Tải bản đầy đủ (.doc) (147 trang)

Sơ thảo Tính danh học Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (983.5 KB, 147 trang )

SƠ THẢO TÍNH DANH HỌC VIỆT NAM
DẪN NHẬP
Theo định nghĩa của bách khoa từ điển Britannica, tập 24, ấn bản lần thứ 15, danh xưng học, Anh ngữ gọi là
onomastics hay onomatology, là một khoa học nhân văn, nghiên cứu tên nơi chốn, tên con người[1]. Theo Đại
Từ Điển Tiếng Việt[2], danh xưng học là ngành ngôn ngữ học nghiên cứu tên riêng của người, động vật, sự
vật.
Phạm vi nghiên cứu khoa học này rất rộng lớn, bao gồm mọi khu vực địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, và mọi thời
đại lịch sử. Danh học được chia làm hai ngành: địa danh học (toponymy) và tính danh học (anthroponymy hay
anthroponomastics). Địa danh học nghiên cứu về tên nơi chốn, trực thuộc môn địa lý học. Tính danh học
nghiên cứu về tên con người, trực thuộc khoa nhân chủng học. Mỗi ngành trên lại chia làm nhiều ngành phụ
như địa danh học Trung Quốc, địa danh học Việt Nam, tính danh học Hoa Kỳ, tính danh học Pháp, tính danh
học Việt Nam.
Tại Hoa Kỳ, tính danh học được giảng dậy tại phân khoa nhân chủng học, địa danh học được giảng dậy tại
phân khoa địa lý học. Danh học nói chung được dậy tại phân khoa ngôn ngữ học. Cũng tại Hoa Kỳ, tính danh
học được dậy cho các học sinh trung học trong môn khoa học xã hội[3]. Đại học Leipzig ở Đức cấp bằng Cao
Học cho ngành danh xưng học và nội dung giảng khóa gồm 4 lãnh vực chính: (a) lý thuyết danh xưng học, (b)
danh xưng học áp dụng, (c) sự phát triển ngành danh xưng học, (d) xã hội danh xưng học. Tại đại học
Louvain ở Bỉ, môn danh học cũng được giảng dậy và tại đây có trụ sở của Ủy Ban Quốc Tế Về Khoa Danh
Xưng Học (International Committee of Onomastic Science). Tại Đài Loan, danh xưng học được nghiên cứu
trong hai phân khoa xã hội học và luật học của Viện Ðại Học Quốc Gia Đài Loan.
Về các tài liệu tính danh học, Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới có những tác phẩm nói về tên họ. Ðời
Tấn (265-420), Giang Vi viết Trần Lưu Phong Tục Truyện. Ðời Đường (618-907), tác giả Lâm Bảo viết Nguyên
Hà Tính Toản, ghi lại nguồn gốc các tên họ trong triều đại này. Đến đời Tống (960-1279), Trương Định viết
Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo. Hiện nay, Trung Quốc là một trong những nước có thư mục phong
phú nhất về tính danh học. Tác giả Sheau Yueh J. Chao, trong tác phẩm In Search of Your Asian Roots, đã
liệt kê thư mục với 210 tác phẩm nói về tên họ tại Trung Quốc. Có những tác phẩm rất chuyên biệt như hai
ông Trần Minh Nguyên và Vương Tống Hổ viết Trung Quốc Tính Thị Đại Toàn, xuất bản tại Bắc Kinh năm
1987, liệt kê và trình bày nguồn gốc 5600 tên họ của Trung Quốc. Tác giả Trần Nãi Hất viết sách nói về bút
hiệu, biệt hiệu của các học giả, chính trị gia Trung Quốc.
Tại Âu Châu, các sách về môn tính danh học được xuất bản khá sớm. Tác phẩm đầu tiên về vấn đề này là
The Calendar of Scripture của William Patton, xuất bản năm 1575. Công trình này là tổng hợp hai tác phẩm


Bible, tức Kinh Thánh, của Hồng Y Francisco Ximenez de Cisneros, xuất bản năm 1514, và Dictionarium
Theologicum, tức từ điển thần học của John Arquerius, xuất bản năm 1567. Nội dung tác phẩm Calendar of
Scripture nói về ý nghĩa các tên trong Kinh Thánh của Kitô Giáo.
Tác phẩm quan trọng nhất đề cập đến tên riêng, tên họ của người Anh có tựa đề rất dài: “Remaines of a
Greater Worke Concerning Britaine, The Inhabitants thereof, Their Languages, Names, Surnames, Empreses,
Wise Speeches, Poesies, and Epitaphes” của William Camden, xuất bản năm 1605. Ngày nay, các học giả gọi
vắn tắt tác phẩm này là Remaines. Từ thế kỷ 17, các tác phẩm về tính danh học được xuất bản ở nhiều nơi,
nhưng các tác phẩm có giá trị đều xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ngày nay, nhiều quốc gia có
những tác phẩm danh xưng học.
Tại Âu Châu, nhiều nước có các tổ chức chuyên nghiên cứu danh xưng học. Tại Hoa Kỳ, tổ chức American
Name Society xuất bản tập san Names từ năm 1951 đến nay và đã thiết lập mạng lưới điện toán để phổ biến
những tin tức, tài liệu danh xưng học trên toàn thế giới. Nhà tính danh học thế giá nhất Hoa Kỳ là cố Giáo sư
Elsdon C. Smith. Thư viện của ông có hơn 1200 quyển sách về danh xưng học và quan trọn nhất, ông đã viết
tác phẩm Personal Names – A Bibliography trong đó liệt kê 3415 tài liệu về tính danh học được xuất bản ở
Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Tại Việt Nam, tài liệu về tính danh học nằm rải rác trong các bộ cổ sử như Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quốc
Triều Hình Luật, Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ, Ðại Nam Thực Lục v.v…Tài liệu đầu tiên có tính cách
chuyên biệt về tính danh học là bài: Chiếc Gạch Nối Giữa Họ Và Tên Người của Tảo Trang, đăng trong báo
Thanh Nghị số 19, phát hành ngày 16 tháng Tám năm 1942. Nội dung bài này chú ý tới khía cạnh văn phạm
hơn là tính danh học. Đến năm 1949, học giả Nguyễn Bạt Tụy khai phá môn học này trong bài viết: Tên Người
Việt Nam được công bố trong tập san của hội Khuyến Học Nam Việt. Nội dung bài này đề cập một cách tổng
quát đến các vấn đề tên họ, tên đệm (tác giả gọi là chữ lót), tên chính (tác giả gọi là tên đẻ). Năm 1961, tác
giả Trịnh Huy Tiến viết bài: Các Loại Nhân Danh Việt Nam được công bố trong 2 số báo 61 và 62 của tờ Văn
Hóa Nguyệt San. Năm 1966, ông Tạ Quang Phát của Viện Khảo Cổ Sàigòn viết bài: Quốc Húy Triều Nguyễn
được đăng trong Khảo Cổ Tập San số 6. Năm 1973, Vũ Bằng viết Tìm Hiểu Tên, Bút Hiệu Của Văn Nghệ Sĩ
Tiền Chiến, Hiện Ðại. Năm 1975, tại Sàigòn Nhật Thịnh và Nguyễn Thị Khuê Giung cho in ronéo tập Sơ Thảo
Tự Ðiển Biệt Hiệu Việt Nam. Cũng trong năm này, Nguyễn Kim Thản viết Vài Nét Về Tên Người Việt được
đăng trong tập san Dân Tộc Học, số 4, 1975. Năm 1976, trong tập san Dân Tộc Học số 3, Trần Ngọc Thêm
đăng bài Về Lịch Sử Hiện Tại Và Tương Lai Của Tên Riêng Trong Người Việt Nam. Năm 1988, trong tập sách
Tiếng Việt Và Các Ngôn Ngữ Ðông Nam Á, ông Phạm Tất Thắng viết bài Vài Nhận Xét Về Yếu Tố Ðệm Trong

Tên Gọi Người Việt. Năm 1992, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội in tác phẩm Họ Và Tên Người Việt Nam của
Tiến sĩ Lê Trung Hoa. Năm 1996, Giáo sư Hà Mai Phương và Bảng Phong viết bài Tên, Họ Người Việt Nam
được in trong phụ lục Di Cảo 7 của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Năm 1998, cơ sở MêKông Tỵ Nạn xuất bản di
cảo 7 của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy với tựa đề: Tên Người Việt Nam. Năm 2000, trong bản tin Hiệp Thông,
số 9, xuất bản tại Việt Nam, linh mục Nguyễn Ngọc Sơn viết bài: Vấn Ðề Cách Viết Tên Riêng Tiếng Nước
Ngoài Trong Sách Báo Công Giáo. Tại hải ngoại, tập san Thế Kỷ 21 đăng ba bài. Số 111, tháng 7 năm 1998
đăng bài: Những Cuộc Đổi Họ Lớn Trong Lịch Sử của Trần Gia Phụng. Số 122, tháng 6 năm 1999 đăng bài:
Người Việt Tên Mỹ-Vấn Đề Cần Suy Nghĩ của ông Nguyễn Đức Mai. Đến số 148, phát hành tháng Tám năm
2001, Giáo sư Vũ Hiệp viết bài: Tìm Hiểu Nguồn Gốc và Sự Phát Triển Của Một Số Dòng Họ Tiêu Biểu Của
Người Việt Nam. Năm 2002, Trung tâm văn hóa Nguyễn Trường Tộ tại Pháp cho in hai bài thuyết trình. Bài
thứ nhất của tác giả Nguyễn Ðăng Trúc có tựa đề Xưng Hô Trong Gia Ðình Việt Nam. Bài thứ hai của tác giả
Hoàng Ðức Phương có tựa đề Cách Xưng Hô Trong Xã Hội Việt. Cả hai bài được in chung trong tác phẩm
Tình Yêu, Gia Ðình và Hội Nhập. Ngoài các tài liệu quan trọng trên đây, tạp chí Phổ Thông xuất bản tại Sàigòn
trước năm 1975 có in nhiều bài nói về tên người Việt Nam.
Về Pháp ngữ, năm 1932, Giáo sư Pierre Gourou viết bài Les Noms De Famille Ou Họ Chez Les Annamites Du
Delta Tonkinois đăng trong tập san Bulletin de L’École Francaise D’Extrême Orient. Tome XXXII, xuất bản tại
Hà Nội. Năm 1938, học giả Nguyễn Văn Tố viết bài: La Pratique Du Changement De Nom Chez Les
Annamites đăng trong tập san B.I.I.E.H.
Về Anh ngữ, năm 1960, Giáo sư Nguyễn Đình Hòa viết bài Vietnamese Names and Titles đăng trong Asian
Culture, Vol. II, số 2. Tài liệu này, năm 1990, hội sinh viên Việt Nam tại đại học San Jose City College cho in
lại trong A Selection of Readings on Socio-Cultural Values and Problems of The Vietnamese in The United
Sates. Năm 1961, cơ quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ, gọi tắt là C.I.A. viết tài liệu Vietnamese Personal
Names, dài 36 trang, hiện đang lưu trữ tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ tại Washington. Năm 1973, Giáo sư
Nguyễn Khắc Kham viết bài Vietnamese Names And Their Peculiarities, đăng trong tập san Area and Culture
Studies, số 23 của trường đại học Tokyo, Nhật Bản.
Tiếp nối những công trình chuyên biệt trên, chúng tôi góp phần vào việc tìm hiểu danh xưng học Việt Nam
qua tác phẩm: Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam. Tác phẩm này có ba mục đích. Một là tìm hiểu ý nghĩa và
nguyên tắc đặt các loại tên như đế hiệu, niên hiệu, tôn hiệu, thụy hiệu, tên tự, bút hiệu, thương hiệu, nghệ
danh tên họ, tên đệm, tên chính, tên húy v.v…Hai là tìm hiểu tiến trình hình thành và phạm vi áp dụng của các
loại tên nói trên. Ba là tìm hiểu sự dị biệt và tương đồng giữa hai hệ thống tên, hệ thống đông phương mà tiêu

biểu là Việt Nam và hệ thống tây phương, tiêu biểu là các nước Tây Âu và Hoa Kỳ.
Khi so sánh hai hệ thống đó, chủ đích là cung cấp dữ kiện để độc giả có dịp so sánh và thấy được nét thâm
trầm của hệ thống tên người Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, khi trình bày hệ thống tên người tây phương,
chúng tôi cũng muốn giúp đồng bào Việt Nam ở hải ngoại biết được hệ thống tên của người trong quốc gia
mình đang cư ngụ. Mục đích đề ra như vậy nên nội dung sách gồm 6 chương:
- Chương 1: Danh xưng đặc biệt của người Việt Nam.
- Chương 2: Tên họ.
- Chương 3: Tên đệm.
- Chương 4: Tên chính.
- Chương 5: Tục lệ kỵ húy.
- Chương 6: Sự xưng hô tên người.
Nội dung chương 1 có hai phần. Phần đầu nói về các danh xưng đặc biệt của vua chúa. Phần hai nói về các
tên đặc biệt của thường dân Việt Nam. Nội dung các chương 2, 3, 4, 6 đều có ba phần, phần một nói về Việt
Nam. Phần hai nói về tây phương. Phần ba so sánh tên người Việt Nam và tây phương để tìm ra nét tương
đồng và dị biệt. Nội dung chương 5 gồm 2 phần. Phần một nói về phép húy tại Trung Quốc, phần hai nói về
phép húy tại Việt Nam. Sở dĩ phải nói về phép húy tại Trung Quốc vì phép húy của Việt Nam bắt nguồn từ
phép húy của Trung Quốc.
Tính danh học Việt Nam là vấn đề rộng lớn, giống như ca dao tục ngữ, cần có sự đóng góp của nhiều người,
nhiều địa phương, nhiều chủng tộc khác nhau. Do vậy, những gì được công bố hôm nay xin được coi là
những nét sơ phác về tính danh học của khối người kinh. Gọi là sơ phác vì còn nhiều vấn đề chúng ta chưa
biết tường tận. Ví dụ: chúng ta chưa biết lịch sử, ý nghĩa của hàng mấy trăm tên họ Việt Nam, chúng ta cũng
có rất ít tài liệu về tính danh học của hơn 50 sắc dân thiểu số khác. Do vậy, chúng tôi không dám vội vã đưa
ra một kết luận cho môn tính danh học Việt Nam vì sợ nhận định còn phiến diện. Xin để công việc này cho các
nhà nghiên cứu mai sau, một khi có đầy đủ tài liệu.
Chúng tôi ước mong có nhiều người chú ý đến lãnh vực này vì một khi vấn đề được nghiên cứu đầy đủ, môn
tính danh học Việt Nam sẽ dọi thêm ánh sáng vào nhiều vấn đề văn hóa Việt Nam như tín ngưỡng dân gian,
triết lý dân tộc, tâm lý xã hội. Sở dĩ tính danh học có thể làm được việc trên vì tên người Việt Nam được quan
niệm là một báu vật linh thiêng, được dân gian gói ghém vào đó những gì gọi là tinh túy của tư tưởng dân tộc.
Chúng tôi lấy làm tiếc vì phương tiện eo hẹp, không được đọc hết những tài liệu tính danh học nằm rải rác
trong các sách báo xuất bản sau 1975 tại quốc nội, cũng như không có cơ hội được đi đến từng địa phương ở

