niên
kỉ. Từ một cái nhìn phản biện, ta lại nhìn quá khứ với cái nhìn kế thừa, phát huy truyền thống bình
đẳng giới của dân tộc Việt Nam.

2.2. Điều thật sự đáng ngạc nhiên và rất có ý nghĩa là những quan niệm, những biểu hiện
về bình đẳng giới của nhân dân ta trước đây lại khá toàn diện và sâu sắc. Toàn diện bởi vì sự bình
đẳng giới có cả trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần, trong gia đình và ngoài xã hội, trong
sinh hoạt và trong lao động sản xuất. Sâu sắc bởi vì vai trò người phụ nữ được khẳng định, đề cao
một cách tinh tế, không thái quá, cực đoan đến mức phủ nhận vai trò của nam giới.
2.3. Những biểu hiện về bình đẳng giới của nhân dân ta trước đây được phản ánh khá rõ nét
qua kho tàng ca dao, tục ngữ - kho tàng lưu giữ tri thức, tâm hồn, tình cảm của người Việt.
2.3.1. Bình đẳng giới trước hết là sự khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ, đặc biệt là
sự đề cao thiên chức của họ, không đơn thuần là thiên chức về giới tính (sex) mà là thiên chức về
giới (gender).
Người phụ nữ không những là bà mẹ sinh thành mà còn là bà mẹ nuôi và dưỡng cả thể chất
và tinh thần, tình cảm của mỗi con người: "Cha sinh không tày mẹ dưỡng". Chữ "dưỡng" chứa
đựng trong nội hàm của nó yếu tố giáo dục. Với vai trò này, người mẹ giữ vị trí quan trọng, tới mức
quyết định nhân cách của con cái:
- Con dại cái mang
- Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà
- Mẹ ngoảnh đi con dại, mẹ ngoảnh lại con khôn
- Phúc đức tại mẫu [2].
Những câu tục ngữ trên không chỉ nói lên thiên tính nữ của người mẹ mà còn cho thấy thiên
chức của người phụ nữ xét từ góc độ giới. Đó là sự khẳng định, đề cao vai trò, ảnh hưởng to lớn
của người mẹ trong môi trường giáo dục gia đình, xã hội đối với con cái.
Bình đẳng giới trước hết biểu hiện trong đời sống gia đình. Bởi lẽ, quan niệm của những
người theo phái nữ quyền (feminists) thì gia đình là một kiểu kiến trúc có bản chất xã hội. Ở thời
kì mà quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một con trai cũng là có, mười con gái cũng
là không) thấm đến từng tế bào xã hội thì nhân dân ta vẫn khẳng định vai trò "nội tướng" không
thể thay thế của người phụ nữ: "Chồng như đó, vợ như hom", "Trai có vợ như giỏ có hom", "Vắng
đàn ông quyện (bận) nhà, vắng đàn bà quyện (bận) bếp".
Không dừng lại ở đó, nhân dân ta còn lấy lại sự công bằng, trả lại công lao đích thực cho
người phụ nữ trong thành quả lao động sáng tạo vật chất cũng như tinh thần:
- Của chồng, công vợ

- Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa
Tiền gạo thì của mẹ cha
Cái nghiên, cái bút thật là của em [2].
Trong xã hội xưa, dù với một tinh thần dân chủ cao nhất thì khi nhìn nhận vai trò của nữ
4


Bình đẳng giới trong truyền thống dân tộc qua ca dao, tục ngữ của người Việt

giới, một số người cũng mới thấy được thành quả lao động vật chất của phụ nữ. Mấy ai thừa nhận
vị trí người phụ nữ ở địa hạt tri thức, ở bản quyền trí tuệ: "Đàn ông nông nổi giếng khơi - Đàn bà
sâu sắc như cơi đựng trầu". Thế nhưng, với câu ca: "Cái nghiên, cái bút thật là của em" thì "của
chồng công vợ" không chỉ ở tài sản vật chất mà còn ở tài sản trí tuệ, tinh thần.
2.3.2. Bình đẳng giới được thể hiện một cách toàn diện và tinh tế qua sự hài hoà, "công
bằng" giữa nam và nữ, từ trong quan niệm đến thực tế đời sống - đời sống sinh hoạt, lao động sản
xuất và đời sống tinh thần. Quan niệm Nho giáo, một trong những khởi nguồn là Mạnh Tử đã thể
hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ, có khi tới mức cực đoan, phủ nhận sạch trơn vai trò của người
phụ nữ. Bàn về chữ hiếu, Mạnh Tử đã từng nói: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (Tội bất hiếu có
ba, không con (trai) nối dõi là tội lớn nhất) (Mạnh Tử - Li lâu thượng). Trước quan niệm phong
kiến "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhân dân ta đã đáp lại bằng quan niệm bình đẳng giới:
"Gái mà chi, trai mà chi/ Sinh ra có nghĩa, có nghì là hơn".
Bình đẳng giới được thể hiện nhiều hơn cả là trong lao động sản xuất. Ta có thể dùng lời đề
từ với ba chữ "Bình đẳng giới" để đề dưới khá nhiều bức tranh về cuộc sống lao động sản xuất của
nhân dân ta còn lưu giữ trong kho tàng ca dao:
- Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.
- Bao giờ cho đến tháng hai

