KỸ THUẬT SỬ DỤNG MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP TRỒNG
MỘT SỐ LOẠI RAU
--------------------------------------
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
I. GIỚI THIỆU
Đậy liếp bằng màng phủ nông nghiệp là phương pháp canh tác phổ biến trong sản
xuất rau ở nhiều quốc gia trên thế giới như ở Mỹ, Hàn Quốc, Do Thái, Nhật Bản,
Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Malaysia, v.v... trong hơn 10 năm qua. Ở Việt Nam,
trường Đại Học Cần Thơ đã bắt đầu nghiên cứu sử dụng màng phủ nông nghiệp từ
1992, nhưng tập trung nhất 1997-2000. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long có hơn
1.000 ha rau được trồng với màng phủ nông nghiệp. Trong đó tỉnh An Giang đang
sử dụng màng phủ hơn 400 ha chủ lực là trồng dưa leo tập trung tại huyện Chợ
Mới; tại Tiền Giang, huyện Gò Công Tây khoảng 300 ha chuyên trồng cây dưa hấu.
Hầu hết các tỉnh khác đều có sử dụng màng phủ trồng nhiều loại rau khác nhau,
nhưng diện tích còn nhỏ chừng vài chục đến 100 ha. Nhu cầu sử dụng màng phủ
trong nước ngày càng tăng rõ rệt trong năm vừa qua.
Màng phủ nông nghiệp còn gọi là "màng bạt" hay "thảm", là một loại nhựa dẻo,
mỏng, chuyên dùng để phủ liếp trồng. Hiện nay trên thị trường Việt Nam chỉ có một
loại màng phủ là mặt trên có màu xám bạc và mặt dưới màu đen. Màng phủ Việt
Nam do Công ty Bao Bì Sài Gòn (SAPACO) sản xuất đầu tiên từ năm 1994 có chất
lượng tốt, ổn định được tiêu thụ mạnh nhất; ngoài ra còn có màng phủ của công ty
Bioted; công ty giống Cây Trồng Miền Nam và màng nhập từ Malaysia.
Kích cỡ màng phủ có 5 loại, khác nhau về độ rộng của bề khổ: rộng 0,9 m; 1 m; 1,2
m; 1,4 m và 1,6 m; chiều dài mỗi cuồn đều bằng nhau là 400 m; thời gian sử dụng từ
1-4 vụ dưa leo hoặc 6-10 tháng ngoài đồng tuỳ theo chất lượng màng phủ và cách
bảo quản.
Sử dụng màng phủ nông nghiệp nhằm mục đích tăng hiệu quả kinh tế một cách ổn
định cho người trồng rau.
II. THUẬN LỢI VÀ BẤT LỢI CỦA MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP
* Thuận lợi: Những kết quả nghiên cứu sử dụng màng phủ để trồng rau trên thế giới
và Trường Đại Học Cần Thơ đã cho thấy có nhiều thuận lợi:
1. Hạn chế côn trùng gây hại:
Màu xám bạc của màng phủ có tác dụng phản chiếu ánh sáng mặt trời nên cung
cấp thêm ánh sáng và xua đuổi rầy mềm, bù lạch (côn trùng môi giới truyền bệnh
siêu vi khuẩn gây xoăn đọt), bọ rầy dưa. Ngoài ra còn giảm ấu trùng bọ rầy dưa cắn
phá rễ cây dưa; giảm sâu ăn tạp, sâu trưởng thành lẫn trốn dưới đất lên cắn phá
cây rau vào ban đêm. Vì vậy sử dụng màng phủ giảm số lần phun xịt thuốc sâu trên
rau đặc biệt là giai đoạn cây con (20 ngày sau khi trồng). Hiệu quả giảm sự tấn công
của côn trùng gây hại cũng giảm khi tán lá cây càng lớn.
2. Hạn chế bệnh hại:
Màng phủ cách ly mầm bệnh tấn công từ đất hay từ rơm lên cây, bề mặt màng phủ
khô nhanh sau khi mưa, bộ lá chân luôn khô ráo, không thuận lợi cho nấm bệnh
phát triển nên giảm được bệnh do nấm Rhizoctonia, Sclerotium trên gốc thân, giảm
bệnh đốm phấn, thán thư trên bộ lá dưa leo.
3. Hạn chế cỏ dại:
Màng phủ có một mặt đen ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong
màng phủ, không cần làm cỏ trên mặt liếp trong suốt thời gian cây rau ở ngoài đồng.
Cỏ dại không những cạnh tranh dinh dưỡng với rau mà còn là nơi trú ngụ của côn
trùng gây hại, làm cỏ không những tốn chi phí mà còn làm làm động rễ ảnh hưởng
đến sự sinh trưởng của cây rau.
4. Điều hoà độ ẩm mặt đất và giữ cấu trúc dất:
Mùa nắng mặt đất có màng phủ ngăn cản sự bốc hơi, giữ độ ẩm tốt, đỡ công tưới
nước. Mùa mưa, lượng nước mưa không trực tiếp rơi trên mặt liếp nên rễ cây
không bị úng nước, mặt liếp không bị xói mòn, không lèn mặt, đất giữ cấu trúc tơi
xốp và độ ẩm ổn định trong suốt mùa vụ nên bộ rễ phát triển tối đa, rộng khắp mặt
liếp.