Việt Nam để khảo sát tại chỗ. Do vậy, tác phẩm còn thiếu sót, chúng tôi thành khẩn kính mong quý thức giả
bổ túc .
Hoàn tất được tác phẩm này, chúng tôi được sự hỗ trợ tinh thần đặc biệt của vợ tôi: bà Phạm Thị Kim Liên,
của các con và các anh chị em trong gia đình. Chúng tôi cũng xin cám ơn sự chỉ giáo của nhiều bậc thức giả
trưởng thượng. Ðặc biệt, xin cám ơn nhà nghiên cứu Trần Vinh, Linh Mục Trần Cao Tường người bạn đồng
môn năm xưa, đã đọc bản thảo và góp nhiều ý kiến quý giá cho công trình nghiên cứu này. Tuy nhiên, phần
trách nhiệm nội dung vẫn thuộc cá nhân chúng tôi.

San Jose, California mùa Xuân năm 2003.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] The New Encyclopaedia Britannica. Vol. 24, Britannica Inc. 1991. Tr. 728.
[2] Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo - Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam.( Nguyễn Như Ý chủ biên). Ðại Từ
Ðiển Tiếng Việt. Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội 1998, tr. 511.
[3] Xem giáo trình bài học này www. teachercreated.com/lessons.
CHƯƠNG 1
DANH XƯNG ĐẶC BIỆT
CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

MỤC I : DANH XƯNG ÐẶC BIỆT CỦA VUA CHÚA VIỆT NAM
A. Ðế hiệu
B. Niên hiệu
C. Tôn hiệu
D. Thụy hiệu
E. Miếu hiệu
MỤC II : DANH XƯNG ÐẶC BIỆT CỦA THƯỜNG DÂN VIỆT NAM
A. Tên tục
B. Tên tước
C. Tên tự

D. Tên hiệu
E. Bút hiệu
F. Nghệ danh
G. Thương hiệu
H. Bí danh
I. Tên thụy
K. Tên tôn giáo

Ngoài tên họ, tên đệm, tên chính, người Việt Nam còn nhiều loại tên. Có loại đã vĩnh viễn đi vào lịch sử,
có loại mới xuất hiện khi nước ta tiếp xúc với văn hóa tây phương, có loại dành riêng cho một giai cấp hoặc
tầng lớp xã hội nhất định. Do vậy, chương này nhằm tìm hiểu những danh xưng đặc biệt của người Việt Nam,
và nội dung sẽ gồm 2 mục chính: mục một nói về các danh xưng đặc biệt của vua chúa Việt Nam, mục hai nói
về các danh xưng đặc biệt của thường dân Việt Nam.

MỤC I : DANH XƯNG ĐẶC BIỆT CỦA VUA CHÚA VIỆT NAM
Dưới thời quân chủ, khi viết tiểu sử một ông vua, các sử gia thường dùng một số đặc ngữ mà chỉ
những người chuyên về sử mới hiểu dễ dàng, còn những người không chuyên môn, thường cảm thấy lúng
túng vì một số danh từ đặc biệt. Đoạn văn sau đây trích trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về Trần Thái
Tông (1225-1258) chứng minh cho nhận xét này:
Tên húy là Hoảng, con trưởng dòng đích của Thái Tông. Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu Lý
thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy thượng đế trao gươm báu, hậu có mang. Năm Canh Tý Thiện Ứng Chính
Bình năm thứ 9, ngày 25, giờ ngọ sinh, sau đó lập làm hoàng thái tử. Thái Tông băng ở cung Nhân Thọ, táng
ở Dụ Lăng
[1]
.
Qua đoạn văn trên, các danh xưng Thái Tông, Thuận Thiên, Thiện Ứng Chính Bình là loại danh xưng gì
và ý nghĩa ra sao? Để trả lời câu hỏi đó, mục một sẽ nghiên cứu danh xưng đặc biệt của vua chúa Việt Nam
qua 5 tiết: (a) đế hiệu, (b) niên hiệu, (c) tôn hiệu, (d) thụy hiệu, (e) và miếu hiệu.

TIẾT A: ĐẾ HIỆU


Đế hiệu là tên triều đại của một vị vua được công bố trong ngày lễ đăng quang để minh chứng với thần
dân trong nước vua là chủ tể, có mọi quyền hành trên thần dân và đất nước. Trong suốt thời gian trị vị, vua
Trung Quốc cũng như vua Việt Nam chỉ có một đế hiệu, nhưng có thể có nhiều niên hiệu hay tôn hiệu. Đế
hiệu của các vua Việt có những điểm khác nhau ở mỗi giai đoạn lịch sử.
1. Đế Hiệu Các Vua Việt Thời Sơ Sử: Theo cổ sử, các vua đầu tiên của nước ta có các đế hiệu là Hùng
Vương Thứ Nhất đến Hùng Vương Thứ Mười Tám. Với cách thức lựa chọn này, liệu các vua Việt trong giai
đoạn sơ sử, đã biết chọn cho mình một đế hiệu chưa? Phải chăng người đời sau, khi viết về các vị lãnh đạo
ban đầu, đã đặt cho các ngài đế hiệu giống kiểu cách Trung Quốc? Theo kết luận tạm thời của chúng tôi, các
đế hiệu trên đây là do người sau đặt, dựa trên ba lý do:
a. Xét về mặt ngôn ngữ: Các đế hiệu trên đều là danh từ Hán Việt, có nghĩa là tiếng Hán được phát âm
theo giọng Việt. Mà muốn được như thế, người Việt đã phải biết dùng chữ Hán một cách nhuần nhuyễn, đã
thấm nhuần sâu sắc văn hóa Trung Quốc. Cả hai điều kiện đó không có trong xã hội Việt Nam thời sơ sử, vì
mãi đến năm 207 trước Công Nguyên, nghĩa là sau gần 2500 năm tính từ Kinh Dương Vương, Việt Nam mới
thực sự biết đến chữ Hán, và bắt đầu chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Từ đó, người Việt mới bắt đầu du
nhập các thể chế chính trị của triều đình Trung Quốc.
b. Xét về mặt dân tộc học: Xưa nay, dân Việt không có tục lệ dùng một tên duy nhất, rồi phối hợp các con
số để đặt tên cho các người khác nhau như kiểu Hùng Vương Thứ Nhất đến Hùng Vương Thứ Mười Tám.
c. Lịch sử chức vương: Chức vương phát sinh từ triều đình Trung Quốc và bắt đầu có vào đời nhà Chu,
tức khoảng 1122-249 TCN. Trong khi đó, Hùng Vương Thứ Nhất của Việt Nam đã sống trước đó cả hơn
nghìn năm.
Theo thiển ý, thời sơ sử Việt Nam kéo dài gần 3000 năm, ngoài 18 vị được gọi là các vua Hùng, chúng ta
còn nhiều vị lãnh đạo nữa, nhưng ký ức dân gian đã quên mất, và người đời sau đã tự đặt hai từ Hùng
Vương làm đế hiệu cho các nhà lãnh đạo ban đầu.
Một vấn đề khác nữa là các nhà lãnh đạo nước Văn Lang có đế hiệu Hùng Vương hay Lạc Vương? Theo
truyền thuyết và sử cũ thì cho là Hùng Vương, còn theo một số nhà sử học hiện nay thì cho là Lạc Vương.
Tuy nhiên, vấn đề không thuộc phạm vi tính danh học, nên không được đào sâu ở đây. Nhưng, nếu là Lạc
Vương thì có bao nhiêu đế hiệu Lạc Vương? Và thực sự có danh hiệu Lạc Vương hay không? Lạc Vương
cũng như Hùng Vương đều là danh từ Hán Việt. Tính danh học Việt Nam chờ câu trả lời của các nhà sử học
và khảo cổ học. Tuy nhiên, chúng ta phải khâm phục tiền nhân đã khéo chọn hai chữ Hùng Vương để xây

dựng căn bản lý thuyết vương quyền. Hùng Vương, nếu hiểu theo nghĩa là ông vua anh hùng, thì đó là bằng
chứng cụ thể cho lập luận này. Đây là một quan niệm hoàn toàn đặt trên nhân tính: vua có quyền cai trị vì có
đức tính anh hùng, chứ không như vua Trung Quốc hay Âu Châu thời Trung Cổ, phải nại tới thần quyền hay
thiên mệnh để biện minh cho quyền lực của mình.

2. Đế Hiệu Các Vua Việt Thời Tự Chủ: Sau thời Hùng Vương đến giữa thế kỷ 20, không kể 1000 năm
Bắc thuộc, thời gian còn lại, nước ta được trị vì do các vua có đế hiệu được phân thành ba nhóm: nhóm một
gồm những đế hiệu có từ đế hay hoàng đế, nhóm hai gồm những đế hiệu có từ vương, nhóm ba đế hiệu do
các vua Tàu phong cho.
a. Đế hiệu có từ đế hay hoàng đế. Trong số hơn 100 vị vua Việt Nam, có 8 vị xưng đế hay hoàng đế.
Nhưng trước hết, hãy nói về trường hợp Triệu Đà. Năm 207 TCN, Triệu Đà đánh bại An Dương Vương, lập ra
nước Nam Việt, xưng làm vua, đặt đế hiệu là Triệu Vũ Đế. Nhà Triệu cai trị Nam Việt từ năm 207 đến 111
TCN, truyền ngôi được 5 đời. Thời gian này, nước Việt ngoại thuộc nhà Triệu vì Triệu Đà là người Tàu. Ông
xâm lăng Âu Lạc, lập ra nước riêng biệt, không do lệnh của Hán triều. Tuy nhiên, ông chấp nhận chức Nam
Việt Vương do nhà Hán phong như một biểu lộ thần phục Trung Quốc. Tuy vậy, với thần dân trong nước, ông
tuyên bố đế hiệu là Triệu Vũ Đế, Nam Việt Vũ Đế để tỏ ra nước Nam Việt độc lập với Trung Quốc, có quyền
ngang hàng với hoàng đế Trung Quốc. Vì chuyện này mà Hán triều sai sứ sang hạch tội Triệu Đà và sử gia đã
ghi lại lời chống chế của Triệu Đà như sau:
Lão thần xưng đế, cũng tạm để tự vui thôi, đâu dám để lọt đến tai thiên tử. Lão phu ở đất Việt đã 49 năm
nay, đã có cháu rồi, thế nhưng khuya nằm sớm dậy, ngủ chẳng yên, ăn chẳng ngon, mắt không dám nhìn sắc
đẹp, tai không dám nghe chuông trống, chỉ vì không được thờ nhà Hán. Nay được bệ hạ rủ lòng thương yêu
cho hiệu cũ, sứ giả thông hiếu như trước. Lão phu này dù phải chết xương cũng không mục.Vậy xin đổi
hiệu, không dám xưng đế nữa
[2]
.
Từ khi có vụ hạch tội, Triệu Đà không xưng đế với Hán triều nữa, xưng là Nam Việt Vương, Triệu Vũ
Vương. Nhưng, với thần dân trong nước, ông xưng là Triệu Vũ Đế.
Đến năm 544, dân Việt dành được quyền tự chủ, Lý Bôn (544-549) là vị vua đầu tiên xưng hoàng đế và
lần này vua Tàu lại sai sứ sang khiển trách Lý Bôn. Khi Đinh Bộ Lĩnh (968-979) xưng đế, nhà Tống sai sứ
sang phong cho làm Giao Chỉ Quận Vương. Khi Lê Đại Hành (980-1005) xưng đế, nhà Tống hạ chức vua này