Con gái làm cỏ, con trai be bờ
Gái thì kể phú, ngâm thơ
Trai thì be bờ kể chuyện bài bây.
- Chồng chài, vợ lưới, con câu
Sông Ngô, bể Sở, biết đâu là nhà [2].
Khi phê phán những thói hư tật xấu trong lao động sản xuất, nhân dân ta cũng phê phán
trên tinh thần "bình đẳng giới":
Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác
Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư [2].
Chính sự bình đẳng giới trong lao động sản xuất đã đưa người phụ nữ từ thân phận lệ thuộc
"phu xướng phụ tuỳ" (chồng nói vợ theo) trở thành người có địa vị bình đẳng với nam giới. Quan
niệm Nho giáo trói buộc thân phận lệ thuộc của người phụ nữ bằng một chữ "tòng": "Tại gia tòng
phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo
con). Chữ "tòng" trong đạo vợ chồng chuyển dịch thành chữ "theo" và khái quát thành hình tượng:
"thuyền theo lái, gái theo chồng". Trong khi đó ca dao của người Việt có hình tượng "con thuyền
gia đình" khác với "đạo tòng phu" của Nho giáo:
Đôi ta lên thác xuống ghềnh
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào [2].
"Em ra đứng mũi" là bình đẳng về vị thế, về trách nhiệm, về sẻ chia những gian lao vất vả
với "anh chịu sào". Điều này hoàn toàn khác với hình ảnh vợ - thuyền, chồng - lái thể hiện vị thế
bất bình đẳng, vị thế lệ thuộc của người phụ nữ.
Chính sự bình đẳng giới trong lao động sán xuất đã đưa người phụ nữ tới sự công bằng giới
trong cuộc sống sinh hoạt, trong đời sống tinh thần, tình cảm:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon [2].
Giữ được cảnh vợ chồng hoà thuận, gia đình đầm ấm giữa cuộc đời còn nhiều lam lũ, vất
5


Lã Nhâm Thìn


vả, nghèo khó, một trong những nguyên nhân sâu xa là giữ được sự "bình đẳng giới". Quả là, văn
chương quá khứ lại đem đến bài học về xã hội, nhân sinh cho cuộc sống hiện tại.
2.4. Một điều đáng lưu ý là: nhiều câu tục ngữ, ca dao (một số đã được dẫn ra trong bài viết
này) có thi pháp sóng đôi, cân bằng hai vế giữa trai và gái, anh và em, chồng và vợ. Âu đó cũng là
hình thức thể hiện nội dung, hay nội dung của hình thức: sự bình đẳng giữa nam và nữ.

3.

Kết luận

Như vậy có thể thấy vấn đề bình đẳng giới đã được đặt ra trong quá khứ lịch sử. Bình đẳng
giới không phải chỉ ở quan niệm, không phải chỉ như một ước mơ mà là một thực tế. Chỉ có điều
thực tế này nhiều khi bị khuất lấp bởi một thức tế khác phũ phàng: sự không bình đẳng giới. Chính
vì chỉ thấy sự khuất lấp kia mà có lúc ta không nhhận ra bình đẳng giới đã là một truyền thống tốt
đẹp trong đời sống của người Việt. Truyền thống tốt đẹp đó có cơ sở căn rễ từ thực tiễn: vai trò to
lớn của người phụ nữ đối với công cuộc dựng nước và giữ nước, tinh thần dân chủ của quần chúng
nhân dân trong mọi mặt của đời sống, từ gia đình đến xã hội, từ cá nhân đến cộng đồng.
Từ góc độ giới, bên cạnh cái nhìn phê phán, phủ định sự bất bình đẳng của xã hội trong quá
khứ là cái nhìn kế thừa, phát huy truyền thống bình đẳng giới của dân tộc Việt Nam, để xây dựng
một xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vũ Mạnh Lợi, 2000. Một số quan điểm lý thuyết về giới trong nghiên cứu gia đình. Tạp chí Xã
hội học, số 4, tr.72.
[2] Vũ Ngọc Phan, 1971. Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam (tái bản lần thứ bảy). Nxb Khoa học
Xã hội, Hà Nội.
[3] Lã Nhâm Thìn, 2000. Huyền thoại mẹ, in trong Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trước thềm
thế kỉ XXI (Lê Thị Nhâm Tuyết (chủ biên). Nxb Thế giới.
ABSTRACT
Gender equality in national tradion from folk poety, proverb of Vietnamese

Gender study and applying of gender theory in literature study have just conducted in
Vietnam in the last twenty years. From perspective, we often look back to the past in a negative
viewpoint, "overcome the limitation" of the inequility rather the positive point, acquire the
expression of gender equality in national tradition. This paper studies the concepts, expressions of
gender equality of our people before, which are comprehensive and profound, are clearly reflected
in the system of Vietnamese folk poety, proverb, then contributes to enhance the good national
tradition to build a fair, democratic and civilised new society.
Keyword: Gender equality, national tradition, Vietnamese folk poety, proverb.

6



×