5. Giữ phân bón:
Màng phủ ngăn cản sự bốc hơi của phân đạm (Urea), làm giảm sự thẩm lậu và rửa
trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to. Sự hấp thu các chất dinh dưỡng N, P,
K, Ca, Mg từ bộ rễ cây trồng có sử dụng màng phủ cao hơn 1,4-1,5 lần so với mặt
đất trần (không phủ); phân bón sử dụng cho rau hữu hiệu hơn.
6. Hạn chế độ phèn, mặn:
Đất nhiễm phèn, mặn có sử dụng màng phủ sẽ hạn chế bớt vì màng phủ làm giảm
sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt
động tốt hơn, năng suất cây trồng tăng cao hơn.
7. Tăng nhiệt độ đất:
Màng phủ giữ ấm mặt đất vào ban đêm, đặc biệt là trong mùa lạnh hoặc khi mưa
dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh, bộ rễ phát triển kém; màng phủ giúp duy trì nhiệt độ
đất, bộ rễ phát triển tổn định, cây tăng trưởng khoẻ.
8. Hạn chế chuột:
Bề mặt màng phủ trơn, láng không thuận lợi cho chuột bò vào nên sản phẩm rau ít
bị hại ở giai đoạn thu họach trái như cà chua, ớt, dưa leo và đậu cove nếu như trồng
có làm giàn cao ráo. Có thể dùng màng phủ thay thế cao su bao quanh ruộng lúa,
ruộng rau tránh chuột vì rẽ tiền hơn cao su thường dùng.
9. Tăng giá trị sản phẩm:
Vì màng phủ cung cấp thêm ánh sáng cho cây, giúp màu sắc vỏ trái đẹp, trái không
tiếp xúc với mặt đất nên sạch sẽ, bán cao giá hơn và tỉ lệ trái loại bỏ cũng ít.
Nói chung, màng phủ nông nghiệp làm thay đổi tiểu khí hậu dưới tán cây, tạo điều
kiện thuận lợi cho cây phát triển, cây khoẻ mạnh ngay từ lúc nhỏ. Có thể nói màng
phủ là tấm lá chắn sự tấn công của dịch hại trên cây rau.
* Bất lợi:
1. Màng phủ được làm bằng nhựa khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên, do đó sau
khi sử dụng xong cần thu gom tàn dư màng phủ tập trung lại đốt hoặc tìm chổ chôn
sâu. Nếu vứt bừa bãi, màng phủ lưu tồn lâu ngày trong đất dễ gây ô nhiễm môi
trường.
2. Giá màng phủ cao, đầu tư ban đầu nhiều, nông dân nghèo gặp khó khăn mặc dù
lợi nhuận đem lợi khá hấp dẫn.
III. HIỆU QUẢ CỦA MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP
Những kết quả nghiên cứu sử dụng màng phủ để trồng rau (dưa leo, cà chua, ớt,
khổ qua, đậu que, ...) của Bộ Môn Khoa Học Cây Trồng, Khoa Nông Nghiệp,
Trường Đại Học Cần Thơ 1997-2000 đã cho thấy:
Trồng rau sử dụng màng phủ nông nghiệp:
- Năng suất rau bình quân quanh năm cao hơn phương pháp canh tác truyền thống
(phủ rơm hoặc không phủ) từ 10 - 30% trong điều kiện canh tác bình thường, tuy
nhiên ở những vùng đất có nhiều khó khăn như tỉ lệ cát cao, nưới tưới khan hiếm
(nước mặn) như huyện Thạnh Trị, vùng ven biển huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng...
năng suất có thể cao hơn 50-100%. Rõ ràng màng phủ khắc phục được một phần
yếu tố bất lợi của môi trường
- Tiền lời tăng cũng khoảng 20-30% so với phủ rơm (tương ứng với phần năng suất
tăng) sau khi đã trừ hết các chi phí đầu tư kể cả chi phí màng phủ. Bởi vì sử dụng
màng phủ giảm chi phí làm cỏ, thuốc trừ sâu bệnh và phân bón.
- Cải thiện phương pháp canh tác cổ truyền (phủ rơm), giúp nông dân đở cực khổ
hơn trong việc chăm sóc hàng ngày (như tưới nước, làm cỏ, phun thuốc sâu). Kỹ
thuật mới tương đối đơn giản, người dân có thể thực hiện được trên đất chuyên rẫy
hoặc đất trồng lúa để trồng rau quanh năm.
- Làm thay đổi bộ mặt nông thôn, sản xuất theo hướng công nghiệp hoá và đời sống
người nông dân từng bước được nâng cao bởi thu nhập khá hơn.
IV. KỸ THUẬT SỬ DỤNG MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP TRỒNG RAU
1. Chuẩn bị trước khi trồng:
- Lên liếp: Rất cần thiết vì có lên liếp thì bộ rễ cây mới phát triển tốt, tưới nước được
dễ dàng. Liếp cao trung bình 15-40 cm tuỳ theo mùa, mùa nắng lên liếp thấp, mưa
lên liếp cao.
Thông thường liếp đơn rộng 0,7 - 1,0 m trồng 1 hàng rau như ớt, cà phổi, cà chua,
dưa leo, khổ qua; sử dụng màng phủ khổ 0,9 m hoặc 1 m. Nhưng trồng dưa hấu, bí
đỏ, bí đao, bầu, mướp... nên dùng khổ 1,2 m trồng 1 hàng trên liếp; lên liếp rộng 1 -
1,2 m vì bộ rễ chúng phát triển rất rộng.