xuống là An Nam Đô Hộ, sau được Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ, cuối cùng được Giao Chỉ Quận Vương, rồi
Nam Bình Vương. Sách Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ghi lại chuyện vua Tàu trách vua Lê Đại Hành về chuyện
xưng đế như sau:
Vua Tống sai Trương Tông Quyền đưa thư trách Lê Đại Hành xưng đế và bắt đổi niên hiệu
[3]
. Qua các tài
liệu lịch sử trên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao vua Tàu phải khó chịu khi vua Việt xưng đế? Để trả lời câu
hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc phát sinh từ đế hay hoàng đế.
Đế hiệu là một pháp chế chính trị phát xuất từ triều đình Trung Quốc. Vào đời nhà Chu (1122-249 TCN),
vị đứng đầu nước lớn xưng là vương, như Chu Văn Vương. Các chư hầu, dù mạnh, dù làm minh chủ cũng
chỉ được phong cho một trong năm chức là: công, hầu, bá, tử, nam. Ví dụ Tề Hoàn Công, Tần Mục Công, Sở
Trang Công. Sang thời Chiến Quốc, thủ lãnh các chư hầu không thần phục nhà Chu nữa, họ cũng xưng
vương như Tần Huệ Vương, Tề Tuyên Vương. Vậy, dưới thời nhà Chu, vua cai trị nước lớn hay nước nhỏ
đều gọi là vương, và vương là chức cao nhất
[4]
. Đến thời nhà Tần, khi Tần Doanh Chính thống nhất Trung
Quốc, thì tân vương này đưa ra sáng kiến gộp hai chữ hoàng và đế lại để làm đế hiệu. Ngoài ra, để hậu thế
biết ai là người đầu tiên dùng đế hiệu này, ông đặt thêm chữ Thủy thành Tần Thủy Hoàng Đế, nghĩa là vị
hoàng đế đầu tiên của nhà Tần. Tư Mã Thiên đã chép về việc này:
Trẫm là Thủy Hoàng Ðế, các đời sau cứ theo số mà tính: Nhị Thế, Tam Thế đến Vạn Thế truyền mãi mãi
[5]
.
Như vậy, dưới đời nhà Tần, hoàng đế là chức cao nhất, được hiểu là vua nước lớn, và vương là vua
nước nhỏ. Ðến khi Triệu Cao diệt nhà Tần, ông bỏ cách xưng đế, trở về định chế vương. Sử gia Tư Mã Thiên
ghi lại sự kiện này:
Thủy Hoàng làm vua cả thiên hạ nên xưng đế. Nay sáu nước lại tự lập, đất đai của Tần càng nhỏ đi, làm
đế chỉ có cái tên hão mà thôi, như thế không nên, nên làm vương như trước
[6]
.
Tuy nhiên, từ đời nhà Hán về sau, vua Tàu nào cũng mặc nhiên dùng hai chữ hoàng đế cho đế hiệu của

mình
[7]
. Sự phân biệt đế và vương trên đây, giải thích lý do tại sao từ Triệu Đà đến các vua sau cùng nhà
Nguyễn, trên mặt ngoại giao với Trung Quốc, tuyệt đại đa số vua Việt chỉ xưng vương mà không xưng đế. Kết
luận này sẽ được chứng minh thêm trong phần nghiên cứu các đế hiệu vua Việt Nam có từ vương.
b. Đế hiệu có từ vương. Vua Việt Nam có nhiều vị xưng vương. Tại sao vua Việt xưng vương, vua Tàu
không có thái độ phản đối như xưng đế ? Chúng ta tìm hiểu vấn đề này qua pháp chế nhà Hán. Nhà Hán diệt
nhà Tần, chia Trung Quốc ra làm nhiều nước. Nước lớn thì gọi là quận, nước nhỏ gọi là huyện. Các nước này
đều gọi là quốc, và người đứng đầu quận được phong là vương, đứng đầu huyện là hầu. Đối với các nước
láng giềng Trung Quốc, nhà Hán cho là phiên thuộc và vua các nước ấy được phong tối đa tới chức vương,
nghĩa là dưới đế một bậc. Việt Nam bị xếp vào loại phiên thuộc, nên các vua Tàu phong cho các vua Việt
chức vương là bậc cao nhất. Triệu Đà (207-136 TCN) xưng đế nhưng vua Tàu chỉ phong làm Nam Việt
Vương, Đinh Bộ Lĩnh xưng Đinh Tiên Hoàng Đế (968-979) được phong Giao Chỉ Quận Vương, Lê Đại Hành
(980-1005) được Nam Bình Vương. Đời Lý, vua Tống Thần Tông nước Tàu phong cho Lý Thánh Tông (1054-
1072) chức Nam Bình Vương
[8]
. Sang đời Trần, vua Tàu phong cho Trần Thánh Tông (1258-1278) chức An
Nam Quốc Vương và Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông (1225-1258) chức An Nam Đại Vương
[9]
. Từ vua Lê
Nhân Tông (1443-1459) tới Lê Tương Dực (1510-1516), vua Tàu đều phong cho làm An Nam Quốc Vương.
Vua Quang Trung (1788-1792) cũng là An Nam Quốc Vương và vua Gia Long (1802-1819) là Việt Nam Quốc
Vương.
Riêng trong thời hậu Lê, về mặt tổ chức, nước ta có hai hệ thống: một do vua Lê, một do chúa Trịnh cầm
đầu. Trong chế độ này, vua Lê tuy được xem là chủ tể quốc gia có đế hiệu, niên hiệu, nhưng quyền hạn lại
nằm trong tay chúa Trịnh. Ngược lại, chúa Trịnh trên danh nghĩa là bề tôi, phải nhận sự tấn phong của vua Lê,
nhưng lại có thực quyền. Để giải quyết vấn đề chồng chéo này, người ta đưa ra giải pháp được vua Lê chấp
thuận là phong cho Trịnh Tùng và con cháu nối nghiệp ông chức vương. Vương không phải là đế nhưng cũng
có nghĩa là vua. Chức vương của các chúa Trịnh khác với vương của các triều đại trước.
Các triều đại Tàu cũng như Việt có lệ phong vương, nhưng vương của các triều đại ấy chỉ là một thứ

tước hiệu tôn quý, tặng cho những người trong hoàng tộc, hoặc những người có công với triều đình. Có
người được tôn phong là đại vương như Hưng Đạo Đại Vương. Nhưng vương ở đây chỉ là thứ tên tước,
đứng đầu trong các tước hiệu công, hầu, bá, tử, nam. Và theo pháp chế thời xưa, người mang tên tước
không có quyền hạn, chỉ hưởng bổng lộc của triều đình. Vì vậy, dân gian thường nói tước lộc. Ngược lại,
vương của các chúa Trịnh là một chức vụ, không phải tước hiệu, nghĩa là vừa có trách nhiệm, vừa có quyền
lực, vừa có bổng lộc như ông vua của một nước.
Đồng thời với 11 chúa Trịnh ở miền Bắc, miền Nam có 9 chúa Nguyễn. Các chúa Nguyễn chỉ xưng tước
Công như Đoan Quận Công, Thụy Quận Công, Nhân Quận Công. Công là một trong 6 tước được xếp theo
thứ tự cao thấp là: vương, công, hầu, bá, tử, nam. Lý do các chúa Nguyễn xưng công, dưới vương một bậc,
vì ban đầu so về quyền lực và sức mạnh, thì các chúa Nguyễn yếu thế hơn chúa Trịnh. Nhưng về sau, khi
chúa Trịnh yếu thế, chúa Nguyễn trở nên mạnh thì 2 chúa cuối cùng là Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) xưng
là Minh Đô Vương và Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) xưng là Định Vương.
Tước công của các chúa Nguyễn thực ra cũng không phải là tên tước, mà là tên chức vụ, vì cũng như
chúa Trịnh, chúa Nguyễn vừa có quyền, vừa có lộc. Sở dĩ như vậy vì thời hậu Lê, nước Việt ở trong tình trạng
đặc biệt, vua Lê có chính danh nhưng không có thực quyền. Quyền hành nằm cả trong tay chúa Trịnh phía
Bắc và chúa Nguyễn phía Nam.
c. Đế hiệu do vua Trung Quốc phong cho: Từ khi thoát khỏi ách đô hộ Trung Quốc, các vua Việt luôn đề
cao tinh thần tự chủ độc lập, thể hiện qua việc các ngài xưng vương, xưng đế, đặt quốc hiệu, và niên hiệu cho
triều đại của mình
[10]
. Tuy quyết tâm bảo vệ độc lập, nhưng các vua Việt cũng ý thức rằng, chiến tranh hay áp
dụng chính sách ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc là điều bất lợi cho dân tộc. Vì vậy, các nhà lãnh đạo lúc
bấy giờ đã có một đường lối ngoại giao hòa hoãn. Dù có chiến thắng vẻ vang như trường hợp Quang Trung
Nguyễn Huệ (1788-1792) đại phá quân Thanh, thì ngay sau đó, vua ra lệnh cho Ngô Thời Nhiệm phải gửi phái
đoàn đi sứ, xin nộp cống để tỏ thái độ thần phục hoàng đế Trung Quốc.
Về phía triều đình Trung Quốc, họ cũng biết là nếu không xâm chiếm được đất Việt, thì phong cho các
vua Việt đế hiệu có chữ vương như một ấn chứng vua Việt lệ thuộc vào nước Tàu. Chức vụ này qua các triều
đại đã được dần dần nâng cao:
Nhà Ngô: Năm 954, vua Nam Hán phong cho Hậu Ngô Vương (950-965) chức Tĩnh Hải Quân Tiết Ðộ Sứ.
Nhà Đinh: Năm 976, vua Tống phong Đinh Tiên Hoàng (968-979) làm Giao Chỉ Quận Vương.

Nhà tiền Lê: Năm 980, Lê Đại Hành (980-1005) được phong Giao Chỉ Quận Vương, sau được Nam Bình
Vương.
Nhà Lý: Năm 1010, Lý Thái Tổ (1010-1028) ban đầu được phong là Giao Chỉ Quận Vương, sau được
Nam Bình Vương. Từ đời Lý Anh Tông (1138-1175) trở đi, các vua nhà Lý được phong là An Nam Quốc
Vương.
Nhà Trần: Năm 1258, vua Tàu phong cho Trần Thánh Tông (1258-1278) chức An Nam Quốc Vương và
Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông (1225-1258) chức An Nam Đại Vương
[11]
.
Nhà hậu Lê: Từ Lê Nhân Tông (1443-1459) tới Lê Tương Dực (1510-1516), vua Tàu đều phong cho làm
An Nam Quốc Vương.
Nhà Tây Sơn: Năm 1788, Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-1792) được phong là An Nam Quốc Vương.
Nhà Nguyễn: Năm 1802, vua Gia Long (1802- 1819) được phong là Việt Nam Quốc Vương.
Việc phong vương cho các vua Việt trên đây biểu lộ rõ ràng thâm ý vua Tàu coi đất Việt là một quận
[12]
của Trung Quốc nên có quyền chỉ định viên chức đại diện. Vua Việt chấp nhận tình trạng này vì muốn duy trì
mối giao hảo với Trung Quốc. Tuy nhiên, các ngài chỉ dùng chức vị đó khi có việc giao thiệp với Trung Quốc,
còn khi liên lạc với các nước láng giềng hay đối với thần dân trong nước, các vua Việt từ Đinh Tiên Hoàng
đến các vị sau cùng nhà Nguyễn, vị nào cũng xưng hoàng đế.

TIẾT B: NIÊN HIỆU

1. Định Nghĩa Niên Hiệu: Niên hiệu là danh hiệu vị vua được đặt khi lên ngôi để thần dân trong nước gọi
các ngài, thay vì tên chánh, đồng thời để tính năm trị vì. Khi vua Tự Đức (1848-1883) ra chiếu chỉ soạn thảo
bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, thì dụ chỉ khởi đầu bằng câu: Tự Đức năm thứ tám, tháng 12
ngày 15 (tức 22-1-1856 tây lịch). Mỗi khi đặt niên hiệu, vua coi đó là biến cố quan trọng nên thường đại xá cho
các phạm nhân.

2. Nguồn Gốc Niên Hiệu: Niên hiệu bắt nguồn từ triều đình Trung Quốc. Năm 140 TCN, Hán Vũ Đế Lưu
Triệt là người đầu tiên đặt niên hiệu cho mình là Kiến Nguyên. Từ đó về sau, vua Tàu nào cũng có một hay

nhiều niên hiệu.
Tại Việt Nam, Lý Bôn (544-549) là vua đầu tiên đặt niên hiệu là Thiên Đức. Từ Triệu Quang Phục (549-
571) đến Ngô Xương Ngập (950-965), chúng tôi chưa biết được niên hiệu của những vị vua trong thời gian
này. Nhưng từ Đinh Tiên Hoàng (968-979) đến vua Bảo Đại (1926-1945), vị nào cũng có niên hiệu. Ngoài ra,
dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, chỉ vua Lê được đặt niên hiệu, còn chúa Trịnh hay chúa Nguyễn, dù có thực
quyền, vẫn bị coi là thần dân, nên không có niên hiệu.

3. Nguyên Tắc Chọn Niên Hiệu: Niên hiệu là danh hiệu của vị lãnh đạo tối thượng quốc gia nên nguyên
tắc chọn niên hiệu rất cẩn trọng. Về mặt phát âm, phải chọn chữ nào đọc lên nghe âm vang và trong sáng. Về
mặt ý nghĩa, phải chọn chữ nói lên được sự tốt lành, thái bình, và đội ơn thần linh
[13]
. Vì hai nguyên tắc trên
mà 730 niên hiệu của các vua Trung Quốc và 126 niên hiệu của các vua Việt, có nhiều điểm tương tự. Ví dụ
để biểu lộ ý nghĩa theo mệnh trời, 65 niên hiệu cuả vua Tàu và 17 niên hiệu của vua Việt đều có chữ Thiên
như: Thiên Thuận, Thiên Phúc, Thiên Thánh, Thiên Phù, Thiên Thụ.

4. Hình Thức Niên Hiệu: Không có nguyên tắc nào ấn định niên hiệu phải là bao nhiêu chữ. Với các vua
Trung Quốc, hầu hết niên hiệu có 2 chữ, cũng có 3, 4, và nhiều nhất là 6 chữ. Niên hiệu của Huệ Tông Lý
Bỉnh Thường có 6 chữ: Thiên Tứ Lễ Thịnh Quốc Khánh. Đối với vua Việt, người ta thấy 89 niên hiệu có 2 chữ,
và 17 niên hiệu có 4 chữ. Chỉ các vua triều Lý dùng 4 chữ, và một vua nhà Trần là Trần Thái Tông (1225-
1258) có niên hiệu 4 chữ: Thiên Ứng Chính Bình.

5. Mục Đích Của Niên Hiệu: Niên hiệu là tên để dân chúng gọi một ông vua nên khi xưa dân gian chỉ biết
niên hiệu chứ không biết tên thật của vua. Trong các thư tịch do các sử gia bản triều viết, người ta còn dùng
lối gọi toàn xưng như: Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế, tức vua Gia Long, hoặc Đức Hiến tổ Chương Hoàng Đế,
tức vua Thiệu Trị. Sở dĩ có tình trạng trên vì hai nguyên nhân.
a. Để tránh phạm húy: Trong xã hội ta cũng như Tàu có phép kỵ húy, nghĩa là phải tránh đọc hay viết tên
những bậc trưởng thượng.
b. Ðể thần thánh hóa: Ðể thần thánh hóa uy quyền tối thượng của nhà vua, cổ luật Việt Nam đã không
những cấm viết, mà còn cấm cả việc đọc tên thật của vua. Luật Gia Long điều 62 đã quy định như sau:

Kẻ nào trong một bản viết tấu hay trình gì với vua mà dùng một tiếng trùng với tên vua hay tên một hoàng
khảo, sẽ bị phạt 80 gậy. Nếu tội phạm húy mắc phải trong giấy tờ khác sẽ là 40 gây. Kẻ nào phạm tội ấy mà
lại còn dùng tên ấy làm tên đẻ của mình sẽ bị phạt 100 gậy
[14]
.

6. Ý Nghĩa Niên Hiệu: Phân tích ý nghĩa các từ trong niên hiệu, người ta thấy niên hiệu bắt nguồn từ triết
lý vương quyền trong Nho Giáo. Theo lý thuyết này, vua trị nước là do mệnh trời nên các sắc dụ của vua ban
ra đều được mở đầu bằng câu Thế Thiên Hành Đạo, nghĩa là thay trời hành đạo. Trên ấn triện của Tần Thủy
Hoàng người ta thấy câu: Thụ Mệnh Vu Thiên, nghĩa là nhận mệnh lệnh từ trời. Ngoài ra, triết lý vương quyền
còn coi vua là con trời nên vua phải là mẫu người đạo đức, nhân từ. Sau đây xin liệt kê một số niên hiệu để
chứng minh mối liên hệ giữa thiên mệnh và niên hiệu:

Tên Vua Niên Hiệu Ý Nghĩa
Lý Nam Ðế (544-548) Thiên Ðức Ðức của trời
Lê Ðại Hành (980-1005) Thiên Phúc Phúc của trời
Lý Nhân Tông (1128-1138) Thiên Thuận Thuận ý trời
Lê Thái Tổ (1328-1433) Thuận Thiên Thuận ý trời
Lê Thánh Tông (1460-1497) Hồng Ðức Ðức sáng
Lê Thuần Tông (1732-1735) Long Ðức Ðức thịnh vượng
Lê Mẫn Ðế (1787-1788) Chiêu Thống Về chính thống
Nguyễn Thế Tổ (1802-1819) Gia Long Ban thịnh vượng

7. Sự Thay Đổi Niên Hiệu: Niên hiệu không có tính cách cố định. Có vua chỉ dùng một niên hiệu, có vua
thay đổi niên hiệu nhiều lần và mỗi khi thay đổi, vua chỉ cần ra chiếu chỉ thông báo cho toàn dân. Tại Trung
Quốc, Hán Vũ Đế ở ngôi 54 năm, thay đổi niên hiệu 11 lần. Võ Tắc Thiên ở ngôi 21 năm, thay đổi 18 lần, và
bà là vua có nhiều niên hiệu nhất Trung Quốc.
Tại Việt Nam, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) được tiếng là nhân từ, đổi niên hiệu 8 lần và là vua có
nhiều niên hiệu nhất
[15]

.

Niên Hiệu Năm
Thái Ninh 1072-1075
Anh Võ Chiêu Thắng 1076-1084
Quang Hữu 1085-1091
Hội Phong 1092-1100
Long Phù 1101-1109
Hội Tường Ðại Khánh 1110-1119
Thiên Phù Duệ Võ 1120-1126
Thiên Phù Khánh Thọ 1127
Vua Lý Anh Tôn đổi niên hiệu 4 lần:

Niên Hiệu Năm
Thiệu Minh 1138-1139
Đại Định 1140-1162
Bảo Ứng 1163-1173
Thiện Cẩm 1174-1175

Việc thay đổi niên hiệu không dựa trên nguyên tắc nào. Ở Trung Quốc, có thuyết nói từ triều Nguyên về
trước, khi có sự kiện đặc biệt xảy ra, vua có thể thay đổi niên hiệu để ghi nhớ sự kiện đó. Ví dụ Hán Vũ Đế
đổi niên hiệu ra Nguyên Quang vì năm đó có sao chổi xuất hiện, niên hiệu Nguyên Thú vì vua đi tuần thú bắt
được con thú lạ bạch lân, Nguyên Đỉnh vì đào được chiếc đỉnh (vạc) quý, Thiên Hán vì năm đó có nhiều thiên
tai, hạn hán nên đổi niên hiệu để cầu mưa
[16]
.
Tại Việt Nam, mỗi khi trong nước có loạn lạc, dịch tễ, mất mùa, đói kém, nhà vua tin rằng mình là con trời,
đã không làm tròn nhiệm vụ, đã vi phạm lỗi lầm nên cần phải sửa đổi ăn năn. Thiện chí này được biểu lộ bằng
cách thay đổi niên hiệu. Khi thay đổi niên hiệu, các vua tin rằng sẽ đem lại sự bình an và may mắn cho dân
chúng. Bằng chứng là năm 1628, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Tộ, có nạn đói kém nên năm 1629

vua đổi niên hiệu thành Ðức Long. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi như sau:“Vì hạn hán, đói kém, đổi niên hiệu
là Ðức Long, đại xá cho thiên hạ.”
[17]

Ngoài niềm tin trên, vua Việt còn thay đổi niên hiệu để ghi nhớ một sự kiện quan trọng đã xảy ra. Sách
Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ghi:
Vào năm Giáp Tuất đời Lý Thái Tông (1028-1054), niên hiệu Thông Thụ, có nhà sư tên là Nghiêm Bảo
Tính và Phạm Minh Tâm tự thiêu, cháy hết biến thành thất bảo (bảy của quý) vua cho là việc lạ bèn đổi niên
hiệu thành Càn Phù Hữu Đạo
[18]
.
Cũng đời Lý Thái Tông, khi đánh thắng Chiêm Thành, vua đổi niên hiệu ra Thiên Cảm Thánh Vũ
[19]
.

TIẾT C: TÔN HIỆU

1. Định Nghĩa Tôn Hiệu: Tôn hiệu là tên vua được triều đình đặt trong những ngày đặc biệt như ngày lên
ngôi hoàng đế, ngày thượng thọ ngũ tuần, lục tuần, ngày thắng trận trở về. Trong các dịp này, đình thần tổ
chức buổi lễ mừng, đồng thời dâng lên vua một tôn hiệu để ca ngợi vua.

2. Nguyên Tắc Dâng Tôn Hiệu: Không có nguyên tắc quy định khi nào dâng tôn hiệu, nhưng đọc sử thấy
tôn hiệu được dâng vào các dịp sau đây: Khi Đinh Bộ Lĩnh (968-979) lên ngôi hoàng đế, đình thần dâng tặng
tôn hiệu: Ðại Thắng Minh Hoàng Ðế
[20]
. Theo sử cũ Ðinh Tiên Hoàng là vua đầu tiên có tôn hiệu.
Khi Lê Đại Hành (980-1005) đại phá quân Nam Hán ở Bạch Ðằng Giang, đình thần dâng tôn hiệu là Minh
Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng Đế.
Khi vua Lý Thái Tông (1028-1054) dẹp được cuộc nổi dậy của Nồng Tồn Phúc, các quan dâng tôn hiệu:
Kim Dũng Sinh Ngân, Nùng Bình Phiên Phục. Nghĩa là vàng sôi lên, bạc sinh ra, họ Nùng bị diệt, phiên bang

phục tùng.
Khi Lý Thái Tông diệt Sạ Đẩu, các quan xin dâng tôn hiệu: Thánh Đức Thiên Cảm, Tuyên Uy Thánh Võ.
Khi Lý Chiêu Hoàng (1224-1225) nhường ngôi cho Trần Cảnh, quần thần dâng tôn hiệu: Khải Thiên Lập Cực,
Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế. Và khi Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông (1225-1258) nhường ngôi để lên
làm thái thượng hoàng thì triều đình dâng tôn hiệu: Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế
[21]
. Khi
Trần Thái Tông (1225-1258) thượng thọ thất tuần, đình thần dâng tôn hiệu: Uyên Ý Khâm Cung Nhân Từ Đức
Thọ Hoàng Đế. Khi Trần Thánh Tông (1258-1278) lên ngôi, đình thần dâng tôn hiệu là Hiến Thiên Thể Đạo
Đại Minh Quang Hiếu Hoàng Đế.
Đọc lịch sử không thấy trường hợp nào các quan xin dâng tôn hiệu mà vua từ chối. Duy nhất một trường
hợp vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã khiêm tốn từ chối lời xin dâng tôn hiệu, và khuyên các quan như sau:
Trẫm chưa dám nói đến danh hiệu Hoàng Đế. Đối với các khanh, Trẫm xưng là Hoàng Thượng. Đối với
Thái Miếu, Trẫm xưng là Tự Hoàng, như thế cũng đủ khác với danh hiệu của các thân vương rồi. Những lời ấy
các khanh nên nghĩ lại. Sau này, vài năm nữa, nếu thấy trên thì trời thuận, dưới thì dân yên, mưa gió điều
hòa, nước lớn thân thiện, nước nhỏ sợ uy, mới có thể bàn đến tôn hiệu.Các khanh nghĩ lại xem
[22]
.

3. Mục Đích Của Tôn Hiệu: Như đã nói, tôn hiệu có mục đích ca ngợi vua nên triều đình đã không tiếc
lời đặt tôn hiệu rất dài, đi đến chỗ nịnh bợ. Vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có tôn hiệu dài nhất Việt Nam, tới 52
chữ:
Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu
Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh Quảng Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứn Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man
Duệ Mưu Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế
[23]
.
Việc dâng tôn hiệu quá dài, đi đến chỗ nịnh hót, đã bị các sử gia thời quân chủ lên án. Sử gia Ngô Sĩ Liên
viết:
Kinh thư tôn xưng vua Nghiêu là Phóng Huân, vua Thuấn là Trùng Hoa. Những bề tôi đời sau theo đức

hạnh có thực mà tôn xưng vua đến hơn chục chữ đã là nhiều rồi. Bây giờ bề tôi dâng tôn hiệu cho Lý Thái Tổ
đến 50 chữ. Thế là không kê cứu học vấn đời xưa, chỉ cốt nịnh vua. Thái Tổ nhận mà không từ chối đó là
muốn khoe khoang để cho đời sau không ai hơn được đều là sai cả. Về sau dâng tôn hiệu cho Thái Tông
cũng đến gần 50 chữ, có lẽ cũng bắt chước cái sai lầm ở đây
[24]
.
Lê Ngọa Triều là ông vua tàn ác, nhưng triều đình cũng dâng tôn hiệu: Khai Thiên Ứng Vận Thánh Văn
Thần Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế
[25]
.

TIẾT D: THỤY HIỆU

1. Định Nghĩa Thụy Hiệu: Trong Hán tự, thụy nghĩa là tốt, thụy hiệu nghĩa là tên tốt. Theo sử Ký Tư Mã
Thiên, tên thụy còn gọi là hiệu bụt
[26]
. Đối với các vị vua, thụy hiệu được gọi là thánh thụy, tức tên của ông vua
mới băng hà, được vua kế vị hay các quan trong Bộ Lễ đặt để tránh tên húy. Thụy hiệu có hai loại: công thụy
và tư thụy. Công thụy do vua hay triều đình đặt, tư thụy do con cháu trong gia đình, bạn bè, môn đồ đặt cho
người quá vãng.
Thánh thụy thuộc loại công thụy bắt đầu có từ thời nhà Chu. Chu Văn Vương có thụy hiệu là Văn. Chu Vũ
Vương có thụy hiệu là Vũ. Ðến đời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng bãi bỏ lệ đặt tên thụy vì cho rằng con cái phê
phán cha, bầy tôi bàn luận về vua là điều không đúng
[27]
. Nhưng đến đời Hán, lệ đặt tên thụy lại được tiếp tục.
Công thức của thụy hiệu gồm 2 phần: phần đầu là một hay nhiều từ chỉ tên thụy, phần hai là từ hoàng đế hay
từ vương.

2. Nguyên Tắc Chọn Thụy Hiệu: Cách giải thích và đặt thụy hiệu gọi là thụy pháp. Đối với công thụy,
hành vi được đánh giá theo ba cấp: xấu, trung bình, tốt.

a. Thụy hiệu xấu: Triều đình Trung Quốc chọn các chữ: Lệ, U, Hôn, Dạng để đặt thụy hiệu xấu. Theo Từ
Ðiển Hán Việt của Ðào Duy Anh thì Lệ có nghĩa là tàn bạo, U: tối tăm; Hôn: tối tăm, mê loạn; Dạng: ốm đau,
bệnh hoạn. Chu Vương Cơ Hồ vì thống trị tàn bạo, sau khi chết có tên thụy là Lệ Vương. Sách Thụy Pháp
Giải cho rằng tàn sát kẻ vô tội gọi là Lệ. Cơ Vung Niết cũng tàn bạo nên có thụy hiệu là U Vương. Theo Thụy
Pháp Giải, U có nghĩa là làm
đảo lộn lễ nghi, loạn luân. Tiên Bảo Quyền, sau khi lên ngôi, sống đời hoang dâm phóng túng, nên có thụy
hiệu là Đông Hôn Hầu. Chữ Hôn nói lên bản tính tăm tối, tàn bạo, dâm dật. Trần Thúc Bảo và Dương Quảng
đời Tùy đều hung tàn bạo ngược, là hôn quân nên được đặt thụy hiệu là Dạng Đế. Sách Tự Trị Thông Giám
của Hồ Tam Tỉnh giải thích ham gái, xa lễ, bạo ngược với dân gọi là Dạng
[28]
.
b. Thụy hiệu trung bình: Các triều đại Trung Quốc dùng chữ Bình để đặt thụy hiệu trung bình. Cơ Nghi
Cữu, vua thứ nhất của Đông Chu, tuy không có công gì nhiều, nhưng được dân thương xót nên có thụy hiệu
là Bình Vương. Sách Thụy Pháp Giải nói trị nước mà không có lầm lỗi lớn thì được gọi là Bình
[29]
.
c. Thụy hiệu tốt: Tuyệt đại đa số các vua Trung Quốc đều có thụy hiệu tốt. Trước thời nhà Tần, thụy hiệu
có một chữ: hoặc là Văn, hoặc là Vũ. Chữ Văn dùng để biểu lộ khả năng về mặt văn hóa, chính trị lương hảo.
Chữ Vũ để biểu lộ khả năng quân sự. Sang triều Hán, người ta dùng 2 chữ mà chữ đầu bao giờ cũng là chữ
Hiếu nên thụy hiệu của Lưu Triệt là Hiếu Vũ Đế. Sang đời Tấn, Đường, không dùng thụy hiệu 2 chữ nữa mà
dùng nhiều chữ để ca ngợi công đức của vua. Ví dụ hoàng đế Thuận Trị đời Thanh có thụy hiệu 25 chữ là:
Thế Thiên Long Vận, Định Thống Kiến Cực, Anh Duệ Khâm Văn, Hiển Võ, Đại Đức Hoằng Công, Thánh Nhân
Thuần Tôn Chương Hoàng Đế
[30]
.

3. Thụy Hiệu Của Các Vua Chúa Việt Nam: Các vua chúa Việt cũng áp dụng chế độ đặt thụy hiệu. Theo
sử gia Lê Văn Hưu, vua và hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào lăng tẩm, thì triều đình vẫn dùng đế hiệu
để gọi vị vua ấy. Khi chôn rồi, triều đình họp lại, xem đức hạnh của vua tốt hay xấu mà đặt thụy hiệu. Trước
thời Lê Đại Hành (980-1005), không thấy sử cũ ghi thụy hiệu của vua nào. Đại Việt Sử Lược ghi thụy hiệu của

Triệu Đà là Vũ Đế
[31]
, nhưng ông này là người Tàu, không phải người Việt. Sử gia Lê Văn Hưu, trong Ðại Việt
Sử Ký Toàn Thư, ghi thụy hiệu vua Lê Ðại Hành là Đại Hành. Nhiều vua Việt áp dụng đúng nguyên tắc ban
đầu của thụy hiệu là dùng một từ:

Thụy Hiệu Miếu Hiệu Tên Vua
Văn Thái Tông Văn Hoàng Đế Lê Thái Tông
Tuyên Nhân Tông Tuyên Hoàng Đế Lê Nhân Tông
Thuần Thánh Tông Thuần Hoàng Đế Lê Thánh Tông
Võ Thái Tổ Võ Hoàng Đế Bình Ðịnh Vương
Nhân Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Minh Mạng
Chương Hiến Tổ Chương Hoàng Ðế Thiệu Trị

Tuy nhiên, cũng có vị vua bắt chước vua Tàu, dùng nhiều từ để đặt thụy hiệu. Ví dụ khi vua Trần Thái
Tông mất năm 1234, triều đình đặt thụy hiệu với 20 chữ: Thống Thiên Ngự Cực Long Công Hậu Đức Hiền
Hòa Hựu Thuận Thần Văn Thánh Võ Nguyên Hiếu Hoàng Đế
[32]
.

TIẾT E: MIẾU HIỆU

1. Định Nghĩa Miếu Hiệu: Miếu hiệu là tên vua đã chết được vua nối ngôi, hoặc đình thần đặt để viết trên
bài vị hay trên các bài văn tế đọc trong các dịp giỗ chạp. Dưới thời quân chủ, các sử gia bản triều chỉ được
dùng niên hiệu và miếu hiệu để làm mốc ghi chép sự kiện lịch sử.

2. Nguồn Gốc Miếu Hiệu: Miếu hiệu phát xuất từ Trung Quốc. Hai ông Lý Nham Linh và Cố Ðạo Hinh
cho biết, đầu tiên, các vua Tàu dùng hai chữ Tổ hay Tông để làm miếu hiệu và miếu hiệu bắt đầu được dùng
từ thời nhà Thương (1766-1200 TCN). Thương Thang có miếu hiệu là Cao Tổ. Sang đời Chu, Tần, người ta
bỏ danh hiệu tổ hay tông. Nhưng đến đời Hán thì Lưu Bang khai sáng nhà Hán, được đặt là Thái Tổ, cháu là

Lưu Triệt được đặt là Thế Tông. Lý Uyên khai sáng nhà Đường được đặt là Cao Tổ, Lý Thế Dân là Thái
Tông. Tuyệt đại đa số vua Tàu, từ Hán Vũ Đế đến vua Quang Tự nhà Thanh, ông nào cũng có miếu hiệu
[33]
.

3. Nguyên Tắc Đặt Miếu Hiệu: Khi đặt miếu hiệu, vua hay triều đình phải căn cứ vào thế hệ thứ cấp
trong hoàng tộc để xác định vị trí cao thấp trong thái miếu. Các từ để chỉ thứ cấp là: tổ, tông, hay tôn. Tổ có
nghĩa là người khai sáng triều đại. Tông nghĩa là dòng họ. Tại Việt Nam, nhiều sách sử ghi miếu hiệu với chữ
Tôn. Tôn là tiếng đọc trại để tránh tên vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Miên Tông. Nguyên tắc định miếu hiệu
là vua có công khai sáng triều đại được gọi là tổ. Những vua kế vị được gọi là tông.

4. Miếu Hiệu Của Các Vua Chúa Việt Nam: Trong số các vị vua Việt, sử sách ghi 49 vị có miếu hiệu với
chữ tổ, tôn, hay tông. Vị vua đầu tiên được sử ghi miếu hiệu là Lê Trung Tông (tr.v.1005). Từ năm 1005 đến
1884, vị vua nào cũng có miếu hiệu. Sau đây là một số ví dụ :

Nhà Tiền Lê Lê Trung Tông.
Nhà Lý Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông.
Nhà Trần Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông.
Nhà Hậu Lê Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông.
Nhà Mạc Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông.
Nhà Nguyễn Nguyễn Thế Tổ.

Trường hợp nhà tiền Lê, sử sách không ghi miếu hiệu của vua Lê Ðại Hành nên không biết ngài có miếu
hiệu ra sao. Riêng trường hợp nhà Trần, chúng tôi chưa tìm được sử liệu nào giải thích tại sao vị vua sáng lập
triều đại không được đặt miếu hiệu là Trần Thái Tổ, mà lại đặt là Trần Thái Tông. Với nhà Nguyễn, chúng tôi
cũng chưa giải thích được tại sao cả vua Gia Long, Minh Mạng, và Thiệu Trị đều có miếu hiệu với chữ Tổ:
Nguyễn Thế Tổ, Nguyễn Thánh Tổ, Nguyễn Hiến Tổ. Bốn trường hợp trên là các ngoại lệ trong lịch sử miếu
hiệu của vua chúa Việt Nam. Đọc sách sử được viết dưới thời quân chủ, người ta còn gặp loại danh xưng mà
các nhà sử học gọi là toàn xưng, tức là lối phối hợp miếu hiệu, tên thụy và đế hiệu: Sau đây là các ví dụ:


Tên Chính
Miếu Hiệu Thụy Hiệu
Toàn Xưng
Nguyễn Nhạc
Thái Tổ Võ
Thái Tổ Võ Hoàng Ðế
Nguyễn Phúc Ánh
Thế Tổ Cao
Thế Tổ Cao Hoàng Ðế

Cách gọi toàn xưng trên được các sử gia sau này gọi chung là miếu hiệu.
Khi chết, các hoàng hậu cũng được triều đình đặt miếu hiệu, được thờ trong thái miếu
[34]
. Ví dụ:

Tên Chính Miếu Hiệu Vợ của
Tống Thị Lan Thừa Thiên Cao Hoàng Hâu Gia Long
Trần Thị Ðang Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu Gia Long
Hồ Thị Hoa Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Minh Mạng
Phạm Thị Hằng Thiên Chương Hoàng Hậu Thiệu Trị

Đến đời Gia Long, các chúa Nguyễn cũng được truy tôn hoàng đế, có miếu hiệu, nên các sách Thực Lục,
Liệt Truyện, Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều dùng những danh xưng dành cho hoàng đế để gọi các
chúa Nguyễn như con trai là hoàng tử, con gái là công chúa, các người trong họ hàng là tôn thất
[35]
. Trái lại,
các chúa Trịnh cũng được đặt miếu hiệu, nhưng chỉ là vương, dưới đế một bậc.
Ngoài các miếu hiệu có ý nghĩa đẹp, người ta còn thấy các miếu hiệu Lê Ngọa Triều, Đinh Phế Đế, Trần
Phế Đế. Lê Ngọa Triều, tức Lê Long Đĩnh (1005-1009) đã giết anh là Lê Long Việt, tức Lê Trung Tông (1005)
mới lên ngôi được 3 ngày. Long Đĩnh có đế hiệu là Khai Minh Vương, nhưng vì có cuộc sống ăn chơi, trác

táng, phải nằm khi yết triều, nên vua Lý Thái Tổ, sau khi lật đổ Lê Long Đĩnh, đã đặt cho ông vua này miếu
hiệu: Lê Ngọa Triều
[36]
.
Theo định nghĩa của sử gia Ngô Thời Sĩ, Phế Đế hay Mạt Đế là miếu hiệu dân gian đặt cho các vua
không đáng là vua hay bị truất phế
[37]
. Đinh Tuệ (979-980) bị Lê Đại Hành lật đổ nên sử gọi là Phế Đế. Trần
Nghiễn (1377-1388), con Trần Duệ Tông (1372-1377), bị truất phế nên gọi là Trần Phế Đế. Năm 1954, miền
Nam Việt Nam có cuộc trưng cầu dân ý để chọn lựa vua Bảo Đại (1926-1945) hay Thủ Tướng Ngô Đình Diệm
(1954-1963). Dân chúng chọn ông Ngô Đình Diệm và lúc đó báo chí gọi vua cuối cùng nhà Nguyễn là Phế Đế
Bảo Đại.


MỤC II: DANH XƯNG ÐẶC BIỆT CỦA THƯỜNG DÂN VIỆT NAM

Muốn chỉ một cá nhân nào đó, tùy theo giai cấp, tín ngưỡng, tùy theo lúc sống hay chết, tùy theo già hay
trẻ, người Việt Nam có rất nhiều tên để gọi. Ngôn ngữ Việt có những từ sau đây chỉ các loại tên: bí danh, bút
hiệu, nhũ danh, nghệ danh, pháp danh, pháp tự, pháp hiệu, tên, tên cái, tên đệm, tên họ, tên gọi, tên chữ, tên
cúng cơm, tên hèm, tên hiệu, tên húy, tên riêng, tên thánh, tên thụy, tên tục, tên tự, thương hiệu.
Không kể tên họ, tên riêng, người Việt có thể có một trong những tên dưới đây mà chúng tôi gọi là danh
xưng đặc biệt. Sở dĩ gọi là đặc biệt vì không phải ai cũng có. Trong mục này, các danh xưng đặc biệt sẽ được
lần lượt nghiên cứu qua các tiết: (a)) tên tục, (b) tên tước, (c) tên tự, (d) tên hiệu, (e) bút hiệu, (f) nghệ danh,
(g) thương hiệu, (h) bí danh, (i) tên thụy, (k) tên tôn giáo. Trong phần tên tôn giáo sẽ nói đến pháp danh, pháp
hiệu của người Phật Giáo Tiểu Thừa và Phật Giáo Ðại Thừa, tên các vị chức sắc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, và
tên thánh của người Công Giáo.

TIẾT A: TÊN TỤC

1. Định Nghĩa Tên Tục: Theo định nghĩa của Đại Từ Điển Tiếng Việt, tên tục là tên do cha mẹ đặt lúc

mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé, thường dùng từ Nôm và xấu để tránh sự chú ý, đe dọa của ma quỷ
[38]
.

2. Tên Tục – Nhũ Danh – Tiểu Danh: Tên mà người Việt gọi là tên tục thì người Trung Quốc gọi là tiểu
danh hay nhũ danh, được đặt lúc đứa bé mới sinh và cũng có ý nghĩa xấu. Gọi là nhũ danh vì tên này được
đặt lúc đang bú. Trong tiếng Hán, nhũ có nghĩa là vú nên các nhà tính danh học Mỹ dịch chữ nhũ danh là Milk
Name (tên sữa). Theo Elsdon C. Smith, tiểu danh hay nhũ danh chỉ có một từ, nhưng được thêm âm A vào
đàng trước. Ví dụ A Man là tiểu danh của Tào Tháo, và A Đẩu là tiểu danh của Lưu Thiện, con của Lưu Bị.
Khi lớn lên, người Trung Quốc không dùng tiểu danh hay nhũ danh nữa. Và lúc này, ai dùng tên đó để gọi, thì
đó là một điều sỉ nhục cho người ấy. Đọc Tam Quốc Chí, mỗi lần Lưu Bị hay Tôn Quyền tức tối gì với Tào
Tháo, ta thấy hai đối thủ này thường lôi tiểu danh Tào Tháo ra chửi: “thằng nhãi con Tào A Man”. Man trong
tiếng Hán có nghĩa là gian xảo, quỷ quyệt.

3. Nguyên Nhân Đặt Tên Tục: Đối với người Việt, khi xưa có nạn trẻ chết yểu và người ta giải thích vì tà
ma thích bắt những đứa trẻ đẹp. Do vậy, các cha mẹ không muốn ai khen con mình đẹp, sợ tà ma biết, đồng
thời đặt tên xấu cho đứa trẻ nhằm đánh lừa tà ma. Sở dĩ gọi là tên tục vì dùng các từ có ý nghĩa tục tằn như
bộ phận sinh dục, chỉ sự dơ bẩn, hay là tên loài vật.
Tên tục tĩu: thằng Cu, con Đĩ, cái Hến, cái Hĩm, thằng Cò, thằng Gái
Tên dơ bẩn xấu xí: Bùn, Sẹo. Què v.v…
Tên súc vật: Muông, Cầy, Cáo, Cún,Vện, Đực v.v…
Trường hợp đẻ nhiều mà vẫn bị chết yểu, thì đứa con mới sinh được đặt là Xin, với ý nghĩa đây là đứa
con xin về nuôi, hay đứa con của kẻ ăn mày, ăn xin. Người Trung Quốc có tục đặt tên con trai là Xẩm. Xẩm có
nghĩa là người đàn bà. Tất cả những cách thức chọn lựa đó, chỉ nhằm mục đích đánh lừa tà ma.
Khi đứa trẻ lên khoảng 5 đến 10 tuổi, nghĩa là hầu như thoát khỏi giai đoạn mà dân gian tin là bị tà ma
chú ý, thì cha mẹ bắt đầu đặt tên chính thức cho con. Lúc này ai nhắc đến, hoặc gọi tên tục người đó, là xúc
phạm đến danh dự của người ấy. Trong các đám cãi nhau liên quan đến vấn đề tên tục, Đại Từ Điển Tiếng
Việt nêu ra thí dụ: Cứ gọi tên tục ra mà chửi, ai mà chẳng tức
[39]
.

Lệ đặt tên tục rất phổ biến trong xã hội cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, lệ này dần dần biến mất khi trình
độ tri thức khoa học của dân Việt được nâng cao.Lý do khác nữa làm loại tên này biến mất là dưới thời Pháp
thuộc, chính quyền buộc cha mẹ làm ngay giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh. Trong thực tế, tên tục vẫn tồn tại và
chỉ biến mất ở nông thôn Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 20.
Tục lệ đặt tên xấu không chỉ có trong các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc như Nhật Bản, Đại
Hàn, Việt Nam mà thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Các sắc dân thiểu số ở Indonesia, Lào, Thái Lan, Miến Điện,
và các dân tộc vùng Đông Nam Á đều có tục lệ này
[40]
. Theo bách khoa từ điển Britannica, thì tục lệ này thấy
có ở Hy Lạp, các nước Phi Châu chung quanh sa mạc Sahara
[41]
.

TIẾT B: TÊN TƯỚC

1. Định Nghĩa Tên Tước: Tên tước là tên của vua ban cho các người trong hoàng tộc hay những người
có công với tổ quốc. Quyền phong tước là đặc quyền của vua và những người được phong tước coi đó là một
ân điển. Để hiểu tên tước, ta cần phân biệt hai định chế chức và tước.
Theo định nghĩa của những nhà khảo cứu pháp chế sử, chức là một trách vụ trong bộ máy chính quyền,
tước là tôn hiệu danh dự, không hàm ý trách nhiệm và quyền hành
[42]
.

2. Nguồn Gốc Tên Tước: Trước triều đại nhà Đinh, sử cũ không cho biết gì về tên tước. Đến đời nhà
Đinh, tài liệu cổ về đời này thấy ghi tước Vương và Quốc Công. Quốc Công là một tước dưới tước Quận
Vương và bắt đầu được dùng ở Trung Quốc về đời nhà Tùy (581-618). Sang triều Lý, ngoài tước Thái Sư,
các đại thần còn được phong tước Thái Phó và Thái Bảo là những tước thuộc hàng tam công đời nhà Ân và
Chu bên Trung Quốc. Công thức đặt tên tước là lấy một địa danh đặt trước tên tước. Ví dụ Kiến An Vương là
tên tước của Nguyễn Phúc Miên Ðài. Kiến An là tên phủ thuộc tỉnh Định Tường, Vương là tên tước.


3. Phẩm Trật Tên Tước: Hệ thống tên tước dưới đời hậu Lê được vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ấn
định rất rõ rệt, gồm 6 bậc: vương, công, hầu, bá, tử, nam .
Tước Vương: Dành cho Hoàng tử. Cách đặt tước Vương là lấy tên phủ làm tên hiệu kèm theo chữ
Vương. Ví dụ Kiến Hưng Vương. Con của hoàng tử cũng được tước Vương nhưng lấy tên huyện kèm theo
chữ Vương như Hải Lăng Vương.
Tước Công: Dành cho các con hoàng thái tử và thân vương. Tước Công gồm một mỹ tự và từ ngữ Công
như Triệu Khang Công.
Tước Hầu: Dành cho con trưởng của tự thân vương hay thân công được phong. Tước hầu gồm một mỹ
tự và từ ngữ Hầu như: Vĩnh Kiến Hầu.
Tước Bá: Dành cho các hoàng thái tôn, các con của tự thân vương, tự thân công, con trưởng của thân
công chúa. Tước Bá gồm một mỹ tự và chữ Bá. Ví dụ Tĩnh Cung Bá.
Tước Tử: Thuộc hàng chánh nhất phẩm, dành cho các con thứ của thân công chúa, con trưởng tước
hầu, tước bá. Tước tử gồm một mỹ từ và chữ Tử. Ví dụ Kiến Xương Tử.
Tước Nam: Được coi như hàng tòng nhất phẩm, dành cho con trưởng của thân công chúa được truy
tặng, con thứ của tước hầu, tước bá. Tước Nam gồm một mỹ từ và chữ Nam. Ví dụ Quảng Trạch Nam.
Về phẩm trật, năm 1471, vua Lê Thánh Tôn ấn định cửu phẩm. Mỗi phẩm lại chia làm hai bực: chánh và
tùng. Để định vị trí cao thấp của hệ thống tên tước, phải căn cứ vào đơn vị tư. Người càng có nhiều tư thì
càng có tước cao. Tư là đơn vị của hàng tùng cửu phẩm. Cửu phẩm là hàng thấp nhất có 1 tư. Cao hơn là
chánh cửu phẩm có 2 tư. Hàng tùng bát phẩm có 3 tư. Hàng chánh bát phẩm có 4 tư. Như vậy hàng cao nhất
là chánh nhất phẩm có 18 tư. Hệ thống cửu phẩm dành cho quan chức nhỏ và thường dân.
Bên trên hệ thống cửu phẩm, còn có 6 tước được xếp theo thứ tự từ thấp đến cao là: nam tước, tử tước,
bá tước, hầu tước, quận công, quốc công. Những người được phong các tước trên, mỗi người sẽ được thêm
một tư. Như vậy nam tước có 19 tư và quốc công có 24 tư. Hệ thống tên tước của triều Lê được áp dụng
dưới triều Nguyễn và còn được bổ túc thêm nhiều tước vị.

Bảng Phẩm Trật Và Tư Dưới Triều Lê Thánh Tông

Tước Vị Số Tư
Quốc công 24 tư
Quận công 23 tư

Hầu tước 22 tư
Bá tước 21 tư
Tử tước 20 tư
Nam tước 19 tư

Phẩm Trật Hàng Chánh Hàng Tùng
Nhất phẩm 18 tư 17 tư
Nhị phẩm 16 tư 15 tư
Tam phẩm 14 tư 13 tư
Tứ phẩm 12 tư 11 tư
Ngũ phẩm 10 tư 9 tư
Lục phẩm 8 tư 7 tư
Thất phẩm 6tư 5 tư
Bát phẩm 4 tư 3 tư
Cửu phẩm 2 tư 1 tư

4. Các Trường Hợp Được Ban Tên Tước: Vua thường ban tên tước cho ba trường hợp sau đây:
a. Người giữ chức vụ quan trọng: Những người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình thường được vua
phong cho một tước.Ví dụ Trần Quốc Tuấn có chức Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh quân đội, nhưng cũng
được phong tước Hưng Đạo Vương.
b. Người trong hoàng tộc và những công thần: Người trong hoàng tộc và những người có công với quốc
gia được vua tặng tên tước. Dưới triều Nguyễn, các hoàng tử đều được phong tước vương, quận vương,
công hay quận công. Cách thức đặt tên tước là vua chọn một địa danh của tỉnh, phủ, huyện, xã rồi thêm tên
tước vào, với ngụ ý người đó có quyền tại địa phương ấy. Sách Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ ghị rõ
nguyên tắc phong tước như sau: Phàm người được phong tước có đất làm thái ấp, nhự Thân Vương thì lấy
tên tỉnh; Quận Vương, Thân Công, Quốc Công, Quận Công thì lấy tên phủ; Huyện Công, Huyện Hầu thì lấy
tên huyện; Hương Công, Hương Hầu, Ðình hầu thì lấy tên xã. Dưới nữa theo chức mà gọi
[43]

Vua Minh Mạng có 78 hoàng tử, mỗi ông đều có tên tước. Xin trích dẫn một số tước vị làm ví dụ:


Tên Hoàng Tử
Ðịa Danh và Tên Tước
Miên Định Thọ Xuân Vương
Miên Nghi Ninh Thuận Quận Vương
Miên Hoành Vĩnh Tường Quận Vương
Miên Áo Phú Bình Công
Miên Thần Nghi Hào Quận Công
Miên Phú Phù Mỹ Quận Công
Miên Thủ Hàm Thuận Quận Công
Miên Thẩm Tùng Thiện Quận Công

Riêng những người trong hoàng tộc, khi được phong tước, còn được hưởng bổng lộc của triều đình. Vào
năm 1840, vua Minh Mạng quy định bảng bộc lộc hàng năm cấp cho những người được phong tước trong
hoàng tộc
[44]
.

Tên Tước Tiền (quan) Gạo (phương)
Thân Vương 1500 1200
Quận Vương 1200 1000
Thân Công 1000 800
Quận công 700 500
Huyện Công 500 350
Hương Công 450 300
Huyện Hầu 180 100
Kỳ Nội Hầu 180 100
Kỳ Ngoại Hầu 170 90
Đình Hầu 160 80
Trợ Quốc Khanh 150 70

Tá Quốc Khanh 150 70
Phụng Quốc Khanh 130 60
Trợ Quốc Uý 45 35
Tá Quốc Uý 42 32
Trợ Quốc Lang 38 28
Tá Quốc Lang 36 26
Phụng Quốc Lang 34 24

Tên tước không những được phong cho các người còn sống, mà cho cả những công thần đã chết. Thí dụ
linh mục Trần Lục, chánh xứ Phát Diệm, tạ thế năm 1899. Đến năm 1925, vua Khải Định xét tiểu sử thấy linh
mục có công dưới triều Tự Đức, nên phong cho ngài: Phát Diệm Nam Tước.
c. Những thần thánh: Những thần thánh trong các đình miếu cũng được vua tặng tên tước. Thành Hoàng
Ma La Cẩn được thờ tại Phú Nhuận Đình, Gia Định, được phong là Ma La Cẩn Thành Hoàng Đại Vương Tôn
Thần. Loài rái cá cũng được thần thánh hóa, được ban tên tước. Theo truyền tụng, rái cá cứu vua Gia Long
khi bị Tây Sơn đuổi đánh, nên khi lên ngôi, đã phong rái cá tước Lăng Lại Đại Tướng Quân Tôn Thần. Tên
tước đã đi vào lịch sử, khi chế độ quân chủ chấm dứt vào năm 1945.

TIẾT C: TÊN TỰ

1. Định Nghĩa Tên Tự: Theo định nghĩa của Đại Từ Điển Tiếng Việt, tên tự là tên đặt dựa vào tên vốn có
thường phổ biến trong giới trí thức thời phong kiến
[45]
. Trong Hán văn, chữ Tự có nhiều nghĩa. Chữ tự trong
Tên Tự được viết với bộ nhân có nghĩa là giống như. Ví dụ: Tương Tự. Tên tự là tên giống như tên chính.
Người Trung Hoa đặt ra tên tự để người khác tránh tên húy của mình. Đối với dân gian xưa, tên tự còn được
gọi là tên chữ vì các cụ thường dùng từ Hán Việt để đặt tên này. Ví dụ khi viết tiểu sử cụ Nguyễn Đình Chiểu
(1822-1888), các sách vở thường ghi: tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trọng Phủ hay Hối Trai. Tên tự bắt đầu có từ
đời nhà Chu, sau khi triều đại này đặt ra phép kỵ húy tên vua. Tên tự đã tồn tại suốt thời kỳ quân chủ tại Trung
Quốc cũng như tại Việt Nam.


2. Mục Đích Tên Tự: Tên tự đặt ra để kiêng húy tên chánh, nên nguyên tắc căn bản khi đặt tên tự là làm
sao giữa tên chánh và tên tự có sự liên hệ với nhau. Nói khác đi, nói đến tên tự, người ta có thể suy ra tên
chánh và ngược lại. Nguyên tắc đặt tên tự được sách Bạch Hồ Thông ấn định như sau: Vấn danh tri kỳ tự,
vấn tự tri kỳ danh, nghĩa là hỏi tên chánh biết tên tự, hỏi tên tự biết tên chánh. Một khi đã có tên tự, người
khác sẽ dùng tên đó để gọi cá nhân ấy trong việc giao tiếp xã hội. Ví dụ khi viết về Hán Cao Tổ, thay vì phải
nói tên chính là Lưu Bang thì Tư Mã Thiên đã chép: Cao Tổ người làng Trọng Dương, ấp Phong, quận Bái, họ
Lưu, tên tự là Quý. Ba nhân vật thời Tam Quốc là Tào Tháo được gọi là Tào Mạnh Đức, Lưu Bị được gọi là
Lưu Huyền Đức, Tôn Quyền được gọi là Tôn Trọng Mưu.
Ngày xưa, lúc Hán học còn thịnh hành, tên các danh nhân đều viết bằng Hán tự nên việc tìm hiểu sự liên
hệ giữa tên chánh và tên tự có phần dễ dàng. Ngày nay, ta gặp trở ngại lớn vì tên các danh nhân được viết
bằng quốc ngữ, có âm nhưng không biết mặt chữ Hán thế nào. Do đó, không biết đích xác tên các cụ có ý
nghĩa ra sao vì nhiều chữ đồng âm nhưng dị nghĩa.

3. Nguồn Gốc Tên Tự: Tại Việt Nam, không có sử liệu nào cho biết tên tự có từ bao giờ. Sử gia Lê Tắc
trong An Nam Chí Lược ghi ông Ðỗ Viện sống cuối đời Ðông Tấn (317-419) có tên tự là Ðạo Ngôn. Còn đọc
tiểu sử các nhà nho trong thế kỷ thứ 10, chưa thấy vị nào lấy tên tự. Nhưng đọc Lĩnh Nam Dật Sử, ta thấy
nhân vật chính là Hoàng Quỳnh, người Mường, có tên tự là Phùng Ngọc
[46]
. Sách này do Ma Văn Cao soạn và
người cháu năm đời là Ma Văn Khái tặng cho Trần Nhật Duật để ông này đem dịch ra Hán văn, cho in năm
1297. Như thế, nếu tính từ Ma Văn Cao đến người cháu năm đời, thì sách này ít nhất đã được viết vào
khoảng thế kỷ thứ tám, thứ chín. Như vậy, người Việt đã biết dùng tên tự cách đây hơn 1000 năm.

4. Nhiệm Vụ Tên Tự: Đọc tiểu sử các danh nhân Trung Quốc cũng như Việt Nam, ta thấy tên tự có thể là
tên đơn, tên hai chữ, ba chữ. Nhưng tuyệt đại đa số là tên hai chữ và nếu phân tích các tên tự, ta thấy chỉ một
trong hai chữ có liên quan đến tên chính, còn từ ngữ kia được thêm vào để làm một trong ba nhiệm vụ sau
đây:
a. Để chỉ thứ cấp trong họ hàng: Người Trung Quốc cũng như Việt Nam ghép một từ như Bá, Mạnh,
Trọng, Quý, Trưởng, Cao vào tên tự để chỉ thứ cấp họ hàng. Ta có thể kể các ví dụ: Đức Khổng Phu Tử tên
là Khổng Khâu (551-479 TCN), tự là Trọng Ni. Ngài chọn chữ Trọng trong nhóm Bá, Mạnh, Trọng, Quý để cho

biết ngài là con thứ trong gia đình. Còn chữ Ni liên quan đến chữ Khâu vì tại Trung Quốc có ngọn núi Ni Khâu
là nơi mà bố mẹ đức Khổng Tử đã cầu tự ngài ở đó
[47]
. Nhắc tới chữ Ni, người ta nghĩ ngay đến chữ Khâu.
Tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) cho biết tên tự của ông là Trọng Minh. Chữ Trọng
chỉ người con thứ, chữ Minh đồng nghĩa với Huy là ánh sáng.
b. Để chỉ sự tôn kính: Người Trung Quốc cũng như Việt Nam dùng các từ sau đây để ghép với tên tự chỉ
sự tôn kính: Công, Chi, Doãn, Hoằng, Khổng, Ông, Phu, Phủ, Phụ, Thúc, Sĩ. Ví dụ Gia Cát Lượng, chiến lược
gia thời Tam Quốc, có tự là Khổng Minh. Minh và Lượng có nghĩa là ánh sáng. Từ Khổng được thêm vào để
tỏ ý tôn kính. Cùng chiến tuyến với Gia Cát Lượng có quân sư Bàng Thống, tự Sĩ Nguyên. Chữ Thống có
nghĩa là hợp tất cả lại làm một, đồng nghĩa với chữ Nguyên nghĩa là các thành phần không thể phân ly ra
được. Chữ Sĩ để tỏ ý tôn kính.
Tại Việt Nam, ông Trương Hán Siêu (?-1354), danh nhân nhà Trần, có tự là Thăng Phủ. Thăng và Siêu
đều có nghĩa là tiến lên chỗ cao hơn. Còn từ Phủ thêm vào để tỏ ý tôn kính.
c. Để tên tự có âm thanh hài hòa và có ý nghĩa đẹp. Ngày xưa, đa số tên tự được các cụ thêm một từ
ngữ để có âm thanh hài hòa, có ý nghĩa hoa mỹ. Ví dụ Quan Vũ, một danh tướng thời Tam Quốc có tên tự là
Vân Trường. Vũ và Vân có mối liên hệ với nhau. Vũ là cánh chim bay, Vân là mây gió, còn chữ Trường được
thêm vào để có âm thanh hài hòa và ý nghĩa hay. Vân Trường là giải mây dài.
Bà Nguyễn Nhược thị, tên là Nguyễn Thị Bích (1830-1901), tác giả Hạnh Thục Ca, có tên tự là Lang
Hoàn. Bích và Lang trong Hán tự có nghĩa là ngọc, còn Hoàn là viên, được thêm vào cho có ý nghĩa. Lang
Hoàn là viên ngọc.

5. Phương Pháp Đặt Tên Tự: Như đã nói, nguyên tắc đặt tên tự là làm sao giữa tên tự và tên chánh có
sự liên hệ. Để đạt mục tiêu này, các danh nhân Trung Quốc cũng như Việt Nam đã áp dụng bốn phương
pháp sau đây:
a. Dùng chữ đồng nghĩa: Theo phương pháp này, tên chính và tên tự đồng nghĩa. Đa số các danh nhân
Trung Quốc và Việt Nam dùng phương pháp này để chọn tên tự. Ta có thể nêu các ví dụ: Tại Trung Quốc,
nhân vật lịch sử Tào Tháo thời Tam Quốc có tên tự là Mạnh Đức. Tháo và Đức trong Hán tự đều có nghĩa là
đức hạnh, phẩm giá. Chữ Mạnh thêm vào để chỉ người con thứ. Đồng thời với Tào Tháo có dũng tướng
Trương Phi, tự là Dực Đức. Phi và Dực đều có nghĩa là bay. Còn chữ Đức được thêm vào để tên thêm phần

hoa mỹ. Lão Tử tên thật là Lý Nhĩ, tự Bá Dương. Dương và Nhĩ đều có ý nghĩa liên quan đến mặt trời. Thầy
Mạnh Tử tên chính là Mạnh Kha, tên tự là Tử Dư. Chữ Kha có nghĩa là trục xe, chữ Dư có nghĩa thùng xe, cả
hai được viết với bộ xa là cái xe. Thầy Nhan Hồi có tên tự là Uyên. Hồi và Uyên đều có nghĩa là dòng nước,
được viết với bộ thủy. Lỗ Túc, chính trị gia thời Tam Quốc, quân sư cho Tôn Quyền, có tên tự Tử Kính. Túc
và Kính đều có nghĩa là cung kính. Thầy Tệ Dư, đồ đệ của đức Khổng Tử có tên tự là Tử Ngã. Dư và Ngã có
nghĩa là tôi. Nhà cách mạng Lương Khải Siêu (1873-1929) có tự là Trác Như. Trác và Siêu đều có nghĩa là
vượt lên cao hơn nữa.
Tại Việt Nam, cụ Trương Hán Siêu có tên tự là Thăng Phủ. Từ ngữ Siêu và Thăng đều có nghĩa là tiến
lên chỗ cao hơn. Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) có tên tự là Doãn Hậu. Đôn và Hậu đều có nghĩa là
thành thực. Danh sĩ triều Nguyễn là Trương Quốc Dụng (1797-1864) có tự là Dĩ Hành. Dụng và Dĩ đều có
nghĩa là dùng. Thi sĩ Trần Tế Xương có tự là Tử Thỉnh. Thịnh và Xương đều có nghĩa là phồn vinh, phát đạt.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) có tự là Mạnh Trạch. Chiểu và Trạch có nghĩa là cái đầm, cái ao. Khi viết,
hai chữ này đều có bộ thủy. Hai học giả miền Nam thời Pháp thuộc là các ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898)
tự là Sĩ Tải và Trương Minh Ký tự là Thế Tải. Chữ Tải trong tên tự của hai ông có nghĩa bóng là nhân tài làm
được việc lớn
[48]
. Còn chữ Ký có nghĩa bóng là nhân tài kiệt xuất
[49]
. Nhà văn Đào Trinh Nhất (1900-1951) có
tự là Quán Chi. Nhất và Quán đều có nghĩa hạng nhất, đứng đầu.
b. Dùng phương pháp loại suy: Phương pháp này là dựa vào tên chính, suy ra tên tự hay ngược lại. Ta có
thể nêu các thí dụ sau: Đời Xuân Thu Chiến Quốc, có ông Tư Mã Canh, tự là Tử Ngưu. Canh là cầy ruộng. Áp
dụng phương pháp loại suy, ta thấy khi cầy ruộng thì cần trâu, tức Ngưu, nên ông Tư Mã Canh đã chọn tên tự
là Tử Ngưu, chữ Tử thêm vào để tỏ ý tôn kính như Lão Tử, Khổng Tử. Ông Chu Trương tự là Tử Cung. Cung
là cây cung, khi nói đến cung, ta nghĩ đến việc phải trương giây cung. Danh tướng Triệu Vân thời Tam Quốc
có tự là Tử Long. Nói tới vân là mây, ta nghĩ đến long là rồng bay trong mây. Tôn Quyền, vua của Đông Ngô
thời Tam Quốc, có tự là Trọng Mưu. Trong Hán tự, từ kép Quyền Mưu nghĩa là mưu kế để đối phó với những
trường hơp phi thường hay mưu kế gian quyệt. Do vậy, người tên Quyền lấy tên tự là Mưu, còn từ Trọng chỉ
thứ cấp trong gia tộc.
Tại Việt Nam, các cụ cũng áp dụng nguyên tắc này. Ông Lý Văn Phức (1785-1849), tác giả Nhị Thập Tứ

Hiếu có tự là Lân Chi. Chi có nghĩa là một thứ cỏ thơm. Nói đến thơm, người ta nghĩ đến chữ Phức là hương
thơm. Cụ Trương Đăng Quế, danh nhân triều Nguyễn, có tên tự là Diên Phương. Phương có nghĩa là mùi
thơm. Diên Phương nghĩa là mùi thơm ngào ngạt, nhắc ta nhớ đến mùi thơm cây quế. Ông Lương Nhữ Hộc,
đỗ thám hoa đời Lê Thái Tông (1434-1442), là tổ nghề in ở Việt Nam, có tên tự là Tường Phủ. Tường có
nghĩa là chim bay lượn. Chữ Tường và chữ Hộc đều viết với bộ điểu, từ đó loại suy ra tên chánh phải là loại
chim: chim hộc giống như con thiên nga. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) tự là Hạnh Phủ. Hạnh là đức
hạnh, liên hệ đến Khiêm là nhún nhường. Còn từ Phủ thêm vào để tỏ vẻ tôn kính.
c. Dùng điển tích để đặt tên tự: Phương pháp này là lấy một thành ngữ, một câu văn, hay điển tích của
Tàu mà trong đó có cả tên chính và tên tự. Xin nêu vài Ví dụ
[50]
: Đời nhà Hán có ông Ngụy Triết tự Tri Nhân.
Ông lấy tên Tri Nhân vì thành ngữ Trung Quốc có câu: “Tri Nhân Tức Triết”. Ông Lộc Long có tên tự là Tại
Điền. Trong Kinh Dịch có câu: “Hiên Long Tại Ðiền” nên người tên Long lấy tên tự là Tại Điền. Ông Phan
Nhạo có tự là An Nhân. Trong sách Luận Ngữ có câu: “Trí Giả Nhạo Thủy, Nhân Giả Nhạo Sơn”, nghĩa là
người có trí thích nước, người có lòng nhân thích núi. Tên chánh là Nhạo nên lấy tên tự là Nhân.
Tại Việt Nam, các nhà nho xưa cũng áp dụng phương pháp này. Ông ngoại của Giáo sư Nguyễn Ngọc
Huy là cụ Trần Minh Đức có tự là Nhuận Thân. Chữ Đức và Nhuận Thân đều có trong câu của sách Đại Học:
“Phú Nhuận Ốc, Đức Nhuận Thân”. Nghĩa là sự giàu có làm nhà ở tốt đẹp, đức hạnh làm thân mình tốt đẹp.
Học giả Bùi Kỷ có tên tự là Ưu Thiên. Theo sách Liệt Tử và Tả Truyện, nước Kỷ có người suốt ngày lo trời
sập. Do vậy, nhắc đến ưu thiên, nghĩa là lo trời sập, người ta nghĩ ngay đến người nước Kỷ. Đó là lý do tại
sao cụ Bùi Kỷ lấy tên tự là Ưu Thiên.
d. Dùng tiếng phản nghĩa để đặt tên tự: Nếu áp dụng phương pháp này, tên tự và tên chính phải có ý
nghĩa trái ngược nhau. Ví dụ nhà thơ Đào Tiềm (372-472) của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng
của các nhà nho Việt Nam có tên tự là Nguyên Lượng. Lượng và Tiềm trái nghĩa nhau. Tiềm có nghĩa là ẩn
dấu trong khi Lượng có nghĩa là phô bày ra. Đời Xuân Thu Chiến Quốc, môn đệ đức Khổng Tử là ông Đoàn
Mộc Tứ có tự là Tử Cống. Theo từ điển của Đào Duy Anh, chữ Tứ là người trên cho người dưới, còn Cống là
hiến dâng, hàm ý người dưới dâng cho người trên
[51]
. Ông Bốc Thương tự là Tử Hạ. Ta biết, khi xưa Thương
và Hạ là hai triều đại Trung Quốc kình chống lẫn nhau. Thi sĩ Hàn Dũ đời Ðường làm bài văn ném xuống sông

để cá sấu đi có tên tự là Thoái Chi. Dũ và Thoái trái nghĩa nhau. Dũ là tiến thêm lên còn Thoái là thụt lùi lại.
Danh thần nhà Nguyễn là ông Trần Tiễn Thành, khi trước tên là Dưỡng Độn, tự là Thời Mẫn, hiệu là Tốn
Trai. Độn và Mẫn trái nghĩa nhau. Độn có nghĩa là không rõ ràng, tối tăm, chậm chạp, còn Mẫn có nghĩa là
thông minh, mau mắn.
Ngoài bốn cách phổ thông trên, người Trung Quốc còn dùng nhiều cách thế phức tạp khác để đặt tên tự.
Ví dụ đời Xuân Thu có ông Nhiên Đơn, tự là Tử Cách. Chữ Cách là tấm da trâu nhuộm màu đỏ để làm áo
giáp. Còn chữ Đơn nghĩa là màu đỏ. Nên nghe chữ Cách, người ta phải suy luận qua hai giai đoạn mới biết
tên chánh là Đơn.
Qua các thí dụ trên, ta thấy có nhiều cách thế đặt tên tự và các cụ xưa quan niệm rằng tên tự càng bí
hiểm bao nhiêu, càng tỏ ra mình trí thức bấy nhiêu. Thành ra, hiểu được tên tự của các cụ không phải là điều
dễ dàng. Tuy nhiên, tên tự lại là một đề tài rất ý nghĩa về phương diện ngữ học. Do đó, vấn đề cần được
nghiên cứu sâu rộng để có thể làm được quyển từ điển về tên tự, như các nhà ngữ học Âu Mỹ và Trung Quốc
đã làm về tên hiệu của các người thời danh trong nước họ
[52]
.

6. Nghi Lễ Đặt Tên Tự Tại Việt Nam: Tên tự được người xưa đặt trong ngày lễ mà người Việt gọi là lễ
Thành Đinh, tức thành người, còn người Trung Quốc gọi là lễ Gia Quan, tức lễ đội mũ. Lễ này cử hành cho
nam giới, lúc khoảng 20 tuổi, tức lứa tuổi mà xã hội coi người đó đã đạt mức trưởng thành. Lễ thành đinh là
một biến cố có ý nghĩa nên được cử hành trong một buổi lễ trang trọng.
Lễ thành đinh được tổ chức như sau: Trước hết, cha mẹ chọn ngày lành tháng tốt tổ chức buổi lễ. Khách
mời là bà con nội ngoại và một số bạn bè thân quen. Tất cả tề tựu trước bàn thờ gia tiên, được trần thiết với
nhang đèn, hoa trái. Chủ lễ là vị trưởng thượng trong dòng họ hay người có uy tín trong thôn xóm được cha
mẹ mời. Người thanh niên trong bộ áo dài the, quỳ trước bàn thờ. Mở đầu, chủ lễ làm lễ lên đèn, sau đó cử
hành nghi thức cáo gia tiên, rồi ngỏ lời khuyên bảo người thanh niên:
Con ơi, nay con lớn khôn, bắt đầu từ hôm nay, con phải gánh trách nhiệm trong gia đình, xã hội. Phải biết
tự trọng, nuôi ý chí lập thân, học hành chăm chỉ
[53]
.
Sau đó, người cha hay vị trưởng lão lấy khăn xếp đội cho anh và tuyên bố tên tự của anh. Từ ngày cử

hành lễ thành đinh, theo nguyên tắc, người con hết lệ thuộc vào bố mẹ. Anh có thể thay mặt cha mẹ quản lý
tài sản, thừa kế hương hỏa và chịu trách nhiệm về những công việc mình làm. Trách nhiệm đó được coi là
nặng nề, nên trong nhiều gia đình, người thanh niên phải trải qua cuộc trắc nghiệm về sức khỏe, gia chánh,
hay những cuộc thi đua đòi óc sáng kiến để chứng tỏ hội đủ điều kiện đạt trình độ tự lập.
Như đã nói, tên tự được đặt bằng từ Hán Việt nên hiểu được tên tự là điều khó. Do vậy, thông thường chỉ
nhà nho, hay tầng lớp khá giả mới có tên tự. Giới bình dân ít ai đặt tên tự cho mình. Nếu có, cũng phải nhờ
các nhà nho đặt và giải thích ý nghĩa cho. Từ ngày có tên tự, người khác sẽ dùng tên đó gọi thay tên chính để
tỏ lòng kính trọng.

TIẾT D: TÊN HIỆU

1. Định Nghĩa Tên Hiệu: Theo định nghĩa của học giả Trung Quốc Sheau Yueh J. Chao, tên hiệu hay biệt
hiệu là tên của nhà nho dùng để ghi dấu nơi chốn một người được giáo dục về mặt tri thức và đạo đức, đồng
thời là nơi dùng để sáng tác hay biên soạn các tác phẩm văn chương, học thuật
[54]
. Ngoài ra, các nhà nho
cũng dùng tên hiệu để biểu lộ lý tưởng, đức tính, ý muốn, sở thích của mình.

2. Nguồn Gốc Tên Hiệu: Tên hiệu có tại Trung Quốc vào thời nhà Chu, nhưng tại Việt Nam, người ta
chưa biết văn thi sĩ nào là người đầu tiên đặt tên hiệu cho mình. Lịch sử có nói đến các ông Trương Trọng, Lý
Tiến, Lý Cầm là các du học sinh đi Trung Quốc dưới thời Hán, và Khương Công Phụ dưới thời Đường.
Nhưng không thấy sử sách nào nói các ông này có tên hiệu là gì. Mãi đến thời nhà Trần, khi nền Hán học
được khá phổ biến, đã có những văn thi sĩ, thì lúc ấy mới thấy một Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) có tên
hiệu là Giới Hiên, một Trương Hán
Siêu (?-1354) là Thăng Am.

3. Hình Thức Tên Hiệu: Phân tích tên hiệu của nho sĩ Việt Nam, ta có thể chia làm ba loại.
a. Tên hiệu chỉ nơi sinh hoạt trí thức. Tên loại này có hai chữ. Chữ đầu để diễn tả tinh thần hay khung
cảnh làm việc. Chữ thứ hai chỉ nơi chốn làm việc. Để chỉ nơi chốn, các cụ thường dùng các chữ: Trai, Hiên,
Am, Đường, Vân.

b. Tên hiệu chỉ nơi sinh quán. Tên loại này thường có tên làng xã hay tên sông núi nơi quê hương các cụ.
c. Tên hiệu để chỉ đức tính hay triết lý sống. Dù tên hiệu thuộc loại nào, các cụ bao giờ cũng cố gói ghém
vào đó một lý tưởng đạo đức.

4. Phương Pháp Đặt Tên Hiệu Để Chỉ Nơi Đọc Sách: Nếu tên hiệu để chỉ nơi đọc sách hay sinh hoạt
trí thức, các cụ áp dụng 5 cách sau đây.
a. Đặt tên hiệu với từ ngữ Trai: Trong Hán tự, chữ trai do tiếng trai phòng, thư trai, hay trai xá. Tất cả đều
có nghĩa là nơi đọc sách hay thư viện. Nhiều bậc danh nho Việt Nam đã dùng từ trai để làm thành phần cho
tên hiệu. Xin đan cử một số ví dụ
[55]
:

Tên Tên Hiệu Ý Nghĩa
Phạm Sư Mạnh (thế kỷ 14) Úy Trai Phòng đóng kín
Lý Văn Phức (1785-1849) Khắc Trai Phòng nghiêm trang
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) Ngộ Trai Phòng mở trí tuệ
Nguyễn Quý Tân (1811-1858) Đĩnh Trai Phòng ngay thẳng.
Nguyễn Trãi ( 1380-1442) Ức Trai Phòng suy tư
Phùng Khắc Khoan (1528-1613) Nghị Trai Phòng bàn luận
Hoàng Diệu ( 1828-1882) Tĩnh Trai Phòng yên lặng
Phạm Quý Thích (1760-1825) Lập Trai Phòng lập thân
Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) Tĩnh Trai Phòng yên lặng

b. Đặt tên hiệu với từ Hiên: Theo Từ Điển Hán Việt của ban Tu Thư Nghĩa Thục thì hiên là ngôi nhà nhỏ
hoặc hành lang có cửa sổ dùng để làm thư phòng hay uống trà
[56]
. Các danh nho xưa dùng từ hiên để làm
thành phần tên hiệu của mình. Xin nêu các thí dụ sau:

Tên Tên Hiệu Ý Nghĩa

Nguyễn Trung Ngạn Giới Hiên Hiên nhà giới luật.
Lương Thế Vinh ( ? ) Thụy Hiên Hiên nhà quý giá
Nguyễn Nghiễm (1708-1775) Nghị Hiên Hiên nhà bàn luận
Nguyễn Du (1765-1820) Thanh Hiên Hiên nhà thanh cao
Vũ Cán ( 1475- ?) Tùng Hiên Hiên nhà cây thông
Phan Huy Uông ( ? ) Nhã Hiên Hiên nhà thanh cao

c. Đặt tên hiệu với từ Am: Am là lều tranh hay chùa nhỏ. Các nhà nho dùng từ này làm thành phần tên
hiệu cho mình với ngụ ý nơi sinh hoạt trí thức đơn sơ, nghèo nàn.

Tên Tên Hiệu Ý Nghĩa
Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) Đạm Am Nơi đạm bạc
Nguyễn Thông (1827-1894) Độn Am Nơi suy nghĩ
Lý Tử Tấn (1378-1457) Chuyết Am Nơi dừng chân
Phan Huy Ôn (1755-1786) Chỉ Am Nơi đạt lý tưởng
Trần Danh Án ( ?) Liễu Am Nơi hiểu rõ
Bùi Huy Bích (1741-1818) Tồn Am Nơi giữ thiên tính
Nguyễn Thiếp (?) Hạnh Am Nơi giữ đức tính
Trương Hán Siêu ( ? –1345) Thăng Am Nơi tiến cao hơn
Nguyễn Công Hãn (1680-1732) Tĩnh Am Nơi yên lặng

d. Đặt tên hiệu với từ Ðường: Đường có nghĩa là nhà chính trong cung thất
[57]
. Các nhà nho chọn loại tên
hiệu này để biểu lộ đức tính:

Tên Tên Hiệu Ý Nghĩa
Lê Quý Đôn (1726-1784) Quế Ðường Nhà hương thơm
Phạm Quý Thích (1760-1825) Thảo Đường Cư Sĩ Nhà lợp cỏ của cư sĩ
Phạm Phú Thứ Trúc Đường Nhà người quân tử


e. Đặt tên hiệu với từ Vân: Ngày xưa, người Trung Quốc dùng một thứ cỏ gọi là vân để kẹp trong sách,
để sách khỏi bị con nhậy cắn phá. Do đó, sách còn được người Trung Quốc gọi là vân biên, thư viện là vân
đài hay vân thự, cửa sổ thư viện gọi là vân song. Các nhà nho dùng từ vân trong tên hiệu để chỉ nơi đọc sách
như các từ am, hiên, trai, đường. Tất cả đều biểu lộ tâm tính thích đọc hay viết sách của các cụ. Cụ Chu
Mạnh Trinh (1862-1905) có hiệu là Trúc Vân. Trúc Vân nghĩa là nơi đọc sách của bậc hiền nhân vì trúc trong
nghệ thuật Trung Quốc tượng trưng cho người quân tử.

5. Đặt Tên Hiệu Để Chỉ Nơi Sinh Quán: Lấy địa danh làm tên hiệu có hai cách. Cách thứ nhất là lấy tên
quê quán hay tên làng. Cách thứ hai lấy tên núi non, sông hồ nơi sinh quán để làm tên hiệu:
a. Lấy tên quê quán làm tên hiệu: Người Trung Quốc cũng như Việt Nam đều có tâm tình rất gắn bó với
quê cha đất tổ, được biểu lộ trong phong tục lấy tên quê quán làm tên hiệu: Xin đan cử một vài ví dụ: Tại
Trung Quốc, chính trị gia Tôn Văn là người ở huyện Trung Sơn nên ông lấy tên hiệu là Trung Sơn. Nhà chủ
trương dân chủ Khang Hữu Vi lấy hiệu là Nam Hải vì quê quán ông ở Nam Hải.
Tại Việt Nam, thân phụ chiến lược gia Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh (thế kỷ14) có tên hiệu là Nhị Khê
vì ông cư ngụ tại làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, Hà Đông. Tác giả bộ Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca là cụ Phạm
Đình Toái có tên hiệu là Song Quỳnh vì cụ người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Học giả
Phạm Quỳnh (1892-1945), ngoài tên hiệu Thượng Chi, còn có tên Hồng Nhân vì chánh quán ở làng Thượng
Hồng, Hải Dương.
b. Lấy tên sông núi làm tên hiệu: Theo quan niệm triết lý Lão Trang, người xưa tin rằng: Nhân giả nhạo
sơn, trí giả nhạo thủy, nghĩa là người có lòng nhân thích núi, người có tri thức thích nước. Do vậy, giới nho sĩ
rất thích dùng tên núi non, sông nước để biểu lộ nhân cách, tư tưởng của mình. Tên hiệu loại này, nếu chỉ
sông, có từ Giang hay Xuyên. Nếu chỉ núi có từ Sơn. Các cụ tin rằng chính sông núi đã hun đúc nên con
người và tài năng các cụ. Thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) dùng bốn câu thơ sau đây giải thích lý do tại
sao ông chọn tên hiệu Tản Đà:

Vùng đất Sơn Tây nẩy một ông
Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng
Sông Đà núi Tản ai hun đúc
Bút thánh câu thần sớm vãi vung.


×